Kinh văn:
爾時世尊,開示阿難,及諸大眾, 欲令心入無生法忍。
Nhĩ thời Thế tôn, khai thị A-nan, cập chư đại chúng, dục linh tâm nhập vô sanh pháp nhẫn.
Việt dịch:
Lúc bấy giờ Đức Thế tôn chỉ dạy cho A-nan và cả đại chúng, muốn cho tâm họ được vô sanh pháp nhẩn.
Giảng:
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn. Là lúc A-nan thưa thỉnh Đức Phật khai thị cho những người chưa được giác ngộ. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thương mến người em họ và phát khởi lòng yêu thương che chở cho A-nan. Thế nên Đức Thế tôn chỉ dạy cho A-nan và cả đại chúng, muốn cho tâm họ đạt được vô sinh pháp nhẫn.
“Vô sanh pháp nhẫn” nghĩa là gì? Có ba loại “nhẫn.” Sinh nhẫn, pháp nhẫn và vô sinh pháp nhẫn. Là trạng thái chẳng có sinh mà cũng chẳng có pháp. Tức là trạng thái chẳng có pháp sinh ra, cũng chẳng có pháp diệt đi. Khi quý vị đã đạt được vô sinh pháp nhẫn, quý vị sẽ thấy mỗi một pháp giới trong lục phàm[i] và tứ thánh[ii] chẳng có một pháp nào được sinh ra và cũng chẳng có một pháp nào hoại diệt. Pháp giới tứ thánh siêu việt hẳn dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Trong khi sáu cõi giới phàm phu lại nằm trong tam giới, nhưng trong ấy chẳng có cõi giới nào sinh ra hoặc diệt đi. Vậy nên bản thể của các pháp là như như bất động. Vì các pháp vốn như như bất động nên các pháp chẳng sinh chẳng diệt.
Trước khi được khai ngộ, quý vị nghĩ: “Ồ! Không, chẳng có sinh cũng chẳng có diệt, vạn pháp đều tan biến thành không cả.” Khi một nỗi sợ hãi len vào tâm tư quý vị: quý vị không thể nào chịu đựng nổi ý niệm về sự sợ hãi ấy. Nhưng nếu một khi quý vị đã chứng được cảnh giới bất sinh bất diệt – thực ra thì cảnh giới ấy chẳng có vẻ gì là khác lạ như quý vị thường nghĩ và khó có thể chịu đựng nổi về cảnh giới ấy, vì quý vị đã chứng được vô sinh pháp nhẫn rồi. Nên chắc chắn là quý vị sẽ có được sự cảm ứng rất lớn với đạo không thể nghĩ bàn được.
Trạng thái cảm ứng đạo giao xảy ra khi quý vị sắp sửa đạt đến sự giác ngộ nhưng chưa có được sự biểu hiện. Khi sự cảm ứng đạo giao xảy ra, chỉ còn có một cách duy nhất là quý vị ôm ấp nó trong tim mình. Chỉ một mình mình biết, không thể đi quanh nói cho người nào khác biết được. Đó được gọi là cảnh giới vô sinh pháp nhẫn. Khi quý vị thấy được rằng tất cả núi sông đất liền đều lưu xuất từ tự tánh của mình: thấy được rằng ba cõi chỉ là biểu hiện của tâm, thấy được rằng vạn pháp chỉ là biến hiện của thức. Một khi quý vị chứng được cảnh giới ấy thì mọi sự, mọi pháp đều thoát khỏi ý niệm sinh diệt. Mọi hiện tượng mà quý vị thấy được như núi sông đất liền, cỏ cây hoa lá đều chỉ là một hiện hữu nhất như. Đó chính là vô sanh pháp nhẫn vậy.
Đức Bồ-tát Quan Thế Âm có nói:
“Sinh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”[iii]
(Khi đã vượt qua cảnh giới sinh diệt rồi thì cảnh giới tịch diệt chính ở ngay trong hiện tại.)
Tức là do A-nan không thể nào nhập vào được món nhẫn này, nên bây giờ Đức Phật mới chỉ dạy cho toàn thể đại chúng, mong muốn cho mọi người trong chúng và tất cả chúng sinh đều chứng được vô sinh pháp nhẫn.
Kinh văn:
於師子座,摩阿難頂,而告之言: 如來常說諸法所生,唯心所現。一切因果世界微塵,因心成體。
Ư sư tử tòa, ma A-nan đảnh, nhi cáo chi ngôn: Như lai thường thuyết, chư pháp sở sanh, duy tâm sở hiện, nhất thiết nhân quả, thế giới vi trần, nhân tâm thành thể.
Việt dịch:
Từ nơi toà sư tử, đức phật xoa đầu A-nan rồi bảo rằng:
Như Lai thường nói các pháp phát sinh đều do từ tâm biểu hiện. Tất cả nhân quả và thế giới nhiều như vi trần đều nhân nơi tâm mà có thể tính (hiện hữu)
Giảng:
Từ nơi tòa sư tử: đây không có nghĩa là Đức Phật ngồi trên lưng sư tử hoặc là chỗ ngồi của Đức Phật được khắc chạm hình dáng của sư tử mà do pháp âm của Đức Phật được ví như tiếng gầm của loài sư tử, thế nên nơi mà Đức Phật giảng pháp được gọi là tòa sư tử.
Đức Phật xoa đầu A-nan
Đức Phật lấy tay Ngài xoa đảnh đầu A-nan. Trong đạo Phật việc xoa đảnh đầu là biểu hiện lòng từ ái cao tột nhất, phát ra một năng lực lớn lao để nhiếp thọ chúng sinh.
Rồi bảo rằng: “Như Lai thường nói các pháp phát sinh đều do từ tâm biểu hiện.”
Như Lai từ lâu nay đã thường nói rằng hết thảy mọi pháp, đều là sự biểu hiện của tâm.
Tất cả nhân quả nhân tiếp liền nhân, quả nối liền quả, hết thảy các pháp trên thế gian và suốt khắp thế giới nhiều như vi trần đều nhân nơi tâm mà có. Tất cả đều là sự hiển bày từ tâm chúng ta. Thế nên cổ văn Trung Hoa có câu:
Nhược nhân thức đắc tâm
Đại địa vô thốn thổ.
(Nếu người nào nhận ra được bản tâm của mình, thì dưới chân mình không còn có một tấc đất).
Vậy thì đó là cái gì? Đất dưới chân mình đi đâu mất rồi? Đó là một cách diễn tả của Thiền tông về sự trớ trêu của điều bất khả tư nghì. Thật là không may khi chưa nhận ra được bản tâm của mình, nên trái đất vẫn là một hạt bụi rất lớn.
Kinh văn:
阿難,若諸世界,一切所有,其中乃至草葉縷結。詰其根元,咸有體性。縱令虛空亦有名貌。
A-nan, nhược chư thế giới, nhất thiết sở hữu, kỳ trung nãi chí thảo diệp lự kiết, cật kỳ căn nguyên, hàm hữu thể tánh. Túng linh hư không diệc hữu danh mạo.
Việt dịch:
A-nan, như tất cả sự vật hiện hữu trong thế giới từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, nút thắt… khi gạn xét cội gốc của nó, mỗi thứ đều có thể tánh. Cho đến như hư không cũng có tên gọi và dáng mạo.
Giảng:
Đức Phật lại gọi tên A-nan một lần nữa,
A-nan, như tất cả sự vật hiện hữu trong thế giới từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, nút thắt… khi gạn xét cội gốc của nó, mỗi thứ đều có thể tánh, cho đến như hư không cũng có tên gọi và dáng mạo.
Hết thảy mọi thứ trên thế gian này gồm cả núi sông đất liền, tất cả vạn tượng như cây cỏ, thảo mộc, sợi dây, nút thắt cho đến như cả hư không, nó vẫn có cái tên là “hư không” và dáng mạo về “hư không.” Tất cả đều có một thể tánh.
Kinh văn:
何況清淨妙淨明心,性一切心,而自無體?
Hà huống thanh tịnh diệu tịnh minh tâm, tánh nhất thiết tâm, nhi tự vô thể?
Việt dịch:
Huống gì bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu này là bản chất của tất cả mọi tâm niệm mà tự nó lại không có thể tánh hay sao?
Giảng:
Huống chi bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu mà lại không có thể tánh. Tâm ấy chắc chắn phải có thể tánh.
Kinh văn:
若汝執悋[iv].分別覺觀,所了知性,必為心者,此心即應離諸一切色香味觸,諸塵事業別有全性。
Nhược nhữ chấp kháp, phân biệt giác quán, sở liễu tri tánh, tất vi tâm giả, thử tâm tức ưng ly chư nhứt thiết, sắc hương vị xúc, chư trần sự nghiệp, biệt hữu toàn tánh,
Nếu ông chấ́p chặt tánh phân biệt hiểu biết, cho đó là tâm, thì tâm này khi rời tất cả sắc thanh, hương, vị, xúc, thì tâm ấy phải riêng có toàn tánh.
Giảng:
Nếu ông chấp chặt nếu ông nhất quyết chấp giữ mọi ý kiến, mọi ý niệm, mọi suy đoán cố hữu, như một kẻ keo kiệt giữ kho vàng. Bảo rằng tánh hiểu biết phân biệt là tâm thì tâm này khi rời tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc (tách rời hẳn các hoạt dụng của các trần) thì tâm ấy phải riêng có toàn tánh.
Nếu cái tâm phân biệt ấy là chân tâm thì lẽ ra nó sẽ hiện hữu mà không cần bất kỳ sự liên hệ nào với sắc, thanh, hương, vị, xúc. Mặc dù chỉ đề cập đến năm món. Nhưng đều hàm ý đến cả sáu trần. Nếu thức tâm phân biệt thực là chân tâm thì lẽ ra tâm ấy sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả khi cái tâm có toàn tánh kia, siêu việt hẳn các cảm giác khi tiếp xúc với sáu trần. Lẽ ra phải có một cái tâm khác, ngoài cái tâm hình thành ngay khi các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý tiếp xúc với các trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
Có phải đó chính là giải pháp chăng? Không? Đức Phật chỉ đưa ra giả thiết này để khai thị cho A-nan.
Kinh văn:
如汝今者,承聽我法。此則因聲而有分別。
Như nhữ kim giả, thừa thính ngã pháp, thử tắc nhơn thính, nhi hữu phân biệt.
Việt dịch:
Như ông nay nghe pháp của Như Lai, đó là nhân âm thanh mà có sự phân biệt.
Giảng:
Bây giờ Đức Phật bắt đầu giải thích rằng A-nan không có một thức tâm phân biệt nào hiện hữu mà tách rời hẳn sự nhận thức về nó.
Còn như hiện nay, khi ông nghe pháp của tôi, đó là nhân âm thanh mà có sự phân biệt.
“A-nan, ông đang ở đây, nghe tôi giảng pháp và nhờ có âm thanh mà ông có được sự phân biệt. Đó không phải là trường hợp mà ông có thể nghe khi không có âm thanh”
Đức Phật chủ yếu khai thị cho A-nan biết rằng chơn tâm chính là ở tại ngay nơi căn tánh của sáu căn: mắt, tai, mũi, thân, ý. Vốn không dao động. Còn sáu thức là do sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp duyên theo trần cảnh mà có, nên các thức ấy là dao động, nên chẳng phải chân thực, nên các thức ấy thuộc về vọng tưởng. Thực ra, nhờ vào sáu căn và sáu thức mà có cái dụng của thấy, nghe, hay, biết. Thực là rất khó phân tích cho rõ điểm này. Chẳng qua là khi sáu căn tiếp xúc với các cảnh, cũng như tấm gương trong liền phản chiếu hình ảnh, vốn chẳng có phân biệt gì cả. Còn sáu thức khi duyên với các cảnh thì liền sinh khởi phân biệt. Nên mới có sự phân biệt và không phân biệt. Đó chính là sự khác nhau giữa thức và căn.
Kinh văn:
縱滅一切見聞覺知,內守幽閑,猶為法塵,分別影事。
Túng diệt nhứt thiết kiến văn giác tri, nội thủ u nhàn, do vi pháp trần, phân biệt ảnh sự.
Việt dịch:
Dù có diệt hết cái thấy, nghe, hiểu, biết mà giữ được sự thanh thản, lặng lẽ bên trong, đều do bóng dáng của sự phân biệt pháp trầ̀n vẫn còn.
Giảng:
Dù có diệt hết cái thấy, nghe, hiểu, biết mà giữ được sự thanh thản, lặng lẽ bên trong.
Cho dù tạm thời quý vị ngưng hẳn lại việc thấy, nghe, hiểu, biết, đó cũng chỉ là trạng thái của sự vắng lặng. Chứng đạt được trạng thái này cũng cần phải có công phu. Một khi quý vị đã diệt được hẳn sự thấy, nghe, hiểu, biết, là quý vị có thể an trụ trong trạng thái khinh an. Đó là cảm giác lặng lẽ không có niệm vọng động và quý vị không phải làm gì trong đó cả. Tâm quý vị hoàn toàn vắng lặng và không còn phải lo ngại điều gì cả. Ngoại đạo cho đây là cảnh giới cao tột nhất mà người tu hành có thể đạt được. Họ ngồi yên lặng và không còn thấy mình (vô ngã), thấy người (vô nhân) nữa. Thấy mọi vật đều trống không, kể cả thân thể họ cũng tan biến luôn và họ cho đó là chỗ dụng công đắc lực. Đó là ý nghĩa của “sự thanh thản lặng lẽ bên trong” ở trong phần chánh văn.
Thực ra, đây là chỉ có được chút cảm ứng nhờ vào công phu đắc lực, nhờ vào sự đào luyện tâm linh nên giữ được “sự thanh thản, lặng lẽ bên trong” này.
Vậy nên hàng ngoại đạo cho trạng thái này là tột đỉnh, họ hết sức cố gắng để duy trì trạng thái định này. Không để nó tiêu tán mất. Họ không muốn công phu của mình trở nên vô dụng.
Nhưng thực ra trong dạng cảnh giới này, đều do bóng dáng của sự phân biệt pháp trần vẫn còn. Cảnh giới “thanh thản lặng lẽ” bên trong ấy chỉ là hoạt dụng của thức thứ sáu (ý thức) và tâm thức. Chữ pháp ở trong chánh văn có nghĩa là đối tượng của tâm ý thức. Đến đây thì năm thức trước (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) biến mất. Cái nghe và cái thấy không còn hướng ra bên ngoài nữa, tánh ngửi và tánh nếm không còn tác động đến quý vị nữa và thân xác không còn bị ảnh hưởng bởi sự xúc chạm nữa. Thức thứ sáu (ý thức) lúc này được gọi là “độc đầu ý thức.” Nó chỉ hoạt động khi năm thức trước ngưng hoạt động. Chẳng hạn như trong mơ là một biểu hiện của độc đầu ý thức. Còn trạng thái “thanh thản, lặng lẽ” đề cập trong kinh văn là một trường hợp khác. Đó là khi năm thức trước đã hoàn toàn vắng bặt rồi, quý vị cảm thấy cái thấy nghe, hiểu biết của mình hoàn toàn biến mất, nhưng quý vị vẫn còn ý thức. Trong đó vẫn còn bóng dáng của pháp trần rất nhỏ nhiệm vi tế, rất khó nhận biết tường tận được. Đó chính là sự phân biệt pháp trần còn rơi rớt lại trong tâm. Đó không phải là cảnh giới chân thực, khi quý vị đến được trạng thái này sẽ thấy mọi việc diễn ra rất tốt đẹp, nhưng với cái nhìn từ Phật pháp thì quý vị chưa đạt được ngay cả bước đầu tiên. Đừng tự thỏa mãn, hãy nên cứu xét lại mình cẩn thận hơn. “Ồ! Đây là cảnh giới tuyệt diệu do ngồi thiền.” Thay vì vậy, quý vị nên tiếp tục công phu tiến tới. Nếu quý vị dừng lại ở đây thì rất dễ rơi vào ngoan không, nơi mà cái thấy, nghe, hiểu, biết biến mất và không còn một thứ gì nữa cả. Nhưng cảnh giới ngoan không ấy chẳng ích lợi gì cho việc phát triển kinh nghiệm thiền của quý vị cả. Thức thứ sáu (ý thức) và độc đầu ý thức là cái dễ dàng dẫn quý vị đến con đường tẻ và sự sai lầm.
Độc đầu ý thức có bốn loại:
Tán vị độc đầu: tâm tán loạn hàng ngày thường sinh khởi niệm phân biệt.
Cuồng loạn độc đầu: khi có người phát điên và nói năng cuồng loạn. Thức thứ sáu (ý thức) của họ lúc ấy ở trong sự cuồng loạn, họ không điều khiển ý thức được nữa.
Mộng trung độc đầu: khi trong mơ, quý vị thấy mọi thứ với đầy đủ sắc màu và những vật kỳ dị là độc đầu ý thức đang tác yêu tác quái.
Định trung độc đầu: đó là trạng thái “thanh thản lặng lẽ” mà Kinh văn đang nói đến. Trong đó cái thấy, nghe, hiểu, biết hoàn toàn vắng bặt, nhưng định trung độc đầu ý thức vẫn đang còn hoạt dụng.
Kinh văn:
我非勅汝,執為非心。但汝於心,微細揣摩,若離前塵,有分別性,即真汝心。
Ngã phi sắc nhữ, chấp vi tâm. Đãn nhữ ư tâm, vi tế sủy ma, nhược ly tiền trần, hữu phân biệt tánh, tức chơn nhữ tâm.
Việt dịch:
Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm. Nhưng ông phải suy xét chính chắn, nếu có một thể tánh phân biệt khi rời hẳn tiền trần thì đó chính là tâm ông.
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm. Như Lai không ra lệnh cho ông phải đồng ý với những gì Như Lai nói. Nhưng ông phải suy xét chính chắn, nếu có một thể tánh phân biệt khi rời hẳn tiền trần thì đó chính là tâm ông.
Nếu khi lìa hẳn tiền trần ông vẫn còn thể tánh phân biệt thì đó là tâm chân thật của ông.
Kinh văn:
若分別性離塵無體,斯則前塵分別影事。
Nhược phân biệt tánh ly trần vô thể, tư tắc tiền trần phân biệt ảnh sự
Việt dịch:
Nếu tánh phân biệt này khi rời hẳn tiền trần mà không còn tự thể thì đó chỉ là bóng dáng phân biệt của tiền trần.
Giảng:
Nếu tâm phân biệt này khi rời hẳn tiền trần mà không còn tự thể.
Nếu quý vị không thể nào tìm thấy được tự thể của tánh phân biệt khi tách rời hẳn tiền trần thì đó chỉ là bóng dáng phân biệt của tiền trần. Đó không phải là chân tâm.
Kinh văn:
塵非常住,若變滅時,此心則同龜毛兔角。則汝法身同於斷滅。其誰修證無生法忍?
Trần phi thường trụ, nhược biến diệt thời, thử tâm tắc đồng qui mao thố giác. Tắc nhữ pháp thân, đồng ư đoạn diệt. Kỳ thuỳ tu chứng vô sanh pháp nhẫn?
Việt dịch:
Trần ấy chẳng phải là thường trụ, khi nó biến diệt thì cái tâm ấy cũng như lông rùa sừng thỏ. Ắt pháp thân ông cũng đồng như đoạn diệt. Ai là người tu chứng vô sinh pháp nhẫn?
Giảng:
Đoạn kinh văn này đã giải thích vấn đề rõ ràng hơn một chút. Trần chẳng phải là thường trụ, khi nó biến diệt thì cái tâm ấy cũng như lông rùa sừng thỏ.
Khi đối diện với tiền trần mà quý vị móng khởi tâm niệm, quý vị sẽ cho rằng ở đó có một niệm phân biệt và niệm phân biệt chính ấy là tâm của mình. Nếu khi đối diện tiền trần lại có tâm phân biệt, còn khi không đối diện tiền trần thì không có tâm phân biệt. Tâm phân biệt ấy cũng biến diệt luôn vậy. Vậy nên khi không gặp tiền trần thì không khởi tâm niệm, khi không có tâm phân biệt, thì tâm ông ở đâu? Tâm ấy cũng giống như lông rùa sừng thỏ.
Khi nào rùa mọc lông? Không bao giờ. Khi nào thì thỏ mọc sừng? Không bao giờ. Như thế ông hoàn toàn chẳng có tâm.
Ắt pháp thân của ông đồng như đoạn diệt.
Bởi vì ông chẳng có tâm nên pháp thân của ông cũng không hiện hữu. Làm sao mà ông lại có được pháp thân khi chẳng có tâm?
Ai là người tu chứng vô sinh pháp nhẫn. Quý vị sẽ lấy cái gì để tu chứng đạo quả, để đạt được giác ngộ? Nếu quý vị không có thân cũng chẳng có tâm, ai là người tu tập để chứng được vô sinh pháp nhẫn?
Kinh văn:
即時阿難與諸大眾,默然自失。
Tức thời A-nan, dữ chư đại chúng, mặc nhiên tự thất.
Việt dịch:
Lúc ấy A-nan cùng toàn thể đại chúng đều im lặng, ngơ ngác (thấy mình như mất điều gì).
Giảng:
Đức Phật giải thích rằng nếu tâm hiện hữu khi có sự phân biệt với tiền trần, thì khi tách khỏi tiền trần ra thì tâm sẽ không còn phân biệt nữa. Như thế phải chăng có nghĩa là không có tâm? Nếu không có tâm thì cũng không có pháp thân, thì ai là người tu chứng vô sinh pháp nhẫn?
A-nan và đại chúng đều suy nghĩ như thế và thấy rằng mình đúng.
Lúc ấy A-nan và toàn thể đại chúng đều im lặng ngơ ngác (thấy mình như mất điều gì).
Không ai còn biết nói điều gì nữa cả. Họ chỉ biết nhìn nhau, nhưng lần này không phải là do họ đã nhập vào đại định.
Kinh văn:
佛告阿難:世間一切諸修學人,現前雖成九次第定,不得漏盡,成阿羅漢,皆由執此生死妄想,誤為真實。是故汝今雖得多聞,不成聖果.
Phật cáo A-nan: Thế gian nhất thiết chư tu học nhân, hiện tiền tuy thành cửu thứ đệ định, bất đắc lậu tận thành
A-la-hán, giai do chấp thử sanh tử vọng tưởng, ngộ vi chơn thiệt, thị cố nhữ kim, tuy đắc đa văn, bất thành Thánh quả.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan: Tất cả mọi người tu học trong thế gian, mặc dù nay đã được cửu thứ đệ định, nhưng không hết sạch mê lầm, thành bậc a-la-hán, đều do vì chấp vào vọng tưởng sinh diệt, lầm cho đó là tính chân thực. Thế nên nay ông tuy được học rộng nghe nhiều mà chưa thành thánh quả.
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan
Đức Phật thấy mọi người trong pháp hội đều bồn chồn lo lắng, hoàn toàn mất khả năng tự chủ. Họ đều như kẻ mất hồn.
Giáo lý Khổng Mạnh nói về tâm như sau:
Tâm đến và đi không có thời gian nhất định
Chẳng biết ở nơi đâu.
Nên được gọi là tâm[v]
Quý vị không thể nào biết được giờ nào thì tâm móng khởi, khi nào thì tâm lặng yên và quý vị không biết được tâm đi đâu. Có lẽ vì vậy nên nó là tâm.
Tuy nhiên cái tâm mà Khổng Tử nói đến ở đây cũng chỉ là tâm vọng tưởng, không phải là chân tâm. Đã là chân tâm thì làm sao lại có ra vào? Nó chẳng có một lối ra hoặc cổng vào nào cả.
Mạnh Tử cũng nói:
"Khi người ta có con gà, con chó bị mất, người ta tìm mọi cách để bắt về lại biết có thể tìm lại được.
Nhưng khi thoạt mất tâm mình rồi thì họ chẳng biết phải tìm kiếm nơi đâu.”[vi]
Ở đây cũng vậy, Mạnh Tử đang nói về cái tâm sinh khởi vọng tưởng suốt từ sáng tới tối, cái tâm chạy đông, chạy tây, chạy tới, chạy lui. Mạnh Tử hoàn toàn chưa biết cách chiêm nghiệm kỹ vào tâm của chính mình để có thể bảo tâm ấy đừng có chạy loanh quanh nhiều đường vô ích.
Tôi đã nói với quý vị rằng cái tâm vọng tưởng có thể khiến cho quý vị chỉ trong khoảng một niệm tưởng là quý vị có mặt ngay ở Nữu Ước mà không cần phải có tiền mua vé máy bay hay tàu lửa, quý vị có thể dạo chơi trên cầu Brooklyn mà không cần phải đáp xe buýt đến đó. Thực là một cách đi du lịch mà không tốn tiền, nhưng đó là một nỗ lực rất lớn lao của tâm.
Những lời nói về tâm của Mạnh Tử cũng là đề cập đến tâm thức phân biệt, cái tâm mà đã quá quen thuộc với A-nan. Tâm thức phân biệt thì vô thường, còn chân tâm thì thường hằng.
Tất cả mọi người tu học trong thế gian mặc dù nay đã được cửu thứ đệ định. Tức là Tứ thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền và Tứ không, gồm:
– Không vô biên xứ
– Thức vô biên xứ
– Vô sở hữu xứ
– Phi phi tưởng xứ
cộng thêm Diệt thọ tưởng định, thành tất cả là chín món.
Nhưng không diệt hết sạch mê lầm hay thành bậc a-la-hán, đều do vì chấp vào vọng tưởng sinh diệt.
Tại sao khi họ tu tập đã đạt được chín bậc thiền định rồi mà không vượt qua, không chuyển hóa hết sạch mọi mê lầm và chứng được a-la-hán? Đó là vì họ dính mắc quá sâu vào vọng tưởng sinh diệt.
Lầm cho đó là tánh chân thực.
Họ phạm phải lỗi lầm cho vọng tưởng là chân thực.
Thế nên nay ông tuy được học rộng nghe nhiều mà chưa được thành Thánh quả.
Vào thời điểm Đức Phật giảng kinh này, A-nan đã chứng được sơ quả a-la-hán, nhưng tại sao Đức Phật lại nói mặc dù A-nan đã đạt quả vị ấy cùng với học vấn uyên thâm nhưng A-nan vẫn chưa hoàn toàn chứng được quả vị Thánh? Đức Phật có ý muốn nói rằng A-nan chưa chuyển hóa sạch hết được mọi mê lầm, A-nan chưa hết sạch hữu lậu. Đối với Tiểu thừa, sơ quả a-la-hán được xem như là dự vào bậc Thánh rồi nhưng với bồ-tát thừa thì chưa.
Kinh văn:
阿難聞已,重復悲淚,五體投地,長跪合掌而白佛言:自我從佛發心出家,恃佛威神。常自思惟無勞我修,將謂如來,惠我三昧。不知身心,本不相代。失我本心,雖身出家心不入道。譬如窮子捨父逃逝。
A-nan văn dĩ, trùng phục bi lệ, ngũ thể đầu địa, trường quỵ hiệp chưởng, nhi bạch Phật ngôn: Tự ngã tùng Phật, phát tâm xuất gia, thị Phật oai thần. Thường tự tư duy, vô lao ngã tu, tương vị Như lai, huệ ngã tam muội. Bất tri thân tâm, bổn bất tương đại. Thất ngã bổn tâm, tuy thân xuất gia, tâm bất nhập đạo. Thí như cùng tử, xả phụ đào thệ.
Việt dịch:
A-nan nghe rồi đau xót khóc lóc, gieo năm vóc sát đất, quỳ xuống chắp tay bạch Phật:
– Từ khi con phát tâm xuất gia theo Phật, chỉ biết ỷ lại vào oai thần của Phật. Con thường nghĩ rằng, khỏi phải nhọc công tu hành làm gì, hy vọng Như Lai sẽ ban cho con chánh định. Con không tự biết thân và tâm của Phật và con chẳng thay thế cho nhau được. Vậy nên con tự đánh mất bả̉n tâm, tuy thân đã xuất gia mà tâm chẳng nhập đạo. Con như người cùng tử bỏ cha trốn đi.
Giảng:
Đức Phật bảo rằng A-nan bị chướng ngại bởi đa văn nên không chứng được Thánh quả. A-nan đã thờ ơ trong việc tu tập định lực và chú tâm trong việc truy cầu học thức uyên thâm.
A-nan nghe rồi đau xót khóc lóc,
Tại sao A-nan lại khóc? Vì A-nan nhận ra đã phí phạm thời gian và thực tế là khi A-nan thấy mình chưa chứng được quả vị Thánh nên rất buồn tủi. Thế nên A-nan bật khóc. Lại nữa, biết Đức Phật đã khai thị cho mình về chân tâm, A-nan dâng tràn sự biết ơn lòng từ bi của Đức Phật, nên A-nan cảm động rơi nước mắt.
A-nan gieo năm vóc sát đất, quỳ xuống chắp tay bạch Phật
A-nan gieo năm chi phần thân thể gồm hai tay, hai chân và đầu xuống sát đất. Sau khi thành tâm đảnh lễ Đức Phật rồi, A-nan quỳ gối, chắp tay hướng về Đức Phật.
A-nan đau xót khóc than cùng một lúc như thể đứa trẻ ham chơi đùa và bị bắt nạt. Bắt nạt cái gì? A-nan bị đánh mất hoàn toàn hệ thống suy luận căn bản trong tâm mình như A-nan đã giải thích.
Từ khi con phát tâm xuất gia theo Phật chỉ biết ỷ lại vào oai thần của Phật.
A-nan là thị giả của Đức Phật, làm những việc như giúp vén y ngay ngắn mỗi khi Đức Phật bước lên pháp tòa. A-nan tuy đã xuất gia, nhưng như tôi đã giảng trước đây, người xuất gia là phải phát tâm, dõng mãnh thoát ra khỏi ngôi nhà thế tục, ngôi nhà tam giới và ngôi nhà phiền não. A-nan mới ra khỏi được ngôi nhà thế tục mà thôi. A-nan thú nhận rằng, mặc dù đã xuất gia, đảnh lễ Đức Phật xin nhận làm Bổn sư, nhưng A-nan vẫn chưa thay đổi được nếp suy nghĩ. Đó là gì? là ỷ lại vào oai đức của Đức Phật. A-nan nghĩ rằng: “Phần tôi, tôi có Đức Phật là anh em họ. Còn ai trên thế gian này có Đức Phật là anh em họ như tôi?.” A-nan cực kỳ kiêu mạn, A-nan nghĩ rằng mình có cả oai lực lẫn thế lực để nương tựa vào. A-nan ỷ vào oai đức của Đức Phật.
Con thuờng nghĩ rằng “khỏi phải nhọc công tu hành làm gì, hy vọng Như Lai sẽ ban cho con chánh định.
A-nan tự nghĩ: “Mình có Đức Phật là anh em chú bác, mình khỏi phải tu hành làm gì. khỏi phải nhọc công khổ hạnh trong công phu tu tập. Sao vậy? vì anh họ của mình đã thành Phật, tại sao mình phải tu hành? Đức Phật có thể ban cho mình chánh định.” A-nan nghĩ như thế nên tự mình thấy không cần thiết phải tu tập chánh định. Đức Phật có thể ban cho A-nan ngay, suy nghĩ như thế có ngây thơ không?
Con không tự biết thân và tâm của Phật và con chẳng thay thế cho nhau được.
A-nan nói như vậy. Tôi tin chắc chẳng ai trong chúng ta có thể suy nghĩ như thế được. Chúng ta đều biết rằng người này không thể thay thế cho người kia được. Nhưng A-nan nói rằng A-nan thực sự không biết thân Đức Phật là thân của Đức Phật và thân của A-nan là thân của A-nan ; tâm của Đức Phật là tâm của Đức Phật còn tâm của A-nan là tâm của A-nan . Chúng không thể thay thế cho nhau được. Đức Phật không thể đại diện cho cả thân và tâm của A-nan và A-nan không thể nào biểu hiện thành thân và tâm Phật được. A-nan không nhận thức được rằng chính mình phải tu tập định lực.
Vậy nên con đánh mất bổn tâm của con,
Vì con đã đánh mất một vật rất lớn lao. A-nan thú nhận. Tuy thân đã xuất gia đó là tuy A-nan đã trở nên một vị tỷ-khưu mà tâm chẳng nhập đạo – đó là A-nan chưa có được định lực.
Con như người cùng tử bỏ cha trốn đi.
A-nan ám chỉ bằng phương pháp so sánh – với trường hợp người trưởng giả giàu sang có nhiều phước báo, ông ta có người con, nhưng con ông chẳng màng tới của cải của cha mình mà còn bỏ nhà ra đi, sống khổ cực trong nhân gian. A-nan muốn nói điều gì? “Con xuất gia theo Phật nhưng con chẳng tu đạo, vì con còn thiếu định lực nên con là đứa con nghèo nàn, túng thiếu."
Thực vậy, đáng lẽ ra con được dự phần vào việc nhà của Như Lai, nhưng vì không có định lực, nên con không đủ thẩm quyền để nhận lãnh kho tàng Phật pháp giàu có được tích lũy từ phước đức của chư Phật. Thế nên A-nan buồn rầu than khóc như trẻ con.
Kinh văn:
今日乃知雖有多聞,若不修行,與不聞等。如人說食,終不能飽。
Kim nhật nãi tri, tuy hữu đa văn, nhược bất tu hành, dữ bất văn đẳng, như nhơn thuyết thực, chung bất năng bão
Việt dịch:
Ngày nay mới biết, tuy được nghe phật pháp nhiều, nếu chẳng tu hành thì cũng như chưa nghe. Như người chỉ nói đến thức ăn, rốt cục chẳng được no bụng.
Giảng:
Ngày nay mới biết: đến bây giờ con mới nhận ra được điều này, trước đây con chưa từng được biết. Tuy được nghe Phật pháp nhiều, nếu chẳng tu hành thì cũng như chưa nghe.
Nếu con đơn giản chỉ biết một số điều nhưng không đem ra thực hành thì con sẽ giống như người say, chỉ biết nói chứ không thực hành. Nói cách khác, A-nan có thể nhớ nhiều thứ, A-nan là người học rộng và nhớ nhiều, nhưng không chịu dụng công tu hành, không chịu công phu, đem những điều hiểu biết ấy ra thực hành, A-nan thực sự chưa từng làm điều ấy. Nếu A-nan không đem những điều mình hiểu biết ra thực hành, thì cũng giống như A-nan không biết một điều gì cả.
Giống như người chỉ nghe nói đến thức ăn, rốt cục chẳng được no bụng.
Giống như người huyên thuyên nói về thức ăn. Chẳng hạn như những người thích ăn chay nói rằng: “Hãy làm bánh hấp nhân hoa quả, món đó rất ngon.” Hoặc nói: “Hãy làm bánh rán như ở Mãn Châu, bánh này còn ngon hơn.”
Những người thích ăn mặn lại nói: “Nhà hàng Trung Hoa nọ, kia… là tuyệt nhất trong tỉnh, thức ăn ở đó thực là ngon. Chúng ta hãy đi đến ăn món Tàu.” Người Mỹ rất thích ăn cơm Tàu. Thế nhưng họ bàn luận về món ăn thôi, khi không đi ăn thì chẳng có cách nào no cả. Nên có bài kệ:
Chung nhật sổ tha bảo
Tự vô bán phân tiền
Ư pháp bất tu hành
Đa văn diệc như thị.
Nghĩa là: hằng ngày lo đếm tiền cho người khác nhưng riêng mình chẳng được nửa đồng xu. Cũng như không tu hành đúng theo chánh pháp thì dù có được học rộng biết nhiều thì cũng như người đếm tiền cho kẻ khác vậy. Bất luận là quý vị hiểu biết được giáo pháp gì, nếu quý vị không tu hành theo chánh đạo thì cũng giống như người đếm tiền cho kẻ khác. Quý vị chẳng có phần trong đó. Nếu quý vị không thật sự hạ thủ công phu tu tập thì sẽ chẳng có kết quả nào từ sự nỗ lực dụng công đó cả.
Kinh văn:
世尊,我等今者,二障所纏,良由不知,寂常心性。唯願如來哀愍窮露,發妙明心,開我道眼。
Thế tôn, ngã đẳng kim giả, nhị chướng sở triền, lương do bất tri, tịch thường tâm tánh. Duy nguyện Như Lai ai mẫn cùng lộ, phát diệu minh tâm, khai ngã đạo nhãn.
Việt dịch:
Bạch Thế tôn, nay chúng con đều bị trói buộc bởi hai thứ chướng ngại, do chẳng biết tâm tánh vốn thường hằng vắng lặng. Cúi mong Như Lai thương xót kẻ nghèo cùng cơ cực, làm phát khởi tâm nhiệm mầu sáng suốt, mở bày mắt đạo cho chúng con.
Giảng:
A-nan lại thưa: Bạch Thế tôn, nay chúng con đều bị trói buộc bởi hai thứ chướng ngại.
Mọi người trong đại chúng đều bị trói buộc bởi hai thứ chướng ngại. Thứ nhất là phiền não chướng, Thứ hai là sở tri chướng.
Phiền não chướng sinh khởi do chấp ngã. Sở tri chướng sinh khởi do chấp pháp. Về sở tri chướng, nếu quý vị nghĩ: “Tôi biết rất nhiều” thì đó là một chướng ngại. Chẳng phải là người ta càng học thì hiểu biết càng gia tăng đâu, mà trái lại họ càng học nhiều thì họ lại càng bị chướng ngại bởi những gì họ biết. Vì sao mà kiến thức là chướng ngại? Vì nó làm cho người ta kiêu ngạo và thường nghĩ: “Quý vị nhìn tôi xem. Tôi biết mọi thứ mà không ai trong các ông biết được. Tôi vượt xa các ông. Tôi chẳng thể nào so sánh với các ông được. Các ông đều là kẻ ngu đần. Nhưng còn tôi, tại sao sở học của tôi lại có một không hai trên thế gian này, đời này thật là hiếm có.”
Ngay khi tâm kiêu mạn này trổi dậy thì đó chính là sở tri chướng.
Khi chấp ngã, sẽ làm sinh khởi nên phiền não chướng. Bất luận điều gì xảy ra, quý vị đều không thể nào nhìn được thông suốt về nó cả, quý vị chẳng phóng xả sự việc đó được, vì thế nên quý vị bị vướng mắc với chúng. Và một khi sự vướng mắc sinh khởi, thì phiền não chướng theo sau liền. Đó là phiền não chướng.
Đây là hai món chướng ngại mà A-nan cho rằng toàn thể mọi người trong hội chúng đều bị ràng buộc. “Trói buộc” nghĩa là không có được tự tại. Họ không có được sự tự do bởi vì họ bị hai thứ chướng ngại này.
Do vì chẳng biết tâm tánh vốn thường hằng vắng lặng.
Con chưa từng biết được chơn tâm thường trụ vắng lặng của con. Bây giờ vì con chưa hiểu được nguyên lý này.
Cúi mong Như Lai thương xót kẻ nghèo cùng cơ cực, làm phát khởi tâm tánh nhiệm mầu sáng suốt, mở bày mắt dạo cho chúng con.
“Xin hãy thương xót con, xin hãy thương xót con.” A-nan vẫn còn ỷ lại vào Đức Phật, vẫn chưa có lập trường riêng của mình. “Nghèo cùng và cơ cực” có nghĩa là chưa đạt được kho tàng Phật pháp quý giá là Thủ-lăng-nghiêm đại định.
A-nan mong muốn Đức Phật sẽ thương xót chỉ bày cho chân tâm sáng suốt nhiệm mầu, ngay đó mở bày con mắt đạo, trí tuệ sẽ được tăng trưởng và chứng được thánh quả. Điều thiết yếu đối với A-nan là được dự vào trong dòng Thánh.
Kinh văn:
即時如來,從胸卍字,涌出寶光,其光晃昱,有百千色十方微塵普佛世界一時周遍。遍灌十方,所有寶剎,諸如來頂 。旋至阿難,及諸大眾。
Tức thời Như Lai, tùng hung vạn tự, dũng xuất bảo quang, kỳ quang hoảng dục, hữu bá thiên sắc thập phương vi trần phổ Phật thế giới nhứt thời châu biến. Biến quán thập phương sở hữu bảo sát, chư Như Lai đảnh. Tuyền chí A-nan, cập chư đại chúng.
Việt dịch:
Khi ấy từ chữ vạn ở trên ngực Như Lai phóng ra hào quang báu, ánh sáng rực rỡ với trăm ngàn màu sắc, chiếu sáng đồng thời suốt khắp mười phương thế giới chư Phật nhiều như số vi trần. Hào quang ấy rót xuống trên đảnh các đức Như Lai ở các cõi Phật trong khắp mười phương. Xoay về soi đến A-nan và toàn thể đại chúng.
Giảng:
Trong đoạn kinh trước, Đức Phật đã phóng hào quang từ diện môn. Hào quang ấy chiếu sáng như cả trăm ngàn mặt trời. Hào quang ấy biểu tượng cho điều gì? Biểu tượng cho sự phá tan mê lầm: vọng tâm.
Nay một lần nữa, Đức Phật lại phóng hào quang, lần này hào quang được phóng ra từ chữ Vạn[vii] phía trước ngực của Đức Phật. Điều này biểu tượng cho việc hiển bày chân nghĩa: chơn tâm.
Khi ấy từ chữ vạn trên ngực Như Lai phóng ra hào quang báu.
Quý vị có thể nhìn thấy chữ Vạn ở trên tượng Phật. Chữ vạn biểu tượng cho vô số đức tướng trang nghiêm của Đức Phật, do đức hạnh của Đức Phật đã đạt đến mức hoàn mãn.
Ánh sáng rực rỡ với trăm ngàn màu sắc chiếu sáng đồng thời suốt khắp mười phương thế giới chư Phật, như số vi trần.
Từ chữ Vạn phóng ra đạo hào quang báu chiếu sáng khắp nơi. Đó là đạo hào quang với ánh sáng óng ánh, lấp lánh với trăm ngàn màu sắc, chiếu soi khắp cả, không riêng cõi ta-bà mà đồng thời chiếu khắp các cõi nước của chư Phật. Rồi hào quang ấy rót xuống trên đảnh các Đức Như Lai ở các cõi nước chư Phật trong khắp mười phương. Hào quang ấy chiếu xuống đảnh của các Đức Như Lai ở các Phật độ trong khắp mười phương nhiều như số vi trần. Điều ấy có nghĩa là từ các đảnh của các Đức Phật phóng hào quang chiếu sáng lẫn nhau.
Rồi xoay về soi đến A-nan và toàn thể đại chúng
Sau khi hào quang chiếu soi các Đức Như Lai khắp trong mười phương, hào quang từ Đức Phật phóng ra lại trở về rồi rót xuống đảnh đầu của A-nan và đảnh đầu của các vị đại bồ-tát, đại a-la-hán, đại tỷ-khưu các vị quốc vương, các quan đại thần, các vị trưởng giả trong pháp hội. Đức Phật phóng đạo hào quang này như là dấu hiệu khiến cho mọi người nhận ra được thể tánh thanh tịnh sáng suốt và thường trụ của chân tâm.
Kinh văn:
告阿難言:吾今為汝,建大法幢,亦令十方一切眾生。獲妙微密,性淨明心,得清淨眼。
Cáo A-nan ngôn: Ngô kim vị nhữ, kiến đại pháp tràng, diệc linh thập phương nhứt thiết chúng sanh, hoạch diệu vi mật tánh tịnh minh tâm, đắc thanh tịnh nhãn.
Việt dịch:
Rồi Đức Phật bảo A-nan: Nay Như Lai vì ông dựng lập pháp tràng lớn khiến cho tất cả chúng sinh khắp mười phương đạt được tâm tánh trong sạch, sâu kín nhiệm mầu và đạo nhãn thanh tịnh.
Giảng:
Rồi Đức Phật bảo A-nan “Nay Như Lai vì ông dựng lập pháp tràng lớn khiến cho chúng sinh khắp mười phương đạt được tâm tánh trong sạch, sâu kín nhiệm mầu.
Đức Phật bảo A-nan “Như Lai dựng lập pháp tràng lớn này không phải chỉ cho riêng ông mà cho cả các chúng sinh trong khắp mười phương, để họ có thể đạt được cảnh giới vô cùng vi diệu nhiệm mầu, đó là cảnh giới sâu kín vi mật đã được nói đến trong đề tựa tên kinh.
Sâu kín vi mật vì trước khi Đức Phật chỉ bày thì chẳng có một ai có thể biết được. Cũng như khi các nhà địa chất chưa khám phá ra mạch vàng thì chẳng ai biết có vàng nằm ở trong đó. Một khi đã phát hiện ra vàng thì các nhà địa chất mới đến tại điểm ấy khảo sát, khi biết chắc ở đó có mỏ vàng rồi mới khai thác. Sự “vi mật sâu kín” cũng giống y như vậy.
Như Lai sẽ giúp cho toàn thể chúng sinh đạt được tâm tánh thanh tịnh sâu kín nhiệm mầu và đạt được đạo nhãn thanh tịnh.
Bản tánh vốn thanh tịnh và trong sáng. Chơn tâm vốn thường sáng suốt. Do nhờ tâm tánh trong sạch, sáng suốt, thanh tịnh nên quý vị có được con mắt đạo thanh tịnh. Đó chính là đạo nhãn mà A-nan thỉnh cầu Đức Phật mở bày cho. Đạo nhãn này cũng còn gọi là huệ nhãn (con mắt trí huệ).
“Thanh tịnh” có nghĩa là tự tại thoát khỏi mọi nhiễm ô dù vi tế nhất. Với cái nhìn bằng huệ nhãn thấy đạo lý rất trong sáng và chân thực. Nếu quý vị có đạo nhãn thanh tịnh thì quý vị sẽ không bị chướng ngại và có thể hiểu tường tận mọi đạo lý.
Kinh văn:
阿難,汝先答我,見光明拳,此拳光明,因何所有,云何成拳,汝將誰見?
阿難言:由佛全體閻浮檀金赩如寶山。清淨所生故有光明。我實眼觀五輪指端,屈握示人,故有拳相 .
A-nan, nhữ tiên đáp ngã, kiến quang minh quyền, thử quyền quang minh, nhơn hà sở hữu, vân hà thành quyền, nhữ tương thuỳ kiến?
A-nan ngôn: Do Phật toàn thể diêm-phù-đàn kim, xích như bảo sơn, thanh tịnh sở sanh, cố hữu quang minh. Ngã thật nhãn quan, ngũ luân chỉ đoan, khuất ác[viii] thị nhơn, cố hữu quyền tướng.
Việt dịch:
A-nan, trước đây ông đã trả lời rằng thấy nắm tay chói sáng. Vậy nắm tay này nhân đau mà có? Làm sao nắm tay trở nên sáng chói? Ông lấy cái gì để thấy?
A-nan thưa:
– Thân của Phật như vàng diêm-phù-đàn sáng ngời như núi báu, do đức tính thanh tịnh sinh ra, vậy nên có hào quang chói sáng. Con thật đã dùng mắt xem thấy năm ngón tay Phật co lại thành nắm tay, đưa lên cho mọi người xem.
Giảng:
Đức Phật lại gọi A-nan
A-nan, trước đây ông đã trả lời rằng thấy nắm tay chói sáng. Vậy nắm tay này nhân đâu mà có? Làm sao nắm tay trở nên sáng chói? Hãy nói cho Như Lai biết tại sao nắm tay của Như Lai lại phát ra ánh sáng? Ông lấy cái gì để thấy? Ông dùng cái gì để thấy?
A-nan thưa:
– Thân của Phật như vàng Diêm-phù-đàn sáng ngời như núi báu. Thân này do đức tính thanh tịnh sinh ra, nên có hào quang chói sáng.
Toàn thân của Đức Phật là màu vàng của diêm-phù-đàn. Diêm-phù-đàn[ix] là tiếng Phạn. Tiếng Hán dịch là Thắng kim. Ở phía Nam núi Tu-di có con sông, ở đó có loại cây diêm-phù mọc rất nhiều, quả của cây này khi chín rụng xuống sông thì cát dưới sông nhuốm thành màu vàng, màu vàng này có màu đậm hơn sắc vàng thường. Hạt sa thạch vàng này cũng nặng hơn vàng thường, khi đem một ít hạt vàng này vào để trong phòng tối thì phát ra ánh sáng như ban ngày. Thân của Đức Phật có màu vàng giống như màu của vàng ở sông diêm-phù. Màu vàng nơi thân Phật là hỗn hợp giữa màu vàng và đỏ. Thân thể Đức Phật với dạng hình tướng ấy là kết tinh từ đức tính thanh tịnh nên thân ấy phát ra ánh sáng. Con thật đã dùng mắt xem thấy.
A-nan nói: “con thực sự đã dùng mắt để thấy.” Năm ngón tay của Đức Phật co lại thành nắm tay đưa lên cho mọi người xem.
Kinh văn:
佛告阿難:如來今日,實言告汝。諸有智者,要以譬喻,而得開悟.
Phật cáo A-nan: Như Lai kim nhật, thật ngôn cáo nhữ. Chư hữu trí giả, yếu dĩ thí dụ, nhi đắc khai ngộ.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan: Hôm nay Như Lai chân thật nói với ông, những người có trí cần phải dùng ví dụ mới được khai ngộ.
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: Hôm nay Như Lai chân thật nói với ông.” Bây giờ Như Lai sẽ nói cho ông biết một sự thực tuyệt đối. Ông có lắng nghe không? Những người có trí, cần phải dùng ví dụ mới được khai ngộ.
Hàng trí thức thích dùng những thí dụ để được khai ngộ. Vì khi quý vị thực sự có trí tuệ thì quý vị có thể hiểu được mười điều khi chỉ cần nghe một điều. Tôi chỉ nói một cách mà quý vị có thể suy luận ra mười hay cả một trăm cách. Đó là có trí tuệ chân chính. “Người trí” mà trong kinh văn nói đến không phải là người có trí tuệ chân chánh mà là những người có trí thức thông thường, không cao không thấp. Những người này có thể được giác ngộ thông qua việc sử dụng những thí dụ. Nhưng nếu những người chậm lụt, thiếu trí tuệ, nếu đưa cho họ một ví dụ, họ sẽ không hiểu nổi và sẽ hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Kinh văn:
阿難,譬如我拳,若無我手,不成我拳。若無汝眼,不成汝見。以汝眼根,例我拳理。其義均不?
A-nan, thí như ngã quyền, nhược vô ngã thủ, bất thành ngã quyền, nhược vô nhữ nhãn bất thành nhữ kiến. Dĩ nhữ nhãn căn, lệ ngã quyền lý, kỳ nghĩa quân phủ?
Việt dịch:
A-nan, ví như nắm tay của Như Lai, nếu không có bàn tay thì chẳng thành nắm tay. Nếu không có mắt thì ông không thể thấy. Áp dụng ví dụ nắm tay của Như Lai và cái thấy từ mắt ông có giống nhau chăng?
Giảng:
A-nan, ví như nắm tay của Như Lai, nếu không có bàn tay thì chẳng thành nắm tay. Cũng như một biểu hiện khác. Nếu không có mắt thì ông không thể thấy. Áp dụng ví dụ nắm tay của Như Lai và cái thấy từ mắt ông có giống nhau chăng? Đức Phật hỏi A-nan có phải chúng ta đang so sánh hai sự việc giống nhau hay không?
Kinh văn:
阿難言: 唯然,世尊。既無我眼,不成我見。以我眼根,例如來拳,事義相類。
A-nan ngôn: Duy nhiên, Thế tôn. Ký vô ngã nhãn, bất thành ngã kiến. Dĩ ngã nhãn căn, lệ Như Lai quyền, sự nghĩa tương loại.
Việt dịch:
A-nan thưa: Bạch Thế tôn, đúng như vậy. Nếu không có mắt thì không thành cái thấy. Nếu đem ví dụ nắm tay của Phật so với cái thấy từ mắt của con, nghĩa ấy như nhau.
Giảng:
A-nan không có thời gian để suy nghĩ kỹ. Bây giờ A-nan không cần suy nghĩ.
A-nan thưa: “Bạch Thế tôn, đúng như vậy. Nếu không có mắt thì không thành cái thấy. Nếu đem ví dụ nắm tay của Phật so với cái thấy từ mắt của con, nghĩa ấy như nhau.
Thưa vâng, Bạch Thế Tôn, nếu Thế tôn so sánh hai trường hợp này, ý nghĩa không khác.
Kinh văn:
佛告阿難:汝言相類,是義不然。何以故? 如無手人,拳畢竟滅,彼無眼者,非見全無。
Phật cáo A-nan: Nhữ ngôn tương loại, thị nghĩa bất nhiên. Hà dĩ cố? Như vô thủ nhân, quyền tất cánh diệt, bỉ vô nhãn giả, phi kiến toàn vô.
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan: Ông nói giống nhau, nghĩa ấy không đúng. Sao vậy? Nếu một người không có tay thì hẳn nhiên là không có nắm tay, nhưng những người mù, chẳng phải họ hoàn toàn không có cái thấy.
Giảng:
Ở đây Đức Phật phê bình A-nan, báo cho A-nan biết ý tưởng của A-nan không đúng.
Đức Phật bảo A-nan: “Ông nói giống nhau, nghĩa ấy không đúng.”
Ông cho rằng cả hai trường hợp ấy trong ví dụ đưa ra đều giống nhau. Không phải.
Sao vậy? Nếu một người không có tay thì hẳn nhiên không có nắm tay. Nếu người không có bàn tay thì họ cũng không có nắm tay. Nhưng những người mù, chẳng phải là họ hoàn toàn không có cái thấy. Nhưng nếu người không có mắt thì đó chẳng phải là trường hợp họ không thấy được cái gì hết, họ vẫn có thể thấy được. Người không có mắt có thể thấy được. Quý vị tin không?
Kinh văn:
所以者何? 汝試於途,詢問盲人,汝何所見? 彼諸盲人,必來答汝:我今眼前唯見黑暗,更無他矚。
Sở dĩ giả hà? Nhữ thí ư đồ, tuân vấn manh nhơn, nhữ hà sở kiến? Bỉ chư manh nhơn, tất lai đáp nhữ: Ngã kim nhãn tiền, duy kiến hắc ám, cánh vô tha chúc.
Việt dịch:
Bởi tại sao? Ông thử ra đường hỏi những người mù mắt:
– Ông thấy gì không?
Các người mù chắc chắn sẽ đáp:
– Nay tôi chỉ thấy một màu tối đen trước mắt, ngoài ra không thấy gì khác.
Giảng:
Bởi tại sao? Tại sao Như Lai lại nói với ông như vậy?
Ông thử ra đường hỏi những người mù mắt:
– Ông thấy gì không?
Hãy ra ngoài chợ, gặp một người mù rồi hỏi thử ông ta thấy gì?
Các người mù chắc chắn sẽ đáp:
– Nay tôi chỉ thấy một màu tối đen trước mắt ngoài ra không thấy gì khác.
Người mù sẽ đáp rằng họ không thấy gì khác ngoài một màu tối đen.
Kinh văn:
以是義觀,前塵自暗,見何虧損.
Dĩ thị nghĩa quan, tiền trần tự ám, kiến hà khuy tổn.
Việt dịch:
Theo nghĩa ấy mà quán xét thì đã rõ, người mù thấy màu tối đen phía trước, chứ cái thấy của họ đâu có thiếu mất.
Giảng:
Theo nghĩa ấy mà quán xét thì đã rõ.
Nếu quý vị hiểu được ý này, nếu quý vị quán xét kỹ nghĩa ấy, thì sẽ biết.
Người mù thấy màu tối đen phía trước, chứ cái thấy của họ đâu có thiếu mất.
Nếu quý vị thấy màu tối đen ở phía trước mình thì cái thấy của quý vị không bị mất, cái thấy ấy chẳng tăng chẳng giảm.
Kinh văn:
阿難言:諸盲眼前,唯覩黑暗,云何成見?
A-nan ngôn: Chư manh nhãn tiền, duy đổ hắc ám, vân hà thành kiến?
Việt dịch:
A-nan thưa: Cái duy nhất mà người mù có thể thấy được trước mắt là màu tối đen. Sao có thể gọi là thấy được?
Giảng:
A-nan thưa: “Cái duy nhất mà người mù có thể thấy được trước mắt là màu tối đen. Sao có thể gọi là thấy được?"
A-nan lặp lại ví dụ của Đức Phật: người mù không sử dụng đôi mắt của họ được. Họ chỉ nhìn thấy một màu tối đen. Nhưng theo A-nan cái thấy tối đen này không thực sự là thấy, A-nan cho rằng người nào mù mắt thì không thể thấy được. A-nan hỏi Đức Phật: “Tại sao Như Lai bảo rằng người mù thấy được?”
Kinh văn:
佛告阿難:諸盲無眼,唯觀黑暗,與有眼人,處於暗室,二黑有別,為無有別?
Phật cáo A-nan: Chư manh vô nhãn, duy quanhắc ám, dữ hữu nhãn nhơn, xử ư ám thất, nhị hắc hữu biệt, vi vô hữu biệt?
Việt dịch:
Đức Phật bảo A-nan có gì khác nhau giữa màu tối đen mà người mù thấy được và màu tối đen mà người sáng mắt nhìn thấy khi họ ở trong phòng tối?
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan có gì khác nhau giữa màu tối đen mà người mù thấy được và màu tối đen mà người sáng mắt nhìn thấy khi họ ở trong phòng tối?
Bóng tối mà người sáng mắt thấy được trong phòng tối không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng hay đèn đuốc có gì khác với bóng tối mà người mù thấy được chăng? Nếu một người mù và một người sáng mắt cùng ở trong một căn phòng tối, hai màu tối đen mà hai người nhìn thấy có khác nhau chăng?
Kinh văn:
如是世尊.此暗中人,與彼群盲,二黑校量,曾無有異。
Như thị, Thế tôn. Thử ám trung nhân, dữ bỉ quần manh, nhị hắc hiệu lượng, tằng vô hữu dị.
Việt dịch:
Bạch Thế tôn, đúng vậy. Hai màu tối đen, một do người ở trong phòng tối thấy và một do người mù thấy được không có gì khác nhau.
Giảng:
A-nan trả lời câu hỏi của Thế tôn.
Bạch Thế tôn, đúng vậy. Giữa hai màu tối đen, một do người ở trong phòng tối thấy được bởi người sáng mắt và một do người mù thấy được không có gì khác. Hai màu tối đen ấy đều giống nhau.
Đức Phật đáp: Đúng vậy!
Kinh văn:
阿難,若無眼人全見前黑,忽得眼光,還於前塵。見種種色,名眼見者。彼暗中人全見前黑,忽獲燈光亦於前塵,見種種色,應名燈見。
A-nan! Nhược vô nhãn nhơn toàn kiến tiền hắc, hốt đắc nhãn quang, hoàn ư tiền trần, kiến chủng chủng sắc, danh nhãn kiến giả. Bỉ ám trung nhân, toàn kiến tiền hắc, hốt hoạch đăng quang, diệc ư tiền trần, kiến chủng chủng sắc, ưng danh đăng kiến.
Việt dịch:
A-nan, nếu người mù chỉ thấy được màu tối đen khi bỗng dưng được sáng mắt lại, thấy được đủ loại sắc tướng, ông gọi đó là do mắt thấy. Và khi người ở trong phòng tối kia, chỉ thấy phía trước hoàn toàn tối đen, bỗng dưng thấy được mọi vật nhờ có đèn sáng, lẽ ra nên gọi đèn thấy là đúng hơn.
Giảng:
Đức Phật bảo A-nan: A-nan nếu người mù chỉ thấy được màu tối đen, khi bỗng dưng được sáng mắt lại, thấy được đủ loại sắc tướng…
Ông nói chẳng có gì khác nhau giữa hai thứ màu tối đen. Nhưng sẽ là gì nếu người mù trong ví dụ này bỗng dưng được sáng mắt lại, mắt họ thấy được đủ vật tượng ở khắp mọi nơi?
Ông gọi đó là do mắt thấy
Đó là ý kiến của ông, nhưng còn trường hợp khi người ở trong phòng tối kia thấy được mọi vật nhờ có đèn sáng thì sao? Người sáng mắt ở trong phòng tối cũng chỉ thấy được một màu đen tối, nhưng một khi bật đèn sáng lên thì người ấy vẫn có thể thấy được tất cả mọi thứ. Theo luận điểm của ông, lẽ ra ông nên nói đèn thấy là đúng hơn.
Tại sao Đức Phật nói như vậy? Người ở trong phòng tối thì không thể thấy, nhưng khi đèn sáng lên thì họ có thể thấy được. Người mù thì không thể thấy được nhưng nếu họ được sáng mắt trở lại thì họ vẫn có thể thấy được. Nếu khi người mù kia chợt sáng mắt lại rồi khi người ở trong phòng tối kia thấy được nhờ đèn sáng thì lẽ ra nên gọi là cái thấy ấy là đèn. Đức Phật hỏi: Có đúng vậy không?
Kinh văn :
若燈見者燈能有見自不名燈;又則燈觀,何關汝事?
Nhược đăng kiến giả, đăng năng hữu kiến, tự bất danh đăng; hựu tắc đăng quan, hà quan nhữ sự?
Việt dịch:
Nếu cái thấy do đèn thì đèn đã có được cái thấy, nên chẳng gọi là đèn; và nếu là đèn thấy thì quan hệ gì đến ông?
Giảng:
Nếu cái thấy từ đèn thì đèn đã có được cái thấy, nên chẳng gọi là đèn. Và nếu là đèn thấy thì quan hệ gì đến ông?
Nếu thực sự đèn có thể nhìn thấy và quan sát được thì chẳng có việc gì quan hệ đến ông cả.
Kinh văn:
是故當知,燈能顯色。如是見者是眼非燈。眼能顯色,如是見性 是心非眼.
Thị cố đương tri, đăng năng hiển sắc. Như thị kiến giả, thị nhãn phi đăng, nhãn năng hiển sắc, như thị kiến tánh thị tâm phi nhãn.
Việt dịch:
Thế nên phải biết, đèn làm hiển lộ các vật thể. Còn cái thấ́y đó là do ở mắt, chứ không phải đèn. Khi mắt nhận rõ các vật thể thì tánh thấy đó chính là tâm, chẳng phải là mắt.
Giảng:
Thế nên phải biết, đèn làm hiển lộ các vật thể, còn cái thấy là do ở mắt, chứ không phải đèn.
Đèn làm cho hình dáng các vật thể hiển hiện rõ ràng nhưng nhờ mắt mới nhận ra được các vật thể ấy. Cùng một biểu tượng như vậy, khi mắt nhận rõ các vật thể, thì tánh thấy đó chính là tâm, chẳng phải là mắt.
Chúng ta đang nghiên cứu nghĩa thứ nhất trong mười biểu hiện của tánh thấy mà Đức Phật đã mười lần khai thị tánh thấy, bảy lần gạn hỏi về tâm. Đây là lần thứ nhất. Đức Phật chỉ bày tánh thấy là do tâm, không phải từ mắt.
Kinh văn:
阿難雖復,得聞是言,與諸大眾,口已默然,心未開悟。猶冀如來,慈音宣示。合掌清心佇佛悲誨
A-nan tuy phục đắc văn thị ngôn, dữ chư đại chúng, khẩu dĩ mặc nhiên, tâm vị khai ngộ. Du kí Như Lai, từ âm tuyên thị. Hiệp chưởng thanh tâm, trữ Phật bi hối.
Việt dịch:
Mặc dù A-nan và đại chúng được nghe Đức Phật chỉ dạy như vậy, nhưng tâm chưa được khai ngộ nên vẫn im lặng, mong Như Lai dùng lời từ bi chỉ dạy thêm. Nên đứng chắp tay, lắng lòng trông chờ Đức Phật thương xót chỉ bày.
Giảng:
Mặc dù A-nan và đại chúng được nghe Đức Phật chỉ dạy như vậy, nhưng tâm chưa được khai ngộ nên vẫn im lặng.
A-nan và mọi người khác trong pháp hội đều lặng im không nói được lời nào. Tại sao họ im lặng? Vì họ đang suy nghĩ: “Ồ! Như thế là mắt ta không thể thấy được vật hay sao? ồ! chính tâm ta thấy được hay sao?” Các ông có thể cho đó là không đúng, nhưng Đức Phật đã giải thích như vậy. Nếu các ông cho rằng mắt thấy là đúng. Tại sao trước đây tôi chưa từng được biết như vậy?”
Đó là những gì đại chúng đang suy nghĩ vì họ chưa được hiểu. Tâm của đại chúng chưa được khai ngộ.
Mong Như Lai dùng lời nói từ bi chỉ dạy thêm,
Họ suy nghĩ “chúng ta hy vọng Như Lai sẽ đem lòng từ bi chỉ dạy thêm cho chúng ta. Nên đứng chắp tay.
Tại sao đại chúng chắp tay cung kính? Điều ấy biểu thị sự nhất tâm thành ý. Trong họ chỉ còn tồn tại một tâm duy nhất, chẳng phải hai. Khi hai tay của quý vị tách rời ra, người ta bảo rằng quý vị có đến mười tâm và khi hay tay chắp lại thì chỉ còn có một tâm. Vì khi hai tay chắp lại với nhau thì các tâm niệm gom lại trở thành một. Lắng lòng tức là làm cho tâm ý trở thành trong sáng, yên tĩnh. Không chứa nhiều rác rến trong đầu nữa. Dọn dẹp sạch sẽ rác bẩn trong đầu ra rồi đổ đi nơi khác.
Trông chờ Đức Phật thương xót chỉ bày. Đại chúng vẫn trông chờ Đức Phật đem lòng từ bi chỉ dạy thêm, nhờ đó mà đại chúng được khai ngộ, thoát khỏi mê mờ.
Kinh văn:
爾時世尊,舒兜羅綿,網相光手開五輪指。誨勅阿難及諸大眾。我初成道於鹿園中。為阿若多五比丘等,及汝四眾言:一切眾生不成菩提及阿羅漢。皆由客塵煩惱所誤。汝等當時因何開悟今成聖果 ?
Nhĩ thời Thế tôn, thư đâu-la miên, võng tướng quang thủ, khai ngũ luân chỉ, hối sắc A-nan, cập chư đại chúng: Ngã sơ thành đạo ư Lộc viên trung, vị A-nhã-đa, ngũ tỷ-khưu đẳng, cập nhữ tứ chúng ngôn: Nhất thiết chúng sanh, bất thành bồ đề, cập a-la-hán giai do khách trần, phiền não sở ngộ. Nhữ đẳng đương thời, nhơn hà khai ngộ, kim thành Thánh quả?
Việt dịch:
Khi ấy, Đức Thế tôn duỗi cánh tay đâu-la miên sáng chói, xòe năm ngón tay, bảo A-nan cùng toàn thể đại chúng:
– Khi mới thành đạo, Như Lai đến vườn Lộc uyển, có dạy cho năm anh em tỷ-khưu A-nhã Kiều-trần-như cùng ông và tứ chúng rằng: Tất cả chúng sinh bị mê hoặc bởi khách trầ̀n phiền não nên chẳng được giác ngộ, chứng quả a-la-hán. Lúc đó các ông nhân đâu mà được khai ngộ, thành tựu quả vị thánh?
Giảng:
Khi ấy là khi mọi người trong pháp hội đều đứng chờ được nghe lời chỉ dạy và sự giáo hóa từ bi của Đức Phật.
Đức Thế Tôn: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni duỗi cánh tay đâu-la-miên sáng chói, xòe năm ngón tay… Trên mỗi bàn tay của Đức Phật có một nghìn dấu vân hình như bánh xe. Bàn tay của Đức Phật rất mềm và mịn như lụa quý, lấp lánh sáng ngời.
Bảo A-nan cùng toàn thể đại chúng:
- Khi mới thành đạo
Vào khuya ngày tám tháng mười hai (âm lịch), khi ngồi dưới cội cây bồ-đề, Đức Phật nhìn thấy sao mai lấp lánh vừa ló dạng liền hoát nhiên khai ngộ, chứng được đạo quả.
Như Lai đến vườn Lộc uyển.
Đó là một khu vườn rất rộng chuyên dành riêng để nuôi nai. Chuyện này duyên khởi từ đâu? Nó hoàn toàn bắt nguồn từ một kiếp xa xôi vô hạn, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có tiền thân là một con nai. Ngài là nai chúa trong một đàn nai gồm năm trăm con. Quý vị thử đoán còn có người nào khác nữa lúc đó? Chính Đề-bà-đạt-đa, lúc ấy cũng là một con nai chúa với năm trăm nai trong đoàn. Trong kiếp sau khi Đức Phật đã thành chánh giác, Đề-bà-đạt-đa là em họ của Đức Phật, ghen tỵ với Đức Phật, luôn tìm cách hãm hại Ngài. Nhưng vào khi xa xưa cả hai đều là nai chúa. Có một vị vua của loài người thích dùng quyền lực và phương tiện sẵn có để dồn các loài vật sống hoang dã vào một vùng nhất định. Vị vua ấy dự định lập thành một nơi có rất nhiều động vật hoang dã cho dễ săn bắt chúng. Thế nên Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lúc ấy dưới hình tướng nai chúa đến gặp nai chúa kia là Đề-bà-đạt-đa. Họ bàn bạc với nhau rằng: “Chúng ta phải tìm cách để bảo vệ dòng giống của mình, không thể nào để cho nhà vua giết sạch. Chúng ta phải có cách để tự bảo vệ cho mình? Chúng ta hãy đến chỗ nhà vua và thỉnh cầu vua đừng tàn sát chúng ta nữa.”
Mặc dù họ là nai nhưng nói được tiếng người. Hai nai chúa đi gặp nhà vua. Khi họ gặp lính gác ở cổng thành. Họ nói như ra lệnh: “Chúng tôi muốn gặp nhà vua. Ông báo tin giùm!”
Lính gác nghe nai nói được tiếng người liền vào tâu ngay với nhà vua. Nhà vua cũng lấy làm lạ vì nghe nai nói được tiếng người. Vua đồng ý cho họ tiếp kiến. Họ được đưa ra lời thỉnh cầu. Hai nai chúa đến trước nhà vua nói: “Chúng tôi là nai, mỗi ngày nhà vua giết đến bảy-tám đồng loại của chúng tôi, nhiều hơn số lượng thịt nhà vua cần dùng một ngày, những thứ ăn không hết thì bỏ lại cho thối rữa. Nếu chúng ta thỏa thuận theo cách này có lẽ tốt hơn chăng? Hằng ngày chúng tôi sẽ thay phiên nhau cung cấp cho nhà vua một con nai, như vậy ngày nào nhà vua cũng có được thịt tươi để ăn mà không cần phải tàn sát dòng dõi chúng tôi. Nếu nhà vua đồng ý phương thức này thì nguồn cung cấp thịt cho vua sẽ không bao giờ cạn. Từ nay đến vài trăm năm sau vẫn còn thịt để ăn.”
Nhà vua thấy được sự thành khẩn của hai nai chúa trong lời thỉnh cầu và cũng vì nghe nai nói được tiếng người, nên vua cảm động, thỏa mãn lời thỉnh cầu của hai nai chúa. Từ đó mỗi ngày hai nai chúa thay phiên nhau gởi đến nhà vua một con nai trong đàn của mình. Cho đến một hôm, đến phiên một con nai mẹ đang mang thai trong đàn của nai chúa Đề-bà-đạt-đa phải hiến mạng cho vua. Cái thai con trong bụng đã quá nặng nề chưa biết sẽ sinh trong ngày nay hay mai. Nên nai mẹ năn nỉ nai chúa Đề-bà-đạt-đa: “Ngài có thể gởi vị khác đi thay thế cho tôi ngày hôm nay chăng? Hôm sau nai con được sinh xong, tôi sẽ đếp nộp mạng cho nhà vua.”
Đề-bà-đạt-đa đáp: “Không thể được, đã đến phiên của mày, mày phải đi. Không có chần chừ gì trong chuyện này cả. Mày không muốn chết vậy ai sẽ chết thay cho mày? Không ai muốn đi đến chỗ chết cả. Mày muốn sống thêm vài ngày trong khi đã đến phiên của mày phải chết. Chuyện ấy không thể được.” Mắt của nai mẹ đang mang thai đầm đìa nước mắt, nó tìm đến nai chúa là tiền thân Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Mặc dù nó không ở trong đàn này nhưng nó đến năn nỉ nai chúa Thích-ca xin một giải pháp tạm thời thay thế nai khác cho nó được sống thêm vài ngày để sinh nai con. Sau khi nghe lời thỉnh cầu, nai chúa Thích-ca biết rằng năm trăm con nai trong đàn của mình sẽ không có con nào muốn thế mạng cho nai mẹ kia. Tuy nhiên nai chúa Thích-ca vẫn nói với nai mẹ: “Được rồi con hãy ở lại trong đàn của ta, khỏi phải đi đâu cả.” Rồi nai chúa Thích-ca tự mình đi nạp mạng thế cho nai mẹ.
Nhà vua hỏi nai chúa: “Ông có việc gì mà đến đây? Phải chăng nai trong đàn của ông đã bị ăn thịt hết rồi sao? Tại sao ông phải đến?”
Vì có thể nói được tiếng người, nai chúa Thích-ca đáp: “Hỡi nhà vua, ông không thể nào ăn hết được đàn nai của tôi đâu! Ngược lại đàn nai của tôi đang phát triển mạnh, càng ngày càng đông dần. Ông chỉ ăn được một ngày một con, nhưng mỗi ngày đàn nai của tôi đẻ thêm rất nhiều con.”
Nhà vua hỏi: “Thế tại sao đến phiên ông phải đến đây?”
Nai chúa Thích-ca giải thích: “Có một nai mẹ mang thai, đến ngày nay hay mai sẽ đẻ. Nhưng hôm nay lại đến phiên nai mẹ phải nộp mạng, Bởi vì nai mẹ muốn đợi đến khi đẻ xong rồi mới đến nộp mạng cho nhà vua, nai mẹ đến tôi nài nỉ xin cử nai khác tạm thời thay thế cho nó. Tôi thông cảm lời thỉnh cầu này nhưng biết không có nai nào chịu chết trước khi đến phiên mình cả, thế nên tự tôi đến đây nộp mạng thế cho nai mẹ.”
Khi nhà vua nghe như vậy, ông xúc động vô cùng và nói: “Từ nay đừng gởi một con nai nào đến đây nữa cả.” Rồi nhà vua nói bài kệ:
“Nhữ thị lộc đầu nhân
Ngã thị nhân đầu lộc
Ngã tùng kim nhật hậu
Bất thực chúng sinh nhục”
Nghĩa là:
“Mặc dù ông mang thân xác của loài nai nhưng ông có tấm lòng của con người. Còn tôi tuy mang thân người nhưng có lòng dạ của loài nai. Từ đây về sau tôi nguyện sẽ không ăn thịt của chúng sinh nữa.”
Do vậy loài nai ở trong khu rừng ấy gia tăng rất nhanh. Khu rừng được gọi là Lộc dã uyển. Cũng còn được gọi là Tiên uyển, vì phong thủy ở đây cực kỳ tươi tốt nên có rất nhiều vị tiên đến đây tu đạo. Thế nên khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành đạo, trước tiên Ngài đến Lộc dã uyển để độ cho năm vị tỷ-khưu
Dạy cho năm anh em tỷ-khưu A-nhã Kiều-trần-như
Ba trong năm vị tỷ-khưu này là bà con trong dòng họ cha của Đức Phật và hai người là bà con trong họ mẹ của Đức Phật. Khi Đức Phật vừa rời hoàng cung để xuất gia tu đạo trong núi Hy-mã-lạp-sơn (núi Tuyết), cha của Ngài đã phái những người này đi theo Ngài để cố gắng thuyết phục Ngài trở về. Lúc ấy, năm vị này chưa phải là tỷ-khưu mà là quan đại thần. Mặc dù họ đã hết sức khuyên can Đức Phật hãy trở về, nhưng Ngài không về. Năm vị quan đại thần này không thể nào trở về hoàng cung gặp đức vua cha của Đức Phật được khi họ không hoàn thành sứ mạng, thế nên họ phải ở lại cùng với Đức Phật và theo Ngài tu đạo.
Trong ba vị có họ hàng với vua cha, có một vị tên là Át-bệ̣ (Aśvajit) nghĩa là Mã Thắng; một vị tên là Bạt-đề (Bhadrika) nghĩa là Tiểu Hiền, vị thứ ba tên là Ma-ha-nam (Mahanama Kulika) còn gọi là Câu-lợi.
Còn hai vị bà con bên họ mẹ của Đức Phật một vị tên là A-nhã-đa Kiều-trần-như, vị thứ hai là Thập Lực Ca-diếp (Daśabala Kāśyapa) còn gọi là Ẩm Quang. Có tên ấy vì trước kia Ngài là ngoại đạo thờ lửa. Năm vị này ở lại với Đức Phật đồng tu theo lối khổ hạnh. Nhưng cuối cùng ba người trong đó chịu không nổi nên bỏ đi. Họ thối tâm nửa chừng, còn hai người kia tiếp tục tu tập cùng với Đức Phật. Lúc ấy, Đức Phật mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, Ngài trở nên quá gầy yếu, thân thể chẳng còn gì ngoài da bọc lấy xương. Một hôm thiên nữ đến dâng cúng cho Ngài một bát cháo sữa, Ngài dùng cháo sữa xong thấy thân thể khỏe mạnh trở lại. Hai vị đồng tu cùng Ngài thấy vậy tỏ ra bất bình. Họ nói với nhau rằng: “Tại sao một người tu khổ hạnh lại còn dùng cháo sữa?” Rồi họ cũng từ bỏ Ngài ra đi. Đó là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong thời kỳ đang tu khổ hạnh và năm người trong họ hàng bên cha và mẹ của Ngài được phái đi theo Ngài đã hoàn toàn rời bỏ Ngài. Ba người vì không chịu nổi khổ cực và hai người không đồng ý khi thấy Đức Phật nhận của cúng dường. Chỉ còn lại Đức Phật tiếp tục một mình tu hành. Sau khi Ngài tu ở đó suốt sáu năm, Ngài đến ngồi dưới cội cây bồ-đề. Vào rạng ngày mồng tám tháng mười hai, khi thấy sao Mai xuất hiện, Ngài hoát nhiên chứng ngộ ̣(Dạ đổ minh tinh, nhi thành chánh giác). Sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài quán sát xem ai là người nên hóa độ trước tiên, Ngài thấy người đó chính là A-nhã Kiều-trần-như, là một trong năm vị tỷ-khưu cùng tu khổ hạnh với Ngài. Người mà trong một kiếp trước đã làm vua tên Ca-lợi (Kaliṅga), đã từng cắt đứt tay chân của Đức Phật rời khỏi thân thể. Lúc ấy, Đức Phật đã phát nguyện đến khi nào thành Phật Ngài sẽ độ cho vua Ca-lợi trước tiên. Đó là lý do tại sao Đức Phật Thích-ca Mâu-ni khi được chứng đạo, trước hết liền đến Lộc Uyển để hóa độ cho năm vị tỷ-khưu.
Đức Phật Thích Ca nói rằng: độ thoát cho năm anh em tỷ-khưu A-nhã Kiều-trần-như, cùng ông và tứ chúng. Tứ chúng gồm có tỷ-khưu (tăng), tỷ-khưu ni (ni), ưu-bà-tắc (nam cư sĩ), ưu-bà-di (nữ cư sĩ).
“Tất cả chúng sinh đều bị mê hoặc bởi khách trần phiền não, nên chẳng được giác ngộ thành a-la-hán.”
Tại sao chúng sinh không thành tựu Phật quả hoặc được khai ngộ? Tại sao chúng sinh không chứng được sơ quả a-la-hán?
Chữ “khách trần” cũng có nghĩa là vọng tưởng của quý vị. Vọng tưởng chính là khách trần và phiền não. Quý vị cũng có thể gọi khách trần là hai món hoặc (惑) kiến hoặc và tư hoặc. Phiền não cũng còn được gọi là vô minh hoặc hay là trần sa hoặc.
Tại sao con người bị mê mờ bởi khách trần và phiền não? Vì con người là một động vật vô cùng kỳ quái suốt ngày họ chỉ thích ăn phiền não. Giao cho họ thức ăn thật ngon, cho họ bánh mì và bơ sữa mà họ vẫn không muốn ăn. Họ chỉ muốn ăn nuốt phiền não, thứ mà họ thấy ăn ngon hơn là bánh rán chay. Ngay cả dù có người khuyên bảo họ đừng có ăn phiền não, họ vẫn thấy khó có thể từ bỏ được. Từ sáng tới tối họ chẳng ăn gì cả ngoài khách trần và phiền não, ngốn đầy bụng sân hận thay vì thức ăn. Những người như thế thật đáng thương xót. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói rằng: “Lý do khiến cho chúng sinh các ông không thể thành Phật, thành a-la-hán bởi vì các ông bị mê hoặc bởi khách trần và phiền não.
Lúc đó các ông nhân đâu mà được khai ngộ; thành tựu quả vị Thánh?
“Lúc đó” nghĩa là thời gian khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đến Lộc uyển giảng pháp. “Các ông” nghĩa là Đức Phật nói đến năm vị tỷ-khưu và tứ chúng tỷ-khưu, tỷ-khưu ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Đức Phật hỏi họ được khai ngộ khi nào và nhờ đâu mà được giác ngộ khi nghe Đức Phật khai thị về khách trần và phiền não. Họ đã hiểu nghĩa gì khiến cho họ chứng được quả vị a-la-hán?
[i] . Lục phàm: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhân gian, cõi trời.
[ii] . Tứ thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật.
[iii] . Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quyển 6.
[iv] . Hòa thượng Bích Liên phiên âm kiến (Kinh Thủ-lăng-nghiêm; Linh Sơn Phật học Nghiên cứu Hội, 1961)
[v] . Thao tắc tồn, xã tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hương, duy tâm chi vị dư (Mạnh Tử -Cáo tử).
[vi] . Nhân hữu kê khuyển phóng, tắc tri cầu chi; hữu phóng tâm nhi bất tri cầu (Thiên Cáo Tử, thượng, chương 21)
[vii] . c: wan-myriad; s: svastika.
[viii] . Hòa thượng Bích Liên phiên âm ốc.
[ix] . Diêm-phù-đàn 閻浮檀 (s: jambūdana-suvarṇa). Hán dịch là Lưu kim diêm phù 流金閻浮. Do chữ Jambū: diêm-phù, có nghĩa là dòng sông chảy qua rừng cây; Dana 檀 đàn: là sinh ra loại vàng quý Thắng kim. Ở giữa núi
Hương tuý (s: Gandhamadana) và dãy Hy-mã-lạp-sơn có sông chảy qua rừng cây Diêm phù, vàng phát ra từ sông này gọi là Diêm-phù-đàn kim. Theo thần thoại Ấn Độ, sông Diêm-phù là một trong 7 nhánh của sông Hằng, sông này không có thật, nên Diêm-phù-đàn kim và Diêm-phù đại thọ là những vật tưởng tượng cho thuyết Tu-di bốn châu.
No comments:
Post a Comment