KINH LĂNG NGHIÊM: MA CHƯỚNG TRÊN ĐƯỜNG TU TẬP
GIẢNG GIẢI (tiếp theo)
KINH VĂN:
其人本不覺知魔著,亦言自得無上涅槃。來彼求陰善男子處,敷座說法。令其聽人,各知本業。或於其處語一人言。汝今未死,已作畜生。勅使一人,於後踏尾,頓令其人,起不能得。於是一眾,傾心欽伏。有人起心,已知其肇。佛律儀外,重加精苦,誹謗比丘,罵詈徒眾,訐露人事,不避譏嫌。口中好言,未然禍福,及至其時,毫髮無失。
Kì nhân bổn bất giác tri ma trước, diệc ngôn tự đắc vô thượng niết-bàn. Lai bỉ cầu âm thiện nam tử xứ, phu tòa thuyết pháp. Linh kì thính nhân, các tri bản nghiệp. Hoặc ư kì xứ, ngữ nhất nhân ngôn. Nhữ kim vị tử, dĩ tác súc sanh. Sắc sử nhất nhân, ư hậu đạp vĩ, đốn linh kì nhân, khởi bất năng đắc. Ư thị nhất chúng, khuynh tâm khâm phục. Hữu nhân khởi tâm, dĩ tri kì triệu. Phật luật nghi ngoại, trùng gia tinh khổ. Phỉ báng tỷ-khưu, mạ lị đồ chúng, kiết lộ nhân sự, bất tị cơ hiềm. Khẩu trung hảo ngôn, vị nhiên họa phúc, cập chí kì thời, hào bị vô thất.
Việt dịch:
Người này vốn không biết mình bị ma gá vào, còn tự tuyên bố mình đã chứng vô thượng niết-bàn. Nó đến bên hành giả tham cầu tịch tịnh, trải tòa ngồi thuyết pháp. Nó khiến mọi người nghe đều biết rõ nghiệp đời trước của mình. Hoặc nó bảo với một người ở đó rằng “Ông nay chưa chết mà đã làm súc sanh.” Rồi bảo người ở phía sau đạp lên đuôingười phía trước, bỗng nhiên người kia không đứng dậy được. Lúc bấy giờ cả hội chúng đều hết lòng kính phục. Nếu có người móng khởi tâm niệm nghi ngờ, ma liền biết ý. Ngoài luật nghi của Phật, nó tinh chuyên khổ hạnh, phỉ báng tỷ-khưu, mắng chửi đồ chúng, rao lỗi người khác, không ngại chê bai tị hiềm. Miệng ưa nói họa phước chưa đến, khi việc xảy ra, quả nhiên chẳng sai mảy may.
GIẢNG:
Người này vốn không biết mình bị ma gá vào. Anh ta tự tuyên bố như ma vương nói, là mình đã chứng vô thượng niết-bàn.
Lấy cái gì làm bằng chứng để xét đoán người nào là ma vương? Ở điểm hầu như phần nhiều là ma rất thích tự khen ngợi mình.
Nó nói “Các ông có biết chăng? Ta vừa chứng được niết-bàn..” Hay có thể nó nói: “Ta vừa chứng được quả vị đầu tiên của hàng A-la-hán .” Hay là: “Ta đã được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán rồi.” Hoặc ta nay đã thành một vị bồ-tát, các ông có nhận ra không?”
Ngay khi một người nào tự tuyên bố như vậy, các ông không cần phải hỏi cũng đã biết người ấy là ma rồi. Đức Phật không bao giờ nói:
“Ta là Phật, hãy nhanh chóng đến đảnh lễ ta. Nếu các ông không lạy ta, là các ông đã bỏ lỡ một dịp may, vì ta đã là Phật, nên các ông thật đần độn khi không lạy ta.”
Bất kỳ kẻ nào tự tuyên bố mình là Phật, là Bồ-tát, là A-la-hán , thì người ấy là ma chứ chẳng phải là gì khác. Quý vị có thể nhận biết ngay, chẳng cần phải hỏi han gì cả. Đó là lời của ma. Một Đức Phật không bao giờ tự cho mình là Phật. Một vị bồ-tát hiện thân nơi thế gian không bao giờ tự xưng mình là bồ-tát. Ngay cả khi có người nào tôn xưng họ là bồ-tát, họ cũng không thừa nhận điều ấy.
Ngay cả khi nếu người ấy là Phật và có người bảo: “Tôi biết ngài là Phật.” Họ cũng không công nhận điều ấy. Người đã thật sự giác ngộ không bao giờ thừa nhận với người khác việc mình đã giác ngộ. Nếu có người nói “Tôi là người giác ngộ” thì đừng có bận tâm với người ấy, người ấy không xứng đáng so sánh ngay cả một con vật. Đừng có nghe lời khoác lác và tự đề cao mình như thế.
Nghe giảng kinh là để tự trang bị cho mình một cái kính chiếu yêu. Nên một khi yêu, ma, quỷ quái hiện hình, các ông liền biết rõ ngay về nó. Còn nếu các ông không hiểu rõ Phật pháp, thì sẽ không biết được những gì nó nói, nên liền bị nó đánh lừa.
Nó đến bên hành giả tham cầu tịch tịnh, trải tòa ngồi thuyết pháp.
Khi anh ta (người đã bị ma gá) đến bên hành giả tham cầu tịch tĩnh, nó trải tòa thuyết pháp. (24), (25). Nó khiến cho mọi người nghe đều biết rõ nghiệp đời trước của mình.
Mọi người đều có cảm giác biết rõ được mình như trong giấc mơ, mình là gì, là ai trong đời trước. Có người nói: “Trong một kiếp xa xưa, tôi là con chó giữ nhà.” Có người nói: “Tôi là con mèo.” Có người khác nói: “Tôi là một con gà.” Người khác nữa lại nói: “Đời trước tôi là một con bò.” Chẳng có ai là người cả.
Hoặc nó (ma vương) bảo với một người ở đó rằng: “Ông nay tuy chưa chết, mà đã làm súc sanh.” Nó muốn nói điều gì? Điều ấy là: “Ông đã là chó trong kiếp trước, nay dù ông chưa chết ông cũng hóa thành chó lại rồi. Ông không tin tôi sao?”Rồi bảo một người khác ở phía sau đạp lên đuôi người phía trước. Nó bảo với mọi người: “Ông ấy không tin những gì tôi nói. Hãy ra sau lưng nó và dẫm lên cái đuôi của nó xem thử nó đứng dậy được không?”
Rồi nó đạp mạnh chân lên mặt đất và nói nó đang đạp lên đuôi của người phía trước. Bỗng nhiên người kia không đứng dậy được. Chắc hẳn các ông sẽ cho rằng người ấy có thần thông thật rồi. Sau khi ma nói người kia có đuôi, rồi bảo người khác dẫm lên, người kia không đứng dậy được. Người ấy không còn cách nào khác hơn là phải tin vào nó. “Ông ta bảo tôi là súc vật, bây giờ thật sự tôi đã có một cái đuôi, nếu không tại sao có người dẫm lên sau đuôi thì tôi không thể nào đứng dậy được.”
Lúc bấy giờ, cả chúng hội đều hết lòng kính phục.
“Thật là thần diệu!” Họ nói: “Ông ta biết trước người ấy sẽ hóa thành súc vật ngay khi còn sống. Ông ta chắc phải là một vị Phật hay bồ-tát sống.” Thật ra họ đã bị ma lừa bịp mà không nhận ra điều ấy. Họ gặp quỷ hay ma vương mà nhận lầm là bồ-tát. Đó thật là các điên đảo của chúng sanh.
Nếu có người móng khởi tâm niệm nghi ngờ, ma liền biết ý.
Trong chúng hội nếu có người hoài nghi, nghĩ rằng: “Sao lại như thế được? Thật là không hợp lý.” Ngay khi móng khởi tâm niệm nghi ngờ, ma liền biết và trả lời: “Thế là các ông không tin ta hay sao?” Những người này nhìn lại nó một lát rồi nói: “Ồ! Ông ta thật sự là một vị bồ-tát. Tôi không nói ra những gì tôi nghĩ trong tâm vậy mà ông ta biết rất rõ, ông ta đã bóc trần ra mọi nghi ngờ của tôi. Thật là kỳ lạ.” Từ đó anh ta không dám tỏ ra bất tín nữa.
Ngoài luật nghi của Phật, nó tinh chuyên khổ hạnh,
Nó nói: “Luật nghi của Phật chưa đủ đối với tôi, tôi sẽ lập nên một giới luật mới cho các ông. Tôi muốn các ông trở thành những vị Phật mới, và ta sẽ sáng lập ra một đạo Phật mới. Đạo Phật hiện nay đã quá lỗi thời và không còn thích hợp nữa. Bây giờ là kỷ nguyên của khoa học, kỷ nguyên hạt nhân, mọi việc đều phải được hiện đại hóa và phải được cải thiện. Lối suy nghĩ xưa kia không còn ích lợi nữa. Phật giáo cổ xưa ấy không còn ứng dụng gì được nữa.”
Đó là cách nó biến đổi đạo Phật. Nó nói rằng mọi người đều có thể biến thành các bậc tôn túc hoặc là các vị tỷ-khưu, hay thành bất kỳ ai mà họ muốn.
Nó phỉ báng tỷ-khưu.
Nó nói rằng: Tỷ-khưu à! Tỷ-khưu là gì? Nó đùa bỡn danh xưng ấy. Nó nói: “Ông gọi người ấy là tỷ-khưu hả? Tôi gọi đó là con cá trạnh – tiếng Trung Hoa, chữ tỷ-khưu và nê thu 泥 鰍 (cá trạnh) có âm cuối đọc giống nhau.
Nó mắng chửi đồ chúng, rao lỗi người khác,
Nó mạ lỵ mắng nhiếc đồ chúng của nó bất kỳ lúc nào nó thích. Nó mắng họ rằng: “Các ông là chó, là mèo, các ông là heo, là thỏ...” Đồ chúng nghe nó mắng nhiếc, chấp nhận những lời sỉ vả ấy vì nghĩ rằng đó là bồ-tát. “Ông ấy bảo ta là heo, vậy thì ta là heo cũng được, ông ta bảo mình là chó, thì ta là chó cũng vậy.” Họ không dám cãi lại. Ma vương có một năng lực dữ dội làm mê hoặc mọi người, khiến mọi người đều tin vào những gì nó nói.
Nó rao lỗi người khác. Thí dụ một người nam và một người nữ có làm điều gì thiếu lịch sự chút ít, nó liền nói với người phụ nữ: “Cô đã làm việc ấy với người đàn ông ấy ở chỗ ấy.” Người phụ nữ liền tự nghĩ: “Làm sao ông ta lại biết được.” Hoặc là nó rao lỗi trước công chúng: “Ở đây có hai kẻ bất hảo, họ đã làm những việc thiếu đoan chính, những việc nói ra thật bất tiện, tại nơi đó nơi kia vậy. Hãy hỏi cô ta về việc ấy, cô ta sẽ không dám chối đâu!” Nó muốn đưa ra điều mà thực sự họ đã làm, nên họ không dám chối. Nó làm thế để chứng tỏ cho mọi người biết rằng: Nó có thần thông, nó biết cả mọi việc sắp sửa xảy ra. Nó phơi bày lỗi lầm riêng tư của người khác mà chẳng ngại cách chê bai hay tỵ hiềm. Nó tiết lộ từng bí mật của cá nhân mà không sợ bị họ khinh bỉ.
Miệng ưa nói họa phước chưa đến, khi việc xảy ra, quả nhiên chẳng sai mảy may.
Nó ưa tiên đoán việc họa phước. Nó thích nói những chuyện như: “Ông nên thận trọng, ngày mai là một ngày xấu cho ông, có người muốn đầu độc ông, ông phải xem kỹ thức ăn, nếu không sẽ bị chết vì thuốc độc.”
Nó ưa nói trước cả việc tốt và việc xấu. Khi việc ấy xảy ra, quả nhiên chẳng sai mảy may. Khi sự việc xảy ra, tỏ bày chính xác những gì nó đã tiên đoán. Đó là lý do vì sao mà mọi người đều tin vào nó. Loại ma vương như thế khiến người ta dễ tin hơn cả một vị bồ-tát.
KINH VĂN:
此大力鬼,年老成魔,惱亂是人。厭足心生,去彼人體。弟子與師,俱[60]陷王難。汝當先覺,不入輪迴。迷惑不知,墮無間獄 .
Thử đại lực quỷ, niên lão thành ma, não loạn thị nhân. Yếm túc tâm sanh, khứ bỉ nhân thể. Đệ tử dữ sư, đa hãm vương nạn. Nhữ đương tiên giác, bất nhập luân hồi. Mê hoặc bất tri, đọa vô gián ngục.
Việt dịch:
Đây là loại đại lực quỷ, loài ma sống lâu mà thành, quấy rối người tu hành. Khi nó đã nhàm chán, liền rời khỏi thân người nó đã gá vào. Khi ấy cả thầy và trò đều sa vào lưới pháp luật. Các ông nên rõ biết trước những việc này, để khỏi rơi vào vòng luân hồi. Nếu mê lầm không biết, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
GIẢNG:
Đây là loại đại lực quỷ, là loài ma sống lâu mà thành. Ma hóa thành quỷ khi về già. Cũng giống như những người không tu tập, gieo trồng nhân đức thì đến tuổi già sẽ trở thành tinh quái. Như tôi thường hay nói với quý vị. Người Trung Hoa có câu: “Già mà không chết thì thành giặc –Lão nhi bất tử thị vi tặc...”
Khi người sống lâu và trải qua nhiều kinh nghiệm, họ thường làm nhiều chuyện kỳ quái. Cũng thế làm ma lâu năm thì thành quỷ.
Nó khuấy rối người tu hành. Nó ghen tức với công phu tu tập của người tu hành, ma thích phá hủy định lực của người tu.
Khi nó đã nhàm chán, liền rời khỏi thân người mà nó đã gá vào. Khi ấy cả thầy và trò đều sa vào lưới pháp luật. Điều đó cũng tương tự như đọa vào địa ngục. Nên có lời nói:
Mông đổng truyền mông đổng
Nhất truyền lưỡng bất đổng
Sư phụ hạ địa ngục
Đồ đệ vãng lý củng.
Tạm dịch:
Kẻ ngu dạy người ngu
Học rồi càng mờ mịt
Thầy rơi vào địa ngục
Trò nối gót theo sau.
Lời ấy cũng giống như đạo lý trong kinh, do không gặp được bậc minh sư, đệ tử cũng thuộc hạng độn căn, nên khi thấy thầy vào địa ngục thì mình cũng theo thầy vào đó luôn. Thầy thấy thế quay lại hỏi: “Ông đến đây làm gì?”
Đệ tử trả lời: “Con thấy thầy vào đây, dĩ nhiên là con phải theo thầy.”
Thầy bảo: “Ồ! Không nên. Đây không phải là nơi an ổn. Đáng lẽ ra ông không nên đến đây!
Đệ tử đáp lại:
- Nhưng thầy đã vào trước rồi! Làm sao con lại không theo thầy. Con đã thọ giáo với thầy, Thầy đi đâu con theo đó.
Thầy nghĩ: “A! Chính ta là người bị đọa vào địa ngục, mang theo luôn cả đệ tử của ta vào đây. Ta thực là có lỗi với ông. Rất tiếc!”
Các ông nên rõ biết trước những việc này, để khỏi rơi vào vòng luân hồi. Nếu mê lầm không biết, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
7. THAM CẦU HIỂU BIẾT TÚC MẠNG
KINH VĂN:
又善男子,受陰虛妙,不遭邪慮,圓定發明.三摩地中,心愛知見,勤苦研尋,貪求宿命。
Hựu thiện nam tử, thọ ấm hư diệu, bất tao tà lự, viên định phát minh. Tam-ma-địa trung, tâm ái tri kiến, cần khổ nghiên tầm, tham cầu túc mạng.
Việt dịch:
Lại nữa thiện nam tử kia, thụ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong tam-ma-địa, tâm thích được thêm nhiều hiểu biết, siêng năng khổ nhọc truy tìm, mong biết được đời sống trong kiếp trước.
GIẢNG:
Lại nữa thiện nam tử kia, thụ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong cảnh giới vi diệu rỗng suốt, sau khi thọ ấm tiêu dung, hành giả không còn tà lự nữa. An trụ trong định sáng suốt tròn đầy. Trong tam-ma-địa, tâm ưa thích được thêm nhiều sự hiểu biết.
Trong định, hành giả ham muốn hiểu biết thêm nhiều vấn đề, mong có được sự thông hiểu về đời sống trong những kiếp trước. Anh ta dùng hết nỗ lực để công phu, không sợ khó nhọc.
Nên siêng năng khổ nhọc truy tìm, mong biết được đời sống trong kiếp trước.
KINH VĂN:
爾時天魔,候得其便,飛精附人口說經法。其人殊不覺知魔著,亦言自得無上涅槃。來彼求知善男子處,敷座說法。
Nhĩ thời thiên ma, hậu đắc cầu tiện, phi tinh phụ nhân, khẩu thuyết kinh pháp. Kì nhân thù bất giác tri ma trước, diệc ngôn tự đắc vô thượng niết-bàn. Lai bỉ cầu tri thiện nam tử xứ, phu tòa thuyết pháp.
Việt dịch:
Khi ấy thiên ma có được cơ hội thuận tiện, liền phóng tinh thần gá vào thân người ấy và dùng miệng người đó giảng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma gá vào, còn tự tuyên bố mình đã chứng được vô thượng niết-bàn. Nó đến bên hành giả tham cầu hiểu biết, trải tòa ngồi thuyết pháp.
GIẢNG:
Khi ấy thiên ma có được cơ hội thuận tiện, liền phóng tinh thần gá vào thân người khác và dùng miệng người đó giảng nói kinh pháp. Người này không biết mình bị ma gá vào. Hoàn toàn không biết rằng thân xác mình đã bị ma chiếm đoạt sai khiến.
Tự tuyên bố mình đã chứng được vô thượng niết-bàn. Nó đến bên hành giả tham cầu hiểu biết, trải tòa ngồi thuyết pháp.
KINH VĂN:
是人無端,於說法處,得大寶珠。其魔或時化為畜生,口銜其珠,及雜珍寶。簡策[61]符牘,諸奇異物。先授彼人,後著其體。或誘聽人,藏於地下,有明月珠,照耀[62]其處。是諸聽者,得未曾有。多食藥草,不飡嘉膳[63]。或時日飡,一麻一麥,其形肥充,魔力持故。誹謗比丘,罵詈徒眾,不避譏嫌。
Thị nhân vô đoan, ư thuyết pháp xứ, đắc đại bảo châu. Kì ma hoặc thời, hóa vi súc sanh, khẩu hàm kì châu, cập tạp trân bảo, giản sách phù độc, chư kì dị vật. Tiên thụ bỉ nhân, trước kỳ thể. Hoặc dụ thính nhân, tàng ư địa hạ. hữu minh nguyệt châu, chiếu diệu kỳ xứ. Thị chư thính giả, đắc vị tằng hữu. Đa thực dược thảo, bất xan gia thiện.
Hoặc thời nhật xan, nhất ma nhất mạch, kỳ hình phì sung, quỷ lực trì cố. Phỉ báng tỳ-khưu, mạ lị đồ chúng, bất tị kị hiềm.
Việt dịch:
Trong pháp hội, người ấy bỗng dưng như được viên ngọc to lớn. Có khi ma hóa thành súc vật, miệng ngậm châu báu, thẻ tre bùa chú và những vật quái dị khác. Trước trên, đến trao cho người ấy rồi sau rồi mới gá vào thân họ.
Hoặc là ma mê hoặc người đến nghe pháp, bằng cách chôn một vật xuống đất rồi nói rằng: Có một hạt “minh châu” đang tỏa sáng ở nơi đó. Nên các người nghe đều cảm thấy mình được việc chưa từng có. Ma thường chỉ ăn các loại dược thảo chứ không dùng thực phẩm có sẵn. Hoặc nó chỉ dùng ngày một hạt mè, một hạt lúa mạch mà vẫn thấy khỏe mạnh, là nhờ sự duy trì của ma lực. Nó phỉ báng các tỷ-khưu, mắng chửi đồ chúng, không ngại dùng cả lời chê bai tị hiềm.
GIẢNG:
Trong pháp hội, người ấy bỗng dưng như được viên ngọc to lớn, đó có thể là kim cương hay là viên ngọc như ý.
Có khi ma hóa thành súc vật, miệng ngậm châu báu, thẻ tre bùa chú và những vật quái dị khác, nói rằng các vị bồ-tát có thể biến hóa thân mình thành mọi thứ. Miệng con vật mà ma đã hóa thân thành ngậm châu báu, thẻ tre bùa chú.
Thẻ tre (giản sách ) là những vật để dùng cho việc ghi chép vào thời cổ đại. Chữ được viết trên một mặt, rồi người ta tách đôi thẻ tre ra, nên chữ hiện rõ ở trên bề mặt của mỗi thẻ tre. Khi cần dùng các thẻ tre này đã làm chứng từ, người ta đem ghép hai thẻ lại với nhau Nếu trùng hợp thì thẻ tre ấy được xem như một chứng từ, nếu hai phần của thẻ tre đã được ghi chữ không trùng hợp, có nghĩa là không đáng tin.
Phù độc tức bùa chú, là thứ dùng để hàng phục, bắt giữ yêu ma quỷ quái và con vật mà ma hóa thân có thể mang những vật quái dị khác. Những thứ này đều kỳ dị, hiếm có và rất giá trị.
Trước trên, đến trao cho người ấy rồi sau rồi mới gá vào thân họ.
Hoặc là ma mê hoặc người đến nghe pháp, bằng cách chôn một vật xuống đất rồi nói rằng: Có một hạt “minh châu” đang tỏa sáng ở nơi đó.
Nó chôn hạt châu xuống đất rồi lừa bịp người đến nghe pháp. Nói rằng: “Ở dưới này có một viên minh châu, ánh sáng nó giống như mặt trăng phát ra ánh sáng nơi đây.”
Nên các người nghe đều cảm thấy mình được việc chưa từng có.
Họ thán phục: “Ồ! Người này đúng là chân thực. Ông ta không thể nào là ma được!”
Đích thị kẻ ấy là ma, mà họ cứ khăng khăng cho là không phải. Thương thay cho những người đến nghe nó giảng pháp.
Ma thường chỉ ăn các loại dược thảo chứ không dùng thực phẩm có sẵn.
Nó thường chỉ ăn các loại dược thảo, không dùng những thực phẩm thông thường. Nó không dùng những thức ăn ngon. Nó dùng nhân sâm và một số thuốc bổ.
Khi tôi ở Hồng Kông, có gặp một người nói rằng không bao giờ dùng những thức ăn thông thường. Anh ta làm xác đồng trung gian (medium) cho những người cầu sống lâu, cầu con trai, cầu tài lộc và những thức khác. Bất kỳ lúc nào anh ta ở nhà người khác, anh đều thông báo là không ăn những thực phẩm thông thường. Thế anh ta ăn gì? Anh ta ăn trái óc chó (walnut - trái hạnh đào). Trong quả óc chó có nhân, chứa rất nhiều chất dầu, rất bổ cho não, chỉ cần ăn chút ít cũng đủ cho cơ thể hoạt động rồi. Nếu thường ăn một bát cơm, thì chỉ ăn nửa bát quả óc chó là đủ rồi. Hoặc là nó cũng ăn nhân hạt thông. Nói tóm lại nó toàn ăn những thứ bổ dưỡng nhất.
Hoặc nó chỉ dùng ngày một hạt mè, một hạt lúa mạch mà vẫn thấy khỏe mạnh. Còn mập hơn heo nữa. Đó là nhờ sự duy trì của ma lực. (27)
Nó phỉ báng các tỷ-khưu và mắng chửi đồ chúng, không ngại dùng lời chê bai và tị hiềm.
Nó chuyên mạ lỵ những Hòa thượng, những người xuất gia. “Người xuất gia ư? Họ xuất gia để làm gì? Họ chẳng tu hành gì cả, người xuất gia không tham tiền hay sao? Với họ thì càng nhiều càng tốt!”
Hoặc nó nói: “Tại sao các ông lại tin vào các ông ấy? Họ cũng chỉ là người, rốt cục các ông thật là đồ khùng.”
Khi có người tin vào các vị tỷ-khưu, nó gọi họ là “đồ khùng” nó mắng chửi đồ chúng của nó là súc vật. Và những thứ đại loại tệ hại như thế, nó hoàn toàn không ngại dùng những lời vu cáo.
KINH VĂN:
口中好言,他方寶藏,十方聖賢,潛匿之處。隨其後者,往往見有,奇異之人。
Khẩu trung hảo ngôn, tha phương bảo tạng, thập phương thánh hiền, tiềm nặc chi xứ. Tùy kỳ hậu giả, vãng vãng kiến hữu, kì dị chi nhân.
Việt dịch:
Nó ưa nói về kho báu ở nơi xa lạ, hoặc nơi ẩn cư của các bậc Thánh hiền. Những người đi theo nó thường thấy những nhân vật kỳ lạ.
GIẢNG:
Nó ưa nói về kho báu ở nơi xứ lạ. Nó thích nói về những chuyện gì? Nó nói: “Ở nơi đó, nơi kia có vàng, bạc và những loại châu báu, ông có muốn lấy không?” Nó tung lời đồn đãi như vậy để mê hoặc mọi người, hoặc nó thích nói nơi ẩn cư của mười phương các vị Thánh hiền. Nó nói với mọi người: “Có chư Phật và Bồ-tát đang tu hành ở nơi ấy mà ông hoàn toàn không biết được.”
Những người đi theo nó thường thấy những nhân vật kỳ lạ, nó có thể làm phát ra ánh sáng hoặc hiển bày những đặc điểm rất kỳ lạ.
KINH VĂN:
此名山林,土地城隍,川嶽鬼神,年老成魔。或有宣婬,破佛戒律。與承事者,潛行五欲,或有精進,純食草木,無定行事,惱亂是[64]人。厭足心生,去彼人體。弟子與師多陷王難.
Thử danh sơn lâm, thổ địa thành hoàng, xuyên nhạc quỷ thần, niên lão thành ma. Hoặc hữu tuyên dâm, phá Phật giới luật, dữ thừa sự giả, tiềm hành ngũ dục; hoặc hữu tinh tiến, thuần thực thảo mộc, vô định hành sự, não loạn bỉ nhân. Yếm túc tâm sanh, khứ bỉ nhân thể. Đệ tử dữ sư, đa hãm vương nạn.
Việt dịch:
Đây gọi là một loại ma, hoặc thần núi rừng, thổ địa, thành hoàng, sông núi, tuổi già thành quỷ. Người bị ma gá vào, tán thành việc dâm dục, phá hủy giới luật Phật chế. Nó lén lút hành dâm với đệ tử, hoặc nó lại tinh tấn ăn toàn thảo mộc, hành xử thất thường, quấy rối người tu hành. Ðến khi chán rồi, không gá vào người nữa. Cả đệ tử và thầy đều rơi vào lưới pháp luật.
GIẢNG:
Đây là loại sinh vật gì? Đây là một loại ma, hoặc thần núi rừng, thổ địa, thành hoàng sông núi, tuổi già sau một thời gian dài thành quỷ. Người bị ma gá tán thành việc dâm dục, phá hủy giới luật Phật chế. Niệm tưởng dâm dục khiến nó phá hủy giới luật. Nó lén lút hành dâm với đệ tử, những người cùng thích năm thứ dục lạc: tài, sắc, danh, thực, thùy.
Hoặc nó lại tinh tấn ăn toàn thảo mộc, hành xử thất thường. Nó không ngồi thiền hay công phu tu tập gì cả, nó chỉ theo lối tu khổ hạnh vô ích thôi.
Khuấy rối người tu hành, khiến cho họ không thể tu đạo được nữa.
Nhưng sau một thời gian khi chán rồi, nó không gá vào người nữa, cả thầy và trò điều rơi vào lưới pháp luật.
KINH VĂN:
汝當先覺,不入輪迴。迷惑不知墮無間獄.
Nhữ đương tiên giác, bất nhập luân hồi. Mê hoặc bất tri, đọa vô gián ngục.
Việt dịch:
Các ông nên biết rõ trước việc này, để khỏi rơi vào vòng luân hồi. Nếu các ông mê lầm không biết, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
GIẢNG:
Các ông nên biết rõ việc này, để khỏi rơi vào luân hồi.
Tỉnh giác sớm trước tình trạng này để khỏi rơi vào bẩy của ma. Đừng rơi vào lưới luân hồi sinh tử của ma giăng ra.
Nếu các ông mê lầm không biết, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
8. THAM CẦU CÓ THẦN LỰC
KINH VĂN:
又善男子,受陰虛妙,不遭邪慮,圓定發明三摩地中。心愛神通,種種變化。研究化元,貪取神力。
Hựu thiện nam tử, thọ ấm hư diệu, bất tao tà lự, viên định phát minh. Tam-ma-địa trung, tâm ái thần thông, chủng chủng biến hóa. Nghiên cứu hóa nguyên, tham thủ thần lực.
Việt dịch:
Lại nữa thiện nam tử kia, thụ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong tam-ma-địa, tâm thích thần thông và các loại biến hóa, nên nghiên cứu căn nguyên các phép ấy, tham cầu có thần lực.
GIẢNG:
Lại nữa thiện nam tử kia, thụ ấm đã hư diệu, trong cảnh giới vi diệu, rỗng suốt sau khi thọ ấm tiêu dung, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong tam-ma-địa, tâm thích thần thông. Anh ta có một vọng tưởng khác. Nhất định muốn có được thần thông và các khả năng biến hóa, để có thể thi thố mười tám loại biến hóa trong không trung. Anh ta muốn trên thân bắn ra nước, dưới thân phóng ra lửa dưới thân phóng ra nước, trên thân phóng ra lửa. Anh ta nóng lòng được như các vị a-la-hán để có thể thi triển mười tám món thần thông này lơ lửng trên không.
Nên nghiên cứu căn nguyên các phép ấy, nghiên cứu nguồn gốc căn bản của các phép biến hóa, tham cầu có thần lực.(28)
KINH VĂN:
爾時天魔,候得其便, 飛精附人,口說經法。
Nhĩ thời thiên ma, hậu đắc kì tiện, phi tinh phụ nhân, khẩu thuyết kinh pháp.
Việt dịch:
Lúc ấy thiên ma có được cơ hội thuận tiện, phóng tinh thần đến gá vào người khác, dùng miệng người ấy giảng nói kinh pháp.
GIẢNG:
Lúc ấy thiên ma được cơ hội thuận tiện, phóng tinh thần đến gá vào người khác, dùng miệng người ấy giảng nói kinh pháp.
Thiên ma đã từ lâu chờ cơ hội thuận tiện, liền phóng tinh thần của nó gá vào người khác, rồi sai sử người ấy giảng Kinh pháp.
KINH VĂN:
其人誠不覺知魔著,亦言自得無上涅槃。來彼求通善男子處,敷座說法。是人或復,手執火光,手撮其光,分於所聽,四眾頭上,是諸聽人頂上火光皆長數尺,亦無熱性,曾不焚燒。或水上[65]行,如履平地。或於空中,安坐不動。或入瓶內,或處囊中。越牖透垣,曾無障礙。唯於刀兵,不得自在。自言是佛,身著白衣,受比丘禮.誹謗禪律,罵詈徒眾,訐露人事,不避譏嫌.
Kì nhân thành bất giác tri ma trước. Diệc ngôn tự đắc vô thượng niết-bàn. Lai bỉ cầu thông thiện nam tử xứ, phu tòa thuyết pháp. Thị nhân hoặc phục, thủ chấp hỏa quang, thủ toát kì quang, phân ư sở thính, tứ chúng đầu thượng, thị chư thính nhân,đỉnh thượng hỏa quang, giai trưởng sổ xích, diệc vô nhiệt tánh, tằng bất phần thiêu. Hoặc thượng thủy hành, như lí bình địa, hoặc ư không trung, an tọa bất động, hoặc nhập bình nội, hoặc xử nang trung, việt dũ thấu viên, tằng vô chướng ngại. Duy ư đao binh, bất đắc tự tại. Tự ngôn thị Phật, thân trước bạch y, thọ tỉ khưu lễ, phỉ báng thiền luật, mạ lị đồ chúng, yết lộ nhân sự, bất tị cơ hiềm.
Việt dịch:
Người ấy không biết bị ma gá vào, còn tự bảo mình đã được vô thượng niết-bàn. Nó đến nơi người tham cầu thần thông, trải tòa ngồi thuyết pháp. Người đó hoặc nắm lửa trên tay, gom lửa lại rồi trải ra trên đầu tứ chúng đang nghe pháp, lửa trên đầu họ tỏa cao vài thước, mà họ không thấy nóng hoặc bị đốt cháy. Hoặc nó có thể đi trên nước như đi trên mặt đất, hoặc có thể ngồi bất động trên không, hoặc có thể đi vào trong bình hay trong túi xách, hoặc vượt qua cửa sổ, đi qua tường vách mà không ngăn ngại. Duy chỉ đối với binh đao thì không được tự tại. Nó tự tuyên bố đã thành Phật, nhưng mặc y phục cư sĩ, để cho tỉ-khưu lễ lạy. Nó hủy báng thiền định và giới luật, mạ lỵ đệ tử và rao bày lỗi người khác, không ngại cả cách chê bai và hiềm tỵ.
GIẢNG:
Người ấy không biết bị ma gá vào, còn tự bảo mình đã chứng được quả vị vi diệu vô thượng niết-bàn. Nó đến nơi hành giả tham cầu thần thông, trải tòa ngồi thuyết pháp.
Người đó hoặc nắm được lửa trên tay, nắm lửa trong một bàn tay, gom lửa với tay kia lại rồi rải lửa ra trên đầu của tứ chúng đang nghe pháp. Nó bỏ lửa trên đầu từng người một trong thính chúng đến nghe pháp. Lửa trên đầu họ tỏa cao vài thước. Khi bỏ lửa lên đầu, thì còn nhỏ rồi lửa cao dần dần cho đến vài feet.[66] Mà họ không thấy nóng hoặc bị đốt cháy, dù họ không dùng bất kỳ vật gì cách ly với lửa.
Hoặc nó (người bị ma gá) có thể đi trên nước như đi trên mặt đất, hoặc có thể ngồi bất động trên không. Chẳng có gì giữ cho anh ta lơ lửng trong không nhưng anh ta có thể ngồi yên trên đó...
Hoặc có thể đi vào trong bình hay trong túi xách, hoặc vượt qua cửa sổ, đi qua tường vách mà không ngại. Cửa sổ cửa lớn dù bị đóng, nhưng nó có thể đi qua một cách dễ dàng mà không cần mở mà chẳng vướng chút chướng ngại nào.
Duy chỉ đối với binh đao (vũ khí) thì không được tự tại. Nó sợ bị đâm bằng dao hoặc thương kiếm. Đó là vì nó vẫn còn thân vật chất đang ngăn ngại. Cho dù đã có năm thứ thần thông, nó vẫn sợ bị thương tích do các loại binh đao gây nên.
Nó tự tuyên bố là đã thành Phật, nhưng mặc y phục của hàng cư sĩ chứ không mặc y phục của hàng xuất gia.
Để cho các tỉ-khưu lễ lạy. Mặc y phục cư sĩ nhưng lại nhận sự lễ lạy của các vị tỷ-khưu. Nó hủy báng thiền định và giới luật xem đây là loại vô ích và không hợp lý.
Nó mạ lỵ đệ tử và rao bày lỗi của người khác. Nó phơi trần lỗi lầm riêng tư của người khác. Không ngại cả cách chê bai và hiềm tỵ.
KINH VĂN:
口中常說,神通自在,或復令人,傍見佛土。鬼力惑人,非有真實。讚歎行婬,不毀麁行。將諸猥媟,以為傳法。
Khẩu trung thường thuyết, thần thông tự tại, hoặc phục linh nhân, bàng kiến Phật độ. Quỷ lực cảm nhân, phi hữu chân thực. Tán thán hành dâm, bất hủy thô hạnh. Tương chư ổi tá, dĩ vi truyền pháp.
Nó thường nói đến thần thông và tự tại, hoặc khiến cho người khác thấy được cõi Phật. Cõi ấy không thật, chỉ hiện ra do ma lực để huyễn hoặc người ta. Nó tán thán tham dục, không từ bỏ những việc thô tục. Làm những hạnh bất tịnh, cho đó là truyền pháp.
GIẢNG:
Nó thường nói đến các loại khác nhau của thần thông và tự tại, hoặc khiến cho người khác thấy được cõi Phật trong suốt khắp cả mười phương. Cõi ấy không thật chỉ hiện ra do ma lực để huyễn hoặc người ta. Thực ra chính nó không có được năng lực công phu gì cả, điều mà nó tán thán nhất là tham dục. Nó nói: “Đó thật là điều kỳ diệu nhất, đó là nguồn cội của bồ-đề và niết-bàn.” Nó không từ bỏ những việc thô tục. Nó nói: “Chẳng có gì sai trái với việc ấy cả, đừng bận tâm với việc giữ giới làm gì.”
Làm những hạnh bất tịnh, cho đó là truyền pháp. Nó sử dụng tất cả những việc bất tịnh, cho đó như là phương tiện để truyền pháp.
KINH VĂN:
此名天地,大力山精,海精風精,河精土精,一切草木[67],積劫精魅。或復龍魅,或壽終仙,再活為魅。或仙期終,計年應死,其形不化,他怪所附。年老成魔惱亂是人。厭足心生去彼人體。弟子與師多陷王難。
Thử danh thiên địa, đại lực sơn tinh, hải tinh phong tinh, hà tinh thổ tinh, nhất thiết thảo mộc, tích kiếp tinh mị. Hoặc phục long mị, hoặc thọ chung tiên, tái hoạt vi mị. Hoặc tiên kì chung, kế niên ưng tử, kì hình bất hóa, tha quái sở phụ. Niên lão thành ma, não loạn thị nhân. Yếm túc tâm sanh, khứ bỉ nhân thể. Đệ tử dữ sư, đa hãm vương nạn.
Việt dịch:
Đây gọi là những giống sơn tinh, hải tinh, phong tinh, hà tinh, thổ tinh, và những loài tinh mị của tất cả cỏ cây đã sống nhiều kiếp, có sức rất mạnh trong trời đất. Hoặc là loại long mỵ (yêu quái rồng), hoặc là các vị tiên tuổi thọ đã hết, tái sanh làm yêu quái. Hoặc là những vị Tiên quả báo đã hết, đáng ra phải chết, nhưng thân thể không bị hủy hoại, nên loài yêu quái khác đến gá vào. Các loài nầy sống lâu thành quỷ, quấy nhiễu người tu hành. Khi chán rồi không gá thân người nữa. Cả đệ tử và thầy đều rơi vào lưới pháp luật.
GIẢNG:
Đây gọi là những giống sơn tinh, hải tinh, phong tinh, hà tinh, thổ tinh, và những loài tinh mị của tất cả cỏ cây đã sống nhiều kiếp, có sức rất mạnh trong trời đất. Hoặc là loại long mỵ (yêu quái rồng), hoặc là các vị tiên tuổi thọ đã hết, tái sanh làm yêu quái, có khi cả ngàn, hai ngàn, ba ngàn hoặc đến năm ngàn năm tuổi thọ đã hết, tái sanh làm yêu quái.Hoặc là những vị tiên quả báo đã hết, đáng ra phải chết, nhưng thân thể của tiên sau khi chết không bị hủy hoại, hay biến đổi, nên bị loài yêu quái khác đến gá vào.
Các loài này sống lâu thành quỷ, quấy nhiễu định lực của người tu hành. Cuối cùng khi chán rồi, nó không gá thân người nữa.
Hễ ma còn gá vào thân, thì người bị gá có một định lực phi thường. Nhưng một khi nó không gá vào nữa thì cả đệ tử và thầy đều rơi vào lưới pháp luật.
KINH VĂN:
汝當先覺,不入輪迴。迷惑不知,墮無間獄 .
Nhữ đương tiên giác bất nhập luân hồi. Mê hoặc bất tri đọa vô gián ngục
Việt dịch:
Các ông nên biết rõ trước việc này, để khỏi rơi vào vòng luân hồi. Nếu các ông mê lầm không biết, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
GIẢNG:
A-nan, các ông nên biết rõ trước việc này, để khỏi rơi vào vòng luân hồi của ma vương. Đừng để mình rơi vào sự cám dỗ của ma vương.
Nếu các ông mê lầm không biết, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
9. THAM CẦU SỰ RỖNG KHÔNG SÂU LẮNG (MA TRẦM KHÔNG)
KINH VĂN:
又善男子。受陰虛妙,不遭邪慮。圓定發明。三摩地中,心愛入滅,研[68]究化性,貪求深空
Hựu thiện nam tử, thọ ấm hư diệu, bất tao tà lự, viên định phát minh. Tam-ma-địa trung, tâm ái nhập diệt, nghiên cứu hóa tánh, tham cầu thâm không.
Việt dịch:
Lại nữa thiện nam tử kia, thụ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong tam-ma-địa, tâm ưa vào nơi tịch diệt, nghiên cứu tánh biến hóa, mong cầu tánh rỗng không sâu lắng.
GIẢNG:
Lại nữa thiện nam tử kia, thụ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong cảnh giới vi diệu, rỗng suốt sau khi thọ ấm tiêu dung, hành giả không còn tà lự nữa. An trụ trong định sáng suốt tròn đầy. Trong tam-ma-địa, tâm ưa vào nơi tịch diệt, nghiên cứu tánh biến hóa, mong cầu tánh rỗng không sâu lắng.
Hành giả nghiên cứu trạng thái chuyển biến của một vật thể từ khi hiện hữu đến khi trở thành không, và làm thế nào mà từ không lại chuyển biến thành có. Hành giả nghiên cứu cách biểu hiện của sự biến hóa này, mong cầu được trải qua một cảnh giới rỗng không nhiệm mầu.
KINH VĂN:
爾時天魔,候得其便,飛精附人口說經法.
Nhĩ thời thiên ma hậu đắc kì tiện, phi tinh phụ nhân, khẩu thuyết kinh pháp.
Việt dịch:
Lúc ấy thiên ma có cơ hội thuận tiện, liền phóng tinh thần bay đến gá vào người khác, dùng miệng người ấy giảng nói kinh pháp.
GIẢNG:
Lúc ấy thiên ma có cơ hội thuận tiện, thiên ma trông chờ khi nó thấy được cơ hội thuận tiện liền phóng tinh thần bay đến gá vào người khác, dùng miệng người ấy giảng nói kinh pháp.
Ma giảng pháp bằng miệng của người mà nó đã gá vào.
KINH VĂN:
其人終不覺知魔著,亦言自得無上涅槃。來彼求空善男子處,敷座說法。於大眾內其形忽空。眾無所見,還從虛空,突然而出,存沒自在。或現其身,洞如瑠璃,或垂手足,作旃檀氣。或大小便,如厚石蜜。誹毀戒律,輕賤出家。
Kì nhân chung bất giác tri ma trước, diệc ngôn tự đắc vô thượng niết-bàn. Lai bỉ cầu không thiện nam tử xứ, phu tòa thuyết pháp. Ư đại chúng nội, kì hình hốt không, chúng vô sở kiến, hoàn tùng hư không, đột nhiên nhi xuất, tồn một tự tại. Hoặc hiện kì thân, đỗng như lưu li, hoặc thuỳ thủ túc, tác chiên đàn khí, hoặc đại tiểu tiện, như hậu thạch mật. Phỉ huỷ giới luật, khinh tiện xuất gia.
Việt dịch:
Người ấy thật không biết bị ma gá vào, còn tự tuyên bố mình được vô thượng niết-bàn. Nó đến nơi người tham cầu không tịch, trải tòa ngồi thuyết pháp. Ở trong đại chúng, thân hình nó bỗng dưng biến thành không, chẳng ai thấy được, rồi từ hư không bỗng dưng nó lại hiện ra, khi còn, khi mất một cách tự tại. Hoặc hiện thân trong suốt như ngọc lưu ly, khi duỗi tay chân, thơm mùi hương chiên đàn. Hoặc đại tiểu tiện ra chất cứng như đường phèn. Nó phỉ báng, huỷ phạm giới luật, khinh thường các vị xuất gia.
GIẢNG:
Người ấy thật không biết bị ma gá vào, còn tự tuyên bố mình được vô thượng niết-bàn. Nó đến nơi người tham cầu không tịch, đến nơi hành giả tham cầu thần thông, trải tòa ngồi thuyết pháp.
Ở trong đại chúng, thân hình nó bỗng dưng biến thành không, chẳng ai thấy được.
Ma lực làm cho thân thể người bị gá đột nhiên biến mất. Nó đang ngồi nói pháp ở đó bỗng dưng không còn ai thấy nó nữa. Đây là một dạng “nhân không, pháp không.” Người và pháp đều không. Rồi từ hư không bỗng dưng nó lại hiện ra, khi còn, khi mất một cách tự tại.
Rồi một vài phút sau, từ ma lực làm cho thân thể của người bị gá đột nhiên biến mất. Nó đang ngồi nói pháp ở đó, bỗng dưng nó lại hiện ra. Khi hiện ra, khi biến mất tùy ý muốn. Nếu nó muốn hiện ra thì nó hiện, nếu muốn biến mất thì nó biến. Nó đều tự điều khiển theo ý của nó.
Hoặc hiện thân trong suốt như ngọc lưu ly, pha lê đến nỗi các ông có thể nhìn suốt qua thân thể của nó. Khi duỗi tay chân ra thơm mùi hương chiên đàn. Hoặc đại tiểu tiện ra chất cứng như đường phèn. Nó phỉ báng giới luật. Nó nói: “Đừng bận tâm với việc giữ giới luật. Đó là việc của hàng tiểu thừa, các ông cần gì phải giữ nó. Giới luật chẳng có gì quan trọng cả.”
Khinh thường các vị xuất gia. Nó nói: “Không cần phải xuất gia. Nếu muốn tu hành, thì cứ việc tu, cần gì phải xuất gia mới tu được? Có gì khác nhau giữa cư sĩ với người xuất gia nào?” Đó là cách nó khinh tiện giới xuất gia.
KINH VĂN:
口中常說無因無果。一死永滅無復後身,及諸凡聖,雖得空寂,潛行貪欲。受其欲者,亦得空心,撥無因果。
Khẩu trung thường thuyết vô nhân vô quả. Nhất tử vĩnh diệt, vô phục hậu thân, cập chư phàm thánh, tuy đắc không tịch, tiềm hành tham dục. Thọ kì dục giả, diệc đắc không tâm, bát vô nhân quả.
Việt dịch:
Nó thường nói không có nhân quả. Khi chết là hoàn toàn mất hẳn. Chẳng có đời sau, chẳng có thánh phàm, dù các vị ấy đã được không tịch, nhưng vẫn lén lút làm chuyện dâm dục. Người cùng nó làm chuyện dâm dục cũng được tâm rỗng không và bài bác nhân quả.
GIẢNG:
Nó thường nói không có nhân quả “Đừng tin vào luật nhân quả.” Nó nói: “Chuyện ấy hoàn toàn sai lầm, chẳng bao giờ có việc ấy.” Nó nói: Khi chết là hoàn toàn mất hẳn. Một khi đã chết đi là mình vĩnh viễn không trở lại, giống như ngọn đèn đã hoàn toàn tắt ngấm.”
Nó nói: Chẳng có đời sau, chẳng có người phàm kẻ thánh. Bất quá chỉ là những lời nói mà thôi. Mặc dù các vị ấy đã được không tịch, nhưng vẫn lén lút làm chuyện dâm dục mặc dù đã chứng được vài nguyên lý về không, họ vẫn lén lút hành dâm. Người cùng nó làm chuyện dâm dục cũng được tâm rỗng không và bài bác nhân quả. Nó có cảm tưởng không cần phải tin vào luật nhân quả nữa.
KINH VĂN:
此名日月,薄蝕精氣,金玉芝草,麟鳳龜鶴.經千萬年,不死為靈,出生國土,年老成魔,惱亂是人。厭足心生,去彼人體。弟子與師,多陷王難。
Thử danh nhật nguyệt, bạc thực tinh khí, kim ngọc chi thảo, lân phượng quy hạc. Kinh thiên vạn niên, bất tử vi linh, xuất sanh quốc độ, niên lão thành ma, não loạn thị nhân. Yếm túc tâm sanh, khứ bỉ nhân thể. Đệ tử dữ sư, đa hãm vương nạn.
Việt dịch:
Đây là tinh khí do nhật thực, nguyệt thực tụ vào các loại vàng ngọc, các loại nấm quý hiếm, kỳ lân, phụng hoàng, rùa hạc. Tinh khí ấy giúp cho các sinh vật đó sống hàng ngàn, hàng vạn năm không chết, rốt cuộc thành tinh linh, sinh ra nơi cõi nước này, tuổi già thành ma, phá rối người tu hành. Đến khi chán rồi, không gá vào người nữa, cả thầy trò đều rơi vào lưới pháp luật.
GIẢNG:
Đây là tinh khí do nhật thực, nguyệt thực tụ vào các loại vàng ngọc, các loại nấm quý hiếm, kỳ lân, phụng hoàng, rùa hạc.
Đây là loại quỷ gì? Đây là những giống quỷ được tạo nên từ tinh khí do nhật thực, nguyệt thực. Khi có sự giao hòa giữa mặt trăng, mặt trời, đó gọi là hiện tượng nhật thực, nguyệt thực. Có luồng tinh khí tỏa khắp mặt đất tụ vào các loại vàng ngọc, và một vài loại nấm quý hiếm, loại kỳ lân, phụng hoàng, rùa hạc. Tinh khí ấy giúp cho các sinh vật đó sống hàng ngàn, hàng vạn năm không chết, rốt cuộc thành tinh linh, sinh ra nơi cõi nước này, tuổi già thành quỷ. Nó phá rối người tu hành, người đang tu tập chánh định. Nhưng cuối cùng đến khi chán rồi, không gá vào người nữa, nó chấm dứt không gá vào người nữa. Cả thầy trò đều rơi vào lưới pháp luật. Nó sẽ bị pháp luật truy tố.
KINH VĂN:
汝當先覺,不入輪迴。迷惑不知,墮無間獄。
Nhữ đương tiên giác, bất nhập luân hồi. Mê hoặc bất tri, đọa vô gián ngục.
Việt dịch:
Các ông nên biết rõ trước việc này, để khỏi rơi vào vòng luân hồi. Nếu các ông mê lầm không biết sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
GIẢNG:
Các ông nên biết rõ trước việc này, để khỏi rơi vào vòng luân hồi của ma vương. Nếu các ông mê lầm không biết.Nếu các ông không giác ngộ lẽ này, sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián.
10. THAM CẦU SỐNG LÂU
KINH VĂN:
又善男子,受陰虛妙,不遭邪慮,圓定發明.三摩地中,心愛長壽,辛苦研幾,貪求永歲,棄分段生.頓希變易,細相[69]常住。
Hựu thiện nam tử, thọ ấm hư diệu, bất tao tà lự, viên định phát minh. Tam-ma-địa trung, tâm ái trường thọ, tân khổ nghiên cơ, tham cầu vĩnh diệt, khí phân đoạn sanh. Đốn hi biến dị, tế tướng thường trụ.
Việt dịch:
Lại nữa thiện nam tử kia, thụ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong tam-ma-địa, tâm ưa sống lâu, khổ nhọc nghiên cứu tinh vi, mong cầu được bất tử, thoát khỏi sự sống chết nơi thân xác (phần đoạn sanh tử ). Nôn nóng tham cầu tướng vi tế biến dịch sinh tử, mong được thường trụ lâu dài trong ấy.
GIẢNG:
Lại nữa thiện nam tử kia, thụ ấm đã hư diệu, không mắc các tà lự, tính viên định phát minh. Trong cảnh giới vi diệu, rỗng suốt sau khi thọ ấm tiêu dung.
Bây giờ thọ ấm đã trở nên rỗng suốt và vi diệu, hành giả, người tu tập chánh định, không còn tà lự nữa. An trụ trong định sáng suốt tròn đầy. Trong tam-ma-địa, vi diệu viên mãn, có một sự đột biến chợt xảy ra. Việc gì vậy? Tâm ưa sống lâu. Đột nhiên hành giả suy nghĩ” Sẽ kỳ diệu làm sao nếu được sống mãi mãi không chết.”
Nên khổ nhọc nghiên cứu tinh vi, mong cầu được bất tử. Nên hành giả khổ nhọc , tinh chuyên nghiên cứu tinh tế những phép bí mật và vi diệu nhất, để nong cầu được bất tử, anh ta muốn trẻ mãi không già.
Thoát khỏi và từ bỏ sự sống chết (phần đoạn sanh tử ) nơi thân xác.
Nghĩa của từng chữ “phần đoạn sanh tử ” có liên quan đến sự sống chết của riêng từng người. Mỗi người có một phần, và mỗi người có riêng một đoạn. Nghĩa của chữ phần là gì? Các ông có thân tôi cũng có thân. Các ông là người tôi cũng là người. Các ông có phần của các ông và tôi cũng có phần của riêng tôi. Đoạn là gì? Là thời gian sống, là khoảng cách thời gian từ khi sống đến khi chết. Đoạn cũng có nghĩa là tầm vóc của thân thể, từ đầu đến chân.
Nôn nóng tham cầu tướng vi tế biến dịch sinh tử.
Kẻ phàm phu phải trải qua phần đoạn sanh tử . Còn các vị đã chứng được bốn quả vị a-la-hán thì không còn trải qua trạng thái này nữa. Nhưng vẫn còn phải trải qua tình trạng “biến dịch sanh tử .” Nghĩa là từng niệm, từng niệm đổi dời, nghĩa là trải qua sự sống chết trong từng niệm. Thay đổi trong từng niệm nên gọi là biến dịch. Đó gọi là biến dịch sanh tử vậy. Điều này liên quan đến sự tương tục không ngừng của tâm niệm. Niệm niệm tương tục là niệm này vừa sanh khởi thì niệm kia liền tàn hoại như trong một dòng chảy vô tận. Khi hành giả không còn bị phần đoạn sanh tử nữa, đột nhiên anh ta mong cầu đạt được biến dịch sanh tử .
Để được thường trụ mãi trong tướng vi tế ấy. Đó là một dạng rất tinh tế và vi diệu. Thường trú mãi mãi trong ấy có nghĩa là đạt được đời sống vĩnh cửu.
KINH VĂN:
爾時天魔,候得其便,飛精附人,口說經法。
Nhĩ thời thiên ma, hậu đắc kì tiện. Phi tinh phụ nhân khẩu thuyết kinh pháp.
Việt dịch:
Lúc ấy thiên ma có được cơ hội thuận tiện, phóng tinh thần bay đến gá vào người khác, dùng miệng người ấy giảng nói kinh pháp.
GIẢNG:
Ngay khi hành giả ấp ủ ảo tưởng tham cầu đời sống vĩnh cửu.
Lúc ấy, thiên ma có được cơ hội thuận tiện, phóng tinh thần bay đến gá vào người khác. Thiên ma liền sai một số trong đồ đệ của chúng đến gá vào một người khác, dùng miệng người ấy giảng nói kinh pháp cho hành giả đang tu tập chánh định nghe.
KINH VĂN:
其人竟不覺知魔著,亦言自得無上涅槃。來彼求生善男子處,敷座說法。好言他方,往還無滯,或經萬里,瞬息再來。皆於彼方取得其物,或於一處在一宅中。數步之間令其從東詣至西壁,是人急行累年不到。因此心信,疑佛現前。
Kì nhân cánh bất giác tri ma trước, diệc ngôn tự đắc vô thượng niết-bàn. Lai bỉ cầu sanh thiện nam tử xứ, phu tòa thuyết pháp. Hảo ngôn tha phương, vãng hoàn vô trệ, hoặc kinh vạn lí, thuấn tức tái lai. Giai ư bỉ phương, thủ đắc kì vật. Hoặc ư nhất xứ, tại nhất trạch trung, xúc bộ chi gian, linh kì tòng đông, nghệ chí tây bích, thị nhân cấp hành, luy niên bất đáo. Nhân thử tâm tín, nghi Phật hiện tiền.
Việt dịch:
Người này thật không biết bị ma gá, còn tự tuyên bố đã chứng được vô thượng niết-bàn. Nó đến bên người tham cầu sống lâu, trải tòa ngồi thuyết pháp. Nó thích khoe việc có thể đi lại mọi nơi, rồi trở về mà không ngăn ngại, có thể dạo chơi ngàn dặm rồi trở về trong chớp mắt. Nó có thể lấy đem về những đồ vật từ những nơi nó đã đến. Hoặc nó có thể bảo một người đi từ phía đông sang phía tây của một căn phòng trong khoảng cách chỉ cần đi vài bước, thế mà người ấy có đi hết năm cũng không đến được. Do đó mọi người đều tin lời người bị ma gá, lầm cho đó là Phật.
GIẢNG:
Do tâm của người này hoàn toàn bị chế ngự bởi thiên ma nên chính anh ta thật không biết bị ma gá, còn tự tuyên bố đã chứng được quả vị vi diệu vô thượng niết-bàn. Nó đến bên hành giả tham cầu sống lâu, trải tòa ngồi thuyết pháp.
Nó thích khoe việc có thể đi lại mọi nơi, rồi trở về mà không ngăn ngại. Ma thích nói những gì? Nó nói: “Trong khoảnh khắc rất ngắn, tôi có thể đến một nơi nào đó cách xa cả ngàn vạn dặm rồi trở về ngay lập tức. Tôi có thể qua Nhật Bản mà không cần đi máy bay, và mua hàng hóa về. Nếu ông không tin, tôi sẽ biểu diễn cho các ông xem.”
Nó luôn biểu diễn thần thông cho người xem. Nó thích được mọi người nhìn thấy những kỳ tích không thể nghĩ bàn mà nó biểu diễn. Nó nói: “Ta có thể đi lại tùy ý chỉ trong vòng chớp mắt.”
Nó có thể dạo chơi ngàn dặm rồi trở về trong chớp mắt. Nó nói: “Ta có thể đi về trong khoảng ông hít vào thở ra thôi.”
Nó có thể lấy đem về những đồ vật từ những nơi nó đã đến.
Không chỉ như thế, nó có thể lấy về những đồ vật từ những nơi nó đã đến. Nó có thể mua hàng hóa đem về rồi hỏi: “Các ông không tin tôi hay sao? Hãy nhìn những món hàng này, tôi đã mua nó từ công ty... Ở Nhật Bản, đó là loại hàng mẫu đặc biệt, chỉ dành riêng bán cho khách quen...” Rồi nó đưa ra cho mọi người cái máy cassette hoặc radio do Nhật chế tạo, không qua thuế hải quan hay thuế nhập khẩu, mà thực sự được chế tạo ở một công ty của Nhật Bản.
Hoặc nó có thể bảo một người đi từ phía Ðông sang phía Tây của một căn phòng trong khoảng cách chỉ cần đi vài bước (có thể đi chừng bảy tám bước chân). Thế mà dù người ấy có đi hết năm cũng không thể hết được. Nó không thể dàn trải khoảng không gian của sàn nhà đến mức tối đa bằng thời gian một năm. Thấy nó biểu diễn như vậy. Do đó mọi người đều tin lời người bị ma gá, lầm cho đó là Đức Phật.
Họ nghĩ: “Ồ đó là một Đức Phật đến để giảng pháp cho chúng ta nghe.”
KINH VĂN:
口中常說,十方眾生,皆是吾子。我生諸佛,我出世界.我是元佛, 出生自然,不因修得。
Khẩu trung thường thuyết, thập phương chúng sanh, giai thị ngô tử. Ngã sanh chư Phật, ngã xuất thế giới, ngã thị nguyên Phật, xuất sanh tự nhiên, bất nhân tu đắc.
Việt dịch:
Nó thường nói: Chúng sanh trong mười phương đều là con của ta. Ta sinh ra chư Phật, ta tạo ra thế giới. Ta là Phật đầu tiên, ta tạo dựng thế giới này một cách ngẫu nhiên, không do tu mà thành.
GIẢNG:
Nó thường nói: Các ông biết không? Chúng sanh trong mười phương đều là con của ta, ta sinh ra chư Phật. Nó huênh hoang không biết xấu hổ nói rằng nó sinh ra chư Phật.
Ta tạo ra thế giới, ta là Phật đầu tiên. Ta là Phật trước nhất không có Phật nào trước ta cả. Ta tạo ra thế giới này một cách ngẫu nhiên. Không do tu mà thành. Ta tạo nên thế giới này một cách tự nhiên, không do tu mà thành, và ta đã là Phật khi đến thế giới này. Ta chẳng cần phải tu tập mới trở thành Phật.”
KINH VĂN:
此名住世,自在天魔,使其眷屬,如遮文茶,及四天王,毘舍童子,未發心者,利其虛明,食彼精氣.或不因師,其修行人,親自觀見,稱執金剛,與汝長命。現美女身,盛行貪欲。未逾年歲,肝腦枯竭,口兼獨言,聽若妖[70]魅。前人未詳,多陷王難。未及遇刑,先已乾死。惱亂彼人,以至殂殞。
Thử danh trụ thế tự tại thiên ma, sử kì quyến thuộc, như giá- văn-trà cập Tứ thiên vương, Tì xá đồng tử, vị phát tâm giả, lợi kì hư minh, thực bỉ tinh khí. Hoặc bất nhân sư, kì tu hành nhân, thân tự quan kiến, xưng chấp kim cương, dữ nhữ trường mệnh. Hiện mĩ nữ thân, thạnh hành tham dục. Vị du niên tuế, can não khô kiệt, khẩu kiêm độc ngôn, thính nhược yêu mị. Tiền nhân vị tường, đa hãm vương nạn. Vị cập ngộ hình, tiên dĩ càn tử. Não loạn bỉ nhân, dĩ chí tồ vẫn.
Việt dịch:
Đây gọi là Trụ thế tự tại thiên ma, khiến loại quyến thuộc chưa phát tâm như giá-văn-trà, hay Tỳ-xá đồng tử[71]ở cõi Tứ thiên vương, thích hư minh, đến ăn tinh khí của người tu hành. Hoặc không nương nơi thầy (người bị ma gá vào) mà chính hành giả thấy, bọn đó tự xưng là thần Chấp kim cang[72] đến cho sống lâu. Hoặc bọn đó biến thành phụ nữ xinh đẹp, cùng hành giả cuồng nhiệt làm việc dâm dục. Nên chưa đầy một năm, gan não hành giả khô kiệt, miệng lẩm nhẩm một mình, nghe như tiếng của loài yêu mỵ. Người ngoài chưa rõ nguyên nhân, nên phần nhiều người bị như thế đều rơi vào pháp luật. Chưa kịp chịu hình phạt, đã bị chết khô. Ma quấy phá người tu, cho đến phải chết.
GIẢNG:
Đây gọi là Trụ thế tự tại thiên ma, khiến loại quyến thuộc chưa phát tâm như giá-văn-trà
Giá-văn-trà (s: chamunda ), nghĩa là “lệ quỷ : quỷ nô lệ.” Là loại ma quỷ làm việc như nô lệ. Nó cũng có nghĩa Tật đố quỷ, là loại quỷ luôn luôn ghen tức với mọi điều tốt lành mà mọi người khác đạt được. Nó luôn tìm cách ngáng trở mọi người muốn học Phật pháp. Nếu có người nào muốn trở thành người lương thiện thì nó lôi kéo họ trở về phía xấu ác. Đó là một loại ác ma. Thiên ma ở cõi trời Trụ thế tự tại[73] sai loại ma này đến để quấy phá công phu tu tập chánh định của người tu hành. Hoặc là nó sai loài Tỳ-xá đồng tử từ cõi trời Tứ thiên vương.
Quỷ Tỳ-xá-giá đặc biệt rất thích ăn tinh khí. Nó ăn tinh khí của thảo mộc, thực vật và ăn của người được thì càng tốt. Khi nam nữ giao hợp làm chuyện dâm dục, có một loại tinh khí tiết ra, nó sẽ ăn thứ tinh khí này. Có rất nhiều loại quỷ chờ đợi bên cạnh để ăn thứ tinh khí này nên rất nguy hiểm.
Thích hư minh, đến ăn tinh khí của người tu hành.
Lợi dụng hư minh của người kia, đến ăn tinh khí của người tu hành. Những loài quỷ này chưa phát tâm (có nghĩa là bị Thiên ma sai khiến). Như loại quỷ Tỳ-xá-giá và những loại khác, thích lợi dụng hư minh của người tu hành. Nó thích ăn tinh khí của người tu hành, nhưng hành giả vẫn không biết điều ấy.
Hoặc không nương nơi thầy (người bị ma gá vào) mà chính hành giả thấy, bọn đó tự xưng là thần Chấp kim cang đến cho sống lâu.
Hoặc không nhờ nơi thầy (người bị ma gá vào), mà hành giả thấy có người tự xưng: “Ta là thần Chấp kim cang (thần Hộ pháp), đến ban cho ông được sống lâu.” Nào bây giờ ta đến để ban cho ông được sống trường thọ, ông sẽ được sống vĩnh viễn.
Hoặc bọn đó biến thành phụ nữ xinh đẹp, cùng hành giả cuồng nhiệt làm việc dâm dục.
Hoặc sau khi nói xong người ấy biến thành phụ nữ xinh đẹp, cùng hành giả cuồng nhiệt làm việc dâm dục. Có nghĩa là cả hai thường xuyên làm việc ấy không dừng nghỉ.
Nên chưa đầy một năm, gan não hành giả khô kiệt. miệng lẩm nhẩm một mình, nghe như tiếng của loài yêu mỵ.
Nên trong một năm sinh lực cạn kiệt bởi sự tham dâm vô độ ấy. Sinh lực, tinh khí thần chưa đầy một năm đã bị khô kiệt. Bởi vì thái quá. Chữ quan trọng nhất là “mãnh hành.” Từ này khó diễn tả bằng sự kiện thông thường. Có điều chắc chắn là người đàn bà nói rằng: “Ông càng say đắm trong tình dục thì ông càng được sống lâu, ông sẽ sớm đạt được cuộc sống vĩnh cửu.” Bằng sự tham cầu có được mạng sống vô tận, nó không nhận ra mạng sống của mình đang bị vắt kiệt, rút ngắn dần từng phút. Trải qua chưa đầy một năm là mạng sống kết thúc.
Miệng lẩm nhẩm một mình. Lúc ấy miệng nó lẩm nhẩm một mình. Thực ra không phải nó nói chuyện với chính nó mà nói chuyện với ma. Nghe tiếng như của loài yêu mỵ. Nó nói chuyện với ma nhưng người ở xung quanh không thấy ma.
Trước đây tôi cũng đã gặp loài ma này. Có lần tôi gặp một người đàn ông. Ông ta được người phụ nữ đến thăm vào mỗi đêm. Cô ta không bao giờ đến thăm lúc ban ngày. Nhưng nếu mỗi tối cô ta đến, mọi người trong căn hộ đều nghe tiếng lạch cạch từ đôi guốc của cô ta gõ xuống sàn gỗ. Họ nghe thấy tiếng nó đi, nhưng không thấy được hình. Bất kỳ khi nào người phụ nữ đến, thì anh ta cởi áo quần rồi bò lóp ngóp lên giường. Anh ta làm việc ấy chẳng cần biết có người xung quanh hay không. Đó là một ví dụ về loài ma này.
Sau đó một vị thần linh lâu năm ở vùng ấy nhập vào một xác đồng chữa bệnh đến đó để trừ yểm con ma nữ ấy. Đêm đó, khi ma nữ đến, nó được nói chuyện với vị thần ấy. Ma nói: “Tốt! Ông muốn chữa trị cho người đàn ông này? Được rồi, từ nay ông ấy sẽ khỏi. Nhưng từ đây, tôi sẽ đến chỗ ông. Ta sẽ thi đấu pháp thuật với nhau.”
Sau đó quả là nó đến tìm vị thần, nó không đến với người đã cùng nó làm chuyện bất chính suốt từ sáng đến tối nữa.
Tôi đã nói với quý vị nhiều lần là loại ma quỷ này rất lợi hại.
Người ngoài chưa rõ nguyên nhân, nên phần nhiều người bị như thế đều rơi vào pháp luật. Chưa kịp chịu hình phạt, đã bị chết khô. Ma quấy phá người tu, cho đến phải chết.
Người ngoài không hiểu được những gì xảy ra. Họ hoàn toàn không biết được tình trạng này. Trong mọi trường hợp, những người như thế đều bị rơi vào pháp luật. Hành động ấy của ma sẽ bị pháp luật bắt giữ.
Nhưng trước khi nó chịu hình phạt. Trước khi nó bị đem ra xét xử, nó bị chết khô. Trong khi bị giam ở lao ngục nó chết vì toàn thể tinh khí thần của nó bị khô kiệt. Ma khuấy phá mê hoặc người tu cho đến khi chết. Nó đã phá hủy định lực của người tu hành cho đến khi người ấy chết khô.(30)
KINH VĂN:
汝當先覺不入輪迴。迷惑不知,墮無間獄。
Nhữ đương tiên giác, bất nhập luân hồi. Mê hoặc bất tri, đọa vô gián ngục.
Việt dịch:
Các ông nên biết rõ tình trạng này, để khỏi rơi vào vòng luân hồi. Nếu các ông mê lầm không biết, sẽ đọa vào địa ngục vô gián.
GIẢNG:
A-nan, các ông nên biết rõ tình trạng này, hiểu rõ tường tận tình trạng này để khỏi rơi vào vòng luân hồi. Nếu các ông nhận biết rõ trạng thái ma sự này, thì các ông sẽ tránh được bẫy của thiên ma. Các ông khỏi phải làm quyến thuộc nhà ma nhưng nếu các ông mê lầm không biết sẽ đọa vào địa ngục vô gián. Dù có chút mảy may ân huệ được làm người cũng bị mất hẳn.
E. LỜI KHUYÊN RĂN CỦA ĐỨC THẾ TÔN TỔNG KẾT VỀ TƯỞNG ẤM
KINH VĂN:
阿難當知,是十種魔,於末世時。在我法中,出家修道。或附人體,或自現形。皆言已成,正遍知覺。
A-nan đương tri, thị thập chủng ma, ư mạt thế thời, tại ngã pháp trung, xuất gia tu đạo, hoặc phụ nhân thể, hoặc tự hiện hình. Giai ngôn dĩ thành chánh biến tri giác.
Việt dịch:
A-nan nên biết, trong thời mạt pháp mười thứ ma ấy, hoặc xuất gia tu tập theo giáo pháp của Như Lai, hoặc chúng gá vào thân người, hoặc tự biến thành nhiều dạng khác nhau. Chúng đều tự xưng đã thành bậc chánh biến tri.
GIẢNG:
A-nan nên biết, đặc biệt trong thời mạt pháp mười thứ ma ấy. Những thứ xuất hiện trong mười cảnh giới ma liên quan đến tưởng ấm , hoặc xuất gia tu tập trong giáo pháp của Như Lai, hoặc chúng gá vào thân người. Ma vương có thể gá vào thân người khác hoặc tự biến thành nhiều dạng khác nhau. Nó có thể biểu diễn thần thông như ma vương và hiện ra đủ loại hình dạng. Nó có thể hiện ra Phật, Bồ-tát, A-la-hán hoặc người ở cõi trời. Ma vương có thể hiện ra bất kỳ hình dạng nào.
Chúng đều tự xưng đã thành bậc chánh biến tri. Chánh biến tri là một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Đức Phật là người có đầy đủ chánh tri và biến tri. Chánh tri nghĩa là biết rằng tâm bao hàm vạn pháp và biến tri nghĩa là biết rằng vạn pháp đều chỉ là tâm. Khi mọi người có được sự hiểu biết chân chánh đích thực như thế, thì người ấy sẽ được thành Phật, thành một bậc Chánh biến tri .
Thiên ma ngụy tạo cho mình là Phật, và giả tạo tuyên bố đã đạt được Chánh biến tri . Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sắp nhập niết-bàn, Ngài triệu tập các ma vương lại và dạy: “Các ông từ ngay bây giờ phải an trú trong giới luật, chớ nên hủy phạm.”
Ma vương đáp lời: “Thế Ngài muốn chúng tôi thực hành theo giới luật ngài chế ra. Được thôi! Đến thời mạt pháp tôi sẽ đắp y của ngài, ăn thực phẩm của ngài rồi đại tiện vào trong bình bát của ngài.”
Lời nói đó có nghĩa là chúng nó sẽ hủy phạm giáo pháp từ ngay bên trong.
Khi Đức Phật nghe như thế, Đức Phật bảo: “Thế thì chẳng còn cách nào cứu giúp được cho các ông, phương cách hành xử của các ông quá độc ác và tàn hại.”
Nên nói rằng: “Trùng trong thân sư tử ăn thịt sư tử.” Có nghĩa là trong thời mạt pháp, ma thì mạnh và pháp thì yếu. Do vậy, người tu hành phải rất cẩn trọng. Ma vương giống như loại gì? Thông thường nó khác hẳn với mọi người. Nó có ma khí bên trong, có một số hiện tượng khác thường nó biểu hiện ở bên ngoài, để chứng tỏ nó là ma vương. (31)
KINH VĂN:
讚歎婬欲,破佛律儀。先惡魔師,與魔弟子,婬婬相傳。如是邪精,魅其心腑,近則九生,多踰百世。令真修行,總為魔眷。
Tán thán dâm dục, phá Phật luật nghi. Tiên ác ma sư, dữ ma đệ tử, dâm dâm tương truyền. Như thị tà tinh, mị kì tâm phủ, cận tắc cửu sanh, đa du bách thế. Linh chân tu hành, tổng vi ma quyến.
Việt dịch:
Chúng nó khen ngợi dâm dục, phá luật nghi của Phật chế. Thầy trò ma truyền dạy nhau về dâm dục. Tinh thần tà vạy như thế, mê hoặc tâm ý người tu hành, trải qua ít nhất chín đời, nhiều thì cả trăm thế hệ. Khiến kẻ chân tu đều rơi vào quyến thuộc của ma.
GIẢNG:
Chúng nó khen ngợi dâm dục.
Bằng cách nào mà ta có thể kết luận người đó là ma? Đó là: ma thì không bao giờ tán thán phương pháp tu hành chân chánh. Nó tán dương dâm dục, và công khai tuyên truyền việc dâm dục.
Phá hủy luật nghi Phật chế.
Nó nói: “Giới luật của Phật thật là vô dụng, đừng giữ làm gì. Giới luật ấy chỉ để cho hàng đệ tử Tiểu thừa thực hành mà thôi. Còn chúng ta là hàng Bồ-tát Đại thừa nên chẳng cần giữ gìn làm gì!”
Thầy trò ma, đệ tử của ma vương, truyền dạy nhau việc dâm dục. Họ thực tập việc dâm dục với nhau và khen ngợi việc ấy. Nói rằng: “Đó là pháp môn vi diệu, tuyệt vời nhất. Lý chân không diệu hữu đều ở ngay trong đó.”
Tinh thần tà vạy như thế, đó là tán dương dâm dục. Mê hoặc tâm ý người tu hành. Do vì tâm ý của người tu hành đã bị tà ma gá vào mê hoặc rồi, họ đắm mình trong dâm dục và công khai tán dương. Họ làm tất cả chuyện ấy vì ma đã chiếm đoạt làm chủ toàn bộ tâm ý.
Trải qua ít nhất chín đời, nhiều thì cả trăm thế hệ. Khiến kẻ chân tu đều rơi vào quyến thuộc của ma.
Ít nhất là trải qua chín đời. Đời có nghĩa là sao? Có phải là khoảng thời gian sống của một người, từ khi sinh ra đến khi chết đi không? Không phải, mà còn hơn thế nữa. Đó là một thời gian khoảng một trăm năm. Do vậy chín đời là chín trăm năm, và nhiều nhất là trải qua một trăm thế hệ. Một thế hệ là ba mươi năm, một trăm thế hệ là ba ngàn năm. Người tu hành chân chính bị lạc vào quyến thuộc ma vương ít nhất là chín đời (chín trăm năm), lâu nhất là một trăm thế hệ (ba ngàn năm).
KINH VĂN:
命終之後,必[74]為魔民。失正遍知,墮無間獄.
Mệnh chung chi hậu, tất vi ma dân. Thất chánh biến tri, đọa vô gián ngục.
Việt dịch:
Sau khi chấm dứt mạng sống, ắt phải đọa làm dân của ma. Đánh mất chánh biến tri, và đọa vào địa ngục vô gián.
GIẢNG:
Sau khi chấm dứt mạng sống. Khi đã mãn phần, bất kỳ khoảng thời gian nào đó trong chín đời đến một trăm thế hệ, người tu hành bị chết đi, ắt phải đọa làm dân của ma. Người ấy không thể làm ma vương, nó chỉ có thể làm một ma dân xoàng xĩnh, một công dân bình thường trong đám dân ma.
Đánh mất chánh biến tri. Nó bị mất chánh tri kiến, chỉ còn lại tà tri, tà kiến, nó sẽ chấp hành theo việc ma vương sai sử. Và cuối cùng nó sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián. Sau khi nó hưởng hết phước làm ma, mạng sống của ma dân chấm dứt, nó sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián.
KINH VĂN:
汝今未須,先取寂滅,縱得無學.留願入彼,末法之中,起大慈悲,救度正心深信眾生,令不著魔,得正知見。我今度汝已出生死。汝遵佛語,名報佛恩.
Nhữ kim vị tu, tiên thủ tịch diệt, túng đắc vô học. Lưu nguyện nhập bỉ mạt pháp chi trung, khởi đại từ bi, cứu độ chánh tâm thâm tín chúng sanh. Linh bất trước ma, đắc chánh tri kiến. Ngã kim độ nhữ dĩ xuất sanh tử. Nhữ tuân Phật ngữ, danh báo Phật ân.
Việt dịch:
A-nan, ông nay chưa nên vội vào niết-bàn, dù ông đã đạt được quả vị vô học. Hãy lưu giữ lời nguyện đi vào cõi đời mạt pháp kia, phát lòng đại bi cứu độ các chúng sanh có lòng tin chân chánh sâu xa, khiến cho họ không mắc vào tà ma, giúp cho họ có được chánh tri kiến. Nay Như Lai đã giúp ông thoát ra khỏi sinh tử. Nay ông vâng lời Phật dạy, đó gọi là báo ơn Phật.
GIẢNG:
A-nan, ông nay chưa nên vội vào niết-bàn, chưa nên nhập niết-bàn sớm. Hãy thay Như Lai, ở lại cõi ta-bà này mà giáo hóa chúng sanh.
Mặc dù ông đã đạt được quả vị vô học.[75] Hãy lưu giữ lời nguyện đi vào cõi đời mạt pháp kia. Dù nay ông đã đạt được quả vị vô học (Lúc ấy A-nan đã chứng được quả vị thứ nhì của hàng a-la-hán, chưa chính thức đạt được quả vị vô học. Tuy vậy, con đường công phu tu tập dẫn đến việc chứng ngộ của A-nan rất sáng sủa, thế nên ngài được xem như người đã đạt được quả vị ấy).
Đức Phật dạy: Ông nên nhớ lấy lời nguyện đại từ bi, khi thời kỳ chánh pháp đã qua, thời tượng pháp không còn nữa, thờimạt pháp sẽ đến. Lúc ấy hãy phát lòng đại từ bi cứu độ các chúng sanh có lòng tin chân chánh sâu xa, . A-nan, ông hãy phát tâm đại từ đại bi cứu độ tất cả chúng sanh có lòng tin chân chánh ở trong thời mạt pháp.
Khiến họ không mắc vào tà ma. Hãy cứu độ chúng sanh, khiến họ phát khởi niềm tin vào nơi ông, để họ khỏi bị mê hoặc bởi ma vương, khiến họ không theo ma vương, dùng phương tiện của ma nhiễu hại chúng sanh nữa.
Giúp họ, những chúng sanh trong thời mạt pháp có được chánh tri kiến. Có nghĩa là ông và tôi, và những chúng sanh ngay bây giờ chớ không ai khác. Quý vị nên nhắc nhở thức tỉnh lấy mình, tự mình phải có chánh tri kiến.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lại dạy:
Này A-nan, Như Lai đã giúp ông ra khỏi sanh tử. Ông đã chấm dứt được sanh tử luân hồi, ông đã chứng được quả vị thứ hai của hàng a-la-hán, và ông đã biết được con đường đi đến quả vị thứ tư. Vì thế qua kết quả công phu tu hành của ông, có thể nói rằng ông sẽ vượt qua sanh tử.
Nay ông vâng lời Phật dạy, đó gọi là báo ơn Phật.
Bây giờ quý vị hãy lắng nghe lời Phật dạy, hãy thực hành những gì Phật dạy và đừng quên. Bằng cách tôn trọng và vâng lời Phật dạy, thì quý vị mới có thể đền đáp ân sâu của chư Phật.
Báo đáp ân Phật nghĩa là gì? Nếu chúng ta tôn trọng thực hành lời Phật dạy, thì đó là báo ân Phật. Nếu chúng ta muốn đền đáp ân Phật, ta phải vâng lời đức Phật đã dạy. A-nan muốn báo ơn Phật ngài cũng phải theo lời dạy của Đức Phật. Chúng ta nên vâng làm theo lời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng như các vị pháp sư đã dạy ta học tập kinh điển và đạo lý. Đó là lý do từ đầu tôi yêu cầu quý vị phải tin thuận làm theo lời Phật dạy. Tôi không phải là Đức Phật, nên tôi cũng vâng lời Đức Phật dạy. Bất cứ việc gì chúng ta cũng không nên quên lời Đức Phật dạy.
KINH VĂN:
阿難如是,十種禪那現境,皆是想陰,用心交互,故現斯事。
A-nan như thị, thập chủng thiền na hiện cảnh, giai thị tưởng ấm, dụng tâm giao hỗ, cố hiện tư sự.
Việt dịch:
A-nan, mười cảnh giới hiện ra trong thiền định như thế, đều do tưởng ấm và tâm dụng công giao xen.
GIẢNG:
A-nan, mười cảnh giới được giải thích nó chỉ hiện ra trong khi hành giả tu tập thiền định. Khi nỗ lực hết sức, dụng công để đạt đến mục tiêu. Những cảnh giới này hiện ra từ đâu? Nó xảy ra đều do tưởng ấm và tâm dụng công giao xen, do dụng tâm tu quán phối hợp tạo nên.
Đó là những sự biến đổi xảy ra trong lúc tiêu trừ tưởng ấm , như là kết quả của sự nỗ lực dụng công đến cực điểm. Khi quý vị dụng công tu tập đến mức tối đa, trạng thái như thế này sẽ phát sinh. Nhưng khi nó phát khởi, thì đừng dại nhận giặc làm con, đừng bị mê lầm bởi những cảnh giới này. Khi các ông ngồi thiền, sự nỗ lực dụng công quán chiếu giao xen với tưởng ấm, tạo nên một bãi chiến trường, như trong một cuộc chiến tranh. Nếu định lực của ông mạnh hơn, thì tưởng ấm sẽ bị chinh phục. Nhưng nếu tưởng ấm thắng, công phu định lực của ông yếu hơn và thất tán, thì hành giả sẽ bị rơi vào cảnh giới của ma, và mười cảnh giới này sẽ xuất hiện.
KINH VĂN:
眾生頑迷,不自忖量,逢此因緣,迷不自識,謂言登聖,大妄語成墮無間獄。
Chúng sanh ngoan mê, bất tự thốn lượng, phùng thử nhân duyên, mê bất tự thức, vị ngôn đăng thánh, đại vọng ngữ thành, đọa vô gián ngục.
Việt dịch:
Chúng sinh ngu mê, không biết lượng sức mình, gặp nhân duyên đó, mê không tự biết, còn nói đã chứng thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào địa ngục vô gián.
GIẢNG:
Chúng sinh ngu mê, không biết tự lượng sức mình. Chúng sinh thường có tâm chấp trước. Họ rất ngoan cố, không biết uyển chuyển, nhu nhuyến mà lại ngu si, thiếu trí huệ, không tự mình suy tính được việc gì chân chánh cả.
Gặp nhân duyên đó,mê không tự biết. Khi gặp ma cảnh như thế, không đủ sức sáng suốt thẩm định. Điều quan trọng nhất là nếu các ông thẩm định được trạng thái đang xảy ra, thì các ông không bị ma chuyển. Nếu các ông sáng suốt nhận thức rõ ràng về nó, thì các ông sẽ không bị nhầm lẫn. Nếu các ông không nhận ra, thì sẽ bị mê lầm. Mê lầm là do không nhận thức minh bạch. Và điều gì sẽ xảy ra khi hành giả không hiểu rõ cảnh giới này.
Nói đã chứng thánh. Nó nói những lời như: “Các ông có biết tôi không? Tôi đã thành Phật rồi, và tôi sẽ kể cho các ông nghe. Đối với tôi thành Phật quá dễ, còn rẻ hơn cả một tấm đậu phụ.”
Thật là quá dễ phải không? Dễ nên những người như thế thường nói rằng họ đã thành Phật, họ đã chứng đạo, họ đã giác ngộ, họ đã tham được thoại đầu và hiểu được những thoại đầu ấy.
Chẳng hạn như có người Mỹ vừa đến đây vào hôm nay, anh ta là một loại như “Lục Tổ của nước Mỹ” đã đến cách đây vài hôm. Anh ta không lạy Phật, không nghe pháp. Chỉ ăn trưa rồi đi. Lý do anh ta đi là vì ma kéo đi. Trong người anh ta có quá nhiều ma khí đến nỗi anh ta cảm thấy bất tiện khi phải lưu lại đây dù chỉ thêm một phút sau khi ăn trưa. Quý vị nên có nhận định rõ ràng, tổng quát về người bị ma gá. Phong cách của nó biểu hiện qua suy nghĩ nó đã thành Phật, nên chẳng cần lạy Phật nữa.
Thành tội đại vọng ngữ, sẽ rơi vào địa ngục vô gián.
Trong tương lai, chắc chắn nó sẽ rơi vào địa ngục vô gián. Đừng có trông mong một khoảnh khắc tạm thời ngưng nghỉ. Ít nhất cũng là chín đời, dài nhất là một trăm thế. Không nghe theo phật Pháp là vì ma lực đã chiếm đoạt no rồi. Dù nó muốn nghe, thì thân tâm nó vẫn thấy rất khó chịu, khiến nó không thể ngồi yên.
Trước đây tôi đã kể cho quý vị nghe chuyện này, quý vị nên hết sức lưu tâm. Khi quý vị đến chùa hoặc Niệm Phật Ðường nào, quý vị cũng phải tuân theo Thiền môn quy củ nơi đạo tràng ấy. Hãy làm theo những gì mọi người đang làm. Đừng đứng khi mọi người đang lạy Phật. Những người hành xử như thế sẽ không bao giờ học được Phật Pháp. Khi học Phật pháp, quý vị phải hết sức khiêm tốn, cung kính và chân thành.
KINH VĂN:
汝等必須,將如來語,於我滅後,傳示末法,遍令眾生開悟斯義。無令天魔得其方便。保持覆護,成無上道.
Nhữ đẳng tất tu, tương Như Lai ngữ, ư ngã diệt hậu, truyền thị mạt pháp, biến linh chúng sanh, khai ngộ tư nghĩa. Vô linh thiên ma đắc kì phương tiện. Bảo trì phúc hộ, thành vô thượng đạo.
Việt dịch:
Vào thời mạt pháp, sau khi Như Lai nhập niết-bàn, các ông cần phải đem lời dạy của Như Lai chỉ bày cho chúng sinh, khiến cho họ được tỏ ngộ nghĩa đó. Đừng để cho thiên ma có dịp quấy phá. Phải giữ gìn, che chở cho chúng sanh thành đạo vô thượng.
GIẢNG:
Vào thời mạt pháp, sau khi Như Lai nhập niết-bàn, các ông cần phải đem lời dạy của Như Lai chỉ bày cho chúng sanh.
Các ông, là A-nan và các vị Đại bồ-tát, các vị Đại tỷ-khưu trong hội chúng cùng các vị Đại Trưởng lão. Đây là lời khuyến tấn của Đức Phật. “Các ông phải truyền dạy giáo pháp của Như Lai liên tục cho đến thời mạt pháp. Khiến cho họ được tỏ ngộ nghĩa đó. Dạy cho họ hiểu được Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Dạy cho họ về Năm mươi loại ấm ma. Về từng tướng trạng ma trong Sắc ấm , Thọ ấm, Tưởng ấm, Hành ấm, Thức ấm mà tôi đã giảng giải cho ông. Hãy hết lòng truyền bá giáo lý này cho chúng sanh được hiểu.
Đừng để cho thiên ma có dịp quấy phá. Nếu các ông cứ để cho ma muốn làm gì tùy ý thì các ông sẽ bị phiền nhiễu.
Giữ gìn che chở, hộ trì Phật pháp, giúp cho chúng sanh được thành đạo vô thượng.
(Hết quyển 9 theo bản Hán)
HÀNH ẤM
A. TRẠNG THÁI TÂM LÝ TRƯỚC KHI VÀO CẢNH GIỚI HÀNH ẤM
KINH VĂN:
阿難彼善男子,修三摩提,想陰盡者,是人平常,夢想銷滅,寤寐恒一。覺明虛靜,猶如晴空,無復麁重,前塵影事。觀諸世間,大地河山,如鏡鑑明,來無所粘,過無蹤跡,虛受照應,了罔陳習,唯一精真。
A-nan bỉ thiện nam tử, tu tam-ma-đề, tưởng ấm tận giả, thị nhân bình thường, mộng tưởng tiêu diệt, ngộ mị hằng nhất. Giác minh hư tĩnh, do như tình không, vô phục thô trọng, tiền trần ảnh sự. Quán chư thế gian, đại địa hà sơn, như cảnh giám minh, lai vô sở niêm, quá vô tung tích, hư thọ chiếu ứng, liễu võng trần tập, duy nhất tinh chân.
Việt dịch:
A-nan, thiện nam tử kia, tu pháp tam-ma-đề, tưởng ấm đã tiêu dung, mộng tưởng bình thường cũng hết hẳn, ngủ thức đồng một thể. Tính giác minh rỗng lặng như hư không, không còn những tướng tiền trần thô trọng. Xem mọi hiện tượng trong thế gian như sông núi đất liền, như lòng gương sáng, ảnh hiện không dính mắc, đi không lưu lại dấu vết, thong dong phản chiếu sự vật, sạch hết tập khí cũ, thuần nhất chân tánh tinh anh.
GIẢNG:
A-nan, thiện nam tử kia, tu pháp tam-ma-đề. Thiện nam tử nào đề cập ở đây? Chính là người đang nỗ lực trong công phu “hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh của mình – phản văn văn tự tánh ,” là người đang tu tập Thủ-lăng-nghiêm đại định, và chính xác ai là người này? Đơn giản là bất kỳ người nào đang tu tập chánh định. Thiện nam tử ở đây là không chỉ đề cập đến một cá nhân riêng biệt nào, cũng không phải là một danh xưng độc nhất. Nếu quý vị là người đang tu hành, thì tên gọi đó là dành cho quý vị. Nếu tôi là người đang tu hành thì danh hiệu đó dành cho tôi. Nếu cô ấy, ông ấy đang tu tập, thì nó dành cho cô ấy, bà ấy. Mọi người đều có thể nhận lấy tên gọi ấy. Đó là, các ông đều có tên gọi đó nếu tự xét mình là người có công phu tu tập. Còn nếu không tu tập thì ngược lại. Việc đó hoàn toàn hợp lý. Đó là người đang tu pháp tam-ma-đề.
Tu có nghĩa là siêng năng tọa thiền, không ăn nhiều bữa trong ngày, chủ yếu là tọa thiền, nghe giảng kinh, học Phật pháp. Tu tập điều gì? Đó là tu tập định lực. Tu tập định lực là sao? Chủ yếu là ở tọa thiền. Định lực phát sanh do việc trì giới, khi chúng ta đã thọ giới rồi, thì phải giữ giới cho tinh nghiêm, đừng bao giờ vướng vào việc dâm dục. Nam giới phải theo quy củ phép tắc của nam. Nữ phải giữ phép tắc quy củ của nữ. Như Quan Công, một danh tướng thời Tam Quốc. Ông ta trung thành với vợ mình suốt đời, ông ta không bao giờ đến gần người đàn bà khác. Các ông có thấy khuôn mặt đỏ của ông ta không? Nó chứng tỏ chất chính khí, hào hiệp nơi ông. Bây giờ quý vị đã thọ giới, tôi muốn nói với quý vị là phải giữ lòng trung thành với ý trung nhân của mình. Đừng có vướng mắc vào sự ham muốn nhiều vợ, nhiều chồng rồi tìm kiếm bạn tình khắp nơi. Đừng nên hủy phạm giới luật, nên tuân thủ mọi quy củ, hành xử một cách quang minh chính đại, chỉ có cách ấy mới đạt được định lực. Sau khi thọ giới quý vị mới nên tu định, tu định rồi sẽ đạt được định lực, có định lực thì có được năng lực trí huệ.
Tại sao người ta bị ma gá? Nếu định lực của quý vị yếu và năng lực trí huệ không sung mãn, thì quý vị sẽ gặp ma chướng. Nếu công phu thiền định của quý vị chín muồi, quý vị sẽ chinh phục được ma quỷ. (32)
Tưởng ấm đã tiêu dung.
Trong số năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tưởng ấm đã bị tiêu trừ. Hành giả dụng tâm muốn giao hỗ với tưởng ấm mà anh ta vừa chinh phục nó, khi đã vượt qua được tưởng ấm.
Mộng tưởng bình thường cũng hết hẳn.
Trong trạng thái này, hành giả vẫn ngủ, vẫn ăn nhưng không còn mơ nữa.
Khổng Tử có lần nói:
“Than ôi! Ta suy yếu rồi! Từ lâu ta không còn mộng thấy Chu Công .”
Chu Công [76] là người bảo hộ cho Thành Vương [77] vào đời nhà Chu.[78] Tại sao Khổng Tử không còn mộng nữa? Có lẽ đến lúc ấy Khổng Tử đã một phần vượt qua tưởng ấm rồi, tuy nhiên, do ông ta không biết được điều này, nên ông ta ngạc nhiên.
“Này, sao ta không còn mộng nữa? Ồ, ta đã già rồi!”
Khổng Tử đã có chút ít trong công phu tu tập, có thể ông ta đã tiêu trừ được tưởng ấm , mà không hề biết gì về việc ấy. Ông ta không hiểu nên ông ta đoán rằng do ông ta đã già yếu nên không còn mộng nữa. Một khi tưởng ấm tiêu dung thì ngủ không còn mộng nữa.
Ngủ thức đồng một thể.
Nếu quý vị có đọc văn học cổ điển Trung Hoa, quý vị có thể liên hệ đến câu chuyện nhan đề “Trịnh Bá Khắc đoạn ư Yên.”[79] Xưa Trịnh Vũ Công cưới vợ là Thần Vu Giáp , gọi là Vũ Khương. Sinh ra được hai người con: Trang Công và Cung Thúc Đoạn . Trang Công được sinh ra khi mẹ là bà Vũ Khương đang ngủ. Khi bà mẹ thức dậy, đã sinh Trang Công xong rồi. Trang Công được gọi là “Ngụ sinh.”[80]
Trạng thái thức ngủ như nhau có nghĩa là: Khi ngủ cũng như thể là thức. Hành giả lúc thức cũng tỉnh táo vì anh ta không điên đảo, và ngủ cũng không có mộng. Khi các ông vượt qua được tưởng ấm , các ông có thể xa rời được những điên đảo, xa rời mộng tưởng và đạt được cảnh giới niết-bàn. Nếu các ông chưa tiêu dung được tưởng ấm, thì cái điên đảo này khó mà tiêu trừ được. Các ông nên lưu tâm đến điều này.
Trong việc học Phật pháp của chúng ta, ngũ ấm được đề cập trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm rất là quan trọng. Hơn thế nữa, các ông nên học cách mở sáu nút.[81] Nếu các ông không biết những nút này, thì không bao giờ mở được và không bao giờ được tự tại. Nếu mở được sẽ có tự do.
Tính giác minh rỗng lặng như hư không, không còn những tướng tiền trần thô trọng.
Đến điểm này hành giả có thể ngủ hay thức tùy ý, nhưng theo anh ta, hai trạng thái ấy hoàn toàn giống nhau. Loại trạng thái ấy là gì? Hành giả thực sự ngủ rất ít, anh ta chỉ cần phục hồi sinh lực bằng cách chợp mắt một lát. Không như những người ngủ từ sáng đến tối và ngủ từ tối đến sáng. Lý do họ ngủ không bao giờ thấy đủ, là vì họ chưa vượt qua được tưởng ấm . Anh ta thường hay ngủ lơ mơ một chút, khi anh ta vượt qua tưởng ấm được rồi, anh ta trở nên rất lanh lợi và sáng suốt, thức và ngủ trở nên là một đối với anh ta. Điều này không có gì xa lạ, nếu quý vị nói chuyện khi anh ta đang ngủ, anh ta cũng nghe được hết. Đó là một trạng thái vi diệu, đừng cho rằng có thể mạ lỵ anh ta khi đang ngủ, vì anh ta biết được những gì các ông đang nói. Anh ta chỉ không để cho quý vị biết được những gì anh ta biết. Thật là cảnh giới kỳ diệu, một số chư thiên không ăn cũng không ngủ mà luôn thấy lanh lợi và tỉnh táo.
Tâm giác ngộ sáng suốt rỗng lặng như hư không. Như lời trong bài kệ:
“Vạn lý vô vân vạn lý thiên”
(Muôn dặm không mây, muôn dặm trời).
Trên bầu trời trong vắt, ánh sáng mặt trời tỏa lan đến cả ngàn dặm chung quanh. Trong trạng thái này tâm hành giả không còn những bóng dáng của tiền trần thô trọng. Tất cả bóng dáng bên ngoài của tiền trần đều bị tiêu mất.
Xem mọi hiện tượng trong thế gian như sông núi đất liền, như lòng gương sáng, ảnh hiện không dính mắc, đi không lưu lại dấu vết,
Cảm nhận về mọi hiện tượng trong thế gian này như là tấm gương sáng. Trong đó phản chiếu tất cả sự vật, gương trở lại tướng không khi ảnh không chiếu soi nữa, nó không để lại dấu vết gì cả. Bất luận cảnh giới gì hiện ra, hành giả cũng không dính mắc vào nó, khi cảnh giới ấy đi qua thì chẳng còn dấu vết gì lưu lại. Khi ra đi nó đi một cách đơn giản, nên trong Kinh Kim Cương nói:
“Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc.”
Tâm quá khứ không thể nắm bắt được. Tâm hiện tại không thể nắm bắt được. Tâm vị lai không thể nắm bắt được. Ba cảnh giới ấy đều không thể nắm bắt được. Đó là lý do tại sao khi cảnh đến chẳng có gì dính mắc, khi di chẳng lưu lại dấu vết gì.
Thong dong phản chiếu sự vật, sạch hết tập khí cũ. Hành giả sạch hết tập khí cũ như xấu xa, ác độc phá hoại. Hãy quan sát tập khí xấu của một số người. Có người chỉ thích nói về những chuyện xấu xa, điên rồ. Đó là tập khí hôi thối (xú tập khí). Có người chỉ thích nói những chuyện hèn hạ, bỉ ổi. Đó là tập khí phá hoại. Có người thường rất cống cao ngã mạn. Tóm lại, chúng ta có rất nhiều tập khí xấu, nhưng hành giả ấy đã từ bỏ tất cả những tập khí cũ ấy.
Thuần nhất chân tánh tinh anh.
Chỉ còn lại tánh chân thật tinh anh. Đó là thức thứ tám. Đến đây sáu thức trước và thức thứ bảy đã tiêu mất, bây giờ chỉ còn thức thứ tám, và nó sẽ chuyển thành Đại viên cảnh trí như chư Phật. Bây giờ hành giả đã đạt được mức độ này rồi (thức thứ tám) chớ chưa chuyển qua Đại viên cảnh trí được. Đó là ý nghĩa chỉ còn lại thuần nhất chân tánh tinh anh.
B. PHẠM VI HÀNH ẤM
KINH VĂN:
生滅根元,從此披露,見諸十方,十二眾生,畢殫其類。雖未通其,各命由緒,見同生基,猶如野馬,熠熠清擾,為浮根塵,究竟樞穴。此則名為,行陰區宇。
Sanh diệt căn nguyên, tòng thử phi lộ, kiến chư thập phương, thập nhị chúng sanh, tất đàn kì loại. Tuy vị thông kì, các mệnh do tự, kiến đồng sanh cơ, do như dã mã , tập tập thanh nhiễu , vi phù căn trần, cứu cánh xu huyệt. Thử tắc danh vi, hành ấm khu vũ.
Việt dịch:
Căn nguyên của sinh diệt từ đó lộ ra, thấy được mười hai loại chúng sanh trong khắp mười phương, rõ hết các loài. Dù chưa thông suốt manh mối của mỗi loại, nhưng đã thấy chúng có chung một cơ sở sinh diệt, giống như sóng nắng chớp nhoáng bập bềnh, làm điểm then chốt để phát sinh các phù căn trần. Đây gọi là phạm vi của hành ấm .
GIẢNG:
Căn nguyên của sinh diệt từ đó lộ ra. Từ đâylộ bày rõ ra nguồn gốc của sự sinh diệt.
Điều này liên quan đến nguồn gốc của sự sinh ra và chết đi. Nó nằm trong loại động tướng vi tế của thức thứ bảy và thức thứ sáu. Lúc này, tưởng ấm đã tiêu dung, hành giả đạt đến hành ấm . Do vậy, nguồn gốc của sự sanh diệt mới được hiển lộ.
Hành giả thấy được toàn thể mười hai loại chúng sanh trong khắp mười phương.
Hiểu được một cách tường tận mỗi thứ trong mười hai loại chúng sanh, bao gồm các loài sinh từ trứng (noãn sinh ) cho đến loài phi vô tưởng .
Dù chưa thông suốt manh mối, nguồn gốc riêng của mỗi loại, nhưng đã thấy chúng có chung một cơ sở sinh diệt, giống như sóng nắng chớp nhoáng bập bềnh.
Hành giả chưa hoàn toàn biết rõ nguồn gốc riêng của từng loại chúng sanh, nhưng đã nhận rõ nguồn gốc của mười hai loại chúng sanh. Căn nguyên này giống như sóng nắng (dã mã ). Đôi khi vào mùa xuân, quý vị có thể nhìn thấy có thứ gì đó giống như nước từ đằng xa, nhưng khi đến nơi thì chẳng có nước. Trang Tử gọi ảo giác này là dã mã.[82] Đó là thị vi hóa về hình ảnh một đám mây bị cuộn lên theo sau đám ngựa phi nhanh. Trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm, theo văn kinh gọi đó là “dương diệm [83] – sóng nắng.” Có nghĩa là hơi nước bốc lên từ mặt đất vào mùa xuân, tạo thành một cảnh tượng hư ảo. Người ta cho rằng ở nơi đâu có hiện tượng này thì nơi ấy phong thủy địa lý rất tốt. Do vậy dù trong kinh Phật gọi đó là dương diệm hay dã mã cũng đều có nghĩa là ảo tưởng.
“Chớp nhoáng – tập tập .” Có nghĩa là có chút ít ánh sáng, lúc có lúc không, không sáng rõ.
“Bập bềnh – thanh nhiễu ” Nghĩa là: Trạng thái nhiễu loạn dao động nhẹ nhàng.
Làm điểm then chốt để phát sanh các phù căn trần.
Sáu phù căn trần là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tất cả các thứ ấy đều không thực, chỉ là huyễn tượng. Trong tiếng Trung Hoa, chữ then chốt được biểu tượng bằng cái chốt cửa mà người Trung Hoa dùng để đóng hay mở cửa. Ngày nay chúng ta dùng hai miếng bản lề bằng kim loại. Nhưng vào thời xưa, ở Trung Hoa cái cửa được quay nhanh một cái trục gọi là then và chốt vào lỗ để đóng lại.
Đây gọi là phạm vi của hành ấm .
No comments:
Post a Comment