Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (19)



Kinh văn:



若在於手, 頭則無知, 云何成觸? 若在於頭, 手則無用,云何名觸。



Nhược tại ư thủ, đầu tắc vô tri, vân hà thành xúc? Nhược ư tại đầu, thủ tắc vô dụng, vân hà danh xúc?



Nếu nó ở nơi tay, ắt là đầu không biết, thì làm sao thành cảm xúc ấy? Còn nếu nó ở nơi đầu, ắt là tay vô dụng, làm sao gọi là cảm xúc được?



Giảng:



"Nếu nó ở nơi tay, ắt là đầu không biết. Nếu ông nói rằng cái cảm xúc ấy ở chỗ bàn tay, thì lẽ ra cái đầu phải không biết khi ông dùng tay xoa đầu. Thì làm sao thành cảm xúc ấy?" Nếu cái đầu không biết, thì đó không thành là sự cảm xúc. "Còn nếu nó ở nơi đầu, ắt là tay vô dụng. Còn nếu ông nói rằng năng lực của sự xúc chạm nằm ở nơi đầu ông, thì cái tay trở thành vô dụng, bàn tay sẽ không biết một cảm giác nào cả. Làm sao gọi là cảm xúc được? A-nan, ông hãy giải thích điều ấy xem."



Mỗi khi chư tăng xoa đầu ba lần, họ phải đọc một bài kệ rất có ý nghĩa, tôi nhớ bài kệ đó như sau:



Thủ khẩu nhiếp ý thân vô phạm



Mạc não nhất thiết chư hữu tình



Vô ích chi khổ đương viễn ly



Như thị hành giả đắc độ thế.



守 口 攝 意 身 無 犯



莫 惱 一 切 諸 眾 生



無 益 之苦 當 遠 離



如 是 行 者 得 度 世



Nghĩa là: Thận trọng lời nói, giữ gìn tâm ý, hành vi chớ thô tháo. Đừng gây xúc não cho hết thảy mọi loài chúng sinh. Hãy xa lìa các pháp tu khổ hạnh vô ích. Người tu hành đúng như vậy sẽ cứu độ được cả thế gian.



"Thận trọng lời nói" có nghĩa là đừng mặc tình nói những gì mà mình thích nói. "Giữ gìn tâm ý" có nghĩa là giữ cho tâm ý mình đừng lang thang, giữ cho tâm không sinh vọng tưởng. Đừng truy cầu sự thuận lợi. "Hành vi chớ thô tháo." Giữ cho thân không phạm những nghiệp xấu.



Khi mình thận trọng từng lời nói, thì mình sẽ tránh được những nghiệp xấu như: không nói những lời thô ác, không nói dối, không nói lời thị phi, không nói lời thêu dệt. Với tâm ý được thường xuyên hộ trì, ta tránh được lòng tham lam, sân hận, si mê. Thân không làm những việc ác, nghĩa là không phạm phải việc giết hại, trộm cắp, tà hạnh dâm dục. Ngay cả suy nghĩ đến những việc ấy cũng không có.



"Đừng gây xúc não cho hết thảy mọi loài chúng sinh." Có nghĩa là đối với hết thảy mọi người cũng như mọi loài chúng sinh nào tiếp xúc với mình, đừng khiến cho họ sinh khởi phiền não. Đừng gây não loạn cho mọi loài chúng sinh. Ngay cả những người đồng tu với mình, cũng đừng gây phiền nhiễu cho họ. Đôi khi mình vô tình gây ra những lỗi lầm khiến cho sinh hoạt của họ phải bị xáo trộn; trong trường hợp như vậy, quý vị nên tìm cơ hội thuận tiện để giải thích và đừng để tình trạng đó tiếp diễn nữa.



"Hãy xa lìa các pháp tu khổ hạnh vô ích." Có những lối tu khổ hạnh không mang đến sự lợi lạc. Chẳng hạn, cách tu của một số người Ấn Độ thưở xưa, họ bắt chước thói quen của loài chó, loài bò; ngủ trên giường đinh, lăn mình trong tro bụi bẩn. Ý nghĩa của lối tu ấy là gì? Tu như vậy thì thêm được gì? Thân càng bẩn thỉu, tâm càng nhiễm ô. Khi ngoài thân ô uế và quý vị cứ luôn luôn nghĩ về sự dơ bẩn, thì tâm cũng bị nhiễm ô theo luôn. Đây được gọi là ''lối tu khổ hạnh vô ích." Đừng vướng mắc vào pháp tu ấy. Quý vị nên làm những điều đem lại lợi lạc cho nhiều người. Đừng làm những điều không có lợi cho mọi người. Hãy tránh xa lối tu khổ hạnh vô ích ấy.



"Người tu hành đúng như vậy sẽ cứu độ được cả thế gian."



'Tu hành đúng như vậy' có nghĩa là không gây phiền não cho tất cả chúng sinh, không theo lối tu khổ hạnh vô ích, không theo pháp tu của hàng ngoại đạo. Thế nào là nghĩa pháp tu của hàng ngoại đạo?



Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực hành theo Trung đạo.[i] Theo pháp tu của Ngài, các đệ tử được dạy là chỉ ăn rau quả, không được ăn thịt. Hoặc là nếu ăn thịt, thì phải ăn ba loại thịt thanh tịnh.[ii]



Như vậy, Đức Phật dạy đệ tử mình ăn rau quả, và quý vị có biết Đề-bà-đạt-đa đã làm những gì với tà tri tà kiến của mình không? Ông ta nghĩ: "Hừ! Đức Phật dạy đệ tử ăn rau quả. Phải không? Ta sẽ dạy đệ tử mình không ăn muối." Họ kiêng luôn cả muối. Lối kiêng cử nầy cũng được đạo Lão áp dụng, và được họ xem đó là người giữ trai giới thanh tịnh đệ nhất. Nhưng thực tế, lối ăn uống đó không thích hợp với Trung đạo. Nhưng đó là cách Đề-bà-đạt-đa đề xướng. Đức Phật dạy đệ tử không ăn thêm gì nữa sau buổi trưa. Vào buổi sáng sớm họ ăn cháo và buổi trưa là bữa ăn chính. Họ ăn hai lần trong ngày mặc dù Đức Phật chỉ dùng có một bữa vào buổi trưa. Ngài không ăn vào buổi sáng cũng như buổi tối. Đề-bà-đạt-đa dạy đệ tử làm những gì? Ông ta bắt đệ tử ăn kiêng trong vòng 100 ngày. "Các ông chỉ ăn một bữa trong ngày. Tôi chỉ ăn một bữa trong cả trăm ngày. Thấy tôi tu hành cao hơn mấy ông chưa? Các ông kiêng thịt, chỉ ăn rau củ; còn chúng tôi thì kiêng cả muối. Tôi lúc nào cũng tu hành cao hơn mấy ông." Đề-bà-đạt-đa luôn luôn muốn tranh đua hơn thua với Đức Phật. Ông ta muốn chống lại giáo pháp của Đức Phật, ông luôn luôn nói rằng Đức Phật không bằng ông. Nên Đề-bà-đạt-đa xúi giục vua A-xà-thế[iii] giết cha và mẹ mình để chiếm ngôi vua, và Đề-bà-đạt-đa tuyên bố rằng mình sẽ là một vị Phật mới, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã quá già, đã lụ khụ rồi–Đề-bà-đạt-đa muốn lật đổ Đức Phật để thống lĩnh tăng đoàn. Nhưng cuối cùng, ông ta gây xáo trộn mọi việc một cách tệ hại đến mức ông phải đoạ vào địa ngục ngay khi đang còn sống. Ông ta phải mang theo cái thân thịt với mình xuống địa ngục. Ông ta có mưu đồ những việc khác hẳn với Đức Phật, khác hẳn với đường lối của Đức Phật. Đây là cách mà ngoại đạo tiến hành. Quý vị cũng có thể nói rằng Đề-bà-đạt-đa muốn tranh giành để trở thành độc tôn. Ông ta muốn mình là đệ nhất–ông ta hết muốn điều nầy lại muốn điều kia– và cuối cùng quả báo là đoạ vào địa ngục! Thế nên tu tập theo lối khổ hạnh thật là vô ích.



Người xưa đã nói về chuyện ăn thịt như sau:



Thiên bách niên lai oản lý canh



Oán thâm tợ hải, hận nan bình



Dục tri thế thượng đao binh kiếp



Thí thính đồ môn dạ bán thanh.



千 百 年 來 碗 裡 羹



怨 深 似 海 恨 難 平



欲 知 世 上 刀 兵 劫



試 聽 屠 門 半夜 聲.



Nghĩa là: Trong bát canh quen nấu bằng thịt ngàn đời nay, có sự thù oán sâu như biển và mối hận thật khó kiềm chế được. Nếu (bạn) muốn biết nguyên nhân của nạn đao binh chiến trận trên thế gian nầy, thì hãy lắng nghe tiếng kêu than ở nhà người đồ tể vào lúc nửa khuya.



"Trong bát canh quen nấu bằng thịt ngàn đời nay," là nói đến bát canh thịt, nồi súp thịt mà người ta quen nấu ăn cả hằng ngàn năm nay. Trong nồi thịt ấy, "Có sự thù oán sâu như biển và mối hận thật khó kiềm chế được." Trong nồi thịt bò hầm ấy, chứa đựng cả mối hận sâu như biển. Mối hận sâu dày như thế thật khó hoá giải được. "Nếu (bạn) muốn biết nguyên nhân của nạn đao binh chiến trận trên thế gian nầy." Thời cổ đại, trong chiến trường chỉ có vũ khí được chế tạo thủ công. Không như ngày nay, khi hoả tiễn, bom, súng, được chế tạo để có thể bắn từ xa. Thời trước đó, binh lính giao tranh với vũ khí cầm tay đối mặt nhau. Ngày nay người ta cho đó là phương thức chiến tranh không hợp thời nữa. Nếu quý vị muốn biết nguyên nhân nạn chiến tranh đang diễn ra trên cõi này, thì hãy "Lắng nghe tiếng kêu la ở nhà người đồ tể vào lúc nửa khuya." Đến nhà người làm nghề giết thịt vào lúc nửa khuya–đến nơi mà heo, bò, cừu bị giết thịt và lắng nghe những tiếng kêu rống của chúng. Quý vị sẽ thấu rõ điều gì qua tiếng kêu vào lúc nửa khuya đó? Ngày nay, các nhà giết thịt thường nằm ở xa vùng dân cư, nên khó nghe được những âm thanh từ lò mổ. Nhưng chúng ta có thể hình dung ra được cảnh tượng bi thiết. Người ta đã giết hại quá nhiều sinh vật! Và những sinh vật nầy lại tái sinh làm người, họ lại muốn trả thù. Đó là lý do tại sao mối hận thù càng ngày càng sâu, càng ngày càng tăng trưởng. Chẳng có cách nào để hoá giải điều ấy, Đã lên đến mức mà vòng vay trả không cần phải đợi đến lúc người giết hại súc vật chết rồi hoá thành súc vật để cuộc báo thù được thể hiện, mà đơn giản là người ta sát hại ngay đồng loại mình để trả thù. Anh giết tôi và tôi giết anh. Anh giết tôi lúc xưa, bây giờ tôi sẽ giết lại anh. Thảm hoạ của binh đao chiến trận có nền tảng là từ nghiệp sát, ngoài ra chẳng có gì khác. Đó là lý do tại sao đạo Phật dạy chúng ta tránh việc sát hại. Thay cho việc giết hại, chúng ta nên phóng sinh và giữ giới.



Nếu con người tránh được nghiệp sát, thì thế giới sẽ giảm được nhiều lực bạo động–có nghĩa là càng ít đi ảnh hưởng của nghiệp ác. Nếu có 10 người không sát hại, thì sẽ có 10 điều lành xuất hiện trên thế gian. Những điều lành nầy không có những tác dụng tiêu cực mà hoàn toàn chứa đựng những yếu tố tích cực. Đối với một cá nhân cũng thế mà đối với toàn thể thế giới cũng vậy. Nếu quý vị thảm sát mọi loài chúng sinh, thì chúng sinh ấy sẽ không có chút nào cảm tình thân thiện đối với quý vị. Nếu quý vị thương yêu mọi loài chúng sinh, thì chúng sinh sẽ thân thiện với quý vị. Thế nên nhất định có một mối tương quan mật thiết giữa cõi người với cõi giới của loài vật.



Thời gian không cho phép tôi giảng giải chi tiết hơn về nghiệp sát, phóng sinh và giữ giới. Tôi có thể giảng giải đề tài nầy một cách thoải mái trong suốt ba tháng. Thực vậy, dù có nói trong ba năm cũng không cạn đề tài. Nhưng nay tôi xin dừng lại để tiếp tục đi vào kinh văn.



Kinh văn:



若各各有, 則汝阿難, 應有二身。



Nhược các các hữu, tắc nhữ A-nan, ưng hữu nhị thân.



Nếu cả đầu và tay, mỗi cái đều có biết; thì A-nan, một mình ông có đến hai thân.



Giảng:



"Nếu cả đầu và tay, mỗi cái đều có biết– nếu ông cho rằng cả tay và đầu ông đều có khả năng biết được sự xúc chạm, thì sẽ có cảm xúc ở cả hai nơi, thì A-nan, một mình ông có đến hai thân. Nên ông phải có đến hai thân, vì ông có đến hai cái biết cảm giác xúc chạm."



Kinh văn:



若頭與手,一觸所生, 則手與頭當為一體。若一體者觸則無成。



Nhược đầu dữ thủ, nhất xúc sở sinh, tắc thủ dữ đầu đương vi nhất thể. Nhược nhất thể giả, xúc tắc vô thành.



Nếu đầu và tay đều do một cảm xúc sinh ra, thì tay và đầu lẽ ra chỉ có một tự thể. Nếu chỉ có một tự thể, thì không thành cảm xúc được.



Giảng:



"Nếu đầu và tay đều do một cảm xúc sinh ra,–Giả sử trước đó có hai nguồn xúc chạm, một từ đầu và một từ tay; nay giả định rằng chỉ có một nguồn xúc chạm– chỉ một nơi có cảm xúc–không phải hai. "Thì tay và đầu lẽ ra chỉ có một tự thể. Sẽ chỉ có một. Nếu thực như vậy, thì lẽ ra không có cảm giác xúc chạm. Nếu chỉ có một tự thể, thì không thành cảm xúc được." Nếu chỉ có một cảm giác xúc chạm ở bàn tay hoặc nơi đầu, thì làm sao biết có cảm xúc được? Quý vị có hiểu được khi nguyên lý nầy được giảng giải chăng? – Thật vi diệu khi đạt được chỗ cứu cánh.



Kinh văn:



若二體者, 觸誰為在? 在能非所, 在所非能。不應虛空 與汝成觸?



Nhược nhị thể giả, xúc thuỳ vi tại? Tại năng phi sở, tại sở phi năng. Bất ưng hư không dữ nhữ thành xúc?



Còn nếu là hai thể, thì cảm xúc do ở đâu? Nếu ở bên năng thì không có bên sở, nếu ở bên sở thì không có bên năng. Không lẽ giữa hư không và ông mà tạo thành cảm xúc?



Giảng:



"Còn nếu là hai thể, thì cảm xúc do ở đâu?" Đức Phật đã chỉ ra rằng chỉ một thể duy nhất thì không được gọi là cảm xúc. "Thế thì, nếu giả định như ông cho rằng cái đầu và tay ông là hai thể, sẽ tạo nên hai cảm xúc, thế thì cảm xúc ấy sẽ ở tại bên nào? Thực tế là cảm giác xúc chạm sẽ nằm ở vào một bên. Vậy nó nằm ở phía nào? Rõ ràng là một bên là năng xúc (tạo nên sự xúc chạm[iv]), và bên kia là sở xúc (vật được xúc chạm[v]). Nếu ở bên năng thì không có bên sở, nếu ở bên sở thì không có bên năng. Ông không thể nói rằng cả hai đều là năng xúc. Chẳng hạn như khi tôi sờ vào cái bàn nầy. Vốn cái bàn không có tri giác, nhưng bàn tay tôi là là vật thể có khả năng xúc giác; trong khi cái bàn là vật được xúc chạm đến (đối tượng được xúc chạm). Trong trường hợp bàn tay và cái đầu, cái nào là năng xúc, cái nào là sở xúc (đối tượng được xúc chạm)? Vật có khả năng xúc giác không thể đồng thời là vật (đối tượng được xúc chạm) đến. Thế thì, ông nói cái nào xúc chạm cái nào. Tay xúc chạm đầu hay đầu xúc chạm tay? Nói nhanh! Không lẽ giữa hư không và ông mà tạo thành cảm xúc? Vì vốn hư không chửng có gì cả."



Kinh văn:



是故當知,覺觸與身, 俱無處所。即身與觸二俱虛妄。本非因緣非自然性.



Thị cố đương tri, giác xúc dữ thân, câu vô xứ sở. Tức thân dữ xúc, nhị câu hư vọng, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Vậy nên biết rằng cảm xúc và thân đều không xứ sở. Tức là thân biết cảm xúc và cái cảm xúc, cả hai đều là hư vọng, không thật, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.



Giảng:



"Vậy nên biết rằng – do từ vô số đạo lý mà Như Lai vừa giảng giải, ông nên biết rằng cảm xúc và thân–chẳng phải sự hiện hữu của phản ứng khi xúc chạm cũng chẳng phải thân– đều không xứ sở. Cái cảm xúc đó không có một gốc gác rõ ràng. Ông không thể nói rằng nó giống như thế nào. Tức là thân biết cảm xúc và cái cảm xúc– nơi chốn của thân và nơi chốn của cảm xúc – cả hai đều là hư vọng." Nó đều không thật. Đừng trở nên dính mắc vào đối tượng của sự xúc chạm. Đừng trở nên chấp trước rồi nghĩ:



"Như thế nầy như thế kia là điều tuyệt diệu nhất," rồi sinh khởi tham luyến. Nó hoàn toàn hư giả, không thật, thế nên ông khởi tâm đắm chấp chúng làm gì?



"Vốn không phải tính nhân duyên." Tính biết cảm xúc không phải phát sinh từ tính nhân duyên, "không phải tính tự nhiên."



" Cũng chẳng phải tự nhiên chúng phát sinh từ trong hư không. Nó lưu xuất từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng. Nhưng, chúng cũng hư vọng và không thực như nhau. Đừng đắm chấp với nó. Quý vị phải phản bổn hoàn nguyên, quay về lại với tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng của chính mình. Hãy buông bỏ những tướng hư vọng nầy vả quay về nhận ra chân tánh bản hữu của mình. Đó chính là của báu trong nhà, là bổn địa phong quang.



Kinh văn:



阿難, 汝常意中, 所緣善惡無記三性, 生成法則。



A-nan, nhữ thường ý trung, sở duyên thiện ác vô ký tam tánh, sinh thành pháp tắc.



A-nan, trong tâm ý ông thường duyên với ba tánh: thiện, ác, vô ký; khiến sinh ra các pháp tắc.[vi]



Giảng:



Bây giờ tôi sẽ giảng giải đạo lý làm sao mà tâm ý tạo thành các duyên cho các pháp trần.[vii] "A-nan, trong tâm ý ông thường duyên với ba tánh." Có những duyên thường xuyên ở trong tâm ý ông. Ở đây chính là tâm phan duyên. Điều quan trọng nhất những người tu đạo phải tránh đó là tâm phan duyên. Khi tâm ý bắt đầu phan duyên, thì liền có chướng ngại. Thức thứ 6, thức thứ 7, mất đi sự an tĩnh và toàn bộ cảm nhận đều bám vào tâm phan duyên. Do đó không dễ dàng công phu tu đạo chút nào. Nên bất luận bao nhiêu công đức lành thành tựu được đều chỉ là giả dối nếu như quý vị đạt được điều ấy với tâm phan duyên. Cũng chỉ là giả dối nếu quý vị cứu độ chúng sinh–bất luận nhiều bao nhiêu đi nữa–với tâm phan duyên.



"A-nan, trong tâm ý ông thường duyên với ba tánh: thiện, ác, vô ký." Thiện là chỉ cho toàn bộ các pháp lành. Ác là chỉ cho toàn thể các pháp bất thiện. Vô ký là chỉ cho toàn bộ các pháp không ác không thiện. Ba pháp nầy khiến sinh ra các pháp tắc." Điều nầy chỉ cho những phản ứng thông thường đối với pháp trần, chớ không phải đối với Phật pháp. "Pháp tắc" là những quy phạm nhất định phát sinh từ pháp trần.



Kinh văn:



此法為復, 即心所生, 為當離心, 別有方所?



Thử pháp vi phục tức tâm sở sinh, vi đương ly tâm, biệt hữu phương sở?



Các pháp trần nầy tức do tâm sinh ra, hay là rời tâm có chỗ riêng biệt?



Giảng:



"Có phải ông cho rằng các pháp do tâm sở duyên là phát sinh ra ngay từ trong tâm (ý căn)? Các pháp trần nầy tức do tâm sinh ra, hay là rời tâm có chỗ riêng biệt?" "Tâm" ở đây có nghĩa là thức thứ 6.



"Phải chăng nó có một nơi chốn riêng biệt ngoài thức thứ sáu[viii] chăng? A-nan, trình bày cái hiểu của ông ở điểm nầy xem. Nói mau!"



Bây giờ A-nan không ước lượng được chiều cao và không dò được chiều sâu. A-nan không dám đoán thử xem cảnh giới của Đức Phật như thế nào. A-nan- không dám trả lời câu hỏi của Đức Phật, nên Đức Phật gọi ông lần nữa để biết chắc ông vẫn còn đang chú tâm theo dõi. Nếu A-nan đang ngủ gà ngủ gật thì dù cho Đức Phật có nói cũng vô ích. Thế nên Ngài gọi A-nan để lay động A-nan ra khỏi cơn mê ngủ mơ màng.



Kinh văn:



阿難,若即心者。法則非塵,非心所緣,云何成處?



A-nan, nhược tức tâm giả, pháp tắc phi trần, phi tâm sở duyên, vân hà thành xứ?



A-nan, nếu tức nơi tâm, thì pháp trần không phải là trần cảnh nữa, thế nên nó không phải là sở duyên của tâm, làm sao thành một xứ được?



Giảng:



"A-nan, nếu tức nơi tâm–nếu ông đơn giản cho rằng các pháp phát sinh từ tâm, rằng nó phát sinh từ thức thứ 6–thì pháp trần không phải là trần cảnh nữa. Các pháp trần mà do tâm sở duyên sinh khởi không còn là trần cảnh[ix] (đối tượng của ý thức) nữa."



"Thế nên nó không phải là sở duyên của tâm– những gì mà tâm ông phan duyên chính là trần cảnh. Tuy nhiên, theo lý lẽ của ông thì các pháp nầy không phải là trần cảnh; trong trường hợp đó, tâm ông không thể nào phan duyên với nó được. Thế nên, nó làm sao thành một xứ được? Vì chẳng có một duyên (điều kiện) nào cho nó tồn tại trong tâm cả, thì làm sao nó có được một gốc gác, nơi chốn được? Thế nên các pháp từ tâm sở duyên là không có gốc gác."



Kinh văn:



若離於心, 別有方所。則法自性, 為知非知?



Nhược ly ư tâm, biệt hữu phương sở, tắc pháp tự tánh, vi tri phi tri?



Nếu rời tâm mà riêng có một chỗ riêng biệt, thì tự tính của pháp trần là biết hay không biết?



Giảng:



"Nếu rời tâm mà riêng có một chỗ riêng biệt. Nó sẽ có một nơi chốn riêng. Nhưng nếu nó có một nơi khác, thì tự tính của pháp trần là biết hay không biết? Bản tính của pháp như vậy có tự biết nó chính là pháp hay không? Nói nhanh!"



Kinh văn:



知則名心, 異汝非塵, 同他心量. 即汝即心, 云何汝心,更二於汝。



Tri tắc danh tâm, dị nhữ phi trần, đồng tha tâm lượng, Tức pháp tức tâm, vân hà nhữ tâm, cánh nhị ư nhữ?



Nếu có biết thì gọi là tâm, nhưng nếu nó khác với ông và không phải là trần cảnh thì cũng như tâm của người khác. Còn nếu nó tức là ông và cũng là tâm, thì làm sao cái tâm nơi ông lại thành hai được?



Giảng:



"Nếu có biết thì gọi là tâm. Giả sử ông cho rằng các pháp ấy biết được–các pháp ấy có tri giác; mà những gì có biết thì được gọi là tâm. Nhưng nếu nó khác với ông và không phải là trần cảnh. 'Khác với ông' có nghĩa là nó tách biệt hẳn với ông. Nó sẽ ở bên ngoài ông. Nhưng theo lý lẽ của ông, thì nó không phải là trần cảnh, vì nó có tri giác, thì cũng như tâm của người khác. Còn nếu nó tức là ông và cũng là tâm– Có lẽ ông khăng khăng cho rằng những cái gì tách hẳn bên ngoài ông mà có tri giác thì thực sự là tâm ông. Thì làm sao cái tâm nơi ông lại thành hai được? Nếu ông giải thích bằng cách cho rằng nó là tâm người khác nhưng thực ra là của ông, thì tại sao nó không thành một với ông? Nếu nó có biết, tức nó là tâm; nhưng tại sao giữa ông và tâm ông lại là hai?"



Kinh văn:



若非知者, 此塵既非色聲香味, 離合, 冷煖。及虛空相, 當於何在?



Nhược phi tri giả, thử trần ký phi sắc thanh hương vị, ly hợp, lãnh noãn, cập hư không tướng, đương ư hà tại?



Lại nếu như không có biết, ly, hợp, lạnh, nóng và tướng hư không, thì nó sẽ ở chỗ nào?



Giảng:



"Lại nếu như không có biết. Nếu ông tán đồng đạo lý Như Lai vừa giảng giải, ông sẽ nói rằng tự tánh của pháp trần là không biết. Thì "pháp trần đó đã không phải sắc, thanh, hương, vị." Thì chúng khác với phạm vi năm trần đã nói ở trên– sắc, thanh, hương, vị, xúc. Điều Đức Phật đang giảng giải ở đây là pháp– pháp trần mà không có sắc, chẳng có thanh, cũng chẳng có hương, cũng chẳng có vị. "Ly, hợp, lạnh, nóng." Nó cũng chẳng có tính biết cảm xúc để nhận ra sự tách rời, sự hợp lại, cảm giác nóng, cảm giác lạnh. "Và tướng hư không" Nó cũng chẳng có tướng của hư không. "Thì nó sẽ ở chỗ nào? Thế thì, ông bảo các pháp ấy có gốc gác ở đâu?" Đó là những gì Đức Phật hỏi A-nan. Nhưng bây giờ A-nan không dám trả lời.



Kinh văn:



今於色空, 都無表示。不應人間, 更有空外。心非所緣, 處從誰立?



Kim ư sắc không, đô vô biểu thị. Bất ưng nhân gian, cánh hữu không ngoại. Tâm phi sở duyên, xứ tùng thuỳ lập?



Nay nơi sắc không, chẳng thể nào chỉ nó ra được. Không lẽ trong nhân gian lại có cái ngoài hư không? Chẳng có cảnh sở duyên, thì ý căn do đâu mà lập thành một xứ được?



Giảng:



Chúng ta đã xác định rằng các pháp ấy chẳng thể nào chỉ ra được là nó ở nơi sắc hoặc nơi không. "Nay nơi sắc không, chẳng thể nào chỉ nó ra được." Ở cả hai trần cảnh không và sắc, đều không có sự biểu hiện của chúng. "Không lẽ trong nhân gian lại có cái ngoài hư không?" Không lẽ nào các pháp ấy tồn tại ở một nơi nào đó ngoài hư không? "Chẳng có cảnh sở duyên," vì tâm không phải là các pháp tạo ra các duyên, thế "thì ý căn do đâu mà lập thành một xứ được?" Các pháp do đâu mà thành lập được? Ai lập nên các pháp ấy?



Kinh văn:



是故當知, 法則與心, 俱無處所。則意與法, 二俱虛妄, 本非因緣, 非自然性.



Thị cố đương tri, pháp tắc dữ tâm, câu vô xứ sở. Tắc ý dữ pháp nhị câu hư vọng, bổn phi nhân duyên phi tự nhiên tánh.



Vì vậy nên biết pháp trần cùng ý căn đều không có xứ sở; tức ý căn cùng với pháp trần, hai xứ đều là hư vọng, không thật; vốn không phải tính nhân duyên, cũng chẳng phải tính tự nhiên.



Giảng:



" Vì vậy A-nan, vì đạo lý nầy – nên biết pháp trần cùng ý căn đều không có xứ sở. Cả hai cái nầy đều không tìm thấy được nơi chốn. Tức ý căn cùng với pháp trần, hai xứ đều là hư vọng, không thật." Theo đạo lý về các pháp do tâm sở duyên, cả hai đều là hư giả, luống dối. "Vốn không phải tính nhân duyên, cũng chẳng phải tính tự nhiên." Cả hai đều chỉ là danh tướng hư vọng, như hoa đốm giữa hư không, hoàn toàn không có thực thể, chỉ là sự biểu hiện từ tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.



Kinh văn:



復次阿難, 云何十八界, 本如來藏妙真如性?



Phục thứ A-nan, vân hà thập bát giới bổn Như Lai tạng diệu chân như tánh?



Lại nữa, A-nan, thế nào mà 18 giới vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng?



Giảng:



Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo A-nan, "Thế nào mà 18 giới vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng?"



Mười tám giới là những gì? Là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý–cùng với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; cộng thêm sáu thức nữa: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Cả ba nhóm gộp lại thành 18. Sáu căn đi với sáu trần, giữa hai cái nầy phát sinh ra sáu thức. Thức được định nghĩa như là tạo nên sự phân biệt, Căn[x] (các giác quan) được xem là nơi các chức năng tri giác ấy phát xuất, nó có gốc là thân thể của chúng ta. Trần[xi] (cảnh, đối tượng) được định nghĩa như vậy là do phẩm tính của nó là nhiễm ô. Nó không thanh tịnh, nên nó làm nhiễm ô bản tính của sáu căn. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì các thức sinh khởi. Mắt thấy sắc liền sinh khởi phân biệt như đẹp hoặc là xấu xí. Khởi tâm thích hoặc không thích hình sắc ấy, nên có sự phân biệt. Ở tai cũng như vậy: nghe tiếng êm dịu hoặc không êm dịu, hoặc thích nghe hoặc không thích nghe âm thanh ấy. Khi sinh khởi tâm phân biệt như vậy được gọi là nhĩ thức. Mũi ngửi được mùi thơm và mùi thối. Hai hương trần thơm và thối cũng được phân biệt như trên vậy. Quý vị có thể thích hương thơm và không thích những mùi hương khác, như vậy là trong quý vị đã sinh khởi tị thức. Lưỡi phân biệt được mùi vị. Khi lưỡi (thiệt căn) đi chung với mùi vị (vị trần[xii]) liền có sự phân biệt về mùi vị, hoặc là dễ chịu hoặc là ghê tởm–mình có thể thích hoặc không thích, Thân căn đi chung với xúc trần–trơn láng hoặc xù xì, thô ráp hoặc mịn màng, có nhiều dạng cảm giác khác nhau, hoặc ưa thích hoặc không ưa thích. Thân căn đi chung với xúc trần sẽ làm phát sinh thân thức để phân biệt những cảm giác nầy.



Ý căn[xiii] đi chung với pháp trần. Năm trần vừa mới đề cập ở trên– sắc, thanh, hương, vị, xúc– tất cả đều có sắc tướng biểu hiện.[xiv] Chỉ có pháp trần là không được biểu hiện qua sắc tướng.[xv] Chúng không có một biểu tượng nào. Tuy nhiên, khi ý căn tiếp xúc với pháp trần, tâm ý liền khởi phân biệt, thế nên trong tâm cũng có ý thức phân biệt. Đó là cách mà sáu căn tiếp xúc với sáu trần khiến sinh khởi sáu thức và cùng lập nên 18 giới.



Tất cả chúng đều chứa trọn trong tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.



Kinh văn:



阿難, 如汝所明, 眼色為緣, 生於眼識。



A-nan như nhữ sở minh, nhãn sắc vi duyên, sinh ư nhãn thức.



A-nan, như ông đã rõ, nhãn căn và sắc trần làm duyên, phát sinh nhãn thức.



Giảng:



"A-nan, như ông đã rõ–Như đạo lý mà ông đã được hiểu rõ–nhãn căn và sắc trần làm duyên, phát sinh nhãn thức. Nhãn căn tiếp xúc với sắc trần là duyên."



Kinh văn:



此識為復, 因眼所生,,以眼為界? 因色所生, 以色為界?



Thử thức vi phục, nhân nhãn sở sinh, dĩ nhãn vi giới; Nhân sắc sở sinh, dĩ sắc vi giới?



Thức đó nhân nơi nhãn căn mà sinh ra, lấy nhãn căn làm giới; hay nhân sắc trần[xvi] mà sinh ra, lấy sắc trần làm giới?



Giảng:



"Khi thức nầy phát sinh do sáu căn tiếp xúc với sáu trần, thức đó nhân nơi nhãn căn mà sinh ra, lấy nhãn căn làm giới?" Có phải do nơi mắt mà thức ấy được phát sinh, rồi nhận mắt làm giới[xvii] của nó? "Hay nhân sắc trần mà sinh ra, lấy sắc trần làm giới?" Có phải do nơi sắc trần mà thức ấy được phát sinh, rồi nhận sắc trần làm giới?



Kinh văn:



阿難, 若因眼生, 既無色空, 無可分別。縱有汝識, 欲將何用?



A-nan, nhược nhân nhãn sinh, ký vô sắc không, vô khả phân biệt. Túng hữu nhữ thức, dục tương hà dụng?



A-nan, nếu nhân nhãn căn phát sinh mà không có sắc trần và hư không thì không thể phân biệt được. Dù có thức của ông, thì dùng được vào việc gì?



Giảng:



"A-nan, nếu nhân nhãn căn phát sinh – A-nan, nếu như nhân nơi nhãn căn mà nhãn thức được phát sinh, thì lẽ ra nó chẳng liên quan gì đến sắc trần và hư không. Như vậy, nhân duyên của sắc trần và hư không sẽ xem như không tồn tại đối với nhãn thức. Mà không có sắc trần và hư không thì không thể phân biệt được. Nếu không có sắc trần và hư không, thì cũng sẽ không có cái gì được phân biệt. Đó là do ông chấp vào sắc trần khiến cho sự phân biệt phát sinh. Hoặc là, nếu ông chấp vào hư không, cũng liền có sự phân biệt phát sinh. Nhưng, điều ông giả định ở đây là không có sắc trần và hư không. Thế thì sự phân biệt lấy gì để được sinh ra? Chẳng có thứ gì để tạo ra sự phân biệt cả. Dù có thức của ông, thì dùng được vào việc gì? Giả sử rằng quý vị có tâm thức; quý vị sẽ dùng nó vào việc gì? Nó sẽ thành vô dụng."



Kinh văn:



汝見又非青黃赤白, 無所表示. 從何立界?



Nhữ kiến hựu phi thanh hoàng xích bạch, vô sở biểu thị. Tùng hà lập giới?



Lại nữa cái thấy của ông, ngoài những sắc xanh vàng đỏ trắng thì không thể biểu hiện được. Vậy do đâu mà lập giới?



Giảng:



"Cái thấy của ông– có nghĩa là khả năng nhìn của ông. Mắt ông nhìn thấy được sắc tướng và phát khởi nên thức phân biệt. Cái thấy của ông, khả năng nhìn của ông cũng chẳng phải là màu xanh vàng đỏ trắng. Nó chẳng phải là những màu nầy, nên nó không thể biểu hiện được. Vậy do đâu mà lập giới? Do đâu mà ông lập nên giới?"



Kinh văn:



若因色生, 空無色時,汝識應滅。云何識知是虛空性?



Nhược nhân sắc sinh, không vô sắc thời, nhữ thức ứng diệt. Vân hà thức tri thị hư không tánh?



Nếu nhân sắc trần sinh ra, khi có hư không thì chẳng có sắc, lẽ ra cái thức của ông phải diệt. Làm sao thức ấy biết được tánh hư không?



Giảng:



"Nếu nhân sắc trần sinh ra. Nếu ông muốn nói rằng, 'A! nhãn thức sinh ra do sắc trần.' Khi có hư không thì chẳng có sắc, lẽ ra cái thức của ông phải diệt. Khi chẳng có sắc trong hư không thì chẳng có gì để ông phân biệt, lẽ ra thức ông phải bị diệt rồi. Nếu nhãn thức xuất sinh từ sắc, thì khi chẳng có sắc để thấy, nhãn thức của ông phải bị biến mất. Làm sao thức ấy biết được tánh hư không? Thế thì, làm sao mà ông biết được đó là hư không? Vì ông biết được đó là tánh hư không, nên thức của ông rõ ràng là không biến mất. Ông vẫn còn có thức. Do vậy, cái thấy của ông không phát sinh từ sắc trần. Thế nên, thức của ông từ đâu mà có?"



Kinh văn:



若色變時, 汝亦識其色相遷變。汝識不遷,界從何立?



Nhược sắc biến thời, nhữ diệc thức kỳ sắc tướng thiên biến. Nhữ thức bất thiên, giới tùng hà lập?



Nếu khi sắc tướng biến đổi, ông cũng biết rằng sắc tướng ấy biến đổi. Nhưng cái thức của ông thì không biến đổi, thế do đâu mà giới được lập?



Giảng:



" Ông cho rằng do sắc mà nhãn thức phát sinh. Nếu khi sắc tướng biến đổi, ông cũng biết rằng sắc tướng ấy biến đổi. Ông cũng biết điều ấy. Nhưng cái thức của ông thì không biến đổi. Nhưng nhãn thức của ông thì không biến đổi. Nếu nó phát sinh từ sắc, thì thức của ông sẽ biến đổi khi sắc thay đổi. Nhưng nó không như vậy. Thế nên giới của thức được lập ở chỗ nào? Nếu thức phát sinh từ sắc, thì giới phải được lập từ sắc. Nhưng khi sắc biến đổi thì thức đã không chạy theo sắc và biến đổi theo nó. Rốt ráo, đâu là giới của tâm thức ông?"



Kinh văn:



從變則變, 界相自無。不變則恒。 既從色生, 應不識知, 虛空所在。



Tùng biến tắc biến, giới tướng tự vô. Bất biến tắc hằng. Ký tùng sắc sinh, ưng bất thức tri, hư không sở tại.



Nếu nhãn thức biến đổi khi sắc trần biến đổi, thì tự nhiên sắc trần không thành giới được. Nếu nhãn thức không biến đổi thì sẽ thường hằng, thức đã từ sắc sinh ra, lẽ ra nó phải không biết được hư không ở đâu.



Giảng:



"Nếu nhãn thức biến đổi khi sắc trần biến đổi." Cách lập luận ở đoạn trên là khi nhãn thức không biến đổi. " Nếu ông cho rằng nhãn thức biến đổi khi nó gặp sự biến đổi nơi sắc trần, thì tự nhiên sắc trần không thành giới được." Thì sẽ không có giới. Nó sẽ thường xuyên biến đổi. "Nếu nhãn thức không biến đổi thì sẽ thường hằng." Nếu nó không theo sự biến đổi, thì nó sẽ thường hằng. "Thức đã từ sắc sinh ra"–vì đã nói rằng nhãn thức phát sinh từ sắc trần–"Lẽ ra nó phải không biết được hư không ở đâu?" Nếu nhãn thức phát sinh từ một cái gì đó có hình tướng, thì nó sẽ không biết được đâu là hư không, vì giới của nó sẽ nằm trong phạm vi của sắc. Thuộc về sắc tướng thì có bản tính vật chất, nên nếu đó là dạng của thức thì chắc sẽ không biết được hư không.



Kinh văn:



若兼二種, 眼色共生。合則中離,離則兩合。體性雜亂, 云何成界?



Nhược kiêm nhị chủng, nhãn sắc cộng sinh, hợp tắc trung ly, ly tắc lưỡng hợp. Thể tánh tạp loạn, vân hà thành giới?



Giả sử nhãn thức cùng phát sinh từ cả hai thứ nhãn căn và sắc trần, thì khi hợp lại, phải có một điểm nối ở giữa; khi rời ra thì phải còn một điểm tiếp giáp của hai bên. Như thế là thể tính tạp loạn, làm sao thành giới?



Giảng:



"Giả sử nhãn thức cùng phát sinh từ cả hai thứ nhãn căn và sắc trần. Giả sử như nhãn căn, kết hợp với sắc trần, hai cái cùng nhau sinh ra nhãn thức. Thì khi hợp lại, phải có một điểm nối ở giữa. Nếu cả hai cùng kết hợp để sinh ra nhãn thức, thì khi cả hai hợp lại, chắc hẳn phải có một lằn ranh giới giữa hai cái, vì chúng không phải là một thực thể độc nhất. Giả định rằng nhãn căn phát sinh ra nhãn thức rồi đồng thời sắc trần cũng sinh ra nhãn thức; sắc trần thì vô tri, trong khi nhãn căn lại có tính hay biết; những gì từ sắc trần sinh ra thì sẽ không hay biết gì; những gì từ nhãn căn sinh ra thì sẽ có được tính hay biết. Khi một cái gì đó có tính hay biết hợp với một cái gì đó không có tính hay biết, do tính không tương đồng, chắc chắn sẽ phải có một lằn ranh giữa hai cái. Chắc chắn phải có một điểm nối ở giữa chúng. "Khi rời ra thì phải còn một điểm tiếp giáp của hai bên." Nếu khi chúng rời ra, một bên là nhãn căn, một bên là sắc trần. Một nửa có tính hay biết, một nửa không có tính hay biết. Đó là một hợp thể của hai thứ. "Như thế là thể tính tạp loạn, làm sao thành giới?" Nếu giải thích theo cách nầy, thì thể tính lộn xộn, chẳng có cơ cấu nào cả. Do vậy, nếu thể tính của chúng không được phân biện rõ ràng, làm sao mà giới của nhãn thức tồn tại được? Giới không thể nào thành lập được.



Kinh văn:



是故當知, 眼色為緣, 生眼識界。三處都無。則眼與色, 及色界三。本非因緣, 非自然性.



Thị cố đương tri, nhãn sắc vi duyên, sinh nhãn thức giới. Tam xứ đô vô. Tắc nhãn dữ sắc, cập sắc giới tam, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Do vậy, ông nên biết nhãn căn và sắc trần làm duyên, sinh ra giới của nhãn thức. Cả ba chỗ nầy đều không thực có. "Nên cả ba giới của nhãn căn, sắc trần và nhãn thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng chẳng phải tính tự nhiên."



Giảng:



"Do vậy, ông nên biết– Vậy nên, A-nan– nhãn căn và sắc trần làm duyên– sự kết hợp giữa nhãn căn và sắc trần–làm thành duyên khiến sinh ra giới của nhãn thức. Cả ba chỗ nầy đều không thực có. Nếu ông tham cứu kỹ đạo lý nầy, ông sẽ thấy rằng không có cái nào có một gốc gác nhất định. Cả ba giới – của nhãn căn, sắc trần và nhãn thức–đều vốn không phải tính nhân duyên." Ngay từ căn để, nó vốn không phát xuất từ tính nhân duyên. "Cũng chẳng phải tính tự nhiên." Nó chỉ là biểu hiện của tánh chân như nhiệm mầu từ Như Lai tạng.



Kinh văn:



阿難, 又汝所明, 耳聲為緣, 生於耳識。



A-nan hựu nhữ sở minh, nhĩ thanh vi duyên, sinh ư nhĩ thức.



A-nan, như ông đã rõ, nhĩ căn và thanh trần làm duyên, sinh ra nhĩ thức.



Giảng:



"A-nan, như ông thường biết được rằng, như ông đã rõ, nhĩ căn và thanh trần làm duyên, sinh ra nhĩ thức." Nhĩ căn nghe được thanh trần, kết hợp với nhau thành nhân duyên. Qua đó nhĩ thức phát sinh. Từ nhĩ căn sinh ra một bản tánh tạo nên sự phân biệt, đó chính là nhĩ thức.



Kinh văn:



此識為復, 因耳所生, 以耳為界。因聲所生, 以聲為界?



Thử thức vi phục, nhân nhĩ sở sinh, dĩ nhĩ vi giới? Nhân thanh sở sinh, dĩ thanh vi giới?



Thức nầy do nhĩ căn sinh ra, lấy nhĩ căn làm giới; hay do thanh trần sinh ra, lấy thanh trần làm giới?



Giảng:



"Thức nầy do nhĩ căn sinh ra, lấy nhĩ căn làm giới? Ý ông nghĩ sao? Phải chăng thức nầy được gọi là nhĩ thức vì nó phát sinh ra do nhờ ở nhĩ căn? Hay do thanh trần sinh ra, lấy thanh trần làm giới? Hay là nó được sinh ra do vì âm thanh (thanh trần), rồi nhận thanh trần làm giới? Ông hãy nói xem giới của nó là gì?"



Đức Phật thử xem A-nan có hiểu được ý nghĩa trên không? Nhưng Đức Phật càng giảng giải, A-nan càng cảm thấy rối mù. Thế nên, một lần nữa A-nan không dám trả lời. Đức Phật tiếp tục giảng giải:



Kinh văn:



阿難, 若因耳生, 動靜二相, 既不現前, 根不成知。必無所知, 知尚無成, 識何形貌?



A-nan, nhược nhân nhĩ sinh, động tĩnh nhị tướng, ký bất hiện tiền, căn bất thành tri. Tất vô sở tri, tri thượng vô thành, thức hà hình mạo?



A-nan, nếu nhĩ thức do nhĩ căn sinh ra, mà không có hai tướng động tĩnh hiện tiền, thì nhĩ căn cũng không có cái biết. Mà đã không biết gì, cái biết còn không thành, thì thức có hình tướng gì?



Giảng:



"A-nan, nếu nhĩ thức do nhĩ căn sinh ra. Giả sử ông nói rằng nhĩ thức được sinh ra do nhĩ căn, thế thì hai tướng động tĩnh phải hiện hữu, có khi tướng động, có khi tướng tĩnh. "Mà không có hai tướng động tĩnh hiện tiền, thì nhĩ căn cũng không có cái biết." Khi hai tướng động tĩnh chẳng có cái nào hiện hữu, thì nhĩ căn tự nó chẳng nghe được gì cả. Chính nó chẳng có được tính biết. "Mà đã không biết gì." Nhĩ căn hoàn toàn không biết gì sự hiện hữu của thanh trần. Nếu chẳng có sự hiện hữu của hai tướng động tĩnh, thì sẽ không có thanh trần, đã không có thanh trần, hiển nhiên là không có gì làm đối tượng của nhận biết cả. "Cái biết còn không thành."– Vì không có khả năng nhận biết được, "Thì thức có hình tướng gì? Thức của ông từ đâu mà có? Nó giống như thế nào? Thức nầy cũng không hiện hữu."



Kinh văn:



若取耳聞。無動靜故, 聞無所成。云何耳形雜色觸塵名為識界。則耳識界復從誰立。



Nhược thủ nhĩ văn, vô động tĩnh cố, văn vô sở thành. Vân hà nhĩ hình, tạp sắc xúc trần, danh vi thức giới? Tắc nhĩ thức giới, phục tùng thuỳ lập?



Nếu cho rằng tai nghe, vậy khi không động tĩnh, cái nghe cũng không thành. Làm sao mà lỗ tai, chỉ là hình sắc, tiếp xúc với trần cảnh để được gọi là thức giới. Vậy giới nhĩ thức do đâu mà lập?



Giảng:



"Nếu cho rằng tai nghe. Giả sử ông cho rằng nhĩ thức không phát sinh do nhĩ căn, mà đúng ra là do lỗ tai có được tánh nghe, và do đó, nhĩ thức phát sinh từ trong tánh nghe. Vậy khi không động tĩnh, cái nghe cũng không thành. Nếu khi không có động tĩnh, thì ông không nghe được gì cả. Do ông không nghe được, nên cái nghe không thành. Làm sao mà lỗ tai, chỉ là hình sắc, tiếp xúc với trần cảnh để được gọi là thức giới? Ông có thể xem lỗ tai như là một trong các sắc trần, thế làm sao khi nó hợp với trần cảnh, cũng là sắc tướng, mà lại phát sinh ra giới? Điều nầy không thể được. Vậy giới nhĩ thức do đâu mà lập? Thế thì ở đâu, rốt ráo, phát sinh ra giới của nhĩ thức? Có phải nó được lập do hợp với nhĩ căn hay hợp với thanh trần? Chắc chắn phải do hợp với một cái. Nhưng cái nào?"



Kinh văn:



若生於聲, 識因聲有, 則不關聞。無聞則亡, 聲相所在。



Nhược sinh ư thanh, thức nhân thanh hữu, tắc bất quan văn. Vô văn tắc vong, thanh tướng sở tại.



Nếu nhân thanh trần mà sinh, thì nhĩ thức cũng nhân thanh trần mà có, ắt không dính líu gì đến cái nghe. Không nghe thì cũng không biết các tướng thanh trần ở đâu.



Giảng:



"Giả sử ông cho rằng giới của nhĩ thức nhân thanh trần mà sinh, thì nhĩ thức cũng nhân thanh trần mà có– nếu thanh trần phát sinh ra giới của nhĩ thức, thì nhĩ thức cũng do nơi thanh trần mà có–Ắt không dính líu gì đến cái nghe. Không nghe thì cũng không biết các tướng thanh trần ở đâu." Nếu không có cái nghe, thì chẳng có thanh trần, không có thanh trần thì nhĩ thức cũng không có. Khi tánh nghe không có thì tướng âm thanh cũng không. Không có cái nghe, làm sao có nhĩ thức, làm sao có được tánh nghe?



Kinh văn:



識從聲生。許聲因聞,而有聲相。聞應聞識.



Thức tùng thanh sinh, hứa thanh nhân văn, nhi hữu thanh tướng, văn ưng văn thức.



Giả sử nhĩ thức do thanh trần sinh ra, dù cho thanh trần nhân cái nghe mà có tướng, thì cái nghe lẽ ra phải nghe được nhĩ thức.



Giảng:



"Giả sử nhĩ thức do thanh trần sinh ra. Có lẽ ông muốn cho rằng nhĩ thức sinh khởi từ thanh trần. Dù cho thanh trần nhân cái nghe mà có tướng – chúng ta có thể cho rằng thanh trần có tướng hiện hữu là nhờ tánh nghe; đó là cách mà tướng thanh trần sinh ra. Nhưng, nếu đúng như vậy, thì cái nghe lẽ ra phải nghe được nhĩ thức. Cái nghe lẽ ra phải nghe được âm thanh của nhĩ thức giống như thế nào. Ông cho rằng nhĩ thức phát sinh từ thanh trần, rằng không có thanh trần thì không có nhĩ thức; thế thì, do ông nghe được thanh trần, nên ông cũng phải nghe được nhĩ thức."



Kinh văn:



不聞非界。 聞則同聲。識已被聞, 誰知聞識? 若無知者, 終如草木。



Bất văn phi giới. Văn tắc đồng thanh. Thức dĩ bị văn, thùy tri văn thức? Nhược vô tri giả, chung như thảo mộc.



Nếu không nghe được nhĩ thức, thì thanh trần không phải là giới của nhĩ thức. Nếu nghe được thì nhĩ thức đồng như thanh trần. Nhĩ thức đã bị nghe, thì lấy gì để biết là nghe được cái thức? Còn nếu không biết, thì rốt ráo cũng như cây cỏ.



Giảng:



"Nếu không nghe được nhĩ thức, thì thanh trần không phải là giới của nhĩ thức. Nếu nhĩ thức phát sinh do từ thanh trần, thế thì sẽ có nhĩ thức khi có thanh trần. Khi không có thanh trần thì không có nhĩ thức. Nên khi ông nghe được thanh trần thì ông sẽ nghe được nhĩ thức; và cũng như vậy, khi không nghe được nhi thức thì sẽ không có nhĩ thức giới. Nếu nghe được thì nhĩ thức đồng như thanh trần. Những gì nghe được chính là thanh trần. Những gì nghe được không thể gọi là nhĩ thức. Nó là thanh trần. Nhĩ thức đã bị nghe, thì lấy gì để biết là nghe được cái thức?" Nhĩ thức có khả năng tri giác. Nhưng, nếu nhĩ thức đã bị nghe rồi, thì nhĩ thức của ai sẽ nghe được nó? Của người khác chăng? Nhĩ thức của người nào biết được nhĩ thức của người nào? Ai là người biết được: "Ồ! bây giờ tôi đang nghe được nhĩ thức."



"Còn nếu không biết– nếu ông nói rằng không ai biết được cả, rằng không có một thức nào khác để biết được tình trạng của nhĩ thức, thì rốt ráo cũng như cây cỏ. Nếu cái nghe không biết được, thì nó cũng giống như cây cỏ. Thế nên, giả định nầy không đứng vững."



Kinh văn:



不應聲聞, 雜成中界。界無中位。則內外相復從何成。



Bất ưng thanh văn, tạp thành trung giới. Giới vô trung vị, tắc nội ngoại tướng, phục tùng hà thành?



Không lẽ thanh trần và cái nghe xen tạp thành giới ở giữa? Không có vị trí của giới ở giữa, thì các tướng trong ngoài làm sao mà lập được?



Giảng:



"Không lẽ thanh trần và cái nghe xen tạp thành giới ở giữa? Cũng không thể nói rằng thanh trần và cái nghe được thanh trần xen lẫn với nhau một cách hỗn tạp, không có sự phân định một cách rõ rệt chút nào. Trong trường hợp đó, lằn ranh của giới sẽ không được rõ ràng, vì một vật không rõ ràng không thể nào được xác định là sắc tướng trong một phạm vi (giới) trung gian. Không có vị trí của giới ở giữa, nếu không có một biểu thị rõ rệt cho vị trí của giới, thì các tướng trong ngoài làm sao mà lập được?" Các tướng trong, ngoài, ở giữa của thức sẽ không vạch ra được – ranh giới giữa nhĩ căn, thanh trần, và chỗ tiếp xúc giữa hai cái đó không được xác lập ở nơi nào cả. Thế nên, nhĩ thức không có tướng của giới.





Kinh văn:



是故當知, 耳聲為緣, 生耳識界。三處都無。則耳與聲, 及聲界三。本非因緣, 非自然性.



Thị cố đương tri, nhĩ thanh vi duyên, sinh nhĩ thức giới. Tam xứ đô vô, tắc nhĩ dữ thanh, cập thanh giới tam, bổn phi nhân duyên, phi tự nhiên tánh.



Do vậy nên biết, nhĩ căn và thanh trần làm duyên, sinh ra giới nhĩ thức. Cả ba chỗ nầy đều không thực có. Nên cả ba giới của nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng chẳng phải tính tự nhiên.



Giảng:



""Do vậy, nên biết– Vậy nên, A-nan– nhĩ căn và thanh trần làm duyên–nhĩ căn và thanh trần tạo thành nhân duyên hỗ tương cho nhau–sinh ra giới nhĩ thức. Cả ba chỗ nầy đều không thực có." Giới của nhĩ thức, giới của nhĩ căn, giới của thanh trần, tất cả đều không thực sự hiện hữu; nó đều không có một gốc gác nhất định. "Nên cả ba giới của nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức đều vốn không phải tính nhân duyên, cũng chẳng phải tính tự nhiên."



Cả ba giới trên, cũng vậy, chẳng gì khác hơn chính là sự biểu hiện tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng.



Kinh văn:



阿難, 又汝所明。鼻香為緣, 生於鼻識。



A-nan, hựu nhữ sở minh, tị hương vi duyên sinh ư tị thức.



A-nan, như ông đã rõ, tị căn và hương trần làm duyên, sinh ra tị thức.



Giảng:



" Lại nữa, A-nan, như ông thường biết được rằng, như ông đã rõ, ông đã được nghe giáo lý quyền thừa trước đây. Giáo lý quyền thừa đề cập đến năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới. Ông đã hiểu được toàn bộ giáo lý nầy. Nhưng, giáo lý về mười tám giới chỉ được diễn bày như là một pháp môn phương tiện cho hàng Nhị thừa và ngoại đạo để dẫn dắt họ. Nay Như Lai sẽ giảng giải giáo lý ấy thật chi tiết. Đừng trở nên chấp trước với những pháp trần nầy.



"Tị căn và hương trần làm duyên, sinh ra tị thức. Tị căn và hương trần hỗ tương tạo thành nhân duyên, nghĩa là tị căn ngửi được hương trần, hương trần tiếp xúc với tị căn. Cả hai cùng tạo nhân duyên để sinh ra tị thức. Khi tị thức đã sinh khởi, ông nói nó từ đâu mà ra theo như trong sự phân tích sau cùng? Rốt ráo, có chăng một thực thể như thế được gọi là tị thức?"



Kinh văn:



此識為復, 因鼻所生, 以鼻為界。因香所生以香為界



Thử thức vi phục nhân tị sở sinh, dĩ tị vi giới? Nhân hương sở sinh, dĩ hương vi giới?



Thức nầy do tị căn sinh ra, lấy tị căn làm giới; hay do hương trần sinh ra, lấy hương trần làm giới?



Giảng:



"Thức nầy do tị căn sinh ra. Ý ông nghĩ sao? Ông có cho rằng tị thức phát sinh do tị căn không? Rồi lấy tị căn làm giới? hay do hương trần sinh ra, lấy hương trần làm giới? Cái gì là giới của tị thức?



Kinh văn:



阿難, 若因鼻生。則汝心中以何為鼻。為取肉形, 雙爪之相? 為取嗅知, 動搖之性?



A-nan, nhược nhân tị sinh, tắc nhữ tâm trung, dĩ hà vi tị? Vi thủ nhục hình, song trảo chi tướng? Vi thủ khứu tri, động dao chi tánh?



A-nan, nếu tị thức nhân tị căn sinh ra, Ông lấy cái mũi thị[xviii]t có hình tướng như hai móng tay, hay lấy cái tính biết ngửi khi mũi lay động làm tị căn?



Giảng:



"A-nan, nếu tị thức nhân tị căn sinh ra. Giả sử là tị căn phát sinh ra tị thức, nó nằm trong khoảng giữa khi tị căn tiếp xúc với hương trần. Thì trong tâm ông lấy gì làm tị căn? Trong trường hợp đó, ông nhận cái gì để làm tị căn của ông khi ông nghĩ về tị căn?" Cơ bản cái mũi vốn chỉ là cái mũi, thế nên Đức Phật hỏi A-nan rằng ông ta nhận cái gì làm tị căn của mình. Có lẽ Đức Phật muốn thử A-nan để A-nan nói rằng mình đã nhận mắt làm tị căn hoặc nhận tai làm tị căn của mình. Nhưng A-nan vẫn không hiểu được đạo lý nầy. "Ông lấy cái mũi thịt có hình tướng như hai móng tay? Có phải ông nhận cái mũi như miếng thịt có hình dáng như hai móng tay? Hay lấy cái tánh ngửi biết lay động làm tị căn?



Hay là ông nhận cái tính biết ngửi, khả năng khứu giác làm tị căn? Khi mũi có sự khụt khịt (lay động), tức là khả năng khứu giác hoạt động. Có phải ông nhận tánh nầy làm tị căn?"



Kinh văn:



若取肉形, 肉質乃身,身知即觸。名身非鼻,名觸即塵。鼻尚無名, 云何立界?



Nhược thủ nhục hình, nhục chất nãi thân; thân tri tức xúc. Danh thân phi tị, danh xúc tức trần. Tị thượng vô danh, vân hà lập giới?



Nếu nhận hình tướng mũi thịt, thì chất thịt là thân căn; thân biết tức là cảm xúc. Đã gọi thân căn thì không phải tị căn, đã gọi là cảm xúc tức là xúc trần đối với thân căn. Vậy tị căn còn không có tên gọi, làm sao lập thành giới?



Giảng:



Đức Phật giảng giải thêm cho A-nan, "Nếu nhận hình tướng mũi thịt. Giả sử ông cho rằng tị thức có cái tính chất của thịt–thì chất thịt là thân căn." Những gì có tính chất thịt đều thuộc về thân thể. Mà "thân biết tức là cảm xúc." – những gì mà thân nhận biết được gọi là cảm xúc; không gọi là tị thức– "Đã gọi thân căn thì không phải tị căn, đã gọi là cảm xúc tức là xúc trần đối với thân căn." Cái gì có tính chất thịt thì thuộc về thân, và điều mà thân nhận biết được thì gọi là xúc trần. "Vậy tị căn còn không có tên gọi, làm sao lập thành giới?" Trong trường hợp nầy, không có cái gì được gọi là nhĩ thức. Ngay cả không có tên nhĩ căn, làm sao ông lập nên một giới cho nó?"



Đức Phật không đưa ra điều không được hợp lý cho lắm. Chúng ta ai cũng đều biết mình có mũi. Nay Đức Phật đã khiến cho mũi của A-nan biến mất. Rốt ráo, mũi của con người chĩa lên hay xuống? Đức Phật không hỏi A-nan như vậy. Nhưng nay tôi hỏi quý vị là những người đang học Kinh Thủ Lăng Nghiêm trong pháp hội nầy, rằng mũi của quý vị chĩa lên hay xuống? Nếu quý vị trả lời được câu hỏi nầy là đã vượt qua được kỳ khảo sát hàng tháng.



Kinh văn:



若取嗅知, 又汝心中, 以何為知? 以肉為知, 則肉之知, 元觸非鼻。



Nhược thủ khứu tri, hựu nhữ tâm trung dĩ hà vi tri? Dĩ nhục vi tri, tắc nhục chi tri, nguyên xúc phi tị.



Nếu lấy cái ngửi biết làm tị căn, thì trong tâm ông lấy cái gì làm cái nhận biết? Nếu lấy mũi thịt làm cái nhận biết, thì cái biết của chất thịt vốn là xúc trần chứ không phải là của tị căn.



Giảng:



"Nếu lấy cái ngửi biết làm tị căn. Giả sử ông cho rằng tánh ngửi biết của mũi, một dạng của tính giác tri, là nhĩ thức. Thì trong tâm ông lấy cái gì làm cái nhận biết? Ông lấy gì làm cái nhận biết? Nếu lấy mũi thịt làm cái nhận biết. Có phải ông nói rằng ông ngửi biết được là do cái mũi thịt chăng? Thì cái biết của chất thịt vốn là xúc trần chứ không phải là của tị căn." Những gì mà chất thịt nhận biết được thì được gọi là xúc giác. Thế nên, nó không thể được gọi là tị căn.



Kinh văn:



以空為知, 空則自知, 肉應非覺。如是則應, 虛空是汝。汝身非知, 今日阿難, 應無所在。



Dĩ không vi tri, không tắc tự tri, nhục ưng phi giác. Như thị tắc ưng hư không thị nhữ. Nhữ thân phi tri, kim nhật A-nan ưng vô sở tại.



Nếu lấy hư không làm cái ngửi biết, thì hư không tự biết, còn xác thịt lẽ ra không biết. Như thế, lẽ ra hư không là ông. Thân của ông mà ông không biết, thì A-nan hiện nay lẽ ra cũng không tồn tại.



Giảng:



"A-nan, nếu lấy hư không làm cái ngửi biết." Hư không mà Đức Phật đề cập đến là hư không ngay trong lỗ mũi. Đức Phật giả định rằng tị thức sinh ra ngay nơi lỗ mũi (tị căn) và hư không tiếp xúc nhau. "Thì hư không tự biết, còn xác thịt lẽ ra không biết. Nếu ông lấy hư không làm tị thức, có được tánh ngửi biết, thì hư không sẽ tự biết chính nó, trong khi xác thịt sẽ không biết được. Như thế, lẽ ra hư không là ông. Nếu ông nói rằng tị thức sinh ra từ hư không, thì hư không sẽ là thân ông, A-nan. Tại sao như vậy? Vì tị thức của ông lẽ ra phải ở trong hư không ngay trước mũi của ông. Hư không nầy lẽ ra phải tự biết được. Nếu ông không có cùng cái biết với hư không nầy, thì nó chẳng có gì dính dáng với ông cả. Nhưng nếu ông có cùng cái biết với hư không, nếu ông biết rằng chính nó là thức tạo nên sự phân biệt, thì thân của ông cũng sẽ thành hư không cùng với nó. Thân của ông mà ông không biết, thì A-nan hiện nay lẽ ra cũng không tồn tại. Trong trường hợp đó, A-nan, ngay cả ông cũng không có chỗ để đứng. Chẳng có nơi chốn nào để ông tồn tại, bởi vì, rốt ráo, ông là hư không."



Kinh văn:



以香為知, 知自屬香, 何預於汝?



Dĩ hương vi tri, tri tự thuộc hương, hà dự ư nhữ?



Nếu lấy hương làm cái ngửi biết, thì cái ngửi biết thuộc về hương trần, có can dự gì đến ông?



Giảng:



"Nếu lấy hương làm cái ngửi biết–nếu ông cho rằng tị thức của ông do từ hương trần sinh ra, thì cái ngửi biết thuộc về hương trần. Nếu như hương trần phát sinh ra cái tánh ngửi biết, thì tị thức sẽ thuộc về hương trần chứ không thuộc về ông. Thế nên, nó có can dự gì đến ông? Chẳng có việc gì quan hệ đến ông cả."



Kinh văn:



若香臭氣, 必生汝鼻。則彼香臭二種流氣。不生伊蘭及栴檀木。二物不來, 汝自嗅鼻為香為臭。臭則非香,香應非臭。



Nhược hương xú khí, tất sinh nhữ tị, tắc bỉ hương xú, nhị chủng lưu khí, bất sinh y lan cập chiên đàn mộc. Nhị vật bất lai, nhữ tự khứu tị, vi hương vi xú. Xú tắc phi hương, hương ưng phi xú.



Nếu các mùi thơm thối sinh ra do tị căn của ông, thì hai mùi thơm thối kia không sinh ra do cây y lan và cây chiên đàn. Mùi hương từ hai cây đó không đi đến mũi ông, ông tự ngửi mũi ông để biết là thơm hay thối. Nếu thối thì không phải thơm, thơm thì không phải thối.



Giảng:



Trong tiếng Hán, chữ xú臭 (hsiu–ch'ou) có nghĩa là hôi thối. Ở đây cơ bản có thể đọc là ch'ou, nhưng khi nghe như vậy, người ta liền có ấn tượng xấu, nên ta sẽ đọc là hsiu. "Nếu các mùi thơm thối sinh ra do tị căn của ông– nếu ông cho rằng các mùi dễ chịu và khó chịu đều sinh từ mũi của ông– thì hai mùi thơm thối kia–có nghĩa là, mùi hương thơm và mùi hôi khó chịu– không sinh ra do cây y lan và cây chiên đàn." Trong trường hợp nầy, mùi thối sẽ không phải do từ cây y lan,[xix] là một loại cây cực kỳ hôi thối.



Mùi thối của nó như thế nào? Cây y lan phát ra mùi thối như mùi xác chết từ 3 đến 5 tuần lễ đang bị thối rữa dưới ánh mặt trời, và mùi hôi thối đó lan đi rất xa. Hoa y lan màu đỏ, rất đẹp nhưng cũng rất độc, nếu ăn phải nó, có thể chết ngay tức khắc. Cây chiên-đàn đã được đề cập trước đây rồi. Còn được gọi là ngưu đầu chiên-đàn, nó phát sinh từ Bắc-câu-lô châu. Ngay khi gỗ chiên-đàn hương được đốt lên, thì mùi hương thơm của nó bay xa đến 30 dặm. Có khi cây y lan mọc gần cây chiên-đàn, nếu điều nầy xảy ra thì cây y lan không có mùi thối nữa. Đây là một ví dụ cực thối thành thơm, cực thơm thành thối. Đối với con người cũng đúng như vậy. Nơi chỉ có người xấu ác thì thường có một mùi hôi thối–ai cũng ngửi thấy khó chịu. Nhưng, có khi chỉ cần một người tốt trong đó, họ lan toả đức hạnh của mình tạo nên sự chuyển hoá người xấu thành tốt. Sự hiện diện của họ ví như hương chiên-đàn. Nên nói: khi sự việc đạt đến cực điểm của nó ắt sẽ thay đổi trở lại. Khi bế tắc cùng cực thì sẽ có sự hanh thông.[xx] Khi điều gì đạt đến mức tồi tệ nhất, thì nó trở nên tốt đẹp. Và khi việc gì đạt đến mức tốt đẹp nhất, thì nó trở nên tồi tệ. Chẳng hạn, khoa học tiến bộ của thế giới ngày nay đưa đến rất nhiều khám phá mới. Nhưng khi sự phát minh ấy đã đạt đến cực điểm, thì thế giới sẽ bị huỷ hoại. Và, sau đó con người sẽ hoàn toàn ngu si. Thế thì, sau thời gian dài ở trong ngu muội, họ sẽ bắt đầu phát minh ra nhiều thứ trở lại, và khi họ phát minh ra được nhiều thứ, thế giới sẽ bị huỷ hoại trở lại. Phương thức tồn tại của thế giới nầy là như vậy. Nó biến chuyển theo từng chu kỳ.



"Mùi hương từ hai cây đó không đi đến mũi ông,"– nếu cây y lan và chiên-đàn không phát ra mùi hương, "Ông tự ngửi mũi ông để biết là thơm hay thối. Nếu thối thì không phải thơm, thơm thì không phải thối." Nếu thấy mùi hương khó chịu, thì đó là mùi thối.





Nếu thấy mùi hương dễ chịu, thì đó là mùi thơm.



Kinh văn:



若香臭二俱能聞者, 則汝一人, 應有兩鼻。對我問道有二阿難。誰為汝體?



Nhược hương xú nhị câu năng văn giả, tắc nhữ nhất nhân ưng hữu lưỡng tị. Đối ngã vấn đạo, hữu nhị A-nan. Thuỳ vi nhữ thể?



Nếu cả hai mùi thơm thối đều ngửi được cả, thì một mình ông phải có hai tị căn, ở trước tôi hỏi đạo phải có hai ông A-nan. Vị nào là tự thể của ông?



Giảng:



"Nếu cả hai mùi thơm thối đều ngửi được cả– Nếu ông cho rằng tự mình có thể ngửi được và đều có thể ngửi được cả mùi thơm lẫn mùi thối, thì một mình ông phải có hai tị căn." Sao vậy? Đức Phật đã từng nói rằng những gì thơm thì không thối, những gì thối thì không thơm đó sao? Nếu ông nói rằng ông có thể ngửi được cả hai mùi, và nếu ông cho rằng cái ngửi ấy sinh từ mũi ông, thì lẽ ra ông phải có hai tị căn. Làm sao mà một tị căn lại ngửi được hai mùi hương? "Ở trước tôi hỏi đạo phải có hai ông A-nan. Rốt cuộc ông có hai tị căn, lẽ ra phải có hai ông A-nan đang hỏi tôi về Phật pháp. Vị nào là tự thể của ông? Cái nào là thân của ông?"



Kinh văn:



若鼻是一, 香臭無二。臭既為香, 香復成臭。二性不有, 界從誰立?



Nhược tị thị nhất, hương xú vô nhị. Xú ký vi hương, hương phục thành xú. Nhị tánh bất hữu, giới tùng thuỳ lập?



Còn nếu tị căn là một, thì thơm thối không hai. Thối đã thành thơm, thơm đã thành thối. Hai tánh đó đã không có, giới do đâu mà lập?



Giảng:



"Còn nếu tị căn là một. Có lẽ ông sẽ khăng khăng cho rằng chỉ có một tị căn, không có hai, rằng ông không hề có hai thân, nên chỉ có một tị căn. "Thì thơm thối không hai. Thơm đơn giản chỉ là thối, thối không gì khác hơn là thơm, không có gì phân biệt giữa hai mùi ấy. Thối đã thành thơm, thơm đã thành thối. Hai tánh đó đã không có. Nếu hai mùi thơm thối đã trộn lẫn với nhau rồi, thì tánh của nó cũng không còn nữa. Mùi thơm không phải là thơm và mùi thối không còn thối nữa. Không có hai tánh nầy, thì tị thức từ đâu mà có? Ông lập thành giới ấy ở đâu?



Kinh văn:



若因香生,識因香有。如眼有見,不能觀眼。因香有故應不知香。



Nhược nhân hương sinh, thức nhân hương hữu. Như nhãn hữu kiến, bất năng quán nhãn. Nhân hương hữu cố, ưng bất tri hương.



Nếu tị thức nhân hương trần mà sinh, thì tị thức đã nhân hương trần mà có. Cũng như con mắt thấy, nhưng không thể nào thấy được chính nó. Tị thức nhân hương trần mà có, lẽ ra không biết được hương trần.



Giảng:



"Nếu tị thức nhân hương trần mà sinh– Nếu ông nói rằng tị thức nhân hương trần mà sinh–thì tị thức đã nhân hương trần mà có. Giả sử rằng tị thức có được là do hương trần. Cũng như con mắt thấy, nhưng không thể nào thấy được chính nó. Sức nhìn của con mắt không thể nào quay ánh sáng trở lại chiếu soi để nhìn thấy được chính nó– Cũng vậy, tị thức nhân hương trần mà có, lẽ ra không biết được hương trần. Nếu thực do hương trần mà tị thức hiện hữu, thì lẽ ra ông phải không biết được hương trần trong tị thức của ông. Làm sao mà ông vẫn còn biết nó? Thực tế, tuy vậy, ông biết được hương trần, thế nên không phải do hương trần mà tị thức sinh ra."



Kinh văn:



知則非生。不知非識。香非知有,香界不成。識不知香。因界則非 從香建立。



Tri tắc phi sinh. Bất tri phi thức. Hương phi tri hữu, hương giới bất thành. Thức bất tri hương, nhân giới tắc phi, tùng hương kiến lập.



Nếu biết được hương trần, thì không phải do hương trần sinh ra. Nếu không biết được hương trần, thì không phải là tị thức. Hương trần mà không biết có tánh ngửi, thì hương giới không thành. Tị thức mà không biết hương trần, thì giới của nó ắt không phải do hương trần lập nên.



Giảng:



"Nếu biết được hương trần, thì không phải do hương trần sinh ra. Nếu có một cái tính biết ngửi, thế tại sao mà cái biết lại sinh ra từ hương trần? Một tị thức mà sinh ra từ cả hai nơi, là từ hương trần và từ tính biết ngửi thì sẽ giống như mắt có thể thấy được chính nó. Nếu ông nói rằng nó là tính biết ngửi, thì nó không phải sinh ra từ hương trần. Mặt khác, nếu ông nói rằng nó không có tính biết ngửi, thì nó không thể nào là tị thức. Có những thứ không có tính biết ngửi mà cũng không phải là tị thức. Nghĩa của thức là tạo ra sự phân biệt, nên nó phải có tính biết."



"Hương trần mà không biết có tánh ngửi–vì hương trần không có tính biết ngửi– thì hương giới không thành. Không thể nào cái hương trần ấy, vốn không có tính biết ngửi, là cái có thể lập thành được giới của tị thức. "Tị thức mà không biết hương trần, thì giới của nó ắt không phải do hương trần lập nên." Lại nữa, đã chứng minh rằng nếu tị thức sinh ra từ hương trần, thì nó không thể nào biết được hương trần. Nếu nó biết được hương trần, thì nó không thể nào có được nhờ hương trần cả.



Kinh văn:



既無中間,不成內外。彼諸聞性畢竟虛妄。



Ký vô trung gian, bất thành nội ngoại, bỉ chư văn tánh, tất cánh hư vọng.



Đã không có thức trung gian thì nội căn ngoại trần cũng không thành, và những điều ngửi biết kia, tất cả đều là hư vọng.



Giảng:



"Đã không có thức trung gian thì nội căn ngoại trần cũng không thành, và những điều ngửi biết kia, tất cả đều là hư vọng. Nó không có xứ sở. Ông bảo nó từ đâu mà sinh khởi?" Vì nó không phải phát sinh từ hương trần, chẳng phải từ tị căn, cũng chẳng phải từ hư không, rốt ráo đều là luống dối, không thật.






[i] . e: Middle Way




[ii] . Tam tịnh nhục; e: The three kinds of pure meat. Chúng tôi xin lược dịch một đoạn, vì nghĩ rằng Hòa thượng giảng kỹ về Tam tịnh nhục là phương tiện nhắm đến hàng Phật tử phương Tây. Còn vấn đề không được ăn thịt, trong Kinh Lăng-già và các kinh Đại thừa khác đã nói rõ .






[iii] . 阿闍世; s: Ajātaśatru,p: Ajātasattu. Con của Vua Tần-bà-sa-la (頻婆娑羅;Bimbisāra) nước Ma-kiệt-đà 摩揭陀miền Trung Ấn Độ. Còn gọi là Xà-thế Vương闍世王, còn gọi là A-xà-đa-sa-sâu-lâu vương 闍多沙兜樓王,A-xà-đa-thiết-đốt-lộ vương, 阿闍多設咄路王、阿社多設咄路王A-xã-đa-thiết-đốt-lộ vương. Ý dịch là Vị sinh oán vương未生怨王, Pháp nghịch vương法逆王. Mẹ ông là Vi-đề-hi韋提希, nên còn gọi là A-xà-thế Vi-đề-hi tử阿闍世韋提希子.




[iv] . 能觸 e: Capable of touch.




[v] . 所觸 e: The thing touched.


[vi] . 善惡無記三性, 即 指 法 塵. 法則 猶 軌 犯 也. 法 非生 成, 然 無 始 習 氣 成於 意 根 – Thiện ác vô ký tam tánh, tức chỉ pháp trần. Pháp tắc do quỹ phạm dã. Pháp phi sinh thành, nhiên vô thuỷ tập khí thành ư ý căn. – Lăng Nghiêm Trực Chỉ. Đan Hà Hàm Thị.




[vii] . 法 塵; e: Defiling object of Dharma




[viii] . Bản Hán: 意 根 之心.




[ix] . 塵 境; e: Defiling object of the mind.




[x] . 根 e: Sense organ.




[xi] . 塵e: Defiling object.




[xii] . 味塵; e: Defiling objects of flavor.




[xiii] . 意根 ; e: Organ of the mind


[xiv] . Biểu sắc.




[xv] . Vô biểu sắc.




[xvi] . 色塵 e: Defiling objects of form, Form-dust.




[xvii] . 界 e: Realm, Boundary


[xviii] . 香塵 e: Defiling objects of smell.




[xix] . 伊蘭 y-lan; e: Airavana.




[xx] . 物 極 則 返, 否 極 泰 來; Vật cực tắc phản, bĩ cực thái lai.

No comments:

Post a Comment