Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (20)



Kinh văn:



是故當知,鼻香為緣,生鼻識界,三處都無。則鼻與香,及香界三。本非因緣, 非自然性.



Thị cố đương tri, tị hương vi duyên, sinh tị thức giới, tam xứ đô vô. Tắc tị dữ hương, cập hương giới tam, bổn phi nhân duyên phi tự nhiên tánh.



Vậy nên biết rằng tị căn, hương trần làm duyên, sinh ra giới tị thức. Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của tị căn, hương trần, và tị thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng không phải tính tự nhiên.



Giảng:



"Vậy nên biết rằng – do những điều đã giảng giải, A-nan, ông nên biết rằng–tị căn, hương trần làm duyên, tị căn và hương trần tạo thành nhân duyên hỗ tương cho nhau–sinh ra giới tị thức. Cả ba chỗ đều không. Không có giới của tị căn, không có giới của hương trần, cũng chẳng có giới của tị thức, cả ba giới nầy đều không hiện hữu. Như vậy cả ba giới của tị căn, hương trần, và tị thức–thức phân biệt khiến cho ông biết được hương trần – đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng không phải tính tự nhiên." Tất cả cũng đều là biểu hiện của tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng. Chúng đều không có một gốc gác nhất định.



Quý vị đừng dính mắc vào pháp phương tiện mà tôi đã giải thích trước đây; mười tám giới, mười hai xứ đều là hư vọng, luống dối, không thực có. Nhưng, để dẫn dắt hàng Nhị thừa nên cần phải giảng nói mọi điều từ trong pháp môn phương tiện nầy. Cơ bản là nó không thực có.



Bây giờ, để giải thích nguyên lý nầy, tôi sẽ giảng giải pháp môn Thật tướng,[i] tức Đệ nhất nghĩa đế,[ii] tức Thủ Lăng Nghiêm đại định[iii]. Và như thế, quý vị không thể đem toàn bộ giáo lý tôi đã giảng giải trước đây mà so sánh với pháp môn Đệ nhất nghĩa đế mà tôi sắp giảng giải. Như thế, không có một giới nào trong tất cả những gì được giảng giải trước đây được giữ lại cả; nó hoàn toàn hư vọng. Nó không hề có trong Phật pháp.



Khi nào có một ngày không có pháp hội giảng kinh thì đừng xem đó là một ngày nghỉ. Nếu quý vị cho là vậy thì tâm ý quý vị sẽ bị phân tán. Khi có được ngày nghỉ, quý vị nên giữ cho thân tâm được thúc liễm, đừng để bị tán loạn. Quý vị nên đặt toàn tâm toàn ý để tham cứu chứ đừng làm qua loa.



Lại nữa, còn có vấn đề thọ giới. Trong Pháp hội giảng giải và tu tập Kinh Thủ Lăng Nghiêm, còn có nhiều người phát nguyện thọ Năm giới, Tám giới của người cư sĩ tại gia, và thọ giới Bồ-tát. Những người thọ Năm giới, Tám giới của người cư sĩ tại gia được gọi là Ưu-bà-tắc[iv] và Ưu-bà-di, tức là Nam cư sĩ và Nữ cư sĩ đã thọ giới. Những ai đã thọ giới Bồ-tát rồi được gọi là một vị Bồ-tát. Vốn người xuất gia mới được thọ Bồ-tát giới, nhưng do ý nghĩa của Bồ-tát là những ai làm lợi cho mình và lợi cho người, nên cư sĩ tại gia cũng được thọ Bồ-tát giới. Thọ giới là điều cực kỳ quan trọng trong đạo Phật. Tất cả quý vị muốn thọ giới đừng nên bỏ lỡ dịp may. Quý vị có thể thọ một giới, hai giới, ba giới, bốn giới, năm giới, tám giới, mười giới trọng và 48 giới khinh. Cư sĩ không được thọ 10 giới vì đó là giới của Sa-di.[v] Thọ nhận và giữ một giới điều được gọi là thọ bán tiểu giới. Nhận hai giới được gọi là thọ bán giới. Nhận ba giới được gọi là thọ quá bán giới. Nhận năm giới được gọi là thọ toàn giới.



Giới thứ nhất là không sát sinh; nhưng, nếu quý vị chưa thể dừng hẳn việc giết hại được, thì quý vị có thể thọ nhận giới thứ hai, là không được trộm cắp. Nếu quý vị vẫn còn thích uống rượu, như tôi có một vị đệ tử uống rượu; và nếu quý vị chưa muốn thọ giới thứ năm, là không được dùng rượu và những chất gây nghiện, thì quý vị có thể thọ nhận giới thứ nhất là không sát hại, giới thứ hai là không trộm cắp và giới thứ ba là không tà dâm. Giới thứ tư là không nói dối. Nếu quý vị thấy rằng, "Tôi còn thích nói đối, tôi chưa thể thọ giới không được nói dối," thì quý vị có thể nhận 4 giới: không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu. Có khi quý vị nói rằng mình không thể ngừng sự giết hại được – đôi khi vô ý giết phải kiến, muỗi– nếu đã thọ giới rồi mà phạm phải thì về sau mang tội rất nặng. Thì quý vị có thể quyết định chưa thọ nhận riêng giới sát. Điều ấy tuỳ thuộc vào quý vị, nhưng đừng bỏ lỡ cơ hội thọ giới.



Tôi không ngại khi nói cho quý vị biết rằng ở Trung Hoa, nếu muốn thọ giới, quý vị phải trả 200 đô-la. Sao vậy? Vì ở đó có người xem việc ấy như là một dịch vụ buôn bán. Quý vị phải trả tiền. Tiền mà tôi nói đó không phải là để may giới y mà quý vị thấy các Phật tử đã thọ giới sử dụng. Hai trăm đô-la là chi phí phải trả cho pháp sư và chùa. Tuy vậy, tôi chẳng để ý đến chuyện đó. Quý vị có tiền hay không chẳng thành vấn đề. Thực vậy, với mọi người tham dự Pháp hội giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm nầy, tôi đều tặng mỗi người một đôi giày la-hán. Nhưng đôi giày la-hán nầy không phải là để khuyến khích quý vị tu tập thành A-la-hán–chỉ lợi mình mà không lợi cho người–Nó có ý nghĩa nhắc nhở quý vị nhớ rằng pháp tu thành A-la-hán là con đường của hàng Tiểu thừa, và nhắc quý vị nên đi theo con đường Đại thừa. Quý vị nên mang đôi giày của A-la-hán và tu tập theo Bồ-tát hạnh.



Kinh văn:



阿難, 又汝所明, 舌味為緣, 生於舌識。



A-nan, hựu nhữ sở minh, thiệt vị vi duyên, sinh ư thiệt thức.



A-nan, như ông đã rõ, thiệt căn và vị trần làm duyên, sinh ra thiệt thức.



Kinh văn:



此識為復因舌所生,以舌為界。因味所生,以味為界?



Thử thức vi phục, nhân thiệt sở sinh, dĩ thiệt vi giới; nhân vị sở sinh, dĩ vị vi giới?



Thức nầy lại nhân thiệt căn sinh ra, lấy thiệt căn làm giới; hay nhân vị trần sinh ra, lấy vị trần làm giới?



Giảng:



Đức Phật gọi A-nan, "Lại nữa, A-nan, như ông đã rõ–trong quá khứ, khi Như Lai giảng giải giáo pháp Tiểu thừa cho ông, đó là giáo lý quyền thừa để giáo hoá mọi hàng căn cơ chúng sinh. Như Lai đã nói về giới của thiệt căn và vị trần trong 18 giới. Thiệt căn và vị trần làm duyên, sinh ra thiệt thức." Hai thứ trên cùng nhau tạo thành duyên. Nhờ có lưỡi (thiệt căn), nên nhận biết được mùi vị (vị trần). Khi có mùi vị, thì lưỡi mới nhận biết được chúng. Hai cái kết hợp với nhau để sinh ra thiệt thức. Thiệt căn và vị trần vẫn đi thành cặp với nhau, và ở giữa chúng phát sinh ra cái thức tạo nên sự phân biệt; đó gọi là thiệt thức. Nhưng, rốt ráo, đâu là giới của thiệt thức? "Thức nầy lại nhân thiệt căn sinh ra, lấy thiệt căn làm giới?" Có phải thức nầy được sinh ra từ thiệt căn, và có phải thiệt thức ấy lại dùng thiệt căn làm giới? "Hay nhân vị trần sinh ra, lấy vị trần làm giới? Có khi nó được sinh ra do vị trần và nhận vị trần làm giới chăng? Hãy nói xem, A-nan!"



Kinh văn:



阿難, 若因舌生, 則諸世間甘蔗, 烏梅,黃連,石鹽, 細辛薑桂,都無有味。汝自嘗舌為甜為苦。



A-nan, nhược nhân thiệt sinh, tắc chư thế gian cam giá, ô mai, hoàng liên, thạch diêm, tế tân, khương, quế, đô vô hữu vị. Nhữ tự thường thiệt, vi điềm vi khổ?



A-nan, nếu nhân thiệt căn sinh ra, thì trong thế gian, các loại mía (ngọt), mơ (chua), hoàng liên (đắng), muối (mặn), tế tân, gừng quế (cay), đều không có vị. Ông hãy tự nếm lưỡi mình xem là ngọt hay đắng?



Giảng:



"A-nan, nếu nhân thiệt căn sinh ra." Nếu thiệt thức được sinh ra từ thiệt căn, "thì trong thế gian, các loại mía (ngọt), mơ (chua)"– mơ là trái rất chua mà đã đề cập trong quyển trước, Đức Phật nói rằng chỉ cần nghĩ đến nó là nước miếng tiết ra. Hoàng liên[vi] là một loại dược phẩm rất đắng. Thạch diêm là muối mà chúng ta thường dùng. Tế tân[vii] cũng là một loại dược phẩm rất đắng. Khương, quế là gừng và quế, một loại dược phẩm rất cay. "Tất cả mọi thứ ấy trong thế gian đều không có vị." Nếu thiệt thức được sinh ra từ thiệt căn, thì vị của những loại thuốc nầy sẽ không hiện hữu.



"Ông hãy tự nếm lưỡi mình xem là ngọt hay đắng?" Lại nữa, ông nói rằng thiệt thức được sinh ra từ thiệt căn. Thế thì hãy thử xem. Ông hãy nếm lưỡi của ông xem thử nó có vị gì?" Đức Phật hỏi A-nan.



Kinh văn:



若舌性苦,誰來嘗舌? 舌不自嘗,孰為知覺。舌性非苦,味自不生,云何立界。



Nhược thiệt tánh khổ, thuỳ lai thường thiệt? Thiệt bất tự thường, thục vi tri giác? Thiệt tánh phi khổ, vị tự bất sinh, vân hà lập giới?



Nếu thấy lưỡi đắng, thì lấy gì để nếm được lưỡi? Lưỡi đã không tự nếm được, lấy gì để mà hay biết? Còn nếu lưỡi không đắng, thì vị trần vốn không tự sinh, làm sao mà lập thành giới?



Giảng:



"Nếu thấy lưỡi đắng. A-nan, nếu nếm lưỡi mình thấy có vị đắng, thì lấy gì để nếm được lưỡi? Lưỡi đã không tự nếm được, lấy gì để mà hay biết?" Ai sẽ là người nhận biết được về thiệt thức?



"Còn nếu lưỡi không đắng, thì vị trần vốn không tự sinh." Nếu cái lưỡi không có mùi vị gì, thì thiệt căn tự nó không tự sinh ra được mùi vị gì. Như thế "làm sao mà lập thành giới?" Giới của thiệt thức sẽ do đâu mà lập được? Do đâu mà có?



Kinh văn:



若因味生,識自為味。同於舌根,應不自嘗。云何識知, 是味非味?



Nhược nhân vị sinh, thức tự vi vị. Đồng ư thiệt căn, ưng bất tự thường. Vân hà thức tri thị vị phi vị?



Nếu nhân vị trần sinh ra, thì thiệt thức đã là vị rồi, nó cũng giống như thiệt căn, lẽ ra không tự nếm được. Làm sao còn biết là có vị hay không có vị?



Giảng:



"Nếu nhân vị trần sinh ra, thì thiệt thức đã là vị rồi. Nếu ông nói rằng vị trần sinh ra thiệt thức, thì thiệt thức cũng trở thành vị trần. Thì nó cũng giống như thiệt căn, lẽ ra không tự nếm được. Nếu ông cho rằng thiệt thức tự nó chính là vị trần, nhưng vị trần không thể tự biết được vị trần, cũng như cái lưỡi không thể tự nếm được lưỡi. Như đắng chẳng hạn, nó không thể tự nếm nó rồi nói, 'Ồ! Tôi rất đắng' được. Vị trần vốn không có tính hay biết. Làm sao còn biết là có vị hay không có vị? "Vì vị trần không có tính hay biết, làm sao trong nó lại có thiệt thức để làm nên sự phân biệt? Làm sao nó biết được là ngọt hay đắng? Vị trần không thể tự nếm được.



Kinh văn:



又一切 味, 非一物生。味既多生,識應多體



Hựu nhất thiết vị phi nhất vật sinh. Vị ký đa sinh, thức ưng đa thể.



Lại tất cả các vị không phải do một vật sinh ra. Các vị đã do nhiều vật sinh ra, thì thiệt thức cũng phải có nhiều tự thể.



Giảng:



"Ông nói thiệt thức phát sinh từ vị trần, nhưng không phải chỉ có một vị, mà có rất nhiều vị. Lại tất cả các vị không phải do một vật sinh ra." Chua, ngọt, đắng, nóng, mặn–có rất nhiều vị được sinh ra từ nhiều vật. Chẳng hạn như tiêu sọ thì cay, ô mai thì chua, đường thì ngọt, hoàng liên thì đắng, muối thì dĩ nhiên phải mặn. "Các vị đã do nhiều vật sinh ra, thì thiệt thức cũng phải có nhiều tự thể. Nhưng thể của thiệt thức thì không có nhiều cái đa dạng như vậy."



Đoạn kinh nầy chỉ ra một thực tế thiệt thức là bất biến. Nó 'tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên.' Vậy nên dù có rất nhiều thứ sinh ra rất nhiều vị, nhưng thiệt thức không theo vô số vị trần để có nhiều tự thể. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng giải điều nầy một cách có chủ ý để khiến cho A-nan phải hiểu rằng thiệt thức vốn phát sinh từ Như Lai tạng. Không phải do một vị trần riêng biệt nào hoặc thiệt căn sinh ra thiệt thức.



Kinh văn:



識體若一, 體必味生。鹹淡甘辛和合俱生。諸變異相同為一味, 應無分別。



Thức thể nhược nhất, thể tất vị sinh, hàm đạm cam tân hòa hợp câu sinh, chư biến dị tướng đồng vi nhất vị, ưng vô phân biệt.



Nếu tự thể của thiệt thức là một và thể đó thật do vị trần sinh ra, thì các vị mặn nhạt chua cay cùng hòa hợp mà sinh ra, các vị khác nhau ấy sẽ biến thành chỉ cùng một vị, lẽ ra phải không có sự phân biệt.



Giảng:



"Nếu tự thể của thiệt thức là một và thể đó thật do vị trần sinh ra." Văn trên đã xác định rằng một tự thể ắt không thể nào được sinh ra từ nhiều vị; Tuy nhiên, nếu cho rằng thiệt thức, vốn chỉ là một thể và được sinh ra từ nhiều vị khác nhau, thì ta phải nói rằng nhiều vị khác nhau hòa hợp lại và biến thành chỉ một vị. "Thì các vị mặn nhạt chua cay cùng hòa hợp mà sinh ra, các vị khác nhau ấy sẽ biến thành chỉ cùng một vị." Trong trường hợp đó, lẽ ra phải không có sự phân biệt." Lẽ ra sẽ không có những vị chua, ngọt, đắng, cay, mặn, mà chỉ có một vị duy nhất.



Kinh văn:



分別既無,則不名識。云何復名, 舌味識界。



Phân biệt ký vô, tắc bất danh thức. Vân hà phục danh, thiệt vị thức giới?



Không có phân biệt thì không được gọi là thức. Làm sao còn gọi là thiệt, vị và thức giới?



Giảng:



Nhiều vị hòa hợp lại thành một thể, mỗi thứ đề đánh mất đi mùi vị ban đầu. Chẳng hạn như khi quý vị thêm thứ gì ngọt vào trong thứ gì đó có vị cay, thì nó sẽ không còn cay nữa, và vị ngọt sẽ không còn ngọt nữa. Vị của nó đã thay đổi. Nếu quý vị trộn lẫn các vị chua, ngọt, đắng, cay, mặn với nhau, nghĩa là quý vị đã làm thay đổi mùi vị ban đầu. Và trong hỗn hợp đó, không thể nào phân biệt được mùi vị. "Không có phân biệt"– nếu không có mùi vị để có thể phân biệt được–"Thì không được gọi là thức." Thức là vốn tạo nên sự phân biệt, nhưng đây nó không tạo ra sự phân biệt, nên nó không được gọi là thức. "Làm sao còn gọi là thiệt, vị và thức giới ?"



Kinh văn:



不應虛空, 生汝心識。



Bất ưng hư không sinh nhữ tâm thức?



Chẳng lẽ hư không sinh ra tâm thức ông?



Giảng:



"Chẳng lẽ hư không sinh ra tâm thức ông? Thiệt thức của ông không thể nào được sinh ra từ hư không. Không thể nào hư không sinh ra tâm thức ông."







Kinh văn:



舌味和合,即於是中, 元無自性。云何界生?



Thiệt vị hòa hợp, tức ư thị trung, nguyên vô tự tánh. Vân hà giới sinh?



Nếu thiệt căn và vị trần hòa hợp thì giữa nó vốn không tự tánh. Làm sao giới được sinh ra?



Giảng:



"Nếu thiệt căn và vị trần hòa hợp thì giữa nó vốn không tự tánh." Nếu thiệt căn và vị trần hòa hợp, chẳng thể nào còn lưu giữ được tự tánh. "Làm sao giới được sinh ra? Làm sao ông có thể cho nó cái tên và ghép nó thành giới của thiệt thức? Không thể nào được."



Kinh văn:



是故當知,舌味為緣,生舌識界,三處都無。則舌與味及舌界三。本非因緣,非自然性.



Thị cố đương tri, thiệt vị vi duyên, sinh thiệt thức giới, tam xứ đô vô. Tắc thiệt dữ vị, cập thiệt giới tam, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Vậy nên biết rằng thiệt căn, vị trần làm duyên, sinh ra giới thiệt thức. Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của thiệt căn, vị trần, và thiệt thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng không phải tính tự nhiên.



Giảng:



"Vậy nên biết rằng – do những điều đã giảng giải, A-nan, ông nên biết rằng–thiệt căn, vị trần làm duyên–thiệt căn và vị trần tạo thành nhân duyên hỗ tương cho nhau–sinh ra giới thiệt thức. Cả ba chỗ đều không. Ông cho rằng thiệt thức sinh ra từ thiệt căn, nhưng không phải như vậy. Cũng chẳng phải tự sinh ra từ chính nó.



Như vậy, cả ba xứ nầy đều không có tự thể. Vậy nếu nó được giải thích theo cách nầy thì ông có thể nhận ra rằng. Cả ba giới của thiệt căn, vị trần, và thiệt thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng không phải tính tự nhiên."



Nó không phải được sinh ra từ nhân duyên, cũng chẳng phải được sinh ra từ tự nhiên. Vì nếu nó được sinh ra từ nhân duyên thì sẽ bị rơi vào phạm trù có (hữu). Còn nếu nó được sinh ra từ tự nhiên thì sẽ bị rơi vào phạm trù không (vô). Có (hữu), không (vô) đều chẳng phải là nghĩa rốt ráo của Trung đạo. Đó là nghĩa nhân duyên được giảng dạy trong giáo lý Quyền thừa,[viii] và là chủ thuyết tự nhiên của hàng ngoại đạo. Rốt ráo, giới của thiệt thức từ đâu sinh ra? Cũng vậy, đó là biểu hiện tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.



Kinh văn:



阿難,又汝所明。身觸為緣生於身識。



A-nan, hựu nhữ sở minh, thân xúc vi duyên sinh ư thân thức.



A-nan, như ông đã rõ, thân căn và xúc trần làm duyên, sinh ra thân thức.



Kinh văn:



此識為復, 因身所生, 以身為界? 因觸所生, 以觸為界?



Thử thức vi phục nhân thân sở sinh, dĩ thân vi giới? Nhân xúc sở sinh, dĩ xúc vi giới?



Thức nầy lại nhân thân căn sinh ra, lấy thân căn làm giới; hay nhân xúc trần sinh ra, lấy xúc trần làm giới?



Giảng:



"A-nan, như ông đã rõ– trong giáo lý Tiểu thừa, giáo lý Quyền thừa mà ông đã được nghe, thân căn và xúc trần làm duyên, sinh ra thân thức." Thân căn và xúc trần tiếp xúc hòa hợp với nhau, tạo thành các duyên, và sự hiện hữu của các duyên nầy sinh ra thân thức. Do đây sự phân biệt của thân thức được phát sinh.



"Thức nầy lại nhân thân căn sinh ra?" Phải chăng thức nầy hiện hữu do nhờ thân căn sinh ra, rồi nhận lấy thân căn làm giới? Phải chăng thân căn là giới của thân thức? Hay nhân xúc trần sinh ra? Hay là do xúc trần sinh ra thân thức, là cái tạo ra sự phân biệt?



Kinh văn:



阿難,若因身生,必無合離。二覺觀緣,身何所識。



A-nan, nhược nhân thân sinh, tất vô hợp ly nhị giác quán[ix] duyên, thân hà sở thức?



A-nan, nếu do thân căn sinh ra, ắt là không có cái biết về hai duyên hợp và ly, thì thân căn còn biết được gì?



Giảng:



"A-nan, nếu do thân căn sinh ra. Giả sử ông cho rằng thân thức sinh ra do thân căn. Ắt là không có cái biết về hai duyên hợp và ly, thì thân căn còn biết được gì?" Thế khi chẳng có sự tiếp xúc và cũng chẳng có sự tách rời khiến thân cảm xúc được thì sẽ ra sao? Khi ấy thân căn biết được gì? Thân thức lẽ ra sẽ như thế nào? Như vậy, làm sao mà thân thức lại sinh ra từ thân căn được?



Kinh văn:



若因觸生, 必無汝身。誰有非身, 知合離者?



Nhược nhân xúc sinh, tất vô nhữ thân. Thuỳ hữu phi thân, tri hợp ly giả?



Nếu nhân xúc trần sinh ra, ắt không cần đến thân của ông. Lẽ nào không có thân mà biết được hợp li?



Giảng:



"Nếu nhân xúc trần sinh ra. Nếu ông cho rằng xúc trần sinh ra thân thức, thì nó không phải sinh ra từ thân của ông. Ắt không cần đến thân của ông. Chẳng cần có thân ông để làm gì. Lẽ nào không có thân mà biết được hợp li?" Có ai trên thế gian nầy nói rằng, 'Chẳng phải tôi là người biết được vật xúc chạm với thân thể tôi, mà thân thể người khác nhận biết được cảm giác tiếp xúc và tách rời của thân.' Điều nầy chẳng hề xảy ra. Tại sao tôi nói như vậy?



Kinh văn:



阿難, 物不觸知, 身知有觸。



A-nan, vật bất xúc tri, thân tri hữu xúc.



A-nan, vật thì không biết cảm xúc, thân căn có biết, nên có cảm xúc.



Giảng:



"A-nan, ông nên biết rằng vật thì không biết cảm xúc, thân căn có biết, nên có cảm xúc. Nó không có bản tánh tạo nên sự phân biệt. Ông nói rằng thân thức tạo nên sự phân biệt sinh ra từ vật. Đó là một sai lầm. Nếu ông có thể nhận biết sự hiện hữu của xúc trần, đối tượng của cảm xúc, thì đó là do thân ông nhận biết. Nếu nó không phải là do thân ông, làm sao ông biết được đó là đối tượng của cảm xúc. Đó là do đối tượng của cảm xúc đến tiếp xúc với thân ông để có tính biết. Rốt ráo, đâu là giới của thân thức được sinh ra ở trung gian của đối tượng cảm xúc và thân ông? Nó ở nơi thân ông hay ở nơi xúc trần?"



Kinh văn:



知身即觸,知觸即身。即觸非身,即身非觸。



Tri thân tức xúc, tri xúc tức thân. Tức xúc phi thân, tức thân phi xúc.



Những gì thân biết được chính là xúc trần, những gì biết được về xúc trần chính là thân căn. Đã là cảm xúc thì không phải thân căn, mà đã là thân căn thì không phải cảm xúc.



Giảng:



"Những gì thân biết được chính là xúc trần. Thức tạo ra phân biệt thì nhận biết được xúc trần nhờ vào thân của ông. Cái biết của thân có được là do xúc trần. Như vậy, xúc là những gì được nhận biết, và thân là vật cảm nhận được sự xúc chạm. Thế nên thân thức của ông biết có thân căn là nhờ vào sự xúc chạm. Sự nhận biết phát sinh từ cảm xúc."



"Những gì biết được về xúc trần chính là thân căn." Ở đây, 'biết' có nghĩa là thân thức. 'Do thân thức mà ông biết được cảm giác xúc chạm, và cảm xúc ấy do từ thân căn.'



"Tuy nhiên, đã là cảm xúc thì không phải thân căn." Nói riêng về thân căn, xúc trần đơn giản chỉ là xúc trần–nó chẳng phải là thân căn. "Mà đã là thân căn thì không phải cảm xúc. Và thân căn của ông chẳng phải là xúc trần. Hai cái cùng hoạt động với nhau, nhưng không giống nhau. Thế nên, nếu chúng ta nỗ lực xác định rằng thân thức nằm ở đâu, giữa thân căn và xúc trần, thì nếu ông cho rằng thân thức đúng là nằm bên nầy hay bên kia của thân căn hay ngay cả nằm bên nầy hay bên kia của xúc trần– thì ông cũng không thể nào tìm ra được nó. Nếu ông không thể nào tìm ra được thân thức ở giữa thân căn và xúc trần, thì ông đã không xác định được nơi chốn thực tế của thân thức. Thế ông định sẽ tìm thân thức ở đâu?"



Kinh văn:



身觸二相元無處所。合身即為身自體性。離身即是虛空等相。



Thân xúc nhị tướng, nguyên vô xứ sở. Hợp thân tức vi thân tự thể tánh. Ly thân tức thị hư không đẳng tướng.



Cả hai tướng thân căn và xúc trần vốn không có xứ sở. Nếu xúc trần hợp với thân căn, tức là tự thể của thân căn. Còn nếu rời hẳn thân căn, thì cũng như các tướng hư không.



Giảng:



"Cả hai tướng thân căn và xúc trần không có một vị trí nhất định. Ông cố gắng tìm cho ra rốt ráo đâu là tướng của thân căn và đâu là tướng của xúc trần, nhưng chúng vốn không có xứ sở. Nếu xúc trần hợp với thân căn, tức là tự thể của thân căn. Nếu thân thức hợp với thân căn, nếu ông muốn nói rằng thân thức sinh ra từ thân căn, thì lẽ ra nó phải là tự thể của thân căn. Còn nếu rời hẳn thân căn, thì cũng như các tướng hư không. Giả sử ông cho rằng thân thức tách rời hẳn với thân căn. Nhưng những gì đã tách rời hẳn với thân căn là hư không, nên ông chảng thể nào tìm ra được tướng của thân thức. Thế nên, thân thức không có một tự thể."



Kinh văn:



內外不成,中云何立? 中不復立,內外性空。即汝識生,從誰立界。



Nội ngoại bất thành, trung vân hà lập? Trung bất phục lập, nội ngoại tánh không. Tức nhữ thức sinh, tùng thuỳ lập giới?



Trong ngoài đã không thành, làm sao mà thức lập được ở giữa? Giữa đã không lập được, thân thức ông sinh ra, do đâu mà lập thành giới?



Giảng:



"Trong ngoài đã không thành, làm sao mà thức lập được ở giữa? Ông nói rằng thân thức ở trong, nhưng không đúng như vậy; ông nói rằng thân thức ở ngoài, nhưng cũng không phải như vậy; ông nói rằng thân thức ở nơi xúc trần, nhưng cũng không phải như vậy; ông nói rằng thân thức ở nơi thân căn, nhưng cũng không phải như vậy. Thế thì, ở trong ngoài đều không có được. Hay có thể nào thân thức ở giữa? Ở giữa cũng không lập được. Giữa đã không lập được. Ông không thể nào phân biệt được đâu là chỗ giữa. Bản tính của nội căn, ngoại trần đều là không. Chẳng có cái gì là giữa, cũng chẳng có gì là trong hay ngoài, bản tánh nó đều là không. Giữa đã không lập được, thân thức ông sinh ra, do đâu mà lập thành giới? Chẳng có cái gì trong, cũng chẳng có cái gì ngoài, cũng chẳng có cái ở giữa. Thế rốt ráo thân thức dùng cái gì để lập thành giới? Nó lập thành giới ở đâu?



Kinh văn:



是故當知,身觸為緣, 生身識界, 三處都無。則身與觸及身界三。本非因緣,非自然性.



Thị cố đương tri, thân xúc vi duyên, sinh thân thức giới tam xứ đô vô. Tắc hữu dữ xúc cập thân giới tam, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Vậy nên biết rằng thân căn, xúc trần làm duyên, sinh ra giới thân thức. Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của thân căn, xúc trần, và thân thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng không phải tính tự nhiên.



Giảng:



Những đạo lý đa dạng được giải thích ở trên đều nhằm chỉ ra rằng giới của thân thức không thể nào tìm thấy được. Nó vốn không có giới.



"Vậy nên biết rằng – do những điều đã giảng giải, A-nan, ông nên biết rằng – thân căn, xúc trần làm duyên–thân căn và xúc trần tạo thành nhân duyên hỗ tương cho nhau–sinh ra giới thân thức." Trước đây, theo giáo lý Quyền thừa, đã giải thích về sự phát sinh của thân thức giới– "Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của thân căn, xúc trần, và thân thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng không phải tính tự nhiên. Nó là biểu hiện của tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng, không thể nào tìm thấy một gốc gác có thực của chúng. Thế nên, không được so sánh pháp môn phương tiện Quyền thừa với Thiệt pháp.[x]"



Những gì được giảng giải trước đây đều là pháp phương tiện. Pháp đang được giảng nói bây giờ là Đệ nhất nghĩa đế, là giáo lý rốt ráo của Trung đạo, hoàn toàn khác với pháp môn được giảng nói trước đây. Năm uẩn, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới–tất cả các pháp nầy đều không sinh khởi do nhân duyên, cũng chẳng sinh khởi do tự nhiên.



Trước đây Đức Phật đã dùng pháp nhân duyên để phá tan thuyết tự nhiên do ngoại đạo chủ trương. Đây là lí do tại sao A-nan chấp trước vào pháp nhân duyên sinh mà chưa thể nào giải trừ được. A-nan không thể nào từ bỏ được ý tưởng ấy. Ông nghĩ rằng pháp mà Đức Phật giảng nói trước đây sẽ không bao giờ thay đổi, không bao giờ khác đi. Tại sao bây giờ Đức Phật lại phủ nhận những đạo lý trước đây ngài đã giảng nói? Vì chính Đức Phật cũng không công nhận rằng các pháp ngài đã nói trước đây là mâu thuẫn, Đúng vậy không? Ngài nói ngược lại với những điều đã giảng trước đây. Đến mức A-nan phải phát sinh vô số nghi nan và còn muốn hỏi rất nhiều điều. Thế nên bây giờ Đức Phật bảo A-nan rằng trước đây ngài nói pháp nhân duyên sinh là để phá trừ thuyết tự nhiên sinh của ngoại đạo; pháp ấy chưa phải là rốt ráo. Đó không phải là pháp môn cứu cánh. Bây giờ đã đến lúc giảng nói pháp Trung đạo liễu nghĩa, pháp Đệ nhất nghĩa đế. Những pháp Như Lai giảng nói trước đây không còn hợp thời nữa; đừng tiếp tục chấp dính vào nó nữa. A-nan vẫn chưa hiểu được điều nầy; thế nên ông tiếp tục hỏi.



Kinh văn:



阿難, 又汝所明。意法為緣, 生於意識。



A-nan hựu nhữ sở minh, ý pháp vi duyên sinh ư ý thức.



A-nan, như ông đã rõ, ý căn và pháp trần làm duyên, sinh ra ý thức.



Kinh văn:



此識為復, 因意所生, 以意為界? 因法所生, 以法為界?



Thử thức vi phục, nhân ý sở sinh, dĩ ý vi giới? Nhân pháp sở sinh, dĩ pháp vi giới?



Thức nầy lại nhân ý căn sinh ra, lấy ý căn làm giới; hay nhân pháp trần sinh ra, lấy pháp trần làm giới?



Kinh văn:



阿難,若因意生, 於汝意中。必有所思, 發明汝意。若無前法, 意無所生。離緣無形,識將何用?



A-nan, nhược nhân ý sinh, ư nhữ ý trung, tất hữu sở tư, phát minh nhữ ý. Nhược vô tiền pháp, ý vô sở sinh, ly duyên vô hình, thức tương hà dụng?



A-nan, nếu nhân ý căn sinh ra, thì trong ý ông, chắc phải có chỗ suy nghĩ mới phát ra được ý ông. Nếu không có các pháp trần, thì ý căn không sinh ra cái gì cả. Rời các pháp trần, ý căn sẽ không có hình tướng, lấy ý thức dùng vào việc gì?



Giảng:



Lại nữa, A-nan, như ông đã rõ – ông đã nghe được giáo pháp nầy trước đây–ý căn và pháp trần làm duyên–Ý căn[xi] và pháp trần[xii] tiếp xúc với nhau, tạo thành các duyên– sinh ra ý thức." Ở trong các duyên nầy, ý thức phát sinh. Thức nầy lại nhân ý căn sinh ra. Do nhờ ý căn mà ý thức được sinh ra, "lấy ý căn làm giới; hay nhân pháp trần sinh ra– hay nó là pháp trần đã sinh ra ý thức– rồi lấy pháp trần làm giới?"



"A-nan, nếu nhân ý căn sinh ra. Giả sử ông cho rằng ý thức sinh ra là do nhờ ý căn. Thì trong ý ông, chắc phải có chỗ suy nghĩ. Trong ý căn của ông ắt phải có những suy nghĩ. Và chính những suy nghĩ nầy của ông mới phát ra được ý ông. Nó đã làm phát sinh ra ý thức từ ý căn của ông. Nếu không có các pháp trần– 'pháp trần' ở đây có nghĩa là các niệm tưởng hiện tiền của ông. Nếu ông không suy nghĩ, nếu ông không khởi một niệm tưởng nào, thì ý căn không sinh ra cái gì cả. Trong ý căn của ông, sẽ không có pháp trần–không có những niệm tưởng. Không có pháp sinh khởi. "Rời các pháp trần, ý căn sẽ không có hình tướng." Tách rời khỏi những nhân duyên nầy– ý căn và pháp trần– thì ý căn sẽ không có hình tướng. Vốn nó chẳng có hình tướng, vì pháp trần do duyên với ý căn mà có. Thế thì, hình tướng của nó là gì? Nó chẳng có hình tướng. Tách khỏi tâm phan duyên, thì ý căn chẳng có hình tướng. Vậy nên "lấy ý thức dùng vào việc gì?" Khi không có hình tướng thì ý thức ở đâu? Nó có công dụng là gì khi tạo cho nó một chức năng riêng là ý thức?



Kinh văn:



又汝識心, 與諸思量, 兼了別性, 為同為異。同意即意, 云何所生? 異意不同, 應無所識? 若無所識, 云何意生? 若有所識, 云何識意? 唯同與異, 二性無成, 界云何立?



Hựu nhữ thức tâm, dữ chư tư lượng, kiêm liễu biệt tánh, vi đồng vi dị? Đồng ý tức ý, vân hà sở sinh? Dị ý bất đồng, ưng vô sở thức. Nhược vô sở thức, vân hà ý sinh? Nhược hữu sở thức, vân hà thức ý? Duy đồng dữ dị, nhị tánh vô thành, giới vân hà lập?



Lại nữa, thức tâm của ông với các thứ suy nghĩ, cùng tánh rõ biết phân biệt, là đồng hay khác? Nếu đồng với ý căn thì nó tức là ý căn. Sao lại do ý căn sinh ra? Nếu khác, không đồng như ý căn, thì lẽ ra sẽ không biết gì. Nếu không biết gì, thì làm sao mà do ý căn sinh ra? Còn nếu có biết, thì làm sao lại phân ra ý thức và ý căn? Chỉ hai tính đồng và khác mà không thành, thì làm sao lập giới?



Giảng:



Đức Phật nói với A-nan,"Lại nữa, thức tâm của ông với các thứ suy nghĩ, cùng tánh rõ biết phân biệt, là đồng hay khác?" Có nghĩa là bản tánh của ý thức và ý căn của ông là giống nhau chăng? "Nếu đồng với ý căn thì nó tức là ý căn. Ông có thể cho rằng ý thức là giống như ý căn, nhưng cái gì đã đồng như ý căn thì chính là ý căn và không thể gọi là ý thức. "Sao lại do ý căn sinh ra? Nếu ý thức là ý căn, thì sao ông nói rằng ý thức sinh ra từ trong ý căn? Nếu khác, không đồng như ý căn, thì lẽ ra sẽ không biết gì. Nếu không biết gì, thì làm sao mà do ý căn sinh ra? 'Dị ý bất đồng–khác, không đồng với ý căn', có nghĩa đồng như pháp trần. Vì pháp trần không có khả năng phân biệt. Ý căn lại có khả năng phân biệt. Ý thức cũng có khả năng phân biệt. Nếu nó khác với ý căn, và nếu nó sinh ra từ ý căn, thì nó sẽ không đồng với ý căn. Nếu không đồng, thì nó sẽ không biết gì cả.



"Còn nếu có biết– nếu ông nói rằng có biết– thì làm sao lại phân ra ý thức và ý căn? Làm sao ý căn của ông lại biết được ý căn? Chỉ hai tính đồng và khác mà không thành– Vì trong bản chất vốn không có tính đồng hay khác–thì làm sao lập giới? Ông nói rằng ý thức và ý căn của ông là đồng, nhưng điều ấy không hợp lý; Ông nói rằng ý thức và ý căn của ông là khác, nhưng điều ấy cũng không hợp lý. Chẳng có trường hợp nào đúng cả. Và vì điều ấy vô lý, làm sao ông có thể lập nên một giới ở giữa hai cái ấy và nói rằng có một giới của ý thức?"



Kinh văn:



若因法生, 世間諸法, 不離五塵。汝觀色法及諸聲法香法味法。及與觸法相狀分明。以對五根非意所攝。



Nhược nhân pháp sinh, thế gian chư pháp bất ly ngũ trần. Nhữ quán sắc pháp, cập chư thanh pháp, hương pháp vị pháp, cập dữ xúc pháp, tướng trạng phân minh, dĩ đối ngũ căn phi ý sở nhiếp.



Nếu nhân pháp trần sinh ra, thì các pháp trong thế gian, không ngoài năm trần. Ông hãy xem các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc, có tướng trạng rõ ràng đối với năm căn, đều không thuộc về phần thu nhiếp của ý căn.



Giảng:



"Nhược nhân pháp trần sinh ra. Có thể ông muốn cho rằng ý thức phát sinh do pháp trần sinh ra, vì ý căn được duyên bởi pháp trần. Nhưng, các pháp trong thế gian, không ngoài năm trần." 'Thế gian' ở đây là hữu tình thế gian tức chúng sinh và khí thế gian, tức núi sông đất liền. Không một pháp nào trong thế gian mà tách rời khỏi giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc. Ông hãy xem các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc. Ông hãy quán sát kỹ xem. Mỗi thứ đều có tướng trạng rõ ràng đối với năm căn"– nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân đều tương ứng với năm trần sắc, thanh, hương, vị, xúc. "Đều không thuộc về phần thu nhiếp của ý căn. Nó đều không thuộc về ý căn của ông."



Kinh văn:



汝識決定, 依於法生, 汝今諦觀, 法法何狀。



Nhữ thức quyết định, y ư pháp sinh, nhữ kim đế quán, pháp pháp hà trạng.



Nếu ý thức của ông thực là nương nơi pháp trần mà sinh ra, thì nay ông xét kỹ từng pháp xem nó có hình trạng như thế nào.



Giảng:



"Ý thức của ông chẳng có tương quan gì với năm trần trước. Nay nếu ý thức của ông thực là nương nơi pháp trần mà sinh ra. Có lẽ ông tin rằng pháp trần sinh ra ý thức. Thì nay ông xét kỹ từng pháp–ông nên quán sát thật kỹ, thật tường tận từng pháp. Xem nó có hình trạng như thế nào. Xem thử các pháp mà sinh ra ý thức nó giống như thế nào? Nó có hình tướng hay không có hình tướng?"



Kinh văn:



若離色空。動靜通塞, 合離生滅。越此諸相, 終無所得。



Nhược ly sắc không, động tĩnh, thông tắc, hợp ly, sinh diệt. Việt thử chư tướng, chung vô sở đắc.



Nếu rời hẳn các tướng sắc không, động tĩnh, thông tắc, hợp ly, sinh diệt thì rốt ráo không có một pháp nào cả.



Giảng:



"Nếu ông tách rời hẳn các trần tướng sắc không, động tĩnh, thông tắc, hợp ly, sinh diệt– vô số các pháp nầy–rốt ráo không có một pháp nào cả." Chữ 'ly – 離' có nghĩa là không có một sự liên quan nào với tất cả các pháp vừa được đề cập. Nếu ông tách rời những trần tướng nầy và bỏ qua những mối liên hệ với chúng, 'thì rốt ráo không có một pháp nào cả.' Bất luận ông nhìn nó như thế nào, chỉ ngại là ông không tiếp cận được cái gì cả. Các pháp trần đều không thể nhìn thấy được. Thế nên quý vị có thể tìm kiếm tướng trạng của chúng, nhưng không thể nào nhìn ra được.



Kinh văn:



生則色空諸法等生。滅則色空諸法等滅。所因既無, 因生有識, 作何形相? 相狀不有, 界云何生?



Sinh tắc sắc không chư pháp đẳng sinh. Diệt tắc sắc không chư pháp đẳng diệt. Sở nhân ký vô, nhân sinh hữu thức, tác hà hình tướng? Tướng trạng bất hữu, giới vân hà sinh?



Nếu sinh thì các pháp sắc không cũng đều sinh ra, nếu diệt thì các pháp sắc không cũng đều diệt. Các nguyên nhân đã không thành thì cái thức do nó sinh ra sẽ có hình tướng gì? Tướng trạng đã không có thì giới do đâu mà sinh?



Giảng:



"Nếu sinh thì các pháp sắc không cũng đều sinh ra." Nếu các pháp sắc không cũng như các pháp nêu trên sinh ra, thì chúng đều đồng thời được sinh ra. "Nếu diệt thì các pháp sắc không cũng đều diệt." Khi có sự hoại diệt thì các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc đều diệt cùng một lúc. "Các nguyên nhân đã không thành thì cái thức do nó sinh ra sẽ có hình tướng gì?" 'Sở nhân所因' là chỉ cho các pháp trần. Nó đã biến mất, ông không thể tìm thấy được. Vì các pháp trần đã không có, làm sao có sự nhận biết được? Cơ bản là nó không hiện hữu. Cơ bản là các pháp trần được sinh ra vốn không có tự thể. Như vậy, ông tìm ý thức ở đâu? Vốn ý thức cũng không hiện hữu. Giả sử như ý thức hiện hữu, thì hình tướng như thế nào? Ý thức ấy sẽ giống như cái gì? Nó có hình tướng hay không có? Tướng trạng– của ý thức– đã không có thì giới do đâu mà sinh?



Ý thức vốn không có một tướng trạng nào, làm sao mà lập thành giới cho nó? Do vậy, giới của ý thức cũng không hiện hữu.



Kinh văn:



是故當知,意法為緣,生意識界,三處都無。則意與法及意界三。本非因緣,非自然性.



Thị cố đương tri, ý pháp vi duyên, sinh ý thức giới, tam xứ đô vô. Tắc ý dữ pháp, cập ý giới tam, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Vậy nên biết rằng ý căn, pháp trần làm duyên, sinh ra giới ý thức. Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của ý căn, pháp trần, và ý thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng không phải tính tự nhiên.



Giảng:



"Vậy nên biết rằng–A-nan, do vậy, ông nên hiểu đạo lý nầy là– ý căn, pháp trần làm duyên, sinh ra giới ý thức. Cả ba chỗ đều không. Cơ bản là chính ông, không thể tìm ra được giới của ý căn và ông cũng không thể tìm ra được giới của ý thức, cũng không thể tìm ra được giới của pháp trần. Cả ba chỗ nầy, trong số 18 giới, đều không hiện hữu. Như vậy nên " Cả ba giới của ý căn, pháp trần, và ý thức đều vốn không phải tính nhân duyên. Cơ bản là chúng không thuộc về những gì được bao gồm trong pháp nhân duyên sinh–cũng không phải tính tự nhiên. Chúng không thuộc về những pháp được gọi là tự nhiên như thuyết của hàng ngoại đạo chủ trương."



Thế thì chúng là gì? Ý căn, pháp trần, và ý thức được sinh ra khi ý căn và pháp trần tiếp xúc nhau đều là lưu xuất từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.



Kinh văn:

阿難白佛言世尊。如來常說和合因緣。一切世間種種變化。皆因四大和合發明。



A-nan bạch Phật ngôn, Thế tôn. Như Lai thường thuyết hòa hợp nhân duyên. Nhất thiết thế gian chủng chủng biến hoá, giai nhân tứ đại hòa hợp phát minh.



A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, Như Lai thường nói về nhân duyên hòa hợp rằng: Tất cả các thứ biến hoá trong thế gian đều nhân bốn thứ 'đại' mà phát sinh.



Giảng:



"A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, Như Lai thường nói– Bạch Thế tôn, Như Lai thường nói về các pháp nhân duyên và các pháp hòa hợp rằng. Thế tôn nói rằng Tất cả các thứ biến hoá trong thế gian–'thế gian' ở đây là chỉ cho hữu tình thế gian và khí thế gian–tất cả mọi thứ biến hoá trong thế gian đều nhân bốn thứ 'đại' mà phát sinh."



Thế nào là bốn thứ 'đại' (tứ đại)? Đó là đất, nước, lửa, gió. Thân thể con người là hợp thể của tứ đại. Thế nào mà thân thể ấy là hợp thể của tứ đại? Những phần cứng và chắc trong thân thể là thuộc về địa đại (đất), hơi nóng trong cơ thể thuộc về hoả đại (lửa). Nước dãi, đàm dịch, nước mắt thuộc về thuỷ đại (nước). Hơi thở thuộc về phong đại (gió). Khi chúng ta còn sống, thân thể chịu sự điều khiển của mình, nhưng sau khi chết thì tứ đại tan rã. Hơi ấm trong thân trở về với lửa. Các chất dịch trở về với nước. Các chất rắn trở về với đất. Hơi thở trở về với gió.



Những người không hiểu biết gì về thân thể thường muốn tìm cách trợ giúp thêm cho cái thân bằng mọi cách. Họ không biết rằng theo cách nầy thì bản tâm mình trở thành nô lệ cho một thân xác hư giả. Hằng ngày người ta sống trong điên đảo, vội vã tới lui một cách cực nhọc và tán loạn. Rốt ráo là để đạt đến điều gì? Rốt ráo trong đó có ý nghĩa gì trong đó? Quý vị thử hỏi mọi người điều nầy xem và thấy họ sẽ giống như A-nan, há hốc mồm ra và chẳng nói được lời nào. Họ không thể nào tìm ra được một nguyên do. Vì mọi người đều không hiểu về thân thể của mình, họ dành hết sức lực cho một chuyện chết. Họ không biết vận dụng năng lực họ vào trong việc sống. 'Chuyện chết' đề cập ở đây là như thế nào? Mặc dù chúng ta còn đang sống, nhưng thân xác chúng ta được xem như là đã chết rồi. Cái đang sống được nói đến là gì? Mặc dù chúng ta không biết là nó đang sống, nhưng tinh thần chúng ta rất trẻ và đầy sức sống– đó chính là Phật tánh hằng có của chúng ta.



Nhưng người ta không biết là họ phải nhận ra Phật tánh của mình, thay vì vậy, họ lại đem hết sức lực dồn vào thân xác mình. Từ sáng đến tối họ giúp cho thân thể có những thứ của ngon vật lạ để ăn. Họ bị thân xác sai sử. Họ giúp cho thân thể có áo quần đẹp để mặc. Dù sao, thì nó cũng chỉ là thân xác. Tôi sẽ nói với quý vị, cho dù có chấp nhận hay không là việc của quý vị. Nếu người nào thích uống rượu, thì thân xác họ biến thành cái túi đựng rượu. Nếu người nào thích ăn đồ ngon, thì thân xác họ biến thành cái rổ đựng bánh mì. Nếu người nào thích mặc áo quần đẹp, thì thân xác họ biến thành cái giá phơi quần áo. Cái thân vốn không có gì để bám víu lấy cả. Đừng xem nó quá quan trọng. Nhưng quý vị không thể nào buông bỏ nó được, không thể nào nhìn thấu nó được. Cho dù quý vị có thể nhìn thấu nó được thì quý vị cũng không thể nào buông bỏ nó được. Đến khi quý vị chết và tứ đại tan rã, thì quý vị sẽ nhìn thấu suốt được những gì mà quý vị chưa từng nhìn được. Thời gian không chờ đợi ai cả. Quý vị không thể bảo thời gian: "Hãy chờ tôi một chút. Chậm lại chút!" Nó chẳng biết đợi.



Kinh văn:



云何如來, 因緣自然, 二俱排擯? 我今不知斯義所屬.



Vân hà Như Lai, nhân duyên tự nhiên, nhị câu bài tấn? Ngã kim bất tri tư nghĩa sở thuộc.



Vì sao Như Lai bác bỏ cả hai nghĩa nhân duyên tự nhiên? Nay con không biết nghĩa đó như thế nào?



Giảng:



"Bạch đức Thế tôn, ngài đã nói rằng mọi thứ trên thế gian đều được sinh ra và tạo thành do nhân duyên hòa hợp của tứ đại. Tại sao bây giờ Thế tôn nói rằng nhân duyên, tự nhiên đều là sai lầm?" Sự cố chấp của A-nan thật là sâu nặng. Trước đây ông đã được nghe Đức Phật giảng giải về lý nhân duyên và tự nhiên. Cơ bản đó là giáo lý quyền thừa, pháp phương tiện, là phương tiện thiện xảo; pháp ấy chưa phải là pháp chân thật. Bây giờ Đức Phật mới giảng giải pháp môn chân thật, mà A-nan lại chẳng dám tin. A-nan đã tin chắc vào pháp môn phương tiện Đức Phật đã giảng trước đây, đến nỗi bây giờ A-nan phải nghi ngờ cả pháp chân thật. Nên A-nan hỏi, "Vì sao Như Lai bác bỏ cả hai nghĩa nhân duyên tự nhiên? Bạch Thế tôn, ngài vừa phê phán lý nhân duyên và tự nhiên, và tuyên bố rằng thuyết ấy sai lầm. Vậy có mâu thuẫn với chính lời của Như Lai chăng? Ngài đang phá hủy đạo lý do chính ngài đã lập ra. Ngài đang bác bỏ tiền đề do chính ngài đã nêu ra. Nay con không biết nghĩa đó như thế nào? Bây giờ con không hiểu nghĩa nầy như thế nào. Nghĩa ấy thuộc về pháp môn gì? Con thật chưa hiểu ra."



Kinh văn:



[xiii] 哀愍, 開示眾生。中道了義, 無戲論法 。



Duy thuỳ ai mẫn, khai thị chúng sinh, trung đạo liễu nghĩa, vô hí luận pháp.



Xin Thế tôn rủ lòng thường xót, chỉ bày cho chúng sinh nghĩa rốt ráo Trung đạo, không còn các điều hí luận.



Giảng:



"Xin Thế tôn rủ lòng thường xót – Nay con chỉ mong Thế tôn đem lòng từ bi thương xót chúng con, những chúng sinh hữu tình– chỉ bày cho chúng sinh nghĩa rốt ráo Trung đạo, pháp môn thẳng tắt. Chúng con ước mong được nghe giảng giải giáo lý chân thật, giáo pháp không còn các điều hí luận."



Thế nào là nghĩa 'hí luận?[xiv]' Tất cả các pháp môn quyền thừa và lý thuyết của ngoại đạo đều được gọi là hí luận. Giáo pháp đang được giảng giải bây giờ, Thật pháp, được gọi là nghĩa rốt ráo của Trung đạo (Trung đạo liễu nghĩa). Trung đạo là không rơi vào không, chẳng rơi vào có. Thuyết tự nhiên của hàng ngoại đạo rơi vào chấp không. Thuyết nhân duyên lại thuộc về có. Bây giờ cái chẳng không chẳng có đã được giải nghĩa; đó là nghĩa rốt ráo của Trung đạo, là pháp môn vượt qua mọi hí luận.



Kinh văn:



爾時世尊, 告阿難言。汝先厭離, 聲聞緣覺, 諸小乘法。發心勤求無上菩提。故我今時, 為汝開示第一義諦。



Nhĩ thời Thế tôn cáo A-nan ngôn, nhữ tiên yếm ly Thanh văn Duyên giác chư Tiểu thừa pháp. Phát tâm cần cầu Vô thượng bồ đề. Cố ngã kim thời vi nhữ khai thị đệ nhất nghĩa đế.



Bấy giờ Thế tôn bảo A-nan rằng: "Trước đây ông nhàm chán các pháp Tiểu thừa Thanh văn Duyên giác, phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề. Nên nay là lúc Như Lai sẽ chỉ bày cho ông Đệ nhất nghĩa đế."



Giảng:



Bấy giờ Thế tôn bảo A-nan rằng: "Trước đây ông nhàm chán các pháp Tiểu thừa Thanh văn Duyên giác. Ông đã quyết định từ bỏ hẳn pháp môn của hàng Nhị thừa, Thanh văn, Duyên giác, giáo pháp của thời A-hàm, phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề.[xv] Nay ông phát tâm siêng năng cầu đạo giác ngộ Vô thượng, đạo giác ngộ của hàng Bồ-tát. Do vậy, nên nay là lúc Như Lai sẽ chỉ bày cho ông Đệ nhất nghĩa đế. Như Lai sẽ giảng giải pháp môn Thật tướng cho ông. Đệ nhất nghĩa đế chính là Thật tướng.



Có ba loại Thật tướng:



1. Thật tướng vô tướng (vô tướng chi thật tướng): Không còn các tướng hư vọng, tất cả đều là Nhất chân bình đẳng thật tướng. Tức là Không Như Lai tạng.



2. Thật tướng của cái chẳng phải vô tướng (vô bất tướng chi thật tướng): Hoàn toàn đều chẳng phải là vô tướng, chỉ tuỳ duyên mà biến hiện ra tất cả tướng.



3. Thật tướng của chẳng tướng nào không phải là tướng (vô tướng vô bất tướng chi thật tướng): Tức là Không bất không Như Lai tạng. Cũng gọi là diệu hữu chân không, chân không diệu hữu.



Dù kể là ba, nhưng chỉ là một, đó là Thật tướng. Thật tướng là không có tướng, nhưng chẳng có gì là không có tướng cả. Đó là lý chân không diệu hữu, diệu hữu chân không. Nếu cứu xét đến tột cùng, thì vốn chẳng có tướng gì cả. Nhưng trong cái chẳng có tướng gì ấy lại có tất cả. Thế nên chẳng có tướng gì chính là chân không, và có tất cả là diệu hữu.



Đạo lý đang được giảng giải sẽ đưa đến sự giải thích về Bảy đại–đất, nước, lửa, gió, không, kiến và thức– trùm khắp cả pháp giới. Năm uẩn, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới đã đề cập trước đây được giải thích là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng, nhưng chúng chưa được nói là trùm khắp cả pháp giới.



Kinh văn:



如何復將世間戲論, 妄想因緣而自纏繞?



Như hà phục tương thế gian hí luận, vọng tưởng nhân duyên, nhi tự triền nhiễu?



Sao ông lại còn đem những nhân duyên vọng tưởng hí luận thế gian mà tự ràng buộc mình?



Giảng:



Đức Phật bảo A-nan, "Ông đã quyết định từ bỏ pháp tu của hàng Tiểu thừa, phát tâm tu tập theo Đại thừa– Bồ-tát thừa–cầu Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Do vậy, Như Lai sẽ chỉ bày cho ông đạo lý Thật tướng. Tại sao–giọng nói lúc nầy có ý trách móc–Ông lại còn đem những nhân duyên vọng tưởng hí luận thế gian– những lý luận giải thích theo khuynh hướng thế gian là không chân thật dúng đắn– mà tự ràng buộc mình? Cũng giống như ông dùng sợi dây rồi tự trói mình. Ông không thể nào được tự tại. Sao ông lại muốn như vậy? Những gì Như Lai đang giải thích cho ông là tuyệt đối chân thật. Sao ông vẫn còn chưa hiểu?"



Kinh văn:



汝雖多聞, 如說藥人。真藥現前, 不能分別。如來說為真可憐愍。



Nhữ tuy đa văn, như thuyết dược nhân, chân dược hiện tiền bất năng phân biệt. Như Lai thuyết vi chân khả lân mẫn.



Ông tuy nghe nhiều, nhưng cũng như người nói tên vị thuốc, mà không phân biệt được thuốc thật ở trước mắt. Như Lai cho là rất đáng thương xót.



Giảng:



"Mặc dù ông nghe nhiều– A-nan, dù ông nghe nhiều, nhớ kỹ và nhớ được nhiều bộ kinh–nhưng cũng như người nói tên vị thuốc. Ông tuy học nhiều, nhưng giống như cái gì? Giống như người đọc được tên thuốc và biết được vị thuốc nào chữa lành được bệnh gì và thuốc có tác dụng ra sao–cũng như người có thể đọc được Yao Hsing Fu. Ông cũng vậy, có trí nhớ rất tốt, nhưng ông cũng giống như người không phân biệt được thuốc thật ở trước mắt. Khi ông nhìn thấy thuốc thật thì ông không biết được, ông không biết được đó là thuốc tốt. Vì sao ông không có được sự phân biệt nầy? Vì suốt ngày ông chỉ thích luận về thiền. Ông nói về thiền rất giỏi, nhưng khi ông tham cứu đệ nhất nghĩa đế, thì ông hoàn toàn mù tịt. Nên Như Lai cho là rất đáng thương xót."



Kinh văn:



汝今諦聽。吾當為汝, 分別開示。亦令當來, 修大乘者, 通達實相。阿難默然, 承佛聖旨.



Nhữ kim đế thính, ngô đương vi nhữ phân biệt khai thị. Diệc linh đương lai, tu đại thừa giả, thông đạt thật tướng. A-nan mặc nhiên thừa Phật thánh chỉ.



Nay ông hãy nghe kỹ, Như Lai sẽ vì ông mà chỉ bày tường tận. Và cũng để cho những người tu Đại thừa sau nầy thông đạt thật tướng. A-nan yên lặng, chờ nghe thánh chỉ của Đức Phật.



Giảng:



"Nay ông hãy nghe kỹ. Đừng có bối rối nữa. Hãy hết sức chú ý, hãy tỉnh táo mà lắng nghe, Như Lai sẽ vì ông mà chỉ bày tường tận. A-nan, vì ông, Như Lai sẽ giảng giải từng chi tiết rõ ràng. Như Lai sẽ phân tích rồi giải thích cho ông từng chi tiết. Và cũng để cho những người tu Đại thừa sau nầy." Quý vị và tôi ở đây là thuộc về 'những người tu Đại thừa sau nầy'. Bây giờ chính là thời tương lai mà Đức Phật đã đề cập trong kinh. Chúng ta là những người đang tu tập theo Đại thừa, không phải là Tiểu thừa, để thông đạt Thật tướng." Như tôi đã giảng giải trước đây, Thật tướng là vô tướng. Trong vô tướng thì cái gì hiện hữu? Mọi thứ đều hiện hữu. 'Vô tướng' có nghĩa là chẳng có tướng nào hư vọng. Thật tướng hoàn toàn là chân tướng.



"A-nan yên lặng. A-nan nghe nói rằng Đức Phật sẽ giảng giải giáo lý Thật tướng, nhưng A-nan chẳng biết nghĩa ấy như thế nào. Thật tướng là một từ ngữ mới, trong thời điểm Đức Phật đưa ra từ nầy thì A-nan vẫn chưa hiểu được nghĩa của nó. Thế nên A-nan chờ nghe thánh chỉ của Đức Phật. A-nan nhón gót. đứng trên đầu ngón chân, mắt A-nan dính chặt vào Đức Phật chờ nghe giáo pháp.



Kinh văn:



阿難, 如汝所言, 四大和合, 發明世間種種變化。



A-nan như nhữ sở ngôn, tứ đại hòa hợp, phát minh thế gian chủng chủng biến hoá.



A-nan, như ông đã nói, tứ đại hòa hợp phát ra các thứ biến hoá trong thế gian.



Giảng:



"A-nan, như ông đã nói, như ông đã hiểu rằng, tứ đại hòa hợp – đất, nước, lửa, gió kết hợp với nhau– phát ra các thứ biến hoá trong thế gian."



Kinh văn:



阿難,,若 彼大性, 體非和合, 則不能與諸大雜和。猶如虛空, 不和諸色。



A-nan, nhược bỉ đại tánh, thể phi hòa hợp, tắc bất năng dữ chư đại tạp hòa. Du như hư không, bất hòa chư sắc.



A-nan, nếu tánh của các đại kia không hòa hợp nhau, thì không thể lẫn lộn với các đại khác. Cũng như hư không, không thể hòa hợp với các sắc tướng.



Giảng:



"A-nan, nếu tánh của các đại kia– Nếu thể tánh của tứ đại không hòa hợp nhau– cơ bản là thể tánh của từng thứ một trong tứ đại kia không hòa hợp nhau được– thì không thể lẫn lộn với các đại khác. Các đại không thể nào hòa lẫn từng cái một vào với nhau. Cũng như đối với hư không, nó chẳng thể nào hòa hợp với những vật có sắc tướng. Nếu hòa hợp được, thì nó chẳng phải là hư không. Sự mâu thuẫn nầy cũng là điều hiển nhiên đối với bản chất của tứ đại."



Kinh văn:



若和合者,同於變化。始終相成, 生滅相 續。生死死生, 生生死死。如旋火輪,未有休 息



Nhược hòa hợp giả, đồng ư biến hoá, thuỷ chung tương thành, sinh diệt tương tục, sinh tử tử sinh, sinh sinh tử tử, như tuyền hoả luân, vị hữu hưu tức.



Nếu tính của tứ đại là hòa hợp, thì cũng đồng như các thứ biến hoá, trước sau biến thành nhau, sinh diệt nối nhau, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh diệt diệt, như vòng lửa quay tròn chưa hề dừng nghỉ.



Giảng:



"Nếu tính của tứ đại là hòa hợp– Giả sử ông muốn cho rằng tứ đại hòa hợp–thì cũng đồng như các thứ biến hoá, trước sau biến thành nhau." Nó hòa hợp với mọi thứ và là đối tượng của sự biến đổi. "Trước sau biến thành nhau, từ thuỷ đến chung, từ khởi đầu cho đến kết thúc, nó biến đổi rồi hiện hữu. Sinh diệt nối nhau, sinh rồi diệt, nối nhau bất tận. Sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh diệt diệt, như vòng lửa quay tròn chưa hề dừng nghỉ." Không bao giờ dừng. Cách đó như thế nào?






[i] . e: The characteristic of reality.




[ii] . e: Primary truth.




[iii] . s: Śūraṃgama samādhi.




[iv] . Ưu-bà-tắc: upāsaka. Còn gọi là Ô-ba-sách-ca烏波索迦, Ưu-ba-bà-ca優波娑迦, Y-bồ-trắc伊蒲塞. Ý dịch là Cận sự近事, Cận sự nam近事男, Cận thiện nam近善男, Tín sĩ信士, Tín nam信男, Thanh tín sĩ清信士. Tức là hàng Cư sĩ Phật tử tại gia đã thọ Năm giới, thân cận và phụng sự Tam bảo,



Ưu-bà-di: upāsikā Còn gọi là Ưu-ba-tư-ha優婆私訶,Ưu-ba-tư優婆斯, Ưu-ba-tứ-ca優波賜迦.Ý dịch là Thanh tín nữ清信女,Cận thiện nữ近善女,Cận sự nữ近事女,Cận túc nữ近宿女,Tín nữ信女.




[v] . s: śrāmaṇeraka, śrāmaṇera; p: sāmaṇerarā; e: novice monks and nuns. Phiên âm là Thất-la-ma-noa-lạc-ca室羅摩拏洛迦, Thất-la-mạt-ni-la室羅末尼羅, Thất-la-na-nô室羅那拏. Ý dịch là Cầu tịch求寂, Pháp công法公, Tức từ息慈, Tức ác息惡, Cần sách勤策. Nghĩa là dừng lại việc ác, theo hạnh từ bi, tìm cầu sự giải thoát viên tịch.






[vi] . 黃連, tên khoa học là Coptis Japonica.




[vii] . 細莘, tên khoa học là Asarum sieboldi, rễ dùng làm thuốc; e: wild ginger: một thứ gừng dại


[viii] . e: Provisional Vehicle.




[ix] . 麤 尋曰 覺, 細 伺 曰 觀 ; Thô tầm viết giác, tế tứ viết quán– Lăng Nghiêm Trực Chỉ. Đan Hà Hàm Thị.






[x] . e: Actual Vehicle.




[xi] . Ý căn: The mind, Organ of the mind.




[xii] . Pháp trần: e: Dust of Dharma.




[xiii] . Bản Đại Chính tân tu Đại tạng kinh chép chữ推. Bản của Vạn Phật Thánh Thành chép chữ 惟, Bản Lăng Nghiêm Trực Chỉ–Đan Hà Hàm Thị cũng chép chữ 惟.




[xiv] . 戲論; e: Idle theories.




[xv] . 發心勤求無上菩提; e: Resolve to diligently seek unsurpassed Bodhi.

No comments:

Post a Comment