Tuesday, December 27, 2016

Viết tặng những kênh youtube bị tạm ngừng và cho cả tôi nữa



Lady Gaga có hát rằng: You never know untill it happens to you
Nếu bạn chưa bao giờ bị tạm ngưng kênh youtube (kênh chính, kênh ruột) thì có thể bài viết này không dành cho bạn.
Youtube giống như một địa chủ lớn, cho bạn dùng đất với giá 0 đồng, bạn phấn khởi cày bừa trên mảnh ruộng ấy, bao nhiêu thóc giống đổ vào đó, Một ngày đẹp trời, địa chủ tịch thu ruộng đất, toàn bộ mùa màng cả một (vài) năm của bạn biến mất chỉ sau một nốt nhạc không rõ nguyên nhân.
Bạn có nhớ dòng này:
Google bảo lưu quyền chấm dứt tài khoản bất cứ lúc nào vì bất cứ lý do gì có hoặc không có thông báo

Bạn uất ức, kêu gào, bạn cần lời giải thích, nhưng chỉ có một điều mà bạn quên mất: Youtube vĩnh viễn là của Google, còn bạn, bạn chưa từng thực sự sở hữu một tài khoản nào cả. Chỉ buồn cho bạn đầu tư nhầm chỗ, gieo giống nhầm vườn.
Mặc dù vậy, cái gì cũng có nguyên nhân, có thể Youtube chỉ ra hoặc không chỉ ra cụ thể cho bạn nhưng nguyên nhân vẫn ở đó.
Nếu giờ bạn vào kênh của mình mà bạn thấy cái dòng màu đỏ đầy ám ảnh: Accounts terminated for "spam, gaming, misleading content, or other Terms of Service violations"
thì đây có thể là một trong những nguyên nhân:

  1. URLs with affiliate or referral codes, monetized URLs, content locked pages (e.g. complete surveys to unlock page) 
  2. Misleading or unnecessary metadata in the video title, description, or tags for exploiting views or in an attempt to game search results. 
  3. Using bots, automated software to increase stats, or purchasing subscribers, views, likes, etc. (excluding using Google AdWords) 
  4. Uploading videos showing how to hack, exploit software (e.g how to get free licensed software like photoshop) or encourage illegal activity. 
  5. Uploading videos in mass quantity which may only be possible via automated software. 
  6. Uploading the same videos or same titles over and over again or other spammy behavior that may exploit the search or recommendation results. 
Mình thấy những lỗi này, thì lỗi só 2, số 6 hoặc thậm chí là số 4 có vẻ là những tài khoản người Việt nhiều khả năng bị mắc phải.
Đấy là chưa nói gì đến copyright policies các kiểu, chẳng ai trên đời này thích bị qua mặt cả, và nếu có ai đó dùng Chrome để qua mặt Youtube/Google thì cũng giống như tên trộm vào nhà tìm đồ lại còn bật điện lên cho sáng dễ nhìn. Phải nhớ Google là vua tracking, qua mặt họ hay không là tuỳ bạn, nhưng việc họ phát hiện ra thì chỉ là chuyện sớm chiều.


Còn nếu kiểm điểm lại, bạn chẳng làm gì sai trái cả, thì hãy appeal, có thể sẽ có một ngày bạn được trả lại mảnh ruộng xưa. Mình đọc trên diễn đàn có anh chị kể được trả lại kênh sau... 11 tháng. Cuộc đời cày ruộng còn dài, người nông dân cứ bình tĩnh.


Mình đã ngồi thiền, tĩnh toạ các kiểu để không hét lên, để hiểu và (cố gắng) chấp nhận sự thật. Thật công bằng mà nói thì Google là nhà cung cấp dịch vu hào phóng nhất thế giới, những dịch vụ mà họ cung cấp hầu hết đều miễn phí, trong khi bạn phải trả tiền cho từng MB sử dụng nếu là ở những nhà cung cấp khác. Nói chung trường hợp này phải biết đủ, (cố gắng) không đòi hỏi gì thêm, dù sao thì cũng chẳng có nơi nào thứ hai như Youtube. Ngày mai, mình sẽ (dùng tài khoản khác) tiếp tục post những videos yêu thích, ai đó có thể xem hoặc không xem nhưng quan trọng là được làm điều mình thích, việc cày ruộng kiếm tiền có lẽ (đành) để xếp sau.


Cảm ơn các bạn đã dành thời gian quý báu để đọc tận tới đây.

LÀM VIỆC NHÓM TRONG MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ

Chúng tôi có 4 người cùng làm việc nhóm: Anastasia người Nga, Elvira, Stepan người Đức và tôi là người Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là lên dự án thành lập một công ty, thuê văn phòng trụ sở, nhân viên, xây dựng phương án kinh doanh, doanh thu, chi phí, các khoản phí, lệ phí và thuế phải nộp. Nói ngắn gọn đây là dự án xây dựng mô hình một công ty khởi nghiệp (startup). Ngày cuối cùng là thuyết trình dự án trước các nhà đầu tư, nói ra con số mà chúng tôi cần để thực hiện dự án và thuyết phục họ đầu tư vào dự án. Nhà đầu tư ở đây chính là cô giáo, các nhóm khác thì nghe, đặt câu hỏi và đánh giá. Đây là một bài tập quan trọng của môn học Entrepreneurship trong chương trình thạc sỹ của tôi.


Vì đây là chương trình học thạc sỹ nên các sinh viên đều là những người đi làm và thậm chí là đã giữ vị trí quản lý (manager). Đây là một điều tốt nhưng điều này cũng phát sinh vấn đề là các bạn cùng nhóm của tôi khá bận và thỉnh thoảng còn cúp học. Anastasia có nhiều ý tưởng nhưng không được thực tế, người Nga họ thường lãng mạn như Pushkin. Ngược lại, Elvira, Stepan – người Đức, khá cứng nhắc và khô khan như máy, họ không có nhiều ý tưởng phong phú, nhưng họ rất đề cao thực tế và hiệu quả. Thế là nhóm chúng tôi nảy sinh một vấn đề nho nhỏ, Anastasia và Elvira, Stepan thường bất đồng ý kiến và tranh luận gay gắt. Ví dụ thảo luận xem thuê trụ sở công ty ở đâu thôi chúng tôi cũng phải mất đến nửa ngày. Trong khi chúng tôi chỉ có 7 ngày để làm dự án. Tôi đứng ở giữa và biết rằng mình phải có trách nhiệm điều hoà giữa hai nhóm bạn, để tạo nhóm thành một khối đoàn kết thống nhất từ ý tưởng đến hành động và kết quả cuối cùng là nhận được điểm “Đạt” của cô giáo. 


Những công việc cần làm là xây dựng hình ảnh tổng quát về công ty, về sản phẩm của công ty, thiết kế logo, xác định thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu, lợi thế cạnh tranh, cách tạo ra thu nhập, xây dựng hiệu quả kinh tế, và con số đầu tư cần thiết. Chúng tôi chia nhau ra mỗi người làm 2 phần. Vì các bạn của tôi khá bận nên ở lớp tôi tổng hợp các ý kiến của cả nhóm lại và xây dựng một ý tưởng chung rồi sau đó cả nhóm cùng thảo luận. 





Chúng tôi lấy tên công ty là D.E.A.S – Delivery the Evolution of Ability to Society, (tạm dịch là Mang đến sự phát triển về năng lực cho xã hội) thực chất đây là chữ cái đầu trong tên của chúng tôi (Hình 1). Chúng tôi xây dựng một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo các khoá kỹ năng mềm: ứng xử với khách hàng, ứng xử với đồng nghiệp, và các khoá học về văn hoá trong các công ty đa quốc gia.


Nhóm chúng tôi đã tranh luận rất nhiều về lĩnh vực hoạt động và khách hàng mục tiêu của công ty. Elvira và Stepan cho rằng những công ty lớn thì không cần đào tạo nhân viên nữa vì hoạt động kinh doanh của họ đã thành công rồi, thế nên khách hàng mục tiêu chỉ nên là những công ty nhỏ hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhưng Anastasia và tôi lại cho rằng những công ty nhỏ thì có ai bỏ chi phí ra để đào tạo kỹ năng mềm cho nhân viên đâu, thế nên khách hàng mục tiêu chỉ nên là những công ty lớn. Khi thảo luận về nhân viên của công ty, chúng tôi đã tranh luận về tiền lương phải trả cho họ. Vì là thuê những chuyên gia và giáo sư từ các trường đại học ở châu Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông nên tiền lương cho họ thường khá cao, Elvira nói ở Đức, một chuyên gia được trả 150 euro/giờ, Anastasia nói ở Nga một chuyên gia được trả lương khoảng 120.000 rúp/tháng. Bởi vì chuyên gia làm việc cho chúng tôi chỉ đi làm 3 ngày 1 tuần, mỗi ngày 4 giờ, nên tôi quyết định trả cho họ 50.000 rúp/tháng/người. Ngoài ra, những chi tiết nhỏ như logo của công ty, design của bài thuyết trình cũng trở thành vẫn đề tranh luận nóng. Tôi bắt đầu nhận thấy người Đức và người Nga có vẻ không dễ cùng làm việc nhóm với nhau, họ tranh luận thường khá gay gắt dù chỉ với một vấn đề nhỏ. Tranh luận gay gắt đến độ Anastasia nói sẽ rời nhóm và rủ tôi rời theo. Tất nhiên tôi không đồng ý. Tôi cố gắng thuyết phục Anastasia ở lại và cũng xoa dịu sự nóng giận của hai bạn người Đức nóng tính. Tôi quyết định sẽ tổng hợp thống nhất cả hai ý kiến vào để mọi người thấy hài lòng và vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng. 


Thêm nữa, chúng tôi phải xem xét về các thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, chính sách thuế, phí, lệ phí. Đây là bài rất quan trọng của môn học cũng là phần quan trọng của dự án nên tôi nhận mình sẽ đảm nhận toàn bộ phần này. Phần vì tôi là người duy nhất trong nhóm đi học đầy đủ nên nắm được tất cả các bài giảng của cô giáo, phần vì đây là khoản tính toán mà những người Nga lãng mạn hoặc những người Đức nóng tính quá đều không thích hợp để làm, hoặc nếu không thì chúng tôi chắc chắn sẽ không kịp hạn chót (deadline). Rất may là phần này các bạn đều tín nhiệm kết quả tính toán của tôi và không có tranh cãi nào xảy ra.


Kết quả cuối cùng: Khách hàng mục tiêu của công ty là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng như: ngân hàng, công ty bán lẻ, các cơ quan nhà nước, bệnh viện; và các công ty đa quốc gia có các nhân viên đến từ các nước với nền văn hoá khác nhau. Cách chúng tôi làm việc là sau khi ký hợp đồng với một công ty cụ thể, chúng tôi sẽ nghiên cứu hoạt động thực tế của công ty đó, nắm được điểm yếu cần khắc phục, điểm mạnh cần phát huy để xây dựng kịch bản đào tạo (training scenario) phù hợp với tình hình thực tế nhất. Và chúng tôi cần khoản đầu tư ban đầu là 1.250.000 rúp và sẽ thu hồi trong 2 tháng. Lợi nhuận mỗi năm thu được là 1.739.000 rúp. Lớp tôi chia là 3 nhóm, có hai nhóm được cô giáo thông qua và xếp điểm “Đạt”, trong đó có nhóm của tôi. Trong hai nhóm đạt này lại tiếp tục chọn ra một nhóm duy nhất nhận được đầu tư. Rất tiếc không phải nhóm của tôi mà là nhóm các bạn kinh doanh thực phẩm hữu cơ (organic food).


Tôi luôn cho rằng sự vận dụng hợp lý hài hoà sinh động giữa lý thuyết và thực hành là một điều kiện để thành công. Ngày hôm nay tôi còn hiểu thêm rằng con người là nhân tố tiên quyết của thành công. Ý tưởng có thể không độc đáo nhưng nhất định phải sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm, kết nối các thành viên, kỹ năng thuyết phục, gây ảnh hưởng là vô cùng quan trọng, và đặc biệt, trong những thời khắc mấu chốt, người lãnh đạo phải đưa ra quyết định cuối cùng sáng suốt vừa khiến tập thể tâm phục khẩu phục và vừa đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.


Saturday, December 10, 2016

Truyện dài kỳ: Xóm lạ (3)

Con Cỏ em thằng Mực trông cứ ngộ nghĩnh làm sao á, nhìn nó chỉ muốn cắn một phát, nhưng ngộ ngộ thế thôi chứ có được xếp vào hàng xinh xắn đáng yêu không thì cũng khó nói lắm. Con nhỏ cái gì cũng hơn thằng anh chỉ có học là không ngu bằng.
Hồi nó đẻ ra thì tôi với thằng Mực phải đi nhà trẻ rồi, bố mẹ nó lại bận lu bu, nhìn quanh chỉ có ông Bò nhà tôi là rảnh rỗi, hồi đó ổng mới học có lớp 4, bài vở có mấy đâu, bận nỗi gì. Thế là hai cụ nhà bên ấy túm đầu ổng bắt trông con Cỏ. Hồi đó ông ấy bé tí mà cũng đảm đang lắm, con Cỏ ỉa di đái dầm kiểu gì cũng chiều được, thay tã thay bỉm nhoay nhoáy cứ như chơi đồ hàng. Về sau con nhỏ bám ông ấy như động vật ký sinh, cứ nhằng nhẵng trên vai chẳng chịu xuống, trời mùa hè nóng nổ mỡ mà nhìn hai đứa cứ như ấp trứng ấy mà không thở được. Tôi trộm nghĩ may mà tôi lớn nhanh để kịp đi mẫu giáo, chứ chịu chung số phận như con Cỏ thế kia thì chắc đẹn người không lớn được.
Ông anh tôi tuổi trâu, đầu tiên gọi ông ấy là Trâu ông ấy cũng chả có ý kiến gì, về sau có dịp cả nhà đi Đồ Sơn xem lễ hội đâm chọc gì đó đẫm máu lắm (tôi còn bé chẳng được xem), thế rồi ông ấy lăn bò ra nhất quyết không cho gọi là Trâu nữa, cả nhà đành gỡ bí, kêu ổng là Bò. Nói chung cũng hợp lý.
Từ đầu tiên con Cỏ biết phát âm là Bò, nó cứ bò bò bò suốt ngày nghe đến nhức đầu, tôi không nói là tôi ghét trẻ con nhưng mà đặc biệt tôi không bao giờ nhận mình là người yêu trẻ. Tôi nghĩ ông Bò chắc cũng giống tôi thôi, chỉ phải cái con Cỏ là trường hợp đặc biệt của ngoại lệ.
Mấy năm sau, xã hội trở nên phức tạp hơn trước thì phải, cái xóm của tôi vẫn đơn giản thế nhưng có điều báo đài cứ loan tin chuyện bé gái ở tỉnh nọ huyện kia mới 3, 4 tuổi đã bị quấy rối nọ kia rất đáng sợ, mẹ tôi nhắc nhở ông Bò lớn rồi nên tránh tránh bọn con gái ra một tí, chứ có chuyện gì xảy ra phiền toái lắm. Mẹ chỉ lo xa nhưng mà cũng phải, lúc ấy ông Bò cũng lên cấp 2 rồi.
Càng lớn càng có nhiều chuyện phức tạp phải đối đầu. Tôi thấy một dạo, ông anh ngủ nướng trôi nhà trôi cửa của tôi bỗng nhiên ngủ sớm dậy sớm đi học sớm rất lạ kỳ. Có lần tôi thấy ông ấy từ đâu vội vã chạy ù vào nhà, những giọt mồ hôi to bằng hạt ngô vẫn đọng nguyên trên trán.
- Anh gặp ma à? Chạy gì ghê thế?
- Tao mà sợ ma á? Nói ma còn phải sợ tao thì còn có lý...
Rồi ổng lại lẩm bẩm:
- Cơ mà không hiểu sao con bé kia lại đếch sợ...
Con bé kia là con bé nào lúc đó tôi chẳng hỏi, chỉ là ngày hôm ấy, thấy con Cỏ nhà bên cứ khóc tấm tức:
- Bò không chơi với Cỏ, Bò không chơi với Cỏ
Lúc đó tôi còn tự hỏi liệu thiểu năng có phải là bệnh truyền nhiễm không?
Hồi con Cỏ học lớp 7 nó bị tai nạn xe hơi, khủng khiếp lắm, cô Tuyết hôm đó khóc như mưa, mồm lắp bắp không nói được gì, nó mất máu nhiều lắm cần phải truyền gấp. Năm đó ông bò học năm cuối đại học, mải thi cử, bảo vệ đồ án các kiểu không gọi điện, không ghé về nhà bao giờ. Tôi chỉ nghĩ là gọi cho ông ấy hỏi thăm vu vơ rồi bâng quơ vô tình nhắc một tiếng ngẫu nhiên vậy thôi, chẳng ngờ chiều hôm đó đã thấy ổng đầu tóc bơ phờ đứng ở cửa phòng bệnh:
- Cô ơi, con cũng nhóm máu O...

Saturday, December 3, 2016

Truyện dài kỳ: Xóm lạ (2)

Năm lớp 11 tôi được vào đội tuyển Lý, và ở đây tôi gặp cơn cảm nắng mùa xuân. Anh ấy hơn tôi 1 lớp, đôi mắt trong veo nhìn thấy đáy, ánh mắt ấy giản dị đến thành thật, sống mũi cao và nụ cười như giọt nắng đầu đông, lành lạnh mà ấm áp khó tả. 
Lúc tôi thẳng thắn nói ra lòng mình với anh, anh chỉ mỉm cười rồi hỏi tôi một câu chả liên quan:
- Hôm nay em học mấy tiết.
- Dạ năm tiết.
Tiết thứ ba ngày hôm ấy, tôi nhận được mẩu giấy, viết mấy dòng vô cùng ngắn gọn nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn giữ và coi nó là bức thư tình đầu tiên của đời mình: "Hôm nay anh cũng năm tiết, để anh đưa em về." Không ngờ trai tuyển Lý làm việc cũng năng suất đến giật mình. Lúc ấy tôi lại thấy phát sinh một rắc rối nhỏ là tôi cũng có xe đạp, mà tôi lại muốn ngồi sau anh đèo cơ, thế là tôi đành  nhờ thằng Mực lai dắt cái xe cản mũi của mình về.
- Tôi mang kiểu gì được, đầu cậu hỏng à? Hắn giãy nảy lên.
Tôi biết, vừa đi xe đạp một tay còn tay kia lại dắt cái xe khác là nhiệm vụ không dễ, không nhiều người làm được, mà nhìn quanh, chắc chỉ có cái thằng sức ngựa này làm được.
- Khó mới nhờ cậu, cố lên, tuần sau kiểm tra tôi ném bài cho.
Cái mặt nó giãn ra được chút xíu cơ mà vẫn có vẻ hậm hực lắm, nhưng động tác tay vẫn là cun cút cầm cái vé xe của tôi. Từ bé đến giờ mặc dù nó hơi thiểu năng nhưng tôi không ghét nó được, vì cái tội thằng này dễ bảo.
Giờ ra chơi tiết bốn, nhịp tim tôi không hiểu sao cứ đập nhanh dần đều, lúc tôi còn ngại con Nhím ngồi bên nghe được cả tiếng thình thịch, thì cô hiệu phó bước vào và thông báo là cô Giáo dục công dân bị ốm, không có ai dạy thay nên lớp được nghỉ. Cả lũ tung hết sách vở cặp mũ lên rồi nháo nhào ùa phi ra cửa cứ như là chạy thoát hiểm. Tôi đần ra một lúc rồi chép miệng: "Lại phải chờ không 45 phút sao?"
Tôi bỏ quyển Thám tử lừng danh ra đọc, hết một vụ án, mấy người chết rồi mà kim đồng hồ mới nhảy được 2 nấc là sao? Tức mình, tôi chỉnh sang chế độ stopwatch, 1 giây nó chạy 100 lần ấy, coi như làm như vậy để thời gian có vẻ nhanh hơn. Lần đầu tiên tôi cảm thấy 45 phút dài như 45 năm, nhắm mắt một cái rồi mơ màng. 
Lúc thấy có cái gì buồn buồn cọ vào mặt, tôi còn đập đập mấy cái tưởng con ruồi, rồi ngoạc mồm ra ngáp một cái rách cả mép mới chịu mở mắt ra.
- Lau nước miếng đi.
Hoá ra anh dí vào mặt tôi tờ khăn giấy, ờ lúc ấy một tờ có vẻ không đủ, ướt hết cả bàn nữa... Ấn tượng đầu tiên tôi tạo cho anh là như vậy đấy. Lúc này có hai cách xử lý: một là đỏ mặt thẹn thùng, hai là dũng cảm thừa nhận khi bộ mặt của mình bị phơi bày rồi lau khô nước miếng. Tôi chọn cách thứ hai vì cách thứ nhất chả có liên quan gì đến tôi cả. Thẹn thùng là cái gì tôi chẳng biết. Tôi thản nhiên cầm khăn giấy lau khô mép, và còn mặt dày xin anh mấy tờ nữa.
- Em được nghỉ tiết cuối, chờ anh đến mỏi mòn rồi.
Anh cười cười:
- Ừ, lớp anh lại ra hơi muộn. Cùng về thôi.
Tôi vẫn luôn cảm thấy may mắn vì nhà mình gần trường. Có lần đạp xe thi với thằng Mực, chạy hết tốc lực chỉ mất 5 phút, đi tà tà chầm chậm thì mất 10 phút. Hôm nay ngồi sau xe anh, anh đi chậm lắm, chắc là đi bộ còn nhanh hơn, vậy mà 15 phút sau đã đến nhà tôi rồi. Ước gì đường xa tẹo nữa.
- Nhà em đây à?
- Vâng, lúc nào rảnh anh vào chơi.
- Ừ, anh rất...
- Ê, Đèn!
Phong cảnh đang trữ tình nên thơ như vậy, bỗng đâu một tiếng hét váng lên, gào to cái tên từ hồi mặc quần thủng đít của tôi, chỉ có thể là thằng Mực. Tôi đang tính quay ra lườm cho nó cháy mặt thì cảnh tượng đập vào mắt làm mặt tôi ngắn tũn và sững lại...
- Xe đạp của cậu đấy, lúc về bị tắc đường tôi kéo hết cả hơi, mồ hôi đầm đìa ướt áo đây này.
Ờ, mệt đứt hơi sao không ở nhà mà nghỉ, tối tôi qua dắt về là được rồi, mắc mớ gì vác sang vào lúc này, thằng này rõ là muốn chơi tôi rồi. Không có lẽ bao nhiêu năm bị đàn áp căm hờn, hắn tích tụ đến ngày hôm nay rồi mang ra báo thù sao? 
Ngày hôm đó, anh nhìn cái xe đạp, nhìn thằng Mực rồi nhìn tôi, ngây ngẩn một hồi, rồi lại như hiểu ra, vẫn là nụ cười như giọt nắng đầu đông ấy.

Friday, December 2, 2016

Truyện dài kỳ: Xóm lạ (1)

Mẹ tôi với bố thằng Mực là bạn từ hồi để chỏm. Hai nhà đối diện nhau lại toàn cửa kính nên nhà kia có hoạt động gì thì nhà này đều biết ngay rồi liền sang tham gia rôm rả. Ông bà nội thằng Mực vẫn chép miệng mãi, tiếc là hai đứa không lấy được nhau. Các cụ già rồi nên lẩm cẩm, gia đình người ta đang đầm ấm thế mà cứ ăn nói lung tung. Kỳ lạ là cô Tuyết mẹ thằng Mực chỉ ôm bụng cười đến nẻ ruột không rõ nguyên nhân. Cô ấy có lẽ là người vô tư đơn giản nhất mà tôi từng được gặp.
Chuyện tôi với thằng Mực sinh ra cũng khá ly kỳ. Nếu tính đúng ngày đúng tháng ra thì có lẽ chúng tôi đẻ cùng ngày cũng nên, chính vì thế nên tôi còn đồ rằng có phải các cụ hai nhà rủ nhau thụ thai cùng giờ không. Cơ mà đấy là chuyện của mười mấy năm về trước rồi nên tôi chả có đầu mối mà truy cứu lại. Phải cái chuyện xảy ra chẳng như dự tính bao giờ. Thằng Mực hồi ấy bị động thai và sinh non một tháng, lúc mới đẻ nó bé như cái túm giẻ, nặng 2,4 kg, mặt mũi tím xanh tưởng là về luôn đất mẹ rồi chứ. Còn tôi thì mãi gần 10 tháng mới chịu chui ra, già cóc già cáy, béo múp đầu, nặng tới 3,7 kg.
Tôi không bảo là tôi cậy béo mà bắt nạt nó, tôi cũng không bảo là tôi không cậy khoẻ mà đánh nó thường xuyên, chỉ là tôi cứ thấy mặt thằng đấy gọi đòn không hiểu nổi. Nó làm cái gì cũng bị tôi cốc đầu hoặc đấm thùm thụp. Những lúc ấy cái mặt nó lại ngu ngu chỉ cười xoà làm tôi thấy tức tối thì ít mà khinh bỉ thì nhiều. Da nó đen sì sì nên tôi gọi nó là Mực, nó ngoạc cái mồm ra cười rồi gọi tôi là Đèn với vẻ mặt đắc chí như thể vừa ăn miếng trả miếng được dữ lắm. Lần đầu tiên tôi thấy có kẻ chửi người khác là Đèn rồi cứ tưởng mình khôn. Từ rất lâu trong tiềm thức tôi hình thành ý niệm thằng này thiểu năng. Mặc dù vậy, trong bụng tôi cũng cảm thấy tên Đèn cũng không tệ, nên cứ ngầm công nhận thế.
Cho đến tận khi lên cấp hai, không rõ là cô Tuyết cho nó ăn cái gì mà nó lớn phổng bất ngờ, tôi thì đang lớn phổng lại bất ngờ chững lại. Tôi vốn không muốn chấp nhận sự thật này thì sờ sờ trước mắt lại bẽ bàng không tả. Đến khi vào cấp ba thì nó đã cao hơn mét tám rồi còn tôi thì vẫn 3 mét bẻ đôi.
Nhưng có một điều từ bé đến giờ tôi nhận định thì không thay đổi. Đó là thằng này học ngu không chịu được. Mọi người vẫn bảo gần Mực thì đen gần đèn thì rạng. Trong trường hợp tôi và nó thì ai đen ai rạng? Tôi học cũng nhất nhì lớp nhưng có rất ít bạn còn hắn đội sổ lớp mà thầy quý bạn yêu. Đặc biệt hắn còn là học trò cưng của thầy thể dục. Tôi không bảo là thầy bị cuồng cậu học trò cơ bắp này nhưng đội tuyển nào thầy cũng cho nó vào thi đấu là nghĩa làm sao? Hắn là đội trưởng đội bóng rổ, thủ môn đội bóng đá, đội phó đội karate và đội dự bị của tuyển cầu lông của trường. Hỏi thiên lý ở đâu? Lúc thi đấu nhỡ chẳng may hắn đánh vào lưới một quả thì toàn trường hô vang tên hắn (mà giọng nữ là chủ yếu). Tôi trộm nghĩ có phải các cô gái tuổi mới lớn này có nhầm lẫn gì chăng?
Vài lần trên đường, có người bị cướp, hắn phi đuổi theo thụi thằng cướp hộc máu mồm be bét, lần đầu tiên tôi cảm thấy thương cảm cho thằng cướp. Sau đó, thằng Mực được công an phường trao giấy khen gì đó, chú đội trưởng còn ngỏ ý mời hắn vào đội bắt cướp nhân dân năm tới, khi hắn 18 tuổi. Còn hắn, từ đầu đến cuối vẫn là điệu cười xoà ngu không tả. Có phải là chú công an cũng có nhầm lẫn gì chăng?
Mười hai năm học, tôi sưu tập khoảng 30 cái giấy khen học sinh xuất sắc cấp lớp, cấp trường, cấp thành phố các loại. Còn hắn thì được bố sắm riêng một tủ kính chỉ chuyên để treo huy chương, cúp vàng bạc, giấy khen, bảng công nhận thành tích vân vân và mây mây, chả nhớ hết mà kể nữa.