Wednesday, October 12, 2016

Tập 8: Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm vào pháp giới thứ ba mươi chín (13)

KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Đà
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định



TẬP 8









KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

QUYỂN BẢY MƯƠI SÁU

PHẨM VÀO PHÁP GIỚI
THỨ BA MƯƠI CHÍN

41. MA GIA PHU NHÂN
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

        Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử một lòng muốn đi đến chỗ Ma Gia phu nhân, tức thời đắc được trí huệ quán cảnh giới Phật.
      Bèn nghĩ như vầy: Thiện tri thức nầy xa lìa thế gian. Trụ nơi không chỗ trụ, vượt qua sáu xứ. Lìa tất cả chấp trước. Biết đạo vô ngại, đủ tịnh pháp thân. Dùng nghiệp như huyễn mà hiện hoá thân. Dùng trí như huyễn mà quán thế gian. Dùng nguyện như huyễn mà giữ thân Phật. Thân tuỳ ý sinh, thân không sinh diệt, thân không đến đi, thân chẳng hư thật, thân chẳng biến hoại, thân không khởi tận, thân hết thảy tướng đều một tướng, thân lìa hai bên, thân không y xứ, thân vô cùng tận, thân lìa các phân biệt như ảnh hiện, thân biết như mộng, thân rõ như tượng, thân như mặt trời, thân hoá hiện khắp trong mười phương, thân trụ nơi ba đời không biến đổi, thân chẳng thân tâm, như hư không, chỗ đi vô ngại, con mắt vượt các thế gian, chỉ con mắt thanh tịnh của Phổ Hiền mới thấy được.
      Người như vậy, nay tôi làm sao mà được gần gũi hầu hạ cúng dường, cùng ở với Ngài, quán tướng mạo của Ngài, nghe âm thanh của Ngài, suy gẫm lời nói của Ngài, thọ nhận lời dạy của Ngài?
        Nghĩ như vậy rồi, bèn có Chủ Thành Thần tên là Bảo Nhãn, có quyến thuộc vây quanh, hiện thân ở trong hư không, có đủ thứ vật tốt đẹp dùng làm nghiêm sức, tay cầm vô lượng hoa báu nhiều màu, rải lên trên thân Thiện Tài.
      Nói như vầy: Thiện nam tử! Nên giữ gìn tâm thành, tức là không tham tất cả cảnh giới sinh tử.
      Nên trang nghiêm tâm thành, tức là chuyên tâm hướng về cầu mười lực của Như Lai.
      Nên tịnh trị tâm thành, tức là rốt ráo đoạn trừ tham sẻn, đố kị, xiểm nịnh, gian dối.
      Nên mát mẻ tâm thành, tức là suy gẫm thật tánh tất cả các pháp.
      Nên tăng trưởng tâm thành, tức là thành biện tất cả pháp trợ đạo.
      Nên nghiêm sức tâm thành, tức là tạo lập cung điện các thiền giải thoát.
      Nên chiếu sáng tâm thành, tức là vào khắp đạo tràng tất cả chư Phật, nghe thọ pháp Bát Nhã Ba La Mật.
      Nên tăng ích tâm thành, tức là khắp nhiếp đạo phương tiện của tất cả chư Phật.
      Nên kiên cố tâm thành, tức là luôn siêng tu tập hạnh nguyện Phổ Hiền.
      Nên phòng hộ tâm thành, tức là thường chuyên ngăn ngừa bạn ác ma quân.
      Nên rỗng suốt tâm thành, tức là mở dẫn trí quang minh của tất cả chư Phật.
      Nên khéo bồi bổ tâm thành, tức là nghe thọ pháp của tất cả chư Phật nói.
      Nên phù trợ tâm thành, tức là tin sâu biển công đức của tất cả chư Phật.
      Nên rộng lớn tâm thành, tức là đại từ khắp cùng tất cả thế gian.
      Nên khéo che tâm thành, tức là tích tập các pháp lành dùng che phía trên tâm.
      Nên rộng rãi tâm thành, tức là đại bi thương xót tất cả chúng sinh.
      Nên mở cửa tâm thành, tức là đều xả bỏ hết thảy tuỳ chỗ đáng được bố thí cấp cho.
      Nên mật hộ tâm thành, tức là phòng các ác dục đừng để cho vào được.
      Nên nghiêm túc tâm thành, tức là đuổi các pháp ác đừng để nó ở trong tâm.
      Nên quyết định tâm thành, tức là tập nhất thiết trí pháp trợ đạo, luôn không thối chuyển.
      Nên an lập tâm thành, tức là chánh niệm hết thảy cảnh giới của tất cả chư Phật ba đời.
      Nên sáng bóng tâm thành, tức là thấu rõ thông đạt hết thảy pháp môn đủ thứ duyên khởi trong chánh pháp luân Tu Đa La của tất cả chư Phật.
      Nên bộ phận tâm thành, tức là bảo khắp cho tất cả chúng sinh biết rõ, đều khiến cho họ được thấy đạo nhất thiết trí.
      Nên trụ trì tâm thành, tức là phát các biển đại nguyện của tất cả chư Phật ba đời.
      Nên phú quý tâm thành, tức là tích tập chứa nhóm đại phước đức khắp cùng tất cả pháp giới.
      Nên khiến cho tâm thành thấu rõ, tức là khắp biết pháp căn tánh dục niệm của chúng sinh.
      Nên khiến cho tâm thành tự tại, tức là khắp nhiếp tất cả mười phương pháp giới.
      Nên khiến cho tâm thành thanh tịnh, tức là chánh niệm tất cả chư Phật Như Lai.
      Nên biết tự tánh tâm thành, tức là biết tất cả pháp đều không có tự tánh.
      Nên biết tâm thành như huyễn, tức là dùng nhất thiết trí thấu rõ tánh các pháp.
      Phật tử! Nếu đại Bồ Tát tịnh tu tâm thành như vậy, thì sẽ tích tập được tất cả pháp lành. Tại sao? Vì trừ bỏ được tất cả các chướng nạn. Đó là: Nạn thấy Phật, nạn nghe pháp, nạn cúng dường Như Lai, nạn nhiếp các chúng sinh, nạn tịnh cõi Phật.
      Thiện nam tử! Đại Bồ Tát nhờ lìa các chướng nạn như vậy, nếu phát tâm cầu thiện tri thức, thì chẳng dụng công sức, liền sẽ thấy được, cho đến rốt ráo tất sẽ thành Phật.
        Bấy giờ, có Thân Chúng Thần tên là Liên Hoa Pháp Đức và Diệu Hoa Quang Minh, vô lượng các Thần vây quanh trước sau, ra khỏi đạo tràng, trụ ở trong hư không, ở trước Thiện Tài, dùng âm thanh vi diệu, khen ngợi Ma Gia phu nhân. Từ bông tai của Ma Gia phu nhân, phóng ra vô lượng lưới quang minh sắc tướng, chiếu khắp vô biên thế giới chư Phật, khiến cho Thiện Tài thấy tất cả chư Phật mười phương cõi nước. Lưới quang minh đó, nhiễu bên phải thế gian một vòng, rồi sau đó trở về nhập vào đỉnh đầu của Thiện Tài, cho đến vào khắp các lỗ chân lông trên thân.
      Thiện Tài lập tức đắc được mắt quang minh thanh tịnh, nên vĩnh viễn lìa tất cả tối ngu si. Lìa được màn mắt, nên thấu rõ tánh của tất cả chúng sinh. Lìa được mắt dơ bẩn, nên quán sát được tất cả môn pháp tánh. Đắc được mắt huệ thanh tịnh, nên quán sát được tánh tất cả cõi Phật. Đắc được mắt Tỳ Lô Giá Na, nên thấy pháp thân của Phật. Đắc được mắt phổ quang minh, nên thấy thân Phật bình đẳng không nghĩ bàn. Đắc được mắt quang minh vô ngại, nên quán sát được tất cả biển cõi thành hoại. Đắc được mắt chiếu khắp, nên thấy được mười phương chư Phật khởi đại phương tiện chuyển bánh xe chánh pháp. Đắc được mắt khắp pháp giới, nên thấy được vô lượng chư Phật, dùng sức tự tại điều phục chúng sinh. Đắc được mắt thấy khắp, nên thấy được tất cả cõi chư Phật xuất hiện ra đời.
      Bấy giờ, có La Sát Quỷ Vương thủ hộ Bồ Tát pháp đường, tên là Thiện Nhãn, cùng với quyến thuộc một vạn La Sát cùng tụ hội. Ở trong hư không, dùng các hoa đẹp, rải lên trên Thiện Tài, nói như vầy: Thiện nam tử! Bồ Tát thành tựu mười pháp, sẽ được gần gũi các thiện tri thức.
      Những gì là mười pháp? Đó là: Tâm thanh tịnh, lìa các xiểm nịnh gian dối. Đại bi bình đẳng, nhiếp khắp chúng sinh. Biết các chúng sinh, không có chân thật. Hướng về nhất thiết trí, tâm không thối chuyển. Dùng sức tin hiểu, vào khắp đạo tràng tất cả chư Phật. Đắc được mắt huệ thanh tịnh, thấu rõ tánh các pháp. Đại từ bình đẳng, che khắp chúng sinh. Dùng trí huệ quang minh, chiếu thấu những vọng cảnh. Dùng mưa cam lồ, rưới nóng sinh tử. Dùng mắt rộng lớn, soi suốt các pháp. Tâm thường tuỳ thuận các thiện tri thức. Đó là mười.
      Lại nữa Phật tử! Bồ Tát thành tựu mười thứ môn tam muội, thì sẽ thường hiện thấy các thiện tri thức. Những gì là mười? Đó là: Tam muội pháp không thanh tịnh luân. Tam muội quán sát biển mười phương. Tam muội nơi tất cả cảnh giới không xả lìa, không khuyết giảm. Tam muội thấy khắp tất cả chư Phật xuất hiện ra đời. Tam muội tích tập tất cả công đức tạng. Tam muội tâm luôn không bỏ thiện tri thức. Tam muội thường thấy tất cả thiện tri thức sinh công đức chư Phật. Tam muội thường chẳng lìa tất cả thiện tri thức. Tam muội thường cúng dường tất cả thiện tri thức. Tam muội thường ở chỗ tất cả thiện tri thức không có lỗi lầm.
        Phật tử! Bồ Tát thành tựu mười môn tam muội nầy, thì thường được gần gũi các thiện tri thức. Lại được thiện tri thức chuyển tất cả Phật pháp luân tam muội. Đắc được tam muội nầy rồi, đều biết thể tánh chư Phật bình đẳng, nơi nơi đều gặp các thiện tri thức.
        Khi nói lời nầy, thì Thiện Tài đồng tử ngửa mặt lên không mà đáp rằng: Lành thay! Lành thay! Ngài vì thương xót nhiếp thọ tôi, mà phương tiện dạy tôi gặp thiện tri thức, xin hãy vì tôi mà nói. Làm thế nào đi đến chỗ thiện tri thức? Cầu thiện tri thức ở phương xứ thành ấp nào?
      La Sát đáp rằng: Thiện nam tử! Ngươi nên lễ khắp mười phương, để cầu thiện tri thức. Chánh niệm suy gẫm tất cả cảnh giới, để cầu thiện tri thức. Dũng mãnh tự tại du khắp mười phương, để cầu thiện tri thức. Quán thân, quán tâm như mộng, như bóng, để cầu thiện tri thức.
      Bấy giờ, Thiện Tài tiếp thọ lời dạy, lập tức thấy được hoa sen lớn từ dưới đất vọt lên, cộng bằng kim cang, báu đẹp làm tạng, ma ni làm lá, quang minh bảo vương dùng làm đài, hương báu nhiều màu dùng làm nhuỵ, vô số lưới báu che phủ phía trên.
      Trên đài có một lầu quán, tên là Phổ nạp thập phương pháp giới tạng, nghiêm sức kỳ diệu, kim cang làm đất, có ngàn cột thẳng hàng, tất cả đều làm bằng ma ni báu, vách bằng vàng Diêm Phù Đàn, các chuỗi báu thòng rũ tứ phía, thềm bực lan can trang nghiêm khắp chung quanh.
      Trong lầu quán đó, có toà sen báu như ý, có đủ thứ các báu dùng làm nghiêm sức. Lan can báu đẹp, y báu xen lẫn. Trướng báu lưới báu, dùng phủ phía trên. Các phan lụa báu, giăng khắp chung quanh, gió nhẹ thổi động, toả ánh sáng, vang ra âm thanh. Trong tràng hoa báu, mưa xuống các hoa đẹp. Trong lục lạc báu, vang ra âm thanh hay. Giữa những cửa báu, thòng xuống các chuỗi ngọc. Trong thân ma ni, chảy ra nước thơm. Trong miệng voi báu, xuất hiện lưới hoa sen. Trong miệng sư tử, thổi mây diệu hương. Bánh xe báu hình phạm, vang ra tuỳ âm nhạc. Linh kim cang báu, vang ra tiếng đại nguyện của các Bồ Tát. Trong nguyệt tràng báu, xuất hiện hình hoá Phật. Tịnh tạng bảo vương, hiện ra ba đời chư Phật thọ sanh thứ tự. Nhựt tạng ma ni, phóng đại quang minh, chiếu khắp mười phương tất cả cõi Phật. Ma ni bảo vương, phóng ra quang minh viên mãn của tất cả chư Phật. Tỳ Lô Giá Na ma ni bảo vương, nổi mây cúng dường, để cúng dường tất cả chư Phật Như Lai. Châu vương như ý, niệm niệm thị hiện thần biến Phổ Hiền, đầy khắp pháp giới. Tu Di bảo vương, hiện ra cung điện trời, có các thể nữ trên trời, đủ thứ diệu âm, ca xướng khen ngợi công đức Như Lai vi diệu không thể nghĩ bàn.
      Bấy giờ, Thiện Tài thấy toà như vậy, lại có vô lượng chúng ngồi vây quanh. Ma Gia phu nhân đang ngồi trên toà đó, thị hiện sắc thân thanh tịnh ở trước tất cả chúng sinh.
      Đó là: Sắc thân vượt ba cõi, vì đã thoát khỏi tất cả các cõi. Sắc thân tuỳ tâm ưa thích, vì nơi tất cả thế gian không chấp trước. Sắc thân khắp cùng, vì đồng với số tất cả chúng sinh. Sắc thân không gì bằng, vì khiến cho tất cả chúng sinh diệt trừ cái thấy điên đảo. Sắc thân vô lượng thứ, vì tuỳ tâm chúng sinh hiện đủ thứ. Sắc thân vô biên tướng, vì khắp hiện đủ thứ các hình tướng. Sắc thân khắp đối hiện, vì dùng đại tự tại mà thị hiện. Sắc thân hoá tất cả, vì tuỳ theo sở ứng mà hiện tiền. Sắc thân luôn thị hiện, vì tận cõi chúng sinh, mà vô tận. Sắc thân không đi, vì nơi tất cả loài không chỗ diệt.
      Sắc thân không đến, vì nơi các thế gian không chỗ sinh. Sắc thân không sinh, vì không sinh khởi. Sắc thân không diệt, vì lìa lời nói. Sắc thân chẳng thật, vì được như thật. Sắc thân chẳng hư, vì tuỳ thế gian hiện. Sắc thân không động, vì sinh diệt vĩnh viễn lìa khỏi. Sắc thân bất hoại, vì pháp tánh bất hoại. Sắc thân vô tướng, vì lời nói đã dứt. Sắc thân một tướng, vì không tướng làm tướng. Sắc thân như tượng, vì tuỳ tâm ứng hiện.
        Sắc thân như huyễn, vì huyễn trí sinh ra. Sắc thân như diệm, vì chỉ tưởng sở trì. Sắc thân như bóng, vì tuỳ nguyện hiện sinh. Sắc thân như mộng, vì tuỳ tâm mà hiện. Sắc thân pháp giới, vì tánh tịnh như hư không. Sắc thân đại bi, vì thường hộ chúng sinh. Sắc thân vô ngại, vì niệm niệm khắp cùng pháp giới. Sắc thân vô biên, vì khắp tịnh tất cả chúng sinh. Sắc thân vô lượng, vì vượt khỏi tất cả lời nói. Sắc thân không trụ, vì nguyện độ tất cả thế gian.
      Sắc thân không xứ, vì luôn giáo hoá chúng sinh không dứt. Sắc thân không sinh, vì do huyễn nguyện mà thành tựu. Sắc thân không thắng, vì vượt các thế gian. Sắc thân như thật, vì định tâm hiện ra. Sắc thân chẳng sinh, vì tuỳ nghiệp chúng sinh mà xuất hiện. Sắc thân như ý châu, vì khắp mãn nguyện tất cả chúng sinh. Sắc thân không phân biệt, vì chỉ tuỳ chúng sinh phân biệt mà sinh khởi. Sắc thân lìa phân biệt, vì tất cả chúng sinh không biết được. Sắc thân vô tận, vì tận bờ mé sinh tử của các chúng sinh. Sắc thân thanh tịnh, vì đồng với Như Lai không phân biệt.
      Những thân như vậy, chẳng phải sắc, vì hết thảy sắc tướng như hình bóng. Chẳng phải thọ, vì thọ khổ của thế gian rốt ráo đã diệt. Chẳng phải tưởng, vì chỉ tuỳ chúng sinh tưởng mà hiện. Chẳng phải hành, vì nương nghiệp như huyễn mà thành tựu. Chẳng phải thức, vì Bồ Tát nguyện trí không vô tánh, vì lời nói của tất cả chúng sinh đã dứt, vì đã thành tựu được thân tịch diệt.
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử lại thấy Ma Gia phu nhân tuỳ tâm ưa thích của các chúng sinh, mà hiện sắc thân hơn hẳn tất cả thế gian. Đó là: Hoặc hiện thân hơn hẳn Thiên nữ Tha Hoá Tự Tại, cho đến thân hơn hẳn Thiên nữ Tứ Đại Thiên Vương. Hoặc hiện thân hơn hẳn Long nữ, cho đến thân hơn hẳn người nữ thế gian. Hiện vô lượng sắc thân như vậy, để lợi ích chúng sinh, tích tập nhất thiết trí pháp trợ đạo.
      Tu hành bình đẳng bố thí Ba La Mật. Đại bi trùm khắp tất cả thế gian. Sinh ra vô lượng công đức của Như Lai. Tu tập tăng trưởng tâm nhất thiết trí. Quán sát suy gẫm thật tánh các pháp. Đắc được biển nhẫn thâm sâu. Đầy đủ các môn thiền định. Trụ nơi cảnh giới tam muội bình đẳng. Đắc được định viên mãn quang minh của Như Lai. Khô cạn biển cả phiền não của chúng sinh. Tâm thường chánh định chưa từng động loạn. Luôn chuyển bánh xe pháp thanh tịnh bất thối. Khéo biết rõ tất cả Phật pháp. Luôn dùng trí huệ quán pháp thật tướng.
      Thấy các Như Lai tâm không nhàm đủ. Biết chư Phật ba đời thứ tự xuất hiện ra đời. Thấy tam muội của Phật thường hiện tiền. Thấu đạt Như Lai xuất hiện ra đời, vô lượng vô số các đạo thanh tịnh. Đi nơi cảnh giới hư không của chư Phật, nhiếp khắp chúng sinh, đều tuỳ theo tâm họ, để giáo hoá thành tựu. Nhập vào vô lượng pháp thân thanh tịnh của Phật, thành tựu đại nguyện, thanh tịnh cõi nước chư Phật. Rốt ráo điều phục tất cả chúng sinh, tâm luôn vào khắp cảnh giới chư Phật. Sinh ra thần lực tự tại của Bồ Tát. Đã đắc được pháp thân thanh tịnh không nhiễm, mà luôn thị hiện vô lượng sắc thân. Hàng phục tất cả ma lực, thành tựu sức lực căn lành lớn. Sinh ra sức lực chánh pháp, đầy đủ lực của chư Phật. Đắc được lực tự tại của các Bồ Tát, mau chóng tăng trưởng lực nhất thiết trí.
      Đắc được trí huệ quang minh của Phật chiếu khắp tất cả, đều biết biển tâm của vô lượng chúng sinh, căn tánh ham muốn hiểu biết đủ thứ sự khác nhau. Thân đó khắp cùng mười phương biển cõi, đều biết tướng thành hoại các cõi. Dùng mắt rộng lớn, thấy biển mười phương. Dùng trí huệ khắp cùng, biết biển ba đời. Thân phụng sự khắp tất cả biển chư Phật. Tâm luôn nạp thọ tất cả biển các pháp. Tu tập tất cả công đức của Như Lai. Sinh ra tất cả trí huệ của Bồ Tát. Thường thích quán sát tất cả Bồ Tát, từ lúc ban đầu phát tâm, cho đến thành tựu đạo tu hành. Thường siêng giữ gìn tất cả chúng sinh. Thường thích khen ngợi công đức của chư Phật. Nguyện làm mẹ của tất cả Bồ Tát.
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử thấy Ma Gia phu nhân hiện các môn phương tiện, nhiều như số hạt bụi Diêm Phù Đề như vậy. Thấy như vậy rồi, như số thân của Ma Gia phu nhân hiện, Thiện Tài cũng hiện chừng ấy thân, ở trước tất cả chỗ của Ma Gia phu nhân, cung kính lễ bái.
      Lập tức lúc đó, chứng được vô lượng vô số các môn tam muội, phân biệt quán sát, tu hành chứng nhập. Từ tam muội dậy, đi nhiễu quanh bên phải Ma Gia phu nhân, và quyến thuộc của Ngài, rồi đứng chắp tay bạch rằng: Đức Thánh! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi dạy con phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, cầu thiện tri thức, gần gũi cúng dường. Con đều đi đến hầu hạ từng vị thiện tri thức, không có lãng phí, dần dần mới đi đến đây, xin hãy vì con nói: Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh, mà được thành tựu?
      Ma Gia phu nhân đáp rằng: Phật tử! Ta đã thành tựu môn giải thoát Bồ Tát đại nguyện trí huyễn, nên thường làm mẹ của các Bồ Tát.
      Phật tử! Ta ở trong nhà vua Tịnh Phạn, thành Ca Tỳ La cõi Diêm Phù Đề nầy, từ hông bên phải mà sinh thái tử Tất Đạt Đa, hiện thần biến tự tại không thể nghĩ bàn. Như vậy cho đến hết biển thế giới nầy, hết thảy tất cả Tỳ Lô Giá Na Như Lai, đều vào thân ta, thị hiện đản sinh tự tại thần biến.
      Lại nữa thiện nam tử! Khi ta ở cung vua Tịnh Phạn, lúc Bồ Tát sắp hạ sinh, thì ta thấy mỗi mỗi lỗ chân lông trên thân Bồ Tát, đều phóng quang minh, tên là Nhất thiết Như Lai thọ sinh công đức luân. Trong mỗi mỗi lỗ chân lông, đều hiện Bồ Tát thọ sinh trang nghiêm, nhiều như số hạt bụi bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật. Các quang minh đó, thảy đều chiếu khắp tất cả thế giới. Chiếu các thế giới rồi, lại nhập vào đảnh đầu của ta, cho đến vào trong tất cả các lỗ chân lông trên thân ta.
      Lại ở trong quang minh đó, khắp hiện danh hiệu của tất cả Bồ Tát, thọ sinh thần biến, cung điện quyến thuộc, năm dục tự vui.
      Lại thấy xuất gia, đi đến đạo tràng, thành Đẳng Chánh Giác, ngồi toà sư tử, Bồ Tát vây quanh, các ông vua cúng dường, vì các đại chúng chuyển bánh xe chánh pháp.
      Lại thấy thuở xưa, khi Như Lai tu hành Bồ Tát đạo, thời ở chỗ chư Phật, cung kính cúng dường, phát bồ đề tâm, tịnh cõi nước Phật. Niệm niệm thị hiện vô lượng hoá thân, đầy khắp mười phương tất cả thế giới, cho đến cuối cùng vào Bát Niết Bàn. Những việc như vậy, thảy đều thấy hết.
      Lại nữa thiện nam tử! Khi quang minh vi diệu đó vào thân ta, thì hình lượng thân ta, tuy vẫn như cũ, nhưng kỳ thật, đã vượt hơn các thế gian. Tại sao? Vì lúc đó thân ta, lượng đồng hư không, đều dung thọ được các cung điện trang nghiêm Bồ Tát mười phương thọ sinh.
      Bấy giờ, khi Bồ Tát từ cung trời Đâu Suất sắp hàng thần, thì có các Bồ Tát, nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật, đều đồng nguyện, đồng hạnh, đồng căn lành, đồng trang nghiêm, đồng giải thoát, đồng trí huệ, các lực, các địa, pháp thân, sắc thân với Bồ Tát, cho đến thần thông hạnh nguyện Phổ Hiền, thảy đều đồng nhau. Các Bồ Tát như vậy, vây quanh trước sau. Lại có tám vạn các Long Vương, và tất cả chủ thế gian, ngồi cung điện của mình, đều đến cúng dường.
      Bấy giờ, Bồ Tát dùng sức thần thông, với các Bồ Tát, khắp hiện tất cả cung trời Đâu Suất. Trong mỗi mỗi cung điện, đều hiện hình tượng thọ sinh trong tất cả thế giới Diêm Phù Đề ở mười phương, phương tiện giáo hoá vô lượng chúng sinh, khiến cho các Bồ Tát lìa các giải đãi, không chấp trước.
      Lại dùng thần lực phóng đại quang minh, chiếu khắp thế gian, phá các đen tối, diệt các khổ não, khiến cho các chúng sinh đều biết hết thảy hạnh nghiệp đời trước, vĩnh viễn thoát khỏi đường ác.
      Lại vì cứu hộ tất cả chúng sinh, khắp hiện ra ở trước họ, hiện các thần biến, hiện các việc kỳ lạ đặc biệt như vậy. Cùng với quyến thuộc tụ hội, đến vào thân ta. Các Bồ Tát đó ở trong bụng ta, du hành tự tại. Hoặc dùng ba ngàn đại thiên thế giới làm một bước. Hoặc dùng các thế giới, nhiều như số hạt bụi bất khả thuyết bất khả thuyết cõi Phật làm một bước.
      Lại ở trong niệm niệm, Bồ Tát chúng hội trong mười phương bất khả thuyết bất khả thuyết tất cả thế giới, chỗ các Như Lai và trời Tứ Thiên Vương, trời Tam Thập Tam, cho đến các cõi trời Phạm Thiên thuộc sắc giới, muốn thấy thần biến của Bồ Tát ở trong thai mẹ, để cung kính cúng dường, nghe thọ chánh pháp, đều vào trong thân ta. Tuy trong bụng ta, đều dung thọ được chúng hội như vậy, mà thân ta chẳng rộng lớn, cũng chẳng nhỏ hẹp. Các Bồ Tát đó, đều thấy nơi chúng hội đạo tràng của mình thanh tịnh nghiêm sức.
      Thiện nam tử! Như Bồ Tát thọ sinh trong bốn thiên hạ cõi Diêm Phù Đề nầy, ta làm mẹ của Ngài. Trong ba ngàn đại thiên thế giới, trăm ức bốn thiên hạ cõi Diêm Phù Đề, cũng lại như thế. Mà thân ta đây, vốn không hai, chẳng phải ở một nơi, chẳng phải ở nhiều nơi. Tại sao? Vì nhờ tu môn giải thoát Bồ Tát đại nguyện trí huyễn trang nghiêm.
      Thiện nam tử! Như nay đức Thế Tôn, ta làm mẹ của Ngài. Thuở xưa, hết thảy vô lượng chư Phật, cũng như vậy, ta cũng từng làm mẹ của các Ngài.
      Thiện nam tử! Xưa kia ta đã từng làm Thần ao sen, thì có Bồ Tát, bỗng nhiên hoá sinh trên tạng hoa sen. Lập tức ta ẵm bồng, săn sóc nuôi dưỡng. Tất cả thế gian đều gọi ta là mẹ của Bồ Tát.
      Lại nữa, thuở xưa khi ta làm Thần bồ đề tràng, thời có Bồ Tát, bỗng nhiên hoá sinh trong lòng của ta, thế gian cũng gọi ta là mẹ của Bồ Tát.
      Thiện nam tử! Có vô lượng thân Bồ Tát cuối cùng, ở trong thế giới nầy, đủ thứ phương tiện thị hiện thọ sinh, ta đều làm mẹ của các Ngài.
      Thiện nam tử! Như ở trong kiếp Hiền thế giới nầy, đời quá khứ đức Phật Câu Lưu Tôn, đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, đức Phật Ca Diếp, đến nay đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, khi hiện thọ sinh, ta đều làm mẹ của các Ngài.
      Trong đời vị lai Bồ Tát Di Lặc, từ cung trời Đâu Suất, khi sắp hàng thần, phóng đại quang minh, chiếu khắp pháp giới, thị hiện thọ sinh thần biến tất cả các chúng Bồ Tát, bèn sinh vào nhân gian dòng dõi quý tộc, điều phục chúng sinh, lúc đó ta cũng sẽ làm mẹ của Ngài.
      Thứ tự như vậy, có Phật Sư Tử, Phật Pháp Tràng, Phật Thiện Nhãn, Phật Tịnh Hoa, Phật Hoa Ðức, Phật Ðề Xá, Phật Phất Sa, Phật Thiện Ý, Phật Kim Cang, Phật Ly Cấu, Phật Nguyệt Quang, Phật Trì Cự, Phật Danh Xưng, Phật Kim Cang Thuẩn, Phật Thanh Tịnh Nghĩa, Phật Cám Thân, Phật Ðáo Bỉ Ngạn, Phật Bửu Diệm Sơn, Phật Trì Minh, Phật Liên Hoa Ðức, Phật Danh Xưng, Phật Vô Lượng Công Ðức, Phật Tối Thắng Ðăng, Phật Trang Nghiêm Thân, Phật Thiện Oai Nghi, Phật Từ Ðức.
      Phật Vô Trụ, Phật Ðại Oai Quang, Phật Vô Biên Âm, Phật Thắng Oán Ðịch, Phật Ly Nghi Hoặc, Phật Thanh Tịnh, Phật Ðại Quang, Phật Tịnh Tâm, Phật Vân Ðức, Phật Trang nghiêm Ðảnh Kế, Phật Thọ Vương, Phật Bửu Ðăng, Phật Hải Huệ, Phật Diệu Bửu, Phật Hoa Quan, Phật Mãn Nguyện, Phật Ðại Tự Tại, Phật Diệu Ðức Vương, Phật Tối Tôn Thắng, Phật Chiên Ðàn Vân, Phật Cám Nhãn, Phật Thắng Huệ, Phật Quán Sát Huệ, Phật Xí Thạnh Vương, Phật Kiên Cố Huệ, Phật Tự Tại Danh, Phật Sư Tử Vương, Phật Tự Tại, Phật Tối Thắng Ðảnh, Phật Kim Cang Trí Sơn, Phật Diệu Ðức Tạng, Phật Bửu Võng Nghiêm Thân, Phật Thiện Huệ, Phật Tự Tại Thiên, Phật Ðại Thiên Vương, Phật Vô Y Ðức, Phật Thiện Thí, Phật Diệm Huệ, Phật Thủy Thiên.
      Phật Ðắc Thượng Vị, Phật Xuất Sanh Vô Thượng Công Ðức, Phật Tiên Nhân Thị Vệ, Phật Tùy Thế Ngữ Ngôn, Phật Công Ðức Tự Tại Tràng, Phật Quang Tràng, Phật Quán Thân, Phật Diệu Thân, Phật Hương Diệm, Phật Kim Cang Bửu Nghiêm, Phật Hỉ Nhãn, Phật Ly Dục, Phật Cao Ðại Thân, Phật Tài Thiên, Phật Vô Thượng Thiên, Phật Thuận Tịch Diệt, Phật Trí Giác, Phật Diệt Tham, Phật Ðại Diệm Vương, Phật Tịch Chư Hữu, Phật Tỳ Xá Khư Thiên, Phật Kim Cang Sơn, Phật Trí Diệm Ðức, Phật An Ổn, Phật Sư Tử Xuất Hiện, Phật Viên Mãn Thanh Tịnh, Phật Thanh Tịnh Hiền, Phật Ðệ Nhất Nghĩa, Phật Bá Quang Minh, Phật Tối Tăng Thượng, Phật Thâm Tự Tại, Phật Ðại Ðịa Vương, Phật Trang Nghiêm Vương, Phật Giải Thoát, Phật Diệu Âm, Phật Thù Thắng, Phật Tự Tại.
      Phật Vô Thượng Y Vương, Phật Công Ðức Nguyệt, Phật Vô Ngại Quang, Phật Công Ðức Tụ, Phật Nguyệt Hiện, Phật Nhựt Thiên, Phật Xuất Chư Hữu, Phật Dũng Mãnh Danh Xưng, Phật Quang Minh Môn, Phật Ta La Vương, Phật Tối Thắng, Phật Dược Vương, Phật Bửu Thắng, Phật Kim Cang Huệ, Phật Vô Năng Thắng, Phật Vô Năng Ánh Tế, Phật Chúng Hội Vương, Phật Ðại Danh Xưng, Phật Mẫn Trì, Phật Vô Lượng Quang, Phật Ðại Nguyện Quang, Phật Pháp Tự Tại Bất Hư, Phật Bất Thối Ðịa, Phật Tịnh Thiên, Phật Thiện Sư, Phật Kiên Cố Khổ Hạnh, Phật Nhất Thiết Thiện Hữu.
      Phật Giải Thoát Âm, Phật Du Hí Vương, Phật Diệt Tà Khúc, Phật Chiêm Bặc Tịnh Quang, Phật Cụ Chúng Ðức, Phật Tối Thắng Nguyệt, Phật Chấp Minh Cự, Phật Thù Diệu Thân, Phật Bất Khả Thuyết, Phật Tối Thanh Tịnh, Phật Hữu An Chúng Sanh, Phật Vô Lượng Quang, Phật Vô Úy Âm, Phật Thủy Thiên Ðức, Phật Bất Ðộng Huệ Quang, Phật Hoa Thắng, Phật Nguyệt Diệm, Phật Bất Thối Huệ, Phật Ly Ái, Phật Vô Trước Huệ, Phật Tập Công Ðức Uẩn, Phật Diệt Ác Thú, Phật Phổ Tán Hoa, Phật Sư Tử Hống, Phật Ðệ Nhất Nghĩa, Phật Vô Ngại Kiến, Phật Phá Tha Quân, Phật Bất Trước Tướng, Phật Ly Phân Biệt Hải, Phật Ðoan Nghiêm Hải, Phật Tu Di Sơn.
      Phật Vô Trước Trí, Phật Vô Biên Tòa, Phật Thanh Tịnh Trụ, Phật Tùy Sư Hành, Phật Tối Thượng Thí, Phật Thường Nguyệt, Phật Nhiêu Ích Vương, Phật Bất Ðộng Tụ, Phật Phổ Nhiếp Thọ, Phật Nhiêu Ích Huệ, Phật Trì Thọ, Phật Vô Diệt, Phật Cụ Túc Danh Xưng, Phật Ðại Oai Lực, Phật Chủng Chủng Sắc Tướng, Phật Vô Tướng Huệ, Phật Bất Ðộng Thiên, Phật Diệu Ðức Nan Tư, Phật Mãn Nguyệt, Phật Giải Thoát Nguyệt, Phật Vô Thượng Vương, Phật Hi Hữu Thân, Phật Phạm Cúng Dường, Phật Bất Thuấn, Phật Thuận Tiên Cổ, Phật Tối Thượng Nghiệp, Phật Thuận Pháp Trí, Phật Vô Thắng Thiên, Phật Bất Tư Nghì Công Ðức Quang, Phật Tùy Pháp Hành, Phật Vô Lượng Hiền, Phật Phổ Tùy Thuận Tự Tại, Phật Tối Tôn Thiên. Như vậy cho đến đức Lâu Chí Như Lai, trong kiếp Hiền, sẽ thành Phật nơi ba ngàn đại thiên thế giới nầy, ta đều làm mẹ của các Ngài.
      Như trong ba ngàn đại thiên thế giới nầy, trong biển thế giới mười phương vô lượng các thế giới, tất cả kiếp như vậy, như có người tu hành hạnh nguyện Phổ Hiền, vì giáo hoá tất cả các chúng sinh, ta tự thấy thân mình, đều làm mẹ của các Ngài.
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử bạch Ma Gia phu nhân rằng: Đức Thánh! Ngài đắc được môn giải thoát nầy, đến nay đã được bao lâu?
      Ma Gia phu nhân đáp rằng: Thiện nam tử! Vào thuở xa xưa, trải qua số kiếp không thể nghĩ bàn, chẳng phải thần thông đạo nhãn của Bồ Tát thân cuối cùng biết được. Lúc bấy giờ, có kiếp tên là Tịnh Quang. Thế giới tên là Tu Di Đức, tuy có các núi, năm loài cùng ở với nhau. Nhưng cõi nước đó, làm bằng các báu, thanh tịnh trang nghiêm, không có sự dơ bẩn xấu ác. Có ngàn ức bốn thiên hạ, có một bốn thiên hạ tên là Sư Tử Tràng. Trong đó có tám mươi ức thành vua, có một thành vua tên là Tự Tại Tràng, có vị Chuyển Luân Vương tên là Đại Oai Đức.
      Hướng bắc thành vua đó, có một đạo tràng, tên là Mãn Nguyệt Quang Minh, vị Thần đạo tràng đó, tên là Từ Đức. Bấy giờ, có vị Bồ Tát hiệu là Ly Cấu Tràng, ngồi nơi đạo tràng sắp thành Chánh Giác, thì có một ác quỷ, tên là Kim Sắc Quang, cùng với quyến thuộc vô lượng chúng tụ hội, đi đến chỗ Bồ Tát.
      Chuyển Luân Thánh Vương Đại Oai Đức đó, đã đắc được thần thông tự tại của Bồ Tát, hoá làm binh chúng, số nhiều gấp bội, vây quanh đạo tràng, quân ma sợ hãi, đều tự tan rã, cho nên Bồ Tát đó thành tựu A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
        Bấy giờ, vị Thần Đạo Tràng thấy việc đó rồi, hoan hỉ vô lượng, bèn nghĩ tưởng vị Chuyển Luân Thánh Vương đó là con của mình. Bèn đảnh lễ đức Phật, phát nguyện rằng: Tương lai vị Chuyển Luân Thánh Vương nầy sinh ở chỗ nào, cho đến khi thành Phật, nguyện cho tôi thường được làm mẹ của Ngài. Phát nguyện đó rồi, ở nơi đạo tràng đó, lại từng cúng dường mười Na do tha vị Phật.
      Thiện nam tử! Ý ngươi như thế nào? Vị Thần Đạo Tràng đó đâu phải là người nào khác, chính là thân ta vậy. Còn vị Chuyển Luân Thánh Vương đó, nay là đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na vậy.
      Từ đó ta phát nguyện đến nay, đức Phật Thế Tôn nầy ở trong mười phương cõi nước tất cả các loài, nơi nơi thọ sinh, đủ thứ căn lành, tu Bồ Tát hạnh, giáo hoá thành tựu tất cả chúng sinh, cho đến thị hiện trụ thân cuối cùng. Niệm niệm khắp tất cả thế giới, thị hiện Bồ Tát thọ sinh thần biến, thường làm con của ta, ta thường làm mẹ của Ngài.
      Thiện nam tử! Quá khứ, hiện tại, mười phương thế giới, vô lượng chư Phật lúc sắp thành Phật, đều ở nơi rốn phóng đại quang minh, để chiếu đến thân ta và cung điện nhà cửa chỗ của ta ở. Thân cuối cùng của các Ngài, ta đều làm mẹ của các Ngài.
      Thiện nam tử! Ta chỉ biết môn giải thoát Bồ Tát đại nguyện trí huyễn nầy. Như các đại Bồ Tát đủ đại bi tạng, giáo hoá chúng sinh, thường không nhàm đủ. Dùng sức tự tại, trong mỗi mỗi lỗ chân lông, thị hiện vô lượng thần biến của chư Phật. Nay ta làm sao biết được, nói được, những hạnh công đức đó?
      Thiện nam tử! Tại cõi trời Tam Thập Tam thế giới nầy, có ông vua tên là Chánh Niệm. Ông vua đó có người con gái, tên là Thiên Chủ Quang. Ngươi đi đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo?
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử cung kính thọ nhận lời dạy của Ma Gia phu nhân, bèn cuối đầu làm lễ, rồi đi nhiễu quanh vô lượng vòng, ái mộ chiêm ngưỡng, từ tạ mà đi.

42. CÔ GÁI THIÊN CHỦ QUANG
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

        Thiện Tài đi đến cung trời, thấy vị Thiên nữ đó, bèn đảnh lễ, đi nhiễu quanh bên phải, chắp tay đứng ở trước vị Thiên nữ bạch rằng: Đức Thánh! Con từ trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Con nghe đức Thánh khéo chỉ dạy, xin hãy vì con mà nói.
      Thiên nữ đáp rằng: Thiện nam tử! Ta đắc được Bồ Tát giải thoát, tên là Vô Ngại Niệm Thanh Tịnh Trang Nghiêm.
        Thiện nam tử! Ta nhờ sức giải thoát nầy, mà nghĩ nhớ lại quá khứ có kiếp tối thù thắng, tên là Thanh Liên Hoa. Ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số cát sông Hằng. Các đức Như Lai đó, từ lúc ban đầu xuất gia, ta đều thờ phụng, hộ trì cúng dường, tạo Tăng già lam, sắm sửa vật dụng.
      Lại nữa chư Phật đó, từ lúc làm Bồ Tát ở trong thai mẹ, lúc đản sinh, lúc đi bảy bước, lúc đại sư tử hống, lúc còn nhỏ ở trong cung, lúc hướng về cội bồ đề thành Chánh Giác, lúc chuyển bánh xe pháp, hiện Phật thần biến, giáo hoá điều phục chúng sinh, tất cả những việc làm như vậy, từ lúc ban đầu phát tâm, cho đến lúc pháp diệt tận, ta đều nhớ rõ, không sót thừa, thường hiện ra ở trước, nhớ trì không quên.
      Lại nhớ kiếp quá khứ tên là Thiện Địa, ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số hạt bụi mười sông Hằng.
Lại kiếp quá khứ tên là Diệu Đức, ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số hạt bụi một Phật thế giới.
Lại kiếp quá khứ tên là Vô Sở Đắc, ta ở trong kiếp đó, cúng dường tám mươi bốn ức trăm ngàn Na do tha chư Phật Như Lai.
Lại kiếp quá khứ tên là Thiện Quang, ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số hạt bụi cõi Diêm Phù Đề.
Lại kiếp quá khứ tên là Vô Lượng Quang, ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số cát hai mươi sông Hằng.
Lại kiếp quá khứ tên là Tối Thắng Đức, ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số cát một sông Hằng.
Lại kiếp quá khứ tên là Thiện Bi, ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số cát tám mươi sông Hằng.
Lại kiếp quá khứ tên là Thắng Du, ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số cát sáu mươi sông Hằng.
Lại kiếp quá khứ tên là Diệu Nguyệt, ta ở trong kiếp đó, cúng dường chư Phật Như Lai, nhiều như số cát bảy mươi sông Hằng.
      Thiện nam tử! Ta nghĩ nhớ số kiếp, nhiều như số cát sông Hằng như vậy, ta thường không bỏ chư Phật Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Ta từ chỗ tất cả các Như Lai đó, nghe được giải thoát Bồ Tát vô ngại niệm thanh tịnh trang nghiêm, thọ trì tu hành luôn không quên mất. Những kiếp trước kia như vậy, hết thảy Như Lai từ lúc ban đầu làm Bồ Tát, cho đến pháp diệt hết, tất cả những việc làm, ta nhờ sức giải thoát Tịnh trang nghiêm, đều tuỳ theo nghĩ nhớ, thấu rõ hiện tiền, thọ trì tu hành, chưa từng lười bỏ.
      Thiện nam tử! Ta chỉ biết giải thoát Vô ngại niệm thanh tịnh nầy. Như các đại Bồ Tát thoát khỏi đêm dài sinh tử, sáng suốt thấu rõ, vĩnh lìa si tối, chưa từng mê ngủ, tâm không bị che chướng, thân luôn nhẹ nhàng. Nơi các pháp tánh, thanh tịnh tỏ ngộ, thành tựu mười lực, khai ngộ quần sinh, mà ta làm sao biết được, nói được, những hạnh công đức đó?
      Thiện nam tử! Ở trong thành Ca Tỳ La có vị đồng tử sư, tên là Biến Hữu. Ngươi hãy đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Tu Bồ Tát đạo?
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử nhờ nghe pháp, nên hoan hỉ nhảy nhót, căn lành không nghĩ bàn, tự nhiên thêm lớn. Thiện Tài đảnh lễ Thánh nữ, đi nhiễu quanh vô lượng vòng, rồi từ tạ mà đi.

43. ĐỒNG TỬ SƯ BIẾN HỮU
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

      Thiện Tài từ cung trời trở về nhân gian, đi từ từ đến thành Ca Tỳ La, đến chỗ vị Biến Hữu đảnh lễ, đi nhiễu quanh bên phải, chắp tay cung kính, đứng về một bên, bạch rằng: Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Con nghe đức Thánh khéo chỉ dạy, xin hãy vì con mà nói.
      Vị Biến Hữu đáp rằng: Thiện nam tử! Ở nơi đây có vị đồng tử, tên là Thiện Tri Chúng Nghệ, học Bồ Tát tự trí. Ngươi đi đến đó hỏi, vị đó sẽ vì ngươi mà nói.

44. THIỆN TRI CHÚNG NGHỆ ĐỒNG TỬ
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

        Bấy giờ, Thiện Tài liền đi đến chỗ vị Thiện Tri Chúng Nghệ đồng tử, đảnh lễ cung kính, đứng về một bên, bạch rằng: Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Con nghe đức Thánh khéo chỉ dạy, xin hãy vì con mà nói.
      Bấy giờ, đồng tử bảo Thiện Tài rằng: Thiện nam tử! Ta đắc được Bồ Tát giải thoát, tên là Thiện tri chúng nghệ. Ta luôn xướng trì tự mẫu nầy.
        Khi xướng chữ A, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Dùng Bồ Tát oai lực, nhập vào cảnh giới không khác biệt.
      Khi xướng chữ Đa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Vô biên môn sai biệt.
      Khi xướng chữ Ba, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Phổ chiếu pháp giới.
      Khi xướng chữ Giả, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Phổ luân đoạn sai biệt.
      Khi xướng chữ Na, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Đắc vô y vô thượng.
      Khi xướng chữ La, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Ly y chỉ vô cấu.
      Khi xướng chữ Đả, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Bất thối chuyển phương tiện.
      Khi xướng chữ Bà, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Kim cang tràng.
      Khi xướng chữ Đồ, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Nhựt phổ luân.
      Khi xướng chữ Sa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Hải tạng.
      Khi xướng chữ Phược, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Phổ sinh an trụ.
      Khi xướng chữ Đá, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Viên mãn quang.
      Khi xướng chữ Dã, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Sai biệt tích tụ.
      Khi xướng chữ Sắc Tra, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Phổ quang minh tức phiền não.
      Khi xướng chữ Ca, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Vô sai biệt vân.
      Khi xướng chữ Sa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Giáng chú đại vũ.
      Khi xướng chữ Ma, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Đại lưu thoan thích chúng phong tề trĩ.
      Khi xướng chữ Già, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Phổ an lập.
      Khi xướng chữ Tha, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Chân như bình đẳng tạng.
      Khi xướng chữ Xã, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Nhập thế gian hải thanh tịnh.
      Khi xướng chữ Toả, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Niệm nhất thiết Phật trang nghiêm.
      Khi xướng chữ Đá, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Quán sát giản trạch nhất thiết pháp tụ.
      Khi xướng chữ Xa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tuỳ thuận nhất thiết Phật giáo luân quang minh.
      Khi xướng chữ Khư, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tu nhân địa trí huệ tạng.
      Khi xướng chữ Xoa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tức chư nghiệp hải tạng.
      Khi xướng chữ Sa Đa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Quyên chư hoặc chướng, khai tịnh quang minh.
      Khi xướng chữ Nhưỡng, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tác thế gian trí huệ môn.
      Khi xướng chữ Hạt Lã Đa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Sinh tử cảnh giới trí huệ luân.
      Khi xướng chữ Ba, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Nhất thiết trí cung điện viên mãn trang nghiêm.
      Khi xướng chữ Xa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tu hành phương tiện tạng các biệt viên mãn.
      Khi xướng chữ Sa Ma, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tuỳ thập phương hiện kiến chư Phật.
      Khi xướng chữ Ha Bà, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Quán sát nhất thiết vô duyên chúng sinh, phương tiện nhiếp thọ, khiến sinh ra vô ngại lực.
      Khi xướng chữ Tha, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tu hành thú nhập nhất thiết công đức hải.
      Khi xướng chữ Già, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Trì nhất thiết pháp vân kiên cố hải tạng.
      Khi xướng chữ Tra, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tuỳ hiện phổ kiến thập phương chư Phật.
      Khi xướng chữ Nã, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Quán sát tự luân hữu vô tận chư ý tự.
      Khi xướng chữ Sa Phã, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Hoá chúng sinh cứu kính xứ.
      Khi xướng chữ Sa Ca, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Quảng đại tạng vô ngại biện quan minh luân biến chiếu.
      Khi xướng chữ Dã Sa, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Tuyên thuyết nhất thiết Phật pháp cảnh giới.
      Khi xướng chữ Thất Giả, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Ư nhất thiết chúng sinh giới pháp lôi biến hống.
      Khi xướng chữ Sá, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Dĩ vô ngã pháp khai hiểu chúng sinh.
      Khi xướng chữ Đà, thì nhập vào môn Bát Nhã Ba La Mật, tên là Nhất thiết pháp luân sai biệt tạng.
                  Thiện nam tử ! Khi ta xướng tự mẫu như vậy, thì bốn mươi hai môn Bát Nhã Ba La Mật làm đầu, nhập vào vô lượng số môn Bát Nhã Ba La Mật.
Thiện nam tử ! Ta chỉ biết Bồ Tát giải thoát khéo biết các nghề nầy, như các đại Bồ Tát đối với tất cả pháp thiện xảo thế gian, xuất thế gian, dùng trí thông đạt, đến nơi bờ kia. Những phương nghề lạ, đều thấu đáo không sót. Văn tự toán số, đều hiểu biết thâm sâu. Phương y chú thuật, khéo trị các bệnh. Có các chúng sinh, bị quỷ mị bắt giữ, oán ghét nguyền rủa, ác tinh biến quái, tử thi rượt đuổi, đủ thứ các bệnh, đều cứu chữa được, khiến cho khỏi bệnh.
Lại khéo rõ nơi sinh ra vàng ngọc châu báu, san hô lưu ly, ma ni xa cừ, tất cả bảo tàng, phẩm loại khác nhau, giá trị bao nhiêu. Thôn ấp xóm làng, đô thành lớn nhỏ, cung điện vườn tược, suối ao, phàm là chỗ tất cả dân chúng ở, Bồ Tát đều tuỳ phương nhiếp thọ bảo hộ.
Lại khéo quán sát thiên văn địa lý, tướng người cát hung, âm thanh chim thú, mây mù khí hậu, trúng mùa thất thu, đất nước an nguy, hết thảy kỹ nghệ thế gian như vậy, Bồ Tát đều biết rõ hết nguồn gốc rễ.
Lại phân biệt được pháp xuất thế, chánh danh biện nghĩa, quán sát thể tướng, tuỳ thuận tu hành, trí nhập trong đó, không nghi, không ngại, không ngu tối, không ngoan độn, không lo buồn, không trầm một, thảy đều hiện chứng, mà ta làm sao biết được, nói được, những hạnh công đức đó ?
        Thiện nam tử ! Nước Ma Kiệt Đề nầy, có một thôn xóm, trong đó có thành tên là Bà Đát Na, có ưu bà di tên là Hiền Thắng, ngươi đi đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử cung kính đảnh lễ Thiện Tri Chúng Nghệ đồng tử, đi nhiễu vô lượng vòng, luyến mộ chiêm ngưỡng từ tạ mà đi.

45. ƯU BÀ DI HIỀN THẮNG
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

        Thiện Tài đồng tử đi về hướng thành thôn xóm, đến chỗ vị Hiền Thắng, đảnh lễ, đi nhiễu quanh, chắp tay cung kính đứng về một bên, bạch rằng: Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Con nghe đức Thánh khéo chỉ dạy, xin hãy vì con mà nói.
        Hiền Thắng đáp rằng: Thiện nam tử! Ta được Bồ Tát giải thoát, tên là Vô y xứ đạo tràng, liền tự khai ngộ thấu hiểu, lại vì người nói. Lại được vô tận tam muội, chẳng phải tam muội pháp đó hữu tận vô tận.
      Vì hay sinh ra nhất thiết trí tánh mắt vô tận. Lại hay sinh ra nhất thiết trí tánh tai vô tận. Lại hay sinh ra nhất thiết trí tánh mũi vô tận. Lại hay sinh ra nhất thiết trí tánh lưỡi vô tận. Lại hay sinh ra nhất thiết trí tánh thân vô tận. Lại hay sinh ra nhất thiết trí tánh ý vô tận. Lại hay sinh ra nhất thiết trí tánh công đức ba đào vô tận. Lại hay sinh ra nhất thiết trí tánh trí huệ quang minh vô tận. Lại hay sinh ra nhất thiết trí tánh thần thông mau chóng vô tận.
      Thiện nam tử! Ta chỉ biết giải thoát Vô y xứ đạo tràng nầy. Như các đại Bồ Tát không chấp trước tất cả công đức hạnh, mà ta làm sao biết được, nói được?
      Thiện nam tử! Ở phương nam có thành tên là Ốc Điền, trong đó có vị trưởng giả tên là Kiên Cố Giải Thoát. Ngươi hãy đi đến đó hỏi, Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?
      Bấy giờ, Thiện Tài đảnh lễ ưu bà di Hiền Thắng, nhiễu quanh vô lượng vòng, luyến mộ chiêm ngưỡng, rồi từ tạ mà đi.

46. TRƯỞNG GIẢ KIÊN CỐ GIẢI THOÁT
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

      Thiện Tài đồng tử đến thành đó rồi, đi đến chỗ trưởng giả, đảnh lễ, đi nhiễu quanh, chắp tay cung kính, đứng về một bên, bạch rằng: Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Con nghe đức Thánh khéo chỉ dạy, xin hãy vì con mà nói.
      Vị trưởng giả đáp rằng: Thiện nam tử! Ta được Bồ Tát giải thoát, tên là Vô trước niệm thanh tịnh trang nghiêm. Ta tự đắc được giải thoát nầy, từ đó đến nay, ở chỗ mười phương chư Phật, siêng cầu chánh pháp, không có ngừng nghỉ.
      Thiện nam tử! Ta chỉ biết giải thoát Vô trước niệm thanh tịnh trang nghiêm nầy. Như các đại Bồ Tát, được vô sở uý đại sư tử hống, an trụ phước trí tụ rộng lớn, mà ta làm sao biết được, nói được công đức hạnh đó ?
      Thiện nam tử ! Ở trong thành đó, có một vị trưởng giả, tên là Diệu Nguyệt. Nhà của vị trưởng giả đó, thường có quang minh. Ngươi hãy đi đến đó hỏi : Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo ?
        Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử đảnh lễ vị trưởng giả Kiên Cố Giải Thoát, đi nhiễu quanh vô lượng vòng, rồi từ tạ mà đi.

47. TRƯỞNG GIẢ DIỆU NGUYỆT
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG
          
      Thiện Tài đồng tử đi đến chỗ trưởng giả Diệu Nguyệt, đảnh lễ, đi nhiễu quanh, chắp tay cung kính, đứng qua một bên, bạch rằng: Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Con nghe đức Thánh khéo dạy dỗ, xin hãy vì con mà nói.
      Trưởng giả Diệu Nguyệt đáp rằng: Thiện nam tử! Ta được Bồ Tát giải thoát tên là Tịnh trí quang minh.
      Thiện nam tử! Ta chỉ biết giải thoát trí quang nầy. Như các đại Bồ Tát chứng được vô lượng pháp môn giải thoát, mà ta làm sao biết được, nói được hạnh công đức đó?
      Thiện nam tử! Ở phương nam nầy, có thành tên là Xuất Sinh. Trong thành đó có vị trưởng giả tên là Vô Thắng Quân. Ngươi đi đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử đảnh lễ trưởng giả Diệu Nguyệt, đi nhiễu vô lượng vòng, rồi từ tạ mà đi.

48. TRƯỞNG GIẢ VÔ THẮNG QUÂN
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

        Thiện Tài đồng tử từ từ đi về hướng thành đó, đến chỗ vị trưởng giả, đảnh lễ, đi nhiễu quanh, chắp tay cung kính, đứng về một bên, bạch rằng: Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Con nghe đức Thánh khéo chỉ dạy, xin hãy vì con mà nói.
      Vị trưởng giả đáp rằng: Thiện nam tử! Ta đắc được Bồ Tát giải thoát tên là Vô tận tướng. Ta nhờ chứng được Bồ Tát giải thoát nầy, mà thấy được vô lượng chư Phật, đắc được vô tận tạng.
      Thiện nam tử! Ta chỉ biết giải thoát Vô tận tướng nầy. Như các đại Bồ Tát được trí vô hạn, biện tài vô ngại, mà ta làm sao biết được, nói được công đức hạnh đó?
      Thiện nam tử! Ở hướng nam thành nầy, có một thôn xóm tên là Vi Pháp. Ở trong thôn xóm đó, có vị Bà La Môn tên là Tối Tịch Tĩnh. Ngươi đi đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử đảnh lễ vị trưởng giả Vô Thắng Quân, đi nhiễu quanh vô lượng vòng, luyến mộ chiêm ngưỡng, rồi từ tạ mà đi.

49. BÀ LA MÔN TỐI TỊCH TĨNH
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

        Thiện Tài đồng tử từ từ đi về hướng nam, đến thôn xóm đó, gặp vị Bà La Môn Tối Tịch Tĩnh, đảnh lễ, đi nhiễu quanh, chắp tay cung kính, đứng về một bên, bạch rằng: Đức Thánh! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Con nghe đức Thánh khéo chỉ dạy, xin hãy vì con mà nói.
        Bà La Môn Tối Tịch Tĩnh đáp rằng: Thiện nam tử! Ta đắc được Bồ Tát giải thoát, tên là Lời nguyện chân thành. Vì Bồ Tát quá khứ, hiện tại, vị lai, nhờ lời nguyện chân thành nầy, cho đến không thối chuyển nơi A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đã không thối chuyển, hiện không thối chuyển, sẽ không thối chuyển.
      Thiện nam tử! Ta nhờ trụ lời nguyện chân thành nầy, mà việc làm đều tuỳ ý, không có gì mà không thành tựu viên mãn.
      Thiện nam tử! Ta chỉ biết giải thoát Lời nguyện chân thành nầy. Như các đại Bồ Tát với lời nguyện chân thành, đi đứng đều không trái với lời nguyện chân thành. Lời nói ra đều chân thành, chưa từng hư vọng. Vô lượng công đức do đây mà sinh ra, mà ta làm sao biết được, nói được?
      Thiện nam tử! Ở phương nam nầy, có thành tên là Diệu Ý Hoa Môn. Trong thành đó, có vị đồng tử tên là Đức Sinh. Lại có đồng nữ tên là Hữu Đức. Ngươi đi đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh, tu Bồ Tát đạo?
      Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử vì tôn trọng pháp, đảnh lễ vị Bà La Môn Tối Tịch Tĩnh, đi nhiễu quanh vô lượng vòng, luyến mộ chiêm ngưỡng, rồi từ tạ mà đi.







KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

QUYỂN BẢY MƯƠI BẢY

PHẨM VÀO PHÁP GIỚI
THỨ BA MƯƠI CHÍN

50. ĐỨC SINH ĐỒNG TỬ,
HỮU ĐỨC ĐỒNG NỮ
HỘI DUYÊN VÀO THẬT TƯỚNG

        Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử từ từ đi về hướng nam, đến thành Diệu Ý Hoa Môn, thấy Đức Sinh đồng tử, Hữu Đức đồng nữ, bèn đảnh lễ, đi nhiễu quanh bên phải, rồi ở trước chắp tay, mà nói như vầy : Đức Thánh ! Con trước đã phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, mà chưa biết làm thế nào học Bồ Tát hạnh ? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo ? Xin hãy thương xót, vì con mà nói.
      Bấy giờ, đồng tử, đồng nữ, bảo Thiện Tài rằng : Thiện nam tử ! Chúng tôi chứng được Bồ Tát giải thoát, tên là Huyễn trụ. Nhờ đắc được giải thoát nầy, nên thấy được tất cả thế giới, đều huyễn trụ, do nhân duyên sinh ra.
      Tất cả chúng sinh đều huyễn trụ, do nghiệp phiền não khởi. Tất cả thế gian đều huyễn trụ, do vô minh, hữu, ái v.v… xoay vòng mà sinh ra. Tất cả pháp đều huyễn trụ, do cái ta thấy đủ thứ huyễn duyên mà sinh ra. Tất cả ba đời đều huyễn trụ, do cái ta thấy điên đảo trí sinh ra. Tất cả chúng sinh, sinh diệt, sinh già, bệnh chết, ưu sầu, khổ não, đều huyễn trụ, do hư vọng phân biệt sinh ra. Tất cả cõi nước đều huyễn trụ, do tưởng đảo, tâm đảo, thấy đảo, vô minh hiện ra.
        Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật, đều huyễn trụ, vì trí huệ đoạn phân biệt mà thành tựu. Tất cả Bồ Tát đều huyễn trụ, vì hay tự điều phục giáo hoá chúng sinh, các hạnh nguyện pháp mà thành tựu. Tất cả Bồ Tát chúng hội biến hoá điều phục các sự bố thí đều huyễn trụ, do nguyện trí huyễn mà thành tựu.
      Thiện nam tử! Cảnh huyễn tự tánh không thể nghĩ bàn.
Thiện nam tử! Chúng tôi hai người, chỉ biết được giải thoát huyễn trụ nầy. Như các đại Bồ Tát khéo vào vô biên các sự việc lưới huyễn, những công đức hạnh đó, chúng tôi làm sao biết được, nói được?
Bấy giờ, đồng tử, đồng nữ, nói giải thoát của mình rồi, nhờ sức các căn lành không thể nghĩ bàn, khiến cho thân Thiện Tài mềm mại sáng lạn, mà nói rằng: Thiện nam tử! Ở phương nam nầy, có nước tên là Hải Ngạn. Có khu vườn tên là Đại Trang Nghiêm, trong đó có một lầu các rộng lớn, tên là Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng, từ căn lành quả báo của Bồ Tát sinh ra, từ niệm lực, nguyện lực, tự tại lực, thần thông lực, của Bồ Tát sinh ra, từ phương tiện thiện xảo của Bồ Tát sinh ra, từ phước đức trí huệ của Bồ Tát sinh ra.
Thiện nam tử! Trụ Bồ Tát giải thoát không nghĩ bàn, nhờ tâm đại bi, vì các chúng sinh hiện cảnh giới như vậy, tích tập sự trang nghiêm như vậy.
Đại Bồ Tát Di Lặc, trụ ở trong lầu các đó, vì muốn nhiếp thọ cha mẹ quyến thuộc nơi gốc sinh ra và các nhân dân, khiến cho thành thục. Lại vì muốn khiến cho chúng sinh cùng thọ sinh, cùng tu hành, ở trong đại thừa được kiên cố. Lại vì muốn khiến cho tất cả chúng sinh đó, tuỳ bậc trụ, tuỳ căn lành đều thành tựu.
Lại muốn vì ngươi hiển bày môn Bồ Tát giải thoát. Vì hiển bày Bồ Tát tự tại thọ sinh khắp tất cả mọi nơi. Vì hiển bày Bồ Tát dùng đủ thứ thân, khắp hiện ở trước tất cả chúng sinh, thường giáo hoá. Vì hiển bày Bồ Tát dùng sức đại bi, nhiếp khắp tài sản của tất cả thế gian mà không nhàm mỏi. Vì hiển bày Bồ Tát tu đủ các hạnh, biết tất cả hạnh lìa các tướng. Vì hiển bày Bồ Tát nơi nơi thọ sinh, biết rõ tất cả sinh đều vô tướng.
Ngươi hãy đi đến đó hỏi: Bồ Tát làm thế nào học Bồ Tát hạnh? Làm thế nào tu Bồ Tát đạo? Làm thế nào học Bồ Tát giới? Làm thế nào tịnh Bồ Tát tâm? Làm thế nào phát Bồ Tát nguyện? Làm thế nào tích tập Bồ Tát trợ đạo cụ? Làm thế nào vào bậc chỗ trụ của Bồ Tát? Làm thế nào viên mãn Bồ Tát Ba La Mật? Làm thế nào đắc được Bồ Tát vô sinh nhẫn? Làm thế nào đầy đủ Bồ Tát công đức pháp? Chỉ bày làm thế nào phụng sự Bồ Tát thiện tri thức, tại sao?
Thiện nam tử! Vì đại Bồ Tát đó, thông đạt tất cả Bồ Tát hạnh, biết rõ tâm tất cả chúng sinh, thường hiện ở trước họ giáo hoá điều phục. Bồ Tát đó đã viên mãn tất cả Ba La Mật, đã trụ tất cả Bồ Tát địa, đã chứng được tất cả Bồ Tát nhẫn, đã vào tất cả Bồ Tát vị, đã được chư Phật thọ ký đầy đủ, đã đi qua tất cả cảnh giới của Bồ Tát, đã đắc được thần lực của tất cả chư Phật, đã được tất cả Như Lai dùng nước pháp cam lồ nhất thiết trí quán đảnh.
Thiện nam tử! Vị thiện tri thức đó, sẽ thấm nhuần các căn lành của ngươi, sẽ tăng trưởng bồ đề tâm của ngươi, sẽ kiên cố ý chí của ngươi, sẽ tăng ích pháp lành của ngươi, sẽ dưỡng lớn Bồ Tát căn của ngươi, sẽ chỉ bày pháp vô ngại cho ngươi, sẽ khiến cho ngươi vào bậc Phổ Hiền, sẽ vì ngươi nói Bồ Tát nguyện, sẽ vì ngươi nói hạnh Phổ Hiền, sẽ vì ngươi nói tất cả Bồ Tát hạnh nguyện thành tựu công đức.
Thiện nam tử! Ngươi không nên tu một hạnh lành, chiếu một pháp, thực hành một hạnh, phát một nguyện, được một thọ ký, trụ một nhẫn, mà sinh tư tưởng rốt ráo. Ngươi đừng dùng tâm hạn lượng mà thực hành lục độ, trụ nơi Thập địa, tịnh cõi nước Phật, thờ thiện tri thức. Tại sao vậy?
Thiện nam tử! Vì đại Bồ Tát phải trồng vô lượng các căn lành. Phải tích tập vô lượng bồ đề cụ. Phải tu vô lượng nhân bồ đề. Phải học vô lượng thiện xảo hồi hướng. Phải giáo hoá vô lượng cõi chúng sinh. Phải biết vô lượng tâm chúng sinh. Phải biết vô lượng căn chúng sinh. Phải biết rõ vô lượng sự hiểu biết của chúng sinh. Phải quán vô lượng hạnh của chúng sinh. Phải điều phục vô lượng chúng sinh. Phải đoạn vô lượng phiền não. Phải tịnh vô lượng nghiệp tập. Phải diệt vô lượng tà kiến. Phải trừ vô lượng tâm nhiễm ô. Phải phát vô lượng tâm thanh tịnh. Phải nhổ vô lượng mũi tên khổ độc. Phải khô cạn vô lượng biển ái dục. Phải phá tan vô lượng tối vô minh. Phải san bằng vô lượng núi ngã mạn. Phải đoạn trừ vô lượng ràng buộc sinh tử. Phải vượt qua vô lượng dòng các cõi. Phải khô cạn vô lượng biển thọ sinh.
Phải khiến cho vô lượng chúng sinh thoát khỏi bùn lầy năm dục. Phải khiến cho vô lượng chúng sinh lìa khỏi ngục tù ba cõi. Phải đặt để vô lượng chúng sinh ở trong Thánh đạo. Phải tiêu diệt vô lượng hành vi tham dục. Phải tịnh trị vô lượng hành vi sân hận. Phải phá tan vô lượng hành vi ngu si. Phải vượt thoát vô lượng lưới ma. Phải thoát khỏi vô lượng nghiệp ma. Phải tịnh trị vô lượng dục lạc của Bồ Tát. Phải tăng trưởng vô lượng phương tiện của Bồ Tát. Phải sinh ra vô lượng căn tăng thượng của Bồ Tát. Phải sáng rõ vô lượng quyết định giải của Bồ Tát. Phải thú nhập vô lượng bình đẳng của Bồ Tát. Phải thanh tịnh vô lượng công đức của Bồ Tát. Phải tu trị vô lượng các hạnh của Bồ Tát. Phải thị hiện vô lượng hạnh tuỳ thuận thế gian của Bồ Tát.
Phải sinh vô lượng sức tin thanh tịnh. Phải trụ vô lượng sức tinh tấn. Phải tịnh vô lượng sức chánh niệm. Phải viên mãn vô lượng sức tam muội. Phải khởi vô lượng sức trí huệ thanh tịnh. Phải kiên cố vô lượng sức thắng giải. Phải tích tập vô lượng sức phước đức. Phải tăng trưởng vô lượng sức trí huệ. Phải phát khởi vô lượng sức Bồ Tát. Phải viên mãn vô lượng sức Như Lai. Phải phân biệt vô lượng pháp môn. Phải biết rõ vô lượng pháp môn. Phải thanh tịnh vô lượng pháp môn. Phải sinh vô lượng pháp quang minh. Phải làm vô lượng pháp chiếu sáng. Phải chiếu vô lượng căn phẩm loại. Phải biết vô lượng bệnh phiền não. Phải tích tập vô lượng thuốc pháp hay. Phải chữa lành vô lượng bệnh tật của chúng sinh.
Phải sắm sửa vô lượng đồ cúng cam lộ. Phải đi đến vô lượng cõi nước chư Phật. Phải cúng dường vô lượng các Như Lai. Phải vào vô lượng chúng hội Bồ Tát. Phải thọ vô lượng sự giáo hoá của chư Phật. Phải nhẫn vô lượng tội của chúng sinh. Phải diệt vô lượng khổ nạn đường ác. Phải khiến vô lượng chúng sinh sinh về đường lành. Phải dùng bốn pháp nhiếp để nhiếp thọ vô lượng chúng sinh.
Phải tu vô lượng môn tổng trì. Phải sinh vô lượng môn đại nguyện. Phải tu vô lượng đại từ đại nguyện lực. Phải siêng cầu vô lượng pháp, thường không ngừng nghỉ. Phải khởi vô lượng sức tư duy. Phải khởi vô lượng việc thần thông. Phải tịnh vô lượng trí quang minh. Phải đến vô lượng loài chúng sinh. Phải thọ sinh trong vô lượng các cõi. Phải hiện vô lượng thân khác nhau. Phải biết vô lượng pháp ngôn từ.
Phải vào vô lượng tâm khác nhau. Phải biết đại cảnh giới của Bồ Tát. Phải trụ đại cung điện của Bồ Tát. Phải quán diệu pháp thâm sâu của Bồ Tát. Phải biết cảnh giới khó biết của Bồ Tát. Phải hành các hạnh khó hành của Bồ Tát. Phải đủ oai nghi tôn trọng của Bồ Tát. Phải giẫm vào chánh vị khó vào của Bồ Tát. Phải biết đủ thứ các hạnh của Bồ Tát. Phải hiện thần lực khắp cùng của Bồ Tát. Phải thọ mây pháp bình đẳng của Bồ Tát. Phải rộng lớn vô biên lưới hạnh của Bồ Tát. Phải viên mãn vô biên các độ của Bồ Tát. Phải thọ vô lượng ký biệt của Bồ Tát. Phải vào vô lượng môn nhẫn của Bồ Tát. Phải trị vô lượng các địa của Bồ Tát. Phải tịnh vô lượng pháp môn của Bồ Tát. Phải an trụ vô lượng kiếp đồng với các Bồ Tát. Cúng dường vô lượng Phật. Nghiêm tịnh bất khả thuyết cõi Phật. Sinh ra bất khả thuyết Bồ Tát nguyện.
Thiện nam tử! Nói tóm lại, phải tu khắp tất cả Bồ Tát hạnh. Phải giáo hoá khắp tất cả cõi chúng sinh. Phải vào khắp tất cả kiếp. Phải thọ sinh khắp tất cả mọi nơi. Phải biết khắp tất cả thế giới. Phải tu hành khắp tất cả pháp. Phải nghiêm tịnh khắp tất cả cõi. Phải viên mãn khắp tất cả nguyện. Phải cúng dường khắp tất cả chư Phật. Phải đồng khắp tất cả Bồ Tát nguyện. Phải phụng thờ khắp tất cả thiện tri thức.
Thiện nam tử! Ngươi cầu thiện tri thức, không nên mệt mỏi. Gặp thiện tri thức, chớ sinh nhàm đủ. Thưa hỏi thiện tri thức, đừng sợ khổ nhọc. Gần gũi thiện tri thức, chớ có thối chuyển. Cúng dường thiện tri thức, không nên ngừng nghỉ. Thọ thiện tri thức dạy, không nên lầm lộn. Học hạnh của thiện tri thức, không nên nghi hoặc. Nghe thiện tri thức diễn nói môn xuất ly, không nên do dự. Thấy thiện tri thức tuỳ phiền não hành, chớ sinh hiềm quái. Ở chỗ thiện tri thức, nên sinh tâm tôn kính tin sâu, không nên biến đổi. Tại sao vậy?
Thiện nam tử! Vì Bồ Tát nhờ thiện tri thức mà nghe được các hạnh của tất cả Bồ Tát. Thành tựu công đức của tất cả Bồ Tát. Sinh ra đại nguyện của tất cả Bồ Tát. Dẫn phát căn lành của tất cả Bồ Tát. Tích tập trợ đạo của tất cả Bồ Tát. Khai phát pháp quang minh của tất cả Bồ Tát. Hiển bày môn xuất ly của tất cả Bồ Tát. Tu tập giới thanh tịnh của tất cả Bồ Tát. An trụ pháp công đức của tất cả Bồ Tát. Thanh tịnh chí rộng lớn của tất cả Bồ Tát. Tăng trưởng tâm kiên cố của tất cả Bồ Tát. Đầy đủ môn đà la ni biện tài của tất cả Bồ Tát. Đắc được thanh tịnh tạng của tất cả Bồ Tát. Sinh ra định quang minh của tất cả Bồ Tát. Đắc được nguyện thù thắng của tất cả Bồ Tát. Đồng một nguyện với tất cả Bồ Tát. Nghe được pháp thù thắng của tất cả Bồ Tát. Đắc được nơi bí mật của tất cả Bồ Tát. Đến được châu pháp bảo của tất cả Bồ Tát. Tăng trưởng mầm căn lành của tất cả Bồ Tát. Trưởng dưỡng trí huệ thân của tất cả Bồ Tát. Hộ trì tạng thâm mật của tất cả Bồ Tát. Tu trì phước đức tụ của tất cả Bồ Tát. Thanh tịnh đường thọ sinh của tất cả Bồ Tát. Thọ mây chánh pháp của tất cả Bồ Tát. Vào đường đại nguyện của tất cả Bồ Tát. Hướng về quả bồ đề của tất cả Như Lai. Nhiếp lấy diệu hạnh của tất cả Bồ Tát. Khai thị công đức của tất cả Bồ Tát. Đến tất cả phương nghe thọ diệu pháp. Khen ngợi oai đức rộng lớn của tất cả Bồ Tát. Sinh ra sức đại từ bi của tất cả Bồ Tát. Nhiếp lấy sức tự tại thù thắng của tất cả Bồ Tát. Sinh ra bồ đề phần của tất cả Bồ Tát. Làm việc lợi ích của tất cả Bồ Tát.
Thiện nam tử! Bồ Tát do nhờ thiện tri thức nhậm trì, nên không đoạ vào đường ác. Nhờ thiện tri thức nhiếp thọ, nên không lùi đại thừa. Nhờ thiện tri thức hộ niệm, nên không huỷ phạm Bồ Tát giới. Nhờ thiện tri thức thủ hộ, nên không theo đuổi ác tri thức. Nhờ thiện tri thức dưỡng dục, nên không khuyết giảm pháp Bồ Tát. Nhờ thiện tri thức nhiếp lấy, nên vượt qua bậc phàm phu. Nhờ thiện tri thức dạy dỗ, nên vượt qua bậc nhị thừa. Nhờ thiện tri thức chỉ đạo, nên thoát khỏi thế gian. Nhờ thiện tri thức trưởng dưỡng, nên không nhiễm pháp thế gian. Nhờ phụng thờ thiện tri thức, nên tu tất cả Bồ Tát hạnh. Nhờ cúng dường thiện tri thức, nên đầy đủ tất cả pháp trợ đạo. Nhờ gần gũi thiện tri thức, nên không bị nghiệp hoặc thôi phục. Nhờ nương tựa thiện tri thức, mà thế lực kiên cố, nên chẳng sợ chúng ma. Nhờ y chỉ thiện tri thức, mà tăng trưởng tất cả pháp bồ đề phần. Tại sao vậy?
Thiện nam tử! Vì thiện tri thức trừ sạch được các chướng. Diệt được các tội. Trừ được các nạn. Ngừng được các điều ác. Phá được vô minh đêm dài đen tối. Phá hoại được các tà kiến lao ngục kiên cố. Thoát khỏi được thành sinh tử. Xả bỏ được nhà thế tục. Chặt đứt được các lưới ma. Nhổ được mũi tên các khổ. Lìa khỏi được nơi hiểm nạn không có trí huệ. Thoát khỏi được tà kiến đồng hoang rộng lớn. Qua được dòng các cõi. Lìa khỏi được các tà đạo. Mở bày được đường bồ đề. Giáo hoá được pháp Bồ Tát. Khiến cho an trụ được Bồ Tát hạnh. Khiến cho hướng về được nhất thiết trí. Thanh tịnh được mắt trí huệ. Tăng trưởng bồ đề tâm. Sinh ra đại bi. Diễn nói được diệu hạnh. Nói được Ba La Mật. Bãi bỏ được ác tri thức. Khiến trụ được các địa. Khiến cho đắc được các nhẫn. Khiến cho tu tập được tất cả căn lành. Khiến cho thành tựu được tất cả đạo cụ. Thí cho được tất cả đại công đức. Khiến cho đến được bậc nhất thiết chủng trí. Khiến cho hoan hỉ tích tập công đức. Khiến cho hớn hở tu các hạnh. Khiến cho nhập vào được nghĩa thâm sâu. Khiến cho khai thị được môn xuất ly. Khiến cho lấp hết được các đường ác. Khiến cho dùng được pháp quang minh chiếu sáng. Khiến cho dùng được mưa pháp thấm nhuần. Khiến cho tiêu diệt được tất cả mê hoặc. Khiến cho xả lìa được tất cả tà kiến. Khiến cho tăng trưởng trí huệ của tất cả chư Phật. Khiến cho an trụ pháp môn của tất cả chư Phật.
Thiện nam tử! Thiện tri thức như mẹ hiền, vì sinh ra giống Phật. Như cha lành, vì lợi ích rộng lớn. Như nhũ mẫu, vì giữ gìn không khiến cho làm ác. Như giáo sư, vì chỉ bày sở học của Bồ Tát. Như đường lành, vì chỉ bày đạo Ba La Mật. Như lương y, vì hay trị các bệnh phiền não. Như núi tuyết, vì tăng trưởng thuốc nhất thiết trí. Như dũng tướng, vì dẹp trừ tất cả sự sợ hãi. Như người đưa đò, vì khiến cho thoát khỏi dòng xoáy sinh tử. Như lái thuyền, vì khiến cho đến được châu báu trí huệ.
Thiện nam tử! Nên thường chánh niệm suy gẫm các thiện tri thức như vậy.
Lại nữa, thiện nam tử! Ngươi phụng thờ thiện tri thức, nên phát tâm như đại địa, vì gánh vác trọng trách không mệt mỏi. Nên phát tâm như kim cang, vì chí nguyện kiên cố không thể hoại. Nên phát tâm như núi Thiết Vi, vì tất cả các khổ không động được. Nên phát tâm như người hầu hạ, vì tất cả lời dạy, khiến đều tuỳ thuận. Nên phát tâm như đệ tử, vì tất cả lời dạy dỗ không chống trái. Nên phát tâm như tôi tớ, vì không nhàm chán tất cả các việc làm. Nên phát tâm như dưỡng mẫu, vì chịu đựng sự cần khổ không than mệt. Nên phát tâm như người làm thuê, vì theo sự chỉ bảo không trái ngược. Nên phát tâm như hốt phân, vì lìa sự kiêu mạn. Nên phát tâm như cây lúa đã chín, vì hay hạ thấp xuống. Nên phát tâm như ngựa giỏi, vì lìa tánh ác. Nên phát tâm như xe lớn, vì chở nặng được. Nên phát tâm như voi điều thuận, vì luôn phục tùng. Nên phát tâm như núi Tu Di, vì chẳng lay động. Nên phát tâm như chó tốt, vì không hại chủ. Nên phát tâm như chiên đà la, vì lìa kiêu mạn. Nên phát tâm như trâu mạnh, vì không hung giận. Nên phát tâm như ghe thuyền, vì qua lại không mỏi. Nên phát tâm như cây cầu, vì tế độ không biết mệt. Nên phát tâm như hiếu tử, vì thừa thuận nhan sắc. Nên phát tâm như vương tử, vì tuân hành giáo mạng.
Lại nữa, thiện nam tử! Ngươi nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là bệnh khổ. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là bậc y vương. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là thuốc hay. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là trừ được bệnh.
Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là đi xa. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là vị đạo sư. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là chánh đạo. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là đến được nơi xa.
Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng cầu độ được. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là người lái thuyền. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là thuyền, là chèo. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là đến được bờ kia.
Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là lúa mạ. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là Long Vương. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là mùa mưa. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là chín mùi.
Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là bần cùng. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là Tỳ Sa Môn Thiên Vương. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là tiền tài châu báu. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là giàu có.
Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là đệ tử. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là người thợ khéo. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là kỹ nghệ. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là biết rõ.
Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng sự sợ hãi. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là người dũng cảm. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là đao gậy. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là phá được oán địch.
Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là người đi buôn. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là bậc đạo sư. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là châu báu. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là lượm được châu báu.
Lại nữa, nên ở nơi thân mình, sinh tưởng là con cái. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là cha mẹ. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là gia nghiệp. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là nối nghiệp nhà.
Lại nữa, nên nơi thân mình, sinh tưởng là vương tử. Nơi thiện tri thức, sinh tưởng là đại thần. Nơi sở thuyết pháp, sinh tưởng là lời vua dạy. Nơi sở tu hành, sinh tưởng là đội mão vua, mặc y phục vua, ngồi cung điện vua.
Thiện nam tử! Ngươi nên phát tâm như vậy, tác ý như vậy, để gần gũi thiện tri thức. Tại sao vậy? Vì dùng tâm như vậy để gần gũi thiện tri thức, khiến cho chí nguyện vĩnh viễn được thanh tịnh.
Lại nữa, thiện nam tử! Thiện tri thức nuôi lớn các căn lành, ví như núi Tuyết, nuôi lớn các cỏ thuốc. Thiện tri thức là pháp khí của Phật, ví như biển cả, dung nạp các dòng nước. Thiện tri thức là nơi công đức, ví như biển cả, sinh ra các châu báu. Thiện tri thức là tịnh bồ đề tâm, ví như lửa mạnh, hay luyện vàng thật. Thiện tri thức là vượt qua pháp thế gian, ví như núi Tu Di, vọt lên nơi biển cả. Thiện tri thức là chẳng nhiễm pháp thế gian, ví như hoa sen, chẳng dính nước. Thiện tri thức là chẳng thọ các điều ác, ví như biển cả, chẳng chứa tử thi. Thiện tri thức là tăng trưởng pháp trắng, ví như trăng rằm, ánh sáng viên mãn. Thiện tri thức là chiếu sáng pháp giới, ví như mặt trời, chiếu bốn thiên hạ. Thiện tri thức là nuôi lớn thân Bồ Tát, ví như cha mẹ, nuôi lớn con cái.
Thiện nam tử! Nói tóm lại, đại Bồ Tát nếu hay tuỳ thuận lời dạy của thiện tri thức, thì đắc được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha công đức. Thanh tịnh được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha thâm tâm. Tăng trưởng được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha Bồ Tát căn. Thanh tịnh được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha Bồ Tát lực. Đoạn trừ được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức A tăng kỳ nghiệp chướng. Vượt qua được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức A tăng kỳ ma cảnh. Nhập vào được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức A tăng kỳ pháp môn. Viên mãn được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức A tăng kỳ trợ đạo. Tu hành được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức A tăng kỳ diệu hạnh. Phát ra được mười bất khả thuyết trăm ngàn ức A tăng kỳ đại nguyện.
Thiện nam tử! Ta lại lược nói tất cả Bồ Tát hạnh. Tất cả Bồ Tát Ba La Mật. Tất cả Bồ Tát địa. Tất cả Bồ Tát nhẫn. Tất cả Bồ Tát môn tổng trì. Tất cả Bồ Tát môn tam muội. Tất cả Bồ Tát thần thông trí. Tất cả Bồ Tát hồi hướng. Tất cả Bồ Tát nguyện. Tất cả Bồ Tát thành tựu Phật pháp, đều do sức lực của thiện tri thức. Dùng thiện tri thức mà làm căn bổn, nương thiện tri thức sinh ra, nương thiện tri thức lớn lên, nương thiện tri thức an trụ, thiện tri thức là nhân duyên, thiện tri thức hay phát khởi.

Bấy giờ, Thiện Tài đồng tử nghe công đức thiện tri thức như vậy, khai thị vô lượng Bồ Tát diệu hạnh. Thành tựu vô lượng Phật pháp rộng lớn, hớn hở vui mừng, bèn đảnh lễ Đức Sinh đồng tử và Hữu Đức đồng nữ, đi nhiễu quanh vô lượng vòng, ân cần chiêm ngưỡng, rồi từ tạ mà đi.

No comments:

Post a Comment