Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (6)



Kinh văn:

若在虛空,自非汝體,即應如來,今見汝面,亦是汝身?

Nhược tại hư không, tự phi nhữ thể, tức ưng Như lai, kim kiến nhữ diện, diệc thị nhữ thân?

Việt dịch:

Nếu ở ngoài hư không thì nó chẳng phải là tự thể của ông, thế nay Như Lai thấy được mặt ông, Như Lai cũng là thân của ông hay sao?

Giảng:

Nếu ở ngoài hư không thì nó chẳng phải là tự thể của ông.

Hư không chẳng phải là thân thể của ông nếu tâm và mắt ông đều ở trong hư không thì chúng chẳng có chút nào liên quan với ông. Vậy mà–nếu ông nói chúng nó có sự liên quan với ông. Như ông nói những thực thể tách biệt kia ở trong hư không là bộ phận của thân thể ông. Thế nay Như Lai thấy được mặt của ông, Như Lai cũng là thân của ông hay sao?

Đức Phật bảo A-nan “Nếu ông muốn nói thân và tâm ông đều ở ngoài hư không thì chúng nó không phải là bộ phận của thân thể ông. Còn nếu ông nói tâm và mắt của ông đang treo lơ lững ngoài hư không và nó cũng là bộ phận của thân thể ông thì lẽ ra, Như Lai đang nhìn thấy được gương mặt ông từ vị trí thuận lợi trong không gian thì nó cũng là một phần của thân thể ông hay sao? Trong trường hợp đó Như Lai đã hóa thành ông, điều ấy hợp lý chăng?”

Kinh văn:

汝眼已知,身合非覺。必汝執言身眼兩覺,應有二知。即汝一身應成兩佛。

Nhữ nhãn dĩ tri, thân hiệp phi giác. Tất nhữ chấp ngôn, thân nhãn lưỡng giác, ưng hữu nhị tri. Tức nhữ nhứt thân ưng thành lưỡng Phật.

Việt dịch:

Trong trường hợp đó, khi mắt ông biết thì thân ông vẫn không biết. Ắt là ông cho thân và mắt đều biết, thì phải thành hai cái biết. Tức là một thân của ông có thể thành hai vị Phật.

Giảng:

Trong trường hợp đó, khi mắt ông biết thì thân ông vẫn không biết. Phải chăng đó là cách đúng đắn? Nếu ông cho thân và mắt đều biết thì phải thành hai cái biết.

Nếu ông khăng khăng cho lý lẽ này là đúng thì theo đó sẽ có hai cái biết, một của thân và một của mắt, mỗi bộ phận phải có một cái biết riêng biệt khác nhau. Tức là một thân ông có thể thành hai vị Phật.

Tại sao? Vốn chỉ có một cái biết duy nhất để chứng ngộ Phật tánh. Nay ông có hai cái biết thì ông sẽ trở thành hai vị Phật. Liệu quý vị có thể trở thành hai vị Phật được không?

Kinh văn:

是故應知,汝言見暗,名見內者,無有是處。

Thị cố ưng tri, nhữ ngôn kiến ám, danh kiến nội giả, vô hữu thị xứ.

Việt dịch:

Thế nên phải biết, khi ông nói thấy tối là thấy trong thân, điều ấy vô lý.



Giảng:

Thế nên phải biết vì những lý lẽ khác nhau vừa được bàn luận, ông nên biết rằng khi ông nói thấy tối là thấy trong thân, điều ấy vô lý. Một lần nữa, lý lẽ của ông là không đúng.

Kinh văn:

阿難言,我常聞佛開示四眾,由心生故種種法生,由法生故種種心生。

A-nan ngôn: Ngã thường văn Phật, khai thị tứ chúng, do tâm sanh cố, chủng chủng pháp sanh, do pháp sanh cố, chủng chủng tâm sanh.

Việt dịch:

A-nan thưa: Con thường nghe Đức Phật dạy tứ chúng, do tâm sinh nên các pháp sinh; do pháp sinh nên các thứ tâm sinh.

Giảng:

Nay A-nan lại hỏi Phật: A-nan thưa: Con thường nghe Đức Phật dạy tứ chúng.

Trước đây, A-nan thường đem ý riêng của mình để tưởng tượng ra nơi chỗ của tâm và mắt. Mỗi ý tưởng đều bị Đức Phật bác bỏ. Nên nay không dám trình bày ý riêng của mình nữa mà trích dẫn lời khai thị của Đức Phật. nói: “Con nghe Đức Phật thường khai thị cho tứ chúng.” Tứ chúng là tỷ-khưu, tỷ-khưu ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Tỷ-khưu và tỷ-khưu ni là những nam nữ đã xuất gia. Còn ưu bà tắc, ưu-bà-di là những Phật tử tại gia đã thọ nhận năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu). Ưu bà tắc, Ưu-bà-di còn được gọi là cư sĩ.

Do tâm sinh nên các pháp sinh.

Vì quý vị có tâm - Đức Phật đang nói về tâm ý thức–nên các pháp theo tâm ý thức ấy mà sinh khởi. Đây có nghĩa là sự biểu hiện của thức (thức biến) hiện bày ra mọi hiện tượng. Các pháp vốn không có tự tánh, nó chỉ hiện hữu bởi nhiều yếu tố nhân duyên.

Vì các pháp sinh nên các thứ tâm sinh.

“Vì nhân duyên sinh ra các pháp, nên mọi tâm ý thức đều sinh khởi. Đây là giáo pháp mà Thế tôn giảng giải cho con nên chẳng cần nghi nghờ gì nữa.” A-nan nói: “Nay căn cứ vào giáo pháp Đức Thế tôn đã dạy, con có một suy nghĩ khác.”

Kinh văn:

我今思惟,即思惟體實我心性, 隨所合處,心則隨有。亦非內外中間三處 。

Ngã kim tư duy, tức tư duy thể, thật ngã tâm tánh, tùy sở hiệp xứ, tâm tắc tuỳ hữu, diệc vô nội ngoại trung gian tam xứ.

Việt dịch:

Nay con suy nghĩ, thì cái thể của suy nghĩ ấy thực là tâm con, tuỳ chỗ hoà hợp, tâm theo đó mà có, chẳng phải ba chỗ trong, ngoài và ở giữa.

Giảng:

Nay con suy nghĩ –A-nan lại suy nghĩ nữa. Ông ta suy nghĩ điều gì? Thì cái thể của suy nghĩ ấy thực là tâm con. Cái thể của suy tưởng ấy là tánh của tâm con. Cái nhận thức, hiểu biết ấy là tánh của tâm con (tánh mà A-nan nêu ra đây không phải là tự tánh, thể tánh) mà vẫn còn là tâm ý thức.

Tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà có.

Bất kỳ lúc nào tâm ấy gặp đủ yếu tố nhân duyên, nó liền kết hợp với những yếu tố nhân duyên đó mà hiện hữu. Bất kỳ khi nào những yếu tố này kết hợp với nhau, ở đó có sự hiện hữu của tâm. Nếu không có sự kết hợp của các yếu tố nhân duyên thì tâm không hiện hữu.

Chẳng phải ba chỗ trong ngoài và chặng giữa.

Tâm chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, chẳng phải ở giữa. Đúng hơn, bất kỳ khi nào hội đủ yếu tố nhân duyên thì tâm hiện hữu. Nếu không hội đủ nhân duyên thì có lẽ chẳng có tâm.

Một lần nữa, những gì A-nan trình bày dường như đúng nhưng lại sai. A-nan vẫn chưa nhận thức được về tâm một cách rõ ràng. Thế nên:

Kinh văn:

佛告阿難,汝今說言由法生故種種心生。隨所合處,心隨有者。是心無體,則無所合。若無有體而能合者,則十九界因七塵合。是義不然。

Phật cáo A-nan: Nhữ kim thuyết ngôn do pháp sinh cố chủng chủng tâm sanh. Tuỳ sở hợp xứ, tâm tuỳ hữu giả. Thị tâm vô thể, tắc vô sở hợp. Nhược vô hữu thể nhi năng hợp giả, tắc thập cửu giới nhân thất trần hợp. Thị nghĩa bất nhiên.

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan: Nay ông nói do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, tùy chỗ hòa hợp, tâm tùy theo đó mà có. Tâm ấy nếu có tự thể, chắc là không có chỗ hòa hợp. Nếu không có tự thể mà hòa hợp thì cũng giống như giới thứ mười chín hòa hợp với trần thứ bảy. Nghĩa ấy không đúng.

Giảng:

Đức Phật sử dụng lại lập luận của A-nan để trả lời. Đức Phật bảo A-nan: Nay ông nói do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, tùy chỗ hòa hợp, tâm tùy theo đó mà có.

Ông nói rằng tâm hiện hữu bất kỳ lúc nào hòa hợp với các pháp. Nếu không có sự hòa hợp thì dĩ nhiên tâm không hiện hữu. Đó là cách ông lập luận. Nhưng tâm ấy nếu không có tự thể, chắc là không có chỗ hòa hợp.

Nhưng cái tâm ông đang đề cập đến ấy có tự thể chăng? Nếu nó không có tự thể hoặc không có hình tướng thì nó không thể hòa hợp với các thứ khác. Nếu nó không có sắc tướng thì nó sẽ nương vào đâu mà hòa hợp?

Nếu không có tự thể mà hòa hợp được,

Sẽ vô lý nếu cứ khăng khăng rằng nó có thể hòa hợp được với mọi vật mặc dù nó không có tự thể, nhưng giả sử ông cứ khăng khăng như thế thì cũng giống như giới thứ mười chín hòa hợp với trần thứ bảy. Nghĩa ấy không đúng.

"Vốn chỉ có mười tám giới nay thành ra có mười chín giới. Giới vừa mới phát sinh thêm, như ông vừa lập luận, là do tâm ông hiện hữu. Mười tám giới là gì? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu căn cộng với sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần sẽ sinh ra khởi sáu thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Tổng cộng là mười tám giới. Sáu căn và sáu trần tiếp xúc nhau gọi là mười hai xứ (thập nhị xứ) hay mười hai lối vào (thập nhị nhập)."

Đức Phật chỉ ra sự thêm thắt hợp lý trong lập luận của A-nanlà sự hiện hữu của giới thứ mười chín, nơi mà giả sử như cái tâm-không-có-tự-thể ấy “hiện hữu khi nó hòa hợp với vật.” Những vật mà tâm hòa hợp cũng giống như trần thứ bảy, nghĩa này vẫn không đúng. A-nan phạm sai lầm thêm một lần nữa.

Kinh văn:

若有體者如.汝以手自挃 [i]其體。汝所知心為復內出為從外入。若復內出還見身中。若從外來先合見面.

Nhược hữu thể giả, như nhữ dĩ thủ tự chất kỳ thể, nhữ sở tri tâm vi phục nội xuất, vi tùng ngoại nhập? Nhược phục nội xuất, hoàn kiến thân trung. Nhược tùng ngoại lai tiên hợp kỳ diện.

Việt dịch:

Nếu tâm có tự thể, khi ông lấy tay gãi trên thân thì tâm ông có nhận ra cái biết từ bên trong thân ra, hay do ngoài thân mà có? Nếu từ trong thân ra thì phải trở lại thấy trong thân. Nếu từ ngoài vào thì trước hết phải thấy được mặt của ông.

Giảng:

Bây giờ Đức Phật giải thích lý do tại sao ngài cho rằng A-nan mắc sai lầm một lần nữa.

Nếu tâm có tự thể Đức Phật nói rõ thật là vô lý khi nói tâm không có tự thể. Nhưng nếu như tâm có tự thể, nếu tâm quý vị có tâm thể thì: Khi ông lấy tay tự gãi trên thân thì tâm ông có nhận ra cái biết là từ trong thân ra hay do ngoài thân mà có?

Có phải chăng tâm xuất hiện từ bên trong hay thể tánh của tâm là từ bên ngoài đi vào? Trước tiên ông cứ cho rằng tâm ông là ở bên trong. Nhưng bây giờ thì ông không cho nó là ở bên trong, bên ngoài hay ở giữa nữa. Thế thì nó ở đâu? Phải chăng tâm ông sẽ hiện hữu khi tùy chỗ hòa hợp với vật? Tâm ông có biết khi mình gãi trên thân, thì cái biết ấy là từ ngoài vào hay từ trong ra?

Nếu nó từ trong thân ra thì nó phải thấy trở lại trong thân. Đã chứng tỏ được rằng tâm không thể ở bên trong, vì nếu ở bên trong thì nó phải thấy được những thứ ở trong thân.

Nếu nó từ ngoài vào thì trước hết nó phải thấy được mặt của ông.

Nếu tâm ông ở bên ngoài thì lẽ ra nó phải thấy được mặt ông, trước khi nhận ra chỗ ông gãi vì ngứa, tâm ông có thấy được mặt của mình không?

A-nan trở nên bối rối khi Đức Phật nêu lên điểm này.

Kinh văn:

阿難言:見是其眼,心知非眼,為見非義。

A-nan ngôn: Kiến thị kỳ nhãn, tâm tri phi nhãn, vi kiến phi nghĩa.

A-nan thưa: Thấ́y là ở con mắt, còn cái biết nơi tâm thì không phải do mắt, (Thế tôn nói) tâm thấy là không hợp lý.

Giảng :

A-nan quyết đoán rằng lời giải thích của Đức Phật là quá phi lý bởi vậy nên A-nan không đồng ý và bắt đầu phản bác:

A-nan thưa: Thấy là ở con mắt. Còn cái biết nơi tâm thì không phải do mắt”

Mắt thấy sự vật, tâm chỉ biết các sự vật ấy mà thôi. (Thế tôn nói) tâm thấy là không hợp lý.

Quý vị cho rằng tâm thấy là hoàn toàn sai lầm, hoàn toàn không hợp lý. Trước đây, Đức Phật đã quở trách A-nan và nói: “Thật không có nghĩa ấy.” Nay A-nan đáp lại với lời phê phán y như vậy. “Như Lai nói rằng nếu tâm có từ bên ngoài thì lẽ ra nó phải thấy khuôn mặt. Nhưng tâm chỉ có thể biết, nó không thể thấy được, thấy được là do mắt.”

A-nan càng lý luận càng lạc xa mục tiêu.

Kinh văn:

佛言:若眼能見,汝在室中門能見不? 則諸已死,尚有眼存,應皆見物。若見物者,云何名死。

Phật ngôn: Nhược nhãn năng kiến, nhữ tại thất trung, môn năng kiến phủ? Tắc chư dĩ tử, thượng hữu nhãn tồn, ưng giai kiến vật. Nhược kiến vật giả, vân hà danh tử?

Việt dịch:

Đức Phật bảo: Giả sử như mắt có thể thấy thế khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy được chăng? Cũng thế, khi người chết, mắt họ vẫn còn, lẽ ra vẫn còn thấy được vật. Nếu thấ́y được vật, sao gọi là chết?

Giảng:

Đức Phật bảo: Giả sử như mắt có thể thấy thế khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy được chăng?

Những cánh cửa trong phòng có thể nhìn thấy được cảnh vật chăng?

Cũng thế, khi người chết mắt họ vẫn còn, lẽ ra vẫn còn thấy được vật. Nếu thấy được vật sao gọi là chết?

Thực vậy, dĩ nhiên khi quý vị chết rồi thì mắt không còn thấy được nữa, cho dù thể trạng của mắt vẫn còn nguyên. Nếu như sau khi chết mắt vẫn còn thấy được thì làm sao mà gọi là chết?

Nhưng thời đại ngày nay, mắt của người chết lại được móc ra rồi cất vào ngân hàng mắt. Nó vẫn còn sử dụng được. Điều này có chứng minh được gì về lý giải của Đức Phật trong kinh này chăng khi nói mắt không thể nhìn thấy được nữa sau khi chết ?

Cho dù mắt ấy còn có thể thấy được, cũng cần phải có thêm năng lực của tánh giác sáng suốt của con người nữa mới khiến cho mắt có thể thấy được. Mắt cũng giống như những khung cửa, tự nó không thể thấy được. Nó như cơ thể trong suốt, giống như những cửa sổ, qua đó người ta có thể nhìn thấy được cảnh vật. Còn trong cơ thể của người đã chết, không còn sinh lực gì nữa.

Kinh văn:

阿難又汝覺了能知之心,若必有體,為復一體,為有多體? 今在汝身,為復遍體,為不遍體?

A-nan, hựu nhữ giác liễu năng tri chi tâm, nhược tất hữu thể, vi phục nhứt thể, vi hữu đa thể?

Kim tại nhữ thân, vi phục biến thể, vi bất biến thể?

Việt dịch:

Lại nữa A nan, nếu tâm hiểu biết của ông có tự thể, thì có một thể hay nhiều thể? Nó ở nơi thân ông là khắp cả thân hay chẳng khắp cả thân?

Giảng:

Đức Phật tiếp tục giảng giải cho đệ tử: Lại nữa, A-nan, nếu tâm hiểu biết của ông là có tự thể. Nếu ông quả quyết cho rằng cái tâm suy lường phân biệt được mọi thứ ấy có tự thể, thì (tâm ấy) có một thể hay có nhiều thể? Cái tâm của ông ấy chỉ có một thể hay có nhiều thể? Tâm ấy ở nơi thân ông, là khắp cả thân hay chẳng khắp cả thân?

Cái thể này nó ở nơi đâu trong thân ông? Nó có ở khắp nơi thân ông hay không?

Kinh văn:

若一體者。則汝以手挃一肢時。四肢應覺。若咸覺者,挃應無在。若挃有所,則汝一體,自不能成。

Nhược nhứt thể giả, tắc nhữ dĩ thủ, trất nhứt chi thời, tứ chi ưng giác. Nhược hàm giác giả, trất ưng vô tại, nhược trất hữu sở, tắc nhữ nhứt thể, tự bất năng thành.

Việt dịch:

Nếu tâm chỉ có một thể thì khi ông lấy tay gãi một chỗ trên thân thì lẽ ra các nơi khác trên thân đều có cảm giác. Nếu tất cả thân phần đều có cảm giác, thì chỗ gãi không nhất định. Nếu chỗ gãi nhất định thì nghĩa tâm có một thể là không hợp lý.

Giảng:

Nếu tâm chỉ có một thể thì khi ông lấy tay gãi một chỗ trên thân thì lẽ ra các nơi khác trên thân đều có cảm giác.

Chúng ta hãy giả định rằng nếu như tâm có một thể, cư trú ngay trong tâm mình. Thì khi quý vị dùng tay gãi lên một chỗ trên chân hoặc tay mình, lẽ ra cả hai tay và hai chân đều phải có cảm giác.

Tại sao? Vì quý vị nói rằng chỉ có một tâm duy nhất. Nhưng thực ra, nếu quý vị gãi lên một chi phần thân thể thì lẽ ra chỉ có riêng chi phần ấy có cảm giác thôi, ba chi phần kia phải hoàn toàn không biết chỗ gãi.

Nếu tất cả thân phần đều có cảm giác thì chỗ gãi không nhất định.

Nếu ông nói rằng khi gãi vào một chân, thì chân kia và cả hai tay đều biết, cớ sao ông lại cho rằng chỉ có một chỗ gãi duy nhất trên thân? Vì toàn thân có cảm giác như thể được gãi khắp nơi trên thân.

Nếu chỗ gãi không nhất định, thì nghĩa tâm có một thể không hợp lý.

Nếu quý vị có cảm giác chỗ gãi chỉ là một nơi nhất định trên thân thì quý vị không thể lập luận rằng tâm chỉ là một thể duy nhất trong toàn thân.

Kinh văn:

若多體者,則成多人。 何體為汝?

Nhược đa thể giả, tắc thành đa nhân. Hà thể vi nhữ?

Việt dịch:

Nếu có nhiều thể thì thành ra có nhiều người. Vậy thể nào là của ông?

Giảng:

Nếu có nhiều thể. Đoạn này giải thích tại sao ba chi phần thân thể kia không nhận được cảm giác khi ta gãi ở chi phần thứ tư. Nếu nhận được cảm giác ấy thì thành ra có nhiều người. Nếu tâm ông có nhiều tâm thể thì trong ông không chỉ là một người. Vậy trong trường hợp ấy, Thể nào là của ông?

Kinh văn:

若遍體者,同前所挃。若不遍者,當汝觸頭,亦觸其足。頭有所覺足應無知。今汝不然。

Nhược biến thể giả, đồng tiền sở trất; Nhược bất biến giả, đương nhữ xúc đầu, diệc xúc kỳ túc. Đầu hữu sở giác, túc ưng vô tri. Kim nhữ bất nhiên.

Việt dịch:

Nếu ở khắp thân thì như đã nói trước đây (chỗ gãi không nhất định), nếu chẳng khắp thân thì khi ông xoa đầu rồi sờ chân, nếu đầu biết thì chân phải không biết. (Nhưng) trường hợp này không đúng với ông.

Giảng:

Nếu ở khắp thân thì như đã nói trước đây (chỗ gãi không nhất định).

Đức Phật kiên nhẫn nhắc lại lời giải thích ở trước. Nếu ông nói rằng tâm ông là một thể duy nhất biến khắp thân ông thì lẽ ra khi ông gãi ở một nơi thì toàn thể mọi phần thân thể phải nhận được cảm giác.

Nếu chẳng khắp thân thì khi ông xoa đầu rồi sờ chân, nếu khi đầu biết thì chân phải không biết. Nhưng trường hợp này không đúng với ông.

Nhưng nếu ông nói rằng tâm ông không bao trùm khắp thân thì chân ông sẽ không có được cảm giác khi ông xoa đầu. Nhưng dù ông có xoa đầu hay không thì chân ông vẫn có cảm giác khi tiếp xúc với mọi vật. Thế nên không thể nói tâm ở khắp trên thân và cũng không thể nói tâm chẳng bao trùm khắp thân.

Kinh văn:

是故應知,隨所合處,心則隨有,無有是處。

Thị cố ưng tri, tùy sở hiệp xứ, tâm tắc tùy hữu, vô hữu thị xứ.

Việt dịch:

Thế nên phải biết, tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà hiện hữu là không hợp lý.

Giảng:

Thế nên phải biết, tùy chỗ hòa hợp, tâm theo đó mà hiện hữu là không hợp lý.

Đây là lần thứ năm A-nan cố gắng hết sức mình để xác định tâm mình ở đâu và Đức Phật một lần nữa chỉ bày những lý lẽ của hàng đệ tử đưa ra là không có căn cứ.

Kinh văn:

阿難白佛言:世尊我亦聞佛與文殊等諸法王子談實相時,世尊亦言:心不在內,亦不在外。

A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn, ngã diệc văn Phật dữ Văn-thù đẳng chư pháp vương tử, đàm thật tướng thời, Thế tôn diệc ngôn: Tâm bất tại nội, diệc bất tại ngoại.

Việt dịch:

A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, con được nghe khi Thế tôn cùng với ngài Văn-thù-sư-lợi và các vị pháp vương tử bàn về nghĩa thực tướng, Thế tôn nói: Tâm chẳng phải ở trong, cũng không phải ở ngoài.

Giảng:

A-nan lại dùng lời Phật dạy để làm căn cứ cho luận điểm của mình, để chứng minh cho ý kiến của mình là thông lợi.

A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn con được nghe Thế tôn cùng với Ngài Văn-thù-sư-lợi và các vị Pháp vương tử bàn về nghĩa thực tướng.

“Đây chính là những lời Đức Phật đã giảng giải chứ không phải là những lời con bịa ra. Chính Thế tôn đã nói như vậy.”

Ngay khi A-nan vừa mở miệng trình bày, A-nan liền muốn biện minh cho luận điểm của mình bằng cách viện dẫn lời dạy của Đức Phật. Quả là A-nan có rất nhiều biện tài.

Văn-thù-sư-lợi là Bồ-tát Diệu Cát Tường, còn gọi là Bồ-tát Diệu Đức. Ngài cùng với Bồ-tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát thường lắng nghe âm thanh ở thế gian và Bồ-tát Phổ Hiền, vị Bồ-tát biểu tượng cho nguyện lực vĩ đại, là các vị Đại Bồ-tát, là những Pháp vương.

Thế nào là nghĩa “thực tướng”? Thực tướng nghĩa là tướng chân thực, cũng còn gọi là chân tâm hằng có của chúng ta xưa nay.

Thực tướng có ba nghĩa:

Vô tướng tức là thực tướng. Tức là không có một tướng hư vọng nào cả. Nhưng mà bản thể của nó chẳng phải là không.

Nhưng không có gì là không có tướng. Vô tướng chính là thực tướng. Tức là tùy duyên mà hiện hữu. Hết thảy các sự hiện hữu mầu nhiệm trên thế gian vốn đều chẳng phải là không có tướng.

Nhưng chẳng phải vô tướng là thực tướng. Tức là chân không nhưng chẳng ngại diệu hữu. Diệu hữu chẳng ngại chân không. Như thật muốn nói đến sự hiện hữu chân thực, ắt phải dứt tuyệt hẳn các tướng, rời hẳn các danh xưng, vì thực tướng vốn chẳng dính một vật.

Như thật muốn nói đến hết thảy đều là không thì điểm linh quang từ chân tâm vốn chẳng phải mê mờ, ứng dụng thảy đều tự tại.

Thế tôn cùng Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói về thực tướng, nó chẳng phải ở trong, chẳng phải ở ngoài, tức nói về chân tâm vốn không hình tướng, bản nhiên vốn thường thanh tịnh, rời xa tất cả hình tướng.

Chân tâm vốn đã vô tướng, vốn không có nơi chốn, nên không thể nói ở trong hay ở ngoài được. Lại nữa, chân tâm vốn tròn đầy, bao trùm khắp chốn, giống như hư không. Nên tuy không ở nơi nào, nhưng không nơi nào mà chẳng có.

Thế tôn nói: “Tâm chẳng phải ở trong, cũng không phải ở ngoài.”

Hàm ý của A-nan trong câu này là: “Bạch Thế tôn đây chính là lời của Thế tôn từng nói. Nay con chỉ lặp lại. Sao Thế tôn cho đó là sai?”

Kinh văn:

如我思惟,內無所見,外不相知。內無知故,在內不成。身心相知,在外非義。今相知故,復內無見,當在中間。

Như ngã tư duy, nội vô sở kiến, ngoại bất tương tri, nội vô tri cố, tại nội bất thành, thân tâm tương tương tri, tại ngoại phi nghĩa, kim tương tri cố, phục nội vô kiến, đương tại trung gian.

Việt dịch:

Theo con suy nghĩ, nếu tâm ở bên trong mà không thấy được vật bên trong, còn ở ngoài thì tâm và thân chẳng biết nhau. Vì tâm không biết ở trong, nên nghĩa ở trong không hợp lý. Vì thân tâm biết nhau, nên nói tâm ở ngoài cũng chẳng phải. Nay vì thân tâm biết nhau, và lại cũng không thấy được bên trong, nên tâm chắc chắn ở giữa.

Giảng:

Theo con suy nghĩ: Nay con suy nghĩ kỹ một lần nữa. Nếu tâm ở bên trong mà không thấy được vật bên trong.

Khi nói tâm ở bên trong, phải hàm ý rằng tâm có thể thấy được trong thân.

Còn ở ngoài thì thân và tâm chẳng biết nhau.

Đức Phật đã chỉ rằng nếu tâm ở ngoài thân thì thân tâm lẽ ra chẳng biết nhau.

Vì tâm không biết ở trong, nên nghĩa ở trong không hợp lý.

Do tâm không biết được những gì ở bên trong thân, nên không thể nói được rằng tâm ở trong thân.

Vì thân và tâm biết nhau nên nói tâm ở ngoài cũng chẳng phải.

Thân và tâm cùng chia xẻ với nhau cái biết. Như Đức Phật vừa giảng giải, chỉ ra cho A-nan rõ thân tâm cùng biết nhau khi mắt thấy bàn tay Phật và tâm nhận biết bàn tay ấy. Nếu thân tâm ngoài nhau, thì sẽ không có cùng tánh biết ấy. Thế nên thân tâm không thể ở ngoài nhau được.

Nay vì thân tâm biết nhau, và lại cũng không thấy được bên trong.

Bây giờ con mới hiểu được điều này. Con nhận ra tâm con chắc chắn là ở giữa. A-nan bây giờ quả quyết rằng tâm mình ở giữa. Nói chắc chắn ở giữa là chỗ nào thì A-nan không nói được. Đó là chỗ ở giữa trong thân, hay là ở giữa phía ngoài của thân. Đó là lý do mà Đức Phật tiếp tục gạn hỏi A-nan.

Kinh văn:

佛言:汝言中間,中必不迷,非無所在。今汝推中,中何為在? 為復在處,為當在身?

Phật ngôn: Nhữ ngôn trung gian, trung tất bất mê, nhi vô sở tại. Kim nhữ suy trung, trung hà vi tại? Vi phục tại xứ, vi đương tại thân?

Việt dịch:

Đức Phật bảo: Ông nói tâm ở giữa, chỗ ấy hẳn là không phải bỗng dưng mà có, hoặc không có vị trí nhất định. Nay ông phải xét kỹ, điểm giữa ấy là nơi nào? Là tại cảnh bên ngoài, hay là ở trên thân?

Giảng:

Đức Phật bảo: Ông nói tâm ở giữa, chỗ ấy hẳn là không phải bỗng dưng mà có, hoặc không có vị trí nhất định.

Chỗ giữa mà ông nói phải có một nơi chốn nhất định, phải biết chắc chắn về nó. Do vậy nay ông phải xét kỹ điểm giữa ấy là nơi nào?

Phải suy nghĩ về câu hỏi này thật kỹ. Đức Phật nhấn mạnh vào điểm này.

Điểm giữa ấy là nơi nào? Là tại cảnh bên ngoài hay là ở trên thân?

Điểm giữa ấy là một nơi nào đó ở cảnh vật bên ngoài hay là ở nơi thân ông?

Kinh văn:

若在身者,在邊非中,在中同內。若在處者,為有所表,為無所表? 無表同無,表則無定。

Nhược tại thân giả, tại biên phi trung, tại trung đồng nội. Nhược tại xứ giả, vi hữu sở biểu, vi vô sở biểu? Vô biểu đồng vô, biểu tắc vô định.

Việt dịch:

Nếu điểm giữa ấy ở nơi thân, khi ở một bên thân thì chẳng phải là ở giữa, nếu ở giữa thân thì đồng như ở trong thân.

Nếu điểm giữa là nơi cảnh (xứ), thì điểm ấy nêu ra được hay không nêu ra được? Nếu không nêu ra được thì đồng như không có, còn nêu ra được thì điểm ấy không có vị trí nhất định.

Giảng:

Nếu điểm giữa ấy ở nơi thân, khi ở một bên thân thì chẳng phải là ở giữa, nếu ở giữa thân thì đồng như ở trong thân.

Giả sử như điểm giữa mà ông cho là vị trí của tâm là ở trong thân, phải chăng nó ở một bên thân? Thế thì chẳng phải là ở giữa. Phải chăng nó ở giữa thân? Đó là nói tâm ở trong thân và chúng ta đã phủ nhận điều ấy không hợp lý.

Nếu điểm giữa là nơi cảnh thì điểm ấy nêu ra được hay không nêu ra được?

Nếu ông nói điểm giữa ấy là một nơi nào đó thì ông có thể chỉ ra nó ở đâu không? Có một điểm nào cho phép chúng ta có thể liên tưởng đến nó?

Nếu không nêu ra được thì đồng như không có.

Nếu không xác định được sự hiện hữu của điểm giữa ấy, nếu ông không thể nào chỉ ra được nó hiện hữu ở một vị trí nào đó thì nó chẳng tồn tại. Là ông vẫn chưa chỉ được ra điểm giữa ấy.

Còn nêu ra được thì điểm ấy không có vị trí nhất định.

Tại sao Đức Phật lại nói điều này?

Kinh văn:

何以故? 如人以表,表為中時。東看則西南觀成北。表體既混,心應雜亂 。

Hà dĩ cố? Như nhơn dĩ biểu, biểu vi trung thời, đông khán tắc tây, nam quan thành bắc. Biểu thể ký hỗn, tâm ưng tạp loạn.

Việt dịch:

Tại sao? Ví như có người cắm cây nêu để làm điểm giữa, nếu nhìn từ phương Đông thì cây nêu ở phía Tây, nếu nhìn từ phương Nam thì cây nêu ở phía Bắc. Tiêu điểm đã không rõ ràng thì tâm ông cũng thành rối loạn.

Giảng:

Tại sao?

Ví như có người cắm cây nêu. Có người cắm một dấu hiệu trên mặt đất rồi nói: “Nơi đây là điểm giữa.”

Nếu nhìn từ phương Đông thì cây nêu ở phương Tây. Nếu nhìn từ phương Nam thì cây nêu ở phương Bắc.

Tiêu điểm ấy có thể nói là “ở giữa.” Nhưng nếu khi ông đứng ở phía Đông của cây nêu thì tiêu điểm ấy lại ở phía Tây của ông. Làm sao nói nó ở giữa được? Còn khi ông phải đứng ở phía Nam của tiêu điểm ấy thì điểm ấy lại nằm ở phía Bắc của ông. Điểm này cũng không phải là ở giữa. Điều cốt yếu là như tôi đã nói trước đây, cả mười phương đều không thực có. Quý vị có thể cho rằng nơi nào đó là ở phía Nam của quý vị nhưng nếu khi quý vị đi về hướng Nam của điểm ấy thì nó trở thành phía Bắc, nhưng khi quý vị đi về hướng Bắc của điểm ấy thì nó lại nằm ở phía Nam. Thế nên điểm ấy là ở hướng nào? Không có cách nào xác định được. Nghĩa lý trong đoạn kinh này cũng tương tự như vậy.

Tiêu điểm đã không rõ ràng thì tâm ông cũng thành rối loạn.

Tiêu điểm không biểu thị cho một điều gì hết thảy, nó không thể xác định cho một vị trí ở giữa. Nếu tâm ở giữa, nó cũng sẽ không xác định được, cũng như tiêu điểm ấy, sẽ bị nhầm lẫn.

Nói rốt ráo, nơi nào là điểm giữa? Chẳng có nơi nào là điểm giữa cả. Thế nên điểm giữa mà ông đề cập đến cũng là sai lầm.

Kinh văn:

阿難言:我所說中.非此二種,如世尊言,眼色為緣生於眼識。眼有分別,色塵無知。識生其中,則為心在。

A-nan ngôn: Ngã sở thuyết trung, phi thị nhị chủng, như Thế tôn ngôn, nhãn sắc vi duyên, sanh ư nhãn thức. Nhãn hữu phân biệt, sắc trần vô tri. Thức sanh kì trung, tắc vị tâm tại.

Việt dịch:

A-nan thưa: Con nói điểm giữa, chẳng phải là hai thứ ấy. như Thế tôn dạy, mắt gặp sắc trần, duyên sanh nhãn thức. Mắt thì có phân biệt, còn sắc trần thì vô tri. Thức phát sinh trong khoảng giữa ấy, đó chính là tâm con.

Giảng:

A-nan thưa: Con nói điểm giữa, chẳng phải là hai thứ ấy.

"Không xác định được tâm là trong hay ngoài. Bạch Thế tôn, ý con muốn nói là như vậy."

Như lời Thế tôn dạy: Mắt gặp sắc trần, duyên sanh nhãn thức.

"Bạch Thế tôn đó chính là điều Thế tôn đã giảng giải trước đây."

A-nan vẫn vận dụng những lời Thế tôn đã giảng giải từ trước để làm luận điểm cho mình.

"Bạch Thế tyôn, Thế tôn đã từng nói rằng khi mắt thấy sắc trần, thức liền sinh khởi trong khoảng trung gian."

Mắt thì có phân biệt. Tại sao có sự duyên sinh của nhãn thức và của cái thấy khi mắt gặp sắc trần? Bởi vì mắt khởi phân biệt

Sắc trần thì vô tri, thức phát sinh trong khoảng giữa ấy đó chính là tâm con.

Sắc trần tự nó không thể biết, nhưng khi mắt tiếp xúc với sắc trần, tâm phân biệt liền sinh khởi ở trong khoảng trung gian (của sắc trần và mắt). Nơi đó chính là tâm con. Khoảng giữa mà con nói đến ấy là nơi mà mắt và tâm tiếp xúc với nhau làm sinh khởi nhãn thức. Đó chính là tâm.

Kinh văn:

佛言:汝心若在根塵之中,此之心體,為復兼二為不兼二?

Phật ngôn: Nhữ tâm nhược tại căn trần chi trung, thử chi tâm thể, vi phục kiêm nhị, vi bất kiêm nhị?

Đức Phật bảo: Tâm ông nếu ở khoảng giữa căn và trần, vậy tâm thể ấy gồm cả hai bên, hay không gồm cả hai bên.?

Giảng:

Đức Phật lắng nghe A-nan trình bày luận giải của A-nan và phản bác: “Tâm ông nếu ở khoảng giữa căn và trần, vậy tâm thể ấy gồm cả hai bên hay không gồm cả hai bên”

Giả sử như ông nói, tâm ở giữa mắt và sắc trần. Vậy tâm bao gồm cả hai bên, tâm nằm ở một bên hay nằm cả hai bên?

Kinh văn:

若兼二者,物體雜亂。物非體知,成敵兩立。云何為中? 兼二不成,非知不知,即無體性。中何為相?

Nhược kim nhị giả, vật thể tạp loạn. Vật phi thể tri, thành địch lưỡng lập, vân hà vi trung? Kiêm nhị bất thành, phi tri bất tri, tức vô thể tánh. Trung hà vi tướng?

Việt dịch:

Nếu gồm cả hai bên thì căn trần lẫn lộn. Trần thì không biết, căn thì có biết, hai thứ đối lập nhau. Chỗ nào gọi là điểm giữa? Gồm cả hai bên cũng không được, vì không phải có biết và cũng không phải không có biết, tức là không có thể tánh. Điểm giữa ấy lấy gì làm tướng?

Giảng:

Nếu gồm cả hai bên–Nếu tâm ông, cái tâm ông nói nằm ở điểm giữa, nó bao gồm cả căn và trần thì căn trần lẫn lộn. Thế thì bên nào là thể của tâm (căn) ông và bên nào là vật (trần)? Ông có phân biệt rõ được không? Nếu không thể phân biệt được thì nó là một hỗn hợp rối loạn, tập hợp với nhau một cách vô trật tự.

Trần thì không biết, căn thì có biết, hai thứ ấy đối lập nhau.

Trần (vật) thì không biết gì cả, trong khi nhãn căn của ông có một tâm thể. Hai điều ấy mâu thuẫn nhau.

Chỗ nào gọi là điểm giữa?

Điểm giữa mà ông nói là ở đâu? Có phải tâm ông ở giữa–nhãn căn? Hay ở giữa vật mà con mắt ông đã thấy được?

Gồm cả hai bên cũng không được vì không phải có biết và cũng không phải không có biết tức là không có thể tánh.

Nếu tâm ông không bao gồm cả hai bên mắt (nhãn căn) và sắc trần thì sẽ không biết được điều gì cả. Vậy tâm ấy không có được tánh biết. “Điểm giữa” ấy lấy gì làm tướng?

Phân tích đến chỗ cùng cực. Đâu là tâm ông?

Kinh văn:

是故應知當在中間無有是處.

Thị cố ưng tri, đương tại trung gian, vô hữu thị xứ.

Việt dịch:

Thế nên phải biết tâm ở chặng giữa là không có lý.

Giảng:

Thế nên phải biết tâm ở chặng giữa là không có lý.

Này A-nan từ những lý do đã nêu trên, ông nên biết rằng những lập luận của ông, cho rằng tâm ở chặng giữa là không đứng vững, không có nguyên lý nào như vậy cả.

Kinh văn:

阿難白佛言世尊。我昔見佛與大目連。須菩提.富樓那, 舍利弗四大弟子,共轉法輪。常言覺知分別心性,既不在內,亦不在外,不在中間,俱無所在。一切無著,名之為心。則我無著,名為心不 ?

A-nan bạch Phật ngôn: Thế tôn, ngã tích kiến Phật dữ đại Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất tứ đại đệ tử, cộng chuyển pháp luân. Thường ngôn giác tri phân biệt tâm tánh, kí bất tại nội, bất tại trung gian, câu vô sở tại. Nhất thiết vô trước, danh chi vi tâm. Tắc ngã vô trước danh vi tâm phủ ?

Việt dịch:

A-nan bạch Phật: Bạch Thế tôn, xưa nay con thấy Phật cùng bốn vị đệ tử lớn là ngài Đại Mục-kiền-liên, Tu bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất cùng chuyển pháp luân. Đức Phật thường nói: tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa, đều không có nơi chỗ. Hết thảy đều không dính mắc, đó gọi là tâm.

Vậy cái không dính mắc của con có được gọi là tâm chăng?

Giảng:

Người ta cho rằng A-nan bắt đầu lúng túng khi nghe Đức Phật phản bác lập luận của A-nan lại một lần nữa.

A-nan đã cạn kiệt hết kiến thức của mình đến mức hết biện bác được nữa. Lúc này A-nan không còn lối thoát nào nữa, chẳng còn cách nào nữa cả. Thế nên, một lần nữa A-nan vận dụng những đạo lý mà Đức Phật đã giảng trước đây vào tình huống hiện tại với một nỗ lực cứu thoát mình ra khỏi bế tắc.

A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn xưa nay con thấy Phật cùng bốn vị đệ tử lớn là Ngài Mục-kiền-liên. Hán dịch là “Thái thúc thị”, nghĩa là người con của dòng họ chuyên ăn rau đậu.”

Tu-bồ-đề (Subhuti), Hán dịch là “Không sinh.”

Phú-lâu-na (Purna), Hán dịch là “Mãn từ tử”, nghĩa là người con của lòng từ.

Xá-lợi-phất cùng chuyển pháp luân.

Chuyển pháp luân có nghĩa là đem giáo pháp Đức Phật đã giảng dạy mà giáo hóa chúng sinh, làm cho giáo pháp ấy được lưu truyền bằng cách này hoặc bằng cách khác ở khắp mọi nơi. Cũng như đạo lý trong kinh Thủ-lăng-nghiêm nay được giảng giải khắp mọi đạo tràng vậy. Đó là lý do được gọi là pháp luân “bánh xe pháp.” Việc chuyển bánh xe pháp khiến cho đạo lý được hiển bày và quét sạch thiên ma ngoại đạo. Khi những tà phái ngoại đạo nào gặp bánh xe pháp này, những tà kiến đó liền bị nghiền nát.

Đức Phật thường giảng trong tạng A-hàm và Phương đẳng[ii] rằng: “Tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở chặng giữa, đều không có nơi chỗ.

Nếu bản tánh của tâm tính toán, hiểu biết, phân biệt ấy không ở phía trong, chẳng ở bên ngoài, có lẽ nó ở giữa hai vị trí ấy, nhưng mà cũng không ở một nơi chốn nhất định, chẳng có một nơi chốn nào cả.

Hết thảy đều không dính mắc, đó gọi là tâm.

Cái tâm hiểu biết ấy không hề dính mắc. Cái tâm mà con đang đề cập tới cũng không dính mắc. Nhưng con không biết người ta có gọi đó là “tâm” không?

A-nan nghĩ rằng nếu mình hỏi với cách như thế, chắc có lẽ Đức Phật sẽ đồng ý với điều mà A-nan cho là “tâm.” Vì chính Đức Phật cũng đã nói như vậy.

Nhưng những điều Đức Phật đã nói trước đây chỉ khế hợp với pháp thế gian. Giáo pháp của Đức Phật vào thời ấy tương hợp với sự hiểu biết của căn cơ người nghe vào thời ấy. Căn cơ hàng Tiểu thừa không hiểu được giáo pháp Đại thừa nếu nói về chơn tâm mà không có lời giảng giải cho họ thì họ không thể nào tin được, thế nên Đức Phật giảng nói cho họ về thức tâm (tâm phân biệt).

Đức Phật tùy thuận theo pháp thế gian, nhưng nay A-nan lại muốn nhận lấy thức tâm phân biệt của hàng phàm phu ấy làm tâm mình. A-nan có đúng chăng? Cơ bản quan điểm của A-nan cũng xuất phát từ cái nhìn của hàng phàm phu. Nhưng “tâm” mà Đức Phật đang nói đến lại không phải là thức tâm, “tâm” ấy chính là “chân tâm thường trụ.” Không phải là tâm chứa đầy vọng tưởng. Thế mà A-nan cứ cho rằng tâm sinh khởi vọng tưởng ấy chính là chân tâm của mình, A-nan tiếp tục phạm sai lầm như nhận kẻ cướp làm con mình.

Kinh văn:

佛告阿難:汝言覺知分別心性,俱無在者。世間虛空,水陸飛行,諸所物象,名為一切。汝不著者,為在為無?

Phật cáo A-nan: Nhữ ngôn giác tri phân biệt tâm tánh, câu vô tại giả. Thế gian hư không, thủy lục phi hành, chư sở vật tượng, danh vi nhất thiết; nhữ bất trước giả, vi tại vi vô?

Việt dịch:

Đức Phật bảo A-nan: Ông nói bản tánh của tâm hiểu biết phân biệt này đều không ở tại đâu cả. Vậy các vật có hình tướng trên thế gian như hư không và các loài thủy, lục, không, hành… tất cả các vật. Cái dính mắc mà ông nói đó là hiện hữu hay không hiện hữu?

Giảng:

Một lần nữa, Đức Phật lại phản bác lời giải thích của A-nan bằng câu hỏi:

Đức Phật bảo A-nan Ông nói bản tánh của tâm hiểu biết phân biệt này nó đều không ở tại đâu cả.

Không có sự dính mắc thì sẽ không có một nơi chốn nhất định.

Vậy các vật có hình tướng trên thế gian như hư không và các loài thủy, lục, không, hành… tất cả các vật.

Có hai loại thế gian: hữu tình thế gian và khí thế gian. Thế gian hữu tình gồm các loại chúng sinh. Khí thế gian gồm các hiện tượng và vật thể như núi, sông, đất liền và nhà cửa các loại.

Những vật này cùng với hư không và các loại trần cảnh đều được tạo thành bởi hai loại: y báo và chánh báo.

Y báo là khí thế gian, gồm núi sông đất liền, chánh báo là các loại chúng sinh. Thế giới này đều tạo thành bởi hai loại này.

Trong tất cả các hiện tượng trên thế gian, nay được ông xếp vào loại nào? Nơi nào mà ông không bị dính mắc? Cái dính mắc mà ông nói là hiện hữu (mà không dính mắc), hay không hiện hữu (mà không dính mắc) Có nơi nào để nói ông không dính mắc hay không? Nếu như chỗ dính mắc ấy không có thì đồng như chỗ ấy không hiện hữu.

Kinh văn:

無則同於龜毛兔角。云何不著?

Vô tắc đồng ư quy mao thố giác. Vân hà bất trước?

Việt dịch:

Nếu không hiện hữu thì đồng như lông rùa sừng thỏ. Sao gọi là không dính mắc?

Giảng:

Nếu không hiện hữu thì đồng như lông rùa sừng thỏ.

Quý vị có bao giờ thấy được lông rùa và sừng thỏ chưa? Nói cách khác là những thứ ấy không hiện hữu trên thế gian.[iii] Sao gọi là không dính mắc.

Nếu nó không hiện hữu thì quý vị thử nghĩ nó dính mắc vào cái gì?

Kinh văn:

有不著者,不可名無。無相則無,非無則相。相有則在,云何無著?

Hữu bất trước giả, bất khả danh vô. Vô tướng tắc vô, phi vô tắc tướng. Tướng hữu tắc tại, vân hà vô trước?

Việt dịch:

Nếu đã có cái không dính mắc thì không thể gọi là không. Không tướng thì không. Chẳng không thì phải có tướng. Có tướng thì phải có chỗ nơi, làm sao lại nói là không dính mắc?

Giảng:

Nếu đã có “cái không dính mắc” thì không thể gọi là không.

Ông hãy giả định rằng có một nơi nào đó có cái gọi là không dính mắc. Thế thì ông không thể nói chẳng có gì hết thảy ở nơi chỗ ấy cả.

Ông đã nói là không dính mắc, nhưng nếu đã có một nơi gọi là không dính mắc thì vẫn còn có sự hiện hữu, thì làm sao lại nói là không dính mắc được? Nhưng nếu sự thực là không có gì hiện hữu cả. Nếu ở đó không có gì hết - tại sao ông lại muốn gán cho nó cái tên “không dính mắc”? Đây thực là đặt thêm một cái đầu trên đầu hay cưỡi lừa tìm lừa vậy.

Không tướng thì không

Nếu ông không có gì dính mắc thì không hiện hữu.

Chẳng không thì phải có tướng. Có tướng thì phải có chỗ nơi, sao gọi là không dính mắc?

Nhưng nếu nó không hiện hữu tức nó phải có hình tướng. Nếu một vật đã có sắc tướng, chắc chắn nó phải có nơi chốn hiện hữu. Nếu nó đã có nơi chốn, sao nói nó không có sự dính mắc.

Kinh văn:

是故應知,一切無著,名覺知心,無有是處。

Thị cố ưng tri, nhất thiết vô trước, danh giác tri tâm, vô hữu thị xứ.

Việt dịch:

Thế nên phải biết tất cả cái không dính mắc mà gọi là tâm hiểu biết (của ông), là không có lý.

Giảng:

Đã qua bảy lần A-nan hết sức cố gắng xác định vị trí của tâm nhưng đều thất bại. Đức Phật nói:

Thế nên phải biết tất cả cái không dính mắc mà gọi là tâm hiểu biết (của ông), thật không có lý.

Nói rằng tâm ông là hết thảy những gì không dính mắc là không đúng. Lập luận của ông không đứng vững, nó hoàn toàn không hợp lý.

Kinh văn:

爾時阿難在大眾中,即從座起,偏袒右肩,右膝著地,合掌恭敬,而白佛言:

Nhĩ thời A-nan tại đại chúng trung, tức tòng tòa khởi, thiên đảnh hữu kiên, hữu tất trước địa, hiệp chưởng cung kính, nhi bạch Phật ngôn:

Việt dịch:

Khi ấy A-nan ở trong đại chúng, đứng dậy bày vai áo bên phải, đầu gối bên phải quỳ xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật:

Giảng:

Trong suốt thời gian đối thoại với Đức Thế tôn, A-nan đã lập luận một cách quanh quẩn không có lối ra. A-nan đã đi lòng vòng mà không tìm ra được lý lẽ chính xác, vì A-nan đã dùng tâm thức phân biệt bỏ quên chân tâm của mình. Thế nên từ vô thỉ đến nay. A-nan không thể nào thể nhập vào pháp giới nhiệm mầu. A-nan đã không thấu thoát được, không qua được cuộc khảo nghiệm.

Khi ấy A-nan ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy.

Lúc ấy trong hội chúng có rất nhiều vị Đại a-la-hán, Đại tỷ-khưu Đại bồ-tát.

Bày vai áo bên phải có nghĩa là khi đắp y, A-nan để cho phía vai bên phải của mình bày ra. Như quý vị thấy tôi đang đắp y là hình ảnh đúng như trong kinh mô tả: bày vai áo bên phải.

Ở Trung Hoa, việc đắp y bày vai bên phải không được xem là biểu hiện sự tôn kính, nhưng theo phong tục ấn Độ, đặc biệt là trong truyền thống Đạo Phật, việc bày vai áo bên phải là biểu lộ lòng tôn kính tối cao. Khi A-nan bày vai áo bên phải và đầu gối bên phải quỳ xuống đất, cử chỉ này biểu trưng cho sự thanh tịnh của thân nghiệp. Thân không thể nào tạo ác nghiệp khi thân ở trong tư thế ấy.

Chắp tay cung kính

Điều này biểu hiện cho sự thanh tịnh của ý nghiệp.

Bạch Phật, việc này biểu hiện sự thanh tịnh của khẩu nghiệp.

Khi A-nan cung kính cầu thỉnh Đức Phật chỉ dạy giáo pháp, ba nghiệp thân khẩu ý hoàn toàn thanh tịnh.

Kinh văn:

我是如來最小之弟,蒙佛慈愛,雖今出家,猶恃憍憐,所以多聞未得無漏。

Ngã thị Như Lai tối tiểu chi đệ, mông Phật từ ái, tuy kim xuất gia, du thị kiêu lân, sở dĩ đa văn, vị đắc vô lậu,

Việt dịch:

Con là em nhỏ nhất của Thế tôn. Nhờ Thế tôn thương yêu, nay tuy con đã xuất gia, nhưng vẫn còn ỷ lại lòng yêu thương của Thế tôn, do đó chỉ được đa văn mà chưa được quả vô lậu.

Giảng:

Nay A-nan suy xét lại tại sao ông ta đã hoài phí thời gian từ khi theo Phật xuất gia. A-nan thưa:

Con là em nhỏ nhất của Thế tôn.

Trong dòng họ của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có bốn vị vua và tám người con trai. Vua cha của Đức Phật là một trong bốn vị vua ấy. Mỗi vị vua có hai người con trai. A-nan là người nhỏ tuổi nhất trong số các anh em đó.

Nhờ Thế tôn thương yêu nay tuy đã xuất gia

“Con đã theo Đức Phật, theo đời sống của người xuất gia”

Khi xuất gia, có nghĩa là rời khỏi ngôi nhà vô minh. Có thể nói đó là ngôi nhà mà mọi người đang cư ngụ. Người xuất gia rời khỏi ngôi nhà tam giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Người xuất gia phải rời khỏi ngôi nhà phiền não và rời khỏi ngôi nhà thế gian, đó là gia đình người ấy đang sinh sống. Khi quý vị đã xuất gia có nghĩa là quý vị phải rời xa ngôi nhà thế tục và luôn cả những ngôi nhà vô minh, ngôi nhà phiền não và ngôi nhà tam giới. Nhưng mặc dù A-nan đã rời ngôi nhà thế tục, A-nan vẫn chưa chế ngự được những tình cảm luyến ái của mình. A-nan vẫn chưa ra khỏi ngôi nhà vô minh phiền não và ngôi nhà tam giới.

Nhưng vẫn còn ỷ lại lòng yêu thương của Thế tôn.

A-nan thú nhận mình đã quá ỷ lại vào sự quan hệ gia đình với Đức Phật. Đôi khi A-nan tự cho phép mình phóng túng đôi chút để tạo sự chú ý ở Đức Phật. Đôi khi A-nan hành xử như một chú điệu nghịch ngợm có chủ ý, hoặc A-nan cố ý phạm lỗi không tuân thủ oai nghi. A-nan trông cậy ở cảm tình của Đức Phật chăm sóc đến mình.

Do đó chỉ được đa văn mà chưa được quả vô lậu.

A-nan tập trung vào việc học rộng nhớ nhiều mà ít siêng năng tu tập định lực. A-nan chỉ mới đạt được quả vị đầu tiên của hàng A-la-hán, chưa đạt được quả vị thứ tư nên chưa được quả vị vô lậu. Đến quả vị thứ tư mới đoạn trừ hẳn sinh tử và không bị tái sinh trở lại trong tam giới. Nhưng ở quả vị thứ nhất vẫn còn bị sinh tử trở lại trong tam giới, vẫn còn trong địa vị hữu lậu.

Kinh văn:

不能折伏娑毘羅呪,為彼所轉溺於婬舍。當由不知真際所詣。

Bất năng chiết phục Ta-tỳ-la chú, vi bỉ sở chuyển, nịch ư dâm xá. Đương do bất tri chơn tế sở nghệ.

Việt dịch:

Nên con không thể chiết phục được chú thuật Ta-tỳ-ca-la, bị nó xoay chuyển và sa vào nhà dâm, tất cả chỉ vì không biết chỗ quy hướng chân tâm.

Giảng:

Nên con không thể chiết phục được chú thuật Ta-tỳ-ca-la. Con không thể nào chống chọi nổi với tà chú của Tiên phạm thiên mà ngoại đạo tóc vàng thường sử dụng, đó là tà pháp của bàng môn tả đạo. Con không có đủ đạo lực để hàng phục được chúng.

Bị nó xoay chuyển và sa vào nhà dâm

"Tà chú đã làm cho con bị đắm chìm trong mê muội như thể con bị chìm trôi trong biển."

Còn có một cách giải thích khác trong Hán ngữ, chữ nịch (溺) có nghĩa là “chìm đắm” và còn có nghĩa là “nước tiểu.” A-nan đang diễn tả rằng ông ta bị dính mắc những thứ bất tịnh.

A-nan đã bước vào nơi nhà thổ dơ bẩn, nơi mà chính phụ nữ bán thân cho người hành lạc. A-nan nhận ra mình bị kẹt dính trong đó như thể bị rơi vào hầm nước thải không có lối nào thoát ra được.

Nếu Đức Phật không dùng chú Thủ-lăng-nghiêm để giải cứu thì A-nan không còn có cơ hội để sau này được kiết tập Kinh tạng. Nếu như Kinh tạng đã được kiết tập trọn vẹn, chắc hẳn là do một người nào khác chớ không phải do A-nan. May mắn thay, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã dùng chú Thủ-lăng-nghiêm để giải cứu A-nan, thế nên A-nan mới có thể kiết tập Kinh Thủ-lăng-nghiêm và ghi lại cho chúng ta biết nhân duyên Đức Phật thuyết kinh này.

Tất cả chỉ vì không biết chỗ quy hướng chân tâm.

Chơn tế là một tên gọi khác của chơn tâm.

Tại sao con lại bị sa vào nhà dâm? Vì con không biết được cội nguồn của chơn tâm nơi đâu.

Đến chính lúc này, A-nan vẫn còn cố gắng xác định cho được tâm ở nơi nào. A-nan đang bị chùng lại bởi trí thông minh của mình. A-nan vẫn bị xoay chuyển loanh quanh mà không biết đường ra.

Kinh văn:

唯願世尊大慈哀愍,開示我等奢摩他路。令諸闡提,隳彌戾車。

Duy nguyện Thế tôn đại từ ai mẫn, khai thị ngã đẳng, xa-ma-tha-lộ, linh chư xiển-đề, huy di-lệ-xa.

Việt dịch:

Cúi mong đức Thế tôn mở rộng lòng từ, thương xót chỉ dạy cho chúng con, pháp tu thiền định (xa-ma-tha), khiến cho hàng nhất-xiển-đề và miệt-lệ-xa thoát khỏi tà kiến.

Giảng:

Cúi mong đức Thế tôn mở rộng lòng từ.

Nay con chỉ có một ước nguyện, cúi mong Đức Thế tôn mở rộng lòng đại từ đại bi cứu độ con thoát khỏi khổ đau, ban cho con niềm vui giải thoát. Cúi mong Thế tôn thương xót chỉ dạy cho chúng con pháp tu thiền định (xa-ma-tha) khiến cho kẻ nhất-xiển-đề và miệt-lệ-xa thoát khỏi tà kiến.

Cúi mong Thế Tôn, không những chỉ dạy cho riêng mình con mà còn cho toàn thể mọi người trong đại chúng này, những người thường khởi tâm nghi ngờ trong khi nghe pháp. Xin Thế tôn chỉ dạy cho chúng con cách tu tập chánh định, chỉ bày cho chúng con pháp môn tu tập chỉ quán.

Nhất-xiển-đề[iv] là phiên âm từ tiếng Sanskrit, Hán dịch là “tín căn bất cụ túc” nghĩa là “chưa có lòng tin đầy đủ.” Nhất-xiển-đề là những người mà chưa có niềm tin đầy đủ đối với Phật pháp. Niềm tin chưa đầy đủ đồng nghĩa với không có niềm tin. Nhất-xiển-đề còn có nghĩa là “phần thiêu thiện căn– đốt cháy sạch các căn lành.” Điều gì sẽ còn lại khi các căn lành bị cháy sạch? Chắc chắn là các nghiệp ác.

Pháp sư Trúc Đạo Sinh[v] (Tao Sheng) khi giảng kinh Đại Bát Niết-bàn ở Trung Hoa. Lúc ấy, Kinh Niết-bàn lưu hành ở Trung Hoa chưa được trọn bộ. Chỉ có được cuốn thượng, chưa có cuốn hạ. Trong những cuốn đầu, Kinh dạy: “Nhất-xiển-đề không có Phật tánh, không thể thành Phật.”

Các Pháp sư đương thời hầu hết đều giảng theo ý kinh là hàng nhất-xiển-đề không thể tu tập thành Phật được. Thực ra, những cuốn Kinh cuối cùng của bộ kinh này lại nói rằng nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, cũng có thể tu tập thành Phật. Nhưng lúc ấy, những cuốn kinh sau cùng này chưa được lưu truyền ở Trung Hoa.

Tuy vậy, Pháp sư Trúc Đạo Sinh đã thông đạt được ý kinh ngay từ đầu, nên Pháp sư không giảng kinh theo trào lưu đương thời. Thay vào đó Ngài giảng rằng kẻ nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, cũng có thể thành Phật. Kết quả là các Pháp sư khác chống đối, hiềm khích Trúc Đạo Sinh. Họ cho rằng Trúc Đạo Sinh điên rồ khi giảng giải nghịch với ý kinh và đã làm sai khác với lời Phật dạy. Thực ra, Pháp sư Trúc Đạo Sinh không nói ý kinh là sai hoặc cho là Đức Phật giảng nói không đúng. Mà Trúc Đạo Sinh thấu hiểu được đạo lý ẩn đằng sau lời kinh, nên mặc dù chưa đọc được những cuốn sau cùng của bộ kinh mà Pháp sư đã hiểu được rằng giáo pháp của Đức Phật không hề mang tinh thần như vậy. Nhưng vì sự hiềm khích đã sinh khởi, không còn có ai đến nghe Trúc Đạo Sinh giảng kinh nữa, thế nên Pháp sư vào núi Hổ Khâu, thuộc Tô Châu, gần Thượng Hải, gom đá núi lại rồi giảng kinh cho đá nghe, xiểng dương tinh thần nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh. Pháp sư hỏi đá núi: “Tôi nói nhất-xiển-đề cũng có Phật tánh, quý vị nghĩ sao. Tôi nói có đúng không?” Những tảng đá núi lặng lẽ gật đầu tán thành. Thế nên nói:

Sinh công thuyết pháp

Ngoan thạch điểm đầu

(Trúc Đạo Sinh giảng pháp

Đá thán phục cúi đầu!)

Cơ bản là, dĩ nhiên đá thì vô tri, không thể cựa động, vậy mà đá cũng biết xúc động với lời giảng kinh chân thực của Pháp sư Đạo Sinh nên lặng lẽ cúi đầu tán thán. Có rất nhiều nguyên nhân để có kết quả như thế, tôi tin rằng có rất nhiều quỷ thần và nhiều linh hồn đến ngồi trên các tảng đá núi để nghe giảng kinh.

Chuyện này có nhiều nguyên nhân: Tôi tin là có rất nhiều quỷ thần đang ngồi hoặc nằm trên các tảng đá núi. Trong một giây suy nghĩ, họ không thể nằm trên đá mà phải ngồi khi lắng nghe kinh. Khi nghe Pháp sư Đạo Sinh hỏi như thế các vị quỷ thần rất phấn khích biểu lộ sự đồng tình nên đã làm cho các tảng đá lay động. Hoặc là có khi trong các đời trước, tiền thân của các tảng đá này cũng có linh tánh, nay ẩn tàng trong hình dạng một tảng đá. Đây là lý do bảo chứng cho đá tán thán chỉ thú của ý kinh. Thế nên người đời sau truyền tụng:

Sinh công thuyết pháp

Ngoan thạch điểm đầu

Tuy vậy, kẻ nhất-xiển-đề rất khó giáo hóa và cứu độ. Khi quý vị giảng giải đạo lý cho họ, họ không bao giờ tin hẳn ngay. Họ sẽ nói: “Này, ai thèm nghe những lời như thế!”

Bất luận quý vị có nói hay cỡ nào họ cũng không tin. Họ giống như ngoại đạo Ma-ha Câu-hi-la[vi] nhận “vô chấp” làm luận thuyết của mình. Bất luận quý vị có nói với họ điều gì họ đều không nghe, họ đều không chấp nhận. Đó là hàng nhất-xiển-đề.

Miệt-lệ-xa hay di-lệ-xa[vii] là phiên âm từ tiếng Sanskrit, Hán dịch là “ái trược” nghĩa là thích làm việc xấu ác. Kẻ miệt-lệ-xa thường thích những nơi chốn bất tịnh. Miệt-lệ-xa còn có nghĩa là “ác kiến.” Hầu như tri kiến của mọi người đều chân chính, nhưng tri kiến của hạng người này thì rất xấu ác. Họ không thải ra thứ gì ngoại trừ độc dược, không những chỉ tai hại cho riêng họ thôi mà còn ảnh hưởng đến nhiều người khác muốn bắt chước họ. Thế nên mọi người nên tự sống thức tỉnh và trong sáng, đừng tìm thú vui trong các hành vi xấu ác.

A-nan cầu thỉnh Đức Phật cứu vớt hàng miệt-lệ-xa và ngăn ngừa cho mọi người khỏi bị rơi vào nơi ác xấu, thoát khỏi những tình huống như đã nêu trên.

Kinh văn:

作是語已,五體投地,及諸大眾,傾渴翹佇,欽聞示誨.

Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, cập chư đại chúng, khuynh khát kiều trử, khâm văn thị hối.

Việt dịch:

Sau khi thưa thỉnh, A-nan gieo năm vóc xuống đất, cùng toàn thể đại chúng kính cẩn đứng trông chờ được nghe lời chỉ dạy của Đức Phật.

Giảng:

Sau khi thưa thỉnh, A-nan gieo năm vóc xuống đất

“Năm vóc” gồm hai tay, hai chân và đầu. Tư thế này là biểu hiện sự kính trọng cao tột nhất trong tất cả. A-nan đảnh lễ gieo năm vóc xuống đất, cùng toàn thể đại chúng.

Không những chỉ có A-nan đảnh lễ Đức Phật sau khi thưa thỉnh xong mà toàn thể đại chúng cũng đều đảnh lễ Đức Phật.

Kính cẩn đứng trông chờ được nghe lời chỉ dạy của Đức Phật.

“Kính cẩn trông chờ” là biểu hiện đại chúng lắng nghe một cách chăm chú, theo dõi những lời chỉ dạy mà Đức Phật sẽ ban cho đại chúng, theo dõi giáo lý tu tập thiền định mà A-nan đã thỉnh cầu. Họ đều khao khát giáo pháp một cách nhiệt thành không thể nào diễn tả được, như thể khát nước đang trông chờ được uống. Huệ mạng pháp thân của những vị này đang bị khô úa, nên họ trông chờ Đức Phật rưới nước pháp để nuôi lớn pháp thân huệ mạng cho họ.

Câu “kính cẩn đứng trông chờ” có một nghĩa khác nữa là mọi người đang đứng ở cuối gian phòng đều mong ngóng sẵn sàng được nghe rõ hơn lời dạy của Đức Phật. Những người kiết tập Kinh dùng những thuật ngữ đầy biểu tượng để nói đến sự vui mừng của thính chúng khi được nghe thuyết pháp. “Đứng trông chờ” cũng có nghĩa là những người đứng xa nơi Đức Phật, khi chờ nghe giảng pháp họ phải đứng nhón chân lên có thể nhìn thấy được Đức Phật. Tại sao họ muốn thấy Đức Phật? Vì mọi người đều ưa nhìn ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Như Lai. Mọi người ai cũng muốn chiêm ngưỡng. Kể cả các vị Đại bồ-tát, a-la-hán, tỷ-khưu, cư sĩ trong hội Thủ-lăng-nghiêm. Tôi nghĩ là các vị ấy đều có nhiều ít tâm niệm như tâm niệm của A-nan. Bởi vì lý do A-nan xuất gia là quá ưa thích ba mươi hai tướng tốt của Đức Phật và cũng vì ưa thích tám mươi vẻ đẹp của Đức Phật mà nhiều người khác trong chúng hội đến nghe Đức Phật thuyết kinh Thủ-lăng-nghiêm.

Từ “cung kính” là dùng để nhắc lại một lần nữa các quốc vương, quan đại thần, trưởng giả, cư sĩ đều đứng chờ với lòng tôn kính tối cao để nghe Đức Phật giảng nói về giáo lý tu tập chánh định.

Kinh văn:

爾時世尊從其面門,放種種光,其光晃耀,如百千日。

Nhĩ thời Thế tôn tòng kì diện môn, phóng chủng chủng quang, kỳ quang hoảng diệu, như bách thiên nhật.

Việt dịch:

Khi ấy từ trên cửa mặt (khoảng giữa hai chân mày) của Đức Thế tôn phóng ra các thứ hào quang. Các hào quang ấy sáng chói như trăm ngàn mặt trời.

Giảng:

Khi ấy khi A-nan gieo năm vóc sát đất và đại chúng chú tâm, khát ngưỡng đứng chờ kính cẩn lắng nghe lời chỉ dạy của Thế tôn.

Đức Thế tôn từ diện môn (khoảng giữa hai chân mày) phóng ra các thứ hào quang.

Diện môn 面門 là tiếng Hán, ở đây là nói đến khuôn mặt. Quí vị không nên tìm kiếm một cánh cửa nào đó trên gương mặt của Đức Phật. Chẳng có cánh cửa nào trên gương mặt của Đức Phật cả, mà chỉ có các cửa sổ. Mắt của Đức Phật là cửa sổ, và mũi Ngài là những hang động mà nơi đó, người ta có thể ngồi thiền và tập định. Không những điều ấy có thể xảy ra nơi lỗ mũi của Đức Phật mà có thể xảy ra nơi mũi của chúng ta. Nếu quý vị muốn gọi đó là cửa, nhưng chẳng cần phải chẻ sợi tóc làm tư làm gì.

Từ khuôn mặt của Đức Phật, phóng ra các thứ hào quang, các hào quang ấy sáng chói như trăm ngàn mặt trời.

Đức Phật phóng ra không những chỉ một loại mà gồm rất nhiều loại hào quang từ diện môn của mình. Nói chung hào quang thường có năm màu, nhưng trong năm màu ấy, có rất nhiều màu hòa hợp có thể phân tích ra được. Hào quang của Đức Phật mạnh và sáng hơn điện chớp, soi chiếu khắp nơi. ánh sáng mặt trời chiếu xuống trái đất với năng lượng rất lớn và rất mạnh, nhưng Đức Phật phóng hào quang có ánh sáng rất mãnh liệt, gấp ngàn lần so với ánh sáng mặt trời. Quý vị thử nói trong đó có bao nhiêu đạo hào quang? Khi A-nan kiết tập kinh này, A-nan đã diễn tả hào quang của Đức Phật sáng chói như vậy vì chính A-nan đã chứng kiến được cảnh tượng ấy.

Kinh văn:

普佛世界六種震動。如是十方微塵國土一時開現。

Phổ Phật thế giới, lục chủng chấn động. Như thị thập phương, vi trần quốc độ, nhất thời khai hiện.

Việt dịch:

Sáu điệu chấn động khắp các cõi Phật. Mười phương cõi nước như số vi trần đồng thời hiện ra.

Giảng:

Sáu điệu chấn động khắp các cõi Phật.

Đức Phật trụ thế không chỉ riêng ở thế giới Ta-bà của chúng ta, mà khắp cả các thế giới khác. Cả hàng triệu thế giới đều trải qua sáu loại chấn động. Có ba loại hình chấn động là: động, dõng, khởi.

Động là sự chuyển động của trái đất giống như một cơn động đất vậy.

Dõng là đột nhiên bị rung động, khiến cho lòng đất từ từ phóng vọt lên giống như nước phun lên từ dòng suối.

Khởi là sự chấn động dữ dội trên mặt đất. Đôi khi trái đất có thể bị chấn động dữ dội trồi lên thành chỗ cao hoặc chìm sâu xuống chỗ thấp. Hiện nay trái đất của chúng ta đang ở giữa thời kỳ biến chuyển của sáu loại chấn động.

Ba loại khác là thanh chấn động: gọi là chấn, hống và kích.

Chấn không giống như động mà chỉ là một dạng rung nhẹ của quả đất. Khi dạng chấn động này xảy ra, thì mặt đất bị nứt nẻ ra từng mảng và thường làm nhà cửa sụp đổ.

Hống là khi từ trong lòng đất phát ra những âm thanh mà thế gian chưa từng nghe.

Kích là âm thanh vang ra khi mặt đất bị tách ra thành từng mảnh và hai phần của khối nứt va chạm vào nhau.

Sáu điệu chấn động xảy ra bởi nhiều nguyên nhân: khi có người trên thế gian tu hành sắp thành Phật hoặc khi có người tu tập được giác ngộ, nhưng chưa chứng được quả vị Phật, như khi chứng được quả vị a-la-hán hoặc khi ma vương muốn phá hủy tâm đạo của người tu hành ở thế gian. Thế nên sáu điệu chấn động ấy lại có thiện cảnh và ác cảnh. Khi xảy ra các cảnh chấn động tốt lành và hay đẹp là khi ở nơi thế gian có một Đức Phật vừa thành đạo hoặc có người được chứng ngộ. Khi ấy bất luận sự chấn động của sáu dạng ấy dữ dội đến ngần nào cũng không làm cho mọi loài chúng sinh trên thế gian bị tổn thương. Khi Ma vương muốn thi thố ma lực nhiễu hại tâm đạo của người tu hành nơi thế gian, nó có thể sát hại nhiều người và trút cơn giận dữ bằng sự phá hoại. Khi có một cơn động đất ở một nước nào đó làm cho nhiều người bị chết và bị nạn, rồi ở các nước khác cũng bị xảy ra những tai nạn như vậy. Đó là khi ma vương muốn khoe sức mạnh cơ bắp của mình để hăm dọa loài người ở thế gian, và muốn bành trướng phạm vi quyền lực của mình. Cũng giống như một cuộc phô diễn thế lực chính trị, ma vương biễu diễn thế lực với loài người chúng ta như muốn nói: “Hãy xem thần lực của ta lớn mạnh dường nào. Ta có thể chuyển trời, lật đất.” Bởi vậy nên quý vị phải biết phân biệt kỹ lưỡng khi ta gặp những hiện tượng xảy ra là tốt lành hay xấu ác vì có rất nhiều hiện tượng sai biệt nhau.

Nói về chuyện động đất, tôi nhớ mình đã trải qua một trận động đất vào một đêm sau khi mẹ tôi qua đời. Khi ấy tôi đang thực hành hạnh báo hiếu cư tang bên cạnh mộ mẹ tôi. Tôi đang lúc tĩnh tọa, thấy mọi vật đều rỗng không, chẳng còn thấy gì là vật, chẳng còn thấy gì là tôi nữa. Lúc ấy tôi chợt cảm nhận một sự rung chuyển làm xúc động toàn thân. Tôi tự nghĩ “A! Loài ma nào mà có khả năng làm lay động thân tôi như thế này? Sức mạnh của nó chắc phải dữ dội lắm.” Tôi không biết đó chỉ là một cơn động đất. Ngày hôm sau có người đến bảo cho tôi biết có một cơn động đất vừa mới xảy ra – một trận động đất kỳ quặc. Cái giếng gần nơi tôi ngồi thiền bỗng phun vọt lên những tia lửa. Đây là những dòng nước bằng lửa phun ra từ miệng giếng. Chứ không phải là nham thạch phun ra từ núi lửa. Thật là có quá nhiều chuyện quái lạ trên thế gian này.

Tôi biết có nhiều người suy nghĩ: “Chắc là lòng giếng thông với mỏ lưu huỳnh, là chất nham thạch phun ra trên mặt đất mỗi khi có núi lửa. Đó là lý do dòng lửa phun vọt ra từ miệng giếng.”

Có thể suy nghĩ của họ đúng như vậy. Một khi trên mặt đất xảy ra sáu điệu chấn động thì mười phương cõi nước như số vi trần đồng thời hiện ra.

Có bao nhiêu số vi trần hết thảy? Không thể nào tính kể được, nên các cõi nước xuất hiện nhiều như số vi trần không thể nào tính đếm được. Các vị Đại a-la-hán, Đại bồ-tát, Đại tỷ-khưu, Trưởng lão, Cư sĩ, quốc vương, quan đại thần đều trông thấy các cõi nước này đồng thời xuất hiện. Quý vị có thể biết được cảm giác của mọi người lúc ấy ra sao không?

Kinh văn:

佛之威神 ,令諸世界 合成一界。

Phật chi oai thần, linh chư thế giới, hợp thành nhất giới.

Việt dịch:

Do oai thần của Phật, khiến các thế giới vi trần ấy hợp thành một cõi.

Giảng:

Do oai thần của Phật. Đức Phật dùng năng lực tinh thần và năng lực thần thông khiến các thế giới vi trần ấy hợp thành một cõi.

Mặc dù các cõi nước nhiều không tính kể được mà chúng vẫn hiệp lại làm một. Chẳng hạn như ngày nay chúng ra có thể phóng một bức ảnh từ kích cỡ rất nhỏ thành bức ảnh có kích thước rất lớn, hoặc thu hẹp lại một bức ảnh cực kỳ lớn thành một tấm ảnh rất nhỏ. Quý vị có cho rằng đó là nhờ thần thông không?

Cũng tương tự như vậy, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni dùng năng lực thần thông làm cho những nơi chốn xa xôi gần sát nhau lại bằng cách gom lại vô số cõi nước khắp cả tam thiên đại thiên thế giới lại thành chỉ một quốc độ như thể ngày nay ta thu hẹp lại một bức ảnh lớn. Và tuy thế, mặc dù các cõi nước hiệp lại thành một nhưng mỗi quốc độ vẫn còn giữ được toàn bộ tinh túy từ trong trật tự nguyên ủy của chúng. Mỗi quốc độ đều trụ trong vị trí riêng biệt của chúng không hề lẫn lộn. Nguyên nhân mà Đức Phật làm cho các thế giới hiệp lại với nhau là để cho mọi loài chúng sinh khắp các cõi nước có thể được nghe Đức Phật giảng nói diệu pháp mầu nhiệm không thể nghĩ bàn.






[i] . 挃Trất. Hán ngữ Đại Từ Điển giải thích: 1.đảo搗 . chàng kich; 2, ước thúc, trấp bán縶絆 Bản của Hòa thượng Bich Liên ghi Chất, e không rõ nghĩa. Âm trất với nghĩa đảo搗: Nện, đập, đánh mạnh; quấy rối, gây rối, có lẽ gần với mạch văn trong đoạn kinh nầy hơn.




[ii] . S: Vaipulya; p: vedalla. Phiên âm là Tỳ-phật-lược毘佛略, Tỳ-phú-la毘富羅, dịch nghĩa là Phương đẳng方等, Đại phương đẳng大方等, Phương quảng 方廣Quảng phá廣破, Quảng giải廣解, Quảng bác廣博, Vô tỉ無比. Gọi chung cho Kinh Đại thừa liễu nghĩa.




[iii] . Chỉ có danh xưng. Duy thức Pháp tướng tông cho là không có nghĩa lý




[iv] . Nhất-xiển-đề一闡提 (s: icchantika; ecchantika). Phiên âm Nhất-xiển-để-ca一闡底迦, Nhất-điên-ca 一顛迦, Nhất-xiển-đề-kha一闡提柯. Chữ nầy có nguyên nghĩa là Chính hữu dục cầu chi nhân正有欲求之人. Nên dịch là Đoạn thiện căn斷善根, tín bất cụ túc信不具足, Cực dục極欲, Đại tham大貪, Vô chủng tánh無種性. Chỉ cho sự đoạn dứt tất cả mọi thiện căn, không thể thành Phật được. KinhNhập Lăng-già, quyển 2, phần nói về Nhất-xiển-đề: 斷善闡提,即本來即缺解脫因者 (Đoạn thiện xiển-đề, tức bổn lai tức khuyết giải thoát nhân giả).




[v] . 竺道生 (355-434). Đời Đông Tấn, sống ở Bành Thành. Vốn họ Nguỵ, sau đổi thành họ Trúc. Chuyên nghiên cứu Kinh Niết-bàn.




[vi] . Ma-ha Câu-hi-la (Kauṣṭhila) 摩訶俱絺羅, còn gọi là Trường Trảo Phạm Chí長爪梵志; s: Dirghanakhabrahmacārin, cậu của Xá-lợi-phất. Chủ trương “không chấp nhận tất cả” (vô chấp) làm học thuyết của trường phái mình.


[vii] . s: Mleccha: chỉ cho dòng tộc ti tiện ở vùng biên địa. Còn phiên âm là Di-li-xa彌離車, Miệt-lệ-xa 篾隸車.

No comments:

Post a Comment