Kinh văn:
阿難,吾今為汝。以此二事進退合明。
A-nan, nay Như Lai vì ông lấy hai việc đó, kết hợp lui tới để chỉ rõ.
Giảng:
Sợ rằng A-nan không chú ý, nên Đức Phật lại gọi ông lần nữa. “A-nan, nay Như Lai vì ông lấy hai việc đó, kết hợp lui tới để chỉ rõ. Như Lai sẽ so sánh nhân duyên của hai sự kiện, kết hợp trước sau để diễn tả với nhau. Hai sự kiện là chỉ cho người mắt nhặm thấy có quầng sáng quanh đèn, và toàn thể người dân trong nước thấy mọi thứ hiện tượng không lành và ác duyên mà người ở nước kia không thấy. Như Lai sẽ so sánh những nguyên lý khác nhau nầy để chỉ cho ông được rõ hơn.
Kinh văn:
阿難,如彼眾生別業妄見。矚燈光中所現圓影,雖現似境。終彼見者目眚所成。例汝今日以目觀見山河國土及諸眾生。皆是無始見病所成。
A-nan, như biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh kia, thấy nơi đèn có quầng sáng hiện ra, tuy giống như là cảnh, nhưng cái thấy đó rốt ráo là do mắt nhặm mà thành. Giống như ông hôm nay dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sinh, đều do cái thấy bị bệnh từ vô thuỷ mà thành.
Giảng:
Đức Phật lại gọi A-nan một lần nữa.
A-nan, như biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh kia: những chúng sinh đã đề cập ở văn trước, có biệt nghiệp riêng khiến họ thấy những hiện tượng vốn không có thật. Như chúng ta đã nghe giải thích từ trước, thấy nơi đèn có quầng sáng hiện ra, tuy giống như là cảnh. Họ thấy có quầng sáng hiện ra quanh đèn, như thể đó là cảnh thật,
nhưng cái thấy đó rốt ráo là do mắt nhặm mà thành. Nhưng khi quý vị tham cứu giáo lý nầy thật sâu xa, sẽ thấy ra rằng người thấy quầng sáng quanh đèn là do mắt mình bị nhặm và đó cũng là nguyên do anh ta thấy bóng (mặt trăng).
Kinh văn:
眚即見勞,非色所造。然見眚者終無見咎。
Mắt nhặm tức cái thấy lao nhọc, không phải do màu sắc tạo ra. Song người biết được mắt nhặm thì cái thấy của họ không bị lầm lỗi.
Giảng:
Mắt nhặm tức cái thấy lao nhọc. Mắt bị bệnh nhặm, nên trong cái thấy có một cái thấy sai lầm sinh khởi. Cái thấy sai lầm là sự lao nhọc, mệt mỏi của cái thấy. Không phải do màu sắc tạo ra. Thực ra nó không phải là cảnh tượng có thực trước mắt. Thực sự chẳng có cảnh tượng nào mà tạo ra do sự lao nhọc của cái thấy cả.
Song người biết được mắt nhặm thì cái thấy của họ không bị lầm lỗi.
Tuy nhiên, thấy quầng sáng quanh đèn, và bệnh nhặm vốn chẳng dính dáng gì đến gốc của cái thấy, tức tánh thấy cả. Chẳng phải tánh thấy bị bệnh. Đó chỉ là mắt bệnh.
Giống như ông hôm nay dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước, đất liền, nhà cửa, dinh thự, công trình, cư xá,
và các chúng sinh, A-nan, như lấy ông làm ví dụ, tất cả mọi vật mà ông thấy bằng mắt đều do cái thấy bị bệnh từ vô thuỷ mà thành.
Kinh văn:
見與見緣,似現前境。元我覺明見所緣眚。覺見即眚,本覺明心。覺緣非眚.
Cái thấy và cảnh vật bị thấy, như thể có cảnh trước mắt, nguyên là tâm giác ngộ sáng suốt (giác minh), do phân năng kiến sở kiến mà thành bệnh. Nhận rõ cái thấy (giác kiến) [i] sinh khởi từ bệnh nhặm. Chứ bản giác minh tâm rõ biết các duyên thì không bệnh.
Giảng:
Cái thấy và cảnh vật bị thấy
Kiến 見- cái thấy là chỉ cho phạm trù thấy, có nghĩa là khả năng thấy được. Kiến duyên 見緣 chỉ cho phạm trù hiện tượng giới, tức là cảnh vật bị thấy. Phạm trù thấy, là khả năng thấy, và phạm trù hiện tượng là cảnh bị thấy như thể hiện ra trước mắt. Cảnh tượng hiện ra giống như mô tả ở trên trong ví dụ người bị mắt nhặm nhìn thấy quầng sáng quanh đèn, và ví dụ của người bị nghiệp chướng nên thấy toàn bộ điềm ác hiện ra nơi quốc gia mình. Hai ví dụ đó tương đương nhau. Cũng như người không bị nhặm mắt thì không thấy quầng sáng quanh đèn, và người ở nước láng giềng thì không thấy các điềm ác hiện ra nơi quốc gia mình. Quầng sáng và hiện tượng không lành biểu tượng cho nghiệp quả. Nghiệp báo làm phát sinh những hiện tượng này. Chúng sinh tạo nghiệp nên phải chịu quả bảo nầy.
Nguyên là tâm giác ngộ sáng suốt (giác minh).
Những hiện tượng không lành sinh khởi ra nầy vốn không quan hệ gì đến bản tánh giác ngộ cả. Do phân năng kiến sở kiến mà thành bệnh. Vì mắt bị bệnh nên thấy những cảnh tượng sai lệch (kiến bệnh) nầy.
Nhận rõ cái thấy (giác kiến) sinh khởi từ bệnh nhặm– nếu như ông nhận ra được rằng cái thấy là kết quả của mắt bị bệnh nhặm, chứ bản giác minh tâm rõ biết các duyên thì không bệnh.
Vốn tánh thấy của mọi chúng sinh, bản giác diệu minh chân tâm, tánh thấy có thể biết được cái thấy, vốn là tâm tánh giác ngộ, là không có bệnh. Không thiếu sót điều gì cả.
Kinh văn:
覺所覺眚。覺非眚中此實見見。云何復名覺聞知見。
Có năng giác sở giác mới thành bệnh. Nếu bổn giác không ở trong bệnh, đây mới thật là nhận ra tánh thấy (kiến tánh). Sao còn gọi nó là thấy, nghe, hay, biết?
[ii]
Giảng:
Có năng giác sở giác mới thành bệnh. Nếu bổn giác không ở trong bệnh, đây mới thật là nhận ra tánh thấy (kiến tánh).
Ý nầy cũng như đoạn kinh văn trước: Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến – Khi thấy (biết) được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy. Cái biết được mắt bệnh của ông bệnh tự nó chẳng hề thiếu sót sai lầm. Đó chính là cái biết chân thật của ông. Cái thấy chân thật của tánh thấy. Cái thấy thiếu sót sai lầm là như khi đang ở trong nước mà không thấy nước. Như sinh vật trầm mình trong nước mà không biết đến nước. Cái gì tách rời hẳn nước mà có thể thấy được đó là nước thì gọi là cái thấy chân thực.
Cái thấy sáng suốt, biết được bệnh, không phải là cái thấy thiếu sót sai lầm. Chỉ khi ông tách rời hẳn những thiếu sót sai lầm mà vẫn thấy biết được. Thì đây chính là cái biết chân thực.
Sao còn gọi nó là thấy, nghe, hay, biết?
Sao ông vẫn còn muốn đắm chấp nơi các giác quan kia mà tìm cầu sự phân biệt? Đây chính là cái thấy. Còn cái thấy nào khác để ông tìm kiếm nữa?
Chúng ta không nên lấy vọng làm chân. Cũng không nên biến chân thành vọng. Quả thật nếu nhận kiến văn giác tri làm tâm, thì sẽ bị kiến văn giác tri che mờ, không thể nào nhận ra thể của tánh thấy giác ngộ sáng suốt (kiến tinh giác minh). Phải biết rằng chân tâm vốn tách rời, chẳng phải kiến văn giác tri, cũng chẳng thuộc về kiến văn giác tri.
Kinh văn:
是故汝今見我,及汝并諸世間。十類眾生,皆即見眚。非見眚者.
Thế nên nay ông thấy Như Lai và ông cùng với mười loại chúng sinh trong thế gian, đều do mắt nhặm, chứ không phải cái thấy (biết) mắt nhặm bị bệnh.
Giảng:
Cái thấy sai lầm của người trong một nước – đồng phận vọng kiến – và biệt nghiệp vọng kiến của một người đều là hư vọng và như nhau.
“Thế nên – do nguyên lý nầy – nay ông thấy tôi,” A-nan, Thế tôn nói. “Ông thấy Như Lai” và ông, chính ông,
cùng với mười loại chúng sinh trong thế gian đều do mắt nhặm, cùng tất cả các sắc tướng trong thế gian. Thật ra có đến mười loài chúng sinh, nhưng ở đây không có loài vô tưởng và loài vô sắc vì chúng không thấy được. “Tất cả các sắc tướng nầy đều là hư dối và thiếu sót sai lầm đối với cái thấy của ông, là đồng phận vọng kiến và biệt nghiệp vọng kiến, Nó chính là vọng kiến của chúng ta, ý thức phân biệt của chúng ta, là vấn đề phát sinh trong cái thấy. Chứ không phái cái thấy (biết) mắt nhặm bị bệnh. Không phải cái thấy chân thật của ông, chân tâm thường trú giác ngộ sáng suốt của ông có vấn đề. Vấn đề chính là cái thấy hư vọng, sinh khởi từ biệt nghiệp vọng kiến khiến cho các ông thấy ra các tướng hư dối.”
Kinh văn:
彼見真精。性非眚者, 故不名見。
Tánh thấy chân thật đó không bị nhặm, nên chẳng gọi là thấy.
Giảng:
Tánh thấy chân thật đó không bị nhặm. Tánh thấy không có vấn đề gì cả. Bản thể của nó không có gì thiếu sót, thế nên mắt thấy quầng sáng thì đó chẳng phải là tánh thấy. Vì tánh thấy không có vấn đề gì, nên chẳng gọi là thấy. Nó không những chẳng có vấn đề gì mà còn chẳng có cái gì hết thảy.
Thế thì cái gì được gọi là “chẳng gọi là thấy?”
Không! Vốn chẳng có cái gì thấy và không có cái gì chẳng gọi là thấy. Thế điều đang nói ở đây là gì? Đó là tánh thấy bản hữu chân thật của ông, lưu xuất từ bản tánh giác ngộ của chúng ta. Nó lưu xuất từ bản giác. Nhưng “bản giác” cũng chỉ là cái tên, mà xưa nay vốn một cái tên cũng chẳng có. Nếu quý vị cho nó cái tên, có nghĩa là trên đầu quý vị lại gắn thêm một cái đầu nữa. Nếu quý vị gọi đó là bản giác, là đã nói quá nhiều rồi đó.
Kinh văn:
阿難,如彼眾生同分妄見。例彼妄見別業一人。
A-nan, nếu so sánh đồng phận vọng kiến của chúng sinh với biệt nghiệp vọng kiến của một người.
Giảng:
“A-nan, sao Như Lai nói rằng tất cả đều chỉ là biểu hiện từ vọng kiến của chúng sinh? Như Lai sẽ giảng giải cho ông. Nếu so sánh đồng phận vọng kiến của chúng sinh với biệt nghiệp vọng kiến của một người.”
Cái thấy mà thấy được quầng sáng với nhiều vòng tròn ngũ sắc bao quanh đèn chính là do biệt nghiệp vọng kiến. Đồng phận vọng kiến chính là mọi người dân trong nước thấy được những điềm ác. Họ thấy hai mặt trời, hai mặt trăng, sao chổi, sao băng, cầu vồng, và các loại hiện tượng không lành khác.
Hồi xưa, ở Trung Hoa, mỗi khi có sự thay đổi đế chế, khi thay đổi chính sách cai trị thì những hiện tượng bất tường nầy thường hay xảy ra. Có lần một vị Vua thấy những điềm bất tường liền hỏi Ch’in T’ien Chien, một quan Thái sư coi việc chiêm tinh. Ch’in T’ien Chien trả lời rằng nó báo cho biết trước Vua sắp băng hà. Quan Thái sư nói: “Nhưng hạ thần có cách giải quyết là bệ hạ chuyển vận hạn này sang cho quan Tể tướng.”
“Không thể được.”–Vua trả lời – “Nếu ta đến lúc phải chết, sao ta lại bắt quan Tể tướng phải gánh chịu? Quan Tể tướng còn trông coi những việc quan trọng của quốc gia. Ông ta cần phải sống.”
Quan Thái sư nói: “Bệ hạ không muốn quan Tể tướng phải chết thay cho bệ hạ, thì ngài có thể để dân chịu thay. Tai hoạ có thể chuyển sang dân chúng.”
“Dân là nền tảng của quốc gia.”– Vua nói– “Nếu dân chết hết, thì vương quốc nầy có ý nghĩa gì? Điều ấy cũng không thể được.” Vua cũng không tán đồng giải pháp ấy.
Quan Thái sư nói: “ Thế Bệ hạ có thể chuyển tai hoạ này cho một năm. Năm nay người dân phải chịu đói khát đến chết. Đó là một giải pháp.”
“Điều nầy cũng không được.” Vua nói. “Ta không muốn để cho dân phải chết đói. Làm vua như thế thật là vô nghĩa.”
Rồi Quan Thái sư cúi lạy nhà vua: “Bệ hạ thật là bậc minh quân. Với lòng nhân từ quá lớn như thế, hạ thần chắc chắn rằng Bệ hạ sẽ không phải chết. Có một ngôi sao băng, nhưng có thể nó sẽ thay đổi và biến thành điềm tốt.”
Ngày hôm sau hung tinh biến mất. Chuyện nầy chứng tỏ rõ ràng rằng dù cho ác tinh xuất hiện, việc xấu cũng có thể chuyển thành việc tốt. Hòan toàn do chỉ một tâm niệm của con người. Nếu tâm niệm thay đổi, những gì lẽ ra xấu sẽ chuyển thành tốt. Tu tập bằng cách thắp hương niệm Phật trước khi có chuyện gì xảy ra là một phương pháp tạo sự thay đổi. Hoạ và phước chỉ nằm trong một niệm. Lão Tử nói:
“Khi nghĩ đến điều thiện, điều thiện ấy sẽ ảnh hưởng đến những việc chưa xảy ra và đem đến sự tốt lành.
Khi nghĩ đến điều ác, điều ác ấy sẽ ảnh hưởng đến những việc chưa xảy ra và đem đến sự rắc rối.”
Trong mối liên hệ nầy, có loại quỷ thần thiện và có loại quỷ thần ác. Quý vị không nên nghĩ rằng quỷ thần nào cũng tốt. Công việc của ác thần là trả lại cho mình cái đúng như vậy. Họ xử phạt bất kỳ người nào làm điều sai trái. Thiện thần bảo hộ những người làm điều thiện. Mỗi loại quỷ thần đều có nhiệm vụ khác nhau. Thế nên chỉ cần thay đổi một niệm là điều cực kỳ quan trọng. Thực tế là một vị Vua có thể khiến người khác chịu chết thay cho mình, Vua không để cho quan Tể tướng hoặc thần dân chịu chết thế mình, hoặc để cho dân chịu mất mùa đói kém một năm, mà tự mình chịu tai hoạ và đã chuyển xấu thành tốt. Thế nên những vấn đề nầy đều có thể thay đổi. Nó không dứt khóat cố định.
Tôi nhớ đến Yuan Lao Fan, thường gọi là Yuan Hsiao Hai, làm quan trong triều Minh. Sau khi anh ta học xong, người cha bảo anh nên học ngành y, vì làm thầy thuốc có thể cứu người và dễ kiếm sống. Sau khi anh học thuốc xong, anh ta gặp một lão già có bộ râu dài tên K’ung, rất giỏi xem tướng và bói toán. Khi lão già K’ung thấy Yuan Hsiao Hai, lão nói: “Anh nên đi học. Anh sẽ làm quan.”
Yuan Hsiao Hai nói: “Nhưng cha mẹ tôi và toàn gia đình đều mong muốn tôi thành thầy thuốc.”
Lão K’ung đáp: “Đừng học thuốc. Anh nên đi học chữ. Vào chừng ấy năm, anh sẽ đỗ được học vị như vậy như vậy trong kỳ thi Đình, và trong chừng ấy năm anh sẽ trở thành một vị quan lớn. Rồi vào năm đó năm đó, ngày đó tháng đó, anh sẽ trở thành quan án sát, anh sẽ trở nên rất có danh vọng. Khi anh 45 tuổi, vào ngày 14 tháng 8, lúc nửa khuya, vợ anh sẽ qua đời. Anh không có con nối dõi.” Lão già K’ung không những định được ngày tháng cho những sự kiện lúc sinh thời mà còn biết được cả ngày chết của anh ta.
Sau khi gặp lão K’ung, Yuan Hsiao Hai đi học. Chuyện xảy ra chính xác một cách khó tin. Học vị mà anh ta đỗ được trong kỳ thi Đình đúng y như Lão già K’ung đã tiên đoán. Quẻ bói chính xác không sót một mảy may nào. Thực vậy, nó quá chắc chắn đến nỗi Yuan Hsiao Hai không cần đọc sách nữa. Anh ta làm gì? Anh ta đợi. Anh ta ngồi và đợi người ta đưa thức ăn tới. Có câu ngạn ngữ nổi tiếng ở Trung Hoa: “Ngồi chờ sung rụng”, như vậy nghĩa là không làm gì cả, chỉ trông mong vào sự sắp đặt của tự nhiên, chỉ mong số mệnh hiển bày. Đó thật là sai lầm. Yuan Hsiao Hai đã làm như vậy. Anh ta không làm gì cả. Ngay cả chẳng đọc sách. Anh ta nghĩ rằng, bất luận số phận diễn ra như thế nào, chắc chắn ta sẽ không thể nào thi hỏng được. Ta không cần phải học gì cả. Ta chẳng phải mong cầu gì cả. Chắc chắn ta sẽ đạt được mục đích.
Thế nên anh dạo chơi khắp nơi, vui thú thưởng ngoạn sơn thuỷ. Anh ta rong chơi dài ngày và chẳng học hành gì cả. Cuối cùng, cuộc lãng du đưa anh đến núi Ch’i Sha ở Nan Ching, nơi anh nghe có Thiền sư Yuan Ku đang trụ ở đó. Nên anh ta mong đến đó để được gặp. Thiền sư Yuan Ku trao cho anh ta cái bồ đoàn và cả hai cùng ngồi thiền. Cả hai ngồi đối diện nhau bất động suốt 3 ngày. Thiền sư Yuan Ku rất ngạc nhiên.
“Ồ!” –Thiền sư Yuan Ku nói – “Ông thật là bậc pháp khí, có khả năng nhập đạo. Ông đã ngồi thiền suốt ba ngày mà không nhúc nhích hoặc thay đổi tư thế.”
Yuan Hsiao Hai đáp lại: “Tôi biết mọi việc đều do nhân duyên tiền định. Thế nên tôi không mong cầu gì cả. Đó là nguyên nhân khiến tôi không có chút vọng tưởng nào khi ngồi ở đây, thế nên tôi chẳng thấy đau chân chút nào cả.”
Chân nhức mỏi do đâu? Do vọng tưởng, có nghĩa là vọng kiến mà kinh nầy đang nói đến. Vì vọng kiến, nên chân đau. Nếu quý vị không có chút vọng kiến nào, thì chân chẳng đau. Yuan Hsiao Hai nói thế do vì anh ta không có chút tham muốn mong cầu nào, anh ta không có chút vọng tưởng nào, thế nên khi ngồi, anh ta không cần thiết phải cử động.
Thiền sư Yuan Ku nói: “Tôi nghĩ rằng anh là người kỳ đặc. Nhưng như điều anh vừa cho biết, thì anh chỉ là kẻ phàm phu.”
Điều ấy làm cho Yuan Hsiao Hai nổi nóng: “Sao ông nói tôi là phàm phu?” Mọi người ai cũng muốn lên tận đỉnh cao nhất, Yuan Hsiao Hai cũng chẳng muốn rơi xuống hàng thứ hai. Ngay khi nghe mình bị gọi là phàm phu, anh ta liền phẫn nộ.
Thiền sư Yuan Ku nói: “Nếu ông chẳng phải là phàm phu, thì ông đã không bị trói buộc vào số mệnh sẽ xảy ra trong vài chục năm tới. Ông đã bị dính chặt vào định mệnh và chẳng có cách nào thóat ra được cả.”
Yuan Hsiao Hai hỏi: “Người ta có thể thóat khỏi số mệnh không? Đừng để cho định mệnh trói buộc được chăng?”
Thiền sư Yuan Ku đáp: “Anh là người có học. Anh không nghe Kinh Dịch nói: “Phát khởi điều tốt lành và tránh việc ác” đó sao?
Sau đó Yuan Hsiao Hai đổi tên mình là Dương Liễu Phàm, “không còn làm kẻ phàm phu nữa”. Ta không phải là kẻ phàm phu nữa. Ta không còn là phàm phu nữa. Sau đó lời tiên đoán của Lão K’ung không còn đúng nữa. Lão ta nói rằng Yuan Hsiao Hai sẽ chết vào ngày 14 tháng 8, lúc 54 tuổi, nhưng đến đó anh ta không chết. Tử vi nói rằng anh ta không có con, nhưng anh ta lại có hai người con. Anh ta sống đến 80 tuổi. Nên số mệnh của con người không phải là nhất định. Làm việc thiện là tất cả những gì quý vị cần phải thực hành, vì ngay khi thay đổi tâm niệm thì mọi thứ đều thay đổi. Tại sao có việc không lành? Vì có tâm niệm không lành của quý vị trong đó. Đó là lý do tại sao quý vị gặp việc chẳng lành. Điều này chứng tỏ rằng vọng kiến làm sinh khởi các nhân duyên hư dối. Nếu quý vị có chánh kiến, thì nhân duyên hư dối kia sẽ biến mất.
Kinh văn:
一病目人同彼一國。彼見圓影眚妄所生。此眾同分所現不祥。同見業中瘴惡所起。
Một người nhặm mắt cũng giống như người trong cả nước kia. Người thấy quầng sáng là do mắt nhặm mà có. Còn trong nước kia hiện ra những tướng không lành là do cộng nghiệp mà cùng thấy trong đó các điềm ác hiện ra.
Giảng:
Một người nhặm mắt cũng giống như người trong cả nước kia.
Một người bị bệnh nhặm và toàn thể người dân trong nước kia đều có cái thấy hư vọng. Người thấy quầng sáng là do mắt nhặm mà có. Người thấy quầng sáng, và toàn thể người dân trong nước kia thấy những tướng không lành, tất cả đều do vì sai lầm do hư vọng sinh khởi.
Còn trong nước kia hiện ra những tướng không lành, Còn những người trong nước kia, với đồng phận vọng kién của mình, thấy những ác tinh trong nước mình mà chẳng thấy điều gì xảy ra bên nước láng giềng cả.
Là do cộng nghiệp mà cùng thấy trong đó các điềm ác hiện ra.
Nghiệp chướng, ác duyên tạo nên dịch bệnh và ác tướng, vì nhiều vọng kiến tích tập và trở thành tai hoạ.
Kinh văn:
俱是無始見妄所生。例閻浮提三千洲中。兼四大海娑婆世界。并洎十方諸有漏國及諸眾生。同是覺明無漏妙心。見聞覺知虛妄病緣。和合妄生和合妄死。
Cả hai đều do vọng kiến từ vô thuỷ phát sinh. Giống như 3000 châu trong cõi Diêm-phù-đề, gồm bốn biển lớn và thế giới Ta-bà, cho đến các nước và các chúng sinh hữu lậu trong mười phương, đều là tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu. Kiến văn giác tri là bệnh duyên hư vọng, khiến hư dối hòa hợp sinh ra, hư dối hòa hợp chết đi.
Giảng:
Biệt nghiệp vọng kiến và đồng phận vọng kiến, hai lọai nghiệp báo khác nhau đã được nói ở trên nầy,
Cả hai đều do vọng kiến từ vô thuỷ phát sinh.
Đều do từ một niệm bất giác mà có vô minh, và các cảnh giới hư vọng đều sinh khởi từ vô minh, từ vô thuỷ đến nay nó phát khởi thành cái thấy hư vọng. Đó là cách mà các cảnh giới nầy (biệt nghiệp vọng kiến và đồng phận vọng kiến) hiện hữu. “Cái thấy hư vọng” chính là phát sinh do vọng tưởng. Vốn chẳng có cái thấy hư vọng nào để bội trần hợp giác cả, và để loại trừ vọng tưởng cả, mà chỉ là chân tâm. Tai sao quý vị đều có chân tâm mà chẳng dùng được nó? Tại sao quý vị mãi cứ bị vật xoay chuyển? Đó là vì vọng kiến.
Giống như 3000 châu trong cõi Diêm-phù-đề, gồm bốn biển lớn. Người và cõi nước được đề cập ở trên là so sánh Diêm-phù-đề với 3000 châu, với thế giới Ta-bà, cho đến mười phương các nước hữu lậu– có nghĩa là các cõi nước, mà chúng sinh trong đó chưa chấm dứt được sinh tử–và các chúng sinh, đều là tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu. Đó là kiến văn giác tri có trong tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu.
Kiến văn giác tri là bệnh duyên hư vọng, khiến hư dối hòa hợp sinh ra, hư dối hòa hợp chết đi.
Tất cả mọi chúng sinh và các cõi nước đều do kiến văn giác tri sinh khởi từ một niệm phan duyên ban đầu, sinh vọng niệm thủ xả. Khi có đầy đủ yếu tố nhân duyên hòa hợp, sẽ cho các hiện tượng ấy khiến hư vọng sinh ra, Khi có đầy đủ yếu tố nhân duyên hòa hợp, chúng sẽ hư vọng diệt mất.
Kinh văn:
若能遠離諸和合緣及不和合。則復滅除諸生死因。圓滿菩提不生滅性。清淨本心本覺常住.
Nếu có thể xa lìa các duyên hòa hợp và không hòa hợp, thì diệt trừ được các nhân sinh tử, đó chính là tánh giác ngộ tròn đầy không sinh không diệt, chính là chân tâm bản giác thanh tịnh thường trú.
Giảng:
Văn trên đã nói về y báo và chánh báo. “Y báo” là núi sông, đất bằng, nhà cửa, lầu các, phòng xá. “Chính báo” là thân người. Y báo thì phải chịu trải qua các tiến trình thành, trụ, họai, không. Chánh báo thì phải trải qua các tiến trình sinh, lão, bệnh, tử.
Thế nào là thành, trụ, họai, không?
Trong thế giới nầy, một lần tăng một lần giảm được gọi là một kiếp.[iii] Khi mạng sống của con người đạt đến đỉnh cao nhất là 84.000 năm, cứ 100 năm, chiều cao của con người sẽ giảm trung bình mỗi năm 1 inch, và mạng sống của con người giảm mỗi năm trung bình 1 tuổi, tiếp tục giảm như thế cho đến khi mạng sống con người chỉ còn 10 tuổi; rồi tiếp tục tăng lại cho đến khi 84.000 tuổi, đó được gọi là một kiếp. Một ngàn kiếp là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Bốn trung kiếp là một đại kiếp. Giai đoạn hình thành thế giới mất 20 tiểu kiếp. Giai đoạn trụ kéo dài 20 tiểu kiếp. Giai đoạn hoại 20 tiểu kiếp. Giai đoạn không 20 tiểu kiếp. Đó có nghĩa là tiến trình thành, trụ, họai, không. Hai mươi tiểu kiếp thành là 1 trung kiếp.
Hai mươi tiểu kiếp trụ là 1 trung kiếp. Hai mươi tiểu kiếp hoại là 1 trung kiếp. Hai mươi tiểu kiếp không là 1 trung kiếp. Thế là tất cả hai mươi tiểu kiếp của các tiến trình thành, trụ, họai, không tạo thành 4 trung kiếp. Gom lại 4 trung kiếp là 1 đại kiếp.
Đối với chánh báo thì trải qua các tiến trình sinh, lão, bệnh, tử. Con người cần 20 năm để sinh ra lớn lên, 20 năm để học tập trưởng thành, 20 năm bệnh và già yếu, 20 sau cùng họ tiến dần đến cái chết.
Có hai loại sinh tử: phần đoạn sinh tử– sự sống chết, sinh diệt của xác thân– và biến dịch sinh tử. Thuật ngữ phần đoạn sinh tử xuất phát từ thực tế là mỗi người đều có một thọ mạng riêng và mỗi người có một thân tướng khác nhau. Chẳng hạn, chiều cao của quý vị có thể là 5 feet [iv] 6 inches, và chiều cao của tôi là 5 feet 9 inches, trong khi người khác thì cao 3 feet. Mọi người đều có một thân tướng khác nhau. Hàng phàm phu là đối tượng của phần đoạn sinh tử.
Các vị thuộc hàng Nhị thừa, Thanh văn, Duyên giác, đã chấm dứt được phần đoạn sinh tử, nhưng họ vẫn còn trong vòng biến dịch sinh sinh tử.
Thế nào là “biến dịch sinh sinh tử?” Có nghĩa là niệm này kế tiếp niệm khác sinh khởi mãi không dừng. Niệm niệm kế tiếp sinh khởi, niệm niệm kế tiếp hoại diệt.
Nhân của sinh tử chính là vô minh, duyên của sinh tử chính là nghiệp thức. Khi nhân – vô minh, và duyên –nghiệp thức nầy hòa hợp với nhau thì có sinh tử. Như Đức Phật dạy trong kinh nầy:
Nếu có thể xa lìa các duyên hòa hợp–sự hòa hợp của nhân vô minh và duyên nghiệp thức–và không hòa hợp– và sự kết hợp của bất kỳ các nhân duyên không hòa hợp–
thì diệt trừ được các nhân sinh tử. Khi ấy quý vị thóat khỏi phần đoạn sinh tử và biến dịch sinh tử.
Đó chính là tánh giác ngộ tròn đầy không sinh không diệt. Khi xa lìa sạch mọi nguyên nhân sinh tử thì quý vị đạt được quả niết-bàn vi diệu, tánh giác ngộ tròn đầy không sinh không diệt.
Chính là chân tâm bản giác thanh tịnh thường trú.
Đó chính là chân tâm, là bản tánh giác ngộ thường trú không sinh không diệt: nghĩa là Tự tánh.
Kinh văn:
阿難,汝雖先悟本覺妙明。性非因緣非自然性。而猶未明如是覺元。非和合生及不和合
A-nan, tuy trước đây ông đã ngộ được bản giác sáng suốt nhiệm mầu, tánh giác ấy chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên, nhưng ông vẫn chưa rõ được cội nguồn của tánh giác ấy vốn chẳng phải hòa hợp và cũng chẳng phải không hòa hợp mà sinh.
Giảng:
Đoạn Kinh văn nầy Đức Phật nói ra là để phá trừ ý niệm hòa hợp và không hòa hợp. A-nan vẫn còn nghi ngờ về điều nầy, nên Đức Phật giảng rõ giáo lý nầy lại một lần nữa. Đức Phật một lần nữa nói rõ tánh thấy chỉ là như vậy.
Trước tiên Đức Phật quở trách A-nan: “ A-nan, tuy trước đây ông đã ngộ được bản giác sáng suốt nhiệm mầu, tánh giác ấy chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên–A-nan, ông đã hiểu giáo lý nầy từ khi Như Lai giảng lần trước đây rồi. Tánh giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu không thuộc về nhân duyên, không thuộc về tự nhiên. Nhưng ông vẫn chưa rõ được.”
Đức Phật quở trách A-nan: “ Ông vẫn chưa hiểu được rằng cội nguồn của tánh giác ấy vốn chẳng phải hòa hợp và cũng chẳng phải không hòa hợp mà sinh. Nó cũng không phát xuất từ chẳng hòa hợp. Hòa hợp đây có nghĩa là sự kết hợp của vô minh và nghiệp thức. Quý vị có thể nghĩ rằng nó phát sinh từ sự kết hợp ấy hoặc là từ chẳng hòa hợp, nhưng cả hai ý niệm ấy đều không đúng.
Ngoại đạo chủ trương thuyết tự nhiên được gọi là Thần ngã. Họ xem cái ngã là Thần ngã. Quan niệm của họ là như thế nầy: Bên ngoài phạm trù của tướng phần (của A-lại-da thức) có một phạm trù thấy, và đó chính là cái mà họ cho là Thần ngã. Thần ngã ấy chuyển thành sự nhận thức và hiểu biết theo chủ trương của Thần ngã ngoại đạo. Còn nhóm ngoại đạo chủ trương thuyết nhân duyên chấp vào luận điểm trên cho rằng không có phạm trù thấy nào vượt qua tướng phần, nên họ cho rằng không có ngã, chỉ có tướng phần (tức vật bị thấy), tức phạm trù của cảnh vật được nhận biết. Cũng còn có những người chủ trương thuyết hòa hợp. Họ cho rằng khi vô minh và nghiệp thức kết hợp với nhau thì liền có sinh diệt. Tướng là đối tượng của sinh diệt, và tánh chẳng phải là đối tượng sinh diệt, không giống và chẳng dính dáng gì đến những thứ khác. Thế nên họ cho là không hòa hợp. Đây là bốn quan niệm do ngoại đạo chủ trương, chứ không phải do Đức Phật dạy. Thế nên bây giờ Đức Phật ngại rằng A-nan sẽ bị nhầm lẫn giáo lý nầy, nên giảng giải thêm một lần nữa. Đức Phật biết A-nan vẫn còn nghi ngờ.
Cũng giống như khi có cái sai thì cái đúng vẫn không tách rời với cái sai. Và khi có cái đúng thì cái sai vẫn còn đó, nó chẳng hề thiếu sót. Cũng như bàn tay, có lòng bàn tay và lưng bàn tay: mặc dù lòng bàn tay và lưng bàn tay là hai, nhưng cả hai đều là một; khi cần làm việc gì thì quý vị phải xoay cả bàn tay lại. Cũng như tướng là đối tượng của sinh diệt, và tánh chẳng phải là đối tượng sinh diệt, nhưng tánh tướng là một. Cũng như phiền não và bồ-đề, sinh tử và niết-bàn; tất cả đều có cùng một đạo lý.
Những ai đã học Phật pháp chắc chắn phải nên tham cứu kỹ Kinh Thủ Lăng Nghiêm và phải thông đạt nghĩa lý kinh nầy. Kinh Thủ Lăng Nghiêm khiến phát sinh đại trí huệ. Nếu quý vị muốn có chánh tri chánh kiến và khai mở đại trí huệ thì dứt khóat phải thông đạt kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tác dụng của kinh Thủ Lăng Nghiêm là phá tà hiển chánh. Kinh phá trừ sạch mọi loài thiên ma ngoại đạo, cùng khai thị năng lực chánh tri chánh kiến vốn có trong mỗi chúng sinh. Nhưng vào thời kỳ Phật pháp sắp hoại diệt thì Kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ bị tiêu hủy trước hết. Thế nên nếu chúng ta nuốn hộ trì chánh pháp thì chúng ta nên tham cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm. Để được thông đạt và thấm nhập kinh Thủ Lăng Nghiêm, và hộ trì kinh Thủ Lăng Nghiêm. Khi đến thời kỳ Phật pháp sắp hoại diệt, thì yêu ma quỷ quái hiện hành ở thế gian nầy, cùng với những người có tà tri tà kiến. Chúng rất thông thạo pháp thế gian, nó có rất nhiều năng lực biện tài và rất thông minh lanh lợi. Nó dùng lý lẽ để thuyết phục mọi người rằng kinh Thủ Lăng Nghiêm là giả mạo – ngụy tạo – và bảo mọi người đừng tin kinh nầy.
Vì sao nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm là giả mạo?
Vì Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rõ về những sai lầm của chúng. Vì kinh nói về những tà tri tà kiến của chúng. Nếu Kinh Thủ Lăng Nghiêm còn lưu hành ở thế gian, thì sẽ không có ai tin vào tà tri tà kiến. Nếu kinh Thủ Lăng Nghiêm không còn được lưu hành nữa, thì những tà tri tà kiến nầy của chúng tiếp tục làm mê hoặc con người. Thế nên họ cho rằng Kinh Thủ Lăng Nghiêm là nguỵ tạo. Điều này là hiện tướng của ma vương. Những ai đã tu học Phật pháp đặc biệt phải chú ý điểm nầy. Hãy hết sức thận trọng, đừng để mình bị tà tri tà kiến của ma vương kia xoay chuyển. Đừng để cho ma vương thay đổi tư tưởng và quan niệm của quý vị.
Có quý vị nào có ý kiến gì muốn hỏi không?
Hỏi: Kinh Lăng-già so sánh với Kinh Thủ Lăng Nghiêm như thế nào?
Đáp: Yếu chỉ Kinh Lăng-già là nói về giáo lý Thiền tông. Khác với Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma đã dùng Kinh Lăng-già như là nền tảng khi Ngài truyền bá Thiền tông ở Trung Hoa. Kinh Thủ Lăng Nghiêm biểu tượng cho trí huệ chân chính của toàn bộ giáo lý Phật giáo.
Hỏi: Có thể các vị Bồ-tát thị hiện với thân tướng của một đạo sư ngoại đạo không?
Đáp: Tất cả các pháp đều là Phật pháp. Không có điều gì chẳng có thể xảy ra cả. Chỉ cần đừng chấp trước. Nếu quý vị chấp trước, thì chẳng phải là Phật pháp. Nếu quý vị không chấp trước, thì đó chính là Phật pháp. Nếu quý vị chấp trước, thì đó là pháp ma.
Hỏi: Các bản dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm khác đã được ấn hành. Cơ bản có được chính xác không? Nếu không, xin Sư phụ cho biết những người đọc tiếng Anh như chúng con nên đọc bản kinh nào?
Đáp: Bây giờ chúng ta đang trong tiến trình dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Với những bản dịch mà quý vị đề cập, thì có bản đúng ở phần nầy, có bản thiếu chính xác phần kia, và có bản hòan toàn không tương ứng với ý chỉ cơ bản của kinh. Chẳng hạn, có dịch giả nói rằng Ngài Tây phương không thích Chú Thủ Lăng Nghiêm nên họ không nghiên cứu phần Chú. Đó thật là hòan toàn sai lầm. Nên họ đã bỏ phần Chú trong bản dịch của họ. Nhưng nếu không có phần thần Chú Thủ Lăng Nghiêm trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, thì cơ bản là chẳng có lý do gì để nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm cả. Quan trọng của Kinh Thủ Lăng Nghiêm là chỉ để tán thán Chú Thủ Lăng Nghiêm. Nếu có dịch giả nào theo ý mình mà bỏ phần Chú Thủ Lăng Nghiêm, điều ấy hòan toàn ngược lại với mục đích của Đức Phật khi nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Hỏi: Con có nghe nói về Kinh Pháp Hoa rằng Đức Phật thuyết tất cả các kinh trong tất cả các thời khác đều là giảng bày giáo lý phương tiện, và giáo lý được giảng dạy đó chỉ để khiến mọi người tin nhận Kinh Pháp Hoa, rằng vào giai đoạn mạt pháp, mọi kinh khác sẽ không còn hiệu lực, chỉ Kinh Pháp Hoa là thực sự còn năng lực ấy mà thôi.
Đáp: Không sai, mọi kinh khác đều được nói từ yếu chỉ của Kinh Pháp Hoa. Nhưng Kinh Pháp Hoa là để khiến cho mọi chúng sinh đều được thành Phật. Kinh Thủ Lăng Nghiêm là để khai mở trí huệ. Kinh Pháp Hoa là để nhận ra Phật tánh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm là để phá trừ tà tri tà kiến. Cũng có thể nói rằng nhờ có Kinh Pháp Hoa mà Kinh Thủ Lăng Nghiêm mới phá trừ được tà tri tà kiến của thiên ma ngoại đạo–có nghĩa là khiến chúng sinh tu tập Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Chúng sinh nghiên cứu Kinh Pháp Hoa và hành trì pháp môn đã được giảng giải trong kinh là để nhận ra Phật tánh.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi Phật pháp sắp vào thời kỳ hoại diệt, không phải Kinh Pháp Hoa còn lưu truyền trên thế gian, mà là Kinh A-di-đà. Vào thời kỳ cuối, khi Phật pháp hoại diệt, chỉ còn Kinh A-di-đà còn lưu truyền trên thế gian, và sau khi Kinh A-di-đà lưu truyền trên thế gian chừng 100 năm nữa thì Kinh A-di-đà cũng biến mất, chỉ còn lại một câu, đó là sáu chữ hồng danh Nam mô A-di-đà Phật vẫn còn lưu truyền.
Kinh văn:
阿難,吾今復以前塵問汝。汝今猶以一切世間。妄想和合諸因緣性。而自疑惑。證菩提心和合起者。
A-nan, nay Như Lai lại lấy tiền trần để hỏi ông. Nay ông còn lấy tất cả vọng tưởng hòa hợp với tánh nhân duyên trong thế gian mà tự nghi lầm rằng chứng được tâm bồ-đề là do hòa hợp mà phát khởi.
Giảng:
Lý do Đức Phật không giải quyết một trong các lý thuyết chính của ngoại đạo, là vì Ngài e rằng tâm trí người đệ tử nhỏ của mình sẽ lang thang theo chiều hướng ấy. Thế nên Ngài nói: “A-nan, nay Như Lai lại lấy tiền trần để hỏi ông. Nay ông còn lấy tất cả vọng tưởng hòa hợp với tánh nhân duyên trong thế gian mà tự nghi lầm rằng chứng được tâm bồ-đề là do hòa hợp mà phát khởi.
Ông vẫn cứ đem học thuyết của ngoại đạo ra so sánh với pháp của Như Lai, thế nên nay Như Lai sẽ phân tích cho ông rõ.”
Kinh văn:
則汝今者妙淨見精。為與明和,為與闇和。為與通和為與塞和。若明和者且汝觀明。當明現前何處雜見。見相可辨雜何形像。
Vậy nay tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hợp hay cùng với tối hòa hợp? Là cùng với thông hòa hợp hay cùng với bít hòa hợp? Nếu cùng với sáng hòa hợp, thì khi ông đang thấy sáng, cái sáng hiện trước mặt, vậy chỗ nào xen lẫn với cái thấy. Nếu có thể phân biệt được tướng của cái thấy, thì hình tượng của cái xen tạp là thế nào?
Giảng:
Đức Phật hỏi A-nan: “Vậy nay tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hợp hay cùng với tối hòa hợp? Là cùng với thông hòa hợp hay cùng với bít hòa hợp? Như ông hiện nay, tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hợp hay cùng với tối hòa hợp? Là cùng với thông hòa hợp hay cùng với bít hòa hợp? Nó hòa hợp với cái gì? Nếu cùng với sáng hòa hợp, thì khi ông đang thấy sáng, cái sáng hiện trước mặt, vậy chỗ nào xen lẫn với cái thấy? Nếu ông nói tánh thấy hòa hợp với ánh sáng, thì khi ông nhìn ánh sáng trước mặt ông, thì hãy nói cho Như Lai biết trong đó phần nào là sáng? Hãy chỉ nó ra! Chỗ nào là hòa hợp với sáng?
Nếu có thể phân biệt được tướng của cái thấy, thì hình tượng của cái xen tạp là thế nào?
Nếu ông có thể xác định được hình tướng của cái thấy, nếu ông có thể nhận ra được nó, thì hình tướng của nó sẽ ra sao khi nó hòa hợp với sáng? Chẳng hạn, khi ông hòa màu trắng với màu đỏ, kết quả là chẳng còn màu đỏ lẫn màu trắng. Khi ông hòa lẫn cái thấy và sáng, thì kết quả cuối cùng sẽ giống như thế nào?
Kinh văn:
若非見者,云何見明。若即見者云何見見。
Nếu chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu chính là cái thấy, thì làm sao thấy được cái thấy?
Giảng:
Nếu chẳng phải là cái thấy, thì làm sao thấy được sáng?
Nếu ông nói rằng ông thấy được sáng và đó chính là cái thấy, thì lẽ ra ông thấy được cái thấy.
Còn nếu chính là cái thấy, thì làm sao thấy được cái thấy? Sao ông lại như thế được? Phương cách như thế nào?”
Kinh văn:
必見圓滿,何處和明。若明圓滿不合見和。
Nếu cái thấy cùng khắp, thì chỗ nào hòa với cái sáng? Nếu sáng cùng khắp thì không thể hòa với cái thấy.
Giảng:
Nếu cái thấy cùng khắp, thì chỗ nào hòa với cái sáng?
Nếu ông biết rằng cái thấy hòan toàn viên mãn, không hề thiếu sót, chẳng thiếu chẳng dư, sao ông có thể hòa với sáng được? Nếu sáng cùng khắp thì không thể hòa với cái thấy. Nếu ông cho rằng cái thấy không cùng khắp nhưng cái sáng cùng khắp, thì cái sáng lẽ ra không hòa được với cái thấy. Nếu cái thấy chẳng thiếu chẳng dư, nó chẳng thể nào nhận thêm vào một vật nào khác nữa.
Kinh văn:
見必異明,雜則失彼性明名字。雜失明性,和明非義。彼暗與通及諸群塞亦復如是.
Cái thấy đã khác với cái sáng, thì khi xen tạp, ắt phải mất tên gọi của tính sáng. Cái thấy xen lẫn vào làm mất tính chất của cái sáng, mà nói hòa với cái cái sáng là không có nghĩa. Đối với cái tối, thông, bít lấp kia cũng lại như vậy.
Giảng:
“Cái thấy đã khác với cái sáng, thì khi xen tạp, ắt phải mất tên gọi của tính sáng. Nếu ông cho rằng cái thấy và cái sáng là hai thực thể riêng biệt, thì theo đó, chúng phải đánh mất tính chất riêng của chúng khi chúng hòa lẫn với nhau. Tính đồng nhất của tánh thấy và tính đồng nhất của cái sáng–bản thể của cái sáng– cả hai lẽ ra phải bị biến mất.
“Cái thấy xen lẫn vào làm mất tính chất của cái sáng, mà nói hòa với cái cái sáng là không có nghĩa. Thế nên Như Lai bảo rằng không có cái gì giống như cái gọi là hòalẫn giữa tánh thấy của ông và cái sáng. Để nói rằng việc hòa hợp kia không có nghĩa lý xác thực.
Đối với cái tối, thông, bít lấp kia cũng lại như vậy. Đạo lý là ở điểm tánh thấy không thể nào hòa lẫn với cái sáng, đều có thể áp dụng với tiền đề là có thể hòa lẫn với cái tối, thông, bít, lấp. Tánh thấy không thể nào hòa lẫn với những thứ ấy. Sao ông lại nói chứng được tâm bồ-đề là do hòahợp mà được? Đó là một sai lầm.”
Trước đây, A-nan đã nghi ngờ rằng tánh thấy có phát sinh từ nhân duyên hay chăng? Đức Phật đã phá trừ quan niệm nầy. Nay A-nan lại kết luận rằng tánh thấy là kết quả từ sự hòa hợp. Từng bước từng bước, Đức Phật đã giải trừ sự mê lầm cho A-nan. Ngay khi Đức Phật giải trừ được mối mê lầm này, thì A-nan lại vướng vào mối mê làm khác. A-nan vẫn chưa nhận ra được giáo lý chân thật.
Đức Phật dạy rằng tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh. Tất cả đều có thể thành Phật. Có người nghe như vậy rồi phát cuồng lên, nói rằng: “Ta là Phật. Mọi người đều là Phật.” Tại sao họ không nói rằng mọi người là ma quỷ? Mà lại nói mọi người đều là Phật? Nếu mọi người đều là Phật, thế thì ông có thành Phật không? Đức Phật thì có Tam thân, Tứ trí, Ngũ nhãn, Lục thông. Còn ông thì có được bao nhiêu thân? Đức Phật có Thanh tịnh pháp thân, Viên mãn báo thân, Thiên bá ức hóa thân. Còn ông có được mấy thân? Đức Phật có Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí, và Thành sở tác trí– làm thành Tứ trí. Còn ông có được mấy trí? Đức Phật có Ngũ nhãn: Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, nhục nhãn và thiên nhãn. Ông có được bao nhiêu mắt? Ông không có được một con mắt nào cả. Ông chưa mở được con mắt nào cả mà dám nói: “Ồ! Ta là Phật.” Thế ông là Phật gì? Chư Phật đều có danh xưng. Thế tên vị Phật của ông là gì?
“ Đơn giản, tôi chỉ là Phật.” – Quý vị nói.
Nếu ngay cả cái tên cũng không có, thì ông là loại Phật nào? Phật nào cũng có danh xưng, chẳng có Phật nào vô danh cả. Thế nên ai đi quanh mà nói: “Mọi người đều là Phật,” thì đó chỉ là người bị cuồng thôi!
Vâng, đúng thật mọi người đều là Phật, nhưng phải tu tập Phật pháp mới thành được. Sau sáu năm ngồi thiền dưới cây Bồ-đề trong núi Tuyết, [v] một hôm, Ngài thấy sao Mai mọc và hóat nhiên chứng ngộ. Đó là công phu tu tập đã khiến cho Đức Phật thành Đạo. Nhưng nay ông suốt từ sáng đến tối chỉ làm những gì mình thích, nếu ông thích uống rượu, ông liền đi uống. Nếu ông thích hút thuốc, ông rút thuốc ra hút. Ông thích xem phim, ông liền đi xem. Nếu ông thích khiêu vũ, ông liền đi khiêu vũ, sau đó ông về nhà với vợ ông. Phật của ông như vậy đó. À! Quá dễ! Thế nên ông hãy xem biết bao nhiêu khổ nhọc và khó khăn mà Đức Phật phải trải qua mới được thành Phật, còn ông thì suốt ngày chỉ biết nằm trên giường và đi quanh nhà. Chẳng cần nói phải ngồi thiền suốt sáu năm, chỉ cần sáu ngày ông cũng không thể nào ngồi được trong trạng thái bất động. Tôi sẽ xem ông là Phật nếu ông ngồi thiền trong trạng thái bất động trong sáu ngày. Nhưng ông không thể nào ngồi yên được dù chỉ trong sáu giờ, thế mà ông nói mình đã là Phật. Thế có phải là điên đảo không? A-nan có thể gọi là điên đảo, nhưng suy nghĩ trên của quý vị còn điên đảo hơn A-nan. Thế nên tôi gọi những người có hành động như trên là ma vương. Từ nay trở đi, khi quý vị gặp những người như vậy, quý vị có thể gọi họ là ma vương.
Kinh văn:
復次阿難,又汝今者妙淨見精。為與明合為與暗合。為與通合為與塞合。
Lại nữa A-nan, tánh thấy thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu hiện nay của ông lại hợp với sáng hay hợp với tối? Hợp với thông hay hợp với bít?
Giảng:
Hòa khác với hợp. Hòa là khi hai thứ pha trộn hòa tan lẫn với nhau. Hợp là giống như khi đem cái nắp đặt vừa khít trên miệng nồi vậy. Nắp và nồi đã hợp thành một. Thế nên Đức Phật nói:
“Lại nữa A-nan, tánh thấy thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu hiện nay của ông. Bản thể của tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, nó có hợp với sáng? Hay hợp với tối? Hợp với thông hay hợp với bít?
Kinh văn:
若明合者,至於暗時,明相已滅。此見即不與諸暗合,云何見暗。若見暗時,不與暗合。與明合者,應非見明。既不見明,云何明合。了明非暗.
Nếu hợp với sáng, thì khi tối đến, tướng sáng đã mất, cái thấy nầy không hợp với tối, thì làm sao thấy tối được? Nếu khi thấy tối mà không hợp với tối, mà hợp với sáng, thì lẽ ra cũng không thấy được sáng, thì làm sao gọi là hợp với sáng? Rõ ràng chẳng phải là tối.
Giảng:
Nếu hợp với sáng–nếu ông nói rằng tánh thấy và cái sáng hợp cùng nhau, thì khi tối đến, tướng sáng đã mất, cái thấy nầy tức không hợp với tối, thì làm sao thấy tối được? Khi có cái tối, tính chất của cái sáng biến mất, vì tánh thấy không hợp với cái tối, làm sao thấy được cái tối?
Nếu khi thấy tối mà không hợp với tối, nếu ông nói rằng khi ông thấy tối, thì cái thấy không hợp với cái tối–cho dù nó không thấy cái tối, thì nó cũng không hợp với tối–mà hợp với sáng, thì lẽ ra cũng không thấy được sáng. Nếu ông nói rằng cái thấy hợp với sáng, thì lẽ ra nó phải hợp với sáng. Có nghĩa là, nếu ông nói rằng nó có thể thấy được những gì nó không hợp – trong trường hợp nầy là tối– thì lẽ ra nó sẽ không thấy được gì mà nó hợp với– có nghĩa là sáng.
Thì làm sao gọi là hợp với sáng? Rõ ràng chẳng phải là tối.
Quý vị có thể thấy sáng và hòan toàn biết rõ ràng chắc chắn rằng đó chẳng phải là tối. Thế thì, theo lập luận của ông, lẽ ra ông không thấy được sáng, nhưng đó không phải là thực tế, vì ông có thể phân biệt được khác nhau giữa sáng và tối. Thế nên phân tích rốt ráo, ông nói tánh thấy hợp với sáng hay hợp với tối?”
Kinh văn:
彼暗與通。及諸群塞亦復如是.
Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.
Giảng:
“Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.”
Đạo lý hòan toàn giống nhau đối với khả năng của tánh thấy khi hợp với tối, với thông hay mọi thứ ngăn bít khác.
Quý vị không thể nói rằng tánh thấy hợp với tất cả mọi tướng. Nhưng cũng không thể nói rằng tánh thấy chẳng hợp với tất cả mọi tướng. Thực tế là sáng và tối là đối tượng của sinh diệt, trong khi tánh thấy chẳng phải là đối tượng của sinh diệt. Cái gì không sinh không diệt thì không thể nào hợp với cái sinh diệt được. A-nan không hiểu được đạo lý nầy, thế nên Như Lai đã đem lòng từ bi dùng kế phương tiện, phải dùng nhiều thí dụ để khai thị cho A-nan.
Kinh văn:
阿難白佛言世尊。如我思惟此妙覺元。與諸緣塵及心念慮非和合耶。
A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nay con suy nghĩ, cái tâm vốn giác ngộ nhiệm mầu nầy, cùng các duyên trần và các tâm niệm nghĩ suy không hòa hợp chăng?”
Giảng:
Vừa nghe xong lời giảng của Đức Phật, A-nan liền có mối nghi khác. A-nan lại suy nghĩ và bận tâm về mối nghi ấy.
A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Nay con suy nghĩ, cái tâm vốn giác ngộ nhiệm mầu nầy– điều nầy liên quan đến tánh thấy –cùng các duyên trần. Nó chẳng hòa hợp với các trần lao vốn sinh khởi từ các duyên hay chăng? Và các tâm niệm nghĩ suy không hòa hợp chăng?”
A-nan hỏi: “Có phải những thứ khác nhau nầy thực sự không hòa hợp hay sao?” Câu hỏi của A-nan biểu lộ lời nói của A-nan không dứt khóat. Trước đây, những lời A-nan nói rất là quả quyết. A-nan nói rằng tánh thấy là do tự nhiên, rồi do nhân duyên, và A-nan viện dẫn đến rất nhiều học thuyết. A-nan nói với tâm trạng rất tự tin, nhưng lập luận của A-nan không đứng vững, tất cả những ý tưởng đó đều bị Đức Phật bác sạch. Nên bây giờ A-nan đã biết vấn đề nan giải. Khi nói điều gì, A-nan không kết luận một cách dứt khóat. “Chẳng phải là nó không hòa hợp hay sao?” A-nan dã dùng lối nghi vấn. “Con nghĩ là đạo lý đúng như vậy, nhưng có thể cũng chẳng phải như vậy?”
Kinh văn:
佛言汝今又言覺非和合。吾復問汝此妙見精非和合者。為非明和為非暗和。為非通和為非塞和。
Nay ông nói tánh giác chẳng phải hòa hợp. Như Lai lại hỏi ông, (nếu) tánh thấy nhiệm mầu nầy chẳng hòa, là chẳng hòa với cái sáng, hay chẳng hòa với cái tối, chẳng hòa cùng cái thông, hay chẳng hòa với cái bít?
Giảng:
Tánh thấy vốn không sinh không diệt. A-nan đang cố công so sánh cái không sinh không diệt với cái sinh diệt. A-nan muốn so sánh cái không sinh không diệt (tánh thấy) với sáng và tối, với thông và bít, với nhân duyên, với tâm niệm suy lường. A-nan vẫn muốn xếp vào dạng đó. Bây giờ ý tưởng của A-nan có rất nhiều, và A-nan nói: “Nó không hòa hợp hay sao?”. Đáp lại, Đức Phật nói: “Nay ông nói tánh giác chẳng phải hòa. Trước đây ông nói rằng tánh giác là hòa hợp.”Nay Như Lai lại hỏi ông – Nay Như Lai sẽ hỏi ông những vấn đề khác. (Nếu) tánh thấy nhiệm mầu nầy chẳng hòa: Ông nói rằng tánh thấy nhiệm mầu không sinh không diệt nầy không hòa hợp.
Là chẳng hòa với cái sáng, hay chẳng hòa với cái tối, chẳng hòa cùng cái thông, hay chẳng hòa với cái bít?
Nói nhanh!”
Kinh văn:
若非明和,則見與明必有邊畔。
Nếu chẳng hòa cùng cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng ắt phải có ranh giới.
Giảng:
Nếu chẳng hòa cùng cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng ắt phải có ranh giới.
Nếu ông muốn nói rằng không có sự hòa hợp với sáng, thì tánh thấy của ông và cái sáng chắc hẳn phải có một ranh giới. Cái gì là ranh giới trong cái thấy của ông? Nếu ông nói rằng nó không hòa hợp với sáng, thế thì ông hãy tìm cho ra ranh giới giữa chúng. Cái gì biểu thị cho sự phân cách giữa chúng?
Kinh văn:
汝且諦觀,何處是明,何處是見。在見在明自何為畔。
Ông hãy xem kỹ, nơi nào là cái sáng, nơi nào là cái thấy? Nơi đâu là ranh giới của cái thấy và cái sáng?
Giảng:
Ông hãy xem kỹ. Hãy nhìn cho kỹ. Nơi nào là cái sáng? Nơi nào là giới hạn của sáng? Nơi nào là cái thấy? Nơi nào là giới hạn của cái thấy? Nơi đâu là ranh giới của cái thấy và cái sáng? Hãy nói cho Như Lai biết đường phân cách giữa hai cái ấy là đâu?
Kinh văn:
阿難,若明際中,必無見者,則不相及。自不知其明相所在。畔云何成。
A-nan, nếu bên cái sáng, ắt không có cái thấy, thì hai cái chẳng tiếp xúc được với nhau. Cái thấy tự chẳng biết tướng sáng ở đâu thì làm sao thành lập được ranh giới?
Giảng:
A-nan, nếu bên cái sáng, ắt không có cái thấy. Nếu trong tướng sáng quả thực là không có tánh thấy, thì hai cái chẳng tiếp xúc được với nhau. Cái thấy và sáng chẳng tiếp xúc với nhau. Hai cái không hề gặp nhau.
Cái thấy tự chẳng biết tướng sáng ở đâu. Vì cả hai cái không tiếp xúc với nhau, hiển nhiên là người ta chẳng thể nào biết được tướng sáng ở đâu?
Thì làm sao thành lập được ranh giới?
Nếu ông không biết ngay cả tướng sáng ở đâu, thì làm sao chỉ ra được ranh giới?
Kinh văn:
彼暗與通,及諸群塞亦復如是.
Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.
Giảng:
“Đối với cái tối, cái thông, cái bít kia cũng lại như vậy.
Đạo lý nầy cũng giống như trường hợp đối với cái tối, cái thông, cái bít. Nay ông hãy phân chia chúng ra cho Như Lai. Ông nói chúng không hòa hợp; đâu là ranh giới chỉ ra sự không hòa hợp của chúng? Nói nhanh!”
Kinh văn:
又妙見精非和合者。為非明合為非暗合。為非通合為非塞合。
Lại nữa, tánh thấy nhiệm mầu không hòa hợp, là chẳng hợp với cái sáng, hay chẳng hợp với cái tối, là chẳng hợp với cái thông, hay chẳng hợp với cái bít?
Giảng:
Văn trên đã luận về hòa. Nay sẽ luận về hợp.
Lại nữa, tánh thấy nhiệm mầu không hòa hợp, ông nói rằng tánh thấy nhiệm mầu nầy là không hòa hợp, là chẳng hợp với cái sáng, hay chẳng hợp với cái tối, là chẳng hợp với cái thông, hay chẳng hợp với cái bít?
Kinh văn:
若非明合,則見與明,性相乖角。如耳與明,了不相觸.
Nếu chẳng hợp với cái sáng, thì cái thấy và cái sáng có tánh trái nghịch nhau. Ví như lỗ tai và cái sáng, hoàn toàn không tiếp xúc với nhau được.
Giảng:
“Nếu chẳng hợp với cái sáng, thì cái thấy và cái sáng có tánh trái nghịch nhau.”
Nếu cái thấy không hợp với tướng sáng, thì nó trái nghịch với cái khác. Do nó không hợp, nên nó phải bất hòa và trái nghịch lẫn nhau.
Ví như lỗ tai và cái sáng, hoàn toàn không tiếp xúc với nhau được.
Cũng như lỗ tai, nếu khi quý vị nhìn, quý vị có thể thấy được ánh sáng, nếu quý vị che mắt lại, thì tai quý vị không biết được sáng hay tối. Lỗ tai không phân biệt được sáng và tối. Cái sáng và tánh nghe không quan hệ gì với nhau cả.
[i] . Bản giác có năng thấy: Bản dịch HT. Thích Duy Lực.
[ii] . Bản dịch HT. Thích Duy Lực
[iii] . kalpa: 劫 (刧); C: jié; J: kō; S: kalpa; P: kappa; dịch trọn âm là Kiếp-ba (劫 波);
Một khái niệm Phật giáo nhằm chỉ một thời gian rất dài. Một thời kiếp được biểu diễn như sau: cứ trăm năm có người dùng một tấm khăn lụa chùi một khối đá lập phương mỗi bề một dặm (1,6 km = 1dặm), thì lúc khối đá mòn hết, đó là một kiếp. Mỗi kiếp có bốn giai đoạn sinh, thành, hoại, diệt của các thế giới. Trong giai đoạn sinh thành của thế giới, sinh vật bắt đầu sinh sôi nẩy nở. Trong giai đoạn hai, các thiên thể (mặt trời, mặt trăng) được sinh ra, sinh vật phát triển và bắt đầu có dạng đời sống xã hội. Trong giai đoạn hoại diệt, các yếu tố lửa, nước và gió phá hủy toàn bộ thế giới.
Bốn giai đoạn nói trên hình thành một đại kiếp (s: mahākalpa), mỗi đại kiếp gồm 20 tiểu kiếp hợp lại. Mỗi tiểu kiếp lại được chia ra thành những thời kì sắt, đồng, bạc, vàng. Trong thời gian một tiểu kiếp thành hình, thọ mệnh của con người cứ kéo dài thêm, cứ mỗi trăm năm thêm một tuổi, cho đến lúc con người thọ 84000 năm. Thân thể con người cũng cao lớn đến 8400 bộ. Trong giai đoạn hoại diệt của một tiểu kiếp, đó là giai đoạn của chiến tranh, bệnh dịch, thiếu ăn lan tràn, thì thọ mệnh con người ngắn dần, chỉ còn 10 năm. Thân người lúc đó chỉ còn một bộ. (Theo Tự Điển Phật Học- Đạo Uyển 2001.)
[iv] . Foot (số nhiều Feet) : đơn vị đo chiều dài của Anh = 0, 3048 m)
[v] . Hy-mã-lạp-sơn (Hymalaya)
No comments:
Post a Comment