Kinh văn:
見且不知明相所在。云何甄明合非合理。
Cái thấy còn chẳng biết tướng sáng ở đâu. Làm sao phân biệt được rõ ràng nghĩa hợp hoặc không hợp?
Giảng:
Cái thấy còn chẳng biết tướng sáng ở đâu. Làm sao phân biệt được rõ ràng nghĩa hợp hoặc không hợp?
Không thể thấy được cái sáng vì tánh thấy không hợp với sáng, thế làm sao mà phân biệt được? Làm sao có thể biết được sự hiện hữu hay vắng mặt của cái sáng?
Kinh văn:
彼暗與通及諸群塞亦復如是。
Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.
Giảng:
“Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.
Đạo lý nầy cũng giống như trường hợp đối với cái tối, cái thông, cái bít.
Kinh văn:
阿難,汝猶未明一切浮塵諸幻化相。當處出生,隨處滅盡,幻妄稱相。其性真為妙覺明體。
A-nan, ông còn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần, ngay đó sinh ra, ngay đó diệt mất. Huyễn vọng nên gọi là tướng, nhưng tánh chân thật vốn là thể giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu.
Giảng:
“A-nan, ông còn chưa rõ.” Có phải ông vẫn còn chưa rõ hay sao? “Tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần”–hết thảy các cảnh giới phù trần bên ngoài– huyễn hóa có nghĩa là không có thực, hóa có nghĩa là dường như có dường như không. Chợt xuất hiện, rồi bỗng dưng diệt mất. Các tướng huyễn hóa là những hiện tượng không thật, quý vị thấy nó dường như đang hiện hữu, nhưng thật sự nó hòan toàn là huyễn hóa.
“Những tướng huyễn hóa nầy ngay đó sinh ra, ngay đó diệt mất.” Nó chẳng sinh khởi từ nơi nào cả. Bất kỳ nơi nào mà nó được hình thành nên, thì cũng nơi ấy là chỗ nó hoại diệt. Sự sinh khởi của các hiện tượng ấy là hư huyễn, sự hoại diệt của chúng cũng là hư huyễn. Chúng sinh khởi trong hư huyễn và hoại diệt trong hư huyễn.
“Huyễn vọng nên gọi là tướng.” Nó có tên gọi là huyễn vọng. Nhưng tánh chân thật vốn là thể giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu. Nó được gọi là hư vọng, nhưng căn nguyên các hư vọng nầy sinh khởi là ở đâu? Cũng vậy, nó lưu xuất từ thể tánh chân thật sáng suốt nhiệm mầu. Nó sinh khởi từ chân tâm của chúng ta. Do từ chân mà khởi vọng,[i] từ hư vọng mà có kiến phần[ii] và tướng phần.[iii] Kiến phần là khả năng thấy. Tướng phần là tất cả các hiện tượng, vật thể, đối tượng của cái thấy. Tướng phần và kiến phần cũng đều lưu xuất từ thể tánh chân thật sáng suốt nhiệm mầu, đều lưu xuất từ chân tâm thường trụ thể tánh thanh tịnh sáng suốt. Nó chẳng đến từ đâu cả.
Kinh văn:
如是乃至五陰六入。從十二處至十八界。因緣和合虛妄有生。因緣別離虛妄名滅。
Như vậy cho đến ngũ ấm, lục nhập, từ thập nhị xứ cho đến thập bát giới, khi nhân duyên hòa hợp thì hư vọng sinh ra, khi nhân duyên tách rời, hư vọng gọi là diệt.
Giảng:
“Như vậy.” Tại sao Như Lai nói rằng các tướng huyễn hóa sinh khởi hư vọng? Đạo lý mà Như Lai đã giảng giải cũng giống như vậy đối với mọi phần loại khác nhau của
ngũ ấm– sắc, thọ, tưởng, hành, thức–lục nhập– có nghĩa là 6 căn , mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý–từ thập nhị xứ– 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cùng với 6 trần: sắc, thanh hương, vị, xúc, pháp– cho đến thập bát giới– 6 căn, 6 trần và 6 thức phát sinh ra do khi căn và trần tiếp xúc nhau: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Sáu căn và 6 trần kết hợp thành 12 xứ, cùng với 6 thức tạo thành 18 giới. Các thứ sắc pháp và tâm pháp nầy, đều do nhân duyên hòa hợp mà hư vọng sinh ra, khi nhân duyên hòa hợp thì hư vọng sinh ra, khi nhân duyên tách rời, hư vọng gọi là diệt. Khi nhân duyên không hòa hợp thì hư vọng diệt mất. Đây là tánh của sinh diệt. Các sắc pháp và tâm pháp nầy đều chỉ biến hiện từ tâm. Nên Đức Phật bảo A-nan: “Thân tâm của ông, đều là vật biến hiện từ trong diệu minh chân tâm.” Lại nữa: “Ông không biết rằng sắc thân của ông, cho đến núi sông, hư không, đất liền đều là vật bao hàm trong diệu minh chân tâm.”
Kinh văn:
殊不能知生滅去來。本如來藏常住妙明。不動周圓妙真如性。性真常中求於去來。迷悟死生了無所得 .
Mà ông chẳng biết sinh, diệt, đến, đi, vốn là Như Lai tạng thường trú sáng suốt nhiệm mầu, là tánh chân như vi diệu tròn khắp, không lay động. Trong tánh chân thường ấy mà cầu những cái đến đi, mê ngộ, sinh tử hoàn toàn không thể được.
Giảng:
Mà ông chẳng biết sinh, diệt, đến, đi, vốn là Như Lai tạng thường trú sáng suốt nhiệm mầu, là tánh chân như vi diệu tròn khắp, không lay động. Trong tánh chân thường ấy mà cầu những cái đến đi, mê ngộ, sinh tử hoàn toàn không thể được.
Tất cả những hiện tượng ấy đều không hiện hữu. Vốn không có một vật nào cả. Khi quý vị chưa nhận ra, thì có đến và đi, có mê và ngộ, có sinh và tử. Nhưng nếu quý vị đã nhận ra chân tâm thường trú rồi, nếu quý vị nhận ra thể tánh chân thật thanh tịnh sáng suốt của chính mình rồi, thì quý vị chấm dứt được mọi sinh diệt hư vọng ấy. Lúc ấy nếu quý vị kiếm tìm những tướng trạng như đến đi, mê ngộ, sinh tử, thì đều không thể thấy. Không thể nào tìm ra những thứ ấy cả.
Kinh văn:
阿難,云何五陰本如來藏妙真如性。
A-nan, tại sao ngũ ấm vốn là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu?
Giảng:
A-nan, tại sao ngũ ấm vốn là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu?
A-nan, Như Lai sẽ giảng rõ cho ông.
Kinh văn:
阿難,譬如有人。以清淨目觀晴明空。唯一精虛,迥無所有。
A-nan, thí như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt.
Giảng:
“A-nan, thí như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt.”
Mắt của A-nan không bị bệnh, không giống như mắt của những người bị một lớp màng bao phủ. A-nan nhìn vào hư không–trong lặng suốt cả nghìn dặm, “A-nan chẳng thấy gì khác ngoài hư không trong lặng.” Chỉ có hư không, ngoài ra không có gì khác nữa. Chẳng có chút mây nào trong đó cả. Trong hư không ấy không còn có một thứ gì khác nữa cả. Như Lai tạng cũng giống như vậy, nếu quý vị thực sự nhận ra thì vốn chẳng có gì khác. Đó là ý của Lục Tổ khi Ngài nói:
Bổn lai vô nhất vật
本 來 無 一 物
Hà xứ nhạ trần ai.
何 處 惹 塵 埃
Xưa nay thể vắng lặng
Đâu có gì trần ai .[iv]
Ví dụ trên cũng như vậy, cũng chính là Như Lai tạng.
Kinh văn:
其人無故不動目睛。瞪以發勞,則於虛空別見狂花。復有一切狂亂非相。
Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt, nhìn lâu phát ra mỏi mệt, nên trong hư không riêng thấy có hoa đốm lăng xăng và tất cả các tướng giả dối không thật.
Giảng:
Người được đề cập ở đây là người có con mắt thanh tịnh đã nói ở trên, họ nhìn thấy hư không trong lặng và thấy trong đó không có một vật nào khác. Trong đó toàn là hư không.
“Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt – nếu mắt người ấy cứ nhìn sững vào hư không mà không lay động– nhìn lâu phát ra mỏi mệt.” Anh ta nhìn trừng trừng vào hư không mà mắt không hề nhấp nháy, nên một lúc lâu sau đó anh ta thấy mỏi mắt. Nên trong hư không riêng thấy có hoa đốm lăng xăng. Sau khi nhìn sững vào hư không một thời gian, anh ta thấy trong đó có những vật lăng xăng– chẳng hạn, những dạng hoa đốm, có nghĩa là những vật không có thật. Tại sao trong đó lại có những hoa đốm lăng xăng? Vì anh ta đã nhìn trừng trừng vào hư không quá lâu nên mắt anh ta sinh ra mỏi mệt, nên thấy có các tướng hoa đốm lăng xăng xuất hiện, cũng như tất cả các tướng giả dối không thật.”
Trong đó không chỉ là các tướng hoa đốm lăng xăng, còn có những vật khác mà trước nay chưa từng thấy. Trong muôn hồng ngàn tía của màu sắc cầu vồng, mọi vật tượng dường như là có nhưng thật ra thì không. Đôi khi thấy đầu con vật trên thân con người, đôi khi lại thấy đầu người trên thân con vật. Nhiều vật tượng phi lý được nhìn thấy trong hư không– vì mắt trở nên mập mờ do nhìn chăm chú quá lâu. Trường hợp nầy được ví như ngũ ấm vậy.
Kinh văn:
色陰當知亦復如是。
Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy.
Giảng:
Bây giờ khi ta nhìn vào mọi vật có hình tướng trên thế gian, chúng ta nghĩ rằng các vật ấy đều là có thật. Thực ra, các vật ấy cũng cùng chung một nguyên lý như ví dụ về người nhìn sững vào hư không quá lâu đến mức “trừng phát lao tướng” và nhìn thấy hoa đốm lăng xăng giữa hư không. Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy.
Kinh văn:
阿難,是諸狂花。非從空來,非從目出。
A-nan, các hoa đốm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra.
Giảng:
A-nan, ông có biết rằng ngũ uẩn cũng chính là Như Lai tạng diệu chân như tánh hay không? A-nan, ông nên biết rằng không chỉ các hoa đốm lăng xăng ấy – mà còn tất cả các tướng huyễn hóa không thật khác – chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra.
Kinh văn:
如是阿難,若空來者。既從空來還從空入。若有出入即非虛空。空若非空自不容其花相起滅。如阿難體不容阿難。
Đúng vậy, A-nan. Nếu từ hư không đến, đã từ hư không đến thì phải trở về với hư không. Nếu có ra có vào tức chẳng phải là hư không. Hư không nếu chẳng không thì chẳng dung chứa được tướng hoa đốm sinh diệt kia. Như thân thể A-nan thì chẳng dung nạp thêm một A-nan nào được nữa.
Giảng:
“Như vậy, A-nan. Cũng như nguyên lý mà Như Lai đac giải thích ở trên. Nếu từ hư không đến, nếu ông cho rằng hoa đốm lăng xăng và tất cả các tướng huyễn hóa không thật phát khởi từ hư không, chúng đã từ hư không đến thì phải trở về với hư không.
Vì nó sinh khởi từ hư không, thì phải trở về với hư không.
Nếu có ra có vào tức chẳng phải là hư không. Nếu các tướng hoa đốm lăng xăng từ hư không mà ra và trở về lại với hư không thì nó chẳng phải là hư không nữa. Hư không được gọi là hư không vì trong đó không có một thứ nào khác cả. Nếu còn có bất kỳ vật gì từ trong ấy sinh ra rồi trở về nhập vào trong ấy thì đó chẳng được gọi là hư không vì vốn chẳng có gì trong hư không cả. Hư không nếu chẳng không thì chẳng dung chứa được tướng hoa đốm sinh diệt kia. Nếu hư không chẳng không, thì các tướng hoa đốm lăng xăng kia chẳng thể nào có nơi chốn để xuất sinh và tiêu trầm.
Như thân thể A-nan thì chẳng dung nạp thêm một A-nan nào được nữa.” Hư không vốn chẳng có một vật nào trong đó cả, nên hoa đốm chẳng lưu xuất từ hư không. Nếu không thì hư không sẽ cho là hư không, cũng giông như thân thể của ông vậy đó A-nan, thân ấy không thể nào chứa thêm một A-nan nào khác nữa cả. Chẳng thể nào có thêm một A-nan nào khác nhập vào thân ông cả, cũng vậy, nếu hư không chẳng không thì nó không thể nào dung chứa được vật.
Kinh văn:
若目出者既從目出還從目入。
Nếu hoa đốm từ mắt mà có, đã từ mắt mà ra thì phải trở về trong mắt.
Giảng:
Có khi ông lại cho rằng vì con mắt nhìn sững quá lâu hóa ra mỏi mệt, nên chính con mắt sinh ra hoa đốm lăng xăng và các tướng huyễn hóa không thật.
“Nếu hoa đốm từ mắt mà có, đã từ mắt mà ra thì phải trở về trong mắt.”
Kinh văn:
即此花性從目出故,當合有見。若有見者去既花空,旋合見眼。若無見者出既翳空旋當翳眼。
Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có, thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu nó thấy được thì khi ra làm hoa đốm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt. Nếu không thấy được, thì khi ra làm mờ hư không và khi trở về phải làm mờ con mắt.
Giảng:
Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có, thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu cho rằng hoa đốm phát sinh từ mắt, thì lẽ ra nó phải có tánh thấy. Nếu nó thấy được – nếu hoa đốm giữa hư không có được tánh thấy thì khi ra làm hoa đốm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt. Khi nó đi ra ngoài, thì lẽ ra chẳng còn hoa đốm nào trong con mắt cả, và khi trở về, thì hoa đốm phải thấy được con mắt. Nếu không thấy được, – nếu khi trở về mà không thấy được mắt, thì khi ra làm mờ hư không và khi trở về phải làm mờ con mắt. Như thể là có một lớp màng che mờ con mắt và như thể lớp màng ấy sẽ biến mất khi hoa đốm đi ra. Nhưng khi nó trở về, nó sẽ che mờ con mắt. Con mắt của quý vị vốn không lưu giữ một vật nào cả, thế khi hoa đốm giữa hư không lui trở về trong mắt quý vị, thì mắt cất giữ hoa đốm vào chỗ nào?
Kinh văn:
又見花時目應無翳。云何晴空,號清明眼。
Lại nữa, khi thấy hoa đốm, lẽ ra mắt không mờ. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng?
Giảng:
Lại nữa, khi thấy hoa đốm, lẽ ra mắt không mờ. Lại nữa, nếu ông cho rằng hoa đốm từ mắt mà ra, thì khi ông nhìn thấy hoa đốm đi ra trong hư không, lẽ ra mắt ông sẽ không bị như có màng che phía trước; sẽ không có gì che mờ cả. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng? Tại sao mắt được gọi là thanh tịnh sáng suốt khi nhìn thấy hư không trong lặng, không có những tướng hoa đốm lăng xăng? Mắt ông được gọi là thanh tịnh sáng suốt vì không có lớp màng che mờ trước nó.
Kinh văn:
是故當知色陰虛妄。本非因緣非自然性。
Do vậy nên biết sắc ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
Do vậy nên biết– từ những điều vừa được giảng giải, ông nên nhận ra rằng sắc ấm vốn là không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, nó không thật sự hiện hữu nhờ vào nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.
Kinh văn:
阿難,譬如有人。手足宴安百骸調適。忽如忘生,性無違順。其人無故以二手掌於空相摩。於二手中,妄生澀滑冷熱諸相。
A-nan, ví như có người, tay chân rảnh rang, thân thể điều hòa, bỗng dưng quên mình vì tâm tánh chẳng có gì chống trái nhau. Người nầy vô cớ xoa hai bàn tay giữa hư không, trong lòng bàn tay vọng sanh các tướng trơn, rít, lạnh, nóng.
Giảng:
“A-nan, ví như có người, tay chân rảnh rang.” Anh ta đang nhàn rỗi, không có việc gì quan trọng phải làm. Thân thể điều hòa– tiếng Hán trong kinh văn là bách hài – 百骸. Có nghĩa là anh ta rất tự nhiên. Bỗng dưng quên mình vì tâm tánh chẳng có gì chống trái nhau. Trong phút chốc như thể anh ta quên mất thân tâm mình đang hiện hữu. Chữ vi 違 trong nguyên bản chữ Hán có nghĩa là sự đau khổ. Chữ thuận 順 trong nguyên bản chữ Hán có nghĩa là sự an vui. Người nầy vô cớ xoa hai bàn tay giữa hư không. Tự nhiên người ấy xoa hai bàn tay của mình giữa hư không, nhưng khi anh ta làm như vậy thì trong lòng bàn tay vọng sanh các tướng trơn, rít, lạnh, nóng. Bàn tay của một số người thì thô ráp, có người thì bàn tay rất mềm mại, như thể có xoa chút dầu, đó là dạng bàn tay mà trong kinh gọi là ‘trơn’. Hoặc là họ có cảm giác lòng bàn tay mình lành lạnh; khi họ xoa bàn tay với nhau thì thấy ấm nóng. Đó đều là những tác dụng của cảm giác. Cảm thọ phát sinh khi quý vị có một niệm tri giác móng khởi trong tâm. Kinh văn nói rằng vô cố [v]: có nghĩa là các tướng trơn, rít, lạnh, nóng đều là hư vọng, không thật.
Kinh văn:
受陰當知,亦復如是。
Nên biết thọ ấm cũng giống như vậy.
Giảng:
Trong ngũ uẩn. Ông nên biết thọ ấm cũng giống như vậy.
Kinh văn:
阿難是諸幻觸。不從空來不從掌出。
A-nan, các cảm xúc không thật ấy, chẳng từ hư không mà đến, cũng chẳng từ bàn tay mà ra.
Giảng:
Ở trên đã nói về sắc uẩn, nay nói về thọ uẩn.
A-nan, các cảm xúc không thật ấy– cảm xúc hư vọng, không thật ấy– chẳng từ hư không mà đến, cũng chẳng từ bàn tay mà ra.
Kinh văn:
如是阿難,若空來者。既能觸掌,何不觸身。不應虛空選擇來觸。
Đúng vậy, A-nan. Nếu từ hư không đến, đã xúc chạm với bàn tay, sao chẳng xúc chạm với thân? Chẳng lẽ hư không biết chọn lựa nơi chốn để xúc chạm?
Giảng:
Đúng vậy, A-nan. Nếu từ hư không đến– nếu xúc giác, cảm thọ đó đến từ hư không, nó đã xúc chạm với bàn tay, sao chẳng xúc chạm với thân? Tại sao cảm thọ đó không đến tiếp xúc với cả toàn thân? Chẳng lẽ hư không biết chọn lựa nơi chốn để xúc chạm? Cơ bản là hư không chẳng có tri giác, hư không chẳng biết chọn lựa bàn tay hay thân thể để mà tiếp xúc. Hư không chẳng có niệm phân biệt ấy. Thế nên cảm thọ chẳng đến từ hư không, cũng chẳng đến từ bàn tay.
Kinh văn:
若從掌出,應非待合。
Nếu nó đến từ bàn tay thì lẽ ra chẳng đợi hai bàn tay hợp lại mới có.
Giảng:
Nếu nó đến từ bàn tay– nếu các cảm giác trơn, rít, lạnh, nóng đều đến từ bàn tay thì lẽ ra chẳng đợi hai bàn tay hợp lại mới có. Nếu các cảm giác đều từ bàn tay mà có, thì lẽ ra không cần phải chờ đến khi hai bàn tay tiếp xúc với nhau trước rồi mới sinh ra cảm giác ấy.
Kinh văn:
又掌出故。合則掌知,離即觸入。臂腕骨髓應亦覺知入時蹤跡。
Lại nữa, nếu (cảm thọ) từ trong lòng bàn tay mà ra thì khi bàn tay hợp lại mới biết có cảm xúc, đến khi hai tay rời nhau thì cảm xúc phải trở vào. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết tung tích khi ra vào của cảm xúc.
Giảng:
Lại nữa, nếu (cảm thọ) từ trong lòng bàn tay mà ra–đây là một giả thiết khác nữa. Nếu cảm thọ xuất phát từ lòng bàn tay, thì khi bàn tay hợp lại mới biết có cảm xúc, thì khi quý vị xoa 2 bàn tay với nhau thì bàn tay mới nhận biết. Đến khi hai tay rời nhau thì cảm xúc phải trở vào. Khi quý vị tách rời hai bàn tay ra, cảm giác xúc chạm lẽ ra phải trở về lại với bàn tay thông qua cánh tay, cổ tay, xương tủy. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết tung tích khi ra vào của cảm xúc. Tại sao cảm xúc ấy vẫn ở bên ngoài mà không biết cảm giác trơn, rít, lạnh, nóng? Sao quý vị không biết được tiến trình của nó, đường của nó đi, và khi nào thì cảm giác ấy đi qua cánh tay?
Kinh văn:
必有覺心,知出知入。自有一物身中往來。何待合知要名為觸。
Còn phải có tâm hay biết, biết khi nó ra, khi nó vào, cho đến phải biết có một vật qua lại trong thân. Đâu cần phải đợi khi hai tay hợp nhau mới gọi là cảm xúc?
Giảng:
Còn phải có tâm hay biết, biết khi nó ra, khi nó vào, cho đến phải biết có một vật qua lại trong thân. Chắc chắn trong tâm phải biết khi nào xúc giác đi ra và khi nào xúc giác trở về, vì đương nhiên là tâm phải biết bất kỳ vật nào đi ra hay đi vào qua đường thân thể. Đâu cần phải đợi khi hai tay hợp nhau – tại sao ông phải đợi đến khi hai bàn tay xoa vào nhau rồi mới biết sự xúc chạm– mới gọi là cảm xúc?
Kinh văn:
是故當知受陰虛妄。本非因緣非自然性
Do vậy nên biết thọ ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
Do vậy nên biết– từ những điều vừa được giảng giải, ông nên nhận ra rằng thọ ấm vốn là không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, nó không thật sự hiện hữu nhờ vào nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.
Kinh văn:
阿難,譬如有人。談說醋梅口中水出。思踏懸崖足心酸澀。想陰當知亦復如是。
A-nan, như có người khi nghe nói đến me chua thì trong miệng nước bọt chảy ra, nghĩ đến khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn. Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy.
Giảng:
A-nan, nay Như Lai tiếp tục nói về tưởng ấm cho ông. Tưởng ấm cũng là tánh Như Lai tạng, cũng là diệu chân như tánh. Hãy xem, chẳng hạn như có người khi nghe nói đến me chua thì trong miệng nước bọt chảy ra. A-nan, tưởng ấm cũng giống như khi có người nghe nói đến me chua thì trong miệng liền tiết ra nước bọt, hoặc là nghĩ đến khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn. Nghĩa là khi đứng trên ngọn núi cao, rất cao, phía dưới núi là một khe núi sâu chừng 10.000 foot; nếu quý vị đứng ngay mỏm đá cạnh bờ vực ấy, thì lòng bàn chân của quý vị sẽ thấy rờn rợn. Thực vậy, không cần phải đi đến nơi bờ vực ấy, chỉ cần nghĩ về nó thôi, một khi sự tưởng tượng đó len vào tâm trí quý vị thì quý vị liền thấy gan bàn chân mình rờn rợn. Cảm giác ấy từ đâu mà có? Nó sinh khởi từ tưởng ấm. Không cần phải ăn me chua, nhưng chỉ cần nghĩ tưởng đến chúng “A! me chua thật là chua!”, quý vị liền chép miệng, và nước bọt trong miệng liền tiết ra. Thế nên người Trung Hoa có câu ngạn ngữ:
Nghĩ đến me chua có thể làm dịu cơn khát
Nhưng bánh vẽ thì không thể làm no bụng.[vi]
Tại sao me chua có thể làm dịu cơn khát? Vì tưởng ấm làm phát sinh loại cảm giác như thế nầy. Vào thời Tam quốc ở Trung Hoa, Tào Tháo thống lĩnh hơn một triệu quân xuất chinh, cách Ch’u Cheng chừng 10 dăm thì quân lính bị lạc đường. Họ không biết hiện mình đang ở đâu và không có nước để uống, không có lương thực để ăn. Họ bị cái khát ám ảnh, cảm thấy mệt mỏi, không thể nào lê bước nổi. Họ hầu như sắp chết khát. Tào Tháo là một viên tướng tinh ranh như cáo, liền truyền lệnh: “Không được dừng nghỉ, phía trước có rừng me. Khi đến đó, mọi người sẽ được ăn me.” Ngay khi ông ta nói đến me, miệng của quân lính liền tiết ra nước bọt, và cơn khát liền được chế ngự. Quân lính bước nhanh để đến rừng me. Hóa ra chẳng có rừng me nào cả, nhưng Tào Thào nhanh trí nói vậy để xoa dịu cơn khát của quân lính.
Kinh văn:
想陰當知亦復如是。
Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy.
Giảng:
Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy.
Nói đến bánh vẽ khiến tôi nhớ một câu chuyện. Một hôm có anh chàng keo kiệt quyết định làm một món quà. Anh ta nói với người bạn mình: “Khi nào đến sinh nhật của anh, tôi sẽ tặng anh một món quà đáng giá 1 đô-la.”
Người bạn kia vốn cũng là một người keo kiệt, liền nói: “Cảm ơn anh rất nhiều! Đến ngày sinh nhật của anh, tôi cũng sẽ tặng anh một món quà.”
Người keo kiệt thứ nhất hỏi: “Thế anh sẽ tặng tôi cái gì?”
“Tôi sẽ tặng anh một cái bánh.”
Nói xong, người keo kiệt thứ hai liền lấy giấy vẽ ngay lên đó cái bánh sinh nhật. “Đây! Xin tặng anh món quà sinh nhật.”
Vào lúc ấy, có một chàng keo kiệt thứ ba cũng đang đứng ở đó, nghe toàn bộ câu chuyện trên, anh ta nói: “Thế cũng còn quá phiền toái. Khi nào đến sinh nhật của anh, tôi sẽ tặng anh một cái bánh sinh nhật lớn như thế nầy nè. Thực vậy. Bây giờ tôi sẽ mô tả cho anh tưởng tượng nó lớn cỡ nào, rồi tôi tặng cái bánh ấy cho anh luôn. Chẳng cần phải mất công vẽ nó ra làm gì!”
Người keo kiệt thứ ba chẳng cần phải tốn một đô-la mới mua được quà, trong khi người thứ hai phải cần vẽ một bức tranh, thế nên anh ta chỉ cần làm một động tác tượng trưng và xem đó như là đã trao tặng bánh sinh nhật rồi.
Kinh văn:
阿難如是醋說。不從梅生非從口入。
A-nan, cái tiếng chua nầy chẳng từ me sinh ra, chẳng phải từ miệng vào.
Giảng:
A-nan, cái tiếng chua nầy chẳng từ me sinh ra, chẳng phải từ miệng vào. Tình trạng trong miệng chảy nước bọt khi nghe nói đến me chua không phải sinh khởi từ me, mà phát xuất từ tác dụng của tưởng ấm.
Kinh văn:
如是阿難,若梅生者。梅合自談,何待人說。若從口入,自合口聞, 何須待耳。若獨耳聞此水何不耳中而出。
Thật vậy A-nan, nếu từ me sanh ra thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Nếu từ miệng mà vào thì tự miệng đã nghe tiếng, đâu cần đến tai nghe. Nếu riêng tai nghe được thì nước bọt nầy tại sao không tiết ra từ lỗ tai ?
Giảng:
Thật vậy A-nan– cũng như trường hợp Như Lai đã trình bày ở trên, nếu từ me sanh ra– nếu miệng tiết ra nước bọt là do me chua thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Trái me tự nó có thể nói được, không cần phải nhờ có người nói thay cho nó. Nhưng trái me không thể nào tự nói được, phải nhờ một người nào khác nói rằng me chua nên miệng người kia mới tiết ra nước bọt. Nếu từ miệng mà vào – nếu phát xuất từ miệng vì nước bọt từ miệng tiết ra– thì tự miệng đã nghe tiếng. Như thế là do miệng đã nghe được ai đó nói về me chua, không phải là do tai đã nghe. Đâu cần đến tai nghe. Đâu cần đợi đến tai nghe, miệng nghe là đủ rồi. Nếu riêng tai nghe được– nếu tánh nghe có tác dụng chỉ khi nào có vật gì đi vào lỗ tai thì nước bọt nầy tại sao không tiết ra từ lỗ tai ? Nếu lỗ tai và miệng không liên quan với nhau gì cả thì khi nghe người ta nói về me chua, lẽ ra nước bọt phải tiết ra từ lỗ tai. Rốt ráo, chính lỗ tai đã nghe. Sự thực về nguyên lý nầy như thế nào?
Kinh văn:
想踏懸崖,與說相類。
Việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy.
Giảng:
Việc nghĩ tưởng – quý vị tưởng tượng mình đang đứng trên một mỏm đá, dưới chân là bờ vực sâu 10.000 foot, chân quý vị run lên, mềm nhũn và thấy gan bàn chân có cảm giác rờn rợn. Có một vị bác sĩ đang học kinh nơi đây. Bác sĩ có đồng ý rằng có sự việc như vậy xảy ra không? Quý vị nên biết tại sao lòng bàn chân có cảm giác rờn rợn trong tình huống như vậy. Không nhất thiết phải đi đến đứng trên bờ vực; chỉ cần quý vị tưởng tượng đến chuyện ấy thôi. “Bây giờ tôi đang đứng trên mỏm đá của bờ vực sâu 10.000 foot, chỉ cần bất cẩn một chút thôi, ta sẽ rơi xuống hố sâu không đáy nầy ngay.” Ngay khi ấy chân của quý vị liền trở nên yếu đi và lòng bàn chân rờn rợn. Người ta thường hay nói về năng lực ám thị. Năng lực ám thị do đâu mà có? Quý vị suy từ chuyện này ra thì sẽ rõ. Thế nên, việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Cũng giống như miệng tiết ra nước bọt khi nghe nói về me chua. Cả hai đều là kết quả của tưởng ấm.
Kinh văn:
是故當知想陰虛妄。本非因緣非自然性
Do vậy nên biết tưởng ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
Nếu tưởng ấm chẳng phải từ nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên, thì rốt ráo tánh của nó là gì?
Đó là tánh Như Lai tạng, là diệu chân như tánh của Như Lai tạng. Do vậy nên biết– ông nên phải biết tưởng ấm không thật. Tưởng ấm, một trong ngũ ấm, là hư vọng, không thật, hư vọng sinh ra rồi hư vọng diệt mất.
Cội nguồn sinh khởi của cái hư vọng nầy là gì? Nó sinh khởi từ trong diệu chân như tánh của Như Lai tạng. Từ chân mà khởi vọng. Thế nên các tướng hư vọng hiện ra. Các lý lẽ về miệng tiết ra nước bọt và lòng bàn chân có cảm giác rờn rợn phát sinh từ đâu? Chúng phát sinh từ hư vọng. Hư vọng từ đâu sinh ra? Nó sinh ra từ diệu chân như tánh của Như Lai tạng. Do vậy nó vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Kinh văn:
阿難,譬如暴流波浪。相續前際後際不相踰越。行陰當知亦復如是。
A-nan, ví như dòng nước chảy mạnh, các làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau.
Giảng:
Trên đã giảng về tưởng ấm. Phần nầy của kinh văn sẽ nói về hành ấm. Trong tiếng Hán, chữ hành - 行 còn đọc là heng. Hành ấm giống như một dòng nước chảy xiết. A-nan, ví như dòng nước chảy mạnh, các làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau. Các ngọn sóng chồm lên phía trước, phía sau vô số các ngọn sóng khác liên tục phủ lên nhau. Khi quý vị nhìn vào sóng, quý vị thấy sóng chồm về bên phải, rồi chồm về bên trái, rồi nghĩ rằng chẳng có ai theo dõi đến chúng, sóng rất có trật tự. Phần lớn, sóng chỉ có một dạng, nhưng ngọn sóng lớn lại phát tán ra thành nhiều ngọn sóng trong cùng một lúc. Những ngọn sóng ấy giống như các niệm tưởng trong tâm của con người. Trong tâm thức, trong thức thứ tám, niệm nầy sinh khởi, niệm khác hoại diệt theo sau các niệm khác dấy khởi. Sự sinh khởi và hoại diệt của các niệm trong tâm thức cũng giống như sóng trên mặt nước. Nó liên tục nối tiếp nhau, ngọn nầy kế tiếp ngọn kia, giống như niệm tưởng trong tâm con người vậy: niệm nầy dừng, niệm khác sinh khởi, niệm kia dừng, liền có niệm kế tiếp nối theo. Một niệm vừa diệt, niệm khác liền sinh, niệm kia vừa sinh, niệm sau liền diệt. Nó liên tục trình hiện như sóng, không bao giờ vượt qua nhau. Ngọn sóng đi sau không bao giờ phủ lên đầu ngọn sóng trước. Cũng vậy, niệm tưởng sau của quý vị không bao giờ phóng vọt lên trước niệm hiện tiền. Thế nên giữa các niệm có một hoạt động rất trật tự, không một chút sai lầm. Mới nhìn qua thấy các ngọn sóng tưởng như không có ranh giới, nhưng thực ra sóng di chuyển từng ngọn từng ngọn rất có trật tự và liên tục không bao giờ dừng nghỉ.
Kinh văn:
行陰當知亦復如是。
Nên biết hành ấm cũng lại như vậy.
Giảng:
Nên biết hành ấm cũng lại như vậy.
Hành ấm, món thứ tư trong ngũ ấm, cũng giống như dòng nước chảy mạnh. Sóng thức trong tâm con người cũng liên tục không dừng nghỉ trong một tiến trình trật tự khiến cho con người chuyển biến trưởng thành từ thiếu niên đến tráng niên, từ trung niên đến già lão, từ già đến chết. Điều nầy tương tự như các ngọn sóng liên tục nối tiếp theo nhau.
Kinh văn:
阿難如是流性。不因空生不因水有。亦非水性非離空水。
A-nan, tánh của dòng nước như vậy chẳng do hư không sinh ra, chẳng phải do nước mà có, cũng chẳng phải tánh nước, cũng chẳng lìa hư không và nước.
Giảng:
A-nan, ông phải nên biết đạo lý nầy là gì. Tánh của dòng nước như vậy, dòng nước dồn theo nhau chảy xiết chẳng do hư không sinh ra. Chẳng phải vì hư không mà có dòng nước chảy xiết; cũng chẳng phải do nước mà có. Mặc dù sóng là ở trong nước, nhưng không phải nhờ nước mà có sóng. Cũng chẳng phải tánh nước– Sóng tự nó chẳng phải là nước – cũng chẳng lìa hư không và nước. Thế thì, nó đến từ đâu?
Kinh văn:
如是阿難,若因空生。則諸十方無盡虛空成無盡流。世界自然俱受淪溺。
Thật vậy, A-nan. Nếu nhân hư không mà sinh thì mười phương hư không vô tận sẽ thành dòng nước vô tận. Thế giới tự nhiên sẽ bị chìm đắm.
Giảng:
A-nan, Như Lai sẽ giải thích cho ông rõ hơn. Tại sao Như Lai nói rằng dòng nước chảy xiết như sóng mòi ấy lại không do hư không sinh ra? Như Lai sẽ nói cho ông rõ. Thật vậy, A-nan. Nếu nhân hư không mà sinh thì mười phương hư không vô tận sẽ thành dòng nước vô tận. Không chỉ trong thế giới nầy mới có hư không, mà khắp cả mười phương cõi nước đều có hư không. Nếu dòng nước chảy xiết như sóng mòi ấy do hư không sinh ra thì vô cùng vô tận hư không trong khắp mười phương cõi nước– hư không thì hòan toàn không có ngằn mé– sẽ trở thành một dòng nước dữ dội. Và, do dòng nước mênh mông dữ dội ấy mà thế giới tự nhiên sẽ bị chìm đắm.
Toàn thể mười thế giới sẽ bị đắm chìm trong cơn đại hồng thuỷ, và mọi loài chúng sinh sống trong đó đều sẽ bị chết đuối.
Kinh văn:
若因水有。則此暴流性應非水。有所有相今應現在。若即水性則澄清時應非水體。
Nếu do nước mà có thì dòng nước nầy tánh nó lẽ ra không phải là nước nữa, và hiện nay có thể chỉ ra tướng của nước và dòng nước khác nhau[vii]. Nếu dòng nước tức là tánh nước thì khi nước trong lặng, sẽ không còn là thể của nước nữa?
Giảng:
Nếu do nước mà có – nếu ông nói rằng do nước mà có dòng chảy xiết vô tận ấy thì dòng nước nầy tánh nó lẽ ra không phải là nước nữa và hiện nay có thể chỉ ra tướng của nước và dòng nước khác nhau. Vốn thể tánh của dòng nước ấy sẽ không phải là nước nữa. Lẽ ra nó phải có một nơi chốn và tướng trạng để hiện hữu. Nhưng dòng nước chảy xiết lại không có một tướng trạng thực sự. Nếu dòng nước tức là tánh nước– nếu ông cho rằng dòng nước chảy xiết chỉ vốn là nước, thì khi nước trong lặng – khi không có sóng – sẽ không còn là thể của nước nữa? Nếu vậy, không có sóng thì sẽ không có nước. Nếu ông cho rằng dòng chảy xiết ấy là nước, thì khi sóng lặng, nước sẽ không còn nữa. Sự thay đổi về tánh chất tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi về thực thể.
Kinh văn:
若離空水。空非有外,水外無流。
Nếu lìa hư không và nước thì hư không vốn chẳng có trong và ngoài; ngoài nước ra vốn chẳng có dòng nước.
Giảng:
Nếu lìa hư không và nước – ông muốn nói rằng dòng chảy ấy tách rời hẳn hư không và nước mà có. Nhưng hư không vốn chẳng có trong và ngoài; ngoài nước ra vốn chẳng có dòng nước. Tách rời khỏi nước thì chẳng có dòng chảy nào cả. Nên nói lìa khỏi nước mà có dòng chảy là không đúng. Ông sẽ cho rằng chẳng lìa (khỏi nước mà có dòng chảy), điều ấy cũng sai luôn. Phân tích rốt ráo, A-nan, ông nói như thế nào về việc nầy? Đó chẳng phải là cái gì hiện hữu do nước hoặc hư không. Cội nguồn của nó là Như Lai tàng diệu chân như tánh.
Kinh văn:
是故當知行陰虛妄。本非因緣非自然性.
Do vậy nên biết hành ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
Do vậy– trước đây ông đã từng cho rằng điều nầy có liên quan đến nhân duyên và tự nhiên. Nay ông nên biết hành ấm không thật– dòng nước chảy xiết vốn là hư vọng, không thực–vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên. Điều nầy đã được trình bày trong phần nói về hành ấm. Cội nguồn của nó vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Nhưng do một niệm vô minh sinh khởi, nên chúng sinh bị mê mờ nên từ chân mà khởi ra vọng. Ông bỏ quên mất cái chân thật mà chạy đuổi theo cái hư giả, do đây nên hết thảy mọi tướng hư vọng trên thế gian được hình thành.
Kinh văn:
阿難,譬如有人,取頻伽瓶。塞其兩孔滿中擎空。千里遠行用餉他國。識陰當知亦復如是
A-nan, ví như có người lấy một cái bình tần già, bịt kín hai đầu lại, trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm, đến cho nước khác. Nên biết thức ấm cũng lại như vậy.
Giảng:
Sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm đã được trình bày, bây giờ sẽ giải thích về thức ấm. Trước hết tôi sẽ tóm lược lại về 4 ấm đầu tiên.
- Sắc ấm đề cập đến những cái có hình tướng, có vật thể. Khi mắt trừng trừng nhìn vào hư không, thì thấy xuất hiện những hoa đốm. Dù những hoa đốm ấy là hư vọng, không có thực, nhưng nó vẫn có hình sắc.
- Thọ ấm là sự tiếp nhận, lĩnh hội. Khi hai bàn tay xoa vào nhau sẽ làm phát sinh các cảm giác thô ráp, trơn mịn, hoặc lạnh, nóng.
- Tưởng ấm đơn thuần là do niệm tưởng. Chẳng hạn, khi tai quý vị nghe ai nói về me chua, rồi quý vị bắt đầu nghĩ tưởng về me. Ngay khi quý vị nghĩ tưởng, thì trong miệng liền tiết ra nước bọt. Đây là kết quả của tưởng ấm. Nghĩ tưởng ở đây có nghĩa là vọng tưởng.
- Hành ấm có nghĩa là sự biến dịch, vận động. Nó không dừng nghỉ. Đầu tiên con người trẻ trung, rồi trở thành trung niên, rồi già và chết. Niệm nầy sinh khởi tiếp theo sau niệm kia diệt mất, niệm nầy nối tiếp niệm kia không dừng nghỉ. Đó là hành ấm.
- Thức ấm có liên quan đến sự phân biệt. Nó nhận rõ sự khác nhau giữa các sự việc; nó xem xét, suy tính, và tìm kiếm sự lợi thế trong mọi hòan cảnh. Chẳng hạn như A-nan, không phát huy công phu tu tập, không có được định lực, nhưng ham thích đa văn, có nghĩa là tìm cầu lợi thế trong hòan cảnh. Sự hoạt dụng của tâm tìm cầu lợi thế trong hòan cảnh là không có thực.
Nay sẽ giảng giải về thức ấm.
A-nan, ví như có người lấy một cái bình tần già. Tần -già[viii] là tiếng Phạn, có nghĩa là tên một loài chim ở Ấn Độ, có tiếng hót rất hay. Nó có thể hót khi đứng bằng một chân. Tiếng hót của nó hay hơn hẳn những loài chim khác nên người ta rất thích nghe. Cái bình nầy có hình dáng như loài chim ấy nên có tên như vậy. Bình nầy có hai lỗ ở hai đầu .
Người trong ví dụ của Đức Phật bịt kín hai đầu lại. Anh ta nút kín hai lỗ ở hai đầu của chiếc bình tần-già lại. Trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm, đến cho nước khác. Một dặm ( lý - 里) của người Trung Hoa tương đương một phần ba hải lý (mile).[ix] Có thể anh ta đi bộ, có thể anh ta đi thuyền. Vào thời ấy, chưa có máy bay, xe hơi hoặc tàu lửa. Ngày nay chúng ta có thể đi được ngàn dặm trong vòng một ngày mà chẳng bận tâm gì cả. Nhưng thời đó, muốn vượt một ngàn dặm thì chỉ bằng cách đi bộ. Anh ta làm gì với hư không trong bình tần-già? Anh ta mang tặng cho nước láng giềng. Quý vị nghĩ xem việc nầy hợp lý chăng?
Nên biết thức ấm cũng lại như vậy.
Thức ấm, tâm phân biệt, cũng giống như câu chuyện cất giữ hư không rồi đem đi xa ngàn dặm tặng cho người khác vậy.
Kinh văn:
阿難如是虛空。非彼方來, 非此方入。
A-nan, hư không nầy chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương nầy vào.
Giảng:
A-nan, hư không nầy chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương nầy vào.
Người kia mang hư không đi tặng, nhưng hư không từ nơi nầy và hư không nơi kia là hai thứ chăng? Vốn là không khác. Hư không chỉ là một thứ. Nếu quý vị nhốt hư không nơi nầy vào trong cái bình rồi mang đi xa ngàn dặm, qua một quốc gia khác rồi đổ nó ra, thì nó sẽ hợp với hư không nơi đó. Có gì khác nhau giữa chúng? Hư không vốn chẳng đến chẳng đi.
Kinh văn:
如是阿難,若彼方來。則本瓶中既貯空去。於本瓶地應少虛空。
Như vậy A-nan, nếu hư không từ phương kia lại, thì trong bình nầy đã đựng hư không đem đi, thì ở chỗ chiếc bình phải thiếu đi một ít hư không.
Giảng:
Như vậy A-nan. Tại sao Như Lai nói hư không chẳng đi từ nơi nầy đến nơi kia? Hư không vốn chẳng đến chẳng đi.
Nếu hư không từ phương kia lại, thì trong bình nầy đã đựng hư không đem đi – trong chiếc bình tần-già, người ấy chứa đầy hư không, rồi đem chiếc bình ấy đi đến một nơi khác– thì ở chỗ chiếc bình phải thiếu đi một ít hư không. Quý vị lấy đi một ít hư không chứa vào trong bình, thế nên hư không ở nơi đó phải bị ít đi, phải không? Nơi quý vị mang chiếc bình có chứa hư không đến thì hư không ở đó có tăng thêm không? Đây là trường hợp làm chuyện vô ích và kiếm chuyện để làm. Thức ấm cũng giống như vậy. Vốn chẳng có việc gì để làm, nó phân biệt bên đông, phân biệt bên tây, phân biệt mọi thứ khác nhau trong mọi tình huống khác nhau. Cũng giống như chuyện nhốt hư không vào trong cái bình rồi mang sang nước khác làm quà.
Kinh văn:
若此方入,開孔倒瓶,應見空出.
Nếu hư không từ phương nầy vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra.
Giảng:
Nếu hư không từ phương nầy vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra.
Nếu hư không có sự đi ra đi vào, nếu ông nói rằng hư không được đem từ nơi nầy đến nơi khác thì ông phải thấy được hư không đi ra khi mở nút và chúc ngược cái bình xuống. Nếu nói không thể thấy được hư không thì hư không chẳng hiện hữu. Nếu ông thấy được hư không thì nó sẽ không phải là hư không. Vì ông không thể nào di chuyển được hư không. Ông không thể nào đem hư không từ nơi nầy đến nơi khác được.
Kinh văn:
是故當知識陰虛妄。本非因緣非自然性.
Do vậy nên biết hành ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
Giảng:
Do vậy– A-nan, do vì điều ấy– ông nên biết hành ấm không thật– nó cũng vậy, hư vọng, không thật–vốn chẳng phải nhân duyên.
Chẳng phải do nhân duyên mà thức ấm hiện hữu– chẳng phải tánh tự nhiên. Cũng chẳng phải do tánh tự nhiên mà thức ấm hiện hữu. Nguồn gốc phát sinh của nó vốn là Như Lai tạng diệu chân như tánh.
HẾT QUYỂN 2
Thích Nhuận Châu
Tịnh thất Từ Nghiêm,
Đại Tòng Lâm.
Hạ an cư, Pl. 2546.
---o0o---
QUYỂN 03
Kinh văn:
復次阿難, 云何六入 本如來藏 妙真如性?
Phục thứ A-nan, vân hà lục nhập bổn Như Lai tàng diệu chân như tánh?
Lại nữa, A-nan, tại sao lục nhập vốn là tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng ?
Giảng:
Ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức đã được giảng rồi. Tất cả năm uẩn ấy đều là biểu hiện của tánh chân như mầu nhiệm từ Như Lai tạng. Nay Đức Phật lại gọi A-nan, “Lại nữa, A-nan, tại sao lục nhập vốn là tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng?”
Tại sao lại nói rằng lục nhập–mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý– đều là tánh chân như mầu nhiệm từ Như Lai tạng? Lục nhập sẽ được phân tích và giải thích dưới đây.
Kinh văn:
阿難, 即彼目精, 瞪 發勞者。兼目與勞, 同是菩提。
A-nan, tức bỉ mục tinh, trừng phát lao giả. Kiêm mục dữ lao, đồng thị bồ đề.
A-nan, như mắt kia nhìn chăm chú lâu khiến cho mỏi mệt. Con mắt và tướng mỏi mệt đều là bồ-đề.
Giảng:
Đức Phật gọi A-nan, “A-nan, như mắt kia nhìn chăm chú lâu khiến cho mỏi mệt.”– Ý nầy đã được giải thích ở trước, là do mắt nhìn sững quá lâu vào hư không khiến cho phát sinh tướng mỏi mệt. Con mắt nhìn trừng trừng mãi quá lâu cũng sinh ra mỏi mệt. “Con mắt và tướng mỏi mệt đều là bồ-đề.” Cả hai tướng biểu hiện (con mắt, tướng mỏi mệt do nhìn) đều không ngoài bồ-đề mà riêng có. Chính ở trong chân tánh bồ-đề mà tướng mỏi mệt phát sinh.
Kinh văn:
瞪發勞相, 因于明暗 二種妄塵, 發見居中。吸此塵象名為見性。此見離彼明暗二塵畢竟無體。
Trừng phát lao tướng, nhân vu minh ám nhị chủng vọng trần, phát kiến cư trung, hấp thử trần tượng, danh vi kiến tánh. Thử kiến ly bỉ minh ám nhị trần, tất cánh vô thể.
Tướng nhìn sững quá lâu hoá ra mỏi mệt nhân nơi sáng tối, phát ra cái thấy từ trong hai thứ vọng trần kia, thu nạp trần cảnh, gọi là tánh thấy. Tánh thấy nầy rời hai trần cảnh sáng tối kia, hoàn toàn không có tự thể.
Giảng:
“A-nan, Tại sao Như Lai bảo rằng chính trong chân tánh bồ-đề mà nhìn sững quá lâu khiến sinh ra mỏi mệt? Ông nên nhớ rằng đó là do tướng nhìn sững quá lâu hoá ra mỏi mệt nhân nơi sáng tối, phát ra cái thấy từ trong hai thứ vọng trần kia”– nó trở nên dính mắc với hai tướng sắc trần là sáng và tối, là hai thứ trần cảnh hư vọng, không thật. Sáng và tối là một phần của không hư nằm phía trước mặt ông. Trong sự hiện hữu của không hư, vọng trần giả dối nầy mà phát sinh ra tánh thấy. “Thu nạp trần cảnh”– tánh thấy nhận lấy hình sắc và tướng của vọng trần đang có trước mặt ông. “Đây gọi là tánh thấy.” Đó là bản chất của cái thấy. “Tánh thấy” nầy không phải là “minh tâm kiến tánh” như thường được đề cập trong Thiền tông. Tánh thấy ở đây chỉ là tính chất cái thấy thông thường của con người. Còn minh tâm kiến tánh có nghĩa là thấy được bản tâm và nhận ra chân tánh của chính mình. Kiến tánh (seeing the nature) trong trường hợp ấy có nghĩa là nhận ra được tánh Phật vốn có trong chính mình. Còn ‘tánh thấy’(seeing-nature) ở đây chỉ là nói đến tính chất của cái thấy thông thường. “Tánh thấy nầy rời hai trần cảnh sáng tối kia.”– Khi tánh thấy (seeing-nature) nầy tách rời hẳn hai tướng trần cảnh sáng và tối kia, thì hoàn toàn không có tự thể.” Nó chẳng có một thực thể nào. Chẳng có gì thực sự hiện hữu.
Kinh văn:
如是阿難,當知是見, 非明暗來, 非於根出,不於空生。
Như thị A-nan, đương tri thị kiến, phi minh ám lai, phi ư căn xuất, bất ư không sinh.
Như vậy, A-nan! phải biết cái thấy đó, chẳng phải do sáng hay tối mà có, chẳng phải từ mắt mà ra, chẳng phải do hư không phát sinh.
Giảng:
“Như vậy, A-nan! phải biết cái thấy đó, chẳng phải do sáng hay tối mà có.” Tánh thấy chẳng đến từ sang, cũng chẳng đến từ tối. “Cũng chẳng phải từ mắt mà ra”– tánh thấy ấy cũng chẳng phải từ con mắt mà có, “cũng chẳng phải do hư không phát sinh.” Nó cũng chẳng phát sinh từ hư không.
[i] . Nguyên văn: Đản do chân khởi vọng 但 由 眞起 妄
[ii] . 見 分; e: the division of seeing.
[iii] . 相分; e: the divison of characteristic.
[iv] . Thích Quáng Hạnh dịch
[v] . Vô cố 無故; e: unknown reason.
[vi] . Vọng mai chỉ khát 望 梅 止 渴.
[vii] . Hòa thượng Duy Lực dịch: ... nước là năng có, dòng nước là sở có, hai tướng khác nhau.
[viii] . Kalaviṅka: Ca-lăng-tần-già
[ix] . 1mile=1600m
No comments:
Post a Comment