Monday, May 24, 2021

Nghe nói đọc viết: Bạn nên phát triển kỹ năng nào?

 Nghe nói đọc viết?

Bạn có kỹ năng nào? Bạn tốt nhất kỹ năng nào?

Nghe, đọc là hai kỹ năng thu, thu thập thông tin, trau dồi kiến thức

Nói, viết là hai kỹ năng phát, phát biểu, trình bày sự hiểu biết của mình về một sự vật hiện tượng con người, một chủ đề cho trước. Đây là hai kỹ năng quan trọng để giúp bạn tạo ra sản phẩm, biến những tư duy suy nghĩ vô hình thành những sản phẩm hữu hình có thể cho người khác nhìn thấy.

Hôm nay trước tiên tôi muốn đề cập đến kỹ năng viết.


Viết là một kỹ năng không thể thiếu trong bất kỳ lĩnh vực nào, dù bạn hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên nơi mà những con số và phép tính mới là vua, thì việc viết lách, trình bày ý tưởng của mình thật mạch lạc giúp người xem hiểu rõ vấn đề bạn đưa ra, cách bạn dẫn dắt, giải quyết vấn đề, tóm lại, viết làm bạn kết nối gần hơn với quần chúng, mọi người xung quanh, bạn bè, thầy cô, những người lãnh đạo.


Có hai kiểu viết là quy nạp và diễn dịch. Quy nạp tức là bạn viết một thôi một hồi xong rồi kết luận, diễn dịch tức là bạn chốt một câu rồi diễn giải ý kiến của mình, hoặc bạn có thể dùng hỗn hợp cả hai. Nắm được kỹ năng này giúp bạn phát triển kỹ năng đọc nhanh hiểu nhanh rất tuyệt. Bạn muốn đọc nhanh ư? Hãy nhanh chóng lướt nhanh các trang sách, đọc câu đầu câu cuối của mỗi chương thế là chỉ cần 5, 10 phút bạn có thể nắm được nội dung tổng quát của cả một quyển sách dày, sau đó lật lại, đọc câu đầu câu cuối của mỗi đoạn văn, bạn lại nắm sâu hơn quyển sách đó muốn nói gì, mất khoảng 15, 20 phút. Bạn cứ nghe người ta quảng cáo trên mạng mỗi ngày đọc mười cuốn sách là do người ta đọc kiểu này chứ không có kiểu nào khác.

Bạn thấy đấy, nắm rõ kỹ năng viết, giúp bạn củng cố kỹ năng đọc, vô cùng bổ ích, và khi bạn đọc được nhiều hơn, thu nhập được nhiều kiến thức hơn, những kiến thức đó ngược lại sẽ giúp bạn làm giàu bút lực của mình để mạch bút được dồi dào, phong phú.

Làm sao để viết tốt, trình bày mạch lạc, rõ ràng? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cần phải có cả một cuốn giáo trình dày, bài viết này chỉ đi sơ lược những nét chính. Đầu tiên, bạn cần cầm bút lên và viết, mở note ra và gõ. Viết viết viết. 

Thói quen viết nhật ký rất tốt, nó giúp bạn sắp xếp lại những suy tư lăng xăng lộn xộn trong đầu một cách có hệ thống, mà lại ghi chép lại những điều xảy ra thành những bài học. Lưu ý là hãy viết nhật ký như là một quyển giáo trình để sau này dùng lại chứ không phải viết nhật ký lên ba kiểu “hôm nay con Bông nó chửi mình, nó nói móc nói mỉa mình, con ấy lúc nào cũng thích sinh sự với mình, làm mình tức điên…” Những dòng bút như vậy không có lợi gì cho thân tâm cả, và tương lai có lúc bạn đọc lại thì chúng cũng chỉ mang lại cho bạn những cảm xúc rất ít tích cực, nhắc bạn nhớ lại cảm xúc bạn đã trải qua ngày hôm ấy. Hãy hướng tư duy của mình vào năng lượng tích cực, chẳng hạn “Hôm nay tôi lại cáu giận, tôi đã để cảm xúc của mình cho người khác điều khiển bằng những câu nói đâm thọc, năng lượng của chúng hoàn toàn tiêu cực, và tiêu cực hơn là chúng có khả năng làm ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi…” Với cách tiếp cận như vậy, bạn sẽ có thể viết tiếp kiểu đặt vấn đề như, “Vậy làm thế nào để kiểm soát được tâm trạng của mình…?” Trong cuộc sống chúng ta không thiếu những vấn đề rắc rối, hãy tập nhìn chúng như một quan sát viên, và đặt câu hỏi ngược lại “Làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?” Sau đó, bằng kinh nghiệm kỹ năng kiến thức trau dồi được qua cuộc sống, bạn sẽ dần dần tìm ra câu trả lời hoặc làm giàu thêm, sắc sảo thêm, phong phú đa dạng thêm câu trả lời đã có sẵn trong đầu.

Viết một quyển sách cần nhiều thời gian, viết một quyển sách sâu sắc càng cần nhiều thời gian hơn. Nhưng đừng nhìn thấy đó mà nản lòng, sợ hãi. Một quyển sách là gồm nhiều chương, một chương lại gồm nhiều đoạn, mỗi ngày viết một đoạn chắc hẳn không khó. Nếu có một ngày bạn bế tắc, một đoạn cũng viết không ra, không sao, hãy viết một câu, có khi một câu cũng viết không ra, không sao hãy viết một từ. Mục tiêu là để giúp bản thân có thói quen cầm bút, có thói quen tư duy bằng ngôn từ.

Khi có thói quen ấy rồi, bạn chỉ cần cầm bút là viết được ra đầy cả trang. Có điều, viết xong rồi nhưng đọc lại bạn có thấy hay, có thấy hấp dẫn không? Nếu nó chỉ là những từ ngữ mông lung phản chiếu cái lăng xăng rỗng tuếch trong đầu? Viết là thể hiện trình độ, là thể hiện trí tuệ, nhưng cũng thể hiện cách tiếp cận, cách trình bày. Có nhiều giáo sư tiến sỹ, kiến thức uyên thâm nhưng viết sách lại ít độc giả vì thiếu hấp dẫn. Nếu bạn viết để một mình bạn đọc thì không sao, cứ để những dòng bút đó trong sổ nhật ký của mình không ai đọc cả, nhưng nếu bạn tham vọng muốn tiếp cận với số đông quần chúng thì hấp dẫn lôi cuốn là một yêu cầu không thể thiếu để thu hút độc giả.

Làm sao để thu hút độc giả? Cái này phần ít là do bẩm sinh, phần nhiều là do luyện tập mà thành. Có những người nói mấy chuyện tầm phào vớ vẩn hàm lượng trí thức có khi rỗng tuếch không có gì thế mà người nghe cứ cười lăn cười bò vì cách thể hiện vô cùng hài hước, có những người kể câu chuyện ly kỳ, rùng rợn làm người nghe há mồm nín thở nghe diễn biến kế tiếp, có những người lại nhẹ nhàng đơn giản làm người nghe cảm thấy mát dịu hiu hiu như một buổi chiều hè... đến đây thì chắc bạn đã hình dung ra làm thế nào để hấp dẫn? Hãy hiểu khả năng của mình: Bạn là thanh niên nghiêm túc hay trẻ trâu hài hước, bạn thích nói trực diện vấn đề hay là vòng vo tam quốc hạ hồi phân giải? Bạn thích lên bổng xuống trầm hay nhẹ nhàng dịu dàng như một bản tình ca? Ở đây mình chưa nói đến mặt lợi, mặt hại của mỗi phong cách, mà là ở bước đầu tiên này, hãy hiểu bản thân, chỗ mạnh chỗ yếu của mình mà chọn lựa một phong cách viết phù hợp nhất.

(còn tiếp)

Monday, May 17, 2021

Học tiếng Anh qua kinh Lăng Nghiêm - Học tiếng Trung qua kinh Lăng Nghiêm

Cảm ơn các bạn thời gian qua đã ủng hộ yêu mến học ngoại ngữ qua kinh điển, rất mong các bạn có được những giờ học tập và nghiên cứu kinh điển hoạch được nhiều lời ích và an lạc. 

 Đây là link download tài liệu học: 

 Link học tiếng Anh qua kinh Lăng Nghiêm: 

 Link học tiếng Trung qua kinh Lăng Nghiêm: 


 Link download bản giảng giải của Hoà thượng Tuyên Hoá: 

 Chúc các bạn viên mãn thành công.