Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (21)



Kinh văn:



阿難, 如水成冰, 冰還成水。



A-nan, như thủy thành băng, băng hoàn thành thủy.



A-nan, như nước thành băng, băng tan thành nước.



Giảng:



A-nan, ông nên biết rằng chân như tự tánh tuỳ duyên nhưng bất biến,[i] bất biến nhưng tuỳ duyên. Điều ấy được giải thích như thế nào? Chân như tự tánh cũng chính là tánh Như Lai tạng, cũng là Thật tướng, và cũng là chân tâm, như nước thành băng, băng tan thành nước.



Cũng như nước đóng thành băng: nghĩa là tuỳ duyên. Nhưng băng cũng có thể tan thành nước. Tôi đã từng giải thích đạo lý nầy rồi. Phật tánh của mọi người chính là chân tánh. Tâm bồ-đề giác ngộ chính là nước; phiền não là băng. Tâm bồ-đề của ông được ví như nước, hữu ích, lợi lạc cho mọi người, nó không hề làm hại ai. Mọi người đều cần nước.



Quý vị liền có ý kiến: "Thưa Pháp sư, con chưa đồng ý với điều Pháp sư vừa đưa ra, vì nước có khi cũng làm cho người ta chết đuối."



Quý vị rất thông minh. Quý vị biết rằng nhiều nước quá cũng có thể làm cho người chết. Nhưng khi không có nước, thì con người có chết vì khát không? Thế nên nước rất cần thiết cho mọi người. Dĩ nhiên là quá nhiều nước cũng khiến cho người ta bị nguy hiểm. Nếu quý vị không ăn thì sẽ bị đói, nhưng nếu cứ ngày này qua ngày khác ăn măĩ không thôi, thì hãy xem bao tử của mình có chỗ chứa hết mọi thứ không. Có quá nhiều cũng đồng như không có đủ. Ăn quá no cũng tai hại như bị đói dữ dội.



Thế nên, nước có thể đóng thành băng. Tôi thường nói rằng nếu quý vị dội một gáo nước trên đầu người nào đó, thì anh ta chẳng thấy đau đớn gì. Nhưng nếu quý vị dùng một cục nước đá đánh vào đầu người nào đó thì có thể làm họ chết được. Một cục nước đá cũng có thể làm chết người, nhưng một gáo nước thì chẳng làm chết ai. Nước và nước đá thực sự là một chất giống nhau, nhưng trong dạng nước đá thì có thể làm chết người, nhưng trong dạng nước thì không. Do vậy nên phiền não được ví như băng (nước đá), Bồ-đề được ví như nước. Trong kinh Đức Phật dạy. "Phiền não tức bồ-đề." Băng chính là nước. Ngoài nước ra không thể nào có băng.[ii] Nước ở trong băng và băng ở trong nước. Như trong Kinh nói "Băng trở lại thành nước." Nhưng để biến băng ấy thành nước, thì quý vị cần phải có một số yếu tố kỹ thuật. Cần có điều gì? Quý vị phải dùng ánh sáng dương để chiếu vào băng, như thế băng mới tan thành nước được. Điều nầy chỉ cho việc công phu toạ thiền quán chiếu hằng ngày của chúng ta. Công phu ấy sẽ chiếu phá tảng băng phiền não khiến cho nó tan thành nước.



Có một điều quan trọng khác mà bây giờ tôi muốn giải thích cho quý vị. Pháp hội mà chúng ta tham dự là rất vi diệu. Điều nầy được hiểu như thế nào? Tôi giảng kinh bằng tiếng Hoa, rồi từ tiếng Hoa được phiên dịch sang tiếng Anh. Thế nên tôi đã giảng nói Phật pháp bằng hai thứ tiếng. Nhưng khi quý vị nghe giảng kinh, bất luận quý vị nghe và hiểu được qua ngôn ngữ nào thì cũng phải hết sức chú tâm.



Trước hết, mọi người nghe giảng kinh phải tri ân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sao vậy? Vì cách đây vài ngàn năm, chính Đức Phật đã thuyết giảng giáo pháp vi diệu nầy, đã thắp lên ngọn đèn sáng trong đêm dài tối tăm, vì chúng sinh đang ở trong khổ nạn. Ngài trình bày giáo pháp vi diệu ấy cốt để cho chúng ta có thể dẹp trừ khổ đau và đạt được niềm vui, để xa lìa mọi phiền não trên thế gian, và để hiểu được Đạo, dẫn đến an lạc giải thoát.



Đức Phật giảng nói diệu pháp khiến cho những người đầy phiền não như chúng ta được thoát khỏi phiền não, để làm cho tảng băng trong chúng ta tan thành nước, để cho chúng ta có thể quay về nguồn cội, trở lại với bổn tâm. Thế nên chúng ta phải nhớ ơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.



Thứ hai, chúng ta phải tri ân Đại đức A-nan. Sao vậy? Nếu thời ấy, ngài A-nan giả bộ thông minh và nói: "Bạch Thế tôn, Ngài khỏi cần phải giải thích điều ấy nữa, con đã hiểu rồi," thì Đức Phật sẽ không còn giảng nói diệu pháp nầy nữa, Đức Phật sẽ không giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Chúng ta cũng sẽ không dễ dàng gì để hiểu được những đạo lý nầy. Thế nên chúng ta phải tri ân Đại đức A-nan vì đã sớm vì chúng ta mà thưa hỏi. Ngài đã cầu thỉnh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ bày diệu pháp cho chúng ta.



Tôi cũng có đôi điều khác ít quan trọng hơn muốn nói với quý vị. Đó là gì? Quý vị cũng nên cảm ơn Pháp sư đang giảng kinh nầy. Đó là tôi. Đừng thờ ơ điều ấy. Tôi nói việc nầy không quan trọng, nhưng quý vị cũng không nên xem nhẹ. Cơ bản tôi chỉ là một Pháp sư mới có được một nửa sự thông hiểu. Tôi giảng kinh không hay. Quý vị có thể nói: "Ồ! Vốn ông ta giảng kinh chẳng hay, nhưng ông đã đến đây để giảng nói cho chúng tôi, những người chưa thông hiểu được Phật pháp. Thảo nào chúng tôi không hiểu được những gì đã nghe. Cơ bản là chính ông cũng mới chỉ hiểu được một nửa."



Nhưng nếu quý vị có thể hiểu được một nửa Phật pháp thì thực là không đến nỗi tồi. Sao vậy? Vì Phật pháp sâu như biển. Quý vị muốn hiểu được tường tận, nhưng đó là điều không phải dễ. Tôi đã học Phật pháp vài chục năm–ba mươi đến bốn mươi năm–thế mà tôi cảm thấy như mình chưa uống trọn được một giọt nước trong cái biển lớn ấy, vì Phật pháp rất sâu, rất vi diệu. Đó là lí do tại sao tôi nói mình là vị Pháp sư mới có được một nửa sự thông hiểu. Nhưng quý vị cũng nên biết rằng bây giờ quý vị đã hiểu được khá nhiều, vì quý vị cũng như màu xanh lục được trích ra từ màu xanh dương, có nghĩa là, có học trò bậc nhất nhưng không có thầy giáo bậc nhất. "Thầy tôi chỉ là Pháp sư mới có được một nửa sự thông hiểu, nhưng tôi, đệ tử của ngài, đã học hỏi rất tốt." Đó là điều quý vị phải biết.



Sau cùng, quý vị nên biết ơn người đã dịch kinh. Bất luận ai là người đang phiên dịch kinh điển, quý vị cũng phải thân cận và đặc biệt kính cẩn lắng nghe. Quý vị phải đặc biệt chú ý đến từng chữ, từng câu. Vì tôi giảng kinh bằng tiếng Hoa và hầu hết quý vị đều không hiểu được, nên quý vị cần phải nhờ vào công đức của người phiên dịch để hiểu được đạo lý trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Thế nên quý vị phải nhớ ơn người phiên dịch; hãy thận trọng đừng xem thường họ.



Tại sao hôm nay tôi nói đến chuyện nầy? Vì trong bài tổng kết mà tôi yêu cầu quý vị làm, tôi thấy có người đã viết rằng: "Ở đây tôi nghe Pháp sư giảng Kinh nhưng không hiểu ngài nói gì cả, và người phiên dịch thì chẳng rõ ràng nên tôi sẽ không đến đây để học nữa." Người viết những dòng nầy là người rất thông minh, nhưng không may là cô ta hơi có ý đánh lừa chính mình. Vì sao tôi nói như vậy? Vì cô ta không có tính kiên nhẫn chút nào. Khi quý vị nghe giảng kinh, quý vị nên có tâm kiên nhẫn, bất luận quý vị có hiểu được hay không. Khi quý vị đang ở trong Pháp hội giảng kinh, quý vị trở nên được xông ướp bởi giáo pháp, cũng như hương thơm xông vào không gian, cuối cùng ánh sáng trí huệ sẽ chiếu rạng. Những người được giác ngộ khi nghe kinh thực sự là rất nhiều. Quý vị không nên xem thường việc nghe giảng.



Khi tôi còn ở Hồng Kông, có một nữ cư sĩ không nghe giảng kinh được, vì bà ta bị điếc. Nhưng mỗi khi có thuyết pháp bà ta đều đến dự. Bà ta trèo hơn ba trăm tầng cấp để lên chùa mặc dù bà ta đã hơn bảy mươi tuổi và chỉ đi một mình. Khi buổi giảng vừa xong là chín giờ tối, bà ta lại từ trên núi xuống tới đườngđón xe buýt về nhà một mình. Nhưng bà ta bị điếc, làm sao nghe được? Thật lạ! Sau khi bà ta đến nghe giảng chừng non một tháng, bỗng nhiên bà ta nghe được. Người phụ nữ bị điếc đã nghe được và không còn bị chướng nạn đó nữa.



Quý vị nghe điều nầy và hãy suy nghĩ thật sâu, nhưng thực sự chuyện nầy chẳng có chút nào bất thường. Đơn giản là do bà ta quá thành tâm. "Cho dù mình không nghe được, mình cũng đến dự." Bà ta tự nhủ với mình như vậy. Và kết quả là bà ta nghe được. Thế nên, nếu một bà già bảy mươi tuổi còn có được sự cảm ứng như vậy, thì nếu quý vị ở đây đều có lòng chân thành, bất luận quý vị có hiểu được kinh hay không, thì rốt cuộc quý vị đều sẽ được hiểu. Đừng có lo rằng mình không hiểu ngay được ý kinh.



Việc quý vị cần phải làm là thành tâm, và cái ngày quý vị hiểu được kinh sẽ đến. Nếu quý vị không có sự thành tâm, quý vị sẽ nói rằng:"Tôi đã nghe hòai nghe mãi nhưng chẳng hiểu được gì cả. Thế nên tôi sẽ trở thành một trong 5000 người rời bỏ pháp hội.[iii]" Nếu quý vị rời bỏ Pháp hội, là do công hạnh của quý vị chưa đủ.



Nói chung, để tham dự một Pháp hội, quý vị phải có công đức trong tu đạo. Những ai không có công đức tu đạo thì không thể nào ngồi được trong Pháp hội. Họ ngồi rồi đứng, đứng rồi lại ngồi, họ rất nóng ruột, và họ muốn đi. Sao vậy? Vì con ma nghiệp chướng lôi kéo họ. Ma nghiệp chướng nói: "Ông không nên ngồi đây, mình là bạn thân với nhau, hãy ra ngoài kia làm bậy chơi."



Thế nên quý vị phải nên chú tâm vào bốn điều trên khi nghe giảng kinh. Thực ra, không những quý vị phải tri ân người phiên dịch, mà còn phải hòa hợp, thân mật với mọi người đồng dự Pháp hội giảng kinh với mình. Mọi người đều nên hoan hỷ với nhau. Đây là điều quan trọng nhất trong khi nghe kinh, quý vị đừng lơ là chuyện nầy.



Kinh văn:



汝觀地性, 麤為大地,細為微塵, 至鄰虛塵.



Nhữ quán địa tánh, thô vi đại địa, tế vi vi trần, chí lân hư trần.



Ông hãy quán sát tính của địa đại, thô làm thành đất liền, tế làm thành vi trần, cho đến lân hư trần; Giảng:



"Ông hãy quán sát tính của địa đại. A-nan, nay Như Lai sẽ giảng giải về địa đại cho ông, ông phải nên lắng lòng nghe cho kỹ. Đừng có như trước đây, ông chỉ chú tâm học hiểu mà không công phu trau dồi định lực. Nay Như Lai sẽ chỉ cho ông giáo lý nền tảng để công phu trau dồi định lực.



Hãy xem xét đặc tính của đất: Thành phần thô làm thành đất liền." 'Thô' có nghĩa sự cấu thành của đất phần lớn là do sự hợp lại của nhiều hạt bụi. "Tế làm thành vi trần." Phần nhỏ nhất làm thành vi trần,[iv] cho đến lân hư trần.



'Lân hư trần[v]' là những phân tử nhỏ nhất, mắt thường không thấy được. Nó là bạn láng giềng với hư không, ít nhiều gì nó chính là hư không, chứ không là gì khác. Có người nói rằng: "Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua khe cửa, tôi thấy những hạt vi trần nhảy múa trong hư không." Đó là cái mà quý vị thấy được. Còn lân hư trần thì không thể nhìn thấy được bằng mắt thường.



Kinh văn:



析彼極微,色邊際相,七分所成。更析鄰虛, 即實空性.[vi]



Tích bỉ cực vi, sắc biên tế tướng, thất phần sở thành. Cánh tích lân hư, tức thật không tánh.



Nếu chẻ chất cực vi có sắc tướng vô cùng nhỏ ra làm bảy phần. Càng chẻ lân hư trần đó nữa, thì thật là tánh hư không.



Giảng:



"Nếu chẻ chất cực vi có sắc tướng vô cùng nhỏ."



Lân hư trần là vật vô cùng nhỏ, là vật vi tế nhất trong tất cả mọi vật có hình tướng. Chẳng có gì nhỏ hơn nó nữa. Vậy mà, nó vẫn có một sắc tướng để có thể nhận biết được. "Ra làm bảy phần. Nếu quý vị chia chẻ những lân hư trần này ra làm bảy phần, thì nó rất gần với hư không. Càng chẻ lân hư trần đó nữa, thì thật là tánh hư không. Những lân hư trần đã được chia chẻ ra nầy thực sự là hư không." Cơ bản là không có sắc tướng. Đây là giải thích về tánh của địa đại.



Kinh văn:



阿難, 若此鄰虛, 析成虛空, 當知虛空, 出生色相。



A-nan, nhược thử lân hư, tích thành hư không, đương tri hư không, xuất sinh sắc tướng.



A-nan, nếu lân hư trần đó chẻ thành hư không, thì nên biết hư không cũng sinh ra sắc tướng.



Giảng:



"A-nan, nếu lân hư trần đó chẻ thành hư không"– mặc dù lân hư trần rất nhỏ, nhưng nó vẫn có một hình tướng để có thể nhận ra được. Vẫn có một vật hiện hữu ở đó. Nhưng, nếu chia nhỏ lân hư trần nầy thành bảy phần, thì chính nó chân thực là hư không. Do vậy, "nên biết hư không cũng sinh ra sắc tướng." Sắc tướng có thể biến thành hư không, và hư không cũng chứa đựng sắc tướng trong nó.



Kinh văn:



汝今問言,由和合故, 出生世間, 諸變化相。



Nhữ kim vấn ngôn, do hòa hợp cố, xuất sinh thế gian, chư biến hoá tướng.



Nay ông hỏi rằng do hòa hợp mà sinh ra các tướng biến hoá trong thế gian.



Giảng:



"Nay ông hỏi rằng"– Nay A-nan lại hỏi– Nếu "Do hòa hợp mà sinh ra các tướng biến hoá trong thế gian." Có phải đó là lý do tại sao có tất cả các sắc tướng biến hoá trong thế gian chăng?



Kinh văn:



汝且觀此一鄰虛塵。用幾虛空和合而有。不應鄰虛合成鄰虛?



Nhữ thả quán thử nhất lân hư trần. Dụng kỷ hư không hòa hợp nhi hữu. Bất ưng lân hư hợp thành lân hư?



Ông hãy xét kỹ lân hư trần nầy, phải dùng bao nhiêu hư không hợp lại mới thành? Không lẽ lân hư hợp lại sẽ thành lân hư trần?







Giảng:



"Ông hãy xét kỹ– ông hãy xem xét thật kỹ lân hư trần nầy–phải dùng bao nhiêu hư không hợp lại mới thành? Khi ông chia lân hư trần ra làm bảy phần, thì nó biến thành hư không. Nhưng, làm ngược lại, thì phải cần đến bao nhiêu hư không hợp lại mới thành được một lân hư trần? Không lẽ lân hư hợp lại sẽ thành lân hư trần? Chẳng lẽ nói rằng các lân hư trần hợp lại sẽ thành lân hư trần. Chính hư không hợp lại mới thành lân hư trần. Nhưng ông nói cần phải có bao nhiêu hư không? Ông sẽ cần đến bảy phần hư không chăng? Vì chia lân hư trần ra làm bảy phần thì thành hư không. Vậy phải cần bao nhiêu hư không?" Đây là điều Đức Phật muốn hỏi A-nan.



Kinh văn:



又鄰虛塵, 析入空者。用幾色相, 合成虛空?



Hựu lân hư trần, tích nhập không giả. Dụng kỷ sắc tướng, hợp thành hư không?



Lại nữa, lân hư trần chẻ đã thành hư không được, thì phải dùng bao nhiêu sắc tướng hợp lại mới thành cả hư không?



Giảng:



"Lại nữa, lân hư trần chẻ đã thành hư không được" –Khi lân hư trần được chia ra làm bảy phần thì thành hư không– "phải dùng bao nhiêu sắc tướng hợp lại mới thành cả hư không? Phải cần bao nhiêu sắc tướng hợp lại mới thành cả hư không được? Phải cần có bao nhiêu lân hư trần hợp lại mới thành hư không? Chắc chẳng phải là số nhỏ. Ở đây chữ "sắc[vii]" là để chỉ cho địa đại.



Kinh văn:



若色合時, 合色非空。若空合時, 合空非色。 色猶可析, 空云何合?



Nhược sắc hợp thời, hợp sắc phi không. Nhược không hợp thời, hợp không phi sắc. Sắc do khả tích, không vân hà hợp?



Nhưng nếu khi hợp sắc tướng lại, thì sắc tướng hợp lại, không thành được hư không. Nếu hợp hư không lại, khi hư không hợp lại thì không thành được sắc tướng. Sắc tướng còn chẻ được, chứ hư không làm sao hợp lại được?



Giảng:



"Nhưng nếu khi hợp sắc tướng lại, thì sắc tướng hợp lại, không thành được hư không. Ông vừa cho rằng các phần tử sắc tướng hợp lại với các phần tử sắc tướng để thành hư không; nhưng thực tế thì sự hợp lại các phần tử sắc tướng không thể nào làm thành hư không." Có phải Đức Phật đã từng nói: 'Không lý nào lân hư trần hợp lại sẽ thành lân hư trần' đó sao? Nay Đức Phật nói rằng lân hư trần không thể hợp với lân hư trần để làm thành hư không. Những hạt lân hư trần đã biến thành hư không rồi, thì làm sao vẫn còn những lân hư trần để hợp với nhau được nữa? "Nếu hợp hư không lại– giả sử ông cho rằng có thể hợp hư không lại để thành lân hư trần– khi hư không hợp lại thì không thành được sắc tướng. Vì nó vốn là hư không, làm sao nó còn có hình sắc, tướng mạo? Sắc tướng còn chẻ được–Khi ông có được sắc tướng, ông có thể chẻ nó ra nhiều phần rất nhỏ–chứ hư không làm sao hợp lại được? Hư không vốn là trống rỗng, bằng cách nào ông khiến cho hư không hợp lại với nhau được? Làm sao ông làm cho hư không hợp lại với hư không? Nó đã trở thành hư không rồi, liệu ông có thể kết hợp hư không lại với nhau để tạo thành lân hư trần chăng?"



Kinh văn:



汝元不知,如來藏中, 性色真空性空真色。清淨本然周遍法界。隨眾生心應所知量。



Nhữ nguyên bất tri, Như Lai tạng trung, tánh sắc chơn không, tánh không chơn sắc, thanh tịnh bản nhiên châu biến pháp giới, tùy chúng sinh tâm ứng sở tri lượng.



Ông vốn không biết rằng trong Như Lai tạng, tánh sắc là chơn không, tánh không là chơn sắc, xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh.



Giảng:



"Ông vốn không biết, A-nan, trong Như Lai tạng–Như Lai tạng là Chân tâm, là Thật tướng. Ông không biết rằng nếu ông cứu xét kỹ cho đến tận nguồn cội hư không và lân hư trần, ông sẽ thấy rằng mình không thể nào biết được nó cả. Mà đạo lý ấy lại được tìm thấy trong Như Lai tạng: tánh sắc là chơn không, tánh không là chơn sắc." Ở điểm rốt ráo, sắc tướng chính là chơn không; và tánh không cũng chính là chơn sắc. Nó vốn không nhiễm ô, không thanh tịnh, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm. Cơ bản là bất biến. Tự tánh của nó vốn là thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, chẳng có gì làm cho nó tăng thêm, cũng chẳng bớt đi chút nào.



"Tánh sắc là chơn không, tánh không là chơn sắc." Đây là một hoạt dụng vi diệu "tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh." Nó đáp ứng tuỳ theo mọi năng lực nhận thức từ tâm chúng sinh: mức độ của sự nhiệm mầu sẽ hiển bày tương ứng với năng lực nhận thức của mỗi chúng sinh.



Kinh văn:



循業發現。世間無知, 惑為因緣及自然性。皆是識心分別計度。但有言說,都無實義.



Tuần nghiệp phát hiện. Thế gian vô tri, hoặc vi nhân duyên, cập tự nhiên tánh. Giai thị thức tâm phân biệt kế đạt. Đãn hữu ngôn thuyết, đô vô thật nghĩa.



Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.



Giảng:



"Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu." Nó tương ưng với tâm thức của mỗi chúng sinh và biến hiện ra thành các hiện tượng tương ưng với nghiệp mà mỗi chúng sinh đã tạo. Tánh của sắc là chơn không, tánh của không là chơn sắc. Vốn hằng thanh tịnh từ trong thể tánh và bao trùm khắp pháp giới. Hoạt dụng mầu nhiệm nầy có được là do nghiệp cảm của mỗi chúng sinh và sẽ kết thành quả báo mà mỗi người sẽ nhận được.



"Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên."



Thế gian là ai? Họ là những người tu tập theo ngoại đạo và hàng phàm phu theo pháp môn quyền thừa. Họ là những người mê mờ về tánh Như Lai tạng, vốn hằng thanh tịnh từ trong thể tánh và bao trùm khắp pháp giới. Họ không nhận ra được điều nầy. Họ cho rằng nó xuất phát từ tánh nhân duyên và tự nhiên. Đây là kiến chấp của hàng Tiểu thừa: pháp nhân duyên sinh. "Hoặc tánh tự nhiên." Dính mắc vào kiến chấp của hàng ngoại đạo là tánh tự nhiên. Làm thế nào mà họ bị lừa mị vào kiến chấp nầy? "Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường." Đó là do sự dính mắc của thức tâm phân biệt suy lường trong giáo lý Tiểu thừa, của hàng ngoại đạo và của hàng phàm phu đã tạo nên sự tính toán phân biệt. Họ chỉ tưởng tượng những cái mà không hề có, họ suy nghĩ đến những thứ mà "Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật." Đó chính là thức tâm vọng tưởng, phân biệt, suy tính–dù quý vị cho nói đó là tánh nhân duyên hay tự nhiên–cũng chỉ là ngôn từ. Chẳng có thật. Trong đó chẳng có chút nào đạo lý chân thật đáng nói cả.



Kinh văn:



阿難, 火性無我, 寄於諸緣。汝觀 城中,未食之家, 欲炊爨時。手執陽燧,日前求火。



A-nan, hoả tánh vô ngã, kí ư chư duyên. Nhữ quán thành trung, vị thực chi gia dục xuy thoán thời. Thủ chấp dương toại,[viii] nhật tiền cầu hoả.



A-nan, tánh của hoả đại không có tự thể, nhờ các trợ duyên mà phát sinh. Ông hãy xem các nhà trong thành khi chưa đến bữa ăn, muốn nhóm bếp thì tay cầm tấm kính đưa trước ánh sáng mặt trời để lấy lửa.



Giảng:



"A-nan, tánh của hoả đại không có tự thể, nhờ các trợ duyên mà phát sinh." Lửa tự nó vốn không có tánh chất riêng biệt. Phải có các yếu tố nhân duyên nó mới phát sinh được. 'Tự thể' ở đây không đề cập đến người mà chỉ cho thể tánh của lửa. Đoạn kinh nầy không nên hiểu rằng: 'Tôi không có lửa.' Có nghĩa là 'Tôi không có tánh nóng giận.' Nếu tự tánh quý vị không có chút lửa nào cả, thì quý vị sẽ là một vị Bồ-tát.



Lửa nhờ các trợ duyên mà phát sinh. Nó không có tự thể riêng. Nó có trong tất cả mọi yếu tố, khi đầy đủ yếu tố nhân duyên để tạo ra lửa, thì lửa sẽ phát sinh. Nếu không có đủ yếu tố nhân duyên, thì sẽ không có lửa. Thể tánh của lửa ở đâu? Tánh lửa ở khắp mọi nơi. Dù nó không có tự thể riêng, nhưng chẳng có nơi nào mà không có lửa.



"Ông hãy xem các nhà trong thành khi chưa đến bữa ăn." A-nan, khi chưa đến giờ ăn, ông hãy xem các gia đình trong thành Ca-tì-la-vệ. Khi họ muốn nhóm bếp, họ vào nhà bếp lấy gạo và rau. Lúc ấy, đang còn mặt trời, nếu không, thì chẳng có lửa để nấu thức ăn. Tay cầm tấm kính đưa trước ánh sáng mặt trời để lấy lửa. Đây là loại kính dùng để lấy lửa từ ánh sáng mặt trời,[ix] kính được làm bằng kim loại. Một tay họ cầm kính hướng về mặt trời, tay kia họ giữ một miếng bùi nhùi. Ánh sáng mặt trời gom vào mặt kính, tạo ra sức nóng phóng vào miếng bùi nhùi cho đến khi bùi nhùi phát ra lửa. Phương pháp lấy lửa của thời cổ xưa được vận dụng ở đây. Kinh văn đoạn sau Đức Phật sẽ hỏi lửa phát sinh là do mặt trời, do tấm kính hay là do bùi nhùi.



Kinh văn:



阿難, 名和合者。如我與汝, 一千二百五十比丘, 今為一眾。眾雖為一, 詰其根本各各有身, 皆有所生, 氏族名字。如舍利弗, 婆羅門種。優樓頻螺, 迦葉波種。乃至阿難, 瞿曇種姓。



A-nan, danh hòa hợp giả, như ngã dữ nhữ, nhất thiên nhị bách ngũ thập tỷ-khưu, linh vi nhất chúng. Chúng tuy vi nhất, cật kỳ căn bổn, các các hữu thân, giai hữu sở sinh, thị tộc danh tự. Như Xá-lợi-phất bà-la-môn chủng. Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp-ba chủng, nãi chí A-nan Cồ-đàm chủng tánh.



A-nan, cái gọi là hòa hợp, cũng như Như Lai và ông cùng 1250 tỷ-khưu họp thành một chúng. Chúng tuy chỉ một, nhưng xét từ căn gốc, thì mỗi người đều có thân riêng biệt, đều có tên gọi họ hàng riêng của mình. Như Xá-lợi-phất thuộc dòng Bà-la-môn, ông Ưu-lâu-tần-loa thuộc dòng Ca-diếp-ba, cho đến A-nan thì thuộc dòng Cồ-đàm.



Giảng:



"A-nan, cái gọi là hòa hợp. Nếu có sự hòa hợp, thì bằng cách nào đó, nó phải có tướng trạng. Một số chất kết hợp lại với nhau được gọi là hòa hợp. Giống như cái gì? Như Như Lai và ông cùng 1250 tỷ-khưu họp thành một chúng. A-nan, giống như đại chúng ở đây, ông và Như Lai, cùng 1250 vị tỷ-khưu hòa hợp thành một chúng, nhưng chúng ấy không phải là một thực thể đơn nhất. Chúng tuy chỉ một, nhưng xét từ căn gốc, thì mỗi người đều có thân riêng biệt. Nhóm người nầy kết hợp lại với nhau để thành một chúng, được gọi là hòa hợp. 'Giả sử ông tìm hiểu và khảo sát căn gốc của từng người. Tuy là một đại chúng, nhưng mỗi người đều có thân thể riêng biệt. Không những vậy, mọi người đều có tên gọi họ hàng riêng của mình.'" Những ai sinh trong gia đình Smith thì được gọi là Smith, những ai sinh trong gia đình họ Lý thì được gọi là Ông Lý.



"Như Xá-lợi-phất ..."Tôi đã giảng về Xá-lợi-phất trước đây. Mắt của mẹ ngài đẹp như mắt của loài chim diệc trắng. Chim diệc, tiếng Phạn là Śāri.[x] Đọc là Xá-lợi. Còn chữ 'phất弗' trong tiếng Phạn là putra, Hán dịch là tử子, có nghĩa là 'con trai'. Nên chữ Śāriputra (Xá-lợi-phất) có nghĩa là 'Người con trai của bà Śāri.' Ông ta thuộc dòng họ Bà-la-môn. Bà-la-môn là một trong bốn tầng lớp cao nhất của xã hội Ấn Độ. 'Bà-la-môn[xi]' là tiếng Phạn có nghĩa là 'dòng dõi trong sạch', chủng tử thanh tịnh. Nhưng thực ra, chủng tử của loài người thì không mấy thanh tịnh. 'Bà-la-môn' còn được giải thích với ý nghĩa là 'mục đích thanh tịnh.' Họ cho rằng thuỷ tổ của họ xuất thân từ cõi trời Phạm thiên (Brahma Heaven) thế nên họ cho rằng họ thuộc dòng họ cao quý và thanh tịnh.



"Ưu-lâu-tần-loa thuộc dòng Ca-diếp-ba." Ưu-lâu-tần-loa[xii] (s: Uruvilvā) có nghĩa là 'rừng cây papayad'. Ông ta thường tu tập bên rừng cây papayad nên có tên như vậy. Còn chữ Ca-diếp (s: Kāśyapa) có nghĩa là 'bộ tộc của loài rùa[xiii]'. Có tên như vậy là do trong thời quá khứ, tổ tiên của ông đã tìm thấy một con rùa với đồ hình trên lưng nó.



"Cho đến A-nan thì thuộc dòng Cồ-đàm." Tên A-nan có nghĩa là 'Khánh Hỷ'. A-nan với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đều thuộc dòng họ Cồ-đàm.[xiv]



Về sau Đức Phật có họ là Thích-ca.[xv]



Đoạn kinh nầy chỉ ra rằng mọi người đều có họ hàng dòng tộc và tên gọi riêng. Cho dù họ đã kết hợp với nhau thành một đại chúng, mỗi người vẫn có cái riêng biệt. Mỗi người đều có tên, tướng mạo, thân thể riêng. Đức Phật đưa ra một lời mở đầu để giải thích cho hoả đại, vốn là hòa hợp, nhưng vẫn có cái riêng ở trong nó.



Kinh văn:



阿難, 若此火性, 因和合有。彼手執鏡,於日求火。此火為從鏡中而出。為從艾出為於日來。



A-nan, nhược thử hoả tánh, nhân hòa hợp hữu, bỉ thủ chấp kính, ư nhật cầu hoả, thử hoả vi tùng kính trung nhi xuất, vi tùng ngải xuất, vi ư nhật lai?



A-nan, nếu lửa ấy do hòa hợp mà có, thì khi người kia cầm kính lấy ánh sáng mặt trời, lửa đó từ kính ra, từ bùi nhùi có, hay từ mặt trời mà đến?



Giảng:



"A-nan, nếu lửa ấy do hòa hợp mà có." Có nghĩa là hội đủ các yếu tố nhân duyên với nhau–tức là khi trên tay có kính viễn vọng phản xạ, có mặt trời và có bùi nhùi– ba thứ nhân duyên nầy hòa hợp lại, tức liền có lửa.



"Thì khi người kia cầm kính lấy ánh sáng mặt trời–khi người ta cầm kính viễn vọng phản xạ trên tay để lấy lửa–lửa đó từ kính ra. Ông cho rằng lửa ấy từ kính viễn vọng phản xạ phát ra? Hay từ bùi nhùi có– Phải chăng bùi nhùi làm bằng ngải cứu phát sinh ra lửa? Hay từ mặt trời mà đến? Hoặc là lửa từ mặt trời đến? Hãy nói xem lửa từ đâu mà có?" Đây cũng là một dạng hòa hợp: có kính viễn vọng phản xạ, mặt trời, và bùi nhùi bằng ngải cứu, nó rất dễ bắt lửa.



"Trong trường hợp do hòa hợp mà có, rốt ráo ông cho rằng lửa từ đâu mà ra? Giả sử như ông cho rằng chính do mặt trời phát sinh ra lửa chứ không có gì khác, nếu vậy thì mặt trời có thể đốt cháy cả thế gian. Thế nên không thể nào nói lửa có là do mặt trời được. Còn nếu ông nói lửa có là do kính; thế thì, khi kính được người cầm trên tay, nó cũng chẳng nóng lên chút nào. Song lửa thì rất nóng, mà kính thì chẳng nóng chút nào cả. Thế nên nói rằng lửa phát xuất từ kính là vô lý. Còn nếu ông nói rằng lửa có từ bùi nhùi , thì khi không có kính và mặt trời, sao bùi nhùi kia lại không phát ra lửa? Vậy nên đây là một trường hợp hòa hợp, nhưng trong đó vẫn còn nhiều điểm độc đáo."



Kinh văn:



阿難, 若日來者。自能燒汝手中之艾。來處林木, 皆應受焚。



A-nan, nhược nhật lai giả, tự năng thiêu nhữ thủ trung chi ngải. Lai xứ lâm mộc, giai ưng thọ phần.



A-nan, nếu lửa từ mặt trời mà có, thì lửa ấy đã đốt được bùi nhùi trong tay ông rồi. Những rừng cây mà có ánh sáng mặt trời đi qua lẽ ra đều bị thiêu cháy cả.



Giảng:



"A-nan, nếu lửa từ mặt trời mà có–giả sử ông cho rằng lửa đến từ mặt trời–không những lửa ấy đã đốt được bùi nhùi trong tay ông–lửa từ mặt trời sẽ thiêu cháy nắm bùi nhùi trong tay của ông–Nhưng rừng cây mà có ánh sáng mặt trời đi qua lẽ ra đều bị thiêu cháy cả." Mặt trời ở rất xa, sức nóng bao trùm mọi rừng cây. Nếu như lửa phát ra từ mặt trời, thì những cây rừng ấy đều bị đốt cháy. Nếu mặt trời đốt cháy được bùi nhùi, lẽ nào nó chẳng đốt được rừng cây? Nhưng thực tế thì mặt trời chẳng thiêu cháy rừng cây.



Kinh văn:



若鏡中出,自能於鏡。出然于艾, 鏡何不鎔。紆汝手執, 尚無熱相, 云何融泮?



Nhược kính trung xuất, tự năng ư kính, xuất nhiên vu ngãi, kính hà bất dung? Vu nhữ thủ chấp, thướng vô nhiệt tướng, vân hà dung phán?



Nếu lửa từ kính mà ra, thì lửa ấy có thể từ kính đốt cháy bùi nhùi, tại sao kính lại không bị chảy? Cho đến tay ông cầm kính còn không thấy nóng, làm sao kính chảy được?



Giảng:



"Nếu lửa từ kính mà ra, thì lửa ấy có thể từ kính đốt cháy bùi nhùi–giả sử ông cho rằng lửa vốn từ trong kính phản xạ mặt trời ra đốt cháy bùi nhùi bằng ngải cứu, nhưng nếu lửa ở trong kính, thì tại sao kính lại không bị chảy?" Theo giải thích của người Trung Hoa về ngũ hành, thì hỏa khắc kim, lửa có thể thiêu chảy kim loại như vàng bạc, đồng, sắt. "Tuy nhiên, tay ông cầm kính còn không thấy nóng, làm sao kính chảy được? Ngay cái kính còn không thấy nóng, làm sao mà nó chảy ra được?"



Kinh văn:



若生於艾, 何藉日鏡, 光明相接,然後火生。



Nhược sinh ư ngải, hà tạ nhật kính, quang minh tương tiếp, nhiên hậu hoả sinh?



Nếu lửa do từ bùi nhùi bằng ngải cứu sinh ra, thì đâu cần gì đến mặt trời, kính và ánh sáng tiếp xúc với nhau mới sinh được lửa?



Giảng:



" Giả sử ông cho rằng lửa sinh ra từ bùi nhùi bằng ngải cứu. Nếu lửa do từ bùi nhùi bằng ngải cứu sinh ra, thì đâu cần gì đến mặt trời, kính và ánh sáng tiếp xúc với nhau mới sinh được lửa?



" Ánh sáng mặt trời và tia sáng từ kính phản xạ mặt trời chiếu vào bùi nhùi bằng ngải cứu khiến phát ra lửa. Nếu lửa phát ra từ bùi nhùi bằng ngải cứu, thì bùi nhùi có thể tự phát ra lửa, không cần đợi phải có ánh sáng mặt trời và kính mới có bắt được lửa. Thế nên vô lý khi nói rằng lửa có do bùi nhùi.



Kinh văn:



汝又諦觀, 鏡因手執。日從天來, 艾本地生。火從何方, 遊歷於此?



Nhữ hựu đế quán, kính nhân thủ chấp. Nhật tùng thiên lai, ngải bổn địa sinh. Hoả tùng hà phương, du lịch ư thử?



Ông hãy suy xét kỹ, kính do tay cầm, mặt trời thì ở trên cao, bùi nhùi bằng ngải cứu thì từ đất sinh ra, vậy lửa từ đâu mà đến đây?



Giảng:



"Ông hãy suy xét kỹ–ông hãy quán sát chuyện nầy thật chi tiết–kính do tay cầm, mặt trời thì ở trên cao, bùi nhùi bằng ngải thì từ đất sinh ra, vậy lửa từ đâu mà đến đây? Cả ba thứ–kính, ánh sáng mặt trời, bùi nhùi bằng ngải cứu– đều có xuất xứ từ ba nơi khác nhau. Vậy thì, rốt ráo, lửa từ phương nào đến? Nó vừa đi từ nơi nào đến đây?" Đức Phật hỏi A-nan. Thật là không hợp lý khi nói rằng lửa xuất phát từ ba nơi vừa nêu ra–từ tay, từ mặt trời, hay từ kính.



Kinh văn:



日鏡相遠, 非和非合。不應火光, 無從自有?



Nhật kính tương viễn, phi hòa phi hợp. Bất ưng hoả quang, vô tùng tự hữu.



Mặt trời và kính xa cách nhau, không hòa không hợp. Không lẽ lửa chẳng do đâu mà tự có?



Giảng:



"Mặt trời và kính xa cách nhau, không hòa không hợp. Mặt trời và kính hoàn toàn cách xa nhau. Không thể nói chùng hòa hay hợp nhau. Sao vậy? Nó không thể đến gần nhau, làm sao mà hòa hợp được? Nay 1250 vị tỷ-khưu đang có mặt ở đây, nhưng làm sao ông có thể nói rằng mặt trời và kính hòa hợp nhau được? Vì chúng hoàn toàn cách xa nhau. Lại nữa, 'Ông hãy suy xét kỹ, kính do tay cầm, mặt trời thì ở trên cao, bùi nhùi thì từ đất sinh ra, vậy lửa từ đâu mà đến đây?'



"Không lẽ lửa chẳng do đâu mà tự có?" Nhưng không lẽ lửa chẳng từ đâu đến cả, chính nó tự có hay sao?



Kinh văn:



汝猶不知,如來藏中, 性火真空,性空真火。清淨本然, 周遍法界。隨眾生心, 應所知量。



Nhữ do bất tri, Như Lai tạng trung, tánh hoả chân không, tánh không chân hoả, thanh tịnh bản nhiên châu biến pháp giới, tuỳ chúng sinh tâm ứng sở tri lượng.



Ông vẫn chưa biết trong Như Lai tạng, tánh lửa là chơn không, tánh không là chơn hỏa, xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh.



Giảng:



"A-nan, Ông vẫn chưa biết rằng đạo lý đang được giảng giải trên đây đều có trong Như Lai tạng. Ông phải kiếm tìm nó ở đâu? Tánh lửa là chơn không." Tự tánh của lửa là chơn không. Và "Tánh không là chơn hỏa." Tự tánh của không cũng chính thực là lửa. "Xưa nay vốn thường thanh tịnh– tự thể của nó vốn hằng thanh tịnh– trùm khắp pháp giới." Hỏa đại nầy có khắp trong cả pháp giới, bao trùm mọi nơi. Biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh.



Kinh văn:



阿難, 當知世人, 一處執鏡, 一處火生。遍法界執, 滿世間起。起遍世間, 寧有方所。



A-nan, đương tri thế nhân, nhất xứ chấp kính, nhất xứ hoả sinh. Biến pháp giới chấp, mãn thế gian khởi. Khởi biến thế gian, ninh hữu phương sở.



A-nan, ông không biết rằng người đời cầm kính ở đâu, thì ở đó phát ra lửa. Khắp pháp giới cầm kính, thì cả pháp giới có lửa. Lửa khắp cả thế gian, đâu có nơi chốn.



Giảng:



"A-nan, ông không biết rằng người đời cầm kính ở đâu, thì ở đó phát ra lửa. Khắp pháp giới cầm kính, thì cả pháp giới có lửa."



Nếu mọi người trong thế gian đều cầm kính viễn vọng phản xạ hướng về mặt trời thì lửa sẽ phát ra khắp mọi nơi. "Lửa khắp cả thế gian, đâu có nơi chốn. Ông cho rằng lửa từ đâu mà ra? Nó từ đâu đến? Do vậy nên biết hỏa đại trùm khắp cả thế gian."



Kinh văn:



循業發現。 世間無知, 惑為因緣, 及自然性。皆是識心分別計度。但有言說,都無實義 。



Tuần nghiệp phát hiện. Thế gian vô tri, hoặc vi nhân duyên, cập tự nhiên tánh. Giai thị thức tâm phân biệt kế đạt. Đãn hữu ngôn thuyết, đô vô thật nghĩa.



Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.



Giảng:



Đức Phật bác bỏ hai lý lẽ trên vì đó chỉ là sự ước đoán.



Kinh văn:



阿難, 水性不定, 流息無恒。如室羅城, 迦毘羅仙, 斫迦羅仙。及缽頭摩, 訶薩多等, 諸大幻師。求太陰精, 用和幻藥。是諸師等, 於白月晝, 手執方諸, 承月中水。



A-nan, thuỷ tánh bất định, lưu tức vô hằng. Như Thất-la thành, Ca-tỳ-la tiên, Chước-ca-la tiên, cập Bát-đầu-ma, Ha-tát-đa đẳng, chư đại huyễn sư, cầu Thái âm tinh, dụng hòa huyễn dược. Thị chư sư đẳng ư bạch nguyệt trú, thủ chấp phương chư, thừa nguyệt trung thuỷ.



A-nan, tánh nước không nhất định, khi dừng khi chảy không chừng. Như trong thành Thất-la-phiệt, các vị tiên Ca-tỳ-la, Chước-ca-la và các vị đại huyễn thuật Bát-đầu-ma, Ha-tát-đa v.v... muốn cầu tinh thái âm để pha chế huyễn dược. Các vị ấy vào đêm trăng sáng, tay cầm hạt châu phương chư, hứng nước từ mặt trăng.



Giảng:



"A-nan, tánh nước không nhất định." Hỏa đại và địa đại đã được giảng rõ. Nay sẽ nói đến thủy đại. Mỗi một yếu tố nầy, người Trung Hoa gọi là đại 大 , có nghĩa là lớn. Những thành tố nầy được gọi là lớn do vì nó trùm khắp cả pháp giới, vô cùng vô tận.



Tính chất của nước là bất định. Nên nói:



Khơi dòng phía đông thì nước tràn về đông



Khơi dòng phía bắc thì nước tràn về bắc.[xvi]



Khi quý vị xẻ bờ chắn của một cái hồ, con sông, suối, hay biển thì nước sẽ chảy tràn về hướng mà quý vị đã mở. Tướng của nước không có ranh giới, thế nên trong kinh văn nói rằng tánh nước bất định. "Khi dừng khi chảy không chừng." Nó dừng rồi chảy; nước không có dạng chung nhất bất biến. "Như trong thành Thất-la-phiệt, các vị tiên Ca-tỳ-la,[xvii] Chước-ca-la[xviii] và các vị đại huyễn thuật Bát-đầu-ma,[xix] Ha-tát-đa[xx] v.v..."



Vị tiên Ca-tỳ-la ở thành Thất-la-phiệt nầy là môn đệ của ngoại đạo Kim đầu. Trước đây (quyển 1) tôi đã giảng rằng Ma-đăng-già là đệ tử của ngoại đạo Tóc vàng và bà ta đã học được chú thuật 'tiên Phạm thiên[xxi]' từ ông ta.



Ngoài bốn vị Đại huyễn sư nầy ra, còn có rất nhiều người nữa–rất nhiều đến nỗi không kể hết tên ra được. Nên trong kinh nói 'và các vị đại huyễn thuật'. Huyễn thuật là những pháp thuật lừa mị, vốn là hư vọng.



"Muốn cầu thái âm tinh để pha chế huyễn dược. Các vị ấy vào đêm trăng sáng, tay cầm hạt châu phương chư, hứng nước từ mặt trăng.”



Họ muốn dùng thái âm tinh[xxii] pha chế thành một loại huyễn dược để mê hoặc lòng người. Loại huyễn dược nầy giống như loại LSD[xxiii] ngày nay vậy, tuy không pha chế bằng thái âm tinh nhưng rất gần với loại huyễn dược đề cập trong kinh. Thuốc nầy khiến cho người uống thấy mọi thứ rất kỳ ảo và nghĩ rằng mình cũng biến thành các thứ kỳ ảo ấy. Thuốc khiến cho não trạng con người rối lọan, điên đảo và không còn được tin cậy nữa.



Vào đêm trăng rằm, tức ngày 15 âm lịch mỗi tháng, họ đem dụng cụ ra–một cái mâm vuông và hạt châu phương chư[xxiv]–để hứng nước tinh khiết. Khi hạt châu phương chư hướng về mặt trăng đêm rằm, nước sẽ tiết ra và đọng lại trong mâm. Nước nầy sẽ dùng để pha chế huyễn dược. Chắc là không có được nhiều.



Kinh văn:



此水為復, 從珠中出? 空中自有, 為從月來?



Thử thuỷ vi phục tùng ngọc trung xuất, không trung tự hữu, vi tùng nguyệt lai?



Nước ấy từ hạt châu mà có, từ hư không ra hay từ mặt trăng đến?



Giảng:



Nước tiết ra trong đêm trăng rằm và đọng lại trong mâm. "Nước ấy từ hạt châu mà có, từ hư không ra . Có phải nước ấy từ hư không mà ra? Hay từ mặt trăng đến? Phải chăng nước ấy từ mặt trăng tiết ra?"



Kinh văn:



阿難, 若從月來。尚能遠方, 令珠出水。所經林木, 皆應吐流。流則何待方珠所出。不流明水 非從月降。



A-nan, nhược tùng nguyệt lai, thượng năng viễn phương linh châu xuất thuỷ. Sở kinh lâm mộc, giai ưng thổ lưu. Lưu tắc hà đãi phương châu sở xuất. Bất lưu minh thuỷ phi tùng nguyệt giáng.



A-nan, nếu nước từ mặt trăng mà có, thì từ xa mặt trăng có thể làm cho hạt châu ra nước. Những rừng cây mà ánh trăng đi qua, lẽ ra đều phải ra nước. Đã ra nước thì đâu cần đợi có hạt châu mới tiết ra nước được. Còn nếu không ra nước thì rõ ràng nước ấy không phải từ mặt trăng mà có.



Giảng:



"A-nan, nay ông nên suy xét điều nầy; nước từ đâu mà có? Nếu nước từ mặt trăng mà có, thì từ xa mặt trăng có thể làm cho hạt châu ra nước. Nếu ông nói rằng nước từ mặt trăng tiết ra, đó là nước tinh khiết, nước thái âm tinh, những rừng cây mà ánh trăng đi qua, lẽ ra đều phải ra nước. Mặt trăng phải đi rất xa để khiến cho vật hứng nước tiết ra. Đoạn kinh trên đã giải thích khi lửa đi qua rừng cây sẽ làm cho cây cối thiêu cháy. Bây giờ thì rừng cây sẽ đều chảy ra nước. Có nghĩa là nước chảy ra từ rừng cây. Bất kỳ ánh trăng đi qua chỗ nào, thì chỗ ấy đều sẽ tiết ra nước. Đã ra nước thì đâu cần đợi có hạt châu mới tiết ra nước được. Nếu rừng cây đã phun ra nước rồi, thì lý gì lại đợi phải có hạt châu để lấy được nước? Còn nếu không ra nước thì rõ ràng nước ấy không phải từ mặt trăng mà ra. Nên ông phải hiểu rằng nước không phải nước phun ra từ mặt trăng."



Kinh văn:



若從珠出, 則此珠中, 常應流水。何待中宵, 承白月晝?



Nhược tùng châu xuất, tắc thử châu trung, thường ưng lưu thuỷ. Hà đãi trung tiêu, thừa bạch nguyệt trú?



Nếu nước từ hạt châu thì trong hạt châu ấy thường chảy ra nước. Sao còn phải đợi mặt trăng lúc nửa đêm?



Giảng:



"Nếu nước từ hạt châu–nếu ông nói rằng nước chảy ra từ hạt châu–thì trong hạt châu ấy thường chảy ra nước. Sao còn phải đợi mặt trăng lúc nửa đêm? Sao còn phải đợi đến ngày rằm mỗi tháng mới lấy nước được? Nếu tự hạt châu tiết ra nước được thì lẽ ra mọi lúc nó đều chảy ra nước. Thế nên đến đây chứng tỏ được rằng nước không chảy ra từ mặt trăng, và cũng chẳng được tiết ra từ các dụng cụ để hứng nước."



Kinh văn:



若從空生, 空性無邊, 水當無際。從人洎天,皆同陷溺。云何復有水陸空行



Nhược tùng không sinh, không tánh vô biên, thuỷ đương vô tế. Tùng nhân kị thiên, giai đồng hãm nịch. Vân hà phục hữu, thuỷ lục không hành?



Nếu nước do hư không sinh ra, hư không vốn chẳng ngằn mé, nước cũng vô cùng. Từ cõi người đến cõi trời, lẽ ra đều phải chìm ngập cả. Làm sao còn có thủy lục không hành?



Giảng:



"Nếu nước do hư không sinh ra, hư không vốn chẳng ngằn mé. Ông có thể nói được ranh giới của hư không ở đâu không? Ông có tìm ra ranh giới ấy không? Do vì hư không chẳng có ngằn mé, nên nước cũng vô cùng... Nếu thực là nước sinh ra từ hư không, thì nước cũng không có ngằn mé. Tánh của hư không là vô cùng, như ông nói rằng nước phát sinh từ hư không, thế nên nước cũng vô cùng... Từ cõi người đến cõi trời, lẽ ra đều phải chìm ngập cả. Vạn vật sẽ biến thành đại dương cả, và mọi loài, mọi người, từ nhân gian cho đến cõi trời đều bị chết đuối cả. Làm sao còn có thủy lục không hành?"



Cách đây cả vài ngàn năm, Đức Phật đã nói về việc đi bằng máy bay và du hành trong không gian. Ngài nói rằng nếu mọi thứ từ cõi người đến cõi trời đều biến thành đại dương, thì chỉ còn có cách đi bằng đường thủy; vì không còn đất liền và không gian. Nhưng đây không phải là điều xảy ra.



Kinh văn:



汝更諦觀, 月從天陟, 珠因手持。承珠水盤本人敷設。水從何方, 流注於此?



Nhữ cánh đế quán, nguyệt tùng thiên trắc, châu nhân thủ trì. Thừa châu thuỷ bàn, bổn nhân phu thiết. Thuỷ tùng hà phương, lưu chú ư thử?



Ông suy xét thật kỹ, mặt trăng từ trên trời xa, hạt châu do tay người cầm, mâm hứng nước do người sắp đặt. Thế nước từ phương nào mà chảy đến đây?



Giảng:



"Ông suy xét thật kỹ–ông phải quán sát thật chi tiết–mặt trăng từ trên trời xa.” Ở đây không nhất thiết phải giả định rằng mặt trăng đi qua bầu trời, nhưng đó là cách mà trong kinh diễn tả. Phân tích rốt ráo, khi nào thì mặt trăng đi qua bầu trời, mỗi bước nó đi được bao xa? Và mỗi lần muốn đi thì sẽ đi được bao xa? Xin đừng chú ý đến điểm nầy. "Hạt châu do tay người cầm, mâm hứng nước do người sắp đặt." Cái mâm do người dặt sẵn. Mặt trăng, hạt châu và mâm đều có chỗ nhất định. "Thế nước từ phương nào mà chảy đến đây?" Đức Phật chỉ hỏi rằng nước đến từ hạt châu hay từ mặt trăng, hay đến từ hư không? Thế thì nó từ đâu đến? Làm thế nào mà nước đọng lại trong mâm?



Kinh văn:



月珠相遠, 非和非合。不應水精, 無從自有?



Nguyệt châu tương viễn, phi hòa phi hợp. Bất ưng thuỷ tinh vô tùng tự hữu?



Mặt trăng và hạt châu cách xa nhau, không phải hòa, không phải hợp. Không lẽ nước kia chẳng do đâu mà tự có?



Giảng:



"Mặt trăng và hạt châu cách xa nhau, không phải hòa, không phải hợp. Ông có thể nói rằng mặt trăng và hạt châu hòa hợp cùng nhau để phát sinh ra nước; Tuy nhiên, cách xa nhau như thế, làm sao chúng hòa hợp được? Điều ấy không hợp lí. Không lẽ nước kia chẳng do đâu mà tự có?" Đạo lý nầy cũng giống như hỏa đại. Không thể nào nước chẳng từ đâu đến, chỉ tự nhiên xuất hiện trong mâm. Không thể nào có chuyện như vậy.



Kinh văn:



汝尚不知, 如來藏中, 性水真空性空真水, 清淨本然周遍法界, 隨眾生心應所知量。



Nhữ thượng bất tri, Như Lai tạng trung, tánh thuỷ chân không, tánh không chân thuỷ, thanh tịnh bổn nhiên, châu biến pháp giới, tuỳ chúng sinh tâm ứng sở tri lượng.



Ông vốn không biết rằng trong Như Lai tạng, tánh nước là chơn không, tánh không là chơn thủy, xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh.



Giảng:



"A-nan, Ông vốn không biết rằng trong Như Lai tạng, tánh nước là chơn không." Cũng vậy, thể tánh của nước chính là chơn không. "Tánh không là chơn thủy." Thế ông cho rằng nó từ đâu mà có? Nó vốn từ trong Như Lai tạng." Nó có trong chân tâm của mỗi chúng sinh như chúng ta. Chúng ta có đầy đủ không những thủy đại, mà còn có hỏa đại, địa đại, phong đại. Hoàn toàn có đủ trong tâm chúng ta địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, không đại, kiến đại , và thức đại là bảy đại, tất cả đều có đủ trong tâm chúng ta. Nhưng, mặc dù chúng hiện hữu ở đó, chúng vẫn không lẫn lộn hay ngăn ngại nhau. "Xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới. Tánh của nước vốn thường thanh tịnh và trùm khắp cả pháp giới. Ông nên biết rằng trong thể tánh thanh tịnh là sự hiện hữu mầu nhiệm (diệu hữu)." Trong chơn không là diệu hữu. Nếu ông quán chiếu sâu vào đạo lý nầy, ông sẽ liễu ngộ được. Nói cách khác, khi chính ông có công phu[xxv]– khi ông tọa thiền, có được định lực và phát khởi trí huệ, thì ông sẽ nhận ra rằng đạo lý được giảng giải trong kinh nầy là chân thật, không hư ngụy. Nhưng, đạo lý nầy không dễ gì hiểu được nếu ông cố dò tìm nó bằng thức tâm.



"Biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh." Bất kỳ các loài chúng sinh trong 9 pháp giới[xxvi] nếu có tâm mong cầu điều gì đều được đáp ứng đúng theo sở nguyện. Bất luận họ muốn điều gì, bất kỳ họ muốn bao nhiêu, đều được thỏa nguyện. Nếu quý vị muốn có một ly nước, sẽ có ly nước để uống. Nếu quý vị muốn có hai ly nước, sẽ có hai ly nước để uống. Mọi ước nguyện của mọi loài chúng sinh đều được đáp ứng xứng theo tâm lượng của họ.



Kinh văn:



一處執珠, 一處水出。遍法界執, 滿法界生。生滿世間, 寧有方所。



Nhất xứ chấp châu, nhất xứ thuỷ xuất, biến pháp giới chấp, mãn pháp giới sinh. Sinh mãn thế gian, ninh hữu phương sở.



Một nơi cầm hạt châu thì nơi ấy nước chảy ra, khắp nơi cầm hạt châu thì khắp pháp giới có nước. Thủy đại sinh khắp thế gian, đâu có nơi chốn.



Giảng:



Ông nói nước từ đâu mà có? Đến đây kinh văn sẽ chỉ bày cho ông rõ. Vì sao lại nói rằng nó ở trong Như Lai tạng? "Một nơi cầm hạt châu"– có người muốn có chút nước nên cầm hạt châu– "thì nơi ấy nước chảy ra, khắp nơi cầm hạt châu"–nếu khắp mọi nơi trên trái đất, mọi người đều cầm hạt châu để lấy nước–thì khắp pháp giới có nước." Nước có thể chảy ra khắp cả triệu cõi giới. Tất cả đều đáp ứng cho người mong cầu có nước. "Thủy đại sinh khắp thế gian, đâu có nơi chốn."



Nếu nước có khắp cả mọi nơi, thì ông nói nó sinh ra từ đâu. Nếu nó sinh ra từ một nơi nào đó, thì nó sẽ sinh ra cho tôi chứ không sinh ra cho ông. Nếu nó sinh ra cho ông thì nó sẽ không sinh ra cho tôi nữa. Nhưng nếu mọi người đều cầm hạt châu, thì nước sẽ sinh ra cho tất cả mọi người. Hoàn toàn chính xác khi nói rằng tánh nước thường ở trong Như Lai tạng–nó không ở một nơi nào cả, nhưng có khắp mọi nơi. Hoàn toàn có ở khắp pháp giới, nhưng cũng có thể nói rằng nó không ở một nơi nào cả, vì nếu ông không có hạt châu trên tay, nếu ông không muốn dùng hạt châu để lấy nước, thì nước sẽ không có. Điều nầy hoàn toàn giống như tánh lửa.



Kinh văn:



循業發現,世間無知,惑為因緣,及自然性。皆是識心分別計度。但有言說, 都無實義 .



Tuần nghiệp phát hiện, thế gian vô tri, hoặc vi nhân duyên, cập tự nhiên tánh, giai thị thức tâm phân biệt kế đạt. Đãn hữu ngôn thuyết, đô vô thật nghĩa.



Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.



Giảng:



Đức Phật bác bỏ hai lý lẽ trên vì đó chỉ là sự suy lường phân biệt.



Kinh văn:



阿難, 風性無體, 動靜不常。汝常整衣, 入於大眾。僧伽梨角, 動及傍人。則有微風,拂彼人面。



A-nan, phong tánh vô thể, động tĩnh bất thường. Nhữ thường chỉnh y nhập ư đại chúng, tăng-già-lê giác, động cập bàng nhân, tắc hữu vi phong, phất bỉ nhân diện.



A-nan, phong đại không có tự thể, động tĩnh không chừng. Như ông thường chỉnh y để vào trong đại chúng, khi chéo y tăng-già-lê chạm vào người bên cạnh, thì có chút gió phất qua mặt người kia.



Giảng:



Đức Phật một lần nữa lại bảo A-nan,"A-nan, phong đại không có tự thể. Như Lai sẽ giảng giải cho ông về phong đại. Động tĩnh không chừng." Có khi nó lay động, có khi nó tĩnh lặng.



"Như ông thường chỉnh y để vào trong đại chúng, khi chéo y tăng-già-lê chạm vào người bên cạnh, thì có chút gió phất qua mặt người kia."



Tăng-già-lê[xxvii] là tiếng Sanskrit, có nhiều cách dịch. Thứ nhất nghĩa là tạp toái y, vì y nầy được may bằng 108 mảnh vải ghép theo kiểu bốn miếng dài một miếng ngắn. Nghĩa thứ hai là Tổ y. Nghĩa thứ ba là Đại y. Là y được đắp bởi các vị tôn túc chủ trì các pháp hội. Trong ba y của người xuất gia, gồm một y năm điều (ngũ điều y), một y bảy điều (thất điều y), và y tăng-già-lê tức đại y, gồm có nhiều điều (từ 9 đến 25 điều).



Khi quý vị đi bên cạnh người nào, chéo y chạm vào người khác, tạo thành hơi gió thoảng qua. Khi quý vị đi qua, hơi gió phất qua mặt người ấy.



Kinh văn:



此風為復, 出袈裟角, 發於虛空, 生彼人面?



Thử phong vi phục xuất cà sa giác, phát ư hư không sanh bỉ nhân diện?



Gió nầy do chéo áo ca-sa mà ra, do hư không phát sinh, hay do mặt người kia?



Giảng:



"Gió nầy do chéo áo ca-sa mà ra?" Phải chăng gió thoảng qua mặt người bên cạnh là do chéo áo ca-sa, có nghĩa là y tăng-già-lê? " Do hư không phát sinh". Phải chăng gió sinh ra do từ hư không? "Hay do mặt người kia?" Hay là gió sinh ra do từ mặt người bên cạnh? Ca-sa,[xxviii] là tiếng Sanskrit, Hán dịch là hoại sắc, biểu thị cho ý nghĩa 'li trần phục', y phục của người tìm cầu sự giải thoát.



Kinh văn:



阿難, 此風若復, 出袈裟角。汝乃披風。其衣飛搖, 應離汝體。我今說法會中垂衣。汝看我衣風何所在? 不應衣中有藏風地?



A-nan, thử phong nhược phục, xuất cà sa giác, nhữ nãi phi phong, kỳ y phi diêu, ưng ly nhữ thể. Ngã kim thuyết pháp, hội trung thuỳ y, nhữ khán ngã y, phong hà sở tại? Bất ưng y trung, hữu tàng phong địa?



A-nan, nếu gió phất ra do chéo áo ca-sa, thì ông đã mặc gió, lẽ ra áo ấy phải bay ra rời khỏi thân ông rồi. Nay Như Lai đang giảng pháp, đại chúng thấy y của Như Lai rũ xuống, hãy xem trong đó gió ở chỗ nào? Không lẽ trong y lại có chứa gió?



Giảng:



"A-nan," Đức Phật lại gọi A-nan, "A-nan, nếu gió phất ra do chéo áo ca-sa, thì ông đã mặc gió, lẽ ra áo ấy phải bay ra rời khỏi thân ông rồi. Lẽ ra y phải bay ra khỏi thân ông rồi, trong trường hợp đó thì gió phát ra từ chéo y tăng-già-lê. Nay Như Lai đang giảng pháp, đại chúng thấy y của Như Lai rũ xuống." Ở đây Đức Phật đề cập đến chính mình là Như Lai. 'Nay Như Lai đang giảng pháp trong pháp hội và y của Như Lai vẫn đang rũ xuống bất động.' Hãy nhìn xem. "Hãy xem trong đó gió ở chỗ nào? Các ông thấy y của Như Lai đang rũ xuống, gió ở chỗ nào? Không lẽ trong y lại có chứa gió? Không lẽ ông nói rằng trong y Như Lai có một nơi để chứa gió và giữ ở đó chờ đến lúc thổi ra?"



Kinh văn:



若生虛空, 汝衣不動, 何因無拂? 空性常住, 風應常生。若無風時, 虛空當滅。滅風可見, 滅空何狀? 若有生滅,不名虛空。名為虛空, 云何風出?



Nhược sanh hư không, nhữ y bất động, hà nhân vô phất? Không tánh thường trụ, phong ưng thường sanh, nhược vô phong thời, hư không đương diệt. Diệt phong khả kiến, diệt không hà trạng? Nhược hữu sanh diệt, bất danh hư không. Danh vi hư không, vân hà phong xuất?



Nếu gió do hư không sinh ra, thì khi y ông bất động, cớ sao không phất ra gió? Tánh hư không là thường hằng, gió lẽ ra phải thường sinh; khi không có gió, thì hư không phải diệt. Gió biến mất, thì có thể biết được, còn hư không diệt, thì hình trạng sẽ như thế nào? Lại nếu có sinh diệt, thì không gọi là hư không. Đã gọi là hư không, làm sao lại phát ra gió được?



Giảng:



"Nếu gió do hư không sinh ra– nếu ông cho rằng gió đến từ hư không–thì khi y ông bất động, cớ sao không phất ra gió? Gió đến từ hư không, nhưng sao khi y của ông bất động, thì lại không có gió? Tại sao không? Sao ông không thấy gió thổi? Tánh hư không là thường hằng" Tánh của hư không là thường hằng bất biến. Vậy nên "gió lẽ ra phải thường sinh." Nếu gió sinh ra từ hư không, thì lẽ ra phải thường có gió, vì hư không vốn thường hằng bất biến. Không thể nào khi có gió khi thì không được.



"Khi không có gió, thì hư không phải diệt." Đức Phật chỉ ra rằng nếu gió sinh ra từ hư không, thì lẽ ra phải luôn luôn có gió. Ngược lại là khi không có gió thì hư không phải diệt. Không có gió, hư không sẽ bị tiêu vong hoàn toàn.



"Gió biến mất, thì có thể biết được, còn hư không diệt, thì hình trạng sẽ như thế nào?" Khi gió không thổi thì tĩnh lặng, mọi người đều cảm nhận được điều ấy, họ đều nhận biết được là không có gió. Nhưng với sự biến diệt của hư không thì sẽ như thế nào? Nếu hư không bị biến hoại hoàn toàn thì sẽ ra sao? Hư không có thể diệt mất chăng? Vốn hư không là vô hình vô tướng, làm sao mà biến diệt được? Vốn hư không chẳng thể nào bị tiêu hủy. Thế nên Đức Phật có chủ ý khi hỏi A-nan vấn đề nầy.



"Lại nếu có sinh diệt, thì không gọi là hư không. Đã gọi là hư không, làm sao lại phát ra gió được?"



Nếu có sự sinh diệt trong hư không, thì nó đã không được gọi là hư không, nó sẽ được gọi là cái có sắc có tướng. Chẳng hạn, gió có thể động có thể tĩnh, vì gió là đối tượng của sinh diệt. Vậy nên gió được xem là một loại sắc tướng, không phải là hư không. Hư không được gọi là hư không vì trong nó chẳng có gì hết thảy; làm sao gió sinh khởi trong đó được? Có vết tích nào của gió biểu hiện nó sinh khởi từ hư không chăng? Có còn dấu tích nào trong đó chăng? Dấu tích ấy như thế nào? Chẳng thấy gì cả. Đây là bằng chứng cho thấy gió không sinh ra từ hư không.



Kinh văn:



若風自生, 彼拂之面。從彼面生,當應拂汝。自汝整衣, 云何倒拂?



Nhược phong tự sanh, bỉ phất chi diện, tùng bỉ diện sanh, đương ưng phất nhữ. Tự nhữ chỉnh y, vân hà đáo phất?



Nếu gió sinh ra do nơi mặt người bị chéo y phất, đã do nơi mặt người kia sinh ra, lẽ ra phải phất lại ông. Sao tự ông chỉnh y mà gió phất ngược lại người kia?



Giảng:



"Nếu gió sinh ra do nơi mặt người bị chéo y phất–Nếu ông cho rằng gió sinh ra từ khuôn mặt của người bên cạnh bị chéo y phất qua–đã do nơi mặt người kia sinh ra, lẽ ra phải phất lại ông. Có lý khi gió phất vào mặt người kia là sẽ phất vào ông. Sao tự ông chỉnh y mà gió phất ngược lại người kia? Vì sao mỗi khi ông tự chỉnh y thì gió lại phất qua mặt người khác? Nếu gió phát sinh từ mặt người bên cạnh, thì lẽ ra nó phải phất vào ông trước. Thế thì tại sao khi ông chỉnh y thì gió từ chéo y trước hết lại thổi qua mặt người bên cạnh?"



Kinh văn:



汝審諦觀, 整衣在汝, 面屬彼人, 虛空寂然, 不參流動。風自誰方, 鼓動來此?



Nhữ thẩm đế quán, chỉnh y tại nhữ, diện thuộc bỉ nhân, hư không tịch nhiên, bất tham lưu động. Phong tự thuỳ phương, cổ động lai thử?



Ông hãy xét kỹ, sửa áo là do ông, mặt thuộc người kia, hư không tịch lặng, không dự vào sự lay động. Vậy gió từ phương nào giong ruổi đến đây?



Giảng:



"A-nan, Ông hãy xét kỹ– ông hãy suy xét điều nầy tường tận tỉ mỉ–sửa áo là do ông. Chính ông là người chỉnh lại y phục của mình. Mặt thuộc người kia. Khuôn mặt là của người khác. Hư không tịch lặng. Không có chút nào lay động từ hư không, như thể đang ngủ, ngủ rất ngon không một chút động đậy. Ngay cả hơi thở cũng lắng luôn. Có người nói rằng giống như người chết, nhưng người chết còn có hình tướng, trong khi hư không chẳng có hình tướng. Nó tịch nhiên bất động, và hoàn toàn "không dự vào sự lay động," trong khi gió thổi tới thổi lui, lưu chuyển như nước. "Vậy gió từ phương nào giong ruổi đến đây?" Phong đại từ đâu đến?






[i] . 隨 緣 不變,不變隨 緣; e: Accords with conditions yet does not change. Does not change yet accords with conditions.




[ii] . e: no ice in addition to the water.




[iii] . Kinh Pháp Hoa. Phẩm Tín giải.




[iv] . 微塵; e: motes of dust, fine motes of dust.




[v] . 鄰虛塵; e: motes of dust bordering on (upon) emptiness.






[vi] . Bản tiếng Anh bị thiếu một đoạn tương đương bản Hán: Cánh tích lân hư, tức thật không tánh.




[vii] . 色e: form




[viii] . 燧 Toại: dụng cụ để lấy lửa (thời thái cổ); Kim toại 金燧,Dương toại 陽燧: đồ dùng để lấy lửa ở mặt trời, như một loại kính lúp ngày nay; Mộc toại 木燧: đồ dùng để lấy lửa ở cây.




[ix] . e: speculum; fire-mirror: kính viễn vọng phản xạ.




[x] . Hán dịch là Thu lộ鶖鷺, 秋露Cù dục鴝鵒,鸜鵒. Cựu dịch là Thân tử身子. Do nhầm chữ Śāri với chữ śārīra (thân thể). Còn gọi là Ưu-ba-đề-xá, Ưu-ba-đế-tu (s:Upatiṣya, p: Upatīṣya)優波提舍, 優波帝須. Nghĩa là Đại Quang大光, là họ của cha.




[xi] . Brāhmaṇa. Còn gọi là Bà-la-hạ-ma-noa婆囉賀磨拏, Bà-la-hạp-mạt-noa婆羅欱末拏, Một-la-hám-noa沒囉憾摩. Ý dịch là Tịnh hạnh淨行, Phạm hạnh梵行, Phạm chí梵志, Thừa tập承習. Trong 4 chủng tánh ở Ấn Độ, đây là tầng lớp tăng lữ, tầng lớp học giả cao nhất, chi phối mọi hoạt động tri thức trong thời cổ Ấn Độ. Họ tự nhận là chủng tánh trội nhất trong xã hội.




[xii] . Uruvilvā-kāśyapa, p:Uruvela-kassapa. Là một trong ba vị đệ tử của Đức Phật. Ưu-lâu-tần-loa (s:Uruvilvā) là địa danh, thuộc phía Nam bờ sông Ni-liên-thuyền.



Ca-diếp 迦葉(s:Kāśyapa) là họ. Còn gọi là Kỳ niên Ca-diếp耆年迦葉. Khi chưa quy y Phật, ông cùng hai người em là Già-da Ca-diếp伽耶迦葉(s:Gayā-kāśyapa) và Na-đề Ca-diếp 那提迦葉(s:Nadī-kāśyapa)đều theo ngoại đạo thờ lửa. Vì trên đầu có búi tóc, nên còn được gọi là Loa Kế Phạm chí 螺髮梵志(s: Jaṭila).




[xiii] . Hán dịch Đại Quy thị; e: Turtle clan. Rất gần với ý nghĩa Hà đồ của Trung Hoa.


[xiv] . s: Gautama,Gotama; p: Gotama. Là một dòng họ thuộc giai cấp Sát-đế lợi. Hán dịch là Địa tối thắng, Nhật chủng, Cam giá chủng. Vào thời xa xưa, có vị Bồ-tát làm vua, cha mẹ mất sớm, nên theo một vị Bà-la-môn học đạo, ở trong một vườn mía. Người thời đó gọi vị thầy là Đại Cù-đàm, gọi vị Bồ-tát học đạo là Tiểu Cù-đàm. Lúc ấy trong nước có 500 tên cướp lấy tài sản của quan, khi chạy trốn đi qua vườn mía, chôn dấu của cướp được khắp nơi trong vườn. Khi quan quân truy tìm đến nơi, cho rằng vị Bồ-tát (Tiểu Cù-đàm) là kẻ cướp, mới bắt rồi dùng cây đánh đập, máu huyết rơi thấm đất thành bùn. Vị thầy là Đại Cù-đàm có thiên nhãn nên biết được, khóc thương rơi nước mắt; bèn lấy chút máu huyết của vị Bồ-tát (Tiểu Cù-đàm) còn sót lại hoà cùng bùn đất, rồi phát lời cầu nguyện, nếu vị Bồ-tát (Tiểu Cù-đàm) nầy thành tâm, xin thiên thần biến máu huyết trở lại thành người. Qua 10 tháng, hình nhân bên tả biến thành người nam, bên hữu biến thành người nữ, về sau sống cùng nhau lập thành dòng họ Cù-đàm. (Theo Thập nhị du kinh).




[xv] . Śākya. Ý dịch là Năng nhân能仁. Là tên gọi chủng tộc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Là một trong 5 họ của Đức Phật.Thích-ca là một dòng họ (bộ tộc) trong thời cổ Ấn Độ, thuộc giai cấp võ sĩ. Là thị tộc Nhã-lợi-an雅利安 trong hệ Nhật chủng 日種(s: Sūryavaṃśa, hậu duệ của Cam Giá vương甘蔗王(s: Ikṣvāku) Đức Phật xuất thân từ dòng họ nầy. Do vạy nên gọi là Thích-ca Mâu-ni (s: Śākya-muni) có nghĩa là bậc Thánh của dòng họ Thích-ca.




[xvi] . Nguyên văn: 決之東流則東流, 決之北流則北流.




[xvii] . s: Kapila: 迦毗羅仙; e: Religion of the Yellow-haired. Thủy tổ của phái Số luận ngoại đạo. Còn gọi là Kiếp-tỳ-la tiên劫比羅仙, Ca-tỳ-lợi tiên迦毘梨仙, Khẩn-bế-la tiên緊閉羅仙, Ca-di-la tiên迦夷羅仙, Kha-bài-la tiên柯箄羅仙. Gọi chung là Ca-tỳ-la đại tiên迦毘羅大仙. Ý dịch là Hoàng đầu tiên黃頭仙, Quy chủng tiên龜種仙, Kim đầu tiên金頭仙, Xích sắc tiên赤色仙. Do râu tóc, sắc mặt của vị nầy đều có màu vàng đỏ, nên có tên như vậy. Sinh ra ước chừng 6 thế kỷ TTL. Vừa mới sinh ra tự nhiên đã có đủ 4 đức: pháp, trí, li dục, tự tại. Thấy thế gian mê muội nên khởi tâm từ bi, trước tiên giảng 25 nghĩa đế cho Bà-la-môn A-tu-lợi 阿修利(s: Asuri, sau thuyết pháp cho Bàn-già-thi-ha 般遮尸訶(s: Pañcaśikha). Giáo lý do ông giảng gồm 10 ngàn bài kệ. Gọi là Tăng khư luận. Ngày nay giới học giả nghiên cứu cho rằng Ca-tỳ-la đại tiên là nhân cách hóa của Kim thai thần 金胎神(s:Hiraṇyagarbha). Nhưng trong sử truyện thì hoàn toàn không có tên nầy. Nên đến nay giả thuyết nầy vẫn chưa xác định.




[xviii] . s: cakra, p: cakka. Hán dịch là Luân sơn 輪 山 .




[xix] . s: padma, p: paduma. Hán dịch là Xích liên hoa 赤蓮花. Có hình dáng như mặt trời mặt trăng, do ngoại đạo thấy được khi trong định, do đó nên có tên như vậy. (Lăng Nghiêm Trực Chỉ. Thiền sư Đan Hà. )


[xx] . s: hasta. Hán dịch là Trì 池, sự thủy 事 水. Đây là các vị tu theo ngoại đạo thờ nước, có thần thông biến hóa, sống lâu đến 8 vạn kiếp. Người đời gọi họ là Tiên nhân hoặc Đại huyễn sư.






[xxi] . e: Former Brahma Heaven Mantra.




[xxii] . e: moon-essence; essence of the moon. Theo kinh Phật ghi lại, Thiên tử Nguyệt cung chính là ứng thân của Bồ-tát Đại Thế Chí. Ngài hóa thân vào đó để giáo hóa thiên chúng. Nguyệt cung cao rộng mỗi bề 49 do tuần, do chất thủy tinh quý kết thành, có thể tiết ra thứ nước tinh khiết. Ở nguyệt cung vốn không có tối sáng. Do thấy mặt trời mặt trăng quay quanh núi Tu-di, ở thế gian thấy có đầy vơi, nên gọi nửa tháng đầu là bạch nguyệt (sáng trăng), nửa tháng sau là hắc nguyệt (không trăng). (Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Ký–Hải Nhân Pháp Sư.)




[xxiii] . Viết tắt của Lysergic Acid Diethylamide. Một loại ma túy (hallucinogenic) gây ảo giác cực mạnh.




[xxiv] . Tương truyền vào năm Nhâm tí, tháng Nhâm tí, ngày Nhâm tí, dùng đá ngũ phương mà chế thành, có hình dáng như con thiềm thừ, gọi là phương chư. Tức là hạt châu dùng để lấy nước (Thủ thủy châu). Dùng cái mâm, đặt hạt châu phương chư lên đó, hướng về mặt trăng, tự nhiên từ trong hạt châu sẽ tiết ra nước.(Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Ký–Hải Nhân Pháp Sư.)


[xxv] . c: kungfu; e: spiritual skill.




[xxvi] . Mười pháp giới, trừ cõi giới chư Phật. Theo tinh thần Thập pháp giới thành Phật của Tích môn từ Kinh Pháp Hoa, thì 10 pháp giới của chúng sinh từ địa ngục đều thành Phật. Trong đó cõi giới Phật đã thành tựu rồi nên không đề cập nữa. Chín pháp giới đó là: Bồ-tát, Duyên giác,Thanh văn,Thiên,Nhân, A-tu-la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục.




[xxvii] . s, p: saṅghātī. Còn gọi là tăng-già-chi僧伽胝, tăng-già-chí僧伽致, tăng-chi伽胝. Do phải dùng từng mảnh vải nhỏ may lại nên còn gọi là Trùng y重衣, Phức y複衣, Trùng phức y重復衣. Y nầy có 9 điều trở lên. Tỷ-khưu bậc hạ hạ phẩm đắp y 9 điều, hạ trung phẩm đắp y 11 điều, hạ thượng phẩm đắp y 13 điều; trung hạ phẩm đắp y 15 điều, trung trung phẩm đắp y 17 điều, trung thượng phẩm đắp y 19 điều; hạ thượng phẩm đắp y 19 điều, thượng hạ phẩm đắp y 21 điều, thượng trung phẩm đắp y 23 điều, thượng thượng phẩm đắp y 25 điều. (theo Tứ phần luật, quyển 4.)




[xxviii] . s: kaṣāya, p: kasāya, kasāva。

*hoại sắc: 壞色 e: mute color.



*li trần phục:離塵服; e: clothing for getting out of the dust.


No comments:

Post a Comment