Kinh văn:
但汝下劣,未能於中,圓自在慧。故我宣揚,令汝但於一門深入。
Đãn nhữ hạ liệt, vị năng ư trung, viên tự tại huệ. Cố ngã tuyên dương, linh nhữ đãn ư nhất môn thâm nhập.
Việt dịch:
Chỉ vì căn cơ ông còn thấp kém, chưa thể ở trong trí huệ viên mãn tự tại ấy được. Nên Như Lai mới giảng nói, khiến cho ông chỉ cần đi sâu vào một căn.
Giảng giải:
Chỉ vì căn cơ ông còn thấp kém. Các đức Như Lai trong khắp mười phương thành tựu viên mãn nhờ vào phương tiện của năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, chứng nhập Vô thượng bồ-đề nhờ các pháp ấy. Đối với các pháp, mỗi mỗi đều bình đẳng với nhau. Chẳng có cái nào ít tác dụng hơn. Nhưng ở nơi ông thì khác, căn tánh của ông lúc nầy đang còn yếu kém. Ông vẫn còn rất mù mờ nên chưa thể ở trong trí huệ viên mãn tự tại ấy được. Ông không thể chọn một pháp trong năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới và qua đó, mà đạt được trí huệ viên mãn tự tại. Nên Như Lai mới giảng nói, khiến cho ông chỉ cần đi sâu vào một căn. Như Lai sẽ giảng kỹ pháp tu trên mỗi căn cho đến khi ông nhận ra được cách thâm nhập vào một pháp môn.
Kinh văn:
入一無妄,彼六知根一時清淨 .
Nhập nhất vô vọng, bỉ lục tri căn nhất thời thanh tịnh.
Việt dịch:
Vào một căn không còn vọng tưởng, thì cả sáu căn kia đồng thời thanh tịnh.
Giảng giải:
Vào một căn không còn vọng tưởng. Ông thâm nhập vào một căn đến mức vọng tưởng tiêu mất và được thanh tịnh tuyệt đối. Khi một căn không còn vọng tưởng nữa, thì cả sáu căn kia đồng thời thanh tịnh. Tất cả các căn đều trở nên thanh tịnh và tự tại cùng một lúc.
Kinh văn:
阿難白佛言世尊。云何逆流深入一門,能令六根一時清淨 。
A-nan bạch Phật ngôn, Thế tôn! Vân hà nghịch lưu, thâm nhập nhất môn, năng linh lục căn nhất thời thanh tịnh?
Việt dịch:
A-nan bạch Phật rằng, “Bạch Đức Thế tôn, thế nào là ngược dòng, đi sâu vào một căn, khiến cho sáu căn đồng thời thanh tịnh?”
Giảng giải:
A-nan vẫn chưa thực sự hiểu được những gì mình nghe Đức Phật giảng giải, thế nên A-nan lại hỏi Đức Phật. A-nan bạch Phật rằng, “Bạch Đức Thế tôn, thế nào là ngược dòng? Nghĩa ngược dòng luân hồi sinh tử mà ngài nói là thế nào? Làm sao để đi sâu vào một căn? Con phải chọn căn nào để nhập sâu vào? Căn đó ở đâu?. Làm sao để cho sáu căn đồng thời thanh tịnh? Làm sao để thể nhập vào một căn không hư vọng để khiến cho sáu căn đồng thời thanh tịnh? Đạo lý liên quan ở đây là gì?
Kinh văn:
佛告阿難汝今已得須陀洹果。已滅三界眾生世間見所斷惑。然猶未知根中積生無始虛習。彼習要因修所斷得。何況此中生住異滅分劑頭數。
Phật cáo A-nan, nhữ kim dĩ đắc Tu-đà-hoàn quả. Dĩ diệt tam giới chúng sanh thế gian kiến sở đoạn hoặc. Nhiên do vị tri căn trung tích sanh vô thủy hư tập. Bỉ tập yếu nhân tu sở đoạn đắc. Hà huống thử trung, sanh trụ dị diệt, phân tể đầu số.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan, “Nay ông đã chứng quả Tu-đà-hoàn. Đã diệt trừ được kiến hoặc[i] của chúng sinh và thế gian trong tam giới. Nhưng do chưa biết rõ những tập khí hư vọng chứa nhóm trong căn từ vô thủy. Các tập khí ấy phải do nhờ tu nhân mới trừ hết được. Huống gì trong đó, còn phải chịu sanh trụ dị diệt và nhiều chi tiết về sanh trụ dị diệt?
Giảng giải:
Đức Phật bảo A-nan, “Nay ông đã chứng quả Tu-đà-hoàn, quả vị thứ nhất của hàng A-la-hán. Tu-đà-hoàn có nghĩa là ‘nhập lưu’–nhập vào dòng pháp tánh của các bậc thánh đã giác ngộ. Cũng có nghĩa là “nghịch lưu”–đối với sáu trần mà hàng phàm phu trải qua. Trong kinh Kim Cương giải thích về bốn quả vị A-la-hán nầy rất rõ ràng. Kinh nói rằng người đã chứng quả vị ‘nhập lưu’ có nghĩa là vị ấy không còn nhập vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. ‘Không nhập’ có nghĩa là không bị xoay chuyển bởi sáu trần. Các bậc nầy dù thấy cái gì đẹp hoặc xấu, tâm các vị cũng không dao động, vì họ đã đoạn trừ được 88 thứ kiến hoặc. Các ngài không còn bị lay động bởi thấy nghe, ngửi hoặc các cảm nhận khác. Giai vị nầy của hàng A-la-hán còn được gọi là Dự lưu–dự vào dòng Thánh.
Đã diệt trừ được kiến hoặc của chúng sinh và thế gian trong tam giới. Điều nầy chỉ cho 88 thứ kiến hoặc. Nhưng do chưa biết rõ những tập khi hư vọng chứa nhóm trong căn từ vô thủy. Những tập khí nầy đã được chứa nhóm từ vô thỉ đến nay. Các tập khí ấy phải do nhờ tu nhân mới trừ hết được. Huống gì trong đó, còn phải chịu sanh trụ dị diệt và nhiều chi tiết về sanh trụ dị diệt? Còn có các thứ phân biệt pháp chấp, câu sanh pháp chấp cùng trần sa hoặc, sinh trụ dị diệt. Sinh trụ dị diệt tức là bốn tướng vô minh, tại một niệm bất giác mà sinh ra tam tế. Có nghĩa là phải chịu chi phối bởi nhiều mối tương quan, hoàn cảnh, nhân duyên. Chỉ bằng tu tập mới có thể đoạn trừ những tập khí từ vô thủy kiếp nầy.
Kinh văn:
今汝且觀現前六根為一為六 ? 阿難若言一者。耳何不見,目何不聞。頭奚不履, 足奚無語。
Kim nhữ thả quán hiện tiền lục căn vi nhất vi lục? A-nan, nhược ngôn nhất giả, nhĩ hà bất kiến? Mục hà bất văn? Đầu hề bất lí? Túc hề vô ngữ?
Việt dịch:
Nay ông hãy xem sáu căn hiện tiền là một hay là sáu? A-nan, nếu nói là một thì sao lỗ tai không thấy, mắt sao không nghe. Cái đầu sao không biết đi, chân sao không nói được?
Giảng giải:
Đức Phật nói với A-nan, “Nay ông hãy xem sáu căn hiện tiền là một hay là sáu? Ông hỏi Như Lai tại sao sáu căn vốn là thanh tịnh trong khi một căn lại còn trong hư vọng? Nhưng ông hãy nhìn kỹ xem, Đó là sáu căn hay chỉ là một căn? A-nan, nếu nói là một–nếu ông cho rằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chỉ là một thể–thì sao lỗ tai không thấy, mắt sao không nghe? Tại sao mắt chỉ thấy mà không nghe được? Cái đầu sao không biết đi? Nếu đó là một thể duy nhất, cái chân đi được thì cái đầu cũng đi được. Mắt có thể thấy và cũng có thể nghe. Tại sao cái chân không nói được?”
Điều nầy gợi cho tôi nhớ đến người đàn ông đến thăm tôi ngày hôm qua, anh ta nói rằng anh là một tổ sư người Mỹ. Tôi bảo rằng anh đang bị nhiễm chứng ‘khẩu đầu thiền,’ anh ta liền đáp lại rằng anh ta là ‘túc đầu thiền.’ Anh ta nghĩ rằng câu trả lời của mình là hay. Ở đây, Đức Phật hỏi A-nan, “Tại sao cái chân không nói được?”
Rốt ráo, tai có thấy được không? Được. Mắt có nghe được không? Được. Thì cái đầu có thể đi được không? Không. Cái đầu không thể đi được. Cái chân có thể nói được không? Không. Cái chân không thể nói được. Thế tại sao quý vị bảo tai có thể nói và mắt có thể nghe? Đạo lý nầy là điều mà mọi người trong quý vị phải tự thể nghiệm lấy. Người đã thể chứng được điều nầy sẽ hiểu ra đó là nguyên lý của sáu căn hỗ dụng. Nhưng A-nan lúc nầy chỉ mới chứng được sơ quả A-la-hán, thế nên A-nan chưa có được khả năng đồng thời hỗ dụng của các căn. Miệng cũng vậy, không những nói được mà còn có thể thấy và nghe.
Có người phản đối, “Thưa thầy, những điều thầy nói con không thấy trong kinh. Thầy chỉ nói những điều vô bổ.”
Có một số điều không thấy trong kinh. Nếu trong kinh đã giải thích đầy đủ tất cả, thì không cần giảng giải chi tiết như tôi bây giờ. Như trong kinh, giấy thì trắng, mực thì đen, và nếu quý vị chỉ truy tìm nghĩa lý trong kinh, thì quý vị chỉ chạy theo cái chết, chứ không nhận ra được cái sống.
Nếu quý vị muốn chấm dứt sanh tử, thì phải đem cái tâm không sanh không diệt để tu đạo. Kinh điển rồi cũng phải chịu sinh diệt. Trong tương lai, kinh điển sẽ bị hoại diệt. Kinh bị phá huỷ đầu tiên sẽ là Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Trong thời mạt pháp, Kinh Thủ-lăng-nghiêm sẽ bị huỷ diệt trước hết, nên đó là lý do khiến tôi giảng kinh nầy bất kỳ tôi đến đâu. Mọi khi kinh nầy được giảng, người ta sẽ được hiểu thêm chút ít đạo lý. Đó là lý do khiến tôi thích giảng Kinh Thủ-lăng-nghiêm.
A-nan chưa chứng được sáu căn hỗ dụng, vì A-nan chưa chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán. Khi đạt đến quả vị nầy, mắt có thể ăn và tai có thể nói chuyện. Thật kỳ diệu, phải không?
Nguyên y nhất tinh minh 元依一精明
Phân thành lục hòa hợp 分成六和合
Khi sáu tác dụng riêng biệt của sáu căn nầy trở về với nguồn sáng bản hữu, thì hành giả sẽ có được sự hỗ dụng của cả sáu căn. Nếu quý vị tin rằng đây là chuyện có thực, thì tốt. Nếu quý vị không tin, hãy thư giãn đi. Rốt cục quý vị sẽ tin. Khi điều ấy xảy ra vào một ngày nào đó, quý vị sẽ la lên, “Làm sao mà tai tôi có thể đi được?” Rồi quý vị mới chịu tin. Lúc đó quý vị mới biết rằng thầy tổ chẳng lừa quý vị bao giờ.
Quý vị sẽ có được thực chứng nầy khi sáu căn hỗ dụng. Trước khi chuyện nầy xảy ra, tuy vậy, quý vị không nên bị ám ảnh bởi vọng tưởng về điều ấy đến mức quyết định huấn luyện cho lỗ tai mình biết nói. Chẳng có cách nào để quý vị có thể huấn luyện cho lỗ tai biết nói. Thực vậy, quý vị có thể huấn luyện cho nó nếu muốn, nhưng hãy làm việc đó bằng cách ngồi thiền và tham thiền. Quý vị sẽ phát triển công phu thông qua khổ luyện. Đừng sợ đau chân hoặc đau lưng. Cũng đừng nghĩ rằng đó là việc mình không thể nào làm được, Mọi người đều có thể thành Phật.
Mọi chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật.
Trước tiên hết, quý vị phải học thuộc lòng chú Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Chúng ta tụng hai lần mỗi ngày trong khoá học Kinh Thủ-lăng-nghiêm nầy, đã trải qua gần ba tháng, ít nhất là 70 ngày. Quý vị đã tụng 140 lần chú Thủ-lăng-nghiêm nầy. Hãy cho tất cả là 150 lần. Quý vị nên ghi nhớ nằm lòng chú nầy cùng với nhiều bài chú khác. Nếu quý vị không thuộc, quý vị không được phép bào chữa một điều gì cả.
Kinh văn:
若此六根決定成六。如我今會與汝宣揚微妙法門。汝之六根誰來領受。阿難言我用耳聞。佛言汝耳自聞何關身口? 口來問義身起欽承?
Nhược thử lục căn quyết định thành lục. Như ngã kim hội dữ nhữ tuyên dương vi diệu pháp môn. Nhữ chi lục căn thùy lai lãnh thọ. A-nan ngôn, ngã dụng nhĩ văn. Phật ngôn nhữ nhĩ tự văn, hà quan thân khẩu? Khẩu lai vấn nghĩa thân khởi khâm thừa?
Việt dịch:
Nếu các căn ấy quyết định là sáu, như nay Như Lai ở trong hội chúng vì các ông mà tuyên dương pháp môn vi diệu. Vậy trong các căn của ông cái gì đến lãnh thọ?
A-nan thưa, “Con nghe bằng tai.”
Đức Phật hỏi, “Tai ông tự nghe, thì quan hệ gì đến thân và miệng? Tại sao miệng lại hỏi nghĩa lý, thân biểu hiện sự kính trọng?”
Giảng giải:
Nếu các căn ấy quyết định là sáu–không còn nghi ngờ gì về chúng nưa–như nay Như Lai ở trong hội chúng vì các ông mà tuyên dương pháp môn vi diệu–Như Lai đang giảng bày cho các ông nghe pháp môn hy hữu, Đại định Thủ-lăng-nghiêm vi diệu không thể nghĩ bàn–Vậy trong các căn của ông cái gì đến lãnh thọ? Nếu các căn của ông dứt khoát là sáu, thì căn nào tiếp thu giáo pháp Như Lai đang giảng nói?” Đó là những điều điều hỏi A-nan.
A-nan thậm chí không kịp dừng lại để suy nghĩ, hấp tấp đáp lời Đức Phật. A-nan thưa, “Con nghe bằng tai.” A-nan chỉ để ý đến nhĩ căn.
Đức Phật hỏi, “Tai ông tự nghe, thì quan hệ gì đến thân và miệng? Tai ông tự nghe lấy, thế có quan hệ gì đến miệng và thân ông. Tại sao miệng lại hỏi nghĩa lý–tại sao ông dùng miệng để hỏi giáo lý? Lẽ ra, bất luận ông hiểu hay không hiểu, ông cũng không được dùng miệng và thân ông vào việc gì cả, vì rốt ráo, chúng là những căn khác biệt. Chúng không phải là một. Thân ông biểu hiện sự cung kính. Ông đứng dậy và chu đáo thể hiện sự kính ngưỡng giáo pháp. Do vậy, nếu ông nói thực thể riêng biệt, thế tại sao có hai căn khác hợp tác vào vậy?
Kinh văn:
是故應知非一終六,非六終一。終不汝根,元一元六。
Thị cố ưng tri phi nhất chung lục, phi lục chung nhất. Chung bất nhữ căn, nguyên nhất nguyên lục.
Việt dịch:
Do vậy nên biết, nếu không phải một thì phải là sáu, nếu không phải sáu thì phải là một. Thế nên các căn của ông, rốt ráo chẳng phải là một, chẳng phải là sáu.
Giảng giải
Do vậy, do những điều đã nói ở đoạn văn trên, nên biết, nếu không phải một thì phải là sáu: Nếu nó không phải là một thì là sáu. Nếu không phải sáu thì phải là một. Thế nên các căn của ông, rốt ráo chẳng phải là một, chẳng phải là sáu. Ông không thể nói rằng nó vừa là một và vừa là sáu.
Kinh văn:
阿難,當知是根,非一非六。由無始來顛倒淪替。故於圓湛,一六義生。汝須陀洹,雖得六銷,猶未亡一。
A-nan, đương tri thị căn, phi nhất phi lục. Do vô thủy lai điên đảo luân thế, cố ư viên trạm nhất lục nghĩa sanh. Nhữ Tu-đà-hoàn, tuy đắc lục tiêu, do vị vọng nhất.
Việt dịch:
A-nan nên biết, các căn ấy không phải là sáu, không phải là một. Do từ vô thủy đến nay điên đảo chấp trước, nên đối với tánh viên trạm, sinh ra nghĩa một và sáu. Ông đã chứng quả Tu-đà-hoàn, tuy chấp vào sáu đã tiêu, nhưng cái chấp một chưa quên.
Giảng giải:
A-nan nên biết, các căn ấy–mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý– không phải là sáu, không phải là một. Do từ vô thủy đến nay điên đảo chấp trước, nên đối với tánh viên trạm, sinh ra nghĩa một và sáu. Nó sinh khởi do nương vào cái chân, quý vị sinh khởi vọng tưởng, phát khởi vô minh phiền não từ ngay trong tự tánh của mình. Quý vị tự kết thúc bằng sự chìm đắm trong các mối liên luỵ ràng rịt nầy. Quý vị nói, “Anh cho tôi cái nầy, và tôi sẽ cho anh cái kia.” Đó là cách mà mình bị vướng mắc. Giống như mở một công ty lớn với một văn phòng chính với nhiều chi nhánh. Vì vọng tưởng và dính mắc, nghĩa của một và sáu trở nên được thiết lập trong tánh vắng lặng thanh tịnh viên mãn của Như Lai tạng, trong chân tâm. Ông đã chứng quả Tu-đà-hoàn. A-nan, ông đã chứng sơ quả A-la-hán. Điều quyết định của một vị đã chứng sơ quả A-la-hán là không nhập vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tuy chấp vào sáu đã tiêu. Ông không còn bị xoay chuyển bởi sáu trần. Ông không còn nói, “Thức ăn nầy có ngon không?” Ông không còn có suy nghĩ như vậy. Hoặc là, khi thấy hình sắc, ông không còn nói, “Cái ấy thật đẹp.” Ngay khi nghĩ “đẹp,” là đã bị dính mắc; và mình sẽ đuổi theo cái đẹp đó. Đuổi theo xa đến đâu, chẳng có ai biết được. Một, hai, ba, bốn, hoặc một trăm, hai trăm dặm? Ai biết được quý vị đuổi theo cái đẹp ấy bao xa? Đó có nghĩa là bị xoay chuyển theo sắc trần.
Về chuyện mũi ngửi mùi hương, tôi nhớ hồi còn ở Mãn Châu, khi đang trì tụng Chú Đại bi với mười hai người đệ tử của tôi. Chúng tôi đều quỳ để tụng, sau khi tụng hơn 200 biến, toàn căn phòng tràn ngập mùi hương lạ. Chẳng có bông hoa nào trong phòng hoặc bất kỳ vật gì khác có thể phát ra mùi hương. Thực ra, mùi hương phát ra từ thế giới nầy, không giống như bất kỳ mùi gì tôi đã biết trước đây. Một đệ tử của tôi bắt đầu khịt mũi lớn tiếng và la lên, “Thơm quá. Dễ chịu quá!” Anh ta càng khịt mũi, mùi hương càng thơm, anh ta càng muốn ngửi nhiều hơn.
Tôi bảo anh ta, “Chú vừa tụng Chú Đại bi xong. Đừng có đuổi theo mùi hương như vậy.”
Về chuyện lưỡi nếm mùi vị. Một hôm tôi theo một vị lão tham đến nhà một cư sĩ để phó trai. Vị lão tham ra vẻ như đã có phong thái của người tu hành lâu năm và đạo hạnh của người tu đạo. Nhưng khi thức ăn được mang lên, ông ta liền nhắc tôi, “Thức ăn nầy rất ngon. Đó là món tôi thích nhất. Ông có thích không?”
Tôi nói, “Tôi không biết nó có mùi vị như thế nào?”
“Ồ! Ông chưa từng ăn món nầy hay sao?”
“Tôi ăn rồi, nhưng không biết mùi vị nó giống thứ gì.”
“Nếu ông không biết nhận ra mùi vị, thế thì ông biến thành khúc gỗ rồi.”
Tôi vặn lại, “Nhưng tôi biết ăn, gỗ không biết ăn. Nguyên nhân tôi không biết mùi vị là vì tôi chỉ biết ăn cho đầy bụng, tôi chẳng để ý đến mùi vị.” Qua kết quả cuộc thảo luận, tôi tự nghĩ, “Một bậc lão tham đáng trọng như vậy, mà vẫn phí sức vào việc ăn uống. Ông ta quá vướng mắc vào chuyện ăn uống ngon dở. Như thể để làm gì?”
Nay trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm nói đến không còn chấp vào sáu. Làm sao được như vậy? Khi đã chứng sơ quả A-la-hán rồi, thì quý vị sẽ từ bỏ tập khí ấy. Mắt không còn tìm kiếm cái đẹp nữa, tai không còn lưu giữ âm thanh, mũi không còn tham ngửi hương thơm, lưỡi không còn tham đắm mùi vị, thân không thích xúc chạm với vật, và tâm ý không còn để ý đến các thứ khác.
Nhưng cái chấp một chưa quên. Cái gì là “một?” Nó biểu tượng cho sự đắm chấp vào các pháp, một loại chấp trước vẫn đang còn. Mặc dù sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đã được tiêu trừ, nhưng cái chấp vào các pháp vẫn chưa được trừ sạch.
Kinh văn:
如太虛空,參合群器。由器形異,名之異空。除器觀空,說空為一。
Như thái hư không, tham hợp quần khí. Do khí hình dị, danh chi dị không. Trừ khí quán không, thuyết không vi nhất.
Việt dịch:
Như bầu hư không, chung hợp với các vật. Do hình trạng các vật có khác, nên gọi là hư không có khác. Nếu bỏ các vật ra mà quán sát hư không, thì nói hư không là một.
Giảng giải:
A-nan, tại sao ông vẫn còn bị vướng mắc trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử từ vô thủy đén nay, và khởi lên ý tưởng cho rằng sáu căn nầy không thể gọi là một và cũng không thể gọi là sáu? Nguyên nhân là gì? Như Lai sẽ đưa ra ví dụ khác để chứng minh thêm. Như bầu hư không. Nghĩa là, như tánh Như Lai tạng của chúng ta, không có ai khác chính là mình. Cũng giống như đem đặt hư không chung hợp với các vật. Trong hư không chúng ta làm một số các vật đựng có hình vuông, hình sáu cạnh, hình tám cạnh, hình tròn. Chúng ta đặt chúng trong hư không, hư không trở thành hình vuông, hình sáu cạnh, hình tám cạnh, hình tròn. Do hình trạng các vật có khác, nên gọi là hư không có khác. Tuy nhiên, rốt ráo hư không có thay đổi hay không? Không. Chỉ vì hình dạng vật chứa có khác nên hư không chứa trong đó có hình dạng khác nhau. Nếu bỏ các vật ra mà quán sát hư không, thì nói hư không là một. Hư không vẫn chỉ là một. Thực vậy, thậm chí không phải là một. Nếu nó là một, thì nó chẳng phải là hư không. Và đó là cách Như Lai tạng hiện hữu. Cái chứa trong bình chính là sự có mặt của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Nguyên y nhất tinh minh 元依一精明
Phân thành lục hòa hợp 分成六和合.
Đó là lý do ông không thể nói là sáu mà cũng không thể nói là một. Nó chẳng phải là một cũng chẳng phải là sáu. Nó chính là bầu hư không rộng lớn. Nếu quý vị giống như bầu hư không rộng lớn, tại sao còn muốn giữ lại quá nhiều vô minh phiền não? Chỉ vì quý vị không thể rời bỏ những điều nầy và không nhận ra được bản lại diện mục. Và do vì không nhận ra bản lại diện mục của mình, nên không thể nhập được trí huệ cứu cánh.
Kinh văn:
彼太虛空云何為汝成同不同。何況更名是一非一。則汝了知六受用根亦復如是。
Bỉ thái hư không, vân hà vị nhữ thành đồng bất đồng. Hà huống cánh danh thị nhất phi nhất. Tắc nhữ liễu tri, lục thọ dụng căn, diệc phục như thị
Việt dịch:
Hư không kia làm sao vì ông mà thành đồng hay khác? Huống chi lại gọi là một hay chẳng phải một. Thế ông đã biết, sáu căn thọ dụng cũng giống như vậy.
Giảng giải:
Hư không kia làm sao vì ông mà thành đồng hay khác? Làm sao ông nói hư không kia là đồng hay không đồng? Không thể nói như vậy, vì hư không vốn là bất biến. Huống chi lại gọi là một hay chẳng phải một. Làm sao ông có thể khiến cho nó thành một hay chẳng phải một? Trong hư không vốn chẳng có cái gì cả. Thế nên nói:
Tự tánh như hư không 自性如虛空
Chân vọng tại kỳ trung 真妄在其中
Những gì muốn đề cập ở đây chính là tự tánh. Diễn tả cùng nguyên lý mà Đại sư Thần Tú trình bày trong bài kệ nổi tiếng của ngài:
Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh kính dài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Thân như cây bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau phủi
Chớ để nhuốm bụi trần.
Câu ‘Thời thời cần phất thức–Luôn luôn siêng lau phủi’ là chỉ cho sự tinh tấn rất cần thiết trong lúc tu đạo. Người ta phê phán bài kệ nầy, cho rằng tinh thần không đúng. Nhưng bài kệ trên chăng sai chút nào; đơn giản là nó diễn tả những điều thiết yếu trong thời kỳ đang tu đạo. Lục Tổ Huệ Năng viết lại bài kệ như sau:
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai
Tạm dịch:
Tánh giác chẳng gốc ngọn
Gương sáng cần chi đài
Xưa nay thể vắng lặng
Đâu có gì trần ai.[ii]
Bài kệ nầy diễn tả cảnh giới của người đã chứng đạt quả vị bậc Thánh. Thế nên, những ai chưa đạt đến quả vị bậc Thánh thì phải học bài kệ của Đại sư Thần Tú. Nhưng ai đã chứng ngộ rồi thì tu theo bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng.
Ngày hôm qua, anh chàng “Tổ người Mỹ” đến và dám chắc rằng Lục tổ nói rằng chẳng có gì sâu chẳng có gì cạn. Đó là một ví dụ của hiểu biết nông cạn mà không hiểu nguồn gốc sâu xa, và dùng nó để thoả mãn cho thứ ‘khẩu đầu thiền.’ Khi tôi gọi anh ta như vậy. Anh ta bảo mình là ‘túc đầu thiền.’ Như tôi đã kể cho quý vị nghe, anh ta tưởng rằng câu trả lời của mình là thông minh, nhưng tôi tự nghĩ, “Anh đến đây từ Nữu-ước trên một chiếc xe hỏng, vì anh ta không phải đi bộ, mà nói là ‘túc đầu thiền.’” Vấn đề rắc rối là ở chỗ ‘túc đầu thiền’ của anh ta, đã không để cho anh ta đi chỗ nào khác nữa sau khi anh ta đến đây.
Thế ông đã biết, sáu căn thọ dụng cũng giống như vậy. Tôi đã giải thích hai câu kệ cho quý vị, và bây giờ vẫn còn hai câu. Nhưng tôi không phải là quỷ dạ-xoa đòi ăn thịt quý vị rồi mới nói hai câu kệ còn lại. Lúc nầy tôi không đói, thế nên tôi nói tiếp hai câu sau. Quý vị có nhớ không?
Tự tánh như hư không 自 性 如 虛 空
Chân vọng tại kỳ trung 真 妄 在 其 中
Ngộ triệt bổn lai thể 悟 徹 本 來 體
Nhất thông nhất thiết thông 一 通 一 切 通.
Điều ấy chỉ cho phương pháp bàn luận để thâm nhập vào pháp môn. Nếu quý vị thể nhập vào cái một và nhận ra cái vọng, thì tất cả sáu căn liền thanh tịnh.
Kinh văn:
由明暗等二種相形。於妙圓中,粘湛發見。見精映色,結色成根。根元目為清淨四大。因名眼體,如蒲萄朵。浮根四塵流逸奔色。
Do minh ám đẳng nhị chủng tương hình, ư diệu viên trung, niêm trạm phát kiến. Kiến tinh ánh sắc, kết sắc thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh nhãn thể như bồ đào đóa. Phù căn tứ trần lưu dật bôn sắc.
Việt dịch:
Do hai thứ tối sáng hiển bày lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái thấy. Cái thấy ánh hiện ra thành sắc, kết sắc thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘nhãn căn’ như trái bồ đào. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo sắc
Giảng giải:
Do hai thứ tối sáng hiển bày lẫn nhau, hai loại sắc nầy, bao gồm cả các loại sắc tướng có thể thấy được khác, ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Chúng kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái thấy. Các sắc tướng nầy kết dính với tánh yên lặng. Khi tình trạng nầy sanh khởi, thì phát ra tánh thấy. Cái thấy ánh hiện ra thành sắc, kết sắc thành căn. Chữ ‘kết’ ở đây là lặp lại nghĩa ‘kết dính’ ở trên. Thể của tánh thấy và sắc kết dính nhau và biến thành căn. Bổn nguyên của căn gọi là tứ đại thanh tịnh. Thể thanh tịnh của nhãn căn chính là tứ đại. Nghĩa của ‘thể thanh tịnh’ là gì? Nghĩa của tứ đại ở đây rất là vi tế, không phải là cái gì có thể thấy bằng mắt thường được. Phải có Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn mới thấy được, ‘sắc’ ở đây là chỉ cho cả đất nước lửa gió. Nhân đó gọi hình thể của con ‘nhãn căn’ như trái bồ đào. ‘Nhân đó’– vì các yếu tố được liên kết nhau theo cách đó, nên thể của con mắt có hình dáng như trái nho. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo sắc. Con mắt được phân biệt theo ba cách:
- Có tánh thấy (nhãn tinh);
- Thắng nghĩa căn;
- Phù trần căn.
Nếu quý vị tu tập thành tựu, nhãn căn được gọi là thắng nghĩa căn. Nếu không tu tập, con mắt được gọi là phù trần căn. Phù căn tứ trần là chỉ cho sắc, thanh, hương, vị. Giong ruổi chạy theo sắc. Trong tiếng Hán, chữ lưu dật 流逸–giong ruổi gồm hai chữ là lưu 流, có nghĩa là dòng nước chảy xiết, xoáy sâu, hoặc như sóng cuộn ngoài đại dương; và chữ dật 逸, có nghĩa là không kiềm chế, vô chừng, như ngọn lửa bộc phát dữ dội trong rừng, trải khắp cả bốn phía. Ghép chung lại, có nghĩa là là rong ruổi, như con ngựa nòi. Đó là cách mà người ta đuổi theo và trở nên dính mắc với sắc.
Kinh văn:
由動靜等二種相擊。於妙圓中粘湛發聽。聽精映聲,卷聲成根。根元目為清淨四大。因名耳體如新卷葉。浮根四塵流逸奔聲。
Do động tĩnh đẳng nhị chủng tương kích. Ư diệu viên trung niêm trạm phát thính. Thính tinh ánh thanh quyển thanh thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh nhĩ thể như tân quyển diệp. Phù căn tứ trần lưu dật bôn thanh.
Việt dịch:
Do hai tướng động tỉnh đối chọi lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái nghe. Cái nghe ánh hiện ra thành tiếng, cuộn cái tiếng lại thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘nhĩ căn’ là lá sen non. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo âm thanh.
Giảng giải:
Do hai tướng động tỉnh đối chọi lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái nghe. Vì có tướng động và tướng tỉnh, một chức năng được tạo ra ngay trong đó–khi chức năng nầy hình thành ngay trong tánh yên lặng–thì tiến trình của nhĩ căn bắt đầu hiện hành. Cái nghe ánh hiện ra thành tiếng, cuộn cái tiếng lại thành căn. Nó kết hợp với thanh trần. Trở thành một căn như cách nhãn căn được hình thành như được mô tả ở đoạn trên. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Đó là một tiến trình chắc thật, là kết quả từ sự kết hợp của tứ đại. Nhân đó gọi hình thể của ‘nhĩ căn’ là lá sen non. Nó có hình dáng như lá sen non, lúc nào cũng cuộn lại. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo âm thanh. Nói về các giác quan trong nghĩa phù căn tứ trần, thì căn này giong ruổi chạy theo để kết hợp với âm thanh.
Kinh văn:
由通塞等二種相發。於妙圓中粘湛發嗅。嗅精映香納香成根。根元目為清淨四大。因名鼻體如雙垂爪。浮根四塵流逸奔香。
Do thông tắc đẳng nhị chủng tương phát, ư diệu viên trung niêm trạm phát khứu. Khứu tinh ánh hương, nạp hương thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh tỉ thể, như song thùy trảo. Phù căn tứ trần lưu dật bôn hương.
Việt dịch:
Do hai tướng thông và bít phát hiện lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính ngửi. Tính ngửi ánh hiện ra thành hương, thu nạp các hương thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘tỉ căn’ như hai móng tay duỗi xuống. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo hương.
Giảng giải:
Do hai tướng thông và bít phát hiện lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính ngửi. Với sự hiện hữu của hai tướng thông và bít, có một tác dụng hình thành ngay trong tánh diệu viên. Tướng ấy kết dính để phát ra tính ngửi. Tính ngửi ánh hiện ra thành hương, thu nạp các hương thành căn. Tính ngửi và hương trần ánh hiện lẫn nhau, và tiến trình của tính ngửi, khi nhận biết mùi hương, trở thành chức năng của căn nầy, tức tỉ căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Và nó được gọi là ‘tỉ căn,’ có hình dạng như hai móng tay duỗi xuống. Lỗ mũi trông giống như hai móng tay lộn ngược. Phù căn–mắt, tai, mũi, lưỡi, tứ trần–sắc, thanh, hương, vị–giong ruổi chạy theo hương. Căn nầy đeo đuổi theo hương trần. Mũi thích ngửi mùi hương.
Kinh văn:
由恬變等二種相參。於妙圓中粘湛發嘗。嘗精映味,絞味成根。根元目為清淨四大。因名舌體如初偃月。浮根四塵流逸奔味。
Do điềm biến đẳng nhị chủng tương tham. Ư diệu viên trung niêm trạm phát thường. Thường tinh ánh vị giảo vị thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh thiệt thể như sơ yển nguyệt. Phù căn tứ trần lưu dật bôn vị.
Việt dịch:
Do vị nhạt và vị khác xen lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính nếm. Tính nếm ánh hiện ra thành vị, thu nạp các vị thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘thiệt căn’ như mặt trăng lưỡi liềm. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo vị.
Giảng giải:
Do vị nhạt và vị khác xen lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính nếm. Vị nhạt chỉ cho những vị thông thường mà chúng ta nếm biết được. Từ trạng thái thông thường của vị nhạt nầy, mà ta có thể nhận ra được những vị khác khi ta nếm nó. Vì sự tương quan giữa vị nhạt và các vị khác tạo nên một cảm nhận khác về vị, nên có một sự kết dính trong tánh yên lặng nơi tánh diệu viên. Tạo nên tác dụng của tánh nếm biết. Tính nếm ánh hiện ra thành vị, thu nạp các vị thành căn. Vị giác trở nên xoắn lấy vị, như các tao của sợi dây thừng xoắn chặt với nhau. Chúng trở nên không thể tách rời, thế nên một căn khác nữa được hình thành. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi hình thể của ‘thiệt căn’ như mặt trăng lưỡi liềm. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo vị. Nó bị thu hút bởi vị.
Kinh văn:
由離合等二種相摩。於妙圓中粘湛發覺。覺精映觸搏觸成根。根元目為清淨四大。因名身體如腰鼓顙。浮根四塵流逸奔觸。
Do li hợp đẳng nhị chủng tương ma. Ư diệu viên trung niêm trạm phát giác. Giác tinh anh xúc, đoàn xúc thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh thân thể như yêu cổ tảng. Phù căn tứ trần lưu dật bôn xúc.
Việt dịch:
Do hai tướng ly và hợp cọ xát lẫn nhau, kết dính sự yên lặng trong tánh diệu viên mà phát ra cái biết xúc chạm. Tính biết xúc chạm ánh hiện thành xúc, thu nạp các xúc thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi thể của ‘thân căn’ như cái trống cơm. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo xúc.
Giảng giải:
Do hai tướng ly và hợp cọ xát lẫn nhau, kết dính sự yên lặng trong tánh diệu viên mà phát ra cái biết xúc chạm. Sự cọ xát tới lui của sự hợp lại và rời ra tạo nên cái biết trong tánh diệu viên. Tính biết xúc chạm ánh hiện ra thành xúc, thu nạp các xúc thành căn. Tánh biết xúc chạm kết hợp với sự xúc chạm tạo thành thân căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi thể của ‘thân căn’ như cái trống cơm. Thân được so sánh với hình dáng của cái trống cơm. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo xúc. Phù căn nầy bị hút về phía xúc trần.
Kinh văn:
由生滅等二種相續。於妙圓中粘湛發知。知精映法,覽法成根。根元目為清淨四大。因名意思,如幽室見。浮根四塵流逸奔法。
Do sanh diệt đẳng nhị chủng tương tục, ư diệu viên trung niêm trạm phát tri. Tri tinh ánh pháp, lãm pháp thành căn. Căn nguyên mục vi thanh tịnh tứ đại. Nhân danh ý tư, như u thất kiến. Phù căn tứ trần lưu dật bôn pháp.
Việt dịch:
Do hai thứ sinh diệt tương tục lẫn nhau, kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra cái biết. Tính biết ánh hiện thành các pháp, thu nạp các pháp thành căn. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi là ‘ý tư,’ như cái thấy trong nhà tối. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo pháp.
Giảng giải:
Do hai thứ sinh diệt tương tục lẫn nhau. Đoạn kinh nầy nói đến ý căn, tức thức thứ sáu, là đối tượng của sinh diệt. Khi niệm trước vừa đình chỉ, niệm sau liền sinh khởi. Niệm nầy truy đuổi niệm kia, và chúng kết dính tánh yên lặng nơi tánh diệu viên mà phát ra tính biết. Nó bám chắc trong tánh yên lặng ấy và phát ra cái biết. Tính biết ánh hiện ra thành các pháp, thu nạp các pháp thành căn. Năng lực của tánh biết là thu nạp các pháp, chính là trần cảnh. Bổn nguyên của căn là tứ đại thanh tịnh. Nhân đó gọi là ‘ý tư,’–đúng ra là ý ‘thể,’ vì ý không phải là một thực thể–như cái thấy trong nhà tối. Vì ý căn là một ‘nội’ căn, trong khi năm căn trước là ‘ngoại’ căn, nó giống như là cái thấy trong căn phòng tối. Phù căn tứ trần giong ruổi chạy theo pháp. Ý căn bị thu hút bởi pháp trần.
Kinh văn:
阿難,如是六根,由彼覺明,有明明覺。失彼精了,粘妄發光。
A-nan, như thị lục căn, do bỉ giác minh, hữu minh minh giác. Thất bỉ tinh liễu, niêm vọng phát quang.
Việt dịch:
A-nan, sáu căn như vậy do tánh giác minh soi lại tính minh giác. Làm mất tính sáng suốt kia, kết dính với cái vọng mà phát ra ánh sáng.
Giảng giải::
A-nan, sáu căn như vậy–mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đã nói đoạn trên– do tánh giác minh–chân tâm viên mãn vi diệu, Như Lai tạng. Vốn sáu căn chính là Như Lai tạng, nhưng nó hình thành sáu căn là nương vào Như Lai tạng khi có ý muốn soi lại tính minh giác. Vốn bản thể tuệ giác vốn tự sáng suốt, không cần phải có sự thêm thắt ánh sáng vào đó để soi chiếu lại nữa. Bản thể tuệ giác ấy như viên ngọc như ý, ánh sáng đã vốn có sẵn trong đó, không cần phải thêm ánh sáng vào cho nó nữa. Khi ánh sáng được soi chiếu thêm vào tánh giác minh, thì sẽ tạo ra vọng minh, tức sự sáng suốt hư vọng; vọng giác, tức cái biết hư vọng. Cái sáng suốt đó rốt ráo không thật, cũng chẳng phải là tánh giác do kết quả từ sự soi chiếu thêm vào tánh giác minh. Làm mất tính sáng suốt kia, kết dính với cái vọng mà phát ra ánh sáng. Bản thể tuệ giác–tức tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc, tánh biết các pháp–đều bị mất đi bản chất vốn có, thế nên nó kết hợp với vọng minh và vọng giác–sáng suốt hư vọng và cái biết hư vọng–Từ sự kết dính nhau nầy, một ánh sáng hư vọng phát ra. Đây không phải là nguồn sáng chân thực; mà chỉ là biểu tượng cho tác dụng riêng biệt của nó.
Kinh văn:
是以汝今離暗離明無有見體。離動離靜元無聽質。無通無塞嗅性不生。非變非恬嘗無所出。不離不合覺觸本無。無滅無生了知安寄。
Thị dĩ nhữ kim li ám li minh, vô hữu kiến thể. Li động li tĩnh, nguyên vô thính chất. Vô thông vô tắc, khứu tính bất sanh. Phi biến phi điềm, thường vô sở xuất. Bất li bất hợp. giác xúc bản vô. Vô diệt vô sanh liễu tri an kí?
Việt dịch:
Vậy nên nay ông rời tối rời sáng, thì không có cái thể của thấy. Rời động rời tỉnh, thì không có cái nghe. Không có thông không bít, thì tính ngửi không phát sinh. Không có mùi vị, không lạt, thì tính nếm không có. Không rời xa, không kết hợp thì tánh xúc chẳng có. Không sanh không diệt, thì cái biết gá chỗ nào?
Giảng giải:
Vậy nên, do giáo lý đã được giải thích ở đoạn trên, là không cần phải soi lại tánh giác minh; chỉ vì qua sự sinh khởi một niiệm vọng tưởng muốn soi lại tánh giác minh mà tánh giác ấy biến thành vọng giác và vọng minh–kết quả là, bản thể bị mất đi; và do kết dính vào cái vọng, ánh sáng của tánh thấy trở thành hiện hữu. Điều này tạo ra những tác dụng riêng biệt của tánh thấy, tánh nghe và các tánh khác. Đó thuộc về quang minh của thức thứ tám. Do vậy, nay ông rời tối rời sáng, thì không có cái thể của thấy. Lý do để ông thấy được là nhờ những duyên của ánh sáng và cái tối giúp nhau. Nếu không có cái sáng và cái tối, thì thể của cái thấy phải bị đình chỉ. Rời động rời tịnh, thì không có tính nghe. ‘Tính–disposition’ ở đây chính là cái thể. Không có thông không bít, thì tính ngửi không phát sinh. Không có những duyên nầy thì quý vị không biết được mùi hương, không biết được cái gì thơm cái gì thối. Không có mùi vị, không lạt, thì tính nếm không có. Khoảng trung gian giữa cái nhận biết các mùi vị và vị nhạt khiến phát sinh tính nếm. Không rời xa, không kết hợp thì tánh xúc chẳng có. Nếu không có sự thúc đẩy cho sự chia tách và kết hợp, thì không có tính xúc. Không sanh không diệt, thì cái biết gá chỗ nào? Nếu không có sự sinh ra, không có sự diệt mất, thì tánh biết nằm chỗ nào? Nó cũng không có.
Kinh văn:
汝但不循動靜合離恬變通塞生滅暗明。如是十二諸有為相。
Nhữ đãn bất tuần động tĩnh hợp li, điềm biến thông tắc, sanh diệt ám minh, như thị thập nhị chư hữu vi tướng.
Việt dịch:
Ông chỉ cần không theo động tĩnh hợp li, điềm biến thông tắc, sanh diệt ám minh, mười hai tướng như vậy.
Giảng giải:
Ông chỉ cần không theo. Đoạn nầy trong kinh văn rất quan trọng. Tại sao chúng sinh không được giác ngộ? Vì họ theo vòng luân hồi sinh tử. Họ không chịu đi ngược lại tiến trình nầy. Họ đuổi theo hư vọng, trần cảnh rồi bị xoay chuyển bởi chúng. Nên kinh nói, “Ông chỉ cần không theo” chúng, ông cần phải không theo cảnh giới của sáu trần và không được xoay chuyển theo chúng. Ông không nên đuổi theo các tướng hữu vi và chạy theo chúng. Thế là ông có để được ngược dòng. Không theo động tĩnh hợp li, điềm biến thông tắc, sanh diệt ám minh, mười hai tướng như vậy. Đừng để bị xoay chuyển theo mười hai tướng hữu vi như đã nêu ở trên.
Kinh văn:
隨拔一根,脫粘內伏。伏歸元真,發本明耀。耀性發明。諸餘五粘應拔圓脫。
Tùy bạt nhất căn, thoát niêm nội phục. Phục quy nguyên chân, phát bản minh diệu. Diệu tính phát minh, chư dư ngũ niêm ưng bạt viên thoát.
Việt dịch:
Tuỳ theo đó mà nhổ sạch một căn, thoát khỏi dính mắc, hàng phục nó từ bên trong. Hàng phục rồi trở về cội nguồn chân tâm, và phát ra tính sáng suốt vi diệu vốn có. Khi tánh sáng suốt phát minh thì năm mối kết dính kia cũng được mở sạch.
Giảng giải:
Tuỳ theo đó mà nhổ sạch một căn, thoát khỏi dính mắc. Trong sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; tuỳ theo đó mà chọn một căn, làm cho nó thoát khỏi sự kết dính, rồi hàng phục nó từ bên trong. Hàng phục vô minh từ trong chính mình. Chuyển hoá mọi vọng tưởng. Hàng phục rồi trở về cội nguồn chân tâm. Khi vô minh và vọng tưởng đã được hàng phục, mình sẽ được quay về với bản nguyên, tức chân tâm thanh tịnh vi diệu viên mãn, và nó sẽ phát ra tính sáng suốt vi diệu vốn có. Nên sự sáng suốt vốn có trong tánh giác ngộ sẽ tự hiển bày. Khi tánh sáng suốt phát minh, khi tánh sáng suốt hiển bày, thì năm mối kết dính kia cũng được mở sạch. Khi một căn được nhổ sach những dính mắc, thì những căn khác đang bị khằng dính cũng được nhổ sạch. Chúng đồng thời được giải thoát. Và tác dụng của sự kết dính để tạo nên cái thấy, sự dính mắc để tạo ra cái biết đều không còn nữa. Nên quý vị được tự tại giải thoát.
Kinh văn:
不由前塵所起知見, 明不循根,寄根明發。由是六根互相為用。
Bất do tiền trần sở khởi tri kiến, minh bất tuần căn, kí căn minh phát. Do thị lục căn hỗ tương vi dụng.
Việt dịch:
Không do tiền trần mà khởi lên cái thấy biết, thì cái sáng suốt sẽ không theo căn, chỉ gá nơi căn mà tánh sáng phát ra. Do đó mà sáu căn được dùng thay cho nhau.
Giảng giải:
Trước đây tôi đã giảng về việc sáu căn có thể dùng thay cho nhau. Không do tiền trần mà khởi lên cái thấy biết. Đây là lời khuyên mà Đức Phật đã dạy trong đoạn kinh trước: “Nhữ đãn bất tuần–Ông chỉ cần không theo.” Đừng theo đuổi sáu trần rồi cặp chúng với cái thấy, cái biết của mình. Nếu quý vị không đuổi theo sáu trần, thì quý vị sẽ thấy như thể là không thấy và nghe như là không nghe, vì mình không bị ám ảnh bởi cảnh giới của sáu trần. Thì cái sáng suốt sẽ không theo căn. Nó không giao tiếp với trần cảnh nên tánh sáng suốt liền hiển hiện. Cái biết (hư vọng phân biệt) không còn có mặt trong đó nữa. Tánh giác sáng suốt của chính bản tâm mình không truy đuổi theo các căn. Vậy nên do đó mà sáu căn được dùng thay cho nhau. Tuy nhiên, bản tánh giác ngộ sáng suốt của mình được tìm thấy ngay nơi cửa của sáu căn. Khi tánh giác bản hữu tự hiển lộ, thì sáu căn hỗ dụng, tức sáu căn có thể được dùng thay cho nhau. Điều nầy không thể có nếu quý vị còn dùng vọng minh và vọng giác; điều nầy, sáu căn hỗ dụng chỉ xảy ra khi mình dùng tánh sáng suốt chân thật vốn có của bản giác. Thế là sáu căn–mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý–có tác dụng hỗ tương. Mắt có thể nói và tai có thể thấy.
Hôm nay là ngày Phật hoan hỷ. Dĩ nhiên, ngày nào Phật cũng hoan hỷ cả, nhưng hôm nay là ngày hoan hỷ nhất. Sao vậy? Đây là ngày cuối cùng trong kỳ kiết hạ an cư của người xuất gia. Từ ngày 15 tháng 4 cho đến 15 tháng 7 âm lịch, tăng sĩ phải an cư ở một nơi và không đi đâu cả. Đó cũng là ngày kỷ niệm ngài Mục-kiền-liên có được thiên nhãn thông. Khi được như vậy, việc ngài làm trước hết là tìm xem mẹ mình đang ở đâu. Ngài thấy mẹ mình đang ở địa ngục và chịu nhiều nỗi khổ. Vì sao mẹ ngài phải ở địa ngục? Vì khi còn sống bà ta không tin Phật, không chịu lạy Phật. Bà ta không tin pháp, không chịu học Phật pháp. Bà ta không kính trọng Tăng; thậm chí bà ta còn huỷ báng tăng đoàn và chê trách sự phạm giới của họ. Bà ta cũng thích ăn thịt và cá. Đặc biệt là rất thích ăn trứng cá. Hãy nghĩ biết bao sinh mạng trong một phần thức ăn bằng trứng cá muối. Do vì bà ta không tin và kính trọng Tam bảo, vì bà ta ăn quá nhiều trứng cá, nên bà ta đoạ vào địa ngục ngay sau khi bà chết. Trong địa ngục thì chẳng có gì để ăn, thế nên khi ngài Mục-kiền-liên có được thần thông, ngài đến thăm mẹ với một bát cơm trên tay. Bà mẹ lấy ngay chén cơm khi thấy được, vì tâm bà quá tham, nên bà lấy tay trái che cơm lại, để các quỷ đói kia không thấy được mà giành của bà. Bà dấu cơm trong tay áo và chạy tìm nơi để ăn một mình. Nhưng nghiệp chướng của bà quá nặng, đến mức không để cho bà được ăn, thế nên khi bà bốc cơm cho vào miệng, thì cơm hóa thành than. Dù Mục-kiền-liên đã chứng thần thông rồi, nhưng cũng không thể nào giúp mẹ mình được. Không còn làm gì được nữa, ngài trở về cầu xin Đức Phật giúp đỡ. “Con phải làm gì để cứu mẹ?” Ngài cầu thỉnh. Mẹ ngài đang bị đoạ trong địa ngục và cầu xin Đức Phật chỉ bày cách cứu giúp.
Đức Phật bảo Mục-kiền-liên, “Mẹ ông nghiệp chướng sâu nặng. Ông không thể nào tự mình cứu được. Ông phải cầu thỉnh chư tăng trong khắp mười phương cứu giúp, thì mẹ ông mới mong thoát khỏi cảnh khổ và được an lạc.” Thế là từ đó trở đi, vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, việc cúng dường không chỉ để giúp cho mẹ mình trong đời nầy thoát khổ, được an vui, mà còn giúp độ thoát cho cha mẹ bảy đời[iii] cùng thân bằng quyến thuộc. Pháp hội được cử hành theo nghi thức để chúng Tăng chú nguyện cứu giúp cho mẹ ngài Mục-kiền-liên được gọi là Vu-lan-bồn.[iv]
Kinh văn:
阿難汝豈不知。今此會中阿那律陀無目而見。跋難陀龍無耳而聽。殑伽神女非鼻聞香。驕梵缽提異舌知味。舜若多神無身有觸。如來光中映令暫現。既為風質其體元無。諸滅盡定得寂聲聞。如此會中摩訶迦葉。久滅意根,圓明了知,不因心念。
A-nan nhữ khởi bất tri, kim thử hội trung A-na-luật-đà vô mục nhi kiến. Bạt-nan-đà long vô nhĩ nhi thính. Căng-già thần nữ phi tỉ văn hương. Kiều-phạm-ba-đề dị thiệt tri vị. Thuấn-nhã-đa thần vô thân hữu xúc. Như Lai quang trung ánh linh tạm hiện. Kí vi phong chất kì thân nguyên vô. Chư diệt tận định đắc tịch Thanh văn, như thử hội trung Ma-ha Ca-diếp, cửu diệt ý căn, viên minh liễu tri, bất nhân tâm niệm.
Việt dịch:
A-nan, ông sao không biết, trong hội chúng nầy, ông A-na-luật-đà không có mắt mà vẫn thấy. Rồng Bạt-nan-đà không có tai mà vẫn nghe. Thần nữ Căng-già không có mũi mà ngửi được mùi hương. Ông Ông Kiều-phạm-ba-đề lưỡi khác lưỡi người mà vẫn nếm được mùi vị. Thần Thuấn-nhã-đa không có thân mà vẫn biết xúc chạm. Do hào quang của Như Lai ánh ra mà tạm hiện có thân, chứ bản chất của ông là gió, chứ không có thân thể. Các vị Thanh văn được tịch diệt trong diệt tận định như Ma-ha Ca-diếp trong hội nầy, ý căn đã diệt từ lâu rồi, mà vẫn rõ biết cùng khắp nhưng không do ở tâm niệm.
Giảng giải:
A-nan, ông sao không biết, trong hội chúng nầy, tức trong pháp hội giảng Kinh Thủ-lăng-nghiêm, có những vị đã có được lục căn hỗ dụng. Đó là A-na-luật-đà. Quý vị có nhớ ngài không? Ngài là người bị mù khi cố gắng không ngủ. A-na-luật-đà là anh em họ với Đức Phật, ngài là con vua Bạch Phạn. Ngài thích ngủ, và ngủ bất kỳ lúc nào Đức Phật giảng pháp. Đức Phật trách mằng ông về thói quen nầy, Đức Phật nói rằng:
Đốt! Đốt! Hồ vi thuỳ. 咄咄胡爲睡
Loa tư cáp bạn loại 螺螄 蛤蚌類
Nhất thuỳ nhất thiên niên 一睡一千年
[v]
Bất văn Phật danh tự. 不聞佛名字.
Nầy! Nầy! Sao còn ngủ?
Như loài trai sò kia
Ham ngủ một ngàn năm
Chẳng nghe được tiếng Phật.
Sau khi bị quở trách như vậy, trong nỗ lực của nhiệt tâm, A-na-luật-đà không ngủ suốt bảy ngày đêm. Cuối cùng ngài bị mù vì mất ngủ. Đức Phật thấy thương xót nên mới truyền dạy cho ngài pháp tu Nhạo kiến chiếu minh kim cương tam-muội. Nhờ tu pháp này, ngài chứng được thiên nhãn thông. Mắt trần của ngài bị mù, nhưng ngài trở nên đệ nhất thiên nhãn. Ngài có thể nhìn thấy mọi vật rất rõ ràng. Quý vị không nên nghĩ rằng ‘khai nhãn’ là giống như nhau trong mọi trường hợp. Có người thấy mọi vật rất rõ ràng, và có người thấy không được rõ. A-na-luật-đà thấy rõ nhất trong tất cả, ngài có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới như thấy một vật trong bàn tay. Trong đoạn văn nầy, Đức Phật lại nhắc cho A-nan nhớ về ngài A-na-luật-đà không có mắt mà vẫn thấy.
A-na-luật-đà có nghĩa là vô bần–không nghèo. Trước đây tôi đã kể cho quý vị nghe chuyện ngài được một con thỏ vàng. Khi ngài cắt một cái chân nó để đổi thức ăn, thì cái chân bằng vàng khác mọc ra ngay chỗ vừa cắt. Mỗi lần ngài cắt phần nào trên thân thể con thỏ, thì phần ấy mọc ra lại như cũ, thế nên ngài không bao giờ nghèo.
Đức Phật lại nhắc đến rồng Bạt-nan-đà không có tai mà vẫn nghe. Đây là loại thần long bảo hộ cho xứ Ma-kiệt-đà, chăm sóc cho việc mưa thuận gió hòa. Loài rồng nầy được người dân trong xứ quý mến, nên họ đặt tên là Upananda, Hán dịch là Thiện hoan hỷ. Mặc dù không có tai, nhưng loài rồng nầy có thể nghe bằng râu mọc trên đầu. Thế nên A-na-luật-đà không dùng mắt mà vẫn thấy. Rồng Bạt-nan-đà không dùng tai mà vẫn nghe. Đây chính là sáu căn hỗ dụng mà chúng ta đang bàn đến.
Còn có Thần nữ Căng-già không có mũi mà ngửi được mùi hương. Sông Hằng (Ganges), sông Sindhu, sông Vakshu và sông Sutlej đều phát nguyên từ trên đỉnh núi Tuyết sơn thuộc dãy Hy-mã-lạp-sơn. Thần nữ Căng-già tức nữ thần của sông Hằng, Hán dịch là Thiên đường lai, vì sông phát nguyên từ hồ A-nậu-đạt trên đỉnh Tuyết sơn. Nữ thần nầy là chủ của các vị thần sông. Thần nầy không có mũi, nhưng có thể ngửi được mọi thứ. Dùng mắt để ngửi.
Còn có Ông Kiều-phạm-ba-đề lưỡi khác lưỡi người mà vẫn nếm được mùi vị. Tên ngài, Gavāṃpati[vi] Hán dịch là Ngưu ty, có nghĩa là là ‘loài bò nhai lại.’ Ngay cả khi không ăn gì, ngài vẫn nhai và thở rất lớn giống như loài bò. Tại sao có những vị đã chứng A-la-hán rồi mà vẫn còn những thói quen như vậy? Đó là quả báo của những điều đã xảy ra khi ngài là một chú tiểu còn đang tu hành trong nhân địa. Lúc đó ngài tu học với một vị lão tăng đã chứng quả A-la-hán. Vị nầy đã già và rụng hết răng, nên ăn rất chậm. Ông nhai rất lâu, đến nỗi một hôm chú điệu Kiều-phạm-ba-đề chịu không được nữa mới nói với ông, ‘Thầy nhai như bò.’ Chỉ vì một lời nói như vậy mà chú điệu phải chịu quả báo nhai như bò suốt từ kiếp nầy qua kiếp khác. Nhưng nay ngài đã chứng quả A-la-hán, Đức Phật khuyên ngài nên giáo hoá ở cõi trời, hơn là ở cõi người, vì ngại rằng trong coĩ người có ai chê cười ngài rồi lại nói ‘Thầy nhai như bò,’ thì người ấy sẽ phải chịu quả báo như vậy từ kiếp nầy qua kiếp khác. Chuyện nầy nhắc nhở quý vị thận trọng trong lúc nói. Đừng nên nói bất cứ điều gì chợt nẩy ra trong đầu. Nếu quý vị nói điều sai trái, mình sẽ rơi vào luật nhân quả.
Một hôm có người đến hỏi một vị tỷ-khưu già:
“Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?
Đại tu hành nhân lạc nhân quả phủ ?
大 修 行 人 落 因 果 否?”
Lão tỷ-khưu già đáp:
“Bậc đại tu hành không rơi vào nhân quả.
Đại tu hành nhân bất lạc nhân quả
大 修 行 人 不 落 因 果.”
Vì câu trả lời sai lầm đó, mà vị tỷ-khưu già bị đoạ làm thân chồn suốt năm trăm năm. Khi thiền sư Bá Trượng ở Giang Tây thượng đường giảng kinh dạy chúng, có một lão già râu dài hằng ngày đều đến nghe. Không ai biết ông ta là ai. Ông ta rời giảng đường ngay khi nghe giảng xong. Các thời giảng kinh đều mở rộng cho mọi người tham dự nên chẳng ai hỏi ông ta là ai? Ông ta đến đi như mọi người khác. Khi giảng kinh, theo luật là pháp sư trở về phương trượng ngay sau khi giảng xong. Pháp sư rất hiếm chuyện trò, để tránh tâm phan duyên. Pháp sư không nán lại sau khi giảng kinh là để khuyến khích mọi người lần sau lại đến nghe nữa. Đại khái là như vậy. Một hôm Bá Trượng thiền sư chuẩn bị trở về phương trượng sau khi giảng kinh, lão già râu dài theo sau ngài và xin được nghe lời khai thị. Câu hỏi của lão già như sau:
“Bậc đại tu hành có rơi vào nhân quả không?
Đại tu hành nhân lạc nhân quả phủ?
大 修 行 人 落 因 果 否?”
Bá Trượng thiền sư trả lời ngay:
“Bậc đại tu hành không mê muội nhân quả.
Đại tu hành nhân bất muội nhân quả
大 修 行 人 不 昧 因 果.”
Ngay đó lão già khai ngộ. Rồi lão già giải thích: “Tôi là con chồn sống ở sau núi nầy. Hằng ngày tôi vào đây nghe kinh, nhưng tôi chưa thông được công án vừa rồi.” Ông lão trình bày, trong quá khứ ông từng là cao tăng chuyên giảng kinh, khi có người hỏi lão vấn đề trên, lão đã trả lời không đúng, quả báo là lão bị đọa làm thân chồn suốt năm trăm năm.
“Ồ! Nay được thiền sư chỉ điểm. Tôi đã rõ ràng. Ngày mai tôi sẽ thoát xác. Kính thỉnh thiền sư ra mộ sau núi, thiêu xác rồi làm lễ táng.”
Ngày hôm sau, Bá Trượng thiền sư dẫn chư tăng trong thiền viện ra sau núi. Tìm kiếm hồi lâu thấy xác một con chồn già. Bá Trượng thiền sư dùng nghi thức dành cho chư tăng mà làm lễ hoả táng. Đây là một ví dụ khác về sự cẩn trọng phải có khi mình muốn nói điều gì. Những người chưa am hiểu Phật pháp thích nói bất cứ điều gì thấy thích, nhưng người đã học Phật pháp rồi thì biết cách làm tốt hơn. Nếu có ai hỏi quý vị một vấn đề mà mình biết có thể trả lời trong tinh thần Phật pháp, thì mình hãy đáp ứng. Nhưng nếu thấy không thể, thì tôi khuyên quý vị đừng cho rằng mình biết khi mình chẳng biết cái gì cả. Nếu quý vị nói điều gì đó sai lầm, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Vì một lần bất cẩn chê trách một vị A-la-hán, nên ngài Kiều-phạm-ba-đề chịu quả báo có miệng nhai như bò từ kiếp nầy sang kiếp khác. Lưỡi của ngài như lưỡi bò, nhưng có thể nếm biết được mùi vị.
Thần Thuấn-nhã-đa không có thân mà vẫn biết xúc chạm. Thuấn-nhã-đa, phiên âm chữ Śūnyatā[vii] từ tiếng Sanskrit là có nghĩa là hư không. Vị Thần hư không nầy không có thân mà vẫn biết sự xúc chạm. Việc đó xảy ra như thế nào? Do hào quang của Như Lai ánh ra mà tạm hiện có thân, chứ bản chất của ông là gió, chứ không có thân thể. Hào quang của Đức Phật khiến cho vị thần nầy tạm thời xuất hiện, dù vị thần nầy lặng không như gió và không có hình thể gì cả. Nhưng khi thần nầy xuất hiện trong ánh hào quang của Đức Phật, thì vẫn cảm nhận được những cảm giác xúc chạm, Điều đó làm cho thần hư không rất vui mừng, “Tôi thực sự không có thân, nhưng nay tôi đã có.” Mọi chúng sinh đều sợ bị mất thân mạng, thế nên khi được phép hiện thân, vị thần nầy rất hoan hỷ.
Các vị Thanh văn được tỉch diệt trong diệt tận định như Ma-ha Ca-diếp trong hội nầy. Đây là bậc thứ chín trong cửu thứ đệ định, tức diệt thọ tưởng định. Một số vị trong hội chúng nầy đã đạt được diệt thọ tưởng định và chứng được quả vị A-la-hán. Ai trong hội nầy đã chứng được diệt tận định? Ma-ha có nghĩa là lớn, tức chỉ cho ngài Trưởng lão Ca-diếp, vốn trước kia là ngoại đạo thờ lửa. Trong đạo Phật thường gọi ngài là Kim sắc tiên. Ngài hiện nay vẫn còn đang nhập định trên đỉnh Kê túc sơn,[viii] tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ngài không xả thân và thọ thân sau. Ngài đang ở trong diệt tận định. Trong tương lai, khi Bồ-tát Di-lặc ra đời, ngài Ma-ha Ca-diếp sẽ trao y bát của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lại cho Bồ-tát Di-lặc. Ngài đã nhập định ở đó chừng ba ngàn năm. Một người có thể ngồi như thế một ngàn năm, hoặc thậm chí một vạn năm trong định vẫn không là vấn đề.
Đã diệt ý căn từ lâu rồi, mà vẫn rõ biết cùng khắp nhưng không do ở tâm niệm. Tâm phân biệt của ngài, đối tượng của sinh diệt, đã chấm dứt từ lâu rồi. Nhưng, tánh giác của ngài hoàn toàn thông lợi; cái biết đó không phải do từ tâm ý thức phân biệt, mà lưu xuất từ nguồn sáng tuệ giác của ngài.
Kinh văn:
阿難, 今汝諸根,若圓拔已,內瑩發光。如是浮塵及器世間。諸變化相如湯銷冰。應念化成無上知覺。
A-nan, kim nhữ chư căn, nhược viên bạt dĩ, nội oánh phát quang. Như thị phù trần cập khí thế gian, chư biến hóa tướng như thang tiêu băng. Ứng niệm hóa thành vô thượng trí giác.
Việt dịch:
A-nan, nay các căn của ông nếu đã hoàn toàn nhổ sạch, sáng suốt bên trong sẽ phát ra. Như thế các phù trần và các tướng biến hoá trong thế gian như nước nóng làm tan băng. Ứng với tâm niệm,
Giảng giải:
A-nan, nay các căn của ông nếu đã hoàn toàn nhổ sạch–nếu ông có thể nhập vào được một, thì năm căn kia cũng dừng lại hoàn toàn. Sáu căn đồng thời thanh tịnh. Nếu ông có thể nhổ sạch được một căn, thì sáu căn sẽ tự tại đối với các tập khí cố hữu của nó, sáng suốt bên trong sẽ phát ra. Tự tánh của mình sẽ chiếu sáng rực rỡ và hoàn mỹ như viên ngọc. Như thế các phù trần và các tướng biến hoá trong thế gian–núi sông đất liền, quốc độ, lâu đài kiến trúc và các thứ khác–như nước nóng làm tan băng. Chúng sẽ biến mất, như băng tan khi có nước nóng đổ lên đó. Ứng với tâm niệm, trong một khoảnh khắc rất ngắn, sẽ hoá thành vô thượng trí giác. Khi cái vọng hết, thì cái chân là thanh tịnh. ‘Trí’ ở đây là chân thật trí, không phải là cái biết hư vọng đã nói ở trên. Khi cái vọng không còn, thì cái chân hiển hiện; “ứng với tâm niệm” liền tự hiện khởi.
Kinh văn:
阿難,如彼世人,聚見於眼。若令急合,暗相現前。六根暗然頭足相類。彼人以手,循體外繞,彼雖不見。頭足一辯,知覺是同。
A-nan, như bỉ thế nhân, tụ kiến ư nhãn, nhược linh cấp hiệp, ám tướng hiện tiền. Lục căn ám nhiên, đầu túc tương loại. Bỉ nhân dĩ thủ, tuần thể ngoại nhiễu, bỉ tuy bất kiến, đầu túc nhất biện, tri giác thị đồng.
Việt dịch:
A-nan như người thế gian kia gom cái thấy nơi mắt, nếu biểu nhắm kín thì tướng tối hiện ra. Cả sáu căn đều tối, thì đầu và chân đều giống nhau. Người kia lấy tay rờ quanh ngoài thân thể, tuy không thấy được nhưng đã nhận ra đầu và chân rồi thì cái hiểu biết vẫn như nhau.
Giảng giải:
A-nan như người thế gian kia. Như Lai sẽ cho ông một ví dụ. Hãy xem người thế gian gom cái thấy nơi mắt. Anh ta đã gom tánh thấy lại vào trong mắt của mình. Nếu biểu nhắm kín thì tướng tối hiện ra. Quý vị bảo anh ta, “Nhắm mắt lại ngay!” Bỗng nhiên anh ta bị ngập trong màn tối. Cả sáu căn đều tối, thì đầu và chân đều giống nhau. Người kia lấy tay rờ quanh ngoài thân thể, tuy không thấy được nhưng đã nhận ra đầu và chân rồi. Nếu người thế gian nầy đã nhắm kín mắt lại rồi, không còn thấy gì chung quanh nữa, khi lấy tay mình rờ thân người bên cạnh, anh ta liền biết ngay đầu người kia khi tay sờ đến đầu, và khi sờ đến chân, liền nhận ra đó là chân. Cái hiểu biết vẫn như nhau. Cái biết vẫn có nguyên tác dụng. Khi sáu căn đã được tiêu trừ, thì cái biết không phải là mất sạch. Ví dụ trên xác định ngay cả khi mắt nhắm kín, cái biết vẫn không biến mất. Nó vẫn còn như cũ.
[i] . Nguyên bản tiếng Anh: view-delusions of living beings in the three realms để dịch cụm từ 見所斷惑.Nên chúng tôi chỉ dịch là kiến hoặc.
[ii] . Thích Quảng Hạnh dịch
[iii] . Thất thế: Cao, tằng, tổ, khảo–Cao cao, tằng tằng, tổ tổ.
[iv] . Ullambana: Hán dịch là Giải đảo huyền, Cứu đảo huyền, nghĩa là dứt cái dây treo ngược bằng cách thức tỉnh hương linh qua lời kinh tiếng kệ và sự chú nguyện. Khi vong linh thức tỉnh, nghĩa là họ trực nhận được lý nhân quả nghiệp báo, tự hóa giải sự oán hận nhiều đời, và được thoát khổ.
[v] . S: Aniruddha; p: Anuruddha: A-na-luật-đà, A-ni-lâu-đà 阿尼樓陀, A-nê-luật-đà, 阿泥律陀, A-nê-lâu-đà 阿泥樓馱, A-nô-luật-đà 阿奴律陀, A-na-luật-đề 阿那律提. Ý dịch Vô diệt 無滅, Như ý 如意, Vô tham 無貪, Vô chướng 無障, Thiện Ý 善意,Tuỳ thuận nghĩa nhân 隨順義人, Bất tranh hữu vô 不爭有無.
[vi] . S: Gavāṃpati; p: Gavaṃpati: Kiều-phạm-bạt-đề 驕梵拔提, Kiêu-phạm-bát-đề 憍梵鉢提. Còn gọi Kiêu-phạm-bát 憍梵鉢. Ý dịch Ngưu chủ 牛主, Ngưu vương 牛王, Ngưu vương nhãn 牛王眼, Ngưu tích 牛迹, Ngưu tướng 牛相, Ngưu ti 牛司, Ngưu xỉ 牛齝.
[vii] . S: Śūnyatā; p: Suññatā. Hán dịch Không tánh 空性. Còn chỉ cho Thần hư không, còn chỉ cho Vô sắc giới thiên.
[viii] . 鶏足山 S: Kukkuṭapāda-giri、Kurkuṭapāda-giri,p: Kurkuṭapada-giri . Núi ở nước Ma-kiệt-đà, thuộc Trung Ấn Độ, nơi ngài Ma-ha Ca-diếp nhập diệt. Ở Trung Hoa, vùng Tứ Xuyên, Vân Nam cũng có ngọn núi Kê Túc. Trên đỉnh có động đá, tương truyền đó là nơi ngài Ma-ha Ca-diếp nhập diệt, đợi ngài Di-lặc xuất thế để trao lại y bát của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Nay núi nầy được xem là đạo tràng của ngài Ma-ha Ca-diếp, và là trung tâm của Phật giáo Vân Nam.
No comments:
Post a Comment