Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (17)



Kinh văn:



何以故,若從明來, 暗即隨滅, 應非見暗。若從暗來, 明即隨滅, 應無見明。



Hà dĩ cố? Nhược tùng minh lai, ám tức tuỳ diệt, ưng phi kiến ám. Nhược tùng ám lai, minh tức tuỳ diệt, ưng vô kiến minh.



Sao vậy? Nếu tánh thấy từ sáng đến, thì cái tối phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái tối nữa. Nếu tánh thấy từ tối mà đến, thì cái sáng phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái sáng nữa.



Giảng:



“Sao vậy? Nếu tánh thấy từ sáng mà đến”– Nếu tánh thấy đến từ trần tướng là sáng– “thì cái tối phải theo đó mà biến mất.” Hai trần tướng sáng và tối không hiện hữu đồng thời. Khi cái nầy xuất hiện, thì cái kia biến mất. Nó không thể cùng nhau tồn tại. Nếu ông muốn nói rằng tánh thấy do từ sáng mà có, thì sẽ không còn chút bóng tối nào cả. “Thì lẽ ra không còn thấy được cái tối nữa.” Và như thế tánh thấy sẽ không thấy được tướng của tối. Nhưng thực ra khi có ánh sáng, thì cái thấy lại thấy được cái tối. Thế nên tánh thấy không đến từ sáng, cũng chẳng đến từ tối. “ Nếu tánh thấy từ tối mà đến, thì cái sáng phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái sáng nữa.” Nếu tánh thấy do từ tướng tối mà có, thì sẽ không còn có chút sáng nào cả. Chúng ta sẽ chẳng thể nào thấy được tướng của sáng.



Kinh văn:



若從根生, 必無明暗。如是見精本無自性。



Nhược tùng căn sinh, tất vô minh ám. Như thị kiến tinh bổn vô tự tánh.



Nếu (cái thấy) từ mắt sinh ra, ắt hẳn không có sáng và tối. Thế nên cái thấy vốn không có tự tánh.



Giảng:



Nếu ông nói rằng cái thấy phát xuất từ con mắt, “Nếu (cái thấy) từ mắt sinh ra, ắt hẳn không có sáng và tối.” Nếu (cái thấy) từ mắt phát sinh, thì lẽ ra nó không bao gồm cả hai trần tướng sáng và tối. Theo giải thích nầy, “Thế nên tánh thấy vốn không có tự tánh.” Nếu (cái thấy) đến từ mắt, thì lẽ ra nó phải có thể tánh riêng. Thế nên cái thấy chẳng phải xuất phát từ mắt.



Kinh văn:



若於空出, 前矚塵象, 歸當見根。又空自觀, 何關汝入?



Nhược ư không xuất, tiền chúc trần tượng, quy đương kiến căn. Hựu không tự quán, hà quan nhữ nhập?



Nếu (cái thấy) từ hư không mà ra thì khi nhìn, trước tiên sẽ thấy trần cảnh, khi xoay trở về lại, (cái thấy) phải thấy được con mắt. Còn như nếu tự hư không thấy được thì có quan hệ gì đến nhãn nhập (con mắt) của ông?



Giảng:



“Nếu (cái thấy) từ hư không mà ra”. Giả sử như ông cho rằng cái thấy từ hư không mà ra, thì khi nhìn, trước tiên sẽ thấy trần cảnh.” Nhìn ra phía trước, phải thấy được trần cảnh. “Khi xoay trở về lại, (cái thấy) phải thấy được con mắt. Khi cái thấy quay trở về lại, lẽ ra nó phải thấy được con mắt của ông. Nó thấy được phía trước, sao nó lại không thấy được khi nhìn phía sau? Còn như nếu hư không tự thấy được–Lại nữa, nếu ông cho rằng cái thấy xuất phát từ hư không, nếu hư không tự thấy được hư không, thì có quan hệ gì đến nhãn nhập (con mắt) của ông? Liệu rằng cái thấy ấy có quan hệ gì đến bản tánh của ông? Ông có dính dấp chút nào đến hư không chăng? Thế nên cái thấy chẳng phải xuất phát từ hư không.



Kinh văn:



是故當知, 眼入虛妄。本非因緣, 非自然性。



Thị cố đương tri, nhãn nhập hư vọng. Bổn phi nhân duyên phi tự nhiên tánh.



Thế nên phải biết, nhãn nhập là hư vọng. Vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.



Giảng:



A-nan, thế nên phải biết nhãn nhập, cái đầu tiên trong sáu nhập, tức nhãn căn, con mắt của ông, là hư vọng. Sự phát sinh của nó là hư vọng, giả dối, không thật; và sự hoại diệt của nó cũng hư vọng, giả dối, không thật. Vốn chẳng phải tánh nhân duyên, nó chẳng sinh khởi từ nhân duyên, và sự hoại diệt của nó cũng chẳng dựa vào nhân duyên. Chẳng phải tánh tự nhiên. Nó cũng chẳng xuất phát từ tánh tự nhiên. Nguồn gốc xuất sinh của nó là từ tánh Như Lai tạng.



Kinh văn:



阿難, 譬如有人, 以兩手指, 急塞其耳, 耳根勞故頭中作聲。兼耳與勞同是菩提, 瞪發勞相.



A nan, thí như hữu nhân, dĩ lưỡng thủ chỉ, cấp tắc kỳ nhĩ. Nhĩ căn lao cố, đầu trung tác thanh. Kiêm nhĩ dữ lao, đồng thị bồ đề, trừng phát lao tướng.



A-nan, thí như có người lấy hai ngón tay bít chặt hai lỗ tai, do lỗ tai mỏi mệt nên nghe trong đầu phát ra âm thanh. Cả lỗ tai và cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề, do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.



Giảng:



Nay sẽ nói về nhĩ nhập, tức nhĩ căn. “A-nan, thí như có người”– cơ bản là chẳng có người nào đóng vai như vậy cả. Đức Phật chỉ giả định như là có người – “lấy hai ngón tay bít chặt hai lỗ tai.” Anh ta bịt chặt hai lỗ tai của mình lại. Do lỗ tai mỏi mệt nên nghe trong đầu phát ra âm thanh.” Sau khi quý vị bịt chặt lỗ tai một lúc lâu, quý vị sẽ không còn nghe được âm thanh bên ngoài, nhưng bên trong có cái gì đó rất lùng bùng. Có âm thanh phát ra từ bên trong. Thường thì ta nghe được âm thanh từ bên ngoài, nhưng nay quý vị đã bít chặt tai lại và không nghe được âm thanh bên ngoài nữa, nhưng lại nghe có âm thanh ở bên trong.



Bít chặt tai một hồi lâu cũng giống như ở lâu trong phòng không đi ra và nhìn thấy cảnh vật bên ngoài. Sau một thời gian dài quý vị sẽ thấy rất mỏi mệt, và quý vị thấy muốn ra ngoài đi dạo hoặc thư giãn. Cũng vậy, lỗ tai thường lắng nghe những tiếng phát ra từ bên ngoài. Nếu quý vị không cho nó nghe nữa, nhưng thay vì ngăn không cho nó nghe bên ngoài nữa, thì nó lại lắng nghe vào bên trong. Loại âm thanh gì phát ra trong đầu? Hãy thử làm xem. Bít chặt lỗ tai mình lại vài ngày rồi sẽ biết mình nghe được loại âm thanh gì. Thế là quý vị biết được ngay. Thế nên nay tôi không nói nữa loại âm thanh nào mà người ở trong ví dụ nầy sẽ nghe được. “Cả lỗ tai và cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề.” Tướng mỏi mệt và lỗ tai đều là tánh bồ-đề trong Như Lai tạng. “do chăm chú[i] mà phát ra tướng mỏi mệt.” Chỉ do một niệm vô minh mà làm phát sinh vô số tướng trạng hư vọng, thế rồi ảnh hưởng luôn đến cả chức năng của nhĩ căn.



Kinh văn:



因于動靜。二種妄塵發聞居中。吸此塵象名聽聞性。此聞離彼動靜二塵畢竟無體。



Nhân vu động tĩnh, nhị chủng vọng trần phát văn cư trung. Hấp thử trần tượng, danh thính văn tánh. Thử văn ly bỉ động tĩnh nhị trần tất cánh vô thể.



Nhân nơi động tỉnh, phát ra cái nghe từ trong hai thứ vọng trần, thu nạp trần tướng nầy, gọi là tánh nghe. Tánh nghe nầy rời hai trần tướng động tĩnh kia hoàn toàn không có thật thể.



Giảng:



“Nhân nơi động tỉnh, phát ra cái nghe từ trong hai thứ vọng trần,”– Cái nghe ở trong hai thứ vọng trần động tĩnh nầy. Từ ở trong hai thứ vọng trần động tĩnh ấy mà phát sinh ra tánh nghe– “thu nạp trần tướng nầy.” Hai trần tướng động tĩnh ấy đã khiến cho tánh nghe sinh khởi từ nhĩ căn. Tánh nghe cũng giống như thỏi nam châm hút những miếng kim loại. Những trần tướng nầy là nhiễm ô không thanh tịnh. Tiếng Hán gọi là trần 塵, Tại sao tự tánh mọi người chúng ta lại có nhiễm ô nầy? Tôi sẽ giảng rõ cho quý vị. Là vì mắt nhìn vật tượng rồi đắm chấp những tướng nhiễm ô ấy nên làm cho tự tánh không còn được thanh tịnh. Tai nghe âm thanh và dính mắc với những tướng nhiễm ô ấy nên làm cho tự tánh không còn được thanh tịnh. Tự tánh vốn thanh tịnh, không chút nhiễm ô, nhưng vì tai và mắt dính với những cảnh trần không thanh tịnh, nên tự tánh cũng trở nên bị nhiễm ô.



Trong tiếng Hán, chữ hấp 吸 còn có nghĩa là hít vào, như hút thuốc lá vậy. Khi hút thuốc lá, khói vào trong phổi, dù người thông thường không thấy được bên trong của mình, nhưng thực tế là cổ họng, khí quản, và phổi trở nên bị phủ bởi một lớp nhựa ni-cô-tin. Quý vị có thấy lớp mồ hóng đen khi nạo ống khói bao giờ chưa? Những người hút thuốc lá cũng giống như là cái kho chứa nhựa ni-cô-tin trong phổi vậy. Nhưng vì không có cuộc giải phẩu để phơi bày điều ấy ra, thực ra ruột non ruột già, cổ họng, nội tạng quý vị đều bị phủ bởi nhựa ni-cô-tin nhưng quý vị không thấy. “Thu nạp trần tướng” cũng giống như vậy. Vì quý vị thu nạp trần tướng bên ngoài vào bên trong , nên tự tánh mình cũng bị phủ một lớp nhựa mặc dù quý vị không nhìn thấy được lớp nhựa ấy. Vì tự tánh mình bị nhiễm ô bởi những thứ ấy, bị lớp nhựa đen bao phủ, nên không có ánh sáng. Ngài Thần Hội có bài kệ:



Thân thị bồ-đề thọ



Tâm như minh kính dài



Thời thời cần phất thức



Vật sử nhạ trần ai.



Dịch:



Thân như cây bồ-đề



Tâm như đài gương sáng



Luôn siêng năng lau phủi



Chớ để nhuốm bụi trần.



Bài kệ nầy là một diễn đạt rất hay cho ý trên, nhưng đó không phải là lời của người đã chứng ngộ. Bài kệ nầy nói về giai đoạn ban đầu công phu tu tập để được kiến tánh. Ví công phu tu đạo cũng như lau gương, phải luôn luôn giữ cho gương được sáng. Người tu đạo cũng giống như lau bụi trên gương. Sau khi Đại sư Thần Hội làm bài kệ nầy, Lục tổ Đại sư Huệ Năng đáp lại bằng bài kệ sau:



Bồ-đề bổn vô thọ



Minh kính diệc phi đài



Bổn lai vô nhất vật



Hà xứ nhạ trần ai.



Tạm dịch:



Tánh giác chẳng gốc ngọn



Gương sáng cần chi đài



Xưa nay thể vắng lặng



Đâu có gì trần ai.



Có nghĩa là mọi sự đều phải cẩn trọng. Trong công phu tu đạo, ngài Huệ Năng đã chứng tỏ mình đã chứng ngộ. Khi một hành giả đã được chứng minh là ngộ rồi thì họ không nhất thiết phải làm những việc như trong bài kệ ngài Thần Tú nêu ra nữa. Nhiều người cho rằng bài kệ của ngài Huệ Năng rất hay và bài kệ của ngài Thần Tú thì dở. Nhưng thật ra cả hai bài kệ đều hay. Vì đối với những người hiểu được Phật pháp, thì mọi pháp đều là Phật pháp. Khi quý vị nói pháp cho những người không am hiểu, họ sẽ không nhận ra đó là Phật pháp. Thế nên quý vị phải thẩm sát tường tận đạo lý nầy. Nếu quý vị nhận ra điều nầy, quý vị sẽ nhận ra tất cả mọi điều.



“Đây gọi là tánh nghe”– Khi nhĩ căn thu nạp trần tướng. “Tánh nghe nầy rời hai trần tướng động tĩnh kia”– Nếu tánh nghe nầy tách rời hai trần tướng động tĩnh”– tánh nghe này sẽ hoàn toàn không có thật thể.” Nó chẳng có tự tánh riêng.



Kinh văn:



如是阿難, 當知是聞, 非動靜來。非於根出, 不於空生。



Như thị A-nan, đương tri thị văn, phi động tỉnh lai, phi ư căn xuất, bất ư không sinh.



Như vậy, A-nan! phải biết cái nghe đó, chẳng phải do động hay tĩnh mà có, chẳng phải từ lỗ tai mà ra, chẳng phải do hư không phát sinh.



Giảng:



“Như vậy” nghĩa là trường hợp đang đề cập ở văn trên, là “lỗ tai và tướng mỏi mệt đều là tánh bồ-đề, “do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” “A-nan! phải biết cái nghe đó, chẳng phải do động hay tĩnh mà có,” chẳng phải từ tướng động tĩnh mà tánh nghe kia được phát sinh. “Chẳng phải từ lỗ tai mà ra,” Tánh nghe cũng chẳng đến từ nhĩ căn. “Chẳng phải do hư không phát sinh.” Tánh nghe cũng chẳng đến từ hư không.



Kinh văn:



何以故? 若從靜來, 動即隨滅, 應非聞動。若從動來, 靜即隨滅, 應無覺靜。



Hà dĩ cố? Nhược tùng tĩnh lai, động tức tuỳ diệt, ưng phi văn động. Nhược tùng động lai, tĩnh tức tuỳ diệt, ưng vô giác tĩnh.



Sao vậy? Nếu tánh nghe từ tĩnh mà đến thì cái động phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái động nữa. Nếu tánh nghe từ động mà đến, thì cái tĩnh phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn biết được cái tĩnh nữa.



Giảng:



“Sao vậy? Nếu tánh nghe từ tĩnh mà đến”–Điểm nầy có ý nghĩa hơi giống với tánh thấy đã trình bày ở trên, nhưng quý vị đừng nên bực mình khó chịu. Các đạo lý đều phải được giải thích tường tận từng chi tiết. Đức Phật giảng giải lục nhập rất chi tiết. “Thì cái động phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn thấy được cái động nữa.” Nếu tánh nghe đến từ trạng thái tịnh, thì khi động lẽ ra tánh nghe bị tiêu diệt, sẽ không còn tánh nghe nữa. Nhưng vẫn có tánh nghe khi ở trong trạng thái tịnh, và vẫn có tánh nghe khi ở trong trạng thái động. “Nếu tánh nghe từ động mà đến, thì cái tĩnh phải theo đó mà biến mất, lẽ ra không còn biết được cái tĩnh nữa.” Nếu tánh nghe đến từ trạng thái động, thì lẽ ra phải không còn trạng thái tịnh nữa. Lẽ ra sẽ không nghe được cái tịnh nữa. Nếu tánh nghe đến từ cái tịnh, thì lẽ ra quý vị sẽ không biết gì về cái động nữa. Do vậy, tánh nghe không phát xuất từ hai trần tướng động tĩnh.



Kinh văn:



若從根生, 必無動靜。如是聞體本無自性。



Nhược tùng căn sinh, tất vô động tĩnh. Như thị văn thể bổn vô tự tánh.



Nếu (cái nghe) từ tai sinh ra, ắt hẳn không có động và tĩnh. Thế nên tánh nghe vốn không có tự tánh.



Giảng:



“Nếu (cái nghe) từ tai sinh ra, ắt hẳn không có động và tĩnh.” Hai trần tướng động và tĩnh lẽ ra không còn. “ Thế nên tánh nghe” như đã nói ở trên: “vốn không có tự tánh.” Sao vậy? Nếu nó có một tính chất, lẽ ra nó phải có thể tánh, nhưng quý vị đã không thể nào tìm ra được thể tánh của tánh nghe.



Kinh văn:



若於空出, 有聞成性,即非虛空。又空自聞, 何關汝入。



Nhược ư không xuất, hữu văn thành tánh, tức phi hư không; hựu không tự văn, hà quan nhữ nhập.



Nếu (tánh nghe) từ hư không mà ra, đã có tánh nghe, tức không phải là hư không nữa; còn nếu hư không tự nghe được, thì quan hệ gì đến nhĩ nhập (nhĩ căn) của ông.



Giảng:



“Nếu (tính nghe) từ hư không mà ra –Nếu (tánh nghe) phát sinh từ hư không–tức hư không đã có tánh nghe, tức không phải là hư không nữa.” Giả sử như tánh nghe đến từ hư không. Hư không thì tuyệt nhiên không hay không biết gì cả; hư không vô tri, nên nếu hư không có được tính nghe, thì nó sẽ không còn được gọi là hư không nữa. Do vậy, tánh nghe không phát xuất từ hư không. “ Còn nếu hư không tự nghe được–Còn nếu cho rằng tánh nghe phát sinh từ hư không, thì quan hệ gì đến nhĩ nhập (nhĩ căn) của ông?” Nó có dính dáng gì đến quý vị? Chắc hẳn là chẳng dính dấp gì đến ai cả.



Kinh văn:



是故當知, 耳入虛妄, 本非因緣, 非自然性.



Thị cố đương tri, nhĩ nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Thế nên phải biết nhĩ nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.



Giảng:



“Thế nên phải biết nhĩ nhập là hư vọng. Do vậy, ông phải nên biết nhĩ nhập–dạng thức của tánh nghe– là hư vọng, vì nó vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.” Nó vốn chẳng phải phát sinh từ tính nhân duyên, cũng chẳng phải phát sinh từ tánh tự nhiên.



Kinh văn:



阿難, 譬如有人, 急畜其鼻, 畜久成勞。則於鼻中, 聞有觸冷。因觸分別, 通塞虛實。如是乃至諸香臭氣, 兼鼻與勞,同是菩提 瞪發勞相.



A-nan, thí như hữu nhân, cấp súc kỳ tị, súc cửu thành lao. Tắc ư tị trung, văn hữu xúc lãnh, nhân xúc phân biệt, thông tắc hư thật. Như thị nãi chí chư hương xú khí, kiêm tị dữ lao, đồng thị bồ-đề trừng phát lao tướng.



A-nan, ví như có người bít chặt hai lỗ mũi, bít lâu thành ra mỏi mệt. Trong lỗ mũi nghe có cảm giác lạnh, do cảm giác như vậy mà phân biệt được là thông, là ngăn bít, là rỗng, là đặc; cho đến các mùi hương thơm khí thối, cả cái ngửi cùng tướng mỏi mệt đều là thể tánh bồ-đề, do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.



Giảng:



Mắt và tai đã được giải thích ở trên. Bây giờ sẽ nói về tị nhập. “A-nan,” Đức Phật gọi tên A-nan là để cho A-nan phải đặc biệt chú tâm nghe giảng. “Ông phải hết sức lắng nghe những đạo lí mà Như Lai sắp giảng bày cho ông. Ví như có người–giả sử như có một người. Người ấy làm gì? Anh ta bít chặt hai lỗ mũi.” Anh ta hít mạnh vào, hít thở rất khó khăn. Thông thường chúng ta dùng khứu giác để ngửi mỗi khi có mùi hương xuất hiện, nhưng người nầy đang gặp rất khó khăn khi hít thở qua đường mũi của mình. Anh ta không chỉ bị như vậy trong một lúc, mà phải chịu vậy rất lâu. “Bít lâu thành ra mỏi mệt.” Nếu thở như vậy trong một thời gian lâu, quý vị sẽ thấy mỏi mệt. Lỗ mũi sẽ mỏi mệt. Và khi mỏi mệt thì vọng tưởng sinh khởi. Lỗ mũi sinh khởi nên vọng tưởng. Loại vọng tưởng gì vậy? Có khi nó bảo, “ Hãy ngừng lại đi! Dừng lại đi!” Nhưng người ta không chịu dừng. Thế nên nó phát sinh một cảm giác. Cảm giác gì? “Trong lỗ mũi nghe có cảm giác lạnh.” Thấy hơi thở kéo theo một cảm giác lạnh. Cực kỳ lạnh. “Do cảm giác như vậy mà có sự phân biệt.” Trong hơi thở lạnh ấy, dấy lên sự phân biệt cảm giác hơi thở đi vào lỗ mũi. Phân biệt như thế nào? “Phân biệt được là thông, là ngăn bít.” “A! lỗ mũi tôi bị nhgẹt rồi.” Hoặc là, “Tôi thở được bằng lỗ mũi bên trái nhưng bên phải lại thở không được.” Anh ta bắt đầu dấy lên sự phân biệt. Không có chuyện gì để làm, anh ta tìm việc gì đó để làm, đó là khởi lên những phân biệt như thế. “Là rỗng, là đặc.” Hư 虛ở đây có nghĩa là rỗng, thông suốt; thật 實ở đây có nghĩa là đặc, bế tắc. Anh ta nghĩ rằng: “A! phải chăng mình đang bị cảm lạnh, vì không thể nào thở bằng mũi được?” Anh ta khởi những phân biệt như vậy. “Cho đến các mùi hương thơm khí thối.” Nghĩa của thối–chữ xú 臭 trong tiếng Hán là gì? Nó gồm hai chữ hợp lại, chữ tự 自nghĩa là ta, mình và chữ đại 大nghĩa là lớn; nên thối– xú 臭 được giải thích là “cái ta lớn”. Xem mình rất lớn có nghĩa là thối. Nên chữ xú 臭có nghĩa là “cái ta lớn thối hoắc.” Có người không hiểu được nghĩa của “các mùi hương thơm khí thối.” Tôi sẽ giải thích rõ. Lấy ví dụ như cá, để nó một nơi nào đó rồi chẳng thèm để ý đến nữa, sau một thời gian cá sẽ trở nên ươn thối. Khi nó thối, sẽ sinh ra giòi. Vốn cá là thứ mình ăn được, nhưng khi đã có giòi trong đó rồi thì chẳng ai còn muốn ăn nữa. Đừng nói chuyện ăn, quý vị chỉ cần nghĩ đến sao mà nó bốc mùi quá ghê là đủ khiến mình muốn nôn rồi. Ngay khi có ai đó nói đến me chua thì miệng quý vị liền tiết ra nước bọt, hoặc khi quý vị nghĩ mình đang đứng trên mép vực sâu ngàn dặm thì chân bỗng run run, và gan bàn chân thấy rờn rợn; ở đây cũng giống như vậy, khi nghĩ đến mùi thối, quý vị liền cảm thấy muốn dợn mửa.



Có điều rất lạ: người ở Thượng Hải rất thích ăn những thứ có mùi thối. Họ thích ăn một loại đậu phụ[ii] có mùi thum thủm như phân trong nhà vệ sinh. Quý vị có cho đó là chuyện lạ không? Tôi không có ý giễu cợt người Thượng Hải, nhưng sự thật là như vậy. Tôi đã từng đến Ngũ Đài Sơn, ở tại chùa Fa Yu và chùa P’u T’i, người dân vùng nầy không ăn gì ngoài một thứ đường mía[iii] có mùi thum thủm. Đường vốn được làm ra từ mía, tôi không hiểu tại sao người dân ở đây lại ăn như vậy, nó bốc mùi thối đến tận trời. Tôi vốn chẳng kén ăn. Đối với tôi, thức ăn ngon dở đều như nhau. Khi nó đã thành thực phẩm rồi, tôi chẳng bận tâm kén chọn gì nữa. Nhưng món đường mía có mùi thối đến tận trời ấy thì quá sức, không dễ gì nuốt trôi. Thế nhưng người dân ở đó sẽ không thân thiện với mình nếu mình không ăn thứ đó. Họ thích ăn đường mía, và nếu quý vị không ăn, họ sẽ cho rằng quý vị khinh thường họ. Trên thế giới có rất nhiều thứ để ăn, và mỗi dân tộc lại thích ăn những thứ có những mùi vị khác nhau. Bản tính của người dân mỗi địa phương quý vị đi qua đều khác biệt nhau.



Quý vị chẳng cần bận tâm gì đến những thứ hôi thối nếu như quý vị không có một “cái ta lớn”. Tự xem cái ngã của mình lớn là rất thối, còn thối hơn cả mùi thối của cá và mùi thối của phân cầu. Không còn ai dám gần mình nữa. Sao vậy? Vì không phải quý vị lớn. Mà vì quý vị đã biến mình thành một thứ gì thối hoắc.



Kinh văn:



因于通塞, 二種妄塵, 發聞居中。吸此塵象, 名嗅聞性。此聞離彼通塞二塵,畢竟無體.



Nhân vu thông tắc, nhị chủng vọng trần phát văn cư trung. Hấp thử trần tượng danh khứu văn tánh. Thử văn ly bỉ thông tắc nhị trần, tất cánh vô thể.



Nhân nơi hai thứ vọng trần thông và bít, phát ra cái ngửi ở trong, thu nạp các trần tượng đó, gọi là tánh ngửi. Tánh ngửi đó rời hai thứ vọng trần thông và bít kia, hoàn toàn không có tự thể.



Giảng:



“Nhân nơi hai thứ vọng trần thông và bít”– hai thứ vọng trần thông suốt và ngăn ngại, những tướng không thanh tịnh nầy trở nên lưu hiện, và từ trong sự bất tịnh ấy sinh khởi tánh ngửi. Trong tiếng Hán chữ văn 聞 có hai nghĩa là nghe và ngửi. Ở đây không đề cập đến nghe, chỉ nói đến ngửi. “Thu nạp các trần tượng.” Vì tánh ngửi hấp thu vào cả hai trần tướng thông và bít, “Gọi là tánh ngửi.” Lại nữa, tánh nghe–văn tánh聞性 không có nghĩa là quay cái nghe trở lại để nghe được tự tánh của mình. Tánh nghe–văn tánh聞性 nầy không có nghĩa như Bồ-tát Quán Thế Âm nói: “Phản văn văn tự tánh, đắc thành Vô thượng đạo.[iv]” Ngài lắng nghe tự tánh, và tu tập để được thành tựu Vô thượng đạo. Ngài đạt được nhĩ căn viên thông. Kinh văn đoạn nầy đề cập đến khả năng của khứu giác. “Tánh ngửi đó rời hai thứ vọng trần thông và bít kia, hoàn toàn không có tự thể.” Tách rời hai trạng thái thông suốt và ngăn ngại, tách rời hai thứ vọng trần ấy, cái tánh biết ngửi vốn không có thực thể.



Kinh văn:



當知是聞,非通塞來,非於根出,不於空生。



Đương tri thị văn, phi thông tắc lai, phi ư căn xuất, bất ư không sinh.



Như vậy, A-nan! phải biết cái ngửi đó, chẳng phải từ thông hay bít mà có, chẳng phải do lỗ mũi mà ra, chẳng phải từ hư không phát sinh.



Giảng:



Đoạn nầy có cùng ý nghĩa như điều đã giải thích ở trên. “A-nan! phải biết cái ngửi đó, tánh ngửi ấy, chẳng phải từ thông hay bít mà có.” Chẳng phải từ sự thông suốt và ngăn ngại mà tánh ngửi ấy phát sinh. “Chẳng phải do lỗ mũi mà ra.” Cũng chẳng phải do từ lỗ mũi mà có tánh ngửi. “ Cũng chẳng phải từ hư không phát sinh.” Thế nó do đâu mà có?



Kinh văn:



何以故?若從通來, 塞自隨滅, 云何知塞。如因塞有,通則無聞。云何發明香臭等觸。



Hà dĩ cố, nhược tùng thông lai, tắc tự tuỳ diệt, vân hà tri tắc. Như nhân tắc hữu, thông tắc vô văn. Vân hà phát minh hương xú đẳng xúc?



Sao vậy? Nếu (tánh ngửi) từ cái thông mà đến, thì khi bít, (tánh ngửi) đã tự biến mất rồi, làm sao còn biết được bít. Nếu nhân nơi bít mà có (tánh ngửi), thì khi thông sẽ không còn tánh ngửi. Làm sao biết được các mùi thơm thối?



Giảng:



“Sao vậy? Xuất phát từ đạo lý nào để Như Lai nói rằng tánh ngửi chẳng đến từ thông hay bít, chẳng đến từ lỗ mũi, cũng chẳng do hư không mà phát sinh? Như Lai sẽ giảng giải cho các ông. Hãy lắng nghe. Nếu (tánh ngửi) từ cái thông mà đến, thì khi bít, (tánh ngửi) đã tự biến mất rồi.” Thông và bít là hai trạng thái đối nghịch nhau, thế nên nếu tánh ngửi đến từ trạng thái thông thì trong trạng thái bít sẽ không có tánh ngửi. Tánh ngửi trong trạng thái bít sẽ bị biến mất. “Làm sao còn biết được bít.?” Nếu tánh ngửi trong trạng thái bít không hiện hữu thì làm sao mà biết được có sự ngăn bít? “Nếu nhân nơi bít mà có (tánh ngửi) – nếu tánh ngửi có được là nhờ vào trạng thái ngăn bít, thì khi thông sẽ không còn tánh ngửi. Ông sẽ không thể nào ngửi được nhờ tánh ngửi. Làm sao ông nhận ra được trạng thái thông và trạng thái bít? Do vậy, tánh ngửi chẳng đến từ trạng thái thông cũng như chẳng đến từ trạng thái bít. Ông phải biết rõ bản chất của tánh ngửi. Trong trường hợp đó, làm sao biết được các mùi thơm thối?” Vì tánh ngửi chẳng phải do từ thông hay bít mà có, thì làm sao mà có sự nhận biết các mùi hương thơm thối?



Kinh văn:



若從根生,必無通塞。如是聞體本無自性。



Nhược tùng căn sinh, tất vô thông tắc. Như thị văn thể bổn vô tự tánh.



Nếu (tánh ngửi) từ lỗ mũi sinh ra, hẳn không còn có cái thông cái bít. Nên tánh ngửi như vậy vốn không có tự tánh.



Giảng:



“Nếu (tánh ngửi) từ lỗ mũi sinh ra”– Nếu (tánh ngửi) phát sinh từ lỗ mũi– “Hẳn không còn có trạng thái thông cũng như chẳng đến từ trạng thái bít. “Cái thông cái bít.” Tánh ngửi không còn liên quan gì đến với các trạng thái thông cũng như trạng thái bít. “Nên tánh ngửi như vậy vốn không có tự tánh,” Dù quý vị có muốn giải thích kiểu nào, nó cũng không có tự tánh.



Kinh văn:



若從空出, 是聞自當 迴嗅汝鼻。空自有聞,何關汝入?



Nhược tùng không xuất, thị văn tự đương hồi khứu nhữ tị. Không tự hữu văn, hà quan nhữ nhập?



Nếu (tánh ngửi) do hư không mà ra, thì cái ngửi đó phải xoay trở lại ngửi được lỗ mũi của ông. Lại nếu như hư không tự ngửi được, thì có dính dáng gì đến chỗ thu nạp (tị nhập) của ông?



Giảng:



“Nếu do hư không mà ra” – Nếu tánh ngửi phát sinh từ hư không– “thì cái ngửi đó phải xoay trở lại ngửi được lỗ mũi của ông.” Trước tiên nó phải ngửi được lỗ mũi của ông. “Lại nếu như hư không tự ngửi được, thì có dính dáng gì đến chỗ thu nạp (tị nhập) của ông? ” Lại nữa, còn một cách giải thích khác. Hãy cho rằng giả sử cái ngửi ấy đến từ hư không, thì nó có liên quan gì với lỗ mũi, là chỗ thu nạp (tị nhập) của ông? Hãy suy nghĩ kỹ. Có đạo lý gì trong đó chăng?



Kinh văn:



是故當知, 鼻入 虛妄, 本非因緣, 非自然性.



Thị cố đương tri, tị nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Thế nên phải biết tị nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.



Giảng:



“Thế nên phải biết”– ông phải nên biết bề sâu của đạo lí nầy– tị nhập là hư vọng.” Lỗ mũi, cùng với tánh ngửi phát sinh từ đó, đều là hư vọng, không thật, “Vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.” Vì theo căn để của nó, vốn không được xem đó như là một pháp do nhân duyên sinh. Cũng chẳng phải từ tự nhiên sinh ra. Vậy rốt ráo nó từ đâu sinh ra? Có phải tôi đã giải thích từ trước rồi đó sao? Ngũ uẩn, lục nhập, mười hai xứ, mười tám giới–tất cả đều là tác dụng của tánh giác–đều không ngoài tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. Tất cả đều phát xuất từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. Vì một niệm vô minh vọng động sinh khởi, nên mọi tướng vọng tưởng đều sinh khởi theo, phân ra có cái thấy và cảnh bị thấy. “Cái thấy[v]” là khả năng nhận biết; ‘cảnh bị thấy[vi]’ là những vật tượng có hình dáng, màu sắc mà ‘cái thấy’ nhận biết được. Tất cả đều được tạo ra từ một niệm vô minh của tâm vọng tưởng ban đầu.



Kinh văn:



阿難, 譬如有人。以舌舐吻, 熟舐令勞。其人若病則有苦味。無病之人,微有甜觸。由甜與苦, 顯此舌根。不動之時淡性常在。兼舌與勞同是菩提。瞪發勞相



A-nan, thí như hữu nhân, dĩ thiệt chỉ vẫn, thục chỉ linh lao. Kỳ nhân nhược bệnh, tắc hữu khổ vị, vô bệnh chi nhân, vi hữu điềm xúc. Do điềm dữ khổ, hiển thử thiệt căn, bất động chi thời, đàm tánh thường tại. Kiêm thiệt dữ lao, đồng thị bồ đề, trừng phát lao tướng.



A-nan, ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi sinh ra mỏi mệt. Nếu người đó có bệnh thì thấy có vị đắng, nếu người không bệnh thì thấy có chút vị ngọt. Do những cảm giác ngọt, đắng mà hiện bày tính nếm, còn khi không động (không liếm mép) thì thường thấy tính nhạt. Cả tính nếm và cái mỏi mệt đều là tánh bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.



Giảng:



Trước đây mỗi khi quý vị học kinh, hằng ngày quý vị đều sống cùng với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của mình, nhưng trong mọi thời quý vị đều không biết được những cái ấy từ đâu đến. Ai thử đoán tại sao lại có quá nhiều thứ như thế trong Như Lai tạng?



Như Lai tạng lớn đến chừng nào để có thể chứa được chừng ấy thứ?



Như Lai tạng lớn hơn tất cả mọi thứ, thế nên mới chứa được mọi vật. Nếu nó không lớn hơn tất cả mọi thứ thì nó không thể nào chứa được nhiều đến vậy.



Nó để nhiều thứ như vậy ở đâu?



Hãy phân chia Như Lai tạng ra nhiều ngăn. Quý vị có nhãn nhập, người khác cũng có nhãn nhập; quý vị có nhĩ nhập, người khác cũng có nhĩ nhập; quý vị có tị nhập, người khác cũng có tị nhập; quý vị có thiệt nhập, người khác cũng có thiệt nhập. Nếu tất cả đều trộn lẫn với nhau, thì đến khi cần dùng nó, làm sao quý vị sử dụng nó được? Nếu đơn giản nó gom lại thành một khối, nhưng được phân chia đều nhau để chỗ thu nạp (nhập) của riêng mỗi người đều ở trong một vị trí riêng, thế cần phải có rất nhiều chỗ. Nên nó phải là một khoảng không gian rất lớn. Đó là lí do tại sao tôi nói Như Lai tạng lớn hơn tất cả mọi thứ nên mới chứa trọn được cả mọi vật. Chẳng có thứ gì mà không chứa được trong đó. Bây giờ chúng ta đang ở đâu? Chúng ta đều đang ở trong Như Lai tạng.



Quý vị liền nói: “Tôi chẳng hiểu Như Lai tạng giống như cái gì cả.”



Hằng ngày quý vị đều thấy Như Lai tạng. Nhưng quý vị không nhận ra. Trong mọi động dụng hằng ngày quý vị đều ở trong Như Lai tạng. Những gì mắt quý vị thấy, những gì tai nghe–mọi cái hoàn toàn đều ở trong Như Lai tạng. Quý vị vẫn chưa hình dung Như Lai tạng giống như thế nào. Tô Đông Pha có thơ rằng:



Bất thức Lô sơn chân diện mục



Chỉ duyên thân tại thử sơn trung.



不 識 盧 山 真 面 目



只 緣 身 在 此 山中



Nghĩa là:



Chẳng biết mặt mũi chân thật của Lô sơn như thế nào, vì chính mình đang đứng trên đỉnh Lô sơn.



Tại sao quý vị không thể nào diễn tả được mặt mũi chân thật của Lô sơn? Vì chính quý vị đang ở trên đỉnh Lô sơn, và vì thế nên quý vị không nhìn thấy được Lô Sơn toàn diện. Những gì quý vị nhận biết được đều là sự biểu hiện từ Như Lai tạng. Những ai không hiểu được Phật pháp đều không nhận ra được nghĩa Như Lai tạng như thế nào. Những người như vậy liền báng bổ Phật pháp. Họ nói: “Đạo Phật thường nói đến Như Lai tạng, Như Lai tạng, làm sao mà nó chứa được tất cả mọi thứ. Lòng tham của Đức Phật thật là lớn hơn mọi thứ trên đời. Ông ta gom chứa hầu như hết thảy mọi thứ.” Nhưng đây là một sai lầm. Như Lai tạng không phải là của Đức Phật. Mọi người ai cũng có phần trong đó. Nên loại suy nghĩ trên là một sai lầm.



“A-nan, ví như có người dùng lưỡi liếm mép.” Anh ta dùng lưỡi để liếm mép của mình. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe một chuyện vui. Cũng gần giống như người không có bạn gái, nên anh ta tự hôn mình vậy. Quý vị có tin không? Thật là như vậy! “Liếm mãi sinh ra mỏi mệt.” Anh ta không những chỉ liếm một lần rồi thôi, mà liên tục liếm nhiều lần khiến sinh ra mệt mỏi. “Nếu người đó có bệnh”– Nếu người liếm mép bị bệnh, “thì thấy có vị đắng.” Sau khi liếm mép một hồi lâu, anh ta nhận ra có vị đắng. Người nầy mắc phải bệnh gì? Có khi anh ta bị bệnh tương tư, có nghĩa là anh ta nghĩ về phụ nữ. Thế nên anh ta tự liếm mép mình một hồi lâu và thấy vị đắng. Anh ta thấy rằng: “A! đây chẳng phải là mùi vị hấp dẫn–chẳng thích thú gì.” Quý vị có để ý rằng khi tôi giảng giải Phật pháp thì dường như ít người hiểu được, nhưng khi tôi bắt đầu giảng về những đề tài như thế nầy thì mọi người lại hiểu được ngay!



“Nếu người không bệnh thì thấy có chút vị ngọt.” Những người không bệnh sẽ cảm thấy có hơi chút vị ngọt. “Do những cảm giác ngọt, đắng mà hiện bày tính nếm.” Do hai mùi vị nầy, mà chức năng nếm của cái lưỡi được hiển bày. “Còn khi không động thì thường thấy tính nhạt.” Khi cái lưỡi nằm yên, thường thấy có vị nhạt trên đầu lưỡi. “Vị nhạt” có nghĩa là mọi thứ đều không có hương vị gì cả. “Cả tính nếm và cái mỏi mệt, đều phát xuất từ thể tánh bồ-đề.” Tại sao lưỡi lại trở nên mệt mỏi như vậy? “Chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” Nó xảy ra khi, trong thể tánh bồ-đề, khi có một niệm vọng tưởng dấy lên, kết hợp cùng sự diên trì nên phát sinh ra tướng mỏi mệt.



Kinh văn:



因甜苦淡, 二種妄塵, 發知居中。吸此塵象, 名知味性。此知味性離彼甜苦及淡二塵畢竟無體。



Nhân điềm khổ đàm, nhị chủng vọng trần, phát tri cư trung. Hấp thử trần tượng, danh tri vị tánh. Thử tri vị tánh, ly bỉ điềm khổ, cập đàm nhị trần, tất cánh vô thể.



Nhân hai thứ vọng trần nhạt và ngọt đắng, phát ra cái biết bên trong, thu nạp các trần tượng đó, gọi là tính biết nếm. Tính biết nếm ấy rời hai thứ vọng trần ngọt đắng và nhạt kia, rốt ráo không có tự thể.



Giảng:



“Nhân hai thứ vọng trần nhạt và ngọt đắng, phát ra cái biết bên trong, thu nạp các trần tượng đó, gọi là tính biết nếm.” Ở đây có chữ nếm – vị 味 ở đây, nhưng quý vị có thể cho rằng nó không được xem như là một mùi vị, nên kinh văn chỉ nói, “hai thứ vọng trần”. 'Cải bắp suông luộc trong nước sôi thì chẳng có mùi vị gì.' Nếu người ta không thêm chút muối hay dầu mà chỉ nấu cải bắp trơn với nước lạnh thì nó chẳng có mùi vị gì. Trong cảm giác đắng và ngọt, có tính biết nếm phát sinh và hấp thu lấy hai trần tướng ấy. “Tính biết nếm ấy rời hai thứ vọng trần ngọt đắng và nhạt kia, rốt ráo không có tự thể.” Mặc dù tính biết nếm kia vốn không có mùi vị, song nó sinh khởi từ cảm giác ngọt và đắng, thế nên quý vị cho rằng kia là ngọt, đây là đắng, và đó là lí do tại sao kinh văn đề cập đến “hai thứ vọng trần.” Tách rời khỏi hai thứ vọng trần ấy, tính nếm kia thực sự chẳng có tự thể.



Kinh văn:



如是阿難,當知如是嘗苦淡知, 非甜苦來非因淡有。又非根出, 不於空生。



Như thị A-nan, đương tri như thị thường khổ đàm tri, phi điềm khổ lai, phi nhân đàm hữu. Hựu phi căn xuất, bất ư không sinh.



Thật vậy, A-nan, ông nên biết rằng cái biết đắng, biết nhạt như vậy, không phải từ vị ngọt, vị đắng mà đến; không phải do tính nhạt mà có; chẳng phải từ lưỡi sinh ra, cũng chẳng phải từ hư không phát sinh.



Giảng:



Đoạn nầy có cùng ý nghĩa như điều đã giải thích ở trên. “Thật vậy, A-nan, ông nên biết rằng ”– tính biết nếm như đã giải thích ở trên– “Cái biết đắng, biết nhạt như vậy– khi lưỡi của ông nhận biết mùi vị đắng hoặc nhạt– không phải từ vị ngọt, vị đắng mà đến.” Tính biết nếm ấy không phát xuất từ vị đắng hoặc vị ngọt. “không phải do tính nhạt mà có.” Cũng chẳng phải do vị nhạt mà tính biết nếm kia phát sinh. “Chẳng phải từ lưỡi sinh ra.” Nó cũng chẳng sinh ra từ lưỡi. “Cũng chẳng phải từ hư không phát sinh.”



Kinh văn:



何以故, 若甜苦來, 淡即知滅, 云何知淡。若從淡出,甜即知亡。復云何知甜苦二相?



Hà dĩ cố, nhược điềm khổ lai, đàm tức tri diệt, vân hà tri đàm? Nhược tùng đàm xuất, điềm tức tri vong. Phục vân hà tri điềm khổ nhị tướng?



Sao vậy? Nếu (tính nếm) từ các vị ngọt đắng mà đến, thì khi nhạt, cái biết nếm đã biến mất rồi, làm sao biết được nhạt? Nếu từ cái nhạt mà ra thì khi ngọt, cái nếm đã biến mất rồi, làm sao biết được hai vị ngọt và đắng?



Giảng:



“Sao vậy? Nếu (tính nếm) từ các vị ngọt đắng mà đến”– Nếu tính biết nếm đến từ vị ngọt và đắng– “thì khi nhạt, cái biết nếm đã biến mất rồi.” Sẽ không còn tính biết nếm nữa khi có vị nhạt. “Làm sao biết được nhạt?” Thế thì làm sao người ta nhận biết được vị nhạt? “Nếu từ cái nhạt mà ra”– Nếu tính biết nếm sinh khởi từ vị nhạt– “Thì khi ngọt, cái nếm đã biến mất rồi.” Thì tính biết nếm nhận ra vị ngọt sẽ biến mất. “Làm sao biết được hai vị ngọt và đắng.” Nếu trong thực tế, không có sự nhận biết vị ngọt, thì làm sao nhận biết được cả hai vị ngọt và đắng?



Kinh văn:



若從舌生, 必無甜淡, 及與苦塵。斯知味根本無自性.



Nhược tùng thiệt sinh, tất vô điềm đàm, cập dữ khổ trần. Tư tri vị căn, bổn vô tự tánh.



Nếu (tính biết nếm) do lưỡi sinh ra, hẳn không có những vị ngọt đắng và nhạt, thì cái tính biết nếm ấy vốn không có tự tánh.



Giảng:



“Nếu do lưỡi sinh ra, hẳn không có những vị ngọt đắng và nhạt.” Nếu (tính biết nếm) ấy đến từ lưỡi, thì sẽ chẳng có vị ngọt đắng và nhạt. Tại sao lại không có? Vì chính cái lưỡi vốn không có cái vị ngọt đắng hoặc vị nhạt. “Thì cái tính biết nếm ấy vốn không có tự tánh.” Cái tính biết nếm kia chắc hẳn là không có tự tánh.



Kinh văn:



若於空出, 虛空自味非汝口知。又空自知, 何關汝入?



Nhược ư không xuất, hư không tự vị, phi nhữ khẩu tri. Hựu không tự tri, hà quan nhữ nhập?



Nếu (tính biết nếm) do hư không mà ra, thì hư không tự nếm, chứ không phải lưỡi biết nếm. Lại nữa nếu hư không tự biết, thì có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thiệt nhập) của ông?



Giảng:



“Nếu (tính biết nếm) do hư không mà ra.” Nếu tính biết nếm đến từ hư không, “Thì hư không tự nếm, chứ không phải lưỡi biết nếm.” Tự nhiên hư không sẽ biết được nó nếm cái gì. Nếu tính biết nếm là do từ hư không, thì hư không tự nó sẽ biết được, và miệng ông sẽ không còn nhận biết được nữa. “Lại nữa nếu hư không tự biết”– Nếu hư không tự nó biết được tính biết nếm nầy, “Thì có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thiệt nhập) của ông.” Sẽ chẳng có quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thiệt nhập) của ông cả.



Kinh văn:



是故當知,舌入虛妄, 本非因緣,非自然性.



Thị cố đương tri thiệt nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên phi tự nhiên tánh.



Vậy nên biết rằng thiệt nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.



Giảng:



“ Do vậy, ông nên biết rằng. A-nan, đừng mê mờ nữa; đừng tiếp tục u mê, đừng tiếp tục mê muội. Ông phải biết rằng thiệt nhập là hư vọng.” Nó là một thứ hư vọng. Đừng xem nó như là tánh nhân duyên. Nó “vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.” Cũng vậy, nó phát sinh từ thể tánh bồ-đề, tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.



Kinh văn:



阿難,譬如有人, 以一冷手觸於熱手。若冷勢多熱者從冷。若熱功勝,冷者成熱。如是以此合覺之觸顯於離知。涉勢若成因于勞觸。兼身與勞同是菩提 瞪發勞相



A-nan, thí như hữu nhân, dĩ nhất lãnh thủ, xúc ư nhiệt thủ. Nhược lãnh thế đa, nhiệt giả tùng lãnh; nhược nhiệt công thắng, lãnh giả thành nhiệt. Như thị dĩ thử, hợp giác chi xúc, hiển ư ly tri. Thiệp thế nhược thành, nhân vu lao xúc. Kiêm thân dữ lao đồng thị bồ-đề trừng phát lao tướng.



A-nan, ví như có người dùng bàn tay lạnh chạm bàn tay nóng. Nếu bên tay lạnh thấy lạnh nhiều hơn, thì bên tay nóng sẽ lạnh theo; nếu bên nóng thấy nóng hơn, thì tay bên lạnh cũng thành ra nóng. Như vậy, do cảm xúc nhận biết khi hợp lại này mà rõ được sự nhận biết lúc rời ra. Nếu cái thế chênh lệch hình thành giữa nóng và lạnh, thì do đó mà phát ra tướng mỏi mệt và có cảm xúc. Cả tính biết xúc cảm cùng cái mỏi mệt đều là tính bồ-đề chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.



Giảng:



“A-nan, ví như có người dùng bàn tay lạnh chạm bàn tay nóng. Nếu bên tay lạnh thấy lạnh nhiều hơn”– nếu bên bàn tay này lạnh hơn–“thì bên tay nóng sẽ lạnh theo.” Bàn tay kia đang ấm cũng sẽ bị lạnh theo. “Nếu bên nóng thấy nóng hơn, thì tay bên lạnh cũng thành ra nóng.” Bàn tay lạnh sẽ trở thành ấm. “Như vậy, do cảm xúc nhận biết khi hợp lại này mà rõ được sự nhận biết lúc rời ra.” Sự tiếp xúc của hai bàn tay nóng và lạnh gây nên nhận biết về sự hợp lại. Sự nhận biết về tách rời, được gọi là không có sự xúc chạm được mới được hiển bày. “Nếu cái thế chênh lệch hình thành giữa nóng và lạnh, thì do đó mà phát ra mỏi mệt và có cảm xúc.” Nếu cái ấm và lạnh phát sinh, đó là do sự mỏi mệt như là kết quả từ sự tiếp xúc của hai bàn tay. “Cả tính biết xúc cảm cùng cái mỏi mệt đều là tính bồ-đề.” Thân thể (bàn tay), cùng tính biết xúc chạm đều là thể tính bồ-đề. Do “chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” Đây là trường hợp diên trì, kéo dài quá lâu trong thể tính bồ-đề khiến phát sinh ra tướng mỏi mệt.



Kinh văn:



因于離合, 二種妄塵, 發覺居中。吸此塵象, 名知覺性。此知覺體, 離彼離合, 違順二塵,畢竟無體。



Nhân vu ly hợp, nhị chủng vọng trần, phát giác cư trung, hấp thử trần tượng, danh tri giác tánh. Thử tri giác thể, ly bỉ ly hợp, vi thuận nhị trần, tất cánh vô thể.



Nhân nơi hai vọng trần ly và hợp, phát ra cái hay biết ở bên trong, thu nạp các trần tượng nầy, gọi là tính biết cảm xúc. Tính biết cảm xúc nầy, rời hai vọng trần ly và hợp, trái và thuận kia, rốt ráo không có tự thể.



Giảng:



“Nhân nơi hai vọng trần ly và hợp, phát ra cái hay biết ở bên trong, thu nạp các trần tượng nầy, gọi là tính biết cảm xúc.” Vì có sự ly và hợp – hai loại nhận biết do xúc chạm, là hai thứ vọng trần– nên có một cảm giác phát sinh trong đó, và hai bàn tay của thân bị lôi cuốn vào cảm giác từ hai thứ vọng trần ly và hợp nầy. “Tính biết cảm xúc nầy, rời hai vọng trần ly và hợp, trái và thuận kia, rốt ráo không có tự thể.” “ Trái– khó chịu” là nói đến trạng thái khổ; “thuận–dễ chịu” là nói đến trạng thái vui. Điều mà người ta thích là trạng thái vui. Điều mà người ta không thích là trạng thái khổ. Thế nên tách rời hẳn hai thứ vọng trần ly và hợp, thì tính biết cảm xúc sẽ không có một thể tính căn bản. Nó không có tự thể.



Kinh văn:



如是阿難,當知是覺, 非離合來, 非違順有, 不於根出, 又非空生。



Như thị A-nan, đương trị thị giác, phi ly hợp lai, phi vi thuận hữu; bất ư căn xuất, hựu phi không sinh.



Như vậy, A-nan, ông nên biết cái cảm xúc đó không phải từ cái ly, cái hợp mà đến; không phải từ cái trái, cái thuận mà có; không phải do nơi thân (căn) mà ra, cũng không phải do hư không phát sinh.



Giảng:



“Như vậy, A-nan, từ đây, ông nên biết cái cảm xúc đó không phải từ cái ly, cái hợp mà đến.” Mặc dù nói cảm giác về sự hiện hữu của hai thứ vọng trần ly và hợp, nhưng tính biết cảm xúc đó cũng không do từ ly và hợp. “Không phải từ cái trái, cái thuận mà có; không phải do nơi thân (căn) mà ra”– nó cũng chẳng phát sinh từ căn thân, “cũng không phải do hư không phát sinh.”



Kinh văn:



何以故, 若合時來, 離當已滅, 云何覺離?違順二相亦復如是.



Hà dĩ cố? Nhược hợp thời lai, ly đương dĩ diệt, vân hà giác ly? Vi thuận nhị tướng diệc phục như thị.



Sao vậy? Nếu từ cái hợp mà đến thì khi xa lìa, cái biết đã mất rồi, làm sao biết được sự xa lìa? Với hai tướng trái và thuận kia cũng giống như vậy.



Giảng:



“Sao vậy?” Nghĩa lý như thế nào? “Nếu từ cái hợp mà đến.”– nếu nó nhân cái hợp mà có được tính biết cảm xúc – “thì khi xa lìa, cái biết đã mất rồi.” Khi hai bàn tay tách rời nhau; không còn tính biết cảm xúc nữa, nhưng tính ấy vẫn còn đó. “làm sao biết được sự xa lìa.” Nếu tính biết cảm xúc biến mất khi có sự tách rời, thì tại sao ông lại biết được có sự tách rời? “Với hai tướng trái và thuận kia cũng giống như vậy.” Trạng thái khổ (trái) và vui (thuận) cũng giống như vậy.



Kinh văn:



若從根出, 必無離合, 違順四相, 則汝身知,元無自性。



Nhược tùng căn xuất, tất vô ly hợp, vi thuận tứ tướng, tắc nhữ thân tri, nguyên vô tự tánh.



Nếu (tính biết cảm xúc) từ thân thể mà ra, hẳn không có bốn tướng ly hợp trái thuận, thì tính biết cảm xúc nơi thân của ông vốn không có tự tánh.



Giảng:



“Nếu (tính biết cảm xúc) từ thân thể mà ra– nếu ông muốn nói rằng tính biết cảm xúc từ thân thể mà ra– hẳn không có bốn tướng ly hợp trái thuận.” Làm sao chỉ ra được tính xúc chạm ấy không phát xuất từ thân thể? Nếu đúng như vậy, thì thân thể chắc sẽ không có cách nào để nhận biết sự hợp ly, trái thuận. Nếu vậy thì “tính biết cảm xúc nơi thân của ông”– sự nhận biết của chính ông–“vốn không có tự tánh.” Tánh biết cảm xúc ắt cũng không có tự thể.



Kinh văn:



必於空出。空自知覺, 何關汝入?



Tất ư không xuất, không tự tri giác, hà quan nhữ nhập?



Nếu (tính biết cảm xúc) từ hư không mà ra, thì hư không tự biết, quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thân nhập) của ông?



Giảng:



“ Nếu (tính biết cảm xúc) từ hư không mà ra– còn nếu ông nói rằng tính biết cảm xúc nầy phát sinh từ hư không; thì hư không tự biết, quan hệ gì đến chỗ thu nạp (thân nhập) của ông.” Chắc là tính biết cảm xúc ấy chẳng dính dáng gì đến chỗ thu nạp (thân nhập) của ông. Do mọi tiền đề đều không hợp lý, ta rút ra được kết luận như thế nào?



Kinh văn:



是故當知, 身入虛妄。本非因緣, 非自然性.



Thị cố đương tri, thân nhập hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Vậy nên biết rằng thân nhập là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.



Giảng:



“ Vậy nên biết rằng thân nhập là hư vọng – do vậy A-nan, ông nên biết rằng lãnh vực của thân nhập cũng là hư vọng, không thật, nó vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.” Thân nhập cũng là phát sinh từ trong chân tánh bồ-đề mầu nhiệm.



Kinh văn:



阿難,譬如有人, 勞倦則眠, 睡熟便寤。覽塵斯憶, 失憶為忘。是其顛倒,生住異滅。吸習中歸,不相踰越, 稱意知根。兼意與勞 同是菩提, 瞪發勞相.



A-nan, thí như hữu nhân, lao quyện tắc miên, thụy thục tiện ngộ; lãm trần tư ức, thất ức vi vong. Thị kỳ điên đảo, sinh trụ dị diệt, hấp tập trung quy, bất tương du việt. Xưng ý tri căn. Kiêm ý dữ lao đồng thị bồ-đề trừng phát lao tướng.



A-nan, ví như có người mệt nhọc thì ngủ, ngủ rất sâu rồi thức dậy, nhìn trần cảnh để nhớ lại (những gì đã hiện ra trong giấc ngủ), những gì không nhớ được thì gọi là quên. Các thứ sinh trụ dị diệt điên đảo đó, quen thói thu nạp vào bên trong mà không lẫn lộn nhau. Đó gọi là ý căn. Cả ý căn cùng cái mỏi mệt đều là thể tính bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.



Giảng:



“A-nan, ví như có người mệt nhọc thì ngủ.” Anh ta quá mệt và muốn ngủ. “Ngủ rất sâu rồi thức dậy, nhìn trần cảnh để nhớ lại (những gì đã hiện ra trong giấc ngủ), những gì không nhớ được thì gọi là quên.” Khi thức dậy, anh ta nhìn cảnh trần trước mặt mình, anh ta cố gắng nhớ lại những cảnh đã diễn ra trong khi ngủ và không thể nào nhớ được một số cảnh khác vì anh ta đã quên. “Các thứ sinh trụ dị diệt điên đảo đó,”– đây là các thứ điên đảo trong dòng tâm thức, là bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt. Lấy chuyện đi ngủ làm ví dụ: Khi nghĩ đến việc ngủ là sinh, ngủ thực sự là trụ, trạng thái sắp tỉnh giấc gọi là dị, tỉnh giấc và không còn muốn ngủ nữa gọi là diệt. Thế nên ngay trong việc ngủ cũng đã có đủ là bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt. Đối với niệm tưởng của con người cũng có sinh, trụ, dị, diệt. Suy nghĩ ban đầu về điều gì đó gọi là sinh, thực sự đang nghĩ về điều gì đó và sự theo đuổi vọng tưởng mà mình đã chú ý gọi là trụ, khi suy nghĩ về điều ấy sắp xong gọi là dị, khi không còn suy nghĩ về điều ấy nữa gọi là diệt. Chỉ ngay trong một niệm cũng có đủ bốn tiến trình. Một khi quý vị quán sát thật kỹ sẽ thấy Phật pháp vô cùng vô tận. Hãy lấy việc gọi điện thoại làm thí dụ: Sinh là khi chuông diện thoại reo, trụ là khi quý vị đang nói chuyện qua diện thoại, dị là khi sắp sửa chấm dứt cuộc điện đàm, diệt là khi cuộc nói chuyện đã xong. Đối với mọi thứ, bất luận là gì, đều có đủ bốn tiến trình sinh, trụ, dị, diệt.



Trong mạng sống của con người, cũng có đủ bốn tiến trình sinh, trụ, dị, diệt. Sự ra đời là sinh, giai đoạn sống nơi trần gian là trụ, bệnh tật là dị, và chết là diệt. Thế con người có trở thành hư vô sau một tiến trình sinh, trụ, dị, diệt không? Không. Sinh mạng trong đời sống tương lai cũng vẫn chi phối theo tiến trình sinh, trụ, dị, diệt. Trong đời sống tương lai, môi trường thay đổi, nhưng vẫn có tiến trình sinh, trụ, dị, diệt. Thế nên sinh, trụ, dị, diệt là một ý niệm rất quan trọng trong Phật pháp. Hầu như mọi vật đều có thể được dùng để minh hoạ cho nguyên lý nầy. Cái bàn nầy là một ví dụ khác. Khi những miếng gỗ nầy được xẻ ra, nó đã được dự tính dùng để làm nên cái bàn, đó gọi là sinh, khi đã làm thành cái bàn rồi gọi là trụ, nó sẽ chẳng luôn luôn tồn tại mãi như hiện giờ. Sau một thời gian dài sử dụng nó sẽ hư hoại từng phần, đó gọi là dị, một khi đã bị rời ra từng phần thì không thể dùng được nữa, nó sẽ bị đem đốt, đó là diệt.



Thế giới cũng trải qua bốn tiến trình sinh, trụ, dị, diệt. Thế giới trải qua một thời gian rất dài trong quá trình sinh. Phải qua một thời gian 20 tiểu kiếp cho tiến trình sinh thành thế giới. Giai đoạn trụ gồm 20 tiểu kiếp. Nó trải qua giai đoạn biến dịch trong 20 tiểu kiếp, và quá trình hoại diệt thành không trong 20 tiểu kiếp. Đó là tiến trình thành, trụ, hoại, không của thế giới, cũng tương tự như tiến trình sinh, trụ, dị, diệt.



Một kiếp gồm bao nhiêu năm?



Một kiếp gồm 139.600 năm.[vii] Một ngàn kiếp bằng một tiểu kiếp, Hai mươi tiểu kiếp bằng một trung kiếp. Bốn trung kiếp bằng một đại kiếp. Một tiến trình thành, trụ, hoại, không kéo dài trong một đại kiếp. Kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử của mình chỉ dò lui được đến chừng vài ngàn năm– ngay cả không được một kiếp. Tầm hiểu biết của chúng ta rất nhỏ nhoi. Kiếp, cũng vậy, có đủ các tiến trình thành, trụ, hoại, không – sinh, trụ, dị, diệt.



“Quen thói thu nạp vào bên trong.” Tâm thức thu nạp các trần tướng sinh, trụ, dị, diệt, trong khi đang ngủ. Những tướng trạng nầy xuất hiện trở lại trong bộ nhớ của con người, “mà không lẫn lộn nhau.” Tiến trình sinh, trụ, dị, diệt của niệm tưởng trong tâm thức hoàn toàn giống như sóng trong nước.



“Đó được gọi là ý căn.” Trong sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nay ý được đề cập. “Cả ý căn cùng cái mỏi mệt đều là thể tính bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.” Đây cũng là sự chăm chú, tính diên trì trong chân tánh bồ-đề khiến phát sinh ra tướng mỏi mệt.






[i] . Chữ Trừng 瞪bản Hán, Bản tiếng Anh dùng chữ Monotony: có nghĩa là trạng thái đều đều, đơn điệu, buồn tẻ. Chữ Trừng 瞪trong văn Hán có nghĩa là: giương mắt, trừng mắt, trợn mắt, trơ mắt, trố mắt, lườm, nhìn chòng chọc. Nên tạm dịch sát theo chữ Trừng 瞪 với nghĩa “chăm chú.”




[ii] . e: bean curd; như món chao của người Việt Nam.




[iii] . e: sugar cane; Hán: 甘 蔗 cam giá .




[iv] . Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 6.




[v] . năng kiến.




[vi] . sở kiến.


[vii] . Theo nguyên bản tiếng Anh, chúng tôi chưa rõ căn cứ trên cơ sở nào để tính. Chỉ xin chú thích thêm: Kiếp



劫 (刧); C: jié; J: kō; S: kalpa; P: kappa; dịch trọn âm là Kiếp-ba (劫 波);



Một khái niệm Phật giáo nhằm chỉ một thời gian rất dài. Một thời kiếp được biểu diễn như sau: cứ trăm năm có người dùng một tấm khăn lụa chùi một khối đá lập phương mỗi bề một dặm (1,6 km = 1dặm), thì lúc khối đá mòn hết, đó là một kiếp. Mỗi kiếp có bốn giai đoạn sinh, thành, hoại, diệt của các thế giới. Trong giai đoạn sinh thành của thế giới, sinh vật bắt đầu sinh sôi nẩy nở. Trong giai đoạn hai, các thiên thể (mặt trời, mặt trăng) được sinh ra, sinh vật phát triển và bắt đầu có dạng đời sống xã hội. Trong giai đoạn hoại diệt, các yếu tố lửa, nước và gió phá hủy toàn bộ thế giới.



Bốn giai đoạn nói trên hình thành một đại kiếp (s: mahākalpa), mỗi đại kiếp gồm 20 tiểu kiếp hợp lại. Mỗi tiểu kiếp lại được chia ra thành những thời kì sắt, đồng, bạc, vàng. Trong thời gian một tiểu kiếp thành hình, thọ mệnh của con người cứ kéo dài thêm, cứ mỗi trăm năm thêm một tuổi, cho đến lúc con người thọ 84000 năm. Thân thể con người cũng cao lớn đến 8400 thước. Trong giai đoạn hoại diệt của một tiểu kiếp, đó là giai đoạn của chiến tranh, bệnh dịch, thiếu ăn lan tràn, thì thọ mệnh con người ngắn dần, chỉ còn 10 năm. Thân người lúc đó chỉ còn một thước. Do vậy một kiếp là [(84000-10)100]x2=16.798.000 năm.

No comments:

Post a Comment