Monday, October 10, 2016

Tập 4: Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm Thập Địa thứ hai mươi sáu: Thứ năm Nan Thắng địa

KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Đà
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định

TẬP 4








KINHHOANGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

QUYỂN BA MƯƠI SÁU

PHẨM THẬP ĐỊA THỨ HAI MƯƠI SÁU
THỨ NĂM NAN THẮNG ĐỊA

        Bồ Tát nghe hạnh thắng địa nầy
      Nơi pháp hiểu ngộ tâm hoan hỉ
       Trong không mưa hoa khen ngợi rằng:
      Lành thay Đại sĩ Kim Cang Tạng.
        Tự Tại Thiên Vương và Thiên chúng
      Nghe pháp hớn hở trụ hư không
      Khắp phóng đủ thứ mây sáng đẹp
       Cúng dường Như Lai vui tràn đầy.
        ChưThiên thể nữ tấu âm nhạc
      Cũng dùng lời lẽ ca khen Phật
      Đều nhờ oai thần của Bồ Tát
      Trong âm thanh đó phát lời nầy:
        Nguyện Phật xa xưa nay mới mãn
      Phật đạo lâu xa nay mới được
      Thích Ca Văn Phật đến cung trời
      Bậc lợi trời người lâu mới thấy.
        Biển cả lâu xa nay mới động
      Phật quang lâu xa nay mới phóng
      Chúng sinh lâu xa mới an lạc
      Âm thanh đại bi lâu mới nghe.
        Công đức bờ kia đều đã đến
      Kiêu mạn đen tối đều đã diệt
      Thanh tịnh cùng cực như hư không
        Không nhiễm thế pháp như hoa sen.
      Đấng Đại Mâu Ni hiện ra đời
      Ví như Tu Di hiện giữa biển
      Cúng dường dứt sạch tất cả khổ
      Cúng dường sẽ được trí chư Phật.
      Chỗ nầy đáng cúng không gì bằng
       Thế nên tâm vui cúng dường Phật
      Như vậy vô lượng các Thiên nữ
      Phát lời lẽ đó khen ngợi rồi.
        Tất cả cung kính vui tràn đầy
      Chiêm ngưỡng Như Lai đứng yên lặng
      Lúc đó Đại sĩ Giải Thoát Nguyệt
      Lại thỉnh vô uý Kim Cang Tạng
      Các tướng hạnh trong Địa thứ năm
      Xin đại Bồ Tát hãy tuyên nói.

      Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng bảo Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt rằng : Phật tử ! Đại Bồ Tát Địa thứ tư tu hành thiện đạo viên mãn rồi, muốn vào Địa thứ năm Nan Thắng Địa, phải nhờ mười thứ tâm thanh tịnh bình đẳng.
        Những gì là mười ? Đó là : Tâm bình đẳng thanh tịnh đối với Phật pháp trong quá khứ. Tâm bình đẳng thanh tịnh đối với Phật pháp vị lại. Tâm bình đẳng thanh tịnh đối với Phật pháp hiện tại. Tâm bình đẳng thanh tịnh đối với giới. Tâm bình đẳng thanh tịnh đối với tâm. Tâm bình đẳng thanh tịnh trừ thấy nghi hối. Tâm bình đẳng thanh tịnh nơi trí đạo phi đạo. Tâm bình đẳng thanh tịnh tu hành trí huệ kiến giải. Tâm bình đẳng thanh tịnh quán sát tất cả pháp bồ đề phần. Tâm bình đẳng thanh tịnh giáo hoá tất cả chúng sinh. 
      Đại Bồ Tát dùng mười thứ tâm bình đẳng thanh tịnh nầy, vào được Địa thứ năm của Bồ Tát.
      Phật tử ! Đại Bồ Tát trụ Địa thứ năm nầy rồi, do khéo tu pháp bồ đề phần. Do khéo thanh tịnh thâm tâm. Lại do cầu đạo vô thượng thù thắng. Do tuỳ thuận chân như. Do nguyện lực gia trì. Do từ bi thương xót không bỏ tất cả chúng sinh. Do tích tập phước trí trợ đạo. Do tinh tấn siêng năng tu tập không ngừng. Do sinh ra phương tiện khéo léo. Do quán sát chiếu sáng các bậc trên. Do được Như Lai hộ niệm. Do niệm trí lực gia trì, nên được tâm không thối chuyển.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát nầy, biết như thật, đây là khổ Thánh đế, đây là khổ tập Thánh đế, đây là khổ diệt Thánh đế, đây là khổ diệt đạo Thánh đế. Khéo biết tục đế, khéo biết đệ nhất nghĩa đế, khéo biết tướng đế, khéo biết sai biệt đế, khéo biết thành lập đế, khéo biết sự đế, khéo biết sinh đế, khéo biết tận vô sinh đế, khéo biết nhập đạo tri đế, khéo biết tất cả Bồ Tát địa thứ lớp thành tựu đế, cho đến khéo biết Như Lai trí thành tựu đế.
      Vì Bồ Tát này tuỳ tâm ưa thích của chúng sinh, khiến cho họ hoan hỉ, nên biết tục đế. Vì thông đạt một thật tướng, nên biết đệ nhất nghĩa đế. Vì giác ngộ pháp tự tướng cộng tướng, nên biết tướng đế. Vì biết rõ các pháp phân vị sai biệt, nên biết sai biệt đế. Vì khéo phân biệt uẩn giới xứ, nên biết thành lập đế. Vì giác ngộ thân tâm khổ não, nên biết sự đế. Vì giác ngộ các cõi sinh tương tục, nên biết sinh đế. Vì tất cả nhiệt não rốt ráo diệt, nên biết hết vô sinh trí đế. Vì sinh ra không hai, nên biết nhập đạo trí đế. Vì chánh giác tất cả hạnh tướng, nên khéo biết tất cả Bồ Tát địa. Thứ lớp tiếp tục thành tựu, cho đến Như Lai trí thành tựu đế, dùng trí lực tin hiểu mà biết, chứ chẳng phải dùng rốt ráo trí lực mà biết được.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát này đắc được các đế trí như vậy rồi, biết như thật tất cả pháp hữu vi hư vọng trá nguỵ, lừa dối mê hoặc phàm phu ngu si.
        Bấy giờ, Bồ Tát tăng thêm đại bi, sinh đại từ quang minh, đối với các chúng sinh.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát này được trí lực như vậy, chẳng xả bỏ tất cả chúng sinh, thường cầu trí huệ của Phật. Quán tất cả hạnh hữu vi, tiền tế, hậu tế như thật. Biết từ vô minh tiền tế, hữu, ái, nên sinh. Sinh tử lưu chuyển, ở trong nhà các uẩn không thể thoát ra, tăng trưởng nhiều sự khổ tụ tập.
        Không cái ta, không kẻ thọ, không kẻ dưỡng dục, càng không kẻ thủ lấy số thân đời sau. Lìa cái ta, của ta, như quá khứ, vị lai, cũng như vậy, đều không chỗ có. Hư vọng tham trước, dứt sạch thoát khỏi. Hoặc có, hoặc không, đều biết như thật.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát này lại nghĩ như vầy : Các phàm phu này ngu si không trí huệ, rất đáng thương xót. Có vô số thân, đã diệt, nay diệt và sẽ diệt, diệt hết như vậy, mà không thể nghĩ nhàm chán về thân. Lại càng tăng thêm biết bao việc khổ, theo dòng sinh tử, không thể quay trở lại được. Nơi nhà các uẩn, không cầu thoát khỏi.
        Không biết lo sợ bốn rắn độc lớn, không nhổ được mũi tên kiêu mạn kiến chấp, không diệt được lửa tham sân si, không phá tan được vô minh đen tối, không cạn khô được biển lớn ái dục, không cầu đại Thánh đạo sư mười lực, mà nhập vào rừng rậm ma ý, ở trong biển sanh tử, bị sóng giác quán cuốn trôi nhận chìm.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát này lại nghĩ như vầy : Chúng sinh này thọ khổ như vậy, cô cùng khốn đốn, không ai cứu, không chỗ nương, không đất, không nhà, không mắt, không người dẫn dắt, vô minh che đậy, ràng buộc trong đen tối.
Nay tôi vì tất cả chúng sinh đó, mà tu hành pháp phước trí trợ đạo, độc nhất phát tâm, không cầu bạn bè. Đem công đức nầy, khiến cho các chúng sinh rốt ráo được thanh tịnh, cho đến đắc được mười lực trí huệ vô ngại.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát dùng trí huệ quán sát căn lành tu tập như vậy, đều vì cứu hộ tất cả chúng sinh, lợi ích tất cả chúng sinh, an lạc tất cả chúng sinh, thương xót tất cả chúng sinh, thành tựu tất cả chúng sinh, giải thoát tất cả chúng sinh, nhiếp thọ tất cả chúng sinh. Khiến cho tất cả chúng sinh lìa các khổ não, khiến cho tất cả chúng sinh khắp được thanh tịnh, khiến cho tất cả chúng sinh đều được điều phục, khiến cho tất cả chúng sinh vào Bát Niết Bàn.    
        Phật tử ! Đại Bồ Tát trụ Nan Thắng địa thứ năm, gọi là nhớ, vì không quên các pháp. Gọi là trí, vì hay khéo quyết định. Gọi là có thú hướng, vì biết trải qua ý thú, lần lượt liên hợp. Gọi là tàm quý, vì tự hộ, hộ người. Gọi là kiên cố, vì không bỏ giới hạnh. Gọi là giác, vì hay quán thị xứ phi xứ. Gọi là tuỳ trí, vì không tuỳ theo họ. Gọi là tuỳ huệ, vì khéo biết câu nghĩa phi nghĩa khác nhau. Gọi là thần thông, vì khéo tu thiền định. Gọi là phương tiện khéo léo, vì hay tuỳ thế gian tu hành. Gọi là không nhàm đủ, vì khéo tích tập phước đức. Gọi là không ngừng nghỉ, vì thường cầu trí huệ. Gọi là không mỏi mệt, vì tập đại từ bi. Gọi là vì họ siêng tu, vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh vào Niết Bàn. Gọi là siêng cầu không giải đãi, vì cầu lực vô uý pháp bất cộng của Như Lai. Gọi là phát tâm năng hành, vì thành tựu trang nghiêm cõi Phật. Gọi là siêng tu đủ thứ nghiệp lành, vì hay đầy đủ tướng tốt. Gọi là thường siêng tu tập, vì cầu trang nghiêm thân lời ý của Phật. Gọi là đại tôn trọng cung kính pháp, vì ở nơi tất cả Bồ Tát pháp sư, theo lời dạy mà tu hành. Gọi là tâm không chướng ngại, vì dùng đại phương tiện, thường hành thế gian. Gọi là ngày đêm xa lìa những tâm khác, vì thường thích giáo hoá tất cả chúng sinh.
        Phật tử ! Khi đại Bồ Tát siêng tu hành như vậy, dùng bố thí để giáo hoá chúng sinh. Dùng ái ngữ, lợi hành, đồng sự, để giáo hoá chúng sinh. Thị hiện sắc thân để giáo hoá chúng sinh. Diễn nói các pháp để giáo hoá chúng sinh. Khai thị Bồ Tát hạnh để giáo hoá chúng sinh. Hiển hiện đại oai lực của Như Lai để giáo hoá chúng sinh. Thị hiện lỗi lầm hoạn nạn của sinh tử để giáo hoá chúng sinh. Khen ngợi lợi ích trí huệ của Như Lai để giáo hoá chúng sinh. Hiện sức đại thần thông để giáo hoá chúng sinh. Dùng đủ thứ hạnh phương tiện để giáo hoá chúng sinh.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát nầy siêng năng dùng phương tiện giáo hoá chúng sinh như vậy, tâm luôn liên tục hướng về trí huệ của Phật, khiến cho các căn lành không thối chuyển, thường khuyên tu học pháp thù thắng hạnh.
        Phật tử ! Đại Bồ Tát nầy, vì lợi ích chúng sinh, nên học tập tất cả kỹ nghệ thế gian, như văn học, toán số, đồ thư, ấn tỉ, địa thuỷ hoả phong, đủ các thứ luận, thảy đều thông đạt.
Lại giỏi phương thuốc chữa lành các bệnh, như điên cuồng, càn tiêu, quỷ mị, cổ độc, đều trừ dứt được. Văn bút tán vịnh, ca múa, kỹ nhạc, diễu cười, đàm luận, thảy đều khéo giỏi. Quốc thành, thôn ấp, nhà cửa, vườn tược, suối chảy, ao hồ, cỏ cây, hoa thuốc, những thứ giăng bày, thảy đều biết rõ. Vàng bạc, ma ni, chân châu, lưu ly, ngọc bích, san hô, các bảo tàng, đều biết nơi chốn, bày chỉ cho người. Đều giỏi quán sát mặt trời, mặt trăng, tinh tú, chim kêu, địa chấn, đêm mộng cát hung, thân tướng sang hèn, không một chút sai lầm.
Trì giới nhập định, thần thông vô lượng, bốn vô sắc, cùng với tất cả việc thế gian khác, nhưng đối với chúng sinh chẳng tổn hại nhiệt não. Vì lợi ích thảy đều khai thị, dần dần khiến cho họ an trụ vào Phật pháp vô thượng.
        Phật tử ! Bồ Tát trụ Nan Thắng địa nầy, do nguyện lực mà thấy được nhiều vị Phật. Như thấy được nhiều trăm vị Phật, nhiều ngàn vị Phật, nhiều trăm ngàn vị Phật, cho đến thấy nhiều trăm ngàn ức Na do tha vị Phật. Đều cung kính tôn trọng, thừa sự cúng dường y phục, thức ăn uống, ngoạ cụ, thuốc thang, tất cả đồ tư sanh, thảy đều dâng cúng. Cũng đem cúng dường tất cả chúng Tăng, đem căn lành nầy, hồi hướng về Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
      Ở chỗ chư Phật cung kính nghe pháp, nghe rồi thọ trì, tuỳ sức tu hành. Lại ở trong pháp của chư Phật đó mà được xuất gia. Xuất gia rồi, lại càng nghe pháp, đắc được Đà la ni, làm văn trì pháp sư. Trụ trong địa nầy, trải qua trăm kiếp, ngàn kiếp, cho đến vô lượng trăm ngàn ức Na do tha kiếp, hết thảy căn lành, dần dần càng trong sáng thanh tịnh.
        Phật tử ! Ví như vàng thật, dùng xa cừ để đánh bóng, thì càng sáng tịnh. Hết thảy căn lành của Bồ Tát ở địa nầy cũng lại như vậy. Dùng phương tiện huệ suy gẫm quán sát, thì càng sáng tịnh.
        Phật tử ! Bồ Tát trụ tại Nan Thắng địa nầy, dùng phương tiện trí thành tựu công đức, căn lành địa dưới không bằng được.
      Phật tử ! Như mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cung điện, quang minh, do sức gió gia trì, không thể trở hoại được, các gió khác cũng không thể khuynh động được. Hết thảy căn lành của Bồ Tát địa nầy cũng lại như vậy. Dùng phương tiện trí tuỳ theo sự quán sát, không thể trở hoại được, tất cả căn lành của bậc Thanh Văn, Độc Giác, thế gian cũng không thể khuynh động được. Trong mười Ba la mật, Bồ Tát nầy thiên nhiều về thiền Ba la mật, còn các Ba la mật kia, chỉ tuỳ sức tuỳ phần mà tu hành.
        Phật tử ! Đó là lược nói về Nan Thắng địa thứ năm của đại Bồ Tát. Bồ Tát trụ địa nầy, phần nhiều làm Thiên Vương cõi trời Đâu Suất. Chỗ làm tự tại nơi các chúng sinh, hàng phục được tất cả ngoại đạo tà kiến, hay khiến cho chúng sinh trụ trong thật đế. Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, làm tất cả các nghiệp như vậy, đều không lìa niệm Phật, không lìa niệm Pháp, không lìa niệm Tăng, cho đến không lìa niệm đầy đủ nhất thiết chủng trí, nhất thiết trí.
        Lại nghĩ như vầy : Tôi phải ở trong chúng sinh làm thượng thủ, làm thắng, làm thù thắng. Làm diệu, làm vi diệu. Làm thượng, làm vô thượng. Cho đến làm bậc y chỉ của trí nhất thiết trí.
        Nếu Bồ Tát nầy phát tâm siêng tinh tấn, trong khoảng một niệm, đắc được ngàn ức tam muội, thấy được ngàn ức vị Phật, biết thần lực của ngàn ức vị Phật, có thể chấn động ngàn ức thế giới của Phật, cho đến thị hiện ngàn ức thân, mỗi mỗi thân, thị hiện ngàn ức Bồ Tát dùng làm quyến thuộc. Nếu dùng nguyện lực thù thắng của Bồ Tát, thì tự tại thị hiện, hơn số trên đây. Trăm kiếp, ngàn kiếp, cho đến trăm ngàn ức Na do tha kiếp, cũng không đếm biết được.
        Bấy giờ, Bồ Tát Kim Cang Tạng, muốn thuật lại nghĩa trên, mà nói bài kệ rằng:
      Bồ Tát Tứ địa thanh tịnh rồi
      Suy gẫm ba đời Phật bình đẳng
      Giới tâm trừ nghi đạo phi đạo
      Quán sát như vậy vào Ngũ địa.
        Niệm xứ làm cung, căn làm tên
      Chánh cần làm ngựa, thần túc: xe
      Áo giáp năm lực phá oán địch
      Dũng mãnh không lùi vào Ngũ Địa.
        Tàm quý làm y, giác phần: man
       Tịnh giới làm hương, thiền: hương thoa
       Trí huệ phương tiện diệu trang nghiêm
      Vào rừng tổng trì vườn tam muội.
        Như ý làm chân, chánh niệm: cổ
      Từ bi làm mắt, trí huệ: răng
      Sư tử vô ngã trong loài người
      Phá oán phiền não vào Ngũ địa.
        Bồ Tát trụ Địa thứ năm nầy
      Chuyển tu đạo thanh tịnh thù thắng
      Chí cầu Phật pháp không thối chuyển
      Tâm niệm từ bi không nhàm mỏi.
         Tích tập phước trí thắng công đức
        Tinh cần phương tiện quán địa trên
      Phật lực gia trì đủ niệm huệ
      Biết rõ bốn đế đều như thật.
        Khéo biết thế đế thắng nghĩa đế
      Tướng đế khác biệt thành lập đế
      Sự đế sinh tận và đạo đế
      Cho đến Như Lai vô ngại đế.
        Quán đế tuy vi diệu như vậy
      Chưa được vô ngại thắng giải thoát
      Nhờ đây hay sinh đại công đức
      Cho nên vượt qua trí thế gian.
        Bèn quán đế rồi biết hữu vi
      Thể tánh hư nguỵ không thật bền
      Được phần từ mẫn quang của Phật
      Vì lợi chúng sinh cầu Phật trí.
        Quán các hữu vi trước và sau
      Vô minh đen tối ái ràng buộc
      Lưu chuyển xoay vòng trong sự khổ
        Không ta không người không thọ mạng.
      Ái thủ là nhân thọ khổ sau
      Muốn tìm bờ mé không thể được
      Mê vọng trôi chìm không kỳ về
      Bọn nầy đáng thương tôi phải độ.
        Uẩn: nhà, rắn: cõi, mũi tên: chấp
      Lửa tâm cháy mạnh si ám nặng
      Sông ái trôi chuyển không rảnh xem
      Biển khổ dật dờ không người dắt.
        Biết như vậy rồi siêng tinh tấn
      Chỗ làm đều vì độ chúng sinh
      Gọi là bậc có niệm có trí
      Cho đến bậc giác hiểu phương tiện.
         Tu hạnh phước trí không nhàm đủ
      Cung kính đa văn không mệt mỏi
      Cõi nước tướng tốt đều trang nghiêm
      Tất cả như vậy vì chúng sinh.
        Vì muốn giáo hoá các thế gian
      Giỏi biết thư số ấn các pháp
      Cũng lại hiểu biết các phương thuốc
       Chữa trị các bệnh khiến lành hẳn.
        Văn tự ca múa đều khéo giỏi
      Nhà cửa vườn hồ đều an ổn
      Bảo tàng phát hiện chỉ cho người
      Vì lợi ích vô lượng chúng sinh.
        Nhật nguyệt tinh tú đất chấn động
       Cho đến thân tướng cũng quán sát
      Tứ thiền vô sắc và thần thông
      Vì lợi thế gian đều hiển bày.
        Bậc trí trụ Nan Thắng địa nầy
      Cúng Na do Phật cũng nghe pháp
      Như dùng báu đẹp dũa vàng thật
      Hết thảy căn lành dần sáng tịnh.
        Ví như tinh tú trong hư không
      Sức gió nhiếp trì không tổn động
      Cũng như hoa sen không dính nước
      Đại sĩ tu nơi đời như vậy.
         Trụ đây thường làm vua Đâu Suất
      Hàng phục dị đạo các tà kiến
      Tu các việc lành vì Phật trí
       Nguyện được mười lực cứu chúng sinh.
        Bồ Tát lại tu đại tinh tấn
      Tức thời cúng dường ngàn ức Phật
      Được định động cõi cũng như thế
      Nguyện lực mà làm lại hơn trên.
        NanThắng địa thứ năm như vậy
      Đạo chân thật tối thượng trong người
      Tôi dùng đủ thứ sức phương tiện

      Vì các Phật tử diễn nói xong.

No comments:

Post a Comment