Friday, October 14, 2016

Kinh Lăng Nghiêm - hoà thượng Tuyên Hoá giảng giải (42)



Kinh văn:

我滅度後勅諸菩薩及阿羅漢。應身生彼末法之中。作種種形度諸輪轉。

Ngã diệt độ hậu, sắc chư Bồ-tát cập A-la-hán, ứng thân sanh bỉ mạt pháp chi trung. Tác chủng chủng hình độ chư luân chuyển.

Việt dịch:

Sau khi Như Lai diệt độ, dạy hàng A-la-hán và Bồ-tát hãy ứng thân sinh trong đời mạt pháp, hiện ra nhiều hình tướng khác nhau để độ những chúng sinh còn trong vòng luân hồi.

Giảng giải:

Sau khi Như Lai diệt độ, dạy hàng A-la-hán và Bồ-tát hãy ứng thân sinh trong đời mạt pháp.

Các vị nên dùng báo thân và hóa thân sinh ra nơi thế gian nầy, nơi có nhiều khổ nạn. Trong thời mạt pháp, các vị phải dùng nhiều thân tướng, hiện ra trong vô số cảnh giới–có thể là loài người, có thể là súc sinh, hoặc có thể là trong một cách thức nào đó. Họ sẽ tuỳ thuận chúng sinh để độ những chúng sinh còn trong vòng luân hồi.

Họ sẽ cứu độ rộng rãi các chúng sinh. Các vị Bồ-tát sẽ trở lại tho thân súc sinh. Quý vị đừng nghĩ rằng nói như vậy là không cung kính, vì các ngài thực sự làm điều đó. Trong các hạnh Bồ-tát, các ngài sẽ đến để hóa độ hàng súc sinh, như khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong đời quá khứ đã làm thân Lộc vương để cứu độ đàn nai.

Kinh văn:

或作沙門白衣居士,人王宰官,童男童女。如是乃至婬女寡婦姦偷屠販。與其同事稱歎[1] 佛乘。令其身心入三摩地。

Hoặc tác sa-môn bạch y cư sĩ, nhân vương tể quan đồng nam đồng nữ. Như thị nãi chí dâm nữ quả phụ, gian thâu đồ phán. Dữ kỳ đồng sự xưng tán Phật thừa.

linh kỳ thân tâm nhập tam-ma-địa.

Việt dịch:

Hoặc làm sa-môn, cư sĩ bạch y, vua chúa, quan lại, đồng nam đồng nữ. Như vậy cho đến làm dâm nữ, làm người quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, kẻ buôn bán. Để cùng với họ đồng sự, xưng tán Phật thừa, khiến cho thân tâm họ nhập vào tam-ma-địa,

Giảng giải:

Các vị Bồ-tát và A-la-hán nầy dùng hóa thân mình để thành các vị sa-môn, là người đã xuất gia, hoặc đã thọ giới cụ túc, hoặc thọ giới sa-di. Hoặc các vị hóa thành

cư sĩ bạch y. Cư sĩ không sống đời từ bỏ gia đình, và ở Ấn Độ họ được gọi là ‘hàng bạch y.’ Họ hộ trì tam bảo. Đây là do vì hàng xuất gia

Không cày cuốc, nhưng vẫn phải ăn

Không dệt vải, nhưng vẫn phải mặc.

Thế nên cần phải có hàng cư sĩ tại gia cúng dường,

Hoặc có vị Bồ-tát hóa thành vua chúa trong cõi người, hoặc là quan lại, Hoặc các ngài hóa thành đồng nam đồng nữ. Như vậy cho đến làm dâm nữ, làm người quả phụ. Thậm chí các ngài có thể hóa thành người gian dối, trộm cắp, người hàng thịt, kẻ buôn bán.

Ngay cả họ có thể hóa ra kẻ trộm đạo, kể đồ tể, hoặc giới buôn bán những thứ như ma tuý. Các vị Bồ-tát và A-la-hán cùng với họ đồng sự,

Tại sao các ngài lại hóa thành các hạng người như vậy? Là vì các ngài muốn chuyển hóa những hạng người nầy. Để làm được việc đó, các ngài phải dùng Tứ nhiếp pháp.

1. Bố thí

2. Ái ngữ

3. Lợi hành

4. Đồng sự.

Trước hết các ngài nhiếp phục chúng sinh bằng bố thí. Có ba dạng bố thí:

1. Tài thí

2. Pháp thí

3. Vô uý thí.

Nếu mình có tiền, thì cho tiền. Nếu biết giáo pháp, thì giảng pháp cho họ nghe. Nếu có người sợ hãi, bối rối, thì mình an ủi và giúp đỡ cho họ, qua đó khiến cho họ hết sợ, đó là bố thí sự không sợ hãi. Nhưng để thực hiện những phương pháp nầy, mình phải không được tham cầu và mong được đáp trả. Quý vị không nên suy nghĩ, “ A! Nay mình bố thí theo cách nầy, trong tương lai mình sẽ được nhiều điều tốt đẹp.” Hãy làm và quên đi. Hãy buông bỏ. Thế mới gọi là “Tam luân thể không.”[2]

Ba phương diện đó là: người bố thí, vật phẩm đem bố thí và người nhận. Quý vị nên thực hành việc bố thí với phong thái đó là một việc mình nên làm, hơn là việc tích luỹ các thứ công đức.

Bố thí pháp cũng như vậy. Khi quý vị giảng pháp cho người nghe, quý vị đừng nên nghĩ rằng, “Công đức giảng pháp của tôi lớn vô cùng, quý vị nên cúng dường cho tôi.”

Bố thí sự không sợ hãi cũng như vậy. Khi bố thí, quý vị không nên tính toán có bao nhiều lợi lạc mà mình có được từ việc ấy. Cũng không nên có ý định bố thí khi thấy rằng sẽ có sự lợi lạc cho mình, trong khi đó, từ chối việc bố thí khi thấy mình chẳng được lợi lạc.

Thứ hai là nhiếp phục họ bằng ái ngữ. Chẳng hạn,, Đức Phật nói với A-nan, “Thiện tai! Thiện tai!” Và bằng cách đó,, các vị Bồ-tát khen ngợi các chúng sinh, nói rằng, “Con thực là một chú bé ngoan. Con thật là thông minh. Con rất có thiện căn.”

Thứ ba, các ngài nhiếp phục chúng sinh bằng lợi hành, có nghĩa là làm mọi việc để giúp ích cho người khác.

Thứ tư, các ngài nhiếp phục chúng sinh qua việc đồng sự. Có nghĩa là bất cứ họ làm việc gì, các ngài cũng làm với họ. Có khi Bồ-tát muốn cứu độ một cô gái điếm vốn có thiện căn đã đến lúc chín muồi, như con gái của Ma-đăng-già đề cập trong kinh nầy là một ví dụ.

Con gái của Ma-đăng-già là gái điếm, nhưng thời của cô đã đúng lúc, khi A-nan trở về Kỳ-viên tịnh xá, cô đi theo. Ngay sau khi nghe Đức Phật giảng pháp, cô ta chứng quả vị thứ ba của hàng A-la-hán. Sau cùng cô ta chứng quả thứ tư A-la-hán. Và cô ta là cô gái điếm đầu tiên chứng quả.

Thế nên để cứu độ các cô gái điếm, các vị Bồ-tát có thể hóa thân thành gái điếm, vì nếu họ tham dự vào cùng nghề nghiệp và thân thiện, những gì họ nói đều được tin tưởng bởi những người mà các ngài muốn cứu độ. Chẳng hạn,, một sinh viên đại học có thể nói rằng, “Tôi tin Phật pháp, thật là vi diệu. Tôi sẽ tham cứu kinh nầy, kinh nầy ngay bây giờ.” Vị sinh viên kia sẽ nói: “Tôi cũng muốn đi. Tôi cũng muốn tìm hiểu kinh ấy.” Thế là họ cùng nhau đi nghiên cứu Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Đó cũng như vậy.

Do vậy quý vị sẽ không thể nào hiểu được ai là Bồ-tát, ai là A-la-hán. Nhưng nếu quý vị là một trong các vị đó, thì đừng nói cho ai biết. Quý vị đừng có đi quanh rồi rao lên rằng, “Tôi là Bồ-tát. Các ông nên lắng nghe những gì tôi nói.” Tại sao quý vị không được làm như vậy? Vì Đức Phật cấm không được làm điều đó. Thế nên các vị Bồ-tát và A-la-hán cùng làm những việc như mọi người dang làm, nhưng khi làm việc đó, thì các ngài xưng tán Phật thừa, khiến cho thân tâm họ nhập vào tam-ma-địa.

Họ có thể đắm mình vào trong cùng một công việc với người khác, nhưng để giảng nói Phật pháp vào mọi lúc thích hợp. “Phật pháp rất hay! Không có gì sánh bằng.” Và với cách nầy, họ sẽ khiến cho người nghe bị lôi cuốn, như thể họ đang ăn một cây kẹo.

Điều đó nhắc tôi nhớ một câu chuyện trong Ngữ lục. Thời xưa ở Trung Hoa, vào đời Đường có một vị tăng pháp danh là Đỗ Thuận.[3] Ngài thường giảng kinh và thuyết pháp, và ngài còn dạy tham thiền. Có khi ngài lại dạy mọi người niệm Phật. Ngài dùng mọi phương pháp để giáo hóa mọi người. Ngài có một đệ tử đã xuất gia theo học với ngài hơn 10 năm. Thường ngày, chú đệ tử rất để tâm đến công hạnh của thầy mình. Chú cố gắng hiểu xem thầy mình là ai, có nghĩa là, thầy là Bồ-tát, là A-la-hán, hay có khi là Phật? Cuối cùng, sau 10 năm, chú đi đến kết luận rằng thầy mình, Pháp sư Đỗ Thuận, là một người bình thường, chẳng có điều gì khác lạ nơi thầy mình cả. Thầy ăn cũng như mọi người khác ăn. Thầy mặc cũng như mọi người đều mặc. Thầy ngủ cũng như mọi người ngủ. Thầy không có điều gì khác hơn mọi người. Thế nên chú đệ tử dứt khóat thầy mình không phải là Phật hay là Bồ-tát hay là A-la-hán. Do vậy, nên chú đến bên thầy vái tạ, xin rời khỏi thầy.

Ý định của chú là gì?

Chú định lên núi Ngũ Đài Sơn để đảnh lễ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.

Chú có ý định tìm cầu trí huệ nơi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi với hy vọng được giác ngộ. Chú thưa:

“Bạch thầy, con đã ở với thầy hơn 10 năm, và con chẳng thấy mình học được điều gì. Con không hiểu điều gì cả, con thật là ngu đần, và con quyết định đi lễ bái Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi với hy vọng rằng con sẽ có được trí huệ.”

“Được rồi!” Thầy nói, “Con muốn triều bái Ngũ Đài Sơn, thì hãy đi. Thầy có hai phong thư, trên đường đi nhờ con trao giúp. Một cái trao cho cô Thanh Lương và một trao cho Trư Lão Mẫu.”

Khi chú đệ tử đến nơi địa chỉ được ghi trên phong bì là Cô Thanh Lương, cô ta đã trở thành một cô gái điếm. Chú đệ tử quá đỗi ngạc nhiên, “Cớ gì mà thầy mình viết thư cho một cô gái điếm?” Chú tự hỏi, “Hay cô ta là người yêu của thầy, và thầy nhờ mình làm người môi giới?”

Nhưng chú trao thư, rồi nói, “Thầy tôi, Đỗ Thuận, có gửi thư cho cô.”

Cô Thanh Lương nhận thư đọc rồi ngồi xuống, nói, “Tốt! Ông ấy đi. Ta cũng sẽ đi.”

Rồi cô chết ngay trên chỗ ngồi. Cô ta đã nhập niết-bàn. Chú đệ tử thấy toàn bộ sự kiện quá lạ, và chú cầm bức thư lên đọc. Chú mới biết Cô Thanh Lương thực ra là Bồ-tát Quán Thế Âm, vì lá thư viết rằng, “Quán Thế Âm, tôi đã xong việc ở đây và sẽ ra đi. Ngài nên đi với tôi.”

Chú đệ tử thở dài tiếc nuối, “Nếu mình biết đó là Bồ-tát Quán Thế Âm, mình sẽ quỳ xuống trước ngài, ta sẽ không đứng dậy cho đến khi ngài nhập niết-bàn, thế là ta có thể có được trí huệ giác ngộ. Sẽ hay biết bao. Nhưng nay ta đã bỏ mất cơ hội.”

Điều ấy thật đúng với ý nghĩa của câu:

Trước mặt ngài

Vẫn không nhận ra ngài là Quán Thế Âm

Chú ta cầm phong thư kia và nhắm hướng chỗ ở của Trư Lão Mẫu mà đến

Nhưng khi chú đến địa chỉ trong thư, không ai biết về người nầy. Nhưng khi chú đi ngang qua một chuồng heo, một con lợn nái già hỏi chú. “Chú tìm Trư Lão Mẫu có việc gì?”

Chú đệ tử ngạc nhiên và không biết mình đang gặp thứ quái vật nào. Chú vội vàng trả lời. “Thầy tôi bảo tôi trao một bức thư cho Trư Lão Mẫu.”

Con lợn nái già nói, “Ồ! Tốt. Ta là Trư Lão Mẫu đây. Chú có thể đưa thư cho ta.”

Con lợn nái già nhận thư và xem. Thật khó hiểu ralàm sao bà ta có thể biết được trong thư nói gì. Tuy nhiên, khi xem xong, bà ta ngồi xuống và nói, “Ồ!, Việc của ông ấy đã xong. Ta cũng sẽ đi.” Và bà ta chết.

Khi chú đệ tử xem thư, biết bà ta chính là hóa thân của Bồ-tát Phổ Hiền. “Có lẽ nào Bồ-tát Phổ Hiền đúng thực là con heo kia?” Chú vẫn còn vướng mắc những nối nghi ngờ. Chú chẳng quan tâm đến công việc gì mà thầy chú đã làm xong như lời trong thư.

Chú lên núi Ngũ Đài Sơn. Ở đó, chú gặp một lão tăng rất già, ông ta hỏi chú, “Chú đến đây làm gì?”

“Tôi đến để lễ bái Bồ-tát Đại trí Văn-thù-sư-lợi và mong được trí huệ giác ngộ.”

“Cái chú nầy!” Lão tăng nói, “Chú lên đây để lễ bái Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, nhưng lễ bái thầy chú còn tốt hơn gấp ngàn lần.”

Chú đệ tử hói, “Tại sao?”

“Thầy chú, Hoà thượng Đỗ Thuận, chính là Đức Phật A-di-đà tái thế. Ngài thị hiện ở cõi nhân gian để giáo hóa chúng sinh. Chú đã là đệ tử của ngài hơn 10 năm. Sao chú không nhận ra được điều đó? ”

“Ồ! Thầy tôi là Đức Phật A-di-đà!” Chú đệ tử nói, “Trông thầy chẳng giống Đức Phật tí nào!”

Khi chú nhìn lại, lão tăng đã biến mất.

Rồi chú thấy một bức thư ngắn bảo rằng: “Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bảo chú hãy quay trở về tức khắc với thầy mình là Hoà thượng Đỗ Thuận, ngài chính là Đức Phật A-di-đà.”

Sau cùng, chú đệ tử tin vào điều đó. Chú đã gặp được Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bằng xương thịt, và ngài bảo chú hãy quay trở về với thầy mình.

Chú vội vã quay trở lại, Hoà thượng Đỗ Thuận đã viên tịch hôm qua. Một lần nữa, chú bỏ mất cơ hội. Chú đã là đệ tử của Đức Phật A-di-đà hằng 10 năm mà không nhận biết điều ấy.

Chủ bỏ mất những điều trong tầm tay để tìm kiếm những gì quá xa xôi, chỉ tìm thấy được một điều là nên quay trở về với thầy mình. Bây giờ còn ai để gặp nữa?

Kinh văn:

終不自言我真菩薩真阿羅漢。泄 [4]佛密因輕言未學。

Chung bất tự ngôn ngã chơn bồ-tát, chơn A-la-hán. Tiết Phật mật nhân khinh ngôn vị học.

Việt dịch:

Rốt ráo không tự bảo mình thật là Bồ-tát, là A-la-hán. Khinh xuất nói với người chưa học, tiết lậu mật nhân của Phật.

Giảng giải:

Họ có thể là Bồ-tát, là A-la-hán, là chư Phật đã thị hiện nơi thế gian nầy. Nhưng dù chính đó là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni hay Đức Phật A-di-đà, Đức Phật Dược sư Tiêu tai Diên thọ, hay Đức Phật Bảo Sanh, Đức Phật Thành Tựu, hoặc là các Đức Phật, Bồ-tát, A-la-hán nào khác, họ cũng không bao giờ nói “Ta thực sự là Bồ-tát. Đúng thực như vậy, các ông nên tin vào tôi. Tôi thực sự là một vị Bồ-tát.” Không thể nói như vậy. Nếu họ tự xưng mình thật là Bồ-tát, là A-la-hán. “Các ông có nhận ra tôi là ai không? Tôi là A-la-hán.” Thì quý vị sẽ biết ngay họ là thành viên quyến thuộc của ma vương. Nếu có người khen ngợi quý vị bằng cách nói rằng quý vị là Bồ-tát, là A-la-hán, thì quý vị đừng thừa nhận điều ấy cho dù quý vị đúng thực là như vậy. Quý vị đừng nên

Khinh xuất nói với người chưa học, tiết lậu mật nhân của Phật.

Quý vị không nên tiết lộ mật nhân của chư Phật. Quý vị không chỉ khinh suất tiết lộ gốc tích của mình. Thế khi nào là có thể thừa nhận được? Quý vị chỉ có thể tiết lộ khi mình sắp chết. Đừng tiết lộ trước khi mình ra đi.

Khi tiết lộ, thì đừng nên lưu lại.

Khi còn ở lại, đừng nên tiết lộ.

Ngay khi quý vị tiết lộ tông tích mình, chẳng hạn, mình là hóa thân của Bồ-tát đó, thì quý vị phải lìa bỏ sự hiện hữu đời này ngay tức thì. Miễn khi lời nói chưa phát ra, thì quý vị có thể lưu lại cõi đời, nhưng khi đã nói ra rồi, thì quý vị sẽ gặp rắc rối đầy mình nếu không chịu rời xa.

Kinh văn:

唯除命終,陰有遺付。云何是人惑亂眾生成大妄語。

Duy trừ mạng chung, âm hữu di phó. Vân hà thị nhân hoặc loạn chúng sanh thành đại vọng ngữ?

Việt dịch:

Chỉ trừ khi đến lúc lâm chung, âm thầm có lời di chúc. Tại sao những người ấy lừa gạt chúng sinh, thành tội đại vọng ngữ.

Giảng giải:

Chỉ trừ khi đến lúc lâm chung, âm thầm có lời di chúc. Tại sao những người ấy lừa gạt chúng sinh, Nếu quý vị là một bậc thánh, thì lúc đến cuối đời, quý vị có thể nói với mọi người điều ấy. Nhưng từ đây đến lúc đó, quý vị không thể nói cho ai biết cả. Đến lúc đó, quý vị có thể tiết lộ cho những người gần gũi nhất của mình, có thể là một hai vị đệ tử nhập thất của mình.

Những người làm những việc ngược lại, chỉ dối gạt và làm mê mờ chúng sinh bằng cách tạo nên tội đại vọng ngữ.

Nếu quý vị chưa đắc đạo, mà nói rằng mình đã được, nếu quý vị chưa chứng quả, mà nói rằng mình đã chứng, đó là quý vị đã nói lời đại vọng ngữ.

Vào đời Thanh ở Trung Hoa, có vị cao tăng là Pháp sư Ấn Quang[5]. Ngài là người Giang Tây.

Sau khi xuất gia, ngài chiêm bái Phổ-đà Sơn, đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài nhập thất ở núi đó. Ngài tự ẩn mình trong một căn phòng nhỏ và đọc Đại tạng kinh. Nếu ngày nào cũng đọc, phải cần đến ba năm mới đọc hết Tạng nầy. Ngài đã đọc đi đọc lại nhiều lần Tạng kinh nầy suốt 18 năm. Suốt những năm đó, ngài không xuống núi. Cuối cùng, một nhóm Phật tử ở Thượng Hải thỉnh ngài giảng kinh A-di-đà. Ngài đồng ý, nhưng chẳng có nhiều người đến nghe kinh, có lẽ do họ không hiểu được phương ngữ Thượng hải của ngài. Nhưng trong số đó có một cô học sinh trung học từ Thượng Hải có một giấc mơ bảo cô hãy đến nghe giảng kinh. Trong mộng báo rằng, “Cô nên đến đạo tràng cư sĩ đó..., để nghe kinh A-di-đà do Bồ-tát Đại Thế Chí giảng.”

Hôm sau, cô học sinh đọc báo thấy có đăng tin Pháp sư Ấn Quang đang giảng Kinh A-di-đà tại đạo tràng đó. Cô tự hỏi:

“Tại sao trong giấc mơ báo rằng Pháp sư Ấn Quang là Bồ-tát Đại Thế Chí?

Đêm đó, cô tham dự pháp hội, sau khi mọi người ra về hết, cô kể lại giấc mơ của mình cho Pháp sư Ấn Quang nghe. Khi cô ta kết luận rằng ngài chính là Bồ-tát Đại Thế Chí, Pháp sư Ấn Quang không hài lòng, nhắc nhở cô, “Cô không được đem nói cho mọi người chuyện vô nghĩa nầy!” Thế nên cô không kể cho ai nghe chuyện giấc mơ. Nhưng cô xin quy y với Pháp sư Ấn Quang. Ba năm sau, Pháp sư Ấn Quang nhập diệt, chỉ đến lúc đó cô mới kể về giấc mơ của mình. Mọi người đều bực tức vì cô đã không nói chuyện nầy sớm hơn, để họ có thể thỉnh pháp được nhiều hơm ở Pháp sư. Nhưng cô cho họ biết rằng chính Pháp sư đã cấm không cho cô được tiết lộ. Từ sự kiện nầy, rõ ràng Pháp sư Ấn Quang là hóa thân của Bồ-tát Đại Thế Chí. Khi làm lễ trà tỳ, có rất nhiều xá-lợi (śarira)

Thế nên, khi sắp mạng chung, một số tung tích mới được tiết lộ. Tuy vậy, cũng không được nói một cách khoa trương về chuyện nầy. Như trong trường hợp trên, có thể là trong giấc mơ, có một ít chỉ dẫn được đưa ra. Nhưng quý vị không nên nói lộ liễu như, “Tôi là Bồ-tát Đại Thế Chí.” Đó là cách thức không nên làm.

Người thời nay thường đi quanh tự tuyên bố rằng mình là Phật. Điều nầy trái ngược hoàn toàn với giáo lý trong Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Tất nhiên mọi người đều là Phật, nhưng quý vị phải tu mới thành Phật. Nếu quý vị không tu, quý vị chẳng khác gì hơn một con ngựa, con bò, con heo, con cừu, con gà. Quý vị hầu như sẽ trở thành quỷ đói, hay đoạ trong địa ngục; chẳng có gì chắc chắn.

Kinh văn:

汝教世人修三摩地,後復斷除諸大妄語。是名如來先佛世尊。第四決定清淨明誨。

Nhữ giáo thế nhân tu tam-ma-địa, hậu phục đoạn trừ chư đại vọng ngữ. Thị danh Như Lai Tiên Phật Thế Tôn đệ tứ quyết định thanh tịnh minh hối.

Việt dịch:

Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, sau rốt phải đoạn trừ nói lời đại vọng ngữ. Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Giảng giải:

“A-nan, ông có nghe điều nầy không? Ông dạy người đời tu tam-ma-địa, sau rốt phải đoạn trừ nói lời đại vọng ngữ.

“Đây có nghĩa là mọi lời nói phóng đại khoa trương. Dù vì thiện ý, cũng đừng nói, “Tôi đã giác ngộ.” Hoặc là “Tôi đã chứng quả,” hoặc là “Tôi là Bồ-tát.” Hoặc là “Tôi là A-la-hán.” Điều đó quá rẻ tiền.

Đó là lời dạy bảo rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ tư của các Đức Phật Thế Tôn Như Lai trong đời trước.

Đừng dạy mọi người nói dối và tuyên bố khoa trương. Lời dạy nầy là của chư Phật trong hiện đời và chư Phật trong quá khứ.

Kinh văn:

是故阿難若不斷其大妄語者。如刻人糞為栴檀形,欲求香氣。 無有是處。

Thị cố A-nan, nhược bất đoạn kỳ đại vọng ngữ giả, như khắc nhơn phẩn vi chiên đàn hình,dục cầu hương khí, vô hữu thị xứ.

Việt dịch:

Thế nên A-nan, nếu không đoạn trừ lời đại vọng ngữ, như khắc phân người làm hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm. Thật không có chuyện đó.

Giảng giải:

Như Lai sẽ đưa ra ví dụ, Thế nên A-nan, nếu không đoạn trừ lời đại vọng ngữ, như khắc phân người làm hình cây chiên đàn, mà muốn được hương thơm.

Những người muốn được trở nên thanh tịnh mà không dứt trừ lời đại vọng ngữ thì cũng giống như người cố gắng tìm cách khắc hình cây chiên đàn hương từ phân người. Thật không có chuyện đó.

Anh ta sẽ không bao giờ khiến cho phân người có được mùi hương thơm như cây chiên đàn. Điều nầy có nghĩa là nếu quý vị nói lời đại vọng ngữ, giống như là quý vị có mùi rất thối. Nếu quý vị tu tập thiền định, nỗ lực thành Phật, mà vẫn tiếp tục nói dối, thì quý vị cũng giống như một cục phân. Vì người nói dối mà mong thành Phật thì cũng giống như cố gắng làm cho cục phân trở nên có mùi thơm của tượng Phật. Điều ấy không hợp lý.

Kinh văn:

我教比丘直心道場。於四威儀一切行中尚無虛假。云何自稱得上人法。

Ngã giáo tỷ-khưu trực tâm đạo tràng. Ư tứ oai nghi nhất thiết hạnh trung, thượng vô hư giả. Vân hà tự xưng đắc thượng nhơn pháp?

Việt dịch:

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu, lấy trực tâm làm đạo tràng. Trong các hành xử từ bốn uy nghi, còn không được hư dối. Làm sao có kẻ tự xưng là đã được pháp thượng nhân?

Giảng giải:

Như Lai dạy hàng tỷ-khưu, lấy trực tâm làm đạo tràng.

Tỷ-khưu đề cập ở đây gồm cả tứ chúng. Đến đây, quý vị không thể nói rằng, “Tôi là cư sĩ, thế nên Đức Phật không nói đến tôi.”

Quý vị phải ngay thẳng khi nói và nghĩ, Đừng có quanh co, đừng dối trá. Không có trực tâm cũng như cố gắng làm thành hương chiên đàn từ phẩn uế.

Như Lai dạy họ phải nên Trong các hành xử từ bốn uy nghi, còn không được hư dối.

Những oai nghi nầy đã được trình bày chi tiết từ trước. Mỗi tư thế đi đứng, nằm, ngồi đều có 250 oai nghi. Quý vị nên luôn luôn thực hành thật chân chính, thực sự tu tập trong đó.

Làm sao có kẻ tự xưng là đã được pháp thượng nhân?

Tại sao mình lại tự tuyên bố đã chứng được quả vị Bồ-tát hay A-la-hán? Không nên nói như vậy. Trước quý vị nghe giảng kinh, quý vị có thể vô tình nói lên điều ấy. Nhưng nay đã nghe giảng kinh rồi, quý vị biết là mình không còn được nói rằng mình đã chứng được đến quả vị nào. Nói như vậy là nói lời đại vọng ngữ.

Quả báo của hành vi nầy là đoạ vào địa ngục Bạt thiệt. Trong đời sau, lưỡi quý vị sẽ bị móc bằng lưỡi câu sắt và kéo ra. Sau đó, quý vị sẽ không còn cơ hội để nói dối, vì trong tương lai, quý vị đã bị câm rồi.

Kinh văn:

譬如窮人妄號帝王自取誅滅。況復法王如何妄竊。因地不直[6]果招紆曲。求佛菩提如噬臍人,欲誰成就?

Thí như cùng nhân vọng hiệu đế vương tự thủ tru diệt. Huống phục pháp vương, như hà vọng thiết. Nhân địa bất trực quả chiêu hu khúc. Cầu Phật bồ đề như phệ tề nhân, dục thuỳ thành tựu?

Việt dịch:

Ví như người bần cùng, tự xưng là đế vương, tự chuốc lấy sự tru diệt. Huống gì là ngôi vị pháp vương, sao dám xưng càn! Nhân đã không thật, quả ắt quanh co. Cầu đạo bồ-đề của Phật, như người muốn cắn rốn, làm sao thành tựu được?

Giảng giải:

‘Ông có biết không?’ Có người nói, ‘Tôi là vua của nước nầy?’

Nói như vậy, Ví như người bần cùng, tự xưng là đế vương, tự chuốc lấy sự tru diệt.

Vua sẽ bắt nhốt người ấy liền, và toàn bộ gia đình của người ấy cũng bị tội chết luôn. Toàn thể bạn bè và họ hàng cũng sẽ bị khép vào tội chết. Thế thì ‘vua’ đi về đâu? Tuyên bố rằng mình đã chứng quả thánh khi mình chưa chứng cũng giống như người bần cùng kia tự nói rằng mình là vua. Anh ta sẽ bị tru diệt vì tội ấy.

Và nếu mình không thể nào tuỳ tịện tự nói mình là vua trong phương diện thế gian,

Huống gì là ngôi vị pháp vương, sao dám xưng càn!

Sao lại dám xưng càn Phật vị?

Nhân đã không thật, quả ắt quanh co.

Trong nhân địa, khi quý vị đang tu đạo, nếu không tu hành chân chính, thì kết quả quý vị hưởng được trong tương lai sẽ cong vạy. Sẽ có rất nhiều khúc mắc. Quý vị sẽ không thể nào thành tựu quả vị một cách thẳng tắt. Nếu quý vị tu kiểu nầy, phỉa trải qua vô số đại kiếp, mà vẫn không thành tựu được.

Cầu đạo bồ-đề của Phật, như người muốn cắn rốn, làm sao thành tựu được?

Nếu quý vị tự thực hành theo kiểu nầy–tiếp tục đắm mình trong nói dối và khoa trương mà tìm đạo bồ-đề của chư Phật, thì quý vị giống như người tìm cách cắn cái rốn của mình.

Làm sao mà thành tựu được?

Quý vị sẽ không bao giờ cắn cái rốn mình được, vì miệng mình không thể nào đến đó được.

Kinh văn:

若諸比丘心如直絃[7],一切真實入三摩提永無魔事。我印是人成就菩薩無上知覺。

Nhược chư tỷ-khưu tâm như trực huyền, nhất thiết chơn thật, nhập tam-ma-đề, vĩnh vô ma sự. Ngã ấn thị nhân thành tựu Bồ-tát vô thượng tri giác.

Việt dịch:

Nếu hàng tỷ-khưu, tâm thẳng như dây đàn, hành xử mọi việc chân thật, nhập vào tam-ma-đề, ắt hẳn không có ma sự. Như Lai ấn chứng cho người nầy, thành tựu được vô thựơng trí giác của hàng Bồ-tát.

Giảng giải:

Nếu hàng tỷ-khưu, và giới cư sĩ, tâm thẳng như dây đàn, hành xử mọi việc chân thật, nhập vào tam-ma-đề, ắt hẳn không có ma sự.

Tâm quý vị nên thẳng như dây đàn, đừng cong queo, như thân cây đàn. Quý vị nên chân thật trong mọi vấn đề và đừng bao giờ nói dối. Nói dối là trường hợp của:

Khởi đầu chỉ bằng một mảy lông

Sẽ kết thúc bằng ngàn dặm trong tương lai.

Nếu quý vị nói dối trong đời nầy, sẽ kéo sự thành tựu của quý vị lùi lại vài triệu đại kiếp trong đời sau. Hãy xem xét kỹ lưỡng và xem người nào đang bỏ mất điều đó. Nếu quý vị có thể trực tâm và chân thật, quý vị có thể nhập vào tam-ma-đề, và không có một ma sự chướng ngại nào sinh khởi.

Như Lai ấn chứng cho người nầy, thành tựu được vô thựơng trí giác của hàng Bồ-tát.

Ai đã có tâm chân thậy và ngay thẳng như dây đàn thì đều có thể trở thành Bồ-tát. Họ có thể thành tựu trí huệ vô thượng và tuệ giác của một vị Bồ-tát.

Kinh văn:

如我是 [8]說名為佛說,不如此說即波旬說

Như ngã thị thuyết danh vi Phật thuyết, bất như thử

thuyết tức ba-tuần thuyết.

Việt dịch:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói. Nếu không phải như vậy, tức là lời ma ba-tuần nói.

Giảng giải:

Như lời Như Lai nói đây, chính là lời chư Phật đã nói.

Nếu quý vị giải thích giống như Như Lai đã giảng giải trong kinh nầy, đó chính là giáo pháp của chư Phật đã giảng nói. Nếu không phải như vậy, tức là lơì ma ba-tuần nói.

Người nào không diễn bày giáo pháp nầy, mà còn tuyên bố những giáo lý nghịch với giáo pháp nầy, đó chính là lời của ma vương nói.”

Ba-tuần là chỉ cho Ma vương.

Hết quyển 6

(Bản tiếng Hán )

---o0o---
THUẬT NGỮ ĐỐI CHIẾU

Kinh Thủ-lăng-nghiêm

Quyển 6

A



ái sinh dục 愛生慾 e: Emotion flows into desire.

ái ma 愛魔e: demons of love.

am-ma-la thức 庵磨羅識 e: amala consciousness

A-nhã Kiều-trần-như 阿若憍陳如 s: Ājñāta-kauṇḍinya

a-tăng-kỳ 阿僧祇 s: asaṃkhya = 1047

át-bồ-đàm 遏菩撢 s: arbuda

a-tì 阿鼻 s: Avīci.



B

Bảo Sanh Phật 寶生佛 e: Production of Jewels Buddha.

bạt thiệt địa ngục 拔舌地獄 e: the hell of pulling out

tongues

Bạch Dương Phật白 暘佛 e: White-Yang Buddha

bạch hào uyển chuyển ngũ Tu-di 白毫婉轉五須彌

e: white ray of light curls as high as five Mount

Sumerus.

bạch tịnh thức白淨識 e: seed of purity

Bạch Phạn vương白飯王 e: White Rice King

bán đầu thiên nhãn 半頭天眼 e: heavenly eye which

covered half my head

bản giác 本覺 e: fundamental enlightenment

bản lai diện mục 本來面目 e: original face

bảo giác chân tâm 寶覺真心 e: precious, enlightened

mind

bảo giác寶覺 e: gem of enlightenment

bảo minh không hải如來寶明空海 e: Thus Come

One’s sea of magnificent, bright emptiness.

bảo vương sát 寶王剎 e: lands of the Jeweled Kings

Bất động Phật 不動佛 e: Buddha Unmoving

bất nhị 不 二 e: non-dual

bất tịnh quán不淨觀 e: contemplation of impurity

bát-la-tra-khư 缽羅吒袪, thể-la-tra-khư体羅吒袪

s: praśakhi; e: rudimentary embryo

bệnh nhặm mắt: e: eye-ailment; s: kamala

bí mật diệu nghiêm 祕密妙嚴 e: wonderful secret

teachings

biến nhất thiết tự tại 遍一切自在 e: pervading

everywhere with ease

bội giác hiệp trần背覺合塵 e: turn our backs on

enlightenment and unite with the dust

bội trần hiệp giác 背塵合覺 e: turn their back on

defilement and unite with the enlightenment

bổn diệu giác minh 本妙覺明 e: basic miraculous

bổn sự 本事 e: former events

bổn sinh 本生 e: present lives



C



căn viên thông e: organ of entry

chứng đạo vị 證道位 e: position of having been

certified to the Way

cám mục trừng thanh tứ đại hải 紺 目澄清四大海 e:

His violet eyes are as large as the four seas

cầm (đàn) 琴 e: lutes

căn bản vô minh 根本無明 e: fundamental ignorance

cần tức 勤息e: diligent and putting to rest.

cát tường 吉祥 e: Lucky

cát tường ngoạ吉祥 臥e: auspicious lying-down

câu sanh ngã chấp 俱生我執 e: inherent attachment to

self, innate attachment to self

câu sanh pháp chấp 俱生法執 e: inherent attachment to

phenomena, Innate attachment to phenomena

chân lý cứu cánh 真理究竟e: ultimate dharmas

chân như pháp giới 真如 法界e: dharma realm of true

suchness.

chân như e: 真如 true suchness

chân thật giác tánh 真寔覺性 e: genuine enlightenment

chánh biến tri 正遍知 e: proper and universal

knowledge

chánh định 正定e: proper concentration

chánh thọ正受 e: proper reception

chấp thủ tướng 執取相 e: appearance of grasping

Chí Công 誌公 c: Zhi Gong

chiếu yêu kính 照妖鏡 e: freak-spotting mirror

chính báo 正報 e: proper retribution

chư ác mạc tác 諸惡莫作 e: don’t do any evil.

chú đại bi 大悲咒 e: great compassion dhāraṇi

chúng sinh trược 眾生濁 e: turbidity of living beings

chúng thiện phụng hành 眾善奉行 e: offer up all good

conduct

chuyển thức thành trí 轉 識成智 e: turning the

consciousnesses into wisdom

chuyển tướng 轉相 e: appearance of turning

cô khởi 孤起 e: interjected passages

côn quý 昆季 e: brothers

Cực lạc quốc 極樂國 e: Land of Ultimate Bliss

cực ác 極惡 e: unwholesome mind; s: Ātyantika

cửu tưởng quán 九想觀 e: contemplating the nine

aspects of inpurity



D



danh xưng 名稱 e: renowned

Dạ-ma thiên 夜摩天 e: Suyāma Heaven

Diễn-nhã-đạt-đa 演若達多 s: Yajñadatta

Diêm La vương 閻羅王 e: King Yama

diệt tận định 滅盡 e: samadhi of extinction

diệt thọ tưởng định 滅受想定 e: extinction of the

skandhas of thought and feeling, samadhi

of the extinction of feeling and thought

Diệu cao sơn 妙高山 e: Magic Mountain

diêu động 遙動 e: perpetual rotation

diệu dụng妙用 e: wonderful functioning

diệu giác minh không 妙覺明空 e: wonderful

enlightened bright emptiness

diệu không minh giác 妙空明覺 e: wonderful empty

bright enlightenment

diệu liên hoa 妙蓮華 e: Wonderful Lotus Flower

diệu lực viên minh 妙力圓明e: wonderful power and

perfect clarity

diệu minh tâm nguyên 妙明心元 e: wonderful

brightness of the origin heart.

diệu minh 妙明 e: wonderful light

dư tập 餘習e: left-over habits

Dược thượng 藥上 e: Superior Physician

Dược tính bộ 藥 性部 c: Yao Xing Pu; e: Treatise on

the Nature’ of Medicines

Dược vương 藥王 e: Physician King

duy thức quán唯識觀 e: consciousness-only

concentration



Đ



Đại bi thần chú大悲神咒 e: Great Compassion Mantra

42 Thủ nhãn ấn pháp 手眼印法e: Forty-two Hands

and Eyes

đại lực quỷ 大力鬼e: mighty ghosts

Đại Phạm thiên vương 大梵天王e: Great Brahma

Heaven lord

đại tự tại 大自在 e: great ease

đao sơn địa ngục 刀山地獄 e: the hell of the sword

Đế-thích 帝釋s: Śakradevānāmindra

địa hành dạ-xoa 地行夜叉e: earth-traveling yakṣa

Đắc Đại Thế 得大勢 e: Attained Great Strength

Đại ẩm quang 大飲光 e: drinker of light

đại bi pháp 大悲法 e: dharmas of great compassion

đại do-tuần 大由巡 e: large yojana

đại nguyện vương 大願王 e: great, royal vows

Đại quy thị 大龜氏 e: great turtle clan

đại thiên thế giới大千世界 e: a great thousands of

worlds/great world-system

đại viên cảnh trí.大圓境智 e: great, perfect mirror-

wisdom

đại y 大 衣 e: great robe, perfect robe

đại bàng kim suý điểu 大鵬金翅鳥 e: Garuḍa great

golden-winged Peng bird

đàn chỉ 彈指 e: finger-snap

đẳng giác 等覺 e: level of equal enlightenment

đẳng trì 等持 e: holding equally; s: samāpatti

đệ nhất nghĩa đế 第一義諦 e: primary truth

đệ nhất nghĩa 第一義 e: primary meaning

điên đảo 顛倒 e: upside -down

Định Quang Phật 定光佛 e: Samadhi-Light Buddha

định tánh Thanh văn 定性聲聞 e: fixed-nature sound-

hearer

đoan nghiêm 端嚴 e: decorous

độc đầu ý thức 獨頭意識 e: solitary consciousness

đời mạt pháp 末法世 e: dharma-ending age



G



già nghiệp 遮業 e: contributing karma

giác minh覺明 e: light of enlightenment

giác trạm minh tánh覺湛明性 e: still bright nature of

enlightenment

giải bổn tế 解本際 e: understanding the original limit





H

Hoả đầu Kim cang Ô-sô-sắc-ma 火頭 金剛 烏芻 瑟摩 e: Fire-head Vajra Ucchushma

hoả quang tam-muội 火光三昧 e: fire-light

samadhi

hương ấm 香陰 e: incense skandha; s: gandharva

huyết đồ địa ngục 血途地獄 e: the hell of bleeding

hải ấn phát quang 海印發光 e: ocean-impression emits

light

hải ấn 海印 e: ocean-impression

hằng sa giới 恒沙界 e: dust motes in the Ganges

hành khổ 行苦 e: suffering of process

hí luận 戲論 e: idle theories

hiền đức 賢 德 e: worthy protector; c: xiun de

hiền kiếp 賢 劫e: worthy kalpa

Hiền thủ 賢守 e: worthy guard; c: xian shou

hiện tướng 現相 e: appearance of manifestation

hộ pháp thiện thần 護法善神 e: dharma-protecting

good spirits

hoà hiệp thô tướng 和合麤相 e: mixing and uniting of coarse appearances

hóa sanh 化生 e: transformation-born

hoại khổ 壞苦 e: suffering of decay

hoàn diệt 還滅 e: returning to extinction

hối muội vi không 晦昧為空 e: delusion and obscurity

make emptiness

hồi quang phản chiếu迴光返照 e: return their light

and illumine within

Hồng Dương Phật 紅暘佛 e: Red-Yang Buddha

hư không định 虛空定 e: concentration-power of emptiness

Hư Không Tạng Bồ-tát 虛空藏菩薩 e: Treasury of

Emptiness Bodhisattva

huệ nhãn 慧眼e: wisdom eye

Hương Nghiêm đồng tử 僮子 e: Adorned with

Fragrance pure youth

Hương Nghiêm: 香嚴 e: Adorned with Fragrance

hương quang trang nghiêm 香光莊嚴 e: adornment of

fragrant light

hương trần香 塵 e: sense-object of fragrance / defiling

object of smells

hữu dư niết-bàn 有餘依涅槃 e: nirvana with residue

hữu lậu tập khí 有漏集氣 e: remaining habits

hữu vi tướng 有為相 e: conditioned phenomena

hoả kiếp 劫火e: fire of the kalpa



K



kham nhẫn堪忍 e: able to be endure; s: saha

không giác 空覺 e: emptiness of awareness

không hành dạ-xoa空行夜叉e: space-traveling yaṣha

kiến đại 見大e: element of perception

kiến đạo vị 見道位e: position of seeing the Way

kiến hoặc 見惑e: eighty-eight kinds of delusion of

views

Kê viên 雞園 e: Pheasant Garden

kế danh tự tướng 繼名字相 e: appearance of assigning names

khách trần phiền não 客塵煩惱 e: guest-dust affliction

khách trần 客塵 e: guest dust

khai sĩ 開士 e: awakened lords

khẩu đầu thiền 口頭禪 e: intellectual talk-Zen

khổ khổ 苦苦 e: suffering within suffering

khởi nghiệp tướng 起業相 e: appearance of the arisal

of karma; production of karma

không đại 空 大 e: element emptiness

không Như Lai tạng 空如來藏 e: empty treasury of the

Thus Come One

Không sinh空 生e: born into emptiness

không tịch 空寂 e: empty stillness

kiến đại 見大 e: element of perception

kiến phần 見分 e: aspect of seeing; division of seeing; seeing division

kiến tinh 見精 e: capacity to see

kiến trược 見濁 e: turbidity of views

Kiều-phạm-bát-đề 驕梵缽提 s: Gavāṃpati

Kiều-trần-na 驕陳那 s: Kauṇḍinya

Kim cang Lực sĩ 金剛 力士 e: vajra-powerful lord

Kim cang Mật tích 密迹金剛 e: Vajra Secret Traces

Kim cang Phật金剛 佛 e: Vajra Buddha

Kim cang vương bảo giác 金剛王寶覺 e: Regal Vajra

Gem of Enlightenment

kim luân 金輪 e: pervasiveness of metal

kinh Pháp Hoa 經法華 e: Dharma Flower Sutra

Kỳ viên 祇園 e: Jeta Grove Garden



L



Lạc Dương, 洛陽 c: Loyang

lân hư trần 憐虛塵 e: mote of dust bordering on

emptiness

Lão Hoà thượng 老和尚 e: Superior-seated One; superior seated Sanghan

li mị 魑魅 c: li mei

loạn 亂 e: rebellious

Lộc dã uyển 鹿野畹 e: deer wilds park

luận nghị 論議 e: discussions

luật sư 律師 e: vinaya masters

lục căn hỗ dụng 六根互用 e: mutual functioning of the

six organs

lục thân 六親 e: six kinds of close kin

lục thô 六粗 e: six coarse appearances

lục thông 六 通 e: six penetrations

Lương Vũ Đế 梁武帝 e: Emperor Wu of Liang

lưu chuyển 流轉 e: arising in succession

linh vật 靈物e: spiritual creatures

lưu chuyển môn 流轉門 e: the door of mutual arising

lưu ly 琉璃 e: lapis lazuli; s: vaidūrya

Lưu ly quang: 琉璃 光 s: Vaidūrya Light

lý sự viên dung vô ngại 理事圓融無礙 e:

unobstructedness



M



mạng căn 命根e: life-force

mã não 瑪瑙 p: asama; s: aśmagarbha; e: cornelian.

Ma-kiệt-đà 磨竭陀 s: Magadha

Mãn Từ Tử 滿慈子 s: Pūrṇa-maitrāyaṇī-putra; p

Puṇṇa-mantāni-putta

mạng trược 命濁 e: turbidity of a lifespan.

mật hạnh đệ nhất 密行第一 e: foremost in secret practices

minh diệu 明妙 e: bright wonder

minh giác明覺 e: brightening of the enlightenment

minh sư 明師 e: bright-eyed teacher; bright advisor

Mục-kiền-liên 目乾蓮 s: Mahamaudgalyayana



N

nghi thần疑神 e: questionable spirit; s: kiṃnara

Ngọc Hoàng玉皇 e: Jade Emperor

Nguyệt Quang Nham 月光巖e: Moonlight Cliff

nhập thất đệ tử 入室弟子 e: room-entering disciple

Như huyễn văn huân văn tu kim cang tam-muội 如幻聞薰聞修金剛三昧 e: vajra samadhi of all being like an illusion, as one becomes permeated with hearing and cultivates hearing

ngũ suy tướng 五衰相 e: five signs of decay

năng minh 能明 e: faculty of understanding

ngã chấp phân biệt分別我執 e: differentiated attachment to self.

ngạnh nhục 硬肉 s: ghana, e: solid flesh

nghĩa vô ngại biện義無礙辯 e: Unobstructed

eloquence in expressing meanings

nghiệp hệ khổ tướng 業繫苦相 e: appearance of

suffering, karmic-bound suffering

nghiệp tướng 業相 e: appearance of karma

ngũ luân 五倫 e: five-fold method of kindness

ngũ nhãn lục thông 五眼六通 e: five eyes and six spiritual

ngũ trược五濁 e: five turbidities

ngưng hoạt 凝滑 e: slippery coagulation; s: kalala

ngưu ti 牛司 e: cow-cud

nguyên minh tâm diệu 元明心妙 e: fundamental brightness

Nguyệt Quang đồng tử 月光童子 e: Pure youth

Moonlight

nhân địa 因地 e: cause-ground

nhân không 因空法空 e: emptiness of people

nhạo kiến chiếu minh kim cang tam muội 樂見照明金剛三昧e: vajra samadhi of the delightful seeing, which illumines and is bright/ vajra samadhi of delight in seeing the illuminating

nhạo thuyết vô ngại biện 樂說無礙辯 e: unobstructed

eloquence that delights in speaking

nhập lưu 入流 e: entering the flow

nhất chân 一真 e: one truth

nhất chân nhất thiết chân一真一切真 e: In one truth is

all truth

nhất chân pháp giới 一真法界 e: one true dharma

realm

Nhật Nguyệt Đăng日月燈 e: Sun-Moon-Lamp

Nhật Tạng日藏 e: Sun Treasury

nhất thừa 一乘 e: one vehicle

nhất tinh minh 一精明 e: one pure brightness

nhất vị thanh tịnh tâm địa pháp môn一味清淨心地法門 e: mind-ground dharmadoor of the purity of a single flavor

nhĩ căn viên thông 耳根圓通 e: perfect penetration of

the ear-organ

Nhiên Đăng Phật 燃燈佛 e: Burning Lamp Buddha

Như Lai 如來 e: Thus Come One

như ý châu thủ nhãn 如意珠手眼 e: hand and eye of the wish fulfilling pearl

như ý châu 如意珠 e: wish fulfilling pearl

như ý 如意 e: according to your wish

niết-bàn tăng 涅槃僧 e: nirvana robes

niết-bàn tứ đức 涅槃四德 e: four wonderful virtues

noãn sanh 卵生 e: egg-born

Hùng Nhĩ sơn 雄耳山 e: Bear’s Ear mountain



O



Oai âm vương Phật 威音王佛 e: King of Awesome

Sound Buddha



P

phan duyên攀緣e: climbing on conditions; s:

ālambana

pháp không 法空 e: emptiness of phenomena

Pháp Tạng tỷ-khưu 法藏比丘e: Bhikshu Dharma Treasury

pháp thuật 法術e: dharmic devices

pháp trần 法塵e: mental constructs–defiling objects of

mind / defiling objects of dharmas

phi hành dạ-xoa飛行夜叉e: flying-traveling yaksha

phù thuỷ e: sorcerers / exorcists

pha lê 頗黎e: crystal; s: sphaṭika; p: phalika

Phạm thiên 梵天 e: Brahma gods

phân biệt pháp chấp 分別法執 e: discriminating

attachment to phenomena

pháp chấp法執 e: attachments to phenomena

pháp giới 法界 e: dharma realm

pháp hữu vi 法有為 e: conditioned dharma/ conditioned phenomena

pháp sư 法師 e: Dharma master

pháp vô ngại biện法無礙辯 e: Unobstructed

eloquence in speaking dharma

pháp vương tử 法王子 e: dharma princes/disciple of

the Dharma King

phát bồ-đề tâm 發菩提心 e: brought forth the resolve

for bodhi

Phật đảnh thần chú 佛頂神咒 e: spiritual mantra of

the Buddha

Phật hoan hỷ nhật 佛歡喜日 e: buddha’s happy day

Phật lập tam-muội 佛立三昧e: Standing Buddha

session

Phật nhãn 佛眼 e: buddha eye

Phổ Quang Như Lai普光如來 e: Universal Light

Thus Come One

Phật tính 佛性 e: buddha-nature

phật tử trụ:佛子住 e: position of the Buddha’s

disciple

phi huyễn非幻 e: non-illusion

phi sở phi tận 非所非盡e: Nothingness and what

becomes nothingness both disappear

phi thời thực 非時食 e: eat at improper times

phiền não trược 煩惱濁 e: turbidity of afflictions

phong luân 風輪 e: pervasiveness of wind

phòng phi chỉ ác 非防止惡 e: stop evil and guard against transgressions

phù căn 浮根 e: superficial sense-organs

Phù Tràng Vương 浮幢王剎e: royal lands of floating

banners

Phục Hại quỷ復害鬼e: Repeatedly Cruel ghost

phương quảng 方廣 e: universalities

phương tiện thiện xảo 方便善巧 e: clever skill-in-

means/ wholesome clever



Q



quả địa 果地e: ground of fruition

Quán thế âm 觀世音 e: Contemplator of the Worlds’ Sounds; s: Avalokiteśvara

quán chiếu Bát-nhã 觀照般若 e: contemplative prajñā

quán tượng niệm Phật 觀 像念佛e: Mindfulness of the

Buddha by contemplating an image



S



sắc 色 e: forms.

sắc tánh không 色性空 e: emptiness of the nature of

form

sắc trần 色 塵 e: defiling objects of form/ sense-object

of form

sắt 瑟 e: flutes

sáu trần 六塵 e: six sense-objects

Siêu Nhật Nguyệt Quang 超日月光e: Light

Surpassing the Sun and Moon

sinh tướng vô minh 生相無明 e: appearance-of-

production ignorance

sơ phát tâm初發心 e: initial resolve

sở không cập vô 所空及無 e: that which is empty also

disappears

sở minh 所明 e: bright enlightenment/ falseness of an

object

Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Như Lai山海自在通王

如來e: King of Masterful

Penetrations of Mountains and Seas

sự sự viên dung vô ngại 事事圓融無礙

e: unobstructedness and perfect fusion of phenomena and phenomena

sư tử toà 師子座 e: lion’s throne



T



tam giới duy tâm 三界惟心 e: the three realms come

only from the mind

tam tế 三細 e: three subtle appearances of delusion/ three subtle appearances

tam thiên đại thiên thế giới三千大千 世界e: three-thousand-great-thousand world-system

Tân Phật giáo 新佛教e: Neo-Buddhists

giác tánh 覺性 e: enlightened nature

tập khí 集氣 e: patterns of habit

tha tâm thông 他心通 e: ability to know others’

thoughts

thai sanh 胎生 e: womb-born

tham thiền 參禪e: investigating dhyāna

thần long 神龍 e: dragon-spirit

Thân Mục 申目 c: Shen Jih

Thần Nông 神 穠 Emperor Shen Neng

thần thông lực 神通力 e: spiritual penetrations

thân trung ấm. 中陰身 e: intermediate yin-body,

intermediate existence body, intermediate-

kandha body

Thần Tú 大師神秀 e: Master Shen Xiu

thanh 聲 e: sound

thánh thừa 聖乘 e: sagely vehicle

thanh tịnh bảo vương 清淨寶王 e: Pure and precious

king

thanh tịnh chủng tử 清淨種子e: seed of purity

thanh trần 聲塵 e: object of sound

thập địa 十地 e: ten grounds

thập hạnh十行 e: ten practices

thập hồi hướng 十回向 e: ten transferences

thập nhị nhân duyên 十二因緣 e: twelve links of

conditioned

thấp sanh 濕生 e: moisture-born

thập tín 十信 e: ten faiths

thập trụ 十住 e: ten dwellings

thật tướng 寔相 e: actual appearance

Thất-la-phiệt 室羅筏 e: City of Flourishing Virtue; s:

Śrāvasti

y báo thế giới 依報世界 e: world of dependent

retribution

Thế tôn 世尊 e: World Honored One

thí dụ 譬諭 e: analogies

Thiện Cát善 吉 e: good luck

Thiện Hiện善 現 e: good appearance

thiên nhãn thông 天眼通 e: spiritual penetration of the

eye

thiện phân善分 e: well-divided time

thiện tri thức 善知識 e: good knowing advisor/ good

knowing one

thiệt thức 舌識 e: tongue-consciousness

thọ giả tướng 壽者相 e: characteristic of a lifespan

thọ ký 受記 e: bestowal of predictions/ bestow

thức tình 識情 e: defilement of emotion

thực tướng Bát-nhã. 寔相般若 e: actual-appearance

prajñā

thực tướng niệm Phật 寔相念佛 e: Mindfulness of the

Buddha in his actual appearance

Thường Bất Khinh 常不輕 e: Never Slighting

thường hành tam-muội 常行三昧e: Continuous

Walking Samādhi

thượng thủ 上首e: superior leader

thường trú chân tâm tánh tịnh minh thể 常住真心性淨

明体 e: pure nature and bright substance of the everlasting true mind

thuỷ giác 始覺 e: initial enlightenment

Tiên Phạm thiên’ 仙梵天 e: former Brahma Heaven

mantra

tiểu do-tuần 小由巡 e: small yojana

tiêu nha bại chủng 焦芽敗種 e: sterile seeds and

withered

Tiêu tai Diên thọ Dược sư Lưu ly Quang Vương Phật消災延壽藥師琉璃光王佛

e: Medicine Master Buddha Who Dispels Calamities and Lengthens Life

tiểu thiên thế giới 小千世界 e: small-thousands of

worlds

Tịnh cư thiên 淨居天e: Heaven of Pure Dwelling

tĩnh lự 靜慮 e: quiet consideration

tình sinh ái 情生愛e: people’s nature flows into

emotion;

tinh tú kiếp 星宿劫 s: Auspicious kalpa

Tinh tú quang 星宿 光 e: Constellation Light

trần lao 塵勞 e: wearisome defilements, tiresome dust

tối hậu khai thị 最後開示 e: final instruction

tối sơ giải: 最初解 e: the very first to understand

tôn quý 尊貴 e: honored and noble

trầm thuỷ hương沈水香 e: inking-in-the-water

incense; s: Agaru

Trì Địa Bồ-tát持地菩薩 e: Maintaining the Ground

trí tướng 智相 e: appearance of knowledge.

trung đạo 中道 e: middle way

trung do-tuần 中由巡 e: middle-sized yojana

trung thần 中臣 e: loyal ministers

trung thiên thế giới 中千世界 e: a middle-thousands of

world-systems

trùng tụng.重誦 e: repetitive verses

trường hàng. 長行 e: prose

truyền tống thức 傳送識 e: transmitting consciousness

Tử Kim Quang tỷ-khưu ni 紫金光比丘尼 e: Purple-golden Light Bhikshuni

tự nhiên 本然自然 e: spontaneity

tứ sanh 四生 e: four kinds of birth

tự tại 自在e: comfortable

Từ thị 慈氏 e: compassionate clan; s: Maitreya

tự thuyết 自說 e: unrequested dharma;

tứ trần 四塵 e: four defiling objects

từ vô ngại biện 辭無礙辯 e: unobstructed eloquence in

using phrasing

túc mạng thông 足命通 e: ability to perceive past lives

tức thiện thả cát 即善且吉 e: both good and lucky

Tu-đà-hoàn 修陀桓 s: śrotāpaña

Tu-di sơn 須彌山 e: Mount Sumeru

tương hợp 相合 e: compatible

tướng phần 相分 e: aspect of appearance/ division of

appearances/appearance division

tướng sư 相 師 e: prognosticator

tương tức tương nhập 相 即 相入 e: interpenetrating

tương tục tướng 相 俗相 e: appearance of continuation,

mark

tuỳ duyên 隨緣 e: according with conditions

tỳ bà 琵琶 e: ballon guitars

tà thuật邪術e: deviant device

tam luân thể không三輪體空 e: the substance of the three aspects is empty

tầm tư尋思 e: discursive thought/contemplative

consideration

tham thiền參禪e: investigating a Chan topic

thanh trần聲塵 e: defiling object of sounds

Thành Tựu Phật 成就 佛 e: Accomplishment Buddha

Thiên chủ天主 e: Heavenly Lord

thiện tri thức善知識s: kalyāṇa-mitra; e: good

knowing advisors

thủ ấn手印e: seal-hand; s: mudrā

thừa cấp, giới hoãn 乘急戒緩 e: quick with the vehicle

but slow about the precepts

thuỷ quán tam-muội 水觀三昧 e: water-contemplation samādhi

Tôn-đà-la Nan-đà孫陀羅難陀s: Sundarananda

trần cảnh塵境e: defiling appearances

trí huệ siêu việt 智慧超越e: transcendental wisdom

trung ấm thân 中陰身e: temporary state

Tu đạo vị 修道位e: stage of the path of cultivation/ position of cultivating the Way

tư huệ思慧e: wisdom attained through contemplation/ wisdom of consideration

Tứ nhiếp pháp四攝法e: four methods of winning people over/ four dharmas of attraction

tự tại thân自在身e: physical self-mastery



Ư



Ưu-ba-ni-sa-đà 優波尼沙陀 s: Upaniṣad

V

vạn pháp duy thức 萬法惟識 e: myriad phenomena

arise only from consciousness

văn tự Bát-nhã 般若聞字 e: literary prajñā

vị trần 味塵 e: sense-object of flavor

Vi Hại quỷ 違害鬼 e: Unreasonably Cruel

Vị tằng hữu 未曾有 e: Previously non-existent dharma;

vị 味 e: tastes

vi trần 微塵 e: mote of dust

viên minh 圓明 e: perfect and bright

viên thông 圓通 e: fused perfectly/ perfect penetration

vô bần無貪 e: never poor

vô cấu thức 無垢識 e: consciousness devoid of filth

vô công dụng đạo 無功用道 e: effortless way

vô dư niết-bàn 無餘依涅槃 e: nirvana without residue

vô gián địa ngục 無間地獄 e: Relentless Hells

vô học 無學 e: no study, having nothing left to study

vô lậu 無漏 e: no outflows

Vô Lượng Thanh無量聲 e: Limitless Sound

Vô năng thắng無 能 勝e: invincible

vô ngại 無 礙e: unobstructed

vô sanh nhẫn無生忍 e: patience with the non-existence of beings and phenomena/ patience with non-production

vô sinh pháp nhẫn: 無生法忍 e: patience with the non-

production of phenomena

vô thượng giác đạo 無上覺道 e: unsurpassed

enlightened

vô tránh tam-muội 無諍三昧 e: non-contention

samādhi

võng lựơng 魍魎 c: wang liang

vọng năng 妄能 e: false ability

vọng trần 妄塵 e: dust of false thought

văn huân聞薰 e: permeated with hearing

văn huệ聞慧e: Wisdom [attained by] hearing/ wisdom of hearing

vị trần味塵s: aṇu-rāja; e: defiling object of flavors

vô gián địa ngục無間地獄e: Unintermittent Hell

vi tế vô minh 微細無明e: subtle ignorance

vô tác diệu lực 無作妙力e: miraculous strength of effortlessness

Vô thượng chánh đẳng chánh giác 無上正等正覺 e: unsurpassed proper and equal right enlightenment

vô trụ xứ niết-bàn無住處涅槃e: no outtlows nirvana without residue; s: apratiṣṭhita-nirvāṇa

vô vi 無為 s: asaṃskṛta; e: unconditioned

vô uý công đức無畏功德 e: virtue in bestowing fearlessness

vô tác diệu đức無作妙德 effortless, wonderfttl virtue



X



xa cừ 硨磲 e: mother-of-pearl

xí thạnh 熾盛 e: dazzling

xích châu 赤珠 e: red pearls/ ruby

xuất huyền nhập tẫn 出玄入牝 e: go out esoterically

xúc 觸 e: objects of touch.

xúc trần觸塵e: defiling object of touch



Y

y báo 依報 e: dependent retribution

ý thức 意識 e: mind-consciousness



yết-la-lam 羯羅藍 s: kalala







Dịch Việt:

Thích Nhuận Châu



Tịnh thất TỪ NGHIÊM

Pl. 2551

Đinh Hợi–2007.

Edited 1st: 19/05/2007

---o0o---

Hết tập 6 (còn tiếp)






[1] . Bản Taishō chép 歎. Bản đời Tống, Nguyên, Minh chép 讚




[2] . Tam luân không tịch


[3] . 杜順; c: Tu Hsun (557-640): Sơ tổ Hoa Nghiêm tông Trung Hoa. Hiệu Pháp Thuận. Ngài trụ ở núi Chung Nam, tuyên dương giáo lý kinh Hoa Nghiêm. Đương thời vua Đường Thái Tông nghe danh tiếng đạo hạnh của ngài, có mời vào cung thuyết pháp. Ngài còn dạy mọi người niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Ngài còn soạn Ngũ hối văn tán dương pháp tu Tịnh độ. Người đời tôn xưng ngài là Hoá thân Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Đôn Hoàng. Ngài thị tịch tại chùa Nghĩa Thiện, Nam Giao. Ngài Trí Nghiễm là đệ tử nối pháp.


[4] . Bản Taishō chép 泄 (tiết). Bản đời Tống, Nguyên, Minh chép 洩.


[5] . 印光 c:Yin Kuang (1861-1940): Tổ thứ 13 của Tịnh độ tông. Quê ở Cáp Dương, tỉnh Thiểm Tây. Họ Triệu, tên Thánh Lượng, biệt hiệu là Thường Tàm Quý tăng. Thuở nhỏ theo Nho học, từng bài bác Phật giáo, bị bệnh loà mắt. Nhân đó tỉnh ngộ, quy y Phật. Năm 21 tuổi, xuất gia với ngài Đạo Thuần ở Chung Nam Sơn. Suốt đời hoàng dương pháp môn Tịnh độ. Ngài luôn luôn giữ đúng 3 nguyên tắc: Không giữ chức trú trì, không thu nhận đồ chúng, không lên ngồi toà cao. Ngài thị tịch năm 1940 tại Linh Nham Sơn.




[6] . Bản Taishō chép 直; Bản đời Tống , Minh chép 真.




[7] . Bản Taishō chép 絃; Bản đời Tống, Nguyên, Minh chép 弦.




[8] . Bản Taishō chép 是. Bản đời Tống, Nguyên, Minh chép 所.

No comments:

Post a Comment