KINH LĂNG NGHIÊM : MA CHƯỚNG TRÊN ĐƯỜNG TU TẬP
GIẢNG GIẢI (tiếp theo)
KINH VĂN:
由此計度,死後有故,墮落外道,惑菩提性。是則名為第六外道,立五陰中,死後有相,心顛倒論 .
Do thử kế độ, tử hậu hữu cố, đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi đệ lục ngoại đạo, lập ngũ ấm trung, tử hậu hữu tướng, tâm điên đảo luận.
Việt dịch:
Do chấp sau khi chết vẫn còn hiện hữu, nên rơi vào ngoại đạo và trở nên mê mờ tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ sáu, lập nên lý thuyết điên đảo, cho rằng trong ngũ ấm, sau khi chết có tướng.
GIẢNG:
Do chấp sau khi chết vẫn còn hiện hữu, nên rơi vào ngoại đạo và trở nên mê mờ tánh bồ-đề.
Bốn loại sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm , nhân với bốn, làm thành mười sáu loại tồn tại của sắc. Hành giả nói rằng: Sắc tướng còn hiện hữu sau khi chết. Do vì chấp rằng sau khi chết vẫn còn hiện hữu. Hành giả rơi vào ngoại đạo và trở nên mê mờ tánh bồ-đề là chân tánh vốn có từ xưa của anh ta.
Đây là ngoại đạo thứ sáu, lập nên lý thuyết điên đảo, cho rằng trong ngũ ấm, sau khi chết có tướng.
Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ 6, lập nên lý thuyết điên đảo về sự hiện hữu của sắc tướng sau khi chết trong phạm vi ngũ ấm.
Ngũ ấm ở đây chỉ liên quan đến bốn thứ, đó là: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm . Không liên quan đến thức ấm . Anh ta nói rằng con người sau khi chết rồi, họ vẫn tiếp tục còn có hình tướng. Khi tâm ý anh ta bị rối loạn, mất phương hướng. Anh ta đưa ra loại lý thuyết này.
7. TÀ KIẾN SAU KHI CHẾT KHÔNG CÒN SẮC TƯỚNG
KINH VĂN:
又三摩中,諸善男子,堅凝正心,魔不得便.窮生類本,觀彼幽清,常擾動元,於先除滅,色受想中,生計度者,是人墜入,死後無相,發心顛倒。
Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư tiên trừ diệt, sắc thọ tưởng trung, sanh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập, tử hậu vô tướng, phát tâm điên đảo.
Việt dịch:
Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được trừ diệt rồi, thì người ấy sẽ rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết, không còn có tướng.
GIẢNG:
Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng vững chắc. Đây nói đến người tu tập định lực. Người ấy đã đạt được định lực kiên cố và trí tuệ. Thiên ma không còn khuấy phá được nữa.
Dù trí tuệ chưa đạt đến mức cứu cánh và chân chánh trí tuệ, nhưng ma vương không làm gì được anh ta. Tuy nhiên, anh ta chưa hàng phục được ma ở trong tâm của anh ta.
Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội gốc của các loại chúng sanh, thấy được manh mối của cái thường nhiễu động vi tế kia.
Anh ta nhìn thấy được căn tánh khinh thanh, u ẩn của tất cả các loại chúng sanh, biểu hiện qua sự nhiễu động vi tế thường xuyên ấy.
Khởi tâm suy lường về sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được trừ diệt rồi. Nhưng nếu hành giả khởi niệm suy lường về ba loại sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm đã trừ diệt xong rồi, thì hành giả sẽ bị rơi vào ý tưởng mê lầm điên đảo; cho rằng sau khi chết, không còn sắc tướng.
Anh ta nói rằng chẳng có gì tồn tại sau khi chết. Đó là loại lý luận điên đảo mà anh ta nghĩ ra.
KINH VĂN:
見其色滅,形無所因。觀其想滅,心無所。知其受滅,無復[89]連綴。陰性銷散,縱有生理,而無受想,與草木同。
Kiến kì sắc diệt, hình vô sở nhân. Quán kì tưởng diệt, tâm vô sở hệ. Tri kì thọ diệt, vô phục liên xuyết. Âm tánh tiêu tán, túng hữu sanh lí, nhi vô thọ tưởng, dữ thảo mộc đồng.
Việt dịch:
Thấy sắc ấm đã diệt, thân không còn chỗ y cứ. Quán sát tưởng ấm đã tiêu dung, thấy tâm không ràng buộc. Biết thọ ấm đã tiêu trừ, chẳng còn dính dáng vào đâu. Các ấm này đã tiêu tán, dù còn có lý sinh khởi, nhưng thọ ấm, tưởng ấm không còn nữa, nên hành giả cho rằng mình như cây cỏ.
GIẢNG:
Thấy sắc ấm đã diệt, thân không còn chỗ y cứ.
Sắc ấm đã diệt, không rõ nguyên nhân nào mà thân xác còn hiện hữu. Hình hài không còn nơi nương gá nữa. Như đã cho mất đi rồi.
Quán sát tưởng ấm đã tiêu dung, thấy tâm không ràng buộc.
Thấy tưởng ấm đã tiêu dung, thấy tâm như không bị ràng buộc. Hành giả đã vượt qua được tưởng ấm. Tưởng ấm đã tiêu dung rồi. Không còn nơi chốn cho tâm nương gá vào nữa, không còn nơi để sinh khởi vọng tưởng nữa.
Biết thọ ấm đã tiêu trừ, chẳng còn dính dáng vào đâu.
Biết thọ ấm đã tiêu trừ, chẳng còn liên hệ gì nữa. Thọ ấm của mình đã tiêu dung rồi, không còn liên hệ với ngoại duyên nữa. Các ấm này đã tiêu tán. Ba loại: Sắc ấm , thọ ấm, tưởng ấm đã tiêu dung.
Dù còn lý sinh khởi, dù những hiện tượng rất nhỏ, vết tích của hành ấm còn tồn tại.
Nhưng thọ ấm và tưởng ấm không còn nữa, khiến hành giả cho rằng mình giống như cây cỏ. Do đã hết sạch thọ ấm và sắc ấm. Anh ta xem mình đồng với cây cỏ.
KINH VĂN:
此質現前,猶不可得,死後云何,更有諸相?因之勘校,死後相無。如是循環,有八無相。
Thử chất hiện tiền, do bất khả đắc, tử hậu vân hà, cánh hữu chư tướng? Nhân chi khám hiệu, tử hậu tướng vô. Như thị tuần hoàn, hữu bát vô tướng.
Việt dịch:
Rồi nghĩ rằng, hiện tiền thể chất này còn không nắm bắt được, làm sao sau khi chết lại còn sắc tướng? Do nghiệm xét như thế, nên cho rằng sau khi chết không còn sắc tướng. Xoay vần như vậy, có tám thứ luận vô tướng.
GIẢNG:
Rồi nghĩ rằng, hiện tiền thể chất này còn không nắm bắt được.
Thể chất này nay chẳng tồn tại, không chỉ là sắc tướng không tồn tại mà tâm cũng thế. Anh ta cho rằng phương diện vật chất của sắc và tâm bây giờ đã tiêu tán. Điều này liên quan đến bốn thứ: sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm . Nhớ rằng hành giả cho thân mình đồng như cây cỏ. Đó có nghĩa là anh ta không có tri giác. Dù anh ta còn sống, nhưng chẳng có được gì cả.
Làm sao sau khi chết lại còn sắc tướng? Nếu hành giả không thể tìm thấy được dấu tích nào của sự hiện hữu, bất kỳ cái gì thực sự là hình và tướng, ngay bây giờ trong lúc còn sống, thì làm sao mà có được chút sắc tướng tồn tại sau khi chết?
Do vì nghiệm xét như thế nên cho rằng sau khi chết không còn sắc tướng.
Anh ta nghiền ngẫm ý tưởng này, xem xét nó qua nhiều khía cạnh. “Nếu ngay đời này chẳng có sắc tướng, làm sao sau khi chết lại có được? Nên sau khi chết cũng chẳng có sắc tướng.”
Nếu không có bằng chứng cho sự hiện hữu của sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm trong khi sống, thì chắc chắn cũng chẳng có bằng cớ nào cho sự hiện hữu của chúng sau khi chết.
Xoay vần như vậy, có tám thứ luận vô tướng.
Phát triển ý tưởng như vậy, nên hành giả rơi vào tám thứ luận vô tướng.
Đó là bốn trường hợp không hiện hữu của sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm trong khi còn sống, và bốn trường hợp không hiện hữu của bốn thứ ấy sau khi chết. Tất cả đều biến mất.
KINH VĂN:
從此或[90]計,涅槃因果,一切皆空,徒有名字,究竟斷滅。
Tòng thử hoặc kế, niết-bàn nhân quả, nhất thiết giai không. Đồ hữu danh tự, cứu cánh đoạn diệt.
Việt dịch:
Do đây, cho rằng niết-bàn nhân quả tất cả đều là không, chỉ có tên gọi, rốt ráo đều là đoạn diệt.
GIẢNG:
Do đây, vì lý luận của anh ta là bốn uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành) đều không tồn tại. Căn cứ vào tám thứ luận vô tướng.Cho rằng niết-bàn nhân quả tất cả đều là không. Hoặc hành giả chấp rằng niết-bàn, nhân quả đều là không. Hành giả cho rằng không có niết-bàn, và phủ nhận nhân quả. Nếu thực sự như vậy, thì chẳng có lý do gì để mọi người có thể tu tập thành Phật. Tại sao vậy? Theo lý luận của anh ta thì chẳng có gì tồn tại hết thảy.
Anh ta nghĩ: chỉ có tên gọi, rốt ráo đều là đoạn diệt. Các pháp chẳng là gì cả, chỉ là danh tự. Thực sự chẳng có gì tồn tại. Đó là những gì anh ta quan niệm.
KINH VĂN:
由此計度,死後無故,墮落外道,惑菩提性。是則名為第七外道,立五陰中,死後無相,心顛倒論.
Do thử kế độ, tử hậu vô cố, đoạ lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ thất ngoại đạo, lập ngũ ấm trung, tử hậu vô tướng, tâm điên đảo luận.
Việt dịch:
Do chấp sau khi chết không còn có tướng như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây gọi là ngoại đạo thứ bảy, lập nên những thứ luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết không còn có tướng.
GIẢNG:
Do chấp sau khi chết không còn có tướng như vậy. Anh ta cho rằng sau khi chết chẳng còn gì cả. Mọi vật đều là không.
Do chấp rằng sau khi chết không còn sắc tướng. Nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Hành giả rơi vào một thứ ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ bảy, lập nên những thứ luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết không còn có tướng.
Anh ta cho rằng sau khi chết chẳng còn gì tồn tại trong phạm vi của ngũ ấm. Do đó thứ lý luận điên đảo từ tâm anh ta lập nên.
8. TÀ KIẾN PHỦ NHẬN CẢ CÓ VÀ KHÔNG CÓ TƯỚNG SAU KHI CHẾT
KINH VĂN:
又三摩中,諸善男子,堅凝正心,魔不得便窮生類本,觀彼幽清,常擾動元,於行存中兼受想滅,雙計有無,自體相破。是人墜入,死後俱,非起顛倒論。
Hựu tam ma trung chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư hành tồn trung kiêm thọ tưởng diệt, song kế hữu vô, tự thể tương phá. Thị nhân trụy nhập, tử hậu câu phi, khởi điên đảo luận.
Việt dịch:
Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, trong trạng thái hành ấm chưa tiêu dung, nhưng thọ ấm và tưởng ấm đã tiêu trừ, nếu khởi tâm chấp trước cả hai cái có và không, thì tự thể phá nhau. Người ấy rơi vào luận thuyết điên đảo, phủ nhận cả có, cả không còn gì tồn tại sau khi chết.
GIẢNG:
Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Hành giả trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng, vững chắc, thiên ma không khuấy phá được nữa.
Điều này đề cập đến người tu tập chánh định, có được định lực mạnh mẽ và kiên cố, mặc dù ngoại ma không thể đến khuấy rối anh ta được nữa, nhưng mà từ trong tâm thì rất khó hàng phục.
Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội gốc của mười hai loại chúng sanh, thấy được manh mối của trạng thái thường nhiễu động vi tế kia. Anh ta quán sát được trạng thái khinh thanh u ẩn trong tâm. Vào lúc ấy, tình trạng đó là tướng thường nhiễu động vi tế của hành ấm .
Trong trạng thái hành ấm chưa được tiêu dung, nhưng thọ ấm , tưởng ấm đã được diệt trừ. Nếu hành giả khởi tâm chấp cả có và không, thì tự thể phá nhau, .
“Bản ngã” riêng của anh ta đã bị xóa sạch, nó không còn tồn tại nữa. Nên nó mâu thuẫn trong tâm. Nếu cho rằng mọi vật đều tồn tại, thì anh ta cũng tồn tại. Nếu nói rằng mọi vật không còn tồn tại, thì anh ta cũng không tồn tại. Khi anh ta tự mâu thuẫn với chính mình, thì anh ta cũng bị hủy hoại lấy mình, anh ta tự nhận lý thuyết của chính mình.
Người ấy rơi vào luận thuyết điên đảo, phủ nhận cả có, cả không còn gì tồn tại sau khi chết.
Anh ta cho rằng sau khi anh ta chết, chẳng có gì tồn tại lẫn không tồn tại. Thế thì đó là cái gì? Có phải cái “chẳng tồn tại cũng chẳng không tồn tại” là trung đạo chăng? - Không. Anh ta chẳng quan tâm đến trung đạo , cũng chẳng quan tâm đến việc mình có chứng được trung đạo hay không? Đây là điểm anh ta sai lầm và trở nên mê hoặc.
KINH VĂN:
色受想中,見有非有。行遷流內,觀無不無。
Sắc thọ tưởng trung, kiến hữu phi hữu. Hành thiên lưu nội, quán vô bất vô.
Việt dịch:
Thấy sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm có mà chẳng phải có. Xét trong dòng chuyển biến của hành ấm , thấy cái khôngchẳng phải là không.
GIẢNG:
Thấy sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm có mà chẳng phải có. Chú ý vào sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, ba ấm mà hành giả đã tiêu trừ và vượt qua được, thấy sự hiện hữu đó không thực là hiện hữu. Hành giả nhận biết một trạng thái hiện hữu, nhưng nó không thực sự hiện hữu.
Xét trong dòng chuyển biến của hành ấm , hành giả thấy rằng cái không hiện hữu không thực sự là không, thấy cáikhông chẳng phải là không..
Trong sự nhiễu động vi tế của hành ấm , hành giả thấy rằng những gì không hiện hữu, dường như cũng có sự hiện hữu. Do đó, chẳng có sự tồn tại và cũng chẳng có cái không tồn tại. Nên anh ta kiến lập lý thuyết này.
KINH VĂN:
如是循環,窮盡陰界,八俱非相.隨得一緣,皆言死後,有相無相。
Như thị tuần hoàn, cùng tận âm giới, bát câu phi tướng. Tùy đắc nhất duyên, giai ngôn tử hậu, hữu tướng vô tướng.
Việt dịch:
Xoay vần như thế, cùng tột các ấm , lập thành tám tướng “chẳng phải có, chẳng phải không.” Gặp duyên gì cũng đều nói rằng sau khi chết là có tướng, không tướng.
GIẢNG:
Xoay vần như thế, cùng tột các ấm , lập thành tám tướng “chẳng phải có, chẳng phải không.”
Trước đây hành giả thấy một trạng thái, trong đó, sự hiện hữu từ trước kia của các sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm trở nên bị tiêu dung không còn nữa, và dòng chuyển động trôi chảy lăn tăn của hành ấm lẽ ra sau đó sẽ không còn hiện hữu nữa, mà nay vẫn còn tồn tại.
Quán xét cùng tột trước sau các ấm này. Hành giả khảo sát tuần tự từng món, cố gắng khám phá nguyên lý cơ bản. Anh ta nghiên cứu kỹ lưỡng bốn món sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm , hành ấm , quán xét chúng từ tất cả mọi khía cạnh. Lập thành tám tướng hoàn toàn phủ định sự hiện hữu. Có tám trường hợp, đều phủ nhận sự hiện hữu của sắc tướng.
Gặp duyên gì cũng đều nói rằng sau khi chết là có tướng, không tướng.
Bất luận khi đề cập đến ấm nào, anh ta chỉ có một câu trả lời. Hành giả đều nói rằng sau khi chết, chẳng có sự không hiện hữu (có), cũng chẳng có sự hiện hữu (vô) .
KINH VĂN:
又計諸行,性遷訛故,心發通悟,有無俱非,虛實失措。
Hựu kế chư hành, tánh thiên ngoa cố, tâm phát thông ngộ, hữu vô câu phi, hư thực thất tán.
Việt dịch:
Lại thấy hành ấm thay đổi liên tục, tâm phát thông ngộ, chấp tất cả đều chẳng phải có, chẳng phải không, .
GIẢNG:
Lại nữa, thấy các hành ấm thay đổi liên tục, hành giả nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về bản chất của hành ấm, vì hành ấm có sự thường nhiễu động lăng xăng rất nhỏ nhiệm, nó luôn luôn trôi chảy và biến dạng.
Tâm phát thông ngộ, tâm phát ra một sự hiểu biết sáng suốt, khiến phủ nhận cả có lẫn không hiện hữu.
Chấp tất cả đều chẳng phải có, chẳng phải không. Một sự hiểu biết sáng suốt nhầm lẫn (tà ngộ) xảy ra trong tâm ý hành giả, và anh ta quyết đoán rằng cả có lẫn không hiện hữu, cả hai đều không có căn cứ. Phải chăng đây là trung đạo ? Không. Anh ta không hiểu được nghĩa rốt ráo của trung đạo . Đó là lý do tại sao anh ta chẳng quan tâm đến trung đạo . Anh ta chỉ quan tâm đến hiện hữu (có) và (không) hiện hữu.
Nên anh ta không thể quyết đoán được điều gì là thực, điều gì là hư.
Hư thực lộn lạo. Vạn vật chẳng hư chẳng thật. Quý vị nói vạn vật là thực, anh ta lại chối từ điều đó. Quý vị nói vạn vật là hư, anh ta cũng phủ nhận điều ấy. Vì anh ta chủ trương rằng chẳng thực cũng chẳng hư, nên anh ta đã bị tán loạn.
KINH VĂN:
由此計度,死後俱非,後際昏瞢,無可道故。墮落外道,惑菩提性。是則名為第八外道,立五陰中,死後俱非,心顛倒論.
Do thử kế độ, tử hậu câu phi, hậu tế hôn mông, vô khả đạo cố. Đọa lạc ngoại đạo, hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi đệ bát ngoại đạo, lập ngũ ấm trung, tử hậu câu phi, tâm điên đảo luận.
Việt dịch:
Do những kiến chấp sau khi chết “chẳng phải có, chẳng phải không” như thế mà đường sau mờ mịt, không còn lối đi. Nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ tám, lập luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết, chẳng phải có, chẳng phải không.
GIẢNG:
Do những kiến chấp sau khi chết “chẳng phải có, chẳng phải không” như thế mà đường sau mờ mịt, không còn lối đi.
Do những thứ kiến chấp mà anh ta đã lập từ trước nầy, nên phủ nhận cả sự tồn tại lẫn không tồn tại sau khi chết. Đối với hành giả, tương lai mờ mịt, không thể nói được điều gì về điều ấy cả.
Anh ta nói rằng sau khi chết, còn có cả sự hiện hữu lẫn không hiện hữu. Hoàn toàn không biết được nơi sẽ kết thúc của hành ấm . Vì không thể biết gì về điều ấy cả, nên không có thể bàn luận, không có gì để nói về điều ấy cả.
Do vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Hành giả rơi lạc vào ngoại đạo, vì lạc vào tà thuyết ngoại đạo, nên mê lầm tánh bồ-đề.
Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ tám, lập nên lý luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết, chẳng phải có, chẳng phải không. Phủ nhận cả sự hiện hữu lẫn không hiện hữu, trong phạm vi ngũ ấm sau khi chết.
Anh ta nói rằng sau khi chết còn có sự hiện hữu, cũng như còn có sự không hiện hữu trong phạm vi của ngũ ấm. Vì tâm thức hành giả trở nên mê loạn, nên phát ra loại lý luận điên đảo này.
9. TÀ KIẾN VỀ ĐOẠN DIỆT
KINH VĂN:
又三摩中,諸善男子,堅凝正心,魔不得便.窮生類本,觀彼幽清,常擾動元,於後後無,生計度者,是人墜入,七斷滅論。
Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư hậu hậu vô, sanh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập thất đoạn diệt luận.
Việt dịch:
Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, sinh tâm kế chấp sau nầy là không, người ấy rơi vào mê lầm với bảy luận thuyết đoạn diệt.
GIẢNG:
Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Hành giả trong khi thiền quán , chánh tâm ngưng lặng, vững chắc. Thiên ma không khuấy phá được nữa.
Hành giả, người tu thiền quán đã phát triển được định lực đến mức kiên cố và chánh tâm. Vậy nên thiên ma không còn cách nào quấy nhiễu được. Hành giả có thể nghiên cứu cùng tột cội gốc của mười hai loài chúng sinh, thấy được manh mối trạng thái thường nhiễu động vi tế kia. Hành giả quán sát bản chất bí ẩn, hư ảo trong sáng nhẹ nhàng. Đến lúc này trong hành ấm có sự nhiễu động rất vi tế. Nhưng nếu, anh ta không biết được trạng thái khi vượt qua hành ấm, sinh tâm kế chấp sau khi chết không còn sự hiện hữu, người ấy rơi vào mê lầm với bảy luận thuyết đoạn diệt. Người ấy sẽ tin vào bảy thứ luận đoạn diệt.
KINH VĂN:
或計身滅,或欲盡滅,或苦盡滅。或極樂滅,或極捨滅。
Hoặc kế thân diệt, hoặc dục tận diệt, hoặc khổ tận diệt, hoặc cực lạc diệt, hoặc cực xả diệt.
Việt dịch:
Hoặc chấp hết thân này là diệt, hoặc chấp hết ngũ dục là diệt, hoặc chấp hết khổ là diệt, hoặc chấp tột vui là diệt, hoặc chấp cực điểm của xả bỏ là diệt.
GIẢNG:
Hoặc chấp hết thân này là diệt.
Hành giả quán xét thấy rằng loài chúng sinh có thân xác ở khắp mọi nơi, thân xác ấy cuối cùng sẽ hủy hoại. Những nơi này là bốn châu lớn trong thiên hạ: Nam Diêm-phù-đề , Đông Thắng Thần Châu , Tây Ngưu Hóa Châu , Bắc Câu Lô Châu , và ngay cả nơi cõi trời Lục dục .
Hoặc chấp hết ngũ dục là diệt. Hoặc phỏng đoán khi tham muốn ngũ dục đã hết. Khi vượt qua được Dục giới ở cõi trời Sơ thiền còn gọi là Ly sinh hỷ lạc địa đó là đoạn diệt. Ở cõi trời Sơ thiền, quý vị thoát khỏi sự cấu nhiễm của chúng sinh và hưởng được nhiều niềm vui.
Hoặc chấp hết khổ là diệt. Hoặc chấp sau khi khổ chấm dứt, trong cõi trời thứ hai, gọi là Định sanh hỷ lạc địa đó là đoạn diệt. Đến đây, thấy vui vì đã đạt được định lực.
Hoặc chấp tột vui là diệt. Hoặc chấp niềm vui khi đạt đến tột đỉnh đó là đoạn diệt. Hành giả cho rằng trạng thái cực lạc ở cõi trời thứ ba (Ly hỷ diệu lạc địa) cũng sẽ chấm dứt. Vì khi đã trải qua được niềm vui tột cùng vi diệu, hành giả ước đoán rằng cõi Thiền thứ ba cũng sẽ đoạn diệt.
Hoặc chấp cực điểm của xả bỏ là diệt. Hoặc chấp sự xả bỏ khi đến cực điểm là đoạn diệt. Hành già phỏng đoán cõi trời thiền thứ tư (Xả niệm thanh tịnh địa ) cũng sẽ đoạn diệt. Anh ta suy đoán cõi trời Tứ không, nơi không còn chướng ngại của sắc chất cũng sẽ đoạn diệt.
Thời gian trôi qua rất nhanh, chỉ trong nhấp nháy mắt mùa hạ đã trôi qua rồi. Ở Trung Hoa, Khổng Tử ví cuộc đời như dòng nước trôi qua không ngừng nghỉ. Thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Có câu ngạn ngữ:
“Nhất thốn quang âm nhất thốn kim
Thốn kim nan mại thốn quang âm.”
Nghĩa là: “Một khoảnh khắc thời gian đáng giá cả lượng vàng. Nhưng lượng vàng khó mua nổi một khoảnh khắc thời gian.” Một khoảnh khắc thời gian giá trị bằng cả lượng vàng. Nếu quý vị mất vàng, quý vị có thể sắm lại được. Nhưng một khi thời gian mất đi thì chẳng có cách nào lấy lại được. Do vậy thời gian còn quý hơn cả vàng. Nên trong đạo Phật nói rằng: “Một khoảnh khắc thời gian cũng như một cõi đời người.” Khi thời gian rút ngắn lại, đời sống con người lại càng ngắn hơn. Chúng ta phải nên quý trọng thời gian đừng để nó tùy tiện trôi qua trong sự vô ích.
Suốt mùa hạ này, chúng ta đã bắt đầu thời khóa tụng kinh, ngồi thiền vào lúc sáu giờ sáng mỗi ngày. Từ sáng sớm cho đến 9 giờ tối. Mọi người đã đem hết tâm lực để dụng công tu tập. Tôi tin rằng thời gian này chắc hẳn là quý hơn vàng, giá trị hơn kim cương. Nay mọi người hãy cùng nhau hết lòng lắng nghe, thấm nhuần những điều đã được học, phát tâm tu tập. Đây là khoảnh khắc thời gian quý giá nhất trong đời. Thật đáng tiếc khi thời gian trôi qua chỉ trong chớp mắt. Cho dù thời khắc gần như đã đi qua, Phật pháp mà chúng ta vừa học được cũng như hạt giống kim cương trong tâm thức ta gieo vào mảnh đất là thức thứ tám (A-lại-da thức ). Trong tương lai chắc chắn sẽ sinh ra quả kim cương bất hoại. Đó cũng là Phật quả, nghĩa là chúng ta sẽ được thành Phật.
Khi nào thì chúng ta sẽ thành Phật? Tùy thuộc vào cách chúng ta siêng năng canh tác, tưới tẩm các hạt giống một khi nó đã được gieo vào lòng đất rồi. Cũng như người nông dân, chúng ta phải tưới nước, nhổ cỏ dại, xới đất cho tơi xốp để hạt giống có thể nảy mầm. Thế nào gọi là nhổ cỏ dại? Cỏ dại có nghĩa là vào mọi lúc, ta phải đề phòng sự phát triển rất vi tế của tạp niệm và trừ bỏ những vọng tưởng ấy đi.
Hằng ngày ta phải nỗ lực công phu theo cách này như người nông dân chăm sóc và tưới tẩm ruộng vườn của họ. Tưới nước và nhổ cỏ dại hằng ngày, hạt giống kim cương mà quý vị đã gieo vào lòng đất sẽ nảy chồi bồ-đề, dần dần chồi non bồ-đề ấy sẽ lớn thành cây bồ-đề; rồi nó sẽ kết thành quả bồ-đề. Nhưng quý vị phải chăm sóc bảo vệ chồi non Bồ-đềấy, nếu quý vị xao lãng việc tưới nước và vun xới cho nó, thì nó sẽ tàn lụi đi.
Tước nước nghĩa là gì? Nếu quý vị học Phật pháp hằng ngày, có nghĩa là quý vị đang tưới cho mầm bồ-đề bằng nước của Pháp. Đúng lúc quả kim cang sẽ chín muồi. Nếu quý vị không tiếp tục chăm sóc hạt giống kim cang sau kỳ pháp hội này, thì không dễ gì hạt kim cang sẽ nảy chồi. Quý vị phải chăm sóc hạt giống thật chu đáo. Đừng nên theo thói quen thích làm những việc mình ưa thích. Hãy tuân thủ theo giới luật và cư xử cho hòa hợp, đừng bừa bãi, khinh suất trong khi hành xử. Nếu quý vị giữ đúng giới luật, nghĩa là quý vị hòa hợp với Phật pháp. Nếu không tuân thủ giới luật, thì chưa hiểu Phật pháp. Quý vị nhất định phải nên tuân thủ theo giới luật, đừng quá phóng túng và không tự kiềm chề mình được. Đây là điều tôi hy vọng ở quý vị.
Trong pháp hội giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm vào mùa hạ này, nhất định sẽ giống như trong trường hợp:
“Nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo tràng”
Nghĩa là: “Ngay khi nghe được ý chỉ của kinh này rồi, vĩnh viễn nơi tâm thức của quý vị đã là đạo tràng, là mảnh đất tâm đã được gieo hạt giống bồ-đề.”
KINH VĂN:
如是循環窮盡七際,現前銷滅,滅已無復。由此計度,死後斷滅。墮落外道,惑菩提性。是則名為第九外道,立五陰中,死後斷滅,心顛倒論.
Như thị tuần hoàn, cùng tận thất tế, hiện tiền tiêu diệt, diệt dĩ vô phục. Do thử kế độ, tử hậu đoạn diệt. Đọa lạc ngoại đạo hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi đệ cửu ngoại đạo. Lập ngũ ấm trung tử hậu đoạn diệt. tâm điên đảo luận.
Việt dịch:
Xoay vần như thế, cùng tột đến bảy quan niệm chấp trước hiện tiền là tiêu diệt, đã diệt rồi thì không hồi phục lại nữa. Do chấp sau khi chết là đoạn diệt như thế, nên rơi vào ngoại đạo, lầm mất tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ 9, lập nên những thứ luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết là đoạn diệt hẳn.
GIẢNG:
Xoay vần như thế, cùng tột đến bảy quan niệm chấp trước hiện tiền là tiêu diệt, đã diệt rồi thì không hồi phục lại nữa.
Vì những kế chấp đoạn diệt sau khi chết. Hành giả vẫn duy trì tư tưởng cho rằng sau khi chết, chẳng còn bất cứ thứ gì tồn tại. Mọi vật đều tiêu diệt. Nên rơi vào ngoại đạo, lầm mất tánh bồ-đề. Hành giả sẽ rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề, mê mờ về tánh giác ngộ chân chánh. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ chín, lập nên những thứ luận điên đảo. Chấp trong ngũ ấm, sau khi chết là đoạn diệt hẳn.
Cho rằng sau khi chết trong phạm vi ngũ ấm là đoạn diệt hẳn. Với tâm mê muội, hành giả nghĩ rằng sự đoạn diệt sau khi chết là ở trong phạm vi của sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm và hành ấm .
10. TÀ KIẾN VỀ NIẾT BÀN
KINH VĂN:
又三摩中,諸善男子,堅凝正心,魔不得便.窮生類本,觀彼幽清,常擾動元,於後後有,生計度者。是人墜入五涅槃論。
Hựu tam ma trung, chư thiện nam tử, kiên ngưng chánh tâm, ma bất đắc tiện. Cùng sanh loại bản, quán bỉ u thanh, thường nhiễu động nguyên, ư hậu hậu hữu, sanh kế độ giả. Thị nhân trụy nhập ngũ niết-bàn luận.
Việt dịch:
Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, sinh tâm kế chấp sau nầy là có. Người ấy rơi vào năm thứ luận về niết-bàn.
GIẢNG:
Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá.
Trong khi tu tập thiền quán , chánh tâm ngưng lặng vững chắc. Thiên ma không khuấy phá được nữa. Vì hành giả đã được định lực vững chắc và chính tâm thuần hòa, thanh tịnh. Thiên ma không có cơ hội quấy phá, thiên ma chẳng có ảnh hưởng gì đến hành giả được nữa.
Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, sinh tâm kế chấp sau nầy là có.
Hành giả nghiên cứu cùng tột cội gốc của các loài chúng sinh, thấy được manh mối trạng thái thường nhiễu động vi tế kia. Khảo sát tâm thức của các loài chúng sinh kia, vốn u ẩn, khinh thanh trong dòng nhiễu động rất vi tế.
Người ấy rơi vào năm thứ luận về niết-bàn.
Nhưng nếu hành giả sinh tâm kế chấp về sự hiện hữu sau khi chết, sẽ rơi vào năm thứ luận sai lạc về niết-bàn .
Vượt qua hành ấm , hành giả lại nhận thấy có sự hiện hữu. Căn cứ vào sự thường hằng của từng niệm, từng niệm trôi chảy không ngừng trong phạm vi hành ấm. Anh ta có kiến chấp sai lầm về sự hiện hữu và tin vào năm thứ luận về Niết Bàn.
KINH VĂN:
或以欲界,為正轉依,觀見圓明,生愛慕故。或以初禪性無憂故。或以二禪心無苦故。或以三禪極悅隨故。或以四禪苦樂二亡,不受輪迴,生滅性故。
Hoặc dĩ dục giới, vi chánh chuyển y, quán kiến viên minh, sinh ái mộ cố. Hoặc dĩ sơ thiền tánh vô ưu cố. Hoặc dĩ nhị thiền, tâm vô khổ cố. Hoặc dĩ tam thiền, cực duyệt tuỳ cố. Hoặc dĩ tứ thiền, khổ lạc nhị vọng, bất thọ luân hồi, sanh diệt tánh cố.
Việt dịch:
Hoặc xem Dục giới là chuyển y chân chánh,[91] do thấy sáng suốt cùng khắp nên sanh tâm yêu thích. Hoặc nhận cõi Sơ thiền là nơi chuyển y chân chánh, do tâm không còn lo buồn. Hoặc nhận cõi Nhị thiền là chuyển y chân chánh, do tâm không khổ lụy nữa. Hoặc nhận Tam thiền, vì rất vui đẹp. Hoặc nhận Tứ thiền vì cả vui khổ thực sự tiêu vong, không còn chịu sinh diệt trong luân hồi nữa.
GIẢNG:
Hoặc xem Dục giới là chuyển y chân chánh. Đó là nơi mà anh ta sẽ đi đến, anh ta thấy cõi trời Dục giới là nơi chuyển y chân chánh. Tại sao?
Do vì hành giả thấy sáng suốt cùng khắp và sanh tâm yêu thích nơi ấy. Cõi trời Dục giới hiện ra rất hoàn mãn và sáng rực, nên anh ta phát khởi tâm luyến mộ và ước ao sinh về nơi đó. Anh ta nhận nơi đó như một nơi chốn để quay về, như là một cảnh giới niết-bàn. Anh ta nghĩ rằng Dục giới là một cõi niết-bàn chân thực.
Hoặc nhận cõi Sơ thiền là nơi chuyển y chân chánh, do tâm không còn lo buồn. Anh ta nghĩ rằng chúng sinh trong cõi trời Sơ thiền (Ly sinh hỷ lạc ) đã bỏ lại hết đằng sau những âu lo, phiền não rồi, đồng thời sinh khởi một cảm giác hoan hỷ. Do vậy nên hành giả ao ước được sanh về nơi đó.
Hoặc nhận cõi Nhị thiền là chuyển y chân chánh, do tâm không khổ lụy nữa. Trong khi thiền quá, hành giả có thể đạt đến cõi trời Nhị thiền, nơi tâm không còn khổ nữa, vì hành giả đã phát triển được định lực. Cõi trời này gọi là Định sanh hỷ lạc .
Hoặc nhận Tam thiền, vì rất vui đẹp, vì rất ham thích niềm vui tột bực ở đó. Anh ta nghĩ rằng mình sẽ đạt được bất kỳ điều gì mình muốn ở đó, vì thế anh ta cho rằng đây là cõi trời kia là cảnh giới niết-bàn.
Hoặc nhận Tứ thiền vì cả vui khổ thực sự tiêu vong, không còn chịu sinh diệt trong luân hồi nữa.
Hành giả cho rằng mình không còn trải qua sự luân hồi sanh tử nữa. Hành giả cho rằng trong cõi trời Tứ thiền , gọi là Xả niệm thanh tịnh địa , nơi khổ vui đều tiêu dung và không còn tái sinh trong tam giới nữa. Do vì cảnh giới này rất thanh tịnh, nên hành giả xem đó là cảnh giới niết-bàn, muốn quay về an trụ nơi đó.
KINH VĂN:
迷有漏天,作無為解,五處安隱,為勝淨依。如是循環,五處究竟。
Mê hữu lậu thiên, tác vô vi giải, ngũ xứ an ổn, vi thắng tịnh y. Như thị tuần hoàn, ngũ xứ cứu cánh.
Việt dịch:
Mê chấp các cõi trời hữu lậu, phát khởi kiến giải vô vi, lầm sự an ổn năm chỗ ấy là nơi nương tựa thắng tịnh. Tuần hoàn rốt ráo trong năm chỗ như vậy .
GIẢNG:
Mê chấp các cõi trời hữu lậu, phát khởi kiến giải vô vi.
Những cõi trời này còn trong vòng hữu lậu, nhưng hành giả mê lầm “Nhận giặc làm con” khởi nên kiến giải vô vi, và xem năm trạng thái này là nơi nương tựa thù thắng. Lầm sự an ổn năm chỗ ấy là nơi nương tựa thắng tịnh. Anh ta cảm thấy rằng năm trạng thái này là an ổn và bảo đảm, đó là nơi tuyệt đối thanh tịnh, thù thắng để quay về an trụ.
Tuần hoàn rốt ráo trong năm chỗ như vậy .
Cứu xét kỹ lưỡng theo cách ấy, nên quyết đoán có năm chỗ rốt ráo. Anh ta nghĩ các cảnh giới ấy là trạng thái tột cùng nơi anh ta có thể nhập niết-bàn. Anh ta không nhận ra những cõi trời này vẫn còn trong vòng hữu lậu.
KINH VĂN:
由此計度,五現涅槃,墮落外道,惑菩提性。是則名為第十外道,立五陰中,五現涅槃,心顛倒論。
Do thử kế độ, ngũ hiện niết-bàn, đọa lạc ngoại đạo hoặc bồ-đề tánh. Thị tắc danh vi, đệ thập ngoại đạo. Lập ngũ ấm trung, ngũ hiện niết-bàn, tâm điên đảo luận.
Việt dịch:
Do kế chấp năm thứ niết-bàn hiện có như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ mười, lập nên những luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, có năm thứ niết-bàn hiện có.
GIẢNG:
Do kế chấp năm thứ niết-bàn hiện có như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đánh mất trực giác về bản tánh giác ngộ sáng suốt. Đây là ngoại đạo thứ mười, lập nên những luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, có năm thứ niết-bàn hiện có.
Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ mười, lập nên những luận thuyết sai lầm về năm loại niết-bàn hiện có, trong phạm vi của ngũ ấm. Những luận thuyết ấy là hoàn toàn sai lạc và điên đảo.
E. LỜI KHUYÊN TỔNG KẾT CỦA ĐỨC THẾ TÔN VỀ CÁC TÀ KIẾN
KINH VĂN:
阿難,如是十種,禪那狂解,皆是行陰,用心交互,故現斯悟。
A-nan, như thị thập chủng, thiền-na cuồng giải, giai thị hành ấm, dụng tâm giao hỗ, cố hiện tư ngộ.
Việt dịch:
A-nan, tất cả mười thứ tri giải cuồng loạn trong thiền-na như thế, đều do tâm dụng công giao xen với hành ấm nên phát ra ngộ giải này.
GIẢNG:
A-nan, tất cả mười thứ tri giải cuồng loạn trong thiền-na như thế, tất cả mười thứ tri giải cuồng loạn sai lầm như thế được nói ở trên xảy ra trong thiền định. đều do tâm dụng công giao xen với hành ấm nên phát ra ngộ giải này. Chính là do tâm nỗ lực công phu thiền quán giao xen với hành ấm.
Vấn đề gì sẽ xảy ra ở đây? Vì hành giả vừa vượt qua hành ấm . Nếu chánh tri, chánh kiến của hành giả thắng lướt, thì anh ta có thể nhảy vượt qua rào cản này. Nếu hành ấm thắng thì anh ta sẽ bị ma gá vào. Nên phát ra ngộ giải này.
KINH VĂN:
眾生頑迷,不自忖量。逢此現前,以迷為解,自言登聖。大妄語成,墮無間獄.
Chúng sanh ngoan mê bất tự thốn lượng. Phùng thử hiện tiền, dĩ mê vi giải, tự ngôn đăng thánh. Đại vọng ngữ thành, đọa vô gián ngục.
Việt dịch:
Chúng sinh ngu mê, không tự suy xét được. Gặp phải cảnh ấy, nhận mê làm ngộ, nói rằng mình đã chứng thánh. Thành tội đại vọng ngữ, sẽ đọa vào ngục vô gián.
GIẢNG:
Chúng sinh ngu mê, không tự suy xét được.
Chúng sinh thường bướng bỉnh, si mê và vô ý thức, không có một niệm phản tỉnh tự hỏi mình là ai và căn tánh của mình là gì?
Gặp phải cảnh ấy khi trạng thái này xảy ra, liền bị bối rối hoảng loạn, nhưng vì không gặp được vị thiện tri thức sáng mắt chỉ điểm cho.
Nhận mê làm ngộ, nói rằng mình đã chứng thánh. Anh ta tuyên bố đã giác ngộ và đã thành Phật. Thành tội đại vọng ngữ vì anh ta đã phạm tội đại vọng ngữ như vậy, nên sẽ đọa vào ngục vô gián.
KINH VĂN:
汝等必須,將如來心,於我滅後,傳示末法,遍令眾生,覺了斯義。無令心魔,自起深孽。保持覆護,消息邪見。
Nhữ đẳng tất tu, tương Như Lai tâm, ư ngã diệt hậu, truyền thị mạt pháp, biến linh chúng sanh, giác liễu tư nghĩa. Vô linh tâm ma, tự khởi thâm nghiệt. Bảo trì phúc hộ, tiêu tức tà kiến.
Việt dịch:
Sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên đem lời dạy của Như Lai truyền bá trong đời mạt pháp, khiến cho tất cả chúng sinh hiểu rõ nghĩa này. Đừng để cho tâm ma tự gây những tội chướng sâu nặng. Giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu trừ tà kiến.
GIẢNG:
Sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên đem lời dạy của Như Lai truyền bá trong đời mạt pháp, khiến cho tất cả chúng sinh hiểu rõ nghĩa này.
Sau khi Như Lai nhập niết-bàn . Trong tương lai A-nan và quý vị trong Tăng đoàn nên truyền bá lời dạy này của Như Lai. Những lời Như Lai đã giảng nói. Chỉ bày và giáo hóa cho chúng sinh trong đời mạt pháp được hiểu rõ nghĩa chân thực này. Quý vị nên chỉ bày cho toàn thể chúng sinh hiểu được những đạo lý này.
Đừng để cho tâm ma tự gây những tội chướng sâu nặng. Giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu trừ tà kiến.
Đừng để cho tà ma sinh khởi trong tâm, gây nên những tội chướng sâu nặng. Đừng để cho mọi loài chúng sinh tạo nên nghiệp xấu. Bảo hộ che chở cho chúng sanh tiêu trừ tà kiến. Hộ trì Phật pháp, tiêu trừ tà kiến.
KINH VĂN:
教其身心,開覺真義。於無上道,不遭枝岐。勿令心祈,得少為足。作大覺王,清淨標指.
Giáo kì thân tâm, khai giác chân nghĩa. Ư vô thượng đạo, bất tao chi kì. Vật linh tâm kì, đắc thiểu vi túc. Tác đại giác vương, thanh tịnh tiêu chỉ .
Việt dịch:
Dạy cho họ giác ngộ đạo nghĩa chân thật. Nơi đạo vô thượng, không lạc vào đường tẻ. Đừng để cho chúng sinh hài lòng với chút ít hiểu biết rồi tự cho là đủ. Phải làm mẫu mực thanh tịnh của bậc Đại giác vương.
GIẢNG:
Dạy cho họ giác ngộ đạo nghĩa chân thật.
Dạy cho chúng sinh giác ngộ nghĩa sâu rộng chân thật của đạo Vô Thượng, giúp cho thân và tâm chúng sinh trong đời mạt pháp hiểu được giáo lý chân thật tối thượng.
Nơi đạo vô thượng, không lạc vào đường tẻ.
Giúp cho chúng sinh không lạc vào đường tẻ. Đừng để cho chúng sinh đuổi theo các giáo pháp nông cạn thô thiển, mà không ham thích giáo pháp căn bản. Đừng để cho chúng sinh khi gặp phải những con đường tẻ thì hoang mang không biết đi đường nào.
Đừng để cho chúng sinh hài lòng với chút ít hiểu biết rồi tự cho là đủ.
Đừng để cho chúng sinh khao khát đạo giác ngộ Vô thượng mà trở thành tự mãn, hài lòng với chút ít sở đắc trong công phu.
Làm mẫu mực thanh tịnh của bậc Đại giác vương.
Các ông nên tự biến mình thành bậc Đại giác vương, làm mẫu mực khuôn phép cho giáo nghĩa thanh tịnh. Tức thời biến mình thành bậc chúa tể trong đạo giải thoát, làm vị lãnh tụ mẫu mực, mô phạm thanh tịnh, không chấp nhận được chút ít sở đắc trong công phu tu tập là đủ. Một bề hướng thượng tinh tấn tu tập.
THỨC ẤM
A. TRẠNG THÁI TÂM LÝ TRƯỚC KHI VÀO THỨC ẤM
KINH VĂN:
阿難,彼善男子,修三摩提,行陰盡者,諸世間性幽清擾動,同分生機,倏然墮裂.沈細綱紐,補特伽羅,酬業深脈,感應懸絕。
A-nan, bỉ thiện nam tử, tu tam-ma-đề, hành ấm tận giả, chư thế gian tánh, u thanh nhiễu động, đồng phận sanh cơ, thúc nhiên huy liệt. Trầm tế cương nữu, bổ-đặc-già-la, thù nghiệp thâm mạch cảm ứng huyền tuyệt.
Việt dịch:
A-nan, thiện nam tử kia tu pháp tam-ma-đề, khi hành ấm hết rồi, cái then chốt nhiễu động u ẩn, nơi phát sinh chung các loài trong thế gian, bỗng nhiên được xóa sạch. Giềng mối vi tế, quan hệ sâu xa, gây nghiệp thọ báo của bổ-đặc-già-la nơi mỗi chúng sinh cũng được chấm dứt.
GIẢNG:
A-nan, thiện nam tử kia tu pháp tam-ma-đề, khi hành ấm hết rồi. Khi hành giả, người đang tu tập trong phạm vi hành ấm, tu pháp tam-ma-đề đến mức tiêu dung được hành ấm. Cái then chốt nhiễu động u ẩn, nơi phát sinh chung các loài trong thế gian, bỗng nhiên được xóa sạch. Then chốt nhiễu động vi tế nơi chốn thâm u của nội tâm, là nơi phát sinh chung của các loài trên thế gian, bỗng nhiên được xóa sạch.
Sự nhiễu động vi tế, không thể nhận thấy, này biểu thị đặc điểm của tất cả mười hai loại chúng sinh trong thế gian, và đó cũng là nguồn gốc sinh khởi chung của các loài ấy; bỗng dưng được tiêu hủy sạch.
Ở Trung Hoa chữ cương nữu 綱紐 –giềng mối, có nghĩa: sợi dây thừng lớn giăng quanh mạng lưới gọi là “cương – giềng. Còn trên cổ áo có các nút để buộc áo lại gọi là nữu – mối. Cũng giống như trục chính của chiếc xe gọi là khu nữu 驅紐vậy.
Bổ-đặc-già-la , tiếng Phạn là pudgala , dịch nghĩa là: “thường chấp giữ, duy trì sự tái sinh.” Đó là cái sinh rồi lại sinh, tương tục mãi mãi. Nó cũng được gọi là “trung hữu thân” hay “hữu tình.” Mọi chúng sinh trong loài hữu tình đều phải trải qua giai đoạn “trung hữu thân” này. Khi ta chết, chúng ta sẽ qua một giai đoạn gọi là “trung ấm thân.”
Giềng mối vi tế, quan hệ sâu xa, gây nghiệp thọ báo của bổ-đặc-già-la nơi mỗi chúng sinh cũng được chấm dứt.
Giềng mối vi tế quan hệ sâu xa gây nên nghiệp báo của bổ-đặc-già-la, là thân trung hữu nơi mỗi chúng sinh cũng được chấm dứt.
Trong sự tương quan thù báo lẫn nhau. Sự giao lưu của nghiệp quả diễn biến rất sâu mầu, nhân quả nối tiếp nhau không bao giờ dứt. Vì hành ấm đã tiêu dung, dòng sinh tử cũng đã chấm dứt. Nhân quả cũng đã dừng hẳn. Đây là mô tả trạng thái tiêu dung của hành ấm và sự khởi đầu của thức ấm .
B. PHẠM VI THỨC ẤM
KINH VĂN:
於涅槃天,將大明悟,如鷄後鳴,瞻顧東方,已有精色。六根虛靜,無復馳逸。內外湛明,入無所入。深達十方十二種類,受命元由。觀由執元,諸類不召。於十方界,已獲其同。精色不沈,發現幽祕。此則名為識陰區宇
Ư niết-bàn thiên, tương đại minh ngộ, như kê hậu minh, chiêm cố đông phương, dĩ hữu tinh sắc. Lục căn hư tĩnh, vô phục trì dật. Nội ngoại trạm minh, nhập vô sở nhập. Thâm đạt thập phương, thập nhị chủng loại, thọ mệnh nguyên do. Quán do chấp nguyên, chư loại bất triệu. Ư thập phương giới dĩ hoạch kì đồng. Tinh sắc bất trầm, phát hiện u bí. Thử tắc danh vi thức ấm khu vũ.
Việt dịch:
Bầu trời niết-bàn sắp tỏa sáng rực rỡ, như sau khi gà gáy sáng, có ánh bình minh ló dạng ở phương Đông. Sáu căn rỗng rang thanh tịnh, không còn giong ruỗi nữa.Trong ngoài đều phát ra ánh sáng sâu mầu, vào được tính vô sở nhập. Thấu suốt được nguyên do thọ mạng của mười hai loại chúng sinh trong suốt mười phương. Xét rõ nguồn gốc do chấp trước gây ra, nên các lòai không thu hút được. Nhận được tính đồng nhất với mười phương thế giới. Tinh minh không tiêu trầm, những gì ẩn mật từ trước nay đều hiển bày. Đây gọi là phạm vi của thức ấm.
GIẢNG:
Bầu trời niết-bàn sắp tỏa sáng rực rỡ.
Bầu trời của niết-bàn sắp được tỏa sáng rực rỡ. Đó là bầu trời của tự tánh niết-bàn. Hành giả đã ở ngay bờ mé của sự khai ngộ. Hành giả sắp đạt được đại giải thoát, so sánh cảnh giới đó như sau khi gà gáy sáng, có ánh bình minh ló dạng ở phương Đông. Khi gà gáy lần thứ nhất, rồi lần thứ hai báo hiệu trời sáng, lúc ấy vẫn chưa có ánh sáng ở phương Đông, bầu trời vẫn còn tối đen. Nếu ta hướng về phương Đông nhìn lâu sẽ thấy ánh sáng bình minh le lói khi gà gáy xong lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng.
Sáu căn rỗng rang thanh tịnh.
Thọ ấm đã tiêu dung rồi, nên sáu căn không còn có cảm giác nữa. Nó hoàn toàn rỗng lặng. Tưởng ấm đã tiêu dung rồi, nên không còn vọng tưởng nữa. Do vậy, nên tưởng ấm cũng hoàn toàn tịch lặng. Lúc này, không còn cảm thọ và vọng tưởng tác động khiến tâm thức lang thang dao động nữa.
Không còn giong ruỗi nữa.
Điều này có nghĩa là sự biến hóa, trôi chảy nhiễu động lăng xăng của hành ấm cũng đã chấm dứt. Sự nhiễu động lăng xăng, thiên lưu biến hóa của hành ấm tợ như những đợt sóng tương tục nhau mãi không dừng, nhưng nay nó đã chìm lắng xuống hẳn, không còn rong duỗi nữa.
Trong ngoài đều phát ra ánh sáng sâu mầu.
Đến lúc này, khi chỉ còn thức ấm chưa được tiêu trừ, hành giả thấy có một luồng ánh sáng rất sâu mầu phát ra từ bên trong lẫn bên ngoài.
Vào được tính vô sở nhập. Hành giả đã vào được nơi xưa nay vốn không thể vào được.
Do vì các căn, các trần đều đã tiêu dung. Sáu căn, sáu trần đã hòa nhập làm một. Căn trần không còn đi sóng đôi với nhau nữa. Đã thành bất nhị. Không còn sự phân biệt giữa sáu căn, sáu trần nữa. Do vậy, nên không còn chỗ gọi là “nhập” cho hành giả đi vào nữa.
Thấu suốt được nguyên do thọ mạng của mười loại chúng sinh trong suốt mười phương. Xét rõ nguồn gốc do chấp trước gây ra, nên các lòai không thu hút được.
Thấy rõ nguồn gốc ấy mà không bị thu hút.
Hành giả thâm nhập vào nơi nguồn gốc sinh mệnh tối sơ của các loại chúng sinh. Quán chiếu rõ ràng căn do của mười hai loại chúng sinh ấy, mà không bị thu hút hấp dẫn vào bất kỳ tánh chất của một loại nào. Không có loại nào tác động được hành giả, anh ta không còn một quan hệ nào nữa với mười hai loại chúng sanh ấy nữa cả.
Nhận được tính đồng nhất với mười phương thế giới. Tinh minh không tiêu trầm, những gì ẩn mật từ trước nay đều hiển bày. Đây gọi là phạm vi của thức ấm .
Hành giả trở nên đồng nhất với mười phương thế giới. Anh ta có cảm giác đồng nhất thể tánh với khắp pháp giới. Ánh sáng ấy không bị chìm mất, ánh sáng lưu xuất từ trí tuệ này không biến mất. Những gì ẩn mật trước nay được hiển bày. Những trạng thái bí ẩn nhất và khó hiểu, khó giải bày nhất từ trước đến nay được phơi bày một cách hiển nhiên, rõ ràng.
Trạng thái này gọi là phạm vi của thức ấm , hành giả đang đi vào trong phạm vi thức ấm.
C. CỘI GỐC CỦA THỨC ẤM
KINH VĂN:
若於群召,已獲同中,銷磨六門,合開成就。見聞通隣,互用清淨。十方世界,及與身心。如吠瑠璃,內外明徹,名識陰盡。是人則能,超越命濁。觀其所由,罔象虛無,顛倒妄想,以為其本.
Nhược ư quần triệu, dĩ hoạch đồng trung, tiêu ma lục môn, hợp khai thành tựu. Kiến văn thông lân, hỗ dụng thanh tịnh. Thập phương thế giới cập dữ thân tâm, như phệ lưu li, nội ngoại minh triệt, danh thức ấm tận. Thị nhân tắc năng, siêu việt mệnh trọc. Quán kì sở do, võng tượng hư vô, điên đảo vọng tưởng, dĩ vi kì bản.
Việt dịch:
Như trong tính đồng của các loài đã chứng được, tiêu dung luôn sáu căn, Khiến việc khai hợp sáu căn đều thành tựu. Cái thấy, cái nghe dung thông với nhau một cách thanh tịnh. Mười phương thế giới và trong ngoài thân tâm trong suốt như lưu ly. Đây là sự chấm dứt của thức ấm . Người ấy có thể vượt qua mạng trược. Xét lại nguyên do của thức ấm, mới thấy cỗi gốc là vọng tưởng điên đảo, huyễn hoá rỗng không.
GIẢNG:
Như trong tính đồng của các loài đã chứng được.
Nếu hành giả trở nên đồng nhất với các loài, mà không bị các loài chiêu dẫn. Vì có sự tương quan mật thiết nhân quả với mười hai loại chúng sanh, hành giả trở nên đồng nhất với chúng. Tuy nhiên hành giả không bị ảnh hưởng bởi chúng. Vì hành giả đã đoạn trừ tất cả mối tương quan với chúng, không còn tái sinh trong đó nữa.
Tiêu dung luôn sáu căn.
Nên có thể tiêu dung luôn sự đồng nhất của sáu căn. Đến điểm này, lối vào của sáu căn không còn hoạt dụng được nữa. Nó hoàn toàn bị tiêu ma. Bằng cách nào mà nó không hoạt dụng được nữa? Đây không có nghĩa là mắt không còn thấy, tai không còn nghe, mũi không còn ngửi, lưỡi không nếm được mùi vị, mà còn hơn thế nữa. Điều gì xảy ra khi sáu căn hỗ dụng? Nếu khi quý vị vượt qua được thức ấm , thì quý vị sẽ trải qua trạng thái này. Nghĩa là, mắt có thể nhìn thấy và nó cũng có thể ăn và nói. Tai vốn xưa chỉ dùng để nghe, nay có thể thấy được. Quý vị có thể thấy bằng mũi và lưỡi. Mỗi căn (giác quan) có đủ sáu chức năng. Đó là ý nghĩa tiêu dung sự đồng nhất của sáu căn. Những tướng trạng của tiền trần nay đều đã biến mất.
Khiến việc khai hợp sáu căn đều thành tựu
Thành tựu việc dung hợp hay tách rời sáu căn ấy. “Khai” là khi sáu căn trở thành một, “hợp” là khi mỗi căn đảm nhiệm chức năng của cả sáu căn.
Cái thấy, cái nghe dung thông với nhau một cách thanh tịnh. Mười phương thế giới và trong ngoài thân tâm trong suốt như lưu ly.
Có một sự dung thông, hỗ tương giữa sáu căn ấy. Giống như bà con láng giềng quan tâm giúp đỡ lẫn nhau vậy. Chức năng của sáu căn đã liên kết với nhau. Thấy có kỳ diệu không? Trạng thái này thật là vi diệu.
Mười phương thế giới và trong ngoài thân tâm hành giả trong suốt như ngọc lưu ly. Giống như sắc xanh của ngọc lưu ly trong suốt. Đây là sự chấm dứt của thức ấm . Khi quý vị đạt đến trạng thái này. Đây là sự chấm dứt của thức ấm. Như thế cả năm ấm đều được chuyển hóa. Nhưng trước khi đến được, mức độ này thì thức ấm vẫn chưa được tiêu vong.
Người ấy có thể vượt qua mạng trược. Xét lại nguyên do của thức ấm , mới thấy cỗi gốc là vọng tưởng điên đảo, huyễn hoá rỗng không.
Xét lại nguyên do của thức ấm , mới thấy sự phủ nhận hiện hữu và cũng như phủ nhận cái không hiện hữu đều là hư vọng, và vọng tưởng điên đảo là nguồn gốc của nó.
Vấn đề hiện hữu hay không hiện hữu, đều là hư vọng và mơ hồ. Vọng tưởng điên đảo ấy là cội gốc của cảnh giới mà hành giả vừa trải qua.
KINH VĂN:
阿難當知,是善男子,窮諸行空,於識還元,已滅生滅,而於寂滅,精妙未圓.
A-nan đương tri, thị thiện nam tử, cùng chư hành không, ư thức hoàn nguyên, dĩ diệt sanh diệt, nhi ư tịch diệt, tinh diệu vị viên.
Việt dịch:
A-nan nên biết, thiện nam tử ấy đã quán sát tường tận tính không của các hành, nên trở lại bản tính của thức, đã chấm dứt sinh diệt rồi, nhưng chưa viên mãn tính tịnh diệu của tịch diệt.
GIẢNG:
A-nan nên biết, thiện nam tử ấy đã quán sát tường tận tính không của các hành.
Hành giả, người tu tập thiền định đã quán sát tường tận hành ấm [92] là không. Dù hành giả có gặp những ma cảnh, dù bị quấy nhiễu bởi thiên ma, hoặc ma khởi từ tâm mình, hoặc bất kỳ các loại ma nào khác, chúng nó vẫn không tác động đến định lực của hành giả được nữa. Hoặc ma có thể xuất hiện khi hành giả tu thiền định, nhưng hành giả không phải mắc cảnh giới của ma. Hoặc hành giả có thể gặp cảnh giới ma, nhưng nhận ra ngay, không bị chúng mê hoặc nhiễu loạn. Một khi hành giả phá trừ được sự mê lầm thì hành ấm lại bị trừ diệt.
Nay hành giả đang bắt đầu chuyển hóa thức ấm . Anh ta đã vượt qua hành ấm và thấy nó là “không.”
Nên trở lại bản tính của thức. Bây giờ hành giả đang trong giai đoạn phá trừ thức ấm . Khi công phu tu tập đến giai đoạn này, hành giả phải quay trở về nguồn cội, đó là Như Lai tạng .
Đã chấm dứt sinh diệt rồi, nhưng chưa viên mãn tính tịnh diệu của tịch diệt.
Sự sinh diệt đã chấm dứt hẳn rồi, nhưng chưa viên mãn đạt đến sự tịch diệt tinh thần, vi diệu. Hành giả chưa đạt được tánh tịch diệt vi diệu viên mãn.
KINH VĂN:
能令己身,根隔合開,亦與十方諸類通覺。覺知通淴,能入圓元。若於所歸,立真常因,生勝解者,是人則墮,因所因執。娑毘迦羅,所歸冥諦,成其伴侶,迷佛菩提,亡失知見。
Năng linh kỉ thân, căn cách hợp khai, diệc dữ thập phương chư loại thông giác. Giác tri thông hốt, năng nhập viên nguyên. Nhược ư sở quy, lập chân thường nhân, sanh thắng giải giả, thị nhân tắc đọa, nhân sở nhân chấp. Sa-tì-ca-la, sở quy minh đế, thành kì bạn lữ, mê Phật bồ-đề, vong thất tri kiến.
Việt dịch:
Người đó có thể khiến nơi thân mình, các căn khi hợp, khi chia lìa, còn thông suốt với sự hay biết các loài chúng sinh trong mười phương. Tánh hay biết đó thông suốt, nên có thể nhập vào tánh nguyên viên. Nếu xem chỗ quay về, lập nên nhân chân thường, cho là đúng đắn tuyệt đối, thì người ấy rơi vào cái chấp nhân sở nhân. Trở thành bè bạn với Sa-tì-ca-la, chấp vào minh đế, mê mờ tánh bồ-đề của Phật, bỏ mất chánh tri kiến.
GIẢNG:
Người đó có thể khiến nơi thân mình, các căn khi hợp, khi chia lìa.
Có thể khiến các căn của mình, khi hợp, khi chia. Bây giờ nơi thức ấm , hành giả sinh khởi một vọng chấp. Đó là tưởng rằng mình đã ở nơi tuy chưa đạt được sự tịch diệt tinh thuần vi diệu, nhưng có thể khiến sáu căn hỗ dụng cho nhau. Mỗi căn có chức năng của sáu căn kia. Mắt có thể nói và nghe. Tai có thể ăn và ngửi. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều có thể sử dụng chức năng hỗ tương với nhau, để thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm.
Quý vị nghĩ rằng tai thì không thể dùng để ăn. Nhưng khi một người đã đạt được sáu căn hỗ dụng, thì có thể làm được điều ấy. Quý vị ngạc nhiên hỏi: “Thế thì răng của họ ở đâu?” Hỏi tai của quý vị. Họ không ăn theo cách mà chúng ta thường ăn. Khi họ muốn ăn, thì răng tự nhiên mọc ra. Răng ấy cũng sẽ không rụng đi. Có khi họ không cần dùng răng. Hoặc là có khi răng sẽ mọc khi họ cần ăn. Đây là loại năng lực chân thực của khoa học. Mỗi căn đều có đủ chức năng của mỗi căn khác.
“Hợp” là khi sáu căn kết hợp lại với nhau thành một căn. “Khai” là khi một căn trải ra để có đủ chức năng của cả sáu căn. Quý vị cho đây là thần thông hay khoa học? Bất luận bao nhiêu khám phá mà các nhà khoa học đã tìm được. Ngay dù họ có ghép được tim, gan, hoặc các bộ phận khác của cơ thể con người, họ vẫn không có khả năng làm cho mỗi căn có đủ chức năng của tất cả sáu căn. Đó là điều mà khoa học không thể nào với tới được. Bất luận khoa học có tiến bộ đến đâu, tôi nghĩ nó cũng không thể đạt được trình độ ấy. Nhưng nếu quý vị phát triển khoa học từ trong tự tánh của mình, thì quý vị có thể đạt được năng lực ấy.
Còn thông suốt với sự hay biết các loài chúng sinh trong mười phương. Biết khắp các loài chúng sinh trong mười phương. Không những hành giả người có khả năng “khai,” “hợp” sáu căn để có năng lực hỗ dụng, mà còn có thể biết được mười hai loại chúng sinh sẽ đi về đâu, trong khắp mười phương. Hành giả và các loài chúng sinh đều có cùng tánh giác tri dung thông với nhau.
Tánh hay biết đó thông suốt, nên có thể nhập vào tánh nguyên viên. Do tánh giác tri của hành giả thông suốt. Hành giả có thể biết được căn tánh của toàn thể chúng sinh khắp mười phương. Nên có thể nhập vào “tánh nguyên viên.” Đó là căn nguyên viên mãn của bổn tánh.
Nếu xem chỗ quay về, lập nên nhân chân thường, cho là đúng đắn tuyệt đối, thì người ấy rơi vào cái chấp nhân sở nhân.
Giả sử như hành giả vọng chấp nơi quay về của mình. Chấp điều gì? Cho rằng nơi ấy là chân thường và cho điều ấy là đúng đắn tuyệt đối. Vì anh ta tin nơi quay về ấy là chơn thường. Xem kiến giải này như một lý thuyết tuyệt đỉnh, một sự hiểu biết tối thượng, không có gì hơn thế nữa. Nếu như hành giả không rơi vào kiến chấp này thì không có gì sai trái, nhưng ngay khi khởi kiến chấp này thì hành giả sẽ mắc phải sai lầm, do chấp lầm cái nhân chân thường ấy. Hành giả cho tính chân thường là nhân, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Anh ta nghĩ rằng chỗ ấy phải được mô tả như là tính chơn thường. Thực ra hành giả vẫn còn trong phạm vi thức ấm , chưa phải là chân thường. Anh ta trở nên chấp vào một nguyên nhân và chấp vào những gì nguyên nhân ấy có tác động tương quan. Thực ra, đây không phải là nhân, nhưng hành giả xem đó như là nhân. Do chấp vào điều ấy, nên hành giả rơi lạc vào ngoại đạo. Anh ta hùn hạp làm ăn với chúng, đầu tư vốn liếng vào và cùng chúng lập thành công ty. Tà thuyết ngoại đạo nào mà hành giả mắc vào? Là trở thành bè bạn với ngoại đạo Ta-tì-ca-la,[93] chấp minh đế là nơi trở về.
Ta-tì-ca-la lập nên “phái ngoại đạo tóc vàng” mà trước đây tôi có giảng về sư phụ của Ma-đăng-già đã dùng chú thuật của ngoại đạo Ta-tì-ca-la. Đó là một loại thần chú của Phạm thiên.
Minh đế là thuyết chủ trương rằng không có gì hết thảy, đều là từ trong cảnh giới biến hóa hiện tại của A-lại-da thức (ālayavijñāna ) mà xuất sinh ra. Ngoại đạo này xiển dương lý thuyết cho rằng vạn vật đều xuất sinh từ minh đế. Một khi hành giả trở nên chấp trước cái nhân này, anh ta trở thành quyến thuộc của “ngoại đạo tóc vàng.” Anh ta hợp tác với chúng, không biết khi nào công ty này mới kết liễu. Chẳng biết công ty ấy hữu hạn hay vô hạn nữa?
Mê lầm tánh bồ-đề của Phật, con đường giác ngộ, bỏ mất chánh tri kiến. Anh ta nhận cái chẳng phải là nhân làm nhân. Lẽ ra anh ta không nên điên đảo khi nhận cái nhân này, nhưng anh ta đã chấp lầm. Vì anh ta đã lập nên một cách phi lý các năng nhân và sở nhân ấy. Nên anh ta đã không còn trí tuệ chân chính nữa. Anh ta đã đánh mất trí tuệ đó rồi. Anh ta sẽ về đâu? Nếu quý vị muốn giúp anh ta tìm thấy nơi ấy, quý vị cũng sẽ đánh mất trí tuệ của mình luôn.
D. CẢNH GIỚI CỦA THỨC ẤM
1. CHẤP CÓ NGUYÊN NHÂN CHÂN THƯỜNG
KINH VĂN:
是名第一,立所得心,成所歸果,違遠圓通,背涅槃城,生外道種 .
Thị danh đệ nhất, lập sở đắc tâm, thành sở quy quả, vi viễn viên thông, bối niết-bàn thành, sanh ngoại đạo chủng.
Việt dịch:
Đây là dạng thứ nhất, lập nên tâm sở đắc, thành cái quả sở quy, nên trái xa tính viên thông, ngược hướng niết-bàn, sinh ra hạt giống ngoại đạo.
GIẢNG:
Đây là dạng thứ nhất, lập nên tâm sở đắc
Đây là dạng thứ nhất, cho rằng có một nơi để trở về, do căn cứ trên ý tưởng có điều để chứng đắc.
Tông chỉ đó hoàn toàn sai lầm. Sai điểm nào? Là hành giả nên trái xa tính viên thông, vĩnh viễn xa rời tính viên thông. Những gì hành giả quan niệm đều hoàn toàn trái ngược với việc tu tập “nhĩ căn viên thông” qua công phu “phản văn văn tự tánh ” và “nhập lưu vong sở.” Tại sao? Vì anh ta đã phát khởi sự vọng chấp. Ngược hướng niết-bàn. Nên anh ta đi ngược hướng với thành niết-bàn. Bốn thành phố lớn nhất của niết-bàn là gì? Đó là nơi có đầy đủ bốn đức của niết-bàn: thường-lạc-ngã-tịnh .
Sinh ra hạt giống ngoại đạo.
Do lập nên cái nhân chẳng phải là nhân, hành giả đã dính mắc với tà thuyết ngoại đạo. Do vì thuyết lập ra giống như thuyết Minh Đế của ngoại đạo Ta-tì-ca-la, nên anh ta thành quyến thuộc của chúng.
2. TỰ CHẤP CÓ NĂNG LỰC NHƯNG THẬT SỰ KHÔNG PHẢI NĂNG LỰC
KINH VĂN:
阿難,又善男子,窮諸行空,已滅生滅,而於寂滅,精妙未圓。
A-nan, hựu thiện nam tử, cùng chư hành không, dĩ diệt sanh diệt, nhi ư tịch diệt, tinh diệu vị viên.
Việt dịch:
Lại nữa A-nan, thiện nam tử ấy đã quán sát tường tận tính không của các hành, nên trở lại bản tính của thức, đã chấm dứt sinh diệt rồi, nhưng chưa viên mãn tính tịnh diệu của tịch diệt.
GIẢNG:
Lại nữa A-nan, thiện nam tử ấy đã quán sát tường tận tính không của các hành.
Lại nữa A-nan, hành giả người đang tu tập chánh định quán xét cùng tột tánh không của hành ấm . Hành giả đã quán sát đến mức cùng tột và đạt đến tánh không của hành ấm. Hành ấm hoàn toàn là không đối với hành giả.
Nên trở lại bản tính của thức, đã chấm dứt sinh diệt rồi, nhưng chưa viên mãn tính tịnh diệu của tịch diệt.
Đã diệt hẳn ý niệm cảnh giới sinh diệt, nhưng chưa được tính tinh diệu viên mãn của sự tịch diệt. Anh ta chưa đạt được niềm vui tịch diệt, do vì thức ấm chưa được tiêu dung.
“Thức” và “chân như” có khác nhau tí chút. “Thức” là chủ thể còn có sinh và diệt. Còn “chân như” thì không còn sinh diệt nữa. Ngay bây giờ thức thứ tám vẫn còn tướng sinh diệt nhỏ nhiệm, hòa hợp với chân như vốn không sinh diệt, trở thành “hòa hợp thức.” Là vì cái thức sinh diệt ấy cùng với chân như bất sinh diệt rất gần gũi nhau, cả hai cùng hòa hợp nương nhau mà sinh khởi. Gọi là “hòa hợp thức.” Vì nó chưa đạt được hoàn toàn tinh diệu.
KINH VĂN:
若於所歸,覽為自體,盡虛空界,十二類內所有眾生,皆我身中,一類流出,生勝解者,是人則墮,能非能執,摩醯首羅,現無邊身,成其伴侶。迷佛菩提,亡失知見。
Nhược ư sở quy, lãm vi tự thể, tận hư không giới, thập nhị loại nội, sở hữu chúng sanh, giai ngã thân trung, nhất loại lưu xuất, sanh thắng giải giả, thị nhân tắc đọa, năng phi năng chấp. Ma-hê thủ-la hiện vô biên thân, thành kì bạn lữ. Mê Phật bồ-đề, vong thất tri kiến.
Việt dịch:
Nếu xem nơi trở về chân thật là tự thể của riêng mình, xem mười hai loại chúng sinh cùng khắp cả pháp giới hư không đều từ trong thân mình sinh ra, quyết định cho kiến giải này là đúng, thì người ấy rơi vào cái chấp năng phi năng, thành bè đảng với Ma-hê-thủ-la, thường hiện ra vô biên thân. Do mê muội tánh bồ-đề của chư Phật, nên bỏ mất chánh tri kiến.
GIẢNG:
Hành giả xem nơi trở về chân thật là tự thể riêng của mình.
Nơi thân mà hành giả quay hướng về cũng còn nằm trong vòng sanh diệt của thức thứ tám. Đó chưa phải là tự thể chân thật của mình. Nhưng hành giả cho là như vậy, nên rơi vào một vọng chấp khác đó là xem mười hai loại chúng sinh cùng khắp cả pháp giới hư không, từ loài noãn sinh cho đến loài phi vô tưởng cùng khắp cả pháp giới hư không đều từ trong thân mình sinh ra.
Xem mười hai loại chúng sinh cùng khắp cả pháp giới hư không đều từ trong thân mình sinh ra.
Các ông có biết chúng sinh từ đâu mà có không? Hành giả hỏi: Rồi tự trả lời: “Hoàn toàn từ thân tôi mà ra. Tôi sinh ra tất cả các loài chúng sinh ấy.”
Giống như trước đây có một hành giả đã nói: “Các loài chúng sinh đều là con đẻ của ta cả. Ngay cả chư Phật, chư Bồ-tát, các vị A-la-hán . Ta đều sinh ra những vị ấy, ta có thể sinh ra các vị Bồ-tát và A-la-hán.” Hãy xem kỹ cái thói ngã chấp điên đảo của người này.
Quyết định cho kiến giải này là đúng.
Nếu hành giả quyết định cho kiến giải này là đúng. Anh ta cho kiến giải ấy là thù thắng, nhưng thực ra chẳng phải như vậy. Kiến giải này hoàn toàn căn cứ vào tà kiến nên không thể gọi là thù thắng được. Nếu nó thực sự thù thắng, nó sẽ phù hợp với Phật pháp. Thế nên khi quí vị công phu và đọc kinh Phật, cốt yếu là phải hiểu thật rõ ràng ý kinh.
Thì người ấy rơi vào cái chấp năng phi năng, thành bè đảng với Ma-hê-thủ-la.
Rơi vào chấp trước sai lầm cho rằng mình đạt được một năng lực mà không thực có. Anh ta nói rằng có thể sinh ra tất cả mười hai loài chúng sinh, nhưng thực ra anh ta hoàn toàn không có khả năng như thế. Đó chỉ là sự ước đoán do anh ta tạo ra từ vọng thức của chính mình. Anh ta thực sự không có khả năng ấy, nhưng anh ta trở nên chấp trước vào ý tưởng rằng mình có năng lực ấy. Quý vị ở đây ai có loại vọng chấp này không? Thành bè đảng với Ma-hê-thủ-la.[94]
Ma-hê-thủ-la là vua cõi trời Đại tự tại , là cõi trời cao nhất thuộc Sắc giới, Ma-hê-thủ-la còn gọi là Đại tự tại, vị ấy sinh ra đã có ba con mắt.
Vị này có tám cánh tay, bốn bên phải và bốn bên trái. Những cánh tay phía trước rất thuận lợi để cầm nắm đồ vật. Những cánh tay đằng sau để cầm những vật lấy cắp được. Vì một tay chưa đủ, hai tay vẫn không đủ để lấy và cất giữ vật dụng lấy được, nên ông ta có đến tám tay. Ông ta có thể cầm nắm rất nhiều thứ. Nếu ông đi ra vào công ty bách hóa, tôi chắc là nhân viên bảo vệ canh chừng người ăn cắp hàng hóa sẽ rất khó khăn khi canh chừng vị này, vì ông ta có quá nhiều tay.
Vị này thường cỡi trên trâu trắng, tay cầm phất trần màu trắng. Ông ta dạo chơi khắp nơi rất tự tại. Ông ta nói: “Hãy nhìn xem ta hoàn toàn tự do. Các ông chẳng được như ta, ta đã có được tự tại tuyệt đối.” Đó là lý do tại sao gọi vị này là Đại tự tại .
Thường hiện ra vô biên thân.
Đại tự tại Thiên vương thường hiện ra vô số thân. Vị vua trời này chấp rằng ông ta có thể hiện ra vô số thân, nên ông ta tuyên bố rằng tất cả các loài chúng sinh đều sinh khởi từ ông ta. Nay hành giả cũng đang tu tập pháp môn này. Anh ta cũng có chấp trước như thế. Anh ta cho rằng tất cả mọi loài chúng sinh đều sinh ra từ anh ta. Quý vị hãy nghĩ xem! Làm sao người khi chưa thành Phật mà có khả năng xuất sinh các loại hữu tình? Đây là một loại vọng chấp, anh ta nghĩ là mình có khả năng ấy, trong khi không thực có. Anh ta đã kết quyến thuộc với Đại tự tại Thiên vương và rơi vào cõi trời Đại tự tại.
Do mê muội tánh bồ-đề của chư Phật, nên bỏ mất chánh tri kiến. Mê muội tánh bồ-đề của chư Phật, hành giả đánh mất chánh tri kiến.
Hành giả không nhận ra được sự giác ngộ chân chính, cũng không có trí tuệ chân chính. Thế nên anh ta đọa lạc vào thiên ma ngoại đạo.
KINH VĂN:
是名第二,立能為心,成能事果,違遠圓通,背涅槃城,生大慢天,我遍圓種.
Thị danh đệ nhị, lập năng vi tâm, thành năng sự quả, vi viễn viên thông, bối niết-bàn thành, sanh đại mạn thiên, ngã biến viên chủng.
Việt dịch:
Đây là dạng thứ hai, lập nên cái tâm năng vi, thành cái quả năng sự, trái xa với tính viên thông, ngược với đạo niết-bàn, sinh ra giống Đại mạn thiên, chấp cái ta trùm khắp.
GIẢNG:
Đây là dạng thứ hai, lập nên cái tâm năng vi, thành cái quả năng sự.
Đây là dạng thứ hai lập nên luận về quả vị có thể chứng đắc căn cứ vào ý tưởng mình có một năng lực. Dựa vào ý tưởng mình có năng lực khiến làm xuất sinh các loại chúng sinh, nên nghĩ rằng mình đạt được quả vị dường như trùm khắp viên mãn.
Nên trái xa với tính viên thông.
Những suy nghĩ và việc làm của hành giả đều trái nghịch với pháp môn nhĩ căn viên thông, hướng tánh nghe vào bên trong để nhận ra tự tánh của chính mình (phản văn văn tự tánh ). Trái ngược với đạo niết-bàn. Hành giả cũng đi ngược với đạo lý bất sinh bất diệt.
Ngược với đạo niết-bàn, sinh ra giống Đại mạn thiên, chấp cái ta trùm khắp.
Sinh ra hạt giống Đại mạn thiên, chấp cái ta trùm khắp viên mãn. Rốt cùng, hành giả sẽ bị thọ sinh trong cõi trời Đại mạn. Đó là cõi của đại Tự tại thiên. Đại mạn có nghĩa là xem thường tất cả mọi người và mọi loài, vị này luôn luôn cỡi trâu trắng, có ba mắt, tám cánh tay. Nghĩ rằng mình rất là ưu việt. Cưỡi trâu trắng đi lại một cách tự do, rất tự mãn. Vì vị ấy nghĩ rằng cuộc sống của mình rất là phi thường, nên sinh ra ngã mạn cống cao. Vị ấy tuyên bố: “Ta hoàn toàn trùm khắp cả pháp giới, ta có khả năng thành tựu tất cả mọi việc.”
3. TÀ KIẾN VỀ CÁI KHÔNG PHẢI THƯỜNG MÀ CHO LÀ THƯỜNG
KINH VĂN:
又善男子,窮諸行空,已滅生滅,而於寂滅,精妙未圓。
Hựu thiện nam tử, cùng chư hành không, dĩ diệt sanh diệt, nhi ư tịch diệt, tinh diệu vị viên.
Việt dịch:
Lại nữa thiện nam tử ấy đã quán sát tường tận tính không của các hành, đã chấm dứt sinh diệt rồi, nhưng chưa viên mãn tính tịnh diệu của tịch diệt.
GIẢNG:
Lại nữa thiện nam tử ấy đã quán sát tường tận tính không của các hành, đã chấm dứt sinh diệt rồi, nhưng chưa viên mãn tính tịnh diệu của tịch diệt.
Lại nữa, hành giả người đang tu tập định lực, đã phá trừ được hành ấm .
Quán sát cùng tột tánh không của hành ấm . Đã chấm dứt hẳn ý niệm niệm tưởng sinh diệt. Nhưng chưa được tính tinh diệu, viên mãn của sự tịch diệt. Anh ta chưa hoàn toàn đạt được niềm vui tịch diệt.
KINH VĂN:
若於所歸,有所歸依,自疑身心,從彼流出,十方虛空咸其生起。即於都起,所宣流地,作真常身,無生滅解,在生滅中,早計常住。既惑不生,亦迷生滅。安住沈迷,生勝解者,是人則墮常非常執,計自在天,成其伴侶。迷佛菩提亡失知見。
Nhược ư sở quy, hữu sở quy y, tự nghi thân tâm, tòng bỉ lưu xuất, thập phương hư không, hàm kì sanh khởi. Tức ư đô khởi, sở tuyên lưu địa, tác chân thường thân vô sanh diệt giải, tại sanh diệt trung, tảo kế thường trụ. Kí hoặc bất sanh, diệc mê sanh diệt. An trụ trầm mê, sanh thắng giải giả, thị nhân tắc đọa thường phi thường chấp, kế Tự tại thiên, thành kỳ bạn lữ. Mê Phật bồ-đề, vong thất tri kiến.
Việt dịch:
Nếu lúc quay về, thấy có chỗ sở quy, tự nghi thân tâm mình từ nơi ấy sinh ra, mười phương hư không cũng từ đó sinh khởi. Ngay nơi chỗ sinh ra tất cả đó, cho là cái thể chân thường không sinh diệt, ở trong sinh diệt, vội chấp là thường trụ. Chẳng những mê lầm tánh bất sinh, mà còn mê lầm tánh sinh diệt. Chìm đắm trong mê lầm, mà sanh kiến giải thù thắng, người ấy rơi vào kiến chấp thường phi thường, thành ra bè đảng với Tự tại thiên. Mê lầm tánh bồ-đề của chư Phật, lạc mất chánh tri kiến.
GIẢNG:
Nếu lúc quay về, thấy có chỗ sở quy, tự nghi thân tâm mình từ nơi ấy sinh ra.
Nếu hành giả xem việc quay về của mình như là có một nơi chốn để nương tựa, có một mối nghi ngờ phát sinh trong tâm hành giả, thì hành giả sẽ nghi thân tâm mình từ nơi ấy mà sinh ra, vọng chấp ở trước là chính mình đã sinh ra tất cả các loài chúng sinh. Bây giờ, hành giả nghĩ rằng mình lưu xuất từ nơi mà mình quay về nương tựa.
Mười phương hư không cũng từ đó sinh khởi.
Mười phương hư không cũng từ đó mà sinh khởi. Hành giả có kiến giải rằng nơi sinh ra tất cả là cái thân chân thường, không sinh không diệt.
Nơi đó là nơi nương tựa mà hành giả quay về. Anh ta tuyên bố rằng chẳng còn có gì can dự trong sanh tử. Tại sao anh ta nói như thế? Vì anh ta đã bị nhầm lẫn trong kiến giải cố chấp sai lầm của anh ta.
Ngay nơi chỗ sinh ra tất cả đó, cho là cái thể chân thường không sinh diệt, ở trong sinh diệt, vội chấp là thường trụ.
Trong khi vẫn còn thức là đối tượng trong sinh diệt, mà vội chấp là thường trụ. Hành giả suy đoán rằng thức ấy là vĩnh cửu bất biến.
Chẳng những mê lầm tánh bất sinh, mà còn mê lầm tánh sinh diệt.
Chẳng những hành giả mê lầm tánh bất sinh, mà còn mê lầm cả tánh sinh diệt nữa. Vì hành giả không hiểu được đạo lý bất sinh, nên cũng không được thông suốt đạo lý sinh diệt.
Chìm đắm trong mê lầm. Trở nên chấp trước vào cảnh giới này không rời ra khỏi được. Dụng công tu tập ngay nơi điểm này nên thực sự chìm sâu vào trong mê lầm.
Chìm đắm trong mê lầm, mà sanh kiến giải thù thắng, người ấy rơi vào kiến chấp thường phi thường.
Nếu cho rằng đây là một loại kiến giải thù thắng là rơi vào kiến chấp “cái không thường hằng trở nên thường hằng.” Nếu hành giả cho kiến chấp ấy là đúng đắn, có nghĩa là trên sự chấp trước còn gắn thêm một niệm chấp trước nữa. Trở nên chấp rằng tất cả đều là thường hằng, trong khi nó chẳng phải là chân thường.
Thành ra bè đảng với Tự tại thiên. Mê lầm tánh bồ-đề của chư Phật, lạc mất chánh tri kiến. Không còn trí tuệ chân chánh nữa.
KINH VĂN:
是名第三,立因依心,成妄計果,違遠圓通,背涅槃城,生倒圓種.
Thị danh đệ tam lập nhân y tâm, thành vọng kế quả, vi viễn viên thông, bối niết-bàn thành, sanh đảo viên chủng.
Việt dịch:
Đây là dạng thứ ba, lập nên cái tâm nhân y, thành cái quả vọng kế, trái xa với viên thông, ngược với đạo niết-bàn, sinh ra giống đảo viên .
GIẢNG:
Đây là dạng thứ ba, lập nên cái tâm nhân y.
Dạng thứ ba của ngoại đạo lập nên suy luận sai lầm căn cứ vào ý tưởng cho rằng có nơi để nương tựa.
Thành cái quả vọng kế.
Hành giả lập nên quan niệm có một nơi để nương vào, nên lập thành một thứ vọng chấp về quả.
Trái xa với viên thông, ngược với đạo niết-bàn, sinh ra giống đảo viên .
Nên trái ngược hẳn với đạo niết-bàn, làm sinh khởi quan niệm điên đảo về sự viên mãn (đảo viên ). Anh ta đi ngược với đạo lý viên thông rất xa, trở nên cố chấp vào một quan niệm sai lầm điên đảo về sự viên mãn.
4. TÀ KIẾN VỀ VẬT CÓ TRI GIÁC VÀ KHÔNG CÓ TRI GIÁC
KINH VĂN:
又善男子,窮諸行空,已滅生滅,而於寂滅,精妙未圓。
Hựu thiện nam tử, cùng chư hành không, dĩ diệt sanh diệt, nhi ư tịch diệt, tinh diệu vị viên.
Việt dịch:
Lại nữa thiện nam tử ấy đã quán sát tường tận tính không của các hành, đã chấm dứt sinh diệt rồi, nhưng chưa viên mãn tính tịnh diệu của tịch diệt.
GIẢNG:
Lại nữa thiện nam tử ấy đã quán sát tường tận tính không của các hành, đã chấm dứt sinh diệt rồi, nhưng chưa viên mãn tính tịnh diệu của tịch diệt.
Lại nữa, hành giả quán sát cùng tột tánh không của hành ấm . Đã chấm dứt hẳn ý niệm sinh diệt. Đã chuyển hóa được bản chất, nơi sinh khởi những niệm sinh diệt. Nhưng chưa đạt được tính vi diệu viên mãn của sự tịch diệt.
KINH VĂN:
若於所知,知遍圓故,因知立解,十方草木,皆稱有情,與人無異,草木為人,人死還成,十方草樹。無擇遍知,生勝解者,是人則墮,知無知執。婆吒霰尼,執一切覺,成其伴侶。迷佛菩提,亡失知見。
Nhược ư sở tri, tri biến viên cố, nhân tri lập giải, thập phương thảo mộc, giai xưng hữu tình, dữ nhân vô dị, thảo mộc vi nhân, nhân tử hoàn thành, thập phương thảo thụ. Vô trạch biến tri, sanh thắng giải giả, thị nhân tắc đọa, tri vô tri chấp. Bà-trá, Tiển-ni, chấp nhất thiết giác, thành kì bạn lữ. Mê Phật bồ-đề, vong thất tri kiến.
Việt dịch:
Nếu nơi chỗ hay biết, nhân cái hay biết cùng khắp mà cho rằng tất cả thảo mộc trong khắp mười phương đều gọi là hữu tình, không khác gì người, cây cỏ làm người, người chết trở thành cây cỏ mười phương. Không quyết trạch rõ ràng cái biết cùng khắp này, cho là thắng giải, người ấy rơi vào kiến chấp tri vô tri. Trở thành bè đảng với Bà-tra , Tiển-ni, chấp tất cả đều có tánh biết. Do đó nên mê lầm tánh bồ-đề của chư Phật, lạc mất chánh tri kiến.
GIẢNG:
Nếu nơi chỗ hay biết, nhân cái hay biết cùng khắp mà cho rằng tất cả thảo mộc trong khắp mười phương đều gọi là hữu tình, không khác gì người, cây cỏ làm người, người chết trở thành cây cỏ mười phương.
Căn cứ trên ý tưởng có các biết cùng khắp, hành giả lập nên luận thuyết. Hành giả suy luận từ những điều đã biết được, là có tánh biết cùng khắp, và lập nên kiến giải về điều này. Kiến giải gì? Quý vị cũng như tôi không thể nào tưởng tượng ra nỗi. Anh ta cho rằng tất cả thảo mộc trong khắp mười phương đều là loài hữu tình.
Người Trung Hoa có câu:
“Nhân phi thảo mộc, thục năng vô tình.”
Nghĩa là: “Người chẳng phải là cây cỏ, ai lại vô tình.” Câu này ý nói thảo mộc là loài vô tình. Nhưng ở đây hành giả quyết đoán rằng tất cả các loài thảo mộc đều là hữu tình.
Không khác gì người. Thảo mộc cũng giống như người, nên nó có sự sống.
Thảo mộc có thể trở thành người, khi người chết lại trở thành thảo mộc trong khắp mười phương. Sau khi chết, người trở lại thành thảo mộc.
Không quyết trạch rõ ràng cái biết cùng khắp này, cho là thắng giải, người ấy rơi vào kiến chấp tri vô tri.
Nếu hành giả không quyết trạch rõ ràng tri giải này, vẫn cho là đúng. Anh ta không có trí tuệ chân chính để tuyển trạch lý thuyết về tánh biết cùng khắp này. Anh ta đang tự nỗ lực làm cho kiến giải sai lầm của mình thành một pháp môn kỳ đặc, quái dị.
Thì sẽ rơi vào kiến chấp “tri vô tri.” Anh ta tuyên bố là hiểu được đạo lý này, nhưng thực ra anh ta hoàn toàn vô minh. Anh ta chẳng hiểu biết gì hết, nhưng cứ khăng khăng cho mình hiểu. Anh ta giống như hai đệ tử của ngoại đạo.
Trở thành bè đảng với Bà-tra , Tiển-ni.
Bà-tra [95] tên tiếng Phạn nghĩa là tránh đến gần. Tại sao ông ta có cái tên như thế. Vì ông ta nguyên làm mục đồng. Một hôm vị Hoàng tử con vị vua trị vì thành Tỳ-xá-ly đi dạo chơi ngoài thành, gặp cậu bé chăn cừu. Hoàng tử nằm trên mình cậu bé mục đồng, xem đó như một chiếc giường và ngủ một giấc ngon lành. Việc này làm cho cậu bé chăn cứu rất phấn khích. Trở về nhà báo với mẹ rằng: “Hoàng tử thành Tỳ-xá-ly đã nằm ngủ trên mình con như nằm trên một chiếc giường.” Bà mẹ biết rằng vị Hoàng tử sẽ lên ngôi vua, sẽ có rất nhiều quyền lực. Nên bà mẹ bảo chú mục đồng: “Ngay từ bây giờ, con phải tránh xa Hoàng tử ấy, đừng đến gần ông ta nữa.” Tên Bà Tra có nghĩa là như vậy.
Tiển Ni [96] cũng là tên tiếng Phạn, dịch sang tiếng Hán là “Hữu Quân ” có nghĩa là người thích làm lính tráng và có khí phách của người lính.
Chấp tất cả đều có tánh biết. Hai người này họ tin tưởng rằng mình biết được rất nhiều điều, bây giờ trở thành bạn đồng hành với hành giả này.
Do đó nên mê lầm tánh bồ-đề của chư Phật, lạc mất chánh tri kiến.
No comments:
Post a Comment