Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (34)



Kinh văn:

即時如來於師子座,整涅槃僧,歛僧伽梨,攬[i]七寶机,引手於几[ii],取劫波羅天所奉花巾。

Tức thời Như Lai ư sư tử toà, chỉnh niết-bàn tăng, kiểm tăng-già-lê, lãm thất bảo kỷ, dẫn thủ ư kỷ, thủ kiếp-ba- la thiên sở phụng hoa cân.

Việt dịch:

Liền khi ấy từ toà sư tử, Như Lai chỉnh y niết-bàn tăng, vén y tăng-già-lê, vin vào bàn thất bảo, tay cầm lên chiếc khăn hoa kiếp-ba-la do chư thiên dâng cúng.

Giảng giải:

Liền khi ấy từ toà sư tử, Như Lai–pháp toà Như Lai ngồi giảng pháp được gọi là toà sư tử . Gọi như vậy là do âm thanh của Đức Phật giảng pháp được ví như tiếng gầm của loài sư tử. Khi sư tử gầm lên, thì các loài thú khác đều run sợ. Khi Đức Phật nói pháp, các loài thiên ma ngoại đạo đều sợ hãi. Chỉnh y niết-bàn tăng –y phục bên trong của Đức Phật–và vén y tăng-già-lê. Y tăng-già-lê là y phục bên ngoài, còn gọi là đại y. Đức Phật vin vào bàn thất bảo, tay vịn vào chiếc bàn làm bằng bảy thứ báu. Chiếc bàn ở trước Đức Phật được làm bằng bảy thứ báu. Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, và mã não. Lưu ly có khi được gọi là đá quý. Pha lê ngày nay không còn đặc biệt quý hiếm trong thời đại ngày nay khi thuỷ tinh được dùng phổ biến, nhưng thời xưa, pha lê rất khó kiếm, thế nên nó được xem là loại quý. Xa cừ đôi khi có những đường vân rất đẹp trong đó. Và mã não có hình như óc ngựa màu đỏ và trắng.

Rồi Đức Phật cầm lên chiếc khăn hoa kiếp-ba-la do chư thiên dâng cúng. Chư thiên ở đây là Dạ-ma thiên.[iii] Tu-dạ-ma thiên là cõi trời “Thiện phân.” ‘Khăn hoa’ là chiếc khăn tay dệt bằng hoa kiếp-ba-la.[iv] Ở Ấn Độ, những chiếc khăn như vậy rấy giá trị, và chiếc khăn nầy càng đặc biệt hơn là vì đó là phẩm vật dăng cúng lên Đức Phật của vị chủ cung trời Tu-dạ-ma.

Kinh văn:

於大眾前,綰成一結。示阿難言此名何等。阿難大眾俱白佛言此名為結。

於是如來綰疊花巾又成一結。重問阿難此名何等。阿難大眾又白佛言此亦名結。如是倫次綰疊花巾。總成六結一一結成。皆取手中所成之結。持問阿難此名何等。阿難大眾亦復如是。次第酬佛此名為結。

Ư đại chúng tiền, quán thành nhất kiết. Thị A-nan ngôn, thử danh hà đẳng? A-nan đại chúng câu bạch Phật ngôn, thử danh vi kiết.

Ư thị Như Lai quán điệp hoa cân, hựu thành nhất kiết. Trùng vấn A-nan. Thử danh hà đẳng? A-nan đại chúng hựu bạch Phật ngôn. Thử diệc danh kiết.

Như thị luân thứ quán điệp hoa cân, tổng thành lục kiết. Nhất nhất kiết thành, giai thủ thủ trung sở thành chi kiết. Trì vấn A-nan thử danh hà đẳng. A-nan đại chúng diệc phục như thị. Thứ đệ thù Phật thử danh vi kiết.

Việt dịch:

Rồi Đức Phật ở trước đại chúng, (từ chiếc khăn) cột thành một nút, đưa cho A-nan xem và hỏi rằng, “Đây là cái gì?”

A-nan và đại chúng đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”

Rồi Đức Phật cột nút khác và hỏi A-nan, “Đây là cái gì?” A-nan và đại chúng lại đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”

Đức Phật tuần tự cột từng nút như vậy trên chiếc khăn hoa, tổng cộng thành sáu nút. Mỗi khi cột xong một nút, đều đưa lên hỏi A-nan rằng Đây là cái gì?” A-nan và đại chúng cũng tuần tự đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”

Giảng giải:

Rồi Đức Phật ở trước đại chúng, (từ chiếc khăn) cột thành một nút. Đức Phật như thể chơi với trẻ con, cầm chiếc khăn lên và cột lại từng nút, trong khi ngài đang ngồi trước hội chúng. Đức Phật đưa cho A-nan xem và hỏi rằng, “Đây là cái gì?” Ngài đưa cho A-nan thấy rồi hỏi A-nan đó là gì?

A-nan và đại chúng đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”

Rồi Đức Phật cột nút khác và hỏi A-nan, “Đây là cái gì?” Đức Phật lại hỏi A-nan cùng câu hỏi như vậy.

A-nan và đại chúng lại đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.” Họ cùng trả lời như trước.

Đức Phật tuần tự cột từng nút như vậy trên chiếc khăn hoa, tổng cộng thành sáu nút. Đức Phật đã thắt tất cả sáu trên chiếc khăn hoa. Mỗi khi cột xong một nút, đều đưa lên hỏi A-nan rằng “Đây là cái gì?”

Và mỗi lần như vậy, A-nan và đại chúng cũng tuần tự đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”

Chiếc khăn hoa biểu tượng cho tánh Như Lai tạng. Sáu nút trên đó biểu tượng cho sáu căn.

Kinh văn:

佛告阿難,我初綰巾,汝名為結。此疊花巾,先實一條,第二第三,云何汝曹復名為結?

Phật cáo A-nan, ngã sơ quán cân, nhữ danh vi kiết. Thử điệp hoa cân, tiên thực nhất điều, đệ nhị đệ tam, vân hà nhữ tào phục văn vi kiết?

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan, “Khi Như Lai mới cột khăn lại thì ông gọi là nút, cái khăn hoa nầy, trước đây chỉ một cái, tại sao lần thứ hai, thứ ba, ông vẫn gọi là nút.”

Giảng giải:

Chiếc khăn hoa chỉ có một, mà ông đã trả lời Như Lai đó là nút thắt, sao ôgn còn gọi nút thứ hai thứ ba trenn chiếc khăn ấy cũng là nút thắt? Đức Phật có chủ ý vặn hỏi A-nan theo cách ấy.

Kinh văn:

阿難白佛言世尊。此寶疊花緝績成巾,雖本一體。如我思惟,如來一綰得一結名,若百綰成終名百結。何況此巾秖有六結。終不至七亦不停五。云何如來秖許初時。第二第三不名為結。

A-nan bạch Phật ngôn, ‘ Thế tôn, thử bảo điệp hoa trấp tích thành căn. Tuy bổn nhất thể như ngã tư duy. Như Lai nhất quán đắc nhất kiết danh. Nhược bách quán thành chung danh bá kiết. Hà huống thử cân, kỳ hữu lục kiết, chung bất chí thất, diệc bất đình ngũ. Vân hà Như Lai chỉ hứa sơ thời, đệ nhị đệ tam bất danh vi kiết?’

Việt dịch:

A-nan bạch Phật rằng, “Bạch Thế tôn, chiếc khăn hoa thêu quý báu nầy vốn chỉ một thể, song theo ý con, khi Như Lai cột một lần thì gọi là một nút, nếu cột 100 lần, thì thành 100 nút. Huống chi khăn nầy chỉ có sáu nút, không đến bảy, cũng không dừng ở năm. Sao Như Lai chỉ gọi cái đầu tiên là nút, mà cái thứ hai thứ ba thì không gọi là nút?”

Giảng giải:

A-nan bạch Phật rằng–A-nan đạp lại lời văn hỏi của Đức Phật. “Bạch Thế tôn, chiếc khăn hoa thêu quý báu nầy vốn chỉ một thể. Chiếc khăn kiếp-ba-la quý báu nầy chỉ là một, song theo ý con, khi Như Lai cột một lần thì gọi là một nút, nếu cột 100 lần, thì thành 100 nút. Mỗi lần thắt trong số 100 lần nầy, đều được gọi là một nút. Huống chi khăn nầy chỉ có sáu nút, không đến bảy, cũng không dừng ở năm. Như Lai chỉ thắt có sáu nút trên chiếc khăn nầy, Như Lai không làm thêm thành bảy nút hoặc dừng lại ở năm nút. Sao Như Lai chỉ gọi cái đầu tiên là nút, mà cái thứ hai thứ ba thì không gọi là nút? Bạch Thế tôn, tại sao ngài chỉ thừa nhận nút thứ nhất là nút và không công nhận các nút thứ hai, thứ ba. Có ý nghĩa gì hàm ẩn trong đó?”

Kinh văn:

佛告阿難此寶花巾,汝知此巾元止一條,我六綰時名有六結。汝審觀察,巾體是同,因結有異。

Phật cáo A-nan, ‘Thử bảo hoa cân, nhữ tri thử cân nguyên chỉ nhất điều, ngã lục quán thời danh hữu lục kiết. Nhữ thẩm quan sát, cân thể thị đồng, nhân kiết hữu dị.’

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan, “Cái khăn hoa báu nầy, ông biết nó vốn chỉ là một, khi Như Lai thắt sáu lần thì ông gọi là sáu nút. Ông quán sát kỹ, thấy thể của khăn nầy là đồng, do vì các nút mà thành ra khác.”

Giảng giải:

Đức Phật lắng nghe A-nan trả lời với niềm thích thú. Dĩ nhiên, cả sáu đều gọi là nút. Chẳng phải chỉ có nút đầu tiên mới được gọi là nút và các nút khác thì không. Đức Phật hỏi như vậy là để thử A-nan. Và A-nan khăng khăng rằng cả sáu phải gọi là sáu nút. Đây là toàn bộ mục tiêu của cuộc đối thoại. Đây là điểm chính của vấn đề đang đề cập đến.

Đức Phật bảo A-nan, “Cái khăn hoa báu nầy, ông biết nó vốn chỉ là một. Chỉ là một cái. Khi Như Lai thắt sáu lần thì ông gọi là sáu nút. Ông liền gọi là sáu nút. Ông quán sát kỹ điều nầy, nhìn thật kỹ từng chi tiết và suy nghĩ–thấy thể của khăn nầy là đồng. Nó chẳng có thêm tên gọi nào nữa. Do vì các nút mà thành ra khác. Ngay khi Như Lai thắt thêm một nút, nó thành ra khác.”

Điều nầy biểu tượng cho tánh Như Lai tạng vốn là một; sáu căn là những nút thắt trong đó. Nhưng dù có đến sáu nút, thể của Như Lai tạng vẫn chỉ là một. Nếu quý vị mở được sáu nút, thì ngay cả một cũng chẳng còn.

Kinh văn:

於意云何?初綰結成名為第一。如是乃至第六結生。吾今欲將第六結名,成第一不?

Ư ý vân hà? Sơ quán kiết thành danh vi đệ nhất, như thị nãi chí đệ lục kiết sanh. Ngô kim dục tương đệ lục kiết danh, thành đệ nhất phủ?

Việt dịch:

Ý ông nghĩ sao? Khi mới cột nút lần đầu thì gọi là nút thứ nhất, như thế cho đến nút thứ sáu. Nay Như Lai muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất có được không?

Giảng giải:

Ý ông nghĩ sao? A-nan, ông suy nghĩ như thế nào? Nay Như Lai muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất có được không? Có thể nào nút thứ sáu được gọi là nút thứ nhất chăng?

Kinh văn:

不也世尊。六結若存,斯第六名終非第一。縱我歷生盡其明辯,如何令是六結亂名?

Phất dã Thế tôn. Lục kiết nhược tồn, tư đệ lục danh chung phi đệ nhất. Túng ngã lịch sinh tận kỳ minh biện, như hà linh thị lục kiết loạn danh?

Việt dịch:

Bạch Thế tôn. Không. Nếu còn sáu nút, thì cái gọi là thứ sáu, rốt cuộc chẳng phải là cái thứ nhất. Dù con có biện bạch hết đời, làm sao có thể lộn lạo tên gọi của sáu nút kia được?

Giảng giải:

A-nan thưa “Hoàn toàn không. Không thể thay đổi được. Như Lai không thể nào thay đổi cách gọi, nút thứ nhầt thành nút thứ sáu hoặc nút thứ sáu thành nút thứ nhất được.” Bạch Thế tôn. Không. Nếu còn sáu nút, thì cái gọi là thứ sáu, rốt cuộc chẳng phải là cái thứ nhất. Nếu đã có sáu nút, thì nút thứ sáu là nút thứ sáu, dù bất luận như thế nào, nó cũng không thể đổi thành nút thứ nhất được. Dù con có biện bạch hết đời. Con, A-nan, dù có được học, từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, thì những gì con học được, những gì đã tạo nên tính cách đặc trưng của con, là đa văn và giỏi nhớ. Khi con đã vận dụng khả năng đa văn và biện luận của con, thì làm sao có thể lộn lạo tên gọi của sáu nút kia được? Làm sao có thể lẫn lộn các tên gọi kia được? Làm sao con lại không nhớ thứ tự của từng nút kia được?

Kinh văn:

佛言,六結不同。循顧本因一巾所造。令其雜亂終不得成。

Phật ngôn, ‘Lục kiết bất đồng. Tuần cố bổn nhân, nhất cân sở tạo. Linh kỳ tạp loạn chung bất đắc thành.

Việt dịch:

Đức Phật dạy, “Đúng vậy, sáu nút không đồng nhau, Xét về căn gốc, vẫn do một cái khăn mà ra. Nhưng làm cho nó đảo lộn thứ tự thì rốt ráo không thể được.”

Giảng giải:

Đức Phật dạy, “Đúng vậy. Ông nói rất đúng. Không thể đổi tên gọi. Không thể gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất được. Nút thứ nhất không thể đổi thành nút thứ sáu được. Ông hoàn toàn đúng. Lý do chúng không thể lãn lộn là vì Xét về căn gốc, vẫn do một cái khăn mà ra. Nhưng làm cho nó đảo lộn thứ tự thì rốt ráo không thể được. Nếu ông đảo lộn thứ tự các nút, như ông nói, là không thể được. Điều ấy rất đúng.”

Kinh văn:

則汝六根亦復如是。畢竟同中,生畢竟異。

Tắc nhữ lục căn diệc phục như thị. Tất cánh đồng trung, sinh tất cánh dị.

Việt dịch:

Sáu căn của ông cũng giống như vậy. Trong thể tánh tuyệt đối giống nhau, lại sinh ra cái tuyệt đối khác nhau.

Giảng giải:

Chúng vốn là đồng, mắt hoạt dụng như là mắt, tai hoạt dụng như là tai, mũi hoạt dụng như là mũi, lưỡi hoạt dụng như là lưỡi, thân hoạt dụng như là thân, ý hoạt dụng như là ý. Vốn chúng là một và đồng. Nhưng ngay điểm nầy mà chúng phân chia ra. Thậm chí ngay lúc đó, chúng vẫn còn tốt nếu chúng hoà hiệp với nhau. Chúng đều có thể hồi quang phản chiếu. Mắt có thể xuay lại tánh thấy vào bên trong. Tai có thể lắng nghe bên trong và nghe được tự tánh. Mũi không bị xoay chuyển bởi mùi hương bên ngoài. Lưỡi không bị xoay chuyển bởi mùi vị. Thân không bị xoay chuyển bởi sự xúc chạm, và thức không bị ảnh hưởng các ý niệm tâm hành. Nếu chúng cùng kết hợp với nhau và cùng hồi quang phản chiếu, thì chúng sẽ là một. Nhưng chúng không thể hoà hiệp thành một được. Mắt thấy sắc, mũi ngửi hương và truy tìm theo chúng, lưỡi tìm cầu vị ngon lạ và bị xoay chuyển bởi chúng, thân thích xúc chạm và bị ràng buộc bởi chúng, tâm ý bị ảnh hưởng bởi suy tưởng trói buộc chúng. Điều quan trọng là đừng đuổi theo chúng, nhưng người phàm phu không thể nào tránh khỏi việc theo đuổi nầy.

Kinh văn:

佛告阿難,汝必嫌此六結不成。願樂一成,復云何得。阿難言,此結若存。是非鋒起,於中自生。此結非彼彼結非此。如來,今日若總解除。結若不生則無彼此。尚不名一六云何成。佛言六解一亡亦復如是。

Phật cáo A-nan, ‘Nhữ tất hiềm thử lục kiết bất thành, cố nhạo nhất thành, phục vân hà đắc?

A-nan ngôn, ‘Thử kiết nhược tồn, thị phi phong khởi, ư trung tự sinh, thử kiết phi bỉ, bỉ kiết phi thử. Như Lai kim nhật tổng giải trừ. Kiết nhược bất sinh tắc vô bỉ thử. Thượng bất danh nhất, lục vân hà thành.

Phật ngôn, ‘Lục giải nhất vong, diệc phục như thị.”

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan, ‘Ông chắc không muốn có sáu nút nầy, mà chỉ muốn thành một thể, việc ấy phải làm sao?’

A-nan thưa rằng, ‘Nếu còn những nút đó, thì điều thị phi sẽ nổi dậy, trong đó sẽ tự cho rằng nút nầy chẳng phải là nút kia, nút kia chẳng phải là nút nầy. Nhưng nay Như Lai giải trừ tất cả. Các nút đã không sinh ra thì không có bỉ thử. Đã không có một thì sáu làm sao thành? ’

Đức Phật bảo, ‘Nghĩa mở được sáu, một không còn cũng như vậy.’

Giảng giải:

Đức Phật bảo A-nan, ‘Ông chắc không muốn có sáu nút nầy. Ông chắc là không thích thành ra có sáu nút.’ Đức Phật nói với đệ tử, ‘Ông muốn mở sáu nút ra khiến chúng không còn nữa, mà chỉ muốn thành một thể. Ông muốn làm được chuyện ấy. Nhưng việc ấy phải làm sao?’

A-nan nghe Đức Phật hỏi và thưa rằng, ‘Nếu còn những nút đó, thì điều thị phi sẽ nổi dậy. A-nan thừa nhận, ‘Con muốn giải trừ sáu nút để chỉ còn một thể duy nhất, vì hễ còn sáu nút, thì vẫn còn những điều bàn tán thị phi về chúng.’ Lý do của sự tranh cãi là sự phân biệt giữa các nút ấy. Trong đó sẽ tự cho rằng nút nầy chẳng phải là nút kia, nút kia chẳng phải là nút nầy. Bên trong những nút nầy sẽ có những tranh cãi về nút nào là thật, nút nào chẳng thật. ‘Nút nầy,’ là nút thứ nhất, chẳng phải là nút thứ sáu; và ‘nút kia’ là nút thứ sáu, chẳng phải là nút thứ nhất. Sự phân biệt sinh khởi từ vấn đề cái nầy và cái kia.

Nhưng nay Như Lai giải trừ tất cả. Các nút đã không sinh ra thì không có bỉ thử. Không còn là nút thứ nhất, nút thứ nhì, nút thứ ba, nút thứ tư, nút thứ năm, nút thứ sáu. Đã không có một. Khi sáu nút đã được giải trừ sạch rồi thì một cũng chẳng còn. Thì sáu làm sao thành? ’

Đức Phật bảo, ‘Nghĩa mở được sáu, một không còn cũng như vậy.’

“Giỏi lắm,” Đức Phật bảo A-nan, “Ông nói điều ấy rất đúng. Nếu ông hiểu nguyên lý ấy, thì ông sẽ nhận ra rằng ‘mở được sáu, một không còn’; vì nó đồng một nghĩa. Nay ông đã rõ điểm nầy chưa?

Kinh văn:

由汝無始心性狂亂。知見妄發,發妄不息,勞見發塵。

Do nhữ vô thuỷ tâm tánh cuồng loạn. Tri kiến vọng phát, phát vọng bất tức, lao kiến phát trần.

Việt dịch:

Do từ vô thuỷ, tâm ông điên loạn. Tri kiến vọng phát mãi mãi không dừng, làm cho tri kiến sinh mệt nhọc.

Giảng giải:

Do từ vô thuỷ, tâm ông điên loạn. Từ vô thuỷ kiếp đến nay, chân tâm thường trú tánh tịnh minh thể–chân tánh–của ông đã bị điên đảo. ‘Điên đảo’ ở đây là chỉ cho ‘sinh tướng vô minh, đó là từ câu sinh. Từ sinh tướng vô minh phát khởi lên tri thức phân biệt các hiện tượng, vốn cũng là tự câu sinh. ‘Điên đảo’ chỉ cho vô minh. Còn ‘loạn’ chỉ cho Tam tế đã đề cập ở trước. Đó là:

1. Nghiệp tướng

2. Năng kiến tướng 能見相.[v]

3. Cảnh giới tướng 境界相.[vi]

Nghiệp tướng khiến cho phát sinh Năng kiến tướng, Năng kiến tướng lại làm sinh khởi Cảnh giới tướng . Điều nầy rất vi tế, tuy vậy, đó không phải là điều mà hàng phàm phu biện biệt được.

Một niệm bất giác sinh ra tam tế.[vii] Khi tam tế này đã phát khởi, thì liền có nút thứ nhất. Thời điểm mà Tri kiến vọng phát mãi mãi không dừng, là khi cảnh giới tướng làm duyên để tăng trưởng thành lục thô.[viii] Điều nầy cũng đã được giảng giải ở đoạn trước. Lục thô là:

Trí tướng: Trí nầy chỉ cho trí thế gian, tức thế trí biện thông. Nó bao gồm cả hiếu biết về lính vực khao học, kỹ thuật, các loại nghề nghiệp. Vì quý vị ‘phát khởi vọng kiến,’ nên sinh khởi nên Trí tướng, và phát sinh ra cái thứ hai trong Lục thô.

Tương tục tướng: Nó không bao giờ dừng. Trí tướng chính là nút thứ hai, và Tương tục tướng chính là nút thứ ba.

Chấp thủ tướng: Sinh khởi tính chấp trước.

Kế danh tự tướng .

Khởi nghiệp tướng (production of karma).

Nghiệp hệ khổ tướng ( karmic-bound suffering)

Kinh văn:

如勞目睛則有狂花於湛精明。無因亂起

Như lao mục tinh, tắc hữu cuồng hoa ư trạm tinh minh, vô nhân loạn khởi.

Việt dịch:

Như khi con mắt mỏi mệt thì thấy như có hoa đốm không có nguyên nhân gì, hỗn loạn khởi lên trong thể tánh sáng suốt rỗng lặng.

Giảng giải:

Như khi con mắt mỏi mệt thì thấy như có hoa đốm. Đoạn nầy giống như đoạn trước đã giảng, “Nhìn vào hư không một lúc lâu, sinh ra mỏi mệt.”[ix] Khi đã mỏi mệt, thấy những hoa đốm lăng xăng giữa hư không. Ở đây cũng vậy, không có nguyên nhân gì, hỗn loạn khởi lên trong thể tánh sáng suốt rỗng lặng.. Chẳng biết do nguyên nhân nào, chúng xuất hiện hỗn loạn trong tánh Như Lai tạng.

Kinh văn:

一切世間,山河大地,生死涅槃,皆即狂勞顛倒花相。

Nhất thiết thế gian, sơn hà đại địa, sinh tử niết-bàn, giai tức cuồng lao điên đảo hoa tướng.

Việt dịch:

Tất cả các tướng trong thế gian, núi sông đất liền, sinh tử niết-bàn, đều là tướng hoa đốm điên đảo, do bệnh mê lầm mà phát ra.

Giảng giải:

Không những chỉ có tướng tam tế và lục thô sinh khởi do vì mắt mỏi mệt vì nhìn lâu, đến nỗi nhìn thấy hoa đốm lăng xăng loạn khởi giữa hư không, mà tất cả các tướng trong thế gian–toàn thể vũ trụ pháp giới, có nghĩa là, không chỉ thế giới chúng ta đang sống, mà tất cả các cõi nước trong khắp mười phương hư không pháp giới–núi sông đất liền, sinh tử niết-bàn, đều là tướng hoa đốm điên đảo. Chúng hiện hữu đều do mắt nhìn lâu hoá ra mỏi mệt. Chúng đều là do bệnh mê lầm mà phát ra. Vốn chẳng có hoa gì cả trên hư không. Tất cả những thứ nầy đều là tướng điên đảo xuất hiện như là hoa. Thế nên Đức Phật muốn giảng bày nghĩa lý trong đoạn kinh nầy là: ‘Ông có biết pháp sinh khởi từ đâu không? Mọi hiện tượng đều sinh khởi từ vô minh cuat chúng sinh. Từ một niệm bất giác mà có tam tế. Và cảnh giới tướng làm nhân duyên cho lục thô sinh khởi.’

Kinh văn:

阿難言此勞同結云何解除。

A-nan ngôn, “Thử lao đồng kiết, vân hà giải trừ.?”

Việt dịch:

A-nan thưa, “Bệnh mê lầm nầy cũng giống như các nút thắt, làm sao để giải trừ?”

Giảng giải:

Nghe Đức Phật giải thích, A-nan thưa, “Bệnh mê lầm nầy cũng giống như các nút thắt. Bệnh mỏi mệt, nhặm mắt, do nhìn sững quá lâu, cũng giống như các nút thắt. Làm sao để giải trừ? Chúng con làm sao để cởi bỏ chúng đi? Làm sao để chúng con quay trở về lại với bản lai diện mục của mình? Làm sao để chúng con quay trở về lại với tánh Như Lai tạng?”

Kinh văn:

如來以手將所結巾。偏掣其左問阿難言。如是解不。不也世尊。旋復以手偏牽右邊。又問阿難如是解不。不也世尊。

Như Lai dĩ thủ tương sở kiết cân, thiên xiết kỳ tả, vấn A-nan ngôn. “Như thị giải phủ?.” “Phất dã, Thế tôn.” Tuyền phục dĩ thủ thiên khiên hữu biên. Hựu vấn A-nan, “ Như thị giải phủ?” “Phất dã, Thế tôn.”

Việt dịch:

Đức Phật dùng tay cầm cái khăn có nút, kéo mối bên trái, hỏi A-nan rằng, “Thế này có cởi được không?” A-nan đáp: “Bạch Thế tôn. Không.” Đức Phật dùng tay kéo riêng mối bên phải, rồi hỏi A-nan rằng, “Thế này có cởi được không?” A-nan đáp: “Bạch Thế tôn. Không.”

Giảng giải:

Đức Phật dùng ví dụ để khiến cho A-nan tự hiểu ra cách cởi các nút, vốn là giống như bệnh mỏi mắt do nhìn sững quá lâu.

Đức Phật dùng tay cầm cái khăn có nút, kéo mối bên trái. Đức Phật cầm chiếc khăn hoa quý báu kên rồi kéo nghiêng về phía bên trái. Lúc đó ngài hỏi A-nan rằng, “Thế này có cởi được không?” Cách nầy có mở các nút ra được không? A-nan thưa: “Bạch Thế tôn. Không.”

Rồi Đức Phật dùng tay kéo riêng mối bên phải, rồi hỏi A-nan rằng, “Thế này có cởi được không?” Cách nầy có cởi được các nút không? Các nút có mở ra được chăng? “Bạch Thế tôn. Không.” Nó chẳng bao giờ mở ra được. Nếu Như Lai cứ kéo chiếc khăn, thì chẳng thể nào mở ra được. A-nan trả lời.

Kinh văn:

佛告阿難吾今以手。左右各牽竟不能解。汝設方便云何成解?阿難白佛言世尊。當於結心解即分散。

Phật cáo A-nan, “Ngô kim dĩ thủ, tả hữu các khiên cánh bất năng giải. Nhữ thiết phương tiện vân hà thành giải?” A-nan bạch Phật ngôn, “ Thế tôn. Đương ư kiết tâm giải tức phân tán.”

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan, nay Như Lai dùng tay kéo mối bên phải rồi bên trái, rốt cuộc vẫn không cởi được. Vậy ông dùng phương tiện nào mà mở ra được?

A-nan bạch Phật ngôn, “Bạch Thế tôn, ngài phải cởi từ chính giữa, các nút sẽ được mở ra.”

Giảng giải:

A-nan rất thông minh! Đức Phật không làm được, nhưng A-nan nghĩ ra được cách làm. Đức Phật bảo A-nan, nay Như Lai dùng tay kéo mối bên phải rồi bên trái, rốt cuộc vẫn không cởi được. Như Lai không thể nào mở ra được dù chỉ một nút. Vậy ông dùng phương tiện nào mà mở ra được? Ôgn hãy suy nghĩ cách thức. Dùng những phương tiện thiện xảo để tìm ra. Làm sao để mở được? Ông rất thông minh. A-nan. Chắc chắn ông sẽ tìm ra được phương pháp.

A-nan bạch Phật ngôn, “Bạch Thế tôn, ngài phải cởi từ chính giữa, các nút sẽ được mở ra.” Nếu Như Lai chỉ kéo chiếc khăn sang bên trái rồi bên phải, thì không thể nào mở nút ra được. Điều cần làm là mở ngat từ trung tâm chiếc khăn. Một khi đã cởi được, các nút sẽ mở ra.”

Kinh văn:

佛告阿難如是如是。若欲除結,當於結心。

Phật cáo A-nan, “Như thị, như thị. Nhược dục trừ kiết, đương ư kiết tâm”.

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan, “Đúng vậy, đúng vậy. Nếu ông muốn mở nút, ông phải mở từ chính giữa.”

Giảng giải:

Câu trả lời của Đức Phật là, “A-nan, ông thật thông minh. Phải không? Đúng vậy, đúng vậy. Đó là những gì ông hiểu được. Ông đã nhận ra. Như Lai chưa nghĩ ra là ông sẽ làm việc ấy bằng cách nào, và ông đã tìm ra được phương pháp kỳ diệu nầy!” Đức Phật thể hiện sự tán thành của mình. “Đúng như vậy. Nay Như Lai đã rõ. Nếu ông muốn mở nút, ông phải mở từ chính giữa. Bởi vậy, ông không những chỉ học giỏi, mà ông rất thông minh.”

Kinh văn:

阿難我說佛法從因緣生。非取世間和合麤相。如來發明世出世法。知其本因隨所緣出。

A-nan ngã thuyết Phật pháp tòng nhân duyên sinh, phi thủ thế gian hòa hiệp thô tướng. Như Lai phát minh thế xuất thế pháp, tri kỳ bổn nhân tuỳ sở duyên xuất.

Việt dịch:

A-nan, Như Lai nói Phật pháp do nhân duyên sinh, chẳng phải là căn cứ vào những tướng hoà hiệp thô trọng của thế gian. Như Lai nhận ra các tướng thế gian và xuất thế gian, biết rõ bản nhân của chúng do nhân duyên gì mà phát sinh ra.

Giảng giải:

A-nan, Như Lai nói Phật pháp do nhân duyên sinh, chẳng phải là căn cứ vào những tướng hoà hiệp thô trọng của thế gian. Chẳng phải là Như Lai y cứ vào những tướng thô phù trên thế gian mà mọi người đều thấy. Như Lai nhận ra các tướng thế gian và xuất thế gian. “Tướng thế gian” là chỉ cho các pháp nhiễm và tịnh trong lục đạo luân hồi sinh tử. “Pháp xuất thế gian” là chỉ cho các pháp thanh tịnh trong cảnh giới của của bốn thánh quả A-la-hán. Như Lai biết rõ bản nhân của chúng do nhân duyên gì mà phát sinh ra. Như Lai biết rõ nguồn gốc xuất phát sinh của các pháp nầy và cách mà chúng hoà hiệp với các nhân duyên.”

Kinh văn:

如是乃至恒沙界外,一滴之雨亦知頭數。現前種種松直棘曲,鵠白鳥玄皆了元由。

Như thị nãi chí hằng sa giới ngoại nhất trích chi vũ, diệc tri đầu số. Hiện tiền chủng chủng tùng trực cức khúc, hộc bạch điểu huyền, giai liễu nguyên do.

Việt dịch:

Như thế cho đến một giọt mưa ngoài hằng sa thế giới, (Như Lai) cũng đều biết số mục. Cũng như nay trước mắt ông, các thứ cây tùng thẳng, cây gai cong, chim hộc trắng, chim quạ đen, (Như Lai) đều biết nguyên do.

Giảng giải:

Như thế–Như Lai biết nhân duyên gì khiến các hiện tượng phát sinh–cho đến một giọt mưa ngoài hằng sa thế giới, (Như Lai) cũng đều biết số mục. Như Lai biết rõ các nhân duyên gì ở trong tận cùng các thế giới xa xăm và các thế giới khác. Chẳng có hiện tượng nào trong các thế giới đó mà Như Lai không biết, kể cả các thế giới ở ngoài các thế giới nầy, Như Lai đều biết rõ từng giọt mưa rơi xuống. Kinh Kim Cang có nói:

“Như Lai hoàn toàn thấy biết được mọi tâm niệm của chúng sinh.”[x]

Bất luận là các chúng sinh thuộc cõi giới loài người hay cõ giới khác, bất kỳ niệm tưởng nào sinh khởi trong chúng, Như Lai đều biết rõ. Cũng như nay trước mắt ông. Ông không thể nào thấy được các hiện tượng ở các cõi nước khác cách xa đây nhiều như số cát sông Hằng, như những vật đang hiện hữu trước mắt ông bây giờ, các thứ cây tùng thẳng, cây gai cong, chim hộc trắng, chim quạ đen, (Như Lai) đều biết nguyên do.

Kinh văn:

是故阿難隨汝心中選擇六根。根結若除塵相自滅。諸妄銷亡,不真何待?

Thị cố A-nan tuỳ nhữ tâm trung tuyển trạch lục căn, căn kiết nhược trừ, trần tướng tự diệt. Chư vọng tiêu vong, bất chân hà đãi.

Việt dịch:

Vậy nên A-nan, tuỳ tâm ông lựa chọn trong sáu căn, nếu trừ được nút thắt trong căn ấy rồi, thì trần tướng tự diệt. Các vọng đã tiêu, đó chẳng phải chân thì là gì?
Giảng giải:

Vậy nên–do mọi điều Đức Phật đều biết được, như ngài vừa giải thích–tuỳ tâm ông lựa chọn trong sáu căn. Tự ông chọn một một căn nào đó trong sáu căn mà ông thích, ông có nhớ công đức của từng căn mà Như Lai đã giải thích không? Căn nào có đủ 1200 công đức, căn nào không? Căn cứ vào đó, ông có thể chọn ra căn nào hợp với mình. Khi ông đã chọn được một căn, nếu trừ được nút thắt trong căn ấy rồi, thì trần tướng tự diệt. Ông áp dụng phương pháp tu tập của mình đối với bất kỳ căn naò đã được chọn ra, cho đến khi căn, nút thắt và trần cảnh đều tiêu sạch. Các vọng đã tiêu. Lúc ấy, các vọng tưởng–suy nghĩ dựa trên sinh diệt–mọi sự phân biệt đều tiêu vong.

“Điều gì sẽ xảy ra?” Quý vị sẽ tự hỏi. “Chúng ta sẽ làm gì khi mọi vọng tưởng của mình tiêu mất?” Đó chẳng phải chân thì là gì? Nếu lúc nầy quý vị chẳng phải chân thì đó là cái gì? Tất cả những gì còn lại đều là chân. Khi cái vọng không còn, thài tất cả còn lại đều là chân. Trừ bỏ mọi niệm tưởng vướng mắc vào các duyên, thì bản tánh chân như thanh tịnh vi diệu sẽ hiện tiền, bản lại diện mục, tánh Như Lai tạng sẽ hiển lộ.

Đến đoạn kinh này, quý vị đặc biệt phải chú tâm nhiều hơn. Quý vị nên phát huy công phu của mình vào một trong sáu căn. Căn nào? Bất kỳ căn nào cũng được: mắt tai mũi lưỡi thân ý–quý vị đều có thể áp dụng công phu tu tập của mình vào đó. Cửa vào của mỗi sáu căn đều là lối để nhập đạo. Mỗi sáu căn đều là một phần của tánh Như Lai tạng. Việc cần phải làm đối với quý vị là bắt tay vào, để tâm trong công phu tu tập, và quý vị sẽ thể nhập với bản thể của tánh Như Lai tạng.

Kinh văn:

阿難吾今問汝。此劫波羅巾六結現前。同時解縈得同除不。不也世尊。是結本以次第綰生。今日當須次第而解。六結同體結不同時。則結解時云何同除。

A-nan ngô kim vấn nhữ. Thử kiếp-ba-la cân lục kiết hiện tiền, đồng thời giải oanh, đắc trừ đồng trừ phủ? Phất dã Thế tôn. Thị kiết bổn dĩ thứ đệ quán sanh. Kim nhật đương tu thứ đệ nhi giải. Lục kiết đồng thể, kiết bất đồng thời, tắc kiết giải thời vân hà đồng trừ?

Việt dịch:

A-nan, nay Như Lai hỏi ông, “Cái khăn hoa nầy hiện có sáu nút, nếu đồng thời cởi ra, thì có thể cùng lúc trừ hết được chăng?”

“Bạch Thế tôn. Không. Những nút nầy khi cột lại, vốn có thứ tự. Nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút tuy đồng một thể, nhưng cột lại không đồng thời, thì khi mở nút, làm sao cùng một lúc mà mở hết được?”

Giảng giải;

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói: “A-nan, nay Như Lai hỏi ông, “Cái khăn hoa nầy hiện có sáu nút, nếu đồng thời cởi ra, thì có thể cùng lúc trừ hết được chăng? Chiếc khăn từ cung trời Tu-dạ-ma nầy có sáu nút như mọi người đã thấy. Có thể nào sáu nút nầy được mở ra cùng một lúc chăng? ”

“Bạch Thế tôn. Không.” A-nan trả lời. “Tại sao lại không? Những nút nầy khi cột lại, vốn có thứ tự. Chúng được thắt lại theo thứ lớp. Nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Nay chúng cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút tuy đồng một thể, nhưng cột lại không đồng thời. Dù sáu nút đều được thắt trên cùng một chiếc khăn, nhưng các nút thì không được cột lại cùng một lúc, thì khi mở nút, làm sao cùng một lúc mà mở hết được? Nó phải được mở ra theo từng nút.”

Kinh văn:

佛言,六根解除亦復如是。此根初解先得人空。空性圓明,成法解脫。解脫法已俱空不生。

Phật ngôn, “Lục căn giải trừ diệc phục như thị. Thử căn sơ giải, tiên đắc nhân không. Không tính viên minh thành pháp giải thoát. Giải thoát pháp dĩ, câu không bất sinh.

Việt dịch:

Đức Phật dạy rằng, “Việc giải trừ các nút nơi sáu căn cũng như vậy. Khi các căn bắt đầu được mở, trước hết sẽ được nhân không. Đến khi tánh không viên mãn sáng suốt, thì giải thoát được pháp chấp. Pháp chấp được giải thoát rồi, thì cả nhân không lẫn pháp không đều chẳng sanh khởi.”

Giảng giải:

Đức Phật dạy rằng, “Việc giải trừ các nút nơi sáu căn cũng như vậy. Đạo lý của việc nầy cũng giống như việc mở ra các nút. Ông phải mở nút từng căn một, ông không thể nào cùng một lúc mở cả sáu căn. Khi các căn bắt đầu được mở–có nghĩa là căn mà ông đã chon để tu tập viên thông–trước hết sẽ được nhân không.” Khi đạt được nhân không, là không còn chấp ngã nữa. Có hai loại ngã chấp:

Câu sanh ngã chấp.

Phân biệt ngã chấp.

Đến lúc nầy, cả hai thứ ngã chấp nầy đều không còn.

Đến khi tánh không viên mãn sáng suốt–khi đã thể hội nhân không thật viên mãn–thì giải thoát được pháp chấp. Khi Nhận ra thể tánh các pháp đều là không thì thoát khỏi hai cái chấp về pháp:

1. Câu sanh pháp chấp.

Phân biệt pháp chấp.

Pháp chấp được giải thoát rồi, thì cả nhân không lẫn pháp không đều không sanh khởi. Khi đã giải thoát được khỏi pháp chấp, thì không còn hai thứ nhân không và pháp không nữa. Hai thứ không nầy chẳng còn sinh khởi nữa.

Kinh văn:

是名菩薩從三摩地,得無生忍 。

Thị danh Bồ tát tòng tam-ma-địa, đắc vô sinh nhẫn.

Việt dịch:

Đó gọi là Bồ-tát do tam-ma-điạ mà chứng được vô sanh nhẫn.

Giảng giải:

Bồ-tát đạt được định lực, như vậy có thể chứng được vô sinh pháp nhẫn, đó là cảnh giới của hàng Bồ-tát.

---o0o---
HAI MƯƠI LĂM PHÁP MÔN VIÊN THÔNG.

Kinh văn:

阿難及諸大眾蒙佛開示。慧覺圓通得無疑惑。

A-nan cập chư đại chúng mông Phật khai thị, tuệ giác viên thông, đắc vô ngại hoặc.

Việt dịch:

A-nan và đại chúng nhờ Phật khai thị, tuệ giác được viên dung thông suốt, không còn điều gì nghi hoặc.

Giảng giải:

A-nan và đại chúng nhờ Phật khai thị, tuệ giác được viên dung thông suốt. Vào lúc nầy, trí huệ của A-nan và đại chúng đều được viên mãn và đều chứng được viên thông. Đại chúng đều không còn điều gì nghi hoặc.

Kinh văn:

一時合掌頂禮雙足,而白佛言.我等今日。身心皎然快得無礙。

Nhất thời hợp chưởng đảnh lễ song túc, nhi bạch Phật ngôn, “Ngã đẳng kim nhật, thân tâm kiểu nhiên khoái đắc vô ngại.”

Việt dịch:

Cùng lúc chắp tay, đảnh lễ sát hai chân Phật mà thưa rằng, “Ngày nay thân tâm chúng con được sáng suốt, vui mừng được điều vô ngại.”

Giảng giải:

Cùng lúc chắp tay, đảnh lễ sát hai chân Phật mà thưa rằng–Đại chúng đồng cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, và A-nan bạch Phật, “Ngày nay thân tâm chúng con được sáng suốt. ” Đại chúng đều hiểu được rõ ràng. Và “Vui mừng được điều vô ngại. Chúng con vui mừng khi đạt được sự hiểu biết thông suốt, không còn ngăn ngại bởi những mối nghi ngờ.”

Kinh văn:

雖復悟知一六亡義。然猶未達圓通本根。

Tuy phục ngộ tri nhất lục vong nghĩa. Nhiên do vị đạt viên thông bổn căn.

Việt dịch:

Tuy hiểu ra nghĩa một và sáu đều không còn, nhưng còn chưa rõ được căn tính bản lai của viên thông.

Giảng giải:

Tuy hiểu ra nghĩa một và sáu đều không còn. Chúng con tuy đã hiểu ra được đạo lý khi sáu căn được mở thì một cũng không còn. Nhưng còn chưa rõ được căn tính bản lai của viên thông. Cái gì là cội nguồn của viên thông? Chúng con còn chưa hiểu.

Kinh văn:

世尊我輩飄零積劫孤露。何心何慮,預佛天倫。如失乳兒忽遇慈母。

Thế tôn, ngã bối phiêu linh tích kiếp cô lộ. Hà tâm hà lự dự Phật thiên luân. Như thất nhũ nhi hốt ngộ từ mẫu.

Việt dịch:

Bạch Thế tôn, chúng con đã phiêu dạt bơ vơ từ nhiều kiếp. Không biết do đâu mà được dự vào dòng Phật. Như trẻ con khát sữa, bỗng gặp mẹ hiền.

Giảng giải:

Bạch Thế tôn, chúng con là hàng Thanh văn còn trong hàng hữu học, đã phiêu dạt, trôi nổi chìm đắm trong biển khổ luân hồi sinh tử, không thể nào thoát ra khỏi vòng luân hồi, bơ vơ từ nhiều kiếp–không được cha mẹ chăm sóc, những kẻ mồ côi cha mẹ thường phải sống đầu đường xó chợ, đêm đến không nhà. Không biết do đâu mà được dự vào dòng Phật. Không biết do cơ may nào mà chúng con được dự vào trong dòng giống Phật, giống như người mẹ hiền của chúng con. Như trẻ con khát sữa, bỗng gặp mẹ hiền. Trẻ con mất mẹ nay tìm lại được mẹ hiền và không còn khát sữa.

Kinh văn:

若復因此際會道成, 所得密言還同本悟。則與未聞無有差別。

Nhược phục nhân thử tế hội đạo thành, sở đắc mật ngôn hoàn đồng bổn ngộ, tắc dữ vị văn, vô hữu sai biệt.

Việt dịch:

Nếu nhân trong hội nầy mà được thành đạo, chỗ bản ngộ phù hợp với đạo lý vi mật được nghe, thì với những người chưa được nghe

Giảng giải:

Nếu nhân trong hội nầy, cơ duyên mà nay chúng con có được, nhờ Đức Phật giảng dạy giáo pháp, mà được thành đạo, chỗ bản ngộ phù hợp với đạo lý vi mật được nghe . Giáo lý vi diệu, ẩn mật mà Đức Phật giảng dạy cho chúng con để chúng con nhận ra các pháp sai biệt, và đó chính là bản giác của mỗi chúng con, thì với những người chưa được nghe, sẽ không có gì sai khác. A-nan thưa rằng, “Giáo pháp Đức Phật giảng dạy giúp cho chúng con được giác ngộ. Giáo pháp là do Đức Phật giảng nói, còn sự chứng ngộ là tự thân của riêng mỗi người trong chúng con. Chúng con nhận ra bản tâm, thấy được bản tánh, là chẳng phải cái gì do từ bên ngoài mà có. Đó là lý do tại sao nó chẳng khác với những điều chúng con chưa từng được nghe.”

Kinh văn:

惟垂大悲惠我祕嚴。成就如來最後開示。作是語已五體投地。退藏密機,冀佛冥授。

Duy thuỳ đại bi huệ ngã bí nghiêm. Thành tựu Như Lai tối hậu khai thị. Tác thị ngữ dĩ ngũ thể đầu địa, thối tàng mật cơ, ký Phật minh thọ.

Việt dịch:

“Xin Đức Phật rủ lòng đại bi ban cho chúng con những pháp bí mật trang nghiêm như là lời khai thị tối hậu của Như Lai.” Nói lời ấy xong, A-nan gieo năm vóc xuống đất, lui về an trụ trong chánh niệm, trông chờ lời chỉ dạy vi mật của Đức Phật.

Giảng giải:

A-nan tiếp tục cầu xin Đức Phật. Xin Đức Phật rủ lòng đại bi ban cho chúng con những pháp bí mật trang nghiêm như là lời khai thị tối hậu của Như Lai.” A-nan lại xin Đức Phật khởi lòng từ bi ban cho đại chúng giáo pháp vi diệu sâu mầu–Thủ-lăng-nghiêm đại định. A-nan mong muốn có được nước của tam-muội. “Như àl lời khai thị tối hậu của Như Lai. Chúng con xem đây là lời chỉ dạy tối thượng của Như Lai ban cho chúng con.” Khi dâng lời thỉnh cầu nầy, A-nan gieo năm vóc xuống đất, lui về an trụ trong chánh niệm. A-nan lui lại nơi chỗ ngồi của mình và chờ đợi Đức Phật sẽ bí mật truyền trao giáo pháp vi diệu cho mình. “Bí mật–minh冥” có nghĩa là dù có nhiều người đang có mặt, nhưng Đức Phật truyền trao giáo pháp cho A-nan mà họ không biết. Thế nên kinh văn nói: trông chờ lời chỉ dạy vi mật của Đức Phật.

Kinh văn:

爾時世尊普告眾中諸大菩薩。及諸漏盡大阿羅漢。汝等菩薩及阿羅漢。生我法中得成無學。吾今問汝最初發心悟十八界誰為圓通。從何方便入三摩地

Nhĩ thời Thế tôn phổ cáo chúng trung chư đại Bồ-tát. Cập chư lậu tận đại A-la-hán. Sinh ngã pháp trung đắc thành vô học. Ngô kim vấn nhữ tối sơ phát tâm, ngộ thập bát giới thuỳ vị viên thông. Tòng hà phương tiện nhập tam-ma-địa?

Việt dịch:

Bấy giờ Thế tôn bảo khắp các vị đại Bồ-tát và các vị A-la-hán đã sách các lậu hoặc trong đại chúng rằng; “Các ông là những vị Bồ-tát và A-la-hán sinh trưởng trong Phật pháp, đã chứng được quả vô học. Nay Như Lai hỏi các ông, lúc ban đầu mới phát tâm, ngộ tính viên thông ở giới nào trong mười tám giới? Do phương tiện gì mà được tam-muội? ”

Giảng giải:

Đức Phật biết rằng A-nan đã lui về chỗ ngồi và đang am thầm chờ đợi cơ duyên vi mật để nhận lời khai thị của Đức Phật. Đức Phật biết rõ những điều đang diễn ra trong tâm thức A-nan. Nhưng lúc nầy, Đức Phật chưa đáp ứng những mong mỏi của A-nan. Trước tiên Đức Phật hỏi 25 vị thánh. Ngài hỏi vị nào đã chứng được viên thông và do giới nào trong mười tám giới mà họ chứng được? Đức Phật hỏi nhờ căn nào mà các ngài được giải thoát?

Bấy giờ Thế tôn bảo khắp các vị đại Bồ-tát và các vị A-la-hán đã sách các lậu hoặc trong đại chúng rằng–Câu nầy được thêm vào như là lời kể chuyện khi kinh nầy được kết tập. Tiếp theo là lời của Đức Phật. “Các ông là những vị Bồ-tát và A-la-hán sinh trưởng trong Phật pháp, đã chứng được quả vô học– các ông là:

Tùng Phật khẩu sanh

Tùng pháp hoá sanh.

Các ông đã chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán, thuộc hàng vô học, hoặc quý vị là những vị đại Bồ-tát. Nay Như Lai hỏi các ông, lúc ban đầu mới phát tâm, ngộ tính viên thông ở giới nào trong mười tám giới? Rốt cuộc, do căn nào, giới nào là viên thông? Do phương tiện gì mà được tam-muội? Do phương tiện nào mà ông đạt được tam-ma-đề? ”[xi]

---o0o---
VIÊN THÔNG SÁU TRẦN

VIÊN THÔNG THANH TRẦN–Kiều-trần-na

Kinh văn:

驕陳那五比丘即從座起。頂禮佛足而白佛言。我在鹿苑及於雞園。觀見如來最初成道。於佛音聲悟明四諦。

Kiều-trần-na ngũ tỷ-khưu tức tùng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã tại Lộc uyển cập ư Kê viên, quan kiến Như Lai tối sơ thành đạo. Ư Phật âm thanh ngộ minh tứ đế.

Việt dịch:

Nhóm năm vị tỷ-khưu Kiều-trần-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi thưa rằng, “Chúng con khi ở Lộc uyển và Kê viên, thấy Như Lai khi mới thành đạo, nhờ nghe được pháp âm của Như Lai mà ngộ được lý Tứ diệu đế.”

Giảng giải:

Kiều-trần-na (Kaundinya) còn gọi là A-nhã Kiều-trần-như (Ajnatakaundinya), là một trong những đệ tử của Đức Phật. Tên của ông có nghĩa là Giải bổn tế, 解本際là hiểu rõ tận căn nguyên; và Tối sơ giải, 最初解là người hiểu được giáo pháp đầu tiên. Ngài là người đệ tử đầu tiên của Đức Phật được giác ngộ. Ngài là bậc trưởng lão trong đạo, ngài ngộ đạo rất sớm. Lúc ấy, ngài đã lớn tuổi.

Nhóm năm vị tỷ-khưu Kiều-trần-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi thưa rằng, “Chúng con khi ở Lộc uyển và Kê viên, thấy Như Lai khi mới thành đạo.”

Tương truyền rằng Kê viên là một vườn cây có nhiều loài gà sinh sống. Một hôm vườn cây phát hoả, các con gà nhúng ướt lông của mình rồi dập tắt lửa. Người ta cho rằng đây là điểm rất kỳ đặc. Nên có không khí kỳ diệu khác thường ở nơi nầy. Đặc điểm địa lý rất là tốt lành. Những người tu tập nên tìm đến những nơi nầy, vì sẽ hưởng được cảnh giới thiện lành ở đây.

Nhờ nghe được pháp âm của Như Lai–âm thanh mà Đức Phật giảng pháp–mà ngộ được lý Tứ diệu đế.” Đức Phật chuyển pháp luân Tứ đế. Tức gọi là Tam chuyển tứ đế. Nghĩa là Đức Phật chỉ dạy, “Đây là khổ, tánh bức bách. Đây là tập, tánh chiêu cảm. Đây là diệt, tánh khả chứng. Đây là đạo, tánh khả tu.”[xii]

Tiếp theo, ngài dạy, “Đây là khổ, ông nên biết. Đây là tập, ông nên dứt. Đây là diệt, ông nên chứng. Đây là đạo, ông nên tu.”[xiii]

Lần thứ ba, ngài dạy, “Đây là khổ, Như Lai đã biết. Đây là tập, Như Lai đã dứt. Đây là diệt, Như Lai đã chứng. Đây là đạo, Như Lai đã tu.”[xiv]

Sau khi Đức Phật chỉ dạy những điều nầy, Kiều-trần-na liền được giác ngộ. Trước đây trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm, đã giải thích về Kiều-trần-na rằng ngài được giác ngộ nhờ hai chữ ‘khách trần.’[xv] Ngài nhận ra rằng khách chẳng phải là chủ. Chủ thì chẳng đi đâu, trong khi khách thì có đi có đến.

Kiều-trần-na nghe pháp âm của Đức Phật và ngộ đạo. Thanh âm của con người rất là quan trọng. Tiếng nói của quý vị nếu có âm vang, âm thanh mạnh mẽ và rõ ràng, mọi người sẽ rất thích thú khi nghe quý vị giảng pháp. Nếu lời nói không rõ và nói lắp bắp, ngập ngừng, thì người ta sẽ không muốn nghe quý vị nói. Âm thanh của Đức Phật trong như pha lê, như tiếng gầm của sư tử. Bất luận chúng hội có đông bao nhiêu người, họ đều nghe được pháp âm của Đức Phật, và họ đều hiểu được nghĩa lý. Chẳng có một ai không hiểu được. Không những loài người hiểu được, mà các loài thú cũng hiểu ra những gì Đức Phật nói. Nên có câu:

Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp

Chúng sinh tuỳ loại các đắc giải.

Kinh văn:

佛問比丘我初稱解。如來印我名阿若多妙音密圓。我於音聲得阿羅漢。

Phật vấn tỷ-khưu. Ngã sơ xưng giải, Như Lai ấn ngã A-nhã-đa. Diệu âm mật viên, ngã ư âm thanh đắc A-la-hán.

Việt dịch:

Phật hỏi trong hàng tỷ-khưu chúng con (về viên thông). Con là người đầu tiên giải ngộ, nên Như Lai ấn chứng cho con là A-nhã-đa. Tính vi diệu của âm thanh vốn là nhiệm mầu và viên mãn, con nhờ âm thanh mà chứng được A-la-hán.

Giảng giải:

Phật hỏi trong hàng tỷ-khưu chúng con. Nay Đức Phật hỏi trong hàng tỷ-khưu chúng con bằng cách nào mà chứng được viên thông. Con là người đầu tiên giải ngộ, nên Như Lai ấn chứng cho con là A-nhã-đa.[xvi] Con là người đầu tiên ngộ đạo và giải thoát. Tính vi diệu của âm thanh vốn là nhiệm mầu và viên mãn. Con nghe âm thanh vi diệu của Phật, âm thanh ấy khế hợp với bản tâm của con. Nó vốn vi mật và viên mãn, hoàn toàn tương ứng, viên dung tâm tánh của con. Con nhờ âm thanh mà chứng được A-la-hán. Con tu tập qua phương tiện âm thanh và chứng được A-la-hán.

Quán Thế Âm Bồ-tát tu tập viên thông ở nhĩ căn, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát chọn nhĩ căn là tốt nhất để A-nan tu tập viên thông. Ngài Văn-thù-sư-lợi nói rằng tu tập viên thông ở nhĩ căn là pháp môn thù thắng nhất.

Kinh văn:

佛問圓通,如我所證,音聲為上 。

Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng âm thanh vi thượng.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, theo sở chứng của con, âm thanh là hơn cả.

Giảng giải:

Đức Phật hỏi về viên thông,

Đức Phật hỏi trong 18 giới, giới nào mà nhờ đó, tu tập để chứng được viên thông. Theo sở chứng của con, âm thanh là hơn cả. Sự chứng ngộ của con là nhờ vào âm thanh. Chính nhờ vào phương tiện ấy mà con chứng được A-la-hán. Thế nên con nghĩ rằng âm thanh là quan trọng nhất. đó là phương pháp thù thắng để tu tập viên thông.

---o0o---

VIÊN THÔNG SẮC TRẦN

Ưu-bà-ni sa-đà

Kinh văn:

優波尼沙陀即從座起。頂禮佛足而白佛言。我亦觀佛最初成道。觀不淨相生大厭離。悟諸色性以從不淨。白骨微塵歸於虛空。空色二無。成無學道。

Ưu-bà-ni sa-đà tức tòng toà đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã diệc quán Phật tối sơ thành đạo. Quán bất tịnh tướng sinh yểm ly. Ngộ chư sắc tánh dĩ tòng bất tịnh. Bạch cốt vi trần quy ư hư không. Không sắc nhị vô. Thành vô học đạo.

Việt dịch:

Ưu-ba-ni-sa-đà (Upaniṣad) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng: “Con cũng được gặp Phật lúc mới thành đạo. Con quán tướng bất tịnh, sanh lòng nhàm chán, ngộ thể tánh của sắc, từ tướng bất tịnh, đến tướng xương trắng, tướng vi trần, đều quy về hư không. Thấy cả cái không và cái sắc đều là không, nên thành bậc vô học. ”

Giảng giải:

Ưu-ba-ni-sa-đà (Upaniṣad) có nghĩa là ‘sắc tánh không色性空’. Ông luôn luôn bị quấy rầy bởi ham muốn tình dục mạnh mẽ. Do đó, Đức Phật dạy ông tu tập pháp quán bất tịnh. Việc nầy giúp cho ông quán sát được thân thể mình cũng như của người khác đều là bất tịnh. Pháp thực hành chính gọi là cửu tưởng quán. [xvii]

1. Trướng tưởng: Sau khi chết, tử thi bắt đầu phồng lên.

2. Thanh ứ tưởng: Sau khi phồng lên, thây chết vỡ ra ở những vùng bị thâm tím.

3. Hoại tưởng: Sau khi thây chết ngã màu xanh, nó bắt đầu vỡ ra.

4. Huyết đồ tưởng: Khi thân thể tan hoại, máu và các thứ dịch chảy ra.

5. Nùng lạn tưởng: Mủ bắt đầu rỉ ra ngoài thân và bắt đầu mục nát.

6. Trùng đạm tưởng: Mủ vỡ ra, thân rã mục, côn trùng đục khoét phần còn lại.

7. Phân tán tưởng: Thị bắt đầu tiêu tan mất.

8. Bạch cốt tưởng: Khi thịt đã tiêu sạch, chỉ còn xương trắng.

9. Thiêu tưởng: Toàn thân bị thiêu và chỉ còn tro. Tro bay vào hư không và trở thành cát bụi, cuối cùng chẳng còn gì.

Ưu-ba-ni-sa-đà rất thăm đắm sắc dục, ông ta để ý mọi người phụ nữ mà ông đã gặp và để ý đến sắc đẹp của họ, người nấy đẹp như thế nào, đặc điểm của họ là gì, và họ hấp dẫn ở điểm nào. Ông ta để hết mọi tâm lực vào việc nầy.

Sau khi ông gặp Đức Phật, Đức Phật dạy ông quán tưởng về chín thứ bất tịnh nầy.

Ưu-ba-ni-sa-đà (Upaniṣad) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng: “Con cũng được gặp Phật lúc mới thành đạo. Con quán tướng bất tịnh, sanh lòng nhàm chán.

Con cũng vậy, gặp được Đức Phật ngay saukhi thành đạo, Thế tôn dạy cho con pháp cửu tưởng quán, quán tưởng về chín pháp bất tịnh. Từ đó con nhận ra bất luận con người nào, khi còn sống, dù có đẹp đến đâu, đến mức quý vị càng nghĩ rằng cô ta đẹp, càng khiến cho cô ta càng hấp dẫn; Tuy nhiên, khi cô ta chết đi, xác của cô ta sẽ trương phồng lên ghê tởm như bầt kỳ xác chết nào khác. Xác ấy sẽ trở nên thâm tím, thịt da rữa ra. Liệu quý vị có còn yêu cô ta nữa không? Rồi máu mủ từ trong xác sẽ rỉ ra, xác chết bắt đầu thối rữa. Chó rất thích xác chết trong giai đoạn nầy, nhưng con người thì lại tránh xa. Chỉ nghĩ đến thôi là muốn nôn mửa ra rồi! Chẳng thể nào hôn cô ta trong lúc nầy được nữa. Rồi trùng từ trong xác sinh ra, loài lớn có loài nhỏ có. Ruồi nhặng bay đền từng đàn. Chúng đến bên xác và lúc nầy thì quý vị không còn thấy ghen tương gì nữa. Thịt tan rữa ra và chỉ còn xương. Lúc ấy được thiêu cháy và chẳng còn lại thứ gì. Nói cho tôi biết, người đẹp ấy di đâu mất? Qua pháp quán nầy, con thấy chán tất cả mọi thứ sắc. Ngộ thể tánh của sắc, từ tướng bất tịnh. Ưu-ba-ni-sa-đà nhận ra rằng dù con người có đẹp đẽ đến đâu, căn nguyên của nó cũng là bất tịnh. Tinh cha huyết mẹ là cội nguốn bất tịnh của thân người.

Tướng vi trần, đều quy về hư không. Thấy cả cái không và cái sắc đều là không, nên thành bậc vô học, đó là quả vị thứ tư của hành A-la-hán.

Kinh văn:

如來印我名尼沙陀。塵色既盡妙色密圓。我從色相得阿羅漢。佛問圓通如我所證色因為上

Như Lai ấn ngã danh Ni-sa-đà. Trần sắc ký tận, diệu sắc mật viên. Ngã tòng sắc tướng đắc A-la-hán. Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng sắc nhân vi thượng.

Việt dịch:

Như Lai ấn chứng cho con tên là Ni-sa-đà. Sắc của trần cảnh đã tận diệt, thì thể của sắc tinh diệu được viên mãn. Con do (quán tưởng) sắc tướng mà chứng đắc A-la-hán. Nay Đức Phật hỏi về pháp tu viên thông, như sở chứng của con, thì sắc trần là hơn cả.

Giảng giải:

Như Lai ấn chứng cho con tên là Ni-sa-đà. Đức Phật ấn chứng cho con, đặt cho con tên gọi là Upaniṣad, có nghĩa là ‘sắc tánh không;色性空’. Con quán sát sắc trần, thấy thể tánh của nó là không, nagy đó nó liền tiêu mất, từ đó con thoát khỏi mọi đắm chấp vào sắc. Sắc của trần cảnh đã tận diệt. Do sắc trần bất tịnh của con không còn nữa, nên thể của sắc tinh diệu được viên mãn. Trong thể tính chân không, nó chuyển hoá thành thể tính vi diệu viên mãn.

Con do (quán tưởng) sắc tướng mà chứng đắc A-la-hán. Con được ngộ đạo, vốn con là kẻ rất ham mê sắc dục, nhưng con đã vượt qua được điều ấy.

Nay Đức Phật hỏi về pháp tu viên thông, như sở chứng của con, thì sắc trần là hơn cả. Con nhờ quán tưởng về sắc trần mà chứng được đạo quả.

---o0o---

VIÊN THÔNG HƯƠNG TRẦN

Hương Nghiêm đồng tử

Kinh văn:

香嚴童子即從座起。頂禮佛足而白佛言。我聞如來教我諦觀諸有為相。

Hương Nghiêm đồng tử tức tòng toà khởi. Đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã văn Như Lai giáo ngã đế quán chư hữu vi tướng.

Việt dịch:

Hương Nghiêm đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nghe Như Lai dạy con quán sát thật kỹ về tường hữu vi.”

Giảng giải:

Hương Nghiêm đồng tử, Hương Nghiêm là trang nghiêm bởi hương trầm. Đồng tử không có nghĩa là đứa trẻ–là người quả nhỏ không biết điều gì cả. Đồng tử ở đây có nghĩa là vào đạo khi còn là một thiếu niên. Là người xuất gia khi còn nhỏ, chưa lập gia đình. Sau khi Ưu-ba-ni-sa-đà giải thích xong về nhân duyên ngộ đạo của mình, đến phiên Hương Nghiêm đồng tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con nghe Như Lai dạy con quán sát thật kỹ về các hiện tượng hữu vi. Đức Phật dạy con rằng hãy quán sát các hiện tượng hữu vi thật tường tận chi tiết.”

Kinh văn:

我時辭佛宴晦清齋。見諸比丘燒沈水香。香氣寂然來入鼻中。我觀此氣非木非空非煙非火。去無所著來無所從。由是意銷,發明無漏。

Ngã thời từ Phật yến hối thanh trai. Kiến chư tỷ-khưu thiêu trầm thuỷ hương. Hương khí tịch nhiên lai nhập tị trung. Ngã quán thử khí phi mộc phi không, phi yên phi hoả. Khứ vô sở trước lai vô sở tùng. Do thị ý tiêu, phát minh vô lậu.

Việt dịch:

Khi con từ giã Phật, về ngồi yên tĩnh trong liêu vắng. Thấy các tỷ-khưu đốt hương trầm, mùi hương lặng lẽ xông vào mũi con. Con quán sát hương nầy, vốn chẳng phải là cây, chẳng phải là hư không, chẳng phải là khói, chẳng phải là lửa. Đến chẳng dính mắc vào đâu, đi cũng chẳng do đâu. Do đó mà mọi ý niệm (phân biệt) đều được tiêu sạch, và con đạt được vô lậu.

Giảng giải:

Khi con từ giã Phật, về ngồi yên tĩnh trong liêu vắng. Đức Phật dạy con quán sát các hiện tượng hữu vi, con liền đi tìm chỗ để ngồi công phu. Thanh trai là nơi mọi người đều ăn chay và cảnh trí rất thanh tịnh. Hương Nghiêm đồng tử dùng ý nầy để xưng tán Đức Phật. “Khi con ngồi nơi tĩnh lặng để công phu quán chiếu, Thấy các tỷ-khưu đốt hương trầm thuỷ.” “Hương trầm thuỷ” tiếng Sanskrit là agaru. Loại hương trầm nầy chìm xuống khi thả vào nước nên có tên gọi như vậy.

Con quán sát hương nầy, vốn chẳng phải là cây, chẳng phải là hư không. Con quán sát căn nguyên của mùi hương nầy, nó vốn chẳng phải là từ cây gỗ. Nếu nó chỉ do từ gỗ, thì chẳng cần phải đốt lên nó mới có mùi hương. Nếu nó có do từ hư không, thì mùi hương phải luôn luôn có, nhưng phải nhờ đốt lên mới có hương; trước khi đốt lên, thì mùi hương không hiện hữu. Mùi hương ấy chẳng phải là khói, hương cũng chẳng đến từ khói, cũng chẳng phải là lửa. Đến chẳng dính mắc vào đâu, đi cũng chẳng do đâu. Do đó mà mọi ý niệm (phân biệt) đều được tiêu sạch, và con đạt được vô lậu.

Nhờ con quán chiếu theo phương pháp nầy, mà tâm phân biệt và sinh diệt của con tiêu mất. Con chứng được quả vô lậu.

Kinh văn:

如來印我得香嚴號。塵氣倏滅妙香密圓。我從香嚴得阿羅漢。佛問圓通如我所證香嚴為上 .

Như Lai ấn ngã đắc Hương Nghiêm hiệu. Trần khí thúc diệt, diêụ hương mật viên. Ngã tùng hương nghiêm đắc A-la-hán. Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng hương nghiêm vi thượng.

Việt dịch:

Như Lai ấn chứng cho con tên Hương Nghiêm. Tướng của hương trần bỗng tiêu tan, thể tính của hương là vi mật và viên mãn. Con từ hương nghiêm mà chứng được A-la-hán. Nay Đức Phật hỏi về pháp tu viên thông, như sở chứng của con, thì hương trần là hơn cả.

Giảng giải:

Như Lai đã ấn chứng cho con, đặt tên con là Hương Nghiêm. Hương trần bỗng dưng tiêu mất, và thể tính của hương là vi diệu ẩn mật và viên mãn. Nhờ mùi hương mà con chứng được quả A-la-hán.

Nay Đức Phật hỏi về pháp tu viên thông. Đức Phật muốn biết căn nào là viên thông. Như sở chứng của con, thì hương trần là hơn cả.

---o0o---

VIÊN THÔNG VỊ TRẦN

Dược Vương, Dược Thượng Bồ-tát

Kinh văn:

藥王藥上二法王子。并在會中五百梵天即 從座起。頂禮佛足而白佛言。我無始劫為世良醫。口中嘗此娑婆世界草木金石。名數凡有十萬八千。如是悉知苦醋鹹淡甘辛等味, 并諸和合俱生變異。是冷是熱有毒無毒悉能遍知。

Dược Vương, Dược Thượng nhị pháp vương tử, tịnh tại hội trung ngũ bá Phạm thiên tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc, nhi bạch Phật ngôn. “Ngã vô thuỷ kiếp vị thế lương y, khẩu trung thường thử ta-bà thế giới thảo mộc kim thạch, danh số phàm hữu thập vạn bát thiên. Như thị tất tri khổ thố hàm đạm, cam tân đẳng vị, tịnh chư hoà hợp câu sanh biến dị. Thị lãnh thị nhiệt, hữu độc vô độc, tất năng biến tri.”

Việt dịch:

Hai vị Pháp vương tử Dược vương, Dược thượng cùng với năm trăm vị Phạm thiên trong chúng hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Từ vô thuỷ kiếp đến nay, chúng con làm lương y trong thế gian, miệng thường nếm các thứ cỏ cây, đá, kim loại trong cõi giới ta-bà nầy, số mục có đến tám vạn bốn ngàn thứ. Chúng con biết hết các vị đắng, chua, mặn, nhạt, ngọt, cay..., cùng sự hoà hợp và biến đổi từ các vị ấy sinh ra. Thứ nào là lạnh, thứ nào tính nóng, thứ nào độc, thứ nào không độc, chúng con đều biết rõ.”

Giảng giải:

Hương Nghiêm đồng tử ngộ đạo là do quán sát hương trần. Ưu-ba-ni-sa-đà ngộ đạo là nhờ quán sát sắc trần. Kiều-trần-na ngộ đạo là do quán sát thanh trần. Hai vị Bồ-tát Dược vương, Dược thượng ngộ đạo là nhờ quán sát vị trần.

Hai vị Bồ-tát Dược vương, Dược thượng là hai anh em. Trong thời quá khứ, Bồ-tát Dược vương có phát lời nguyện sẽ làm vị lương y cho thế gian, thế nên ai đến gặp ngài đều được chữa lành bệnh, bất luận họ bị bệnh nặng đến mức nào. Ngài phát lời nguyện này vào thời Đức Phật Lưu ly quang Như Lai. Có tỷ-khưu Nhật Tạng giảng nói diệu pháp, trong pháp hội có vị trưởng giả tên là Tinh tú quang, nghe pháp sanh lòng vui mừng, nên đã cùng với người em của mình phát nguyện như vậy trước tỷ-khưu Nhật Tạng.[xviii]

Ở Trung Hoa, có Vua Thần Nông (Emperor Shen Neng) cũng nếm được 100 loại thảo mộc và phát minh ra cách trị bệnh bằng dược thảo. Dạ dày của ông giốngn như tấm gương, có thể thấy được thức ăn là độc hay hiền. Nhưng không may, dân Trung Hoa ngày nay hoàn toàn không hiểu được những tinh tuý từ lịch sử như thế nầy, họ cho rằng đó chỉ là những truyền thuyết. Thực ra, đây là những sự kiện rất bình thường, đều có ghi trong các tài liệu y học của Trung Hoa. Nhưng sinh viên Trung Hoa thời hiện đại không đọc những sách cổ, thế nên họ không hiểu được những chuyện nầy. Chính tôi đã đọc được chuyện nầy, tôi tin rằng Vua Thần Nông là thân tái sinh của Bồ-tát Dược vương, ngài thị hiện ở Trung Hoa để giúp cho nền tảng nghiên cứu y học ở đó.

Hai vị Pháp vương tử Dược vương, Dược thượng cùng với năm trăm vị Phạm thiên trong chúng hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy.

Đức Phật là Pháp vương, nên tên gọi dành cho các vị Bồ-tát là Pháp vương tử.

Hai vị Bồ-tát cùng năm trăm đồ chúng của họ liền từ chỗ ngồi của mình đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Từ vô thuỷ kiếp đến nay, chúng con làm lương y trong thế gian, miệng thường nếm các thứ cỏ cây, đá, kim loại trong cõi giới ta-bà nầy, số mục có đến tám vạn bốn ngàn thứ.”

Vào thời đó, ở Ấn Độ các chất của thuốc được hoà hiệp từ bốn thứ, cỏ, cây, kim loại và đá. Chúng con biết hết các vị đắng, chua, mặn, nhạt, ngọt, cay..., cùng sự hoà hợp và biến đổi từ các vị ấy sinh ra. Chúng con biết rõ vị nào thích hợp vị nào không. Vị nào có thể hoà hiệp để trị một số bệnh, vị nào không thể hoà hiệp, nhưng khác với loại trước, có thể gây chết người nếu khi hoà hiệp chúng lại. Thế nên trong Dược tính bộ (Yao Xing Pu (Treatise on the Nature’ of Medicines) có nói, “Căn bản về thảo mộc, có mười tám loại độc và 19 loại hiền. Ô đầu (烏頭wu dou) tương kị với các thứ Bán hạ (半夏ban xia), Bạch liễm (白蘞bei lian), Qua lâu (瓜 顱guo lou). Cam thảo được trình bày trong Dược tính bộ như là thảo dược có ưu thế hoà hiệp với nhiều thứ thuốc khác, nhưng nếu đem cam thảo dùng chung với Hải tảo (海藻hai zao), Đại kích (大戟da ji), Cam toại (甘遂 gan sui), Nguyên hoa (元花yuan hua) mà cho bệnh nhân dùng thì họ có thể chết. Lê lô (蔾蘆Li lo) và Tế tân (細莘xi xin) dùng chung cũng có thể làm chết người. Nhưng Tế tân dùng riêng thì có thể chữa được bệnh nhức đầu.

Chúng con biết rõ những dược thứ thuốc nầy thích hợp hay nghịch nhau khi chúng hoà hiệp lại, và thứ nào sẽ biến đổi tính chất, hoặc điều gì sẽ xảy ra khi chúng hoà hiệp với những thứ có độc tính, cũng như biết được thứ nào là lạnh, thứ nào tính nóng, thứ nào độc, thứ nào không độc, chúng con đều biết rõ.”

Dược tính của nó có thể là hàn, nhiệt, ôn, bình. Những người tánh hàn thì không thể dùng thuốc có vị hàn, những người có tánh ôn thì không thể nào chịu được thuốc có vị ôn. Hai vị Bồ-tát đều biết rõ tính độc của từng vị thuốc như thế nào trong từng loại dược thảo.

Kinh văn:

承事如來,了知味性非空非有。非即身心非離身心。分別味因,從是開悟。

Thừa sự Như Lai, liễu tri vị tánh phi không phi hữu. Phi tức thân tâm phi ly thân tâm. Phân biệt vị nhân tòng thị khai ngộ.

Việt dịch:

Chúng con (nhờ) thừa sự Như Lai, (mà) rõ biết bản tính của vị trần vốn chẳng phải là không, chẳng phải là có; không phải chính là thân tâm, chẳng phải tách rời thân tâm. Do phân biệt được bản nhân của vị trần mà được khai ngộ.

Giảng giải:

Chúng con (nhờ) thừa sự Như Lai. Chúng con đã quy y và phụng thờ chư Phật. Nhờ đó (mà) rõ biết bản tính của vị trần vốn chẳng phải là không, chẳng phải là có. Vị trần chẳng đến từ hư không, chẳng phải vốn có. Vị trần không phải chính là thân tâm, chẳng phải tách rời thân tâm. Bản tánh của vị trần chẳng phát sinh từ cái lưỡi nếm mùi vị; chẳng phải tánh của vị trần có được bên ngoài việc nếm mùi vị của cái lưỡi.

Do phân biệt được bản nhân của vị trần mà được khai ngộ.

Chúng con quán chiếu tường tận căn nguyên bản tính của mùi vị và nhờ đó mà được giác ngộ. Khi chúng con phát huy tính phân biệt đến tột đỉnh–tới mức không còn phân biệt được nữa– thì trở nên chứng ngộ. Chúng con nhận ra rằng căn nguyên của mùi vị vốn chẳng phải là mùi vị.

Kinh văn:

蒙佛如來印我昆季。藥王藥上二菩薩名。今於會中為法王子。因味覺明位登菩薩。

Mông Phật Như Lai ấn ngã côn quý, Dược Vương Dược Thượng Bồ-tát danh. Kim ư hội trung vi Pháp vương tử. Nhân vị giác minh vị đăng Bồ-tát.

Việt dịch:

Nhờ Phật ấn chứng cho anh em chúng con tên gọi là Dược Vương Dược Thượng Bồ-tát. Nay trong chúng hội, chúng con là pháp vương tử. Nhờ vị trần mà được chứng ngộ trong hàng Bồ-tát .

Giảng giải:

Nhờ Phật ấn chứng cho anh em chúng con tên gọi là Dược Vương Dược Thượng Bồ-tát. Đức Phật ban cho hàng Bồ-tát chúng con hai tên gọi như vậy. Nay trong chúng hội, chúng con là pháp vương tử. Nhờ vị trần mà được chứng ngộ trong hàng Bồ-tát. Chúng con nếm các vị trần cho đến khi được chứng ngộ đến giai vị Bồ-tát.

Kinh văn:

佛問圓通,如我所證,味因為上 。

Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng, vị nhân vi thượng.

Việt dịch:

Nay Đức Phật hỏi về viên thông. Như chỗ chứng ngộ của chúng con, căn nguyên từ vị trần là hơn cả.

Giảng giải:

Vị trần là phương pháp tu tập viên thông thù thắng nhất. Mùi vị là điều cần nhất cho chuyện ăn uống. Nó có thể là ngon nhất và cũng có thể là dở nhất. Vị dở nhất là vị diệu lạc tối thượng. Nhưng chính quý vị phải tự mình nếm được và nhận ra nó có ngon hay không.

---o0o---

VIÊN THÔNG XÚC TRẦN

Bạt-đà-bà-la

Kinh văn:

跋陀婆羅并其同伴。十六開士即從座起。頂禮佛足而白佛言。

Bạt-đà-bà-la tịnh kỳ đồng bạn thập lục khai sĩ tức tòng toà khởi. Đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn.

Việt dịch:

Bạt-đà-bà-la cùng đồng bạn là mười sáu vị khai sĩ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng.

Giảng giải:

Bhadrapāla[xix] là tiếng Sanskrit, Hán dịch là Hiền thủ còn dịch là Hiền đức. Khi Bhadrapāla mới xuất gia tu đạo, ông ta rất ngã mạn. Khi đó có một vị Bồ-tát tên là Thường Bất Khinh, thường tu tập hạnh kính trọng mọi người. Bất kì khi gặp ai, Bồ-tát nầy cũng thường chắp tay cung kính nói với họ rằng, “Tôi không dám khinh quý ngài, vì trong tương lai các ngài sẽ thành Phật.” Khi Bồ-tát Thường Bất Khinh làm điều nầy đối trước Bhadrapāla, ôgn ta liền mắng Bồ-tátThường Bất Khinh rằng, “Ông thực là kẻ khờ dại! Sao ông lại làm cái dở hơi? Ông thực là ngớ ngẩn!” Sau lần đó, Bhadrapāla thậm chí còn xúi giục người khác đánh đập Bồ-tát. Khi Bồ-tát cúi lạy những người nầy, họ còn đá vào ngài khi ngài cúi xuống lạy họ. Có khi họ véo mũi ngài, có khi họ đánh ngài đến gãy răng. Do tính ngã mạn nầy mà Bhadrapāla bị đoạ vào địa ngục. Ông ta phải chịu ở đó một thời gian dài trước khi được làm người.

Bạt-đà-bà-la cùng đồng bạn là mười sáu vị khai sĩ–tức chỉ cho các vị Bồ-tát–liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng.

Kinh văn:

我等先於威音王佛,聞法出家。於浴僧時。隨例入室忽悟水因。既不洗塵亦不洗體。中間安然得無所有宿習無忘

Ngã đẳng tiên ư Oai-âm-vương Phật, văn pháp xuất gia. Ư dục tăng thời, tuỳ lệ nhập thất, hốt ngộ thuỷ nhân. Ký bất tẩy trần diệc bất tẩy thể. Trung gian an nhiên, đắc vô sở hữu.

Việt dịch:

Chúng con ban đầu nghe pháp từ Đức Phật Oai âm vương mà xuất gia. Trong khi chư tăng đang tắm, theo thứ tự đi vào phòng tắm, bỗng nhiện ngộ ra bản tính của nước. Vốn nó không tẩy được bụi, cũng chẳng tẩy được mình. Ở giữa hai điều ấy, con được rỗng rang tịch lặng, con nhận ra cái không có gì.

Giảng giải:

Chúng con ban đầu nghe pháp từ Đức Phật Oai âm vương mà xuất gia.

Đức Phật Oai âm vương[xx] là vị Phật đầu tiên trong chư Phật. Nay nếu có người hỏi quý vị rằng vị Phật đầu tiên là ai, quý vị có thể trả lời chính xác cho họ rồi. Bhadrapāla xuất gia từ thời Đức Phật Oai âm vương. Có lần trong khi chư tăng đang tắm, con theo thứ tự đi vào phòng. Chư tăng vào thời ấy, theo lệ, cứ nữa tháng tắm một lần. Bỗng nhiên con ngộ ra bản tính của nước. Vốn nó không tẩy được bụi, cũng chẳng tẩy được mình. Nhờ quán sát từ nước mà Bhadrapāla được giác ngộ. Ông ta ngộ ra đối tượng của sự xúc chạm.

Ở giữa hai điều ấy, con được rỗng rang tịch lặng. Có nghĩa là không có đối tượng của xúc chạm.

Kinh văn:

宿習無忘乃至今時從佛出家今得無學。彼佛名我跋陀婆羅。妙觸宣明成佛子住。

Túc tập vô vong, nãi chí kim thời tòng Phật xuất gia kim đắc vô học. Bỉ Phật danh ngã Bạt-đà-bà-la. Diệu xúc tuyên minh, thành Phật tử trụ.

Việt dịch:

Đến nay con vẫn chưa quên điều sở chứng trong quá khứ, đến khi theo Phật xuất gia, con được quả vị vô học. Đức Phật ấy gọi con là Bạt-đà-bà-la. Do phát minh diệu tính của xúc trần, nên thành bậc Phật tử trụ.

Giảng giải:

“Đến nay con vẫn chưa quên điều sở chứng trong quá khứ. Con chưa quên những gì con nhận biết về bản tính của nước khi con vào phòng tắm lúc ấy.” Dù Bạt-đà-bà-la bị đoạ vào địa ngục sau đó, nhưng ông ta vẫn không quên những điều ông đã chứng ngộ được.Từ thời Đức Phật Oai âm vương, cho đến khi Bạt-đà-bà-la trình bày những điều nầy trong hội chúng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một khoảng thời gian không thể tính đếm được. Bồ-tát Thường Bất Khinh chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong một kiếp trước. Và Bạt-đà-bà-la, trong chúng hội của Đức Phật Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngày nay, chính là người trong kiếp trước đã cho người mắng nhiếc đánh đập Bồ-tát Thường Bất Khinh. Bạt-đà-bà-la chính là vị tăng rất ngạo mạn và đầy tự cao nên đã đoạ vào địa ngục.

Đến khi theo Phật xuất gia, con được quả vị vô học. Bạt-đà-bà-la nói rằng: “Nay con xuất gia và đã thành tựu được quả vị vô học. Đức Phật kia đã ấn chứng cho con và đặt tên con là Bạt-đà-bà-la. Do phát minh diệu tính của xúc trần, nên thành bậc Phật tử trụ. Đối tượng của xúc trần không còn, nhưng diệu tính của xúc trần hiển lộ.” Khi Bạt-đà-bà-la nói rằng mình là ‘Phật tử’ có nghĩa là là ông đã chứng được giai vị Bồ-tát.

Kinh văn:

佛問圓通,如我所證,觸因為上 .

Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng, xúc nhân vi thượng.
Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, theo sở chứng của con, do xúc trần là hơn cả.

Giảng giải:

Đức Phật hỏi về viên thông, theo sở chứng của con, do xúc trần–đối tượng của xúc trần–là hơn cả.

---o0o---

VIÊN THÔNG PHÁP TRẦN

Ma-ha Ca-diếp

Kinh văn:

摩訶迦葉及紫金光比丘尼等,即從座起。頂禮佛足而白佛言。

Ma-ha Ca-diếp cập Tử Kim Quang tỷ-khưu ni đẳng tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn.

Việt dịch:

Ma-ha Ca-diếp cùng tỷ-khưu ni Tử Kim Quang cùng những người khác liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng:

Giảng giải:

Ma-ha Ca-diếp; Ma-ha (s: mahā) là lớn; Ca-diếp (s: Kaśyapa) là tên. Do thời ấy nhiều người có họ Kaśyapa nên chữ mahā–đại được thêm vào để gọi tên ngài. Kaśyapa dịch theo tiếng Hán có nghĩa là Đại quy thị–大龜氏. Tổ tiên của ngài là loài rùa khổng lồ với những đồ hình trên lưng, và có tên gọi ấy do sự kiện trên. Mahā-kaśyapa còn được địch là Đại ẩm quang 大飲光. Ánh sáng trên thân ngài như thể nuốt trọn hết mọi thứ ánh sáng khác, vì các thứ ánh sáng ấy biến mất vào trong ánh sáng của thân ngài

Tên của ngài là Pippala,[xxi] là tên của một loại cây. Cha mẹ ngài hiếm muộn con, nên họ đến cầu đảo ở thần cây Pippala; kết quả là họ có được người con, họ lấy tên cây đặt tên cho con mình. Ma-ha Ca-diếp vốn là ngoại đạo thờ lửa. Ông tu tập công phu ngửi mùi khói. Có rất nhiều loại ngoại đạo ở Ấn Độ, ngoại đạo thờ nước, ngoại đạo thờ lửa, ngoại đạo thờ đất. Ngoại đạo thờ đất tu theo lối chuyên vùi mình trong đất, nếu còn sống sót sau một số ngày nhất định nào đó, thì sẽ được thành thần. Những ngoại đạo nầy thật là mê lầm.

Tỷ-khưu ni Tử Kim Quang là vợ của Ma-ha Ca-diếp. Vào thời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, Ma-ha Ca-diếp 120 tuổi và vợ ông có lẽ phải gần 100 tuổi. Từ kiếp lâu xa, vào thời Đức Phật Ca-diếp, bà thấy một tượng Phật bị mòn vẹt bởi gió mưa, đến mức chẳng còn chút sắc vàng nào trên thân Phật. Bà ta phát tâm sửa lại ngôi chùa, nhưng không có đủ tiền. Nhưng bà ta cũng hy vọng mạ vàng tựơng Phật, nhưng việc ấy đòi hỏi chi phí rất nhiều. Tuy nhiên, ở đâu có tâm nguyện, ở đó liền có con đường mở ra, tâm nguyện của người phụ nữ nầy rất mạnh và chân thực. Cô ta đi khắp nơi để quyên góp tiền bạc, sau một thời gian dài, cô ta quyên được số tiền tương đương 100.000 dollars Mỹ. Cô ta nhờ thợ kim hoàn mạ vàng tượng Phật. Người thợ kim hoàn cảm động bởi quyết định tu sửa tượng Phật dù cô ta rất nghèo, nên anh ta chỉ làm công với một nửa chi phí. Thế nên hai người ấy chia nhau công đức việc nầy. Chẳng bao lâu ngôi chùa được tu sửa xong, không còn bị dột nữa, tượng Phật đã được mạ vàng. Từ đó về sau, thân thể người phụ nữ phát ra ánh sáng màu tím. Còn người thợ kim hoàn, chính là Ma-ha Ca-diếp, sau khi hoàn thành việc mạ vàng tượng Phật, đã có một chuyện rất kỳ lạ diễn ra giữa ông và người phụ nữ. “Tâm của cô rất tốt.” Ông nói với cô ta, “Tôi sẽ cưới cô làm vợ, ta sẽ thành vợ chồng. Không phải chỉ trong đời nầy, mà trong muôn vàn đời sau, chúng ta sẽ là vợ chồng của nhau.” Đó là lý do tôi đoán chừng Ma-ha Ca-diếp 120 tuổi, và vợ ít nhất là 100 tuổi. Dù vậy, họ vẫn rất mạnh khỏe và tinh cần tu tập. Người vợ của Ma-ha Ca-diếp cũng siêng năng tu tập và chứng được đạo quả.

Cùng những người khác–trong quyến thuộc– liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng:






[i] . Bản Taishō chép 覽 , có lẽ nhầm. Bản của VPTT chép 攬.




[ii] . Bản Taishō chép 机 (giản thể của 機 cơ, ki), có lẽ nhầm. Bản của VPTT chép 几 ,(Cái) bàn nhỏ, ghế, kỉ: 茶 几 (trà kỉ) Bàn uống trà, kỉ trà;




[iii] . : Suyāma. Tầng trời thứ 3 trong 6 tầng trời thuộc Dục giới

Dạ-ma thiên (夜 摩; s: yāmadeva) còn gọi là Tu-dạ-ma thiên (須 夜 摩 天; s: suyāmadeva); Cựu dịch Diệm thiên 燄天. Dịch nghĩa là Thời phân 時分, Thiện phân 善分, do giỏi phân chia thời gian để hưởng thọ thú vui ngũ dục nên có tên như vậy.




[iv] . S: karpāsa; p: kappāsa. E: layered flowers. Một loại cây bông vải được trồng ở xứ Decan, Đông Châu Á, Ấn Độ Trung Hoa, Hi lap. Bông dùng để dệt vải, may áo.




[v] . Bản Anh ngữ ghi: Chuyển tướng (appearances of turning).




[vi] . Bản Anh ngữ ghi: Hiện tướng (appearances of manifestation).

Trong cả hai trường hợp nầy, chúng tôi dịch theo bản tiếng Hán




[vii] . Nguyên văn Hán: Nhất niệm bất giác sinh tam tế. 一念不覺生三細.




[viii] . Nguyên văn Hán: Cảnh giới vi duyên trưởng lục thô. 境界為緣長六粗.




[ix] . Kinh Thủ-lăng-nghiêm quyển 3.

...阿難, 即彼目精, 瞪 發勞者。兼目與勞, 同是菩提。A-nan, tức bỉ mục tinh, trừng phát lao giả. Kiêm mục dữ lao, đồng thị bồ đề.

Và ... 瞪發勞相, 因于明暗 二種妄塵, 發見居中。吸此塵象名為見性。

Trừng phát lao tướng, nhân vu minh ám nhị chủng vọng trần, phát kiến cư trung, hấp thử trần tượng, danh vi kiến tánh.




[x] . Dịch sát theo bản tiếng Anh: The Thus Come One completely knows and sees all the thoughts in the minds of all living beings.

Theo Kinh Kim Cang: Nhĩ sở quốc độ trung, sở hữu chúng sinh, nhược can chủng tâm, Như Lai tất tri.

[0751b13] ... 所國土中,所有眾生若干種心,如來悉知。




[xi] . S: samadhi




[xii] . Đây là sơ chuyển, lần thứ nhất, còn gọi là thị chuyển.




[xiii] . Khuyến chuyển.




[xiv] . Chứng chuyển.




[xv] . Kinh Thủ-lăng-nghiêm, quyển 3.




[xvi] . S: Ajnata


[xvii] . Tên gọi và sắp xếp thứ tự các mục có khác so với trong Từ điển Bách khoa Phật học Toàn thư:

1. Trướng tưởng 脹想 (s: vyādhmātaka saṃjñā) 2. Hoại tưởng 壞想 (s: vikhāditaka saṃjñā) 3. Huyết đồ mạn tưởng 血塗漫想 (s: vilohitaka saṃjñā) 4. Nùng lạn tưởng 膿爛想 (s: vibhūtika saṃjñā) 5. Thanh ứ tưởng 青瘀想(s: vinīlaka saṃjñā), 6. Đạm tưởng 啖想 (s: vipadumaka saṃjñā), 7. Tán tưởng 散想(s: viksiptaka saṃjñā), 8. Cốt tưởng 骨想, 9. Thiêu tưởng 燒想(s: vidaghaka saṃjñā).




[xviii] . (s: Bhaiṣajya-rāja )Theo Kinh Quán Dược vương, Dược thượng nhị Bồ-tát. Vào thời Đức Phật Lưu ly quang Chiếu Như Lai, cõi nước Huyền Thắng Phan. Tỷ-khưu Nhật Tạng diễn nói pháp Đại thừa Vô thượng Bình đẳng Đại Huệ của Như Lai. Có Trưởng giả Tinh tú quang nghe pháp sanh tâm hoan hỷ, phát nguyện cúng dường thuốc hay cho tỷ-khưu Nhật Tạng và đại chúng, và nguyện giúp chúng sinh trừ bệnh khổ, hướng đến Vô thượng bồ-đề. Em của Trưởng giả Tinh tú quang là Diễn Quang Minh, cũng phát tâm như vậy. Hai vị nầy tu tập phạm hạnh dài lâu, các nguyện đã viên mãn, Trưởng giả Tinh tú quang chính là Dược Vương Bồ-tát, sẽ thành Phật vào đời vị lai, hiệu là Tịnh Nhãn Như Lai (Vimala-netra ), Diễn Quang Minh chính là Dược Thượng Bồ-tát, sẽ thành Phật vào đời vị lai, hiệu là Tịnh Tạng Như Lai (Vimala-garbha).

Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự cũng có ghi chuyện nầy, chi tiết có khác đôi chút.




[xix] . Còn gọi Hiền Hộ 賢護. Còn Phiên âm là Bạt-đà-la-ba-lê 跋陀羅波梨. Pháp Hoa văn cú nói rằng Bạt-đà-bà-la 跋陀婆羅 Bồ-tát. Hán dịch là Thiện Thủ 善守. Còn gọi Hiền Thủ 賢守. Kinh Tư Ích nói rằng: Nếu có chúng sinh nghe danh hiệu ngài, liền được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nên gọi là Thiện Thủ 善守.




[xx] . E: King of Awesome Sound Buddha. S: Bhīṣma-garjitasvara-rāja




[xxi] . Tất-bát-la.

No comments:

Post a Comment