Saturday, October 15, 2016

Kinh Lăng Nghiêm: Ma chướng trên đường tu tập - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (5)



KINH LĂNG NGHIÊM: MA CHƯỚNG TRÊN ĐƯỜNG TU TẬP

GIẢNG GIẢI (tiếp theo)



C. CỘI GỐC CỦA HÀNH ẤM

KINH VĂN:

若此清擾,熠熠元性,性入元澄,一澄元習,如波瀾滅,化為澄水。名行陰盡。是人則能超眾生濁。觀其所由,幽隱妄想 以為其本.

Nhược thử thanh nhiễu, tập tập nguyên tánh, tánh tập nguyên trừng, nhất trừng nguyên tập. Như ba lan diệt, hóa vi trừng thủy. Danh hành ấm tận. Thị nhân tắc năng siêu chúng sanh trọc. Quán kì sở do, u ẩn vọng tưởng dĩ vi kì bản.

Việt dịch:

Nếu cội gốc của tánh bập bềnh chớp nhoáng ấy nhập vào bản chất trong lặng vốn sẵn có xưa nay, thì tập khí của hành giả sẽ lóng lặng, như sóng lặng nước yên. Đây gọi là hành ấm tiêu dung. Người ấy có thể vượt qua được chúng sanh trược. Quán xét nguyên do cội gốc của hành ấm, chính là u ẩn vọng tưởng.



GIẢNG:

Nếu cội gốc của tánh bập bềnh chớp nhoáng ấy nhập vào bản chất trong lặng vốn sẵn có xưa nay, thì tập khí của hành giả sẽ lóng lặng. Như sóng lặng nước yên.

Bản chất của ánh sáng chớp nhoáng bập bềnh này là như thế, sau một thời gian dài nó sẽ trở về với thể tánh rỗng lặng trong suốt vốn sẵn có xưa nay. Một khi nó đã lắng xuống và trở nên trong trẻo, thì bản tánh thanh tịnh hiển bày, khi bản tánh hiển lộ thì những tập khí sẽ tiêu tan như sóng lặng xuống.

Tưởng ấm, như một dòng nước chảy xiết (bạo lưu). Trong kinh văn ở đoạn trước đã có sự so sánh ấy rồi. Bây giờ dùng sóng để ví dụ. Giống như một dòng nước chảy xiết, rất nhanh và dữ dội.

Đây gọi là hành ấm tiêu dung.

Tưởng ấm như dòng nước phun vọt ra, còn hành ấm như sóng gợn lăn tăn trên mặt nước. Đến khi chỉ còn thức ấm , thì mới hết sóng, nước lắng yên và trong veo. Đây gọi là hành ấm tiêu dung.

Hành giả có thể vượt qua được chúng sanh trược, đó là sự hỗn độn, mờ đục của thế giới chúng sanh. Quán xét nguyên do cội gốc của hành ấm , chính là u ẩn vọng tưởng.

Khi quý vị tu tập đạt đến mức độ này rồi, quý vị vẫn còn có vọng tưởng, nhưng không quá lộ liễu, nó bị che khuất trong khoảng tối tăm mù mịt, không dễ dàng quán xét để biết rõ ràng tường tận thứ vọng tưởng ấy được. Loài vọng tưởng cực kỳ vi tế này là nguồn gốc của hành ấm .

D. 10 CẢNH GIỚI CỦA HÀNH ẤM

1. HAI LOẠI TÀ KIẾN VÔ NHÂN

KINH VĂN:

阿難當知,是得正知,奢摩他中,諸善男子,凝明正心,十類天魔不得其便.方得精研窮生類本,於本類中,生元露者,觀彼幽清,圓擾動元,於圓元中起計度者,是人墜入二無因論.

A-nan đương tri, thị đắc chánh tri, xa ma tha trung, chư thiện nam tử, ngưng minh chánh tâm, thập loại thiên ma, bất đắc kì tiện. Phương đắc tinh nghiên, cùng sanh loại bản, ư bản loại trung, sanh nguyên lộ giả, quán bỉ u thanh, viên nhiễu động nguyên, ư viên nguyên trung khởi kế độ giả. Thị nhân đọa nhập nhị vô nhân luận.

Việt dịch:

A-nan, nên biết, các thiện nam tử ấy đã được sự nhận biết chân chính trong khi tu xa-ma-tha , chánh tâm ngưng lặng, sáng suốt, không bị quấy phá bởi mười loại thiên ma. Trong lúc nghiên cứu tinh vi cùng tột gốc của các loại chúng sanh, khi thấy manh mối sinh diệt của các loại hiện ra, quán xét cội gốc thường chuyển động lăng xăng cùng khắp u ẩn kia, trong đó lại khởi tâm so đo chấp là tính viên nguyên, thì liền rơi vào hai thứ luận vô nhân.

GIẢNG:

A-nan, nên biết, các thiện nam tử ấy đã được sự nhận biết chân chính trong khi tu xa-ma-tha (chỉ ), còn gọi là tịch tĩnh.

Chánh tâm ngưng lặng, sáng suốt, không bị quấy phá bởi mười loại thiên ma.

Tâm đã được điều phục ngưng lặng, sáng suốt. Trong định, tâm hành giả trở nên sáng suốt ngưng lặng. Không bị quấy phá bởi mười loại thiên ma. Thiên ma không có cơ hội để quấy phá hành giả.

Trong lúc nghiên cứu tinh vi cùng tột gốc của các loại chúng sanh. Bây giờ hành giả có thể có được cơ hội nghiên cứu tinh vi cùng tột cội gốc sinh diệt của mười hai loại chúng sanh.

Khi thấy manh mối sinh diệt của các loài hiện ra.

Khi hành giả vạch ra được manh mối sinh diệt của mỗi loài chúng sanh. Hành giả có thể quán sát cội gốc thường chuyển động lăng xăng trùm khắp uẩn kia.

Hành giả quán sát trạng thái lăng xăng mờ mịt rất khó nhận ra ấy. Trạng thái bập bềnh tỏa khắp này là một sự dao động rất vi tế thuộc phạm vi thức thứ bảy.

Trong đó lại khởi tâm so đo chấp là tính viên nguyên, thì liền rơi vào hai thứ luận vô nhân.

Nhưng nếu hành giả đột nhiên bắt đầu có một sự thay đổi và bắt đầu khởi tâm so đo chấp trước vào cội nguồn trùm khắp ấy, là tự tánh xưa nay vốn tròn đầy thì liền rơi vào hai thứ luận vô nhân.

KINH VĂN:

一者是人見本無因。何以故?是人既得,生機全破。乘于眼根八百功德,見八萬劫所有眾生,業流灣環,死此生彼。秖見眾生,輪迴其處,八萬劫外,冥無所觀。

Nhất giả thị nhân kiến bản vô nhân. Hà dĩ cố? Thị nhân kí đắc, sanh cơ toàn phá. Thừa vu nhãn căn, bát bách công đức, kiến bát vạn kiếp, sở hữu chúng sanh, nghiệp lưu loan hoàn, tử thử sanh bỉ. Kì kiến chúng sanh luân hồi kì xứ. Bát vạn kiếp ngoại, minh vô sở quán.

Việt dịch:

Một là, người ấy thấy cái gốc không có nhân. Vì sao? Vì người ấy đã hoàn toàn chuyển hóa cơ chế của sự sinh ra. Nhờ tám trăm công đức của nhãn căn, thấy được toàn bộ chúng sanh theo vòng nghiệp báo mà xoay vần trong tám vạn kiếp, chết nơi này sanh nơi kia. Thấy chúng sanh luân hồi trong đó, nhưng ngoài tám mươi ngàn kiếp thì không biết được gì.

GIẢNG:

Luận điểm trước tiên của thuyết vô nhân là: Hành giả thấy được nguồn gốc của sự sống vốn không có nhân.

Một là, người ấy thấy cái gốc không có nhân.

Hành giả thấy rằng: Nơi nguồn gốc của toàn thể vạn vật chẳng có một nguyên nhân nào khiến một người thành người.

Vì sao? Vì người ấy đã hoàn toàn chuyển hóa cơ chế của sự sinh ra.

Nghĩa là: Anh ta đã cắt đứt được tưởng ấm , còn hành ấm thì như sóng gợn lăn tăn trên mặt nước. Sau khi hành giả tiêu dung được tưởng ấm rồi, là đã chuyển hóa được toàn bộ cơ chế của sinh diệt. Có nghĩa là: cơ chế sinh khởi vọng tưởng đã được chuyển hóa, và hành giả không còn vọng tưởng nữa. Trong đoạn kinh văn trước đã nhắc đến người sẽ không còn mộng nữa khi tiêu dung được tưởng ấm, vì đã chuyển hóa được cơ chế sinh khởi vọng tưởng.

Nhờ tám trăm công đức của nhãn căn, thấy được toàn bộ chúng sanh theo vòng nghiệp báo mà xoay vần trong tám vạn kiếp, chết nơi này sanh nơi kia.

Mặc dù mỗi căn có khả năng một ngàn hai trăm công đức, riêng cái dụng của nhãn căn không có năng lực toàn diện nên chỉ có tám trăm công đức. Một khi hành giả vượt qua được tưởng ấm , anh ta có thể nhìn thấy những sự kiện xảy ra trong phạm vi tám vạn kiếp. Anh ta có thể thấy chúng sinh, chết nơi này sanh ở nơi kia, thấy chúng sanh luân hồi trong đó.

Dòng nghiệp tạo nên bởi chúng sanh trong thế gian này có thể ví như dòng nước hoặc như mặt biển. Anh ta có thể thấy được toàn bộ chúng sinh xoay vần trong dòng chảy đó trong thời gian tám vạn đại kiếp, chết nơi này sinh nơi kia, đời này kế tiếp đời sau.

Thấy chúng sanh luân hồi trong đó, nhưng ngoài tám mươi ngàn kiếp thì không biết gì.

Nhưng ngoài tám vạn kiếp, những biến cố sự kiện xảy ra trong khoảng ấy thì không biết được gì.

KINH VĂN:

便作是解,此等世間十方眾生,八萬劫來,無因自有。

Tiện tác thị giải, thử đẳng thế gian thập phương chúng sinh, bát vạn kiếp lai, vô nhân tự hữu.

Việt dịch:

Do vậy hành giả có kiến giải rằng, những loại chúng sanh trong mười phương thế giới này từ tám vạn kiếp trở lại, hiện hữu mà không có nguyên nhân.

GIẢNG:

Do vậy, vì hành giả không nhìn thấy được những sự kiện xảy ra trong hơn tám vạn đại kiếp trở lại, nên có kiến giải những loại chúng sanh trong mười phương thế giới này từ tám vạn kiếp trở lại, thành chúng sanh mà không có nguyên nhân.

Tự nó làm chúng sanh, không có nhân duyên nào cả, tất cả đều tình cờ ngẫu nhiên mà sanh ra.





KINH VĂN:

由此計度,亡正遍知,墮落外道,惑菩提性

Do thử kế độ, vong chánh biến tri, đoạ lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh.

Việt dịch:

Do sự suy đoán này, nên mất chánh biến tri, bị lạc vào ngoại đạo, trở nên mê lầm tánh bồ-đề.

GIẢNG:

Do sự suy đoán này. Sự phỏng đoán ấy đã lạc đường, là hướng ra bên ngoài mà suy lường. Nên hành giả đánh mất chánh biến tri, lạc vào hàng ngoại đạo, theo hàng ngoại đạo tà giáo. Trở nên mê lầm tánh bồ-đề... là tánh giác ngộ sáng suốt từ bản tâm.

KINH VĂN:

二者是人見末無因。何以故?是人於生,既見其根。知人生人,悟鳥生鳥。烏從來黑,鵠從來白。人天本竪,畜生本橫。白非洗成,黑非染造。從八萬劫,無復改移。

Nhị giả thị nhân kiến mạt vô nhân. Hà dĩ cố? Thị nhân ư sanh, kí kiến kì căn. Tri nhân sanh nhân, ngộ điểu sanh điểu. Ô tòng lai hắc, hộc tòng lai bạch. Nhân thiên bản thụ, súc sanh bản hoành. Bạch phi tẩy thành, hắc phi nhiễm tạo. Tòng bát vạn kiếp, vô phục cải di.

Việt dịch:

Thứ hai là người ấy thấy cái ngọn là không có nguyên nhân. Tại sao? Vì đã nhận ra cội gốc sinh diệt. Biết loài người luôn luôn sanh ra người, chim luôn luôn sanh ra chim. Quạ vốn xưa nay là đen, chim hộc vốn xưa nay là trắng. Loài người, loài trời luôn luôn đứng thẳng, loài vật luôn luôn có thân nằm ngang. Sắc trắng không do rửa mà thành, mầu đen không do nhuộm mà có. Suốt tám vạn kiếp việc ấy không hề thay đổi.

GIẢNG:

Thứ hai là người ấy thấy cái ngọn là không có nguyên nhân.

Luận điểm thứ hai là gì? Hành giả thấy chỗ tận cùng của sự sống là không có nguyên nhân.

Luận điểm thứ nhất là thấy sự sinh khởi không có nguyên nhân. Bây giờ là quan niệm về sự biến diệt, sự chấm dứt cuộc sống không có nguyên nhân.

Vì sao? Vì hành giả đã nhận ra được cội gốc của sự sinh diệt là sự khởi thủy của toàn bộ chúng sanh. Biết người luôn luôn sinh ra người, chim luôn luôn sanh ra chim. Hành giả nhận thấy rằng mình đã giác ngộ, đạt được trí huệ vĩ đại, anh ta nghĩ rằng mình biết được mọi điều. Anh ta cho rằng mình biết được điều gì? Anh ta nói: “Người rốt cục lại sanh ra người, chim rồi lại sanh làm chim.” (33)

Chim quạ vốn xưa nay là mầu đen. Quạ có mầu đen từ khởi thủy, nó chẳng phải do nhuộm mà có mầu đen, và chim hộc (ngỗng trời) vốn xưa nay là màu trắng, nó mang mầu trắng từ khi mới sanh ra.

Loài người, loài trời luôn luôn đứng thẳng. Loài người và chư thiên thì đi thẳng, đi bằng hai chân.

Loài vật luôn có thân nằm ngang. Súc sinh đi ngang bằng bốn chân trên mặt đất. Điều này là chính xác từ xưa nay rồi.

Sắc trắng không phải do rửa mà thành, mầu đen không phải do nhuộm mà có. Chẳng hạn như quạ có màu đen, nhưng chẳng do nhuộm mà thành đen. Cũng thế ngỗng trời có màu trắng, chẳng phải do tẩy rửa mà thành trắng.

Suốt trong tám vạn kiếp, việc ấy không hề thay đổi.

KINH VĂN:

今盡此形,亦復如是。而我本來,不見菩提,云何更有成菩提事?當知今日一切物象,皆本無因。

Kim tận thử hình, diệc phục như thị. Nhi ngã bản lai, bất kiến bồ-đề, vân hà cánh hữu, thành bồ-đề sự? Đương tri kim nhật nhất thiết vật tượng, giai bản vô nhân.

Việt dịch:

Cho đến hết đời này cũng như vậy. Mà ta từ xưa nay, chưa từng thấy có gì là bồ-đề, thì làm sao có chuyện thành tựu bồ-đề? Các ông ngày nay nên biết, các vật tượng hiện hữu đều không có nguyên nhân.

GIẢNG:

Cho đến hết đời này cũng như vậy.

Người ấy có thể thấy được những hiện tượng xảy ra trong phạm vi tám vạn đại kiếp, nên nói: “Nay tôi xem xét đến cùng tận cõi đời này là cuộc sống của thân vật chất, cũng thấy như vậy, cũng giống như mọi loài chúng sanh mà nó thấy được trong tám vạn đại kiến ấy.

Mà ta từ xưa nay, chưa từng thấy có gì là bồ-đề, thì làm sao có chuyện thành tựu bồ-đề? Thân nó cũng không có nguồn gốc sanh khởi. Nó nói: “Thực vậy từ xưa đến nay, ta chưa từng thấy có gì là bồ-đề. Ta chưa từng thấy bồ-đề như thế nào? Làm sao lại có việc thành đạo bồ-đề?

Ta đã nhìn qua tám vạn đại kiếp, chưa từng thấy được bồ-đề, thế nên làm sao ta có thể tin là có người chứng được đạo bồ-đề.

Các ông ngày nay nên biết các vật tượng hiện hữu đều không có nguyên nhân.

Các hiện tượng ấy hiện hữu chẳng do bất kỳ nguyên nhân nào mà. Thực ra, anh ta chỉ có thể thấy được các hiện tượng trong phạm vi tám vạn đại kiếp. Còn những hiện tượng xảy ra ngoài thời gian đó, thì anh ta hoàn toàn không biết.

Khi Đức Phật còn tại thế, có một lão già đến tinh xá gặp Phật xin được xuất gia. Gặp khi Đức Phật đang trên đường du hóa, không có ở tinh xá. Các vị A-la-hán ở đó đều nhìn lão già. Đó là một người khoảng ngoài tám mươi tuổi, da nhăn, tóc bạc, dáng đi lụm cụm run rẩy. Bất kỳ lúc nào có người đến tinh xá xin xuất gia, các vị A-la-hán đều quán sát những nhân duyên người ấy đã gieo trồng từ nhiều kiếp trước và quả báo mà người ấy sẽ gặt và đời sau. Nay chư vị A-la-hán quán sát những nghiệp nhân người già ấy đã gieo và thấy được trong tám vạn kiếp trước, lão già ấy không gieo trồng chút thiện căn nào cả.

Vị đại A-la-hán bảo: “Vì ông không trồng căn lành, nên không thể xuất gia được. Ông chớ nên nghĩ rằng xuất gia là dễ. Để được làm người xuất gia, các ông phải gieo trồng nhiều hạt giống bồ-đề trong đời này và những đời sau. Mặc dù ông muốn xuất gia ngay đời này, nhưng do vì ông đã không gieo nhân lành nên chúng tôi không thể nhận ông vào trong đoàn thể những người xuất gia. Tốt hơn là ông nên về nhà đi.”

Lão già nghe vậy bèn bật khóc. Ông khóc khi nghĩ về số phận kém may mắn của mình. Cũng như trong một lần trước, ông đã từng ước nguyện được xuất gia và cũng bị từ chối bởi các vị A-la-hán đệ tử Phật. Ông lão vừa đi vừa khóc, suy nghĩ: “Tốt nhất là ta nên tự tử chết cho rồi, ta nên treo cổ hoặc trầm mình chết dưới sông. Ta chẳng muốn sống để làm gì nữa!”

Vậy mà một niệm chân thành của ông đã cảm ứng đến chư Phật. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni liền đến gặp ông và hỏi: “Tại sao ông khóc?”

Ông trả lời: “Con muốn sống đời xuất gia, nhưng Thế tôn không có ở tinh xá, các đệ tử của ngài không chấp nhận con vào Tăng đoàn. Họ nói con không gieo trồng căn lành và chẳng làm được việc gì tốt trong tám vạn kiếp vừa qua hết thảy. Nên con suy nghĩ thà chết còn hay hơn. Chẳng còn mục đích gì để sống cả.”

Đức Phật nói:

- Đừng khóc nữa! Ta sẽ giúp ông. Ta sẽ đồng ý cho ông xuất gia. Hãy theo ta về tinh xá.”

Lão già theo Đức Phật trở về tinh xá. Và được Đức Phật cho xuất gia. Tất cả những vị A-la-hán đều lấy làm khó hiểu. Họ suy nghĩ:

- Lạ thật! Đức Phật xưa nay chỉ nhận toàn những người đã gieo trồng nhiều căn lành. Tại sao ngày nay lại nhận lão già chẳng gieo trồng chút căn lành nào cả?

Đức Phật biết vậy mới bảo với họ rằng:

- Các ông là hàng A-la-hán , chỉ mới có thể biết được những việc xảy ra trong vòng tám vạn đại kiếp. Còn ngoài khoảng thời gian ấy, các ông hoàn toàn không biết được. Cách đây hơn tám vạn đại kiếp, lão già này là tiều phu đốn củi trong rừng. Một hôm ông ấy gặp phải cọp và leo lên cây để tránh. Con cọp bắt đầu gặm gốc cây, chực muốn ăn sống nuốt tươi người tiều phu. Người ấy quá hoảng hốt kêu lên “Nam-mô Phật.” Con cọp liền bỏ đi, khi cọp đã đi xa rồi, ông tiều phu mới trở về nhà, thoát khỏi nạn cọp vồ.

Chỉ niệm một câu “Nam-mô Phật,” là ông ta đã gieo trồng một thiện căn trong hơn tám vạn đại kiếp trước. Đến bây giờ là lúc hạt giống ấy nẩy mầm và kết trái. Đó là lý do ông lão được nhận cho xuất gia.

Đức Phật giải thích sự sự thắc mắc của các đệ tử A-la-hán như vậy.

Người ấy cho rằng các sự vật hiện hữu đều không có nguyên nhân là vì anh ta không thể biết được những hiện tượng xảy ra trong khoảng thời gian ngoài tám vạn đại kiếp ấy.



KINH VĂN:

由此計度,亡正遍知,墮落外道,惑菩提性。

Do thử kế độ, vong chánh biến tri, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh.

Việt dịch:

Do sự suy đoán như vậy, người ấy đánh mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo trở nên mê mờ tánh bồ-đề.

GIẢNG:

Do sự suy đoán như vậy, người ấy đánh mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, trở nên mê mờ tánh bồ-đề.

Anh ta chẳng hiểu được tánh bồ-đề.

KINH VĂN:

是則名為,第一外道,立無因論.

Thị tắc danh vi, đệ nhất ngoại đạo, lập vô nhân luận.

Việt dịch:

Đây gọi là ngoại đạo thứ nhất, lập nên luận thuyết vô nhân.

GIẢNG:

Ma lập nên luận thuyết, cho rằng mọi hiện tượng đều không có nguồn gốc, hoặc không có nguyên nhân tạo ra.

2. TÀ KIẾN CHẤP THƯỜNG

KINH VĂN:

阿難,是三摩中,諸善男子,凝明正心,魔不得便.窮生類本,觀彼幽清常擾動元。於圓常中起計度者,是人墜入四遍常論。

A-nan, thị tam ma trung, chư thiện nam tử, ngưng minh chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên. Ư viên thường trung, khởi kế độ giả, thị nhân trụy nhập tứ biến thường luận.

Việt dịch:

A-nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc sự phát sinh của muôn loài, xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng vi tế kia. Trong đó, nếu khởi tâm chấp trước là tánh viên thường, thì sẽ rơi vào bốn luận thuyết biến thường.

GIẢNG:

A-nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt. Hành giả trong lúc thiền quán , chánh tâm đứng lặng, sáng trong. Chánh tâm của hành giả có được trí tuệ từ năng lực của thiền định. Nên thiên ma không có cơ hội quấy phá. Bây giờ, thiên ma không còn có thể dùng ma thuật để nhiễu loạn hành giả được nữa. Nhưng thỉnh thoảng từ trong hành ấm lại hiện ra một loại biến hóa, khiến cho hành giả khởi vọng niệm, tà ý. Đây gọi là: “Ma sinh từ trong tâm.” Là một loại ma sinh khởi từ trong tâm của chính hành giả.

Trong khi quán sát sâu xa nguồn gốc phát sinh của muôn loài, hành giả xét cái cội gốc thường chuyển động lăng xăng u ẩn kia.

Anh ta quán sát tánh chất của manh mối cực kỳ u ẩn của tất cả mọi loài chúng sanh. Nơi ấy anh ta thấy được một sự lăng xăng nhiều động thường xuyên rất vi tế.

Trong đó, nếu khởi tâm chấp đó là tánh viên thường, thì sẽ rơi vào bốn luận thuyết biến thường.

Anh ta có thể sẽ phát khởi một thứ tà kiến, một loại suy lường sai lạc. Nên rơi vào bốn quan niệm biến thường. Bốn thứ luận biến thường là gì?

KINH VĂN:

一者是人,窮心境性,二處無因。修習能知,二萬劫中,十方眾生,所有生滅。咸皆循環,不曾散失,計以為常。

Nhất giả thị nhân, cùng tâm cảnh tính, nhị xứ vô nhân. Tu tập năng tri, nhị vạn kiếp trung, thập phương chúng sanh, sở hữu sanh diệt, hàm giai tuần hoàn, bất tăng tán thất, kế dĩ vi thường.

Việt dịch:

Một là, người ấy nghiên cứu tột cùng tâm cảnh, cả hai đều không có nhân. Tu tập biết được trong hai muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương trải qua xoay vần sanh diệt mà không mất hẳn, nên chấp là thường.

GIẢNG:

Một là, người ấy nghiên cứu tột cùng tâm cảnh. Hành giả nghiên cứu tột cùng bản tánh của tâm và cảnh. Anh ta phát khởi một suy nghĩ sai lạc và kết luận rằng cả hai tâm và cảnh đều không có nhân. Đều không có cội gốc, nơi mà chúng sinh khởi.

Tu tập biết được trong hai muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương trải qua xoay vần sanh diệt mà không mất hẳn

Nhờ có công phu tu tập, anh ta có thể biết được trong hai muôn kiếp những chúng sanh trong mười phương trải qua vòng sanh diệt vô cùng vô tận mà không dứt hẳn.

Do tu tập mà có định lực nên biết được sự sinh ra và chết đi của toàn thể các loại chúng sanh ở mười phương trong vòng hai vạn kiếp. Thấy được chúng sanh trải qua những vòng luân hồi bất tận, sanh ra rồi chết đi liên tục mãi mãi mà không bao giờ tan mất hẳn. Nên chấp là thường. Do vậy hành giả chấp tâm cảnh ấy là thường. Không bao giờ cải biến thay đổi cả.

KINH VĂN:

二者是人窮四大元,四性常住。修習能知四萬劫中,十方眾生所有生滅,咸皆體恒,不曾散失,計以為常。

Nhị giả thị nhân, cùng tứ đại nguyên, tứ tánh thường trụ. Tu tập năng tri, tứ vạn kiếp trung, thập phương chúng sanh, sở hữu sanh diệt, hàm giai thể hằng, bất tăng tán thất, kế dĩ vi thường.

Việt dịch:

Hai là người ấy nghiên cứu tột cùng cội gốc của tứ đại, cho rằng tánh của nó là thường trụ. Tu tập biết được trong bốn muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương tuy có trải qua sống chết, nhưng bản thể là thường hằng, không bao giờ tan mất, nên chấp đó là thường.

GIẢNG:

Luận điểm thứ hai là gì? Là người ấy nghiên cứu tột cùng cội gốc của tứ đại, cho rằng tánh của nó là thường trụ.Hành giả nghiên cứu tột cùng cội gốc của tứ đại đất nước, lửa gió, kết luận tánh của nó là thường trụ.

Anh ta tuyên bố rằng: “Bản thể của đất nước gió lửa là thường còn, không thể biến hoại.” Thực ra đất nước gió lửa có được là do vọng tưởng của chúng sanh và hoàn toàn không có thể tánh. Không có thể tánh làm sao nó lại thường được? Đây là một quan niệm sai lầm.

Qua công phu tu tập, biết được trong bốn muôn kiếp, chúng sanh trong mười phương tuy có trải qua sống chết, nhưng bản thể của chúng sanh lại thường hằng, không bao giờ tan mất. Do vậy, nên hành giả chấp trạng thái ấy là thường.

Anh ta cho rằng bản chất của sanh diệt là thường hằng không biến đổi, nó không bao giờ gián đoạn. Đó là luận điểm thứ hai.

KINH VĂN:

三者是人窮盡六根,末那執受,心意識中,本元由處,性常恒故。修習能知八萬劫中,一切眾生,循環不失,本來常住.窮不失性,計以為常。

Tam giả thị nhân, cùng tận lục căn, mạt-na chấp thọ, tâm ý thức trung, bản nguyên do xứ, tánh thường hằng cố. Tu tập năng tri bát vạn kiếp trung, nhất thiết chúng sanh tuần hoàn bất thất, bản lai thường trụ. Cùng bất thất tánh, kế dĩ vi thường.

Việt dịch:

Ba là, người ấy nghiên cứu cùng tột nguyên do bản lai của lục căn[84], của sự chấp thụ ở thức mạt-na và của tâm ý thức, thấy bổn tánh của nó vốn thường hằng. Tu tập biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh xoay vần không mất, xưa nay vốn thường trụ. Nghiên cứu cùng tột tánh không mất ấy, chấp cho là thường.

GIẢNG:

Ba là, người ấy nghiên cứu cùng tột nguyên do bản lai của lục căn

Người ấy nghiên cứu cùng tột nguyên do bản lai của thức thứ sáu. Thức thứ sáu còn gọi là ý thức. Mạt-na thức còn gọi là nhiễm ô thức.

Của sự chấp thủ ở thức Mạt-na, và của tâm ý thức, tức là của thức thứ sáu và thức thứ bảy.

Thấy bổn tánh của nó vốn thường hằng. Qua công phu tu tập. Dùng công phu: “phản văn văn tự tánh .” Biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh trong mười phương xoay vần luân chuyển trong luân hồi không hề tan mất và không hề thay đổi, vốn xưa nay vốn thường trụ. Nghiên cứu cùng tột tánh không tan mất ấy chấp cho là thường. Không bị chi phối bởi sự thay đổi.

KINH VĂN:

四者是人,既盡想元。生理更無,流止運轉,生滅想心,今已永滅。理中自然成不生滅。因心所度,計以為常。

Tứ giả thị nhân, kí tận tưởng nguyên. Sanh lí cánh vô, lưu chỉ vận chuyển, sanh diệt tưởng tâm, kim dĩ vĩnh diệt. Lí trung tự nhiên thành bất sanh diệt. Nhân tâm sở độ kế dĩ vi thường.

Việt dịch:

Thứ tư là người ấy đã tiêu dung được căn nguyên tưởng ấm . Lý sanh khởi không còn nữa, trạng thái lưu chuyển đứng lặng xoay vần, tâm tưởng sanh diệt, nay vĩnh viễn không còn. Trong lý tự nhiên, thành không sanh diệt. Do tâm niệm suy lường như thế, mà chấp cho là thường.

GIẢNG:

Thứ tư là người ấy đã tiêu dung được căn nguyên tưởng ấm .

Thứ tư là do hành giả đã tiêu dung được căn gốc của tưởng ấm ,.

Lý sanh khởi không còn nữa.

Một khi đã vượt qua được tưởng ấm , thì cội nguồn của sự sanh khởi vọng tưởng cũng không còn nữa. Hành giả có được định lực, hóa giải hết những vọng tưởng từ tâm thức. Với tâm ngưng lặng sáng suốt, hành giả không còn cơ hội nuôi dưỡng vọng tưởng nữa.

Trạng thái lưu chuyển đứng lặng xoay vần của hành ấm , tâm tưởng–vốn là nguyên nhân của sanh diệt, nay vĩnh viễn không còn nữa.

Hành giả không còn vọng tưởng nữa.

Trong lý tự nhiên, thành không sanh diệt.

Thế nên tự nhiên nghĩ rằng: Đây là trạng thái không sanh diệt. Do tâm niệm suy lường như thế, hành giả chấp cho là thường.

KINH VĂN:

由此計常,亡正遍知,墮落外道,惑菩提性。是則名為,第二外道,立圓常論,

Do thử kế thường, vong chánh biến tri, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ nhị ngoại đạo, lập viên thường luận.

Việt dịch:

Do suy luận chấp thường ấy, quên mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là loại ngoại đạo thứ hai, lập ra thuyết viên thường.

GIẢNG:

Do suy luận chấp thường ấy.

Do suy luận về bốn luận thuyết chấp viên thường ấy, quên mất chánh biến tri, hành giả bỏ mất trí huệ có được từ chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề.

Một khi đã rơi vào tà thuyết ngoại đạo, người ấy không thể nhận ra được tánh bồ-đề.

Đây là loại ngoại đạo thứ hai lập ra thuyết viên thường.

3. TÀ KIẾN VỪA CHẤP THƯỜNG VỪA CHẤP ĐOẠN

KINH VĂN:

又三摩中,諸善男子,堅凝正心,魔不得便.窮生類本。觀彼幽清常擾動元,於自他中,起計度者。是人墜入,四顛倒見,一分無常,一分常論。

Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư tự tha trung, khởi kế độ giả. Thị nhân trụy nhập, tứ điên đảo kiến, nhất phần vô thường, nhất phần thường luận.

Việt dịch:

A-nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt. Thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc sự phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường giữa mình và cái khác. Người ấy sẽ rơi vào bốn kiến chấp điên đảo của luận thuyết một phần vô thường, một phần thường.

GIẢNG:

A-nan, các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề chánh tâm đứng lặng sáng suốt. Thiên ma không có cơ hội quấy phá.

Khi hành giả công phu đến mức đạt được định lực kiên cố có được chính tâm. Nên tà ma ngoại đạo không có cơ hội gây chướng ngại hành giả nữa. Tuy nhiên, một loại tà ma có thể sanh khởi ngay trong tự tâm của mình.

Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc sự phát sinh của muôn loài, quán xét manh mối thường chuyển động lăng xăng u ẩn kia. Xuất hiện trong hành ấm ngay tại giai đoạn công phu này.

Nếu móng khởi tâm suy lường giữa mình và cái khác, thì hành giả sẽ rơi vào bốn kiến chấp điên đảo của luận thuyết một phần vô thường, một phần thường.

Say mê thích thú trong sự suy lường về giữa mình và người khác. Hành giả tạo nên một thứ ma ngay trong tâm mình và rơi vào bốn thứ kiến chấp điên đảo. Nó nói rằng: “Các pháp là thường lẫn vô thường, là sinh lẫn diệt, là động lẫn tịnh, là ô nhiễm lẫn trong sạch, là sống lẫn chết.” Nó bào chữa biện hộ cho cả hai phía. Không quyết đoán ở một phía nào cả. Nó nói: “Bên này đúng và bên kia cũng đúng.” Nó nói vạn pháp là vô thường nhưng cũng nói vạn pháp là thường. Đó là điên đảo, thiếu tính nhất quán , làm rối loạn tâm người.

KINH VĂN:

一者是人,觀妙明心,遍十方界。湛然以為究竟神我。從是則計,我遍十方,凝明不動。一切眾生,於我心中,自生自死。則我心性,名之為常,彼生滅者,真無常性。

Nhất giả thị nhân, quán diệu minh tâm, biến thập phương giới. Trạm nhiên dĩ vi, cứu cánh thần ngã. Tòng thị tắc kế, ngã biến thập phương, ngưng minh bất động. Nhất thiết chúng sanh, ư ngã tâm trung, tự sanh tự tử. Tắc ngã tâm tánh, danh chi vi thường, bỉ sanh diệt giả, chân vô thường tánh.





Việt dịch:

Một là, người ấy quán xét tâm tánh sáng suốt vi diệu khắp cùng mười phương. Cho trạng thái lặng lẽ sâu kín ấy là thần ngã rốt ráo. Nên hành giả chấp cái ngã của mình thì trong lặng sáng suốt, bất động, trùm khắp mười phương. Còn các loài chúng sanh đều lưu xuất từ tâm ta, chúng tự sinh tự diệt. Vậy nên tâm tánh của ta là thường, trong khi các loài kia phải trải qua sanh diệt, nên chúng thực sự là vô thường.”

GIẢNG:

Hành giả nói gì trong luận điểm thứ nhất này?

Một là, người ấy quán xét tâm tánh sáng suốt vi diệu khắp cùng mười phương.

Trước tiên hành giả, người đang tu đạo, quán sát tâm tánh sáng suốt, vi diệu khắp cùng mười phương. Cho rằng trạng thái lặng lẽ sâu kín và thanh tịnh ấy là thần ngã rốt ráo. Nên hành giả chấp “cái ngã” của mình thì trong lặng sáng suốt, bất động trùm khắp mười phương.

Tâm ta là một cảnh giới như như bất động, sung mãn định lực, đầy đủ trí huệ sáng suốt và bất động.

Nó nói: “Do vì tâm ta trùm khắp mười phương nên tất cả các loài chúng sanh đều lưu xuất từ tâm ta, chúng nó tự sinh tự diệt mãi không ngừng. Do vậy tâm tánh của ta là thường, không phải chịu sanh tử trong khi các loài kia phải trải qua sanh diệt, nên chúng thực sự là vô thường.”

Chúng sanh lưu xuất từ tâm ra vẫn liên tục chịu sự sanh diệt. Do vậy bản chất chúng nó phải là vô thường. Còn tâm tánh ta trùm khắp mười phương, thường hằng không biến đổi. Nhưng các loài chúng sanh trong đó phải trải qua sanh diệt, nên chẳng phải là vô thường.

KINH VĂN:

二者是人,不觀其心,遍觀十方,恒沙國土。見劫壞處,名為究竟,無常種性。劫不壞處,名究竟常。

Nhị giả thị nhân, bất quán chân tâm, biến quán thập phương, hằng sa quốc độ. Kiến kiếp hoại xứ, danh vi cứu cánh, vô thường chủng tánh. Kiếp bất hoại xứ, danh cứu cánh thường.

Việt dịch:

Thứ hai là, người ấy không quán xét tâm mình, lại quán xét mười phương cõi nước nhiều như cát sông Hằng. Thấy có nơi đang trong kiếp hoại, cho nơi đó có tính rốt ráo vô thường. Còn những nơi rốt ráo thường hằng là không ở trong kiếp hoại.

GIẢNG:

Thứ hai là, người ấy không quán xét tâm mình, lại quán xét mười phương cõi nước nhiều như cát sông Hằng.

Hành giả không quán xét nơi tâm mình, mà trên hết lại thấy tâm mình trùm khắp mười phương. Hơn nữa, hành giả nhìn ra ngoài cõi nước mười phương nhiều như cát sông Hằng.

Thấy có nơi đang trong kiếp hoại, cho nơi đó có tính rốt ráo vô thường. Còn những nơi tốt ráo thường hằng là không ở trong kiếp hoại.

Anh ta thấy một thế giới nào đó đã đến kiếp hoại trong vòng biến chuyển thành, trụ, hoại, không. Anh ta tuyên bố rằng: “Nơi ấy có tánh vô thường một cách tuyệt đối.” Còn thấy những nơi chưa đến kiếp hoại thì anh ta cho rằng nơi ấy rốt ráo thường hằng. Đó là cả hai thứ quan niệm thường và vô thường.





KINH VĂN:

三者是人,別觀我心,精細微密,猶如微塵,流轉十方,性無移改,能令此身即生即滅。其不壞性,名我性常。一切死生,從我流出,名無常性。

Tam giả thị nhân, biệt quán ngã tâm, tinh tế vi mật, do như vi trần, lưu chuyển thập phương, tánh vô di cải, năng linh thử thân tức sanh tức diệt. Kì bất hoại tánh, danh ngã tánh thường. Nhất thiết tử sanh, tòng ngã lưu xuất, danh vô thường tánh.

Việt dịch:

Thứ ba, người ấy quán sát chỉ riêng tâm mình, thấy nó rất mầu nhiệm, vi tế, giống như vi trần lưu chuyển khắp mười phương mà tánh chất không dời đổi, khiến cho thân này sinh rồi lại diệt. Nến chấp tánh không biến diệt ấy là tánh thường của mình. Còn tất cả sự sanh diệt lưu xuất từ tâm mình là tánh vô thường.

GIẢNG:

Thứ ba, người ấy quán sát chỉ riêng tâm mình. Trong luận thuyết điên đảo thứ ba, Hành giả quán sát chỉ riêng tâm mình, thấy nó rất mầu nhiệm vi tế. Hành giả nghiên cứu kỹ lưỡng tâm mình trong lãnh vực vi tế, tinh mật nhất. Nhưng lãnh vực này quá vi diệu đến nỗi rất khó nhận ra. Đó là tính chất của hành ấm . Trạng thái này giống như những loại sóng gợn lăn tăn trên mặt nước, hoặc là giống như vi trần lưu chuyển khắp mười phương. Liên tục trôi chảy không hề dừng nghỉ, mà tánh chất không dời đổi, trong khi thân này sinh rồi lại diệt. Điều ấy khiến cho thân mạng phải trải qua vô số lần sanh tử.

Nên chấp tánh không biến diệt trong dòng lưu chuyển liên tục ấy là tánh thường của mình.

Anh ta nói: “Đây là tánh thường hằng của tự tánh tôi.”

Còn tất cả các hiện tượng phải trải qua sanh diệt, lưu xuất từ tâm mình là tánh vô thường.

Anh ta nói: “Tất cả chúng sanh đều trôi trong vòng sống chết vô tận, đều lưu xuất từ bản tánh vô thường ở trong tâm ta. Nên hết thảy chúng sanh ấy đều được gọi là vô thường.

KINH VĂN:

四者是人,知想陰盡,見行陰流。行陰常流,計為常性。色受想等,今已滅盡,名為無常。

Tứ giả thị nhân, tri tưởng ấm tận, kiến hành ấm lưu. Hành ấm thường lưu, kế vi thường tánh. Sắc thọ tưởng đẳng, kim dĩ diệt tận, danh vi vô thường.

Việt dịch:

Thứ tư, người ấy biết rằng tưởng ấm đã tiêu dung, thấy hành ấm đang lưu chuyển. Chấp sự lưu chuyển liên tục của hành ấm là thường. Còn sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được tiêu dung rồi là vô thường.

GIẢNG:

Thứ tư, người ấy biết rằng tưởng ấm đã tiêu dung, hành giả biết tưởng ấm đã không còn, thấy hành ấm đang lưu chuyển một cách vi tế như gợn sóng lăn tăn trên mặt nước. Trong công phu quán chiếu, hành giả chấp sự lưu chuyển liên tục của hành ấm là thường. Thấy sự lưu chuyển ấy liên tục không có gì thay đổi, nên kết luận: “Ồ! Tánh chất của nó chắc là thường hằng.”

Còn sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được tiêu dung rồi là vô thường.

Do vì thọ ấm , tưởng ấm không còn nữa nên anh ta nghĩ chúng phải là vô thường.

KINH VĂN:

由此計度,一分無常,一分常故,墮落外道,惑菩提性。是則名為第三外道,一分常論.

Do thử kế độ, nhất phần vô thường, nhất phần thường cố, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ tam ngoại đạo, nhất phần thường luận.

Việt dịch:

Do những chấp trước về một phần thường và một phần vô thường này nên người ấy rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là thuyết ngoại đạo thứ ba chủ trương luận thuyết một phần thường.

GIẢNG:

Do những luận thuyết sai lầm căn cứ vào chấp trước về một phần thường và một phần vô thường này nên hành giả sẽ đánh mất chánh biến tri, rơi vào ngoại đạo, thành ra mê mờ tánh Bồ-đề.

Anh ta nói: “Hiện tượng này là thường, và hiện tượng kia là vô thường.” Vì anh ta đã mang quan điểm điên đảo này rồi, và chẳng hiểu được những điều sâu kín trong lý luận ấy, nên anh ta bị lạc vào tà thuyết của ngoại đạo, và trở nên mê mờ tánh bồ-đề.

Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ ba, chủ trương luận thuyết một phần thường, đó là luận thuyết điên đảo thứ ba mà hàng ngoại đạo chủ trương, xác quyết rằng mọi vật là một phần thường, một phần vô thường.

4. TÀ KIẾN CHẤP CÓ

KINH VĂN:

又三摩中,諸善男子,堅凝正心,魔不得便.窮生類本,觀彼幽清,常擾動元,於分位中,生計度者。是人墜入,四有邊論.

Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh thường nhiễu động nguyên, ư phần vị trung, sanh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập, tứ hữu biên luận.

Việt dịch:

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về phận vị. Người ấy rơi vào bốn thứ luận hữu biên.

GIẢNG:

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm ngưng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.

Hành giả trong lúc thiền quán , chánh tâm ngưng lặng sáng suốt, thiên ma không khuấy phá được nữa.

Điều này liên quan đến những người tu tập pháp môn phản văn văn tự tánh , đã đạt được sự viên thông của nhĩ căn. Khi hành giả vượt qua được ba ấm: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm ; là đã có được định lực kiên cố và chánh tâm. Do đó thiên ma ngoại đạo không thể nhiễu loạn tâm tánh hành giả được nữa. Trong khi sắc ấm, thọ ấm chưa tiêu dung. Thiên ma có thể nhiễu loạn hành giả một cách trực tiếp. Nhưng khi hành giả đang tiêu trừ tưởng ấm, thiên ma không thể nhiễu hại bằng cách trực tiếp nữa, mà phải thông qua tưởng ấm, việc gá vào một người khác mới có thể phá hủy được định lực của hành giả. Bây giờ, tại giai đoạn chuyển hóa hành ấm , Thiên ma không còn phá hủy định lực của hành giả, cho dù nó có gá vào người khác đi nữa. Đó là ý nghĩa của chánh tâm ngưng lặng sáng suốt. Thiên ma không có dịp thuận tiện khuấy phá được nữa.

Trong khi quán xét sâu xa nguồn gốc phát sinh của muôn loài, hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội nguồn của các mười hai loại chúng sanh, thấy được manh mối thường chuyển động vi tế kia.

Hành giả quán sát được tính chất tạm bợ thoáng chốc, và ẩn mật sâu kín của các loại chúng sinh ở trong sự chuyển động vi tế nhỏ nhiệm của hành ấm này.

Khởi tâm suy lường về phận vị. Người ấy rơi vào bốn thứ luận hữu biên.

Nhưng nếu hành giả khởi niệm suy lường, lập nên sự phân biệt... Trầm tư suy xét, lập nên bốn loại phân biệt mà ta sẽ thảo luận sau đây. Liền rơi vào bốn thứ luận hữu biên. Sự suy lường ấy làm sinh khởi trong tâm hành giả một thứ vọng chấp về hữu biên. Đó là vọng chấp về bốn loại luận hữu biên, đó một tà thuyết của ngoại đạo.

KINH VĂN:

一者是人,心計生元,流用不息,計過未者名為有邊,計相續心,名為無邊。

Nhất giả thị nhân, tam kế sanh nguyên, lưu dụng bất tức, kế quá vị giả, danh vi hữu biên, kế tương tục tâm, danh vi vô biên.

Một là người ấy suy luận về cội gốc sanh diệt trôi chảy biến dịch không ngừng, xét đoán quá khứ tương lai là hữu biên, còn chấp sự tương tục của tâm là vô biên.

GIẢNG:

Luận điểm đầu tiên về bốn thứ phân biệt có quan hệ đến thời gian: quá khứ, hiện tại, vị lai. Nên có câu:

“Tam tế cầu tâm, tâm bất hữu.”

Nghĩa là, dù có bỏ hết cả ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai mà cầu thấy tâm, rốt ráo không thể được.

“Hiện tại tâm bất khả đắc, quá khứ tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc[85].”

Tại sao vậy? Hãy nhìn vào quá khứ. Cái gì là quá khứ? Cái quá khứ đã đi mất rồi. Thế nên cái tâm quá khứ không thể nắm bắt được. Cũng như hiện tại nó không hề dừng. Ngay bây giờ, nếu quý vị nói đây là hiện tại, thì nó cũng đã đi trôi qua rồi! Hiện tại không bao giờ ở yên cố định cả. Vậy thì tâm hiện tại của quý vị nay ở nơi đâu? Còn tâm vị lai thì sao? Tương lai chưa đến. Vì nó chưa đến, nên nó không hiện hữu. Do vậy.

Tam tế cầu tâm, tâm bất hữu

Tâm bất hữu xứ, vọng nguyên vô.

Tâm đã rốt ráo không rồi, thì vọng tưởng do đâu mà có? Nếu quý vị hiểu được đạo lý này. Quý vị sẽ nhận ra vạn pháp xưa nay vốn là không, đều lưu xuất từ tánh Như Lai tạng .

Tuy nhiên hành giả đã móng khởi một niệm chấp trước, chấp trước điều gì? Đó là quan niệm hữu biên và vô biên. Anh ta nói rằng vạn vật vừa là hữu biên, vừa là vô biên. Lập nên cái gọi là “luận thuyết” về hữu biên và vô biên của vạn vật.

Một là người ấy suy luận về cội gốc sanh diệt trôi chảy biến dịch không ngừng,

Trong trạng thái chuyển hóa hành ấm , hành giả phỏng đoán rằng cội gốc của mười hai loại chúng sanh trôi nổi sống chết không cùng tận. Dòng biến dịch trôi chảy không ngừng ấy là một sự biểu thị cho hành ấm vậy.

Lúc ấy hành giả xét đoán quá khứ tương lai là hữu biên. Anh ta nói rằng “quá khứ và vị lai cả hai đều có giới hạn cả” thật là vô lý. Quá khứ, vị lai làm sao mà đặt giới hạn cho nó được? Căn cứ vào suy luận sai lạc, và suy chấp này. Anh ta cho rằng quá khứ vị lai là hữu biên. Nhưng thực ra quá khứ, vị lai thì vô biên.

Trong quá trình tu tập do vì thiếu trí huệ nên hành giả đã bị lạc đường, nên vừa tiêu dung được tưởng ấm , anh ta bị lạc mất chính lộ khi đang chuyển hóa hành ấm . Đó là lý do tại sao hành giả sanh khởi kiến chấp hữu biên vô biên.

còn chấp sự tương tục của tâm là vô biên.

Anh ta nói: “Sự tương tục không dừng nghĩ của tâm niệm trong hiện tại thì không có ngằn mé và giới hạn nên nói là vô biên.”

KINH VĂN:

二者是人,觀八萬劫,則見眾生。八萬劫前寂無聞見。無聞見處,名為無邊,有眾生處名為有邊。

Nhị giả thị nhân, quán bát vạn kiếp, tắc kiến chúng sanh. Bát vạn kiếp tiền, tịch vô văn kiến. Vô văn kiến xứ, danh vi vô biên, hữu chúng sanh xứ, danh vi hữu biên.

Việt dịch:

Hai là người ấy quán sát trong tám vạn kiếp, thấy có chúng sanh. Còn ngoài tám vạn kiếp thì vắng bặt, không thấy không nghe được gì cả. Cho rằng nơi không thấy không nghe được gì là vô biên, còn nơi có chúng sanh là hữu biên.

GIẢNG:

Loại phân biệt thứ hai là gì? Đó phân biệt về những gì anh ta nghe thấy được, và những gì anh ta không nghe thấy được. Anh ta sắp xếp những gì anh ta nghe thấy được về một phía và những gì không nghe thấy được về một phía khác. Vì thế anh ta lại rơi vào thế nhị biên một lần nữa. Chưa đạt được nghĩa trung đạo .

Hai là người ấy quán sát trong tám vạn kiếp, thấy có chúng sanh.

Khi hành giả ngồi thiền, năng lực của định giúp cho hành giả có thể thấy được những hiện tượng trong tám vạn đại kiếp, và có thể thấy được mười hai loại chúng sanh trong phạm vi ấy.

Còn ngoài tám vạn kiếp thì vắng bặt, không thấy không nghe được gì cả. Anh ta có thể thấy được rất rõ ràng những sự kiện trong khoảng tám vạn kiếp. Anh ta có thể thấy được các loại chúng sanh phải chịu trải qua vô số lần sinh tử. Nhưng anh ta không thể nghe hoặc thấy những hiện tượng xảy ra bên ngoài khoảng thời gian ấy.

Hành giả cho rằng nơi không thấy không nghe được gì cả là vô biên, không có giới hạn. Và nơi có chúng sanh là hữu biên. Hành giả lại rơi vào nhị biên lần nữa. Thành ra chấp có và chấp không. Có nghĩa dính chặt vào quan niệm mọi hiện tượng đều là ngoan không. Chấp có nghĩa là dính mắc với sắc. Cả hai đều chẳng khế hợp với trung đạo . Do vậy Đức Phật phê phán hạng người này là theo tà giáo ngoại đạo.

KINH VĂN:

三者是人,計我遍知,得無邊性,彼一切人,現我知中,我曾不知,彼之知性。名彼不得,無邊之心,但有邊性。

Tam giả thị nhân, kế ngã biến tri, đắc vô biên tánh, bỉ nhất thiết nhân, hiện ngã tri trung, ngã tằng bất tri, bỉ chi tri tánh. Danh bỉ bất đắc, vô biên chi tâm, đãn hữu biên tánh.

Việt dịch:

Ba là người ấy chấp rằng mình biết cùng khắp, là được tánh vô biên, còn các người kia đều hiện ra trong cái biết của mình, mà mình chưa từng biết họ nhận ra được tánh biết. Cho rằng những người kia không đạt được tâm tánh vô biên mà chỉ đạt được tâm tánh hữu biên.



GIẢNG:

Ba là người ấy chấp rằng mình biết cùng khắp, là được tánh vô biên. Hành giả chấp rằng cái biết cùng khắp của mình là tánh vô biên. Loại phân biệt thứ ba là phân biệt giữa cái ta của hành giả và cái khác. Cái khác ở đây liên quan đến tất cả chúng sanh, và ngã liên quan đến chính hành giả. Anh ta tạo nên một vọng chấp nữa và trở nên dính mắc với nó. Anh ta nói: “Tôi cảm thấy tôi có một loại trí tuệ biết trùm khắp tất cả.” Nghĩa là sao? Biết khắp tất cả có nghĩa là không có gì mà chẳng biết. Do vậy nó có khả năng đạt đến một loại tánh vô biên.

Còn các người kia, các loại chúng sanh đều hiện ra trong cái biết của mình tất cả đều được bao quát trong trí tuệ của hành giả. Mà mình chưa từng biết họ nhận ra được tánh biết. Hành giả cho rằng những người kia không đạt được tâm tánh vô biên, mà chỉ đạt được tâm tánh hữu biên.

Chúng sanh chưa đạt được tâm vô biên, nhưng chính hành giả lại có. Do vì anh ta không biết được tánh biết của họ nên cho rằng họ không đạt được tâm vô biên và không có trí tuệ hiểu biết vô biên, mà chỉ có một trí tuệ hạn cuộc. Đó là sự phân biệt giữa tự ngã và cái khác.

KINH VĂN:

四者是人,窮行陰空。以其所見,心路籌度,一切眾生,一身之中,計其咸皆,半生半滅。明其世界,一切所有,一半有邊,一半無邊。

Tứ giả thị nhân, cùng hành ấm không. Dĩ kì sở kiến, tâm lộ trù độ, nhất thiết chúng sanh, nhất thân chi trung, kế kì hàm giai, bán sanh bán diệt. Minh kì thế giới, nhất thiết sở hữu. Nhất bán hữu biên, nhất bán vô biên.

Bốn là người ấy khi nghiên cứu tột cùng hành ấm đến chỗ rốt ráo không. Do những điều thấy được, suy luận rằng tất cả chúng sanh trong mỗi thân phần, gồm có nữa phần sanh, nửa phần diệt. Cho rằng rõ ràng mọi thứ trong đời một nửa là hữu biên, một nửa là vô biên.

GIẢNG:

Bốn là người ấy khi nghiên cứu tột cùng hành ấm đến chỗ rốt ráo không. Hành giả nghiên cứu cùng tột hành ấm đến chỗ rốt ráo không. Loại phân biệt thứ tư là gì? Đó là sự sanh và diệt. Hành giả nghiên cứu hành ấm đến mức tột cùng đến khi nó biến thành không.

Do những điều thấy được. Căn cứ vào những điều thấy được, và hiểu được từ nghiên cứu, suy luận rằng tất cả chúng sanh, trong mỗi thân phần, gồm có nửa phần sanh, nửa phần diệt.

Đây là một vọng chấp khác. Hành giả thấy trong trọn phần thân thể của mỗi chúng sanh, đều có một phần sanh, một phần diệt. Vì tất cả chúng sanh đều như thế. Hành giả đi đến kết luận như thế và toàn thể pháp giới.

Từ đây, kết luận rằng tất cả vạn vật trong đời đều có một nửa là hữu biên, một nửa là vô biên.

Sự sanh ra là một mặt của hữu biên. Sự hoại diệt là mặt khác của vô biên. Đó là sự suy lường của hành giả. Mới thấy anh ta càng lúc càng đi xa mục tiêu.

KINH VĂN:

由此[86]計度,有邊無邊,墮落外道,惑菩提性。是則名為,第四外道,立有邊論 .

Do thử kế độ, hữu biên vô biên, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ tứ ngoại đạo, lập hữu biên luận.



Việt dịch:

Do những chấp trước hữu biên, vô biên như thế, nên người ấy rơi vào ngoại đạo, mê lầm tánh bồ-đề. Đây là luận hữu biên, thuyết thứ tư của hàng ngoại đạo.

GIẢNG:

Do những chấp trước hữu biên, vô biên như thế, nên người ấy rơi vào ngoại đạo, mê lầm tánh bồ-đề. Theo bốn thứ suy luận về hữu biên và vô biên, anh ta phỏng đoán những gì? Nếu nó không hữu biên, thì nó vô biên. Nếu nó không vô biên thì nó hữu biên. Anh ta cứ lý luận lẩn quẩn như vậy. Nói tóm lại hành giả không thể đạt được lý trung đạo . Hoặc là anh ta đi đã quá xa, hoặc là anh ta đi chưa đủ xa. Hoặc là anh ta chạy đã quá đà, hoặc là chưa đi được. Dù chỉ một bước chân. Do vậynên hành giả đánh mất chánh biến tri và rơi vào ngoại đạo.

Tà thuyết của ngoại đạo là: khi thì thái quá, khi thì bất cập. Không thái quá, chẳng bất cập mới được gọi là trung đạo . Chúng ta nên tu tập theo lý trung đạo. Đức Phật giảng dạy chân lý Tối thượng về trung đạo là chẳng chấp và không, cũng chẳng rơi vào có. Nếu chúng ta trệ vào phía hữu biên hoặc nghiêng vào phía vô biên, có nghĩa là đã rơi vào nhị biên, và như thế là mê lầm tánh bồ-đề chân thật, là không nhận thức rõ được chân tánh bồ-đề.

Đây là luận hữu biên, thuyết thứ tư của hàng ngoại đạo.

5. TÀ KIẾN VỀ BỐN THỨ LUẬN THUYẾT ĐIÊN ĐẢO

KINH VĂN:

又三摩中,諸善男子,堅凝正心,魔不得便.窮生類本,觀彼幽清,常擾動元,於知見中,生計度者。是人墜入,四種顛倒。不死矯亂,遍計虛論。

Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư tri kiến trung, tánh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập, tứ chủng điên đảo, bất tử kiểu loạn, biến kế hư luận.

Việt dịch:

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về những gì mình thấy và biết. Người ấy rơi vào bốn thứ luận điên đảo, hư vọng suy lường chấp trước, ngụy biện về bất tử.

GIẢNG:

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Hành giả trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng vững chắc. Thiên ma không khuấy phá được nữa.

Điều này liên quan đến hết thảy các vị đang công phu tu tập và an trú trong chánh định. Chánh định này ai tu cũng được, không dành riêng cho một người nào. Vì hành giả phải có tâm kiên cố, giữ cho định và huệ đều quân bình. Thì chẳng có một khe hở nào để ma lọt vào. Nhưng dù ngoại ma chẳng xâm nhập được vào hành giả để khuấy phá, thì nội ma lại xuất hiện. Nội ma là một loại ma sanh khởi từ sự chuyển biến tâm thức của hành giả.

Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội nguồn của các loài chúng sanh, thấy được manh mối thường chuyển động vi tế kia.

Hành giả xem xét kỹ nguồn gốc của mười hai loài chúng sanh, quán sát bản tánh thanh tịnh tối sơ của các loài, thấy sự nhiễu động thường hằng rất là vi tế ấy xuất hiện ở trong hành ấm .

Khởi tâm suy lường về những gì mình thấy và biết. Nhưng nếu hành giả khởi niệm suy lường về những gì mình thấy biết.

Khi chưa khởi niệm suy lường ấy, thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng ngay khi những niệm này sanh khởi liền có rắc rối xảy ra. Cho nên nói:

“Khai khẩu tiện thố, cử niệm tức quai.”

Nghĩa là: Mở miệng liền sai lầm, khởi niệm là sai ngay. Ngay khi vừa khởi vọng niệm, vấn đề rắc rối liền nảy sanh. (34)

Người ấy rơi vào bốn thứ luận điên đảo, hư vọng suy lường chấp trước, ngụy biện về bất tử.

Chấp trước, suy lường là tánh biến kế chấp mà tôi đã giảng ở trước. Nó là một loại vọng chấp, hành giả trở nên chấp trước với những việc không chân chánh. Đó gọi là tánh biến kế chấp.

KINH VĂN:

一者是人,觀變化元,見遷流處,名之為變。見相續處,名之為恒。見所見處,名之為生。不見見處,名之為滅。相續之因,性不斷處,名之為增。正相續中,中所離處,名之為減。各各生處,名之為有。互互亡處,名之為無。以理都觀,用心別見。有求法人,來問其義,答言我今,亦生亦滅,亦有亦無,亦增亦減。於一切時,皆亂其語,令彼前人,遺失章句。

Nhất giả thị nhân, quán biến hóa nguyên, kiến thiên lưu xứ, danh chi vi biến, kiến tương tục xứ, danh chi vi hằng. Kiến sở kiến xứ, danh chi vi sanh. Bất kiến kiến xứ, danh chi vi diệt. Tương tục chi nhân, tánh bất đoạn xứ, danh chi vi tăng. Chánh tương tục trung, trung sở li xứ, danh chi vi giảm. Các các sanh xứ, danh chi vi hữu. Hỗ hỗ vong xứ, danh chi vi vô. Dĩ lí đô quán, dụng tâm biệt kiến. Hữu cầu pháp nhân, lai vấn kì nghĩa, đáp ngôn ngã kim, diệc sanh diệc diệt, diệc hữu diệc vô, diệc tăng diệc giảm. Ư nhất thiết thời, giai loạn kì ngữ, linh bỉ tiền nhân, di thất chương cú.

Việt dịch:

Một là người ấy quán sát cội gốc của sự biến hóa, thấy chỗ đổi dời, nên gọi là biến. Thấy chỗ tương tục, gọi là thường hằng. Thấy chỗ thấy được, gọi đó là sanh. Chỗ không thấy được, thì gọi là diệt. Chỗ các nhân tương tục, tánh không dứt đoạn, thì gọi là tăng. Chính trong tương tục, không xa lìa nhau, thì gọi là giảm. Chỗ mỗi mỗi sinh ra, thì gọi là có. Chỗ nương nhau hư hoại, thì gọi là không. Dùng lý quán sát, thấy đều do dụng tâm mà dẫn đến những kiến chấp sai biệt. Nếu có người đến cầu pháp, hỏi về nghĩa ấy thì đáp rằng ta cũng sinh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng tăng, cũng giảm. Luôn luôn giải thích một cách càn loạn, khiến người nghe không thể hiểu được.

GIẢNG:

Một là người ấy quán sát cội gốc của sự biến hóa, thấy chỗ đổi dời, nên gọi là biến. Hành giả, người sắp sửa đi vào con đường mê loạn, quán sát cội gốc của sự biến hóa ở trong hành ấm thấy chỗ biến dịch trôi chảy nên gọi là biến. Anh ta quan sát sự trôi chảy của hành ấm và nói rằng nó đang trải qua sự biến đổi.

Thấy chỗ tương tục, gọi là thường hằng. Nhận thấy hành ấm tương tục, không hề dừng nghỉ, hành giả gọi là thường hằng. Thường nghĩa là không biến đổi. Biến đổi hàm ý vô thường. Trong khi không biến đổi hàm ý là thường.

Thấy chỗ thấy được, gọi đó là sanh. Thấy nơi có thể thấy được gọi đó là sanh. Khi quán sát hành ấm , hành giả có thể thấy được một số vùng. Thấy được sự nhiễu động vi tế và mô tả nơi ấy là sinh.

Chỗ không thấy được, gọi đó là diệt, hành giả không thể dò thấu những nhiễu động u ẩn của hành ấm , nên gọi đó làdiệt.

Nói cách khác, hành giả có thể hiểu rõ được những hiện tượng trong phạm vi tám vạn đại kiếp rồi cho đó là sinh. Anh ta không thể thấy được những gì ngoài phạm vi tám vạn đại kiếp, nên gọi đó là diệt. Điều này tương tự như trường hợp trước.

Hành giả cho rằng, chỗ các nhân tương tục, tánh không dứt đoạn, thì gọi là tăng.

Khi cái nhân tương tục, không bị gián đoạn. Anh ta gọi đó là thêm. Đó là một trạng thái khác của hành ấm mà anh ta cảm nhận được.

Chính trong tương tục, không xa lìa nhau, thì gọi là giảm

Trong phạm vi tương tục, mà có sự tạm dừng, hành giả gọi là bớt. Chẳng hạn như khi hai mươi lăm vị thánh trình bày về pháp tu viên thông của mình. Một trong các vị ấy trình bày về sự ngưng lại giữa hơi thở ra và hơi thở vào. Đó cũng là chỗdừng. Các ngài gọi sự dừng nghỉ trong phạm vi tương tục là giảm. Nhưng quý vị đừng có theo lý thuyết này, vì đó chỉ là thuật ngữ, là những khái niệm do các ngài lập ra. Nên nó hoàn toàn không thực. Đừng có truy tìm những nguyên do trong các lý thuyết trên. Đó là lý do tại sao những lý thuyết này được ngoại đạo vận dụng để mê hoặc. Chẳng có nguyên do nào xác đáng ở trong những lý thuyết ấy cả.

Chỗ mỗi mỗi sinh ra, thì gọi là có.

Cho rằng sự sinh khởi của tất cả vạn pháp là có, hành giả quan sát vạn pháp sinh khởi trong phạm vi hành ấm , rồi gọi là nó có sự hiện hữu.

Chỗ nương nhau hư hoại, thì gọi là không.

Sự hư hoại của vạn vật là không. Anh ta gọi nơi mà vạn vật hoại diệt và không còn hiện hữu nữa là không. Đây là bốn thứ lý luận điên đảo.

Dùng lý quán sát, thấy đều do dụng tâm mà dẫn đến những kiến chấp sai biệt.

Do sự dụng tâm của hành giả mà đưa đến những mâu thuẫn. Nếu quý vị dùng lý để quán sát, quý vị sẽ thấy những lý luận trên hoàn sai. Hành giả đã dụng tâm hoàn toàn sai lầm.

Vào lúc ấy nếu có người đến cầu pháp, thỉnh cầu chỉ dạy về pháp yếu của đạo Phật, hỏi về nghĩa ấy, đáp rằng ta cũng sinh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng tăng, cũng giảm.

Anh ta trả lời :“Nay ta cũng sinh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng tăng cũng giảm.”

Luôn luôn giải thích một cách càn loạn.

Anh ta luôn luôn biện hộ bào chữa cho hai cực đoan này. Nếu anh ta không nói về có, thì anh ta kết luận nó là không. Nếu anh ta tránh bàn luận về không thì anh ta nói đến sắc, vì anh ta đề cập đến cả hai khía cạnh, nên không thể đạt đến lý trung đạo .

Khiến người nghe không thể nào hiểu được. Gây cho người tìm hiểu Phật pháp đối diện với lối giải thích càn loạn. Người hỏi hoàn toàn quên mất những vấn đề mình đang cần tìm hiểu và không thể nhớ là mình đến đây để xin chỉ dạy điều gì nữa. Các ông nên gọi đó là loại giáo dục gì? Khi người ta đến xin chỉ dạy, nhưng hành giả làm cho họ bị rối loạn đầu óc cho đến khi họ đánh mất toàn bộ nhận thức chân chính. Không những họ bị đánh mất những tri thức có được do học hỏi, mà còn bị mê mờ luôn cả trí tuệ thanh tịnh vốn hằng có xưa nay. Người này đã bị mê lầm và còn tiếp tục làm cho nhiều người khác bị mê lầm.





KINH VĂN:

二者是人,諦觀其心,互互無處.因無得證。有人來問,唯答一字,但言其無。除無之餘,無所言說。

Nhị giả thị nhân, đế quán kì tâm, hỗ hỗ vô xứ. Nhân vô đắc chứng. Hữu nhân lai vấn, duy đáp nhất tự, đãn ngôn kì vô. Trừ vô chi dư, vô sở ngôn thuyết.

Việt dịch:

Hai là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều là không. Nhân nơi cái không mà có chứng đắc. Nên khi có người đến hỏi chỉ đáp một chữ không. Ngoài chữ không ra, không nói điều gì.

GIẢNG:

Hành giả chỉ biết về không, nên nói một cách điên loạn như vậy. Anh ta chối bỏ sự hiện hữu của mọi vật. Bất luận quý vị có hỏi anh ta điều gì. Anh ta đều đáp: không. Đó là lời đáp duy nhất của anh ta.

Hai là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều là không. Trong mười hai loại chúng sanh, hành giả thấy khi tâm mình đã tiêu dung được hành ấm , thì nó cùng với mình đều là không hiện hữu.

Nhân nơi cái không mà có chứng đắc. Hành giả thấy có sự chứng đắc nhân nơi nhận thức về cái không này. Anh ta cho rằng mình đã giác ngộ được nhận nơi nhận thức về không ấy rồi. Thực ra, anh ta chẳng hiểu gì cả. Anh ta đã đi quá xa với đạo lý chân chính. Nhận thức của anh ta hoàn toàn sai lạc. Anh ta phát khởi một kiến chấp vào không và cho đó là điều giác ngộ. Anh ta giác ngộ cái gì? Giác ngộ chữ không.

Vì thế, nên khi có người đến hỏi chỉ đáp một chữ không. Anh ta chỉ đáp một chữ. Mọi người đều nghĩ rằng anh ta là người tu hành dày dặn. Vì anh ta luôn luôn nhắm mắt lại để dưỡng thần. Suốt ngày không nói một chữ nào. Anh ta chỉ ăn vài trái chuối trong ngày. Mọi người cho rằng anh là thánh, nên đến cầu xin giảng pháp. Khi họ hỏi, anh ta chỉ biết giả dạng mô phạm bằng cách chỉ đáp một chữ. Chiến thuật này được gọi là Thiền một chữ.[87] Người ta gọi thế là vì họ không hiểu anh ta nói gì. Bất kỳ quý vị hỏi anh ta về điều gì.

Anh ta chỉ đáp không.

Nếu quý vị có hỏi:

- Tôi nên tu hành như thế nào?

Anh ta đáp: không.

- Tôi nên niệm Phật như thế nào? không.

- Thọ giới, giữ gìn luật nghi, việc ấy ông nghĩ tốt chăng?

- Không.

Anh ta liên tục đáp không khiến quý vị hoang mang và quên hết những gì định hỏi. Quý vị thắc mắc không hiểu ông ta nói không là không cái gì? Quý vị không thể tự giải đáp nổi. Cuối cùng nó đánh mạnh vào tâm thức quý vị “Ồ! Thực ra là chẳng có cái gì cả. Đúng là chẳng có cái gì hết.”

Ngoài chữ không ra, ngoài những chữ không, không nói điều gì, anh ta chẳng nói gì cả.

Quý vị có thể hỏi anh ta một đến 100, 1.000, vạn câu hỏi. Nhưng anh ta sẽ luôn luôn trả lời không. Thế là quý vị nghĩ rằng: “Lý thiền ông ta nói quá cao xa. Chúng ta không thể nào với tới được.”







KINH VĂN:

三者是人,諦觀其心,各各有處.因有得證。有人來問,唯答一字,但言其是。除是之餘,無所言說。

Tam giả thị nhân, đế quán kì tâm, các các hữu xứ. Nhân hữu đắc chứng. Hữu nhân lai vấn, duy đáp nhất tự, đãn ngôn kì thị. Trừ thị chi dư, vô sở ngôn thuyết.

Việt dịch:

Ba là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều hiện hữu (có). Nhân nơi cái có mà chứng đắc. Nên khi người đến hỏi chỉ đáp một chữ có. Ngoài chữ có ra, không nói gì khác.

GIẢNG:

Trong loại lý luận điên đảo càn loạn thứ ba này.

Ba là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều hiện hữu (có).

Anh ta tự quán sát vào sâu trong tâm mình và thấy mười hai loại chúng sinh đều trải qua chỗ có sự sinh tử này. Nhân nơi cái có mà chứng đắc. Nghĩ rằng mình có sự chứng đắc từ nhận thức về có. Thực vậy, anh ta chẳng chứng được quả vị gì cả. Trong kinh chỉ nói để mô tả sự nhầm lẫn của anh ta mà thôi. Hành giả quán sát các loại chúng sanh rồi nói: “À! Toàn là cócả.” Thấy được điều này anh ta nghĩ là mình đã giác ngộ và chứng được quả vị.

Nên khi có người đến hỏi. Chỉ đáp một chữ có.

Bất luận người ta hỏi về pháp gì? Anh ta cũng chỉ đáp một chữ có.

Quý vị hỏi:

Tôi muốn rời gia đình xuất gia làm một vị Tăng. Việc ấy nên chăng?

Anh ta sẽ đáp: Có.

- Tôi muốn thọ trì năm giới được chăng?

- Có!

Bây giờ, tốt nhất là tôi nên làm điều gì?

- Có!

Ngoài chữ có ra, anh ta không nói gì khác.

Anh ta không nói điều gì khác ngoài chữ có. Nên quý vị sẽ nghĩ rằng: “Ồ! Đây thực sự là thiền một chữ. Ông ta chắc là một vị cao Tăng. Pháp mà ông ta nói quá hay đến nỗi ta không thể nào hiểu được.”

Nó hay chỉ vì quý vị hoàn toàn không hiểu được nó. Chẳng hạn như bấy giờ nếu quý vị hiểu được những gì trong Kinh mà tôi đang giảng cho quý vị nghe, thì điều đó chẳng hay tí nào cả! Quý vị có thể nói:

“Nói lui nói tới hoài mà tôi chẳng hiểu Pháp sư này giảng những gì nữa?” Trường hợp như vậy, thì thật đáng mừng cho quý vị. Đơn giản chỉ vì quý vị không hiểu. Đó là điều rất tốt. Một khi quí vị hiểu được, thì nó không còn hay ho gì nữa. Tại sao vậy. Vì đã hiểu được. Bất luận thứ gì khi mà chưa hiểu thì đều hay đều đẹp. Do vậy, nếu quý vị muốn được điều kỳ diệu, thì chẳng nên học Phật pháp (theo kiểu ấy).

Nếu quý vị không học, thì quý vị chẳng biết được đạo lý, nên thấy mọi việc đều lạ và hay cả.

Bất luận khi có người hỏi điều gì. Nó đều đáp: có. Sao vậy? Anh ta nghĩ rằng mình đã giác ngộ từ cái có, vì thế anh ta truyền pháp có ấy cho quý vị.





KINH VĂN:

四者是人,有無俱見。其境枝故,其心亦亂。有人來問,答言亦有,即是亦無;亦無之中,不是亦有。一切矯亂,無容窮詰。

Tứ giả thị nhân, hữu vô câu kiến. Kì cảnh chi cố, kì tâm diệc loạn. Hữu nhân lai vấn, đáp ngôn diệc hữu, tức thị diệc vô; diệc vô chi trung, bất thị diệc hữu. Nhất thiết kiểu loạn, vô dung cùng cật.

Việt dịch:

Bốn là người ấy chấp cả có và không. Do cảnh phân tán, tâm cũng tán loạn. Khi có người đến hỏi, thì đáp cũngcó tức là cũng không; trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có. Tất cả hoàn toàn càn loạn, khi suy xét kỹ lưỡng, thấy không thể nói hết được.

GIẢNG:

Bốn lý luận càn loạn này là sự hỗn loạn của lý thuyết “hữu” hay “vô.” Lý thuyết này là gì? Hành giả đề cập cả hai vấn đềcó và không. Nhưng anh ta nói rằng những vật không hiện hữu thì không thể cũng có, và những vật hiện hữu thì không thể cũng không. Anh ta chẳng biết vạn vật hiện hữu như thế nào nữa. Nói một cách điên dại như người say rượu.

Bốn là người ấy chấp cả có và không.

Trong phạm vi hành ấm , anh ta nhận thấy hành ấm giống như sóng gợn lăn tăn trên mặt nước, không hề dừng nghỉ. Nên anh ta cho rằng có. Anh ta cho rằng sự tạm dừng trong khi sóng ngưng lặng là không.

Do cảnh phân tán, tâm cũng tán loạn.

Tâm hành giả sinh khởi một niệm phân tích chia chẻ. Giống như những cành nhánh trên một thân cây. Thế nên anh ta tuyên bố rằng vạn pháp vừa có vừa không. Tâm hành giả rối loạn vì không có trí huệ chân chánh, hay định lực. Do định lực và trí huệ không quân bình.

Lúc này, hành giả trở nên chấp trước và không thể nào tìm được lối thoát ra khỏi mớ hỗn độn. Anh ta gặp một con đường tà kiến và chẳng biết con đường nào là chánh đạo.

Khi có người đến hỏi, thì đáp cũng có tức là cũng không, trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có.

Khi có người đến hỏi, thỉnh cầu chỉ dạy Phật pháp thì đáp rằng: cũng có tức là cũng không. Vật hiện hữu thì cũng giống như không hiện hữu. Nhưng trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có.” Nhưng những vật không hiện hữu rồi thì không thể nào trở thành có được.”

Những vật nào đã hiện hữu rồi cũng tức là không hiện hữu. Nhưng những vật không hiện hữu thì không tồn tại. Rốt cục, lý luận này là loại gì?

Là thứ hoàn toàn càn loạn. Đó là một thứ lý luận lầm lạc. Anh ta chẳng biết mình nói gì nữa. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng anh ta nói như người say rượu.

Khi suy xét kỹ lưỡng, thấy không thể dung hợp được. Không có cách nào để chấp nhận lý lẽ của anh ta. Thế lúc ấy, các ông nên làm gì? Chỉ nên áp dụng một phương pháp. Đó là vả vào mồm xem thử anh ta còn nói có, không được nữa chăng? Nếu quí vị vả vào mồm anh ta. Anh ta sẽ nói: “Tại sao lại đánh ta?.”

Nhưng ông không hiện hữu, ông có nhớ không? Vậy nên tôi đánh ông cũng như không đánh!

Hoặc có một cách khác nữa, quý vị cầm một con dao và nói: “Nè! Tôi đến để giết ông,” và xem hỏi anh ta có tồn tại hay không? Quý vị chẳng cần lý sự với anh ta làm gì. Những gì anh ta nói đều không thể nào chấp nhận được khi soi xét bằng đạo lý. Quý vị không nên hỏi đạo nơi những người như thế.



KINH VĂN:

由此計度,矯亂虛無,墮落外道惑菩提性。是則名為第五外道,四顛倒性,不死矯亂,遍計虛論。

Do thử kế độ, kiểu loạn hư vô, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi đệ ngũ ngoại đạo, tứ điên đảo tánh, bất tử kiểu loạn, biến kế hư luận.

Việt dịch:

Do chấp trước càn loạn rỗng không này, người ấy rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ năm, lập bốn luận thuyết hư vọng, điên đảo biến kế, càn loạn bất tử.

GIẢNG:

Do chấp trước vào bốn lý thuyết càn loạn rỗng không này. Lý thuyết của anh ta không thể nào tưởng tượng nổi. Những điều anh ta nói là không thể nào có được. Đều là một thứ lý thuyết vô lý. Do đó, người ấy rơi vào ngoại đạo.

Tại sao lại gọi là tà thuyết ngoại đạo? Vì đạo lý không chân chính. Tri kiến của anh ta đều lầm lạc, nên những nguyên lý anh ta đưa ra không được chính xác, không đạt được chỗ rốt ráo của hiện tượng. Mê mờ tánh bồ-đề. Anh ta hoàn toàn không biết con đường dẫn đến giác ngộ. Anh ta không được ánh sáng giác ngộ chân chính soi sáng.

Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ năm, lập bốn luận thuyết hư vọng, điên đảo biến kế, càn loạn bất tử.

Trong lý luận thứ nhất, anh ta nói mình vừa sống vừa chết, cả có cả không; cả tăng cả giảm.

Trong lý thuyết thứ hai, anh ta trả lời các câu hỏi chỉ bằng một chữ “không.” Nói “không, không, không” suốt ngày và không nói một chữ nào khác. Bất luận người ta hỏi điều gì, anh ta chỉ đáp một chữ “không.” Nếu quý vị có hỏi trăm ngàn câu, chỉ nhận được rất nhiều lời đáp “không.”

Trong trường hợp thứ ba, anh ta chỉ đáp một tiếng “có.” Nếu như quý vị hỏi “Tôi làm giặc được không.” Anh ta liền đáp: “có.”

Hỏi: “Tôi thọ giới được không?

Đáp: Có.

Hỏi: Ăn phân người được không?

Đáp: Có.

Hỏi: Uống nước tiểu được chăng?

Đáp: Có

Hỏi: Ông có chết không?

Đáp: Có

Hỏi: Ông có còn tiếp tục sống trên thế gian này không?

Đáp: Có.

Bất luận các ông hỏi điều gì, anh ta đều đáp “có,” dù ngàn vạn lần hỏi, cũng chẳng có lời đáp nào khác ngoài chữ “có.” Chữ “có” của anh ta biểu thị cho sự tồn tại. Mọi vật đều hiện hữu, đều là “có.”

Trong trường hợp thứ tư, là trường hợp đang đề cập hôm nay. Anh ta nói rằng cái “có” bao hàm cái “không,” nhưng cái “không” lại không bao hàm cái “có.” Rốt cục đó là loại lý luận gì? Đó là loại lý thuyết mà anh ta đã giãi bày. Bốn loại lý luận căn cứ vào sự càn loạn bất tử. Đó là lý luận không mạch lạc và chẳng sáng suốt tý nào.

Đó hoàn toàn là những suy loạn hư vọng, không thực. Trước đây tôi đã giảng về tam tánh:







Tánh biến kế chấp .

Tánh y tha khởi .

Tánh viên thành thật .

Không biết quý vị đã hiểu rõ ý nghĩa của ba tánh này chưa?

Tánh biến kế chấp là gì? Giả sử như các ông thấy một sợi dây thừng nằm trên đường vào một đêm không có trăng, quý vị có thể nghĩ “Ồ! Có lẽ là rắn.” Đó là biến kế chấp. Đó chỉ là một sợi dây thừng, mà quý vị khởi lên một nhận định sai lạc đó là con rắn. Giá như khi quý vị thấy bóng cây trong đêm trăng, quý vị sẽ nghĩ “Ồ! có lẽ là ma” rồi phát sợ.

Có khi trong đêm quý vị thấy một con chó và nghĩ: “Ồ! đó là chó sói hay cọp.” Đó là sự sinh khởi của tánh biến kế chấp , khi quý vị nhìn kỹ, thấy nó chỉ là con chó, chẳng phải là sói, chẳng phải là cọp. Đây gọi là tánh “Y tha khởi.”

Nương vào con chó. Tánh biến kế chấp của quý vị sinh khởi và hoạt động. Nó thực sự chỉ là con chó. Con chó là gì? Là một súc vật. Bởi vì quý vị có sẵn tánh biến kế chấp , nên lầm chó với chó sói, với cọp, hay lầm một sinh vật nào khác. Hoàn toàn tương tự như khi ban đêm quý vị nhìn một bóng cây dưới trăng. Quý vị tưởng rằng sợi dây thừng kia là con rắn. Nhưng khi quý vị nhìn kỹ, thì nó chỉ là sợi dây thừng. Sợi dây được gọi là tánh y tha khởi . Tánh y tha khởi là gì? Sợi dây thừng làm bằng gì? Nó làm bằng sợi gai. Sợi gai được gọi là tánh viên thành thật , sợi gai có thể làm thành dây thừng, đó là y tha khởi . Nương nơi tánh viên thành thật, mà tánh y tha khởi phát sinh. Nên khi quý vị không quán sát hiện tượng một cách kỹ lưỡng, thì tánh biến kế chấp sinh khởi. Tà thuyết ngoại đạo cũng tương tự như vậy.

Những gì họ nói không phải là những gì thực sự biểu hiện của vạn vật. Họ phát khởi những tà thuyết này là hoàn toàn dựa vào biến kế chấp .

6. TÀ KIẾN VỀ HỮU TƯỚNG

KINH VĂN:

又三摩中,諸善男子,堅凝正心,魔不得便.窮生類本,觀彼幽清,常擾動元,於無盡流生計度者,是人墜入,死後有相,發心顛倒。

Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư vô tận lưu sanh kế độ giả, thị nhân trụy nhập, tử hậu hữu tướng, phát tâm điên đảo.

Việt dịch:

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm chấp đó là dòng sinh diệt vô tận, thì người ấy rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết còn có tướng.

GIẢNG:

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.

Trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng, vững chắc thiên ma không khuấy phá được nữa.

Điều này liên quan đến những hành giả khi tu tập đã đạt được chánh định kiên cố, bởi vì anh ta có được định lực kiên cố và chánh tâm, nên thiên ma không có cách nào quấy nhiễu được. Ma thuật hoàn toàn hết hiệu nghiệm. Mặc dù ma lực không thể dụng được đến hành giả, nhưng thiên ma lại sinh khởi ngay trong tâm hành giả. Loại ma từ tự tâm sinh khởi rất khó hàng phục.

Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội gốc của các loài chúng sanh. Đó là manh mối, nguồn gốc của mọi loài chúng sanh.

Quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Thấy được manh mối thường chuyển động vi tế kia. Hành giả quán sát được nguồn cội bản chất của cái nhiễu động nhẹ nhàng, lăn tăn vi tế u ẩn của mười hai loài chúng sanh. Cội gốc của tánh chất ấy chính là hành ấm , được biểu hiện qua tướng nhiễu động rất vi tế kia.

Nhưng nếu hành giả khởi tâm chấp đó là dòng sinh diệt vô tận, thì người ấy rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết còn có tướng.

Nhưng nếu hành giả khởi niệm suy lường chấp đó là dòng sanh diệt vô tận, thì người ấy rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết còn có tướng.

Tướng nhiễu động vi tế kia giống như sự tương tục của sóng lăn tăn gợn trên mặt nước, nếu chấp như vậy, thì hành giả sẽ bị rơi vào tư tưởng mê lầm điên đảo, cho rằng sau khi chết vẫn còn sắc tướng. Do chấp rằng vẫn còn hiện hữu sau khi chết, nên tâm người ấy trở nên mê loạn.

KINH VĂN:

或自固身,云色是我。或見我圓,含遍國土,云我有色。或彼前緣,隨我迴復,云色屬我。或復我依,行中相續,云我在色。

Hoặc tự cố thân, vân sắc thị ngã. Hoặc kiến ngã viên, hàm biến quốc độ, vân ngã hữu sắc. Hoặc bỉ tiền duyên, tùy ngã hồi hậu, vân sắc thuộc ngã. Hoặc hậu ngã y, hành trung tương tục, vân ngã tại sắc.

Việt dịch:

Hoặc tự củng cố thân mình, cho rằng sắc là ta. Hoặc thấy cái ta bao trùm khắp các cõi nước, cho rằng ta có sắc. Hoặc thấy các tiền trần kia, đều theo ta quay về, nên cho rằng sắc thuộc về ta. Hoặc cho rằng cái ta nương theo hành ấm mà tương tục, nên cho rằng ta ở trong sắc.

GIẢNG:

Hoặc tự củng cố thân mình, cho rằng sắc là ta.

Hoặc hành giả tự chấp cứng lấy thân mình, cho rằng sắc chính là ngã.

Người phát khởi loại vọng chấp này, là mong muốn thân xác mình được lâu dài và kiên cố. Anh ta tuyên bố rằng sắc là một yếu tố trong tứ đại, đơn giản chính là ngã.

Hoặc thấy cái ta bao trùm khắp các cõi nước, cho rằng ta có sắc.

Hoặc thấy mình bao trùm khắp các cõi nước, cho rằng trong ngã có sắc, chấp rằng tự tánh của mình viên dung vô ngại, bao hàm khắp các cõi nước trong mười phương. Do đó, anh ta cho rằng Ngã chứa đựng cả sắc. Đó là loại sắc gì? Anh ta nói: “Ta có cái sắc vĩ đại vô cùng.”

Hoặc thấy các tiền trần kia, đều theo ta quay về, nên cho rằng sắc thuộc về ta.

Hoặc thấy các tiền trần kia đều quay về bên cái Ta, nên cho rằng sắc thuộc về ngã. Hoặc anh ta cho rằng các tiền trần kia đều theo anh ta đi khắp mọi nơi và sắc trong tứ đại hoàn toàn thuộc về ngã.

Hoặc cho rằng cái ta nương theo hành ấm mà tương tục, nên cho rằng ta ở trong sắc. Cho rằng ngã nương nơi hành ấm mà tương tục, nên cho rằng ngã ở trong sắc.





KINH VĂN:

皆計度言,死後有相。如是循環,有十六相。

Giai kế độ ngôn, tử hậu hữu tương. Như thị tuần hoàn, hữu thập lục tướng.

Việt dịch:

Từ tất cả kiến chấp này, đều cho rằng sau khi chết còn có tướng. Xoay vần như thế có 16 tướng.

GIẢNG:

Từ tất cả kiến chấp này, đều cho rằng sau khi chết còn có tướng. Từ tất cả kiến chấp này, hành giả cho rằng sắc còn tồn tại sau khi chết.

Trước đây khi giảng về sắc và triền trần, tôi có nói về bốn lý luận của hành giả:

1. Sắc trong tứ đại thuộc về ta.

2. Sắc trong tứ đại chính là ta.

3. Sắc ở trong ta, thế nên ta lớn và sắc thì nhỏ.

4. Tách rời khỏi ta, chẳng có sắc.

Tóm lại: lý luận của anh ta đều vô nghĩa. Chẳng có chút gì hợp lý. Qua bốn lý thuyết này, anh ta chấp rằng có sự hiện hữu sau khi chết.

Xoay vần như thế có 16 tướng.

Theo kiến chấp ấy, hành giả rơi vào mười sáu trường hợp hiện hữu của sắc tướng.

Anh ta lấy bốn lý thuyết trên và liên hệ chúng với bốn thứ: Sắc ấm , thọ ấm , tưởng ấm và hành ấm . Như vậy thành ra 16 trường hợp hiện hữu của sắc, thọ, tưởng hành và tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Thật là vô ích khi hỏi tại sao lại đặt ra những lý luận này. Vì căn bản là bất hợp lý, trong đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi chẳng hiểu gì về bốn lý thuyết đó. Vì trước hết là chúng chẳng có gì rõ ràng minh bạch cả.



KINH VĂN:

從此[88]惑計,畢竟煩惱,畢竟菩提。兩性並驅,各不相觸。

Tòng thử hoặc kế, tất cánh phiền não, tất cánh bồ-đề, lưỡng tánh tịnh khu, các bất tương xúc.

Việt dịch:

Từ đó, chấp rằng rốt ráo phiền não, tột cùng bồ-đề, hai tánh ấy đều khu biệt, không mâu thuẫn nhau.

GIẢNG:

Bốn lần bốn làm thành mười sáu cách mà sắc có thể hiện hữu. Hành giả thấy rằng bốn lý thuyết ấy có thể liên hệ với mỗi thứ trong bốn ấm: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm ; hoặc với tứ đại: đất nước, gió, lửa.

Từ đó, chấp rằng rốt ráo phiền não, tột cùng bồ-đề, hai tánh ấy đều khu biệt.

Cho rằng phiền não luôn luôn là phiền não, bồ-đề luôn luôn là bồ-đề.

Anh ta cho rằng phiền não mãi mãi là phiền não, bồ-đề vĩnh viễn là bồ-đề. Như vậy nên câu: phiền não tức bồ-đề là sai.

Không mâu thuẫn nhau.

Hai tánh chất này cùng tồn tại song song, không mâu thuẫn nhau.



Anh ta tuyên bố hai chức năng này tồn tại song song nhau, không phá vỡ nhau. Nhưng chúng tương tác với nhau. Nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lạc. Căn bản là điều ấy không thể có được. Tại sao anh ta nói như thế? Vì mê mờ tánh bồ-đề.

No comments:

Post a Comment