Saturday, October 15, 2016

Kinh Lăng Nghiêm: Ma chướng trên đường tu tập - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (9)



KINH LĂNG NGHIÊM : MA CHƯỚNG TRÊN ĐƯỜNG TU TẬP

GIẢNG GIẢI (tiếp theo)



8. HÒA THƯỢNG GIẢNG NGÀY 2 THÁNG 12

NĂM 1993

Trước đây chuyện Lưu Kim Đồng bị ma gá là biểu hiện sự tác quái của một trong Năm mươi hiện tượng ấm ma. Nay có thêm hai người bị ma gá nữa. Một trong số đó rất nguy hại, vì cô ta biết pháp nhiếp hồn. Một phụ nữ từ San José đã quy y với tôi, về sau đến học với cô ta và trở về lại thì bị mắc bệnh ung thư (cancer). Đó là việc lấy người khác làm trò đùa của cô ta. Về sau người phụ nữ ở San José tìm gặp tôi, tôi chẳng còn để ý đến việc đó nữa. Mặc dù tôi sẽ giúp cho cô ta chữa lành bệnh, nhưng sẽ không để cho mọi người biết cô ta mắc bệnh ung thư.



9. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983.

“Khi thọ ấm trở nên rỗng suốt hư diệu, hành giả không còn vướng mắc với trạng thái tà lự.”

Đến lúc này, thọ ấm đã hết, hành giả đang ở trong tưởng ấm , nó vốn rất vi tế và nhỏ nhiệm. Vi tế là khi ông không còn vọng tưởng, thì ông sẽ không còn bị quấy nhiễu bởi tạp niệm, bởi trạng thái tà lự. Đó là do cảm giác bất an và sợ hãi. Bất an và sợ hãi điều gì? Giống như có người nước Kỷ[127] cứ lo sợ không biết lúc nào thì trời xanh kia sẽ sập xuống. Đó là ông ta đã ở trong trạng thái tà lự. Nay hành giả không còn bị vướng trong trạng thái là lự ấy nữa, không còn tình trạng đó trong ông ta nữa.

Tuy nhiên anh ta không đủ sức để chống lại với phiền não đến từ bên ngoài, do vì tham ái và mong cầu vẫn còn hiện hữu trong tâm trí anh ta. Vì tư tưởng tự tư và tự lợi vẫn còn ẩn dấu bên trong, nên hành giả sẽ bị tấn công bởi môi trường bên ngoài.

“Tà lự” không những liên quan đến vọng tưởng mà còn liên hệ đến sự bất an và sợ hãi nữa. Khi bạn thấy sợ hãi một điều gì, nghĩa là bạn có tà lự, khi người khác áp chế bạn, bạn sợ phải nói đến điều ấy, thì đó cũng là một trạng thái tà lự.

10. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Trong khi ta đang khảo sát các hiện tượng trong Năm mươi ấm ma, có thể có 500 loại ấm ma hiện đến, thế nên các ông nên mở rộng cửa để mời nó đến quấy phá mình. Dù là ma nó cũng hỗ trợ cho công phu của mình trong chiều hướng nghịch. Nó sẽ khảo nghiệm xem thử chí nguyện ông có kiên định hay không? Nếu đạo tâm ông thật sự kiên cố thì dù có cả ngàn loại thiên ma cũng không thể nào làm cho ông xao động, vạn loại thiên ma cũng không làm cho ông thối thất, ông sẽ không còn sợ hãi điều gì hết, vì ông không mong cầu điều gì cả.

Nên có câu: “Đáo vô cầu xứ tiện vô ưu.”

Nghĩa là: Tâm đạt đến chỗ không mong cầu thì chẳng còn phải lo ngại điều gì nữa cả.

Do ông không mong cầu điều gì nữa, nên ông không sợ hãi điều gì cả. Thông thường người ta sợ hãi điều gì? Một số người sợ ma vì những hình thù quái dị của nó. Họ biết rằng một số người hóa thành ma sau khi chết đi, chẳng có ai sợ hãi các vị Thần, mặc dù có những vị như Thần Kim Cang có hình thù rất dữ dằn. Khổng Tử từng nói: “Kính quỷ thần nhi viễn chi.” Các ông nên hết sức kính trọng quỷ thần, nhưng đừng tiếp cận với họ, các ông chẳng nên sợ hãi cả quỷ lẫn thần.

Cũng chẳng nên sợ ma. Nó chỉ là một loại đến để khảo nghiệm ông trong công phu tu tập thôi. Nếu ông sợ nó, thì nó sẽ đến dù ông không mong mỏi. Bí quyết là ở chỗ không sợ. Nếu ông không sợ, thì ông là người chân chánh, và ông có thể hàng phục tất cả. Ma quỷ đều sợ những người chân chánh. Nếu ông được như vậy, thì ma sẽ dần dần bị chinh phục, và rồi sẽ khấu đầu đảnh lễ ông.

11. HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA GIẢNG NGÀY 21 THÁNG 5 NĂM 1989.

Hòa thượng: Thiện xảo ở đây hoàn toàn không phải là phương tiện thông thường, thiết thực. Phương tiện thiết thực là một phương pháp thông dụng. Phương tiện thiện xảo mà hành giả có ở đây rất tài tình, vi diệu và không thể dò tìm ra dấu vết được, vì hành giả đã vận dụng nó một cách rất tuyệt diệu. Ông không thể cho rằng những điều ông đã nghe chỉ đơn thuần là phương tiện.

Đệ tử: Phải chăng hành giả mong cầu phương tiện thiện xảo là để giáo hóa chúng sanh?

Hòa thượng: Không chỉ trong việc giáo hóa, mà trong tất cả mọi phương diện khác, hành giả đều có trí huệ thiện xảo này. Những phương pháp thông thường thiết thực nhất đều có thể được mọi người nhận ra. Nhưng loại phương tiện thiện xảo đề cập ở đây không dễ gì được nhận ra ngay bởi người khác, vì hành giả đề cập tới nó một cách rất hợp lý và tài tình. Ông không thể nào tìm ra thấy chút lỗi lầm nơi lời nói của họ.

12. HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA GIẢNG

THÁNG GIÊNG NĂM 1983

“Ma được dịp thuận tiện.” Đó là nó nắm được cơ hội do hành giả mở cửa khi móng khởi tâm mong cầu. Chẳng phải dễ gì hiểu được ý thú của kinh, các ông có thể lầm lạc chút xíu ngay trong kiến giải của riêng mình.

13. HÒA THƯỢNG GIẢNG NGÀY 21 THÁNG 5

NĂM 1989

“Cho tinh thần gá vào người khác, dùng miệng người ấy giảng nói kinh pháp.”

Có hai cách để giải thích ý này: Có thể hiểu là ma chiếm đoạt thân xác người khác, rồi giảng pháp cho người mà nó đã chiếm đoạt nghe. Cũng có thể hiểu là ma chiếm đoạt định lực của hành giả, ngay cả những kiến giải của hành giả. Có hai cách hiểu như vậy.

Khi hành giả ở trong trạng thái tưởng ấm . Thiên ma không thể chiếm đoạt và nhiễu loạn tâm hành giả một cách trực tiếp được. Ví dụ như hành giả vô ý múa thái cực quyền và la hét lớn lên, anh ta biết rõ những gì đang xảy ra và biết đó là sai lầm, thì ma không thể nào quấy phá anh ta được. Mặt khác nếu một người không tu tập gì cả, anh ta sẽ không biết ma nhập ra sao và sự việc diễn biến như thế nào cả? Hầu hết mọi người không có công phu đều rơi vào trường hợp này. Ma nhập vào người và nói thông qua miệng, lưỡi của người đó. Sau khi ma đi khỏi rồi, ông thử hỏi người ấy điều gì sẽ xảy ra thì họ không thể nào biết được. Là vì tâm của người ấy hoàn toàn mê muội. Những người không mê muội bởi ma thì sẽ giữ được bản tâm trong sáng.

Có rất nhiều cách hiểu, không đơn thuần chỉ có một. Nếu ông hiểu trong lời kinh nói, chỉ có ma nhập vào một người khác, thì kiến giải của ông chưa hoàn toàn chính xác, có rất nhiều khả năng, và mỗi tình huống lại phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau, vì thế nó không nhất định.

Trong khi kinh văn có thể được giải thích bằng mọi cách cho có ý nghĩa thì việc phiên dịch kinh không nên hạn cuộc vào một lối giải thích cá biệt. Kinh ví như biển, lời dịch ví như sông, sông có thể chảy về biển bằng nhiều dòng, vậy nên các ông không nên lấy một con sông cá biệt nhỏ nhoi để đại diện cho biển cả mênh mông.

14. HÒA THƯỢNG GIẢNG NGÀY 2 - 12 - 1993.

Đừng trở nên dính mắc vào lời kinh, kinh cho chúng ta một ý nghĩa tổng quát về những gì có thể diễn ra, nhưng mỗi tình huống cá biệt đều khác nhau. Không những chỉ có năm mươi, mà có thể sẽ có 500, 5000 hoặc ngay cả 50.000 hiện tượng ma. Có rất nhiều hiện tượng đến nỗi chúng ta sẽ không bao giờ thôi nói về chúng. Năm mươi hiện tượng ấm ma này chỉ là một tập hợp tổng quát. Quý vị đừng nên nghĩ rằng Năm mươi hiện tượng ấm ma này như một thứ gì cao thâm, áo diệu lắm. Hãy xem những điều này như được nói ra bởi một người bình thường, đừng nên chẻ sợi tóc ra làm hư.

Cách tôi giảng kinh gọi là thiển thích, tôi không giải thích sâu xa. Khi tôi giảng kinh, mục đích duy nhất là để cho mọi người đều hiểu được những gì tôi muốn nói, và đối với tôi là hiểu được những gì mọi người muốn nói. Đừng nên nghĩ quá sâu, bất kỳ ai suy nghĩ quá sâu xa sẽ không bao giờ thỏa mãn được sự tìm tòi giải thích, đừng nên đập đầu vào tường khi cố gắng tìm hiểu chính xác những gì người ta nói. Tóm lại kinh nầy là lời dịch, không đến nỗi cứng nhắc cố định để các ông chẳng thể thêm bớt đi một lời nào cả. Kinh nầy không tương ứng một cách chính xác với bản gốc Sanskrit, nên tôi chỉ cố gắng chuyển ngữ một cách tổng quát. Đừng nên phí quá nhiều thời gian truy tìm những chi tiết văn chương hoa mỹ khi dịch thuật.

Đệ tử: Ở mức độ trong phạm vi tưởng ấm , thiên ma không còn quấy nhiễu hành giả một cách trực tiếp được nữa. Ma phải chiếm đoạt một người khác mới có thể quấy phá định lực của hành giả hay sao?

Hòa thượng: Ví dụ như một hành giả có thể thường gặp người đã bị thiên ma nhập rồi, người ấy giảng pháp cho hành giả nghe, hay (ma) đến thách thức, khảo lượng hành giả xem công phu ai cao thấp?

Tại Vạn Phật Thành có một sinh viên trường Đại học California thuộc bang California thường thấy có rất nhiều rắn đi theo anh ta, mà các ông không thể nào thấy được. Nhưng Quả Chân lại thấy những con rắn này đến chùa Kim Sơn để đấu pháp với tôi. Nó rất hung dữ. Sự có mặt của anh sinh viên nơi đây lại khiến cho những con rắn có dịp chống lại tôi. Chúng nó đã chống lại tôi suốt hơn mười năm. Sau đó, anh ta dần dần trở nên tốt hơn. Nhưng ngay khi anh ta trở lại trường ở Berkeley thì anh ta lại trở bệnh. Anh ta nhận ra có rất nhiều rắn bên mình. Anh ta đã giết những con rắn này trong quá khứ, bây giờ nó tìm anh để báo thù. Tôi đã dùng Phật pháp để hóa giải chúng. Đó là lý do tại sao tôi đối xử với chúng như vậy mà bất luận chúng có lưu ý đến hay không. Đây là một tiến trình lâu dài. Hơn mười năm qua, rất nhiều con rắn đã rời khỏi anh ta, nhưng vẫn còn nhiều con ở lại. Thông thường, có cả bầy rắn theo anh ta. Đây là một trường hợp tương tự như trong kinh mô tả.

Đệ tử: Khi người ấy đến Vạn Phật Thành có phải những sinh vật ấy không dám đến tìm anh ta hay sao?

Hòa thượng: Không! Nó vẫn đến, khi những con rắn này đến để thách thức Phật pháp với tôi, chúng nó rất hung dữ. Đầu tiên người sinh viên bị ma cắn chiếm đoạt thân xác quỳ xuống trước mặt tôi, khi anh ta đứng dậy, vung tay nhìn vào tôi, thì hơi thở trở nên nặng nhọc hơn tiếng rít của loài mèo nữa.

Đệ tử: Rồi Hòa thượng đã làm gì cho nó? Hòa thượng có cho nó những lời quở trách tốt lành không?

Hòa thượng: Không tôi chỉ giả vờ xem như không có gì xảy ra cả. Mọi người thấy tôi hành xử như thể không có việc gì xảy ra, nhưng thực ra tôi đã chuyển hóa được nó. Nó đã chống đối lại tôi, nhưng tôi không chống lại nó. Tôi thường dùng pháp hàng phục, nhưng chẳng lâu. Bây giờ tôi dùng pháp tiêu tai.

Đệ tử: Khi sắc ấm đã hết, tà ma không còn nhập vào thân xác của người tu đạo để quấy phá được nữa. Nó phải nhập vào người khác. Nhưng có pháp nào đề cập việc thiên ma có thể trực tiếp nhập vào hành giả đang tu tập không?

Hòa thượng: Có vô số khả năng xảy ra. Thiên ma có thể nhập vào ngay cả một con mèo, tất cả là tùy thuộc việc ông có nhận thức được rõ hay là không. Ma cũng có thể nhập vào những loài vật khác, không có nguyên tắc nhất định.

Đệ tử: Có thể nào nhập vào chính người tu?

Hòa thượng: Không, nó không thể đến được người tu hành.

Đệ tử: Nhưng trước đây, thì Hòa thượng giảng về Năm mươi hiện tượng ấm ma, Hòa thượng có nói rằng nó có thể nhập vào chính người tu hành.

Hòa thượng: Như tôi đã nói không có gì cố định, lời kinh cho ta một ví dụ nhưng đó không phải chỉ là cách xảy ra, có rất nhiều biến tướng. Mỗi trường hợp phân thành nhiều khả năng.

Đệ tử: Nhưng không phải chính Hòa thượng vừa nói là thiên ma không thể nhập vào người tu đó sao?

Hòa thượng: Nếu thực sự chân chính là người tu, thì thiên ma không thể nào nhập vào được, vì có Hộ pháp hộ trì cho người đó rồi.

Đệ tử: Còn nếu hành giả khởi lên vọng tưởng thì...

Hòa thượng: Thiên ma liền nhập vào người ấy ngay.

Đệ tử: Cũng giống như khi sống trong Vạn Phật Thánh Thành , nếu chúng con tuân theo quy củ do Hòa thượng lập ra, thì chẳng có gì quấy phá được. Còn nếu chúng con không tuân thủ đúng theo giới luật, thì chúng nó sẽ đến phá.

Hòa thượng: Những người đến đây đều có mang theo nhiều dạng tà ma ngoại đạo, yêu ma quái quỷ và những linh hồn vất vưởng theo họ. Nhưng chư vị Bồ-tát, Hộ pháp già-lam[128] không nỡ xua đuổi họ đi. Ở đây chúng ta đều thực hành lòng từ bi, cho nên chúng ta không củng cố trụ xứ của mình hay đề phòng chống lại.

Đệ tử: Nếu mọi người thực sự chân chánh tu hành, thì ma không thể nhập vào họ được. Nhưng nếu không chân chánh tu hành và khởi tâm tham đắm, vọng tưởng, thì ma liền nhập hay sao?

Hòa thượng: Đúng vậy, đó là trường hợp tà dẫn đường cho tà đi.

Đệ tử: Nếu tà ma không thể nhập vào người tu hành ngay bây giờ, không có nghĩa là nó không bao giờ có thể nhập được. Ví dụ như khi Quốc sư Ngộ Đạt [129] vừa khởi một niệm cống cao thì...

Hòa thượng: Đúng vậy, đó là một ví dụ rõ ràng.

Đệ tử: Ma không thể nhập vào người tu suốt trong mười đời, nhưng chỉ vì một niệm riêng tư, nó liền có cơ hội nhập vào ngay.

Hòa thượng: Nó đến để đòi mạng sống.

Đệ tử: Nên Hòa thượng nói rằng ma có nhập vào người tu được hay không là không nhất định. Nếu ai thực sự chân chính tu hành, thì ma không thể đến gần người ấy được, nhưng nếu không tu tập được như vậy, thì nó liền đến?

Hòa thượng: Đúng thế, không nhất định. Bất cứ điều gì có thể diễn đạt bằng lời đều mất đi ý nghĩa chân xác của nó. Một khi ông đã hiểu được đạo lý này rồi, ông không nên truy tìm những chi tiết một cách vô ích nữa. Như tôi vừa nói, có vô số sự biến tướng và khả năng bất định. Năm mươi hiện tượng ấm ma này có thể biến thành 500, 5000 hay 50.000 hiện tượng. Đừng phí mất thời giờ vào những mô phỏng này. Ông nên hiểu rằng có rất nhiều biến dạng khác nhau từ nơi đây lưu xuất mà thành.

Tóm lại, bất cứ điều gì nói lên được đều thiếu ý nghĩa chân xác. Ông có thể nói rằng tất cả kinh điển đều là giả, nhưng ông phải tìm đạo lý chân thực ngay nơi cái giả này. Có những bộ kinh có ý nghĩa rất chân xác, có thể tin vào đó để tu tập. Nếu kinh không có ý nghĩa các ông chẳng nên tin.

15. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983

Ngày hôm qua mọi người đã biết có một người đang niệm danh hiệu Phật rồi bỗng dưng nhảy quanh, như thể đang khiêu vũ. Anh ta đã bị một loại ma gá vào, anh ta không biết những gì đang xảy ra, và anh ta nghĩ: “Ồ, ta vừa nhập định xong.” Anh ta giống như đứa trẻ huyên náo, anh ta nhảy quanh như một con thỏ.

16. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Thiên ma rất thông minh. Nó thấy được những gì ông đang tham cầu và liền dùng cái đó để thử thách ông. Do vậy người tu hành không nên chỉ tụng niệm một bài chú đặc biệt nào hay thực hành một pháp môn riêng biệt nào cả.

17. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Nếu ta không tham dục, ta sẽ không có phiền não. Nếu ông có tham dục thì mọi sự tình sẽ phát sinh. Vạn sự, vạn vật, vạn loài trên đời này đều được sinh ra từ lòng tham dục. Nên nói:

“Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện.”

Khi không còn một vọng niệm nào sinh khởi nữa, thì thể tánh toàn chân sẽ hiển bày. Nếu không còn một niệm tham dục nào nữa, thì Phật tánh hiển lộ.

“Lục căn hốt động bị vân già.”

Khi sáu căn vừa dấy khởi, chân tâm liền bị mây che khuất.

Một khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý trở nên dính mắc với trần cảnh, sẽ giống như mây phủ bầu trời khiến mặt trời không thể chiếu soi được. Điều gì làm căn bản khiến cho sáu căn sinh khởi, dao động? Đó là tham và dục.

Vì các ông không thể dừng hẳn tham và dục, nên sáu căn biến thành lục tặc (sáu kẻ cướp) và sáu thức xuất hiện. Nếu các ông không khởi tham dục, thì kẻ cướp, sáu căn không cướp phá gì được, còn sáu thức không còn là thức phân biệt nữa. Mọi việc đều trở về cội nguồn của nó và mọi phiền não sẽ tiêu vong. Các ông nên chú ý vào chi tiết này. Tất cả là tùy thuộc ở điểm ông có tham dục hay không. Nếu ông còn có tham dục thì ông chưa tách rời chính mình ra khỏi ma sự. Nếu ông không còn tham dục, thế là ông đã cùng chư Phật chung phần.

18. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Đây là thời gian để học tập nghiên cứu, chúng ta phải nghiên cứu kỹ từng hiện tượng ngũ ấm ma, cho đến khi ta học hếtnăm mươi hiện tượng. Mọi người phải nghiên cứu kỹ để hiểu sâu hơn. Nay chúng ta chỉ vừa mới bắt đầu học, có một số người hiểu được, có số người thì chưa.

Có một số trong quý vị, từ trước đến nay không có ở đây để tham hỏi về các vấn đề, mà chỉ biết nghiên cứu học hỏi về những gì đã được thấy và hiểu cùng với mọi người khác. Người mà chúng ta đề cập ở đây đã có một kiến giải chính xác: Khisắc ấm đã bị tiêu trừ rồi, thì ngã tưởng trở thành không. Không còn ý niệm về ngã nữa. Tất cả hình sắc vật chất đều là hư giả. Nếu các ông không hiểu rõ điều này, phải đọc kỹ lại kinh nhiều lần, rồi tự nhiên các ông sẽ hiểu.

Tất cả mọi tôn giáo đều vận dụng ngay trên lĩnh vực ngũ ấm này. Trước đây khi giảng kinh, tôi đã nói về việc cả thầy trò đều mắc vào lưới pháp luật. Từ “thầy trò” ngụ ý rằng ở đây đang đề cập đến niềm tin tôn giáo, khi thỏa mãn với chút ít thành quả công phu, họ lập nên một tín ngưỡng riêng và tuyên bố rằng đó là tín ngưỡng chân chính. Chẳng cần nêu tên những tín ngưỡng ấy ra, các ông cũng biết tôi nói gì rồi. Nếu các ông muốn biết ấm nào mà các tín ngưỡng kia chịu sự ảnh hưởng, và đã chịu ảnh hưởng đến mức độ nào rồi, thì các ông phải nên có một hiểu biết thông suốt về Năm mươi hiện tượng ấm ma.

Thay vì chỉ đặt vấn đề, các ông nên quan sát các trạng thái ma sự ấy ngay trong chính các ông. Chúng ta đang cùng học tập lẫn nhau, một người trả lời mọi câu hỏi của những người khác thì chẳng nên tí nào cả, vì trí huệ chúng ta đều bình đẳng. Trong việc nghiên cứu của chúng ta, nếu mọi người đều đồng ý với nhau một điều là cái gì là đạo lý, thì chúng ta phải xem đó là chân xác. Chúng ta đang thu thập tất cả ý kiến của mọi người, và khi chúng ta ấn tống bản giảng giải hiện tượng ngũ ấm matừ trong kinh Thủ-lăng-nghiêm ra, thì ý kiến của mọi người đều được đề cập trong đó. Đây là một công trình nghiên cứu hợp tác, không phải chỉ có một người trả lời mọi câu hỏi của những người khác, mà mọi người đều có thể phát biểu ý kiến của mình.

Vì sao ta chỉ có hai người đọc lớn bản kinh? Vì hai người này biết khá tốt Anh văn. Nếu những lời giảng giải cũng chưa được hoàn chỉnh, thì mọi người có thể nêu ra ý kiến của riêng mình. Mọi người không nên chỉ đơn thuần ra câu hỏi. Lần này không như lúc tôi giảng kinh Phạm Võng, pháp hội lần này có tánh chất nghiên cứu, nên không có nhu yếu thỉnh pháp (hỏi pháp). Mọi người đến đây là để cùng nhau nghiên cứu học tập, không nên biện luận với người khác và mọi người đều có thể phát biểu ý kiến. Các ông có cho rằng đây là một phương pháp tốt hay không?

19. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Đệ tử: Xin Hòa thượng nói rõ thêm trong kinh văn giảng rằng các đệ tử và thầy đều đọa vào địa ngục

Hòa thượng: Đúng vậy, điều ấy liên quan đến người tu.

Đệ tử: Có phải người tu đạo là chỉ cho số đồ đệ kia.

Hòa thượng: Không nhất thiết. Sư phụ cũng cùng một thứ ấy thôi. Ông ta cũng là người tu đạo. (Một ví dụ cho trường hợp này đó là các tín đồ). Các ông có thể căn cứ vào người ấy có phạm dâm dục hay không? Nếu người ấy còn có dâm dục, người ấy là ma. Nếu người ấy không có dâm dục, đó là người chân chính và là Phật. Đó là chỗ khác nhau giữa lời nói dối gạt và lời chân chính. Nếu không cắt đứt hẳn dâm dục, thì không thể hàng phục được tâm. Ông có thể tĩnh tọa rồi nhập định, nhưng khi ở trong định ông vẫn còn tham và “ngấm ngầm lén lút làm chuyện dâm dục.” Đó là cách mà các ông có thể phát hiện ra ma cảnh.

20. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Không có sự khác biệt lớn lao giữa cái gọi là chân lý và cái không phải là chân lý. Đó là một sự khác biệt rất vi tế. Vì thế không dễ dàng cho chúng ta khi có được trạch pháp nhãn để phân biệt giữa chánh pháp và tà pháp, thiện và ác. Nếu một người chân chính thì những gì họ làm đều là quang minh chính đại. Nếu người ấy là tà, họ sẽ tận lực vội vàng vào cái lợi một cách không chân chính. Họ làm những việc ô nhục đáng hổ thẹn. Người chân chính thường làm lợi ích cho mọi người, người không chân chính thường não hại người khác. Một khi chúng ta nhận ra được điểm này là chúng ta sẽ có được một kiến giải chân chính.

21. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG 5 - 1983

Cư sĩ: Đảnh lễ Hòa thượng, chư vị Pháp sư và quý thiện tri thức. Con xin chia xẻ một số điều có liên quan đến công phu tu tập của một số người.

Khi thọ ấm đến chỗ tiêu dung, hành giả có khuynh hướng nôn nóng mong cầu có được phương tiện thiện xảo, hành giả muốn khế hợp với nguyên lý của vũ trụ, để rồi mong sớm giáo hóa chúng sanh. Sau khi họ phát khởi loại tâm nôn nóng này, thì có vài hiện tượng sẽ xảy ra. Ví dụ: Có người trước đây chưa từng đọc kinh, nhưng khi bị ma gá vào, họ có thể giảng nói được rất nhiều kinh điển. Có rất nhiều “hành giả” ở Đài Loan rất ít đọc kinh, và thường hủy phạm giới luật Phật chế mà họ đã thọ nhận. Nhưng họ lại mong đạt được phương tiện thiện xảo. Khi họ thấy người khác giảng kinh và thu nhận rất đông đệ tử, họ hy vọng nhanh chóng đạt được trí huệ để có thể giảng kinh cho nhiều người nghe. Phát khởi tư tưởng như thế, họ trở nên bị ma gá vào lúc tu tập thiền định.

Nhiều người thấy giảng kinh có vẻ rất hay nhưng thực ra là bị ma gá. Dĩ nhiên nếu hành giả nghiêm trì giới luật, trì chú, tụng kinh, công phu nghiêm túc, thì họ không thể nào bị ma gá vào được. Tuy nhiên, có một số người rất tùy hứng trong việc giữ giới và không hề tụng kinh, lạy Phật, Thế mà khi họ vừa đăng đàn “bế mục dưỡng thần,” chỉ sau hai hoặc ba ngày, không chỉ riêng họ, mà toàn thể thính giả nào đã khởi phát tâm mong cầu có thể giảng kinh rất hay dù trước đây chẳng hề học tập.

Con không nghĩ là điều này sẽ xảy ra nơi đạo tràng của Hòa thượng. Còn nếu các huynh đệ đến những đạo tràng khác, thiếu sự hộ niệm tích cực của các vị Hộ pháp, và khi các huynh đệ phát khởi niệm vọng cầu và tham trước thì liền rơi vào tình trạng này, đặc biệt nếu bạn thích thiền định. Người không tập thiền thường ít bị tình trạng này hơn. Có một bà lão người Đài Loan vốn không biết chữ, nhưng sau khoảng ba đến năm ngày, bà ta có thể viết thư pháp chữ Hán đẹp hơn cả cư sĩ Lư.

Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp như thế này, nơi mà người ta bỗng dưng thành Phật sau vài hôm. Người phụ nữ trước đó không hề biết giảng kinh, nhưng chỉ sau ba ngày bà ta giảng kinh rất hay. Chuyện kỳ quái này thực sự đã xảy ra. Đó là lý do tại sao mọi người đều muốn học các tà pháp và không muốn học chánh pháp. Nếu giảng giải Phật pháp cho họ, họ không muốn nghe. Các huynh đệ ở đây có lẽ hiểu rất rõ về hiện tượng này. Nhưng trường hợp này có lẽ sẽ không diễn ra ở đạo tràng này, nhưng các huynh đệ nên phải rất thận trọng khi đi đến những nơi khác.

Hòa thượng: Đây là những trạng thái của người bị gá bởi một loài hồ ly tinh. Điều này có nghĩa là phóng tinh thần đến gá vào người khác.

22. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Đệ tử: Con để ý đến các cảnh giới của tưởng ấm đều bắt đầu với đoạn kinh:

“Trong cảnh giới vi diệu rỗng suốt sau khi thọ ấm tiêu dung, (hành giả) không còn tà lự nữa.”

Nghĩa của câu “không còn tà lự nữa” là gì? Có phải nghĩa là hành giả không còn một niệm bất chính nữa hay chăng? Hay có nghĩa là hành giả không có chánh niệm? Khi nào thì hành giả đạt đến trình độ này? Trạng thái này tương tự như thế nào?

Hòa thượng: “Trong cảnh giới vi diệu rỗng suốt sau khi thọ ấm tiêu dung” nhờ có được sự sáng suốt dung thông nên nó vi diệu, và nó phải vi diệu nên nó mới có được sự rỗng suốt dung thông. Khi hành giả đạt được cảnh giới này của ngũ ấm, hành giả thấy rất là tự tại. (Hành giả) “không còn tà lự nữa.” Có nghĩa là không gặp tình trạng cũ nữa. Hành giả đã có được một vài công phu trong lãnh vực thọ ấm, vốn xưa nay không gặp tà lự. Mà nay không rõ vì nguyên cớ gì, lại gặp trạng thái tà lự này, không rõ là kẻ cướp, là tà ma, quỷ quái từ bên ngoài tới? Thông thường lẽ ra hành giả không gặp những cảnh giới này, nhưng do hành giả khởi vọng tưởng tham ái, mong cầu, tự tư, tự lợi. Trở lại với những vọng tưởng xưa cũ này, hành giả lại gặp những loài này. Nếu hành giả không khởi những tạp niệm ấy, thì sẽ tiếp tục đạt được sự tiến bộ.

Nếu ông hiểu rằng khi tất cả mọi cảnh giới xảy đến mà ông không lay động, thì ông sẽ không bị quấy nhiễu bởi tà lự. Ngay khi ông bị xoay chuyển bởi cảnh giới, dù cách gì đi nữa, nó vẫn có thể quấy nhiễu ông. Căn bản là giả sử ông ta không bị tà lự, mà bị cảnh xoay chuyển có mâu thuẫn không? Không, đó là khi một niệm tham dục khởi lên là tâm đã mở cửa cho kẻ cướp vào. Nó lén lút hành dâm dục, dối gạt mọi người chung quanh cùng làm việc vô đạo đức, không giữ gìn giới luật đã thọ. Nó nói: “Giới luật có quan hệ gì?” Và tuyên bố đã giác ngộ.

Còn tôi thì không dám vi phạm giới luật, vì tôi là người chưa giác ngộ.

23. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Cô ta làm bất cứ việc gì ma bảo cô ta làm. Chẳng những việc đơn giản như cung cấp các thứ thực phẩm, áo quần, phòng ở và thuốc men không thôi, mà còn dâng hiến cả thể xác, tư tưởng và cả cuộc đời mình cho nó, cho nó thỏa mãn dâm dục. Sự sai biệt ở chỗ nó đắm mình trong dâm dục. Nếu một người có dâm dục, thì mọi việc làm của nó đều là sai lệch (tà). Nếu người nào đã sạch lòng dâm dục, đó là người chân chính.

Các ông đừng bao giờ nghe những lời như thế này: “Khi đã giác ngộ rồi, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn thích, kể cả việc thỏa mãn dâm dục.” Đây là những lời của một thứ đại ma vương.

Trước khi các ông được giác ngộ, các ông có thể vi phạm giới luật vì các ông chẳng hiểu biết gì nhiều. Nhưng nếu các ông tự cho rằng mình đã là người giác ngộ rồi, thì ông là người có hiểu biết, và khi ông cố tình hủy phạm giới luật, thì những điều mà ông gọi là giác ngộ được là thứ gì? Điều này hoàn toàn trái ngược lại những gì ông nói.

Các ông ngày nay không chịu nghiên cứu đạo lý một cách kỹ lưỡng, mà chỉ thích tìm cầu sự giác ngộ. Họ nghe mọi người nói rằng sau khi giác ngộ rồi, khỏi cần phải tuân thủ giới luật gì nữa, thế là họ lập lại lời này: “Ồ, ông ta chẳng cần trì giữ giới luật gì nữa cả, vì ông ta đã giác ngộ, nên ông ấy có thể uống rượu, hút thuốc gần gũi vui chơi với phụ nữ và thích làm việc gì tùy ý.”

Giới quan trọng nhất là dâm dục. Nếu ông còn lòng dâm và đắm mình trong hạnh bất tịnh ấy suốt ngày, thì ông là ma. Còn nếu ông chẳng tham lam tiền bạc, không tham đắm dâm dục, thì ông là người chân chính.

Trong trường hợp này, nó tuyên bố với mọi người mà nó gặp: “Trong kiếp trước (bà) là vợ của tôi,” hay là “bà là Hoàng hậu,” hay là “bà là gì đó, người thân của tôi khi tôi là Hoàng đế,” và cứ như thế, nó đưa những lời này ra để khơi dậy lòng tham muốn dâm dục nơi người khác. Bằng cách thực hiện lời nói, việc làm này một cách công khai, nó hy vọng sẽ đánh lừa và lợi dụng được người nghe.

24. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Đây chính là hành giả, chớ không phải là người nào khác. Hành giả đã bị ma gá dựa, nhưng không biết điều ấy. Anh ta nghĩ rằng đã thành chánh quả. Anh ta nghĩ: “Nay ta mới đạt được một năng lực lớn làm sao!” Anh ta hoàn toàn không biết mình đã phạm sai lầm...

“Nó khiến cho mọi người đến nghe.”

Câu này nói đến những người khác đến để học hỏi giáo pháp. Họ muốn nghe nó thuyết pháp, vì họ biết nó có thần thông. Khi họ đến, nó trải tòa rồi ngồi giảng pháp cho họ nghe.

Bây giờ, chúng ta hãy tập hợp hết tất cả ý kiến của mọi người lại để nghiên cứu. Chúng ta chẳng cần phải bàn cãi ý kiến người này đúng, ý kiến kẻ kia sai. Chúng ta đang học đạo, chánh pháp chân thật chính là vàng ròng. Bất luận điều gì không phù hợp với chánh pháp thì đó gọi là “tà.”

Tại sao tôi tuyên bố Kinh Thủ-lăng-nghiêm là chân thực. Bởi vì kinh đã giảng giải chánh pháp quá rõ ràng và chân thực, khiến cho bọn thiên ma ngoại đạo phải lộ rõ nguyên hình, và khiến cho bọn thiện tri thức giả mạo bị phơi bày bộ mặt giả dối của nó. Nên nó không còn cách nào hơn tuyên bố Kinh Thủ-lăng-nghiêm là ngụy tạo. Nó cố ý đánh tráo mắt cá làm hạt châu. Họ cố quậy nước cho đục để thừa dịp thả câu.



25. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Trong trường hợp này những người từ nơi khác đến và cầu thỉnh ma giảng pháp. Ma không đến tìm họ trước: “Người ta đến gặp thiên ma kia.” Có nghĩa là người từ khắp nơi đến thân cận với hành giả tham cầu tịch tĩnh. Họ cầu thỉnh người này đi giảng kinh, thuyết pháp, và anh ta nhận lời đi giảng.

Quý vị có biết không? Tuyệt đối không ai được tự ý sửa đổi kinh văn cả. Kinh chỉ có một ý nghĩa chính xác, ngoài ra không có một cách giảng giải nào khác nữa cả. Bất luận những lời giảng giải nào khác đều không phù hợp, đều là sự giải thích gượng ép và giả tạo.

26. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Có những Tôn giáo có truyền thống lâu đời và cũng có những tôn giáo thời trang. Có ít người đặt hết niềm tin vào tôn giáo được xem là có truyền thống lâu đời. Nhưng lại có nhiều người đuổi theo một cách điên cuồng những hiện tượng tôn giáo thời trang. Trong tất cả giáo pháp mà Đức Phật đã giảng, điều quan trọng nhất là giới luật. Ngày nay một số người xem đạo Phật là lỗi thời xưa cũ, và họ muốn tìm kiếm một tôn giáo có vẻ thời thượng hơn. Cuộc tìm kiếm của họ đã đưa họ đến ngay hang ổ của ma vương. Không có một giáo phái nào thuộc bàng môn tả đạo mà thoát khỏi được tham dục. Lòng tham vô độ không biết nhàm chán. Lòng tham lợi dưỡng làm tổn hại kẻ khác để mưu lợi cho riêng mình.

Tôi không dám nói rằng chúng tôi ở Vạn Phật Thánh Thành là tuyệt đối tuân thủ theo chánh pháp.

Tôi xin hỏi quý vị đã theo học với tôi suốt mấy năm nay. Có bao giờ tôi yêu cầu quý vị cung cấp tài sản riêng của quý vị cho nhà chùa không? Tại sao tôi không làm như vậy? Bởi vì tôi là mộtngười quá lỗi thời, chủ yếu là tôi muốn tôn trọng và giữ gìn giới luật. Giới luật đã dạy chúng tôi phải biết ban tặng cho mọi người, chớ không yêu cầu mọi người phải cung cấp tài sản cho chúng tôi, trong khi chúng tôi chẳng có gì để đem cung cấp cho họ hết cả.

Tại Vạn Phật Thánh Thành , chúng tôi sinh hoạt một cách rất tự nhiên. Chúng tôi không lạm dụng quyên góp tiền bạc quá mức. Chúng tôi không dùng thủ đoạn để quyên góp. Chỉ nhận tiền bạc vừa đủ để chi dùng. Nếu chúng tôi có tâm lợi dụng tiền bạc nơi mọi người, thì chúng tôi khác gì thiên ma ngoại đạo? Những người khuyên kẻ khác đem hiến tặng tài sản cá nhân hoặc tài sản gia đình, và sinh mạng của riêng họ hay đời sống của toàn gia đình vào cho đạo tràng, đó hoàn toàn là do sự xúi giục của hạng người tà kiến. Tôi không đồng ý với việc làm đó. Tôi hoàn toàn không muốn tài sản, cũng như nữ sắc. Tôi chẳng muốn nổi danh hay khen tặng. Thực vậy, tôi mang toàn tiếng xấu, chẳng được mang tiếng tốt. Người nào để ý đến tên tôi chỉ tăng thêm nhức đầu, đặc biệt là loài yêu ma quỷ quái.

27. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG 5 - 1989

Đệ tử: Kinh xin Hòa thượng giảng rõ “Khi nó đến gặp hành giả (người) đang tham cầu hiểu biết, nó trải tòa ngồi thuyết pháp.”

Hòa thượng: Đây có nghĩa là ma. Nó đến nơi mọi người đang mong cầu biết được túc mệnh (đời sống trong những kiếp trước).

Đệ tử: “Hành giả ngồi nghe giảng pháp, thấy mình như được viên ngọc to lớn. Thỉnh thoảng ma hóa thân làm súc vật...” Có phải đây là loài ma khác?

Hòa thượng: Không phải, chính là con ma ấy.

Đệ tử: Có phải người bị ma gá và đã hóa thân làm súc vật?

Hòa thượng: Đúng vậy, trước mọi người, nó hóa thành súc vật, rồi đóng nhiều vai rất kỳ dị. “Trước tiên đến trao cho hành giả, rồi sau mới gá và thân thể họ.” “Hành giả” là người đang mong cầu được túc mệnh.

Đệ tử: Phải chăng người tham cầu biết được túc mệnh đã bị gá vào bởi một loại ma đã bị hóa thành súc vật, và con ma đó cũng ngậm hạt châu và những vật quý khác trong miệng?

Hòa thượng: Ma nó đưa những thứ ấy cho những người đang nghe pháp xem thấy. Không chỉ riêng một người. Có khi ma nó chọn một trong số những người đang nghe ở đó. Đây hoàn toàn là giả thuyết, không nhất thiết phải xảy ra theo cách như vậy. Đừng nên nghĩ rằng mọi việc đều xảy ra y hệt như cách đó. Bởi vì trong kinh, Đức Phật đã nói như vậy. Đó chỉ là một thí dụ, nên các ông cần phải vận dụng cái hiểu biết của mình trong những tình huống tương quan. Đừng nên hiểu một cách cứng nhắc. Nên uyển chuyển, linh động trong cách hiểu, để đến khi khác, có một tình huống như thế xảy ra, các ông liền biết: “Ồ! Việc này tương tự như ví dụ mà Đức Phật đã dạy trong kinh.” Ở đây, ma hóa thành súc vật, nhưng trong một tình huống khác, có thể nó sẽ biến thành Phật.

Phật tử: “Sau mới gá vào thân thể của họ” là sao? Ai là người bị ma gá?

Hòa thượng: Ma nó gá vào tất cả mọi người (đang đến nghe pháp).

Phật tử:Phải chăng có thêm những loài ma khác đến gá vào mọi người?

Hòa thượng: Không, cũng con ma ấy thôi, nó có thể biến vô số thân. Nó có thể gá vào hành giả, cùng một lúc gá vào tất cả mọi người khác.

Phật tử: Thế nó nhảy quanh từ người này đến người khác hay sao?

Hòa thượng: Nó chẳng cần nhảy, nó chẳng phải chỉ có một thân. Nó có thể biến thành rất nhiều thân.

Phật tử: Ồ, thế thì nó có thể gá vào thầy rồi còn có thể gá vào mọi người khác nữa. Con chưa từng biết ma có năng lực như thế.

Hòa thượng: Năng lực của ma gần như bằng năng lực của chư Phật. Chỉ khác là một bên tà một bên chánh. Những gì ma thi thố ra đều là tà và những gì chư Phật làm đều là chánh. Đó là sự khác nhau. Có một người ở Đài Loan đã trải qua kinh nghiệm này, chúng ta có thể hỏi ông ta về việc ấy.

(Hòa thượng hướng về cư sĩ): Xin ông hãy nói cho đại chúng nghe về chuyện ma đã truyền tâm pháp cho ông ra sao?

Cư sĩ: Kính bạch Hòa thượng và các vị Pháp sư cùng các vị Thiện tri thức. Con xin kể lại một sự việc mà con đã trải qua với một nhóm ngoại đạo. Những gì con đã chứng kiến mà không hiểu nổi. Có thể những gì con cảm nhận hoàn toàn không giống những trạng thái do Thiên ma gây ra như Đức Phật đã giảng trong kinh.

Thiên ma có khả năng thiên biến vạn hóa, những gì con thấy được chỉ là một trong muôn hình vạn trạng mà thôi. Nên khi con chia xẻ kinh nghiệm này. Xin quý vị nhớ cho rằng đây không phải là toàn bộ cảnh giới nhất định. Thiên ma hiển bày qua rất nhiều phương tiện, nó có thể cần hoặc không cần một xác đồng (medium) vẫn có thể biểu hiện được. Nếu quý vị tu tập với tà tâm trong một pháp môn ngoại đạo, Thiên ma liền đến với quý vị qua thân tướng của một con người ngay, không cần xác đồng nào cả.

Đoạn kinh này nói: “Trong pháp hội, bỗng dưng hành giả như có được viên ngọc to lớn.” Do trong kinh nói “trong pháp hội,” nên con nghĩ rằng ở đó có ba thành phần: xác đồng, người nghe pháp (thính chúng) và người giảng pháp. Hòa thượng đã dịch chữ “người ấy” là nói đến người bị ma ám. Đó là một cách dịch. Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của con và qua những sự hiểu biết khác mà con được đọc, thì con nghĩ chữ “người ấy” liên quan đến những ai chưa bị ma gá vào. Tại sao vậy? Vì Đức Phật giảng trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm để cảnh giác những người chưa bị ma gá, nhưng tâm họ đã bị tà lệch chút xíu rồi. Nếu những người ấy không thận trọng, thức tỉnh, sẽ bị ma gá vào ngay. Đức Phật muốn giúp họ cảnh giác khi sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm chấm dứt, quý vị càng nên đặc biệt lưu tâm, vì quý vị sẽ trải qua vô số cảnh giới như thế này, và quý vị cần phải biết cách đối phó với nó.

Cách đây hai năm, tôi đến nhà một vị cư sĩ đã cạo tóc như một người xuất gia. Ông ta bảo rằng khi ngồi thiền, có loài thiên ma gá vào ông và nói: “Để rồi tôi sẽ tặng ông một pho Vô tự thiên thư [130] (sách trời không chữ) hoặc một bộ kinh gì đó.” Người ta gặp hiện tượng đó vì họ nôn nóng muốn có một con đường giác ngộ nhanh chóng.

Ở đạo tràng đó, họ dùng tất cả mọi phương pháp. Tôi cũng có lần đã nghe họ nói về từng hiện tượng trong ba mươi hiện tượng ma ấm đầu tiên. Chẳng hạn như tôi đã từng thấy những thẻ tre, trân bảo, đạo phù, bùa chú. Tôi cũng đã chứng kiến có người ăn một bữa chỉ một hạt mè, hoặc một hạt lúa mạch.

Còn như trường hợp “được viên ngọc minh châu vô cùng to lớn,” là khi quý vị ngồi thiền, có người đến nói: “Tôi tặng ông viên ngọc này nhé.” Nếu tâm quý vị dao động, ao ước có được ngọc, thì thông qua xác đồng quý vị sẽ xòe bàn tay ra nhận lấy viên ngọc. Một khi quý vị đã nhận lấy ngọc, mọi vấn đề rắc rối sẽ sinh khởi theo ngay.

Tôi xin nói về một kinh nghiệm cá nhân, cách đây hai năm khi tôi đến một đạo tràng. Một cư sĩ nói với tôi: “Tôi sẽ tặng cho ông một pho Vô tự thiên thư , nếu ông thực hành theo đó suốt ba năm ròng, ông sẽ đạt được thần thông lớn. Hôm sau tâm tôi càng trở nên dao động. Tôi nghĩ: “Ông muốn tặng tôi Sách trời không chữ, tốt lắm!” Người ấy liền nói: “Muốn nhận sách, hãy đưa hai tay ra, tôi sẽ trao cho ông ngay.” Sau khi nhận sách, tôi trở về nhà. Hôm sau tôi đọc những điều mà hoàn toàn không hiểu gì cả. Nghe như tiếng Nhật, tiếng Thái, lại giống như tôi đang hát những bài hành khúc trong thời Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản, những bài hát tôi chưa từng nghe, chưa từng hát trước đây bao giờ. Dù giọng của tôi thường là rất dở, thế mà khi tôi hát những bài quân hành này, tôi có thể đưa giọng lên có khi rất cao, có khi rất trầm, nghe còn hay hơn ca sĩ hát trên truyền hình. Tôi nghĩ Sách trời không chữ là thứ “giản sách [131]–thẻ tre” được đề cập đến trong kinh văn.

Có hai tình huống có thể xảy ra tại nơi ma đến thuyết pháp. Một là nếu ông không bị ma gá thì ông không biết được chuyện gì xảy ra cả. Nếu ông chưa sạch được sắc ấm, cũng không thể thấy được điều gì cả. Mặt khác khi ông ở trong thiền định, người bị ma gá có thể thấy được ông và ông cũng thế.

Còn trường hợp thứ hai là cả ông và người bị ma gá vào đều ở trong thiền định và ông có thể thấy biết được mọi thứ mà nó muốn cho ông thấy. Ông cũng có thể thấy được những cảnh giới siêu việt, nhưng đó chỉ là những huyễn cảnh do ma hóa hiện ra. Mặt khác, ông không thấy gì cả, nhưng tâm ông dao động. Người kia hỏi: “Tôi cho ông vật này nhé?.” Nếu ông trả lời “Vâng!” , thì tình huống sẽ thay đổi. Còn nếu ông trả lời: “Tôi chẳng cần” thì thiên ma chẳng thể nào gá vào ông được, vì nó cũng phải tuân theo quy luật của chính nó. Theo tôi được biết, tất cả các tà phái ngoại đạo ở Đài Loan đều bị rơi vào trong ba mươi loại ấm ma đầu tiên trước khi họ đạt đến tiêu trừ hành ấm và thức ấm .

Sự giải thích hôm nay của tôi có khác tí chút so với những tình tiết chính xác mà tôi muốn đề cập đến. Thiên ma có thể hiện ra theo nhiều cách để hãm hại quý vị và ngăn trở trên bước đường tu đạo. Do vì mọi người có nhiều khác biệt nhau trong khả năng tu tập, nên ma sẽ hiện bày bằng vô số hình tướng khác nhau. Tôi chỉ xin trình bày cống hiến để quý vị tiện tham khảo.

A-di-đà Phật.



28. HÒA THƯỢNG GIẢNG GIẢI VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983

Hành giả vẫn còn dễ bị ma làm hại ngay cả sau khi đã tiêu trừ thọ ấm . Tiêu dung được hết thảy các ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức là một việc làm rất bình thường. Đó không có nghĩa là hành giả thực sự có định lực và sẽ không bị ma làm hại nữa. Công phu của hành giả đã ở mức độ cao rồi, nhưng ngay cả khi công phu ở tầm mức cao như vậy, vẫn có thể bị ma quấy phá. Tại sao? Vì vẫn còn nuôi dưỡng tâm tham ái, vẫn còn tham có kiến thức, tham có thần thông, tham có sự cảm ứng. Tâm niệm tham lam đã mở cửa (cho ma vào). Hành giả không thể nào có được sự tự tại, thoát khỏi sự quấy phá của ma khi còn niệm tham ái.

29. HÒA THƯỢNG GIẢNG GIẢI VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983

Hòa thượng: Các ông phải dùng trạch pháp nhãn và Diệu quán sát trí để quán sát trạng thái này. Khi tập trung tâm ý để quán xét, đừng khởi tâm niệm chấp trước: “Tôi đang quán sát.”

Diệu quán sát trí giống như một tấm gương lớn. Cũng như Đại viên cảnh trí . Tuy nhiên, trong khi Đại viên cảnh trí hiển bày toàn thể thật tướng của các pháp một cách dễ dàng, thì Diệu quán sát trí đòi hỏi một năng lực tập trung quán chiếu mới có thể nhận biết được tường tận. Nếu các ông tự mình duy trì được một quan điểm khách quan, thì sẽ không bị rơi vào một loại thiên kiến như vậy. Nếu các ông nhận thức được loại cảnh giới này rõ ràng, các ông sẽ không bị nó xoay chuyển được nữa.

Phật tử: Con có một câu hỏi: Tôn Ngộ Không, nhân vật trong cuốn Tây du ký, nó được sinh ra từ trong đá. Tại sao mà đá lại sinh ra khỉ? Có thể nào hiện tượng này xảy ra sau khi tảng đá đã hấp thụ tinh khí của mặt trời mặt trăng trong suốt hằng vạn năm? Trường hợp Tôn Ngộ Không được sinh ra có giống như trường hợp được đề cập trong đoạn kinh nầy không? Đó là có một loại tinh khí sinh ra khi có nhật thực nguyệt thực, tinh khí ấy được hấp thụ bởi các loại như: vàng ngọc, nấm lạ, kỳ lân, phụng hoàng, rùa, hạc... nên biến thành quỷ. Từ khi đọc truyện ấy, con cứ nghĩ rằng Tôn Ngộ Không có được chút căn lành, hiểu được rằng sự luân hồi dẫn đến nhiều khổ đau... cho nên sau tám trăm năm, ông ta mới bắt đầu đi cầu đạo. Ông ta thông thạo rất nhiều thứ pháp thuật, sau cùng đã trở thành một vị hộ pháp trong Phật giáo.

Tôn Ngộ Không là ví dụ cho một nhân vật tốt, nhưng trong kinh văn lại nói về các loại tinh linh, yêu quái biến thành ma khi nó sống lâu. Vậy với những điều kiện, nhân duyên nào khiến nó trở thành Quỷ khi nó sống nhiều năm? Dường như loài Quỷ cũng giống như kẻ cướp vì chuyên làm điều ác, có trường hợp nào biến thành Quỷ, và có số tinh linh nào không biến thành Quỷ khi sống nhiều năm không, vì có loài thì thiện, loài thì ác?

Hòa thượng: Tôn Ngộ Không cũng chỉ là một loài Quỷ và những trường hợp khác cũng tương tự như thế. Tôn Ngộ Không có lẽ đã mắc phải sai lầm khi tu tập đến mức độ phá tưởng ấm . Kết quả là biến thành khỉ, đại náo thiên cung, xuống địa ngục tra cứu sổ bộ của Diêm vương. Nó hoàn toàn giống như trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm gọi là “một đại biểu của loài quỷ.”

Cũng giống như những loài quỷ khác, khi chán kiếp quỷ rồi, dĩ nhiên nó cũng muốn quy y Tam bảo. Chỉ với một niệm hồi quang phản chiếu tức liền giác ngộ, trở thành đệ tử của Phật.

Trước khi được giác ngộ, nó vẫn là quỷ. Quỷ càng già, thần thông càng lớn. Loài quỷ còn trẻ thì sức chưa được mạnh và thần lực chưa được lớn. Loài quỷ già sẽ có năng lực thần thông bất khả tư nghì, do vậy nên nó mới được gọi là quỷ. Quỷ thì có nhiều thần lực hơn ma. Trung Hoa có từ “ma quỷ” vì ma có khi biến thành quỷ.

Các ông đã nghe về chuyện “Như ý ma nữ” chưa? Đó là một con quỷ cái sống thời nhà Chu. Vì nó không tuân theo quy củ, nên bị trời đánh bằng sấm sét. Tuy nhiên, sấm sét không tiêu diệt được nó hẳn. Nó tụ tinh khí, thu thần lực lại, nỗ lực tu luyện, lại thành một loài quỷ thường đi khắp nơi, thích cướp lấy sinh mạng loài người. Chỉ vì nó muốn gia tăng thế lực của nó và đám quyến thuộc. Mỗi lần nó giết một sinh mạng, loài quỷ khác liền đến chúc mừng: “Ngài thật là phi thường!” Cũng tương tự như các vị sĩ quan chúc mừng một sĩ quan vừa mới được thăng chức vậy. Thế lực của quỷ tăng dần theo mạng người nó giết, đến cả loài ma cũng phải đến thần phục nó. Sau đó, khi “Như ý ma nữ” gặp tôi, nó xin quy y Tam bảo. Đó là chuyện một con quỷ cái đã quy y Phật.

Mọi sự việc trong pháp giới này đều rất vi diệu không thể nghĩ bàn. Trong kinh nầy chỉ mô tả một phần rất nhỏ. Nếu chúng ta bàn đến chi tiết, thì mỗi ấm (skandha) như vậy phải có vô số tướng trạng ma khác nhau. kinh nầychỉ nêu lên một dạng của ma sự để cung cấp cho người tu một ý niệm tổng quát, để họ có thể thoát khỏi tâm niệm mong cầu, tham ái. Nếu các ông không có tâm niệm tham dục, ông không cần phải sợ bất kỳ loại ma quỷ nào cả. Nếu ông thoát khỏi tham dục, chẳng có ma nào quấy nhiễu được ông cả. Ma quỷ chỉ đến khi nó thấy các ông vừa mở cửa ra rước nó vào. Nếu các ông luôn luôn đóng cửa kín mít, nó chẳng thể nào đến được. Ma quỷ sinh ở cõi trời vì nó đã tu phước rất nhiều. Trong kinh thường nói về thiên ma, nhưng các ông không nên nghĩ rằng nó chỉ có ở trên trời. Nó có thể đến cõi trời, nhưng nó không thường xuyên ở đó. Ma quỷ trong cõi người có được thần thông cũng có thể được xem như thiên ma. Nếu thiên ma cần chúng đến cõi trời để cổ vũ cho nó trong khi đánh nhau hoặc tăng cường thế lực cho nó, thì ma quỷ ở cõi người đến ngay lập tức. Cho dù nó sinh ở cõi trời, nhưng vẫn còn tham dục, vẫn còn có những cơn thịnh nộ dữ dội và tính khí rất cang cường, bướng bỉnh. Chỉ vì tính hiếu chiến như thế nên nó trở thành quỷ. Nếu nó không hung hãn và nóng nảy, thì nó sẽ trở nên đệ tử của Phật. Những tập khí xấu và vô minh sâu dày ấy đã dẫn chúng đến với quyến thuộc nhà ma.

Rồi nó sẽ nhận quả báo gì trong tương lai, thật là một vấn đề quá xa xôi, khó có thể trả lời chính xác. Nếu nó gặp được người có thần thông lớn hơn nó và có khả năng giáo hóa, thì nó có thể được hàng phục và chuyển hóa thành hư không. Còn như nếu nó không được thu phục, nếu vẫn còn tiếp tục làm những việc ác không chịu hối cải, tâm tính mê muội, bội giác hiệp trần, đương nhiên chúng sẽ nhận lấy quả báo vô cùng đau khổ trong tương lai. Nó có thể đọa vào súc sinh, là loài chồn loài cáo. Đó là do tinh linh của quỷ khiến cho chúng biến thành loài súc sinh này. Chúng có thể biến thành rắn hoặc chuột, hoặc những loài vật kỳ lạ khác. Những sự biến hóa này là do ma lực của quỷ. Những loài ác thú như cọp beo thì rất mạnh và hung dữ vì nó có thêm được ma lực gá vào.

30. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983

Khi tôi còn trẻ, tôi rất thích thi đấu pháp thuật với ma quỷ. Tôi đấu với bọn chúng cho đến khi toàn bộ quân ma ở khắp nơi họp thành bè lũ đến để đánh với tôi. Tôi gần như nhiều lần bị mất mạng với bọn nó. Vì vậy, sau này dù tôi có quá thích đánh nhau với chúng mấy đi nữa, tôi cũng không dám dùng pháp thuật để đấu với nó nữa. Có rất nhiều loại ma quỷ đến ức hiếp, bắt nạt tôi, nhưng tôi luôn luôn thực hành hạnh kiên nhẫn, chịu đựng, không biểu hiện sự đối trị nào. Tôi chi phối nó chỉ bằng lòng từ bi, cảm hóa nó thay vì hàng phục nó bằng Pháp Hàng Phục.

Tôi nhớ một hôm tại Hội Đạo Đức ở Mãn Châu. Chủ nhiệm khoa giảng dạy là Từ Quế Lan . Có từ năm mươi đến sáu mươi học sinh trong Hội Đạo Đức này và một trong số đó bị ma gá. Cô Từ Quế Lan nghĩ rằng với thẩm quyền của một vị Chủ nhiệm Khoa giảng dạy, cô có thể trừ dẹp được tà ma. Cô phun một ngụm nước lạnh vào cô bé bị ma gá, nhưng ma không đi. Ma nói: “Được rồi, cô muốn trừ dẹp tôi, thế thì tôi sẽ gá cô thay thế. Xem cô làm gì được tôi nào!” Cô bé bị gá liền khỏi bệnh và Từ Quế Lan liền bị ma ga vào.

Trước đó, Quả Hồng nói rằng ông ta đã dùng phương pháp trì chú vào trong nước rồi phun vào người bị ma gá, người ấy được khỏi bệnh. Có lẽ loài ma quỷ gá vào người ấy thế lực chưa được mạnh lắm, nên nó thả ra. Nhưng loài quỷ đang gá vào Từ Quế Lan thì không sợ bị phun bởi nước lạnh, nó chẳng ngán tí nào cả. Từ đó, Từ Quế Lan bắt đầu phát ra ma khí. Vậy nên cô ta không thể làm việc ở Hội Đạo Đức nữa, phải trở về nhà. Ma lại theo quấy nhiễu cô ta đến tận nhà, ném tung gia đình cô ta vào cơn hỗn độn. Nó là loại ma gì vậy? Đó là một loại vượn tinh rất lớn. Khi nó đến, nó giao hợp với Từ Quế Lan. Nó chiếm đoạt thân xác và hành hạ cô ta. Đôi khi nó mê hoặc cô đến mức cô biểu lộ ra lời nói yêu đương say đắm với nó. Thế nhưng chỉ là tình dục mà thôi. Sau khi nó đã chán, Từ Quế Lan bị xuất huyết ở mắt, tai, mũi, miệng. Con vượn tinh đã hút hết tinh lực của cô rồi bỏ mặc cô bị tê liệt cho đến chết.

Hội Đạo Đức phái người đến Tu viện để gặp Thầy Trụ trì, là vị mà xứ Mãn Châu đều biết với danh hiệu “Vương Hiếu Tử” (người con có hiếu họ Vương). Ai cũng đều biết Hòa thượng trụ trì chùa Tam Duyên là người có đạo đức cao tột, có thể nhiếp phục loài ma này, nên họ tìm đến ngài. Tuy vậy, ngài luôn luôn yêu cầu tôi đến xem xét mọi sự tình ra sao. Ngài không bao giờ tự mình giải quyết vấn đề với họ, mà luôn luôn phái tôi đi giải quyết bất kỳ tình huống nào xảy ra nơi ấy. Việc này vẫn thường xảy ra. Chẳng hạn như khi gia đình Cao Đức Phước ở làng Đại Nam Câu bị quấy nhiễu mà ai cũng biết. Lần này Hòa thượng Trụ trì cũng phái tôi đi, và tôi lên đường. Khi họ báo cho con vượn tinh biết có tôi tới, quý vị thử đoán nó nói gì?

“À! Các ông phí công vô ích, chẳng làm gì được tôi đâu! Cho dù các ông có đưa được Tế Công (một vị Phật sống) đến đây, cũng chẳng làm tôi sợ!”

Nó chẳng sợ gì cả. Khi tôi đến đó, thì con vượn tinh cũng đến. Tôi cùng nó thực sự đấu pháp. Sau hai ngày không ngừng nghỉ, cuối cùng tôi thu phục được nó. Người phụ nữ được hồi phục.

Tôi đã trải qua quá nhiều tình huống như thế. Tôi chẳng muốn dính vào chuyện thế gian nhiều. Chẳng hạn như tôi thấy một người phụ nữ bị một con đại bàng tinh đang gá vào cô ta, khiến đầu cô cứ bị lúc lắc hoài. Tôi không có dự tính sẽ làm gì về chuyện ấy cả. Vì sao? Vì tôi đang tu tập hạnh nhẫn nhục. Ngay cả dù có ai đại tiện trên đầu tôi, tôi cũng sẽ nhận chịu mà không hề nóng giận. Phương châm của tôi lúc này là không tranh đấu với một ai cả.

Quả Hồng, tốt hơn hết là ông nên cẩn trọng, đừng dính mắc với những rắc rối trong tương lai. Ít nhất là ông phải có chút ít thiện căn, còn không thì con quỷ tinh ấy sẽ dễ dàng gá vào ông. Đây chẳng phải là chuyện đùa.

31. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Chứng Đạo Ca của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói rất rõ:

Ta! mạt pháp, ác thời thế

Chúng sinh vô phước nan điều chế[132]

Khứ thánh viễn hề, tà kiến thâm

Ma cường pháp nhược đa oán hại

Văn thuyết Như Lai đốn giáo môn

Hận bất diệt trừ linh ngõa toái.

Tạm dịch:

Than ôi! Mạt pháp, thời thế ác

Chúng sinh phước mỏng khó điều phục

Xa cách Hiền Thánh, tà kiến sâu

Ma mạnh, pháp yếu, nhiều ác tệ,

Nghe Như Lai truyền pháp đốn tu

Tiếc chẳng nghiền tan như ngói bể.

Than ôi! là lời bày tỏ qua tiếng thở dài tiếc nuối cho thời mạt pháp. Thời đại ác xấu có nghĩa là thời này có rất nhiều ma quỷ và sự đồi bại, rất nhiều loài quỷ quái đều xuất hiện khắp nơi.

Computer là một loại yêu quái lớn nhất. Máy truyền hình là loài yêu quái nhỏ. Loài yêu quái nhỏ phụ trợ thêm cho loài yêu quái lớn. Và loài yêu quái lớn chực nuốt tất cả mọi người. Nó muốn giành hết công việc của mọi người. Đây là thời đại rất ác liệt. Chúng sinh thật là vô phước. Đầu óc họ bị khẩn trương, căng thẳng suốt từ sáng đến tối. Số người bị đau khổ vì các bệnh tim, gan, phổi, lá lách và thận, những căn bệnh này tấn công vào con người vì họ bị nhiễm độc bởi tà khí. Họ đã bị ngộ độc quá sâu nặng.

Quý vị cứ nghĩ rằng xem truyền hình, nói chuyện qua điện thoại, nghe radio và chơi bằng computer là tốt, nhưng quý vị không nhận ra sự tổn hại từ tim, gan, phổi, lá lách, thận do những thứ này gây ra. Nó khiến cho con người sống không ra người, ma chẳng ra ma. Đó là dấu hiệu thế giới bắt đầu trở nên tệ hại. Chúng ta sinh ra trong một thời đại mà chúng sinh thiếu phước báu và khó giáo hóa. Quý vị có thể khuyên họ đừng xem truyền hình, đừng nghe radio, nhưng họ cứ nài nỉ được làm những chuyện ấy. Bảo họ đừng nghe nhạc, nhưng họ chỉ giả vờ vâng lời. Thật không dễ giáo hóa những chúng sinh điên đảo trong thời đại khủng khiếp này.

Xa cách Thánh Hiền: Chúng sinh đời này không gần gũi được với chư Phật, chư Hiền Thánh.

Tà kiến sâu: Mọi người đều mắc phải tà tri, tà kiến. Không ai có được chánh tri kiến, mà tà kiến thì quá sâu dày.

Ma mạnh, pháp yếu: Thời đại này thế lực ma quỷ thì thịnh vượng, còn chánh pháp thì rất yếu.

Nhiều ác tệ: Ông hại tôi, tôi hại lại ông, họ làm hại lẫn nhau không dừng nghỉ.

Nghe Như Lai truyền pháp đốn tu: Nếu họ có nghe nói đến Chánh pháp nhãn tạng của Đức Phật, hoặc pháp môn đốn giáo, họ:

Tiếc chẳng nghiền tan như ngói vỡ: Họ chán ghét Phật pháp dữ dội như thế. Chúng ta hiện nay đang ở trong tình hình như thế vậy đó.

Cho nên Tăng ni ở Vạn Phật Thành không sắm radio, truyền hình, hay cassette ở phòng riêng. Chúng ta nên từ bỏ những thứ ấy. Dù chúng ta có bận rộn đến mấy đi nữa, chúng ta nên tham dự thời khóa tụng kinh sáng và tối, chúng ta không nên vắng mặt trong những khóa lễ này. Nếu quý vị là cư sĩ, không thực hiện buổi lễ ở chùa, thì quý vị lễ Phật, tụng kinh, sám hối và tham cứu Phật pháp ở nhà mình. Đừng nên phí thời gian xem truyền hình, nghe radio, khiến chúng ta chẳng khác gì người thế tục bên ngoài.

Sinh hoạt ở Vạn Phật Thành khác với thế giới bên ngoài. Chúng ta không nên để cho dòng thế tục chuyển hóa mình. Quý vị ở Vạn Phật Thành nên chí tâm hết lòng cầu học Phật pháp, đọc tụng tham cứu và hành trì những đạo lý trong kinh Phật. Nếu quý vị thuộc được Kinh Thủ-lăng-nghiêm, điều ấy làm cho tôi rất hoan hỷ.

Ngay khi ở nhà, các vị cư sĩ nên đọc tụng kinh Thủ-lăng-nghiêm , Kinh Pháp Hoa , Kinh Hoa Nghiêm . Mục đích quý vị là gì? Nếu đến Vạn Phật Thành mà không hiểu được Phật pháp chút nào cả, thật là vô ích! Nếu quý vị không hiểu được gì cả và không có ý kiến cả khi nghe người ta thảo luận, thì thật là đáng tiếc khi quý vị đến đây!



32. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Vừa rồi, Quả Địa (Guo Di) hoàn toàn đúng khi nói rằng muốn đạt được chánh định, người tu phải trì giới. Nếu quý vị muốn có được chánh định, thì trì giới chắc chắn là điều kiện tiên quyết. Giữ giới là tạo dựng nền tảng, khi ta đã có nền tảng vững chắc, ta sẽ dựng cột trên đó. Những cây cột này biểu tượng cho chánh định. Móng (nền tảng) biểu tượng cho giới. Chúng ta nên nghiêm túc hành trì giới luật. Điều này rất quan trọng. Nếu quý vị không thiết lập một nền tảng vững chắc, thì những cây cột không thể đứng thẳng được, và Định mà quý vị có được sẽ gọi là tà định.

Còn “Huệ” nghĩa là gì? Một khi các cột đã được dựng thẳng lên và tường đã được xây lên, đó là căn nhà đã được làm xong. Căn nhà dùng vào việc gì? Có thể là để người ta thờ Phật, lễ Phật và nghe giảng kinh, thuyết pháp. Chúng ta sẽ giáo hóa mọi người sửa đổi thói hư tật xấu, tự cải hóa chính mình. Đó là cái dụng của trí huệ.

Giới luật là thể, định là tướng, huệ là dụng. Chúng ta phải nên hiểu rõ nguyên lý này. Nếu quý vị thiếu năng lực trì giới, quý vị sẽ có ít định lực. Thiếu định lực, trí huệ sẽ không phát sinh. Cũng vậy, nếu quý vị không thiết lập nền móng vững chắc, những cột trụ dựng lên không bền vững, thì tường sẽ bị sập, tòa nhà sẽ sụp đổ thành vô dụng. Do vậy, ba môn học vô lậu: giới, định, huệ hoàn toàn không thể thiếu được. Chúng ta phải hết sức lưu tâm đến ba môn học này.

33. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG 1983

Đệ tử : Khi một người có thể thấy được những hiện tượng xảy ra trong phạm vi hai vạn, bốn vạn và ngay đến tám vạn đại kiếp, tại sao họ lại không thể thấy được loài người tái sinh trong lục đạo khi chịu luân hồi?

Hòa thượng: Đây thực là một vấn đề lý thú. Các ông nên nhớ kỹ trong kinh văn nói rằng hành giả có thể thấy mọi hiện tượng trong hai ngàn đại kiếp, thực sự ra hành giả vẫn còn bị ảnh hưởng của cảnh giới hư vọng. Một niệm là vô lượng kiếp, vô lượng kiếp chỉ trong một niệm. Hành giả có cảm giác biết được mọi hiện tượng trong hai mươi ngàn đại kiếp, kỳ thực không nhất định ở thời gian đều như vậy, do vì hành giả vẫn còn bị xoay chuyển trong cảnh giới hư vọng. Bị chi phối bởi vọng tưởng ấy, hành giả trong suốt hai vạn đại kiếp hoàn toàn có cái thấy hư vọng, nên mới thấy trong hai vạn đại kiếp heo vẫn làm heo, bò vẫn là bò. Dù hành giả cảm thấy được như thế, thì cái thấy ấy vẫn không chính xác. Nếu thực sự trải qua hai vạn đại kiếp, thì chắc chắn là heo sẽ chịu luân hồi và sẽ không còn là heo trong suốt ngần ấy thời gian nữa. Những gì anh ta chứng minh cho cái thấy của anh ta là hoàn toàn giả mạo. Dù anh ta nói có thể thấy được mọi hiện tượng trong vòng hai vạn đại kiếp, đó không nhất thiết là một thời gian dài. Đó chỉ là do cảm giác như có được của riêng anh ta mà thôi.

Chẳng hạn ông Ngô ở Đài Loan nói: “Ồ, tôi có cảm giác như mình đang cùng với người ấy, người kia trong pháp hội mà Lục Tổ đang giảng kinh vào đời Đường.”

Đó đúng là trạng thái mà chúng ta đang bàn đến. Điều rất chắc chắn rằng anh ta cảm thấy ở đây là trường hợp biểu thị, hết thảy mọi sự việc đều không thực. Nếu nó thực, chắc hẳn sẽ có vài chứng cứ. Anh ta chẳng nên đi khắp nơi tự tuyên truyền cho chính mình. Nếu những gì anh ta nói là thực, làm sao mà anh ta lại chịu chia tay ngay sau khi gặp phải người kia (ở pháp hội Lục Tổ). Anh ta đã buông bỏ điều gì chăng? Tại sao anh ta lại trở về Đài Loan để lo chuyện kinh doanh? Anh ta tự tuyên bố những lời ấy chỉ là để mê hoặc người ta. Những người mà không thể phân biệt được tà chính, đúng sai, liền vội vàng tán thán: “Thật khó tưởng tượng nỗi! Chắc là anh ta rất linh nghiệm. Anh ta biết anh ta đã gặp người ấy từ đời Đường.”

Như thế có nghĩa là gì? Nếu các ông biết nhưng không công phu tu tập, thì các ông sẽ vẫn đọa lạc và trở thành ma.

Do vậy, các ông phải nhận thức thật sáng suốt. Cần phải có trí huệ chân chính để hiểu được tại sao khi người ta nói theo cách như thế. Ông Ngô thấy rằng nhân vật như vậy, như vậy có ảnh hưởng rất lớn ở Vạn Phật Thành và Kim Sơn Thánh Tự, nên ông ta nghĩ rằng sẽ rất có lợi khi tuyên bố mình đã từng quen biết với người ấy. Nếu người ấy im lặng có nghĩa là mặc nhiên công nhận: “Đúng vậy. Thực là ông ta và tôi đã cùng nghe giảng kinh trong Pháp hội của Lục Tổ Đại Sư.”

Quý vị hãy chú ý câu chuyện này, vô hình trung thật giống với tình trạng khi có người đến Vạn Phật Thành, họ khoe rằng được chúng ta giúp đỡ họ. Trường hợp này cũng tương tự như trên, chỉ có khác đi chút ít. Họ đều dùng những phương pháp khác nhau để lừa gạt mọi người.

Hãy đặc biệt chú ý đến điểm này. Như tôi đã nói từ trước, cái giả lót đường cho cái chân thật đi. Trước tiên là giả, hư vọng, khiến cho mọi người đều bị mê hoặc. Sau đó có nhiều người chân chính tìm kiếm để bổ sung cho sự học hỏi giáo pháo chân chính. Khi người ta bị đẩy đến chỗ đường cùng (vô lộ khả tẩu) rồi, họ mới truy cầu chánh pháp. Do đó:

Phản giả đạo chi động

Cùng giả đạo chi dụng

Thanh giả trược chi nguyên

Động giả tĩnh chi tắc.[133]

Tạm dịch là:

Quay trở lại là cái động của đạo

Cùng cực là cái dụng của đạo

Trong sạch là nguồn gốc của sự vẩn đục

Động là sự ngưng đọng của tĩnh lặng.

Đạo thường bao gồm sự tương phản, nên khi chúng ta học Phật pháp, chúng ta phải có trạch pháp nhãn để chúng ta có thể phân biệt pháp chính pháp tà, pháp đen pháp trắng. Nếu quý vị nhận thức được rõ ràng các pháp thì rất tốt. Nếu các ông bị mê mờ không nhận ra được pháp nào chân, pháp nào giả, nếu các ông vội vàng kết luận mà không chịu phân tích mọi vấn đề một cách kỹ lưỡng, thế là các ông bị rơi ngay vào phiền não.

Do đó, quý vị nên thường xuyên nghiên cứu Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Quý vị thấy câu đối ở trước cổng chính của đạo tràng này là:

“Hoa Nghiêm pháp hội

Lăng-nghiêm đàn tràng.”

Vì chúng ta đang ở trong đàn tràng Thủ-lăng-nghiêm , nên chúng ta nghiên cứu Năm mươi hiện tượng ấm ma, rồi sau đó chúng ta sẽ học đến 25 pháp viên thông của 25 vị thánh. Rồi chúng ta sẽ nghiên cứu về bốn loại “Thanh Tịnh Minh Hối ,” dần dần chúng ta sẽ nghiên cứu Kinh Thủ-lăng-nghiêm từng đoạn, từng phần, cho đến khi quý vị hiểu được kinh một cách rõ ràng, tường tận.

Ngày nay, quyến thuộc của loài yêu ma quỷ quái tuyên bố rằng Kinh Thủ-lăng-nghiêm là ngụy tạo. Do vậy nên Phật tử đánh mất tín tâm và nói: “Ồ, Kinh Thủ-lăng-nghiêm là ngụy tạo, dù các ông có nói gì đi nữa, nó vẫn là giả.”

Làm sao mà chúng ta có thể phân biệt được cái chân thật từ cái giả, cái đen từ cái trắng? Đừng có nhầm lẫn cho rằng ta kiến là chân chánh và chánh kiến là tà vạy. Nhận thức như thế là điên đảo nghiêm trọng trong việc nhận định tà chánh, chẳng khác gì người mù không nhìn thấy được gì, chỉ vì do mình không thể phân biệt rõ ràng trắng đen.

Những người mắc phải là tri tà kiến như vậy, đời sau sẽ chịu quả báo không có mắt, vì đã làm mê hoặc người khác, đưa người ta vào con đường lầm lạc. Hãy chú tâm đến điểm này. Luật nhân quả xưa nay rất chính xác, chẳng sai chệch mảy may. Kinh nghiệm của tôi là không gieo một hạt giống xấu ác nào cả, dù rất nhỏ. Vì nếu ta gieo, thì ta sẽ gặt lấy quả báo ấy ngay trong tương lai.

34. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983.

Khi tham câu thoại đầu “Niệm Phật là ai?” Như tôi đã từng giảng đi giảng lại nhiều lần, cần yếu là phải chuyên nhất. Nên có câu kệ:

Chuyên nhất tắc linh

Phân trì tắc tế.[134]

Nghĩa là: Tập trung tâm ý đến mức chuyên nhất thì được linh nghiệm. Còn rong ruổi phân biệt ắt bị che mờ.

Tâm chuyên nhất được ví như đục một lỗ thủng với cái dùi hoặc dùng mũi kim cương để khoan thép. Khi mũi khoan được thủng đến bên kia tấm thép ví như là sự chứng ngộ. Đó là kết quả của việc tham thiền.

Ai là người niệm Phật?

Niệm ấy là niệm ở trong tâm của ông.

“Tham” có nghĩa là “quán xét,” khác hẳn với nghĩa “tính toán, suy lường.”

Tham có nghĩa là tập trung tâm ý vào một nơi, tìm xem cái “ai.” Như vậy “tham” có nghĩa là quán xét thật kỹ đạo lý. Trong khi tính toán suy lường không phải là một niệm đơn giản, niệm ấy liên quan đến những điều thị phi, tạo nên sự so sánh phân biệt. Tính toán suy lường có nghĩa là còn quá nhiều vọng tưởng. Trong khi “tham” thì gom lại để chỉ còn một vọng tưởng. Một người khi tính toán suy lường về vài việc thì không thể nào có đủ sáng suốt để quyết định được. Anh ta nghĩ chuyện trên trời rồi tự hỏi không biết ông trời mặc áo gì, đội mũ gì, mắt ông to cỡ nào, tai ông dài bao nhiêu? Mũ ông rộng ra sao? Anh ta cố gắng suy nghĩ về kích cỡ từng phần của ông trời, anh ta cố gắng đo lường từng bộ phận ấy bằng inch (2,54cm) và foot (30,48cm). Nhưng rốt cục, ông trời có giống như sự tưởng tượng của anh ta chăng? Anh ta chẳng bao giờ thấy được ông trời, vậy nên sự tính toán đo lường về ông trời chắc chắn là không đúng.

Anh ta cũng suy nghĩ về đất. Suy nghĩ về lực hút của lòng đất, trung tâm trái đất lớn bao nhiêu? Mặt đất rộng bao nhiêu? Có bao nhiêu hạt vi trần trên mặt đất? Anh ta suy nghĩ rằng có vào khoảng 100 triệu lần của tám vạn bốn ngàn hạt vi trần gom lại thành trái đất này. Anh ta chỉ ước đoán và tính toán riêng một mình chớ ngay cả máy tính điện tử cũng không thể tính nỗi đến con số ấy. Anh ta tự biến mình thành máy tính, chứ không thể nào chạm đến cái đầu hoặc là đuôi của câu thoại đầu. Nên anh ta cho rằng câu thoại đầu thật là một con quái vật.

Do vậy, “tham thiền” không rơi vào phạm vi hành ấm , cũng chẳng rơi vào sắc thọ, tưởng, hành, thức ấm .

“Niệm” nghĩa là niệm trong tâm, đó là niệm chuyên nhất.

Chẳng hạn khi quý vị niệm Nam-mô A-di-đà Phật, và chỉ có độc nhất danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật trong tâm, không còn những tạp niệm khác nữa. Đây gọi là lấy độc để trị độc. Nếu ông có quá nhiều vọng tưởng, nghĩa là có quá nhiều chất độc trong người, thì chắc chắn sẽ phải ngộ độc mà chết.

35. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983

Vừa rồi Thầy Quả Địa (Gou Di) đã khuyên chúng ta phải xem việc phá trừ ngũ ấm là rất quan trọng. Thầy nói rất đúng. Bát-nhã Tâm Kinh nói:

“Khi Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành quán chiếu sâu vào năm uẩn, ngài thấy năm uẩn đều là không, nên vượt qua được tất cả khổ nạn..”

Quán Tự Tại[135] (quán sát, nghe thấy mọi hiện tượng trên thế gian một cách tự tại). Trong khi thực hành thiền tọa, từng bước tiến sâu vào thiền định. Trí huệ được khai mở dần theo từng giai đoạn.

Ngài nhận rõ năm uẩn đều là không. Khi một người thấy được sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không, thì anh ta không còn bị chướng ngại bởi chúng nữa. Vì năm uẩn không còn bao phủ che mờ anh ta nữa nên trí huệ được khai mở.

Lúc này không phải người ấy chứng được quả vị gì, hoặc được thoát khỏi tam giới đâu! Anh ta chỉ đạt được trí huệ, nhờ trí huệ đó anh ta thoát khỏi khổ nạn và có được niềm vui giải thoát. Nhưng anh ta chưa thực sự thoát khỏi khổ lụy va chưa chứng đạt niềm vui tịch diệt. Anh ta vẫn còn một lộ trình phải đi nữa, anh ta còn phải “thâm nhập kinh tạng để có được trí huệ như biển,” và không bị xoay chuyển bởi hoàn cảnh.

Còn bây giờ hành giả vẫn bị xoay chuyển bởi các cảnh giới trong ngũ uẩn. Không những anh ta chưa chứng được quả vị thứ tư (của hàng A-la-hán ) mà còn chưa chứng được quả vị đầu tiên. Một vị a-la-hán chứng được sơ quả có thể đi mà chân không chạm đất, chân của vị a-la-hán ấy cách mặt đất nửa phân, thế nên vị ấy không bao giờ để lại dấu vết bất kỳ nơi đâu ngài đến. Đó là nhờ ngài đã đoạn trừ sạch 88 phần kiến hoặc.

Kiến hoặc là khi đối cảnh, tâm khởi dậy tham ái. Khi hành giả chứng quả rồi thì:

Nhãn quán hình sắc nội vô hữu,

Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.

Nghĩa là:

Mắt thấy hình sắc lòng không động,

Tai nghe việc đời lòng dửng dưng.

Người mà thấy mọi việc đều là không thì lòng không còn chấp trước. Thế mới biết tại sao hành giả bị “tẩu hỏa nhập ma.” Thật ra thì chẳng có ma nào nhập vào và chẳng có lửa nào bén được.

Tư hoặc có nghĩa là tâm mê mờ đạo lý, khởi niệm phân biệt. Các vị Thánh khi chứng được quả vị thứ hai, thứ ba mới đoạn trừ được tư hoặc.

Nếu có người đoạn trừ được tư hoặc trong khi tu tập phá trừ ngũ ấm, liệu có còn vọng tưởng tính toán suy lường nữa không? Liệu anh ta có còn các niệm phân biệt khi tham cứu đạo lý nữa hay không? Hoàn toàn không. Lúc ấy, hành giả có thể tiếp nhận vài vấn đề và giải quyết dứt khoát ngay. Khi cần phải phân biệt tính toán về sự việc, thì tất cả vọng tưởng đều đến từthức. Thức của người ấy thường khởi phân biệt dù chỉ là chi tiết rất vi tế.

Không những anh ta chưa chứng được quả mà còn chưa lên được cõi trời Phi phi tưởng nữa. Sao vậy? Vì anh ta chưa thấy suốt được thân thể mình và chưa buông xả được thân ấy. Anh ta vẫn còn đi quanh quẩn trong vòng luân hồi, dụng hết năng lực để công phu trong cái túi da tồi tệ ấy.

Quí vị có nghĩ rằng hành giả phá được ngũ ấm rồi thì sẽ chứng được quả vị gì chăng?

Phá được ngũ ấm là đoạn đường phải đi qua, và hành giả đang đi trên lộ trình ấy. Tất cả quí vị nên nhận thức rõ ràng việc này. Đừng có như Vô Văn tỷ-khưu, nhận lầm quả vị thứ tư của hàng A-la-hán là cõi trời Tứ thiền . Một hành giả khi đã phá vỡ được ngũ ấm rồi thì chỉ đang ở mức độ Sơ thiền hoặc Nhị thiền. Anh ta vẫn chỉ đang ở mức khởi đầu của việc tu hành. Anh ta chỉ vừa mới khởi hành mà thôi.

Quí vị không nên nhận lầm học sinh lớp một với sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng. Những thần đồng có những tiến bộ rất nhanh trong tu tập không phải là nhiều. Thực vậy, trường hợp ấy rất hiếm. Quý vị phải hiểu rất minh bạch về giáo pháp. Tôi không muốn nói vấn đề này sớm vì muốn xem trí tuệ của quí vị phát triển đến đâu. Nếu một người không đoạn trừ được kiến hoặc và tư hoặc, làm sao họ chứng quả được. Điều ấy không thể nào có.

36. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983

Hành giả chưa chứng được quả vị gì cả, các cảnh giới hiện ra đó chỉ là vọng tưởng. Dù anh ta đã vượt qua được sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm , thức ấm rồi, anh ta vẫn chưa chứng được đạo. Chỉ mới đặt bước chân đầu tiên trên lộ trình công phu tu đạo. Tất cả chỉ là như vậy. Đến đây hành giả chỉ có thể chứng được bất thối chuyển.

Làm sao mà ma có thể gá vào anh ta được? Ngay một người dù chỉ mới chứng được Sơ quả, thì ma cũng không thể gá vào người ấy rồi!









37. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG BA

NĂM 1983

Bát-nhã Tâm Kinh nói:

“Khi Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành quán chiếu sâu vào năm uẩn, Ngài thấy năm uẩn đều là không, nên vượt qua được tất cả khổ nạn.”

Một khi người vượt qua được năm uẩn thì người ấy chỉ nhận ra được tánh không[136] của vạn pháp. Anh ta chắc chắn là chưa chấm dứt được sanh tử và chứng được quả vị gì cả. Anh ta vẫn còn trên lộ trình công phu, chưa đến được bờ bên kia (đáo bỉ ngạn). Thế nên không thể nói hành giả đã chấm dứt được hẳn sự sanh diệt. Anh ta chỉ mới nhận rõ được tánh không. Đó mới chỉ là một phần nhỏ.

Đến đây, hành giả không còn cảm thấy khổ hay vui nữa. Nếu hành giả dừng trụ hẳn ở đây, thì sẽ bị rơi vào tà kiến ngoại đạo. Nếu hành giả tiếp tục tinh tấn công phu, việc khai ngộ sẽ đến và cũng có thể bị chướng đạo, nhưng hành giả phải hết sức tinh tấn mới được như vậy.

Cho nên trong công phu, bất luận quý vị đạt đến trình độ nào đi nữa, nếu mình tự hài lòng với chút ít, và thấy mình đủ rồi thì quý vị tự hại mình và sẽ bị rơi ngay giữa đường. Khi quý vị hiểu rõ điều này, quý vị sẽ nỗ lực tinh tấn hơn nữa trong công phu tu tập của mình.













38. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO NGÀY 2 THÁNG 12

NĂM 1992

Phật tử hỏi: Bạch Hòa thượng, Lăng-nghiêm diệu định ở đây là một loại định, nhưng ở trước nó lại liên quan với tam chỉ, tam quán ,[137] như thế nào?

Hòa thượng: Tam chỉ , tam quán chỉ là những thí dụ. Còn về nguyên lý thì chẳng có gì khác nhau.

Đệ tử: Nhưng nó vẫn không phải là Lăng-nghiêm diệu định hay sao?

Hòa thượng: Về sau hành giả có thể chứng nhập Lăng-nghiêm diệu định. Điều này tôi giải thích có phần khác nhau tùy theo mỗi Pháp hội. Có thể nơi đây tôi sẽ giảng giải sâu hơn.

Như khi một chú bé lớn lên, nó đã từng làm nhiều việc khác nhau, dù nó vẫn mang tên ấy, và vẫn là con người ấy. Có nhiều sự việc thay đổi, nhưng con người vẫn không khác. Điều ấy có thể giảng giải như thế này ở nơi đây và nơi kia thì giảng nói bằng một cách khác. Nếu quí vị cứ khăng khăng bám vào một cách nhất định, thì khó hiểu được đạo.

Phật tử: Nhưng chỉ với một dạng căn cơ trí huệ nào đó, Hòa thượng mới dùng phương pháp như vậy?

Hòa thượng: Xin trích dẫn bài kệ:

“Không thủ bả sừ đầu,

Bộ hành kỵ thủy ngưu,

Nhân tại kiều thượng quá,

Kiều lưu thủy bất lưu.”

Nghĩa là: Tay không cầm lưỡi cày, đi bộ lưng trâu ngồi, người ở cầu đi qua, cầu trôi nước chẳng trôi.

Xin hỏi ông bài kệ thiền này có ý nghĩa ra sao? Chẳng có gì kỳ đặc cả. Dĩ nhiên là tay ông phải rảnh rang mới cầm cày được. Nếu tay ông cầm vật gì rồi, thì không thể cầm cày được nữa. Nhiều người hỏi: Làm sao cầm cày với tay không? Họ không hiểu vì họ không chịu quay đầu lại. Đó là một dạng thiền ngữ.

Phật tử: Các vị thiền sư thường nói bằng một cách kỳ quái như vậy, nên ngay khi các vị ấy nói về một vấn đề rất hợp lý, người ta vẫn không hiểu nổi những gì các vị ấy nói.

Hòa thượng: Các vị thiền sư khi nói một điều gì, là thích hợp cho một căn cơ riêng biệt nào đó. Nếu nay các ông bàn về những điều ấy, cũng chẳng khác gì vẽ lại một con vật mà nó thay đổi thường xuyên, nó sẽ không giống tí nào cả. Các vị thiền sư có chủ ý khi nói bằng lối kỳ quặc như vậy, chủ yếu là để quí vị không hiểu được cái gì cả.

Phật tử: Những lời ấy là nhắm vào một người hay sự kiện cụ thể nào đó, chẳng phải dành chung cho mọi người?

Hòa thượng: Khi con cháu đời sau trích dẫn lời này, họ đơn giản chỉ biết “nói về thức ăn mà bụng vẫn đói, đếm tiền cho thiên hạ mà mình vẫn nghèo” chẳng có được lợi ích gì cả.

Phật tử: Như khi ngươi đang gần đến lúc khai ngộ. Các thiền sư có thể đánh để giúp cho anh ta ngộ. Nên nếu người sau đánh người một cách tùy tiện, vẫn không được kết quả gì là sao?

Hòa thượng: Khi các ông đánh họ, chỉ khiến họ nổi nóng lên thôi. Còn khi công phu của các ông đã đến lúc chín muồi rồi, chỉ cần các ông va vào hoặc đụng vào một vật gì đó là liền được khai ngộ. Chuyện ấy ít khi xảy ra lắm. Vì các ông càng mong muốn, càng khó được khai ngộ, vì sự mong muốn ấy chính là vọng tưởng. Các ông không nhận ra đó là vọng tưởng và chấp dính vào trong cái tưởng thường tình của con người. Quý vị tưởng tượng ra cả ngày tận thế mà chẳng giải quyết được việc gì cả.

39. HÒA THƯỢNG GIẢNG VÀO THÁNG GIÊNG

NĂM 1983

Nếu người bị ma gá tụng chú Lăng-nghiêm. Ma có rời người ấy không? Nếu các ông trì tụng chú Lăng-nghiêm, thì bất kỳ loài ma nào đang gá trong ông đều phải bỏ đi, với điều kiện là ông đạt đến trạng thái nhất tâm khi tụng chú. Nếu quý vị tụng chú với tâm chuyên nhất, không một niệm vọng tưởng nào hoặc một niệm tham ái nào dấy khởi thì ma phải tránh xa.



Chỉ e ngại rằng quí vị chỉ tụng chú một phần, còn phần kia thì rong ruổi theo vọng tưởng, chẳng có thể từ bỏ tâm niệm: sát, đạo, dâm, vọng và dùng chất gây nghiện. Trong trường hợp như trên thì chẳng có chú nào trì tụng mà được hiệu nghiệm cả.




40. HÒA THƯỢNG GIẢNG THÁNG GIÊNG NĂM 1983.

Hàng ngày chúng ta đến đây để nghiên cứu Phật pháp. Chúng ta nên áp dụng những điều học hỏi được vào chính cuộc sống của mình suốt từ sáng đến tối. Làm sao cho cuộc sống được khế hợp với đạo. Nếu chỉ cần một ngày ta không thực hành điều ấy, thì ta đã bỏ lỡ một dịp may. Chỉ trong khoảnh khắc khởi niệm, mình không tiếp tục công phu được nữa là quí vị đã đánh mất nhiều điều lợi lạc. Cũng như khi mèo rình chuột, nó đã ngồi đó chờ suốt mấy ngày, rồi lại bỏ đi. Nó không có đủ tính kiên nhẫn. Ngay khi nó vừa bỏ đi, chuột xuất hiện và mèo không bắt được, điều kỳ lạ là ở đó. Cũng như người đi câu cá, thả câu suốt mấy ngày rồi mà vẫn không câu được con nào.

Bởi vì những con cá nhỏ thì bị cá lớn nuốt hết rồi, còn cá lớn thì đã no bụng nhờ ăn lũ cá nhỏ, nên không còn muốn ăn gì khác nữa. Chúng chỉ còn muốn ngủ, chẳng còn muốn ăn gì cả trong suốt vài ba ngày. Nhưng khi chúng bắt đầu đói bụng, thì người câu cá cạn hết sức kiên nhẫn và bỏ đi, nên chẳng câu được con cá nào cả.

Cả hai việc câu cá và bắt chuột vốn là việc sát sinh, người tu hành chúng ta cũng tuyên chiến với nghiệp sát ấy. Mục tiêu của chúng ta là sáu tên giặc: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, chúng ta canh chừng sáu tên giặc này rất kỹ lưỡng trong vài hôm, thế là chúng không có được cơ hội hoạt động, nhưng khi chúng ta trở nên lơ là, thì sáu tên cướp lại tác quái, làm loạn. Thật là tai hại. Đó là lý do tại sao chúng ta phải an trú trong chánh niệm, chúng ta không nên xao nhãng dù chỉ trong giây phút, nếu không thì ma sẽ gá vào ngay. Ma đã từng quấy nhiễu người tu hành khi Phật còn tại thế, thế nên chư Tăng thời ấy cũng rất thận trọng và thường công phu tinh tấn.

Khi Đức Phật còn tại thế, có sự kiện gì chứng minh ma quấy phá người tu? Đó là khi kiết tập kinh điển lần đầu tiên sau khi Phật nhập diệt, Ngài A-nan bước lên pháp tòa và ngồi vào vị trí chủ tọa của pháp hội. Lúc ấy dung mạo của Ngài trở lên đoan nghiêm viên mãn không thể nghĩ bàn. Các vị a-la-hán trong hội chúng đều tự hỏi không biết việc gì sắp xảy ra?

- Điều gì vậy? A-nan thành Phật rồi hay sao?

Lại có vị hỏi:

- Không phải Đức Phật đã nhập diệt rồi hay sao?

Có vị A-la-hán lại nói:

- Đây là ma chăng?

Quả thực nếu vào thời Phật còn tại thế, không có ma xuất hiện, tại sao các vị A-la-hán vẫn còn mối nghi ngờ như thế ngay sau khi Đức Phật nhập niết-bàn? Ma chắc hẳn là thường xuyên xuất hiện ngay khi Phật còn tại thế. Quí vị nên quan sát kỹ điều này, khi chúng ta dụng công vào việc tu hành, chúng ta không nên lơ là dù chỉ trong khoảnh khắc. Vào mọi lúc cần phải nhận thức rõ ràng rằng mình đang đứng chân trên mặt đất chân thực và hết sức chú tâm vào việc tu tập. Chúng ta đang thể nhập vào chân lý, chỉ cần xao lãng công phu trong phút giây, thì nghiệp chướng của chúng ta sẽ xuất hiện ngay.





41. HÒA THƯỢNG GIẢNG THÁNG GIÊNG NĂM 1983.

Trước đây có người phê bình rằng dùng năm lớp quần áo để ví với ngũ uẩn là thiếu hợp lý vì Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Bồ-tát Quán Tự Tại quán chiếu năm uẩn và thấy nó đều không, nên Ngài vượt qua tất cả các khổ nạn.”

Nếu ngũ uẩn giống như năm lớp quần áo, thì khi quần áo được cởi ra rồi con người sẽ bị trần truồng. Vậy nên Thầy Quả Chu nhận xét ví dụ này dễ khiến cho người ta sinh khởi vọng tưởng, đúng thực là như vậy.

Trước khi năm uẩn được tiêu dung, người ta vẫn còn bị bao phủ bởi năm lớp quần áo, và con người không có nhiều vọng tưởng như thế. Một khi vọng tưởng bị phá trừ, và người ta trở thành trần truồng.

Cho nên pháp so sánh này có một chút vấn đề nhỏ. Sợ rằng nó khiến cho người ta khởi lên vọng tưởng. Trong trường hợp này Thầy giải thích như thế nào? Năm lớp quần áo là thứ hữu hình trong khi ngũ uẩn là vô hình. Hữu hình hoàn toàn khác với vô hình.

Ngũ uẩn là một loại âm khí, và nó cũng có thể biến thành dương khí. Ma âm cũng có thể trở thành ma dương. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào quí vị có biết cách vận hành nó hay không, nếu biết thì quý vị không bị nó chuyển, đó là trường hợp không đến nỗi xấu. Nhưng nếu quý vị ham muốn thần thông, tham cảnh giới thù thắng, tham lợi, thì bị nó sai sử.

Ngũ ấm cũng được gọi là ngũ uẩn. Ngũ ấm là năm loại âm khí. Vì ngũ ấm mà ông mới bị ma gá. Dương khí làm cho một người có thể tu tập trở thành Bồ-tát. Tuy nhiên vấn đề chính là đừng nên chấp trước, khi không chấp trước thì:

“Chung nhật xuyên y, vị xuyên nhất lũ sa

Chung nhật ngật phạn, vị ngật nhất lạp mễ.”

Nghĩa là: “Suốt ngày mặc áo, mà chẳng dính một sợi vải, ăn cơm suốt ngày mà chẳng dính một hạt gạo.

Ông không dính mắc gì cho dù ông có mặc áo quần hay không. Những người tu hành chân chính không dính mắc với những chuyện như thế, chẳng có gì quan trọng ở ví dụ cởi năm lớp áo, bởi vì quí vị sẽ làm gì khi không mặc gì hết? Đây đơn giản chỉ là ví dụ, vì tôi lo rằng quí vị sẽ không hiểu được khi nghe giảng kinh.

Kỳ thực ngũ ấm căn bản chỉ là một lượng khí tác quái mà thôi. Khí này có thể chánh có thể tà. Tà khí gọi là âm khí, chánh khí gọi là dương khí. Nếu các ông không biết cách sử dụng nó, thì nó trở thành ma âm. Nếu ông biết cách chuyển hóa nó, thì nó thành ma dương. Vào lúc này ông nên đừng nghĩ đến cả hai chuyện tốt và xấu, đừng ham muốn cảnh giới tốt đẹp và sợ cảnh xấu. Khi gặp một cảnh giới nào, chỉ sử sự như thể nó không hiện hữu, đừng vướng mắc với nó. Tôi hiểu Quả Chu không muốn cởi năm lớp áo ra vì anh ta cảm thấy xấu hổ khi làm vậy. Nên hôm nay tôi đưa đề tài này ra thảo luận.

42. HÒA THƯỢNG GIẢNG THÁNG GIÊNG NĂM 1983.

Đạo Phật xem Kinh Thủ-lăng-nghiêm như là một cái kính chiếu yêu. Tất cả loài thiên ma, ngoại đạo, lị mị, võng lượng lượng đều phải hiện nguyên hình khi nghe kinh Thủ-lăng-nghiêm . Chúng nó không còn nơi nào để ẩn náu hay trốn thoát cả. Nên trước đây khi Trí Giả Đại Sư nghe đến kinh này, liền hướng về Ấn Độ lễ bái suốt mười tám năm. Ngài đem hết sự thành tâm khẩn thiết cầu nguyện cho kinh Thủ-lăng-nghiêm sớm được truyền đến Trung Hoa.

Tất cả các vị Đại đức cao tăng trong quá khứ, cùng tất cả các vị Cao tăng có trí tuệ, không một vị nào là không tán thán Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Thế nên, miễn là kinh Thủ-lăng-nghiêm còn lưu hành, thì Phật pháp còn hiện hữu. Nếu Kinh Lăng-nghiêm bị hủy hoại thì Phật pháp cũng đến thời hoại diệt.

Như thế nào gọi là thời mạt pháp? Đó là lúc Kinh Thủ-lăng-nghiêm bị hủy diệt trước tiên. Ai phá hủy? Thiên ma và ngoại đạo sẽ phá hủy Kinh này. Họ thấy Kinh Thủ-lăng-nghiêm giống như cái đinh trong mắt họ, như cái gai trong da thịt họ. Họ ngồi đứng không yên được. Họ bị bắt buộc phải đưa ra một là thuyết cho rằng Kinh Thủ-lăng-nghiêm là ngụy tạo.

Là Phật tử, chúng ta nên nhận thức chân lý này ngay. Mọi lời trong kinh Thủ-lăng-nghiêm đều tuyệt đối chân xác. Chẳng có lời nào mà không hiển bày chân nghĩa. Thế nên nay chúng ta đang học về Năm mươi hiện tượng ấm ma, chúng ta càng phải nhận thức tầm quan trọng của kinh Thủ-lăng-nghiêm đến đâu. Kinh Thủ-lăng-nghiêm là kinh mà ma quỷ sợ nhất.

Hòa thượng Hư Vân đã sống qua 120 tuổi. Trong suốt cuộc đời, Ngài không chú giải một bộ kinh nào ngoài bộ kinh Thủ-lăng-nghiêm. Ngài rất cẩn thận giữ gìn bản chú giải Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Ngài giữ gìn nó đã được vài chục năm. Nhưng sau biến cố ở chùa Vân Môn thì bị cháy mất. Đây là điều đáng tiếc nhất trong đời của Ngài. Ngài chủ trương rằng: Đã là người xuất gia, chúng ta phải nên nghiên cứu Kinh Thủ-lăng-nghiêm đến mức độ có thể tụng thuộc lòng kinh nầy từ đầu đến cuối, rồi tụng ngược lại. Đó là chủ trương của Hư Vân Lão Hòa thượng . Tôi cho ràng suốt cuộc đời, Ngài xem Kinh Thủ-lăng-nghiêm là đặc biệt quan trọng nhất.

Khi Hư Vân Lão Hòa thượng được biết người ta gán cho Kinh Thủ-lăng-nghiêm là ngụy tạo, Ngài giải thích rằng thời mạt pháp sẽ đến khi người ta lộng giả thành chơn, lấy mắt cá cho là hạt châu. Họ tung hỏa mù khiến cho mọi người không phân biệt được đâu là Phật pháp. Họ đem cái giả cho là cái chơn, lấy cái chơn cho là giả. Hãy xem xét kỹ những người này. Người này viết một cuốn sách, rồi mọi người đều đọc cuốn sách ấy. Rồi người kia viết cuốn sách khác. Mọi người cũng được cuốn ấy. Còn cuốn kinh chân thật do Đức Phật giảng nói thì họ để trong ngăn kệ, nơi mà chẳng có người nào đọc. Từ đó, chúng ta có thể thấy được rằng nghiệp chướng của chúng ta rất sâu nặng. Nếu chúng sanh nghe đến tà tri tà kiến thì liền tin ngay, còn nếu quý vị giảng nói chánh Pháp, căn cứ trên chánh tri, chánh kiến thì họ chẳng chịu nghe. Quý vị có chịu khó nói lại lần nữa, họ vẫn không muốn tin. Tại sao vậy? Vì họ không có đủ thiện căn. Đó là lý do họ nghi ngờ chánh Pháp. Họ mang đầy lòng hồ nghi và tâm bất tín.

Nay nơi Vạn Phật Thành này, chúng ta có thành lập đạo tràng Thủ-lăng-nghiêm, sẽ rất lý tưởng nếu có người phát tâm tụng trì Kinh Thủ-lăng-nghiêm một hoặc hai giờ trong một ngày. Quí vị học hàng ngày như khi mình học ở trường vậy, và nên học thuộc lòng để có thể tụng được. Nếu quí vị có thể tụng Kinh Pháp Hoa , Kinh Hoa Nghiêm thì rất tốt. Nếu mọi người tụng thuộc Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Thủ-lăng-nghiêm, có nghĩa hiện nay vẫn thời kỳ chánh pháp đang còn tồn tại ở thế gian. Thế nên ở mọi nơi tốt lành như Vạn Phật Thành, quí vị nên phát tâm đại bồ-đề, để tụng đọc và học thuộc những bộ kinh này. Điều ấy không có nghĩa là ta đua tranh với người khác để được nổi tiếng, để được nổi bật trong đại chúng mà làm việc đó.

Trong quá khứ tôi có một tâm nguyện, là tụng thuộc lòng hai bộ kinh Pháp Hoa và Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Hồi ở Hồng Kông có người đệ tử tên là Quả Nhất (Hằng Định) có thể tụng thuộc lòng Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Tôi dạy thầy ấy học Kinh Pháp Hoa , nhưng về sau có lẽ thầy ấy không nhớ nỗi được nữa. Thật là đáng tiếc.

Ở những đạo tràng tốt đẹp như nơi đây, quí vị nên dõng mãnh để học Kinh và Giới Luật của Phật. Kinh Thủ-lăng-nghiêm, Kinh Pháp Hoa , Tứ Phần Luật , Kinh Phạm Võng ... Học cho đến khi quí vị tụng thuộc lòng được. Đó là điều tốt nhất. Làm được vậy mới chắc chắn là thời chánh pháp còn lưu hành ở thế gian lâu dài.

HẾT



Việt dịch: Thích Nhuận Châu



Tịnh Thất Từ Nghiêm-Đại Tòng Lâm

No comments:

Post a Comment