Kinh
văn:
汝見八種見精明性,當欲誰還。何以故。若還於明。則不明時無復見暗。雖明暗等種種差別見無差別。
Còn tánh thấy sáng suốt của
ông thấy 8 tướng kia, ông muốn trả về đâu? Vì sao? Vì nếu trả về cho sáng, thì
khi chẳng có ánh sáng cũng không thấy tối. Tuy sáng tối mỗi mỗi đều sai khác,
nhưng cái thấy không hề sai khác.
Giảng:
“Còn tánh thấy sáng suốt của
ông thấy 8 tướng kia, ông muốn trả về đâu?” Thế còn bản tánh thanh tịnh sáng
suốt của ông thấy được 8 tướng biến hóa mà Đức Phật vừa giảng thì như thế nào?
“Nên trả nó về đâu?”- Đức Phật hỏi A-nan - “Vì sao? Nói nhanh.” Đức Phật bảo.
Tánh thấy sáng suốt của ông trả về nơi đâu trong những thứ nầy? Điều Đức Phật
muốn nói là: “Ông định trả tánh thấy ấy về đâu, vì không có nơi nào để trả nó
về cả?” Vì nếu trả về cho sáng, thì khi chẳng có ánh sáng cũng không thấy tối.
Vì nếu quý vị trả tánh thấy cho sáng, thì lẽ ra nó sẽ không thấy được tối;
nhưng thực ra thì nó thấy được tối. Do vậy, nó không được trả về cho sáng. Quý
vị không thể nói rằng cái thấy trả về cho tối, vì khi sáng đến, tánh thấy vẫn
thấy được.
Tuy sáng tối mỗi mỗi đều sai khác, nhưng cái
thấy không hề sai khác. Dù chỉ riêng sáng và tối được thảo luận ở đây, nhưng nó
cũng đồng với 6 thứ khác. Mọi hiện tượng, mọi tướng biến hóa đều có thể tánh
riêng của nó. Nhưng sự khác biệt mà ông bảo là hiện hữu trong cái thấy là gì?
Cái gì khác biệt? Khi thấy sáng, cũng là thấy; khi thấy tối, cũng là thấy; khi
thấy trong lặng, cũng là thấy; khi thấy mờ mịt, cũng là thấy; khi thấy thông
suốt, cũng là thấy; khi thấy ngăn bít, cũng là thấy. Có gì khác nhau ở đây?
Có người nói: “Chắc chắn có
gì khác nhau trong tánh thấy. Khi ông thấy sáng, tánh thấy biết đó là sáng, Khi
ông thấy tối, tánh thấy biết đó là tối. Không phải đó là phân biệt chăng?”
Không sai. Phân biệt phát
sinh do khi ông nhận biết sáng và tối, chứ không phải do tánh thấy của ông; đó
là do tâm phân biệt, tâm phan duyên của ông đã tạo ra nó. Đừng nhận nó làm tánh
thấy. Cái biết về sáng và tối là chuỵên của tâm thức. Cái thấy của quý vị nhìn
thấy mọi vật cũng giống như khi nhìn vật mà không cần phân biệt. Vốn không có
phân biệt. Sự phân biệt có là do tâm
thức quý vị. Mọi người phải nên đặc biệt chú ý điểm nầy. Đừng cho rằng tâm phân
biệt là cội nguồn sáng suốt từ tánh thấy của mình.
Kinh
văn:
諸可還者自然非汝。不汝還者非汝而誰。
Các thứ có thể trả về được,
đương nhiên chẳng phải là ông. Cái không trả về được, chẳng phải ông thì là ai?
Giảng:
Đoạn kinh văn đặc biệt nầy
giảng giải đạo lý cực kỳ hay chỉ bằng vài chữ. “Các thứ có thể trả về được,
đương nhiên chẳng phải là ông. Cái không trả về được, chẳng phải ông thì là
ai?” Mọi tướng biến hóa đều được trả về chỗ của nó. Các tướng ấy không phải là
ông. Cái gì ở cùng với ông thì chẳng đi đâu khác nữa, là cái ông chẳng trả về
đâu– nó chẳng phải của ông thì của ai? Nếu nó không phải là của ông, lẽ ra thì
phải được trả về nơi nào đó. Nhưng ông
không trả được. Ông muốn cho ai họ cũng không nhận. Ông trả nó về cho sáng,
nhưng sáng không cần. Ông trả nó về cho tối, nhưng tối không thích. Ông trả nó
về cho trong lặng, nhưng trong lặng không nhận. Ông trả nó về cho mù mịt, nhưng
mù mịt không cần. Giá như quý vị có thể liệng bỏ nó được, nếu thế thì quý vị sẽ
không còn thấy được nữa.
Nó là cái mà quý vị không
thể liệng bỏ đi. “Cho dù ông đã chứng được sơ quả, ông cũng không làm thế được.
Ông không có được thần thông để liệng bỏ tánh thấy mình cho người khác để rồi
ông không còn thấy được nữa,” Đức Phật nói với A-nan: “Nếu tánh thấy ấy không
phải của ông thì của ai? Ông vẫn không dám nhận nó là của mình, ông vẫn còn
chưa hiểu. A-nan, ông thật đáng thương xót.”
Chỉ vài chữ nầy đã giải
thích đạo lý ấy rất rõ ràng, và bản kinh văn chữ Hán rất hay. Nếu quý vị muốn
học Hán văn mà không nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm thì cái học của quý vị chưa
hòan chỉnh. Nếu quý vị đã nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm rồi, thì khi quý vị
viết luận văn bằng tiếng Hán, có lẽ các học giả cổ diển Trung Hoa cũng khó sánh
bằng với khả năng viết tiếng Hán của quý vị. Chỉ hiểu một phần kinh Thủ Lăng
Nghiêm thôi, thì chỗ dụng cũng vô tận rồi. Trong quý vị ai thích nghiên cứu Hán
văn thì không nên bỏ qua cơ hội học hỏi bản kinh siêu tuyệt nầy. Đừng vào trong
núi châu báu rồi trở về tay không. Đừng như con gấu khi vào ruộng để ăn bắp.
Gấu bẻ một trái bắp kẹp dưới nách mình rồi bẻ trái khác kẹp vào nách kia. Khi
làm thế, nó thả rơi trái bắp thứ nhất, rồi nó đến bẻ trái thứ ba, lại bỏ vào
nách thứ nhất, và nó lại thả rơi trái bắp thứ hai. Mọi lúc nó đều nghĩ rằng
mình đang mang rất nhiều bắp, nhưng nó nhìn lại sau khi rời ruộng bắp, thấy
mình chỉ có được một trái. Khi quý vị đi vào núi châu báu, đừng bị chóang ngợp
khi nhìn thấy quá nhiều thứ, để khi quý vị quyết định nhặt một thứ mang về, thì
thả rơi vật mà quý vị đã nhặt từ trước. Điều này giải thích rằng kinh mà quý vị
đang nghe là dụ cho núi châu báu. Thực sự kinh nầy còn quý hơn châu báu trong
núi ấy, kinh quý hơn cả vàng, bạc, pha-lê, xa cừ, hồng ngọc. Sao vậy? Vì nếu
quý vị hiểu được chỉ một câu kinh rồi tinh tấn tu tập và nỗ lực áp dụng vào
trong đời sống không hề gián đoạn, nếu quý vị tiến hành công phu một cách dũng
mãnh, thì quý vị sẽ thành Phật. Thế nên giá trị ấy vượt xa cả núi châu báu.
Đừng như “con gấu đen hái rồi thả mất ngay khi có được bắp”. Kinh văn tiếng Hán
lẫn ý nghĩa kinh nầy đều siêu tuyệt. Chẳng có điều gì về kinh Thủ Lăng Nghiêm
mà không hay. Chỉ nên xem kinh nếu quý vị chấp nhận điều nầy. Nếu quý vị chấp
nhận học kinh, thì dù bất luận điều gì xảy ra, ngay cả tôi có đánh quý vị và
đuổi quý vị ra ngoài, quý vị cũng không đi. Đó là những gì xảy ra nếu quý vị
thực sự thông hiểu, và đó là trạng thái bất khả tư nghì.
Kinh
văn:
則知汝心本妙明淨。汝自迷悶,喪本受輪。於生死中常被漂溺。是故如來名可憐愍.
Vậy nên biết tâm ông vốn
nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt mà ông tự mê muội, bỏ mất tánh bản nhiên, đành
chịu luân hồi, thường bị chìm đắm trong biển sinh tử. Nên Như Lai cho là đáng
thương xót.
Giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
nói: “Vật có thể trả về không phải là ông, trong khi những cái của ông thì không
được trả về, nó là gì nếu chẳng phải là của ông?” Vậy nên biết tâm ông vốn
nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt. Nhưng ông vẫn không nhận ra. Cái ông không nhận
ra chính là chân tâm của ông. Mà ông tự mê muội, bỏ mất tánh bản nhiên. Chân
tâm của ông chẳng có chỗ trả về, nhưng ông tự mê muội–ông không hiểu, ông mê
lầm–nó như thể đúng và cũng như thể sai. Đó là ý nghĩa mà trước đây tôi đã nói
là ông bỏ quên mất chân tâm. Đó là cái vốn thường thuộc về ông, nhưng ông không
nhận ra, thế nên dường như bị bỏ mất. Đành chịu luân hồi. Chân tâm của ông đã
bỏ rơi ông. Nếu ai không nhận ra chân tâm của mình, thì đời đời họ bị chìm đắm
không thăng hoa được. Dù chân tâm không thực sự bị mất, nhưng sự chìm đắm là
thực có. Người ta bị rơi vào biển khổ, loay hoay trong đường nọ đường kia,
thường bị chìm đắm trong biển sinh tử. Ở trong biển khổ sinh tử cũng như thể bị
tung lên trên mặt biển rồi bị nhận chìm. Nếu không chấm dứt được sinh tử, dù
quý vị có cầm được nước và biết bơi, thì sau khi bị tung lên xuống nhiều lần
rồi quý vị cũng bị chìm. Nên Như Lai cho là đáng thương xót. Nước trong biển
sinh tử dụ cho nghiệp chướng mà quý vị đã tạo. Trong dòng nước nầy, quý vị bị
trồi lên trụt xuống trong thân người. Điều ấy biểu tượng cho sự sinh khởi của
vô minh và tạo nghiệp. Chúng sinh tạo nghiệp vì không nhận ra chân tâm. Nên
kinh nói: “Biển nghiệp mênh mông.” Nó không có giới hạn. Có khi quý vị bị hất
tung trên mặt biển, có khi bị dìm xuống đáy sâu. Thật nguy hiểm khi ở trong
biển ấy. Điều ấy khiến cho A-nan thật đáng thương xót.
Kinh
văn:
阿難言,我雖識此見性無還.云何得知是我真性
A-nan thưa: “Con tuy biết
tánh thấy nầy không trả về đâu. Nhưng làm sao biết nó là chân tánh của con?”
Giảng:
Đức Phật đã giải thích một
lần cho A-nan nhưng A-nan không hiểu. Đức Phật giảng lần thứ hai và A-nan cũng
không hiểu. Đức Phật giảng đến ba, bốn, năm, sáu lần nhưng A-nan vẫn không
hiểu. A-nan vẫn không nhận ra chân tâm mình rõ ràng. Bây giờ A-nan lại có mối
nghi ngờ khác.
A-nan thưa: “Con tuy biết
tánh thấy nầy không trả về đâu.” Chữ “nhận ra” tiết lộ mối nghi của A-nan. Thực
ra, A-nan nói rằng ông ta biết tánh thấy không trả về nơi đâu như Đức Phật vừa
giải thích, nhưng trong thực tế A-nan không biết rốt ráo là như thế nào. Trong
“cái biết” của ông thì tánh thấy không có chỗ trả về, một mối nghi liền sinh
khởi, mối nghi nằm sẵn trong đó và xuất phát từ cái gọi là biết.
“Nhưng làm sao biết nó là
chân tánh của con?” Bây giờ A-nan trình bày rõ ràng hơn. “Con biết tánh thấy
không có chỗ trả về, nhưng cái không trả
về là một vật, làm sao con biết cái ấy là chân tâm con?” Nếu A-nan không nghi
ngờ, nếu A-nan thực sự nhận ra, tại sao A-nan lại không biết đó là chân tánh
của ông? A-nan đã biết đạo lý không thể trả lại tánh thấy về nơi nào cả, nhưng
A-nan vẫn không biết rằng tánh thấy thực sự là bản tánh của tâm. Rốt cùng, sau
khi Đức Phật giảng giải, A-nan vẫn chưa có được chân tâm. Nó vẫn bị bỏ quên
mất. Tôi tin rằng ngay điểm này trong kinh văn, A-nan đang ở trong tình trạng
quên mất chân tâm hòan toàn.
Kinh
văn:
佛告阿難,吾今問汝。今汝未得無漏清淨。承佛神力見於初禪,得無障礙。而阿那律見閻浮提。如觀掌中菴摩羅果。
Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như
Lai hỏi ông, hiện nay ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh, nhưng do nương oai
thần chư Phật mà thấy được cõi Sơ thiền không ngăn ngại. Còn ông A-na-luật-đà
thì thấy cõi Diêm-phù-đề như xem trái am-ma-la trong lòng bàn tay.”
Giảng:
Đức Phật thấy A-nan thật là
đáng thương xót, vì A-nan chỉ chuyên tâm vào việc học tập văn tự. A-nan hỏi đi
hỏi lại nhiều lần, và chẳng hiểu được sau khi được Đức Phật giải thích cặn kẽ
nhiều lần. Vấn nạn nầy phát sinh theo sau vấn nạn khác. Như người ta thường
nói: “Cành lá thường mọc từ đốt mắt.[i]”
Chẳng có cành lá gì, nhưng A-nan thích tạo ra lá bằng cách chắp cành từ các đốt
mắt. Thế nên A-nan thật đáng thương xót, Đức Phật đã dùng tâm vô duyên đại từ
và đồng thể đại bi để chỉ dạy cho A-nan. Quý vị phải nên hết lòng thương yêu
bất luận những ai dù người ấy ít thân thiện với mình nhất. Đó có nghĩa là “vô
duyên đại từ. ” Cho dù họ không có duyên với quý vị, họ không hợp với quý vị,
quý vị cũng phải có lòng từ đối với họ. Tôi đã từng nói với quý vị rằng: “Một
người là tất cả mọi người; tất cả mọi người chỉ là một người.” Tất cả là một,
một là tất cả. Đó có nghĩa là đồng thể đại bi. Chẳng hạn, tôi xem những khó
khăn của quý vị cũng như là của chính mình. Bất luận khi nào tôi cũng nghĩ cách
làm vơi bớt hoạn nạn của quý vị. Như khi tôi thường thấy các đệ tử tôi hút
thuốc, tôi hy vọng rằng có lúc họ sẽ không hút nữa. Nếu quý vị không hút thuốc,
quý vị có thể hít thở được không khí đồng như chư Phật. Nếu quý vị không chịu
bỏ thuốc, thì mây đen mà quý vị hít vào và sương mù mà quý vị thở ra sẽ ngăn
che ánh sáng Đức Phật chiếu soi vào quý vị. Tập khí hút thuốc gây nên sự đau
khổ, và đó là việc làm không tương ưng với Phật pháp. Nếu đệ tử tôi thực lòng
muốn tu học theo chính pháp, mà không nhanh chóng bỏ hút thuốc, thì tôi sẽ xem
việc ấy như chính tôi đang làm một việc không tương ưng với Phật pháp và gây
nên sự đau khổ. Sao vậy? Vì tôi đặt mình trong tâm nguyện đồng thể đại bi của
chư Phật. Thế nên tôi mong mỏi chẳng có ai làm việc xấu. Tôi mong ai cũng là
người hòan hảo. Khi có một ai trong quý vị không được là người hòan thiện, tôi
cảm thấy rằng chính mình chưa phải là người hòan thiện, vì tôi cũng giống như
quý vị. Do vậy, vì tôi mong mình được là người tốt, nên tôi cũng nghĩ ra cách
để quý vị cũng trở thành người tốt luôn. Đó là ý nghĩa đồng thể đại bi . Nếu
người đời nay ai cũng có tâm nguyện như vậy, thì thế giới sẽ chẳng có chiến
tranh, giành giật, thù hận.
Đức Phật bảo A-nan: “Nay Như
Lai hỏi ông, hiện nay ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh.
Ông chưa chứng được quả vị
thứ tư của A-la-hán, ông chỉ mới chứng được Sơ quả, chưa đạt đến quả vị vô lậu.
Sự thanh tịnh trong quả vị vô lậu là thanh tịnh nhất trong sự thanh tịnh. Chẳng
còn chút nhiễm ô. Nói thì rất dễ nhưng đó là cảnh giới rất khó đạt được. Trong
cảnh giới ấy, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều không bị nhiễm ô. Khi mắt quý vị nhìn
thấy cảnh rồi rong ruổi chạy theo, đó là bị nhiễm ô (lậu thóat). Nếu tai quý vị
nghe điều gì đó, mà quý vị không áp dụng
công phu phản văn văn tự tánh mà rong ruổi chạy theo để nghe, đó cũng là bị
nhiễm ô (lậu thóat). Mũi chạy theo hương thơm, lưỡi thích nếm mùi vị, thân
thích xúc chạm, tâm ý thích phan duyên với các pháp: đây là các trường hợp
tương tự như nhiễm ô (lậu thóat). Tôi đã giải thích từ trước, lậu thóat là
giống như cái bình bị thủng ở đáy, nó sẽ bị rò rỉ khi chứa nước. Nếu quý vị
không tu tập và chưa chứng được quả vô lậu, thì quý vị cũng giống như cái bình
rò rỉ. Quý vị trôi chảy thường xuyên từ cõi trời cho đến cõi người. Từ cõi
người chảy xuống cõi súc sinh và từ cõi súc sinh chảy xuống cõi ngạ quỷ và địa
ngục. Quý vị trôi lăn lên xuống trong sự lậu thóat, chẳng biết mình trôi về đâu
nữa, còn tùy theo nghiệp mà quý vị đã tạo.
“Nhưng do nương oai thần chư
Phật mà thấy được cõi Sơ thiền không ngăn ngại.”
Mặc dù A-nan chưa chứng được
quả vị thanh tịnh vô lậu, nhưng A-nan có thể nhờ sức oai thần của Đức Phật mà
nhìn thấy được cõi Sơ thiền. A-nan đã mở được Phật nhãn, nhưng ông vẫn không
thấy được cõi Sơ thiền. Khi được khai Phật nhãn, có cả ngàn cấp độ sai khác
nhau. Cũng chỉ đơn giản là mở mắt và nhìn thấy được mọi vật như thấy bằng mắt
thường. Có người thấy xa 3 dặm, có người thấy 7 dặm, có người thấy 10 dặm, có
người thấy 30 hay 300, 3000 dặm. Cao nhất, có người thấy được 84.000 dặm và có
thể quán sát mọi hiện tượng xảy ra trong 80.000 đại kiếp[ii].
Đó không phải là trường hợp ngay khi mắt quý vị mở ra và thấy được vật. Chỉ có
nhờ vào năng lực thần thông của Đức Phật, A-nan mới thấy được cõi Sơ thiền
trong suốt rõ ràng không chướng ngại, như ông A-na-luật-đà thì thấy cõi Diêm-phù-đề
Trưởng lão A-na-luật-đà[iii]
là bậc có thiên nhãn đệ nhất. Tên ngài trong tiếng Phạn nghĩa là “không nghèo”.
Hán dịch là Vô bần - 無 貧
. Trong đời nầy và những đời sau, đời sau nữa, A-na-luật-đà không bao giờ
nghèo. Thượng toạ A-na-luật-đà là anh em họ với Đức Phật. Tôi đã đề cập từ
trước, Thượng toạ A-na-luật-đà có một tật rất lạ: bất kỳ khi nào Đức Phật giảng
kinh, Thượng toạ đều ngủ gật. Thế nên Đức Phật trách mắng:
Này ông! Sao quá mê ngủ
Như con sò trong vỏ cứng?
Ông ngủ suốt cả ngàn năm
Tên Phật rồi chẳng nghe
thấy.
Con sò nằm trong vỏ cứng và
chẳng bao giờ thò đầu ra ngoài. Khi Đức Phật trách mắng như vậy, ông liền phát
khởi nhiệt tâm: không bao giờ ngủ nữa! Thượng tọa mở mắt trừng trừng và ngày
đêm chẳng ngủ. Sau 7 ngày đêm không ngủ, Thượng toạ hóa mù. Thượng toạ đến Đức
Phật xin được giúp đỡ, Đức Phật bảo Thượng toạ đừng buồn rồi dạy tu pháp Kim
cương chiếu minh tam muội. Do chuyên tâm tu tam muội này, A-na-luật-đà đạt được
thiên nhãn thông, có thể thấy được cõi Diêm-phù-đề, tức thế giới ta-bà nầy như
xem trái am-ma-la trong lòng bàn tay. Có nhiều cõi Diêm-phù-đề, cõi mà chúng ta
đang sống chỉ là một. Trái am-ma-la[iv]
mọc ở Ấn Độ, ở Trung Hoa không có trái nầy. Tôi không biết trái nấy có ở nước
Mỹ không. Nhưng điểm chính là thế giới rộng như vậy, được A-na-luật-đà nhìn
thấy rõ ràng như một miến trái cây nằm trong bàn tay.
Tôi xin nói thêm về Thượng
toạ A-na-luật-đà. Trong một kiếp trước, ngài là một nông dân rất nghèo. Hằng
ngày ngài dùng một loại mễ cốc có chất lượng rất kém[v]
và rẻ để ăn. Ngài không có tiền mua thịt , sữa hoặc những thứ khác ngoài mễ cốc
thô nầy. Một hôm A-na-luật-đà gặp một vị tỷ-khưu già tu trong núi. Vị tỷ-khưu
già nầy đã chứng Bích chi Phật. Vào mỗi ngày thứ bảy, vị tỷ-khưu xuống núi đi
khất thực. Ông ta mang bình bát theo thứ tự chỉ khất thực trong vòng 7 nhà, nếu
đến nhà cuối cùng mà không có ai cúng dường gì, vị tỷ-khưu già cũng mang bát
không về núi và chịu nhịn ăn.
Một hôm, nạn đói hòanh hành
vùng ấy, không ai có đủ lương thực để sống. Lương thực rất đắt. Vị Bích chi
Phật lại xuống núi khất thực, đến hết nhà thứ 7 vẫn không có ai cúng dường.
Theo tâm nguyện của ngài, đành mang bát không về. Trên đường về núi, vị tỷ-khưu
già gặp một người nông dân, ông ta chào hỏi: “Thưa thầy, ngài có khất thực được
thực phẩm để dùng hôm nay không?” Vị tỷ-khưu già đáp: “Không, tôi đành chịu
nhịn.”
Người nông dân suy nghĩ: “Thầy
không khất thực được gì hôm nay, có nghĩa là thầy sẽ phải chịu đói trong 7 ngày
nữa cho đến khi thầy lại xuống núi khất thực. Không thể để thầy chịu đói được.
Nếu thầy không chê mễ cốc của mình thô xấu, mình sẽ nhịn phần và xin cúng dường
cho thầy.”
Vị Bích chi Phật rất hoan
hỷ. Vì sao? Vì ngài đã chịu đói suốt 7 ngày rồi, và nếu ngài trở về núi với bát
không thì ngài phải chịu đói suốt 2 tuần lễ. Mặc dù ngài đã chứng ngộ, nhưng
đời nầy, ngài vẫn còn cần đến lương thực. Ngài quá đói nếu không có gì để ăn.
Thế nên ngài rất hài lòng. “Cảm niệm công đức to lớn của ông.”- Vị tỷ-khưu già
nói, rồi hồi hướng công đức cho người nông dân:
sở vị bố thí giả
所 謂
布
施
者
tất hoạch kỳ lợi ích
必 獲 其 利 益
nhược vị lạc cố thí
若 為 樂 故 施
hậu tất đắc an lạc.
後 必 得 安 必.
Nghĩa:
Bây giờ quý vị thử đoán xem
điều gì xảy đến cho người nông dân đã cúng dường cho vị Bích chi Phật? Một điều
rất kỳ lạ đã xảy ra. Nếu tôi nói với quý vị, chắc hẳn khó tin. Tôi cũng thấy
khó tin. Nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói chuyện ấy trong kinh, nên chẳng
có lý gì không tin được. Quý vị phải tin điều khó tin ấy.
Chuyện gì đã xảy ra?
Khi anh ta cuốc đất, một con
thỏ từ mặt đất nhảy vọt lên vai anh ta rồi nằm ở đó không nhúc nhích. Anh ta
hoảng sợ, không hiểu tại sao con thỏ lại nhảy lên nằm trên vai mình. Anh cố
gắng tìm mọi cách đuổi nó đi, nó vẫn nằm yên đó. Thế nên anh ta bỏ về nhà ngay
khiến người vợ ngạc nhiên không hiểu vì sao. Khi đến nhà, người vợ thấy con thỏ
đã biến thành vàng. Sau đó, mỗi khi anh ta lấy vàng từ mình thỏ đi đổi thành
tiền, thì chỗ vàng vừa lấy tự đắp đầy lại. Từ đó anh thành người giàu có, anh
ta không dám đem nguyên con thỏ vàng đi bán. Thế nên anh cắt bốn chân thỏ đi
bán, khi trở về nhà, bốn chân lại mọc ra nguyên vẹn như cũ. Thế nên của cải anh
ta nhiều vô tận. Không những anh ta giàu có trong đời nầy mà cả trong đời sau,
đời sau nữa cho đến 91 đại kiếp, dù sinh trong cõi trời hay trong cõi người,
hay bất kỳ anh ta sinh vào nơi nào. Thế nên được gọi là A-na-luật-đà, có nghĩa
là không bao giờ nghèo (vô bần - 無 貧).
Trong đạo Phật, bố thí là
“phóng xả một, hưởng được cả ngàn.” Trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn nguyện cũng
dạy như vậy. Quý vị phải tin sâu đạo lý nầy, chớ nghi ngờ chút nào. Hãy nhìn
công hạnh của A-na-luật-đà, giúp cho vị Bích chi Phật qua cơn đói bằng cách
cúng dường khẩu phần mễ cốc thô xấu của mình hằng ngày, và vị Bích chi Phật đã
hồi hướng công đức nên A-na-luật-đà đã nhận được phước báo giàu có vô tận.
Ở Trung Hoa, khi có 1000 vị
tăng câu hội thì chắc chắn thế nào trong ấy cũng có một vị A-la-hán. Quý vị nên
nghĩ rằng mọi vị tăng mình gặp đều là A-la-hán, mặc dù không dễ gì gặp được, và
A-la-hán là một trong cả ngàn. Nhưng vẫn có thể gặp được A-la-hán nếu quý vị
nhận ra ngài. Thượng tọa A-na-luật-đà chỉ cúng dường cho một vị tăng, nhưng vị
tăng ấy là Bích chi Phật, nên A-na-luật-đà nhận được phước báo to lớn như vậy.
Thế tại sao vị Bích chi Phật
lại không được ai cúng dường chút lương thực trong ngày khất thực ấy? Một lần
nữa, điều nầy lại được giải thích theo lý nhân quả:
Tu phước không tu huệ,
Voi đeo ngọc anh lạc.
Tu huệ không tu phước,
La-hán về bát không.
Nếu quý vị chỉ biết tu huệ,
cho rằng: “Tôi sẽ học kinh và nghiên cứu Phật pháp.” Việc ấy rất tốt, quý vị sẽ
có được trí huệ. Nhưng quý vị cũng nên tu hạnh bố thí. Quý vị phải biết tu tập
cả phước lẫn trí. Quý vị nên tu phước bằng cách cúng dường Tam bảo. Nếu quý vị
không gieo trồng phước đức, thì trong tương lai khi quý vị là A-la-hán đi khất
thực, sẽ không ai cúng dường chút thực phẩm nào vì quý vị chưa từng gieo nhân
tu phước. Mặt khác, nếu quý vị chỉ lo tu phước mà không tu tập trí huệ, nếu quý
vị chỉ biết làm việc thiện, tu hạnh bố thí, thì trong tương lai quý vị sẽ như
con voi được trang sức bằng ngọc anh lạc. Quý vị sẽ bỏ thân nầy và trở thành
con voi câm to lớn, thân mang đầy ngọc ngà châu báu. Thời xưa, phụ nữ trang sức
loại ngọc nầy trên tóc. Ngọc anh lạc thì đẹp bề ngoài nhưng bên trong lại rỗng
tuếch.
Người mà tu phước không tu
huệ sẽ như con voi mang chuỗi ngọc anh lạc vậy. Thế nên khi quý vị tu đạo, nên
tu cả phước và trí, bên ngoài tu phước, bên trong tu huệ cho đến khi đạt được
ánh sáng giác ngộ. Thế là quý vị có được cảm ứng hỗ tương với đạo.
Kinh
văn:
諸菩薩等見百千界。十方如來窮盡微塵清淨國土無所不矚。眾生洞視不過分寸。
Các
vị Bồ-tát...thấy được cả trăm ngàn thế giới. Mười phương Như Lai đều thấy cùng
tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần không sót chỗ nào, còn chúng sinh
thấy rõ không quá gang tấc.
Giảng:
Trình độ của cái thấy sai
biệt với nhau rất nhiều. Sơ quả A-la-hán chưa thấy được cõi Sơ thiền, trong khi
hàng Nhị quả A-la-hán có thể thấy được cõi Sơ thiền nhưng chưa thấy được cõi
Nhị thiền thiên. Hàng Tam quả A-la-hán có thể thấy được cõi Nhị thiền nhưng
chưa thấy được cõi Tam thiền thiên; trừ phi họ có được gia hộ sức oai thần của
chư Phật, trong trường hợp đó, họ có thể thấy được Tứ thiền thiên và cõi trời
Tứ không. Hàng Bồ-tát ma-ha-tát, những bậc đã giác ngộ, thì khác; Các vị Bồ-tát
...thấy được cả trăm ngàn thế giới. Sơ địa Bồ-tát có thể thấy được 100 thế
giới, Nhị địa Bồ-tát có thể thấy được 1000 thế giới, Tam địa Bồ-tát có thể thấy
được 10.000 thế giới. Những gì họ thấy được ở mỗi quả vị giác ngộ đều không
giống nhau. Mười phương Như Lai đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như
số vi trần không sót chỗ nào. Chỉ có Đức Phật trong 10 phương là có thể nhìn
thấy suốt cõi nước thanh tịnh trang nghiêm của các chư Phật; các ngài thấy rất
rõ ràng thông suốt. Như kinh Kim Cương nói: “ Hết thảy mọi chúng sinh, nếu có
bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều hay biết.” Khi Bồ-tát có được tha tâm thông, họ
đều biết được những gì đang diễn ra trong tâm quý vị mà quý vị không cần phải
nói ra. Chư Phật cũng biết được tâm niệm quý vị rõ ràng như vậy.
Còn chúng sinh thấy rõ không quá gang tấc.
“Chúng sinh” là chỉ người phàm phu. So sánh với cái thấy của bậc
thánh, hay của chư Phật, quý vị không thể nhìn xa quá 1phần 10 inch hay cao
nhất là 1 inch,[vi]
cho dù quý vị phải vận dụng hết sức để thấy. Chư Phật có thể nhìn suốt các cõi
nước thanh tịnh nhiều như vô số vi trần, còn quý vị thì không thể nào nhìn thấy
được một nước. Quý vị không thể nhìn thấy được toàn thể Cựu Kim Sơn (San
Francisco) nầy. Nếu nhìn bên phải, thì không thấy được bên trái; nếu nhìn bên
trái, thì không thấy được bên phải; Nếu nhìn phía trước thì không thấy được
phía sau; và nếu cố gắng nhìn phía sau thì không thấy được phía trước. Mắt phàm
phu có rất nhiều chướng ngại. Cho dù tánh thấy không sinh không diệt, mà thân
thể quý vị lại có giới hạn, đó là lý do mà quý vị không thấy được. Các vị
A-la-hán, Bồ-tát và chư Phật đều có năng lực thần thông của thiên nhãn, nên
tính thấy siêu việt của họ không có giới hạn. Nay hãy xem xét cái thấy của hàng
phàm phu: nay tôi thấy được quý vị, nhưng nếu đem tờ giấy để trước mắt, thì tôi
không còn thấy được nữa. Tờ giấy chỉ dày bằng 1 phần 10 tấm bảng mà còn ngăn
không cho thấy huống gì tấm bảng. Đó là hạn chế về cái thấy của hàng phàm phu.
Nếu quý vị mở được thiên nhãn, dĩ nhiên là quý vị không còn bị giới hạn và có
thể nhìn được mọi hiện tượng. So sánh với Đức Phật, thật chúng ta còn cách Ngài
quá xa.
Kinh
văn:
阿難,且吾與汝觀四天王所住宮殿。中間遍覽水陸空行。雖有昏明種種形像。無非前塵分別留礙。
A-nan,
tôi lại cùng ông xem cung điện của Tứ thiên vương, và xem khắp các loài trong
nước, trên đất, trong hư không, tuy có nhiều hình tượng tối sáng khác nhau,
nhưng chúng đều là tiền trần phân biệt
ngăn ngại.
Giảng:
Đức Phật giảng giải thêm cho
A-nan: “A-nan, tôi lại cùng ông – nay chúng ta, ông với Như Lai– xem cung điện
của Tứ thiên vương...” Cõi trời Tứ thiên vương là cõi trời gần chúng ta nhất,
nằm ở lưng chừng giữa núi Tu-di. Bốn vị Đại thiên vương gồm: phía Đông là Trì
Quốc thiên vương, phía Tây là Quảng Mục thiên vương, phía Nam là Tăng Trưởng
thiên vương, phía Bắc là Đa Văn thiên vương. Mạng sống của chúng sinh trong cõi
trời Tứ thiên vương là 500 năm; sau 500 năm, họ phải chịu đoạ lạc, năm tướng
suy[vii]
xuất hiện, như tôi đã giảng từ trước. Một ngày một đêm ở cõi trời Tứ thiên
vương bằng 50 năm ở cõi người. Quý vị sẽ thắc mắc: “Vì sao như vậy?”
Tôi sẽ đưa ra ví dụ cho quý
vị dễ hiểu. Nếu chúng ta cảm thấy vui thích thoải mái, thì thời gian trôi qua
khi nào mà ta không hề biết. Chúng ta cảm thấy ngày quá ngắn. Chúng ta ai cũng
như vậy. Vì ở cõi trời ấy quá sung sướng, nên một ngày một đêm ở đó bằng 50 năm
ở cõi nhân gian.
Tại sao 50 năm là một khoảng
thời gian dài ở cõi người? Vì trong cõi người thường có ưu sầu phiền não khổ
đau, tranh giành, cãi vã. Con người bận rộn từ sáng đến tối, họ chẳng có khái
niệm gì về những việc họ đang làm. Họ như con ruồi bay lơ lửng khắp đông tây
nam bắc mà không biết mình đang làm gì. Quý vị không có phước đức gì ở cõi nầy,
nên thời gian sống rất ngắn.
Lại nữa, một ngày một đêm ở
cõi nhân gian bằng 50 năm ở cõi địa ngục, vì khổ đau ở địa ngục quá căng thẳng,
thế nên chúng sinh đang thọ hình ở đó cảm thấy thời gian rất dài. Từ điểm nầy
quý vị nên biết thời gian chẳng dài chẳng ngắn. Trước đây có vị đệ tử hỏi tôi:
“Thời gian là gì?” Tôi đáp: “Không có thời gian” Thời gian chỉ là ý niệm dài
ngắn của riêng từng người, chỉ có vậy thôi. Nếu quý vị vui vẻ suốt ngày, thì 50
năm trôi qua mà quý vị không hề cảm thấy đó là khoảng thời gian dài. Nếu cuộc
đời con người đầy phúc lạc, nếu họ không lo âu, giận dữ, phiền muộn, sân hận,
phiền não, thì cuộc đời như thể là một khoảng thời gian ngắn ngủi– chỉ trong
nháy mắt. Rốt ráo, thời gian chẳng gì khác hơn là sự phân biệt căn cứ trên ý
niệm riêng của từng người. Khi tôi nói đối với tôi không có thời gian có nghĩa
là tôi không còn biết thời gian nữa, là tôi quá bận rộn đến nỗi tôi không còn
biết thời gian, và tôi không có ý định nhận biết nó nữa.
Và xem khắp các loài trong
nước, trên đất, trong hư không–
Có nghĩa là, xem xét khắp
hết thảy các loài chúng sinh, các sinh vật không sót loài nào. Tuy có nhiều
hình tượng tối sáng khác nhau, nhưng chúng đều là tiền trần phân biệt và ngăn
ngại.
Nó đều chỉ là bụi trần trước
mắt, chỉ sinh khởi lưu ngại từ sự phân biệt của ông. Nó chẳng phải là vật riêng
của ông: nó chỉ là cõi giới bụi trần bên ngoài. Bụi trần nầy là một ‘lưu ngại.’
Nó vướng vất trong tâm trí ông, nhưng nó không thuộc về ông.
Kinh
văn:
汝應於此分別自他。今吾將汝擇於見中。誰是我體誰為物象。
Ông
nên ngay nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì là vật. Nay Như Lai để cho ông
lựa ra trong cái thấy, cái gì là tâm thể, cái gì là vật tượng.
Giảng:
Vì A-nan vẫn chưa nhận ra
đạo lý về chân tâm, A-nan vẫn chưa phân biệt được giữa chân tâm và vọng tâm.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy cho A-nan: “ Trong tất cả các thứ vật tượng
nầy, chẳng gì khác hơn là tiền trần. Nó là trần cảnh trước mắt ông– vốn thường
phân biệt và ngăn ngại.” Ông nên ngay nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì
là vật. A-nan, ngay nơi đây, ông phải nên phân biệt cho được cái gì là thể tính
của ông và cái gì là thể của các hiện tượng. “Ngã” ở đây chỉ cho chân tâm của
mình. “Cái khác” chỉ cho thể của các hiện tượng. “Nay Như Lai để cho ông lựa ra
trong cái thấy, cái gì là tâm thể, cái gì là vật tượng.”
“Ngã thể” là chỉ cho thể của
tánh thấy. Quý vị có thể nào chỉ ra được thể ấy từ đặc tính của các hiện tượng?
Hãy chiêm nghiệm lại chính mình và tự hỏi mình phân biệt được chăng? Nếu quý vị
phân biệt được, thế thì quý vị thông minh hơn A-nan. Nếu không, quý vị chẳng
linh lợi bằng A-nan. Mọi người ai cũng có thể trắc nghiệm lại nhận thức của
mình.
Kinh
văn:
阿難,極汝見源。從日月宮,是物非汝。至七金山,周遍諦觀。雖種種光,亦物非汝。漸漸更觀,雲騰鳥飛。風動塵起,樹木山川,草芥人畜,咸物非汝.
A-nan, cùng tột cội nguồn
cái thấy của ông, từ cung nhật nguyệt, đều chính là vật chứ chẳng phải ông; cho
đến cả bảy ngọn núi bằng vàng, xem xét cùng khắp, tuy phát ra vô số ánh sáng,
cũng là vật chứ chẳng phải ông. Lần lần quan sát mây nổi chim bay, gió động bụi
mù, rừng cây, núi sông, rau cỏ, người thú, đều là vật chứ chẳng phải ông.
Giảng:
Giáo lý trong kinh Thủ Lăng
Nghiêm rất vi diệu khó có thể diễn nói được, khó có thể hình dung ra được. Chỉ
bằng cách tự lĩnh ngộ lấy mà thôi.
Giống như cái gì? Không thể diễn
tả được. Sao ông lại hỏi nó giống như cái gì? A-nan, cùng tột sức thấy của ông.
Xem xét nó đến mức cùng tột, tận cùng tánh thấy của ông. Từ mặt trời mặt trăng,
đều chính là vật chứ chẳng phải ông; cho đến cả Bảy ngọn núi bằng vàng.
Bảy ngọn núi bằng vàng (Thất
kim sơn). Bảy ngọn núi nầy bao quanh núi Tu-di. Bao quanh 4 phía núi Tu-di là
bảy ngọn núi bằng vàng, mỗi ngọn lại được bao quanh bởi bảy biển lớn chứa bảy loại nước hương.
“Những ngọn núi nầy ở đâu?”
- Quý vị hỏi: “Tôi sẽ đến lấy ít vàng về làm giàu.” Tôi sẽ không nói. Nếu nói,
quý vị sẽ đến lấy vàng, rồi vàng ở núi đó sẽ cạn kiệt dần, làm sao còn được gọi
là núi vàng nữa?
Tu-di[viii]
trong tiếng Phạn có nghĩa là Diệu cao – 妙 髙.
Bao quanh 4 phía núi Tu-di là bảy lớp núi vàng. Bây giờ tôi sẽ nói cho quý vị
nghe vài điều. Cho dù quý vị chưa thọ Năm giới, quý vị cũng không được ăn trộm
vàng ở núi ấy. Vàng trong núi nầy là của tôi. Nếu quý vị ăn trộm vàng ở núi của
tôi, tôi sẽ đọc thần chú và đầu của quý vị liền bị đau nhức khiến cho quý vị
không thể nào lấy trộm được vàng. Đừng tìm cách bắt nạt vị sư nầy; ông ta có
rất nhiều năng lực.
“Hãy nhìn mọi nơi thật kỹ.
Hãy dùng thiên nhãn của mình để nhìn, hãy dùng Phật nhãn của mình để nhìn, hãy
dùng huệ nhãn của mình để nhìn. Xem xét cùng khắp, tuy phát ra vô số ánh sáng,
cũng là vật chứ chẳng phải ông. Trong tất cả những hiện tượng nầy, nói cho tôi
biết, cái gì là của ông? Tìm nhanh. Lần lần quan sát mây nổi, bồng bềnh trôi
qua lại trên bầu trời, chim bay qua đầu, gió động.” Tôi chẳng biết cách nào hơn
để giảng giải những dòng nầy trong kinh văn. Tôi phải dừng lại và thưa hỏi Lục
Tổ Đại Sư. Ở đây Kinh văn nói rất rõ là gió động , nhưng Lục Tổ Pháp Bảo Đàn
kinh nói rằng: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động...” Rốt ráo cái gì
động? Lục Tổ Pháp Bảo Đàn kinh nói: “Tâm nhân giả động .[ix]”
Ở đây, dù vậy, cũng chưa rõ được tâm ai động. Tâm quý vị động hay tâm tôi động?
Phải chăng tâm người nào khác động? Thế tâm ai động? Tôi phải làm sao để giải
thích câu kinh nầy? Chẳng có cách nào để giải thích. Người ta không biết cái gì
động. Lục Tổ Pháp Bảo Đàn kinh nói rằng chẳng phải gió động. Ở đây, kinh Thủ
Lăng Nghiêm nói gió động. Quý vị cho chỗ nào đúng? Nếu quý vị nói tâm động,
chẳng phải gió động, thế thì tâm ai động?
Quý vị trả lời: “Con không
biết.”
“Quý vị không biết, thế thì
chẳng phải tâm quý vị động. Nếu tâm quý vị không động thì tâm ai động? Được rồi,
tôi sẽ giải thích theo nghĩa của kinh văn nầy theo khía canh nôm na nhất. Chúng
ta chỉ nói đơn giản là gió động. Tâm quan niệm không động, tâm tôi không động.
Tâm người khác không động. Gió động và thổi khói đen cùng hơi nước. Sự chuyển
động của gió biểu thị cho sự nổi nóng. Ngọc hòang nổi giận làm gió bão nhổ bật
rễ cây và thổi tung nhà cửa.”
Bụi mù. Làm sao bụi dấy mù
lên được? Bụi tự dấy lên được không? Không. Bụi dấy mù trời là do gió thổi. Ban
đầu bụi nằm yên hiền lành trên mặt đất. Bụi rất an tường tự tại, nhưng gió đến
đuổi đi: “thức dậy, thức dậy và đi ngay!” Thế nên bụi trở mình và tung bay mù
mịt.
“Thế bụi làm việc gì?”- Quý vị hỏi.
“Nó bám vào mọi thứ trên thế
gian nầy, nó làm cho mọi thứ dơ bẩn. Đó là công việc của bụi. Bụi khiến cho mọi
nơi đều dơ bẩn. Quý vị hiểu không?”
Rừng cây, núi sông, rau cỏ,
người thú.
Vẫn còn nhiều vật khác: rau cỏ và nhiều loại
vô sinh, cùng người và súc vật. Tất cả đều là vật chứ chẳng phải ông.
Trong lần phân tích cuối
cùng, có phải những hiện tượng nầy, có phải chúng chính là tánh thấy của ông?
Trả lời ngay! Nói nhanh! Đoạn kinh nầy có phong thái gạn hỏi. “ Nay tôi hỏi quý
vị, phải trả lời thật nhanh! Sao quý vị không chịu nói? Vì sao ý nầy được diễn
đạt ở đây? Có phải đó chính thực là vật chứ không phải là quý vị?” Đây gọi là
“đánh cho một hèo khiến bừng tỉnh” – thức tỉnh những người đang trong cơn mê
muội. Anh ta bi đem ra thẩm vấn, như thể là trước quan tòa khi xử án. “Anh có
ăn trộm không ? Nếu có, hãy tự thú nhanh. Nếu
không, hãy tự biện minh.”
Kinh
văn:
阿難,是諸近遠諸有物性。雖復差殊,同汝見精,清淨所矚。則諸物類自有差別,見性無殊。此精妙明,誠汝見性。
A-nan,
tính chất của các vật xa gần tuy có sai khác, cũng đều là do tánh thấy thanh
tịnh của ông nhìn thấy được. Vậy nên vật thể tự có sai biệt mà tánh
thấy chẳng khác, cái tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy chính thật là tánh thấy
của ông.
Giảng:
Qua nhiều cách diễn đạt về
giáo lý, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã hỏi A-nan: “Ông hãy tìm khắp trong các vật
nầy, cái gì là tánh thấy của ông? Hãy tìm đi.” Bây giờ Đức Phật đưa ra sự phân
biệt giữa tánh thấy và vật tượng, vì A-nan sợ rằng mình không thể tách bạch rõ
ràng về chúng. A-nan cho rằng vật tượng và cái thấy lẫn lộn cùng nhau, và A-nan
không biết rõ cái nào ra cái nào. Thế nên Đức Phật mở đầu phần gạn hỏi nầy để
hiển bày tánh thấy, và phần kinh văn nầy chỉ thẳng về tánh thấy.
“A-nan, tánh chất của các
vật xa gần tuy có sai khác.” Mọi vật đều có hình tượng và tánh chất của nó,
nhưng đều khác biệt nhau. Gió là gió, bụi là bụi. Chim là chim, mây là mây. Cây
là cây, núi là núi. Cỏ là cỏ, người là người, vật là vật.
Trong tiếng Hán, chữ sai (差
– ch’a) lẽ ra nên phát âm là ch’ih. Đây là điểm rất quan trọng đối với giới học
giả. Hầu như những người đến trường học vài ngày hay vài năm không hiểu được
điều nầy. Để biết được sự khác nhau trong ý nghĩa của chữ nầy phải cần đến ít
nhất 15 năm học hành.
“Thế ngài đã học bao nhiêu
năm?” Có người hỏi.
“Nói thật với quý vị, tôi
chỉ cắp sách đến trường chỉ hai năm rưỡi. Tôi được học ít hơn quý vị nhiều.”
“Thế tại sao ngài lại hiểu
được?”
“Tôi cũng không rõ tại sao
tôi lại hiểu. Ngay khi hội đủ mọi yếu tố, tôi liền được hiểu. Quý vị không nên
hỏi tại sao. Đúng như thế không?”
“Cũng đều là do tánh thấy
thanh tịnh của ông nhìn thấy được.”
Tánh thấy của quý vị có thể
nhìn thấy được những vật tượng nầy một cách rõ ràng, “ Vậy nên vật thể tự có
sai biệt mà tánh thấy chẳng khác.” Vật tượng mà cái thấy của ông gặp phải vốn
hòan toàn khác biệt nhau, nhưng cái gì phân biệt tự nằm bên trong tánh thấy?
Khi quý vị thấy ông Trương Tam, đó là tánh thấy, khi quý vị thấy ông Lý Tứ, đó
cũng là tánh thấy. Cái thấy như nhau, không có chút nào phân biệt. Con mèo, con
người, bất luận quý vị thấy gì, đó là cái thấy. Cái thấy có thay đổi không? Cái
thấy có phân biệt không? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hỏi A-nan, “Ông có thấy chút
phân biệt nào trong cái thấy không?” A-nan không có gì để nói. Không phải là
A-nan bị câm, mà chỉ bị líu lưỡi. Nếu A-nan bị câm, ông ta vẫn có thể phát ra
âm thanh ú ớ được, nhưng ngay cả A-nan cũng không làm như vậy vào lúc nầy.
“Cái gì là thể tánh nhiệm
mầu trong sáng nhất?” Đức Phật hỏi A-nan. “Đó là cái gì? Nói mau!” Nếu quý vị
quan tâm về chuyện nầy, quý vị nhận ra rằng Đức Phật hỏi đi hỏi lạiA-nan ngay
điểm nầy nhiều lần, “Ông nói cái đó là gì?” Nhưng A-nan vẫn không nói được một
lời. Đức Phật là bậc đại từ đại bi nên khi Đức Phật thấy mình đã đẩy đệ tử đến
nơi không thể nói được một lời thì ngài mới liền bảo: “Như Lai sẽ chỉ cho ông.
Cái tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy chính thật là tánh thấy của ông. Ông có
biết không? Ông có hiểu không?” Đó là phong cách giáo hóa của Đức Phật.
Kinh
văn:
若見是物則汝亦可見吾之見。
Nếu tánh thấy là vật thì ông
cũng có thể thấy được tánh thấy của Như Lai.
Giảng: Đoạn kinh nầy diễn
đạt cực kỳ hay.
“Nếu tánh thấy là vật thì ông cũng có thể thấy
được tánh thấy của Như Lai. A-nan, ông vừa nói rằng cái thấy và vật tượng xen
tạp lẫn nhau, đến nỗi khó phân biệt rạch ròi được. Ông nói rằng tánh thấy là
vật. Nếu thật như vậy, lẽ ra ông phải thấy được cái thấy của Như Lai như thế
nào. Ông thấy được chăng? Như Lai không cho là ông phải thấy được những gì Như
Lai thấy, nhưng ông có thể thấy được tánh thấy mà Như Lai đang thấy chăng? Nó
giống như cái gì? Nó màu đen, màu trắng, màu đỏ, hay vàng? Nó màu gì?” Đến đây
A-nan líu lưỡi một lần nữa. “Nó dài, ngắn, hay vuông, hay tròn? Mọi vật nhất
định đều có hình tướng, và nếu nhìn vật mà không phân biệt được vật nào với vật
nào, như ông vừa nói, thì cái gì đang thấy được hình sắc? Hãy nhìn xem: núi có
hình dáng của núi, cây có hình dáng của cây, sông có hình dáng của sông. Rốt
ráo, tánh thấy của ông giống như cái gì? Ông đã thấy nó chưa?” Đức Phật hỏi
A-nan.
Kinh
văn:
若同見者,名為見吾。吾不見時,何不見吾不見之處。
Nếu khi cùng thấy sự vật,
gọi là thấy cái thấy của Như Lai,vậy khi Như Lai không thấy, sao ông không thấy
được chỗ không thấy của Như Lai?
Giảng:
Kinh nầy thật là khó giảng
giải. Vì phải nói lui nói tới để hiển bày đạo lý, quý vị có thể bị lúng túng
khi chỉ cố gắng đọc kinh cứ không lưu tâm tìm cách giải thích ý kinh. “Kinh nói
gì?”- Quý vị hỏi - “ Đại khái nội dung kinh là gì?”
Tôi sẽ chỉ cho quý vị: “Nếu
khi cùng thấy sự vật, gọi là thấy cái thấy của Như Lai, vậy khi Như Lai không
thấy, sao ông không thấy được chỗ không thấy của Như Lai?”
Khi quý vị thấy vật tượng mà
tôi không thấy, tại sao quý vị không thấy được cái không thấy của tôi? Lẽ ra
quý vị cũng phải biết tôi không thấy được vật. Nhưng quý vị không biết. Quý vị
không thể biết được cái thấy của tôi có thể thấy được vật hay không.
Đây là cách diễn đạt đạo lý
nầy: quý vị bảo rằng tánh thấy là vật, và khi quý vị và tôi cùng nhìn một vật,
quý vị bảo rằng quý vị thấy được cái thấy của tôi. Do vậy, khi tôi không thấy
được vật, lẽ ra quý vị phải thấy được cái không thấy của tôi đã không thấy vật
đó. Nhưng quý vị đã không thấy được cái không thấy vật tượng của tôi, do vậy
quý vị cũng không thấy được cái thấy của tôi. Đây là một phép so sánh. Dường
như điểm nầy rất khó hiểu, phải không? Nhưng nếu quý vị hiểu được rõ ràng đạo
lý nầy, thì đoạn kinh văn trên rất dễ hiểu. Nếu quý vị không hiểu được đạo lý
nầy thì quý vị sẽ giải thích nó theo nhiều cách khác nhau và những gì quý vị
nói đều làm mê lầm chúng sinh. Khi quý vị giải thích, họ sẽ hỏi: “Rốt ráo ý
nghĩa đoạn kinh trên nói gì? Nói quá nhiều về ‘thấy’. Thấy cái thấy nào?”.Tôi
thực sự thích Kinh Thủ Lăng Nghiêm vì sự giải thích trong đoạn kinh văn nầy rất
vi diệu. Vi diệu hơn cả núi Diệu cao.[x]
Kinh văn:
若見不見,自然非彼不見之相。若不見吾不見之地。自然非物,云何非汝。
Nếu ông thấy được cái không
thấy, thì tự nhiên nó không phải là tướng của cái không thấy kia. Nếu ông không
thấy được chỗ không thấy của Như Lai, thì cái thấy rõ ràng không phải là vật,
sao chẳng phải ông?
Giảng:
Đoạn kinh văn nầy rất dễ giải thích. Nếu quý
vị đã hiểu đoạn trước thì quý vị sẽ dễ hiểu đoạn nầy ngay khi nghe đọc qua.
Không cần phải nghe giải thích mà mọi người đều có thể hiểu, thế nên tôi chỉ
thông qua.
Tuy nhiên, sẽ có người nói:
“Tôi chưa hiểu. Làm ơn giải thích lại.” Nên tôi sẽ giải thích. Lần nầy tôi
không thông qua nữa.
“Nếu ông thấy được cái không
thấy, thì tự nhiên nó không phải là tướng của cái không thấy kia.
Tôi đã giảng tánh thấy không
phải là vật, nhưng ông không tin như vậy. Tôi sẽ giải thích rõ hơn. Nếu tánh
thấy không phân biệt của tôi nhìn thấy một vật được phân biệt, và nếu tánh thấy
trở thành là vật phân biệt ấy, như ông nói, thì tánh thấy lẽ ra sẽ được nhìn
thấy. Do vậy nên lẽ ra ông sẽ nhìn thấy tánh thấy của tôi, vì nếu tánh thấy là
vật, thì lẽ ra nó sẽ có đặc tính để phân biệt được. Tuy vậy, chẳng có gì đích
xác khi tôi nhìn thấy vật. Đôi khi cái nhìn của tôi tiếp xúc với vật tượng, thế
nên ông nói, cái thấy chính là vật ấy. Nhưng có khi tôi thu cái nhìn của mình
lại và không thấy vật ấy nữa. Nếu ông vẫn cho rằng khi tôi nhìn thấy vật thể,
cái thấy của tôi chính là vật thể, và nếu ông nói rằng khi ông nhìn vật ấy và
cũng thấy được tánh thấy của tôi, thế thì khi tôi thu cái thấy lại, không còn
nhìn thấy vật tượng nữa, tại sao ông cũng không thấy cái thể tính không thấy
của tôi? Tại sao ông không chỉ ra nó nằm ở đâu? Vì ông không thấy được cái
không thấy của tôi, thế ông có thực sự thấy được cái thấy của tôi khi cả ông và
tôi cùng nhìn vật thể?
Tuy nhiên, ông vẫn khăng
khăng cho rằng ông thấy được cái không thấy của tôi ở đâu khi tôi không nhìn
thấy vật tượng. Thể tính cái không thấy của tôi vẫn là tánh thấy. Cái tôi không
nhìn thấy được vẫn là vật thể. Khi tánh thấy của tôi đã tách rời khỏi vật thể,
và ông vẫn tiếp tục thấy được tánh thấy của tôi như ông nói, thì lẽ ra nó đã rõ
ràng không cần giải thích thêm là thể tánh cái không thấy của tôi chắc chắn là
cái không thấy được.
“Nếu ông không thấy được chỗ
không thấy của Như Lai, thì cái thấy rõ ràng không phải là vật.
Nếu ông không thấy được thể
tánh cái không thấy của tôi ở đâu, nếu ông không thấy được tướng cái không thấy
của tôi, thì cái thấy không phải là vật. Ông đã hồ nghi, và ông cho rằng cái
thấy và vật thể (được nhìn thấy) lẫn lộn với nhau và không thể phân biệt được
rõ ràng; nhưng bây giờ ông đã hiểu chưa? Ông không thể thấy được đâu là cái
không thấy của tôi, ông không biết được tôi có thấy hay không. Tại sao? Vì tánh
thấy của tôi không có sắc tướng. Nó chẳng xanh vàng đỏ trắng; chẳng dài ngắn
vuông tròn; nó chẳng là gì cả, thế nên ông không nhìn thấy nó được. Nếu ông
không nhìn thấy nó được, chắc chắn nó chẳng phải là vật.”
Khi người Trung Hoa mắng ai,
họ thường nói: “Mầy chẳng là cái tích sự gì cả.” Nhưng thực là tốt khi chẳng
phải là gì cả. Tánh thấy của quý vị chẳng là cái gì cả. Thế nên khi có người
mắng nhau mà nói : “Mầy chẳng là cái tích sự gì cả.” thì có một ý nghĩa thực là
rất vi diệu trong đó. Hầu hết mọi người chỉ cho đó là lời sỉ nhục và không tìm
thấy nghĩa lý gì cả. Sao vậy? Vì họ không hiểu được Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nếu
họ hiểu được, họ sẽ nhận ra rằng “chẳng là cái tích sự gì cả” chính là tánh
thấy của chúng ta.
“Nếu ông không thấy được
tánh thấy của tôi, thế thì rõ ràng nó không phải là vật.” Đoạn kinh văn nầy
cũng giống như đoạn trước: “Cái gì có thể trả lại thì không phải là ông, nhưng
cái gì là của ông thì không thể trả lại cho nơi khác được, vì nó không phải của
ông thì của ai?” Đoạn kinh văn nầy có cùng đạo lý như trên. Cái mà quý vị nhìn
thấy được thì hiển nhiên là vật, còn cái mà không nhìn thấy được thì hiển
nhiên chẳng phải là vật. Quý vị không
thể xếp cái thấy mà quý vị không thể nhìn thấy được cùng chung một loại với vật
thể. Tánh thấy và vật thể không thể trộn lẫn cùng với nhau.
Quý vị cho rằng: “Nếu cái
thấy không thể được xếp vào cùng chung một loại với vật thể, thế thì tánh thấy
là cái gì? Nó cùng loại với cái gì?”
Quý vị hãy thử tìm xem. Đoán
thử nó như thế nào. Những người tu Thiền thường khán thoại đầu, là một đề mục
để quán chiếu, và vấn đề tôi đưa ra ở đây cũng là một thoại đầu để cho quý vị
tham cứu. Quý vị biết rằng tánh thấy không phải là vật. Vậy thì quý vị biết nó
là cái gì không? Công án: “Ai đang niệm Phật ?” đơn giản là để tham cứu vấn đề
nầy. Nếu quý vị nhận ra được tánh thấy là gì ngay lúc nầy– nếu quý vị nói được:
“Ồ! Cơ bản là tánh thấy vốn chẳng đến chẳng đi, chẳng sinh chẳng diệt. Nó vốn
siêu việt mọi chướng ngại.”– nếu quý vị hiểu được đạo lý nầy, có nghĩa là quý
vị đã nhận ra được tánh thấy
Trong đoạn văn trước, Đức Phật có hỏi A-nan:
“Nó chẳng phải của ông thì của ai?” Đoạn kinh văn nầy Đức Phật lại hỏi: “Sao
chẳng phải ông? Tại sao ông nói tánh thấy đó không phải là của ông? Sao ông lại
nói nó bị xen tạp trong vật tượng? Sao ông lại cho rằng ở đó không có sự phân
biệt rõ ràng? Nay ông đã hiểu được chưa? Ông phải nhận ra ngay bây giờ. Như Lai
đã giảng giải cho ông rất nhiều đạo lý, nếu ông không hiểu, ông thực sự là một
con trùng mê muội.”
Kinh
văn:
又則汝今見物之時。汝既見物物亦見汝。體性紛雜則汝與我。并諸世間不成安立.
Lại
như cái thấy là vật, thì khi ông nhìn thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng
thấy được ông. Thế là thể tánh xen tạp, nên ông với Như Lai
cùng cả thế gian đều không an lập được.
Giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
nói: “Vì ông không thể thấy được tánh thấy của tôi, vì tánh thấy không có sắc
tướng riêng biệt để thấy được, rốt ráo có cái thấy không? Tánh thấy vẫn có đó,
nhưng dù nó có hiện hữu, nó vốn không có hình trạng và không có thể tánh, cũng
không có nơi chốn để trả về. Thế nên ông hãy nói cho Như Lai biết, vì sao ông
không nhận ra tánh thấy ấy là của ông? Nếu ông vẫn khăng khăng không nhận, nếu
ông vẫn còn chấp trước, thì ông nên biết rằng: Lại như cái thấy là vật, thì khi
ông nhìn thấy vật, ông đã thấy vật thì vật cũng thấy được ông.
Nếu ông vẫn khăng khăng cho
rằng tánh thấy của ông dứt khóat là vật, thì lẽ ra vật cũng thấy được tánh thấy
của ông. Rốt ráo, ông nói rằng tánh thấy chỉ là vật, một vật có thể thấy được
vật khác. Trong trường hợp đó, vật kia cũng sẽ thấy được, và các vật ấy lẽ ra
sẽ thấy được tánh thấy của ông.
Thế là thể tánh xen tạp – ông nhìn thấy vật và
vật nhìn thấy ông; rốt cuộc ai nhìn thấy ai? Nói nhanh! Cái nào thấy cái nào?
Có lẽ A-nan sẽ trả lời: “Cũng như hai người thấy nhau. Con thấy người ấy, và
người ấy thấy con.” Nhưng khi người nầy nhìn thấy người kia, là có sự nhận biết
lẫn nhau; như khi tôi nhìn thấy quý vị, quý vị biết được điều ấy; và khi quý vị
nhìn tôi, tôi cũng biết được điều ấy. Nhưng khi vật thể nhìn quý vị, liệu vật
thể có biết chăng? Khi tánh thấy của quý vị mà quý vị đã cho nó là vật, khi
nhìn thấy vật tượng, thì liệu vật tượng có nhận biết về cái nhìn ấy chăng? Đây
đúng là thể tánh lẫn lộn. Đều ở trong tình trạng xen tạp. Vật thấy được quý vị
và quý vị thấy vật, và vật thấy được các thứ khác. Điều nầy gây nên nhiều sự
nhầm lẫn. Đem gộp mọi thứ vào cùng một loại. Thế nên ông cùng Như Lai và cả thế
gian đều không an lập được.
“Thế gian” có nghĩa là thế
giới hữu tình và thế giới vô tình (khí thế gian)– đó là, người và các vật tượng
như núi sông, đất đai, nhà cửa. Mọi loài chúng sinh bao gồm cả loài người, được
gọi là chính báo. Núi sông, đất đai, nhà cửa... được gọi là y báo. Gọi là chính
báo vì sinh mệnh mà chúng sinh có được bây giờ chính là quả báo do họ đã tạo ra
trong vô số đời trước. Tóm lại, nếu tánh thấy của quý vị là vật, thì chẳng có
gì để nói nữa cả, và mọi việc sẽ ở trong tình trạng hỗn loạn. Sẽ không có thế
gian; mọi hiện tượng trong thế gian sẽ không tạo thành một thế giới. Ý nghĩa
đoạn kinh văn nầy là như vậy.
Kinh văn:
阿難,若汝見時,是汝非我。見性周遍,非汝而誰。
A-nan,
như khi ông thấy, thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai, tánh thấy trùm khắp đó
chẳng phải ông thì ai?
Giảng:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni một
lần nữa lại gọi đệ tử: “A-nan, bây giờ ông đã hiểu chưa? Như Lai đã giải thích
cho ông rất nhiều giáo lý mà nay ông vẫn còn mê muội. Ông chưa được thông đạt. Như
khi ông thấy, thì chính ông chứ chẳng phải Như Lai – cái thấy mà ông có thể
thấy được là tánh thấy của ông, chứ chẳng phải của Như Lai – tánh thấy trùm
khắp đó chẳng phải ông thì ai? Ông có tánh thấy, Như Lai có tánh thấy, và mọi
người đều có tánh thấy. Tánh thấy bao trùm khắp tất cả, và thực chất tánh thấy
nơi chúng sinh và tánh thấy của chư Phật là giống nhau.” Nên nói: “Nơi thánh
không tăng, nơi phàm không giảm”. Đến địa vị bậc thánh, tánh thấy ấy không tăng
thêm một mảy may. Ở địa vị phàm phu, tánh thấy ấy chẳng giảm bớt một chút ít
nào. “Ông có tánh thấy của ông, Như Lai có tánh thấy của Như Lai, mọi người đều
có tánh thấy của họ, và thực chất tánh thấy ấy là đồng như nhau; đó chính là
điều quan trọng mà mọi người đang vận dụng, nó không bao giờ thiếu sót. Điều kỳ
diệu là nằm ở điểm nầy. Vì mọi người đều có tánh thấy của mình– vì tánh thấy
bao trùm khắp tất cả – thế thì ông định cho ai tánh thấy nầy nếu ông không muốn
nhận nó? Nếu ông không dám nhận tánh thấy của mình, thế thì tánh thấy ấy là của
ai? Nếu tánh thấy ấy không phải là của ông, hãy nói cho Như Lai biết ngay nó là
của ai?”
Đến đây A-nan lại lúng túng không trả lời
được. A-nan bị líu lưỡi một lần nữa.
Kinh văn:
云何自疑汝之真性。性汝不真,取我求實.
Sao ông tự nghi chân tánh
của mình là chẳng chân mà bám vào Như
Lai Như Lai cầu cái chân thật?
Giảng:
“Sao ông tự nghi chân tánh
của mình là chẳng chân mà bám vào Như
Lai Như Lai cầu cái chân thật? Tại sao
ông nghi ngờ những gì của mình? Ông nghi ngờ tánh thấy của ông, nhưng tánh thấy
của ông là chân thực, không một chút hư vọng nào cả. Nhưng ông cứ nghĩ rằng
tánh thấy ấy không chân thực, nên ông quay sang cầu mong Như Lai chứng minh cho
tánh thấy ấy là của ông. Với suy nghĩ như vậy, ông càng chạy càng xa mục tiêu.
Ông đang quay lưng với đạo, lạc mất lối về. Ông thật đáng thương xót.”
Đến lúc nầy Đức Phật chẳng
còn cách nào để giúp A-nan được nữa. Cũng giống như khi đệ tử không vâng lời
tôi nữa; tôi cũng chẳng có cách nào giúp họ. Đức Phật đã giải thích rất nhiều
đạo lý, nhưng A-nan không chịu nghe. Đức Phật càng giảng giải cho ông, ông càng
không hiểu. Không còn cách nào giúp A-nan nữa, Đức Phật trông chờ vào lời đáp
của A-nan.
Kinh
văn:
阿難白佛言,世尊。若此見性必我非餘。我與如來觀四天王勝藏寶殿,居日月宮。此見周圓遍娑婆國。退歸精舍,只 見伽藍。清心戶堂但瞻簷廡。
A-nan
bạch Phật: “Bạch Đức Thế tôn, nếu tánh thấy nầy nhất định là con chứ chẳng phải
là gì khác, thế khi con và Như Lai xem lầu các bảo điện thù thắng của Tứ thiên
vương trong cung nhật nguyệt, cái thấy nầy bao trùm cả cõi Ta-bà. Quay
về tinh xá chỉ thấy vườn chùa, nơi giảng đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành
lang.”
Giảng:
A-nan bạch Phật: “Bạch Đức
Thế tôn, nếu tánh thấy nầy nhất định là con chứ chẳng phải là gì khác– Như Lai
chắc chắn bảo rằng tánh thấy có thể thấy được vật nầy hiển nhiên là của con và
của mọi người; mà chẳng phải là cái gì khác. Thế khi con và Như Lai xem kho
tàng bảo điện thù thắng của Tứ thiên vương – Như Lai đã dùng thần thông đề giúp
cho con thấy được cung địên của Tứ thiên vương. “Thù thắng” có nghĩa là rất tốt
đẹp và vi diệu, “lầu các” có nghĩa là những châu ngọc đặc biệt quý báu được
dùng để làm cung điện. “Trong cung nhật nguyệt, chúng ta cũng đang cùng đi tới
cung nhật nguyệt. Cái thấy nầy bao trùm cả cõi Ta-bà.” Bây giờ tánh thấy nầy có
thể nhìn thấy được rất xa và rộng; có thể thấy được mọi thứ ở khắp nơi. Điều
nầy chứng tỏ rằng tánh thấy hòan toàn bao trùm khắp.
Đến đây có người sẽ bảo rằng
cụm từ “cõi ta-bà” và “cõi Diêm-phù-đề” như vừa nói ở trước nên được thay đổi,
nhưng thực ra nó có cùng ý nghĩa như nhau, không cần phải thay đổi. Điều ấy
không quan trọng. Vấn đề chính là quý vị phải hiểu được lý trong đoạn kinh văn
nầy. Có người cho rằng “cõi ta-bà” là chỉ cho thế giới chúng ta đang sống, còn
“cõi Diêm-phù-đề” là bao gồm rất nhiều thế giới. Nhưng có thể xem “cõi ta-bà”
với ý nghĩa là có nhiều thế giới cũng được. Theo ý nghĩa tôi đang giảng kinh
nầy, thì 2 thuật ngữ trên là không có gì thay đổi.
“Quay về tinh xá chỉ thấy
vườn chùa, nơi thiền đường thanh tịnh thì chỉ thấy hành lang.”
Chữ già-lam trong Kinh văn
là chỉ cho Tinh xá Trúc Lâm. Già-lam [xi]
dịch sang tiếng Hán có nghĩa là chúng viên - vườn chùa, là nơi có các vị Hộ
pháp như Kuan Ti Kung (Quan Công) với bộ râu dài và gương mặt đỏ. A-nan nói
rằng : “Con thấy có rất nhiều vị Bồ-tát Hộ pháp Già-lam đang ở quanh đây.”
Trong cụm từ thiền đường
thanh tịnh - thanh tâm hộ đường, chữ tâm (心)
không có nghĩa là con tim mà có nghĩa là trung tâm của khu già-lam. A-nan nói:
“Khi con vào bên trong, con chỉ thấy hành lang, hiên nhà trước mặt con chứ
không có gì nữa cả. Còn khi nhìn lên trời, con thấy rất nhiều, bây giờ trong
phòng nầy, con thấy ít hơn!” Rốt cục, cái thấy của con co rút vào đâu? Tại sao
không thấy được bên ngoài?” A-nan vẫn còn lý lẽ để thắc mắc. A-nan vẫn còn muốn
tranh luận với Đức Phật và muốn Đức Phật phải quan tâm đến lý lẽ của mình.
Những lý lẽ A-nan sẽ trình bày tiếp sau đây rất là kỳ đặc.
Kinh
văn:
世尊,此見如是。其體本來周遍一界。今在室中,唯滿一室.為復此見縮大為小。為當牆宇夾令斷絕。我今不知斯義所在。願垂弘慈為我敷演.
Bạch
Thế tôn, cái thấy nầy như vậy, bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới. Nay tại
trong phòng thì chỉ khắp một phòng. Vậy cái thấy nầy rút lớn
thành nhỏ, hay bị tường vách xen vào giữa làm cho dứt đoạn? Nay con chẳng biết
nghĩa ấy như thế nào? Kính mong Như Lai từ bi dạy rõ.
Giảng:
Dạy một đệ tử như A-nan thì
thật là mệt nhọc, thật quá nhức đầu. Anh ta hỏi xa rồi hỏi gần, hỏi lớn rồi
nhỏ, hỏi vuông rồi lại hỏi tròn. A-nan hỏi tánh thấy tại sao có thể thấy được
nhiều thứ mà lại nhỏ như vậy? Phải chăng tường vách ép lại hay cắt đứt đoạn
tánh thấy ấy đi? “Bạch Thế tôn, cái thấy nầy như vậy. Khi con ở cõi trời Tứ
thiên vương, con thấy được rất nhiều và nay con ở trong phòng, con lại thấy rất
ít. Bản thể của nó trùm khắp cả pháp giới. Thể tính của tánh thấy nầy vốn trùm
khắp cả hư không pháp giới. Nay tại trong phòng thì (tánh thấy) chỉ khắp một
phòng. Bây giờ cái thấy chỉ còn lại trong pham vi căn phòng nầy. Vậy cái thấy
nầy rút lớn thành nhỏ chăng? Phải chăng cái thấy đã lớn nay bị co rút lại nên
hóa thành nhỏ? Từ bao la như pháp giới nay rút nhỏ lại bằng kích thước trong
một căn phòng. Rốt ráo, tánh thấy ấy đã bị rút nhỏ lại như thế nào? Con không
hiểu được đạo lý nầy.
Trái banh thì lớn khi nó
chứa đầy không khí, nhưng khi xả không khí ra thì nó trở thành nhỏ. Không khí
biến mất, hành dáng trái banh cũng không còn. Phải chăng tánh thấy cũng như
trái banh? A-nan vẫn lẫn lộn tánh thấy với vật thể. A-nan vẫn nghĩ rằng: “À!
Tánh thấy là một vật. Con vừa nghĩ ra một cách dùng thí dụ để tranh luận với
Thế tôn và đã thắng. Con sẽ nghĩ ra cách để vô hiệu hóa lý lẽ của Thế tôn. Con
sẽ tìm ra cách chứng minh cho lập luận của con đưa ra là đúng, và Thế tôn sẽ
chứng minh cho con.” Đó là những gì đang diễn biến trong đầu A-nan. “Thế tôn
bảo rằng mọi điều con nói đều sai. Con dứt khóat sẽ tìm ra cách chứng tỏ đó là
đúng và Thế tôn phải công nhận.” Người ta cho rằng ngã chấp của A-nan bấy giờ
quá kiên cố. “Sao Thế tôn bảo rằng mọi điều con nói đều sai?” Thế nên A-nan bảo
rằng tánh thấy bị co rút nhỏ lại, “hay bị tường vách xen vào giữa làm cho dứt
đoạn? Khi con từ ngoài đi vào trong nhà, thì tường vách ép lại và cắt đứt đoạn
tánh thấy của con. Nếu không thì tại sao tánh thấy bị nhỏ lại khi nó vốn rộng
lớn trùm khắp bao la như thế?”
Nhân đây tôi xin kể một câu
chuyện. Thuở xưa, ở Trung Hoa có một gia đình rất giàu có, thấy cậu con trai
lớn của mình rất tối dạ, nên mời một vị thầy rất giỏi đến nhà dạy cho con mình
học. Phú ông thấy con mình quá chậm lụt sẽ sợ khổ nhọc khi học chữ, nên ông nói
với thầy giáo: “Đừng nghiêm khắc quá, nếu thầy dạy được cho nó dù chỉ một ngày
một chữ thôi, tôi xin tạ ơn thầy rất hậu hỹ. Thực vậy, thầy chỉ cần dạy cho nó
biết được một chữ cũng là đủ lắm rồi.”
“Việc ấy quả dễ!” Vị thầy
trả lời. Rồi ông ta bắt đầu dạy. Cậu học trò thật là quá ngu. Thầy dạy cho cậu
ta chữ nhất (一 ), trong tiếng Hán đó là một
nét ngang. Thầy viết ra giấy nhiều lần và bảo: “Này, nhìn đây! Đây là chữ nhất.
Đọc là yi. Hãy nhớ nằm lòng.” Ông thầy dạy như thế suốt mấy ngày và cuối cùng
cậu học trò không quên. Cậu nhớ được chữ nhất. Một hôm phú ông mời vị thầy đến
nhà mình dùng cơm. Sau khi ăn xong, họ cùng đi dạo ngắm hoa trong vườn. Vị thầy
rất tự hào nói với phú ông: “Ông bảo con trai ông rất ngu đần nhưng tôi thấy nó
rất thông minh, tôi đã dạy cho nó biết được chữ.”
Phú ông vui mừng hỏi: “Nó
biết được chữ rồi sao? Hãy hỏi thử nó xem sao?”
Vị thầy bèn dùng chân mình
viết một chữ nhất thật lớn trên mặt đất. Rồi hỏi cậu học trò mình: “Đó là chữ
gì?”
Cậu học trò ngẩng đầu lên
nhìn săm soi hết bên nầy đến bên kia rồi nói: “Con chẳng biết.”
Vị thầy bảo: “Tôi đã dạy cậu chữ nầy mấy ngày
nay rồi không nhớ sao! Đó là chữ nhất, có nhớ không?”
Quý vị có đoán được cậu học
trò trả lời như thế nào không?: “Chữ nhất mà thầy dạy cho con đâu có lớn như
thế!”
A-nan cũng như cậu học trò
ấy. A-nan nói: “Khi con ở bên ngoài, con thấy được rất nhiều; tại sao khi ở
trong phòng lại thấy được ít như vậy? Lạ thật! Có phải tường vách đã ép lại và
cắt đoạn tánh thấy đi chăng?” Nay con chẳng biết nghĩa ấy như thế nào? Nay con
không hiểu được. Càng nghe giải thích con càng thấy mờ mịt. Chuyện ấy như thế
nào? Rốt ráo, làm sao mà tánh thấy lớn rồi nhỏ? Con không hề rút nó lại; sao nó
trở thành nhỏ. Nếu có thể rút nhỏ nó lại được, thì ít nhất cũng có người đã rút
nó rồi. Hay có lẽ là do tường vách chắn đứt đoạn tánh thấy ấy đi! Con không
hiểu được điều nầy. Đơn giản đó là gì? Kính mong Như Lai từ bi dạy rõ.
Bạch Thế tôn! Cúi mong Ngài
rủ lòng đại từ bi thương xót giải từ mối nghi nầy cho chúng con và từng lúc
giảng bày rõ ràng giáo lý thâm diệu.”
A-nan mê muội hơn tôi nhiều.
Bây giờ tôi đã thông hiểu được giáo lý nầy, nhưng lúc ấy, A-nan chưa rõ được
điều ấy.
[iv] . Còn gọi là am-một-la;
P: Amba. S: āmra, amra, amlaphala. Amarapuspa. Là trái có hình
dáng như trái xoài. Theo Tiếng Phạn, chỉ cho nhiều loại thực vật giống nhau,
nên thường có sự nhầm lẫn với trái am-ma-lặc; p:āmalaka; S: āmalaka, āmlikā; dạng như trái đậu,
thường dịch là Dư cam tử.
[vii] . Ngũ suy tướng hiện: 1- Hoa trên mũ héo úa. 2- Nách ra
mồ hôi. 3- Áo quần dơ bẩn. 4-Thân mất uy nghi, có mùi hôi, mắt thường chớp. 5-
Không thích ngồi lâu, thường làm những việc thô tháo với ngọc nữ.
[ix] . Nguyên văn: Bất
thị phong động, bất thị phan động, thị nhân giả tâm động; 不 是 風 動, 不 是 幡 動, 是 仁 者 心 動.
[xi] .
Già-lam 伽藍; C: qiélán; J: garan. E: Sublime abode; Monastic ground.
Gọi tắt của Tăng-già-lam-ma (僧 伽藍 摩; s: saṃgha-ārāma), nghĩa là khu vườn của chúng tăng, “Chúng
viên”. Là nơi thanh tịnh để tu tập thiền định. Chùa hay Tu viện Phật giáo.
No comments:
Post a Comment