Kinh văn:
即明無明,明無明盡。如是乃至即老即死,即老死盡。即苦即集即滅即道。即智即得即檀那即尸羅。即毘梨耶即羼提即禪那。即缽剌若即波羅蜜多。如是乃至即怛闥阿竭。即阿羅訶三耶三菩提。即大涅槃即常即樂即我即淨。
Tức minh vô minh, minh vô minh tận. Như thị nãi chí tức lão tức tử, tức lão tử tận. Tức khổ tức tập, tức diệt tức đạo. Tức trí tức đắc, tức đàn-na tức thi-la. Tức tì-lê, tức sàn-đề, tức thiền-na. Tức bát-lạt-nhược, tức ba-la-mật-đa. Như thị nãi chí tức đãn-thát-a-kiệt. Tức a-la-ha, tức tam-da-tam-bồ-đề. Tức đại niết-bàn, tức thường tức lạc, tức ngã tức tịnh.
Việt dịch:
Tức là minh, là vô minh; tức là chấm dứt minh và chấm dứt vô minh. Như thế cho đến tức là lão, là tử, tức là hết lão hết tử; tức là khổ, là tập, là diệt, là đạo. Tức là trí, là đắc. Tức bố thí, trì giới, tức tinh tấn, tức nhẫn nhục, tức thiền định, tức trí huệ, tức lục độ. Như thế cho đến tức Như Lai, tức Ứng cúng, tức Chánh biến tri. Tức đại niết-bàn, tức thường lạc ngã tịnh .
Giảng giải:
Đoạn kinh nầy diễn tả Như Lai tạng là bất không. Trước đây, không Như Lai tạng đã được trình bày. Bây giờ nói Như Lai tạng bất không. Nếu Như Lai tạng vốn đã là không, tại sao bây giờ lại nói là bất không? Khi nó đã là không rồi, thì nó không thể là bất không được . Nếu Như Lai tạng là không, hoặc là nếu tất cả mọi thứ đều có trong đó, thì chẳng có gì là vi diệu cả. Mà bởi vì chính từ chân không lại xuất sinh diệu hữu, và từ diệu hữu phát sinh chân không. Thế nên Như Lai tạng vốn là không lại xuất sinh diệu hữu. Do vậy, năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, tứ đế, mười hai nhân duyên... chẳng có thứ nào không cả. Chúng có thể không và bất không, vì chúng là bất định pháp. Đó là điều Kinh Kim Cương đã dạy,
Pháp thượng ưng xả, 法尚應捨
Hà huống phi pháp. 何況非法
Quý vị để bị vướng mắc vào các pháp, vì nếu như vậy, quý vị là kẻ chấp pháp. Nếu quý vị là người bị pháp trói buộc, cũng giống như quý vị chưa thông hiểu được pháp. Vốn quý vị là người chấp ngã, nhưng khi quý vị tu học Phật pháp thì quý vị trở thành người chấp pháp. Thế nên trong đạo Phật, quý vị không nên mang trong mình một thứ chấp trước nào cả. Nếu không chấp vào điều gì, cái bất không chính là cái không. Nếu quý vị còn chấp, thì cái không trở thành cái có.
Kinh văn:
以是即俱世出世故。即如來藏妙明心元。
Dĩ thị tức câu thế xuất thế cố. Tức Như Lai tạng diệu minh tâm nguyên.
Việt dịch:
Do vậy nó là cả hai pháp thế gian và xuất thế gian, Tức là Như Lai tạng diệu minh tâm nguyên.
Giảng giải:
Trong đoạn kinh trước, đã nói Như Lai tạng tức là năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, tứ đế, mười hai nhân duyên, sáu ba-la-mật-đa...đều bao gồm trong Như Lai tạng. Như Lai tạng tức là những thứ nầy. Lại nữa, nó là cả hai pháp thế gian và xuất thế gian, tức là Như Lai tạng diệu minh tâm nguyên, là chân tâm vắng lặng mà vẫn thường chiếu soi.
Kinh văn:
離即離非,是即非即。
Li tức li phi, thị tức phi tức.
Việt dịch:
Rời các nghĩa “tức,” “phi,” mà cũng là nghĩa “tức,” và chẳng phải nghĩa “tức.”
Giảng giải:
Rời các nghĩa “tức,” rời cái , và “phi,” không có, chẳng phải. Không phải là nó có, và chẳng phải là nó không có. Đó là chân không và diệu hữu. Thế nên, đạo lý của Như Lai tạng là không mà vừa là bất không, là vượt lên trên cái không và bất không, và cũng chẳng tách rời cái không và bất không. Và, trong ánh sáng của đạo lý nầy, Đức Phật nói tiếp.
Kinh văn:
如何世間三有眾生。及出世間聲聞緣覺, 以所知心測度如來無上菩提。用世語言入佛知見?
Như hà thế gian tam hữu chúng sinh, cập xuất thế gian Thanh văn Duyên giác, dĩ sở tri tâm trắc độ Như Lai Vô thượng bồ-đề, dụng thế ngữ ngôn nhập Phật tri kiến?
Việt dịch:
Làm sao chúng sinh trong ba cõi thế gian, cùng với hàng Thanh văn Duyên giác xuất thế gian, đem tâm sở tri mà suy lường Vô thượng bồ-đề của Như Lai, dùng ngôn ngữ thế gian để nhập vào tri kiến Phật?
Giảng giải:
Làm sao chúng sinh trong ba cõi thế gian, làm sao chúng sinh trong cõi dục cõi sắc, và cõi vô sắc, chúng sinh trong sáu cõi giới phàm phu–cùng với hàng Thanh văn Duyên giác xuất thế gian–các bậc A-la-hán của hàng Nhị thừa–làm sao họ có thể đem tâm sở tri mà suy lường Vô thượng bồ-đề của Như Lai? Đến lúc nầy, Phú-lâu-na đã được công nhận là chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán, thế nên Đức Phật bảo, “tâm sở tri”– là tâm của hàng phàm phu và tâm của hàng Thanh văn. “Làm sao ông có thể suy lường Vô thượng bồ-đề của chư Phật? Hoặc dùng ngôn ngữ thế gian để nhập vào tri kiến Phật? Ông muốn biết tri kiến Phật–ông muốn thể nhập cùng cảnh giới như chư Phật, nhưng bằng cách nào?”
“Ngôn ngữ thế gian” là tri kiến của hàng phàm phu. “Và cho dù ông đã đạt đến quả vị thứ tư của hàng A-la-hán xuất thế gian, vẫn không thể nào hiểu được cảnh giới của chư Phật. Ông không thể nào dùng ngôn ngữ thế gian để giả định, phỏng đoán được.”
“Giả định, phỏng đoán” có nghĩa là không thực sự biết, nhưng giả bộ như biết. Chẳng hạn, như trẻ con thích ăn kẹo, nên nó tưởng tượng ra mọi người ai cũng thích ăn kẹo như nó. Nó không hề biết rằng khi lớn rồi thì không còn thích ăn kẹo nữa.
Vì lẽ ấy, hàng phàm phu, và ngay cả A-la-hán, là vẫn còn trong cảnh giới của hàng nhị thừa, vẫn chưa có được giác ngộ toàn diện, thế nên vẫn chưa hiểu trọn vẹn cảnh giới của chư Phật.
Kinh văn:
譬如琴瑟箜篌琵琶,雖有妙音。若無妙指,終不能發。
Thí như cầm sắt không hầu tì bà, tuy hữu diệu âm, nhược vô diệu chỉ, chung bất năng phát.
Việt dịch:
Ví như những cây đàn cầm, đàn sắt, đàn không hầu, đàn tỳ bà, tuy có âm thanh hay, nhưng nếu không có ngón tay tài ba gảy vào, thì rốt cuộc cũng không phát ra tiếng.
Giảng giải:
Dù Như Lai tạng là không, tuy nhiên, nó cũng được lấp đầy bởi các pháp. Chẳng hạn, như những cây đàn cầm, đàn sắt, đàn không hầu, đàn tỳ bà, tuy có âm thanh hay. Các nhạc cụ có thể phát ra những âm thanh vi diệu. Nhưng nếu không có ngón tay tài ba gảy vào, thì rốt cuộc cũng không phát ra tiếng. Bất luận nhạc cụ có hay cỡ nào, nó cũng không thể tự diễn tấu được. Phải có một ngón tay để gãy lên. Dù trong kinh văn: ghi là “diệu chỉ– ngón tay tài hoa,” nhưng cũng cần phải có một tâm hồn phong phú. Vì tâm không thể điều khiển ngón tay nếu tâm không điêu luyện. Sự điêu luyện của ngón tay xuất phát từ bản tâm phong phú, mới có thể phát ra những thanh âm vi diệu.
Kinh văn:
汝與眾生,亦復如是。寶覺真心各各圓滿。如我按指,海印發光。汝暫舉心,塵勞先起。
Nhữ dữ chúng sinh, diệc phục như thị. Bảo giác chân tâm các các viên mãn. Như ngã án chỉ, hải ấn phát quang. Nhữ tạm cử tâm, trần lao tiên khởi.
Việt dịch:
Ông và chúng sinh cũng đều như vậy. Chân tâm giác ngộ quý báu đều đầy đủ trong mỗi người. Nhưng khi Như Lai ấn ngón tay thì hải ấn phát ra hào quang, còn các ông chỉ tạm móng khởi tâm, thì trần lao liền nổi dậy.
Giảng giải:
Các nhạc cụ đều cần phải có một nhạc công điều khiển nó mới phát ra tiếng–nhạc cụ có thể tốt, hay, nhưng âm thanh phát ra chưa thể là hay nếu không có nhạc công–đó là dụ cho Như Lai tạng. Đức Phật nói với Phú-lâu-na. “Ông và chúng sinh cũng đều như vậy. Với suy nghĩ của hàng phàm phu, ông cố gắng suy lường trắc độ cảnh giới của Như Lai, nên ông rất hợp với ví dụ này. Chân tâm giác ngộ quý báu đều đầy đủ trong mỗi người. Mọi người đều tự có đầy đủ. Nhưng khi Như Lai ấn ngón tay thì hải ấn phát ra hào quang.” Như Lai ở đây là chính Đức Phật tự xưng. “Hải ấn là gì? Đó là một loại tam-muội mà Đức Phật có được, vạn tượng đều hiện rõ trong định nầy như thể nó được đóng bằng một dấu ấn. Khi mặt biển hoàn toàn yên lặng, có thể phản chiếu mọi vật tượng; đó là nghĩa của hải ấn phát quang. Còn các ông chỉ tạm móng khởi tâm, thì trần lao liền nổi dậy. Ngay khi một niệm tưởng vừa khởi lên trong tâm thức, thì trần lao liền khởi dậy. Tâm vọng tưởng liền tự hiển lộ ra liền.” Đức Phật chỉ cần ấn ngón tay là hải ấn liền phát ra hào quang, là biểu tượng cho cảnh giới vi diệu của chư Phật. Phú-lâu-na và các loài hữu tình không có được cảnh giới vi diệu như vậy. Họ ở trong trạng thái đầy dẫy trần lao phiền não.
Kinh văn:
由不勤求無上覺道。愛念小乘得少為 足。
Do bất cần cầu vô thượng giác đạo. Ái niệm tiểu thừa, đắc thiểu vi túc.
Việt dịch:
Do vì không siêng năng cầu đạo giác ngộ vô thượng. Chỉ thích nghĩ đến Tiểu thừa, được một ít liền cho là đủ.
Giảng giải:
Ở đây Đức Phật quở trách Phú-lâu-na rất nặng. “Tại sao ông không trừ được trần lao phiền não? Tại sao tâm ông dao động để cho được trần lao phiền não khởi dậy? Đó là do vì không siêng năng cầu đạo giác ngộ vô thượng. Ông không thường lưu tâm đến việc tu tập đạo giác ngộ vô thượng, nhưng chỉ thích nghĩ đến Tiểu thừa, được một ít liền cho là đủ. Ông chỉ ham thích giáo lý của hàng Nhị thừa và hài lòng với sự chứng đắc các quả vị thấp nhỏ.”
Phần này trong kinh văn rất quan trọng. Mọi người nên tự phản tỉnh nơi chính mình. Tự hỏi rằng mình có thực tâm tinh tấn cầu đạo giác ngộ vô thượng không? Quý vị có chân thực cần cầu Phật pháp không? Nếu quý vị thực tâm muốn thâm nhập Phật pháp, quý vị cần phải siêng năng cầu đạo vô thượng bồ-đề. Hàng ngày quý vị hãy tự hỏi rằng mình đang làm gì ở đây? “Có phải là chỉ theo đám đông? Họ cười thì tôi cười, Họ nói thì tôi nói chăng?” Nếu quý vị là người chỉ theo đám đông, thì quý vị chưa phải là người đang tu tập công phu. Nếu quý vị thực tâm hạ thủ công phu, thì thậm chí khi người bên cạnh nói, quý vị cũng chẳng biết họ nói gì. Nếu có người đi qua, quý vị cũng không thấy.
“Tôi không phải là người điếc, Tôi chẳng phải là người câm,” quý vị nói. “Tại sao tôi không thấy được họ? Tại sao tôi không nghe họ nói?”
Nếu quý vị không thấy và không nghe, dù quý vị chẳng phải là người điếc hoặc người mù, thì đó là điều vi diệu. Thế là quý vị thực sự đạt được điều gì đó rồi. Quý vị không mù, không điếc, nhưng:
Nhãn quán hình sắc nội bất hữu
眼 觀 形 色 內 不 有
Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.
耳 聽 塵 事 心 不 知
Nếu quý vị có thể được như vậy, thì tôi biết ngay là quý vị đang siêng năng cầu đạo vô thượng bồ-đề. Nếu không được như vậy, thì quý vị phải dũng mãnh lên, thực tâm đặt mình trên con đường đạo, cần cầu đạo giác ngộ vô thượng.
Một hôm có người hỏi tôi, “Ở đây chẳng có nơi nào yên tĩnh cả.” Nếu trong mình tự yên tĩnh, thì mọi nơi đều yên tĩnh. Nếu tự trong mình không được yên tĩnh, thì nơi nào cũng rối loạn cả. Nếu trong tâm quý vị không được yên tĩnh và bị xoay chuyển bởi ngoại cảnh, thì đi đâu quý vị cũng có ngoại cảnh đi theo. Bất luận quý vị đi đâu–lên núi, xuống biển, ở ngoài trời, trong nhà, trong cốc, ngoài hiên nhà–bất luận đi đâu quý vị cũng không được yên tĩnh. Vì quý vị thậm chí không được hòa hợp với chính mình. Quý vị trở nên bực dọc với chính mình. Tại sao vậy? Vì quý vị không thể làm chủ được hoàn cảnh chung quanh mình. Quý vị đã bị nó tác động.
Khi có ai đi ngang qua một người đang tinh tấn hành trì, thì người đang tu đạo ấy chẳng để ý người đi qua; nếu có ai nói điều gì đó ở bên cạnh, người ấy cũng không nghe.
Quý vị có thể phản đối, “Thầy luôn luôn khuyến khích làm những việc khó làm. Con không thể nào làm được.”
Nếu quý vị tìm ra cách để làm cho được cái việc khó làm ấy, thì đó là điều đáng nói. Tất cả mọi chuyện đều là vô nghĩa nếu quý vị chứng đạo. Nếu quý vị có thể chuyển thành phố ồn ào thành như núi rừng yên tĩnh, thì quý vị đã có chút công phu.
Thế thì, hãy tự hỏi mình đã tinh tấn cầu đạo vô thượng bồ-đề chưa. Hay chỉ đến đây để tìm lỗi người khác? “Thế này thì hoàn toàn đúng, nhưng thế nọ thì hoàn toàn sai.” Có phải quý vị chỉ chỉa máy quay phim về phía bên ngoài để thu hình người khác chứ không phải của chính mình? Quý vị nên tự hồi quang phản chiếu, quay cái nhìn lại bên trong mình. Quý vị có thực sự tu hành trong suốt thời gian mình đang ở đây để học Phật pháp hay không? Nếu không được như vậy, có nghĩa là quý vị đã lãng phí thời gian. Nếu quý vị thật sự tu hành nghiêm chỉnh, hãy tự hỏi mình thử mình đã có được những lợi lạc gì? Nếu chưa có được điều gì cả, thì nên nỗ lực tinh cần hơn. Hãy lấy ví dụ học chú Thủ-lăng-nghiêm. Quý vị đã làm được gì? Quý vị có tụng thuộc lòng được chăng? Rốt ráo, Kinh Thủ-lăng-nghiêm được nói là nhân có chú Thủ-lăng-nghiêm. Nếu không có chú Thủ-lăng-nghiêm, thì cũng sẽ không có Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Thế nên nếu quý vị không hiểu được nội dung Kinh Thủ-lăng-nghiêm, gọi là tạm được nếu như quý vị tụng thuộc lòng chú Thủ-lăng-nghiêm. Nhưng đừng bận tâm đến điều nầy nhiều quá. Quý vị vẫn ăn khi đói và vẫn ngủ khi mệt. Đừng quá quan tâm đến chuyện học thuộc lòng chú Thủ-lăng-nghiêm đến mức không thể nuốt nổi thức ăn và bị chứng mất ngủ. Nếu quý vị lo lắng thái quá, đến mức sẽ giảm khả năng học chú.
Tôi đã bảo quý vị là hãy nhìn mà đừng thấy, lắng nghe chứ đừng nghe tiếng. Nhưng mọi người đều bị xoay chuyển bởi hoàn cảnh mà không tự kiềm chế được. Quý vị để ý nhiều đến việc gì khi lần đầu thấy chúng. Nhưng thời gian sau thì quên ngay, và sự việc ấy không còn tồn tại trong quý vị nữa. Lấy cái đồng hồ làm ví dụ. Đồng hồ cũ thường kêu “tick, tock” rồi đổ chuông. Nếu quý vị có một cái đồng hồ như vậy, thì ban đầu quý vị còn chú ý đến tiếng “tick, tock” của nó, nhưng sau khi quen rồi, quý vị chẳng còn nghe gì nữa cả. Nếu để ý đến, thì vẫn nghe tiếng “tick, tock,” nhưng nếu không để ý, như thể chẳng nghe gì cả. Điều nầy chứng minh rằng nếu tâm mình chẳng vướng mắc vào thứ gì, thì chẳng có gì tồn tại. Đó là ý nghĩa câu trên:
Nhãn quán hình sắc nội bất hữu
眼 觀 形 色 內 不 有
Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.
耳 聽 塵 事 心 不 知
Khi quý vị theo đại chúng đi ngồi thiền, nhưng rồi than phiền có người cục cựa miết. Người bên cạnh mình cử động, nhưng đừng trách cứ họ. Đó chỉ là do mình chưa có nhiều định lực. Nếu mình có định lực, dù bất luận người bên cạnh có cử động đến mức nào, mình cũng chẳng biết. Vì sao quý vị biết được người bên cạnh cử động? Vì chính mình đang động. Tâm mình đang động.
Đó là một việc. Có việc lớn, việc nhỏ, việc xấu, việc tốt. Việc quý vị cần phải làm là cách thế nào để vận dụng Phật pháp mà tu hành, còn những việc khác chẳng có vấn đề gì.
Quý vị sẽ phản đối, “Nhưng con không thể nào vận dụng được.” Nếu quý vị không thể vận dụng được, quý vị phải nghĩ ra cách để làm. Quý vị phải duy trì công phu vào một hướng. Khi công phu đã sâu, tự nhiên quý vị hoàn toàn không bị xoay chuyển bởi hoàn cảnh. Khi đã có được định lực, chăng có cảnh giới nào làm động tâm mình được. Người Trung Hoa có ngạn ngữ:
Học vấn thâm thời ý khí bình.
學 問 深 時 意 氣 平
Con người thường cư xử bốc đồng do họ thiếu học vấn. Nếu định lực mình sung mãn, thì dù có việc gì quá xấu, quý vị vẫn có thể tác động đến nó khiến trở thành tốt hơn. Chẳng hạn, tôi từng kể cho quý vị nghe, hễ khi nào tôi ở Cựu Kim Sơn thì ở đó không xảy ra động đất. Những ai chưa thâm hiểu Phật pháp thì cho đó là điều khó tin nỗi. Nhưng nếu quý vị thâm nhập Phật pháp và thực hành công phu cho đến chừng nào có được định lực, sẽ thấy bất kì mình đến đâu, đại địa đều bình an. Hoàn toàn chắc chắn ở đó không có vấn đề gì. Nên bây giờ chúng ta đang tu tập định lực, đến khi chúng ta thực sự có được định lực, thì sẽ có sự bình an bất kì mình đến nơi đâu. Nếu chúng ta không có định lực, thì dù có ở nơi an ổn vẫn không được an ổn, vì tâm mình đang dao động. Với định lực, quý vị có thể xoay chuyển hoàn cảnh chung quanh mình. Điều nầy rất quan trọng.
Do vây, trước hết, quý vị phải học thuộc lòng chú Thủ-lăng-nghiêm, rồi còn phải tu tập Thủ-lăng-nghiêm đại định. Với Thủ-lăng-nghiêm đại định, chúng ta chẳng còn lo ngại điều gì cả; quý vị thật sự thấy mình vững chãi. Thế nên bây giờ khi tôi đang nói đây thì mặt đất ở Cựu Kim Sơn vẫn vững chãi, và dù bom nguyên tử có rơi xuống đây, cũng chẳng hề gì, nó sẽ không nổ. Quý vị phải có niềm tin và đừng sợ. Với chú Thủ-lăng-nghiêm, và với thực tế là chúng ta đang nghe giảng Kinh Thủ-lăng-nghiêm thì chẳng có gì để sợ cả. Chư Phật và Bồ-tát chắc chắn sẽ che chở cho chúng ta khi đang học Phật pháp ở đây, nên quý vị đừng bận tâm.
Kinh văn:
富樓那言我與如來寶覺圓明。真妙淨心,無二圓滿。而我昔遭無始妄想久在輪迴。今得聖乘猶未究竟。世尊諸妄一切圓滅獨妙真常。
Phú-lâu na ngôn, ngã dữ Như Lai bảo giác viên minh, chân diệu tịnh tâm, vô nhị viên mãn. Nhi ngã tích tao vô thủy vọng tưởng, cửu tại luân hồi. Kim đắc thánh thừa, do vị cứu cánh. Thế tôn chư vọng nhất thiết viên diệt, độc diệu chân thường.
Việt dịch:
Phú-lâu-na bạch, “Chân tâm quý báu, thanh tịnh vi diệu, giác ngộ sáng suốt của con cùng với Như Lai vốn là viên mãn không hai. Nhưng xưa con mắc phải vọng tưởng từ vô thủy, nên phải ở lâu trong luân hồi. Nay được thánh thừa, còn chưa được chỗ cứu cánh. Như Thế tôn, hết thảy các vọng đều dứt trừ, chỉ có diệu dụng của tính chân thường.”
Giảng giải:
Nghe Đức Phật quở trách rằng Phú-lâu-na không siêng năng cần cầu Vô thượng bồ-đề, chỉ ưa thích giáo lý của hàng Tiểu thừa, được chút ít cho là đủ, Phú-lâu-na đáp rằng: Chân tâm quý báu, thanh tịnh vi diệu, giác ngộ sáng suốt của con cùng với Như Lai vốn là viên mãn không hai. Phú-lâu-na thưa rằng ngài cùng Đức Phật đều có tánh Như Lai tạng, vốn bất nhị, tròn đầy, không thêm, không bớt. Nhưng, dù chân tâm vi diệu thanh tịnh sáng suốt tròn đầy của chư Phật và con vốn là viên mãn vi diệu, nhưng xưa con mắc phải vọng tưởng từ vô thủy, nên phải ở lâu trong luân hồi. Đã lâu nay, con đã mắc phải vọng tưởng từ vô thủy, nên xưa nay con bị trôi lăn trong sáu nẻo sinh tử luân hồi.
Nay được thánh thừa. Nay con được công nhận chứng nhập quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Nhưng vẫn còn chưa được chỗ cứu cánh. Nhưng con vẫn chưa hoàn toàn trừ sạch hoàn toàn mọi tập khí vọng tưởng được. Chân tâm vẫn chưa được hiển bày. Như Thế tôn, hết thảy các vọng đều dứt trừ, chỉ có diệu dụng của tính chân thường. Như đối với Thế tôn, cái vọng đã được hoàn toàn khiển trừ, chỉ còn lại thuần chân. Cảnh giới của ngài rất vi diệu, chân thường, không bao giờ lay động.
Kinh văn:
敢問如來,一切眾生,何因有妄,自蔽妙明,受此淪溺 ?
Cảm vấn Như Lai, nhất thiết chúng sinh, hà nhân hữu vọng, tự tế diệu minh, thụ thử luân nịch?
Việt dịch:
Con xin hỏi Như Lai, tất cả chúng sinh vì nhân gì mà có vọng, tự che tính diệu minh mà chịu chìm đắm như vậy?
Giảng giải:
“Con xin hỏi Như Lai, con dám xin hỏi Đức Phật, tất cả chúng sinh vì nhân gì mà có vọng. Tại sao chúng sinh đột nhiên sinh khởi vọng tưởng?” Điều nầy cũng giống như câu hỏi trước đây của Phú-lâu-na: “Nếu bản tâm vốn thanh tịnh trùm khắp, tại sao đột nhiên lại sinh khởi núi sông đất liền?” Tự tánh của chúng sinh vốn là thanh tịnh, vắng bặt mọi vọng tưởng, tại sao lại sinh khởi vọng tưởng như vậy?
Và tại sao họ lại tự che tính diệu minh mà chịu chìm đắm như vậy? Họ tự che lấp chân tâm vi diệu sáng suốt của mình, phải chịu trải qua sinh tử ở thế gian, phải chịu luân hồi sinh tử trong sáu đường, cho đến khi bị chìm đắm, như người bị chết đuối. Họ mãi bị lún sâu vào vũng lầy của luân hồi sinh tử.
Kinh văn:
佛告富樓那,汝雖除疑,餘惑未盡。吾以世間現前諸事,今復問汝。
Phật cáo Phú-lâu-na, nhữ tuy trừ nghi, dư hoặc vị tận. Ngô dĩ thế gian hiện tiền chư sự, kim phục vấn nhữ.
Việt dịch:
Phật bảo Phú-lâu-na, ông tuy đã trừ được mối nghi, nhưng còn những mê lầm chưa dứt sạch. Nay Như Lai sẽ dùng những việc hiện tiền ở thế gian để hỏi ông.
Giảng giải:
Phú-lâu-na muốn biết tại sao vọng tưởng lại sinh khởi trong chân tâm thanh tịnh viên mãn trùm khắp cả pháp giới, tại sao vọng tưởng lại che mờ chân tâm vi diệu sáng suốt cuả mọi người?
Để trả lời, Phật bảo Phú-lâu-na, “Ông tuy đã trừ được mối nghi, nhưng còn những mê lầm chưa dứt sạch. Khi Như Lai giải thích về sự tương tục của thế giới, sự tương tục của chúng sinh, và sự tương tục của nghiệp báo, ông đã dứt trừ được mối nghi, nhưng ông hoàn toàn chưa nhận ra được đạo lý và chưa được thông suốt hoàn toàn. Nay Như Lai có điều muốn hỏi ông. Như Lai sẽ dùng những việc hiện tiền ở thế gian để hỏi ông. Một sự kiện bình thường, một hiện tượng thế gian sẽ cho ông hiểu vấn đề dễ dàng hơn, thế nên Như Lai sẽ dùng một ví dụ để hỏi ông.”
Kinh văn:
汝豈不聞。室羅城中演若達多。忽於晨朝以鏡照面。愛鏡中頭眉目可見。瞋責己頭不見面目以為魑魅無狀狂走。於意云何。此人何因無故狂走 。富樓那言,是人心狂,更無他故。
Nhữ khởi bất văn, Thất-la thành trung Diễn-nhã-đạt-đa, hốt ư thần triêu, dĩ kính chiếu diện. Ái kính trung đầu, mi mục khả kiến. Sân trách kỉ đầu, bất kiến diện mục. Dĩ vi si mị, vô trạng cuồng tẩu. Ư ý vân hà. Thử nhân hà nhân vô cố cuồng tẩu?
Phú-lâu-na ngôn, thị nhân tâm cuồng, cánh vô tha cố.
Việt dịch:
“Phú-lâu-na, Ông chưa nghe chuyện Diễn-nhã-đạt-đa trong thành Thất-la-phiệt hay sao? Buổi sáng anh ta lấy gương soi mặt, bỗng nhiên ưa thích cái đầu trong gương, nó có thể thấy được lông mày lông mi. Rồi trách cái đầu mình không thể thấy được mặt mày của chính mình. Nên cho cái đầu mình là giống yêu quái, vô cớ phát điên bỏ chạy. Ông nghĩ sao, Người ấy vì sao vô cớ phát điên bỏ chạy như vậy?
Phú-lâu-na thưa, “Tâm người ấy điên, chứ không có duyên cớ gì khác.”
Giảng giải:
ông đã nghe chuyện nầy chưa? Ông chưa nghe chuyện Diễn-nhã-đạt-đa trong thành Thất-la-phiệt hay sao? Buổi sáng anh ta lấy gương soi mặt.” Vào thời ấy chưa có báo chí, tin tức chỉ có truyền miệng. Diễn-nhã-đạt-đa gốc tiếng Sanskrit là Yajñadatta,[i] Hán dịch là Từ tiếp, có nghĩa là đến ngôi đền, vì có lần mẹ ông đến ngôi đền thờ thiên thần để cầu được sinh con trai.
Vào một buổi sáng, Diễn-nhã-đạt-đa thức dậy và vội vã, không dự tính trước, lấy kính lên soi mặt. Thấy khuôn mặt mình phản chiếu trong gương, anh ta thấy yêu thích khuôn mặt của mình hiện ra trong đó. Anh ta rất vui mừng vì thấy cái đầu trong gương của mình đẹp biết bao.
Bỗng nhiên ưa thích cái đầu trong gương, nó có thể thấy được lông mày lông mi. Anh ta nhìn chăm chú khuôn mặt trong gương và thấy cái đầu ấy thật tuyệt hảo. Nhưng rồi trách cái đầu mình không thể thấy được mặt mày của chính mình. Rồi bỗng nhiên anh ta nổi lên giận dữ. “Tại sao ta không có được cái đầu?” Anh ta đòi hỏi. “Sẽ tuyệt vời biết bao nếu ta có được cái đầu như vậy!” Diễn-nhã-đạt-đa tức giận đến điên lên vì thấy cái đầu mình hiện nay không nhìn thấy được mặt mày của chính mình nên nghĩ rằng anh ta không có đầu. “Tôi có thể thấy được cái đầu trong gương một cách hoàn chỉnh. Tại sao tôi không thấy được mặt mũi của chính mình?” Nên cho cái đầu mình là giống yêu quái. Đến lúc ấy thì anh ta mắc phải sai lầm. Anh ta nghĩ rằng mình là một loài yêu quái, Li mị là yêu quái sống ở núi rừng, nó có một loại ma lực quyến rũ mê hồn. Li mị và võng lượng là hai loại yêu quái. Người Trung Hoa có câu đối về loại yêu quái nầy:
Cầm sắt tỳ bà, tứ đại vương, vương vương tại thượng.
琴 瑟 琵 琶 四 大 王 王 王 在 上。
Li mị võng lựơng, tứ tiểu quỷ, quỷ quỷ cư bàng.
魑 魅 魍 魎 四 小 鬼 鬼 鬼 居 傍。
Một khi đã nghĩ mình là yêu quỷ, Nên cho cái đầu mình là giống yêu quái, vô cớ phát điên bỏ chạy. Anh ta cố gắng lắc cái đầu mà anh cho là yêu quỷ, rồi điên cuồng chạy xuống phố. Chẳng có nguyên cớ nào khiến anh ta có hành vi như vậy, ngoại trừ anh ta trở nên bị ám ảnh bởi ý tưởng rằng mình là loài yêu quái.
Ông nghĩ sao? Phú-lâu-na, ý ông nghĩ sao về việc nầy? Người ấy vì sao vô cớ phát điên bỏ chạy như vậy? Thực sự có nguyên do nào đằng sau hành vi vô cớ khiến anh ta điên cuồng bỏ chạy như vậy?
Phú-lâu-na thưa, “Tâm người ấy điên, chứ không có duyên cớ gì khác.” Diễn-nhã-đạt-đa phát cuồng; anh ta không có động cơ đúng đắn. Diễn-nhã-đạt-đa không biết, do vậy, anh ta nghĩ rằng mình chắc là loài yêu quỷ vì anh ta không thấy được cái đầu của mình. Bây giờ, có phải thực sự anh ta không có đầu hay không? Tôi nghĩ rằng tất cả quý vị trong đây đều thông minh hơn Diễn-nhã-đạt-đa, và không có ai trong quý vị cho rằng mình không có đầu, bởi vì quý vị thấy được cái đầu mình trong gương. Cơ bản là anh ta chưa hề mất cái đầu, nhưng anh ta nghĩ rằng đầu mình đã bị mất.
Phú-lâu-na hỏi Đức Phật rằng tại sao chúng sinh vô cớ phát khởi vọng tưởng. Đức Phật đưa chuyện Diễn-nhã-đạt-đa và hỏi tại sao anh ta vội vàng kết luận mình không có đầu. Phú-lâu-na đáp rằng tâm Diễn-nhã-đạt-đa đã phát cuồng. Tại sao chúng sinh sanh khởi các thứ hư vọng? Bởi vì vọng tưởng họ sinh khởi trong chân tâm. Chắc chắn vốn không có một căn gốc của vọng tưởng để phát sinh hư vọng. Đạo lý nầy cũng giống như trường hợp của Diễn-nhã-đạt-đa.
Kinh văn:
佛言,妙覺明圓,本圓明妙。既稱為妄,云何有因? 若有所因,云何名妄?
Phật ngôn, diệu giác minh viên, bổn viên minh diệu. Kí xưng vi vọng, vân hà hữu nhân? Nhược hữu sở nhân, vân hà danh vọng?
Việt dịch:
Đức Phật bảo, “Tính diệu giác viên mãn sáng suốt, vốn là diệu minh viên mãn. Nếu đã gọi là vọng, thì làm sao có nhân? Nếu đã có nhân rồi, làm sao gọi là vọng?”
Giảng giải:
Đức Phật bảo Phú-lâu-na, “Tính diệu giác viên mãn sáng suốt, vốn là diệu minh viên mãn. Nếu đã gọi là vọng, thì làm sao có nhân? Đức Phật là chỉ cho tánh Như Lai tạng, vắng lặng nhưng thường chiếu soi, chiếu soi nhưng thường vắng lặng. Vi diệu và bất khả tư nghì. “ Có nguyên nhân nào” Đức Phật hỏi Phú-lâu-na, “Để ông cho rằng tánh Như Lai tạng là chân hay vọng? Nếu đã có nhân rồi, làm sao gọi là vọng? Nếu đã có căn cứ, đã có sự phán xét nhất định, nếu có những nguyên do đúng đắn đằng sau suy nghĩ như vậy, làm sao gọi là vọng? Nếu ông có thể thông qua một nhận định về một việc gì đó, thì việc ấy phải hiện hữu. Nó phải chân chứ không phải vọng, và ông không thể nào nói rằng nó chân hay vọng được.”
Kinh văn:
自諸妄想展轉相因。從迷積迷,以歷塵劫。雖佛發明,猶不能返。
Tự chư vọng tưởng triển chuyển tương nhân. Tùng mê tích mê, dĩ lịch trần kiếp. Tuy Phật phát minh, do bất năng phản.
Việt dịch:
Chỉ tự các vọng tưởng xoay vần làm nguyên nhân cho nhau. Theo cái mê chứa cái mê, trải qua kiếp số như vi trần. Tuy Phật phát minh, nhưng không thể làm cho nó mất tác dụng.
Giảng giải:
Chỉ tự các vọng tưởng, dù đó là vọng tưởng, sinh khởi thành vọng tưởng càng lúc càng nhiều. Vọng tưởng như kiến–chỉ trong một khoảnh khắc, ít trở nên nhiều . Hoặc như vi khuẩn. Nó xuất hiện như thế nào? Như tôi đã nói từ trước:
Người tốt tìm đến nhau
Người xấu tụ tập với nhau.
Tương tự như vậy, vọng tưởng sanh khởi, chứa nhóm, và xoay vần làm nguyên nhân cho nhau. Bỗng nhiên có thật nhiều vọng tưởng. Thực vậy, đó là điều ngăn cản con người không thể giác ngộ. Nếu không có vọng tưởng này xảy ra, thì có vọng tưởng khác cũng đến, nó hợp lại thành đàn, vào ra như khách đến căn nhà mở ngõ. Tôi hỏi một vị ở đây rằng anh nghĩ gì khi đang ngồi thiền, câu trả lời là, “Có khi tôi nghĩ đến có gì ngon để ăn, có khi nghĩ về áo quần đẹp để mặc, hoặc được sống trong ngôi nhà sang trọng, hoặc mua xe mới. Có khi tôi dự tính mua cả máy bay trực thăng khi nào có tiền.” Khi quý vị ngồi thiền, những thứ nầy sẽ sinh khởi. Cái nầy đi cái kia đến, đến rồi đi–“đều là vọng tưởng của quý vị.”
Theo cái mê chứa cái mê. Một thoáng chốc mê lầm phát sinh ra càng nhiều hơn, trải qua kiếp số như vi trần. Vì vọng tưởng của quý vị quá lớn, nên quý vị không thể dừng nó ngay được, thế nên quý vị khiến cho tự tánh mình bận rộn từ sáng đến tối. Căn bản là tự tánh vốn thanh tịnh viên mãn trùm khắp pháp giới, nhưng khi nó tiếp đãi quá nhiều vọng tưởng, thì nó không thể nghĩ ngơi. Nó tiếp xúc với vọng tưởng từ kiếp nầy sang kiếp khác không bao giờ ngưng. “Hôm nay vọng tưởng nầy mời tôi, ngày mai tôi được vọng tưởng kia mời đi xem kịch. Ngày kia tôi có hẹn với vọng tưởng kia được khiêu vũ, rồi có những buổi họp, giao tế xã hội. Nói chung có rất nhiều việc phải làm.” Thế là từ kiếp nầy đến kiếp khác, từ vô thủy đến ngày nay, quý vị vẫn không ngừng việc giao tiếp.
Tuy Phật phát minh, nhưng không thể làm cho nó mất
tác dụng.[ii]
Đức Phật thấy biết mọi việc đang diễn ra, nhưng ngài không thể nào khiến cho các vọng tưởng ấy mất tác dụng. Đức Phật không thể làm cho quý vị quay lưng, quay mặt về hướng khác. Quý vị vẫn kết bạn với vọng tưởng và không thể nào từ bỏ nó.
Xả bất liễu tử, hoán bất liễu sinh;
捨 不 了 死, 換 不 了 生
Xả bất liễu giả, thành bất liễu chân.
捨 不 了 假, 城 不 了 真.
Quý vị hỏi rằng, “Có phải ‘Xả bất liễu tử’ có nghĩa là tôi phải chết ngay bây giờ. Và hoán bất liễu sinh có nghĩa là tôi phải rời bỏ đời sống nầy, chọn một đời sống khác?” Không phải như vậy. Mà có nghĩa là ngay khi quý vị còn sống, quý vị hãy tự xem mình như là người chết rồi. Nếu được như vậy, thì quý vị sẽ không choé lửa lên khi có người phê phán quý vị hoặc có người than phiền về quý vị. Hãy giả vờ như mình đã chết. Đừng có quá bận tâm về danh tiếng của mình, và đừng để phí sức vào cái vỏ sò nhỏ bé của cái thân hiện hữu nầy. Xả bất liễu tử theo cách như vậy. Thế là sau cái chết lớn,[iii] quý vị sẽ có được chỗ họat dụng rất lớn.
Xả bất liễu giả, thành bất liễu chân.
捨 不 了 假, 城 不 了 真.
Tại sao quý vị chưa có được chân tâm quý báu giác ngộ viên mãn? Vì quý vị có quá nhiều vọng tưởng và không thể nào từ bỏ được. Và hàng ngày quý vị truy tìm những thuận lợi từ hoàn cảnh phát sinh. Khi quý vị truy tìm những thuận lợi từ trong mọi hoàn cảnh, thì chẳng còn chút nào hy vọng thành tựu đạo nghiệp.
Phần nhiều con người để hết tâm lực vào những việc vô bổ. Những người để tâm tu đạo nên vận dụng công phu tu tập của mình vào những việc thiết thực. ‘Việc vô bổ’ đó có nghĩa là thân xác của quý vị, vì nó mà quý vị phải bị sai sử đi từ chỗ này đến chỗ kia. Một ngày nào đó, cái thân ấy cũng chết. ‘Việc thiết thực’ đó là tự tánh của chúng ta, tự tánh ấy không bao giờ chết. Khi thân xác nầy tan rã, thì tự tánh không chết. Nó chỉ tạm dời sang ngôi nhà mới mà thôi.
Kinh văn:
如是迷因,因迷自有。識迷無因,妄無所依。尚無有生,欲何為滅。得菩提者,如寤時人說夢中事。心縱精明,欲何因緣取夢中物。
Như thị mê nhân, nhân mê tự hữu. Thức mê vô nhân, vọng vô sở y. Thượng vô hữu sinh, dục hà vi diệt? Đắc bồ-đề giả, như ngộ thời nhân thuyết mộng trung sự. Tâm túng tinh minh, dục hà nhân duyên, thủ mộng trung vật?
Việt dịch:
Nguyên nhân cái mê như vậy, là nhân mê mà tự có. Biết mê không có nguyên nhân, thì vọng chẳng còn chỗ tựa. Vốn không có chỗ sinh, muốn nó diệt làm gì? Người được chứng ngộ, như người đang thức mà nói chuyện trong mộng. Tâm dù có sáng suốt, nhưng với nhân duyên nào mà lấy được vật trong mộng?
Giảng giải:
Nguyên nhân cái mê như vậy, là nhân mê mà tự có. Khi quý vị chạm trán với cái mê, cái mê dường như thực có. Vọng tưởng hiện ra như thật, nhưng thực ra chúng là giả. Quý vị dường như có chút vọng tưởng, nhưng thực sự cái mê ấy không có thực thể. Thế nên, không thể nói rằng mê sinh ra mê, vì cái mê vốn không có tự thể riêng biệt. Biết mê không có nguyên nhân–chẳng có chỗ nào cho cái mê nương vào, chẳng có hạt giống, chẳng có gốc rễ–thì vọng chẳng còn chỗ tựa. Một khi đã nhận ra cái mê vốn không có tự thể riêng biệt, thì làm sao mà cái vọng còn tồn tại được? Vốn không có chỗ sinh. Nó chưa từng sinh ra. Người cho rằng mình không có cái đầu cứ nghĩ rằng mình không có cái đầu, nhưng thực ra cái đầu mọc ngay trên vai mình. Cái mê là do nhất thời thiếu sáng suốt. Đó chẳng phải là hoàn toàn mê lầm để ngăn che tánh giác của quý vị. Vậy muốn nó diệt làm gì? Nó đã không sinh khởi, vậy làm sao nói nó diệt?
Người được chứng ngộ, như người đang thức mà nói chuyện trong mộng. Khi anh ta ngủ, thấy mình là vua, có cả triều đình, quan cận thần, thức ăn sơn hào hải vị, y phục sang trọng, được hưởng mọi thứ sung sướng không tưởng tượng nỗi. Tâm dù có sáng suốt, nhưng với nhân duyên nào mà lấy được vật trong mộng? Làm sao anh ta có thể đưa những sự kiện trong mộng ra cho mọi người xem? Không thể nào được. Ai là người có tâm sáng suốt? Chính là Đức Phật. Đức Phật có thể giảng pháp để chỉ cho quý vị thấy rằng anh vừa trải qua mọi chuyện trong giấc mộng, nhưng Đức Phật không thể nào đem những sự việc trong mộng bày ra cho quý vị thấy như thực. Mọi việc ngài có thể làm là dùng ví dụ để chỉ dạy cho quý vị. Đừng có mong ngài lấy những vật ấy ra như là bằng chứng. Thế nên, Đức Phật là người tỉnh ngộ từ giấc mơ và có thể nói về những chuyện xảy ra trong mộng, nhưng ngài không thể nào lấy từ trong mộng những vật ấy ra để chỉ cho mình thấy.
Kinh văn:
況復無因,本無所有。如彼城中演若達多。豈有因緣,自怖頭走。忽然狂歇,頭非外得。縱歇 未狂亦何遺失?
Huống phục vô nhân, bổn vô sở hữu. Như bỉ thành trung Diễn-nhã-đạt-đa, khởi hữu nhân duyên tự bố đầu tẩu. Hốt nhiên cuồng yết, đầu phi ngoại đắc. Túng vị yết cuồng, diệc hà di thất?
Việt dịch:
Huống nữa cái mê vốn không nhân, vốn không thực có. Như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành kia, đâu có nhân duyên gì, tự sợ cái đầu của mình mà bỏ chạy. Bỗng nhiên hết điên, thấy cái đầu chẳng do bên ngoài đưa đến. Dù chưa hết cuồng, cái đầu cũng chưa từng mất.
Giảng giải:
Huống nữa cái mê vốn không nhân. Do vì quý vị không thể bày ra được những gì thấy được trong mộng để chứng tỏ cho người khác biết rằng quý vị đã thấy được nó, huống gì làm sao có thể chỉ được so sánh hiện hữu của những thứ vốn không có nguốn gốc, không nguyên nhân, vì nó vốn không thực có. Cái mê chắc chắn không có thực thể hoặc hình tướng . Chẳng có ‘vật’ nào ở đó cả. Nó như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành kia, đâu có nhân duyên gì, tự sợ cái đầu của mình mà bỏ chạy. Liệu có thực một nguyên cớ nào chăng? Tại sao anh ta phát sợ, bắt đầu thắc mắc về sự hiện hữu cái đầu của mình? Mối nghi của anh ta như thế nầy: Anh ta bảo không thấy được cái đầu mình rồi kết luận luôn cái đầu không có. Anh ta thấy cái đầu trong gương nhưng không biết rằng nó chính là của mình. Anh ta nghĩ rằng nó hiện hữu độc lập với mình khi nó ở trong gương. Thế nên anh ta tự trách mắng mình vì không có đầu và tự cho mình là quái vật không đầu. Đó là lý do tại sao anh ta chạy quanh. Bỗng nhiên hết điên, thấy cái đầu chẳng do bên ngoài đưa đến. Bệnh cuồng của anh ta sẽ hết, nhưng không phải do cái đầu đã xuất hiện trở lại từ một nơi nào đó. Điều nầy biểu tượng cho thực tế là dù chúng ta có sinh khởi mê lầm, thì mê ấy cũng không có tự thể; nó không có tướng trạng hoặc thực thể. Dù chân như của tự tánh có thể bị mê lầm, thì chân như cũng không bao giờ mất đi. Và khi không còn mê, không phải có nghĩa là người ấy đã thể nhập chân như tự tánh. Tương tự như vậy, cái đầu của ai là thuộc người ấy suốt đời. Không có chuyện là được cái đầu hoặc mất cái đầu.
Dù chưa hết cuồng, cái đầu cũng chưa từng mất.
Khi Diễn-nhã-đạt-đa thấy mình mất đầu, thế nó đi đâu? Đó cũng là vấn đề của ngày nay. Nếu quý vị biết cái đầu mất đi đâu, thì quý vị đã hiểu được phần nào ý kinh nầy. Nếu quý vị không hiểu được cái đầu đi đâu thì phải chú tâm lắng nghe kinh ngay từ bây giờ, rồi quý vị sẽ hiểu. Dù cho trước khi chứng cuồng điên của Diễn-nhã-đạt-đa chấm dứt, thì thật sự anh ta có mất đầu không? Hay không mất? Thế nó đi đâu?
Kinh văn:
富樓那,妄性如是,因何為在?
Phú-lâu-na, vọng tánh như thị, nhân hà vi tại?
Việt dịch:
Phú-lâu-na, tánh vọng tưởng là như vậy, nguyên nhân của nó do đâu mà tồn tại?
Giảng giải:
Cái đầu thực ra không đi đâu cả. Nó vốn không mất. Lý do duy nhất khiến anh ta nghĩ rằng mình không có đầu là anh ta bị mê. Phú-lâu-na, tánh vọng tưởng là như vậy, nguyên nhân của nó do đâu mà tồn tại? Căn gốc của vọng ở đâu? Nó không có cái gì để nương tựa hoặc làm nền tảng cả. Không có căn gốc, thế thì, quý vị xem thử mê lầm và vọng tưởng thực sự ở đâu? Quý vị chẳng tìm ra được.
Kinh văn:
汝但不隨分別世間,業果,眾生,三種相續。三緣斷故,三因不生。
Nhữ đản bất đọa phân biệt thế gian, nghiệp quả, chúng sinh, tam chủng tương tục. Tam duyên đoạn cố, tam nhân bất sinh.
Việt dịch:
Ông chỉ cần không theo sự phân biệt ba thứ tương tục: thế gian, nghiệp quả, chúng sinh. Do ba duyên đã đoạn, nên ba nhân không sanh.
Giảng giải:
Ông chỉ cần– khỏi phải dùng phương pháp nào khác–đó là không theo sự phân biệt ba thứ tương tục: thế gian, nghiệp quả, chúng sinh. Do ba duyên đã đoạn, nên ba nhân không sanh. Nếu quý vị không sinh khởi sự phân biệt, thì sẽ không có thế gian, không có chúng sinh, không có nghiệp quả. Ba duyên nầy đã diệt trừ. Ba duyên nầy hiện hữu lần đầu là do vọng thức và tâm phân biệt. Khi các duyên không còn, thì nhân không thể phát khởi.
Kinh văn:
則汝心中演若達多。狂性自歇。歇即菩提。勝淨明心本周法界。不從人得,何藉劬勞,肯綮修證。
Tắc nhữ tâm trung Diễn-nhã-đạt-đa, cuồng tính tự yết. Yết tức bồ đề, thắng tỉnh minh tâm, bổn châu pháp giới. Bất tùng nhân đắc, hà tạ cù lao, khẳng khẩn[iv] tu chứng.
Việt dịch:
Tánh cuồng của Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm ông tự hết. Hết tức là tâm bồ-đề thù thắng trong sạch sáng suốt, vốn trùm khắp pháp giới. Không do người khác mà có. Nào cần phải nhờ tu chứng nhọc nhằn vất vả.
Giảng giải:
Tánh cuồng của Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm ông, tâm cuồng của ông, sẽ tự hết. Tâm cuống của ông sẽ tự dừng nghỉ. Ngay khi tâm cuồng hết tức là tâm bồ-đề. Không phải là khi tâm cuồng nầy hết rồi nó sẽ cuồng lại lần khác. Ngay chỗ dừng nghỉ chính là bồ-đề. Chỉ cần rời bỏ mê vọng thì ngay đó là chân. Đúng hơn, khi quý vị nhận ra được ngay trong cái mê, thì cái chân thực tự nó hiển bày. Đó chẳng phải là hai thực thể. Hiểu ra là chân, và khi chưa hiểu ra là mê. Cái mê ấy vốn không có căn gốc, nếu có thể làm cho nó dừng bặt, thì ngay đó chính là bồ-đề, là tánh giác ngộ.
Thù thắng trong sạch sáng suốt, không có gì để so sánh được và rất trong sạch, sáng suốt, chiếu khắp mọi nơi, vốn trùm khắp pháp giới. Không do người khác mà có. Nghĩa là, không do bên ngoài mà có. Nó là cái vốn có sẵn trong mọi người. Đó là chân tâm–là tâm thù thắng, thanh tịnh, sáng suốt–tâm nầy chẳng lớn hơn ở chư Phật, hoặc nhỏ hơn, thậm chỉ chẳng nhỏ hơn chút nào ở mỗi chúng sinh, dù chúng sinh đang lúc ở trong mê. Tâm thù thắng, thanh tịnh, sáng suốt đều vốn có sẵn trong mỗi chúng sinh; không ai thiếu sót tâm nầy. Tâm ấy không phải là cái gì vay mượn từ người khác hoặc do bên ngoài mà có được.
Nào cần phải nhờ tu chứng nhọc nhằn vất vả. Một ví dụ về sự nhọc nhằn vất vả là khi cha mẹ nuôi dạy con cái. Cho con bú, thay tả lót, và làm hết sức mình vì lòng thương và mối lo lắng vì con. Vì lẽ ấy, quý vị không cần phải xem tự tánh mình như trẻ con và phải cực nhọc vất vả nuôi nấng chăm sóc nó vì tự tánh là vốn có sẵn trong mình. Ông không cần phải chăm sóc nó quá sức nhọc nhằn vất vả.”
Khẳng khẩn 肯綮, vốn từ nầy xuất phát trong Thiên Dưỡng sinh, Bào Đinh giải ngưu của Trang Tử.[v] Khẳng là chỗ giữa xương và thịt. Khẩn là chỗ giữa gân và thịt. Bào Đinh 庖丁 là người chuyên nghề mổ trâu, chỉ cần một nhát dao là có thể xẻ thịt con trâu thành từng phần thịt, xương, gân rạch ròi. Nghĩa trong kinh văn là quý vị không cần phải tính toán hoạch định chương trình làm sao để tu hành và để được chứng ngộ. Chẳng có pháp nào để tu và để chứng cả. Tu mà như không tu; chứng mà như chẳng có gì để chứng. Đây là vô công dụng đạo. Điều vi diệu của pháp nầy là hoàn toàn thông suốt và không có gì chướng ngại. Quý vị khỏi cần phải tu, khỏi cần phải chứng gì cả. Quý vị không nghe A-nan đã nói trong phần trước rồi đó sao? “Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân.” Ngài chẳng cần phải trải qua a-tăng-kỳ kiếp mới chứng ngộ được pháp thân. Diệu pháp của Kinh Thủ-lăng-nghiêm là ở điểm nầy. Là chẳng cần phải nhờ vào tu chứng nhọc nhằn vất vả.
Kinh văn:
譬如有人,於自衣中,繫如意珠,不自覺知。窮露他方,乞食馳走。雖實貧窮,珠不曾失。
Thí như hữu nhân, ư tự y trung, hệ như ý châu, bất tự giác tri. Cùng lộ tha phương, khất thực trì tẩu. Tuy thật bần cùng, châu bất tằng thất.
Việt dịch:
Như có người trong chéo áo mình có buộc hạt châu như ý mà không tự biết. Đành chịu nghèo khổ đi khắp nơi xin ăn. Tuy thật nghèo cùng, nhưng hạt châu chưa từng mất.
Giảng giải:
Nếu tánh cuồng của Diễn-nhã-đạt-đa trong quý vị, tức tâm cuồng của quý vị dừng bặt–nếu tâm vọng tưởng của quý vị, trạng thái mê mờ chưa không sáng suốt của quý vị biến mất–thì tâm bồ-đề sẽ hiện ra. Nhưng, tướng trạng của bồ-đề chẳng phải là cái gì để có thể đạt được từ bên ngoài, cũng chẳng cần phải nuôi dưỡng bên trong mình mới có. Đó là caí mà mình đã vốn có từ xưa nay. Đức Phật bây giờ cho Phú-lâu-na một ví dụ khác: Điều nầy giống như có người trong chéo áo mình có buộc hạt châu như ý mà không tự biết. Hạt châu như ý khiến cho bất kỳ mong ước nào của mình đều biến thành hiện thực. Thủ nhãn đầu tiên trong Chú đại bi là Như ý châu thủ nhãn. Nếu quý vị muốn vàng là có vàng, Nếu quý vị muốn bạc là có bạc, mọi thứ đều có được từ viên như ý châu. Ai mà có viên như ý châu thì người ấy giàu nhất thế gian. Quý vị có thể có bất kỳ thứ gì mà mình ưa thích.
Người mà trong ví dụ của Đức Phật có viên như ý châu trong áo mà anh ta không biết. Có lẽ anh ta biết, nhưng trải qua thời gian, anh ta quên mất. Anh ta có lẽ là người hay quên, thậm chí không nhớ được việc quan trọng như vậy. Đành chịu nghèo khổ. Anh ta nghèo cùng, không một đồng xu dính túi, cơ cực đến nỗi không có áo quần để mặc. Có lẽ không có nơi trú ngụ để ngủ qua đêm trên đường lang thang. Như thế thì anh ta không được như những người cùng rủ nhau đi cắm trại ngoài trời. Họ làm việc ấy vì vui. Người nầy thì quá nghèo cùng và không còn cách để lựa chọn. Anh ta phải đi khắp nơi xin ăn. Rốt cục anh là người ăn xin. Tuy thật nghèo cùng, nhưng hạt châu chưa từng mất. Mặc dù thực tế anh ta là kẻ nghèo cùng, anh ta vẫn không đánh mất viên ngọc như ý. Điều nầy chứng tỏ rằng dù mọi người có ở trong mê, thì chân tánh của mình vẫn không hề mất.
Con người có thể mê lầm, không hiểu biết, chẳng chịu học Phật pháp, tuy vậy, chân tánh vẫn không hề mất. Những người nầy tham đắm giàu sang, danh vọng thế gian, tham đắm sung sướng hưởng thụ, không nhận ra rằng những thứ của cải phàm trần nầy chẳng làm nên cái giàu sang chân thật. Người nghèo nhất là người chưa nhận ra đạo lý chân thật nầy. Vì quý vị chưa hiểu được Phật pháp, quý vị không nhận ra được chân tánh của mình cũng như viên ngọc như ý ẩn trong chéo áo. Nhưng, dù cho quý vị chưa nhận ra chân tánh của mình, thì tánh Như Lai tạng–bản tâm thù thắng sáng suốt vi diệu–chắc chắn vẫn không mất. Vẫn vốn có trong quý vị.
Những ai đã từng tu tập và tin rằng tự tánh vẫn thường hiện hữu trong mình, và họ siêng năng khám phá gia tài vốn có của mình, thì đó là người chân thực giàu sang.
Kinh văn:
忽有智者,指 示其珠。所願從心,致大饒富。方悟神珠,非從外得。
Hốt hữu trí giả, chỉ thị kỳ châu. Sở nguyện tùng tâm, trí đại nhiêu phú. Phương ngộ thần châu phi tùng ngoại đắc.
Việt dịch:
Bỗng có người trí chỉ cho thấy hạt châu ấy. Điều mong cầu toaị nguyện, trở nên rất giàu. Mới biết hạt châu quý báu ấy không phải do bên ngoài mà có.
Giảng giải:
Bỗng có người trí chỉ cho thấy hạt châu ấy. Người trí là chỉ cho Đức Phật. Chỉ cho thấy hạt châu trong chéo áo là dụ cho chỉ ra Phật tánh vốn có trong mình. Điều mong cầu toaị nguyện, khi đã có được viên ngọc như ý, thì muốn điều gì đều được, và trở nên rất giàu. Anh ta trở nên vị trưởng giả với của cải rất lớn. Anh ta có rất nhiều tiền đến mức không đếm được, dù có sự giúp sức của người kế toán. Đại nhiêu phú–Rất giàu, là biểu tượng cho trí huệ từ bản tâm của người đã chứng được bồ-đề. Mới biết hạt châu quý báu ấy không phải do bên ngoài mà có. Anh ta nhận ra rằng viên “thần châu,” viên ngọc như ý, chẳng phải do từ bên ngoài mà có. Điều nầy có nghĩa là anh ta biết rằng Phật tánh vốn có của mình không phải do anh ta tìm kiếm bên ngoài mà có. Khi quý vị thành tựu Phật quả rồi, mới biết rõ, và thốt lên, “Ồ! Thì ra là như vậy!” Khi quý vị chứng ngộ, sẽ nhận ra rằng mình vốn là người đã giác ngộ từ lâu rồi. Quý vị sẽ nghĩ rằng, “Nếu mình nhận ra điều nầy sớm hơn, mình sẽ khỏi phải mất công quá nhiều, khỏi phải đi khắp nơi xin ăn. Mình khỏi phải chịu nghèo khó cơ cực lâu đến thế.” Nhưng quý vị không gặp được thiện tri thức chỉ cho mình, nên dành phải quên mất. Thế nên, khi nghe lời chỉ dạy trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm, mỗi người trong quý vị phải tự khám phá ra viên ngọc như ý trong chéo áo của mình. Nếu mình phát hiện ra viên ngọc ấy, thì mình trở thành người giàu sang nhất thiên hạ. Có bài kệ diễn tả sự giàu sang ấy như sau:
Tâm chỉ niệm tuyệt chân phú quý
心 止 念 絕 真 富 貴
Tư dục đoạn tận chân phước điền.
私 慾 斷 盡 真 福 田.
Nếu tâm vọng tưởng dừng bặt, nếu tư tưởng điên cuồng dứt sạch, thì mình là người giàu sang đích thực. Thế nên nếu khi chúng ta có được viên ngọc như ý, mình sẽ không còn lòng ham muốn nữa, vì mình đã có tất cả mọi thứ. Mọi thứ đều là của mình, và nếu quý vị không phải là người ích kỷ, không có tâm tham lam, thì quý vị là người đại biểu cho phước điền chân thật.
---o0o---
CHƯƠNG 3 - A-NAN CHẤP VÀO NHÂN DUYÊN
Kinh văn:
即時阿難在大眾中。頂禮佛足起立白佛。世尊現說殺盜婬業。三緣斷故三因不生。心中達多狂性自歇,歇即菩提。不從人得。斯則因緣皎然明白。云何如來頓棄因緣?
Tức thời A-nan tại đại chúng trung, đảnh lễ Phật túc, khởi lập bạch Phật. Thế tôn hiện thuyết sát đạo dâm nghiệp, tam duyên đoạn cố, tam nhân bất sanh. Tâm trung Đạt-đa, cuồng tính tự yết, yết tức bồ-đề, bất tùng nhân đắc. Tư tắc nhân duyên hiệu nhiên minh bạch. Vân hà Như Lai đốn khí nhân duyên?
Việt dịch:
Khi ấy, A-nan liền từ trong đại chúng đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch rằng, “Thế tôn giảng rằng khi ba duyên của các nghiệp sát đạo dâm đã dứt trừ, thì các nhân của chúng không còn sinh khởi nữa. Tánh cuồng trong tâm của Diễn-nhã-đạt-đa tự hết, hết tức bồ-đề. Chẳng phải có được do từ người khác. Đây rõ ràng là nghĩa nhân duyên. Tại sao Như Lai vội bỏ nghĩa nhân duyên?”
Giảng giải:
Khi ấy, A-nan liền từ trong đại chúng đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch rằng, “Thế tôn giảng rằng khi ba duyên của các nghiệp sát đạo dâm đã dứt trừ.”– Đức Phật đã giảng giải vì sao mà tính thích sát hại, thích trộm cắp, thích dâm dục, ba thứ nghiệp nầy, khiến cho thế gian tương tục, chúng sinh tương tục và nghiệp quả tương tục. Khi những duyên nầy dứt trừ sạch, thì các nhân của chúng không còn sinh khởi nữa. Tánh cuồng trong tâm của Diễn-nhã-đạt-đa tự hết, hết tức bồ-đề. Chẳng phải có được do từ người khác. Không phải do từ bên ngoài mà có. Đó là điều Đức Phật muốn nói. Đây rõ ràng là nghĩa nhân duyên. Đạo lý nầy quá hiển nhiên là pháp nhân duyên. Tại sao Như Lai vội bỏ nghĩa nhân duyên?” Tại sao Như Lai lại bác bỏ nhân duyên, tự nhiên và hòa hợp. Những gì ngài đang nói bây giờ có phải là pháp nhân duyên hay không?
Kinh văn:
我從因緣心得開悟。世尊,此義何獨我等年少有學聲聞。今此會中大目犍連。及舍利弗須菩提等。從老梵志聞佛因緣。發心開悟得成無漏。
Ngã tùng nhân duyên tâm đắc khai ngộ. Thế tôn, thử nghĩa hà độc ngã đẳng niên thiếu hữu học Thanh văn, kim thử hội trung Đại Mục-kiền-liên, cập Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề đẳng, tùng lão Phạm chí, văn Phật nhân duyên, phát tâm khai ngộ, đắc thành vô lậu.
Việt dịch:
Chính con cũng do nhân duyên mà được khai ngộ. Bạch Thế tôn, nghĩa nầy chẳng riêng hàng Thanh văn nhỏ tuổi hữu học như chúng con, mà các vị ngay trong hội nầy như Đại Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề... từ khi theo các vị Bà-la-môn, nghe lý nhân duyên của Phật, liền phát tâm khai ngộ, chứng được quả vô lậu.
Giảng giải:
A-nan thưa, “Chính con cũng do nhân duyên mà được khai ngộ. Bạch Thế tôn, nghĩa nầy chẳng riêng hàng Thanh văn nhỏ tuổi hữu học như chúng con, mà các vị ngay trong hội nầy.” Giai vị thứ tư của hàng A-la-hán mới được gọi là ‘vô học.’ Những người còn trong giai vị sơ quả đến quả vị thứ ba đều được gọi là hữu học. Thanh văn là những vị A-la-hán chứng đạo nhờ nghe Đức Phật giảng pháp.
Đại Mục-kiền-liên là con của dòng họ Thái Thúc thị, Xá-lợi-phất là con của Thu tử, và Tu-bồ-đề là Không sanh, từ khi theo các vị Phạm chí[vi]–tức bà-la-môn, theo thuyết tự nhiên–nghe lý nhân duyên của Phật, liền phát tâm khai ngộ, chứng được quả vô lậu. Họ nghe giáo lý thập nhị nhân duyên do Đức Phật giảng mà được chứng ngộ. Họ trở thành A-la-hán vô lậu. Họ không còn vô minh nữa. Đó là:
Chư lậu dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập,
諸 漏 已盡, 梵 行 已 立
Sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu.
所 作 已 辦, 不 受 後 有.
Khi các lậu hoặc đã diệt trừ sạch, trở thành tứ quả A-la-hán– chứng được quả tỉch diệt vô lậu. Các công hạnh tu tập đã hoàn tất, và không còn phải trải qua luân hồi sinh tử nữa.
Kinh văn:
今說菩提不從因緣。則王舍城拘舍梨等。所說自然,成第一義。惟垂大悲開發迷悶.
Kim thuyết bồ-đề bất tùng nhân duyên. Tắc Vương xá thành đẳng. Sở thuyết tự nhiên, thành đệ nhất nghĩa. Duy thùy đại bi khai phát mê muội.
Việt dịch:
Nay Thế tôn dạy bồ-đề không do nhân duyên, thì thuyết tự nhiên của nhóm Câu-xá-lê ở thành Vương xá lại thành đệ nhất nghĩa. Cúi mong Đấng đại bi khai mở chỗ mê lầm cho chúng con.
Giảng giải:
Bạch Thế tôn, trước đây ngài đã giảng pháp mười hai nhân duyên, các A-la-hán đã khai ngộ và chứng được các quả vị. Nay Thế tôn dạy bồ-đề không do nhân duyên, thì thuyết tự nhiên của nhóm Câu-xá-lê ở thành Vương xá lại thành đệ nhất nghĩa!
Mạt-già-lê Câu-xa-lê Tử[vii] là thủ lĩnh luận sư ngoại đạo chủ trương thuyết tự nhiên. Tên ông ta có nghĩa là Bất kiến đạo 不見道. Khi giảng giải thuyết nhân duyên, Đức Phật đã phá bỏ thuyết tự nhiên. Nay ngài lại bác bỏ thuyết nhân duyên, theo A-nan, thì thuyết tự nhiên phải thành đệ nhất nghĩa. Cúi mong Đấng đại bi khai mở chỗ mê lầm cho chúng con. Bạch Phật, với tâm đại từ đại bi của ngài, con nguyện xin ngài khai thị để cho chúng con khai mở tâm mê. Chỉ bày cho chúng con, vốn bị quá nhiều vọng tưởng nên chưa nhận ra chân lý.
Kinh văn:
佛告阿難,即如城中演若達多。狂性因緣若得滅除。則不狂性自然而出。因緣自然理窮於是。
Phật cáo A-nan, tức như thành trung Diễn-nhã-đạt-đa. Cuồng tánh nhân duyên nhược đắc diệt trừ, tắc bất cuồng tính tự nhiên nhi xuất. Nhân duyên tự nhiên lý cùng ư thị.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan, “Như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành, nếu trừ được nhân duyên của tánh cuồng, thì tánh không cuồng tự nhiên hiện ra. Lý nhân duyên tự nhiên rốt ráo cũng như vậy.”
Giảng giải:
Đức Phật bảo A-nan, “Như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành, nếu trừ được nhân duyên của tánh cuồng. Ông có thể giải thích nguyên nhân tánh cuồng của anh ta được chăng? Nếu tánh cuồng ấy dứt hẳn, thì tánh không cuồng tự nhiên hiện ra. Lý nhân duyên tự nhiên rốt ráo cũng như vậy. Hãy nói cho Như Lai biết, khía cạnh nào trong tình cảnh của anh ta sinh khởi từ nhân duyên, khía cạnh nào sinh khởi do tự nhiên? Đó là những gì đề cập đến hai giáo lý (nhân duyên, tự nhiên), chính là vấn đề Như Lai giảng giải ở đây.”
Kinh văn:
阿難,演若達多頭本自然。本自其然,無然非自。何因緣故,怖頭狂走?
A-nan, Diễn-nhã-đạt-đa đầu bổn tự nhiên. Bổn tự kỳ nhiên, vô nhiên phi tự. Hà nhân duyên cố, bố đầu cuồng tẩu?
Việt dịch:
A-nan, như cái đầu của Diễn-nhã-đạt-đa vốn là tự nhiên. Vốn đã tự nhiên như thế thì có lúc nào mà không tự nhiên. Thế vì nhân duyên gì mà sợ cái đầu, phát điên bỏ chạy?
Giảng giải:
A-nan, ông không nhận ra rằng như cái đầu của Diễn-nhã-đạt-đa vốn là tự nhiên hay sao? Anh ta không bao giờ mất cái đầu, và anh ta không có chuyện tìm lại đầu. Vốn đã tự nhiên như thế. Đó chính là điều đang diễn ra đúng với anh. Anh có một cái đầu. Thì có lúc nào mà không tự nhiên. Vốn chưa từng có lúc nào anh ta không có đầu. Thế vì nhân duyên gì mà sợ cái đầu, phát điên bỏ chạy? Đầu anh ta vẫn còn đó; nó không bao giờ mất. Ông nói xem, tại sao anh ta hoảng hốt và sợ hãi vì mình không có đầu. Anh ta sợ chính mình đã bị mất đầu và chạy quanh như một người điên. Nhân duyên của chuyện nầy là gì? Thuyết tự nhiên nằm ở đâu?
Kinh văn:
若自然頭,因緣故狂,何不自然因緣故失?
Nhược tự nhiên đầu, nhân duyên cố cuồng, hà bất tự nhiên nhân duyên cố thất?
Việt dịch:
Nếu cái đầu vốn là tự nhiên, do nhân duyên mà phát cuồng, vì sao lại không tự nhiên do nhân duyên mà mất?
Giảng giải:
Tại sao anh ta không thực sự mất cái đầu một cách tự nhiên hẳn luôn?
Kinh văn:
本頭不失,狂怖妄出。曾無變易, 何藉因緣。
Bổn đầu bất thất, cuồng bố vọng xuất. Tằng vô biến dị, hà tạ nhân duyên.
Việt dịch:
Đầu vốn không mất, nỗi cuồng sợ hư vọng phát ra. Vốn chưa từng thay đổi gì, đâu cần đến nhân duyên.
Giảng giải:
Đầu vốn không mất, nỗi cuồng sợ hư vọng phát ra. Một buổi sáng, anh ta lấy tấm gương tự soi mình và nói rằng thấy được mắt và lông mày ở trên đầu rất rõ, nhưng băn khoăn vì không thấy được mặt và mắt của mình. Phát khởi cuồng điên và lo sợ, anh ta chạy đi khắp nơi. Nỗi lo sợ và điên cuồng của anh ta phát sinh từ hư vọng. Vốn chưa từng thay đổi gì. Dù anh ta điên cuồng và sợ hãi chạy khắp, lo rằng mình không có đầu, nhưng thực sự chẳng có gì thay đổi nơi anh cả. Thế đâu cần đến nhân duyên. Quý vị định lập nhân duyên gì ở đây? Có liên quan gì với thuyết tự nhiên?
[i] . Yajñadatta. Còn có âm là Diên-nhã-đạt-đa 延若達多、Da-nhã-đạt-đa 耶若達多. Hán dịch là Từ tiếp 祠授.
[ii] . Tuy kinh phát minh, do bất năng phản, túc kiến nhất thiết chúng sinh tuần minh vọng trì, nhi bất tri quy. 雖經發明 猶不能返, 足見一切眾生循明妄馳而不知歸. (Lăng Nghiêm trực chỉ, quyển 4. Thiền sư Đan Hà.)
[iii] . Đại tử nhất phiên 大死一番. Dụng ngữ Thiền tông.
[iv] . Ht. Bích Liên phiên âm: khứng luỵ tu chứng. (Kinh Thủ-lăng-nghiêm, Ht. Bích Liên. Linh Sơn Phật học Nghiên cứu Hội).
[v] . Nam Hoa Kinh.
[vi] . s: brāhmaṇa. Phiên âm Bà-la-môn 婆羅門, Phạm chí 梵志. Chỉ cho những người thuộc dòng dõi Bà-la-môn, thông thạo các bộ kinh Vệ-đà. Ý dịch Tịnh hạnh 淨行, Tịnh duệ 淨裔. Còn gọi Tịnh hạnh giả 淨行者, Tịnh hạnh phạm chí 淨行梵志
[vii] . S: Maskarī-gośāliputra; p: Makkhali-gosālaputta.
No comments:
Post a Comment