Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (26)



Kinh văn:



諸佛如來菩提涅槃,亦復如是。



Chư Phật Như Lai bồ-đề niết-bàn, diệc phục như thị.



Việt dịch:



Bồ-đề niết-bàn của chư Phật và các Đức Như Lai cũng đều như vậy.



Giảng giải:



Chư Phật và các Đức Như Lai trong mười phương–ở đây có hai danh hiệu được dùng vì sự trang trọng. Bồ-đề và niết-bàn có ý nghĩa giống nhau về mục tiêu của sự tu tập. “Bồ-đề” là quý vị giác ngộ, và “niết-bàn” là có đủ bốn đức.[i]



Cũng giống như vàng ròng lẫn trong khoáng chất. Khi còn là chúng sinh, cũng giống như vàng ròng lẫn trong khoáng chất chưa được tinh luyện. Khi đã thành Phật rồi, tức là từ vàng quặng đã trở thành vàng ròng. Và vàng ròng không còn pha tạp lẫn lộn với những thứ tạp chất kim loại khác nữa.



Khi thành Phật cũng giống như tro, chúng sinh giống như cây gỗ. Cây gỗ có thể đốt thành tro, nhưng tro không thể trở thành cây gỗ được. Bồ-đề và niết-bàn của chư Phật trong mười phương, là quả vị Phật, cũng giống như vậy. Không thể trở lại những gì như trước đây được.





---o0o---
CHƯƠNG 2 - SỰ DUNG THÔNG CỦA CÁC ĐẠI CHỦNG



Kinh văn:



富樓那,又汝問言。地水火風本性圓融周遍法界, 疑水火性不相陵滅。又徵虛空及諸大地。俱遍法界不合相容。



Phú-lâu-na, hựu nhữ vấn ngôn, địa thủy hỏa phong bổn tánh viên dung, châu biến pháp giới, nghi thủy hỏa tánh bất tương lăng diệt. Hựu trưng hư không cập chư đại địa, câu biến pháp giới, bất hiệp tương dung.



Việt dịch:



Phú-lâu-na, ông lại hỏi rằng, tánh của đất nước lửa gió vốn là viên dung, trùm khắp pháp giới, ông nghi tại sao tánh lửa và tánh nước lại không xâm đoạt lẫn nhau. Ông lại nêu ra hư không và đất liền trùm khắp pháp giới, lẽ ra nó không dung hợp với nhau.



Giảng giải:



Phú-lâu-na, ông lại hỏi rằng, tánh của đất nước lửa gió vốn là viên dung, trùm khắp pháp giới. Ông bảo rằng, “Nơi nào có nước, thì nơi ấy không có lửa, và nơi nào có lửa, thì nơi ấy không có nước. Tánh của nước và lửa không dung hợp nhau.”



Quý vị nên biết rằng nước lửa và các chất khác đều có một thể tánh, tuy nhiên, chúng ta không thể nào suy lường mà biết được. Cũng như quý vị mỗi người đều có tính chất khác biệt nhau. Nước có tính chất của nước, lửa có tính chất của lửa, mắt thường của quý vị không thể nào nhìn thấy được vấn đề nầy. Khi nó đã thành lửa rồi, chúng ta mới thấy được nó, nhưng khi nó chưa thành lửa, tánh chất của lửa vẫn hiện hữu ở đó. Tương tự như tánh nước. Tánh nước cũng có trong khắp cả pháp giới. Vì khi có ánh sáng mặt trời, chúng ta vẫn có thể dùng kính lúp để lấy được lửa, và dưới mặt trăng chúng ta vẫn có thể lấy nước,[ii] vì thể tánh của các chất nầy vẫn hiện hữu trong hư không. Quý vị thấy hư không vốn trống rỗng, nhưng thực ra nó được chất đầy bởi vô số các hiện tượng. Và hư không chính là pháp giới. Tuy nhiên, Phú-lâu-na không hiểu rằng tại sao tánh của nước và lửa lại cùng lúc trùm khắp cả pháp giới.



“Phú-lâu-na, ông nghi tại sao tánh lửa và tánh nước lại không xâm đoạt lẫn nhau. Ông lại nêu ra hư không và đất liền trùm khắp pháp giới, lẽ ra nó không dung hợp với nhau. ‘Hư không là hư không,’ ông lý luận, ‘và nếu ở đó có hư không thì sẽ không có đất. Đất là vật cứng chắc, ngăn ngại, thế nên sẽ không có chút nào hư không trong đó cả. Nếu hư không trùm khắp pháp giới thì trong đó sẽ không có đất. Nếu đất trùm khắp pháp giới thì trong đó sẽ không có hư không.’” Đức Phật lập lại mối nghi của Phú-lâu-na.



Kinh văn:



富樓那,譬如虛空,體非群相,而不拒彼諸相發揮。



Phú-lâu-na, thí như hư không, thể phi quần tướng, nhi bất cự bỉ chư tướng phát huy.



Việt dịch:



Phú-lâu-na, ví như hư không, bản thể của nó không phải là các tướng, nhưng hư không chẳng ngăn ngại các tướng ấy hiện hữu trong nó.



Giảng giải:



Phú-lâu-na, có một ví dụ để giải thích đạo lý nầy, ví như hư không, bản thể của nó không phải là các tướng, nhưng hư không chẳng ngăn ngại các tướng ấy hiện hữu trong nó. Vốn trong hư không là chẳng có thứ gì hết, nhưng dù thể tánh của nó không có bất kỳ hình tướng gì, thì nó vẫn không ngăn trở sự sinh khởi tự nhiên của các hiện tượng.



Kinh văn:



所以者何? 富樓那,彼太虛空日照則明。雲屯則暗風搖則動。霽澄則清氣凝則濁。土積成霾,水澄成映。



Sở dĩ giả hà? Phú-lâu-na, bỉ thái hư không nhật chiếu tắc minh, vân đồn tắc ám, phong dao tắc động, tế trừng tắc thanh, khí ngưng tắc trược, thổ tích thành mại, thủy trừng thành ánh.



Việt dịch:



Vì sao như vậy? Phú-lâu-na, nơi hư không kia khi mặt trời lên thì chiếu sáng, khi mây kéo đến thì u ám, khi gió chuyển thì lay động, khi trời tạnh thì trong xanh, khi khí ngưng tụ thì mờ đục, bụi nổi thì mù, nước lắng trong thì phản chiếu.



Giảng giải:



Vì sao như vậy? Phú-lâu-na, nơi hư không kia khi mặt trời lên thì chiếu sáng, khi mây kéo đến thì u ám, khi gió chuyển thì lay động, khi trời tạnh thì trong xanh. Điều nầy xảy ra sau một cơn mưa, khi cảnh vật thấm nhuận ánh sáng trong lành. Khi khí ngưng tụ thì mờ đục, bụi nổi thì mù, nước lắng trong thì phản chiếu. Thế nên trong hư không rộng lớn, vốn chẳng có thứ gì cả, nhưng các hiện tượng đều được phép trình hiện trong đó mà không bị ngăn ngại từ mỗi phần của hư không. Cũng giống như mọi hiện tượng lưu xuất từ Như Lai tạng, trong đó vốn rỗng rang, không có các hiện tượng, thế mà bảy đại chủng,[iii] năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới đều có trong tánh Như Lai tạng, mà tánh Như Lai tạng không hề có sự cản trở sự sinh khởi của các hiện tượng ấy.



Kinh văn:



於意云何如是殊方諸有為相。為因彼生為復空有。若彼所生。富樓那且日照時既是日明。十方世界同為日色。云何空中更見圓日。若是空明空應自照。云何中宵雲霧之時,不生光耀。



Ư ý vân hà? Như thị thù phương chư hữu vi tướng, vi nhân bỉ sanh, vi phục không hữu? Nhược bỉ sở sanh, Phú-lâu-na, thả nhật chiếu thời, ký thị nhật minh. Thập phương thế giới đồng vi nhật sắc. Vân hà không trung cánh kiến viên nhật? Nhược thị không minh, không ưng tự chiếu. Vân hà trung tiêu vân vụ chi thời, bất sinh quang diệu?



Việt dịch:



Ý ông nghĩ sao? Các tướng hữu vi ở mỗi nơi khác nhau, nhân các cái kia mà sanh, hay nhân hư không mà có? Phú-lâu-na, nếu như nhân các thứ kia mà sanh ra, thì khi mặt trời lên, mặt trời đã chiếu sáng, mười phương thế giới đều thành sắc của mặt trời. Làm sao giữa hư không còn thấy mặt trời tròn? Nếu là hư không sáng, thì hư không phải tự soi lấy, làm sao lúc giữa đêm mây mù, lại không sinh ra sáng chói?



Giảng giải:



Phú-lâu-na, ý ông nghĩ sao về việc nầy? Ý ông nghĩ sao? Các tướng hữu vi ở mỗi nơi khác nhau, nhân các cái kia mà sanh, hay nhân hư không mà có? Phú-lâu-na–nếu bảy tướng tự sinh khởi, thì hãy lấy mặt trời làm thí dụ. Nếu như nhân các thứ kia mà sanh ra, thì khi mặt trời lên, mặt trời đã chiếu sáng, mười phương thế giới đều thành sắc của mặt trời. Tất cả các quốc độ sẽ giống như mặt trời và có khả năng chiếu sáng. Làm sao giữa hư không còn thấy mặt trời tròn? Lại nữa, Nếu là hư không sáng, thì hư không phải tự chiếu soi lấy. Nếu ánh sáng không phát xuất từ mặt trời, mà từ hư không, thì hư không lẽ ra vốn tự nó phải chiếu sáng. Làm sao lúc giữa đêm mây mù, lại không sinh ra sáng chói? Hư không chẳng phát ra ánh sáng hoặc có khả năng chiếu sáng.



Kinh văn:



當知是明,非日非空,不異空日。



Đương tri thị minh, phi nhật phi không, bất dị không nhật.



Việt dịch:



Nên biết cái sáng đó, chẳng phải là mặt trời, chẳng phải là hư không, cũng chẳng khác hư không và mặt trời.



Giảng giải:



Phú-lâu-na, ông nên biết chức năng phát ra cái sáng đó, chẳng phải là mặt trời, nó không nhất thiết phải xuất phát từ mặt trời, cũng không nhất thiết xuất phát từ hư không. Nhưng nó cũng là một dạng chẳng khác hư không và mặt trời. Nó chẳng ngoài hai thứ đó. Rốt ráo, nó đến từ đâu? Nó lưu xuất từ tánh Như Lai tạng.



Kinh văn:



觀相元妄,無可指陳。猶邀空花,結為空果。云何詰其相陵滅義。



Quán tướng nguyên vọng, vô khả chỉ trần. Do yêu không hoa, kết vi không quả. Vân hà kết kỳ tương lăng diệt nghĩa[iv]?



Việt dịch:



Xét về tướng vốn là vọng, không thể chỉ bày. Như muốn hoa đốm giữa hư không kết thành quả của hư không. Làm sao còn hỏi về nghĩa xâm diệt lẫn nhau?



Giảng giải:



Nhìn về phương diện sinh khởi của hình tướng, như đã nói ở trước, một bóng của mặt trời biến thành hai. Đó là ảnh trần hư vọng, do mê mờ mà thấy có, tựa như có mà không thật có, vì không thể nào chỉ bày ra được. Giống như hoa đốm giữa hư không, vốn không có thật, nếu cứ truy hỏi về sự lấn diệt của nó, thì cũng giống như mong cầu không hoa ấy xuất hiện trở lại, rồi kết thành quả hư không. Thật là trên cái mê gắn thêm cái mê.



Kinh văn:



觀性元真唯妙覺明。妙覺明心,先非水火。云何復問不相容者?



Quán tánh nguyên chân, duy diệu giác minh, Diệu giác minh tâm, nguyên phi thủy hoả. Vân hà phục vấn bất tương dung giả[v]?



Việt dịch:



Quán về tánh, vốn là chân, chỉ là tánh diệu giác minh. Tánh diệu giác minh, vốn chẳng phải là lửa, là nước. Làm sao còn hỏi về nghĩa không dung được nhau?



Giảng giải:



Khi quán chiếu sâu vào tánh Như Lai tạng, thấy xưa nay vốn là chân, hoàn toàn không có một vọng tưởng nào. Trong đó duy chỉ có tánh diệu giác viên minh chân thật. Xưa nay vốn chẳng có các tướng đất nước, lửa, gió; chỉ vì trong tánh Như Lai tạng vốn có đầy đủ tất cả các pháp, đầy đủ tất cả tánh năng. Tuy đầy đủ các pháp: năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, đều có đủ tất cả công năng, nhưng đều cùng nhau tương hợp an ổn vô sự, mỗi tướng đều được an lập nơi phần vị của mình, không có sự xâm đoạt, lấn diệt lẫn nhau. Khi đã rõ rồi, thì sẽ không cần phải hỏi về chuyện các hiện tượng có dung hợp nhau trong tánh Như Lai tạng.



Kinh văn:



真妙覺明亦復如是。汝以空明則有空現。地水火風各各發明則各各現。若俱發明,則有俱現。



Chân diệu giác minh diệc phục như thị. Nhữ dĩ không minh, tắc hữu không hiện. Địa thủy hoả phong, các các phát minh, tắc các các hiện. Nhược câu phát minh, tắc hữu câu hiện.



Việt dịch:



Tánh diệu giác minh chân thật cũng như vậy. Nếu ông phát minh hư không, thì có hư không hiện ra. Nếu ông phát minh đất, nước, lửa, gió, thì mỗi thứ đều hiện ra. Nếu cùng phát minh các hiện tượng, thì tất cả cùng hiện ra.



Giảng giải:



Tánh diệu giác minh chân thật, tức là thường trú chân tâm tánh tỉnh minh thể cũng như vậy. Nếu ông phát minh hư không, thì có hư không hiện ra. Nếu ông phát minh đất, nước, lửa, gió, thì mỗi thứ đều hiện ra. Nếu ông tạo ra nhân duyên khiến phát sinh một hoặc các yếu tố: đất, nước, lửa, gió, thì mỗi thứ ấy đều được hiện ra. Nếu cùng phát minh các hiện tượng, thì tất cả cùng hiện ra. Nếu cùng lúc tạo ra nhân duyên khiến phát sinh tất cả, thì tất cả các đại chủng ấy đều hiện ra. Chẳng hạn, một người có thể nghĩ đến–có nghĩa là có trong mình–lửa trong mặt trời và nước từ trong hạt châu cùng một lúc.



Kinh văn:



云何俱現? 富樓那,如一水中現於日影,兩人同觀水中之日。東西各行,則各有日。隨二人去一東一西,先無准的。



Vân hà câu hiện? Phú-lâu-na, như nhất thủy trung hiện ư nhật ảnh, lưỡng nhân đồng quán thủy trung chi nhật. Đông tây các hành, tắc các hữu nhật. Tuỳ nhị nhân khứ nhất đông nhất tây, tiên vô chuẩn đích.



Việt dịch:



Thế nào là cùng hiện ra? Phú-lâu-na, như trong chỗ có nước hiện ra bóng mặt trời, có hai người cùng xem mặt trời hiện trong nước. Rồi mỗi người đi về mỗi hướng đông tây khác nhau, ắt là họ đều thấy có mặt trời theo mình. Theo hai người cùng đi, một về hướng đông, một về hướng tây, không có chuẩn đích nhất định.



Giảng giải:



Thế nào là cùng hiện ra? Phú-lâu-na, như trong chỗ có nước hiện ra bóng mặt trời, có hai người cùng xem mặt trời hiện trong nước. Nếu nước trong lặng, bóng của mặt trời sẽ hiện ra trong đó. Người ta sẽ thấy có một bóng của mặt trời hiện ra trong nước. Rồi mỗi người đi về mỗi hương đông tây khác nhau, ắt là họ đều thấy có mặt trời theo mình. Theo hai người cùng đi, một về hướng đông, một về hướng tây. Khi hai người cùng đứng gần nhau, họ thấy chỉ có một mặt trời. Khi họ rời xa nhau, lại thấy có hai mặt trời cùng đi theo hai người. Không có chuẩn đích nhất định. Thế cái nào chân thật, cái nào hư vọng? Hai mặt trời nầy xuất hiện một cách bất ngờ. Không ai biết trước sẽ có hơn một mặt trời.



Kinh văn:



不應難言,此日是一云何各行?各日既雙,云何現一。宛轉虛妄無可憑據.



Bất ưng nạn ngôn, thử nhật thị nhất, vân hà các hành? Các nhật ký song, vân hà hiện nhất? Uyển chuyển hư vọng, vô khả bằng cứ.



Việt dịch:



Nên không thể gạn hỏi rằng, mặt trời ấy chỉ là một, tại sao khi mỗi người đi đều có mặt trời đi theo? Mặt trời đã thành hai, tại sao trước kia chỉ hiện ra một? Hư vọng quanh quẩn như vậy, chẳng có gì để làm bằng cứ.



Giảng giải:



Ông không nên gạn hỏi rằng, mặt trời ấy chỉ là một, tại sao khi mỗi người đi đều có mặt trời đi theo? Mặt trời đã thành hai, tại sao trước kia chỉ hiện ra một? Ông cứ truy hỏi như vậy, chỉ là hư vọng quanh quẩn, chẳng có gì để làm bằng cứ. Thực tế chẳng có cơ sở nào cả. Quý vị có thể nói chỉ có một mặt trời, nhưng tại sao nó lại đi theo hai người? Có thể quý vị muốn nói là có hai mặt trời, vì cơ bản nó không chỉ là một. Nhưng làm sao mà có hai mặt trời được? Ngay cả một cũng là hư vọng. Thế nên mọi lý lẽ đều là vô căn cứ.[vi]



Kinh văn:



富樓那,汝以色空, 相傾相奪於如來藏。而如來藏,隨為色空周遍法界。



Phú-lâu-na, nhữ dĩ sắc không, tương khuynh tương đoạt ư Như Lai tạng. Nhi Như Lai tạng, tùy vị sắc không châu biến pháp giới.



Việt dịch:



Phú-lâu-na, ông lấy cái sắc không khuynh loát, xâm đoạt nhau trong Như Lai tạng, thì Như Lai tạng sẽ cùng theo ông làm sắc, làm không hiện khắp cả pháp giới.



Giảng giải:



Phú-lâu-na, ông lấy cái sắc không khuynh loát, xâm đoạt nhau trong Như Lai tạng. “Ông” ở đây không chỉ nói riêng cho Phú-lâu-na, mà cho cả quý vị và tôi cùng đại chúng đang ở đây cùng tham cứu Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Quý vị nghĩ rằng sắc và không xâm đoạt lẫn nhau, khuynh loát lẫn nhau trong tánh Như Lai tạng. Như thế thì Như Lai tạng sẽ cùng theo ông làm sắc, làm không, hiện khắp cả pháp giới. Vì đó là những gì quý vị đang nghĩ đến, và đó cùng là những gì đang biến hiện khắp cả pháp giới.



Kinh văn:



是故於中,風動空澄,日明雲暗。眾生迷悶,背覺合塵。故發塵勞,有世間相。



Thị cố ư trung, phong động không trừng, nhật minh vân ám. Chúng sanh mê muộn, bối giác hợp trần. Cố phát trần lao, hữu thế gian tướng.



Việt dịch:



Thế nên trong ấy, gió thì động, hư không thì tĩnh lặng, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối. Chúng sinh mê lầm, trái ngược tánh giác, hợp với trần cảnh. Nên phát ra trần lao và các tướng thế gian.



Giảng giải:



Thế nên–do vì sắc và không tương tục xâm đoạt lẫn nhau trong tánh Như Lai tạng, trong đó sinh khởi tác dụng cùng với các tướng hữu vi. Do các nguyên nhân nầy, mà sắc và không trở thành hiện hữu, tướng và dụng của nó trùm khắp cả pháp giới. Trong ấy, trong tánh Như Lai tạng, gió thì động, hư không thì tĩnh lặng, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối. Nguyên nhân là do chúng sinh mê lầm. Ở trong chỗ vô số hiện tượng ấy, chúng sinh trở nên mê lầm. Họ không nhận ra được đạo lý về chân tâm, nên họ bị mê muội. Do vậy, nên trong chân tâm (phần chân) của tánh Như Lai tạng đã sinh khởi nên tam tế lục thô.



Nhất niệm bất giác sinh tam tế. 一念不覺生三細



Cảnh giới vi duyên trưởng lục thô. 景界為緣長六粗



Như tôi đã giải thích ở trên, tam tế là nghiệp tướng, chuyển tướng và hiện tướng. Lục thô là trí tướng, tương tục tướng, chấp thủ tướng, kế danh tự tướng, khởi nghiệp tướng và khổ hệ nghiệp tướng. Một khi chúng sinh đã phát khởi lên những tướng nầy, họ liền bị mê mờ. Một khi đã mê mờ, thì họ trái ngược tánh giác, hợp với trần cảnh. Họ quay lưng lại với giác tánh và thích dính mắc với sáu trần. Đây là vì họ nghĩ rằng, trong tánh Như Lai tạng có sự xung đột lẫn nhau. Do vậy nên họ quay lưng lại với tánh giác và hợp với cảnh trần. Nên phát ra trần lao và các tướng thế gian. Núi sông đất liền và sự tương tục của thế giới trở thành hiện hữu.



Kinh văn:



我以妙明,不滅不生,合如來藏, 而如來藏唯妙覺明圓照法界。



Ngã dĩ diệu minh bất diệt bất sinh, hiệp Như Lai tạng, nhi Như Lai tạng, duy diệu giác minh, viên chiếu pháp giới.



Việt dịch:



Như Lai dùng tánh giác diệu minh bất sinh bất diệt hiệp cùng Như Lai tạng, thì Như Lai tạng chỉ thuần là tánh giác diệu minh, chiếu khắp cả pháp giới.



Giảng giải:



Với tánh giác diệu minh diệu giác minh tâm bất sinh bất diệt. Như Lai, đây chính là Đức Phật tự xưng khi giảng kinh cho chúng đệ tử– hiệp cùng Như Lai tạng, thì Như Lai tạng chỉ thuần là tánh giác diệu minh, trong đó đơn thuần chỉ có diệu giác minh tâm–vốn chiếu khắp cả pháp giới, toả chiếu khắp tất cả mọi nơi chốn.



Kinh văn:



是故於中, 一為無量, 無量為一, 小中現大, 大中現小。



Thị cố ư trung, nhất vi vô lượng, vô lượng vi nhất, tiểu trung hiện đại, đại trung hiện tiểu.



Việt dịch:



Cho nên trong ấy, một là vô lượng, vô lượng là một, trong cái nhỏ hiện ra cái lớn, trong cái lớn hiện ra cái nhỏ.



Giảng giải:



Cho nên trong ấy, trong tánh Như Lai tạng, một là vô lượng, vô lượng là một, trong cái nhỏ hiện ra cái lớn, trong cái lớn hiện ra cái nhỏ.



Lớn và nhỏ không ngăn ngại nhau; một và nhiều không cản trở nhau. Quý vị cũng có thể hiểu rằng một là biểu tượng cho tánh Như Lai tạng, có thể biểu hiện ra vô số hiện tượng. Và vô số các hiện tượng ấy lại hoàn toàn quay trở lại trong tánh Như Lai tạng. Một ở đây có thể chỉ cho nhất tâm, mà các hiện tượng đều lưu xuất từ nhất tâm ấy. Tâm chứa vô số hiện tượng. Chân tâm chính là tánh Như Lai tạng, tánh Như Lai tạng chính là chân tâm. Quý vị không thể nào dùng cái hiểu biết hạn cuộc của người phàm phu mà biết được diệu giác minh tâm với sự chuyển hoá bất khả tư nghì của nó. Ông không thể nào hoàn toàn biết được.



Kinh văn:



不動道場遍十方界。身含十方無盡虛空。於一毛端現寶王剎。坐微塵裏轉大法輪。滅塵合覺,故發真如妙覺明性。



Bất động đạo tràng biến thập phương giới. Thân hàm thập phương vô tận hư không. Ư nhất mao đoan hiện bảo vương sát. Tọa vi trần lí chuyển đại pháp luân. Diệt trần hợp giác, cố phát chân như diệu giác minh tánh.



Việt dịch:



Đạo tràng bất động cùng khắp cõi giới mười phương. Thân bao trùm cả hư không vô tận khắp mười phương. Ở trên đầu một mảy lông mà hiện ra cõi Bảo vương. Ngồi trong vi trần mà chuyển bánh xe đại pháp. Diệt trần tướng, khế hợp tánh giác, nên phát ra tánh giác chân như sáng suốt nhiệm mầu.



Giảng giải:



Đạo tràng bất động cùng khắp cõi giới mười phương. Câu kinh nầy nói đến pháp thân của Phật nơi đạo tràng, không lay động mà biến khắp các cõi giới trong mười phương. Thân bao trùm cả hư không vô tận khắp mười phương. Không chỉ trùm khắp cõi nước của chư Phật mà còn trùm khắp cả hư không giới.



“Thế nếu hư không bị trùm khắp, thì nó có không còn là hư không nữa chăng? Nó có làm cho hư không bị lấp nghẽn hay không?” Không! Trùm khắp vô tận hư không mười phương pháp giới chính là pháp thân, vốn không có hình tướng.



Ở trên đầu một mảy lông mà hiện ra cõi Bảo vương. Đây quả thực là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Tất cả các cõi giới của chư Phật đều hiện ra trên đầu một mảy lông. Đây chính là nguyên lý cái nhiều không làm nhăn ngại cái một, cái chung không ngăn ngại cái riêng. Cũng tức là lý sự vô ngại. Sợi lông tức chỉ cho phàm thân, tức chính báo, là rất nhỏ. Cõi nước của chư Phật tức y báo, là vô cùng rộng lớn. Thế nên nói trong phần nhỏ nhất của chánh báo–tức đầu sợi lông–hiện ra cái lớn lao vô cùng vô tận của y báo–quốc độ Phật. Trong cái nhỏ hiện ra cái lớn là vậy.



Ngồi trong vi trần mà chuyển bánh xe đại pháp. Vi trần ở đây là chỉ cho ‘lân hư trần,’ bằng một phần bảy (1/7) của cái chính báo nhỏ nhất. Trên đó hiện ra thân Phật, to lớn vĩ đại, chuyển pháp luân để giáo hoá chúng sinh. Như vậy, trong cái nhỏ hiện ra cái lớn. Trong cái lớn hiện ra cái nhỏ. Rốt ráo tại sao có thể xảy ra điều ấy được? Tất cả là do diệu dụng của Phật pháp, là cái nháy mắt của Phật tánh.



Một ví dụ khác của trong cái nhỏ hiện ra cái lớn là khi chúng ta dùng tấm kính để phản chiếu cảnh từ xa hằng dặm. Để biết được tình trạng nầy, quý vị phải thể nhập được giáo lý sự lý viên dung vô ngại và sự sự viên dung vô ngại. Đó chính là ý nghĩa của “một tức vô lượng, vô lượng tức một” đã giảng giải ở trên. Điều ấy cũng liên quan đến ý nghĩa của đà-la-ni (tổng trì),[vii] có nghĩa là “tổng nhất thiết pháp và trì nhất thiết nghĩa.” Và nghĩa nầy thể hiện từ đâu? Trong Phật tánh. Sau khi quý vị nghe giảng kinh nhiều lần, đến lúc tự nhiên quý vị sẽ nhận ra giáo lý nầy. Giáo lý nầy vi diệu không thể nghĩ bàn đến mức bây giờ tôi muốn giảng giải cho quý vị thật kỹ.



Đức Phật dạy rằng, ngồi trong vi trần mà chuyển đại pháp luân. Có nghĩa là có vị nào đó ngồi trong đạo tràng (những ai có công hạnh tu đạo đều có thể) chuyển bánh xe pháp để giáo hoá chúng sinh trong khắp ba cõi–dục giới, sắc giới, và vô sắc giới. Có khi chúng ta không thấy được vị ấy, có thể vị ấy đang ở trên cõi trời giảng kinh, thuyết pháp để giáo hoá chúng sinh. Có khi họ đang giảng kinh ở địa ngục, thuyết pháp để giáo hoá chúng sinh. Có khi họ đi vào trong một hạt vi trần để giảng kinh, thuyết pháp để hoá độ chúng sinh. Dù hạt vi trần là rất nhỏ, nhưng chúng sinh ở trong đó chẳng ít hơn số lượng chúng sinh đang ở trên thế giới nầy. Cảnh giới nầy thật là bất khả tư nghì. Diễn tả cảnh giới bằng ngôn từ chỉ là thể hiện ra khía cạnh thô thiển của nó mà thôi.



Tại sao chúng sinh phải làm chúng sinh? Vì họ bị nhiễm bởi trần lao phiền não. Họ quay lưng với tánh giác và khế hợp với cảnh trần.” Chư Phật đã diệt trần tướng, khế hợp tánh giác, nên phát ra tánh giác chân như sáng suốt nhiệm mầu. Chân tâm của chúng ta chính là tánh Như Lai tạng–đây là tên gọi khác của chân tâm.



Kinh văn:



而如來藏本妙圓心。



Nhi như lai tạng bổn diệu viên tâm.



Việt dịch:



Mà Như Lai tạng chính là bổn diệu viên tâm.



Giảng giải:



Còn có thể gọi tánh Như Lai tạng là bổn diệu viên tâm. Vốn là vi diệu, viên mãn, thanh tịnh và trùm khắp pháp giới. Nó lớn đến nỗi không có cái gì vượt qua nó được và nhỏ đến mức trong đó chẳng có gì. Cái bổn diệu viên tâm khác với các hiện tượng kia như thế nào?



Kinh văn:



非心非空。非地非水,非風非火。非眼非耳鼻舌身意。非色非聲香味觸法。非眼識界,如是乃至非意識界。



Phi tâm phi không. Phi địa phi thủy, phi phong phi hỏa. Phi nhãn phi nhĩ, tỵ thiệt thân ý. Phi sắc phi thanh hương vị xúc pháp. Phi nhãn thức giới, như thị nãi chí phi ý thức giới.



Việt dịch:



Không phải là tâm, chẳng phải là không. Không phải là đất, chẳng phải là nước, chẳng phải gió, chẳng phải lửa; chẳng phải mắt tai mũi lưỡi thân ý; chẳng phải sắc thanh hương vị xúc pháp. Chẳng phải nhãn thức giới, như thế cho đến chẳng phải ý thức giới.



Giảng giải:



Không phải là tâm, chẳng phải là tâm thức của quý vị, chẳng phải là không. Không phải là đất, chẳng phải là nước, chẳng phải gió, chẳng phải lửa. Nó chẳng phải là bốn đại chủng; nó hoàn toàn rỗng lặng. Đây gọi là “nhất thiết pháp không.” Chẳng phải mắt tai mũi lưỡi thân ý. Đó không phải là năm uẩn hay sáu căn. Chẳng phải sắc thanh hương vị xúc pháp. Chẳng phải là sáu trần, Điều nầy tương tự như đoạn văn trong Bát-nhã tâm kinh, “Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý; vô sắc thanh hương vị xúc pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.” Điểm khác nhau là trong Bát-nhã tâm kinh nói “Không có–không có sắc...”, còn trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm thì nói rằng “không phải, chẳng phải–chẳng phải sắc...” Ở đây nói rằng “Nó không phải–phi 非” nhưng đoạn sau lại nói, “Phải. Nó là–thị 是.”



Chẳng phải nhãn thức giới, cho đến chẳng phải ý thức giới. Nó chẳng phải là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Bổn diệu viên tâm của chúng ta chẳng phải là những thứ nầy. Đức Phật đã giảng giải rất kỹ về những món nầy–đó là năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới–và ngài dạy rằng nó đều là tánh Như Lai tạng. Nay Đức Phật lại bảo là chẳng phải. Ngài giảng giải một hồi khiến mọi người đều bối rối, và không biết phải suy nghĩ theo hướng nào. Ngài vừa nói phải đó, bây giờ lại nói không phải. Rốt ráo, là nó hay chẳng phải là nó? Có cái phải hoặc cái chẳng phải không? Đừng bận tâm. Nó chẳng phải là phải, cũng không phải là chẳng phải . Đó mới chính là Phật pháp. Chẳng có cái phải và cái chẳng phải.



Kinh văn:



非明無明, 明無明盡。 如是乃至,非老非死,非老死盡。



Phi minh vô minh, minh vô minh tận. Như thị nãi chí phi lão tử, phi lão tử tận.



Việt dịch:



Chẳng phải là minh, chẳng phải vô minh; chẳng phải là hết minh, chẳng phải hết vô minh. Như vậy cho đến chẳng phải là hết lão, hết tử, chẳng phải là hết lão, chẳng phải hết tử.



Giảng giải:



Đức Phật giảng pháp tuỳ duyên có lúc nói pháp và có lúc quét sạch tất cả pháp. Khi Đức Phật sắp nhập niết-bàn, có đệ tử hỏi, “Bạch Thế tôn, giáo pháp mà ngài đã tuyên thuyết, vào đời sau, chúng con sẽ phải lưu thông như thế nào?”



Quý vị có nghĩ rằng Đức Phật sẽ trả lời như thế nào không? Ngài trả lời, “Như Lai chưa từng thuyết pháp.” Nay quý vị đừng nghĩ rằng qua câu trả lời nầy, Đức Phật đã bị chút ít lẩm cẩm khi gần nhập niết-bàn. Hoàn toàn không phải như vậy. Ngài nói rằng, “Nếu có người bảo rằng Như Lai đã từng thuyết pháp dù chỉ một chữ, tức là huỷ báng Như Lai.”



Thế là ngài đã giảng pháp suốt 49 năm, khai mở hơn 300 hội giảng kinh nhưng chưa từng nói một lời nào! Vậy là như thế nào? Cơ bản là Đức Phật giảng pháp, nhưng sau khi ngài giảng xong thì chúng biến mất. Thế nên có câu kệ:



Tảo nhất thiết pháp 掃 一 切 法



Ly nhất thiết tướng. 離一 切 相.



Đó là để dạy mọi người không nên chấp cứng vào pháp. Là để ngăn ngừa những người sẽ nói, “Tôi phải y cứ đúng như pháp Đức Phật đã dạy.” Nếu có người nói như vậy, tức là vướng vào pháp chấp, tức họ sẽ khó đạt được pháp không. Để cho mọi người đều đạt được cả nhân không và pháp không, nên trong đoạn văn nầy, Đức Phật phủ nhận mọi điều ngài đã nói.



Quý vị sẽ nói, “Tôi đã đạt được nhân không và pháp không rồi, bây giờ từ sáng đến tối tôi chỉ còn biết ngủ. Tôi chẳng cần tu học gì nữa cả. Rốt ráo tất cả là nhân không. Thế nên chỉ cần ngủ thôi.”



Thế thì quý vị vẫn còn bị chấp vào cái ‘ngủ.’ Khi nào cái ngủ ấy hết rồi, thì đó mới thực sự là không. Nếu vẫn còn ngủ, thì vẫn chưa thể là không. Vấn đề là quý vị cần phải làm cho chấp pháp và chấp ngã hoàn toàn không.



Kinh Kim Cương nói rằng pháp Đức Phật giảng nói giống như chiếc bè. Tưởng tượng sẽ mệt nhọc xiết bao khi quý vị mang chiếc bè trên vai sau khi dùng nó để qua sông rồi. Chiếc bè chỉ giúp cho quý vị vượt qua bên kia sông. Quý vị phải lìa bỏ nó khi đã đến bờ rồi. Tương tự như vậy, mục đích của giáo pháp là chuyển hoá phiền não cho chúng ta. Một khi phiền não không còn, thì cũng chẳng cần đến pháp nữa. Nhưng trước khi phiền não dứt sạch, thì mình chẳng làm được gì nếu không có giáo pháp. Nếu quý vị từ chối giáo pháp vào lúc nầy, chắc chắn phiền não sẽ tăng trưởng.



Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.



Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.



Chúng ta học tập giáo pháp là để dứt trừ phiền não. Nay tôi nói với quý vị vài điều về chân Phật pháp. Quý vị phải dứt trừ phiền não. Nếu học Phật pháp cả ngàn năm mà không dứt trừ được phiền não, thì cũng giống như chưa học được điều gì.



Quý vị sẽ hỏi, “Làm sao để dứt trừ phiền não?” Chỉ cần giữ tâm đừng bị lay động bởi những cảnh giới chung quanh. Nếu tâm quý vị không bị xoay chuyển bởi mọi hoàn cảnh, nghĩa là quý vị đã có định lực. Đó chính là Phật pháp.



“Vì sao các ngài nói rằng Phật pháp vốn không có cái ‘phải’ và cái ‘chẳng phải’?”



Lục tổ đã dạy chúng ta:



Bổn lai vô nhất vật



Hà xứ nhạ trần ai?



Thế nên mọi hiện tượng trên đều được phủ nhận.



Nếu quý vị có thể hiểu được rằng Phật pháp vốn không có cái ‘phải’ và cái ‘chẳng phải,’ thì quý vị đã được chứng ngộ. Lục tổ đã hỏi ngài Huệ Minh, “Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác. Ngay lúc ấy, cái gì là bản lai diện mục của Thượng toạ Minh?”[viii]



Chẳng nghĩ thiện, đó chính là không có cái ‘phải.’ Chẳng nghĩ ác, đó chính là không có cái ‘chẳng phải.’ Tu hành tinh tấn đến mức không có cái ‘phải’ và cái ‘chẳng phải,’– có nghĩa là đến mức không có cái thiện, cái ác nữa–và nỗ lực nhận rõ mọi cảnh giới đang diến ra. Sự vắng bặt ý niệm ‘phải’ và ‘chẳng phải,–ý niệm thiện, ác– thì chính ngay đó là Phật tánh, là bổn diệu viên minh. Nếu quý vị đạt được điều ấy, thì quý vị có tất cả, và đồng thời quý vị cũng chẳng có cái gì cả; nhưng, không phải là chấp cứng vào các cảnh giới hiện tiền ấy. Khi nào thì quý vị có tất cả, và quý vị có những gì? Quý vị có tất cả pháp bảo trong Như Lai tạng. Mà quý vị chẳng có gì hết thảy; có nghĩa là quý vị chẳng còn chút nào phiền não. Trong Như Lai tạng có rất nhiều phiền não cũng như có rất nhiều pháp bảo. Tại sao quý vị không có được những pháp bảo ấy? Vì quý vị có quá nhiều phiền não, và vì trong bụng quý vị đã chứa quá nhiều thứ rồi. Thế nên, nếu quý vị có quá nhiều phiền não, thì quý vị chỉ còn chứa được một ít nước pháp–pháp tánh nhỏ nhoi. Nếu mọi phiền não đều được chuyển hoá, thì chính nó là nước pháp; đó chân thật là pháp tánh của quý vị.



Đừng có sợ rằng mình có quá nhiều tập khí. Tập khí càng nhiều, thì pháp tánh càng lớn. Nhưng đừng để nó chuyển thành tập khí, vì nếu quý vị để mặc như vậy, thì sẽ làm mất tác dụng tánh linh của mình. Quý vị sẽ khởi đầu bằng trí thông minh và kết thúc bằng ngu muội nếu quý vị làm như vậy. Phật pháp dạy quý vị dứt trừ phiền não, rồi những phiền não nầy sẽ chuyển thành bồ-đề, như băng tan thành nước. Khi nước đông lại, băng chính là phiền não của quý vị; khi băng tan, phiền não hết, ngay đó chính là bồ-đề. Chẳng có gì quá khó hiểu về chuyện nầy. Toàn bộ những gì quý vị cần phải làm là thay đổi, và quý vị sẽ thành tựu.



Chẳng phải là minh–chẳng phải là tánh giác–chẳng phải vô minh–không phải là sai lầm hư vọng sinh khởi từ cái một chân thật–chẳng phải là hết minh, chẳng phải hết vô minh. Như vậy cho đến chẳng phải là hết lão, hết tử, chẳng phải là hết lão, chẳng phải hết tử. Giáo pháp thập nhị nhân duyên cũng biến thành không.



Giáo pháp được giảng bây giờ chính là không Như Lai tạng. Kế đến, quý vị sẽ được giải thích Như Lai tạng vốn là không và bất không. Thế nên quý vị thấy, Như Lai tạng vốn không chỉ đơn thuần là một trạng thái, mà nó có vài điều khác biệt trong nầy. Vậy nên quý vị đừng thấy rằng mình biết được vài thuật ngữ Phật pháp rồi kể rằng mình đã hiểu được tất cả. Có thể quý vị chỉ biết về Như Lai tạng, nhưng quý vị còn phải biết cách làm cho Như Lai tạng thành không; và quý vị biết được Như Lai tạng là bất không, nhưng rồi quý vị phải nhận ra được Như Lai tạng vốn vừa là không vừa là bất không. Quá rắc rối, phải không?



Kinh văn:



非苦非集,非滅非道。非智非得



Phi khổ phi tập, phi diệt phi đạo. Phi trí phi đắc.



Việt dịch:



Không phải là khổ là tập; chẳng phải là diệt là đạo. Không phải là trí là đắc.



Giảng giải:



Trên đời nầy có nhiều loại khổ. Trước tiên có ba thứ khổ, rồi lại có tám thứ khổ. Ba thứ khổ là: Khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Khổ khổ là tâm trạng của người nghèo cùng. Chẳng hạn, nghèo tự nó đã là khổ, và nó trở thành khổ khổ khi người nghèo mắc bệnh, mà không có tiền để đi bác sĩ. Hoặc là người nghèo cùng ấy sống trong ngôi nhà dột nát, thình lình mùa mưa gió đến. Sống trong ngôi nhà dột nát đã khổ rồi, bị mưa dột khắp nơi trong nhà lại càng khổ hơn, chẳng có khác gì như ở ngoài trời cả.



Khi tôi ở Hồng Kông, tôi từng ở trong một căn phòng bị dột khi trời mưa. Phía trên giường ngủ là sáu lỗ dột khi mưa xuống. Quý vị thấy như vậy có khổ không? Dù đó là khổ thật, nhưng tôi không sửa lỗ dột trên mái nhà. Khi tôi có được ít tiền, tôi muốn dùng để giúp cho mọi người. Loại người như tôi thật là điên rồ. Suốt thời gian ấy, tôi có được 1500 đồng để giúp cho việc tạc tượng Phật ở một ngôi chùa đã bị hoang phế. Sửa mái nhà tôi cho khỏi dột chỉ tốn chừng 200 đồng, nhưng tôi không muốn dùng tiền vào việc ấy, tôi muốn hoàn thành tượng Phật cho ngôi chùa cũ trước. Người ta nghĩ rằng, “Ông già ấy không biết cách tính toán. Ông không thể nào tách việc riêng cuả mình ra khỏi việc chung của mọi người.”



Khổ khổ xảy ra khi người ta phải chịu đựng cảnh nghèo, thêm vào đó là không một đồng xu dính túi, không có tiền mua thức ăn, quần áo. Hoặc là có người đã không có tiền, đột nhiên nghe tin cha mình mất và không có tiền để mua quan tài. Tôi đã trải qua tình trạng như vậy. Khi mẹ tôi qua đời, tôi ở bên cạnh bà, nhưng tôi không có một đồng xu. Quan tài phải mua, nhưng tôi lấy gì để mua? Khi tôi bàn chuyện đó với các anh tôi, mọi người đều nhìn nhau, không ai có thể làm nỗi việc ấy. Cuối cùng tôi nói, “Nếu không ai làm được việc nầy, tôi sẽ nhờ người bạn giúp.” May mắn thay, tôi có vài người bạn cùng tôi tham cứu Phật pháp, trong số đó có người bán quan tài. Khi tôi báo tin mẹ tôi đã qua đời, anh ta liền nói, “Đừng bận tâm! Anh hãy chọn bất kỳ cái nào. Chưa cần phải trả tiền bây giờ. Khi nào trả cũng được. Ngoài ra, tôi sẽ cho anh mượn thêm 5000 để lo tang sự.” Vì tôi thường thích giúp đỡ mọi người, nên có người thích giúp đỡ lại tôi khi tôi có chuyện. Nhưng, đó không phải là ví dụ cho khổ khổ.



Sau khi chôn cất mẹ tôi xong, Tôi thực sự buông bỏ mọi chuyện. Tôi quên mất thực tế là mình đang mắc nợ. Tôi chỉ ở yên bên mộ để báo đáp chữ hiếu.



Hoại khổ xảy đến đối với người giàu có. Bình thường họ giàu có, rồi đến khi của cải bị tiêu tan. Chẳng hạn, có người làm ra rất nhiều tiền nhưng cất kỹ tiền trong nhà mình chứ không gởi vào ngân hàng. Đến khi nhà họ bị cháy, toàn bộ của cải bị thiêu sạch. Hoặc là vàng bạc của cải bị kẻ cắp lấy mất. Hoặc là, quý vị giữ kỹ tiền bạc của mình đến mức đi đâu cũng mang theo bên mình, không bao giờ rời, cho đến khi mình sơ ý và bị mất sạch.



Hành khổ là cái khổ trong tiến trình sinh trưởng. Dù quý vị không trải qua khổ khổ như những người nghèo, không trải qua hoại khổ như những người giàu, nhưng quý vị vẫn có nỗi khổ khi trải qua thời thơ ấu cho đến trưởng thành, đến trung niên và đến lúc già chết. Tiến trình nầy diễn ra từ từ không dứt, và đó cũng là cái khổ. Đó là ba thứ khổ.



Đầu tiên trong tám thứ khổ (bát khổ) là sinh khổ. Khi đứa trẻ vừa mới chào đơi, điều đầu tiên chỉ biết khóc.[ix] Đứa bé không thể tự diễn đạt điều gì rõ ràng, nhưng khóc biểu hiện sự khổ. Cái đau lúc sinh ra giống như cái đau của con rùa đang còn sống mà bị bóc cái mai ra khỏi thân. Khi đứa trẻ vừa được sinh ra, mới tiếp xúc với không khí lần đầu, cái đau của nó cũng như vậy.



Cái khổ thứ hai là già khổ. Khi về già, người ta không điều khiển được tai mắt và tay chân. Họ không thể đi đây đó và thức ăn trở nên vô vị. Khi tuổi già đến, toàn cơ phận trong thân thể bắt đầu xuống cấp. Đó là lý do tại sao tuổi già trở nên kỳ quặc và hay cáu gắt. Họ chẳng khác gì đứa trẻ con, thế nên quý vị đừng trách móc tính tình họ làm gì.



Cái khổ thứ ba là bệnh khổ. Mọi sự trên thế gian nầy dường như là không công bằng cho lắm, nhưng bệnh tật thì hoàn toàn không thiên vị đối với một ai. Bất luận quý vị là giàu hay nghèo, sinh trong giòng dõi sang trọng hay nghèo hèn, ai cũng cảm thấy lo lắng bực dọc khi bệnh đến.



Cái khổ thứ tư là chết khổ. Cũng như vậy, đối với tất cả mọi người. Đến lúc mọi người ai cũng phải chết, bất luận người ấy là ai.



Cái khổ thứ năm là ái biệt ly khổ. Cái khổ phải xa lìa người thân yêu. Ai cũng biết yêu là gì, nhưng không ai nhận ra được có cái khổ trong sự yêu đương ấy–đó là nỗi khổ phải tách rời người mình yêu. Bất luận quý vị quý mến người mình thương bao nhiêu, cũng có lúc mình phải rời xa họ. Có những hoàn cảnh phát sinh khiến phải xa lìa, đó là nỗi khổ.



Cái khổ thứ sáu là oán tắng hội khổ. Cái khổ phải kết hợp với người mình không thích. Quý vị thực sự không thích một hạng người nào đó, nhưng quý vị cứ gặp hạng người ấy bất kỳ mình đi đâu.



Cái khổ thứ bảy là cầu bất đắc khổ. Cái khổ khi mong muốn những điều mà không thể đạt được.



Cái khổ thứ tám là ngũ ấm xí thạnh khổ. Sắc thọ tưởng hành thức dữ dội lừng lẫy.



Trong đoạn văn này, do dạy rằng trong Như Lai tạng là không có tứ đế–chẳng có khổ, tập, diệt, đạo đế. Tập chỉ cho phiền não và diệt chỉ cho đạo lý để chứng đắc niết-bàn.



Không phải là trí là đắc.



Ngay cả trí huệ cũng là không. Cũng chẳng phải là chứng đắc vài quả vị. Đây là không Như Lai tạng; trong ấy chẳng có gì hết thảy.



Tảo nhất thiết pháp 掃 一 切 法



Ly nhất thiết tướng. 離一 切 相.



Nói về “diệt đế,” Tôi nhớ khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang tu Bồ-tát đạo. Khi Đức Phật còn đang ở trong nhân địa–có nghĩa là khi đang còn tu đạo, trước khi thành Phật–ngài gặp con quỷ dạ-xoa, nó nói:



Chư hành vô thường 諸行無常



Thị sanh diệt pháp. 是生滅法



Nó chỉ nói chừng đó rồi ngừng. Đức Phật nhận ra đó là Phật pháp nên cầu khẩn, “Thưa Dạ-xoa, ngài vừa đọc bài kệ đúng với Phật pháp, nhưng ngài chỉ đọc có một dòng, còn một dòng nữa. Xin ngài cho tôi được nghe tiếp?”



Dạ-xoa nói, “Ông muốn nghe kệ. Nhưng đến lúc ta đói. Lâu nay chưa có gì để ăn. Ta rất muốn đọc bài kệ cho ông, nhưng chẳng còn chút sức lực nào để đọc.” Đức Phật liền hỏi, “Ngài muốn ăn thứ gì? Tôi sẽ mang đến ngay.”



Quỷ dạ-xoa đáp, “Ông không thể kiếm ra đồ cho ta ăn được đâu.”



Đức Phật hỏi, “Sao không?”



“Vì ta ăn thịt người, mà quanh đây chẳng có ai. Mà dù có người ở đây, ông cũng đâu có quyền đem họ đến cho ta ăn.”



Đức Phật nói, “À! Chỉ là như vậy, Được rồi, hãy nói pháp cho tôi nghe đi, tôi sẽ để cho ngài ăn thịt. Ngài có thể ăn thịt thân tôi.”



Quỷ dạ-xoa hỏi, “Ông có thể từ bỏ thân mạng mình?”



Đức Phật đáp, “Vì Phật pháp, tôi có thể quên thân mình. Dĩ nhiên, tôi có thể xả bỏ thân mạng. Ngài hãy nói câu kệ ấy đi. Khi ngài nói xong, ngài có thể ăn thịt tôi.”



Quỷ dạ-xoa nheo mắt lại. Hỏi, “Ông có lừa tôi không? Sau khi tôi nói kệ xong, ông không được đổi ý, phải giao thân mạng cho tôi ăn thịt.”



Đức Phật nói, “Tất nhiên rồi! Đừng lo. Sau khi ngài nói kệ xong, khi tôi đã thuộc lòng rồi, tôi sẽ giao thân mạng cho ngài.”



Rồi quỷ dạ-xoa nói hai câu kệ tiếp theo:



Sinh diệt diệt dĩ 生滅滅已



Tỉch diệt vi lạc 滅寂為樂



Rồi quỷ dạ-xoa nói, “Tôi nói xong rồi đó. Hãy đến đây cho ta ăn thịt.”

Đức Phật nói, “Đợi một lát. Đừng ăn tôi vội.”

Quỷ dạ-xoa nói, “Sao? Ta biết ông nuốt lời hứa. Nhưng không thể như vậy được. Ta phải đối xử mất lịch sự với ông mất.”



Đức Phật nói, “Tôi không nuốt lời hứa. Hãy đợi khi tôi viết xong bài kệ này đã, rồi ông có thể ăn thịt tôi. Để khi tôi có mất mạng rồi, thì vẫn còn lưu lại Phật pháp cho người sau nương nhờ đó mà tu học. Thế xin ngài hãy đợi một lát.”



“Tốt!” quỷ dạ-xoa nói, “Hãy viết đi!”



Đức Phật khắc các dòng kệ nầy lên vỏ của thân cây.



Ngay khi quỷ dạ-xoa thấy Đức Phật vừa khắc xong, liền hỏi, “Nào bây giờ tôi có thể ăn thịt ông được rồi chứ?”



“Đợi thêm một lát nữa,” Đức Phật nói.



“Ông đã khắc bài kệ lên cây rồi, mọi người có thể đọc được. Ông còn nmuốn gì nữa? Còn bắt tôi đợi ông làm gì nữa?”



Đức Phật đáp, “Tôi nghĩ rằng bài kệ khắc trên vỏ cây không tồn tại lâu, Xin đợi một chút để tôi khắc lên đá, nó sẽ tồn tại lâu hơn. Rồi ông hãy ăn.”



Quỷ dạ-xoa nói, “Được rồi, ông viện thật nhiều lý do. Chỉ muốn trì hoãn đó thôi. Cứ làm đi.”



Đức Phật tìm một tảng đá và khắc bài kệ lên. Rồi mời dạ-xoa, “Tôi đã xong việc, ngài có thể sử dụng thân mạng tôi.”



Quỷ dạ-xoa nói, “Thực chứ? Ông thực sự để tôi ăn thịt ông đấy chứ?” Rồi dạ-xoa há miệng ra như để ăn, nhưng đột nhiên bay vào hư không và biến lên trời. Đó thực ra là thiện thần[x] được phái đến để trắc nghiệm Đức Phật để xem lòng thành đối với giáo pháp của ngài. Và Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã chứng tỏ tâm thành của mình. Ngài thực sự không tiếc thân mạng mình để tìm cầu giáo pháp. Ngài đã hy sinh thân mạng mình để duy trì Phật pháp. Trong đời quá khứ, Đức Phật đã từng từ bỏ thân mình vì nửa bài kệ.



Hãy xem lại chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta học kinh và nghe giảng pháp, nhưng chúng ta không hiểu được gì nhiều, thế nên nghĩ rằng tốt hơn là nên về nghỉ. Thật là lười biếng! Tại sao Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành Phật? Vì ngài dám quên thân mình để cầu pháp. Ngài bất chấp mọi thứ khác chỉ để vì Phật pháp, ngài chẳng cần gì cả. Nếu quý vị thực sự thành tâm với giáo pháp, quý vị sẽ thành tâm tìm cầu Phật pháp đến mức có thể bỏ qua mọi thứ–ngay cả những việc quý vị nghĩ rằng khó có thể làm được.



Cách đây vài năm, có một chú đệ tử gọi tôi bốn năm lần từ Nữu-ước. Có điều gì rất khác thường. Chú luôn luôn muốn gặp được tôi. Chú quy y với tôi từ 13 tuổi. Trước đó, chú trải qua vài trạng thái lạ. Dù đang tuổi còn trẻ, nhưng chú lại bị đau tim. Bác sĩ yêu cầu phải nằm yên 5 năm. Chú không thể ngồi dậy, không thể đi được dù vài bước. Lúc ấy chú nhận được điện tín của tôi. Trong khi người thân và bạn bè đồng thanh niệm “Nam mô A-di-đà Phật,” thì chú lại gọi tên tôi, “Nam mô Pháp sư Độ Luân.” Nam mô [xi] có nghĩa là cung kính đem hết thân mạng nương tựa vào. Chú ngồi niệm trong tư thế hoa sen ở trên giường. Sự thành tâm của chú thật là bất thường đối với một người còn quá nhỏ, và chú ngồi niệm như thế suốt hơn 70 ngày, Rồi chú thấy tấm hình chuyển sang người thật, đang dang tay xoa đầu chú. Sau đó, bệnh tim và mọi triệu chứng bện đều biến mất. Vào lúc đó, chú không hề gặp tôi. Chuyện nầy nghe như chuyện bịa đặt khó tin, nhưng đó chính là kinh nghiệm của chú. Sau khi được chữa lành bệnh, chú đến chùa tìm gặp tôi. Chú quy y, rồi ngồi thiền. Tôi thường ít dạy thiền khi ở Hông Kong. Nếu có ai muốn tập thiền, họ cứ tự mình tu tập. Chú ấy cũng vậy. Khi đi học ở trường, vào giờ ra chơi, chú lên trên đồi để ngồi thiền, hoặc ngay cả trong phòng tắm– bất kỳ nơi nào thấy thuận tiện. Sau một năm, chú được khai Phật nhãn, từ đó chú hiểu rõ thực chất mọi sự việc đang diễn ra rất rõ ràng.



Một việc khác xảy ra cũng với chú đệ tử nầy. Chú vốn rất lùn–có lẽ vì trước đây chú đã bị bệnh. Nhưng, tiếng Anh của chú rất giỏi, khi có người Mỹ đến thăm, tôi phải nhờ chú phiên dịch. Dù chú nói tiếng Anh rất lưu loát, nhưng người Mỹ xem thường chú vì thấy chú chỉ là đứa trẻ con. Rồi có hôm tôi nói với chú, “Hãy lớn nhanh lên! Chú thấp quá nên ai cũng nghĩ rằng chú chỉ là đứa bé con, dù chú có thông minh bao nhiêu, họ vẫn không xem trọng chú.” Chú rất nghe lời. Chú về nhà, và tuần sau bỗng lớn vụt lên 3 inches. Bây giờ chú còn cao hơn tôi.



Cách đây vài hôm chú gọi tôi và muốn tôi sang Nữu-ước. Nhưng vì tôi đang giảng kinh cho quý vị, tôi bảo là không thể đi được, dù chú rất mong muốn được gặp tôi. “Bây giờ tôi đang giảng kinh.” Tôi trả lời, “Và tôi không thể bỏ số đông đang nghe kinh chỉ vì một người muốn gặp tôi. Nếu chú thực tâm muốn gặp tôi, hãy sang Cựu Kim Sơn.”



Chú quyết định sang Cựu Kim Sơn, nhưng thấy không đủ thời gian. Nên ngày hôm sau chú gọi điện cho tôi báo tin chú đang lên đường. Nếu không phải vì đang giảng Kinh Thủ-lăng-nghiêm, nếu không phải vì Phật pháp, tôi thật mong muốn gặp chú đệ tử nầy. Chú đặt nhiều niềm tin ở tôi và khá thâm nhập Phật pháp.



Khi tôi còn ở Hồng Kông, chú thường dịch những bài giảng của tôi sang tiếng Quảng Đông. Chú thật xứng hợp với tôi, khi tôi vừa nói xong một câu, chú liền nắm lấy và giải thích trọn vẹn ý nghĩa. Có người phản đối rằng, “Thầy trú trì đâu có nói như vậy, đó là chú ấy thêm thắt vào.” Thực sự là tôi đã bảo chú ấy hãy giải thích rộng ý nghĩa. Vì chú đã được khai Phật nhãn nên chú biết tôi miốn chú phải diễn đạt giáo lý thật chi tiết. Những gì chú nói đều đúng như những gì tôi giảng. Thế nên tôi là chú nhỏ lười biếng và để chú ấy nói thay.



Kinh văn:



非檀那非尸羅。非毘梨耶,非羼提,非禪那。非缽剌若,非波羅蜜多。



Phi đàn-na, phi thi-la. Phi tỳ-lê-da, phi sàn-đề, phi thiền-na. Phi bát-lạt-nhược, phi ba-la-mật-đa.



Việt dịch:



Không phải là bố thí, trì giới, không phải là tinh tấn, nhẫn nhục; không phải là thiền định, trí tuệ; không phải là ba-la-mật-đa. ,



Giảng giải:



Trong Như Lai tạng, lục độ cũng không. Trong đoạn kinh trước, tứ đế đã được giảng giải là không. Ngay sau khi chứng ngộ, Đức Phật liền giảng tứ đế và tam chuyển.[xii] Không tứ đế và không thập nhị nhân duyên khiến cho giáo pháp cuả hàng Thanh văn và Duyên giác cũng trở thành không. Bây giờ không lục độ khiến cho pháp của hàng Bồ-tát cũng trở thành không.



Đầu tiên trong lục độ là bố thí. Tiếng Sanskrit có nghĩa là ban tặng, cho. Có ba loại bố thí: tài thí, pháp thí và vô uý thí. Tài thí là ban tặng vật chất tài sản cho người khác để giúp họ thoát khổ. Giảng kinh và thuyết pháp là một dạng pháp thí. Bố thí sự không sợ hãi là khi có người sợ điều gì đó và quý vị nghĩ ra cách để khuyến khích họ khiến họ không còn lo sợ nữa.



Tiếp đến là thi-la, tiếng Sanskrit là śīla, Hán dịch là giới hạnh.[xiii] Có năm giới, tám giới, mười giới, 250 giới của tỷ-khưu và 348 giới của tỷ-khưu ni. Còn có mười giới trọng và 48 giới khinh của hàng Bồ-tát.



Tỳ-lê-da gốc tiếng Sanskrit là vīrya,[xiv] Hán dịch là tinh tấn, tinh cần. Có thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Khi tâm quý vị tinh tấn, thì quý vị sẽ tìm cầu Phật pháp mọi lúc. Khi thân tinh tấn, thì minh tu tập Phật pháp mọi lúc mọi nơi.



Sàn-đề gốc tiếng Sanskrit là kṣānti,[xv] Hán dịch là nhẫn nhục. Chúng ta nói rằng mình đang tu học Phật pháp, và không đến nỗi khó khăn lắm khi giữ giới. Điều khó là thực hành các điều giới ấy. Nhiều người tập hạnh nhẫn nhục bằng cách bảo người khác hãy nhẫn nhục đối với chính họ, và chẳng cần nhẫn nhục đối với người khác. Thế nên họ nói vớí những người không nhẫn nhục đối với họ rằng, “Anh phải học Phật pháp thật nhiều, lẽ ra anh phải nhẫn nhục hơn. Tại sao anh nổi nóng khi tôi chỉ mới nói đến anh?” Họ quở trách người khác không nhẫn nhục, nhưng chính họ lại không thể nhẫn nhục. Và tại sao họ lại duy lý như vậy? Họ tự cho rằng, “Tôi đã hiểu Phật pháp, tôi hầu như đã đạt đến vô ngã. Thế nên tôi không cần phải nhẫn. Tôi không có quan niệm về ngã, không có ngã tướng, thế nên khi nào cần phải nhẫn, đó là anh cần phải nhẫn chớ không phải tôi.” Nhưng khi đến giờ ăn, họ không nghĩ là mình có quan niệm về sự hiện hữu của con người, không có nhân tướng, thế nên họ cho rằng không cần phải có gì đó cho người khác ăn. Khi có việc cần làm, hoặc khi gặp khó khăn, họ nhớ lại rằng mình không có quan niệm có một bản ngã, thế nên họ nói rằng chẳng cần để ý đến những việc ấy. Và, nếu họ giết người, họ sẽ biện minh, “Chẳng hề gì, vì chẳng có chỗ khởi đầu của chúng sinh. Thế nên thực sự tôi chẳng giết họ.” Hoặc là vô cớ họ đánh người, khi hỏi tại sao lại làm vậy?, họ đáp, “Chẳng có cái gì gọi là chúng sinh tướng, và anh thuộc về dạng đó, thế nên tôi thực sự chẳng đánh ai cả!” Đó là loại tà tư tà kiến nơi họ. Khi ăn thịt, họ nói, “ Không sao, các ông chẳng nghe nói chúng sinh có đặc tính là không có thọ giả tướng [xvi] đó sao? Vì nó không có thọ giả tướng, nên nó có thể chết bất kỳ lúc nào, thế nên tôi tha hồ ăn thịt nó. Lại nữa, một khi nó chết rồi, thịt nó cũng thối rữa, nếu tôi không ăn thịt nó.” Đó là luận điệu của đệ tử ngoại đạo. Họ cho rằng gia súc được nuôi chủ yếu là để cho người ăn thịt, nếu không ăn, thì chúng sẽ sinh sôi nẩy nở chật cả thế giới. “Nếu người không ăn bò, dê, heo, thì chúng sẽ nhiều vô số kể cho đến khi tràn ngập cả thế giới.” Nhưng hãy nhớ rằng, con người không ăn thịt mèo, nhưng trên thế giới chưa bị tràn ngập bởi loài mèo. Thực vậy, khi con người không ăn thịt động vật, thì không tạo ra nghiệp sát nhiều, và súc vật không sinh sôi nẩy nở nhanh chóng. Thế nên có người giải thích đạo lý sai lạc, như ý nghĩa của nhẫn nhục, và cho rằng mọi người nên nhẫn nhục với họ, nhưng chính họ lại không nhẫn nhục với người khác.



Thiền-na gốc tiếng Sanskrit là dhyāna,[xvii] Hán dịch là tư duy tu, tĩnh lự. Có nhiều loại thiền. Nhưng bây giờ Đức Phật dạy rằng cũng chẳng có thiền nào cả.



Bát-nhã, gốc tiếng Sanskrit là Prajñā,[xviii] Hán dịch là trí huệ. Có ba loại bát-nhã: Văn tự bát-nhã, Quán chiếu bát-nhã, và Thực tướng bát-nhã. Như vậy lục độ, hay sáu ba-la-mật-đa đều là không.



Ba-la-mật-đa, gốc tiếng Sanskrit là pāramitā,[xix] Hán dịch là đáo bỉ ngạn, qua đến bờ bên kia. Chỉ cho sự hoàn thành viên mãn một việc nào đó. Chúng ta phát tâm tu tập và thành Phật, tiến trình chuyển hoá từ phàm phu sang giác ngộ là ba-la-mật-đa. Từ phàm phu trở thành Bồ-tát cũng là một dạng của ba-la-mật-đa. Đi từ Cựu Kim Sơnsang Oakland cũng là một dạng khác của ba-la-mật-đa. Bây giờ tất cả pháp nầy trong Như Lai tạng được Đức Phật giảng là không hiện hữu. Chúng hoàn toàn là không. Trước đây khi chúng ta nói rằng trong hư không chẳng loại trừ hay ngăn ngại một tướng nào, đó là đang nói về Như Lai tạng vốn là bất không. Ở đây chúng ta đang nói về cái không của Như Lai tạng. Để diễn tả tính không của Như Lai tạng, phải dùng đến chữ không, nhưng đó không phải là hoàn toàn phủ định. Trong đó, vẫn có cái đang hiện hữu, đó là bổn diệu viên tâm. Nhưng tâm ấy không được gọi bằng tên ấy. Thế là ở đây đã mô tả không Như Lai tạng rồi.



Kinh văn:



如是乃至非怛闥阿竭。非阿羅訶,三耶三菩。非大涅槃,非常非樂非我非淨。



Như thị nãi chí phi đãn-thát-a-kiệt. Phi a-la-ha, tam-da-tam-bồ. Phi đại niết-bàn, phi thường, phi lạc, phi ngã, phi tịnh.



Việt dịch:



Như thế cho đến chẳng có Như Lai, chẳng phải A-la-hán, chẳng có Chánh biến tri. Chẳng có đại niết-bàn, chẳng có thường lạc ngã tịnh.



Giảng giải:



Như thế cho đến có nghĩa là các mức độ của giác ngộ, từ lục độ cho đến thập trụ, thập tín, thập hạnh, thập hồi hướng và thập địa; cho đến cả quả vị Phật, đều được bao gồm trong không Như Lai tạng. Từ các giai vị của hàng Bồ-tát đến quả vị Phật phải cần rất nhiều thời gian, và cần rất nhiều công hạnh tu tập, nhưng tất cả đều là không, quả vị Phật cũng là không.



Chẳng phải Như Lai. Đản-thát-a-kiệt gốc tiếng Sanskrit là Tathāgata,[xx] Hán dịch là Như Lai. Ngay cả danh hiệu Như Lai cũng không. Chẳng phải A-la-hán,[xxi] chẳng phải Chánh biến tri. Ngay cả danh hiệu Ứng cúng, Chánh biến tri cũng không. Chánh tri là biết tâm bao trùm vạn pháp. Biết vạn pháp chỉ là tâm, tức biến tri. Chánh tri tức là thật trí hiển bày rõ phần lý. Biến tri là quyền trí làm sáng tỏ phần sự. Người có được Chánh biến tri tức nhận biết rằng:



Tâm bao vạn pháp.



Vạn pháp duy tâm.



Chẳng phải đại niết-bàn. Niết-bàn gốc tiếng Sanskrit là nirvāṇa,[xxii] Hán dịch là bất sanh bất diệt. Ngay cả ý niệm bất sanh bất diệt cũng không.



Chẳng có thường lạc ngã tịnh . “Thường” tức là không lay động, không thay đổi. “Lạc” là tràn đầy niềm vui diệu pháp. “Ngã” là đã đạt được chân ngã. “Tỉnh” là tính chất đặc trưng vốn có trong pháp niết-bàn. Những tên gọi nầy cũng chẳng có. Nó hoàn toàn là không.



Thế thì, quý vị có thể hỏi rằng, cái gì có trong Như Lai tạng? Tôi đã nói với quý vị rằng vạn pháp vẫn hiện hữu ở đó. Quý vị hỏi cái gì không hiện hữu trong đó, thì chẳng có gì hiện hữu trong đó cả. Mọi thứ thảy đều do tâm. Như Lai tạng là không, là bất không, là không và là bất không, cái vi diệu của nó là bất tận. Quý vị có thể nói vạn pháp là có, rồi quý vị có thể nói vạn pháp là không, và rồi quý vị có thể nói vạn pháp vừa không vừa là bất không. Sau khi thâm nhập Phật pháp một thời gian dài, quý vị mới hiểu được điều nầy.



Kinh văn:



以是俱非世出世故。即如來藏元明心妙。



Dĩ thị câu phi thế xuất thế cố. Tức Như Lai tạng nguyên minh tâm diệu.



Việt dịch:



Do đó đều chẳng phải là các pháp thế gian và xuất thế gian. Tức là bản nguyên vi diệu sáng suốt cuả Như Lai tạng.



Giảng giải:



Đó là những gì đã được nói ở đoạn văn trên. Đó chính là không Như Lai tạng. Do đó đều chẳng phải là các pháp thế gian và xuất thế gian. Như Lai tạng là không. Trong đó chẳng có pháp nào. Điều nầy được gọi là:



Tảo nhất thiết pháp 掃 一 切 法



Ly nhất thiết tướng. 離一 切 相.



Sự vắng bặt tất cả các pháp chính là chân không. Chân không có thể xuất sinh diệu hữu.



“Thế gian” là chỉ cho sáu cõi giới của hàng phàm phu. “ Xuất thế gian” chỉ cho cảnh giới của bốn quả vị của bậc Thánh. Tức là bản nguyên vi diệu sáng suốt cuả Như Lai tạng. Mặt khác, các hiện tượng thế gian và xuất thế gian vốn chỉ là Như Lai tạng–vốn là minh là diệu. Nó vốn là diệu tâm, vắng lặng mà thường chiếu soi, chiếu soi mà thường rỗng lặng. Kinh văn trong đoạn nầy nói rằng Như Lai tạng là ‘không’, đoạn kinh văn: sau sẽ nói tất cả các pháp đều ‘là’ Như Lai tạng, là nguyên minh tâm diệu.



Kinh văn:



即心即空。即地即水,即風即火。即眼即耳,鼻舌身意。即色即聲香味觸法。即眼識界,如是乃至即意識界。



Tức tâm tức không. Tức địa tức thủy, tức phong tức hỏa. Tức nhãn tức nhĩ, tỉ thiệt thân ý. Tức sắc tức thanh hương vị xúc pháp. Tức nhãn thức giới, như thị nãi chí tức ý thức giới.



Việt dịch:



Tức là tâm, là không. Tức là đất nước gió lửa. Tức là mắt tai mũi lưỡi thân ý. Tức là sắc thanh hương vị xúc pháp. Tức là nhãn thức giới, cho đến tức là ý thức giới.



Giảng giải:



Tức là tâm. Đó là tâm phân biệt, thức tâm. là không. Tức là đất nước gió lửa. Tức là mắt tai mũi lưỡi thân ý. Tức là sắc thanh hương vị xúc pháp. Tức là nhãn thức giới, cho đến tức là ý thức giới. Thế nên không Như Lai tạng cũng chính là bất không Như Lai tạng, Như Lai tạng chẳng hề không. Như vậy, trong Như Lai tạng, vốn là không vừa là bất không, chính là nguyên minh tâm diệu. Đó chính là năm uẩn, là sáu nhập, là mười hai xứ, là mười tám giới.






[i] . Thường lạc ngã tịnh.




[ii] . Dùng hạt châu phương chư (Xem Kinh Thủ-lăng-nghiêm, quyển 3).




[iii] . Gồm tứ đại, thêm không đại, kiến đại và thức đại. Thuật ngữ nầy xuất phát từ Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Còn Mật giáo, trong Kinh Đại nhật đưa ra ý niệm Ngũ đại, tức tứ đại thêm Không đại. Ngoài ra còn có quan niệm Lục đại, gồm tứ đại, thêm không đại, và thức đại. Các kinh điển Nguyên thuỷ, Đại thừa, và Mật giáo đều có nói đến.




[iv] . Đoạn nầy trong bản tiếng Anh không có. Chúng tôi dịch bổ sung theo bản tiếng Hán


[v] . Đoạn nầy trong bản tiếng Anh không có. Chúng tôi dịch bổ sung theo bản tiếng Hán.




[vi] . Theo bản tiếng Anh thì hai đoạn trong chú thích 16 và 17 lại được ghép vào đây. Còn bản trong Taishō thì không có hai đoạn nầy.




[vii] . 陀羅尼; s: Dhāraṇi. Ngoài ra, trong Chú Duy-ma kinh còn nói: Tổng trì, vị trì thiện bất thất, trì ác bất sinh. Vo sở lậu kị vị chi trì

總持,謂持善不失,持惡不生。無所漏忌謂之持。






[viii] . Bất tư thiện, bất tư ác. Chính dữ ma thời, ná cá thị Minh Thượng toạ bản lai diện mục? 不思善,不思惡. 正與麼時,那個是尚座明本來面目? (Kinh Pháp Bảo Đàn.)




[ix] . Tiếng Hán chữ khốc 哭 (ku) đồng âm với chữ khổ 苦.




[x] . Có Kinh cho đó là Đế Thích.




[xi] . 南 無 s: namas (động từ căn là nam); p: namo. Còn gọi nam-mâu 南牟, na-mô 那謨, nam-mô 南謨, na-ma 那摩, nẵng-mạc 曩莫 Hán dịch là Kính lễ 敬禮, Quy kính歸敬, Quy y 歸依, Quy mạng 歸命, Tín tùng 信從, Cứu ngã 救我, Độ ngã度我




[xii] . Thị chuyển, khuyển chuyển, chứng chuyển.




[xiii] . Xuất phát từ ngữ căn động từ là śīl, có nghĩa là đạo đức, hạnh kiểm bên trong, chuyển thành danh từ với nghĩa hành vi, tập quán, tánh cách, đạo đức. Là một trong 6 ba-la-mật (giới hạnh)


[xiv] . S: (viriya vīrya,p: viriya,t: brtson-ḥgrus): Dũng mãnh tiến tu thiện pháp. Phiên âm là tì-lê-da 毗梨耶; tì-li-da 毗離耶. Hán dịch là cần 勤, tinh tấn 精勤, cần tinh tấn 勤精進.






[xv] . S: kṣānti; p: khantī, khanti; t: bzod-pa)Phiên âm Sằn-đề 羼提, Sằn-để 羼底. Hán dịch An nhẫn 安忍 hoặc nhẫn 忍。Tức tâm có thể an trụ kham nhẫn mỗi khi bị xúc pham hoặc não hại.




[xvi] . Tứ tướng theo Kinh Kim Cương: ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng thọ giả tướng.




[xvii] . dhyāna, jhāna




[xviii] . Phiên âm Ban-nhược 般若. Còn gọi Ba-nhược 波若; Ba-la-nhược 般羅若. Ý dịch Huệ 慧, Trí huệ 智慧. Minh 明.


[xix] . Ba-la-mật-gọi đủ là ba-la-mật-đa 波羅蜜多‘. Hán dịch là Đáo bỉ ngạn 到彼岸 hoặc Độ 度. Ngoài ra còn có các nghĩa Tuyệt đối, Nguyên toàn‘完全, Nguyên thành 完成.




[xx] . Tathāgata có thể phân thành tathā-gata(như khứ 如去)và tathā-āgata (như lai 如來). Nghĩa là thừa đạo chân như, đến để thành quả vị niết-bàn, nên gọi là còn gọi Như Khứ. Do chân lý (chân như) mà đến để thành chánh giác, nên gọi là Như Lai.






[xxi] . A-la-hán: A-la-hán: 阿 羅 漢; S: arhat; P: arahat, arahant; T: dgra com pa; Có 3 nghĩa, 1: Sát tặc (殺 賊) là diệt hết giặc phiền não, nhiễm ô; 2: Ứng cúng (應 供), là người xứng đáng được cúng dường; 3: Bất sinh (不 生) hoặc Vô sinh (無 生), là người đã đạt niết-bàn, đoạn diệt sinh tử. A-la-hán là danh từ chỉ một Thánh nhân, người đã đạt giai vị ‘vô học’ của Thánh đạo (s: āryamārga; p: ariyamagga), không bị ô nhiễm (s: āśrava; p: āsava) và phiền não (s: kleśa; p: kilesa) chi phối. Thánh quả A-la-hán có khi được gọi là Hữu dư niết-bàn (s: sopadhiśeṣanirvāṇa; p: savupadisesanibbāna). A-la-hán là hiện thân của giác ngộ trong thời Phật giáo nguyên thuỷ. Khác với hình ảnh của Bồ-tát, hiện thân của Phật giáo Ðại thừa với mục đích giải thoát mọi chúng sinh. A-la-hán tu tập nhằm giải thoát riêng mình. A-la-hán là các vị đã giải thoát 10 trói buộc thế gian (thập triền) như: Ngã kiến, Nghi ngờ, chấp đắm giới luật, tham, sân hận, sắc tham, vô sắc tham, kiêu mạn, hồi hộp không yên (trạo cử), Vô minh. A-la-hán được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát.






[xxii] . S: nirvāṇa; p: nibbāna; t: mya-ṅan-las-ḥdas-pa、myaṅ-ḥdas.

No comments:

Post a Comment