Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (35)



Kinh văn:

我於往劫於此界中。有佛出世名日月燈。我得親近聞法修學。佛滅度後供養舍利然燈續明。以紫光金塗佛形像。自爾已來世世生生。身常圓滿紫金光聚。此紫金光比丘尼者。即我眷屬同時發心。我觀世間六塵變壞。

Ngã ư vãng kiếp ư thử thế trung, hữu Phật xuất thế danh Nhật Nguyệt Đăng. Ngã đắc thân cận văn pháp tu học. Phật diệt độ hậu cúng dường xá-lợi, nhiên đăng tục minh. Dĩ tử kim quang đồ Phật hình tượng. Tự nhĩ dĩ lai, thế thế sinh sinh, thân thường viên mãn tử kim quang tụ. Thử Tử kim quang tỷ-khưu ni giả. Tức ngã quyến thuộc đồng thời phát tâm.

Việt dịch:

Con từ kiếp trước, trong cõi nầy, có Đức Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng. Con được thân cận, nghe pháp tu học với ngài. Khi Phật diệt độ, chúng con thắp đèn sáng mãi để cúng dường xá-lợi, lại lấy vàng thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay, đời nầy qua đời khác, thân chúng con đều viên mãn sáng ngời như sắc vàng thắm. Tỷ-khưu ni Tử kim quang đây là quyến thuộc, cùng phát tâm một lần như chúng con.

Giảng giải:

Chúng ta đều phải nhớ một điểm quan trọng: mối quan hệ vợ chồng của hai người nầy từ đời nầy sang đời khác không phải dựa trên tình cảm luyến ái. Đúng hơn, họ kết hôn trong mỗi đời rồi cùng nhau tu tập. Họ cùng tham thiền tập định. Đời nầy sang đời khác, họ tu học theo Phật pháp.

Ma-ha Ca-diếp giải thích: Con từ kiếp trước, trong cõi nầy, có Đức Phật ra đời hiệu là Nhật Nguyệt Đăng. Con được thân cận, nghe pháp tu học với ngài. Vào thời quá khứ lâu xa, có Đức Phật hiệu là Nhật Nguyệt Đăng thị hiện trên đời. Mặt trời chiếu sáng vạn vật ban ngày. Mặt trăng chiếu sáng vạn vật ban đêm. Đèn có thể chiêú sáng cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày biểu tượng cho hiện hữu (cái có), và ban đêm biểu tượng cho cái không. Đó là cả hai mặt hiện tượng và bản thể, bản thể và hiện tượng. Đó cũng chẳng phải là hiện tượng và bản thể, và chẳng phải là hiện tượng, chẳng phải là bản thể. Nghĩa là chẳng vướng mắc vào có hoặc không.

Khi Phật diệt độ, chúng con thắp đèn sáng mãi để cúng dường xá-lợi. Công đức cúng dường xá-lợi Phật tương đương với việc cúng dường chính Đức Phật. Chúng con thắp đèn sáng mãi–để Phật pháp được trường tồn và lan rộng–để cúng dường xá-lợi, lại lấy vàng thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay, đời nầy qua đời khác, thân chúng con đều viên mãn sáng ngời như sắc vàng thắm.

Thân tướng của ngài Ma-ha Ca-diếp rất là hoàn hảo. và tôi chắc rằng người vợ của ông cũng rất đoan nghiêm.

Tỷ-khưu ni Tử kim quang đây là quyến thuộc, cùng phát tâm một lần như chúng con. Điều quan trọng là họ cùng tu tập với nhau. Mối quan hệ của họ không dựa trên tình cảm luyến ái.

Kinh văn:

我觀世間六塵變壞。唯以空寂修於滅盡。身心乃能度百千劫猶如彈指。

Ngã quán thế gian lục trần biến hoại. Duy dĩ không tịch tu ư diệt tận. Thân tâm nãi năng độ bách thiên kiếp do như đàn chỉ.

Việt dịch:

Con quán sát trong thế gian, sáu trần đều biến hoại, chỉ dùng pháp không tịch tu diệt tận định, thân tâm mới có thể trải qua trăm ngàn kiếp như khảy móng tay.

Giảng giải:

Ma-ha Ca-diếp trình bày tiếp tục: “Con quán sát trong thế gian, sáu trần đều biến hoại.” Căn bản, vốn ngài muốn nói về đối tượng của tâm ý, nhưng ở đây ngài đề cập đến sáu trần, vì đối tượng của tâm ý vốn không có hình tướng; chúng chỉ là bóng dáng của 5 giác quan. Nếu 5 giác quan trước đó không tồn tại, thì đối tượng của tâm ý cũng không còn, vì chúng không có tự thể riêng của nó. Sắc thanh hương vị xúc pháp, sáu trần–dời đổi, biến hoại. Chỉ dùng pháp không tịch tu diệt tận định. Chúng chỉ là không tịch. Thể tính của chúng là không. Vốn chẳng có gì cả. Căn cứ vào yếu tính nầy, chúng con tu tập diệt tận định. Có nghĩa là diệt hẳn thức thứ sáu và không còn y cứ vào thức phân biệt nầy nữa.” Đây cũng gọi là diệt thọ tưởng định.

Nay thân tâm mới có thể trải qua trăm ngàn kiếp như khảy móng tay. Tâm của Ma-ha Ca-diếp có thể trải qua một thời gian dài hằng trăm ngàn kiếp như trong một khoảnh khắc ngắn–như khảy móng tay. Nay Ma-ha Ca-diếp thực sự đang nhập định–trong Diệt tận định–trong Kê túc sơn ở tỉnh Vân nam Trung Hoa.

Kinh văn:

我以空法成阿羅漢。世尊說我頭陀為最。妙法開明銷滅諸漏。佛問圓通如我所證,法因為上 .

Ngã dĩ không pháp thành A-la-hán. Thế tôn thuyết ngã đầu-đà vi tối. Diệu pháp khai minh tiêu diệt chư lậu. Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng, pháp nhân vi thượng.

Việt dịch:

Con do quán các pháp là không nên thành A-la-hán. Thế tôn nói con tu hạnh đầu-đà bậc nhất. Khai ngộ được diệu tính của các pháp, thì các lậu hoặc tận diệt. Nay Phật hỏi về pháp tu viên thông, theo điều sở chứng của con, thì do pháp trần là hơn cả.

Giảng giải:

Ma-ha Ca-diếp thưa rằng: “Con do quán các pháp là không nên thành A-la-hán. Thế tôn nói con tu hạnh đầu-đà bậc nhất.” Đầu-đà[i] là tiếng Sanskrit, còn phiên âm là Đẩu-tẩu 抖 擻. Có nghĩa là phát tâm tu hành tinh tấn dõng mãnh, công phu miên mật không nghỉ ngơi. Mười hai hạnh đầu-đà là:

Mặc y chắp vá bằng vải vụn (trước tệ nạp y).

Chỉ có 3 y (dẫn tam y).

Thường đi khất thực (thường hành khất thực ).

Theo thứ tự khất thực từng nhà không kể giàu nghèo (thứ đệ khất thực).

Ngày ăn một bữa (thọ pháp nhất thực).

Không ăn quá nhiều, chỉ vừa đúng lượng (tiết lượng thực).

Sau buổi trưa không dùng nước trái cây (trung hậu bất đắc ẩm tương).

Xa lìa nơi đông đảo, ở nơi yên tĩnh (trụ A-lan-nhã).

Ngủ dưới gốc cây (thọ hạ chỉ).

Ngồi ở chỗ đất trống (lộ địa toạ).

Ở trong nghĩa địa (trủng gian trụ).

Thường ngồi không nằm (đản toạ bất ngoạ).

Khai ngộ được diệu tính của các pháp, thì các lậu hoặc tận diệt. Nay Phật hỏi về pháp tu viên thông. Nay Như Lai hỏi chúng con về nhân duyên của pháp tu viên thông–phát tâm ban đầu khiến chúng con tu tập được chứng ngộ.

Theo điều sở chứng của con, thì do pháp trần là hơn cả.

Dùng pháp trần để quán chiếu là phương tiện thù thắng hơn cả.

---o0o---
VIÊN THÔNG NĂM CĂN

VIÊN THÔNG NHÃN CĂN

A-na-luật-đà

Kinh văn:

阿那律陀即從座起。頂禮佛足而白佛言。我初出家常樂睡眠。如來訶我為畜生類。我聞佛訶啼泣自責。七日不眠失其雙目。

A-na-luật-đà tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã sơ xuất gia thường nhạo thuỳ miên. Như Lai ha ngã vi súc sinh loại. Ngã văn Phật ha, đề khấp tự trách, thất nhật bất miên, thất kỳ song mục.

Việt dịch:

A-na-luật-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng: “Khi mới xuất gia con thường thích ngủ. Như Lai quở trách con là loài súc sinh. Con nghe Phật mắng, khóc thầm tự trách mình, suốt bảy ngày đêm không ngủ, bị mù hai mắt.”

Giảng giải:

A-na-luật-đà, tiếng Sanskrit là Aniruddha,[ii] Hán dịch là Vô bần無貪, Như ý 如意. liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng: “Khi mới xuất gia con thường thích ngủ. Như Lai quở trách con là loài súc sinh.

Đức Phật nói với ông rằng:

Này ông! Sao quá mê ngủ

Như con sò trong vỏ cứng?

Ông ngủ suốt cả ngàn năm

Tên Phật rồi chẳng nghe thấy.

Khi Đức Phật quở trách ông như vậy, ông rất hối lỗi. Con nghe Phật mắng, khóc thầm tự trách mình. “ Tại sao mình quá mềm yếu?” Con tự hỏi mình. “Sao ngươi cứ thích ngủ suốt ngày? được rồi. Từ nay ta không cho phép ôgn ngủ nưã.” Suốt bảy ngày đêm không ngủ. Có lẽ A-na-luật-đà đã luân phiên đi kinh hành và ngồi để giữ cho mình khỏi buồn ngủ, đến bị mù hai mắt.” Mắt phải làm việc suốt ngày, nhưng ban đêm phỉ được nghỉ ngơi. Nếu quý vị không để cho nó nghỉ ngơi và khiến nó quá mệt, thì nó sẽ không còn thấy được nữa. Nó sẽ đình công. Thế nên A-na-luật-đà phải bị mù mắt.

Kinh văn:

世尊示 我樂見照明金剛三昧。我不因眼觀見十方。精真洞然如觀掌果。如來印我成阿羅漢。

Thế tôn thị ngã nhạo kiến chiếu minh kim cang tam muội. Ngã bất nhân nhãn quán kiến thập phương. Tinh chân đồng nhiên như quán chưởng quả. Như Lai ấn ngã thành A-la-hán.

Việt dịch:

Thế tôn dạy con tu pháp nhạo kiến chiếu minh kim cang tam-muội. Con bị mù mắt, nhưng thấy mười phương rỗng suốt tinh tường như thấy trái cây trong lóng bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con đạt quả vị A-la-hán.

Giảng giải:

Thế tôn thương xót con vì đã bị mù, nên đã dạy con pháp tu gọi là nhạo kiến chiếu minh kim cang tam muội. Con tu tập pháp môn nầy một thời gian dài, và đạt được thiên nhãn, gọi là bán đầu thiên nhãn (半頭天眼)

Con bị mù mắt, dù con không thấy được các thứ bằng mắt thường, nhưng với thiên nhãn, con thấy mười phương rỗng suốt tinh tường như thấy trái cây trong lóng bàn tay. Giống như thấy được trái xoài (s: amala) trong bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con đạt quả vị A-la-hán.

Kinh văn:

佛問圓通如我所證。旋見循元,斯為第一 。

Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng, tuyền kiến tuần nguyên, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, như chỗ sở chứng của con, xoay cái thấy trở về căn nguyên, đó là pháp môn hay nhất.

Giảng giải:

Đức Phật hỏi các vị Bồ-tát và các vị đệ tử về viên thông mà các ngài đã chứng được, như chỗ sở chứng của con, xoay cái thấy trở về căn nguyên, đó là pháp môn hay nhất. Như con, A-na-luật-đà, đã nhận ra rằng, quay cái thấy trở về lại với bản tánh căn nguyên của mình mà tu tập. Đây là phương pháp tốt nhất.

---o0o---

VIÊN THÔNG TỊ CĂN

Châu-lợi Bàn-đặc-ca

Kinh văn:

周利槃特迦即從座起。頂禮佛足而白佛言。

Châu-lợi Bàn-đặc-ca tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn.

Việt dịch:

Châu-lợi Bàn-đặc-ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng:

Giảng giải:

Châu-lợi (Kshudra) có nghĩa là ‘sinh trên đường–đạo sinh.’ Phong tục Ấn Độ là sau khi người phụ nữ lấy chồng và sắp sinh, cô ta sẽ trở về nhà mẹ để sinh con. Trong trường hợp Châu-lợi, mẹ ngài đáng ra phải về nhà mẹ một hai tháng trước khi sinh, nhưng nà đợi đến giờ phút lâm bồn mới lên đường. Quãng đường từ nhà chồng về nhà mẹ khá dài–chừng một hoặc hai trăm dặm. Vì bà ta đợi cho đến khi chuyển bụng mới đi, nên đi nữa đoạn đường thì ba đã chuyển bụng đau đẻ, và bà ta sinh ngay trên đường. Nên Châu-lợi được đặt tên như vậy. Em trai của Châu-lợi là Châu-lợi Bàn-đặc-ca (Kshudrapanthaka), cũng được đặt tên theo cách như vậy. Bàn-đặc-ca (panthaka) có nghĩa là ‘sinh cùng một cách– kế đạo 繼道.’ Trong trường hợp của Bàn-đặc-ca, người mẹ cũng đợi gần ngày mới về nhà mẹ và cũng sinh giữa đường. Đứa bé được đặt tên là Bàn-đặc-ca, em của Châu-lợi.[iii]

Châu-lợi Bàn-đặc-ca rất là đần độn. Khi mới xuất gia, ban đầu người nào cũng được dạy những bài kệ ngắn để đọc vào lúc sáng sớm. Trước đây tôi có đọc cho quý vị nghe một bài rồi, nay tôi đọc thêm bài khác:

Thân ngữ ý nghiệp bất tác ác,

Mạc não thế gian chư hữu tình

Chánh niệm quán tri dục cảnh không.

Vô ích chi khổ đương viễn ly.

Có nghĩa là người xuất gia cần nhất là phải giữ cho ba nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh. Không được làm não loạn chúng sinh, phải quán chiếu để biết các cảnh của ngũ dục vốn là không. Chớ học tập những pháp tu khổ hạnh vô ích của ngoại đạo.

Khi Châu-lợi Bàn-đặc-ca cố gắng học bài kệ nầy, ông được sự trợ giúp của 500 vị A-la-hán, nhưng sau 100 ngày, ông không còn nhớ một chữ nào cả. Quá chậm lụt! Phải không? Ông nhớ được “Thân ngữ ý nghiệp,” nhưng không nhớ nỗi “bất tác ác.” Hoặc ông nhớ được “bất tác ác” thì lại quên “Thân ngữ ý nghiệp.” Tôi nghĩ trong quý vị đây không có ai chậm lụt như vậy. Khi Châu-lợi thấy em mình được 500 vị A-la-hán hộ trì cho để học bài kệ trong 100 ngày mà vẫn không thuộc được một dòng, ông mới bảo em mình hãy trở về nhà sống đời cư sĩ. Ông bảo “Hãy về nhà lập gia đình.” Ông đưa em mình ra đường, không cho ở trong tịnh xá làm một vị tỷ-khưu.

Châu-lợi Bàn-đặc-ca nghĩ rằng: “Mình muốn thành một vị tỷ-khưu như những người kia, có ý nghĩa gì khi trở về nhà?” Thế là ông lấy y bát, lui sau vườn, chuẩn bị để tự vẫn. Khi ông sắp treo cổ, Đức Phật thị hiện thành thần cây hỏi ông ta rằng: “Ông định làm gì đó?”

Tôi không muốn sống nữa.

Thế sau khi ông chết, ông sẽ làm gì?

Tôi không biết.

Đừng chết! Thần cây bảo,–Đừng phí sinh mạng mình. Đó là lí do tại sao ông quá đần độn. Ông hãy cố gắng sửa đổi lỗi lầm của mình trong quá khứ. Khi đã thay đổi, mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.

Thế chuyện nhân quả từ quá khứ khiến cho tôi bị u mê đời nầy là sao? Bàn-đặc-ca hỏi.

Nhớ rằng thần cây là hoá thân của Đức Phật, khi Bàn-đặc-ca hỏi vấn đề đó, do trở lại nguyên hình và trả lời:

– Trong một đời trước, ông là một pháp sư tinh thông tam tạng có 500 đệ tử. Ngày nào họ cũng muốn học với ông nhưng ông không muốn dạy họ. Ông không muốn giảng kinh thuyết pháp, dù họ cầu thỉnh. Họ pahỉ quỳ trước ông 3 ngày ba đêm mà ông vẫn không nói cho họ một lời. Vì ông không chịu giảng pháp, nên ông trở nên đần độn đến mức không nhớ nỗi một dòng kệ.

Khi nghe như vậy, Bàn-đặc-ca rất xấu hổ. “Tại sao mình tệ đến mức như vậy?” Điều ấy được gọi là bỏn xẻn pháp (stingy with the dharma). Quý vị nên nhớ kỹ điều nầy. Sau khi quý vị nghe tôi giảng pháp, đến đâu quý vị cũng phải nên giảng giải lại cho mọi người cùng hiểu. Đừng bao giờ nuôi dưỡng thái độ, “Ta sẽ không giảng giải Phật pháp cho các người, nếu các người hiểu ra, ta sẽ ra sao đây?” Đừng có đố kỵ với sự hiểu biết Phật pháp của người khác. Quý vị càng đố kỵ bao nhiêu, thì mình càng trở nên kém hiểu biết. Bàn-đặc-ca đã bỏn xẻn pháp, nên quả báo là ông bị ngu đần. Nhưng vì ông còn nhiều thiện căn, nên ông được sinh vào thời gặp Đức Phật.

Đức Phật nói cho Bàn-đặc-ca biết rõ nguyên nhân trong quá khứ rồi, ngài liền cầm cái chổi lên và hỏi:

Ông biết cái gì đây không?

Thưa, cái chổi.

Ông có nhớ được chăng?

Thưa, nhớ được.

Rồi Đức Phật dạy ông:

– Hãy lặp lại suốt ngày chữ nầy: ‘Chổi, chổi, chổi.’

Bàn-đặc-ca lặp đi lặp lại chữ chổi liền vài tuần lễ. Đức Phật bảo ông dừng lại và hỏi

– Như thế nào, ông có nhớ được chăng?

Bàn-đặc-ca trả lời:

Bạch Thế tôn, con nhớ được.

Được rồi! Như Lai sẽ đổi chữ ấy thành ‘quét sạch.’ Hãy cố gắng học thuộc.

Bàn-đặc-ca liền học, ‘quét sạch, quét sạch, quét sạch.’ Và ông đã dùng cái chổi vô hình đó quét sạch những phiền não nhiễm ô của ông. Điều ông đang làm là quét sạch tính bỏn xẻn pháp của chính mình. Quý vị hãy ghi nhớ điều nầy. Hãy nhớ những đạo lý tôi đã giảng trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm và giảng giải cho nhiều người cùng nghe. Nếu quý vị làm việc đó, trong đời sau quý vị sẽ được trí huệ và thông minh. Nếu quý vị muốn thực hành hạnh pháp thí, quý vị sẽ không bao giờ bị ngu đần.

Kinh văn:

我闕誦持無多聞性。最初值佛聞法出家。憶持如來一句伽陀。於一百日得前遺後得後遺前。

Ngã khuyết tụng trì, vô đa văn tính. Tối sơ trị Phật văn pháp xuất gia, ức trì Như Lai nhất cú già-đà, ư nhất bá nhật, đắc tiền di hậu, đắc hậu di tiền.

Việt dịch:

Con không có khả năng trì tụng, không có khiếu đa văn. Khi mới được gặp Phật, nghe pháp xuất gia, con cố nhớ một câu kệ của Như Lai, nhưng trong 100 ngày, nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước.

Giảng giải:

Bàn-đặc-ca trình bày lại những điều maình đã trải qua. Con không có khả năng trì tụng, không có khiếu đa văn. A-nan không bao giờ quên điều gì khi đã đọc qua. Ông có khả năng ghi nhớ rất sâu và rất thông minh. Nhưng con, Bàn-đặc-ca, thì quá chậm lụt. Khi mới được gặp Phật, nghe pháp xuất gia. Dù con đã xuất gia, khi con cố nhớ một câu kệ của Như Lai–dòng kệ đó là “Thân ngữ ý nghiệp bất tác ác,” –nhưng trong 100 ngày, nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước. Con cố gắng nhớ được vài chữ đầu lại quên mấy chứ sau. Khi con nhớ được mấy chữ sau lại quên mấy chữ đầu. Thế nên suốt thời gian dài, con không bao giờ thuộc được dù chỉ một câu kệ. Con thật là đần độn.

Bàn-đặc-ca chậm lụt là vì trong quá khứ ông đã từ chối giảng kinh và thuyết pháp cho mọi người. Nay bất kỳ quý vị ở đâu, cũng nên cố gắng giúp cho mọi người đọc kinh hoặc giảng nói Phật để giáo hoá cho mọi chúng sinh. Quý vị làm việc nầy như là sứ mệnh của chính mình. Đừng có tâm bỏn xẻn pháp.

Tôi đã nói chuyện nầy rồi, nhưng muốn lặp lại, Bàn-đặc-ca phải chịu quả báo đần độn vì ông ta không tu hạnh bố thí pháp– ông ta bỏn xẻn pháp. Việc giảng kinh thuyết pháp của tôi hiện nay chính là đang bố thí pháp. Tại sao tôi giảng pháp cho quý vị? Vì nếu tôi hiểu Phật pháp mà không chịu giải thích cho quý vị thì trong đời sau, thậm chí tôi còn không được như Bàn-đặc-ca; ôgn ta không nhớ được một dòng kệ trong suốt 100 ngày, còn tôi thì có lẽ không nhớ được một chữ trong suốt cả năm. Đó là lí do tôi không nhận tiền khi giảng pháp. Tôi không mong quý vị hoàn đáp lại cho tôi điều gì cả, tôi chỉ giảng kinh và thuyết pháp cho quý vị. Tôi không muốn mình bị ngu đần. Nếu trong quý vị có ai không muốn mình bị ngu đần thì hãy thử nghiệm. Hãy tỏ ra thái độ, “Tôi thông hiểu Phật pháp, nhưng không muốn Giảng giải cho quý vị. ” Hãy thử xem, trong đời sau, khi quý vị còn ngu đần hơn cả Bàn-đặc-ca nữa, thì quý vị mới thấy những điều tôi nói là đúng. Quý vị sẽ kết thúc đời mình bằng những gì mình đã trải qua. Từ rất lâu, tôi được nghe một vị pháp sư dạy rằng nếu người nào không tu tập hành bố thí pháp thì quả báo sẽ chịu ngu si, tôi không bao giờ quên điều ấy.

Viẹc nầy nhắc tôi nhớ lại một chuyện dân gian (public record). Thời nọ có một vị quan, có lẽ đến chức đầu tỉnh, là người rất sùng kinh kinh Pháp Hoa. Nhưng có điều rất lạ, trong bộ kinh Pháp Hoa gồm 7 quyển, ông ta nhớ rất kỹ 3 quyển rưỡi đầu. Ông ta ghi nhớ ngay khi mình đọc kinh xong. Nhưng 3 quyển rưỡi sau thì ông ta không thể nhớ được điều gì cả, dù ông có đọc nhiều lần đi nữa. Ông không thể nào hiểu nổi sao lại như vậy, thế nên ông đến hỏi một vị cao tăng của thời ấy, vốn là một vị thiện tri thức có đạo nhãn và lục thông.

Khi vị quan đầu tỉnh đến, Lão thiền sư ra tiếp, và vị quan trình bày vấn đề. “Trong các kinh Phật, kinh Pháp Hoa thu hút tôi nhất. Tôi rất quý kinh nầy, nhưng tôi chỉ nhớ được 3 quyển rưỡi đầu. Lý do tại sao như vậy?”

Lão thiền sư đáp, “Ồ! Nay ông muốn biết. Được rồi, nhưng khi tôi nói thì ông đừng sửng sốt hoặc không tin.”

thưa, “Xin vâng. Nguyện sẽ tin những lời Thầy dạy.”

Lão thiền sư giải thích, “Nguyên nhân đời nầy ông làm quan là do trong đời trước ông đã làm nhiều công đức. Trong quá khứ ông từng làm thân bò, và ông giúp cày ruộng cho chùa. Từ đó ông đã cúng dường cho Tam bảo, và ông đã có công đức. Nguyên nhân ông chỉ nhớ được 3 quyển rưỡi đầu của kinh Pháp Hoa là như sau: Theo lệ thường, trong chùa phơi kinh vào mỗi ngày mồng sáu tháng 6 trong năm để phòng mối mọt. Vào lúc ấy, ông tiếp xúc được với kinh Pháp Hoa và ông chỉ ngửi[iv] được bộ thứ nhất, chưa tới bộ thứ hai. Đó là lí do tại sao ông chỉ thuộc 3 quyển rưỡi đầu cuốn kinh Pháp Hoa trong đời nầy.”

Vị quan đảnh lễ Lão thiền sư, sau đó ông càng tinh tấn hơn trong việc tham cứu kinh Pháp Hoa.

Một con bò ngửi kinh mà được thông minh đến như vậy, trong khi Bàn-đặc-ca từ chối giảng pháp mà trở nên bị ngu si. Nếu quý vị biết so sánh hai chuyện trên đây và chiêm nghiệm thật sâu, cũng đủ để biết những gì mình sẽ nếm trải. Thực vậy, tôi mong rằng quý vị đừng có thử, vì bị chìm đắm như Bàn-đặc-ca sẽ khổ vô cùng. Mặt khác, chúng ta không nên xem thường Bàn-đặc-ca. Dù ông ta chậm lụt, nhưng đã được giác ngộ sau khi niệm mãi “chổi” và ‘quét sạch’ trong một thời gian ngắn. Chúng ta có thể thông minh hơn Bàn-đặc-ca, nhưng chúng ta không được giác ngộ nhanh như ông ta. Thế nên về mặt nầy, chúng ta không được như Bàn-đặc-ca.

Kinh văn:

佛愍我愚教我安居調出入息。我時觀息微細窮盡。生住異滅諸行剎那。
Phật mẫn ngã ngu, giáo ngã an cư, điều xuất nhập tức. Ngã thời quán tức vi tế cùng tận, sinh, trụ, dị, diệt chư hạnh sát-na.

Việt dịch:

Đức Phật thương con ngu muội, dạy con pháp an cư, điều hoà hơi thở ra vào. Con quán sát hơi thở của con đến chỗ rốt ráo, từng chi tiết của các hạnh sinh, trụ, dị, diệt trong từng sát-na.

Giảng giải:

Đức Phật thương con ngu muội. Đức Phật thấy thương xót con vì con chậm lụt, nên ngài dạy cho con đọc chữ “chổi” và ‘quét sạch.’ Dạy con pháp an cư, điều hoà hơi thở ra vào. Pháp tu nầy là duy trì hơi thở vào trong khi đếm từ 1 đến 10, rồi duy trì ý thức khi thở ra và đếm từ 1 đến 10. Bất luận dù ai có đần độn đến đâu cũng có thể đếm từ 1 đến 10. Một hơi thở vào và một hơi thở ra được đếm là 1. Con quán sát hơi thở của con đến chỗ rốt ráo, từng chi tiết của các hạnh sinh, trụ, dị, diệt trong từng sát-na. Trong một hơi thở, thời điểm mà quý vị bắt đầu thở ra được gọi là sinh, và tiến trình tiếp theo được kể là một hơi thở kế tiếp. Tông Thiên thai chia việc quán sát nầy thành sáu giai đoạn–sáu phương pháp quán sát hơi thở.[v] Chúng ta sẽ không đi sâu vào chi tiết việc nầy ở đây. Chỉ nên biết rõ rằng khi bắt đầu thở ra được gọi là sinh, hơi thở tiếp tục được gọi là trụ, khi hơi thở đến gần dứt gọi là dị, khi hơi thở đến cuối gọi là diệt. Điều nầy diễn biến trong từng sát-na. Trong một niệm tưởng có 90 sát-na. Trong mỗi sát-na có 900 lần sinh diệt. Những chi tiết nầy mắt thường không thể nào thấy được.

Kinh văn:

其心豁然得大無礙。乃至漏盡成阿羅漢。住佛座下印成無學。

Kỳ tâm hoát nhiên đắc đại vô ngại. Nãi chí lậu tận thành A-la-hán. Trụ Phật toà hạ tức thành vô học.

Việt dịch:

Tâm con bỗng nhiên đạt được đại vô ngại, cho đến hết sạch các lậu hoặc, thành A-la-hán. Trước pháp toà của Phật, con được ấn chứng là bậc vô học.

Giảng giải:

Lúc ấy, con quán sát hơi thở của mình cho đến khi đạt được cảnh giới vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả tướng. Con thở vào thở ra một cách không cần dụng công và tâm con được hợp thành một. Con không còn niệm tưởng phân biệt và tâm phan duyên. Mọi niệm tưởng đều dừng bặt. Tâm con bỗng nhiên đạt được đại vô ngại. Ồ! Con đã quay trở lại và đến được cội nguồn! “Bỗng nhiên” ở đây là chỉ cho sự giác ngộ. Giông như cánh cửa gian phòng bỗng dưng bị bật tung ra. Không khí trong phòng trở nên tức thời thanh tịnh. Chẳng còn không khí ẩm mốc. Quý vị có để ý rằng dù có nhiều người trong giảng đường này nhưng không vẫn thanh tịnh? Nếu quý vị hỏi tôi tại sao, sẽ rất khó trả lời cho quý vị. Chỉ nói rằng trong một bồ-đề đạo tràng, có sự thanh tịnh bất khả tư nghì cho đến cả bầu không khí.

Khi quý vị đến nghe giảng pháp, điều cần nhất là phải vô cùng cung kính. Đó là vì chư Phật và Bồ-tát sẽ nói rằng, “Ông là đồ trứng thối! Tại sao ông đến đạo tràng mà lại hành xử như vậy?” Mọi người nên kính trọng nhau và khiêm tốn, hoà hợp với nhau, Đừng tự mãn hay tự cao. Đừng nói nghiệp chướng câu như thế nầy, “Hãy xem ông đần độn đến mức nào! Tôi giỏi hơn ông nhiều.” Ngay khi quý vị nghĩ như vậy, là mình đã tự làm ngu muội mình đi. Đừng xem thường người khác. Những người trong pháp hội nầy đều là cha mẹ trong quá khứ của mình và là chư Phật trong tương lai. Nếu quý vị xem thường những người nầy, là chẳng khác gì xem thường Phật. Thế nên khi quý vị tu học Phật pháp, quý vị nên nhìn mọi người không phân biệt.

Trong bồ-đề đạo tràng, quý vị phải giữ quy luật. Khi đang nghe kinh, không được đứng dậy và đi lang thang. Đừng ngồi dựa ngửa ra hoặc dựa vào vật gì khác. Hãy ngồi thật ngay thẳng. Đừng có thái độ lười biếng trễ nãi. Thậm chí dù quý vị là một con trùng lười biếng, cũng không nên làm như vậy. Quý vị nên phát huy chính mình thành một người nghiêm túc. Cũng vậy, đừng ngủ khi nghe giảng kinh, nếu như vậy, trong tương lai , quý vị sẽ giống như A-na-luật-đà.

Đoạn kinh tiếp tục: cho đến hết sạch các lậu hoặc. Sau khi chứng ngộ, A-na-luật-đà dần dần đạt được quả vị vô lậu. Và thành A-la-hán. A-na-luật-đà chứng được qaủ vị thứ tư của hàng A-la-hán. Trước pháp toà của Phật, con được ấn chứng là bậc vô học. Con luôn luôn theo Phật và ngồi dưới chân Phật để nghe giảng kinh. Đức Phật đã ấn chứng cho con và nói rằng con cũng đã đạt được quý vị thứ tư của hàng A-la-hán.

Một người đần độn như vậy mà cũng chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Còn chúng ta thì quá thông minh nhưng chưa chứng được đến sơ quả. Quý vị có thấy hổ thẹn không?

Kinh văn:

佛問圓通如我所證。返息循空斯為第一

Phật vấn viên thông như ngã sở chứng, phản tức tuần không, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, như điều chứng được của con, quay hơi thở trở về với tánh không, đó là phương pháp hay nhất.

Giảng giải:

“Đưa hơi thở ra vào trở về lại, hoà hợp với tính không– trở về lại với thể tính tịch lặng; đây là phương pháp hay nhất.”

Tôi đã qua đây (Mỹ quốc) nhiều năm, nhưng tôi không bao giờ dám nói đến luật lệ. Vì sao? Xứ nầy tán thành tự do. Cha mẹ không kiểm soát con cái, con cái họ muốn làm gì thì làm. Sau khi tôi đến Mỹ quốc, tôi có nhận đệ tử, nhưng tôi cũng vậy, không kiểm soát họ. Tôi để họ muốn làm gì mặc tình. Họ muốn đi đâu tuỳ ý, họ có thể làm việc theo ý riêng của họ. Họ rất độc lập. Nhưng trong hội giảng kinh, tôi để ý thấy rằng có người rất tuỳ tiện–trên mức bình thường cho phép. Đó gọi là:

Bất y quy cũ, bất thành phương viên.

Trong tiếng Hán, chữ phương viên đi với nhau tào thành từ kép, có nghĩa là ‘quy cũ’.[vi] Nếu quý vị không dùng quy– 規, thì không thể nào có được vòng tròn. Nếu không dùng cũ 矩, thì hình vuông mà quý vị vẽ nên sẽ thành hình chữ nhật hoặc hình tam giác.

Vậy nên, hôm nay trong pháp hội giảng Kinh Thủ-lăng-nghiêm, tôi yêu cầu quý vị đừng lười biếng. Hãy lắng nghe kinh với tâm cung kính, như thể Đức Phật đang giảng pháp cho quý vị nghe. Quý vị đừng nên nghĩ rằng, “Pháp sư nầy giảng pháp bằng cách kể chuyện tiếu lâm, như là đang dụ con nít.” Nếu quý vị có thể tìm hiểu được ý nghĩa những điều tôi vừa nói, quý vị có thể được giác ngộ, chứng được quả vị nagy tức khắc. Tất cả mói điều cần làm là chân chính quyết tâm tìm cầu Phật pháp, và điều ấy sẽ xảy ra. Nếu quý vị thành tâm khi nghe giảng chương hai mươi lăm pháp tu viên thông nầy, quý vị có thể được giác ngộ ngay liền. Là vì hai mươi lăm bậc thánh nầy đã phát nguyện rằng họ sẽ hộ trì cho bất kỳ người nào tu tập theo phương pháp của họ cho đến khi được giác ngộ. Cho nên quý vị hãy chú tâm tham cứu vào ý nghĩa của kinh.

---o0o---

VIÊN THÔNG THIỆT CĂN

Kiều-phạm-bát-đề

Kinh văn:

驕梵缽提即從座起。頂禮佛足而白佛言。我有口業於過去劫輕弄沙門。世世生生有牛齝病

Kiều-phạm-bát-đề tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã hữu khẩu nghiệp ư quá khứ kiếp khinh lộng sa-môn. Thế thế sinh sinh hữu ngưu si bệnh.
Việt dịch:

Kiêu-phạm-bát-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch Phật rằng, “Con bị khẩu nghiệp, khinh chê một vị sa-môn trong thời quá khứ, nên đời đời mắc bệnh nhai lại như bò.”

Giảng giải:

Kiêu-phạm-bát-đề phiên âm tiếng Sanskrit là Gavāṃpati,[vii] Hán dịch là ngưu ti 牛司. Khi loài bò ngủ, chúng ngáy, và lưỡi của chúng liếm từ trước ra sau, tạo nên tiếng động rất lớn. Kiêu-phạm-bát-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch Phật rằng, “Con bị khẩu nghiệp, khinh chê vị sa-môn trong thời quá khứ.” Loại khẩu nghiệp mà ông mắc phải là gì? Một hôm ông để ý có một vị sa-môn, vị nầy không có răng, phải mất một thời gian rất lâu để ăn cơm. Kiêu-phạm-bát-đề trêu chọc vị sa-môn già, “Ông già, ông ăn như bò nhai cỏ.”

Vị sa-môn già là người đã chứng quả A-la-hán. Ông ta nói rằng, “Ồ! Oong không nên nói như vậy. Oong sẽ phải chịu quả báo trong đời sau. Tốt hơn ông nên sám hối ngay tức khắc. Tốt hơn ông nên rút lại lời ấy ngay.”

Kiêu-phạm-bát-đề hối lỗi, thế nên ông không bị quả baod làm thân bò, tuy vậy, muôn đời sau ông ta chịu quả báo mắc tập khí của loài bò. Lưỡi của ông ta dài như lưỡi bò, và ông ta luôn luôn nhai lại và thở như loài bò. Dù ông đã chứng quả A-la-hán, Đức Phật vẫn ngại rằng loài người sẽ trêu chọc ông, họ cũng sẽ nói rằng, ông ta giống như bò, và người ấy sẽ phải chịu quả báo làm bò. Vì lí do nầy, Đức Phật bảo Kiêu-phạm-bát-đề hãy lên sống ở cõi trời và nhận sự cúng dường của chư thiên. Vì chư thiên đều có năng lực thấy rõ đời quá khứ, nên họ sẽ không dám báng bổ ngài.

Trong kinh văn, Kiêu-phạm-bát-đề tiếp tục giải thích: Con tạo khẩu nghiệp là do khinh chê một vị sa-môn trong thời quá khứ. Ông ta giễu cợt một vị sa-môn. Sa-môn[viii] là tiếng phiên âm từ chữ śramaṇa trong tiếng Sanskrit, Hán dịch là cần tức 勤息.

Sa-môn là người siêng năng tu trì giới định huệ, và trừ sạch tham sân si. Nên đời đời mắc bệnh nhai lại như bò. Đó là quả báo mà con phải chịu.”

Kinh văn:

如來示我一味清淨心地法門。我得滅心,入三摩地。觀味之知,非體非物。應念得超世間諸漏。

Như Lai thị ngã nhất vị thanh tịnh tâm địa pháp môn. Ngã đắc diệt tâm, nhập tam-ma-địa. Quán vị chi tri, phi thể phi vật. Ứng niệm đắc siêu thế gian chư lậu.

Việt dịch:

Như Lai dạy con pháp môn nhất vị thanh tịnh tâm địa. Con đạt được chỗ tận diệt tâm phân biệt, nhập vào được tam-ma-đề. Quán sát tính biết của vị, nó vốn chẳng phải thể, chẳng phải vật. Ngay đó siêu việt các lậu hoặc thế gian.

Giảng giải:

Như Lai dạy con pháp môn nhất vị thanh tịnh tâm địa, có nghĩa là thể tính thành tựu của nhất chân tâm. Khi lưỡi không có mùi vị phân biệt–khi không có tâm phân biệt– thì tất cả mùi vị đều trở về lại thể tính thanh tịnh. Điều nầy, trở lại, là tu tập định vô phân biệt–samadhi of non-discrimination. Con đạt được chỗ tận diệt tâm phân biệt–thức tâm được vắng lặng tịch diệt, có nghĩa là, nhập vào được tam-ma-đề –đạt được chánh định hoặc chánh thọ

Và ông quán sát tính biết của vị, nó vốn chẳng phải thể, chẳng phải vật. Tính biết của mùi vị chẳng phải đến từ thể của thiệt căn, cũng chẳng phải đến từ vị trần. Ngay đó siêu việt các lậu hoặc thế gian. Ngay khi tâm ý được thanh tịnh, con liền được vượt qua các cõi giới lậu hoặc ở thế gian.

Kinh văn:

內脫身心外遺世界。遠離三有如鳥出籠。離垢銷塵法眼清淨成阿羅漢。如來親印登無學道。

Nội thoát thân tâm, ngoại di thế giới. Viễn ly tam hữu như điểu xuất lung. Ly cấu tiêu trần, pháp nhãn thanh tịnh, thành A-la-hán. Như Lai thân ấn chứng vô học đạo.

Việt dịch:

Bên trong thân tâm giải thoát, bên ngoài rời bỏ thế giới, xa lìa ba cõi như chim sổ lồng. Rời hết cấu nhiễm, tiêu diệt trần tướng nên pháp nhãn thanh tịnh, thành A-la-hán. Như Lai ấn chứng cho con đạt đạo vô học.

Giảng giải:

Bên trong thân tâm giải thoát. Thân và tâm đều được giải thoát–con được thóat ly khỏi chúng. Bên ngoài rời bỏ thế giới. Cũng như con quên hẳn thế giới bên ngoài. Xa lìa ba cõi. Điều nầy chỉ cho sự hiện hữu ở các cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Vào lúc nầy, con như chim sổ lồng. Rời hết cấu nhiễm, tiêu diệt trần tướng nên pháp nhãn thanh tịnh. Điều nầy có nghĩa là pháp nhãn của Kiêu-phạm-bát-đề đã được khai mở, và ông đã chứng ngộ thành A-la-hán. Như Lai ấn chứng cho con đạt đạo vô học.

Kinh văn:

佛問圓通如我所證。還味旋知,斯為第一 。

Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng, hoàn vị tuyền tri, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, trả tính của vị về khỏi sự phân biệt, xoay tính biết về với tự tánh, đó là điều tốt nhất.

Giảng giải:

Trả tính của vị về khỏi sự phân biệt không có nghĩa là khởi sự phân biệt từ các vị ấy. Đó chính là hồi quan phản chiếu, quay lại tánh thấy vào bên trong. Xoay tính biết về với tự tánh là chỉ cho sự xoay chuyển tính phân biệt của thiệt căn. Đây chính là phương pháp hay nhất.

---o0o---

VIÊN THÔNG THÂN CĂN

Tất-lăng-già Bà-ta

Kinh văn:

畢陵伽婆蹉即從座起。頂禮佛足而白佛言。

Tất-lăng-già Bà-ta tức tòng toà khởi. Đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn.

Việt dịch:

Tất-lăng-già Bà-ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng:

Giảng giải:

Tên của Tất-lăng-già Bà-ta (s: Pilindavatsa) trong tiếng Sanskrit có nghĩa là Dư tập [ix] 餘習. Tên gọi nầy chỉ cho biết rằng tuy ông đã xuất gia nhưng vẫn còn những tập khí trong kiếp trước. Ông là một vị A-la-hán đã chứng quả, thế nên mỗi khi qua sông, ông có thể khiến cho nước phải ngừng chảy. Thần sông vốn thường là thần nữ, và khi Tất-lăng-già Bà-ta đến bên bờ sông, ông liền kêu lớn, “Nầy tiểu tì, hãy ngừng chảy!” Thần sông theo lệnh của ông, liền ngưng chảy để ông qua sông. Nhưng thần sông rất khó chịu mặc dù không thể hiện ra. Tuy nhiên, thần sông lại đến bạch với Đức Phật.

“Con là nữ thần cai quản khúc sông nầy, ông ta đến và bảo con, ‘Nầy tiểu tì, hãy ngừng chảy!’ Ông ta là một vị A-la-hán, lẽ ra không nên gọi con như vậy.”

Đức Phật bảo Tất-lăng-già Bà-ta hãy xin lỗi thần sông. Tất-lăng-già Bà-ta chắp tay lại và nói. “Tôi xin lỗi, Tiểu tì!” Lúc ấy toàn thể đại chúng gồm các vị A-la-hán đều bật cười.

Tại sao Tất-lăng-già Bà-ta lại gọi thần sông là “Tiểu tì?” Vì trong quá khứ, thần sông là người giúp việc của Tất-lăng-già Bà-ta. Ông đã quen gọi người giúp việc theo cách ấy, thế nên bay giờ, ngay khi cô ta đã là một nữ thần sông, ông vẫn gọi cô ta như vậy. Lý do chính khiến ông phải xin lỗi là vì đã xúc phạm cô ta khi gọi cô là “Tiểu tì,” nhưng tập khí của ông quá sâu đến nỗi ông cũng gọi bằng cách ấy khi xin lỗi.

Kinh văn:

我初發心從佛入道。數聞如來說諸世間不可樂事。乞食城中心思法門。不覺路中毒刺傷足。舉身疼痛我念有知。知此深痛,雖覺覺痛。覺清淨心,無痛痛覺。

Ngã sơ phát tâm tòng Phật nhập đạo. Sác văn Như Lai thuyết chư thế gian bất khả lạc sự. Khất thực thành trung tâm tư pháp môn. Bất giác lộ trung, độc thích thương túc. Cử thân động thống ngã niệm hữu tri. Tri thử thâm thống, tuy giác giác thống. Giác thanh tịnh tâm, vô thống thống giác.

Việt dịch:

Khi con vừa mới phát tâm xuất gia theo Phật nhập đạo, thường nghe Thế tôn dạy về những điều trên thế gian không thể đem lại niềm vui. Có lần con đang khất thực trong thành, tâm đang quán chiếu vào pháp môn nầy, đột nhiên giữa đường bị gai độc đâm vào chân. Toàn thân đau nhức. Tâm con biết mình biết có cái đau ấy, nhưng biết rõ tự tâm vốn thanh tịnh, không có cái đau và cái biết đau.

Giảng giải:

Khi con vừa mới phát tâm xuất gia theo Phật nhập đạo, thường nghe Thế tôn dạy về những điều trên thế gian không thể đem lại niềm vui. Nhiều lần con được nghe Đức Phật Giảng dạy về bản chất của thế gian nầy là khổ, không vô thường và vô ngã. Có lần con đang khất thực trong thành, tâm đang quán chiếu vào pháp môn nầy, đột nhiên giữa đường bị gai độc đâm vào chân. Con đang tập trung suy nghĩ về pháp môn mà Như Lai đã dạy cho con, đến mức con không còn để ý đến đường đi, và con dẫm phải gai độc, nó đâm vào chân con đau nhức vô cùng. Toàn thân đau nhức. Tâm con biết mình biết có cái đau ấy, nhưng biết rõ tự tâm vốn thanh tịnh, không có cái đau và cái biết đau.

Trong chân tâm thanh tịnh sáng suốt của con thì không có cía đau hoặc biết có cái đau ấy. Khi con nhận ra điều nầy, mọi thứ đều rỗng rang, thân tâm con trở nên thanh tịnh. Do vậy, con không còn thấy có ai là người bị đau.

Kinh văn:

我又思惟如是一身寧有雙覺。攝念未久身心忽空。三七日中諸漏虛盡成阿羅漢。得親印記發明無學。

Ngã hựu tư duy, như thị nhất thân ninh hữu song giác. Nhiếp niêm vị cửu, thân tâm hốt không. Tam thất nhật trung chư lậu hư tận, thành A-la-hán. Đắc thân ấn ký phát minh vô học.

Việt dịch:

Con lại suy nghĩ, một thân nầy lẽ ra phải có hai cái biết? Nhiếp niệm chưa lâu, thân tâm bỗng nhiên rỗng lặng. Trong hai mươi mốt ngày, các lậu hoặc dứt sạch, thành bậc A-la-hán. Được Phật ấn chứng là bậc vô học.

Giảng giải:

Con lại suy nghĩ, một thân nầy lẽ ra phải có hai cái biết? Lẽ nào mình có cùng lúc hai cái biết? Lẽ nào một cái biết mình đau và cái biết khác lại biết về cái biết đau ấy? Chẳng phải như vậy. Nhiếp niệm chưa lâu–Con chiêm nghiệm về vấn đề đề một thời gian không lâu– thân tâm bỗng nhiên rỗng lặng. Trong hai mươi mốt ngày, các lậu hoặc dứt sạch. Trong vòng ba tuần lễ, mọi tập khí hữu lậu trở nên vắng bặt, nó đã được trừ sạch. Thành bậc A-la-hán. Được Phật ấn chứng là bậc vô học. Chính Đức Phật ấn chứng cho con, là con đã chứng qủa vị thứ tư của hàng A-la-hán.

Kinh văn:

佛問圓通如我所證,純覺遺身斯為第一

Phật vấn viên thông như ngã sở chứng, thuần giác di thân, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, thìthuần tịnh cái tính biết, quên bẵng thân thể, là điều tốt nhất.

Giảng giải:

Đức Phật hỏi về từng vị đệ tử chúng con về phương pháp tu tập ban đầu để đạt được giác ngộ. Điều mà con, Tất-lăng-già Bà-ta tu tập là duy trì tâm giác ngộ cho đén khi tâm ấy hoàn toàn thanh tịnh, và con quên bẵng đi thân thể của mình, Đây là phương pháp tu tập viên thông của con.

---o0o---

VIÊN THÔNG VỀ THÂN CĂN

Tu-bồ-đề

Kinh văn:

須菩提即從座起。頂禮佛足而白佛言。我曠劫來心得無礙。自憶受生如恒河沙。初在母

胎即知空寂。如是乃至十方成空。亦令眾生證得空性。

Tu-bồ-đề tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã khoáng kiếp lai tâm đắc vô ngại. Tự ức thọ sanh như hằng hà sa. Sơ tại mẫu thai tức tri không tịch. Như thị nãi chí thập phương thành không. Diệc linh chúng sinh chứng đắc không tính.

Việt dịch:

Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Còn từ nhiều kiếp đến nay, tâm đạt được vô ngại, tự nhớ rằng mình đã thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ, đã biết tính không tịch. Như thế cho đến mười phương đều rỗng lặng và cũng khiến cho chúng sinh chứng được tánh không.”

Giảng giải:

Tu-bồ-đề có nghĩa là không sinh, vì ngay khi ông sinh ra, mọi của cải trong nhà ông ta bỗng dưng trống không. Chẳng còn một viên ngọc nào còn sót lại. Sau khi ông khinh được bảy ngày, tài sản của cải lại hiện ra. Thế nên đặt tên ông là Thiện Hiện. Cha mẹ ông đi nhờ người đoán số mệnh cho ông, họ nói: “tức thiện thả cát 即善且吉 ” Nên đặt tên cho ông là Thiện Cát 善 吉.

Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Còn từ nhiều kiếp đến nay, tâm đạt được vô ngại. Tâm và tánh của con đạt so sánh sự vô ngại. Tự nhớ rằng mình đã thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ, đã biết tính không tịch–con đã nhận ra được tánh không (śūnyatā)– Như thế cho đến mười phương đều rỗng lặng. Tất cả các cõi giới trong mười phương đều là rỗng lặng. Và cũng khiến cho chúng sinh chứng được tánh không. Con đã giúp cho chúng sinh đồng thời chứng nhập được tánh không (śūnyatā).”

Kinh văn:

蒙如來發性覺真空。空性圓明得阿羅漢。頓入如來寶明空海。同佛知見印成無學。解脫性空,我為無上。

Mông Như Lai phát tính giác chân không. Không tính viên minh đắc A-la-hán, đốn nhập Như Lai bảo minh không hải. Đồng Phật tri kiến, ấn thành vô học. Giải thoát tính không, ngã vi vô thượng.

Việt dịch:

Nhờ được Như Lai chỉ bày cho tánh giác vốn là rỗng lặng, nên tính không được viên minh. Nhờ đó con chứng được A-la-hán, liền thể nhập vào Bảo minh không hải của Như Lai. Tri kiến của con được đồng như Phật, được Phật ấn chứng thành bậc vô học. Trong sự giác ngộ về tánh không (śūnyatā), con được viên mãn nhất.

Giảng giải:

Nhờ được Như Lai chỉ bày cho tánh giác vốn là rỗng lặng, nên tính không được viên minh. Tánh giác đồng như tánh không. Tánh Như Lai tạng–giác ngộ về tánh không–là viên mãn và sáng suốt rõ ràng. Tánh không và tánh Như Lai tạng đều viên mãn và sáng suốt rõ ràng. Nhờ đó con chứng được A-la-hán. Do con đã nhận ra được thể tánh của Như Lai tạng, nên con chứng được A-la-hán, liền thể nhập vào Bảo minh không hải của Như Lai. Bảo minh không hải lại chính là tánh Như Lai tạng. Nó giống như biển lớn tánh không (śūnyatā). Tri kiến của con được đồng như Phật, được Phật ấn chứng thành bậc vô học. Đức Phật ấn chứng cho con là bậc vô học. Trong sự giác ngộ về tánh không (śūnyatā), con được viên mãn nhất. Tri kiến của con có được là nhờ vào thể nhập đạo lý tánh không. Con là người thể nhập vào tánh không bậc nhất.

Kinh văn:

佛問圓通如我所證。諸相入非非所非盡。旋法歸無斯為第一

Phật vấn viên thông như ngã sở chứng. Chư tướng nhập phi, phi sở phi tận, tuyền pháp quy vô, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, các tướng đều nhập vào phi tướng, năng phi, sở phi đều tận diệt, xoay các pháp về chỗ rỗng lặng, đó là thù thắng nhất.

Giảng giải:

Đức Phật hỏi về viên thông. Nay Đức Phật hỏi chúng đệ tử, các vị Bồ-tát, về chỗ chứng ngộ của họ khi đạt được viên thông. Như sở chứng của con, các tướng đều nhập vào phi tướng, năng phi, sở phi đều tận diệt. Cái khiến cho trở thành không và cái trở nên không đều tiêu sạch. Có nghĩa là chẳng có gì, thậm chí cả cái không. Trong đạo Lão (Taoism), điều nầy được gọi là Sở không cập vô 所空及無, cái không cũng chẳng có. Trong đạo Phật , điều nầy được gọi là phi sở phi tận–非所非盡. Xoay các pháp về chỗ rỗng lặng, đó là thù thắng nhất. Đưa các pháp trở về lại với thể tánh rỗng lặng là thù thắng nhất. Thể nhập lý tánh không (śūnyatā) là phương pháp hay nhất.

---o0o---
SÁU THỨC

VIÊN THÔNG VỀ NHÃN THỨC

Xá-lợi-phất

Kinh văn:

舍利弗即從座起。頂禮佛足而白佛言。我曠劫來心見清淨。如是受生如恒河沙。世出世間種種變化,一見則通獲無障礙。

Xá-lợi-phất tức tòng toà khởi. Đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã khoáng kiếp lai, tâm kiến thanh tịnh. Như thị thọ sinh như hằng hà sa. Thế xuất thế gian chủng chủng biến hoá, nhất kiến tắc thông hoạch vô chướng ngại.

Việt dịch:

Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, chỗ thấy của con được thanh tịnh, tuy con thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng, mà đối với với các pháp biến hoá trong thế gian và xuất thế gian, hễ con thấy được là liền thông suốt, được điều không chướng ngại.”

Giảng giải:

Tên của mẹ ngài Xá-lợi-phất là Śari, và tên của ngài có nghĩa là ‘con của Śari–Thu tử鶖子’ có nghĩa là loài chim diệc. Ngài là người có trí huệ đệ nhất. Khi Xá-lợi-phất còn ở trong thai mẹ, người mẹ thường thắng cuộc mỗi khi tranh luận với anh mình là Câu-hi-la,[x] cậu của Xá-lợi-phất. Câu-hi-la biết em gái mình đang hoài thai một đứa bé thông minh xuất chúng.

Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp lâu xa đến nay, chỗ thấy của con được thanh tịnh, tuy con thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng, mà đối với với các pháp biến hoá trong thế gian và xuất thế gian, hễ con thấy được là liền thông suốt, được điều không chướng ngại. Con có thể trình bày ngay về các sự việc như thế nào, dù ở tầm mức thông thường hay vào mức độ uyên bác, con đều đạt được sự vô chướng ngại.”

Kinh văn:

我於路中逢迦葉波。兄弟相逐宣說因緣。悟心無際。

Ngã ư lộ trung phùng Ca-diếp-ba, huynh đệ tương trục tuyên thuyết nhân duyên. Ngộ tâm vô tế.

Việt dịch:

Con gặp anh em Ca-diếp-ba ở giữa đường, cùng đi theo họ. Họ nói về thuyết nhân duyên, con ngộ được tâm không có bờ mé.

Giảng giải:

Con gặp anh em Ca-diếp-ba ở giữa đường. Khi anh em Ca-diếp-ba cùng đi với con, nghe họ nói về thuyết nhân duyên. Nhờ nghe được thuyết nhân duyên, con trở nên được giác ngộ, và con ngộ được tâm không có bờ mé.

Trước khi Xá-lợi-phất xuất gia, ông gặp Mã Thắng[xi] (Ashvajit) khi cùng đi trên đường. Mã Thắng là một trong năm anh em Kiều-trần-na được Đức Phật chuyển pháp luân trước hết ở vườn Nai (Lộc dã uyển). Xá-lợi-phất thấy Mã Thắng đang đi với dáng dấp đầy oai nghi nghiêm túc khả kính.

Mắt không liếc nhìn cảnh vật,

Tai không nghe trộm chuyện gì.

Ông ta không lén trốn qua bên đường để nhìn ngắm người ta, và không lắng nghe những gì họ đang bàn tán.

Mắt ông ta nhìn sống mũi, mũi nhìn miệng, miệng chú ý đến tim.

Trước đó, Xá-lợi-phất đã thọ giáo với một ngoại đạo gọi là Sa Nhiên Phạm Chí[xii] . Sau khi vị nầy qua đời, ông không còn biết học với ai. Đó là khi ông gặp Mã Thắng ở trên đường và thán phục oai nghi đoan nghiêm của tỷ-khưu nầy. Xá-lợi-phất hỏi tỷ-khưu Mã Thắng, “Oai nghi của ông thật trang nghiêm. Thầy của ông là vị nào?”

Tỷ-khưu Mã Thắng trả lời bằng bài kệ: Chư pháp tùng duyên sanh, Chư pháp tùng duyên diệt. Ngã Phật đại sa-môn, thường tác như thị thuyết.[xiii]

諸法從緣生 諸法從緣滅 我佛大沙門 常作如是說.

Khi Xá-lợi-phất nghe bài kệ nầy, ngài liền giác ngộ và chứng được sơ quả A-la-hán. Ngài liền trở về trụ xứ của mình và nói lại bài kệ ấy cho Mục-kiền-liên nghe. Khi Mục-kiền-liên nghe được bài kệ ấy, ngài cũng chứng ngộ. Rồi cả hai dẫn 200 đệ tử của mình đến quy y với Đức Phật. Họ cùng xuất gia và trở thành tăng chúng trong giáo đoàn của Đức Phật.

Đó là điều được kể lại ở một nơi khác, Ở đây kinh văn nói rằng Xá-lợi-phất gặp anh em ông Ca-diếp-ba. Vì có bản kinh nói rằng Xá-lợi-phất gặp anh em ông Ca-diếp-ba, và có bản kinh lại nói rằng Xá-lợi-phất gặp tỷ-khưu Mã Thắng. Tôi nghĩ rằng Xá-lợi-phất đã gặp cả hai vị ấy. Anh em ông Ca-diếp-ba và tỷ-khưu Mã Thắng lúc ấy đều cùng đi trên đường. Lưu ý rằng kinh nói, “cùng đi với các huynh đệ.” “Huynh đệ.” Không có nghĩa là chỉ có anh em ông Ca-diếp-ba, mà gồm có cả tỷ-khưu Mã Thắng, vốn là một pháp hữu. Họ đang bàn luận về thuyết nhân duyên, và một vị nói:

Nhân duyên sở sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không. Thị danh vi giả danh, diệc danh trung đạo nghĩa.[xiv]

Có lẽ là khi Xá-lợi-phất nghe bài kệ trên, ông ta liền hỏi, “Ông nói điều gì vậy? Ai là thầy của ông?” Và tỷ-khưu Mã Thắng nói bài kệ ấy. Xá-lợi-phất nghe xong, liền được giác ngộ. Sau đó Xá-lợi-phất trở về kể cho Mục-kiền-liên, và cả hai cùng đến quy y với Đức Phật.

Kinh văn:

我於路中逢迦葉波。兄弟相逐宣說因緣。悟心無際從佛出家。見覺明圓得大無畏。成阿羅漢為佛長子。從佛口生從法化生。

Tòng Phật xuất gia, kiến giác minh viên, đắc đại vô uý. Thành A-la-hán, vi Phật trưởng tử. Tòng Phật khẩu sinh, tòng pháp hoá sinh.



Việt dịch:

Con theo Phật xuất gia, cái thấy biết của con trở nên sáng suốt viên mãn, được đại vô uý và trở thành bậc A-la-hán. Là một trong những trưởng tử của Đức Phật, từ miệng Phật mà sinh ra, từ pháp Phật mà hoá sinh.

Giảng giải:

Con theo Phật xuất gia, cái thấy biết của con trở nên sáng suốt viên mãn. Tính thấy của Xá-lợi-phất trở thành thể giác ngộ viên mãn. Con được pháp đại vô uý và trở thành bậc A-la-hán. Là một trong những trưởng tử của Đức Phật, từ miệng Phật mà sinh ra, từ pháp Phật mà hoá sinh. Trong số các đệ tử của Đức Phật, Xá-lợi-phất thuộc hàng đệ tử lớn nhất.

Kinh văn:

佛問圓通,如我所證。心見發光,光極知見斯為第一

Phật vấn viên thông, như ngã sở chứng. Tâm kiến phát quang, quang cực tri kiến, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, tính thấy của tâm thể phát ra sáng suốt, cùng tột các tri kiến, đó là bậc nhất.

Giảng giải:

Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, Xá-lợi-phất, tính thấy của tâm thể phát ra sáng suốt, cùng tột các tri kiến, đó là bậc nhất. Khi tính sáng suốt của tâm thể phat huy đến cực điểm, thì tính thấy và tính biết trở thành không. Đây là phương pháp tu tập đạt đến viên thông tối thắng nhất.

---o0o---

VIÊN THÔNG NHĨ THỨC

Bồ-tát Phổ Hiền

Kinh văn:

普賢菩薩即從座起。頂禮佛足而白佛言。我已曾與恒沙如來為法王子。十方如來教其弟子。菩薩根者修普賢行,從我立名。

Phổ Hiền Bồ-tát tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã dĩ tằng dữ hằng sa Như Lai vi Pháp vương tử. Thập phương Như Lai giáo kỳ đệ tử. Bồ-tát căn giả, tu Phổ Hiền hạnh, tòng ngã lập danh.

Việt dịch:

Bồ-tát Phổ Hiền liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con đã từng làm Pháp vương tử cho chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử có căn cơ Bồ-tát tu hạnh Phổ Hiền, hạnh đó, là theo tên con mà đặt tên. ”

Giảng giải:

Bồ-tát Phổ Hiền là vị Bồ-tát có hạnh nguyện rất rộng lớn. Ngài phát 10 đại nguyện vương mà chúng ta thường tụng vào thời công phu khuya. Mười nguyện đó là:

Lễ kính chư Phật.

Xưng tán Như Lai.

Quảng tu cúng dường

Sám hối nghiệp chướng.

Tuỳ hỉ công đức.

Thỉnh chuyển pháp luân.

Thỉnh Phật trụ thế.

Thường tuỳ Phật học.

Hằng thuận chúng sinh.

Phổ giai hồi hướng.

Đây gọi là Mười đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền. Trong kinh Hoa Nghiêm, có nguyên một phẩm, gọi là ‘Phổ Hiền hạnh nguyện.’ Công hạnh và nguyện lực của ngài rất lớn, và vì thế nên ngài có cơ cảm rất lớn với chúng sinh. Ngài cỡi trên voi trắng sáu ngà. Màu trắng tượng trưng cho Nhất Phật thừa, và sáu ngà tượng trưng cho Lục độ ba-la-mật-đa.

Bồ-tát Phổ Hiền liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con đã từng làm Pháp vương tử cho chư Phật nhiều như cát sông Hằng. Trong quá khứ, con đã từng là Pháp vương tử. Mười phương Như Lai dạy các đệ tử có căn cơ Bồ-tát tu hạnh Phổ Hiền–có nghĩa là những vị có thiên hướng tu tập hạnh Bồ-tát–hạnh đó, là theo tên con mà đặt tên.”

Kinh văn:

世尊我用心聞。分別眾生所有知見。若於他方恒沙界外。有一眾生心中發明普賢行者。我於爾時乘六牙象。分身百千皆至其處。縱彼障深未合見我。我與其人暗中摩頂。擁護安慰令其成就。

Thế tôn, ngã dụng tâm văn, phân biệt chúng sanh sở hữu tri kiến. Nhược ư tha phương hằng sa giới ngoại, hữu nhất chúng sanh, tâm trung phát minh Phổ Hiền hạnh giả, ngã ư nhĩ thời thừa lục nha tượng, phân thân bách thiên giai chí kỳ xứ, Túng bỉ chướng thâm vị hợp kiến ngã. Ngã dữ kỳ nhân ám trung ma đảnh. Ủng hộ an uỷ, linh kỳ thành tựu.

Việt dịch:

Bạch Thế tôn, con dùng tâm để nghe và phân biệt mọi tri kiến của chúng sinh. Nếu ở phương khác, cách hằng sa cõi giới bên ngoài, nếu có một chúng sinh, trong tâm họ phát tâm tu tập hạnh nguyện Phổ Hiền, lúc ấy con sẽ phân thân thành trăm ngàn, cỡi voi sáu ngà liền đến chỗ người ấy. Dù người ấy nghiệp chướng sâu nặng, không thấy được con, con cũng thầm xoa đầu người ấy, ủng hộ an ủi, khiến họ được sự thành tựu.

Giảng giải:

Bạch Thế tôn, con dùng tâm để nghe–Con không dùng nhĩ căn để nghe mà dùng tâm–phân biệt mọi tri kiến của chúng sinh. Khi con phân biệt rõ về mọi tri kiến của chúng sinh, con không dùng tâm phân biệt, mà dùng chân tâm, để xác định rõ căn tánh của từng chúng sinh. Con làm được việc nầy không những chỉ trong thế giới nầy, mà cả trong các cõi giới khác. Nếu ở phương khác, cách hằng sa cõi giới bên ngoài–dù những nơi rất xa, cách xa cõi nước nầy rất nhiều–nếu có một chúng sinh, trong tâm họ phát tâm tu tập hạnh nguyện Phổ Hiền, lúc ấy con sẽ phân thân thành trăm ngàn, cỡi voi sáu ngà liền đến chỗ người ấy. Con liền phân thành trăm ngàn thân rồi đến chỗ người ấy. Dù người ấy nghiệp chướng sâu nặng, không thấy được con, Con vẫn giúp cho, thầm xoa đầu người ấy, ủng hộ an ủi,

Những người siêng năng tu đạo có khi cảm thấy như có kiến bò, hoặc như có ai đang xoa nhẹ trên đỉnh đầu. Đôi khi có người cảm thấy như có con gì bò trên mặt. Khi có điều nầy xảy ra, quý vị đừng có cố gắng lấy tay mình xua tan cảm giác đó đi. Nguyên nhân đó là chư Phật và Bồ-tát đang xoa đầu quý vị. Nếu quý vị để ý, sẽ thấy được điều nầy. Các ngài đang an ủi, động viên chúng ta, thế nên quý vị đừng tìm cách xua tan cảm giác ấy đi. Nếu quý vị thành tâm, sẽ cảm nhận được điều nầy.

Con khiến cho họ được sự thành tựu. Con giúp cho họ được thành tựu trong việc tu đạo.

Kinh văn:

佛問圓通我說本因,心聞發明分別自在斯為第一 。

Phật vấn viên thông, ngã thuyết bản nhân, tâm văn phát minh, phân biệt tự tại, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, con trình bày bản nhân của con là phát minh tính nghe của tâm thể, phân biệt tự tại, đó là thứ nhất.

Giảng giải:

Đức Phật hỏi về viên thông, con trình bày bản nhân basic cause–của con–kinh nghiệm con đã thực hành trong nhân địa, là phát minh tính nghe của tâm thể, phân biệt tự tại, đó là thứ nhất. Con lắng nghe để phân biệt rõ tri kiến của từng chúng sinh. Sự phân biệt nầy do từ chân tâm và được thể hiện một cách tự tại, và con đạt được sự tự chủ. Đây là phương pháp thù thắng nhất.

Chúng ta không nên nổi sân hận, vì nếu nổi sân, thì ma chướng sẽ đến ngay. Hãy bớt nóng giận một chút và để tâm nhiều hơn vào việc tu học Phật pháp.

---o0o---

VIÊN THÔNG TỊ THỨC

Tôn-đà-la Nan-đà

Kinh văn:

孫陀羅難陀。即從座起。頂禮佛足而白佛言。我初出家從佛入道。雖具戒律於三摩提。心常散動,未獲無漏。世尊教我及俱絺羅觀鼻端白

Tôn-đà-la Nan-đà tức tòng toà khởi, đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã sơ xuất gia tòng Phật nhập đạo. Tuy cụ giới luật, ư tam-ma-đề, tâm thường tán động, vị hoạch vô lậu. Thế tôn giáo ngã cập Câu-hi-la quán tị đoan bạch.

Việt dịch:

Tôn-đà-la Nan-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Lúc con mới xuất gia, theo Phật nhập đạo, tuy giữ đúng giới luật, nhưng trong pháp tam-ma-đề, tâm thường tán loạn, nên chưa đạt được quả vị vô lậu. Thế tôn dạy con cùng với Câu-si-la quán tướng đầu chót mũi trắng.”

Giảng giải:

Nan-đà, A-nan-đà và Tôn-đà-la Nan-đà là ba anh em họ của Phật. Tôn-đà-la là gọi theo tên người vợ của ông là Sundari, có nghĩa là đẹp. Cô ta rất quyến rũ. Nan-đà, phần sau trong tên gọi ấy có nghĩa là ‘thiện.’ Vì có nhiều đệ tử cùng tên, nên Nan-đà được đặt rên như vậy, có nghĩa là là Nan-đà của Tôn-đà-la.

Tôn-đà-la Nan-đà[xv] liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Lúc con mới xuất gia, theo Phật nhập đạo, tuy giữ đúng giới luật, nhưng trong pháp tam-ma-đề, tâm thường tán loạn, nên chưa đạt được quả vị vô lậu.

Con theo Phật tu đạo, tuy giữ giới luật nghiêm túc nhưng định lực chưa tròn đầy. Tâm con luôn luôn dao động. Con chưa thành tựu được quả vị vô lậu.

Thế tôn dạy con cùng với Câu-si-la quán tướng đầu chót mũi trắng. Vì tâm con quá tán loạn, Đức Phật dạy con và Ma-ha Câu-hi-la, cậu của Xá-lợi-phất, hãy quán sát tướng chót mũi,và hãy quán tưởng điểm màu trắng trên chóp mũi trong khi cả hai mắt đều chăm nhìn vào đó.”

Kinh văn:

我初諦觀經三七日。見鼻中氣出入如煙。身心內明圓洞世界。遍成虛淨猶如琉璃。煙相漸銷。鼻息成白

Ngã sơ đề quán, kinh tam thất nhật. Kiến tị trung khí xuất nhập như yên. Thân tâm nội minh viên đồng thế giới. Biến thành hư tịnh, do như lưu ly. Yên tướng tiệm tiêu. Tị tức thành bạch

Việt dịch:

Ban đầu con con tu quán, trải qua hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở ra vào qua mũi như làn khói trắng, thân tâm bên trong sáng suốt viên mãn đồng như thế giới. Khắp nơi thanh tịnh như ngọc lưu ly. Tướng khói dần dần tiêu mất. Hơi thở trong mũi trở nên màu trắng.

Giảng giải:

Tôn-đà-la Nan-đà tiếp tục trình bày: Khi con hành trì theo phương pháp nầy, Ban đầu con con tu quán, trải qua hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở ra vào qua mũi như làn khói trắng. Con tập trung sức chú ý vào choý mũi. Sau hai mươi mốt ngày, hơi thở giống như khói, thân tâm bên trong sáng suốt viên mãn đồng như thế giới. Bên trong như có ánh sáng và con thấy rõ những gì đang diễn ra trong các cõi giới, đến mức thấy khắp nơi thanh tịnh như ngọc lưu ly. Thân tâm của con và thế giới trở thành rỗng không và thuần một thể thanh tịnh. Tất cả đều rõ ràng rỗng suốt như ngọc lưu ly. Hơi thở nơi mũi con biến thành màu trắng, nhưng nó dần dần giảm đi. Tướng khói dần dần tiêu mất. Hơi thở trong mũi trở nên màu trắng. Từ sự quán tưởng hằng ngày như vậy, hơi thở con trở nên trắng như điểm sáng trắng trên chót mũi của con.

Kinh văn:

心開漏盡。諸出入息化為光明。照十方界得阿羅漢。世尊記我當得菩提。

Tâm khai lậu tận, chư xuất nhập tức hoá vi quang minh, chiếu thập phương giới. Đắc A-la-hán, Thế Tôn ký ngã đương đắc bồ-đề.

Việt dịch:

Tâm được khai ngộ, các lậu hết sạch, hơi thở ra vào hoá thành hào quang chiếu khắp mười phương thế giới. Con chứng quả A-la-hán. Thế tôn thọ ký cho con sẽ thành tựu quả vị bồ-đề.

Giảng giải:

Tâm được khai ngộ, các lậu hết sạch. Khi hơi thở của con trở nên màu trắng, tâm con bỗng nhiên được giác ngộ, sạch hết mọi lậu hoặc. Mỗi hơi thở ra vào hoá thành hào quang chiếu khắp mười phương thế giới. Con chứng quả A-la-hán. Ban đầu hơi thở của con giống như khói, rồi nó trở thành màu trắng như điểm sáng trắng trên chót mũi, và cuối cùng nói biến thành hào quang! Ánh sáng chiếu khắp pháp giới trong mười phương. Thế tôn thọ ký cho con sẽ thành tựu quả vị bồ-đề. Đức Phật bảo rằng trong tương lai, con chắc chắn sẽ thành Phật.

Kinh văn:

佛問圓通。我以銷息,息久發明。明圓滅

漏斯為第一 。

Phật vấn viên thông, ngã dĩ tiêu tức, tức cửu phát minh. Minh viên diệt lậu, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, con dùng phép nhiếp niệm vào hơi thở, dừng lặng lâu ngày nên phát ra sáng suốt. Sự sáng suốt viên mãn, trừ sạch các lậu hoặc, đó là phương pháp hay nhất.

Giảng giải:

Tôn-đà-la Nan-đà trình bày rằng pháp tu tị thức là thù thắng hơn cả. Đối với ông ta, đó là phương pháp hay nhất.

---o0o---

VIÊN THÔNG THIỆT THỨC

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử

Kinh văn:

富樓那彌多羅尼子即從座起。頂禮佛足而白佛言。我曠劫來辯才無礙。宣說苦空深達實相。如是乃至恒沙如來。祕密法門我於眾中。微妙開示得無所畏。

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử tức tòng toà khởi. Đảnh lễ Phật túc nhi bạch Phật ngôn. Ngã khoáng kiếp lai biện tài vô ngại. Tuyên thuyết khổ không, thâm đạt thật tướng. Như thị nãi chí hằng sa Như Lai bí mật pháp môn, ngã ư chúng trung vi diệu khai thị, đắc vô sở uý.

Việt dịch:

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp đến nay được biện thuyết không ngại. Con tuyên thuyết các pháp khổ, không, thâm đạt tướng chân thật. Như thế cho đến các pháp môn bí mật của Như Lai nhiều như cát sông Hằng, con đều dùng phương tiện khai thị ở trong chúng. Con đạt được sức vô uý.”

Giảng giải:

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử (Purnamaitreyaniputra) là tên gọi theo họ cha và họ mẹ. Phú-lâu-na (Pūrṇa) có nghĩa là Mãn-滿 đó là họ của cha. Di-đa-la-ni–Maitreyani có nghĩa là Từ慈; Putra có nghĩa là con (子tử). Thế nên tên của ngài có nghĩa là con trai của người có lòng từ rộng lớn.

Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp đến nay được biện thuyết không ngại.

Có bốn loại biện tài vô ngại:

Pháp vô ngại biện法無礙辯: có năng lực giảng nói các pháp một cách viên dung vô ngại.

Nghĩa vô ngại biện義無礙辯: có khả năng gỉang nói nghĩa lý các pháp dung thông vô ngại.

Từ vô ngại biện 辭無礙辯: Có năng lực sử dụng một câu, một lời nói, mà diến bày vô lượng nghĩa lý mầu nhiệm một cách vô ngại. Lại có khả năng đem vô lượng diệu nghĩa quy nạp thành trong một lời nói, một câu chữ

Nhạo thuyết vô ngại biện 樂說無礙辯: Có năng lực tuỳ thuận niềm hỷ lạc của mọi chúng sinh, khéo léo dùng các phương tiện để thuyết pháp cho mọi người nghe mà không mệt mỏi nhàm chán.

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử không giống như Châu-lợi Bàn-đà đã từ chối giảng pháp khi mình đã là một vị Tam tạng Pháp sư. Và quả báo là ông ta đã bị ngu đần. Phú-lâu-na không như vậy, rất hoan hỷ trong việc giảng pháp.

Con tuyên thuyết các pháp khổ, không, thâm đạt tướng chân thật.

Ngài giảng giải rõ ràng về bản chất vô thường, khổ, không, vô ngã của các pháp. Cho đến giải thích rõ ràng diệu lý chân như thực tướng của các pháp, thực tướng tức là vô tướng, nhưng chẳng có pháp nào là chẳng có tướng.

Như thế cho đến các pháp môn bí mật của Như Lai nhiều như cát sông Hằng, con đều dùng phương tiện khai thị ở trong chúng.

Phú-lâu-na có thể giảng nói về các pháp bí mật vi diệu của Như Lai và khiến cho họ thâm nhập nghĩa lý sâu mầu.

Con đạt được sức vô uý. Con đã thành tựu được năng lực nhạo thuyết biện tài và vô uý.

Kinh văn:

世尊知我有大辯才。以音聲輪教我發揚。我於佛前助佛轉輪。因師子吼成阿

羅漢。世尊印我說法無上。

Thế Tôn tri ngã hữu đại biện tài, dĩ âm thanh luân, giáo ngã phát dương. Ngã ư Phật tiền trợ Phật chuyển luân, nhân sư tử hống thành A-la-hán. Thế Tôn ấn ngã thuyết pháp vô thượng.

Việt dịch:

Thế tôn biết con có tài giảng thuyết, nên dùng pháp luân âm thanh, dạy con tuyên dương chánh pháp. Con theo giúp Phật chuyển pháp luân, nhờ pháp âm như tiếng sư tử mà con thành A-la-hán. Thế tôn ấn chứng cho con là thuyết pháp bậc nhất.

Giảng giải:

Phú-lâu-na thành tựu đạo quả là nhờ thiệt thức–tongue- consciousness. Ngài được như vậy là nhờ siêng năng giảng pháp. Thế nên quý vị thấy, có thể ngộ đạo và chứng quả nhờ siêng năng giảng pháp. Tất cả việc cần làm là quý vị đi sâu vào pháp môn mình đang hành trì. Hãy quyết định dứt khoát một pháp môn và tu tập thật siêng năng. Đừng tán loạn tâm ý khi tu tập, ngày nay áp dụng phương pháp nầy, ngày mai đổi sang pháp môn kia, rồi ngày sau đổi ý, chọn phương pháp khác nữa. Khi thay đổi như vậy, quý vị chỉ phí thời gian vô ích, và quý vị không bao giờ thâm nhập vào một pháp tu nào cả. Quý vị phải chọn dứt khoát một pháp môn và tinh cần công phu vào pháp môn ấy.

Thế tôn biết con có tài giảng thuyết, nên dùng pháp luân âm thanh, dạy con tuyên dương chánh pháp. Không có người nào có thể tranh luận hơn Phú-lâu-na. Khi ngài giảng pháp, âm thanh tròn đầy, vang vọng rất mạnh. Với số đông chừng một ngàn hay một vạn người, cũng chẳng cần micro hay loa phóng thanh, họ vẫn có thể nghe được rất dễ dàng. “Đức Phật dạy con hãy giảng kinh và thuyết pháp.” Con theo giúp Phật chuyển pháp luân, nhờ pháp âm như tiếng sư tử mà con thành A-la-hán. Con sẽ tuyên dương giáo pháp của Đức Phật, lời giảng của con như tiếng gầm của loài sư tử. Khi sư tử rống lên, các sinh vật khác đều sợ hãi.

Khi thiên ma và ngoại đạo nghe tiếng rống nầy, chúng đều quy phục. Thế tôn ấn chứng cho con là thuyết pháp bậc nhất.

Kinh văn:

佛問圓通我以法音。降伏魔怨銷滅諸漏斯為第一 。

Phật vấn viên thông, ngã dĩ pháp âm hàng phục ma oán, tiêu diệt chư lậu, tư vi đệ nhất.

Việt dịch:

Đức Phật hỏi về viên thông, con dùng pháp âm hàng phục ma oán, diệt sạch các lậu hoặc, đó là phương pháp tốt nhất.

Giảng giải:

Đức Phật hỏi về viên thông. Với lời nói, con diễn bày pháp âm hàng phục ma oán. Con hàng phục thiên ma và chuyển hoá ngũ dục, tài sắc danh thực thuỳ. Năm món dục nầy là kẻ cướp lấy sạch tài sản quý baú của con người. Theo phương pháp nầy, con diệt sạch các lậu hoặc, đó là phương pháp tốt nhất. Con dùng thiệt thức, con tuyên bày diệu pháp. Đây là phương pháp thù thắng nhất.






[i] . Dhūta: có nghĩa là Trừ khử pháp trần cấu. Hán dịch: Khí trừ, sa thải. Còn có nghĩa là Đầu đà hạnh, đầu-đà công đức (dhūta-guṇa). Sắp xếp thứ tự trong bản nầy có thay đổi so với các bản khác.




[ii] . S: Aniruddha; p: Anuruddha; tib Ma-ḥgags-pa. 阿耨樓馱. Còn gọi là A-na-luật 阿那律, A-ni-lâu-đà 阿尼樓陀, A-nê-luật-đà阿泥律陀A-nô-luật-đà 阿奴律陀. Ý dịch Vô diệt 無滅, Như Ý 如意, Vô chướng 無障, Vô tham 無貪. Tuỳ thuận nghĩa nhân 隨順義人, Bất tranh hữu vô 不爭有無.




[iii] . Châu-lợi Bàn-đặc-ca; (s: Cūḍapanthaka, Cullapatka, Kṣullapanthaka, Śuddhipaṃthaka; p: Cullapanthaka, Cūḷapanthaka, là con của dòng Bà-la-môn trong thành Xá-vệ, cùng với người anh là Ma-ha Bàn-đặc (Mahāpanthaka) đều là đệ tử Phật. Như vậy Phật Quang Từ Điển ghi nhận Ma-ha Bàn-đặc là anh (周利槃特....後與兄摩訶槃特(s: Mahāpanthaka) 同爲佛陀弟子), Châu-lợi là em. Còn Hoà thượng Tuyên Hoá thì giảng rằng Bàn-đặc-ca là em của Châu-lợi (Hisyounger brother, Kshudrapanthaka, got his name the same way. Panthaka means “born in the same fashion.” ).




[iv] . sniffed




[v] . Lục diệu pháp môn: Sổ tức 數息, Tuỳ tức 隨息, Chỉ tâm止心, Tu quán 修觀, Hoàn 還, Tịnh Lục pháp 淨六法.




[vi] . 圓者中 規,方者中矩 Cái tròn thì hợp với cái quy (để vẽ hình tròn), cái vuông thì hợp với cái củ (để vẽ hình vuông)– (Tuân tử);




[vii] . Gavāṃpati; P: Gavaṃpati; Tib: Ba-laṅ-bdag). Một đệ tử của Đức Phật. Còn phiên âm là Kiều-phạm-bạt-đề 驕梵拔提, Kiêu-phạm-bát-đề 憍梵鉢提, Kiêu-phạm-bát憍梵鉢. Ý dịch là Ngưu chủ牛主, Ngưu Vương牛王, Ngưu Vương Nhãn牛王眼, Ngưu Tích牛迹, Ngưu Tướng牛相. Ngài nhận Xá-lợi-phất làm Thầy.




[viii] . Sa-môn: S: śramaṇa; p: samaṇa; t: dge-sbycṅ; Gọi chung những người xuất gia tu đạo, cạo bỏ râu tóc, không làm những điều ác, siêng năng làm các điều thiện, điều phục, chế ngự thân tâm, cho đến khi chứng đạt niết-bàn. Phiên âm là sa-văn-na, tang-môn桑門. Hán dịch là Cần lao 勤勞, Tức chỉ 息止, Tịnh chí 靜志, Cần tức勤息, Tu đạo 修道, Phạp đạo 乏道




[ix] . S: Pilinda-vatsa、Pilindavaśa; p: Pilinda-vaccha、pilindiya-vaccha,; t: Pi-lin-daḥi bu). Đệ tử của Đức Phật. Phiên âm là Tất-lăng-già Phiệt-tha 畢陵伽筏蹉, Tất-lan-đà Phiệt-tha畢蘭陀筏蹉, Tỉ-lợi-đà Bà-giá 比利陀婆遮。Gọi lược là Tất-lăng-già 畢陵迦,Tất-lăng 畢陵。 Ý dịch Dư tập 余習, Ác khẩu 惡口。Tất-lăng-già là họ, Bà-tha là tên. Ngài là người dòng dõi Bà-la-môn ở thành Xá-vệ。Ban đầu học chú thuật, được phép ẩn thân. Sau gặp Đức Phật liền mất hết công lực của chú đó, bèn xuất gia làm đệ tử Phật.


[x] . S: Mahakaushthila, Tức Trường trảo Phạm chí 長爪梵志 (s: Dirghanakhabrahmacārin).




[xi] . S: Aśvajit; p: Assaji. Phiên âm A-thuyết-thị.




[xii] . 沙然梵志 (s: Sañjayavairaṭṭiputra). Tức 刪闍耶毘羅胝子)




[xiii] . Bản chép khác: 諸法從因生,諸法從因 滅,我佛大沙門常作如是說’(BKPGTT)




[xiv] . Bản tiếng Hán của VPTT ghi là anh em Ca-diếp-ba nói bài kệ: Nhất thiết chư pháp bản, Nhân duyên sanh vô chủ, Nhược năng giải thử giả, tắc đắc chân thật đạo.

一切諸法本,因緣生無主,若能解此者,則得真實道.

Bản tiếng Anh thì ghi là họ cùng bàn luận về nhân duyên và Mã Thắng nói bài kệ: Nhân duyên sở sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không. Thị danh vi giả danh, diệc danh trung đạo nghĩa.

因緣所生法 我說即是空 是名為假名 亦名中道義.




[xv] . S;p: Nanda. Ý dịch là Hoan hỷ 歡喜, Gia lạc 嘉樂. Em cùng cha khác mẹ với Đức Phật,sau xuất gia làm đệ tử của Đức Phật, được tôn xưng là bậc biết điều hoà các căn đệ nhất. Vì để phân biệt với Mục ngưu Nan-đà 牧牛難陀 mà ngài được gọi là Tôn-đà-la Nan-đà 孫陀羅難陀 (s: Sundara-nanda). Sau khi xuất gia, khó quên người vợ đẹp là Tôn-đà-lợi 孫陀利 (s: Sundarī) nên thường về nhà. Đức Phật dùng nhiều phương tiện răn dạy ngài mới đoạn được ái dục và chứng quả A-la-hán. Ngài Mã Minh đã theo chuyện này mà sáng tác tác phẩm Tôn-đà-la Nan-đà thi 孫陀羅難陀詩 ; s: Sundarananda-kāvya.

No comments:

Post a Comment