Monday, October 10, 2016

Tập 2: Kinh Hoa Nghiêm - Phẩm 13: Thăng lên đỉnh Tu Di, Phẩm 14: Kệ khen ngợi trên đỉnh Tu Di, Phẩm 15: Thập Trụ

KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

Hán dịch: Sa Môn Thật Xoa Nan Đà
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định



TẬP 2


  Xem Kinh dạng pdf




KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

QUYỂN MƯỜI SÁU

PHẨM THĂNG LÊN ĐỈNH NÚI TU DI THỨ MƯỜI BA

Bấy giờ, do oai thần lực của Như Lai, mười phương tất cả thế giới, mỗi mỗi tứ Thiên hạ trong cõi Diêm Phù Đề, đều thấy Như Lai ngồi dưới cội bồ đề, đều có Bồ Tát nương thần lực của Phật mà diễn nói pháp, hết thảy đều cho rằng mình luôn ở trước Phật.
Bấy giờ, đức Thế Tôn chẳng lìa khỏi dưới tất cả cội bồ đề, mà thăng lên đỉnh núi Tu Di, hướng về cung điện của trời Đế Thích.
Bấy giờ, trời Đế Thích ở trước điện Diệu Thắng, xa trông thấy đức Phật đến, bèn dùng thần lực, trang nghiêm cung điện đó, trang trí tòa sư tử Phổ quang minh tạng. Tòa đó đều dùng diệu báu làm thành.
Có mười ngàn tầng cấp, rất đẹp trang nghiêm. Mười ngàn lưới vàng, giăng che phía trên. Mười ngàn thứ màn, mười ngàn thứ lọng, bày trí chung quanh. Mười ngàn lụa thêu thòng rũ khắp nơi. Mười ngàn chuỗi châu báu xen kẽ khắp bốn phía. Mười ngàn y phục phô bày khắp trên tòa. Mười ngàn Thiên tử, mười ngàn Phạm Vương vây quanh trước sau. Mười ngàn quang minh chiếu sáng.
Bấy giờ, trời Đế Thích vì Như Lai trang trí tòa xong rồi, cúi mình chắp tay cung kính, hướng về đức Phật mà bạch rằng: Thiện lai đức Thế Tôn ! Thiện lai đức Thiện Thệ ! Thiện lai đức Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác. Xin nguyện Ngài thương xót mà vào cung điện này.
Bấy giờ, đức Thế Tôn thọ nhận lời thỉnh cầu, đi vào điện Diệu Thắng. Trong mười phương tất cả thế giới, cũng đều như thế.
Bấy giờ, Đế Thích nương thần lực của đức Phật, trong các cung điện, hết thảy âm nhạc đều tự nhiên ngừng lại. Liền tự nghĩ nhớ ở chỗ chư Phật quá khứ, trồng các căn lành mà nói kệ rằng:
Ca Diếp Như Lai đủ đại bi
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Câu Na Mâu Ni thấy vô ngại
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Ca La Cưu Đà như núi vàng
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Phật Tỳ Xá Phù sạch ba cấu
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Thi Khí Như Lai lìa phân biệt
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Phật Tỳ Bà Thi như trăng rằm
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Phất Sa thấu rõ đệ nhất nghĩa
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Đề Xá Như Lai biện vô ngại
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Phật Ba Đầu Ma tịnh vô cấu
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.
Nhiên Đăng Như Lai đại quang minh
Trong những cát tường vô thượng nhất
Phật đó từng vào cung điện này
Thế nên nơi này cát tường nhất.

Bấy giờ, đức Thế Tôn vào điện Diệu Thắng ngồi kiết già, thì điện đó bỗng nhiên rộng lớn vô cùng, như chỗ ở của các chư Thiên. Mười phương thế giới cũng đều như thế.





KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

QUYỂN MƯỜI SÁU

PHẨM KỆ KHEN NGỢI TRÊN ĐỈNH TU DI THỨ MƯỜI BỐN

Bấy giờ, do thần lực của Phật, mười phương đều có một vị đại Bồ Tát. Mỗi vị đều cùng với các Bồ Tát, nhiều như số hạt bụi cõi Phật tụ lại. Từ ngoài cõi nước nhiều như số hạt bụi trăm cõi Phật, trong các thế giới đồng tụ tập đến.
Tên của các Ngài là: Bồ Tát Pháp Huệ. Bồ Tát Nhất Thiết Huệ. Bồ Tát Thắng Huệ. Bồ Tát Công Đức Huệ. Bồ Tát Tinh Tấn Huệ. Bồ Tát Thiện Huệ. Bồ Tát Trí Huệ. Bồ Tát Chân Thật Huệ. Bồ Tát Vô Thượng Huệ. Bồ Tát Kiên Cố Huệ.
Từ cõi nước đến, đó là: Thế giới Nhân Đà La Hoa. Thế giới Ba Đầu Ma Hoa. Thế giới Bảo Hoa. Thế giới Ưu Bát La Hoa. Thế giới Kim Cang Hoa. Thế giới Diệu Hương Hoa. Thế giới Duyệt Ý Hoa. Thế giới A Lư Na Hoa. Thế giới Na La Đà Hoa. Thế giới Hư Không Hoa.
Các vị Bồ Tát đó, ở chỗ chư Phật tịnh tu phạm hạnh. Đó là: Phật Thù Đặc Nguyệt. Phật Vô Tận Nguyệt. Phật Bất Động Nguyệt. Phật Phong Nguyệt. Phật Thủy Nguyệt. Phật Giải Thoát Nguyệt. Phật Vô Thượng Nguyệt. Phật Tinh Tú Nguyệt. Phật Thanh Tịnh Nguyệt. Phật Minh Liễu Nguyệt.
Các Bồ Tát đó, đến chỗ Phật rồi, đảnh lễ dưới chân Phật, theo phương của mình đến, ai nấy đều hóa làm tòa sư tử Tỳ Lô Giá Na Tạng và ngồi kiết già trên tòa đó.
Như trong thế giới này, trên đỉnh Tu Di, các Bồ Tát đều tụ tập đến. Trong tất cả thế giới, cũng đều như thế. Các Bồ Tát đó, hết thảy danh hiệu, thế giới, danh hiệu Phật, cũng đều giống nhau không khác.
Bấy giờ, đức Thế Tôn từ các ngón chân của hai bàn chân, phóng ra trăm ngàn ức quang minh sắc đẹp, chiếu khắp mười phương tất cả thế giới. Trên đỉnh Tu Di, trong cung điện trời Đế Thích, Phật và đại chúng thảy đều hiện ra.
Bấy giờ, Bồ Tát Pháp Huệ, nương thần lực của đức Phật, quán khắp mười phương mà nói kệ rằng:
Phật phóng tịnh quang minh
Khắp thấy Thế Đạo Sư
Trên đỉnh núi Tu Di
Ngự trong điện Diệu Thắng.
Tất cả trời Đế Thích
Thỉnh Phật vào cung điện
Đều dùng mười kệ hay
Khen ngợi các Như Lai.
Trong các đại hội đó
Hết thảy chúng Bồ Tát
Đều từ mười phương đến
Hóa tòa ngồi trên đó.
Các Bồ Tát hội đó
Danh hiệu đồng chúng tôi
Đến từ các thế giới
Danh từ cũng như vậy.
Cõi nước các Thế Tôn
Danh hiệu cũng đồng nhau
Mỗi vị ở nước mình
Tịnh tu hạnh vô thượng.
Phật tử ! Ông nên quán
Tự tại của Như Lai
Tất cả cõi Diêm Phù
Đều nói Phật trong đó.
Chúng ta nay thấy Phật
Trụ trên đỉnh Tu Di
Mười phương cũng như thế
Sức tự tại Như Lai.
Trong mỗi mỗi thế giới
Phát tâm cầu Phật đạo
Nương vào nguyện như vậy
Tu tập hạnh bồ đề.
Phật dùng đủ loại thân
Du hành khắp thế gian
Pháp giới chẳng gì ngại
Không ai trắc lượng được.
Huệ quang luôn chiếu khắp
Đời tối đều trừ diệt
Tất cả chẳng sánh bằng
Làm sao dò biết được !

Bấy giờ, Bồ Tát Nhất Thiết Huệ, nương oai lực của đức Phật, quán khắp mười phương, mà nói kệ rằng:
Giả sử trăm ngàn kiếp
Thường thấy đức Như Lai
Chẳng nương nghĩa chân thật
Mà quán bậc Cứu Thế.
Người đó trụ các tướng
Tăng thêm lưới si hoặc
Trói chặt ngục sinh tử
Mù tối chẳng thấy Phật.
Quán sát nơi các pháp
Tự tánh chẳng chỗ có
Tướng nó vốn sinh diệt
Chỉ là giả danh nói.
Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền.
Pháp tánh vốn vắng lặng
Không lấy cũng không thấy
Tánh không tức là Phật
Không thể suy lường được.
Nếu biết tất cả pháp
Thể tánh đều như vậy
Thì người đó không bị
Phiền não làm nhiễm trước.
Phàm phu thấy các pháp
Nhưng tùy theo tướng chuyển
Chẳng rõ pháp vô tướng
Do đó chẳng thấy Phật.
Mâu Ni lìa ba đời
Các tướng đều đầy đủ
Trụ nơi chẳng chỗ trụ
Khắp thảy mà chẳng động.
Tôi quán tất cả pháp
Thảy đều thấu rõ hết
Nay thấy nơi Như Lai
Quyết định không có nghi.
Pháp Huệ trước đã nói
Như Lai chân thật tướng
Tôi từ đó biết rõ
Bồ đề khó nghĩ bàn.

Bấy giờ, Bồ Tát Thắng Huệ nương thần lực của đứcPhật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:
Như Lai đại trí huệ
Ít có không thể sánh
Tất cả các thế gian
Suy tư chẳng biết được.
Phàm phu vọng quán sát
Giữ tướng chẳng như lý
Phật lìa tất cả tướng
Phàm phu chẳng thấy được.
Người mê hoặc vô tri
Vọng giữ tướng năm uẩn
Chẳng rõ chân tánh đó
Người đó chẳng thấy Phật.
Biết rõ tất cả pháp
Đều chẳng có tự tánh
Hiểu pháp tánh như vậy
Tức thấy Lô Xá Na.
Vì do năm uẩn trước
Uẩn sau khởi liên tục
Nơi tánh này biết rõ
Thấy Phật khó nghĩ bàn.
Ví như báu trong tối
Không đèn chẳng thể thấy
Phật pháp chẳng người nói
Dù huệ chẳng biết được.
Cũng như mắt có màng
Chẳng thấy màu đẹp tịnh
Tâm bất tịnh như vậy
Chẳng thấy pháp chư Phật.
Lại như mặt trời sáng
Kẻ mù chẳng thấy được
Tâm chẳng có trí huệ
Không thấy được chư Phật.
Nếu trừ được màng mắt
Xả lìa nơi sắc tưởng
Chẳng thấy nơi các pháp
Tức thấy được Như Lai.
Nhất Thiết Huệ trước nói
Pháp bồ đề chư Phật
Tôi nghe từ nơi đó
Thấy được Lô Xá Na.

Bấy giờ, Bồ Tát Công Đức Huệ nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng.
Các pháp chẳng chân thật
Vọng giữ tướng chân thật
Do đó các phàm phu
Luân hồi ngục sinh tử.
Lời lẽ nói các pháp
Trí nhỏ vọng phân biệt
Do đó sinh chướng ngại
Chẳng rõ nơi tâm mình.
Không thể rõ tâm mình
Làm sao biết chánh đạo
Đó do điên đảo huệ
Tăng trưởng tất cả ác.
Chẳng thấy các pháp không
Luôn thọ khổ sinh tử
Người đó chưa có được
Pháp nhãn thanh tịnh vậy.
Xưa tôi thọ các khổ
Do tôi chẳng thấy Phật
Nên phải tịnh pháp nhãn
Thấy chỗ đáng được thấy.
Nếu thấy được đức Phật
Mà tâm chẳng thủ giữ
Người đó tức thấy được
Biết pháp của Phật nói.
Nếu thấy thật pháp Phật
Tức gọi bậc đại trí
Người đó có mắt tịnh
Quán sát được thế gian.
Không thấy tức là thấy
Thấy được tất cả pháp
Nếu nơi pháp có thấy
Đó là không chỗ thấy.
Tất cả các pháp tánh
Không sinh cũng không diệt
Lạ thay đại Đạo Sư
Tự giác hay giác tha.
Thắng Huệ trước đã nói
Pháp của Như Lai ngộ
Chúng tôi từ đó nghe
Biết được chân tánh Phật.
Bấy giờ, Bồ Tát Tinh Tấn Huệ nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:
Nếu trụ nơi phân biệt
Tức hoại mắt thanh tịnh
Ngu si tà kiến tăng
Vĩnh chẳng thấy chư Phật.
Nếu rõ được pháp tà
Như thật chẳng điên đảo
Biết vọng vốn tự chân
Thấy Phật liền thanh tịnh.
Có thấy tức là cấu
Đó tức là chưa thấy
Xa lìa các sự thấy
Như vậy mới thấy Phật.
Pháp ngôn ngữ thế gian
Chúng sinh vọng phân biệt
Biết đời đều không sinh
Đó là thấy thế gian.
Nếu thấy thấy thế gian
Tức thấy tướng thế gian
Như thật đồng không khác
Đây gọi người thấy thật.
Nếu thấy đồng không khác
Nơi vật chẳng phân biệt
Thấy đó lìa các hoặc
Vô lậu được tự tại.
Pháp chư Phật mở bày
Tất cả pháp phân biệt
Đó đều bất khả đắc
Do đó tánh thanh tịnh.
Pháp tánh vốn thanh tịnh
Như không chẳng có tướng
Tất cả không thể nói
Bậc trí quán như vậy.
Xa lìa nơi pháp tưởng
Chẳng ưa tất cả pháp
Đó cũng không chỗ tu
Thấy được Đại Mâu Ni.
Như chỗ Đức Huệ nói
Đây gọi người thấy Phật
Hết thảy tất cả hạnh
Thể tánh đều vắng lặng.

Bấy giờ, Bồ Tát Thiện Huệ, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng.
Ít có đại dũng kiện
Vô lượng các Như Lai
Lìa cấu tâm giải thoát
Tự độ hay độ họ.
Tôi thấy Thế Gian Đăng
Như thật chẳng điên đảo
Như trong vô lượng kiếp
Chỗ thấy bậc tích trí.
Tất cả phàm phu làm
Thảy đều mau quy tận
Tánh đó như hư không
Nên nói không có tận.
Bậc trí nói vô tận
Đây cũng không chỗ nói
Vì tự tánh vô tận
Được có nan tư tận.
Trong chỗ nói vô tận
Không chúng sinh khả đắc
Biết tánh chúng sinh vậy
Tức thấy Đại Danh Xưng.
Không thấy nói là thấy
Không sinh nói chúng sinh
Nếu thấy, nếu chúng sinh
Biết rõ không thể tánh.
Năng thấy và sở thấy
Người thấy đều trừ bỏ
Chẳng hoại nơi thật pháp
Người đó biết rõ Phật.
Nếu người biết rõ Phật
Và pháp của Phật nói
Tức chiếu được thế gian
Như Phật Lô Xá Na.
Chánh giác khéo khai thị
Một pháp tạo thanh tịnh
Tinh Tấn Huệ đại sĩ
Diễn nói vô lượng pháp.
Hoặc có hoặc không có
Tưởng đó đều trừ diệt
Như vậy thấy được Phật
An trụ nơi thật tế.

Bấy giờ, Bồ Tát Trí Huệ, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương, mà nói kệ rằng:
Tôi nghe giáo tối thắng
Bèn sinh trí huệ quang
Chiếu khắp mười phương giới
Đều thấy tất cả Phật.
Trong đó không chút vật
Chỉ có danh tự giả
Nếu tánh có ta người
Tức là vào đường hiểm.
Phàm phu thủ chấp trước
Chấp thân là thật có
Như Lai chẳng chấp thủ
Họ trọn không thấy được.
Người đó không huệ nhãn
Không thể thấy được Phật
Ở trong vô lượng kiếp
Lưu chuyển biển sinh tử.
Có tranh nói sinh tử
Không tranh tức Niết Bàn
Sinh tử và Niết Bàn
Cả hai bất khả đắc.
Nếu truy danh tự giả
Thủ trước hai pháp này
Người đó chẳng như thật
Chẳng biết Thánh diệu đạo.
Nếu sinh tưởng như vậy
Đây Phật đây tối thắng
Điên đảo chẳng thật nghĩa
Không thấy được Chánh Giác.
Biết được thật thể này
Tướng tịch diệt chân như
Thì thấy đấng Chánh Giác
Vượt khỏi đường ngôn ngữ.
Ngôn ngữ nói các pháp
Không hiển được thật tướng
Bình đẳng mới thấy được
Như pháp Phật cũng thế.
Chánh Giác đời quá khứ
Vị lai và hiện tại
Vĩnh đoạn gốc phân biệt
Cho nên gọi là Phật.

Bấy giờ, Bồ Tát Chân Thật Huệ, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:
Thà thọ khổ địa ngục
Được nghe tên chư Phật
Không thọ vô lượng vui
Mà chẳng nghe tên Phật.
Cho nên trong quá khứ
Chịu khổ vô số kiếp
Lưu chuyển trong sinh tử
Vì không nghe tên Phật.
Nơi pháp không điên đảo
Như thật mà hiện chứng
Lìa các tướng hòa hợp
Đó gọi Vô Thượng Giác.
Hiện tại chẳng hòa hợp
Khứ lai cũng như thế
Tất cả pháp vô tướng
Đó là chân thể Phật.
Nếu quán sát như vậy
Nghĩa các pháp thâm sâu
Tất thấy tất cả Phật
Tướng pháp thân chân thật.
Nơi thật thấy chân thật
Không thật thấy không thật
Như vậy hiểu rốt ráo
Thề nên gọi là Phật.
Phật pháp không thể giác
Rõ đây gọi giác pháp
Chư Phật tu như vậy
Một pháp không thể được.
Biết do một nên nhiều
Biết do nhiều nên một
Các pháp chẳng chỗ nương
Nhưng từ hòa hợp khởi.
Không năng tác sở tác
Do từ nghiệp tưởng sinh
Sao lại biết như vậy
Vì khác đây không có.
Tất cả pháp không trụ
Định xứ không thể được
Chư Phật trụ nơi đây
Rốt ráo chẳng giao động.
Bấy giờ, Bồ Tát Vô Thượng Huệ, nương oai lực của đức Phật, quán sát khắp mười phương mà nói kệ rằng:
Vô thượng Ma Ha Tát
Xa lìa chúng sinh tưởng
Không có ai hơn được
Nên hiệu là Vô Thượng.
Chỗ chư Phật đắc được
Vô tác vô phân biệt
Thô lớn không chỗ có
Vi tế cũng như thế.
Cảnh giới chư Phật hành
Trong đó chẳng có số
Chánh giác xa lìa số
Đây là chân pháp Phật.
Như Lai quang chiếu khắp
Diệt trừ các đen tối
Quang đó chẳng có chiếu
Cũng lại chẳng không chiếu.
Nơi pháp chẳng chấp trước
Không niệm cũng không nhiễm
Không trụ không xứ sở
Chẳng hoại nơi pháp tánh.
Trong đây không có hai
Cũng lại không có một
Bậc đại trí khéo thấy
Như lý khéo an trụ.
Trong không chẳng có hai
Chẳng hai cũng lại không
Ba cõi tất cả không
Đó là chư Phật thấy.
Phàm phu chẳng giác hiểu
Phật khiến trụ chánh pháp
Các pháp chẳng chỗ trụ
Ngộ đây thấy thân mình.
Không thân mà nói thân
Không khởi mà hiện khởi
Không thân cũng không thấy
Là Phật vô thượng thân.
Như vậy Thật Huệ nói
Chư Phật diệu pháp tánh
Nếu người nghe pháp này
Sẽ được mắt thanh tịnh.

Bấy giờ, Bồ Tát Kiên Cố Huệ nương oai lưc của đức Phật, quán sát khắp mười phương, mà nói kệ rằng:
Vĩ đại đấng quang minh
Dũng kiện vô thượng sĩ
Vì lợi ích quần mê
Mà xuất hiện ra đời.
Phật dùng tâm đại bi
Quán khắp các chúng sinh
Thấy ở trong ba cõi
Luân hồi thọ các khổ.
Chỉ trừ Chánh Đẳng Giác
Đấng Đạo Sư đủ đức
Tất cả các người, trời
Không ai cứu hộ được.
Nếu chư Phật Bồ Tát
Chẳng hiện ra thế gian
Chẳng có chúng sinh nào
Đắc được sự an lạc.
Nếu ai thấy Như Lai
Sẽ được lợi lành lớn
Nghe tên Phật liền tin
Tức là pháp thế gian.
Chúng tôi thấy Thế Tôn
Vì được lợi ích lớn
Nghe diệu pháp như vậy
Tất sẽ thành Phật đạo.
Các Bồ Tát quá khứ
Nhờ Phật oai thần lực
Được huệ nhãn thanh tịnh
Rõ cảnh giới chư Phật.
Nay thấy Lô Xá Na
Liền thêm tin thanh tịnh
Trí Phật không bờ mé
Diễn nói không hết được.
Thắng Huệ các Bồ Tát
Và ta Kiên Cố Huệ
Trong vô số ức kiếp
Nói cũng không hết được.




KINH HOA NGHIÊM
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT

QUYỂN MƯỜI SÁU

PHẨM THẬP TRỤ THỨ MƯỜI LĂM

Bấy giờ, Bồ Tát Pháp Huệ nương oai lực của đức Phật, nhập vào tam muội Bồ Tát vô lượng phương tiện.
Nhờ sức tam muội, mà ngoài các thế giới, nhiều như số hạt bụi ngàn cõi Phật trong mười phương, đều có các đức Phật, nhiều như số hạt bụi ngàn cõi Phật, đều đồng danh hiệu là Pháp Huệ, đều hiện ra ở trước bảo Bồ Tát Pháp Huệ rằng: Lành thay ! Lành thay ! Thiện nam tử ! Ông nhập vào được tam muội Bồ Tát vô lượng phương tiện này.
Thiện nam tử ! Các đức Phật nhiều như số hạt bụi ngàn cõi Phật trong mười phương, đều dùng thần lực cùng gia bị cho ông và oai thần lực, nguyện lực thuở xưa của Như Lai Tỳ Lô Giá Na, cùng với sức căn lành của ông tu, nên nhập vào tam muội này, khiến cho ông nói pháp.
Vì để tăng trưởng trí của Phật. Vì vào sâu pháp giới. Vì khéo biết rõ chúng sinh giới. Vì chỗ nhập vào vô ngại. Vì chỗ thực hành không chướng ngại. Vì được vô đẳng phương tiện. Vì vào tất cả trí tánh. Vì giác ngộ tất cả pháp. Vì biết tất cả căn tánh. Vì hay trì nói tất cả pháp. Đó là phát khởi mười thứ trụ của Bồ Tát.
Thiện nam tử ! Ông hãy nương oai thần lực của Phật, mà diễn nói pháp này.
Bấy giờ, chư Phật liền ban cho Bồ Tát Pháp Huệ, trí vô ngại, trí vô trước, trí vô đoạn, trí vô si, trí vô dị, trí vô thất, trí vô lượng, trí vô thắng, trí vô giải, trí vô đoạt. Tại sao vậy, vì sức tam muội này, pháp như vậy.
Bấy giờ, chư Phật đều duỗi tay phải ra, xoa đảnh Bồ Tát Pháp Huệ. Bồ Tát Pháp Huệ bèn từ định mà dậy, bảo các Bồ Tát rằng: Phật tử ! Trụ xứ của Bồ Tát rộng lớn đồng với pháp giới hư không.
Phật tử ! Bồ Tát trụ nơi nhà ba đời chư Phật. Nay tôi sẽ nói chỗ trụ của Bồ Tát. Các Phật tử ! Chỗ Bồ Tát trụ có mười thứ. Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, đã nói nay nói và sẽ nói.
Những gì là mười ? Đó là: Ban đầu phát tâm trụ, trị địa trụ, tu hành trụ, sinh quý trụ, cụ túc phương tiện trụ, chánh tâm trụ, bất thối trụ, đồng chân trụ, pháp vương tử trụ, quán đảnh trụ. Đó là tên Thập Trụ của Bồ Tát, quá khứ hiện tại vị lai chư Phật đều nói.
Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát phát tâm trụ ? Bồ Tát này thấy Phật Thế Tôn, dung nhan sinh đẹp, sắc tướng viên mãn, người đều ưa thấy, rất khó gặp được, có oai nghi lớn, hoặc thấy thần túc, hoặc nghe thọ ký, hoặc nghe răn dạy, hoặc thấy chúng sinh thọ các sự quá khổ, hoặc nghe Như Lai rộng nói Phật pháp, mà phát tâm bồ đề, cầu nhất thiết trí.
Bồ Tát này duyên mười thứ pháp khó được mà phát tâm. Những gì là mười ? Đó là: Trí xứ phi xứ. Trí thiện ác nghiệp báo. Trí các căn thắng liệt. Trí đủ thứ giải khác biệt. Trí đủ thứ giới khác biệt. Trí nhất thiết chí xứ đạo. Trí các thiền giải thoát tam muội. Trí túc mạng vô ngại. Trí thiên nhãn vô ngại. Trí ba đời lậu đều sạch. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Siêng cúng dường Phật. Ưa thích trụ nơi sinh tử. Chủ trì dẫn dắt thế gian, khiến cho tiêu trừ nghiệp ác. Dùng diệu pháp thù thắng, để thường hành giáo hóa. Khen ngợi pháp vô thượng. Học công đức của Phật. sinh ở trước chư Phật, luôn được Phật nhiếp thọ. Phương tiện diễn nói, tịch diệt tam muội. Khen ngợi xa lìa sinh tử luân hồi. Vì chúng sinh khổ mà làm chỗ nương tựa.
Tại sao ? Vì muốn khiến cho Bồ Tát ở trong Phật pháp, tâm thêm rộng lớn. những pháp được nghe, liền tự thấu hiểu, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Thế nào là trị địa trụ ? Bồ Tát này đối với các chúng sinh phát mười thứ tâm. Những gì là mười ? Đó là: Tâm lợi ích. Tâm đại bi. Tâm an lạc. Tâm an trụ. Tâm thương xót. Tâm nhiếp thọ. Tâm thủ hộ. Tâm đồng như mình. Tâm sư. Tâm đạo sư. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Tụng tập đa văn. Rảnh rang tịch tĩnh. Gần gũi thiện tri thức. Nói lời hòa nhã. Nói phải biết thời. Tâm không khiếp sợ. Thấu rõ các nghĩa. Như pháp tu hành. Xa lìa ngu mê. An trụ chẳng động. Tại sao? Vì muốn khiến cho Bồ Tát đối với các chúng sinh tăng trưởng đại bi. Nếu có nghe pháp, thì tự thấu hiểu, chẳng do họ dạy.
Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát tu hành trụ? Bồ Tát này dùng mười thứ hạnh để quán sát tất cả các pháp. Những gì là mười? Đó là: Quán tất cả pháp vô thường. Tất cả pháp khổ. Tất cả pháp không. Tất cả pháp vô ngã. Tất cả pháp vô tác. Tất cả pháp vô vị. Tất cả pháp chẳng như danh. Tất cả pháp không xứ sở. Tất cả pháp lìa phân biệt. Tất cả pháp không kiên thật. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Quán sát chúng sinh giới. Pháp giới. Thế giới. Quán sát địa giới. Thủy giới. Hỏa giới. Phong giới. Quán sát dục giới. Sắc giới. Vô sắc giới. Tại sao ? Vì muốn khiến cho Bồ Tát trí huệ thấu rõ. Nếu có nghe pháp, thì liền tự khai ngộ hiểu biết, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát sinh quý trụ. Bồ Tát này sinh từ trong Thánh giáo, thành tựu mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Vĩnh viễn chẳng thối chuyển. Ở chỗ các đức Phật sinh tâm tin thanh tịnh sâu xa. Khéo quán sát pháp. Biết rõ chúng sinh, cõi nước, thế giới, nghiệp hành, quả báo, sinh tử, Niết Bàn. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Biết rõ tất cả Phật pháp quá khứ, hiện tại, vị lai. Tu tập tất cả Phật pháp quá khứ, vị lai, hiện tại. Viên mãn tất cả Phật pháp quá khứ, vị lai, hiện tại. Biết rõ tất cả chư Phật bình đẳng. Tại sao ? Vì muốn khiến cho tăng tấn trong ba đời tâm được bình đẳng. Nếu có nghe pháp, liền tự hiểu biết, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát cụ túc phương tiện trụ ? Bồ Tát này tu căn lành, đều vì cứu hộ tất cả chúng sinh. Lợi ích tất cả chúng sinh. An lạc tất cả chúng sinh. Thương xót tất cả chúng sinh. Độ thoát tất cả chúng sinh. Khiến cho tất cả chúng sinh lìa các tai nạn. Khiến cho tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ sinh tử. Khiến cho tất cả chúng sinh phát sinh niềm tin thanh tịnh. Khiến cho tất cả chúng sinh đều được điều phục. Khiến cho tất cả chúng sinh đều chứng Niết Bàn.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Biết chúng sinh vô biên. Biết chúng sinh vô lượng. Biết chúng sinh vô số. Biết chúng sinh không nghĩ bàn. Biết chúng sinh vô lượng sắc. Biết chúng sinh không thể lường. Biết chúng sinh là không. Biết chúng sinh không ai làm ra. Biết chúng sinh không chỗ có. Biết chúng sinh không tự tánh. Tại sao ? Vì muốn khiến cho tâm của Bồ Tát này càng tăng thêm thù thắng hơn, chẳng có nhiễm trước. Nếu có nghe pháp thì liền thấu hiểu, chẳng do người khác dạy.
Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát chánh tâm trụ ? Bồ Tát này nghe mười pháp mà tâm định chẳng động. Những gì là mười pháp ? Đó là: Nghe khen Phật hay phỉ báng Phật, ở trong Phật pháp tâm định chẳng động. Nghe khen pháp hay phỉ báng pháp, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động. Nghe khen Bồ Tát hay phỉ báng Bồ Tát, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động. Nghe khen hay phỉ báng pháp hành của Bồ Tát, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động. Nghe nói chúng sinh hữu lượng vô lượng, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động. Nghe nói chúng sinh hữu cấu vô cấu, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động. Nghe nói chúng sinh dễ độ khó độ, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động. Nghe nói pháp giới hữu lượng vô lượng, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động. Nghe nói pháp giới có thành có hoại, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động. Nghe nói pháp giới hoặc có hoặc không, ở trong Phật pháp, tâm định chẳng động.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Tất cả pháp không tướng. Tất cả pháp không thể. Tất cả pháp không thể tu. Tất cả pháp chẳng chỗ có. Tất cả pháp không chân thật. Tất cả pháp không. Tất cả pháp không tánh. Tất cả pháp như huyễn. tất cả pháp như mộng. Tất cả pháp không phân biệt. Tại sao ? Vì muốn khiến cho Bồ Tát tâm càng tăng thêm tinh tấn, được không thối chuyển vô sinh pháp nhẫn, nếu có nghe pháp thì liền thấu hiểu, không do người khác chỉ dạy.
Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát bất thối trụ ? Bồ Tát này nghe mười pháp, kiên cố bất thối. Những gì là mười ? Đó là:
Nghe có Phật, không có Phật, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe có pháp, không có pháp, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe có Bồ Tát, không có Bồ Tát, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe có Bồ Tát hạnh, không có Bồ Tát hạnh, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe có Bồ Tát tu hành thoát khỏi, tu hành không thoát khỏi, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe quá khứ có Phật, quá khứ không có Phật, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe vị lai có Phật, vị lai không có Phật, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe hiện tại có Phật, hiện tại không có Phật, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe trí Phật hữu tận, trí Phật vô tận, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển.
Nghe ba đời một tướng, ba đời chẳng phải một tướng, ở trong Phật pháp, tâm chẳng thối chuyển. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp rộng lớn. Những gì là mười ? Đó là: Nói một tức nhiều. Nói nhiều tức một. Văn tùy nơi nghĩa. Nghĩa tùy nơi văn. Chẳng có tức có. Có tức chẳng có. Không tướng tức là tướng. Tướng tức là không tướng. Không tánh tức là tánh. Tánh tức là không tánh.
Tại sao ? Vì muốn khiến cho tăng thêm tinh tấn, nơi tất cả pháp khéo thoát khỏi. Nếu có nghe pháp thì tự thấu hiểu, không do người khác chỉ dạy.

Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát đồng chân trụ? Bồ Tát này trụ mười thứ nghiệp. Những gì là mười ? Đó là: Thân hành không lỗi. Lời hành không lỗi. Ý hành không lỗi. Tùy ý thọ sinh. Biết chúng sinh đủ thứ dục. Biết chúng sinh đủ thứ sự hiểu biết. Biết chúng sinh đủ thứ loài. Biết chúng sinh đủ thứ nghiệp. Biết thế giới thành hoại. Thần túc tự tại, sở hành vô ngại. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Biết tất cả cõi Phật. Chấn động tất cả cõi Phật. Hộ trì tất cả cõi Phật. Quán sát tất cả cõi Phật. Đến tất cả cõi Phật. Du hành vô số thế giới. Lãnh thọ vô số Phật pháp. Hiện biến hóa thân tự tại. Vang ra âm thanh rộng lớn đầy khắp. Trong một sát na, thừa sự cúng dường vô số các đức Phật.
Tại sao ? Vì muốn khiến cho tăng thêm tinh tấn, nơi tất cả pháp đắc được sự khéo léo. Nếu có nghe pháp thì liền thấu hiểu, chẳng do người khác chỉ dạy.
Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát pháp vương tử trụ ? Bồ Tát này khéo biết mười pháp. Những gì là mười pháp ? Đó là: Khéo biết các chúng sinh thọ sanh. Khéo biết các phiền não hiện khởi. Khéo biết tập khí liên tục. Khéo biết sở hành phương tiện. Khéo biết vô lượng pháp. Khéo hiểu biết các oai nghi. Khéo biết thế giới khác nhau. Khéo biết việc trước sau. Khéo biết diễn nói thế đế. Khéo biết diễn nói đệ nhất nghĩa đế. Đó là mười.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười pháp. Những gì là mười ? Đó là: Pháp Vương xứ thiện xảo. Pháp Vương xứ quỹ độ. Pháp Vương xứ cung điện. Pháp Vương xứ thú nhập. Pháp Vương xứ quán sát. Pháp Vương quán đảnh. Pháp Vương lực trì. Pháp Vương vô uý. Pháp Vương ngủ nghỉ. Pháp Vương khen ngợi.
Tại sao ? Vì muốn khiến cho tăng thêm tinh tấn, tâm chẳng chướng ngại. Nếu có nghe pháp thì liền tự thấu hiểu, không do người khác chỉ dạy.
Phật tử ! Thế nào là Bồ Tát quán đảnh trụ ? Bồ Tát này được thành tựu mười thứ trí. Những gì là mười trí ? Đó là: Chấn động vô số thế giới. Chiếu sáng vô số thế giới. Trụ trì vô số thế giới. Đi đến vô số thế giới. Nghiêm tịnh vô số thế giới. Khai thị vô số chúng sinh. Quán sát vô số chúng sinh. Biết căn tánh vô số chúng sinh. Khiến cho vô số chúng sinh hướng về. Khiến cho vô số chúng sinh điều phục. Đó là mười.
Phật tử ! Thân của Bồ Tát này và nghiệp thân, thần thông, biến hiện, trí huệ quá khứ, trí huệ vị lai, trí huệ hiện tại, thành tựu cõi Phật, tâm cảnh giới, trí cảnh giới, đều không thể biết được, cho đến Bồ Tát Pháp Vương tử cũng không biết được.
Phật tử ! Bồ Tát này nên khuyên học mười thứ trí của chư Phật. Những gì là mười ? Đó là: Trí ba đời. Trí Phật pháp. Trí pháp giới vô ngại. Trí pháp giới vô biên. Trí sung mãn tất cả thế giới. Trí chiếu khắp tất cả thế giới. Trí biết tất cả chúng sinh. Trí biết tất cả pháp. Trí biết vô biên chư Phật.
Tại sao ? Vì muốn khiến cho tăng trưởng tất cả trí huệ, nếu có nghe pháp, liền tự thấu hiểu, không do người khác chỉ dạy.
Bấy giờ, nhờ thần lực của Phật, trong mười phương, mỗi phương có các thế giới, nhiều như số hạt bụi một vạn cõi Phật, đều sáu thứ chấn động. Đó là: Động, biến động, đẳng biến động. Khởi, biến khởi, đẳng biến khởi. Dũng, biến dũng, đẳng biến dũng. Chấn, biến chấn, đẳng biến chấn. Hống, biến hống, đẳng biến hống. Kích, biến kích, đẳng biến kích.
Mưa xuống hoa trời đẹp. Hương bột trời. Tràng hoa trời. Tạp hương trời. Y báu trời. Mây báu trời. Đồ trang nghiêm trời. Các âm nhạc trời, không tấu mà tự vang lên. Phóng ánh sáng trời và âm thanh vi diệu.
Như ở đỉnh núi Tu Di bốn thiên hạ này, trong điện Đế Thích, nói pháp Thập Trụ, hiện các thần thông biến hóa. Hết thảy tất cả mười phương thế giới cũng đều như thế.
Lại nhờ thần lực của Phật, mỗi phương trong mười phương, qua khỏi các thế giới, nhiều như số hạt bụi vạn cõi Phật. Có các Bồ Tát nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật, đều đi đến đây, đầy khắp mười phương, nói như vầy: Lành thay ! Lành thay ! Phật tử ! Khéo nói pháp này.
Chúng tôi mọi người đều đồng hiệu là Pháp Huệ. Đến từ cõi nước đồng tên là Pháp Vân. Đức Như Lai ở cõi đó, đều đồng hiệu là Diệu Pháp. Chúng tôi ở chỗ đức Phật cũng nói Thập Trụ, chúng hội quyến thuộc, văn, câu nghĩa, cũng đều như vậy, chẳng có thêm bớt.
Phật tử ! Chúng tôi nương thần lực của Phật, đến vào hội này để làm chứng minh cho Ngài. Như nơi hội này, mười phương hết thảy tất cả thế giới, cũng đều như thế.

Bấy giờ, Bồ Tát Pháp Huệ nương oai lực của đức Phật, quán sát mười phương khắp cùng pháp giới, mà nói kệ rằng:
Thấy Tối Thắng Trí thân tốt đẹp
Tướng tốt trang nghiêm đều đầy đủ
Tôn trọng như vậy rất khó gặp
Bồ Tát dũng mãnh sơ phát tâm.
Thấy đại thần thông không sánh bằng
Nghe nói thọ ký và dạy bảo
Chúng sinh các cõi vô lượng khổ
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Nghe các Như Lai đấng Phổ Thắng
Tất cả công đức đều thành tựu
Ví như hư không chẳng phân biệt
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Ba đời quả báo gọi là xứ
Tự tánh chúng tôi là phi xứ
Đều muốn biết rõ nghĩa chân thật
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Đời quá khứ vị lai hiện tại
Hết thảy tất cả nghiệp thiện ác
Đều muốn biết rõ vô bất tận
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Các thiền giải thoát và tam muội
Tạp nhiễm thanh tịnh vô lượng thứ
Đều muốn biết rõ nhập trụ xuất
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tùy các chúng sinh căn lợi độn
Như vậy đủ thứ sức tinh tấn
Đều muốn thấu đạt muốn phân biệt
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tất cả chúng sinh đủ thứ giải
Tâm họ ưa thích đều khác nhau
Như vậy vô lượng dục đều biết
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Chúng sinh các loài đều khác nhau
Tất cả thế gian vô số lượng
Đều muốn biết rõ thể tánh họ
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tất cả hữu vi các hạnh đạo
Mỗi mỗi đều có chỗ nơi đến
Đều muốn biết rõ thật tánh đó
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tất cả thế giới các chúng sinh
Tùy nghiệp trôi nổi chẳng tạm ngừng
Muốn được thiên nhãn đều thấy rõ
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Trong đời quá khứ đã từng có
Thể tánh như vậy tướng như vậy
Đều muốn biết rõ đời trước kia
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tất cả chúng sinh các kiết hoặc
Liên tục hiện khởi và tập khí
Đều muốn biết rõ rốt ráo hết
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tùy các chúng sinh chỗ an lập
Đủ thứ đàm luận đường ngôn ngữ
Như pháp thế đế đều muốn biết
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tất cả các pháp lìa lời nói
Tánh không vắng lặng chẳng tạo tác
Đều muốn thông đạt nghĩa thật này
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Đều muốn chấn động mười phương cõi
Nghiêng đổ tất cả các biển cả
Đầy đủ chư Phật đại thần thông
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Muốn một lỗ lông phóng quang minh
Chiếu khắp mười phương vô lượng cõi
Trong mỗi quang minh giác tất cả
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Muốn đem các cõi Phật khó nghĩ
Đều để trong tay mà không động
Biết rõ tất cả như huyễn hóa
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Muốn đem chúng sinh vô lượng cõi
Để đầu sợi lông chẳng đè nén
Đều biết không người không có ta
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Muốn dùng sợi lông chấm nước biển
Tất cả biển cả đều khô cạn
Thảy đều phân biệt biết số giọt
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Không thể nghĩ bàn các cõi nước
Nghiền hết làm bụi không bỏ sót
Đều muốn phân biệt biết số bụi
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Quá khứ vị lai vô lượng kiếp
Tất cả thế gian tướng thành hoại
Đều muốn thông đạt tột bờ mé
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Ba đời hết thảy các Như Lai
Tất cả Độc Giác và Thanh Văn
Muốn biết pháp đó hết không dư
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Vô lượng vô biên các thế giới
Muốn dùng sợi lông để nâng lên
Như thể tướng đó đều biết rõ
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Vô lượng vô số núi Luân Vi
Đều muốn để vào trong lỗ lông
Như núi lớn nhỏ đều biết được
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Muốn dùng một diệu âm tịch tĩnh
Ứng khắp mười phương tùy loại nói
Như vậy đều khiến hiểu thanh tịnh
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Pháp ngôn ngữ tất cả chúng sinh
Một lời diễn nói đều hết cả
Đều muốn biết rõ tự tánh đó
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tiếng nói thế gian đều nói được
Đều khiến họ hiểu chứng tịch diệt
Muốn được như vậy căn lưỡi diệu
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Muốn khiến mười phương các thế giới
Có tướng thành hoại đều thấy được
Thảy đều biết từ phân biệt sinh
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Tất cả mười phương các thế giới
Vô lượng Như Lai đều thấy khắp
Đều muốn biết rõ pháp Phật đó
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Đủ thứ biến hóa vô lượng thân
Tất cả thế giới nhiều như bụi
Đều muốn thông đạt từ tâm khởi
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Đời quá khứ vị lai hiện tại
Vô lượng vô số các Như Lai
Muốn nơi một niệm đều biết rõ
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Muốn diễn nói đủ một câu pháp
A tăng kỳ kiếp không hết được
Mà khiến văn nghĩa đều khác nhau
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Mười phương tất cả các chúng sinh
Tùy sự lưu chuyển tướng sinh diệt
Muốn nơi một niệm đều thông đạt
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Muốn dùng thân lời và ý nghiệp
Đến khắp mười phương chẳng chướng ngại
Biết rõ ba đời đều không tịch
Bồ Tát nhờ đây sơ phát tâm.
Bồ Tát phát tâm như vậy rồi
Hãy nên đi đến mười phương cõi
Cung kính cúng dường các Như Lai
Nhờ đây khiến cho chẳng thối chuyển.
Bồ Tát dũng mãnh cầu Phật đạo
Trụ nơi sinh tử chẳng nhàm chán
Vì họ khen ngợi khiến thuận hành
Như vậy khiến cho chẳng thối chuyển.
Mười phương thế giới vô lượng cõi
Đều ở trong đó làm tôn chủ
Vì các Bồ Tát nói như vậy
Nhờ đây khiến cho chẳng thối chuyển.
Tối thắng tối thượng tối đệ nhất
Pháp thâm sâu vi diệu thanh tịnh
Khuyên các Bồ Tát nói cho người
Dạy như vậy khiến lìa phiền não.
Tất cả thế gian không gì bằng
Nơi không thể khuynh động thôi phục
Vì họ Bồ Tát thường khen ngợi
Dạy như vậy khiến chẳng thối chuyển.
Phật là đại lực chủ thế gian
Đầy đủ tất cả các công đức
Khiến các Bồ Tát trụ trong đó
Nhờ đây dạy thành thắng trượng phu.
Vô lượng vô biên chỗ chư Phật
Đều được đi đến để gần gũi
Thường được chư Phật luôn nhiếp thọ
Dạy như vậy khiến chẳng thối chuyển.
Hết thảy tịch tĩnh các tam muội
Thảy đều diễn xướng không còn sót
Vì họ Bồ Tát nói như vậy
Nhờ đây khiến họ chẳng thối chuyển.
Phá tan các cõi vòng sinh tử
Chuyển bánh xe diệu pháp thanh tịnh
Tất cả thế gian chẳng chấp trước
Vì các Bồ Tát nói như vậy.
Tất cả chúng sinh đọa đường ác
Vô lượng khổ nặng vây bức bách
Làm chỗ nương tựa cứu hộ họ
Vì các Bồ Tát nói như vậy.
Đây là Bồ Tát phát tâm trụ
Một hướng chí cầu đạo vô thượng
Như pháp dạy bảo tôi vừa nói
Tất cả chư Phật cũng như vậy.
Thứ hai Bồ Tát trị địa trụ
Phải nên phát khởi tâm như vậy
Mười phương tất cả các chúng sinh
Nguyện đều thuận Như Lai giáo hóa.
Tâm lợi ích đại bi an lạc
Tâm an trụ thương xót nhiếp thọ
Thủ hộ chúng sinh đồng tâm mình
Tâm sư cùng với tâm đạo sư.
Mình trụ tâm thắng diệu như vậy
Kế khiến tụng tập cầu đa văn
Thường ưa vắng lặng chánh tư duy
Gần gũi tất cả thiện tri thức.
Nói lời hòa duyệt lìa thô bạo
Nói phải biết thời chẳng sợ hãi
Thấu đạt nơi nghĩa như pháp hành
Xa lìa ngu mê tâm chẳng động.
Đây là ban đầu học hạnh bồ đề
Hay hành hạnh này chân Phật tử
Nay tôi nói hạnh họ nên hành
Như vậy Phật tử nên siêng học.
Bồ Tát tu hành trụ thứ ba
Nên y Phật dạy siêng quán sát
Các pháp vô thường khổ và không
Chẳng có ta người chẳng động tác.
Tất cả các pháp không đáng ưa
Chẳng có danh tự chẳng xứ sở
Chẳng có phân biệt chẳng chân thật
Hay quán như vậy gọi Bồ Tát.
Lại khiến quán sát chúng sinh giới
Và khuyên quán sát nơi pháp giới
Thế giới khác nhau không sót thừa
Nơi đó đều nên khuyên quán sát.
Mười phương thế giới và hư không
Hết thảy đất nước và gió lửa
Dục giới sắc giới vô sắc giới
Đều khuyên quán sát khiến cùng tận.
Quán sát giới đó đều khác nhau
Và thể tánh đó đều rốt ráo
Được dạy như vậy siêng tu hành
Đây tức gọi là chân Phật tử.
Thứ tư Bồ Tát sinh quý trụ
Từ các Thánh giáo mà sinh ra
Thấu suốt các cõi chẳng chỗ có
Vượt qua pháp đó sinh pháp giới.
Tin Phật vững chắc không thể hoại
Quán pháp vắng lặng tâm an trụ
Tùy các chúng sinh đều biết rõ
Thể tánh hư vọng không chân thật.
Cõi nước thế gian nghiệp và báo
Sinh tử Niết Bàn đều như vậy
Phật tử nơi pháp quán như vậy
Từ Phật thân sinh gọi Phật tử.
Đời quá khứ vị lai hiện tại
Trong đó hết thảy các Phật pháp
Biết rõ tích tập và viên mãn
Như vậy tu tập khiến rốt ráo.
Ba đời tất cả các Như Lai
Hay tùy quán sát đều bình đẳng
Đủ thứ khác nhau bất khả đắc
Người quán như vậy thấu ba đời.
Như tôi tán dương khen ngợi họ
Đây là các công đức tứ trụ
Nếu hay y pháp siêng tu hành
Sớm thành Phật bồ đề vô thượng.
Từ đây các Bồ Tát thứ năm
Gọi là cụ túc phương tiện trụ
Vào sâu vô lượng xảo phương tiện
Phát sinh nghiệp công đức rốt ráo.
Các công đức của Bồ Tát tu
Đều vì cứu hộ các quần sinh
Chuyên tâm lợi ích và an lạc
Thương xót hướng về khiến độ thoát.
Vì các thế gian trừ các nạn
Dẫn thoát chúng sinh khiến hoan hỷ
Điều phục hết thảy không bỏ sót
Đều khiến đủ đức hướng Niết Bàn.
Tất cả chúng sinh chẳng bờ mé
Vô lượng vô biên không nghĩ bàn
Cho đến không thể xưng lượng thảy
Nghe thọ pháp Như Lai như vậy.
Đây trụ thứ năm chân Phật tử
Thành tựu phương tiện độ chúng sinh
Tất cả công đức đại trí tôn
Dùng pháp như vậy để khai thị.
Thứ sáu chánh tâm viên mãn trụ
Nơi pháp tự tánh chẳng mê hoặc
Chánh niệm suy gẫm lìa phân biệt
Tất cả trời người không động được.
Nghe khen chê Phật và Phật pháp
Bồ Tát và hạnh Bồ Tát hành
Chúng sinh hữu lượng hoặc vô lượng
Hữu cấu vô cấu độ khó dễ.
Pháp giới lớn nhỏ và thành hoại
Hoặc có hoặc không tâm chẳng động
Quá khứ vị lai và hiện tại
Xét nghĩ suy gẫm luôn quyết định.
Tất cả các pháp đều vô tướng
Không thể không tánh không chẳng thật
Như huyễn như mộng lìa phân biệt
Luôn thích lắng nghe nghĩa như vậy.
Thứ bảy Bồ Tát bất thối chuyển
Nơi Phật và pháp Bồ Tát hạnh
Hoặc có hoặc không thoát không thoát
Tuy nghe nói đó chẳng thối động.
Đời quá khứ hiện tại vị lai
Tất cả chư Phật có hoặc không
Trí Phật hữu tận hoặc vô tận
Ba đời một tướng đủ thứ tướng.
Một tức là nhiều nhiều tức một
Văn tùy nơi nghĩa nghĩa tùy văn
Như vậy tất cả triển chuyển thành
Bậc bất thối đáng vì họ nói.
Nếu pháp có tướng và vô tướng
Nếu pháp có tánh và vô tánh
Đủ thứ khác nhau làm quyến thuộc
Người này nghe rồi được rốt ráo.
Thứ tám Bồ Tát đồng chân trụ
Thân lời ý hành đều đầy đủ
Tất cả thanh tịnh chẳng có lỗi
Tùy ý thọ sinh được tự tại.
Biết các chúng sinh tâm ưa thích
Đủ thứ kiến giải đều khác nhau
Cho đến hết thảy tất cả pháp
Mười phương cõi nước tướng thành hoại.
Đắc được diệu thần thông mau chóng
Trong khắp mọi nơi tùy niệm đến
Nơi chỗ chư Phật lắng nghe pháp
Khen ngợi tu hành chẳng giải đãi.
Biết rõ tất cả các cõi Phật
Chấn động gia trì cũng quán sát
Vượt qua cõi Phật không thể lường
Du hành thế giới vô biên số.
A tăng kỳ pháp đều thưa hỏi
Chỗ muốn thọ thân đều tự tại
Lời lẽ khéo léo sung mãn khắp
Chư Phật vô số đều hầu hạ.
Thứ chín Bồ Tát vương tử trụ
Thấy được chúng sinh thọ sinh khác
Phiền não hiện tập đều biết hết
Sở hành phương tiện đều khéo rõ.
Các pháp đều khác oai nghi khác
Thế giới tiền hậu tế đều khác
Như thế tục đế đệ nhất nghĩa
Đều khéo biết rõ chẳng sót thừa.
Pháp Vương khéo léo nơi an lập
Tùy theo xứ sở hết thảy pháp
Cung điện Pháp Vương hoặc hướng vào
Cho đến quán thấy ở trong đó.
Pháp quán đảnh mà Pháp Vương có
Thần lực gia trì chẳng khiếp sợ
Cung thất yên nghỉ và ngợi khen
Dùng đây chỉ dạy Pháp Vương tử.
Như vậy vì nói ra hết cả
Mà khiến cho tâm chẳng chấp trước
Nơi đây biết rõ tu chánh niệm
Tất cả chư Phật hiện ra trước.
Thứ mười quán đảnh chân Phật tử
Thành mãn pháp bậc nhất tối thượng
Mười phương vô số các thế giới
Thảy đều chấn động quang chiếu khắp.
Trụ trì qua đến cũng không thừa
Thanh tịnh trang nghiêm đều đầy đủ
Khai thị chúng sinh vô số lượng
Quán sát các căn đều biết hết.
Phát tâm điều phục cũng vô biên
Đều khiến hướng về đại bồ đề
Tất cả pháp giới đều quán sát
Mười phương cõi nước đều qua đến.
Trong đó thân và thân sở tác
Thần thông biến hiện khó dò được
Ba đời cõi Phật các cảnh giới
Cho đến vương tử không biết được.
Tất cả ai thấy trí ba đời
Nơi các Phật pháp trí thấu rõ
Pháp giới vô ngại vô biên trí
Sung mãn tất cả thế giới trí.
Trí chiếu sáng thế giới trụ trì
Trí biết rõ chúng sinh các pháp
Và trí biết chánh giác vô biên
Như Lai vì nói ra hết cả.
Như vậy các Bồ Tát Thập Trụ
Đều từ pháp Như Lai hóa sinh
Tùy theo hết thảy hạnh công đức
Tất cả trời người không dò được.
Đời quá khứ vị lai hiện tại
Phát tâm cầu Phật không bờ mé
Mười phương cõi nước đều sung mãn
Sớm sẽ thành tựu nhất thiết trí.
Tất cả cõi nước không bờ mé
Thế giới chúng sinh pháp cũng vậy
Hoặc nghiệp tâm thích đều khác nhau
Nương đó mà phát tâm bồ đề.
Một niệm ban đầu cầu Phật đạo
Thế gian chúng sinh và nhị thừa
Hết thảy cũng không thể biết được
Hà huống các hạnh công đức khác.
Mười phương hết thảy các thế giới
Dùng một sợi lông nâng lên được
Người đó biết được Phật tử này
Hướng về hạnh trí huệ Như Lai.
Mười phương hết thảy các biển cả
Đều dùng đầu lông chấm khô cạn
Người đó biết được Phật tử này
Một niệm sở tu hạnh công đức.
Tất cả thế giới nghiền thành bụi
Đều phân biệt được biết số lượng
Như vậy người đó mới thấy được
Sự hành đạo các Bồ Tát này.
Vị lai hiện tại mười phương Phật
Tất cả Độc Giác và Thanh Văn
Đều dùng đủ thứ diệu biện tài
Khai thị sơ phát bồ đề tâm.
Phát tâm công đức không thể lường
Sung mãn tất cả chúng sinh giới
Chúng trí cùng nói không hết được
Hà huống các diệu hạnh khác kia.

No comments:

Post a Comment