Kinh văn:
是故阿難,汝今當知。見明之時見非是明。見暗之時見非是暗。見空之時見非是空。見塞之時見非是塞。
Thế nên A-nan! Nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng, khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối, khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không, khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít.
Giảng:
Thế nên, A-nan! Do nghĩa lý vừa được giải thích, nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng. Khi ông nhìn thấy sáng, thì cái thấy của ông chắc chắn không phải là sáng, tánh thấy của ông chắc chắn không phải là sáng, chắc chắn tánh thấy của ông không nhờ ánh sáng mà có được; tánh thấy của ông hòan toàn không bị cảnh ấy xoay chuyển.
Khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối, khi thấy tối đen thì cái thấy của quý vị chắc chắn không phải là cái tối. Cái thấy của quý vị vẫn không thay đổi. Nó cũng giống như cái thấy khi thấy được sáng; cái thấy là đồng nhất, chắng có gì khác biệt.
Khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không. Khi quý vị thấy hư không thì cái thấy của quý vị chắc chắn không bị xoay chuyển bởi hư không. Cái thấy ấy không chạy theo hư không.
Khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít.
Khi quý vị thấy nơi bị ngăn bít thì chắc chắn cái thấy của quý vị không phải theo đó mà trở nên ngăn bít. Tánh thấy không thể nào bị biến chuyển theo hòan cảnh bên ngoài. Tánh thấy không hề bị lay động bởi ngoại cảnh. Đó chính là tánh thấy thường trụ bất sinh bất diệt của quý vị.
Kinh văn:
四義成就.汝復應知。見見之時見非是見。見猶離見見不能及。云何復說因緣自然及和合相。
Bốn nghĩa đã thành tựu. Ông lại nên biết khi ông thấy (biết) được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy. Tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy và cái thấy còn không thể bắt gặp tánh thấy được. Làm sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp?
Giảng:
Bốn nghĩa đã thành tựu. Đó là 4 nghĩa đã giảng từ trước, tức là 4 nhân duyên để thành tựu tánh thấy. Bây giờ ông mới nhận ra rằng tánh thấy không tuỳ thuộc vào 4 phương diện: sáng, tối, hư không, ngăn bít.
Ông lại nên biết khi ông thấy (biết) được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy.
Ở đây chữ kiến thứ nhất là tánh thấy chân thật (chân kiến), là tính giác chân chính của chúng ta.
Chữ kiến thứ nhì là tánh thấy (kiến tinh), dù nó cũng được gọi là tánh thấy, nhưng vẫn còn là cái thấy có chút hư vọng (vọng kiến).
Chữ kiến thứ nhất là tánh thấy thanh tịnh. Đó là tánh thấy chân chính.
Chữ kiến thứ nhì còn vướng một chút hư vọng. Thế nên khi tánh thấy chân thực thấy được cái thấy hư vọng, thì tánh thấy không còn là tánh thấy nữa. Tánh thấy chân thực của quý vị cũng phải tách rời hết thảy mọi thể tánh. Tánh thấy phải không dính một thể tánh nào cả. Không có một thể tánh nào hết. Thế nên nói: tánh thấy không phải là cái thấy.
Không có cái thấy nào để nhằm đạt đến cả. Vì xưa nay không vốn có gì cả, nên quý vị không thể gán cho tánh thấy cái tên nào cả. Đây chính là chỗ: “ Xa lìa tướng nói năng, dứt hẳn tướng ngôn ngữ [i].” Nên nói:
Khẩu dục ngôn nhi từ táng,
Tâm dục duyên nhi lự vong.
Miệng muốn nói nhưng ngôn từ mất hẳn. Tâm muốn phan duyên nhưng vọng niệm hết sạch rồi. Tâm muốn suy lường nhưng không còn cách nào dấy khởi lên được. Đây là tình trạng xa lìa hẳn tướng nói năng – quý vị không còn cách nào để diễn đạt bằng lời nói được cả– và xa lìa hẳn tướng ngôn ngữ văn tự. Nó không còn được diễn đạt bằng bất kỳ hình thức văn tự nào.
Ngôn ngữ đạo đoạn
Tâm hành xứ diệt.
Lối diễn đạt bằng ngôn ngữ bị dứt sạch. Tâm không khởi vọng niệm nữa; đây có nghĩa là lúc tâm phan duyên không còn nữa. Đến cảnh giới nầy được gọi là tánh thấy không phải là cái thấy. Đạo lý nầy không phải dễ hiểu, Tuy vậy, nếu quý vị quen học Phật pháp rồi, thì điều nầy lại rất dễ hiểu. Vì vốn xưa nay không một vật, sao ông lại nói rằng tánh thấy là do nhân duyên, hoặc là do tự nhiên?
Tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy và cái thấy còn không thể bắt gặp tánh thấy được.
Vì tánh thấy của quý vị khác xa hẳn cái thấy, cái thấy không thể bắt kịp tánh thấy ấy được. Vốn không một vật, thế thì ông thấy cái gì?”
Cái thấy còn không thể bắt gặp có nghĩa là cái thấy hư vọng (vọng kiến) không thể thấy được tánh thấy chân thật (chân kiến). Cái gì mà cái thấy của quý vị không thể trông thấy được? Đó là tánh thấy chân thật (chân kiến) của quý vị.
Làm sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp? Tại sao ông vẫn còn muốn nói tánh thấy chân thật, tuyệt đối, trực giác chân chính của ông là nhân duyên mà tôi đã nói trước đây? Sao ông lại đưa điều đó ra như một ví dụ? và tại sao ông lại so sánh giáo lý nầy với thuyết tự nhiên của ngoại đạo? Và tại sao ông lại đưa tướng hòa hợp ra bằng cách cho rằng ai cũng pha trộn với nhau trong một thể hòa hợp?
Tướng hòa hợp cũng giống như khi chao-tze – một loại bánh bao của người Trung Hoa – bị tan rã ra khi đun sôi. Quý vị không nên nhầm lẫn.
Đức Phật bảo A-nan rằng khi Ngài nói về pháp nhân duyên, là để dành cho hàng sơ phát tâm học Phật, cho hàng Tiểu thừa, có nghĩa là pháp môn quyền thừa cho hàng Thanh văn và Duyên giác, và cũng là cho hàng ngoại đạo, để bác bỏ thuyết tự nhiên.
Nay Như Lai giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm để chỉ bày đại định Thủ Lăng Nghiêm. Ý nghĩa thâm mật vi diệu nầy không thể đem so sánh với nhân duyên. Sao ông vẫn còn đem nhân duyên ra so sánh với đệ nhất nghĩa? Sao ông vẫn còn đem nhân duyên ra so sánh với đại định Thủ Lăng Nghiêm? Cũng như nhầm lẫn đồng thau với vàng. Ông quá chấp trước. Ông không nên suy nghĩ như vậy nữa!
Kinh văn:
汝等聲聞狹劣無識。不能通達清淨實相。吾今誨汝當善思惟。無得疲怠妙菩提路.
Các ông là hàng Thanh văn hẹp hòi không hiểu biết, không thông đạt được thật tướng thanh tịnh. Nay Như Lai bảo ông phải biết chiêm nghiệm, không nên trì hoãn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu.
Giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói: “Các ông là hàng Thanh văn . Các ông là hàng Nhị thừa, hiểu biết hẹp hòi. Tâm của các ông cạn cợt và nhỏ nhoi, trí thức của các ông rất thấp kém. Các ông hòan toàn vô trí. Hàng Thanh văn các ông chỉ biết lợi mình mà không biết làm lợi lạc cho người khác. Các ông chỉ biết đến mình mà không đoái hòai khổ đau của các loài chúng sinh khác. Các ông là hàng ‘Ngã không A-la-hán[ii].”
‘Vô minh’ là không có trí huệ chân chính. Tri thức nói ở đây, tuy vậy không phải là tri kiến của hàng phàm phu, mà là trí huệ chân chính của Phật pháp Đại thừa. Các ông không có trí huệ chân chính của Phật pháp Đại thừa. Điều nầy cũng lien quan đến Đệ nhất nghĩa của đại định vi diệu Thủ Lăng Nghiêm. Hàng Thanh văn các ông không thể nào hiểu được điều nầy, và không thông đạt được thật tướng thanh tịnh. “Thông đạt” có nghĩa là nhận thức được. Nay tâm các ông chấp trước nặng nề, tâm phân biệt các ông tạo ra quá lớn, nên các ông cần phải nhận biết những tinh tuý của giáo lý Đại thừa, là Phật pháp Đại thừa, tức thật tướng thanh tịnh.
Thật tướng là gì? Thật tướng tức vô tướng. Đây là giải thích thứ nhất. Mà không vật nào là không có thật tướng. Hết thảy các pháp đều xuất sinh từ thật tướng. Đó là ý nghĩa Thật tướng tức vô tướng, và không vật nào là không có thật tướng. Nghĩa thứ ba là vô tướng mà không có vật nào chẳng phải là thật tướng. Hết thảy các pháp đều xuất sinh từ thật tướng. Thế nên “thật tướng” là bản thể của các pháp.
Thế quý vị có muốn tìm thấy thật tướng, vì nó là bản thể của các pháp chăng? Rốt ráo nó giống như cái gì? Quý vị không nhìn thấy nó được. Như thể nó được gán cho cái tên “thật tướng” thế thôi. Như Lão Tử nói: “Đạo khả đạo, phi thường đạo.” Nếu có thể nói về đạo của mình, nếu quý vị có thể giải thích được đạo ấy, thì đó không còn là đạo thường hằng nữa. “Danh khả danh phi thường danh.” Nếu quý vị có một cái tên để gọi ra, thì đó không còn là cái tên bất diệt nữa. Rồi ông nói thêm: “Vô danh thiên địa chi thuỷ. Hữu danh vạn vật chi mẫu.” Triết học của Lão Tử là như vậy. Những gì tôi trình bày hôm nay là giúp cho quý vị dễ hiểu giáo lý mình đang học hơn.
Thật tướng tức là chân không và cũng tức là diệu hữu. Quý vị cho rằng chân không là hư không chăng? Không phải. Vì trong chân không xuất sinh diệu hữu. Diệu hữu chắc chắn không phải là sự hiện hữu (thông thường). Chân không chẳng phải là hư không, và diệu hữu không phải lúc nào cũng hiện hữu. Vì nó không thực có, nên được gọi là diệu hữu. Thật tướng cũng có đạo lý y như vậy. Nếu quý vị thông đạt được nghĩa nầy, thông suốt được việc nhỏ thì thông suốt được hết mọi việc.
Thế tự tánh của quý vị giống như cái gì?
Tự tánh giống như hư không. Quý vị nói xem trong hư không có vật gì chăng? Có rất nhiều thứ trong hư không, nhưng quý vị không thấy được. Sự hiện hữu trong hư không gọi là diệu hữu. Tướng không trong hư không chính là chân không. Vì chân không chẳng phải không, nên được gọi là diệu hữu. Vì diệu hữu mà không hiện hữu, nên gọi là chân không. Hai tên vốn chỉ là một. Tuy nhiên, khi quý vị quán chiếu thâm sâu thì sẽ thấy một tên cũng không có. Đặt cho nó một cái tên cũng như gắn thêm trên đầu một cái đầu nữa. Quý vị nói: “Đây là chân không, đây là diệu hữu, đây là thật tướng.” Điều ấy càng tăng thêm chấp trước nơi quý vị. Vì bản thể chân thật của các pháp vốn không có một thứ gì cả. Khi quét sạch tất cả các pháp, tức là xa lìa được các tướng. Như văn kinh trước đã nói: “Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp.” Lìa tất cả các tướng thế gian tức là Pháp. Nhưng nhiều người không thể nào tự mình xa lìa được các tướng thế gian nầy. Và vì họ không thể nào tự mình xa lìa được các tướng thế gian nầy, nên họ không thể nhập được vào các pháp.
“Tôi có thể xa lìa được các tướng.” Quý vị nói. “Tôi không chấp trước một thứ gì cả.”
Quý vị không chấp trước một thứ gì cả hay chăng? Như một lát nữa đây có trận động đất, quý vị có sợ hãi không? Tôi tin ở đây có rất ít người bối rối khi động đất đến. Chỉ vì chúng ta không chịu xa lìa các tướng. Nếu chúng ta có thể xa lìa được các tướng, thì dù núi Thái sơn có sụp đổ trước mắt, quý vị cũng không hề lay động. Người đã chuyển được vật rồi thì chẳng sợ hãi khi gặp điều gì. Nếu quý vị không sợ hãi, thì chẳng có cảnh giới nào cả. Làm sao mà các cảnh giới kia còn tồn tại được nữa? Sao còn có các ma chướng được nữa? Sao ma vương còn có thể đến để quấy rối định lực của quý vị được nữa? Chỉ vì quý vị dao động, nên ma có dịp lẻn vào ngay. Nếu quý vị không dao động, chẳng có ma nào tìm được cách để chen vào quý vị. Chẳng có câu chú nào mà nó đọc lên để làm lay động quý vị cả.
Quý vị sẽ nói: “Thế tại sao Ma-đăng-già lại đọc được thần chú để mê hoặc A-nan như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm?”
Chỉ vì A-nan không có định lực. Nếu A-nan có định lực, nếu A-nan có đại định Thủ Lăng Nghiêm, thì có lẽ chẳng cần Đức Phật phải nói kinh Thủ Lăng Nghiêm hoặc thần chú Thủ Lăng Nghiêm; quý vị và tôi bây giờ có lẽ khỏi cần phải nghe hay học kinh Thủ Lăng Nghiêm. Thế nên đó là nhân duyên. Nhưng nếu ai đã có định lực, bất luận cảnh giới nào sinh khởi, họ vẫn không hề lay động.
“Nay Như Lai bảo ông. Như Lai sẽ chỉ dạy cho ông. Phải biết chiêm nghiệm.” “Biết chiêm nghiệm” đây không có nghĩa là loại suy nghĩ thông thường mà A-nan đã sử dụng và trình bày từ trước. Chữ thì giống nhau, nhưng nghĩa của nó từng lúc có khác. “Biết chiêm nghiệm” đây có nghĩa là A-nan phải nên dùng chân tâm mà quán chiếu tường tận. Chẳng phải là đem thức tâm để phân biệt.
“Không nên trì hoãn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu. Đừng làm biếng và thiếu nhiệt thành. Đừng hời hợt hoặc đại khái qua loa. Đừng luẩn quẩn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu. Ông nên diệc phục như thị, chú tâm và đặc biệt ý thức đây là con đường dẫn đến sự giác ngộ nhiệm mầu. Đó là Thủ Lăng Nghiêm diệu định. Nếu ông có được Thủ Lăng Nghiêm diệu định, thì ông có thể đi trên con đường dẫn đến quả vị giác ngộ nhiệm mầu, có nghĩa là quả vị Phật.”
Chư Phật được gọi là Diệu giác, và chư Bồ-tát được gọi là Đẳng giác; Bồ-tát cũng có đủ năng lực đạt đến Diệu giác. Có năm mươi lăm giai vị [iii] từ Thanh văn, Bồ-tát thẳng đến quả vị Diệu giác. Năm mươi lăm giai vị sẽ được giảng giải trong phần sau của Kinh văn.
Kinh văn:
阿難白佛言,世尊。如佛世尊為我等輩。宣說因緣及與自然。諸和合相與不和合。心猶未開。而今更聞,見見非見,重增迷悶。
A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Như Phật Thế tôn vì chúng con giảng nói về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp, trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ, mà nay lại nghe thấy được cái thấy chẳng phải là tánh thấy, con càng thêm mê muội.”
Giảng:
A-nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn! Như Phật Thế tôn vì chúng con giảng nói. Kính bạch Đức Phật, Ngài đã vì chúng con, hàng Thanh văn, và vì hàng Duyên giác mà giảng giải về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp– các hiện tượng mà không hòa hợp và thống nhất cùng với nhau.
Trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ. Kính bạch Đức Phật, sau khi nghe giảng giải, chúng con vẫn chưa giác ngộ. Chúng con vẫn không hiểu được. Tâm chúng con vẫn chưa được khai ngộ. Mà nay lại nghe thấy được cái thấy chẳng phải là tánh thấy, con càng thêm mê muội.”
A-nan lại chất vấn Đức Phật một lần nữa. A-nan nói rằng cách diễn đạt giáo lý trên đã khiến cho mình càng tăng thêm sự tối tăm mờ mịt, khó hiểu trong tâm. A-nan cũng như những người đã nhiều lần nghe giảng kinh kinh Thủ Lăng Nghiêm rồi mà vẫn nói: “Đoạn nầy nói gì vậy? Tôi chẳng hiểu chút nào. Tôi đã nghe giảng suốt mấy ngày nay, càng nghe càng thấy trở nên mờ mịt.”
Kinh văn:
伏願弘慈施大慧目。開示我等覺心明淨。作是語已,悲淚頂禮,承受聖旨.
Cúi mong Thế tôn mở rộng lòng từ, ban cho con mắt đại trí huệ, chỉ dạy cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh. Nói xong, A-nan buồn khóc rồi đảnh lễ, vâng nhận thánh chỉ.
Giảng:
Cúi mong Thế tôn mở rộng lòng từ. Con quỳ trước Thế tôn và mong Ngài mở rộng lòng đại từ bi ban cho con mắt đại trí huệ. Ban cho chúng con Phật nhãn.
Chỉ dạy cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh. Bạch Đức Thế tôn, cúi mong Ngài giảng giải về tâm giác ngộ với thể tánh thanh tịnh cho hàng Nhị thừa,Thanh văn, Duyên giác chúng con.”
Nói xong– đến lúc nầy, A-nan thực là bối rối. Thế nên khi nói xong, quý vị biết A-nan như thế nào không?
A-nan buồn khóc rồi đảnh lễ. A-nan khóc. A-nan sử dụng đến ngón nghề của trẻ con là đứng khóc trước mặt Đức Phật, và A-nan vừa khóc vừa dập đầu cúi lạy giống như trẻ thơ bị lấy mất đi phần sữa nên khóc la nhìn mẹ nó đòi cho được sữa. Thỉnh cầu được nghe pháp cũng giống như đòi được uống sữa. Vâng nhận thánh chỉ.
A-nan trông chờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban cho mình chút pháp nhũ để thỏa lòng cơn khát và giải trừ tâm đang bối rối.
Kinh văn:
爾時世尊,憐愍阿難及諸大眾。將欲敷演大陀羅尼,諸三摩提妙修行路。
Khi ấy Thế tôn thương xót A-nan cùng đại chúng, đang muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường tu tam-ma-đề vi diệu.
Giảng:
A-nan khóc lóc van nài Đức Phật xuất định. Đức Phật ra khỏi định để giảng giải cho A-nan giáo lý tu đạo, pháp môn tam-ma-đề vi diệu.
Khi ấy Thế tôn thương xót A-nan. “Khi ấy” là khi A-nan sắp chết khát và mong có sữa để uống. Đó là khi sự bối rối của A-nan quá cao độ nên A-nan cố mong tìm kiếm cho được sự hóa giải. Đó là khi A-nan khóc lóc và cúi xuống đảnh lễ. Cơ bản là Đức Phật vốn có sẵn tâm đại từ bi, nên khi thấy A-nan khóc lóc van nài, Đức Phật lại phát khởi tâm đại từ bi một lần nữa, Ngài mong được giảng giải giáo lý ngay cho A-nan. Vì A-nan là người em họ thương yêu của Đức Phật, dường như ở đây Đức Phật bày tỏ lòng thương yêu và che chở đặc biệt đối với A-nan.
Cùng cả đại chúng. Tuy nhiên, Đức Phật làm việc ấy không phải chỉ vì A-nan, mà vì lợi lạc cho nhiều người trong đại chúng–
Ngài đang muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường tu tam-ma-đề vi diệu.
Trong tiếng Phạn, chữ đà-la-ni [iv] có nghĩa là thần chú.[v]
Có lọai đà-la-ni gồm nhiều chữ, như thần chú Thủ Lăng Nghiêm, thần chú Phật đảnh tôn thắng. Có lọai đà-la-ni gồm ít chữ, như thần chú Lục tự đại minh. Có khi dùng chữ man-tra. Có khi dùng chữ đà-la-ni. Khi dùng chữ đà-la-ni, thì có nghĩa là “tổng trì.” Nghĩa là “Tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa.” Tất cả các pháp đều bao hàm trong man-tra. Vô lượng diệu nghĩa đều xuất sinh từ man-tra. Đây là một cách giải thích. Tôi còn có một cách giải thích khác. “Tổng trì” có nghĩa là giữ cho ba nghiệp thân khẩu ý được hòan toàn thanh tịnh. Tam vô lậu học giới, định, huệ được thọ trì. Đại đà-la-ni khác với tiểu đà-la-ni. Tiểu đà-la-ni là những câu chú nhỏ, công năng của nó không lớn lắm. Điều đang nói đây là đại đà-la-ni.
“Tam-ma -đề [vi]” là định . A-nan muốn tu tập pháp môn đại tổng trì tam-ma-đề vi diệu. Nay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sắp sửa giảng bày diệu pháp.
Kinh văn:
告阿難言,汝雖強記,但益多聞。於奢摩他 微密觀照,心猶未了。汝今諦聽,吾今為汝分別開示。
Bèn bảo A-nan: “Ông tuy nhớ giỏi, chỉ có ích cho việc học rộng. Đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp xa-ma-tha, tâm ông còn chưa rõ. Nay ông hãy lắng nghe kỹ, Như Lai sẽ vì ông phân biệt khai thị.”
Giảng:
Đức Phật đưa ra vấn đề. Ngài báo trước những điều sẽ giảng giải cho A-nan.
Bèn bảo A-nan: “Ông tuy nhớ giỏi, chỉ có ích cho việc học rộng.
Trí nhớ của ông rất giỏi, ông học rất rộng nhờ vận dụng trí nhớ ấy. Sự việc gì đã đi qua trước mắt ông là ông không thể nào quên được. Nhưng trí nhớ ấy chỉ giúp ông trong việc học, trong việc khai mở trí huệ thông qua cái nghe.
“Đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp xa-ma-tha, tâm ông còn chưa rõ.”
“Xa-ma-tha [vii]” là giáo pháp quán chiếu vi mật. Nhưng tâm ông vẫn chưa được hiểu. Ông vẫn chưa nhận ra được chút nào cả.
Nay ông hãy lắng nghe kỹ, Như Lai sẽ vì ông phân biệt khai thị. Nay ông phải đặc biệt chú ý lắng nghe khi Như Lai vì ông giảng nói từng điểm, từng phần một. A-nan, đừng khóc nữa. Hãy yên tâm. Như Lai sẽ dạy cho ông. Như Lai sẽ giảng giải cho ông ngay. Đừng buồn.”
Kinh văn:
亦令將來諸有漏者獲菩提果。
Cũng là giúp cho hàng hữu lậu trong tương lai chứng được quả vị bồ-đề.
Giảng:
“Cũng là giúp cho hàng hữu lậu trong tương lai.”
“Hàng hữu lậu trong tương lai” bao gồm cả chúng ta, những người đang ngồi học trong pháp hội nầy. Chúng ta bây giờ chính là “Hàng hữu lậu trong tương lai” được đề cập lúc ấy. Ai cũng phải trải qua quá trình “hữu lậu” trước khi được công nhận là chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. “Hữu lậu” có nghĩa là những điều sai lầm. Chẳng hạn, nếu có ai thích uống rượu, người ấy được gọi là tửu lậu, nếu có ai thích hút thuốc, người ấy được gọi là yên lậu, nếu có ai thích ăn ngon, người ấy được gọi là thực lậu, nếu có ai thích mặc đẹp, người ấy được gọi là y lậu. Nếu những ví dụ nầy chưa được rõ ràng, tôi sẽ nói theo cách khác. Nói chung, bất luận quý vị thích cái gì nhất thì đó gọi là lậu.
Quý vị sẽ có ý kiến: “Tôi thích ngồi thiền nhất, nên được gọi là thiền lậu chăng?”
Điều ấy khác hẳn. Thiền định giúp quý vị hướng thượng. Khi tôi nói đến cái gì quý vị thích nhất, đó là những thứ gì làm quý vị chìm đắm. Nếu quý vị thích những thứ khiến mình bị chìm đắm, thì đó gọi là lậu.
Hữu lậu không chỉ có nghĩa là những việc quý vị đã làm trong quá khứ. Nếu có một vọng niệm cứ khuấy động trong tâm, quý vị nghĩ rằng “ta vốn đã có sai lầm như vậy, nay ta đã thay đổi, nhưng ta vẫn nghĩ về nó và muốn tái phạm lại.” Đó là một ý tưởng hữu lậu. Nên nó thật là mãnh liệt. Lúc ấy quý vị chỉ biết để mặc cho vọng niệm khuấy động tâm mình, và quý vị sẽ bị chìm đắm. Còn nếu tâm quý vị bất động, thì quý vị sẽ được thăng hoa.
Quả vị thứ nhất, thứ hai, và thứ ba của hàng A-la-hán chưa được gọi là vô lậu, khi chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán rồi mới được gọi là vô lậu.
Bây giờ Đức Phật nói để khiến cho mọi người còn trong hàng hữu lậu chứng được quả vị bồ-đề.
Làm sao để chứng được quả vị bồ-đề? Quý vị cần phải đạt được vô lậu. Nếu quý vị còn hữu lậu, thì không thể nào mong chứng được quả vị bồ-đề. Quý vị có muốn thử chẳng? Quý vị đã là kẻ hữu lậu vì quý vị đã thử từ vô thuỷ đến nay rồi. Thế nên đừng tiếp tục mê mờ nữa. Đừng hành xử như thể chưa từng bao giờ nghe tôi giảng, rồi cho rằng: “Có lẽ Sư phụ chẳng đề cập đến sai trái của mình. Ở đây có rất nhiều người nên chắc chắn sư phụ nói về một người nào đó. Lỗi lầm nhỏ nhặt của mình đâu có vấn đề gì nghiêm trọng. Ta còn yêu thích thói quen ấy và chưa muốn từ bỏ nó. Sao vậy? Vì sư phụ chưa đề cập đến mình. Có lẽ sư phụ nói đến người nào khác.” Nhưng quý vị không nên tự mình làm trò ngu xuẩn, vì quý vị sẽ đánh mất cơ hội thành Phật. Từ vô thuỷ đến nay, quý vị đã trôi lăn sinh tử trong cõi ta-bà nầy, sống rồi lại chết, chết rồi lại sống, lang thang mãi không thấy lối quay về. Thật là điên đảo. Nay quý vị đã gặp được Phật pháp, quý vị nên nhanh chóng quay đầu, dũng mãnh và tinh tấn thức tỉnh. Đừng tiếp tục rong ruổi lang thang mà quên đường về.
Kinh văn:
阿難,一切眾生輪迴世間。由二顛倒分別見妄。當處發生當業輪轉。
A-nan, tất cả chúng sinh luân hồi trong thế gian, là do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt, ngay đó phát sinh, ngay đó mà nghiệp luân chuyển.
Giảng:
Ngay khi đọc xong đoạn kinh văn nầy, quý vị sẽ khiếp sợ ngay. Quý vị sẽ bị sửng sốt.
A-nan, tất cả chúng sinh luân hồi trong thế gian. Đức Phật gọi A-nan và nói: “Tất cả mọi chúng sinh trong thế giới nầy trôi lăn trong vòng sinh tử, lưu chuyển sống chết. Họ quay như bánh xe, có khi họ sinh ở cõi trời, có khi đoạ vào địa ngục. Có khi họ thành A-tu-la, có khi họ làm người, có khi họ làm súc sanh, có khi họ làm quỷ đói. Bánh xe quay mãi trong lục đạo luân hồi không bao giờ ngưng nghỉ là do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt. Bánh xe luân hồi sinh tử ấy được xoay chuyển bởi hai thứ điên đảo do thức tâm phân biệt và khởi tà kiến. Những tà kiến nầy xuất phát từ biệt nghiệp và cộng nghiệp. Ngay đó phát sinh– bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, khi mà những tà kiến nầy sinh khởi – thì ngay đó mà nghiệp luân chuyển.
Bất kỳ cái gì được xem hư vọng có nghĩa là nó không chân thật. “Tà kiến” nghĩa là sao? Nếu chúng ta có sự hiểu biết chân chính, thì núi sông đất liền, nhà cửa, lầu các... đều chẳng hiện hữu.
“Đó là biểu hiện của thực tại, thế thì, vì vốn xưa nay chẳng có vật gì cả, vậy tôi sẽ sống ở đâu?” – Quý vị sẽ hỏi– Đừng bận tâm! Quý vị vẫn sống trong nhà đó thôi!
“Bất kỳ lúc nào những tà kiến ấy phát khởi, vòng luân hồi sinh tử liền theo nghiệp luân chuyển ngay.” Nghĩa là quý vị nhận ngay quả báo tương ưng với những việc quán chiếu đã tạo – cả biệt nghiệp lẫn cộng nghiệp. Nếu quý vị làm việc thiện, sống đạo đức, thì quý vị sẽ được sinh ở cõi trời. Nếu quý vị gây tội ác, quý vị sẽ bị đoạ vào địa ngục. Bất kỳ quý vị đã tạo nghiệp gì, nó đều dẫn đến một quả báo tương xứng mà quý vị phải trải qua. Trong bất kỳ nơi nào, dù quý vị có tạo một nghiệp cá nhân riêng biệt, thì quý vị sẽ phải chịu quả bảo tương ứng trong vòng sinh tử luân hồi.
Phật pháp rất là vi diệu. Những ai ở trong Phật pháp có thể chưa nhận biết được sự lợi lạc của Phật pháp đối với mình. Những ai chưa phải là người Phật tử cũng sẽ không tìm thấy được điều gì sai trái khi chưa thâm nhập Phật pháp. Nhưng trong đạo Phật, một mảy may việc thiện hoặc mảy may việc ác mà quý vị tạo nên đều có quả báo, và quả báo ấy không bao giờ sai sót dù chỉ bằng một mảy lông.
---o0o---
Phật giáo hòan toàn tự do và bình đẳng. Tuyệt đối không thiên vị. Tại sao nói không thiên vị? Vì hết thảy mọi loài chúng sinh, từ loài ngạ quỷ cho đến chúng sinh trong địa ngục, đều có thể thành Phật nếu họ phát tâm tu đạo. Ngay cả những người xấu ác nhất cũng có thể thành Phật. Ngay cả những loài vật ác nhất cũng có thể thành Phật. Ngoại đạo nói rằng người cực ác thì luôn luôn là kẻ ác và chẳng có cách nào độ họ được cả. Nhưng vào đời Minh, có con hổ đã lạy Đại sư Liên Trì xin làm đệ tử và xin được hộ vệ cho Ngài. Bất kỳ Đại sư Liên Trì đi đâu, hổ đều đi theo. Không ai sợ Đại sư Liên Trì, nhưng khi thấy dáng hổ, mọi người đều tránh xa. Họ vừa thấy bóng hổ là bỏ chạy và la “Hổ đến!” rồi tìm chỗ ẩn náu.
Chư tăng đều phải khất thực để sống. Đại sư Liên Trì cũng như vậy. Ngài cũng phải đi khất thực. Khi nào Ngài không còn gì để dùng, Ngài bảo đệ tử hổ đi khất thực.
Quý vị sẽ hỏi: “Nhưng mọi người ai cũng sợ hổ, ai dám mang vật phẩm đến cúng dường?”
Quý vị hỏi rất đúng, nhưng Đại sư Liên Trì đã dạy con hổ này phải hiền từ không được hại người. Thế nên sau thời gian dài, ai cũng biết con hổ nầy là một con hổ hiền lành, không ai còn sợ nó nữa. Lại nữa, Đại sư Liên Trì lại dạy nó khi đi vào trong làng thì phải quay lưng lại mà đi, thế nên ban đầu người ta không sợ hãi khi thấy cái đuôi hổ hơn là thấy cái đầu. Lại nữa, các đệ tử của Đại sư Liên Trì đều công nhận ‘pháp lữ hổ’ của mình đã đến. Người đã quy y trước thì xem hổ là ‘sư đệ hổ’, người quy y sau thì xem hổ là ‘sư huynh hổ’. Khi hổ đến, ai cũng tìm cách cúng dường. Người nầy cúng 3 đô-la, người kia cúng 5 đô-la, người cúng 8 đô-la, người cúng 10 đô-la. Sau khi đã lần lượt khất thực khắp mọi nhà, thầy trò cũng vừa đủ thực phẩm để dùng suốt một năm.
Thế nên mặc dù hổ là loài rất dữ, nhưng cũng biết quy y và hộ trì Tam bảo. Nó không hẳn là ác lắm, và trong tương lai, nó sẽ được thành Phật. Đây là một ví dụ về sự bình đẳng trong Phật pháp.
Phật pháp cũng rất tự do. Việc thiện ác do quý vị làm là quyền của quý vị; không ai ngăn cấm quý vị được cả. Không ai bảo quý vị phải tuyệt đối làm điều thiện và không được làm việc ác cả. Tôi chỉ có thể khuyến khích quý vị không nên làm điều ác, nhưng nếu quý vị dứt khóat làm ác thì tôi cũng chẳng thể nào làm một nhà tù riêng để giam những đệ tử tôi không nghe lời dạy. Chẳng có luật lệ nào như vậy trong Phật pháp cả. Không có chuyện bắt người ta vào tù để khiến họ phải cải tạo tâm tính cả.
Kinh văn:
云何二見。一者眾生別業妄見。二者眾生同分妄見.
Thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh. Hai là đồng phận vọng kiến của chúng sinh .
Giảng:
Hai thứ vọng kiến nói trên khiến cho mọi loài chúng sinh phải trôi lăn luân hồi sinh tử trong lục đạo. Sinh ra rồi chết, chết rồi lại sinh. Sống chết không hề gián đoạn. Vòng luân hồi sinh tử không bao giờ dứt hẳn. Do vì các thứ vọng kiến nầy sai sử con người phải trôi lăn trong vòng sống chết.
Thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh. Có thể gọi vọng kiến do nghiệp riêng của từng chúng sinh và vọng kiến đồng phận còn được gọi là vọng kiến do cộng nghiệp. Biệt nghiệp là những gì khiến cho quý vị khác hẳn với mọi người. Đó là nghiệp riêng của chính quý vị, không giông như nghiệp của những người khác. “Biệt nghiệp vọng kiến” có nghĩa là quý vị có riêng quan niệm và cách hành xử riêng biệt, nên nghiệp quý vị tạo tác cũng riêng biệt đối với quý vị.
Biệt nghiệp vọng kiến của con người khiến cho họ “kiêu kỳ lập dị”. Có nghĩa là họ tự thấy mình không giống như những người khác. Họ luôn luôn thấy mình khác hơn những người tầm thường. Và nghiệp họ tạo ra cũng rất đặc biệt. Sao vậy? Vì ai cũng muốn mình là “đệ nhất”. Ai cũng muốn mình đứng đầu cả. Là vì nghiệp của mỗi người đều khác biệt nhau. Đây cũng là một thứ vọng kiến. Biểu hiện sự kiêu kỳ lập dị đều là những ví dụ cho vọng kiến. Nó cũng là biểu hiện của vọng tưởng, vọng nghiệp, tà hạnh.
Biệt nghiệp mà có đều được tạo ra từ tâm vọng tưởng– vọng tưởng có một bản ngã. Càng cao càng tốt. Con người tự gán cho mình một dạng đặc biệt, và nghiệp riêng là kết quả từ đó.
Hai là đồng phận vọng kiến của chúng sinh .
Đồng phận là những gì giống như mọi người khác. Còn được gọi là “cộng nghiệp,” gồm những hiện tượng như thiên tai, hạn hán, đói khát, chiến tranh. Trời tối, động đất khiến vô số người bị chết, hằng trăm ngàn, hoặc triệu ngay cả đến 10 triệu người chết một lúc ở chỉ một nơi. Đó là “cộng nghiệp.” “Đồng phận vọng kiến” là vọng kiến tạo ra loại cộng nghiệp nầy. Vì chúng sinh mê mờ xem vật là mình và nhận giặc làm con, tạo ra Đồng phận vọng kiến, có nghĩa là tạo ra cộng nghiệp. Đó là vọng kiến được tạo ra từ vọng tưởng. “Kiến” ở đây không nhất thiết có nghĩa là ‘thấy’, mà có nghĩa là quan điểm, quan niệm. Quan niệm chung của nhiều người, quan điểm của mọi người đều giống nhau. Vọng tưởng của chúng sinh tạo nên cộng nghiệp nầy. Và thế nên họ phải chịu quả báo sai lầm. Nên nói khởi vọng tưởng, tạo vọng nghiệp, và phải chịu quả báo. Xưa nay họ vốn không hiểu, đó là cách họ tạo ra nghiệp. Một khi đã tạo nghiệp rồi thì phải chịu quả báo.
Tôi sẽ kể cho quý vị nghe về quả báo do cộng nghiệp. Ở Trung Hoa vào năm Dân Quốc thứ 33 (1944), tỉnh Hà Nam trải qua một trận hạn hán. Không những trời không mưa, mà còn xuất hiện từng đàn châu chấu. Mỗi khi nó đến là bầu trời trở nên tối tăm. Mỗi con châu chấu dài khoảng 3-4 inches[viii]. Nó bay trên trời, chẳng làm gì cả, chỉ ăn cây cỏ ngoài đồng. Nó bổ nhào xuống và ăn sạch những chồi non, bất kể loại cây gì đang mọc. Đám châu chấu thật hung tợn. Nó đến từng đàn, che kín cả bầu trời, đất trời trở nên tối tăm.
Chỉ một cái lưới bắt bướm, với một cú vớt nhẹ là người ta bắt được rất nhiều châu chấu. Họ mang về nhà để ăn, vì lúc ấy chẳng có chút thực phẩm nào cả, họ đành phải ăn châu chấu. Châu chấu phá hại mùa màng, thế nên người ta ăn châu chấu.
Phần nhiều, Phật nhãn của trẻ con dễ khai mở hơn, vào lúc ấy, nhiều đứa trẻ thấy không biết vì sao mà có quá nhiều châu chấu trên trời. Chúng nó thấy có một ông già trên không trung với râu tóc bạc phơ, miệng ông đang phun ra châu chấu. Không biết cách nào để tính thử xem một lần ông phun ra thì có bao nhiêu con châu chấu rơi xuống đất. Dày hơn cả gót chân– không những chỉ một nơi mà khắp trong vòng bán kính vài trăm dặm. Quý vị không cho sự kiện nầy lạ kỳ hay sao? Đây thực là ví dụ cho cộng nghiệp, cho vọng kiến đồng phận. Người ta bắt châu chấu đem về nhà nấu ăn, nhưng khi dọn lên bàn để ăn, thì chúng biến thành phân người. Châu chấu tự hóa thành phân người. Nó không đợi đến khi người ăn xong mới biến thành phân. Không lạ kỳ hay sao? Dù người ta có đói bao nhiêu chăng nữa, họ cũng không thể nào ăn phân của chính mình. Nghiệp chướng của họ như vậy đó. Kinh khủng như vậy đó. Việc ấy làm sao chẳng phải do vọng kiến? Người ta lánh nạn từ Hà Nam sang Tràng An, kinh đô về hướng Tây, khoảng cách chừng hơn 800 dặm. Hằng ngày số người chết đói trên đường nhiều không thể nào tính được. Khi người chết vì đói, càng đói họ càng cười. Họ chết cười trên đường. Thế nên tôi nói chết đói không có gì là xấu.
Đó là những gì đã xảy ra ở Trung Hoa vào năm Dân Quốc thứ 33. Không chỉ một người, mà nhiều người đã kể cho tôi nghe chuyện ấy. Tôi không chứng kiến chuyện ấy một mình, còn có nhiều Pháp sư đã chứng kiến và kể lại, họ là những người đã có mặt trong thời gian đó và chịu đựng trận đói kinh hòang. Tôi không hỏi các vị lúc ấy có ăn châu chấu hay không, thế nên bây giờ quý vị cũng đừng hỏi tôi chuyện ấy làm gì.
Kinh văn:
云何名為別業妄見。阿難如世間人目有赤眚,夜見燈光。別有圓影五色重疊。
Thế nào gọi là biệt nghiệp vọng kiến? A-nan, như người thế gian bị bệnh nhặm mắt, ban đêm nhìn đèn sáng, riêng thấy quanh đèn có vòng tròn năm màu bao phủ.
Giảng:
Phần trên tôi đã giải thích tổng quát biệt nghiệp vọng kiến và đồng phận vọng kiến. Bây giờ Đức Phật sắp sửa giải thích chi tiết về biệt nghiệp vọng kiến.
“Thế nào gọi là biệt nghiệp vọng kiến? A-nan, như người thế gian, giống như mọi người đang sống trên đời, bị bệnh nhặm mắt. Tức là bị một lớp màng màu đỏ phát sinh và bao phủ lấy tròng mắt, nên ban đêm nhìn đèn sáng, riêng thấy quanh đèn có nhiều lớp vòng tròn năm màu bao phủ.”
Biệt nghiệp khiến cho con người đặc biệt khác hẳn với những người chung quanh. Vì dạng người trong ví dụ của Đức Phật muốn bày tỏ tính kiêu kỳ lập dị của mình, họ đã thọ nhận quả báo không giống như mọi người chung quanh. Mắt của người nầy bị bệnh, nên khi nhìn thấy đèn, ánh sáng bị biển đổi, nó phát ra những quầng sáng. Bao quanh đèn là một vòng tròn ngũ sắc– vàng, đỏ, xanh, trắng, đen– các màu sắc rất đẹp. “Trùng điệp- nhiều lớp” có nghĩa là không phải chỉ có năm màu, mà có hàng ngàn màu tím, hàng ngàn màu đỏ, những màu ấy quý vị chưa từng thấy bao giờ. Quý vị cho rằng những màu và các vòng ngũ sắc ấy có thật hay hư giả?
Chẳng hạn, vốn không có vấn đề gì đối với con mắt của mọi người cả, nhưng con người lại tạo nên vấn đề. Vấn đề gì? Họ thấy không rõ. Họ phát khởi vọng kiến. Họ nhìn bức tường và thấy nó biến thành vô số màu– thấy năm màu rồi biến thành trắng đục. Làm sao tôi biết được chuyện ấy? Có lần tôi gặp một người có lẽ đã dùng LSD[ix] hay một thứ ma tuý [x] nào khác không rõ, nhưng anh ta cứ nhìn vào tường rồi cười ha hả thật lớn tiếng không dứt.
Tôi hỏi anh ta: “Sao anh lại cười như vậy?”
“Nhìn kìa!” Anh ta đáp. “Vô số màu sắc! Ồ! nhiều màu rất đẹp!”
Bây giờ chắc quý vị biết anh ta cũng giống như trường hợp người bị nhặm mắt rồi chứ?
Cơ bản là mắt vốn chẳng có gì sai lầm cả, người anh ta đã dùng ma tuý hoặc thuốc kích thích nên chính anh ta điên đảo đến nỗi khi nhìn vào tường thì thấy nó quằn quại trong vô số màu sắc. Nhưng anh ta thấy loại màu sắc khác. Ai không dùng thuốc nầy sẽ cho rằng anh ta nằm mơ và nói nhảm. Mắt anh ta vốn chẳng có bệnh gì, chính anh ta gây ra vấn đề nầy.
Bây giờ Đức Phật giải thích câu hỏi nầy chi tiết hơn.
Kinh văn:
於意云何,此夜燈明所現圓光。為是燈色,為當見色。
Ý ông nghĩ sao? Đèn sáng ban đêm nầy hiện ra quầng sáng, đó là màu sắc của đèn hay là màu sắc của cái thấy?
Giảng:
Ý ông nghĩ sao? Ý kiến của ông về vấn đề nầy như thế nào? Đèn sáng ban đêm nầy hiện ra quầng sáng, đó là màu sắc của đèn hay là màu sắc của cái thấy?
Quầng sáng phát ra quanh đèn ấy là gì? Trong từng vòng ngũ sắc ấy, màu sắc phát ra từ đèn hay phát ra từ cái thấy? A-nan, nói nhanh!
Kinh văn:
阿難,此若燈色,則非眚人,何不同見。而此圓影唯眚之觀。若是見色,見已成色。則彼眚人見圓影者名為何等。
A-nan, nếu màu sắc nầy là của ngọn đèn, thì người không bị nhặm mắt sao chẳng cùng thấy, mà quầng sáng ấy chỉ riêng người nhặm mắt mới thấy? Nếu đó là màu sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành màu sắc, còn người nhặm mắt kia thấy quầng sáng thì gọi là gì?
Giảng:
Ở đây Thế tôn lại hỏi A-nan câu khác:
“A-nan, nếu màu sắc nầy là của ngọn đèn– nếu ông nói quầng sáng với vô số vòng ngũ sắc kia là phát ra từ đèn– thì người không bị nhặm mắt sao chẳng cùng thấy, mà quầng sáng ấy chỉ riêng người nhặm mắt mới thấy?
“Người không bị nhặm mắt” là chỉ cho Đức Phật và các Bồ-tát. Người bị nhặm mắt là chỉ cho hàng chúng sinh. Đèn là biểu tượng cho chân lý. Khi Đức Phật và Bồ-tát nhìn, các Ngài thấy chân lý. Khi chúng sinh nhìn, thì thấy quầng sáng. Chúng sinh vấn thấy được đèn, nhưng nhìn thấy luôn chung quanh đèn có những quầng sáng với vô số vòng tròn ngũ sắc. Đó là những gì hàng phàm phu và các loài chúng sinh thấy được.
Năm màu biểu tượng cho ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Nếu đó là màu sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành màu sắc, còn người nhặm mắt kia thấy quầng sáng thì gọi là gì?
Kinh văn:
復次阿難,若此圓影離燈別有。則合傍觀屏帳几筵有圓影出。離見別有應非眼矚。云何眚人目見圓影。
Lại nữa A-nan! Nếu quầng sáng nầy rời đèn mà có, thì khi nhìn những vật chung quanh như bình phong, ghế, màn, cũng thấy quầng sáng hiện ra. Nếu rời cái thấy mà có quầng sáng, thì lẽ ra chẳng phải mắt thấy. Tại sao người nhặm mắt mới thấy quầng sáng?
Giảng:
Lại nữa A-nan! Nếu quầng sáng nầy rời đèn mà có:
Nếu quầng sáng ngũ sắc hòan toàn không do ngọn đèn mà có, thì khi người ta nhìn các vật khác trong phòng như bình phong, ghế, màn, thì cũng thấy quầng sáng hiện ra. Nhưng thực sự họ chẳng thấy cái gì chung quanh các đồ vật ấy cả. Thế nên phải chăng quầng sáng ấy hòan toàn không do ngọn đèn mà có?
Nếu rời cái thấy mà có quầng sáng, thì lẽ ra chẳng phải mắt thấy.
Nếu quý vị muốn tranh luận và cho rằng quầng sáng ấy
hòan toàn do ngọn đèn mà có, thì lẽ ra nó chẳng dính dáng gì với con mắt.
Tại sao người nhặm mắt mới thấy quầng sáng?
Con mắt, mặc dù nó bị mờ và bị bệnh nhặm, cũng vẫn là phương tiện để nhìn thấy được quầng sáng. Vì quầng sáng chính là do mắt nhặm mà nhìn ra, sao ông lại nói quầng sáng ấy hòan toàn không do cái thấy mà có?
Kinh văn:
是故當知,色實在燈,見病為影。影見俱眚,見眚非病。終不應言是燈是見。於是中有非燈非見。
Thế nên phải biết, màu sắc thực là do tại đèn, và cái thấy do bệnh nhặm nên nhìn ra quầng sáng; quầng sáng và cái thấy đều do mắt bị nhặm, chứ cái nhận biết mắt bị nhặm kia thì không bệnh. Rốt ráo chẳng nên nói quầng sáng kia là đèn hay là cái thấy, hoặc trong đó chẳng phải đèn cũng chẳng phải cái thấy.
Giảng:
Thế nên phải biết – A-nan, ông phải nên nhìn kỹ điều nầy–màu sắc thực là do tại đèn. Khi một người có con mắt thanh tịnh nhìn vào bóng đèn, họ chỉ thấy ánh sáng đèn, họ không thấy quầng sáng. Và cái thấy do bệnh nhặm nên nhìn ra quầng sáng. Thế nên quầng sáng là do vì có vòng tròn ngũ sắc trong mắt người. Cái thấy của con người bị bệnh nên nhìn thấy quầng sáng chung quanh đèn khi họ nhìn thấy đèn. Bởi “màu sắc thực là do tại đèn,” nên ông không thể nói quầng sáng là tách khỏi đèn mà có hoặc nó chỉ do mắt mà có. Bởi “cái thấy do bệnh nhặm nên nhìn ra quầng sáng,” nên ông không thể nói quầng sáng là tách khỏi cái thấy mà có hoặc nó chỉ do đèn mà có.
Quầng sáng và cái thấy đều do mắt bị nhặm. “Cái thấy” nói ở đây là cái thấy sai lầm. Quầng sáng của đèn và cái thấy sai lầm cả hai đều là do mắt bị bệnh nhặm– bị màng đỏ. Chứ cái nhận biết mắt bị nhặm kia thì không bị bệnh. Cái nhận biết (thấy) ở đây là chỉ cho tánh thấy thanh tịnh có thể thấy được con mắt nhặm (bị màng đỏ) như chư Phật và Bồ-tát thấy được chúng sinh.
Rốt ráo chẳng nên nói quầng sáng kia là đèn hay là cái thấy, hoặc trong đó chẳng phải đèn cũng chẳng phải cái thấy.
Quý vị không nên khởi chấp trước ở đây rồi tìm cách xác định bằng cách quả quyết rằng đó là đèn hoặc là cái thấy. Vì màu sắc có được là do đèn và mắt bị nhặm đã tạo ra quầng sáng, nên quý vị không thể xác quyết cái nầy hay cái kia là nguyên nhân duy nhất. Lại nữa, màu sắc có là do đèn, thế thì chẳng phải đèn không phải là nguyên nhân. Quầng sáng là do bệnh nhặm của con mắt thấy đèn, thế thì không thể nói rằng cái thấy chẳng dính dáng gì việc nầy. Đức Phật tiếp tục trình bày rất thẳng tắt với tấm lòng từ bi chỉ dạy cho A-nan.
Kinh văn:
如第二月,非體非影。何以故,第二之觀,揑 [xi]所成故。諸有智者不應說言此掜根元。是形非形,離見非見。
Ví như mặt trăng thứ hai, chẳng phải là thể của mặt trăng (mặt trăng chính), cũng chẳng phải là bóng của mặt trăng. Vì sao? Mặt trăng thứ hai là do khi dụi mắt mà thấy có. Những người có trí không nên nói rằng căn nguyên của cái dụi mắt ấy là có hình tướng hay không hình tướng, là rời cái thấy hay chẳng rời cái thấy.
Giảng:
“Ví như mặt trăng thứ hai, chẳng phải là thể của mặt trăng (mặt trăng chính), cũng chẳng phải là bóng của mặt trăng. Vì sao? Mặt trăng thứ hai là do khi dụi mắt mà thấy có.”
“Mặt trăng thứ hai” là dụ cho quầng sáng mà người bị nhặm mắt nhìn thấy. Mặt trăng thứ hai chẳng phải là bản thể, cũng như cách mà quầng sáng không do chỉ riêng cái thấy tạo ra. Cũng chẳng phải mặt trăng thứ hai là bóng mặt trăng như cách quầng sáng không chỉ riêng có được do màu sắc của đèn. “Dụi mắt” là dụ cho bệnh nhặm của con mắt. Quý vị có thể tự mìmh thử nghiệm nếu thấy ý nghĩa của ví dụ chưa được rõ ràng. Hãy dùng ngón tay ấn vào một bên mắt, sẽ khiến cho quý vị thấy có hai hình ảnh, thế là quý vị thấy được mặt trăng thứ hai.
Những người có trí – nếu quý vị dùng trí huệ để nhìn sự kiện nầy, quý vị không nên nói rằng căn nguyên của cái dụi mắt ấy là có hình tướng hay không hình tướng, là rời cái thấy hay chẳng rời cái thấy.”
Cơ bản kết quả do dụi mắt là sai từ bước đầu. Dùng nó như là căn cứ để chứng minh thêm nó có hình tướng hay không hình tướng chỉ là trên cái sai lầm tạo thêm cái sai lầm. Người trí có làm như thế không?
Kinh văn:
此亦如是目眚所成。今欲名誰是燈是見。何況分別非燈非見.
Cũng giống như quầng sáng tạo thành do mắt nhặm. Nay ông muốn gọi cái gì là đèn, cái gì là thấy, huống gì phân biệt không phải đèn, không phải cái thấy?
Giảng:
Cũng giống như quầng sáng tạo thành do mắt nhặm.
Mặt trăng thứ hai là không thật. Nó chỉ có do vì dụi tay vào mắt. Quầng sáng không có thật. Nó chỉ có vì mắt nhặm. Cả hai thứ trên hòan toàn hư dối.
Nay ông muốn gọi cái gì là đèn, cái gì là thấy, huống gì phân biệt không phải đèn, không phải cái thấy?
Nó hòan toàn xuất phát từ mắt nhặm của con người, thế nên ông không nên nói rằng nó có là do đèn hoặc là do cái thấy. Nhưng quầng sáng chỉ hiện ra chung quanh đèn và chỉ khi người ta dùng mắt để nhìn, thế nên ông không thể nói rằng nó chẳng từ đèn mà có hoặc là chẳng từ cái thấy mà có. Khởi thuỷ, quầng sáng vốn là đã hòan toàn hư vọng rồi, sao còn nguỵ biện về cái gì là có cái gì là không nữa?
Kinh văn:
云何名為同分妄見。阿難,此閻浮提除大海水。中間平陸有三千洲。正中大洲東西括量。大國凡有二千三百。其餘小洲在諸海中。其間或有三兩百國。或一或二至于三十四十五十。
Thế nào gọi là đồng phận vọng kiến? Này A-nan! Cõi Diêm-phù-đề nầy trừ biển ra, trong đó đất bằng gồm 3000 châu. Châu lớn ở giữa, bao quát từ đông sang tây, có đến 2300 nước lớn. Ngoài ra các châu nhỏ nằm trong các biển, trong đó có châu gồm hai trăm ba trăm nước, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi cho đến năm mươi nước.
Giảng:
Đoạn kinh nầy nói về đồng phận vọng kiến. Biệt nghiệp vọng kiến khiến cho mỗi người có một quan niệm khác nhau. Còn đồng phận vọng kiến là mọi người đều có cái nhìn hư vọng về cùng một hiện tượng hầu như trong cùng một thời gian. Thế nên một quốc gia được dùng cho ví dụ nầy.
Thế nào gọi là đồng phận vọng kiến?
Cái gì được xem là tạo nên đồng phận vọng kiến?
Này A-nan! Hãy lắng nghe cho kỹ. Như Lai sẽ giảng giải cho ông. Cõi Diêm-phù-đề nầy, về phía nam của đại lục nầy, trừ nước biển ra, trong đó đất bằng gồm 3000 châu.
Bên ngoài biển lớn là đất bằng, chia thành 3000 đại lục.
Châu lớn ở giữa, bao quát từ đông sang tây. Ở giữa 3000 đại lục nầy là một châu lớn, và từ đông, tây, nam, bắc, tính tất cả có đến 2300 nước lớn. Ngoài ra các châu nhỏ nằm trong các biển, trong đó có châu gồm hai trăm ba trăm nước, hoặc mười, hai mươi, ba mươi, bốn mươi cho đến năm mươi nước. Không thể nào xác định được số lượng là bao nhiêu.
Kinh văn:
阿難,若復此中有一小洲只有兩國。唯一國人同感惡緣。則彼小洲當土眾生。睹諸一切不祥境界。或見二日或見兩月。其中乃至暈蝕 [xii]珮玦彗勃飛流。負耳虹蜺種種惡相。
A-nan, lại nếu trong đó, một châu nhỏ chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước cùng chiêu cảm ác duyên, thì tất cả chúng sinh trong nước đó đều xem thấy hết thảy cảnh giới không lành; hoặc họ thấy 2 mặt trời, hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác tướng như vựng, thích, bội, quyết, tuệ, bột, phi lưu, phụ nhĩ, hồng nghê.
Giảng:
Đức Phật gọi A-nan một lần nữa,
“A-nan, lại nếu trong đó, một châu nhỏ chỉ có hai nước.”
Giả sử như châu Diêm-phù-đề là một châu nhỏ, là một đại lục nhỏ, trong đó chỉ có hai nước. Mặc dù hai nước nầy đều nằm chung trong một châu, nhưng có chung một đường ranh giới giữa hai nước, nên nghiệp báo mà cư dân hiện sống trên đó nhận chịu lại khác nhau.
“Mà riêng người trong một nước cùng chiêu cảm ác duyên.”
Người trong một nước phải chịu chung một nghiệp báo, và họ cùng chiêu cảm ác duyên. “Ác duyên” chỉ cho những hiện tượng có điềm xấu cùng nhiều loại thiên tai hoạn nạn– như cuồng phong hoặc mưa đá chẳng hạn. Gần đây ở Mỹ có một cơn lốc xoáy cuốn người lên không trung, sát hại chừng vài trăm người. Đó là một ví dụ của những hiện tượng có điềm xấu. Đó là nghĩa của “ác duyên.” Quý vị thấy đó, trong một nước, có một số người phải chịu quả báo xấu, một số người khác lại không. Cũng vậy, người dân ở Cựu-kim-sơn (San Francisco) lại không chịu quả báo ác duyên của cơn lốc xoáy, và họ không bị khổ nạn ấy. Nhưng ở miền Trung tây, nhà cửa bị cuốn bay lên không, cây cối bị bật rễ và bị thổi văng ra xa, còn có lụt lội và hoả hoạn. Những thiên tai như thế là rất thường thấy.
“Thì tất cả chúng sinh trong nước đó đều xem thấy hết thảy cảnh giới không lành.”
Họ thấy cái gì?
Đôi khi cây cối biết nói. Cây cối nghe người nói chuyện, và nó hóa thành cây, chẳng có người nào quanh đó cả. Đó là một điềm không lành. Trong những sự kiện siêu nhiên, có rất nhiều hiện tượng không lành.
“Hoặc họ thấy 2 mặt trời.”
Có khi người trong cùng một nước thấy có hai mặt trời, điềm báo có một sự biến động lớn trong nước ấy. Đó là điềm không lành. Có khi nguyên thủ quốc gia bị chết hoặc bị ám sát để chiếm đoạt quyền bính. Đó là vì:
Thiên vô nhị nhật
Quốc vô nhị quân.
Một thái dương hệ không thể có hai mặt trời. Đất nước không thể có hai vua.
Không thể có hai mặt trời trên không trung. Nếu quý vị thấy có hai mặt trời, đó là điềm xấu. Hoặc có thể vua nầy giết hại vua kia.
“Hai mặt trăng.” Bất luận đất nước đó như thế nào, thì cũng chỉ có một mặt trời và một mặt trăng. Nhưng người trong nước nầy thấy có hai mặt trăng xuất hiện. Đó cũng là biểu hiện của điềm không lành trong nước sẽ xảy đến trong tương lai.
Cho đến thấy nhiều ác tướng như vựng, thích, bội quyết,
Trăng có quầng là sắp có gió
Nền đất ẩm là sắp có mưa.
Khi mặt trăng có một quầng sáng bao quanh, như thể nó bị chìm trong nước, tức là sắp có một trận bão. Và khi nền nhà bị ẩm ướt thì sẽ có mưa. Vựng[xiii] là chỉ cho hắc khí bao chung quanh mặt trăng. Chỉ nhìn thấy là biết nó gây rắc rối cho con người rồi. Nó rất khác thường. Thích [xiv] là chỉ cho hắc khí u ám bao quanh mặt trăng. Ánh trăng không chiếu qua màn đen u ám nầy được, nhưng nó không phải là đám mây.
Bội quyết [xv] , luồng khí màu trắng xuất hiện bên cạnh mặt trăng mặt trời gọi là bội, có dạng nửa hình tròn nên gọi là quyết, trông giống như đồ trang sức của phụ nữ thường đeo ngang thắt lưng. Nói chung, mặt trăng mặt trời vốn chẳng có gì bao quanh nó cả. Nếu có vật gì quanh nó, thì đó không phải là điềm lành.
Tuệ bột[xvi] là sao chổi. Ánh sáng của sao chổi trải dài một khoảng rất rộng. Vào triều đại Tần Thuỷ Hòang Đế Trung Hoa (255-206 ttl.), sao chổi xuất hiện rất thường xuyên, như là kết quả, người dân chịu nhiều nỗi khổ cùng cực và tai ương trong suốt triều đại đó.
Phi lưu[xvii] là sao băng, cũng phóng ra một vệt ánh sáng dài. Dù không dài như sao chổi, nhưng nó xuất hiện rất nhanh. Nó giống như lửa chớp; cái nầy biến mất rồi cái khác xuất hiện; rồi cái nầy biến mất và cái khác xuất hiện. Sao băng phóng qua bầu trời, và đôi khi rơi xuống thành mưa đá, và thiên thạch rơi từ trời xuống giống như mưa rào đổ xuống.
Lịch sử Trung Quốc có ghi: Bảy lần hắc khí bao quanh mặt trăng, Hán Cao Tổ tại Bình Thành, bị nạn Hung nô vây hãm.[xviii]
Phụ nhĩ [xix] là ác khí khi hiện ra phía trên vầng thái dương gọi là phụ, hiện ra phía một bên gọi là nhĩ.
Hồng nghê[xx] là cầu vồng (ráng trời) hiện ra sau cơn mưa. Có người cho rằng cầu vồng hiện ra vào buổi sáng được gọi là hồng, cầu vồng hiện ra vào buổi chiều được gọi là nghê. Nói chung đó là âm và dương. Nó biểu thị cho trời và đất mất thế quân bình. Tuy nhiên, nếu quý vị chuyển hóa được tâm thức mình, nếu người dân ở nước ấy tu dưỡng thay đổi tâm tánh, thì mọi sự đều có thể được tốt lành.
“Nhiều ác tướng” có nghĩa là không chỉ một vài hiện tượng được nêu ra ở đây, mà còn rất nhiều hiện tượng lớn nhỏ khác hiện ra.
Nếu quốc gia thịnh vượng, thì mọi hiện tượng nhỏ nhặt đều là tốt lành. Nếu đất nước suy thóai, thì mọi hiện tượng dù nhỏ nhặt đều là không lành. Nếu chỉ một người có được phước báo, thì những người còn lại đều được hưởng ánh sáng lành ấy. Nếu người dân sống dưới sự dẫn dắt của người thiếu phước báo, thì họ phải chịu nhiều đau khổ. Hãy nhìn vào người lãnh đạo quốc gia, tổng thống của một nước, nếu ông ta có phước báo, thì người dân sẽ tuân hành theo ông ta và đều hưởng được phước báo. Nếu ông ta không có phước báo, thì người dân theo ông ta đều phải chịu đau khổ. Nên có thể nói rằng vị nguyên thủ quốc gia là phải chịu trách nhiệm về mọi hòan cảnh.
Kinh văn:
但此國見,彼國眾生。本所不見亦復不聞。
Chỉ có nước nầy thấy, còn chúng sinh nước khác, vốn chẳng thấy cũng chẳng nghe.
Giảng:
Hai nước nầy cùng nằm trên một châu lục nhỏ như nhau, lẽ ra phải có cùng chung quả báo, nhưng trong một nước thì có xuất hiện các hiện tượng không lành biểu hiện cho thiên tai và khổ nạn, mọi người trong nước nầy đều thấy các hiện tượng ấy.
“Chỉ có nước nầy thấy, còn chúng sinh nước khác, vốn chẳng thấy cũng chẳng nghe.”
Nhưng nước kia cùng nằm trên một châu lục nhỏ như nhau, người dân trong nước ấy lại không thấy và không nghe những hiện tượng không lành nầy. Đây gọi là đồng phận vọng kiến. Nghiệp lực của chúng sinh trong cùng một nước thì giống nhau, nên họ thấy được hiện tượng không lành nầy. Những người dân ở nước khác không có cùng nghiệp lực, nên họ không thấy những hiện tượng ấy.
[i] . Ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng.
[ii] . Self-ending Arhats: A-la-hán đã sạch ngã chấp.
[iii] . Về các giai vị Bồ-tát, có nhiều khác biệt theo các Kinh luận khác nhau; Anh Lạc Kinh: 52 giai vị, Nhân Vương Kinh: 5 giai vị, Phạm Võng Kinh: 40 giai vị, Kinh Hoa Nghiêm: 41 giai vị, Ngũ giáo của Tông Hoa Nghiêm: 52 giai vị, Kinh Thủ Lăng Nghiêm: 57 giai vị (55+ Đẳng giác, Diệu giác), Thành Duy thức luận: 5 giai vị; Nhiếp Đại thừa luận: 4 giai vị; Bồ-tát địa trì kinh: 13 giai vị hoặc 7 giai vị. Theo thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo của tông Thiên Thai: 52 giai vị. (Theo Phật Quang Từ Điển -Từ Di)
[iv] . Đà-la-ni (s: dhāraṇī)
[v] . Man-tra (s: mantra): Là một số âm, chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tính. Trong nhiều trường phái Phật giáo, Man-tra hay được lập lại trong các buổi tu tập hành trì, đặc biệt trong Kim cương thừa Tây Tạng. Ở đây Man-tra trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì Man-tra thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm Man-tra phát sinh. Hành giả luôn luôn vừa đọc Man-tra vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một Ấn (s: mudrā) nhất định như Nghi quĩ (s: sādhana) chỉ dẫn. (Theo Tự Điển Phật Học- Đạo Uyển 2001.)
[vi] . samādhi 三 摩 提; C: sānmótí; J: sanmaji;
Một cách phiên âm của chữ Phạn và Pa-li samādhi, cũng được phiên âm là Tam-muội (三 昧) và Tam-ma-địa (三 摩 地). Dịch ý là Định.
[vii] . Là một trong ba phương pháp thiền định được dạy trong kinh Viên Giác: 1. Xa-ma-tha (奢 摩 他; s: śamatha), một dạng thiền định mà trong đó, tâm thức của hành giả được lắng đọng qua sự tập trung vào một đối tượng; 2. Tam-ma Bát-để (三 摩 鉢 提; s: samāpatti), quán sát một chân lí Phật pháp, ví như nguyên lí Duyên khởi, và 3. Thiền-na (禪 那; s: dhyāna), không dựa vào hai cách Thiền quán trên.
[viii] . Một inch=2,54cm.
[ix] . Viết tắt của Lysergie Acid Dicthylamide: một loại ma tuý mạnh gây ra những ảo giác.
[x] . Hallucinogen.
[xi] . Bản Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chép nhầm là 掜.
[xii] . Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chép chữ nầy là Thực 蝕. Có nghĩa là nhật thực, nguyệt thực. Bản của Vạn Phật Thành chép chữ Thích 適. Lăng Nghiêm Trực chỉ của Thiền sư Đan Hà chép chữ Thích 適. Ngài giải thích:Bạc thực viết thích 薄 蝕曰 適.Như vậy chữ Thích 適 còn có nghĩa là là nhật thực, nguyệt thực.
[xiii] . Hoàn táp viết vựng 環 匝 曰 暈: bao giáp vòng là vựng. (Lăng Nghiêm Trực chỉ - Đan Hà)
[xiv] . Thích 適: E: A dark haze.
[xv] . 珮玦玉 器 形 如 珮玦 也.Bội quyết , ngọc khí hình như bội quyết dã. Bội quyết là vật bằng ngọc, hình dáng như ngọc bội, ngọc quyết. (Lăng Nghiêm Trực chỉ - Đan Hà). E: girdle-ornament.
[xvi] . 彗勃飛流 皆夭 星. 爾 雅 云 彗 星 為 葠 槍 . Tuệ bột phi lưu giai yêu tinh. Nhĩ nhã vân: tuệ tinh vi Sâm thương- Tuệ bột phi lưu đều là sao yêu. Sách Nhĩ nhã nói: Tuệ tinh là Sâm thương. (Lăng Nghiêm Trực chỉ - Đan Hà). E: Comet, shooting stars.
[xvii] . 飛 徑 去, 流 相 連 phi kinh khứ, lưu tương liên- Phi: bay một đường thẳng. Lưu: liền nhau . (Lăng Nghiêm Trực chỉ - Đan Hà). E: shooting stars or meteor.
[xviii] . Nguyệt vựng thất trùng, Hán Cao Tổ tại Bình Thành, thọ hung nô trùng vi chi nạn.
[xix] . Nguyệt vựng thất trùng, Hán Cao Tổ tại Bình Thành, thọ hung nô trùng vi chi nạn.
[xx] . 虹蜺 陰 陽 不 和 所 現: Hồng nghê âm dương bất hoà sở hiện– Hồng nghe là do âm dương không hoà hợp mà hiện ra. (Lăng Nghiêm Trực chỉ - Đan Hà). E: Rainbow and secondary rainbow.
No comments:
Post a Comment