KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Đà
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định
TẬP 2
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Đà
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định
TẬP 2
Xem Kinh dạng pdf
KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
QUYỂN MƯỜI BẢY
PHẨM PHẠM HẠNH THỨ MƯỜI SÁU
Bấy giờ, Thiên Tử Chánh Niệm bạch Bồ Tát Pháp Huệ rằng: Phật tử! Các chúng Bồ Tát trong tất cả thế giới, nương sự chỉ dạy của Như Lai, nhuộm y xuất gia. Làm thế nào để đắc được phạm hạnh thanh tịnh. Từ bậc Bồ Tát mà chứng đắc đạo bồ đề vô thượng ?
Đó là: Thân, thân nghiệp. Lời, lời nghiệp. Ý, ý nghiệp. Phật, Pháp, Tăng, giới. Nên quán như vậy. Thân là phạm hạnh chăng ? Cho đến giới là phạm hạnh chăng ?
Nếu thân là phạm hạnh, thì nên biết phạm hạnh tức chẳng phải thiện, tức chẳng phải pháp, tức là hỗn đục, tức là hôi hám, tức là bất tịnh, tức đáng nhàm, tức là trái ngược, tức là tạp nhiễm, tức là tử thi, tức là trùng tích tụ.
Nếu thân nghiệp là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là đi đứng nằm ngồi, nhìn ngó phải trái, co duỗi cúi ngước.
Nếu lời nói là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là âm thanh, gió thở, môi lưỡi họng mép, nhả ra nuốt vào, đè nén buông ra, cao thấp, trong đục.
Nếu lời nghiệp là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là thưa chào hỏi thăm, nói ban đầu, lược nói rộng, nói ví dụ, nói thẳng, nói khen, nói chê, nói an lập, nói tùy tục, nói hiển rõ.
Nếu ý là phạm hạnh, thì phạm hạnh tức là giác, là quán, là phân biệt, là đủ thứ phân biệt, là nghĩ nhớ, là đủ thứ nghĩ nhớ, là suy gẫm, là đủ thứ suy gẫm, là huyễn thuật, là ngủ mộng.
Nếu ý nghiệp là phạm hạnh, thì nên biết phạm hạnh tức là tư tưởng, nóng lạnh đói khát, khổ vui lo mừng.
Nếu Phật là phạm hạnh, thì sắc là Phật chăng ? Thọ là Phật chăng ? Tưởng là Phật chăng ? Hành là Phật chăng ? Thức là Phật chăng ? Tướng là Phật chăng ? Tốt là Phật chăng ? Thần thông là Phật chăng ? Nghiệp hành là Phật chăng ? Quả báo là Phật chăng ?
Nếu pháp là phạm hạnh, thì vắng lặng là pháp chăng ? Niết Bàn là pháp chăng ? Không sinh là pháp chăng ? Không khởi là pháp chăng ? Không thể nói là pháp chăng ? Không phân biệt là pháp chăng ? Không chỗ hành là pháp chăng ? Không hợp tập là pháp chăng ? Không tùy thuận là pháp chăng ? Không chỗ đắc là pháp chăng ?
Nếu Tăng là phạm hạnh, thì hướng dự lưu là Tăng ? Quả dự lưu là Tăng ? Hướng nhất lai là Tăng ? Quả nhất lai là Tăng ? Hướng bất hoàn là Tăng ? Quả bất hoàn là Tăng ? Hướng A La Hán là Tăng ? Quả A La Hán là Tăng ? Tam minh là Tăng ? Lục thông là Tăng ?
Nếu giới là phạm hạnh, thì đàn tràng là giới chăng ? Hỏi thanh tịnh là giới chăng ? Dạy oai nghi là giới chăng ? Ba lần nói Yết Ma là giới chăng ? Hòa thượng là giới chăng ? A Xà Lê là giới chăng ? Cạo tóc là giới chăng ? Mặc y Cà Sa là giới chăng ? Khất thực là giới chăng ? Chánh mạng là giới chăng ?
Quán như vậy rồi, thì đối với thân chẳng thủ lấy, sự tu chẳng chấp trước, nơi pháp chẳng chỗ trụ. Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến, hiện tại vắng lặng, chẳng ai tạo nghiệp, chẳng ai thọ quả báo, đời này chẳng di động, đời khác chẳng biến đổi.
Trong đây pháp nào gọi là phạm hạnh ? Phạm hạnh từ đâu đến ? Thuộc sở hữu của ai ? Thể là ai ? Do ai làm ? Là có ? Là không ? Là sắc ? Là chẳng phải sắc ? Là thọ ? Là chẳng phải thọ ? Là tưởng ? Là chẳng phải tưởng ? Là hành ? Là chẳng phải hành ? Là thức ? Là chẳng phải thức?
Quán sát như vầy: Vì pháp phạm hạnh không thể được. Vì pháp ba đời đều vắng lặng. Vì ý chẳng chấp lấy. Vì tâm chẳng chướng ngại. Vì chỗ tu hành không hai. Vì phương tiện tự tại. Vì thọ pháp không tướng. Vì quán pháp không tướng. Vì biết Phật bình đẳng. Vì đủ tất cả Phật pháp. Như vậy gọi là phạm hạnh thanh tịnh.
Lại nên tu tạo mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Trí xứ phi xứ. Trí quá hiện vị lai nghiệp báo. Trí các thiền giải thoát tam muội. Trí các căn thắng liệt. Trí đủ thứ giải. Trí đủ thứ giới. Trí nhất thiết chí xứ đạo. Trí thiên nhãn vô ngại. Trí túc mạng vô ngại. Trí vĩnh viễn đoạn tập khí.
Nơi thập lực của Như Lai, mỗi mỗi quán sát. Trong mỗi mỗi lực, có vô lượng nghĩa, đều phải hỏi han.
Nghe rồi nên khởi tâm đại từ bi, quán sát chúng sinh mà chẳng lìa bỏ. Suy gẫm các pháp, chẳng có ngừng nghỉ. Thực hành nghiệp vô thượng, chẳng cầu quả báo. Biết rõ cảnh giới, như huyễn, như mộng, như bóng, như tiếng vang, cũng như biến hóa.
Nếu các Bồ Tát hay quán hành tương ưng như vậy. Ở trong các pháp chẳng sinh hai kiến giải, thì tất cả Phật pháp, sẽ sớm được hiện tiền.
Lúc ban đầu phát tâm, liền được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Biết tất cả pháp, tức tâm tự tánh, thành tựu huệ thân, chẳng do người khác mà khai ngộ.
KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT
PHẨM CÔNG ĐỨC BAN ĐẦU PHÁT TÂM THỨ MƯỜI BẢY
Bấy giờ, trời Đế Thích bạch Bồ Tát Pháp Huệ rằng: Phật tử ! Bồ Tát ban đầu phát tâm bồ đề, đắc được bao nhiêu công đức ?
Bồ Tát Pháp Huệ nói: Nghĩa này rất thâm sâu, khó nói, khó biết, khó phân biệt, khó tin hiểu, khó chứng, khó hành, khó thông đạt, khó suy gẫm, khó độ lượng, khó hướng vào. Tuy nhiên tôi sẽ nương sức oai thần của đức Phật, để vì ông mà nói.
Phật tử ! Nếu như có người dùng tất cả nhạc cụ, cúng dường hết thảy chúng sinh ở phương đông A tăng kỳ thế giới, trải qua một kiếp. Sau đó dạy khiến cho họ giữ năm giới thanh tịnh. Phương nam, tây, bắc, bốn hướng, trên dưới, cũng lại như thế.
Phật tử ! Ý của ông thế nào ? Công đức của người đó có nhiều chăng ?
Đế Thích nói: Phật tử ! Công đức của người đó, chỉ có Phật mới biết được. Ngoài ra, tất cả chẳng có ai lường được.
Bồ Tát Pháp Huệ nói: Phật tử ! Công đức người đó, so với công đức Bồ Tát ban đầu phát tâm, chẳng bằng một phần trăm, chẳng bằng một phần ngàn, chẳng bằng một phần trăm ngàn. Như vậy một phần ức, một phần trăm ức, một phần ngàn ức, một phần trăm ngàn ức, một phần Na do tha ức, một phần trăm Na do tha ức, một phần ngàn Na do tha ức, một phần trăm ngàn Na do tha ức, một phần số, một phần ca la, một phần toán, một phần dụ, một phần ưu ba ni sa đà.
Phật tử ! Đừng nói đến ví dụ này. Nếu như có người, đem tất cả nhạc cụ, cúng dường cho hết thảy chúng sinh trong mười phương mười A tăng kỳ thế giới, trải qua trăm kiếp. Sau đó dạy khiến cho họ tu mười điều lành.
Cúng dường như vậy, trải qua ngàn kiếp, sau đó dạy họ trụ ở tứ thiền. Trải qua trăm ngàn kiếp, dạy họ trụ ở bốn tâm vô lượng. Trải qua ức kiếp, dạy họ trụ ở bốn định vô sắc. Trải qua trăm ức kiếp, dạy họ trụ ở quả Tu đà hoàn. Trải qua ngàn ức kiếp, dạy họ trụ ở quả Tư đà hàm. Trải qua trăm ngàn ức kiếp, dạy họ trụ ở quả A na hàm. Trải qua Na do tha ức kiếp, dạy họ trụ ở quả A La Hán. Trải qua trăm ngàn Na do tha ức kiếp, dạy họ trụ ở quả Bích Chi Phật.
Phật tử ! Ý ông thế nào ? Công đức của người đó có nhiều chăng ?
Đế Thích nói: Phật tử ! Công đức của người đó, chỉ có Phật mới biết được.
Bồ Tát Pháp Huệ nói: Phật tử ! Công đức của người đó, so với Bồ Tát ban đầu phát tâm, chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, cho đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà.
Tại sao ? Phật tử ! Vì tất cả chư Phật ban đầu phát tâm, thì chẳng những đem tất cả nhạc cụ cúng dường hết thảy chúng sinh trong mười phương A tăng kỳ thế giới. Trải qua trăm kiếp, cho đến trăm ngàn Na do tha ức kiếp, mà phát bồ đề tâm. Chẳng những vì dạy những chúng sinh đó tu năm giới, mười điều lành. Giáo hóa họ trụ ở bốn thiền, bốn tâm vô lượng, bốn định vô sắc, cho đến chứng quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm, quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, mà phát tâm bồ đề.
Mà vì khiến cho chủng tánh của Như Lai chẳng dứt. Vì đầy khắp tất cả thế giới. Vì độ thoát tất cả thế giới chúng sinh. Vì biết hết tất cả thế giới thành hoại. Vì biết hết chúng sinh cấu tịnh trong tất cả thế giới. Vì biết hết tất cả thế giới tự tánh thanh tịnh. Vì biết hết tất cả tâm chúng sinh sở thích phiền não tập khí. Vì biết hết tất cả chúng sinh chết đây sinh kia. Vì biết hết các căn phương tiện của tất cả chúng sinh. Vì biết hết tâm hành của tất cả chúng sinh. Vì biết hết trí ba đời của tất cả chúng sinh. Vì biết hết cảnh giới bình đẳng của tất cả chư Phật, mà phát tâm vô thượng bồ đề.
Phật tử ! Hãy miễn ví dụ này. Nếu như có người, trong một niệm, có thể đi qua phương đông A tăng kỳ thế giới. Niệm niệm như vậy, hết số kiếp A tăng kỳ. Các thế giới đó không có ai hiểu được.
Và người thứ hai, ở trong một niệm trải qua các thế giới, mà người ở trước đã trải qua A tăng kỳ kiếp. Như vậy cũng hết số kiếp A tăng kỳ. Lần lượt cho đến người thứ mười. Phương nam, tây, bắc, bốn hướng trên dưới, cũng lại như thế.
Phật tử ! Trong mười phương này, phàm là có một trăm người, mỗi người cũng đều như vậy, trải qua các thế giới. Các thế giới đó, có thể biết được bờ mé, còn Bồ Tát ban đầu phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đắc được căn lành, chẳng có ai biết được bờ mé.
Tại sao ? Phật tử ! Vì Bồ Tát chẳng giới hạn, nhưng vì biết rõ các thế giới đã trải qua, mà phát tâm bồ đề. Vì muốn biết rõ mười phương thế giới, mà phát tâm bồ đề.
Đó là: Muốn biết rõ thế giới diệu, tức là thế giới thô, thế giới thô tức là thế giới diệu. Thế giới ngửa tức là thế giới úp, thế giới úp tức là thế giới ngửa. Thế giới nhỏ tức là thế giới lớn, thế giới lớn tức là thế giới nhỏ. Thế giới rộng tức là thế giới hẹp, thế giới hẹp tức là thế giới rộng. Một thế giới, tức là bất khả thuyết thế giới, bất khả thuyết thế giới, tức là một thế giới. Bất khả thuyết thế giới vào một thế giới, một thế giới vào bất khả thuyết thế giới. Thế giới dơ tức là thế giới sạch, thế giới sạch tức là thế giới dơ.
Vì muốn biết trong một đầu sợi lông, tất cả thế giới tánh khác biệt, trong tất cả thế giới một đầu sợi lông, một thể tánh. Muốn biết trong một thế giới, sinh ra tất cả thế giới. Muốn biết tất cả thế giới không thể tánh. Muốn dùng một tâm niệm, biết hết tất cả thế giới rộng lớn, chẳng chướng ngại, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Hãy miễn ví dụ này. Nếu như có người, nơi một tâm niệm, biết được kiếp số thành hoại A tăng kỳ thế giới ở phương đông. Niệm niệm như vậy hết A tăng kỳ kiếp. Các số kiếp đó, chẳng có ai biết được bờ mé.
Có người thứ hai, nơi một tâm niệm, biết được kiếp số của người thứ nhất biết trong A tăng kỳ kiếp. Nói rộng như vậy, cho đến người thứ mười. Phương nam, tây, bắc, bốn hướng trên dưới, cũng lại như thế.
Phật tử ! Kiếp số thành hoại trong mười phương A tăng kỳ thế giới đó, có thể biết được bờ mé, còn công đức căn lành của Bồ Tát ban đầu phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chẳng có ai biết được bờ mé.
Tại sao ? Vì Bồ Tát chẳng giới hạn, nhưng vì muốn biết kiếp số thành hoại của các thế giới đó, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Vì muốn biết kiếp số thành hoại, của hết thảy tất cả thế giới không còn sót, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Đó là: Biết kiếp dài và kiếp ngắn bình đẳng, kiếp ngắn và kiếp dài bình đẳng. Một kiếp và vô số kiếp bình đẳng, vô số kiếp và một kiếp bình đẳng. Kiếp có Phật và kiếp không có Phật bình đẳng, kiếp không có Phật và kiếp có Phật bình đẳng. Trong kiếp một vị Phật, có bất khả thuyết vị Phật bình đẳng, trong kiếp bất khả thuyết vị Phật, có một vị Phật bình đẳng. Kiếp hữu lượng và kiếp vô lượng bình đẳng, kiếp vô lượng và kiếp hữu lượng bình đẳng. Kiếp bất khả thuyết và một niệm bình đẳng, một niệm và kiếp bất khả thuyết bình đẳng. Tất cả kiếp vào phi kiếp, phi kiếp vào tất cả kiếp.
Muốn ở trong một niệm, biết hết tiền tế, hậu tế và kiếp thành hoại tất cả thế giới hiện tại, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Đây gọi là ban đầu phát tâm đại thệ trang nghiêm, biết rõ tất cả kiếp thần thông trí.
Phật tử ! Hãy thôi ví dụ này. Nếu như có người, nơi một tâm niệm, biết được đủ thứ kiến giải khác nhau, của hết thảy chúng sinh trong A tăng kỳ thế giới ở phương đông. Niệm niệm như vậy, hết số kiếp A tăng kỳ.
Có người thứ hai, nơi một tâm niệm, biết được người ở trước biết các kiến giải của chúng sinh trong A tăng kỳ kiếp. Như vậy cũng hết A tăng kỳ kiếp. Lần lượt cho đến người thứ mười. Phương nam, tây, bắc, bốn hướng trên dưới, cũng lại như thế.
Phật tử ! Đủ thứ kiến giải khác nhau của chúng sinh trong mười phương đó, có thể biết được bờ mé. Công đức căn lành của Bồ Tát ban đầu phát tâm, chẳng có ai biết được bờ mé.
Tại sao ? Phật tử ! Vì Bồ Tát chẳng giới hạn, nhưng vì muốn biết kiến giải của chúng sinh đó, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Vì biết hết đủ thứ kiến giải khác nhau, của hết thảy chúng sinh trong tất cả thế giới, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Đó là: Vì muốn biết vô biên kiến giải khác nhau. Vì một chúng sinh kiến giải và vô số chúng sinh kiến giải bình đẳng. Vì muốn được bất khả thuyết kiến giải khác biệt phương tiện trí quang minh. Vì muốn biết hết mỗi mỗi kiến giải khác nhau của biển chúng sinh không thừa sót. Vì muốn biết đủ thứ vô lượng kiến giải thiện, bất thiện của quá khứ, hiện tại vị lai. Vì muốn biết kiến giải tương tợ, chẳng tương tợ. Vì muốn biết tất cả kiến giải, tức là một kiến giải, một kiến giải tức là tất cả kiến giải. Vì muốn được sức kiến giải của Như Lai.
Vì muốn biết hữu thượng kiến giải, vô thượng kiến giải, hữu dư kiến giải, vô dư kiến giải, đẳng kiến giải, bất đẳng kiến giải khác nhau.
Vì muốn biết hữu y kiến giải, vô y kiến giải, cộng kiến giải, bất cộng kiến giải, hữu biên kiến giải, vô biên kiến giải, sai biệt kiến giải, vô sai biệt kiến giải, thiện kiến giải, bất thiện kiến giải, thế gian kiến giải, xuất thế gian kiến giải khác nhau.
Vì muốn ở trong tất cả diệu kiến giải, đại kiến giải, vô lượng kiến giải, chánh lập kiến giải, đắc được trí không chướng ngại giải thoát của Như Lai.
Vì muốn dùng vô lượng phương tiện, thảy đều biết tất cả cõi chúng sinh trong mười phương. Mỗi mỗi chúng sinh hiểu thanh tịnh, hiểu ô nhiễm, hiểu rộng lớn, hiểu giản lược, hiểu vi tế, hiểu thô, không thừa sót.
Vì đều muốn biết giải thâm mật, giải phương tiện, giải phân biệt, giải tự nhiên, giải theo nhân mà khởi lên, giải theo duyên mà khởi lên. Tất cả lưới giải, đều không thừa sót. Mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Hãy ngưng ví dụ này. Nếu như có người nơi một tâm niệm, biết được các căn khác nhau của tất cả chúng sinh trong vô số thế giới ở phương đông. Niệm niệm đều như vậy, trải qua số kiếp A tăng kỳ.
Có người thứ hai, nơi một tâm niệm, biết được người ở trước biết các căn lành khác nhau trong niệm niệm trải qua số kiếp A tăng kỳ. Nói rộng ra như vậy, cho đến người thứ mười, phương nam tây bắc, bốn hướng trên dưới, cũng lại như thế.
Phật tử ! Các căn khác nhau của hết thảy chúng sinh trong mười phương thế giới đó, có thể biết được bờ mé. Còn công đức căn lành của Bồ Tát ban đầu phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chẳng có ai biết được bờ mé.
Tại sao ? Vì Bồ Tát chẳng giới hạn, chỉ vì muốn biết căn tánh của chúng sinh ở trong các thế giới đó, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Vì muốn biết hết đủ thứ căn tánh khác nhau của tất cả chúng sinh trong tất cả thế giới, nói rộng ra cho đến muốn biết hết tất cả lưới các căn tánh, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Hãy ngưng ví dụ này. Nếu như có người, nơi một tâm niệm, biết được đủ thứ sự ưa thích của hết thảy chúng sinh, trong vô số thế giới ở phương đông. Niệm niệm đều như vậy, hết số kiếp A tăng kỳ. Lần lượt nói rộng ra, cho đến người thứ mười. Phương nam, tây, bắc, bốn hướng trên dưới, cũng lại như thế.
Hết thảy sự ưa thích của chúng sinh trong mười phương, có thể biết được. Công đức căn lành của Bồ Tát ban đầu phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chẳng có ai biết được bờ mé.
Tại sao ? Phật tử ! Vì Bồ Tát chẳng giới hạn. Nhưng Bồ Tát vì muốn biết sự ưa thích của chúng sinh đó, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Vì muốn biết hết đủ thứ sự ưa thích của hết thảy chúng sinh trong tất cả thế giới, nói rộng ra cho đến vì muốn biết lưới tất cả sự ưa thích, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Hãy ngưng ví dụ này. Nếu như có người, nơi một tâm niệm, biết được đủ thứ phương tiện của hết thảy chúng sinh trong vô số thế giới ở phương đông. Nói rộng ra như vậy, cho đến người thứ mười. Phương nam, tây, bắc, bốn hướng, trên dưới, cũng lại như thế.
Đủ thứ phương tiện của chúng sinh trong mười phương đó, có thể biết được bờ mé. Công đức căn lành của Bồ Tát ban đầu phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chẳng ai biết được bờ mé.
Tại sao ? Phật tử ! Vì Bồ Tát chẳng giới hạn. Nhưng vì muốn biết đủ thứ phương tiện của chúng sinh trong những thế giới đó, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Vì muốn biết hết đủ thứ phương tiện của hết thảy chúng sinh trong tất cả thế giới, nói rộng ra cho đến vì muốn biết tất cả lưới phương tiện, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Hãy ngưng ví dụ này. Nếu như có người, nơi một tâm niệm, biết được đủ thứ tâm khác biệt, của hết thảy chúng sinh trong vô số thế giới ở phương đông. Nói rộng cho đến mười phương thế giới, đủ thứ tâm niệm của hết thảy chúng sinh, đều biết được bờ mé.
Công đức căn lành của Bồ Tát ban đầu phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chẳng có ai biết được bờ mé. Tại sao ?
Phật tử ! Bồ Tát không giới hạn, nhưng vì muốn biết tâm của những chúng sinh đó, mà phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì muốn biết hết đủ thứ tâm khác biệt của vô biên chúng sinh trong pháp giới, cho đến muốn biết tất cả lưới tâm, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Hãy ngưng ví dụ này. Nếu như có người, nơi một tâm niệm, biết được đủ thứ nghiệp khác biệt của hết thảy chúng sinh, trong vô số thế giới ở phương đông. Nói rộng ra cho đến mười phương chúng sinh đủ thứ nghiệp khác biệt, đều có thể biết được bờ mé.
Công đức căn lành của Bồ Tát ban đầu phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chẳng có ai biết được bờ mé. Tại sao ?
Phật tử ! Bồ Tát không giới hạn, nhưng vì muốn biết nghiệp của các chúng sinh đó, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Vì muốn biết nghiệp của tất cả chúng sinh trong ba đời, cho đến muốn biết tất cả lưới nghiệp, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Hãy ngưng ví dụ này. Nếu như có người, nơi một tâm niệm, biết được đủ thứ phiền não, của hết thảy chúng sinh trong vô số thế giới ở phương đông. Niệm niệm đều như vậy, cho đến hết số kiếp A tăng kỳ. Đủ thứ các phiền não khác biệt đó, chẳng có ai biết được bờ mé.
Có người thứ hai, nơi một tâm niệm, biết được người thứ nhất biết các phiền não khác biệt của chúng sinh trong A tăng kỳ kiếp. Như vậy lại hết số kiếp A tăng kỳ. Lần lượt nói rộng ra cho đến người thứ mười. Phương nam, tây, bắc, bốn hướng, trên dưới, cũng lại như thế.
Phật tử ! Phiền não khác biệt của chúng sinh trong mười phương đó, có thể biết được bờ mé. Công đức căn lành của Bồ Tát phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, chẳng có ai biết được bờ mé. Tại sao ?
Phật tử ! Bồ Tát chẳng giới hạn, nhưng vì muốn biết phiền não của chúng sinh trong những thế giới đó, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Vì muốn biết phiền não khác biệt của hết thảy chúng sinh trong tất cả thế giới, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Đó là vì muốn biết phiền não nhẹ, phiền não nặng, phiền não ẩn tàng, phiền não sinh khởi, mỗi mỗi chúng sinh có vô lượng phiền não, đủ thứ khác biệt, đủ thứ giác quán, tịnh trị tất cả các tạp nhiễm.
Vì muốn biết hết vô minh phiền não nương tựa, phiền não ái tương ưng. Dứt trừ tất cả phiền não kết trong các loài.
Vì muốn biết phần phiền não tham, phần phiền não sân, phần phiền não si, phiền não đẳng phần. Đoạn trừ tất cả gốc rễ phiền não.
Vì muốn biết hết phiền não của ngã, phiền não của ngã sở, phiền não ngã mạn. Giác ngộ tất cả phiền não hết không thừa.
Vì muốn biết hết từ điên đảo phân biệt, mà sinh ra gốc rễ phiền não. Tùy phiền não. Vì thấy thân mà sinh ra sáu mươi hai kiến, điều phục tất cả phiền não.
Vì muốn biết hết phiền não che đậy, phiền não chướng, phát tâm đại bi cứu hộ, dứt trừ tất cả lưới phiền não, khiến cho tất cả trí tánh thanh tịnh, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phật tử ! Hãy tạm ngưng ví dụ này. Nếu như có người, nơi một tâm niệm, dùng đủ thứ thức ăn uống thượng hạng, hương hoa y phục, tràng phan dù lọng và Tăng già lam, cung điện tốt đẹp, màn lưới báu võng, đủ thứ tòa báu sư tử, và các báu đẹp, cúng dường vô số chư Phật ở phương đông, và hết thảy chúng sinh vô số thế giới. Cung kính tôn trọng, lễ lạy khen ngợi, cúi mình chiêm ngưỡng, liên tục không ngừng, trải qua vô số kiếp. Lại khuyên những chúng sinh đó, đều khiến như vậy, cúng dường chư Phật.
Cho đến sau khi Phật diệt độ, mỗi vị Phật đều xây tháp cho rộng. Vô số thế giới đều có tạo thành các bảo tháp bảy báu, có đủ thứ sự trang nghiêm. Trong mỗi tháp đều có vô số hình tượng Như Lai. Quang minh chiếu khắp vô số thế giới, trải qua vô số kiếp. Phương nam, tây, bắc, bốn hướng, trên dưới, cũng lại như thế.
Phật tử ! Ý ông thế nào ? Công đức của người đó có nhiều chăng ?
Đế Thích nói: Công đức của người đó, chỉ có Phật mới biết được, ngoài ra chẳng có ai lường được.
Phật tử ! Công đức của người đó, so với công đức Bồ Tát ban đầu phát tâm, chẳng bằng một phần trăm, chẳng bằng một phần ngàn, chẳng bằng một phần trăm ngàn, cho đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà.
Phât tử ! Hãy ngưng ví dụ này. Nếu như lại có người thứ hai, nơi một tâm niệm, làm được như người ở trước và cúng dường hết thảy chúng sinh trong vô số thế giới, trải qua vô số kiếp. Niệm niệm như vậy. Dùng vô lượng các thứ đồ cúng dường, cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai, và hết thảy chúng sinh trong vô số thế giới, trải qua vô lượng kiếp.
Người thứ ba, cho đến người thứ mười cũng đều như vậy. Nơi một tâm niệm, đều đem các đồ cúng dường như người thứ nhất. Niệm niệm cũng đều như vậy. Dùng vô biên, vô đẳng, bất khả số, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, bất khả thuyết bất khả thuyết đồ cúng dường. Cúng dường vô biên cho đến bất khả thuyết bất khả thuyết chư Phật, và hết thảy chúng sinh trong vô số thế giới, trải qua vô biên cho đến bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp. Sau khi Phật diệt độ, đều xây tháp báu. Tháp báu đó cao rộng, cho đến kiếp trụ, cũng lại như thế.
Phật tử ! Công đức của những người cúng dường ở trên, so với công đức Bồ Tát ban đầu phát tâm, chẳng bằng một phần trăm, chẳng bằng một phần ngàn, chẳng bằng một phần trăm ngàn. Cho đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà. Tại sao ?
Phật tử ! Vì Bồ Tát cúng dường chẳng giới hạn bao nhiêu chư Phật đó, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Vì cúng dường hết pháp giới hư không giới, bất khả thuyết bất khả thuyết mười phương vô lượng quá khứ vị lai hiện tại, hết thảy các đức Phật, mà phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Phát tâm bồ đề rồi, sẽ biết được quá khứ tất cả chư Phật ban đầu thành Chánh Giác và vào Niết Bàn. Sẽ tin hết thảy căn lành của tất cả chư Phật vị lai. Biết được hết thảy trí huệ của tất cả chư Phật hiện tại.
Hết thảy công đức của chư Phật đó, Bồ Tát này hay tin, hay thọ trì, hay tu tập, hay đắc được, hay biết được, chứng được, thành tựu được, bình đẳng một tánh với chư Phật.
Tại sao ? Vì Bồ Tát này, chẳng dứt tất cả chủng tánh Như Lai mà phát tâm. Vì sung mãn tất cả thế giới mà phát tâm. Vì độ thoát tất cả thế giới chúng sinh mà phát tâm. Vì biết hết tất cả thế giới thành hoại mà phát tâm. Vì biết hết tất cả chúng sinh cấu tịnh mà phát tâm. Vì biết hết tất cả thế giới ba cõi thanh tịnh mà phát tâm. Vì biết hết tất cả chúng sinh tâm ưa thích phiền não tập khí mà phát tâm. Vì biết hết tất cả chúng sinh chết đây sinh kia mà phát tâm. Vì biết hết tất cả chúng sinh các căn phương tiện mà phát tâm. Vì biết hết tất cả chúng sinh tâm hạnh mà phát tâm. Vì biết hết tất cả chúng sinh trí ba đời mà phát tâm.
Vì phát tâm bồ đề, nên thường được tất cả chư Phật ba đời nghĩ nhớ. Sẽ đắc được vô thượng bồ đề của tất cả chư Phật ba đời. Liền được tất cả chư Phật ba đời ban cho diệu pháp. Liền bình đẳng thể tánh với tất cả chư Phật ba đời. Đã tu pháp trợ đạo của tất cả chư Phật ba đời, thì thành tựu sức vô sở úy của tất cả chư Phật ba đời. Trang nghiêm bất cộng Phật pháp của tất cả chư Phật ba đời. Đắc được pháp giới tất cả chư Phật nói pháp trí huệ.
Tại sao ? Vì nhờ phát tâm này mà sẽ được thành Phật. Nên biết người đó liền đồng với chư Phật ba đời. Liền bình đẳng cảnh giới với chư Phật Như Lai ba đời. Liền bình đẳng công đức với chư Phật Như Lai ba đời, đắc được một thân vô lượng thân của Như Lai, cứu kính bình đẳng trí huệ chân thật.
Lúc vừa phát tâm, liền được tất cả chư Phật mười phương cùng khen ngợi. Liền có thể nói pháp, giáo hóa điều phục hết thảy chúng sinh tất cả thế giới. Liền chấn động tất cả thế giới. Liền phóng quang minh chiếu tất cả thế giới. Liền tiêu diệt các đường ác khổ của tất cả thế giới. Liền trang nghiêm thanh tịnh tất cả cõi nước. Liền có thể thị hiện thành Phật trong tất cả thế giới. Liền có thể khiến cho tất cả chúng sinh đều được hoan hỷ. Liền nhập vào tất cả tánh pháp giới. Liền giữ gìn tất cả chủng tánh Phật. Liền đắc được nhất thiết trí huệ quang minh của Phật.
Bồ Tát ban đầu phát tâm đó, chẳng có chút sở đắc nơi ba đời, như là: Chư Phật, hoặc pháp chư Phật. Hoặc Bồ Tát, hoặc pháp Bồ Tát. Hoặc Độc Giác, hoặc pháp Độc Giác. Hoặc Thanh Văn, hoặc pháp Thanh Văn. Hoặc thế gian, hoặc pháp thế gian. Hoặc xuất thế gian, hoặc pháp xuất thế gian. Hoặc chúng sinh, hoặc pháp chúng sinh. Chỉ cầu nhất thiết trí. Nơi các pháp giới, tâm chẳng chấp trước.
Bấy giờ, do thần lực của đức Phật, mỗi phương trong mười phương, đều có các thế giới, nhiều như số hạt bụi một vạn cõi Phật, đều sáu thứ chấn động. Đó là: Động, biến động, đẳng biến động. Khởi, biến khởi, đẳng biến khởi. Dũng, biến dũng, đẳng biến dũng. Chấn, biến chấn, đẳng biến chấn. Hống, biến hống, đẳng biến hống. Kích, biến kích, đẳng biến kích. Mưa xuống các hoa trời, hương trời, hương bột trời, tràng hoa trời, y trời, báu trời, đồ trang nghiêm cõi trời, tấu âm nhạc trời, phóng quang minh trời, và âm thanh trời.
Lúc đó, mỗi phương trong mười phương, qua các thế giới nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật, có các vị Phật nhiều như số hạt bụi vạn cõi Phật, đều đồng danh hiệu là Pháp Huệ, thảy đều hiện thân, ở trước Bồ Tát Pháp Huệ, nói như vầy: Lành thay ! Lành thay ! Pháp Huệ ! Ông hôm nay nói pháp này. Chúng ta trong mười phương, mỗi phương có các vị Phật, nhiều như số hạt bụi vạn cõi Phật, cũng nói pháp này, tất cả chư Phật đều nói pháp này.
Khi ông nói pháp này, thì có các Bồ Tát, nhiều như số hạt bụi vạn cõi Phật, phát tâm bồ đề. Hôm nay chúng ta đều thọ ký cho họ, trong đời vị lai, trải qua ngàn bất khả thuyết vô biên kiếp, cùng ở trong một kiếp mà được thành Phật, xuất hiện ra đời, đều hiệu là Thanh Tịnh Tâm Như Lai. Ở các thế giới, đều khác nhau. Chúng ta đều đang hộ trì pháp này, khiến cho đời vị lai, tất cả Bồ Tát, chưa từng được nghe, thảy đều được nghe.
Như trên đỉnh núi Tu Di bốn thiên hạ thế giới Ta Bà này, nói pháp như vậy. Khiến cho các chúng sinh được nghe rồi, thọ sự giáo hóa của Phật. Như vậy mười phương trăm ngàn ức, Na do tha, vô số, vô lượng, vô biên, vô đẳng, bất khả số, bất khả xưng, bất khả tư, bất khả lượng, bất khả thuyết, tận pháp giới hư không giới, trong các thế giới cũng nói pháp này, giáo hóa chúng sinh.
Những người nói pháp đều đồng danh hiệu là Pháp Huệ. Vì đều nhờ thần lực của Phật. Vì sức bổn nguyện của Thế Tôn. Vì muốn hiển bày Phật pháp. Vì dùng trí huệ quang minh chiếu khắp. Vì muốn khai xiển thật nghĩa. Vì khiến cho chứng được pháp tánh. Vì khiến cho chúng hội đều hoan hỷ. Vì muốn khai thị Phật pháp nhân. Vì được tất cả Phật bình đẳng. Vì thấu rõ pháp giới chẳng hai, mà nói pháp như vậy.
Bấy giờ, Bồ Tát Pháp Huệ, quán sát khắp tận cõi hư không, mười phương cõi nước tất cả chúng hội. Vì muốn thành tựu các chúng sinh. Vì muốn tịnh trị các nghiệp quả báo. Vì muốn khai thị hiển bày pháp giới thanh tịnh. Vì muốn dứt trừ gốc rễ tạp nhiễm. Vì muốn tăng trưởng tin hiểu rộng lớn. Vì muốn khiến cho biết vô lượng căn tánh chúng sinh. Vì muốn khiến cho biết pháp ba đời bình đẳng. Vì muốn khiến cho quán sát cõi Niết Bàn. Vì muốn tăng trưởng căn lành thanh tịnh của mình, bèn nương oai lực của đức Phật mà nói kệ rằng:
Vì lợi thế gian phát tâm lớn
Tâm đó khắp cùng nơi mười phương
Chúng sinh cõi nước pháp ba đời
Phật và Bồ Tát biển tối thắng.
Cứu kính hư không khắp pháp giới
Hết thảy tất cả các thế gian
Như các Phật pháp đều qua đến
Như vậy phát tâm chẳng thối chuyển.
Từ niệm chúng sinh chẳng tạm rời
Lìa các não hại lợi ích khắp
Quang minh chiếu đời làm chỗ tựa
Thập Lực hộ niệm khó nghĩ bàn.
Mười phương cõi nước đều hướng vào
Tất cả sắc hình đều thị hiện
Như Phật phước trí rộng vô biên
Tùy thuận tu nhân chẳng chấp trước.
Có cõi hình ngửa hoặc nghiêng úp
Thô tốt rộng lớn vô lượng thứ
Bồ Tát khi phát tâm tối thượng
Đều hay qua đến chẳng chướng ngại.
Bồ Tát thắng hạnh không thể nói
Đều siêng tu tập chẳng chấp trước
Thấy tất cả Phật thường vui mừng
Khắp vào trong biển pháp thâm sâu.
Thương xót năm nẻo các quần sinh
Khiến trừ dơ bẩn được thanh tịnh
Tiếp tục giống Phật không đoạn tuyệt
Phá tan cung ma chẳng còn sót.
Đã trụ Như Lai tánh bình đẳng
Khéo tu đạo phương tiện vi diệu
Nơi cảnh giới Phật khởi tâm tin
Được Phật quán đảnh tâm chẳng chấp.
Nghĩ nhớ báo ân đấng Lưỡng Túc
Tâm như kim cang không thể hoại
Nơi Phật tu hành chiếu thấu được
Tự nhiên tu tập hạnh bồ đề.
Các cõi khác nhau nghĩ vô lượng
Nghiệp quả và tâm cũng chẳng một
Cho đến căn tánh đủ thứ thù
Khi phát tâm lớn đều thấy rõ.
Tâm đó rộng lớn đồng pháp giới
Không nương không đổi như hư không
Hướng về Phật trí chẳng chấp lấy
Thấu rõ thật tế lìa phân biệt.
Biết tâm chúng sinh không sinh tưởng
Thấu đạt các pháp không pháp tưởng
Tuy khắp phân biệt chẳng phân biệt
Ức Na Do cõi đều qua đến.
Vô lượng chư Phật diệu pháp tạng
Tùy thuận quán sát đều vào được
Chúng sinh căn hạnh thảy đều biết
Đến nơi như vậy như Thế Tôn.
Thanh tịnh đại nguyện luôn tương ưng
Ưa cúng Như Lai chẳng thối chuyển
Trời người thấy được chẳng nhàm đủ
Thường được chư Phật luôn hộ niệm.
Tâm đó thanh tịnh chẳng chỗ nương
Tuy quán pháp sâu mà chẳng chấp
Suy gẫm như vậy vô lượng kiếp
Ở trong ba đời chẳng chấp trước.
Tâm đó kiên cố khó phá hoại
Hướng Phật bồ đề chẳng chướng ngại
Chí cầu diệu đạo trừ mê hoặc
Đi khắp pháp giới chẳng mệt nhọc.
Biết pháp lời lẽ đều vắng lặng
Nhưng vào chân như dứt hiểu khác
Cảnh giới chư Phật đều thuận quán
Thông đạt ba đời tâm chẳng ngại.
Bồ Tát mới phát tâm rộng lớn
Liền qua đến được mười phương cõi
Pháp môn vô lượng không thể nói
Trí quang chiếu khắp đều thấy rõ.
Đại bi rộng độ chẳng gì bằng
Tâm từ khắp cùng đồng hư không
Mà nơi chúng sinh chẳng phân biệt
Thanh tịnh như vậy du thế gian.
Mười phương chúng sinh đều an ủi
Tất cả việc làm đều chân thật
Luôn dùng tâm tịnh lời chẳng khác
Thường được chư Phật cùng gia hộ.
Quá khứ hết thảy đều nghĩ nhớ
Vị lai tất cả đều phân biệt
Khắp vào trong mười phương thế giới
Vì độ chúng sinh khiến thoát khỏi.
Bồ Tát đầy đủ diệu trí quang
Khéo rõ nhân duyên chẳng hoài nghi
Tất cả mê hoặc đều dứt trừ
Như vậy du hành nơi pháp giới.
Cung điện ma vương đều phá tan
Chúng sinh màn lòa đều trừ diệt
Lìa các phân biệt tâm chẳng động
Khéo rõ cảnh giới của Như Lai.
Lưới nghi ba đời đều đã trừ
Ở chỗ Như Lai khởi tin tịnh
Nhờ tin được thành trí bất động
Vì trí thanh tịnh hiểu chân thật.
Vì khiến chúng sinh được thoát khỏi
Tận thuở vị lai khắp lợi ích
Mãi mãi cần khổ tâm chẳng mỏi.
Cho đến địa ngục cũng an thọ.
Phước huệ vô lượng đều đầy đủ
Căn dục chúng sinh đều biết rõ
Và các nghiệp hành đều thấy hết
Như chỗ họ thích vì nói pháp.
Biết rõ tất cả không vô ngã
Từ niệm chúng sinh luôn chẳng bỏ
Dùng một âm đại bi vi diệu
Vào khắp thế gian để diễn nói.
Phóng đại quang minh đủ thứ màu
Chiếu khắp chúng sinh trừ đen tối
Trong quang Bồ Tát ngồi hoa sen
Vì chúng xiển dương pháp thanh tịnh.
Nơi đầu sợi lông hiện các cõi
Các đại Bồ Tát đều đầy dẫy
Chúng hội trí huệ đều khác nhau
Thảy đều thấu rõ tâm chúng sinh.
Mười phương thế giới không thể nói
Một niệm đi khắp hết tất cả
Lợi ích chúng sinh cúng dường Phật
Nơi chỗ chư Phật hỏi nghĩa sâu.
Nơi các Như Lai nghĩ cha lành
Vì lợi chúng sinh tu giác hạnh
Trí huệ khéo léo thông pháp tạng
Vào chỗ trí sâu chẳng chấp trước.
Tùy thuận suy gẫm nói pháp giới
Trải vô lượng kiếp không thể lường
Tuy trí khéo vào chẳng xứ sở
Chẳng có mỏi nhàm chẳng chấp trước.
Sinh trong nhà chư Phật ba đời
Chứng được diệu pháp thân Như Lai
Khắp vì quần sinh hiện các màu
Ví như huyễn sư biến hết thảy.
Hoặc hiện ban đầu tu thắng hạnh
Hoặc hiện sơ sinh và xuất gia
Hoặc hiện dưới cây thành chánh giác
Hoặc vì chúng sinh hiện Niết Bàn.
Bồ Tát trụ chỗ pháp hi hữu
Chỉ cảnh giới Phật chẳng nhị thừa
Thân lời ý tưởng đều đã trừ
Đủ thứ tùy nghi đều hiện được.
Bồ Tát đắc được các Phật pháp
Chúng sinh suy gẫm phát cuồng loạn
Trí vào thật tế tâm vô ngại
Khắp hiện Như Lai tự tại lực.
Đây nơi thế gian chẳng gì bằng
Hà huống lại thêm hạnh thù thắng
Tuy chưa đầy đủ nhất thiết trí
Đã được sức tự tại Như Lai.
Đã trụ một thừa đạo cứu kính
Vào sâu pháp tối thượng vi diệu
Khéo biết chúng sinh thời phi thời
Vì lợi ích mà hiện thần thông.
Phân thân đầy khắp tất cả cõi
Phóng tịnh quang minh diệt đời tối
Ví như Long Vương nổi mây lớn
Mưa khắp pháp vũ đều thấm nhuần.
Quán sát chúng sinh như huyễn mộng
Vì nghiệp lực nên thường lưu chuyển
Đại bi thương xót đều cứu vớt
Vì nói pháp tánh tịnh vô vi.
Phật lực vô lượng đây cũng thế
Ví như hư không chẳng bờ mé
Vì khiến chúng sinh được giải thoát
Ức kiếp siêng tu chẳng nhàm mỏi.
Đủ thứ suy gẫm diệu công đức
Khéo tu nghiệp bậc nhất vô thượng
Nơi các thắng hạnh luôn không bỏ
Chuyên niệm họ thành nhất thiết trí.
Một thân thị hiện vô lượng thân
Tất cả thế giới đều đến khắp
Tâm Ngài thanh tịnh chẳng phân biệt
Một niệm sức tư nghì như vậy.
Nơi các thế gian chẳng phân biệt
Nơi tất cả pháp chẳng vọng tưởng
Tuy quán các pháp chẳng thủ lấy
Luôn cứu chúng sinh chẳng chỗ độ.
Tất cả thế gian chỉ là tưởng
Trong đó đủ thứ đều khác nhau
Biết cảnh giới tưởng hiểm lại sâu
Vì họ hiện thần thông cứu thoát.
Ví như huyễn sư sức tự tại
Thần biến Bồ Tát cũng như vậy
Thân khắp pháp giới và hư không
Tuỳ tâm chúng sinh đều thấy được.
Năng sở phân biệt hai đều lìa
Tạp nhiễm thanh tịnh chẳng thủ lấy
Hoặc trói hoặc mở trí đều mất
Nhưng nguyện ban vui khắp chúng sinh.
Tất cả thế gian do sức tưởng
Dùng trí mà vào tâm chẳng sợ
Suy gẫm các pháp cũng như thế
Ba đời thôi cầu chẳng thể được.
Hay vào quá khứ xong thuở trước
Hay vào vị lai xong thuở sau
Hay vào hiện tại tất cả nơi
Thường siêng quán sát chẳng chỗ có.
Tùy thuận Niết Bàn pháp vắng lặng
Trụ nơi vô tránh chẳng chỗ nương
Tâm như thật tế chẳng gì bằng
Chuyên hướng bồ đề vĩnh bất thối.
Tu các thắng hạnh chẳng thối sợ
An trụ bồ đề chẳng lay động
Phật và Bồ Tát hiện ra đời
Tận nơi pháp giới đều thấu rõ.
Muốn được đạo đệ nhất tối thắng
Được nhất thiết trí vua giải thoát
Hãy mau chóng phát tâm bồ đề
Vĩnh sạch các lậu lợi quần sinh.
Hướng về bồ đề tâm thanh tịnh
Công đức rộng lớn không thể nói
Vì lợi chúng sinh nên khen thuật
Các ông hiền nhân khéo lắng nghe.
Vô lượng thế giới làm bụi hết
Trong mỗi hạt bụi vô lượng cõi
Trong đó chư Phật đều vô lượng
Thảy đều thấy rõ chẳng thủ lấy.
Khéo biết chúng sinh không sinh tưởng
Khéo biết lời lẽ chẳng lời tưởng
Nơi các thế giới tâm vô ngại
Đều khéo biết rõ chẳng chấp trước.
Tâm lượng rộng lớn như hư không
Sự việc ba đời đều thông đạt
Tất cả nghi hoặc đều trừ diệt
Chánh quán Phật pháp chẳng thủ lấy.
Mười phương vô lượng các cõi nước
Một niệm qua đến tâm chẳng chấp
Thông đạt thế gian các pháp khổ
Đều trụ vô sinh chân thật tế.
Vô lượng nan tư chỗ chư Phật
Đều đến hội đó chiêm lễ Phật
Thường làm thượng thủ hỏi Như Lai
Các hạnh nguyện tu của Bồ Tát.
Tâm thường nghĩ nhớ mười phương Phật
Mà chẳng chỗ nương chẳng thủ lấy
Luôn khuyên chúng sinh trồng căn lành
Trang nghiêm cõi nước khiến thanh tịnh.
Tất cả hướng sinh nơi ba cõi
Dùng mắt vô ngại để quán sát
Hết thảy tập tánh các căn hiểu
Vô lượng vô biên đều thấy rõ.
Chúng sinh tâm thích đều biết rõ
Như vậy tùy nghi vì nói pháp
Nơi các nhiễm tịnh đều thông đạt
Khiến họ tu trị vào trong đạo.
Vô lượng vô biên các tam muội
Bồ Tát một niệm đều vào được
Trong đó tưởng trí và sở duyên
Đều khéo biết rõ được tự tại.
Bồ Tát được trí rộng lớn này
Mau hướng bồ đề chẳng chướng ngại
Vì muốn lợi ích các quần sinh
Nơi nơi tuyên dương pháp đại nhân.
Khéo biết thế gian kiếp dài ngắn
Một tháng nửa tháng và ngày đêm
Cõi nước khác nhau tánh bình đẳng
Thường siêng quán sát chẳng phóng dật.
Đến khắp mười phương các thế giới
Mà các nơi đến chẳng thủ lấy
Nghiêm tịnh cõi nước đều không thừa
Cũng chẳng sinh phân biệt thanh tịnh.
Chúng sinh thị xứ hoặc phi xứ
Cùng với các nghiệp cảm báo khác
Tùy thuận tu đi vào Phật lực
Nơi đó tất cả đều biết rõ.
Tất cả thế gian đủ thứ tánh
Đủ thứ chỗ làm trụ ba cõi
Lợi căn cùng với trung hạ căn
Như vậy tất cả đều quán sát.
Tịnh và bất tịnh đủ thứ hiểu
Thắng liệt và trung đều thấy rõ
Tất cả chúng sinh chỗ đi đến
Ba cõi liên tục đều nói được.
Thiền định giải thoát các tam muội
Nhiễm tịnh nhân khởi đều khác nhau
Cùng với khổ vui thù đời trước
Tịnh tu Phật lực đều thấy được.
Chúng sinh nghiệp hoặc tục các cõi
Dứt các cõi này được vắng lặng
Đủ thứ pháp lậu vĩnh chẳng sinh
Và tập chúng đó đều biết rõ.
Như Lai phiền não đều trừ sạch
Đại trí quang minh chiếu thế gian
Bồ Tát ở trong Phật thập lực
Tuy chưa chứng được cũng chẳng nghi.
Bồ Tát ở trong một lỗ lông
Hiện khắp mười phương vô lượng cõi
Hoặc có tạp nhiễm hoặc thanh tịnh
Đủ thứ nghiệp làm đều rõ được.
Trong một hạt bụi vô lượng cõi
Vô lượng chư Phật và Phật tử
Các cõi khác nhau chẳng tạp loạn
Như một tất cả đều thấy rõ.
Nơi một lỗ lông thấy mười phương
Tận cõi hư không các thế gian
Chẳng có nơi nào không có Phật
Như vậy cõi Phật đều thanh tịnh.
Ở trong lỗ lông thấy cõi Phật
Lại thấy tất cả các chúng sinh
Ba đời sáu nẻo đều khác nhau
Ngày đêm tháng giờ có buộc giải.
Như vậy các Bồ Tát đại trí
Chuyên tâm hướng về bậc Pháp Vương
Chỗ của Phật trụ thuận tư duy
Mà được vô biên đại hoan hỷ.
Bồ Tát phân thân vô lượng ức
Cúng dường tất cả các Như Lai
Thần thông biến hiện thắng vô tỉ
Chỗ hành của Phật đều trụ được.
Chỗ vô lượng Phật đều suy ngưỡng
Hết thảy tạng pháp đều nếm vị
Thấy Phật nghe pháp siêng tu hành
Như uống cam lồ tâm hoan hỷ.
Đã được Như Lai thắng tam muội
Khéo vào các pháp trí tăng trưởng
Tâm tin chẳng động như Tu Di
Khắp làm quần sinh công đức tạng.
Tâm từ rộng lớn khắp chúng sinh
Đều nguyện sớm thành nhất thiết trí
Mà luôn chẳng chấp chẳng chỗ nương
Lìa các phiền não được tự tại.
Thưong xót chúng sinh trí rộng lớn
Khắp nhiếp tất cả đồng như mình
Biết không vô tướng chẳng chân thật
Mà hành tâm nguyện chẳng giải thối.
Bồ Tát phát tâm công đức lượng
Ức kiếp khen ngợi không hết được
Vì sinh tất cả các Như Lai
Độc Giác Thanh Văn đều an lạc.
Mười phương cõi nước các chúng sinh
Thảy đều thí an vô lượng kiếp
Khuyên giữ năm giới và thập thiện
Tứ thiền tứ đẳng các định xứ.
Lại trong nhiều kiếp thí an lạc
Khiến dứt các hoặc thành La Hán
Các phước đức đó tuy vô lượng
Chẳng bằng công đức phát tâm này.
Lại dạy ức chúng thành Duyên Giác
Được vô tánh hành đạo vi diệu
Dùng đó mà sánh tâm bồ đề
Tính đếm ví dụ chẳng bằng được.
Một niệm qua được cõi số bụi
Như vậy trải qua vô lượng kiếp
Các cõi đó đếm còn lường được
Công đức phát tâm chẳng biết được.
Quá khứ vị lai và hiện tại
Hết thảy kiếp số vô biên lượng
Các kiếp đó đếm có thể biết
Công đức phát tâm không dò được.
Dùng tâm bồ đề khắp mười phương
Hết thảy phân biệt đâu chẳng biết
Một niệm ba đời đều thông đạt
Vì lợi ích vô lượng chúng sinh.
Mười phương thế giới các chúng sinh
Muốn hiểu phương tiện ý hành vi
Với bờ mé hư không dò được
Công đức phát tâm khó biết được.
Bồ Tát chí nguyện đồng mười phương
Tâm từ nhuần khắp các quần sinh
Khiến họ tu thành công đức Phật
Cho nên lực đó chẳng bờ mé.
Chúng sinh muốn hiểu tâm ưa thích
Các căn phương tiện hành khác nhau
Ở trong một niệm đều thấu rõ
Nhất thiết trí trí tâm đồng nhau.
Phát tâm hay lìa nghiệp phiền não
Cúng dường tất cả các Như Lai
Nghiệp hoặc sẽ lìa dứt liên tục
Khắp nơi ba đời được giải thoát.
Một niệm cúng dường vô biên Phật
Cũng cúng vô số các chúng sinh
Cũng cúng hương hoa và màn đẹp
Tràng phan lọng báu y phục tốt.
Thức ngon tòa quý nơi kinh hành
Đủ thứ cung điện đều nghiêm đẹp
Tỳ Lô Giá Na châu báu đẹp
Như ý ma ni phát quang chiếu.
Niệm niệm như vậy đem cúng dường
Trải vô lượng kiếp không thể nói
Phước đức người đó tuy rất nhiều
Chẳng bằng đại công đức phát tâm.
Đủ thứ các ví dụ nói ra
Đều không bằng phát tâm bồ đề
Bởi các Nhân Trung Tôn ba đời
Đều từ phát tâm mà sinh ra.
Phát tâm vô ngại chẳng bờ mé
Muốn biết lượng đó không thể được
Nhất thiết trí trí thệ tất thành
Hết thảy chúng sinh vĩnh viễn độ.
Phát tâm rộng lớn đồng hư không
Sinh các công đức đồng pháp giới
Sở hành phổ khắp như chẳng khác
Vĩnh lìa chấp trước Phật bình đẳng.
Tất cả pháp môn thảy đều vào
Tất cả cõi nước đều qua đến
Tất cả trí cảnh đều thông đạt
Tất cả công đức đều thành tựu.
Tất cả xả được luôn liên tục
Tịnh các giới phẩm chẳng chấp trước
Đầy đủ đại công đức vô thượng
Thường siêng tinh tấn chẳng thối lùi.
Vào sâu thiền định luôn suy gẫm
Trí huệ rộng lớn cùng tương ưng
Đây là bậc Bồ Tát tối thắng
Sinh ra tất cả đạo Phổ Hiền.
Ba đời tất cả các Như Lai
Thảy đều hộ niệm sơ phát tâm
Đều dùng tam muội đà la ni
Thần thông biến hóa cùng trang nghiêm.
Mười phương chúng sinh vô số lượng
Thế giới hư không cũng như vậy
Phát tâm vô lượng quá hơn đó
Cho nên hay sinh tất cả Phật.
Tâm bồ đề là gốc mười lực
Cũng là gốc bốn biện vô úy
Mười tám bất cộng cũng từ đó
Thảy đều từ phát tâm mà được.
Thân sắc tướng trang nghiêm chư Phật
Cùng với diệu pháp thân bình đẳng
Trí huệ vô trước sở ứng cúng
Đều nhờ phát tâm mà đắc được.
Tất cả Độc Giác Thanh Văn thừa
Các thiền tam muội vui cõi sắc
Và các tam muội cõi vô sắc
Đều nhờ phát tâm làm cơ bản.
Tất cả trời người tự tại vui
Cùng với các cõi đủ thứ vui
Tấn định căn lực thảy các vui
Hết thảy đều do sơ phát tâm.
Nhờ nhân phát sinh tâm rộng lớn
Tất hay tu hành hạnh lục độ
Khuyên các chúng sinh hành chánh hạnh
Ở trong ba cõi thọ an vui.
Trụ Phật vô ngại trí thật nghĩa
Hết thảy diệu nghiệp đều khai xiển
Hay khiến vô lượng các chúng sinh
Đều dứt hoặc nghiệp hướng Niết Bàn.
Khắp phát vô biên nguyện công đức
Đều ban vui tất cả chúng sinh
Suốt thuở vị lai nương nguyện hành
Thường siêng tu tập độ chúng sinh.
Vô lượng đại nguyện khó nghĩ bàn
Nguyện khiến chúng sinh đều thanh tịnh
Không vô tướng nguyện chẳng chỗ nương
Nhờ nguyện lực nên đều hiểu rõ.
Rõ pháp tự tại như hư không
Tất cả vắng lặng đều bình đẳng
Pháp môn vô số không thể nói
Vì chúng sinh nói chẳng chấp trước.
Như số chúng sinh bao kiếp số
Nói công đức đó không hết được
Nhờ ở nhà Như Lai rộng lớn
Ba cõi các pháp không thể dụ.
Muốn biết tất cả các Phật pháp
Hãy nên mau phát tâm bồ đề
Công đức tâm này tối thắng nhất
Sẽ được trí Như Lai vô ngại.
Tâm hành chúng sinh đếm biết được
Hạt bụi cõi nước cũng như thế
Bờ mé hư không có thể lường
Công đức phát tâm không dò được.
Sinh ra ba đời tất cả Phật
Thành tựu thế gian tất cả vui
Tăng trưởng tất cả thắng công đức
Vĩnh dứt tất cả các nghi hoặc.
Mở bày tất cả diệu cảnh giới
Trừ sạch tất cả các chuớng ngại
Thành tựu tất cả cõi thanh tịnh
Sinh ra tất cả trí Như Lai.
Muốn thấy mười phương tất cả Phật
Muốn thí vô tận tạng công đức
Muốn diệt phiền não của chúng sinh
Hãy nên mau phát tâm bồ đề
No comments:
Post a Comment